Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Hộ giới

12/04/201319:47(Xem: 12546)
7. Hộ giới
Hộ giới:

Tiếng Phạn là Bố Tát Trung Hoa dịch là ngã đối thuyết (nói với tôi), có nghĩa nhắm tướng thuyết tội; bèn phỏng theo nửa tháng sám hối mà dịch. Cũng dịch tịnh trụ thiện túc, có nghĩa bỏ xấu ác mà chứng pháp thiện lành, thân tâm được thanh tịnh y giới mà trụ. Cũng dịch là thuyết giới, có nghĩa là nửa tháng nhóm chúng tụng giới làm cho tăng trưởng pháp lành, giữ gìn tự tâm, nên biết Bố Tát đúng là điều quan trọng của việc hộ giới. Kinh Phạm Võng ghi rằng, nay tôi mỗi nửa tháng tụng giới pháp của chư Phật, hết thảy các vị phát tâm Bồ Tát cũng tụng, cho đến 10 phát thú, 10 trưởng dưởng, 10 Kim Cương, thập địa chư Bồ Tát cũng tụng như vậy. Vì thế giới quang từ miệng phát ra; có duyên chẳng phải không nhơn nên gọi là quang. Quang này chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; chẳng sắc, chẳng tâm, không hữu chẳng vô, chẳng phải pháp nhân pháp quả. Là bổn nguyên của chư Phật, là căn bổn của Bồ Tát đạo, là căn bổn của chúng Phật tử. Vì thế chúng Phật tử nên thọ trì, phải đọc tụng, nên cần học… đây gọi là hộ giới vậy. Hộ giới có thể tướng riêng biệt nửa tháng Bố Tát, cho chí đạo cụ, hộ giữ các tướng đó. Thọ giới chỉ một lần, giữ giới suốt trọn đời. Tân giới đối với các điều răn như 10 giới Sa Di, 24 oai nghi, Tỳ Kheo 250 giới, Bồ Tát 10 giới trọng, 48 giới khinh v.v…Tại giới trường đã đọc kỹ khai - giá - trì - phạm cũng như nghe giảng giải sơ phát tâm đâu chẳng tuân giữ. Vì lo sau khi ra khỏi giới trường dần dà gần gũi người xấu, dần nghe tà thuyết vi phạm không Bố Tát, không trì giới làm rối loạn chân tâm, bèn thành việc ma. Bắt đầu ăn phi thời, kế tiếp uống rượu, thậm chí ăn thịt, lại còn dâm dục… không việc gì mà không làm cả, thương thay! Dưới lớp áo cà sa đã đánh mất nhơn thân. Nghĩ lại xuất gia thọ giới những gì phải làm? Vì thế, Phật dạy, Tỳ Kheo các con phải tự sờ đầu mình. Sờ đầu để biết đầu mình cạo bóng, biết ta là con Phật, nên theo lời Phật dạy lấy giới làm thầy, y theo pháp 4 niệm xứ mà an trụ. Thà giữ giới mà chết chứ chẳng bằng phá giới mà sống! Giới luật thanh tịnh thì thiện pháp phát sanh. Kinh ghi rằng, tinh tấn giữ giới thanh tịnh, gìn giới như giữ châu sáng. Đó là y tướng giữ giới vậy.

Kế nói về y thế mà hộ giới, khởi đầu là 5 giới, cuối cùng là 3 tụ giới, tất cả các giới tướng so đồng nhất thể. Luật qui định phàm trước khi thuyết giới đều nói: nay vì ngươi mà tuyên đọc Yết ma Tam quy làm cho ngươi tự cảm phát giới thể, cho chí lời kết rằng, trở lên Tam quy chính là dung cái thể nơi tâm, nên biết ba Quy là hết thảy giới thể, vì thế nói là thể. Ba quy y theo sách Chánh Phạm ghi rằng, đem huệ thật tướng hiểu rốt ráo các pháp là phi không phi hữu; cũng không cũng hữu; cả hai đều quên, cả hai đều chiếu, 3 trí tròn sáng, đó là tự tánh Phật bảo, biết rõ lý của Pháp tánh. Ba đế đầy đủ là tự tánh Pháp bảo; trí hiểu biết nầy cũng hòa hợp sự lý là tự tánh Tăng bảo. Ba quy y như thế gọi là giới thể. Lại thỉnh Tỳ Kheo giới, sách Chánh Phạm ghi rằng, thập sư trên tòa vừa đến sáng nay nắm giữ vai chính lúc yết ma làm cho giới tử phát tâm thượng phẩm nghĩ tới nghiệp lực dụng tưởng khắp pháp giới, biến khắp các cảnh trần. Nhưng cảnh tùy tâm hiện; song chỉ hiện cảnh, chẳng có biểu sắc tức là giới, cái thể của cảnh trần cũng được cái nhân của giới. Nếu chưa đủ duyên nghĩ tới việc lãnh thọ như trên, thể của cảnh trần này không buộc nơi ngươi. Chỉ một khi phát tâm sau khi suy nghĩ lãnh thọ rồi, đây là thể cảnh trần pháp giới luôn nương tự tâm các ngươi, niệm niệm chẳng quên mất; luôn luôn giữ gìn là lấy giới làm năng y, tâm làm sở y. Tâm – pháp hòa hợp gọi là giới thể. Cái thể này như kinh Phạm Võng cho rằng chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, chẳng sắc, chẳng tâm, phi hữu phi vô, chẳng phải pháp nhân pháp quả, vốn không thể hộ, do bội giác hiệp trần (xoay lưng với giác hiệp theo trần), mê mất bản chơn, chấp nơi tà kiến như thân kiến, biên kiến, tà kiến, giới thủ, kiến thủ. Do 5 món kiến này sanh ra 62 kiến, do các kiến chấp đó nên không dứt sanh tử. Vì thế, giữ giới phòng ngăn nó không cho gần. Đó là y thể mà hộ giới vậy. Nơi mười triền[15], mười sử[16] cho chí tám vạn bốn ngàn trần lao vọng tưởng phiền não đều nên hộ trì làm cho vắng lặng. Kinh Lăng Nghiêm ghi rằng, hết thảy chúng sanh đều do không biết thân tâm thường trụ theo các vọng tưởng; tưởng đây không thật nên bị luân chuyển (xoay vòng). Kinh Hoa Nghiêm ghi rằng, Ta thấy khắp hết thảy chúng sanh có đủ trí huệ, đức tướng Như Lai. Chỉ vì vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì nhứt thiết trí, vô sư trí tự nhiên hiện tiền. Nên nói tri kiến biết tức là gốc vô minh; tri kiến không thấy nữa, đây là Niết Bàn vậy. Nghiệm xét như thế là hộ giới, như người chưa thể đạt đến rất khó, vã cần nương 4 niệm xứ quán, ngỏ hầu cũng có thể đạt được.

Chứng nghĩa ghi rằng, điều răn trong 7 chúng, nay đơn cử Tỳ Kheo là một chúng mà biết các chúng khác. Trong đây lấy giới làm thầy, y 4 niệm xứ mà trụ, thà giữ giới mà chết còn hơn không giữ giới mà sống. Bốn lời nói trên đã bao hàm hết thảy các điều giới. Nay thử lược nêu vài điều để chứng minh việc hộ giới, trong đó có thô - tế - khinh - trọng đều nên tinh ý giữ gìn không trái phạm. Kinh Lăng Nghiêm Phật bảo Ngài A Nan rằng, con tu thiền định để ra khỏi trần lao mà tâm dâm không trừ thời trần không thể thoát được. Giả sử đa trí, thiền định hiện tiền, nếu không đoạn dâm ắt rơi vào ma đạo. Thượng phẩm là ma vương, trung phẩm là ma dân và hạ phẩm là ma nữ. Chúng ma kia mỗi loại tu Tam muội để ra khỏi trần lao mà tâm sát hại không trừ thời trần không thể thoát được. Giả sử đa trí, thiền định sẵn sàng, nhưng không đoạn sát sanh ắt rơi vào thần đạo. Thượng phẩm làm người, làm đại lực quỉ, trung phẩm làm dạ xoa phi hành, điều khiển các quỉ, hạ phẩm làm la sát địa hành. Các loại quỉ thần cũng có đồ chúng, mỗi loại tự cho rằng đã thành vô thượng đạo v.v…

Phật lại dạy: con tu tam muội để ra khỏi trần lao mà tâm trộm cắp không trừ trần không thể thoát được. Giả sử đa trí thiền định sẵn sàng, nếu không đoạn trộm cắp hẳn rơi tà đạo. Thượng phẩm làm tinh linh, trung phẩm làm yêu tinh, hạ phẩm làm người tà tâm. Các loài yêu tinh chấp chặt vào những tà pháp của chúng; chúng cũng có đồ đảng, mỗi bọn họ tự cho rằng đã thành vô thượng đạo v.v… Phật lại dạy: Ba hành đã tròn đủ, nếu đại vọng ngữ cho là thiền định không đạt thanh tịnh, thành ma ái kiến mất chủng tánh Như Lai (Phật). Cho nên chưa đắc bảo đã đắc, chưa chứng nói chứng… là một điên ca tiêu diệt giống Phật. Như người dùng dao chặt cây Đa La, Phật bảo người đó vĩnh viễn mất hết thiện căn v.v… Đây là vấn đề hộ giới rất rộng, rất sâu vậy. Sách Thiền Tông bí yếu ghi, xưa có trạng hỗ Ngũ Vân gặp vị thiền sư một hôm đi dự tiệc; có một thần nhân quỳ gối phía trước. Sư hỏi rằng ngươi là ai vậy?

- Đáp: Thần hộ giới.

Thiền sư nói: cái họa của ta kiếp trước chưa hết, ngươi có biết việc đó không?

- Hỏi: sư có tội gì? Chỉ có một lỗi nhỏ thôi mà!

- Sư hỏi: là lỗi gì?

- Phàm đổ nước bình bát cũng là vật của thí chủ, sư bèn đổ bỏ đi, chẳng phải việc nên làm, nói xong liền biến mất.

Từ đó thiền sư rửa bát lấy nước uống hết.

Ngoài ra Luận Đại Trí Độ ghi rằng, có một vị Tỳ Kheo ở trong rừng đi kinh hành bên bờ ao sen, nghe mùi thơm của sen, sư kê mũi hửi, tâm ưa đắm thích. Vị tri thần hiện ra nói:

- Sao ông bỏ thiền lấy trộm hương? Chỉ đắm mùi hương mà các kiết sử lắng (chìm) xuống nay đều khởi lên. Khi đó có người canh cắt hoa, đào gốc mang đi. Thần không nói một lời nào cả. Tỳ Kheo hỏi rằng:

- Người này phá ao lấy hoa, ngươi không nói; ta chỉ hửi mùi thơm liền bị quở trách là tại sao?

- Địa thần nói: người ác ở đời thường bị lấm phân dơ, bất tịnh mất đầu, ta đâu đề cập tới làm gì. Ngươi là người tốt hành thiền mà còn đắm mùi thơm làm hỏng mất điều tốt. Vì thế phải trách ngươi, ví như tấm đệm mới trắng sạch mà bị một chấm đen vấy vào, ai thấy cũng lấy làm tiếc. Người ác kia cũng như chiếc áo đen dính mực, ai thấy tiếc bao giờ? Việc hộ giới đây cũng thế rất là tinh vi tế nhiệm. Ôi, há không cẩn thận sao! Trước nhất gọi là trì giới mà khởi sự sơ tâm không chịu cầu giới, nhẫn đến dựa thể mà gìn giữ, nên học rộng kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm phẩm phạm hạnh, kinh Niết Bàn phẩm phạm hạnh, cho chí kinh điển của Thiên Thai tông đều nên thực hành. Như nói nhân giới sanh định, nhân định phát huệ còn chưa theo kịp.

Trước hết quán bốn niệm xứ:

1) quán thân bất tịnh

2) quán thọ là khổ

3) quán tâm vô thường

4) quán pháp vô ngã.

Quán bốn pháp niệm xứ này là điều căn bản của sự tu hành, là khí cụ của hộ giới; vì thế mượn đó đây kết lời khuyên này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]