Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc sách “Để Ngộ Tông Chỉ Phật” của Nguyên Giác

21/01/202006:32(Xem: 6190)
Đọc sách “Để Ngộ Tông Chỉ Phật” của Nguyên Giác


De ngo tong chi Phat

Đọc sách “Để Ngộ Tông Chỉ Phật” của Nguyên Giác

 

Đây là cuốn sách thứ 14 của tác giả. Đối với một tu sĩ, nếu như một đời người mà có thể trước tác được mười bốn cuốn sách Phật thì đó đã là điều hi hữu. Ở đây, một cư sĩ đang sống tại Hoa Kỳ- một quốc gia mà nhu cầu hưởng thụ quay cuồng, biến đổi, thôi thúc từng giây từng phút. Nợ áo cơm và bận bịu gia đình phải nai lưng ra mà trả bởi vì có ai lại đem tiền bạc, đồ ăn, y phục cúng dường một cư sĩ Phật tử bao giờ? Muốn có phước báu thì phải đem cúng chùa hay cúng cho giảng sư thuyết pháp nổi tiếng chứ. Chuyện cúng dường cho cư sĩ là chuyện không bao giờ có -cho dù đó là một cư sĩ kiệt xuất như cụ Nguyễn Du, BS. Lê Đình Thám hay cụ Trần Trọng Kim, cụ Đoàn Trung Còn…. Do đó, cư sĩ có hết lòng vì Phật pháp chẳng qua cũng chỉ vì lời nguyện có từ kiếp trước là hoằng dương chánh pháp, hộ pháp mà không sở cầu bất cứ một lợi lạc nào. Thậm chi sách in ra rồi còn phải bỏ tiền mua sách từ nhà xuất bản Amazon rồi chi phí tem thư, ra nhà bưu điện gửi…để biếu không.

Điều đáng trân trọng nơi cư sĩ Nguyên Giác là tác giả bám chặt kinh điển và lời dạy của chư Tổ, không dám phóng túng cho nên nội dung có thể khô khan, nhưng “chắc ăn” và nó giúp độc giả ngộ được “Tông Chỉ Phật” mà không lạc vào đường tà. Xin nhớ cho ngày nay xuất hiện khá nhiều tà sư mê muội chúng sinh. Tu năm ba tháng đã thành Thánh hay sờ vào đầu là đã “truyền tâm ấn”, ôm nhau nhảy múa ca hát làm ô uế cửa Thiền…mà gọi đó là “phá chấp” hay “hiện đại hóa” Phật Giáo. Xin nhớ pháp Phật bao trùm lên pháp thế gian nhưng pháp thế gian không thể là pháp Phật. Thí dụ, pháp thế gian lấy ôm hôn, ca hát, nhảy múa, vui chơi, hò hét… là hạnh phúc. Nhưng pháp Phật thanh tịnh, không phiền não là hạnh phúc. Pháp thế gian lấy cầu nguyện, cúng tế để giải nghiệp. Còn pháp Phật lầy từ bi và tăng trưởng tâm lành, làm việc lành để giải nghiệp. Sách dày 275 trang, bao gồm 26 chương.


1) Hương Hoa Cúng Dường Chư Phật

            Trong chương này tác giả trích dẫn kinh nói rằng, “Trong Tăng Nhất A Hàm, có Kinh EA-20.3, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, có đoạn viết là khi nói về cúng dường, ghi rằng nên cúng Đức Phật hương hoa thay vì vàng bạc trân bảo. Kinh này trích như sau: “…Ông lại nghĩ như vầy: ‘Trong sách có ghi, Như Lai không nhận vàng bạc trân bảo, ta có thể đem năm trăm lạng vàng này, dùng mua hoa hương rải lên Như Lai.’ Lúc đó, bà-lamôn liền vào trong thành tìm mua hương hoa.” (2) Khi nói nên cúng hương hoa thay vì vàng bạc trân bảo, có thể vì hương hoa mang ẩn nghĩa là hoa của giới, hoa của định, hoa của tuệ? Cũng có thể có ẩn nghĩa đó. Bởi vì Kinh AN 5.175, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật rằng hoa sen còn tượng trưng Chánh tín của người cư sĩ.

            Qua việc trích dẫn những đoạn kinh nói trên, tôi có thể hiểu rằng người Phật tử không nên mặc cảm về số tiền nhiều ít cúng chùa. Tất cả phước báu đều như nhau.


2) Vượt Trên Cả Chư Thiên.

Chương này tác giả dịch nguyên một bài của Bhikkhu Bodhi từ Anh Ngữ. Ngài Bhikkhu Bodhi là một vị sư Theravada từ năm 1971. Là một dịch giả Kinh Tạng Pali sang tiếng Anh, sư cư ngụ và giảng dạy ở Chuang Yen tại Carmel, New York. Sư là nhà sáng lập và là Chủ tịch hội từ thiện Buddhist Global Relief. Bài này rất quan trọng cho hàng Phật tử “Bồ đề tâm chưa kiên cố” và thường bị chao đảo với lý luận của ngoại đạo. Theo tác giả, “Các tôn giáo độc thần tin rằng vũ trụ và nhân loại sinh ra từ một Đấng Sáng Tạo, một thời xưa cổ được hình dung như là một ông già tóc bạc râu dài đã sanh ra con người theo mô hình Thượng Đế. Khi khoa học cho biết không thể có một vị như thế, các lý thuyết gia độc thần mới xóa hình ảnh râu dài tóc bạc và diễn giải Thượng Đế Sáng Tạo như một định luật đã sanh ra loài người và quan phòng cho khắp thế giới. Một số tôn giáo Tây phương còn đồng nhất khái niệm Phật Tánh (Buddha-nature) với Đấng Sáng Tạo trong khi chiêu dụ Phật tử cải đạo. Thực ra, Phật Tánh không hề sanh ra gì hết.”

Đúng vậy. Phật tánh là tánh rỗng lặng. Nó chẳng sinh, chẳng diệt. Nó chẳng sinh ra con bò, con người hay cây cỏ vạn vật. Nó là Tánh chứ không phải là Vật cho nên Lục Tổ Huệ Năng mới nói rằng, “Bản lại vô nhất vật”. Xin đừng để lung lạc bởi lý luận của các tôn giáo thờ thần. Còn về Cõi Trời nơi chư thiên và thiên thần ở, “Thọ mạng của các chúng sinh này vượt xa chúng ta, từ hàng trăm ngàn năm cho tới hàng ngàn chu kỳ thế giới này. Tuy nhiên, giống hệt như tất cả các pháp sanh diệt, ngay cả các chúng sinh thần linh này cũng vô thường, sẽ chết khi nghiệp của họ đã mãn.”


3) Chánh Niệm Trong Thiền Việt Nam

Chương này trình bày sơ lược về cách mà các vị Thiền sư Việt Nam thời xưa đã truyền dạy đệ tử, trong đó nói rõ nội dung của chánh niệm là gì. Đó là: Tin sâu nhân quả, tinh tấn, nhận rõ Khổ Đế, giữ nghiêm giới luật, sáu thời sám hối, sám hối những gì mà sáu căn đã nhiễm ô. Cụ thể là Vua Trần Thái Tông đã dạy pháp sám hối sáu căn, phải tu Giới Định Huệ, niệm Phật và Thiền tập. Như vậy những ai nói là tu Thiền mà chưa qua tám cửa ải này thì đó chỉ là phàm phu thiền hay ngoại đạo thiền chứ chẳng phải là Thiền của chư Tổ ngày xưa hay còn gọi là Như Lai Tối Thượng Thừa Thiền.


4) Đoạn Tận Lậu Hoặc Lập Tức

             Trong chương này tác giả trả lời câu hỏi: Làm thế nào để các lậu (khổ đâu, phiền não) hoặc đoạn tận lập tức? Nghĩa là, không cần trải qua thời gian lâu dài. Cũng không cần tu Tứ niệm xứ hay Tứ thiền bát định. Nghĩa là, tức khắc giải thoát, không chờ tới chuyện phải tìm một gốc cây để ngồi. Một lần, câu hỏi đó được Đức Phật trả lời. Đó là Kinh SN 22.81. Câu trả lời Đức Phật đưa ra là phải thấy các pháp là “vô thường, hữu vi, do duyên sanh” – và ý này Đức Phật lập lại trong Kinh tới 20 lần, và nhóm chữ “lậu hoặc được đoạn tận lập tức” được Đức Phật lập lại trong Kinh tới 12 lần.


5) Chỉ Một Phút Thôi

            Đây là bài viết có tên “Just One Minute” (Chỉ một phút thôi) của cô giáo Naomi Baer dạy toán tại trường trung học ở thành phố St. Paul, Minnesota. Bà học Thiền Vipassana năm 1991. Bà đã giải quyết nạn học sinh trong lớp ồn ào và phá như giặc bằng cách cho các em ngồi yên, theo dõi hơi thở trong vòng một phút. Cuối cùng bà đã thành công, lớp học êm ru, các em từ đó “ghiền” ngồi Thiền.


6) Đức Phật Dạy Pháp Niết Bàn Tức Khắc

            Nhân việc ngài Meghiya là vị thị giả trước ngài Anan không nghe lời Phật và nằng nặc đòi an trú một mình tại khu vườn soài xinh tươi bên bờ Sông Kimikàlà, cuối cùng về bạch Đức Phật rằng khi ngồi Thiền ông thấy tâm khởi lên nhiều niệm: dục (tham dục), sân (bực dọc, giận), hại (nguy hại, bạo lực). Đức Phật nhân đó liệt kê ra 5 pháp cần có để tâm giải thoát thuần thục: (1) cần sống gần bạn thiện hữu tri thức, (2) cần giữ giới, (3) cần nghe kể các chuyện về ly tham và hướng tâm về giải thoát, (4) cần kiên trì rời tâm không lành và vun trồng tâm lành, (5) cần quán sát các pháp sanh khởi và biến diệt để hướng tới xa lìa sầu khổ.


7) Tâm Từ: Đọc Trong Mùa Vu Lan

            Theo truyền thuyết, một nhóm các vị sư vào rừng ngồi thiền, kinh hãi vì các chúng sinh phi nhân (không phải là người) quấy phá. Đức Phật dạy bài kinh Metta Sutta tức Kinh Từ Bi làm pháp đối trị sợ hãi. Các vị sư tụng kinh này và cảm thấy bình an, trong khi các chúng sinh cõi phi nhơn trong rừng cũng hoan hỷ. Thầy Thích Thiện Châu dịch về nguyên nhân giảng kinh như sau:

 “Các thầy tỳ kheo thường hành thiền dưới các cội cây to lớn. Ban đầu chư thiên cư ngụ trên cây rất vui mừng và để tỏ lòng kính trọng chư tăng, họ đã tạm dời xuống mặt đất. Nhưng sau một thời gian, cuộc sống dưới mặt đất rất bất tiện nên họ đâm ra bực bội. Biết không thể nào chịu đựng được như vậy trong ba tháng nên chư thiên đã tìm đủ mọi cách để xua đuổi các thầy tỳ kheo ra khỏi khu rừng. Họ đã biến hóa ra những hình ảnh ghê sợ, những âm thanh rùng rợn và các mùi hôi thối để làm nản lòng các thầy. Trước những cảnh tượng kinh hoàng, tâm của các thầy bắt đầu dao động, sợ hãi, và đâm ra mất ăn, mất ngủ, thân thể bệnh hoạn, ốm yếu, gầy mòn. Tinh thần không còn yên ổn để hành thiền. Do đó các thầy cùng nhau quay về Savatthi để xin đức Phật cho nhập hạ tại một nơi khác. Đức Phật hỏi nguyên do và nhận thấy không có chỗ nào thích hợp hơn khu rừng, nên ngài khuyên các thầy nên trở về chỗ cũ và dạy cho các thầy bài kinh Từ Bi để tự bảo vệ khỏi sự quấy phá của chư thiên. Các thầy tuân lời và học thuộc lòng bài kinh này trước khi trở lại khu rừng.


8) Ai Bố Thí Qua Bờ Bên Kia

            Một điểm thường gây tranh cãi là về chuyện tiền thân Đức Phật, khi ngài là vị Bồ tát có tên là Vessantara. Lúc đó, vị Bồ tát này bố thí cả vợ và hai con nhỏ cho một người Bà La Môn già, xấu xí, tham lam. Có thật Đức Phật kể chuyện cổ tích như một ẩn dụ, hay chuyện này đã xảy ra như thế trong một kiếp lâu xa nào đó?

Cuối cùng tác giả đã giải quyết chuyện này bằng cách giải thích rằng, “Khi nói bố thí cả vợ con chỉ có nghĩa là buông xả tâm niệm "có cái gì là cái của tôi" và bất cứ những gì tương tự như thế. Và “vợ con” chỉ có nghĩa là tâm tham hữu về vị lai. “

Đúng thế, khi “ngũ uẩn giai không” tức cái Tôi không có thì làm gì có Cái Của Tôi. Do đó bố thí cả vợ con có nghĩa là dứt sạch ý niệm hay vọng niệm chấp giữ những cái gì là của tôi.



De ngo tong chi Phat-1




9) Giữa Các Ngã Rẽ Phân Hóa

            Trên cương vị của một nhà báo, tác giả luôn luôn giữ sự kính trọng đối với các tu sĩ của các tôn giáo khác. Thế nhưng tác giả thấy mình đã rơi vào cái chỗ phải tranh cãi “khi nhìn thấy một số người muốn bóp méo lịch sử để tôn vinh ông Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ là mình phải lên tiếng.” Thế nhưng tác giả lên tiếng bằng cách ôn hòa“Dịch các hồ sơ mới giải mật của chính phủ Mỹ về thời kỳ 1963. Đó là các điện văn trong năm 1963, giữa Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn và Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế gửi qua lại về Tổng Thống Mỹ, Bộ Ngoại Giao Mỹ và các cơ quan an ninh Mỹ. Đó là các thông tin trực tiếp, các báo cáo về những cuộc đàn áp của chính phủ Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo, và về cuộc đấu tranh bất bạo động của tứ chúng Phật Giáo để đòi bình đẳng tôn giáo. Đó là những thông tin mật gửi từ Việt Nam để Tổng Thống và nội các Hoa Kỳ có dự liệu hoạch định chính sách. Các điện văn đó chỉ báo cáo cho người hoạch định chính sách Hoa Kỳ, không viết cho ai khác đọc. Các điện văn đó không có ý bôi nhọ hay tôn vinh ai, mà chỉ là thông tin ròng về các sự kiện đã xảy ra. Đó là cách tôi giải quyết học được từ nghề báo: mời gọi mọi người nhìn vào sự kiện, chưa cần phê phán hay nhận định. Mình không tranh cãi, mà tự động họ cãi không nổi.”

            Còn chuyện về các giáo hội khác nhau ở hải ngoại, tác giả viết, “Khi đã giữ lòng tôn kính tất cả những người trong cộng đồng như thế, lòng tôi tất nhiên giữ hạnh rất mực tôn kính các giáo hội Phật giáo hải ngoại. Tôi đã chứng kiến những bước trưởng thành của cộng đồng mình, từ những năm chưa có bao nhiêu chùa tại Quận Cam, cho tới bây giờ chùa nhiều đếm không xuể. Trong cương vị nhà báo, tôi đã chứng kiến các cộng đồng tan vỡ, tách đôi và rồi tách ba. Về giáo hội Phật giáo mình cũng thế. Nghe chữ “tăng già hòa hợp” không có bao nhiêu thực nghĩa. Khi giáo hội phân hóa, các đơn vị Gia Đình Phật Tử cũng tương tự. “Thế nhưng tác giả tìm cách giải quyết như sau, “Nếu tất cả các đơn vị Gia Đình Phật Tử đi tìm tận gốc các lời dạy của Đức Phật trong các năm đầu hoằng pháp đó, cũng thực sự là di sản Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, sẽ không còn ai băn khoăn chuyện phân biệt tông phái hay bộ phái nữa. Từ căn bản đó, là sẽ không lạc lối. Đó là tất cả những gì tôi muốn đề nghị các bạn giữ lấy mối dây Chánh pháp để không bị phân vân khi thấy các ngã rẽ phân hóa.”


10) Để Ngộ Tông Chỉ Phật

            Theo sự hiểu biết của tác giả, “Ngộ đây là ngộ tông chỉ Thiền…Trong kinh tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), Đức Phật gọi ngộ là Chánh kiến, có khi gọi là Chánh tri kiến.” Trong Trung A Hàm, Kinh MA 189 (Kinh Thánh Đạo), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, “Thế nào gọi là chánh kiến? Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chánh kiến.” (2)


11) Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo

Nơi đây, tác giả trích dẫn một số lời Đức Phật dạy về Chánh ngữ trong các Kinh do Thầy Thích Minh Châu dịch. “…Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. (Kinh SN 45.8) --- Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm. (Kinh AN 5.198)

Trong Trường A Hàm, Kinh DA 24 (Kinh Kiên Cố), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, có ghi lời Đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.”

Thói thường của người đời, nếu có công đức thì khoe, còn lỗi lầm thì dấu nhẹm. Thế nhưng theo thánh đạo của Phật thì công đức nên dấu mà lỗi lầm nên bày tỏ để sửa chữa. Cho nên người giàu của ai cũng thấy, còn người giàu đức thì khó thấy.


12) Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông

            Trong chương này tác giả nói rằng, “Khi nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lời Đức Phật dạy qua nhiều thời kỳ khác nhau, sẽ thấy tất cả đều tương thông, trong tận cùng là không dị biệt, không trái nghịch giữa các truyền thống, dù là Nam Tông hay Bắc Tông.” Và “Lời dạy thường nhật của Thiền Tông là nhận ra tự tánh các pháp vốn rỗng rang vô tự tánh.” Khi nhận biết tự tánh vốn không thì thần chết cũng thoái lui. Cho nên trong nhóm Kinh Tập, trả lời câu hỏi hỏi vị Có Mắt Tối Thượng nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy mình? Đức Phật nói, “Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.” Như vậy tu Thiền đạt tới trình độ như chư Tổ thì các ngài đã vượt qua bờ sinh-tử không sai.


13) Như Tranh Vẽ Trên Hư Không

            Theo tác giả, “Lời dạy như huyễn của Thiền Tông đã xuất hiện từ những năm đầu khi Đức Phật mới đi hoằng pháp. Mở đầu nhóm Kinh Tập là Kinh Sn 1.1 - Uraga Sutta. Kinh Sn 1.1 gồm 17 bài kệ, lập lại câu “tất cả thế giới này là không thật” tới 5 lần trong 5 bài kệ mang số từ 9 tới 13.” Vì thế giới này không thật cho nên Phật dạy phải buông bỏ. Và Đức Phật đã lập lại 17 lần nhóm chữ “rời bỏ được cả bờ này và bờ kia” trong 17 bài kệ của Kinh Sn 1.1. Như vậy bờ Mê cũng bỏ mà bờ Giác cũng bỏ đúng như một đoạn trong Bát Nhã Tâm Kinh, “Vô trí diệc vô đắc”. Như vậy tất cả những gì mà chúng sinh đang nhìn thấy đây đều do chúng sinh tự vẽ ra. Nó loạn sinh ra và loạn diệt mất giống như tranh vẽ giữa hư không.


14) Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói

            Chương này “Viết về Thiền, phần lớn sẽ ghi một số lời dạy của Đức Phật trong pháp Thiền Tông, còn gọi là Thiền Đông Độ, hay Thiền Đạt Ma, hay Thiền Tổ Sư, và riêng tại Việt Nam còn gọi là Thiền Trúc Lâm.” Dù nói là không cửa (vô môn quan) nhưng vẫn lấy giới- định-huệ để lìa tam độc (tham, sân, si) và vẫn dạy niệm Phật. Vì “không cửa” cho nên một ông tăng không thể ôm một chồng kinh điển để vào cửaThiền. Vì “không cửa” cho nên lối ngộ Thiền hoàn toàn khác nhau. Mỗi vị tăng ngộ Thiền một cách khác. Thế nhưng tuy “cách” tức hoàn cảnh có khác nhưng tất cả đều phải ngộ “tông chỉ Phật”.


15) Huệ Khả Cầu Pháp Đọc Từ Tạng Pali

            Trong chương này chúng ta cần biết người tu Thiền có thể đạt được Niết Bàn ngay bây giờ không? Hay phải đợi chết đi mới có? Tác giả trích dẫn lời dạy của Đức Phật để nói rằng, “Niết Bàn hữu dư là với các vị tuy đã đoạn tận lậu hoặc nhưng còn thấy có pháp để tu; trong khi đó, Niết Bàn vô dư là các vị vẫn sống trong đời này (chứ không phải đã chết) nhưng không thấy căn-trần-thức nào để tu nữa.”

Đây là sự khác biệt có tính quyết tử giữa đạo Phật với các đạo thờ thần là phải chết đi thì mới thấy Thiên Đàng. Trong khi theo Phật thì ngay bây giờ và tại nơi đây (here now) cũng có thể đạt tới Niết Bàn mà Niết Bàn thì còn cao tột hơn cả Thiên Đàng. Thiên Đàng vẫn còn Ái-Dục mà Ái-Dục lại sinh khổ đau. Còn Niết Bàn là đã tuyệt trừ mọi khổ đau, phiền não và sinh tử luân hồi.


16) Tin Phật, Tin Pháp, Tin Tăng

            Trong chương này tác giả nhận định về thời đại cách mạng truyền thông và điện tử như sau,”Những lời bình luận ngắn và ác ý trên mạng xã hội cũng có sức mạnh đẩy một số ca sĩ nổi tiếng vào trầm cảm, có khi tới mức tự sát. Những hình ảnh sửa đổi, giả mạo, gán ghép khi phóng lên mạng đã trở thành vũ khí bôi nhọ mới. Những lời quy chụp vô căn cứ đưa lên YouTube lại được nhiều người tin tưởng và hùa theo chửi mắng. Không chỉ là quân đội nước này với nước kia, chính người đời thường với kỹ năng công nghệ cũng có thể gài bẫy nhau, hại nhau cả trăm đường. Chỉ một vài bản tin nhỏ, có khi được viết một chiều và không nói hết sự thực, ngay hôm sau đã trở thành những cú xì căng đan chấn động xã hội. Nạn nhân có thể là cả một dân tộc, như khi bản đồ Biển Đông bị vẽ lại và phổ biến khắp thế giới mạng. Nạn nhân cũng có khi là nữ ca sĩ Nhật Bản hay Đài Loan, có khi là chư tăng Việt Nam hay Nam Hàn, và rất nhiều trường hợp tương tựTrong một thế giới khắp trời là mưa bom, mưa đạn, mưa bàn phím… như thế, nhiều người trong chúng ta thấy bất an.” Và trong đời sống của Phật tử và tăng ni, “Một số Phật tử kém kỹ năng gạn lọc sự thực, lại tin vào các tà sư đang thuyết tà giáo trên YouTube, và TV. Nhiều Phật tử không bận tâm gì tới pháp nghĩa, trong khi bị “hút hồn” vì các phương tiện phim ảnh đang làm cho hình ảnh các Thầy đẹp hơn, làm cho giọng nói các Thầy truyền cảm hơn, làm cho các bản nhạc Thiền ca dễ làm say đắm lòng người hơn.”

            Trước sự thực quay cuồng của thời kỳ mạt pháp như vậy chúng ta phải làm sao? Theo tác giả thì không còn cách nào hơn là an trụ ngay chính tâm mình bằng chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ, “Hãy giữ lòng kiên cố thanh tịnh, tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng. Hãy thấy rằng ngay trong khoảnh khắc này, khi chúng ta tỉnh thức, quan sát và nhìn thấy tâm mình không tham-sân-si, đó chính là đang Thấy Phật, là đang sống trong thời Chánh Pháp.”


17) Phụ Nữ Trong Chánh Pháp

            Trong chương này tác giả bàn tới chuyện phụ nữ có thể chứng quả, có thể tu thành Phật được không. “Đối với một người đã giác ngộ, sẽ không còn thấy nữ tính và nam tính nữa. Với một số vị thường quán bạch cốt, sẽ thấy thân mình và người chỉ là một nhóm xương khô đang đi đứng nằm ngồi. Khái niệm nữ tính và nam tính biến mất được nêu ra trong Kinh SN 5.2, khi nữ A La Hán Soma trả lời Ma Vương bằng bài kệ: “Nữ tính không tạo ra chút gì khác biệt, khi tâm định tĩnh, khi tri kiến hiển lộ không ngưng đối với người nhìn đúng được Chánh Pháp. Đối với người có thể khởi tâm ‘Tôi là một người nữ’ hay ‘Tôi là một người nam’ hay ‘Tôi là bất cứ gì’ – thì chỉ thích nghi cho Ma Vương nói chuyện.

 Các luận sư Đại Thừa nói rằng người nữ có thể tu thành Phật. Tuy nhiên, Kinh Tạng Pali nói rằng người nữ không thể thành Phật, cụ thể là trong Kinh MN 115, bản Việt ngữ là Kinh Đa Giới do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. Nhưng Đại sư Anālayo tin rằng Kinh MN 115 trong Tạng Pali đã bị chư tăng đời sau chèn thêm ý kỳ thị nam nữ vào. Kinh Tạng Pali, bản Việt ngữ do HT Minh Châu là Kinh Rắn Đen AN 5.230, so sánh loài rắn đen với phụ nữ. Kinh này như sau: “Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen.Thế nào là năm? Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nọc độc của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ kheo, nữ nhân phần lớn hay tham đắm. Ở đây, này các Tỷ-kheo, lưỡi chia hai của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn nói hai lưỡi. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nữ nhân làm hại bạn như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn ngoại tình!”

Trong chương này tác giả trích dẫn một công án Thiền liên hệ tới một Thiền sư ni Nhật Bản. Thiền sư ni tên là Kakuzan Shido (1252- 1306). Bà là người sáng lập ngôi chùa Tokeiji, nơi này cũng đón nhận và chăm sóc phụ nữ bị bạo lực, nơi này được mệnh danh là nơi tạm trú đầu tiên cho phụ nữ bị lạm dụng trên thế giới.


18) Khi Thiền Ni Chiyono Chứng Ngộ

            Chương này tác giả dịch nguyên bài viết “The Enlightenment of Chiyono” của Anne Dutton, của sách “Zen Sourcebook: Traditional Documents from China, Korea, and Japan. Đây là cuộc đời ly kỳ và gian khổ của một cô gái con nhà quý tộc quyết tâm học Phật và chứng ngộ. Về sau, Chiyono được gọi là Ni trưởng Nyodai. Khi người ta tới hỏi pháp, Thiền ni này luôn luôn trả lời, “Đức Phật người có khuôn mặt là mặt trăng.” Thiền ni Chiyono đã gặp Thiền sư Wu-hsueh và đã nhận ấn khả truyền tâm, trở thành người nối pháp. Pháp danh của Thiền ni là Mujaku Nyodai. Thiền ni là người tài trợ cho ngôi Chùa Rokuon-ji tại thị trấn Kitayama ở kinh đô Kyoto, trong tinh Yamashiro, nơi bây giờ được gọi là Kinkakujoi. Bài thơ của Thiền ni Chiyono khi bừng ngộ là:

Với này và kia, tôi đã tận lực.

Và rồi đáy thùng bể văng ra.

Khi nước chảy tuôn trào.

Mặt trăng không nơi để trụ.

            Bài kệ này, với trí tuệ lu mờ, nhưng tôi có thể hiểu là khi vô minh tan vỡ (đáy thùng bể văng ra) thì vạn hữu đều giả dối, cũng giống như mặt trăng nơi đáy thùng chẳng còn.

19) Tỉnh Thức Rực Rỡ: Đọc sách “Vivid Awareness”

Chương này tác giả giới thiệu và tóm lược tác phẩm “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” của đại sư Khenchen Thrangu, dựa vào bản Anh dịch của David Karma Choephel, ấn bản 2011, nhà xuất bản Shambhala. Sách này nói về một Thiền pháp của Kim Cang Thừa. Lý do chọn sách này vì qua đây có thể hiểu được và vào được Thiền Tông, tức là Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Pháp thiền của Đại Sư Khenchen bao gồm cả Thiền Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên Mãn). Muốn vào được pháp môn này, “Trước tiên, phải tin vào nghiệp, tức là tiến trình nhân quả. Có bốn loại nghiệp. Thứ nhất, là nghiệp gặp ngay trong kiếp này. Thứ nhì, là nghiệp gặp khi tái sinh ở kiếp kế tiếp. Thứ ba, nghiệp gặp trong nhiều kiếp sau. Thứ tư, nghiệp có thể xảy ra và cũng có thể không xảy ra trong tương lai, tùy vào nhân duyên. Do vậy, phải biết phân biệt thiện pháp và bất thiện pháp để làm lành, lánh dữ; cách đơn giản là, cần giữ giới luật. Có nghĩa là giữ cả ba nghiệp – thân, khẩu, ý – đều thanh tịnh.”

20) Kinh Phật Nói Gì Về Vong Linh?

            Mở đầu chương này, tác giả nói rằng, “Trong nước đang sôi nổi về chuyện thỉnh vong, giải trừ oan gia trái chủ tại ngôi Chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh. Bài này không có ý trực tiếp góp tiếng thảo luận về những sự kiện người viết không theo dõi đầy đủ. Chủ đề bài này nêu ra là: Kinh Phật trong Tạng Pali nói gì về chuyện vong linh? Đây là một đề tài gây sôi nổi, được nhiều học giả tôn túc tìm hiểu, thảo luận.”

            Tác giả trích dẫn Kinh Châu Báu (Ratana Sutta). Kinh này có trong Kinh Tập (ký số Sn 2.1) hiện có nhiều bản Anh dịch. Theo đó, thành phố Vesali bị nạn dịch, gây chết chóc, đặc biệt với người nghèo. Vì xác chết nằm la liệt, các vong hung dữ bắt đầu quậy phá thành phố; kế tiếp là bệnh truyền nhiễm chết người. Vì gặp cả ba nỗi lo về đói, về vong dữ, và về dịch bệnh, cư dân tìm tới, xin Đức Phật, lúc đó ngài đang ở Rajagaha, cứu giúp.”Tại nơi đây, Đức Phật đọc bài Kinh Châu Báu cho ngài Ananda, dạy ngài về cách nên hướng dẫn và cùng với cư dân Vesali đi quanh thành phố, tụng kinh này để dùng như oai lực bảo vệ cư dân Vesali. Ngài Ananda làm theo lời dạy, rải nước tịnh thủy từ bình bát riêng của Đức Phật. Do vậy, các ác vong được nhẹ nghiệp, nạn dịch bệnh giảm.” Như vậy theo Kinh Châu Báu thật có vong linh không siêu thoát và cũng cần phải cứu độ vong linh.

Tác giả còn dẫn chứng thêm Nhóm Chuyện Petavatthu bao gồm 51 bài, kể về các trường hợp khác nhau, cho thấy ác nghiệp sẽ dẫn tới tái sanh vào cõi “quỷ đói” (ngạ quỷ peta). Đó là trường hợp mẹ của ngài Indacanda, “Này cô nàng lòi cả xương sườn, gầy guộc, nàng là ai mà đứng ở nơi đây, lõa lồ, có vóc dáng xấu xí, ốm o, nổi đầy gân?”

Nàng quỷ đói trả lời, “Tôi là mẹ của ngài trong những kiếp sống khác trước đây, đã bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ, bị gánh chịu sự đói khát.” Rồi chuyện của cô vợ của ngài Nandasena trong kiếp trước, làm nhiều điều ác, thác sinh vào cõi ngạ quỷ với thân hình đen đủi, có vóc dáng xấu xí, thô kệch, có dáng vẻ ghê rợn, có mắt đỏ ngầu, có răng hô, không phải loài người. Cuối cùng, nhờ chư thánh tăng hiệp lực cầu xin mà các ngạ quỷ này thoát sinh lên một cõi khác đẹp đẽ và an lành hơn.

21) Sống, Chết, Tái Sinh, Trung Ấm

Theo tác giả, sinh và tử, tái sinh và trung ấm, cách nào để cúng vong… đó là các quan tâm lớn của Phật tử Việt Nam. Bài viết này sẽ dựa vào Kinh để khảo sát những vấn đề đang được Phật tử quan tâm và thảo luận. Thế nhưng trí thức phương Tây (Hoa Kỳ và Châu Âu) tin theo Phật giáo, nhiều người chọn thái độ xem Phật giáo đa dạng như món ăn trên bàn tiệc, tùy ý lựa chọn. Thậm chí, nhiều vị tự nhận lập trường thế tục (secular), xem Phật giáo chỉ như triết lý sống, gạt bỏ cả chuyện tái sinh, bất kể Đức Phật nói trong kinh rất nhiều về luân hồi. Trong khi đó, một số trí thức phương Tây chỉ chọn Thiền như để bổ sung vào tôn giáo đã có của họ. Các câu hỏi được đặt ra:

-Hỏi: Có nên cúng tế, làm các nghi lễ bố thí cho người chết hay không?

-Phật đáp: “Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích, không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ.”

-Hỏi: Cúng tế người chết có phải vô ích?

-Phật đáp: “Này Bà-la-môn. Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước.”

-Hỏi: Có bao giờ gặp lại người đã chết như khi họ còn sống?

-Phật đáp: Không gặp lại được. Đức Phật luôn luôn hối thúc tu hành khẩn cấp và chớ nên giữ nỗi buồn xa lìa người thân. (Kinh Snp 3.8)

-Hỏi: Có phải khi đã chết, không ai làm hồi sinh được?

-Phật đáp: Đúng vậy. Khi đã chết, không ai làm hồi sinh lại được. Đức Phật dạy rằng thân người là quý và quan tâm lớn nhất là phải tu giải thoát. Kinh Pháp Cú viết: “Sống 100 năm trong đời mà không nhận ra Niết Bàn, không bằng một ngày trong đời của người nhận ra Niết Bàn.

-Hỏi: Có trung ấm (giữa đời này và đời sau) không và cách nào để vượt dòng sanh tử?

-Phật đáp: Có trung ấm, tức khoảng giữa đời này và đời sau, gọi là giữa hai đời, nhưng kinh không nói thời lượng trung ấm. Cách vượt thoát sanh tử là lìa chấp trước, không dính mắc. (Mà tu theo Tịnh Độ gọi là “nhất tâm bất loạn”, hay chuyên chú niệm Phật.)

-Hỏi: Có phải chúng sanh trong cõi trung ấm lang thang vất vưởng như văn học dân gian thường nói?

-Phật đáp: Không nhất thiết, bởi vì tất cả đều từ hạnh nghiệp mà ra.

22) Nghiệp Và Giải Nghiệp Theo Chánh Pháp

            Trong chương này tác giả đặt vấn đề, “Xây nhiều chùa lớn, dựng nhiều tượng Phật khổng lồ có thể giải nghiệp hay không? Cầu nguyện siêng năng, cúng tiền nhiều cho đại tăng có thể giải nghiệp hay không? Đó là những câu hỏi đang được nhiều Phật tử quan tâm. Kinh Phật dạy có nhiều cách giải nghiệp. Sau đây là trích dịch một số kinh liên hệ tới nghiệp và giải nghiệp.”

            Cầu nguyện chỉ là vô ích. Nghiệp lành, phước đức không thể tới từ kinh cầu nguyện hay ước muốn. Kinh AN 5.43 viết: “Năm phước này được chờ đón, ưa chuộng, vui thích, và khó đạt được trong cõi này. Năm phước nào? Trường thọ… nhan sắc… vui sướng… vị thế (xã hội)…tái sanh vào cõi trời… Bây giờ, ta nói với các ngươi, năm điều đó không đạt được qua cầu nguyện hay ước nguyện.” Vậy thì làm sao để giải nghiệp? Con đường rốt ráo để giải nghiệp là tu theo Bát Chánh Đạo. Đức Phật dạy rằng, “Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.”

            Còn việc xây chùa khổng lồ cho chư tăng có công đức lớn ra sao? Kinh sắp dẫn sau đây có vẻ như Đức Phật muốn nói cho hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam, nơi nhiều chùa lớn đang xây. Đức Phật nói, xây chùa khổng lồ cho chư tăng bốn phương cũng không thể có công đức bằng khởi tâm tịnh tín quy y Phật Pháp Tăng.

Theo tôi hiểu, xây chùa, cúng dường chư tăng/ni mà mình chẳng khởi tín tâm, chẳng khởi tâm lành, chẳng thực hành hạnh bố thí cho tất cả các chúng sinh khác…thì công đức cũng chẳng bao nhiêu. Trong Kinh Kinh AN 9.20 bản dịch của HT Thích Minh Châu nói rằng, “Có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu... Và có ai với tâm tịnh tín, chấp nhận học pháp... từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu, và ai tu tập từ tâm giải thoát, cho đến trong khi khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn vị bố thí  84,000 con voi, giường nằm loại sang, 84,000 thiếu nữ xinh đẹp và 84,000 con bò sữa…”

Nói tóm lại theo tôi hiểu, chuyển hóa tâm lành là cách giải nghiệp hay nhất. Chứ nếu phải có tài sản cúng dường thì mới giải được nghiệp thì những người nghèo đời đời kiếp kiếp bị nghiệp đeo đuổi mãi sao?

23) Xây Chùa Và Xây Đạo Tràng

Trong chương này tác giả có cái nhìn thực tiễn, nghĩ đến cuộc sống của người dân ở những vùng xa xôi không có gì hấp dẫn du khách, dù là người trong nước. Tác giả viết, “Các làng xã nơi góc núi vắng, người dân có thể đang mong đợi các ngôi chùa lớn để có thể tạo ra việc làm cho nhiều người, kể cả anh chạy xe ôm, chị bán nước mía… Không cần bao nhiêu kỹ năng, nhưng là việc làm suốt đời; đó là hy hữu trong thời robot.”

Không xây chùa lớn mà xây chùa nhỏ xíu làm sao hấp dẫn du khách? Một vùng đất hoang vu mà không có kiến trúc khổng lồ mỹ thuật thì giá trị cũng rất thấp. Chính ngôi Chùa Tam Chúc đã làm cho mảnh đất “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh (Hồ Thất Tinh) trở thành nên thơ, hữu tình và linh thiêng.

Tuy nhiên tác giả nhắc nhở, ở đâu cũng có đạo tràng tu học- dù là rừng núi, hang động hay sân đá bóng hay nhà ở của chính mình. Còn khi xây chùa mà không có đạo tràng tức không phải là nơi tu học thì rồi sẽ hỏng. “Nếu không chùa, mà có đạo tràng… rồi tới lúc sẽ hưng thịnh lại được. Nếu có chùa, và có cả đạo tràng… sẽ là tuyệt vời.”

24) Vượt Qua Mười Hai Xứ

            Trong chương này tác giả nhắn nhủ, “Phật giáo là pháp xuất thế gian, pháp để thoát khổ, pháp để xa lìa ba cõi, không phải pháp thế gian chỉ thuần để thư giãn hay chữa bệnh, tuy rằng vẫn có vô lượng hiệu ứng phụ giúp người trần nhẹ gánh.”

            Mười hai xứ bao gồm sáu nội xứ (Lục Căn) và sáu ngoại xứ (Lục Trần). Chính mười hai xứ này nó trói buộc chúng ta trong phiền não, khổ đau và sinh tử luân hồi. Làm sao vượt qua được Mười Hai Xứ? Tác giả trích dẫn lời chư Tổ để nói rằng, “Hễ thấy các pháp rỗng rang không thể nắm bắt như tiếng đàn tỳ bà, lập tức mười hai xứ sẽ tịch tịnh, không có gì cần phải mài giũa nữa (chẳng cần phải công phu khổ hạnh nữa).”

25) Đọc Sách “Essence of the Heart Sutra” của Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích Kinh Đại Trí Tuệ Bát Nhã xuất hiện nhiều thế kỷ sau Đức Phật, nhưng ngài cũng ghi rằng, “Chúng ta có thể nói rằng kinh điển Đại Thừa không do Đức Phật lịch sử dạy cho công chúng trong ý nghĩa quy ước. Thêm nữa, có thể rằng kinh điển Đại Thừa, như các kinh trong hệ thống Trí Tuệ Viên Mãn (Bát Nhã Ba La Mật), đã được dạy cho một nhóm vài vị mà Đức Phật xem là thích nghi nhất để học giáo pháp này.” (trang 47). Dĩ nhiên, một số bạn có thể cho rằng Tâm Kinh là hậu tác. Nhưng nếu bạn đọc kỹ, sẽ thấy tư tưởng Tâm Kinh đã có rất sớm trong nhóm Kinh Tập của Tạng Pali, khi Đức Phật mới thuyết pháp.”

            Bản Tâm Kinh tiếng Hán Việt thường tụng ngắn hơn bản tiếng Anh trong sách EHS, nguyên dịch ra từ Tạng ngữ. Phần diễn giảng về bộ kinh Đại Trí Tuệ Giải Thoát của Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng uyên bác cần phải đọc nguyên chương mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Theo tác giả, “Bát Nhã Tâm Kinh cần được nghiền ngẫm, tư duy từng lời giải thích của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nơi đây, Tâm Kinh, cốt tủy của Phật pháp, đã được giải thích minh bạch. Hễ ai giữ được cái nhìn rỗng rang như thế (Chiếu kiến ngũ uẩn giai không), tất nhiên là giải thoát.”

26) Đọc Thơ Cụ Mộc Đạc, Nghĩ Về Phật Giáo Dân Gian

            Đây là chuyện của ông cụ hàng xóm mê thơ. Cụ thường ký tên là Mộc Đạc Ngụy Vạn Lim trên các tác phẩm, đã từng có nhiều tác phẩm thơ, trong đó mới nhất có thi tập nhan đề “Truyện Thơ Nàng Kiều Thời Đại-Phóng tác 2019. Trong thơ này, nơi các dòng1417-1420 cụ Mộc Đạc viết:

Ngán thay cho cái lưới tình.

Mười hai bến nước, nhục vinh đâu lường.

Cầu xin Phật độ Trời thương.

Mai này tránh được đoạn trường đắng cay.

Nhà thơ Mộc Đạc khởi đầu tập thơ Kiều Thời Đại bằng những dòng:

Trăm năm trăm cuộc biển dâu

Đời người mấy lượt qua cầu đắng cay

Nhìn xem sự thế bấy nay

Trải bao nhiêu chuyện tỉnh say nhục nhằn

Giầu sang bỗng hóa cùng bần

Quyền uy phút chốc tay chân buộc ràng

Tình người lắm sự trái ngang

Sự đời lắm việc đa đoan, xoay vòng

Nhiều khi thật rất đau lòng

Nhiều khi cũng lại nức lòng thế nhân

Cụ Mộc Đạc đã dựa vào Truyện Kiều của Nguyễn Du để sáng tác tập thơ:

Sài Gòn có một họ Hoàng

Nổi danh phú quý đứng hàng thượng lưu

Hoàng ông túc trí đa mưu

Hoàng bà tính toán đủ điều khôn ngoan

Gái trai con cái một đàn

Mỗi người một vẻ đoan trang mỹ miều

Cô đầu tên gọi Thúy Kiều

Mày ngài mắt phượng diễm kiều thướt tha

Là một hiện thân của Phật giáo dân gian, cụ vẫn đang đi đứng nằm ngồi, cũng y hệt như hàng chục triệu đồng bào tôi nơi quê nhà, vẫn đang vui buồn, đang cười nói, và đang làm thơ hàng ngày, trong khi bình tâm chờ ngày ra đi. Rất mực hy hữu tuyệt vời.

Lời Kết:

Đây là một cuốn sách bao gồm những vấn đề lớn và thiết thực của Phật Giáo như cư sĩ Tâm Diệu- người điều hành Thư Viện Hoa Sen đã viết trong phần giới thiệu sách, “Nếu quý độc giả ưa thích đọc kinh Phật mà không có nhiều thì giờ, ưa thích những đối chiếu về giáo điển bằng các ngôn ngữ khác nhau, tiếng Anh, tiếng Việt hay muốn tìm kiếm một phương pháp tu tập thích hợp với sở thích và hoàn cảnh riêng của mình; hiển nhiên đây là một tác phẩm không thể bỏ qua, gần như tất cả những gì Cư sĩ Nguyên Giác viết xuống đều rất mực trân trọng, có sức thuyết phục cao qua việc lấy kinh chứng kinh và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khả tín khác nhau.”

Xin trân trọng giới thiệu.

Thiện Quả Đào Văn Bình

(California ngày 20/1/2020)

Cước chú: Sách do Ananda Viet Foudation xuất bản, Amazon phát hành

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com