Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 08: Tranh Chấp

10/02/201909:27(Xem: 5406)
Chương 08: Tranh Chấp

 

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

 

 

LỜI PHẬT DẠY

VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG

CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI

HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI

 

The Buddha’s Teachings on Social

and Communal Harmony

An Anthology of Discourses from the Pāli Canon

 

by

BHIKKHU BODHI

Wisdom Publications 2016

Việt dịch:

Nguyên Nhật Trần Như Mai

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

 

 

 

 ty kheo bodhi-2

 

 

VIII -  TRANH  CHẤP
 
  
 
GIỚI THIỆU
 

 

 

Bởi vì các cộng đồng, dù nhỏ hay lớn, đều là tập hợp của những con người, nên điều không thể tránh được là những cộng đồng ấy dễ bị căng thẳng do bản chất yếu kém của con người gây ra. Khuynh hướng tự cao tự đại bẩm sinh, khao khát lợi ích cá nhân, luôn luôn tự cho mình đúng, và chấp thủ vào ý kiến cá nhân, có thể đưa đến chủ trương bè phái và các tranh chấp, và thậm chí  chia rẽ cộng đồng thành từng mảnh. Những tranh chấp như thế là chủ đề của Chương VIII, và việc giải quyết các tranh chấp là chủ đề của Chương IX.

 

Những đoạn kinh bao gồm trong Chương VIII nói đến các tranh chấp giữa cả tăng chúng lẫn cư sĩ, vốn tương tự nhau trong một vài phương diện, nhưng khác nhau trong những phương diện khác. Kinh Văn VIII, 1 đặt ra chủ đề cho chương này. Ở đây, chúng ta thấy Sakka Thiên chủ, vị vua của cõi Thiên, đến yết kiến Đức Phật và trình Ngài một câu hỏi hóc búa : “ Trong lúc tất cả chúng sinh đều muốn sống trong an bình, tại sao họ mãi mãi vướng mắc vào các cuộc xung đột ?” Câu trả lời của Đức Phật mở đầu một cuộc đối thoại nhằm  truy tìm nguồn gốc của các xung đột cho đến mức độ càng lúc càng vi tế hơn.

 

Trong Kinh Văn VIII, 2,  trưởng lão tăng Mahākaccāca (Đại-ca-chiên-diên) khẳng định rằng cư sĩ tranh chấp nhau bởi vì họ dính mắc với các dục lạc giác quan, trong lúc sa-môn tranh chấp nhau bởi vì kiến chấp của họ. Kinh Văn VIII, 3-6 minh họa quan điểm này: hai bài đầu tiên trong nhóm này nói đến việc tranh chấp giữa các gia chủ, và hai bài cuối nói đến tranh chấp giữa các sa-môn. Trong lúc luận đề của trưởng lão Mahākaccāca có thể có giá trị một phần, thật ra quá trình lịch sử chứng tỏ tình trạng này phức tạp hơn nhiều. Đã có chiến tranh giữa các quốc gia và các khối trong khu vực về các ý thức hệ đối lập nhau – chúng ta chứng kiến cuộc Chiến Tranh Lạnh đã thử thách tập đoàn chủ nghĩa tư bản trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa cọng sản, và những xung đột hiện nay giữa hệ phái Sunni và phe Hồi giáo Shiite. Mặt khác, cũng vì các nhu cầu vật chất thiết yếu, việc cấp đất cư ngụ, sự hộ trì của các gia chủ, cũng như danh tiếng và vinh dự, các sa-môn đã dấn thân vào những tranh chấp cay đắng với nhau và thậm chí đã đi đến kiện cáo nhau vì lợi lộc vật chất.

 

Vì Đức Phật đã xem Giáo đoàn – là đoàn thể Tăng và ni – là cốt lõi của cọng đồng tâm linh, Ngài công nhận rằng sự trường tồn của Giáo pháp tùy thuộc vào khả năng của các đệ tử xuất gia của Ngài chế ngự được những tranh chấp do người trong  hàng ngũ của họ kích động, và tái lập được sự đoàn kết. Xung đột đã từng bùng nỗ, cuộc xung đột nổi tiếng nhất là cuộc gây gỗ đã chia rẽ các Tỷ-kheo ở Kosambi cùng với các cư sĩ của họ thành hai phe mà sự chống đối nhau mạnh mẽ đến nỗi thậm chí họ bác bỏ nỗ lực của Đức Phật muốn can thiệp để hòa giải, như được thấy trong Kinh Văn VIII, 7 (1)

 

Để tránh các cuộc tranh chấp bùng nỗ trong hàng ngũ giáo đoàn, Đức Phật đã dành nhiều bài kinh nói về nguyên nhân của tranh chấp và các phương tiện để giải quyết chúng mỗi khi tranh chấp đã bùng nỗ. Trong Kinh Văn VIII,8, Ngài vạch rõ “ sáu gốc rễ của tranh chấp” (vivādamūla);vì năm gốc rễ đầu tiên trong số đó xảy ra theo từng cặp tương xứng, khi chúng được tính riêng thì các gốc rễ của tranh chấp thực ra lên đến mười một. Ngăn cản các tranh chấp đòi hỏi chư tăng loại bỏ gốc rễ của tranh chấp có thể mới xuất hiện nửa chừng trước khi chúng  trở nên tệ hại đến mức độ chia rẽ toàn diện.

 

Nếu các xung đột trở nên nghiêm trọng, chúng đưa đến một mối nguy khác là sự phân hóa, sự chia rẽ tăng đoàn thành hai phe phái đối nghịch nhau khiến họ từ chối công nhận tính hợp pháp của các qui luật của phe kia. Đức Phật xem sự phân hóa trong Giáo đoàn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho sự thành công của việc hoằng dương Chánh pháp. Vì vậy, tôi kết thúc chương này với Kinh Văn VIII, 9 , nhằm kết nối nhiều bài kinh ngắn về những điều kiện dẫn đến sự phân hóa trong Giáo đoàn và các hậu quả  tương ứng cho những người đã kích động sự phân hóa và những người nỗ lực đoàn kết Giáo đoàn.

 

  

 

 

VIII -  TRANH  CHẤP

 

 

 

 

1. TẠI SAO CHÚNG SINH SỐNG TRONG THÙ HẬN ?

 

 Sakka Thiên chủ (Trời Đế Thích), là vị vua của chư Thiên, hỏi Thế Tôn:  “Chúng sinh mong ước sống không oán ghét, không chống đối nhau hay hận thù nhau; họ mong ước sống trong an bình. Tuy vậy, họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau, và coi nhau như kẻ thù . Bạch Thế Tôn, do bị trói buộc bởi những kiết sử nào khiến họ sống như vậy ?”.

Thế Tôn trả lời : “ - Này Sakka thiên chủ, chính là do đố kỵ và keo kiệt đã trói buộc chúng sinh như vậy, mặc dù họ muốn sống không oán ghét, không chống đối  hay thù hận nhau, và muốn sống trong an bình; tuy nhiên họ lại sống trong oán ghét, làm hại nhau, chống đối nhau và coi nhau như kẻ thù,”

Sakka Thiên chủ vui mừng thốt lên rằng: “ Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch đấng Thiện Thệ !  Qua câu trả lời của Thế Tôn, con đã hết nghi ngờ và giải tỏa hết sự hoang mang .”

 Sau khi bày tỏ lòng cảm kích, Thiên chủ Sakka hỏi câu khác : “ - Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì phát sinh đố kỵ và keo kiệt, nguồn gốc chúng  từ đâu, chúng tập khởi như thế nào, làm thế nào chúng phát sinh ? Khi cái gì có mặt thì chúng sinh khởi, khi cái gì không có mặt thì chúng không sinh khởi ?”

          “ - Này Thiên chủ, đố kỵ và keo kiệt phát sinh từ yêu ghét , đây là nguồn gốc, đây là cách chúng tập khởi, là cách chúng phát sinh. Khi yêu ghét có mặt thì chúng sinh khởi, khi yêu ghét không có mặt thì chúng không sinh khởi.”

          “ –  Bạch Thế Tôn, nhưng yêu ghét do nhân duyên gì phát sinh…?”

          “ - Này Thiên chủ, chúng phát sinh từ tham dục”

          “ - Và nhân duyên gì phát sinh tham dục…? “

          “ - Chúng phát sinh từ suy nghĩ . Khi tâm suy nghĩ về một đối tượng thì tham dục sinh  khởi , khi tâm không suy nghĩ gì thì tham dục không sinh khởi.”

           “ - Bạch Thế Tôn, nhưng do nhân duyên gì suy nghĩ  sinh khởi ?’’.

          “ -Này Thiên chủ, suy nghĩ sinh khởi từ những tri giác và ý niệm sai lầm .(2) Khi tri giác và ý niệm sai lầm có mặt thì suy nghĩ có mặt. Khi những tri giác và ý niệm sai lầm không có mặt thì suy nghĩ không có mặt.”

                             ( Trường BK II,  Kinh 21 : Đế Thích Sở Vấn, tr  276-77 )

 

2. TRANH CHẤP GIỮA CƯ SĨ, TRANH CHẤP GIỮA TU SĨ

 

Một người Bà-la-môn đi đến Tôn giả Mahākaccāca ( Đại-ca-chiên-diên) và hỏi rằng:

- Thưa Tôn gỉa  Kaccāca, tại sao  người Sát-đế-lỵ tranh chấp với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ ?

- Này Bà-la-môn, do bị dính mắc say đắm các dục lạc giác quan, bị trói buộc với các dục lạc giác quan, nên người Sát-đế-lỵ tranh chấp với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ.

- Thưa Tôn giả Kaccāca, tại sao Sa-môn tranh chấp với Sa-môn?

- Này Bà-la-môn, do bị dính mắc  say đắm với các quan điểm, bị trói buộc với các quan điểm ( kiến chấp), nên Sa-môn tranh chấp với Sa-môn.

- Thưa Tôn giả Kaccāca, vậy có ai trong đời  đã vượt qua được sự dính mắc say đắm các dục lạc giác quan, và sự dính mắc say đắm với các quan điểm ?

- Có chứ !

- Thưa vị đó là ai ?

- Ở  phương đông có thành phố tên là Sāvathiī ( Xá-vệ), tại đấy có đức Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đang cư trú. Thế Tôn đã vượt qua được sự dính mắc say đắm các dục lạc giác quan, và sự dính mắc say đắm với các quan điểm.

Khi được nghe nói như vậy, người Bà-la-môn đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, đầu gối bên phải quỳ xuống, chắp tay hướng về Thế Tôn , đảnh lễ và nói lên ba lần lời nói đầy hứng khởi : Kính đảnh lễ Đức Thế Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Kính đảnh lễ Đức Thế Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Kính đảnh lễ Đức Thế Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Kính đảnh lễ Đức Thế Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Quả thật, Đức Thế Tôn đã vượt qua được sự dính mắc say đắm các dục lạc giác quan, và sự dính mắc say đắm với các quan điểm.

 

                             ( Tăng Chi BK I, Ch.II, (IV): 6, tr 126-128 )

 

3. TRANH CHẤP DO DỤC LẠC GIÁC QUAN

 

 - “ Lại nữa, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, dục lạc giác quan là nguồn gốc, dục lạc giác quan là nền tảng, nguyên nhân chỉ vì dục lạc giác quan , nên vua chúa tranh chấp với vua chúa, quý tộc tranh chấp với quý tộc, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ; mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ, cha tranh chấp với con, con tranh chấp cới cha; anh em tranh chấp với anh em, anh em tranh chấp với chị em, chị em tranh chấp với anh em, bạn bè tranh chấp với bạn bè. Và ở đây, trong các cuộc tranh chấp, xung đột, tranh cãi, họ tấn công nhau bằng tay đấm, đá, gậy, hay dao, do đó đã gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ ngay bây giờ và ở đây, nguyên nhân chỉ vì  dục lạc giác quan .

 - “Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân, đàn ông dùng kiếm và lá chắn và đeo cung tên, họ dàn trận hai bên, với tên bay và  kiếm vung lên lóe sáng nhắm vào nhau, và họ bị cung tên gây thương tích, rồi họ chặt đầu nhau bằng kiếm, từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ ngay bây giờ và ở đây, nguyên nhân chỉ vì  dục lạc giác quan.

 

- “  Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân, đàn ông dùng kiếm và lá chắn và đeo cung tên, họ công phá  những thành lũy trơn tuột, với tên bay và  kiếm vung lên lóe sáng nhắm vào nhau, họ bị cung tên gây thương tích và bị đổ nước sôi tung tóe và bị chà đạp bằng đá tảng, rồi họ chặt đầu nhau bằng kiếm, từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ ngay bây giờ và ở đây, nguyên nhân chỉ vì  dục lạc giác quan.”

 

                             ( Trung BK I, Kinh số 13, tr. 198- 199 )

 

4. BẮT NGUỒN  TỪ THAM ÁI

 

 – “ Này các Tỷ-kheo, ta sẽ giảng về chín pháp bắt nguồn từ tham ái. Hãy chăm chú lắng nghe, ta sẽ giảng.”

- “ Thưa vâng, bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

- “ Và thế nào là  chín pháp bắt nguồn từ tham  ái ? (1) Do duyên tham ái nên có tìm cầu. (2) Do duyên tìm cầu nên có nhận được. (3) Do duyên  nhận được nên có phán đoán. (4) Do duyên phán đoán nên có khao khát thèm muốn. (5)Do duyên khao khát thèm muốn nên có dính mắc. (6) Do duyên dính mắc nên có chiếm hữu. (7) Do duyên chiếm hữu nên có keo kiệt. (8) Do duyên keo kiệt nên có canh giữ. (9) Với canh giữ là nền tảng từ đó xuất phát việc dùng roi trượng và vũ khí, cãi vả , tranh đấu, tranh chấp, kết tội, dùng ngôn ngữ ly gián, lời nói dối trá và rất nhiều ác pháp khác. Đây là chín pháp có gốc rễ từ tham ái.” (3)

 

                   ( Tăng Chi BK IV, Ch.IX (III):23, tr.140 )

 

 

5. NHỮNG NGƯỜI MÙ VÀ CON VOI

 

          Một thời Thế Tôn đang cư ngụ tại thành Xá Vệ (Sāvatthi) ở  Rừng Kỳ Đà (Jeta’s Grove) thuộc Vườn Cấp-Cô-Độc ( Anathanpindika’s Park). Lúc bấy giờ, một số các sa môn, Bà-la-môn, và các du sĩ ngoại đạo cũng đang cư ngụ trong thành Xá-Vệ. Họ có những quan điểm, đức tin và ý kiến khác nhau, và họ  tuyên truyền  những quan điểm khác nhau.  Rồi  họ gây gỗ, tranh cãi, tranh chấp và làm tổn thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như mũi tên, họ nói rằng, “Pháp là như thế này, Pháp không phải như thế kia! Pháp không phải như thế này, Pháp là như thế kia !”

          Rồi một số Tỷ-kheo đi vào thành Xá-Vệ để khất thực. Khi trở về, sau khi thọ thực xong, các vị Tỷ-kheo đến bên Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên, và bạch Thế Tôn về những gì họ đã thấy . Thế Tôn dạy rằng:

          - Này các Tỷ-kheo, những du sĩ ngoại đạo là những người mù không có mắt. Họ không biết những gì lợi ích và những gì gây tổn hại. Họ không biết Pháp là gì và những gì không phải là Pháp, vì thế họ gây gỗ và tranh cãi nhau.

          Này các Tỷ-kheo, xưa kia, có một vị vua ở thành Xá-Vệ bảo một người tùy tùng đi gom tất cả những người mù bẩm sinh trong thành phố này về một chỗ. Sau khi người ấy làm xong việc này, nhà vua bảo người ấy đem một con voi đến với đám người mù. Với một vài người mù, ông này cho họ sờ cái đầu voi, với một vài người khác, ông ta cho sờ cái tai voi, với vài người khác nữa , ông ta cho sờ cái ngà voi, vòi voi, thân voi,  chân voi, phần lưng voi, cái đuôi, hay chùm lông cuối đuôi voi.  Và ông ta nói với mỗi nhóm người mù rằng, ‘Đây là con voi.’

           Khi ông ấy trình lại với nhà vua những gì ông đã làm, nhà vua đi đến đám người mù và bảo họ, ‘Hãy nói cho trẫm biết con voi giống cái gì ? ’

          Những người được sờ cái đầu voi tâu rằng, ‘’ Tâu Đại vương, con voi giống như một cái vại nước.’ Những người được sờ cái tai voi thì tâu rằng,’’ Tâu đại vương, con voi giống như cái rá sàng lúa gạo’. Những người được sờ cái ngà voi thì tâu,’’ Tâu đại vương, con voi giống như cái lưỡi cày.’ Những người được sờ vòi voi thì tâu, ‘ Tâu đại vương, con voi giống như  cây cày.’ Những người được sờ lưng voi thì tâu,’’ Tâu đại vương, con voi giống như  một kho chứa đồ.’ Và cứ như thế, mỗi nhóm mô tả con voi theo phần thân thể voi mà họ đã được sờ.

           Rồi họ nói ,  ‘ Con voi là như thế này, con voi không phải như thế kia ! Con voi không phải như thế này, con voi như thế kia!’’ Rồi họ dùng nắm tay để đánh nhau. Và nhà vua thấy vui thích.  Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, vì vậy họ gây gỗ , tranh cãi, tranh chấp và làm tổn thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như mũi tên .

                                      ( Kinh Udāna 6:4; tr.67-69 )

 

6. NHỮNG TRANH LUẬN GIỮA CÁC TỶ-KHEO

 

- “ Này các Tỷ-kheo, bất cứ khi nào các Tỷ-kheo tham gia tranh luận và tranh cãi, rồi đi đến tranh chấp, đả thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như dao, chỉ cần hướng sự chú ý đến việc ấy cũng đã làm ta không thoải mái , nói gì đến việc đi đến những nơi ấy.  Ta kết luận về các Tỷ-kheo ấy như sau: ‘Chắc chắn là những vị này đã từ bỏ ba pháp và đã nuôi dưỡng ba pháp.’

- “ Thế nào là ba pháp mà các vị ấy đã từ bỏ ? Những ý tưởng về xa lánh tham dục, về bao dung, về không làm tổn hại ( viễn ly, vô sân và bất hại tầm): đây là ba pháp mà các vị ấy đã từ bỏ. Và thế nào là ba pháp mà các vị ấy đã nuôi dưỡng ? Những ý tưởng về tham dục, sân hận và độc hại ( dục tầm, sân tầm và hại tầm ): đây là ba pháp mà các vị ấy đã nuôi dưỡng. Bất cứ khi nào các Tỷ-kheo tham gia tranh luận và tranh cãi, rồi đi đến tranh chấp, Ta kết luận rằng : ‘Chắc chắn là những vị này đã từ bỏ ba pháp và đã nuôi dưỡng ba pháp này.’

- “ Này các Tỷ-kheo, bất cứ khi nào các Tỷ-kheo sống trong hòa hợp, hài hòa, không tranh chấp, hòa quyện với nhau như nước với sữa, nhìn nhau bằng đôi mắt thiện cảm, ta cảm thấy thoải mái khi đi đến chỗ của các vị ấy, chứ không phải chỉ  hướng sự chú ý đến nơi ấy mà thôi. Ta kết luận rằng: ‘Chắc chắn là những vị này đã từ bỏ ba pháp và đã nuôi dưỡng ba pháp.’

-“ Thế nào là ba pháp mà các vị ấy đã từ bỏ ? Những ý tưởng về tham dục, sân hận, và độc hại: đây là ba pháp mà các vị ấy đã từ bỏ. Và thế nào là ba pháp mà các vị ấy đã nuôi dưỡng ? Những ý tưởng về xa lánh tham dục, bao dung, không làm tổn hại . Đây là ba pháp mà các vị ấy đã nuôi dưỡng.  Bất cứ khi nào các Tỷ-kheo sống trong hòa hợp, Ta kết luận rằng : ‘Chắc chắn là những vị này đã từ bỏ ba pháp này và đã nuôi dưỡng ba pháp này.’

 

                             ( Tăng Chi BK I, Ch.III (XIII): 122, tr 500-502 )

 

 

7.  VỤ TRANH CÃI Ở KOSAMBĪ

 

Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ở Kosambī đã tham gia tranh luận, tranh cãi rồi đi đến tranh chấp, đả thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như dao. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn, vị ấy đứng một bên và bạch rằng:

-  “ Bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo ở Kosambī đã tham gia tranh luận, tranh cãi rồi đi đến tranh chấp, đả thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như dao. Bạch Thế Tôn, thật lành thay nếu Thế Tôn vì lòng từ bi , đi đến chỗ các vị ấy.” Thế Tôn đồng ý bằng cách im lặng.

Rồi Thế Tôn đi đến chỗ các Tỷ-kheo ấy và nói với họ rằng:

- “ Này các Tỷ-kheo, thôi đủ rồi, đừng tranh luận, tranh cãi và tranh chấp nữa.”

Khi nghe nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn :

- “ Bạch Thế Tôn, xin đừng (can thiệp)!  Hãy để cho Thế Tôn, Bậc Pháp Chủ, sống thoải mái an trú ở đây ngay lúc này. Chúng con là những người chịu trách nhiệm về vụ tranh chấp này.”

Lần thứ hai…. Lần thứ ba Thế Tôn nói :

-  “ Này các Tỷ-kheo, thôi đủ rồi, đừng tranh luận, tranh cãi và tranh chấp nữa.”

Lần thứ ba vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- “ Bạch Thế Tôn, xin đừng (can thiệp)!  Hãy để cho Thế Tôn... Chúng con là những người chịu trách nhiệm về vụ tranh chấp này.”

Rồi vào buổi sáng, Thế Tôn đắp y, cầm y bát, đi vào thành Kosambī để khất thực. Khi đã đi khất thực ở Kosambī và trở về, sau khi ăn xong, Ngài dọn dẹp chỗ nghỉ , rồi cầm y bát , và trong lúc vẫn còn đứng , Ngài nói bài kệ này:

                “ Khi nhiều tiếng nói cùng la hét  một lúc

             Không ai nghĩ mình là kẻ ngu;

             Dù Tăng đoàn đang chia rẽ

             Không ai nghĩ do lỗi của mình.

 

             “ Họ đã quên chánh niệm trong khi nói,

              Cứ mải miết ba hoa lắm lời.

              Cứ há miệng la hét thỏa thích;

              Không ai biết vì đâu nên nỗi.

 

            “ ‘Nó mắng tôi, nó đánh tôi,

              Nó hạ gục tôi, nó cướp của tôi’ –

              Những người chất chứa ý tưởng như vậy,

              Hận thù sẽ không bao giờ nguôi.

 

             “ Trong thế giới này, hận thù không bao giờ

                Được  xóa tan bằng hận thù.

               Không hận sẽ xóa tan hận thù,

               Là định luật ngàn thu.

 

             “ Những người khác không nhận ra,

                Rằng ở đây chúng ta phải tự chế.

                Nhưng những  người trí nhận thức được điều này,

                Chấm dứt ngay mọi thù hận.

 

             “ Những kẻ tàn sát, giết người,

                Cướp gia súc, ngựa, tài sản,

                Những kẻ chiếm đoạt cả quốc độ -

                Họ còn biết  ngồi lại làm việc với nhau

               Tại sao các ông không làm như vậy ?

 

              “ Nếu tìm được bạn hiền xứng đáng,

                Bạn đồng hành đức hạnh vững vàng,

                Sẽ vượt qua mọi đe dọa hiểm nguy

                Cùng bước đi trong hoan hỷ chánh niệm.

 

 

 

 

                   “ Nhưng nếu không tìm được bạn hiền xứng đáng,

                     Bạn đồng hành đạo đức vững vàng,

                      Thì như vua rời bỏ quốc độ,

                     Hãy đi một mình như voi trong rừng.

 

                   “ Tốt hơn là sống một mình,

                    Chứ không làm bạn với kẻ ngu.

                    Sống một mình và không làm điều ác,

                    Thong dong như voi trong rừng.”

 

 

                             ( Trung BK III, Kinh số 128, tr 379- 383 )

                  

 

 

8 - GỐC RỄ CỦA TRANH CHẤP

 

 

 

- “ Này các Tỷ-kheo, có sáu gốc rễ của  tranh chấp. Thế nào là sáu ?

 

(1) - Ở đây,  một Tỷ kheo sân hận và có thái độ thù nghịch. Khi một Tỷ-kheo sân hận và có thái độ thù nghịch, Tỷ kheo ấy sống không cung kính và tôn trọng bậc Đạo sư, không tôn trọng Pháp, và không tôn trọng Tăng đoàn, và không hoàn thành việc tu tập rèn luyện. Vị này gây nên sự tranh chấp trong Tăng đoàn, đưa đến tổn hại và  buồn phiền cho đa số, gây nên sự mất mát, thiệt hại, và khổ đau cho chư thiên và loài người. Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm mình hay từ người khác, các thầy phải nỗ lực từ bỏ cái gốc rễ tranh chấp bất thiện đó.  Và nếu các thầy không thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm mình hay từ người khác, các thầy phải tu tập như thế nào để cho gốc rễ tranh chấp bất thiện đó không sinh khởi trong tương lai. Bằng cách đó gốc rễ tranh chấp bất thiện này được từ bỏ và sẽ không  sinh khởi trong tương lai.

 

  (2) - Lại nữa, này các Tỷ-kheo , một tỷ kheo tỏ ra xấc láo và bất kính…(3) …đố kỵ và bần tiện…(4) …xảo trá và giả dối…(5)…có những dục vọng bất thiện và tà kiến…(6)…chấp thủ quan điểm của mình, cương quyết giữ chặt chúng, và từ bỏ chúng thật khó khăn. Một tỷ kheo như thế sống không cung kính tôn trọng bậc Đạo sư, không tôn trọng Pháp, không tôn trọng Tăng đoàn, và không hoàn thành việc tu tập rèn luyện. Vị ấy gây nên sự tranh chấp trong Tăng đoàn, đưa  đến tổn hại và buồn phiền cho đa số, gây nên sự mất mát, thiệt hại, và khổ đau cho chư thiên và loài người. Này các Tỷ-kheo, nếu các thầy thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm mình hay từ người khác, các thầy phải nỗ lực từ bỏ cái gốc rễ tranh chấp bất thiện đó.  Và nếu các thầy không thấy bất cứ gốc rễ tranh chấp nào trong tâm mình hay từ người khác, các thầy phải tu tập như thế nào để cho gốc rễ tranh chấp bất thiện đó không sinh khởi trong tương lai. Bằng cách đó gốc rễ tranh chấp bất thiện này được từ bỏ và sẽ không  sinh khởi trong tương lai.

 

-  Này các Tỷ-kheo, đây là sáu gốc rễ của  tranh chấp.

 

( Tăng Chi BK III, Ch III, (IV):36, tr 88 -91 &Trung BK III- Kinh số 104)

 

 

9 - CHIA RẼ TĂNG ĐOÀN/  PHÁ HÒA HỢP TĂNG

 

Tôn giả Upāli (Ưu-ba-li) đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên, và bạch rằng :

 

- Bạch Thế Tôn,  nghe nói rằng: ‘Phá hòa hợp Tăng, phá hòa hợp Tăng.’ Bạch Thế Tôn như thế nào là phá hòa hợp Tăng ?

 

- Này Upāli, ở đây, (1) các Tỷ-kheo thuyết giảng những điều không phải là Chánh pháp (/phi pháp) là Chánh pháp. (2) và  Chánh pháp là phi pháp . (3) Họ giải thích những điều không phải Giới luật ( /phi luật ) là Giới luật  (4)  và Giới luật là phi luật. (5) Họ giải thích những điều Như Lai không nói và tuyên thuyết  như là những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết, và (6) những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết là  không phải do Như Lai nói và  tuyên thuyết. (7) Họ giải thích những điều Như Lai không hành trì là những điều Như Lai đã hành trì, và (8) những điều Như Lai đã hành trì là những điều Như Lai không hành trì. (9) Họ giải thích những điều Như Lai không qui định là những điều Như Lai đã qui định, và (10) những điều Như Lai đã qui định là những điều không phải do Như Lai qui định.

 

Dựa trên mười cơ sở này họ rút lui và tách riêng ra khỏi Tăng đoàn. Họ thực hành các luật lệ riêng và tụng đọc Giới bổn Pātimokkha khác biệt. Này Upāli,

chính bằng cách này nên có sự phá hoà hợp Tăng.

 

-  Bạch Thế Tôn, được nghe nói rằng: ‘Hòa hợp Tăng, hòa hợp Tăng.’ Bạch Thế Tôn như thế nào là hòa hợp Tăng ?

 

- Này Upāli, ở đây, (1) các Tỷ-kheo thuyết giảng những điều phi pháp là không phải Chánh pháp. (2) và  Chánh pháp là Chánh pháp . (3) Họ giải thích những điều không phải Giới luật (/phi luật ) là không phải Giới luật  (4)  và Giới luật là Giới luật. (5) Họ giải thích những điều Như Lai không nói và tuyên thuyết  như là những điều Như Lai không nói và tuyên thuyết, và (6) những điều Như Lai đã nói và tuyên thuyết là những điều Như Lai đã nói và  tuyên thuyết. (7) Họ giải thích những điều Như Lai không hành trì là những điều Như Lai không hành trì, và (8) những điều Như Lai đã hành trì là những điều Như Lai đã hành trì. (9) Họ giải thích những điều Như Lai không qui định là những điều Như Lai không qui định, và (10) những điều Như Lai đã qui định là những điều Như Lai đã qui định.

 

Dựa trên mười cơ sở này họ không rút lui và tách riêng ra khỏi Tăng đoàn. Họ không thực hành các luật lệ riêng hoặc tụng đọc Giới bổn Pātimokkha riêng. Này Upāli, chính bằng cách này nên có sự  hoà hợp Tăng.

 

Vào dịp khác, Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên, và bạch rằng :

 

- Bạch Thế Tôn, khi một người phá hoại một Tăng đoàn hòa hợp, điều ấy đem đến quả báo gì ?

 

- Người ấy tạo tội ác kéo dài một kiếp.

 

- Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là tội ác kéo dài một kiếp ?

 

- Người ấy bị hành hạ trong địa ngục trọn một kiếp.

 

 

                   Kẻ phá hòa hợp Tăng bị rơi vào đoạ xứ

                   Bị rơi vào địa ngục, và ở đó trọn một kiếp.

                   Ưa thích gây chia rẽ, an nhiên trong phi-Pháp

                   Kẻ ấy không được an ổn xa lìa mọi hệ lụy.

                   Sau khi đã phá hòa hợp Tăng,

                   Kẻ ấy bị hành hạ trong địa ngục trọn một kiếp.

 

 

Rồi Tôn giả Ānanda hỏi tiếp :

 

 

-  Bạch Thế Tôn, khi một người hòa giải một Tăng đoàn bị phân hóa, điều ấy đem đến quả báo gì ?

 

- Người ấy tạo được công đức siêu phàm.

 

- Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là công đức siêu phàm ?

 

- Này Ānanda , người ấy được sống hoan hỷ trên Thiên giới trọn một kiếp.

 

                   Vui thay hòa hợp trong Tăng đoàn,

                   Và những người sống trong hòa hợp hỗ trợ nhau,

                   Vui thích trong hòa hợp, an trú trong Chánh pháp,

                   Người ấy được an ổn xa lìa  mọi hệ luỵ

                   Sau khi đem lại hòa hợp cho Tăng đoàn,

                   Người ấy hoan hỷ trên Thiên giới trọn một kiếp.

 

                            

                             ( Tăng Chi BK IV, Ch X, (IV): 35-40, tr338-342 )

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]