Tế Công Hoạt Phật
(Tế Điên Hòa Thượng)
Đồ Khùng dịch
(bút hiệu của HT Thích Minh Cảnh)
***
***
Chương 12:
Tế Công khéo độ Hàn Điện Nguyên
Hàn sĩ bỏ con gặp Phật sống
Có thơ rằng:
Trướng gấm đầu làng phú quý gia
Nào giống nhà tu tranh lá cũ
Một trời tuyết lạnh sáng mai hoạ
Tế Điên vẹt mọi người ra, vào xem thấy bên trong là một thầy đồ kiếc, đầu đội khăn nho sinh cũ, cháy lủng lỗ chỗ, mình mặc tấm áo nho sinh chắp vá bảy tám nơi, đang ôm một đứa trẻ trong lòng. Người này trạc hơn ba mươi tuổi, gương mặt khô gầy, đứng giữa dòng người nói:
- Thưa quý vị, đứa bé tôi đang ôm trong lòng đây được một năm hai tháng, mẹ nó mới mất cách đây ba ngày. Tôi lại không đủ sức mướn vú nuôi.
Người nói lời này là Mã Bái Nhiên, nguyên quán là người huyện Thuần Thục, phủ Thường Châu, từ nhỏ ở nhà đọc sách, ăn không ngồi rồi, chẳng biết kinh doanh thêm, núi vàng ăn mãi cũng hết. Tới chừng trên không còn mảnh ngói, dưới không tấc đất cấm dùi, lại thêm đứa con mọn, phải bồng bế vợ con đi lánh nạn. Bái Nhiên đến Lâm An ở nhà Ngô Bá Chu chuyên cho thuê thuyền ở Tây Hồ. Ông ta có dưới tay hơn trăm chiếc thuyền, khách du Tây Hồ phần lớn đều đến đó thuệ Bá Chu vốn là bạn cố giao với Bái Nhiên, biết Bái Nhiên là người có học bèn lưu lại làm việc quản lý thuê thuyền, mỗi ngày chia được hai, ba trăm đồng tiền cũng đủ vợ chồng qua bữa. Nào hay số phận không thông, Tây Hồ mọc lên bốn nhà ác bá luôn luôn cướp người ở Tây Hồ, náo loạn đến nổi Tây Hồ không có du khách nữa. Thuyền cũng không người thuê, Mã Bái Nhiên không còn cách nào hơn là bãi công nghỉ việc. Đứng đầu bọn ác bá ở Tây Hồ chính là Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, em của Thừa tướng Tần Hỷ. Bấy giờ là thời Cao Tôn hoàng đế. Ông ta vốn họ Vương, vì kế nghiệp họ Tần nên phải đổi họ là Tần. Vương Thắng Tiên là anh em chú bác với Tần tướng, ỷ thế lực của anh thường dắt thủ hạ dạo chơi trên hồ, hễ thấy phụ nữ xinh đẹp liền kêu thủ hạ cướp đi, không ai dám chống cự lại hắn, nhân đó mà không ai dám chơi hồ nữa, thuyền của Ngô Bá Chu không ai thuê, Mã Bái Nhiên thất nghiệp, Châu thị là người vợ hiền đức, nói:
- Vợ chồng chúng ta chả lẽ chịu chết đói sao? Chàng hãy ở nhà xem chừng đứa nhỏ để tôi đi ra tìm việc vá may, chúng ta còn có thể lây lất qua ngày.
Nghe vợ nói mấy câu đó, Mã Bái Nhiên lặng thinh không nói một lời. Châu thị bèn để đứa nhỏ ở nhà rồi ra đi. Mã Bái Nhiên ngồi lại trong nhà, tự nghĩ: "Thân trai đại trượng phu, không thể nuôi nấng được vợ con, lại để vợ con đi làm kiếm tiền mua gạo, sao cho phải lẽ!". Càng nghĩ càng buồn, hiện tại không lối thoát, bồng đứa bé tính nhảy xuống Tây Hồ tìm cái chết. Rồi lại nghĩ: "Đứa nhỏ lọt lòng mẹ đến nay đã được một năm, bây giờ lại phải chết thật là oan uổng biết bao. Chi bằng đem cho người ta rồi đi tìm cái chết sau". Nghĩ rồi, ôm con đứng ở ngã tư đường, nói:
- Thưa chư vị, vị nào thích đứa nhỏ này, xin bồng nuôi giùm cháu!
Kêu mấy lượt như vậy, có một ông già đứng gần, thấy đứa bé khá xinh bèn nghĩ: "Mình không có con, nên nuôi nấng nó". Vừa mới bồng đứa nhỏ thì có người nói:
- Ấy, ấy! Ông chớ nên rước nó. Nếu ông rước nó thì nó sẽ theo ông về nhà, vài hôm sau mẹ nó sẽ đến mượn tiền ông. Cách ít ngày đến lượt cha nó đến, ông có chịu nổi không?
Ông già kia nghe nói không có ý dám xin nữa. Tế Điên nói:
- Ngươi cho ta đứa bé này nhé.
Mã Bái Nhiên nói:
- Này Hòa thượng, ông là người xuất gia, xin đứa bé này làm gì?
Tế Điên nói: Ta thu nó làm đồ đệ.
Mã Bái Nhiên nói:
- Nó chưa dứt sữa, lại chưa biết ăn cơm, Hòa thượng nuôi nó sao được?
Tế Điên nói:
- Không được thì thôi ta không xin. Ngươi phải nói thiệt, mẹ đứa bé này chưa chết phải không? Chùa ta ở sát vách nhà ngươi ở trọ. Có phải ngươi ở trọ nhà của Ngô Bá Chu không nào?
Mã Bái Nhiên nói:
- Mẹ nó dù không chết thật, nhưng tôi không tìm được sinh kế nên muốn đem đứa bé gạt cho người.
Tế Điên nói:
- Ta biết rồi, ngươi đi theo ta nhé! Ta sẽ tìm ra vợ ngươi, để chồng vợ con cái thấy mặt rồi ta sẽ kiếm cho ngươi một việc làm.
Mã Bái Nhiên nghe nói thế, hỏi Hòa thượng ở chùa nào và tên hiệu thượng gì hạ gì? Tế Điên mỗi mỗi nói rõ rồi dắt Mã Bái Nhiên đi tới, vừa đi vừa hát:
Ai tài, ai chẳng tài?
Tài giỏi, ngũ hành thông
Ngũ hành nếu sai chạy
Tài giỏi cũng thành không
Ai nấy không tin, nghe ta kỹ
Hãy xem bọn phú ông
Lừa ngựa cỡi long nhong
Lại xem người nghèo khổ,
Cơm chẳng no lòng, áo quần lỗ chỗ
Ấy do đời trước định duyên số.
Tế Điên dẫn Mã Bái Nhiên tới trước tiệm tương, nói:
- Nè tài phú, bán cho ta ba xu củ cải lớn đi.
Bên trong có tiếng trả lời rồi mang củ cải ra. Tế Điên nói:
- Chà ít quá ta đưa hai xu nhé.
Tài phú đi ra nói:
- Hòa thượng ơi, tiệm của chúng tôi ở đây bán giá nhất định, trả giá thì không bán đâu.
Tế Điên nói:
- Nào ta có trả giá đâu, trong túi ta chỉ còn có hai xu thôi, ta xin ông một xu nhé.
Tài phú nói:
- Thôi được, tôi bán cho ông là người tu hành đó.
Tế Điên thò tay vào túi mò một lát, nói:
- Chao ôi, túi của ta lủng rồi, đồng xu rớt đi ngả nào mất. Thôi ta đưa trước cho ông một xu, còn một xu ngày mai ta trả cho ông nhé.
Nói rồi lại đi nữa, trước hàng bán rau cải, Tế Điên lại gần người bán:
- Tài phú nè, bán cho ta một xu tỏi đi.
Tài phú nói:
- Một xu một củ nhé, và lấy củ tỏi đưa ra.
Tế Điên trả một xu, cầm củ tỏi coi coi rồi nói:
- Tài phú ơi, một xu một củ tỏi, sao ông lại bán cho tôi củ tỏi thúi, cho đổi lại củ khác đi!
Tài phú lại rút một củ khác đưa ra. Tế Điên nhận lấy và cũng không giao lại củ kia, thành ra một xu mua được hai củ tỏi. Thật ra Tế Điên chỉ đem có hai xu thôi, lại muốn mua bốn món để làm lễ vật chúc thọ cho người. Mã Bái Nhiên thấy Hòa thượng nghèo quá! Đi với Tế Điên một thôi độ nửa dặm đường, thấy bên đường có gánh thịt chó. Tế Điên cà rà tới nói:
- Chà, thịt này béo thiệt, thiệt thơm, thiệt mềm năm hoa ba lớp, ăn được thịt này béo bổ ra phết! Tán dồi một hồi rồi nói:
- Bác lái nè, bác cắt cho ta một miếng thịt chó nhé!
Người bán thịt chưa mở hàng, nghe Hòa thượng kiếc khen dồi huyên thuyên rồi xin một miếng thịt, cũng cao hứng cầm dao cắt một miếng chừng hai lượng. Tế Điên đón lấy, dòm dòm nói:
- Bác cho thêm một miếng nữa đi.
Người bán thịt chó hỏi:
- Bao nhiêu đó bộ chưa đủ sao?
Tế Điên nói:
Không phải ta chưa đu?
Nếu ngươi thấy đủ chẳng cần thêm
Cả khối này nhân tình nào đáng
Đã cho rồi xin hãy trót cho luôn.
Người bán thịt chó lại cắt thêm một miếng nữa. Tế Điên một xu cũng không trả, được không hai miếng thịt chó!
Lại đi một quảng nữa, nghe có tiếng rao bán bánh bao, Tế Điên kêu:
- Bánh bao! Đem lại ta mua!
Người bán bánh bao đem tới. Tế Điên hỏi:
- Bánh có nóng không?
Người bán đáp:
- Bánh mới ra lò mà!
Nói rồi để gánh xuống mở nắp vung ra, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Tế Điên thò tay vào bánh bao, năm đầu ngón tay đen xì, cầm lấy đưa lên miệng cắn, lại lật đật bỏ ra nói:
- Ý chết! Ta quên mang tiền theo, thôi không dám ăn đâu!
Người bán bánh bao có ý giận. Cái bánh ấy chắc bán không được rồi, vừa có dấu răng, vừa có dấu tay đen rành rành, vừa dính nước miếng, lại nghĩ thầm: "Dầu có giận dữ trách móc, chuyện cũng đã rồi. Vả lại, ông ấy lại là người tu hành nữa". Ngẫm nghĩ giây lát, nói:
- Thôi được rồi, cái bánh bao đó tôi coi như bỏ, cũng không giận ông làm gì.
Tế Điên nói:
- Bộ ngươi tính bỏ hả? Thôi đừng bỏ, để cho Hòa thượng ta đi. Ngài mai gặp ngươi, ta sẽ đem tiền trả cho ngươi nhé!
Người bán bánh bao nói:
- Thôi, ông cầm cái bánh đi đi.
Tế Điên cầm cái bánh bao dắt Mã Bái Nhiên đến đường Phụng Sơn, thấy cổng lớn phía bên kia đường treo đèn kết hoa, ngựa xe chật ních. Nhà đó đứng vào hạng giàu nhất ở Lâm An. Chủ nhà họ Trịnh tên Hùng. Hôm nay nhằm lễ thượng thọ của lão thái thái, các thân sĩ phú hào ở Lâm An đều đến chúc mừng. Tế Điên đến trước cổng kề tai dặn Mã Bái Nhiên nên làm như vầy, như vầy và đứng đợi giây lát, tự sẽ có cơ duyên đưa đến. Tế Điên bước lên thềm kêu:
- Ối chà, xin chào chư vị!
Bên trong có một gia nhân đi ra, mới nói:
- Này Hòa thượng! Ông tới sớm quá, khách còn chưa vào tiệc. Ông muốn xin cơm canh thừa thì lát nữa hãy trở lại.
Tế Điên nói:
- Đừng nói bậy! Ta biết hôm nay là sinh nhật của lão thái thái nên mua bốn lễ vật đến chúc mừng đây.
Gia nhân nghe nói, nghĩ thầm: "Xưa nay đại quan nhà ta rất ưa bố thí, xem vàng như đất, trượng nghĩa sơ tài, gặp người nghèo khổ tất giúp đỡ ngay, cũng có thể quan nhân của ta đối đãi với ông ấy có phần đặc biệt, ông ấy biết hôm nay là ngày mừng thượng thọ, muốn mừng lễ đáp ơn đây chăng? Ta chớ nên xem thường ông ấy, người nghèo cũng có tấm lòng. Hoặc có thể ông ấy biết lão thái thái thích ăn món chi, rồi mua một ít món ấy đến cũng nên. Hoặc có thể ông ấy mang lại đào bún, rượu, điểm tâm chăng?". Nghĩ thế liền hỏi:
- Hòa thượng ơi, ông ở chùa nào?
Tế Điên nói: Ta tu ở miếu nhỏ Linh Ẩn tự.
Quản gia hỏi: Lễ vật của ông là do chính ông mang tới hay có người mang tới sau?
Tế Điên đáp: Ta có mang theo đây.
Gia nhân nói: Ông đưa lễ vật ra đi, tôi đem thưa lại với gia chủ.
Tế Điên từ trong tay áo lấy ra một cái bánh bao, hai củ tỏi lớn, hai củ cải muối và hai miếng thịt chó, đưa cho quản gia. Tế Điên nói:
- Cái này cho lão thái thái ăn thịt chó với củ tỏi, ăn bánh bao với cải mặn.
Gia nhân nhìn thấy giận quá, đem quăng xuống đất, nói:
- Ông cút đi cho rảnh, đừng đến đây quấy rầy chúng tôi.
Vừa liệng lễ vật xuống đất, hai con chó ở đâu chạy lại muốn đớp. Tế Điên lật đật đuổi chó đi, nói:
- Hai đứa cổ bông này, tụi bây đớp mất ta lấy gì biếu lão thái thái?
Tế Điên lượm lên, nói:
- Ngươi không chịu thưa bẩm, ta cũng có thể đưa vào vậy.
Lớn tiếng hô:
- Lễ vật đưa tới đây. Rồi cầm lễ vật phăng phăng đi vào.
Mọi người thấy vậy nói:
- Ông Hòa thượng ấy điên rồi, thây kệ Ổng.
Nguyên Trịnh Hùng là một vị thân sĩ ở Lâm An, lại đỗ Võ tiến sĩ, rất thích giao hữu, chú của ông ta làm chức tổng binh ở tỉnh ngoài. Hôm nay nhằm lễ thượng thọ của lão thái thái, ở thành Lâm An trên từ công hầu, dưới đến thứ dân đều đến chúc mừng. Trong số tân khách có Mỹ nhiệm công Trần Hiếu, Bệnh phục thần Dương Mãnh, Triệu Văn Hội, Tô Bắc Sơn, Khương Bá Vạn, Châu Bán Thành có mặt ở khách sảnh. Mẹ của Trịnh Hùng, năm nay vừa đúng 70 tuổi nhưng hai mắt đã không thấy đường trên một năm rồi, thỉnh rất nhiều thầy thuốc chữa trị vẫn không hiệu quả. Bữa nay Trịnh Hùng đang ở trên khách sảnh, gia nhân đưa vào một mâm lễ vật, nói:
- Của Quảng Huệ sư phụ Ở Tam Thanh miếu đưa đến chúc thọ.
Trịnh Hùng nghe nói ngạc nhiên, nghĩ thầm: "Xưa nay mình đâu có giao thiệp với ổng kìa!". Tiếp nhận lễ đơn mở ra xem thấy đề: Một đôi đèn trắng, thọ đào một chục, thọ tửu một bầu, thọ miến một hộp, thọ trướng một cây, miên dương bốn cái. Trịnh Hùng lật đật ra rước vào. Mọi người nhìn ra, đó là một tăng nhân tuổi hơn 50, áo quần chải chuốt.
Quảng Huệ đưa lễ vật đến chúc mừng là có dụng ý tham, vì biết trong hoa viên của Trịnh Hùng có yêu tác quái, ông ta có thể bắt yêu trấn trạch bèn toan đưa lễ vật mừng thọ làm bước đầu, rồi sẽ bắt yêu lấy bạc lại sau. Khi vào trong khách sảnh, mọi người nhường nhau, đưa Quảng Huệ mãi đến chỗ bàn Dương Mãnh và Trần Hiếu ngồi. Dương Mãnh là người ưa bắt chuyện, mời:
- Đại sư phụ, hãy lại đây.
- Vâng.
- Sư phụ làm ơn cho tôi hỏi thăm một lão Hòa thượng.
- Ai vậy?
- Tế Công trưởng lão ở Tây Hồ Linh Ẩn tự.
- Tế Điên Hòa thượng hả? Ông ấy điên điên khùng khùng mà kể số gì! Ta với sư phụ Ông ấy qua lại rất thân, luận về vai vế thì ông ấy là hàng sư điệt của tạ Ông ấy thường theo ta xin học hoài mà ta không rảnh để dạy đó chứ.
Dương Mãnh nghe nói nổi giận, nghĩ thầm: "Ông này nói nghe mà phát giận. Ông ta nói sư phụ mình là sư điệt của ổng, vậy ra mình thuộc hàng cháu của ổng rồi. Ta phải đi kiếm sư phụ hỏi lại. Nếu phải như vậy thì thôi, còn như không phải thì ta đánh bể cái đầu trọc ông ấy cho rảnh". Nghĩ rồi định bước ra ngoài, kế nghe bên ngoài có tiếng hô:
- Lễ vật đến đây.
Dương Mãnh nghe thấy tiếng của Tế Điên bèn nói:
- Có sư phụ ta đến rồi! Được, để ta hỏi thử xem.
Gửi ý kiến của bạn