Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 381: Phẩm Tướng Các Công Đức 03

15/07/201520:31(Xem: 14323)
Quyển 381: Phẩm Tướng Các Công Đức 03

Tập 07

 Quyển 381

 Phẩm Tướng Các Công Đức 03

Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí


 

 

- Này Thiện Hiện! Thế nào gọi là bốn điều không sợ?

Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tự xưng Ta là Chánh Đẳng Giác thì dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian y cứ vào pháp lập vấn nạn, hoặc khiến cho người ta nhớ nghĩ: Phật đối với pháp ấy chẳng phải Chánh Đẳng Giác. Ta đối với vấn nạn kia thấy rõ là không duyên cớ; vì đối với vấn nạn kia thấy rõ là không duyên cớ nên được an ổn vững vàng, không sợ, không hãi, nên tự xưng Ta ở ngôi đại Tiên tôn quí, ở giữa đại chúng chính thức rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe Đại phạm mà tất cả Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian quyết định không ai có thể chuyển đúng như pháp, đó là thứ nhất. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta đã vĩnh viễn diệt tận các lậu thì dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian căn cứ pháp lập vấn nạn, hoặc khiến cho người ta nhớ nghĩ: Phật đối với lậu ấy chưa được diệt tận vĩnh viễn. Ta đối với vấn nạn ấy, biết rõ không có duyên cớ; vì đối với vấn nạn ấy, biết rõ không có duyên cớ, nên an ổn vững vàng, không sợ, không hãi, tự xưng Ta ở ngôi vị đại Tiên tôn quí, ở giữa đại chúng chính thức rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe Đại phạm mà tất cả Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian, quyết định không ai có thể chuyển đúng như pháp, đó là thứ hai. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta vì các chúng đệ tử nói pháp có thể làm chướng ngại, nhiễm ô thì chắc chắn chướng ngại, dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian, y cứ vào pháp lập vấn nạn, hoặc khiến cho người ta nhớ nghĩ: Có pháp nhiễm này, chẳng thể làm chướng ngại. Ta đối với vấn nạn ấy, thấy rõ là không có duyên cớ; vì đối với vấn nạn ấy, thấy rõ là không duyên cớ nên được an ổn vững vàng, không sợ, không hãi, nên tự xưng Ta ở ngôi vị đại Tiên tôn quí, ở giữa đại chúng chính thức rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe Đại phạm mà tất cả Sa-môn hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian quyết định không ai có thể chuyển đúng như pháp, đó là thứ ba. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tự xưng Ta vì các chúng đệ tử nói đạo xuất ly, chư Thánh tu tập quyết định xuất ly, quyết định thông đạt, hết sạch các khổ, thoát vòng khổ não; dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian, căn cứ pháp lập vấn nạn, hoặc khiến cho người ta nhớ nghĩ: Có tu đạo này, nhưng chẳng phải thật sự xuất ly, chẳng phải thật sự thông đạt, chẳng phải thật sự hết khổ, chẳng phải thật sự thoát vòng khổ não. Ta đối với vấn nạn ấy thấy rõ là không có duyên cớ, vì đối với vấn nạn ấy thấy rõ không có duyên cớ, nên được an ổn vững vàng, không sợ, không hãi, tự xưng Ta ở ngôi vị đại Tiên tôn quí, ở giữa đại chúng chính thức rống tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe Đại phạm mà tất cả Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc Thiên ma phạm, hoặc ai khác trong thế gian, quyết định không có ai có thể chuyển đúng như pháp, đó là thứ tư.

Này Thiện Hiện! Đó gọi là bốn điều không sợ.

Này Thiện Hiện! Những gì là bốn sự hiểu biết thông suốt?

Này Thiện Hiện! Hiểu biết thông suốt nghĩa, hiểu biết thông suốt pháp, hiểu biết thông suốt từ, hiểu biết thông suốt biện.

Này Thiện Hiện! Đó gọi là bốn sự hiểu biết thông suốt.

Này Thiện Hiện! Thế nào là hiểu biết thông suốt Nghĩa? Đó là trí duyên Nghĩa không chướng ngại.

Này Thiện Hiện! Thế nào là hiểu biết thông suốt Pháp? Đó là trí duyên pháp không chướng ngại.

Này Thiện Hiện! Thế nào là hiểu biết thông suốt từ? Đó là trí duyên từ không chướng ngại.

Này Thiện Hiện! Thế nào là hiểu biết thông suốt Biện? Đó là trí duyên Biện không chướng ngại.

Này Thiện Hiện! Những gì là mười tám pháp Phật bất cộng?

Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không bao giờ lầm lẫn, đó là pháp Phật bất cộng thứ nhất. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, không có lời nói vội vàng, thô bạo, đó là pháp Phật bất cộng thứ hai. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không quên mất niệm, đó là pháp Phật bất cộng thứ ba. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác luôn luôn định tâm, đó là pháp Phật bất cộng thứ tư. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có các loại tưởng, đó là pháp Phật bất cộng thứ năm. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có pháp nào là không chọn lựa, xả bỏ, đó là pháp Phật bất cộng thứ sáu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chí muốn không thối lui, đó là pháp Phật bất cộng thứ bảy. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tinh tấn không thối chuyển, đó là pháp Phật bất cộng thứ tám. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhớ nghĩ không quên, đó là pháp Phật bất công thứ chín. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Bát-nhã không thối chuyển, đó là pháp Phật bất công thứ mười. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác giải thoát không thối chuyển, đó gọi là pháp Phật bất công thứ mười một. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác giải thoát tri kiến không thối chuyển, đó là pháp Phật bất công thứ mười hai. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hoặc biết, hoặc thấy đời quá khứ, không trước, không ngại, đó là pháp Phật bất công thứ mười ba. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hoặc biết, hoặc thấy đời hiện tại, không trước, không ngại, đó là pháp Phật bất công thứ mười bốn. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hoặc biết, hoặc thấy đời vị lai, không trước, không ngại, đó là pháp Phật bất công thứ mười lăm. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tất cả thân nghiệp do trí dẫn dắt, theo trí mà chuyển, đó là pháp Phật bất cộng thứ mười sáu. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tất cả ngữ nghiệp do trí dẫn dắt, theo trí mà chuyển, đó là pháp Phật bất cộng thứ mười bảy. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tất cả ý nghiệp do trí dẫn dắt, theo trí mà chuyển, đó là pháp Phật bất cộng thứ mười tám.

Này Thiện Hiện! Đó là mười tám pháp Phật bất cộng.

Này Thiện Hiện! Những gì là ba mươi hai tướng Đại sĩ của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?

Này Thiện Hiện! Dưới bàn chân Thế Tôn có tướng bằng thẳng, đầy đặn, đẹp đẽ, vững vàng, giống như đáy hộp, đất tuy cao thấp, tùy theo chỗ bước chân đạp xuống đều bằng phẳng, không có chỗ nào chẳng tiếp xúc, đó là tướng thứ nhất. Dưới bàn chân Thế Tôn có các tướng xoáy tròn như bánh xe có ngàn nan hoa, cái nào cũng tròn đầy, đó là tướng thứ hai. Tay chân Thế Tôn đều mềm mại như tơ lụa, đẹp hơn tất cả, đó là tướng thứ ba. Tay chân Thế Tôn ở giữa mỗi ngón, giống như nhạn vương, đều có màng màu vàng dính liền nhau, vằn như thêu họa, đó là tướng thứ tư. Tay chân Thế Tôn có các ngón tròn đầy đặn thon dài rất khả ái, đó là tướng thứ năm. Gót chân Thế Tôn dài rộng tròn đầy tương xứng với mu, hơn các hữu tình khác, đó là tướng thứ sáu. Mu bàn chân Thế Tôn cao dày đầy đặn, mềm mại đẹp đẽ, tương xứng với gót chân, đó là tướng thứ bảy. Hai đùi Thế Tôn thon tròn dần như đùi nai chúa Ế-nê-tà-tiên, đó là tướng thứ tám. Đôi cánh tay Thế Tôn dài thẳng tròn đều như vòi voi chúa, đứng thẳng chấm gối, đó là tướng thứ chín. Âm tướng ẩn tàng, giống như của long mã, cũng như tượng vương, đó là tướng thứ mười. Lỗ chân lông Thế Tôn mỗi lỗ mọc một sợi lông, mềm mại xanh biếc, xoay về bên phải, đó là tướng thứ mười một. Tóc lông Thế Tôn đều thẳng vươn lên, xoay về phía mặt, mềm mại xanh biếc, rất dễ mến, đó là tướng thứ mười hai. Da trên thân Thế Tôn mịn màn, trơn lán, bụi nước v.v… đều chẳng thể bám được, đó là tướng thứ mười ba. Da trên thân Thế Tôn màu chơn kim, chói sáng rực rỡ, như đài vàng đẹp đẽ trang nghiêm bằng các thứ báu ai cũng ưa nhìn, đó là tướng thứ mười bốn. Trong lòng hai bàn chân, hai bàn tay, cổ và hai vai của Thế Tôn bảy chỗ đều đầy đặn, đó là tướng thứ mười lăm. Vai ót Thế Tôn tròn đầy đẹp đẽ, đó là tướng thứ mười sáu. Hai nách Thế Tôn đều đầy đặn, đó là tướng thứ mười bảy. Dung nghi Thế Tôn trang nghiêm viên mãn, đó là tướng thứ mười tám. Thân tướng Thế Tôn cao lớn đoan nghiêm, đó là tướng thứ mười chín. Thể tướng Thế Tôn cân đối, chung quanh tròn đầy như Nặc-cù-đà, đó là tướng thứ hai mươi. Cằm ngực và nửa thân trên của Thế Tôn oai dung rộng lớn, như sư tử chúa, đó là tướng thứ hai mươi mốt. Thường quang Thế Tôn mỗi phía một tầm, đó là tướng thứ hai mươi hai. Tướng răng Thế Tôn bốn mươi chiếc, bằng đều, sạch khít, chân sâu, trắng như tuyết du kha, đó là tướng thứ hai mươi ba. Bốn răng của Thế Tôn trắng trong nhọn sắc, đó là tướng thứ hai mươi bốn. Thế Tôn thường được thượng vị trong các vị, vì mạch hầu thẳng nên có thể dẫn thượng vị có ở các mạch chi tiết trong thân, bệnh phong, đàm, nhiệt chẳng thể xen vào, do bệnh kia chẳng xen tạp nên mạch lìa các chứng trầm phù, hoãn, gấp, tổn, hoại, ung, khúc v.v... có thể nuốt thẳng xuống họng, dịch vị lưu thông cho nên thân tâm sảng khoái, thường được thượng vị, đó là tướng thứ hai mươi lăm. Tướng lưỡi Thế Tôn mỏng sạch rộng dài, có thể che cả khuôn mặt, đến mé tai, đuôi tóc, đó là tướng thứ hai mươi sáu. Phạm âm Thế Tôn phát lời êm ái, phong nhã, lan rộng, tùy chúng nhiều, ít, không ai mà chẳng nghe tiếng ấy rền lớn giống như trống trời, phát lời uyển chuyển ngắn gọn như tiếng chim Tần-già, đó là tướng thứ hai mươi bảy. Lông my Thế Tôn giống như my trâu chúa, xanh biếc, bằng thẳng chẳng rối, đó là tướng thứ hai mươi tám. Tròng mắt Thế Tôn xanh biếc trong trắng, có vòng hồng xen lẫn, trong sáng phân minh, đó là tướng thứ hai mươi chín. Khuôn mặt Thế Tôn giống như mặt trăng tròn đầy, tướng mày sáng sạch, như cái cung Thiên đế, đó là tướng thứ ba mươi. Giữa chặng mày Thế Tôn có tướng lông trắng, mềm mại như tơ lụa uốn về phía phải, trong sáng trắng đẹp như tuyết du kha, đó là tướng thứ ba mươi mốt. Trên đỉnh Thế Tôn có cục thịt nổi cao tròn trịa giống như lọng trời, đó là tướng thứ ba mươi hai.

Này Thiện Hiện! Đó là ba mươi hai tướng Đại sĩ.

Này Thiện Hiện! Những gì là tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?

Này Thiện Hiện! Móng tay Thế Tôn hẹp dài mỏng mềm, sáng trong sạch đẹp như hoa đồng đỏ, đó là vẻ đẹp thứ nhất. Các ngón tay, chân Thế Tôn tròn, nhọn, dài, ngay thẳng mềm mại, chẳng thấy đốt lóng, đó là vẻ đẹp thứ hai. Tay chân Thế Tôn ở giữa các ngón đều đầy khít, như nhau không khác, đó là vẻ đẹp thứ ba. Tay chân Thế Tôn tròn đầy như ý, mềm sạch sáng mịn, sắc như hoa sen, đó là vẻ đẹp thứ tư. Gân mạch Thế Tôn kết cấu chắc chắn, ẩn sâu chẳng thấy, đó là vẻ đẹp thứ năm. Hai mắt cá Thế Tôn đều ẩn chẳng hiện, đó là vẻ đẹp thứ sáu. Thế Tôn bước đi thẳng tới thong thả như long, tượng chúa, đó là vẻ đẹp thứ bảy. Thế Tôn bước đi, oai dung nghiêm chỉnh, như sư tử chúa, đó là vẻ đẹp thứ tám. Thế Tôn bước đi thong thả, bình an, chẳng dài chẳng ngắn giống như trâu chúa, đó là vẻ đẹp thứ chín. Thế Tôn bước đi, tới dừng đúng phép, giống như ngỗng chúa, đó là vẻ đẹp thứ mười. Thế Tôn ngó lại luôn quay sang hữu, giống như long, tượng chúa, toàn thân chuyển theo, đó là vẻ đẹp thứ mười một. Lóng đốt Thế Tôn, thứ lớp tròn trịa, xếp đặt khéo léo, đó là vẻ đẹp thứ mười hai. Lóng xương Thế Tôn giao kết không hở, giống như long bàng, đó là vẻ đẹp thứ muời ba. Bánh xe đầu gối Thế Tôn xếp đặt khéo léo, chắc chắn đầy đủ, đó là vẻ đẹp thứ mười bốn. Chỗ kín của Thế Tôn vân vẻ đẹp đẽ, oai thế đầy đủ, viên mãn thanh tịnh, đó là vẻ đẹp thứ mười lăm. Thân Thế Tôn nhuận trơn, mềm mại, sáng láng sạch đẹp, bụi bậm chẳng dính, đó là vẻ đẹp thứ mười sáu. Dung mạo Thế Tôn đôn hậu nghiêm túc không sợ, thường chẳng khiếp nhược, đó là vẻ đẹp thứ mười bảy. Thân Thế Tôn chắc chắn dày, nặng, thiện tướng hòa nhau, đó là vẻ đẹp thứ mười tám. Thân Thế Tôn an định, đầy đặn, chẳng từng lay động, viên mãn không hoại, đó là vẻ đẹp thứ mười chín. Thân tướng Thế Tôn giống như chúa tiên, toàn thân đoan nghiêm, sáng sạch, không u ám, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi. Thân Thế Tôn có có vầng sáng chung quanh, khi đi lại thường tự chiếu sáng, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi mốt. Bụng Thế Tôn vuông vắn, không thiếu, mềm mại chẳng lộ, các tướng trang nghiêm, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi hai. Rốn Thế Tôn sâu, xoắn về phía hữu, tròn đẹp, sạch sẽ, sáng láng, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi ba. Rốn Thế Tôn dày, chẳng lõm chẳng lòi, chung quanh đẹp đẽ, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi bốn. Da Thế Tôn không có ghẻ ngứa, cũng không ghẻ ruồi, bướu v.v... các bệnh, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi lăm. Bàn tay Thế Tôn đầy đặn mềm mại, lòng bàn chân bằng phẳng, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi sáu. Vân tay Thế Tôn sâu, dài, rõ, thẳng, tươi nhuận, chẳng đứt đoạn, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi bảy. Sắc môi Thế Tôn sáng nhuận đỏ tươi như quả tần bà, trên dưới tương xứng, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi tám. Diện môn Thế Tôn chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn chẳng nhỏ, vừa vặn trang nghiêm, đó là vẻ đẹp thứ hai mươi chín. Tướng lưỡi Thế Tôn mềm mại, rộng dài, màu như đồng đỏ, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi. Thế Tôn phát tiếng oai lực rền vang, sâu xa, như voi chúa rống, rõ ràng, trong suốt, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi mốt. Âm vận Thế Tôn êm dịu, tròn đầy, như tiếng vang trong hang sâu, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi hai. Mũi Thế Tôn cao, dài mà ngay thẳng, lỗ mũi không lộ, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi ba.  Các răng Thế Tôn đều đặn, ngay ngắn trắng đẹp, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi bốn. Các răng cửa Thế Tôn tròn trắng sáng sạch, nhọn bén, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi lăm. Mắt Thế Tôn sạch sẽ, trong sáng rõ ràng, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi sáu. Nhãn tướng Thế Tôn dài rộng giống như lá hoa sen xanh, rất khả ái, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi bảy. Mi mắt Thế Tôn trên dưới ngay ngắn, dày rậm chẳng trắng, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi tám. Hai mày Thế Tôn dài, chẳng trắng, nhỏ, mềm mại, đó là vẻ đẹp thứ ba mươi chín. Đôi mày Thế Tôn đẹp đẽ thuận chiều, xanh biếc, màu lưu ly, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi. Đôi mày Thế Tôn cao rõ, sáng nhuận, hình như vầng trăng đầu tháng, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi mốt. Tai Thế Tôn dày, rộng, lớn, dài, trái tai tròn trịa, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi hai. Hai tai Thế Tôn tươi đẹp bằng thẳng, không có khuyết tật, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi ba. Dung nghi Thế Tôn có thể khiến người thấy đều sanh kính mến, không tổn, không giảm, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi bốn. Trán Thế Tôn rộng, tròn đầy, bằng phẳng, hình tướng đẹp đẽ, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi lăm. Thân Thế Tôn nửa trên viên mãn, như sư tử chúa, oai nghiêm không ai sánh kịp, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi sáu. Tóc Thế Tôn dài xanh biếc, dày rậm chẳng bạc, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi bảy. Tóc Thế Tôn thơm sạch nhỏ mềm, nhuận mướt, xoắn quanh, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi tám. Tóc Thế Tôn bằng thẳng, không rối, cũng không dính chùm, đó là vẻ đẹp thứ bốn mươi chín. Tóc Thế Tôn bền chắc không đứt, vĩnh viễn không rụng, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi. Tóc Thế Tôn trơn mướt đẹp đẽ, bụi bặm chẳng bám, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi mốt. Thân Thế Tôn vững vàng đầy đặn hơn thân Na-la-diên, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi hai. Thân Thế Tôn dài lớn ngay ngắn, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi ba. Các khiếu Thế Tôn sạch sẽ tròn đẹp, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi bốn. Thân chi Thế Tôn thế lực thù thắng, không ai sánh bằng, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi lăm. Thân tướng Thế Tôn mọi người ưa nhìn, thường không nhàm chán đó là vẻ đẹp thứ năm mươi sáu. Khuôn mặt Thế Tôn dài rộng đúng chỗ, trong trẻo sáng láng, như ánh trăng tròn mùa thu, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi bảy. Nhan mạo Thế Tôn thư thái sáng tỏ, mỉm cười trước khi nói, chỉ hướng thẳng không quay lui, đó là vẻ đẹp thứ năm mươi tám. Diện mạo Thế Tôn sáng láng vui vẻ, không có các khuyết tật như nhăn nheo, xanh, đỏ v.v... đó là vẻ đẹp thứ năm mươi chín. Da Thế Tôn sạch sẽ không bẩn, thường không hôi hám, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi. Các lỗ chân lông trong thân Thế Tôn thường xuất ra mùi hương như ý vi diệu, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi mốt. Diện môn Thế Tôn thường tỏa ra mùi hương tối thượng thù thắng, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi hai. Tướng đầu Thế Tôn tròn trịa đẹp đẽ như quả Mạc-đạt-na, cũng như lọng trời, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi ba. Lông thân Thế Tôn xanh biếc sáng sạch, như cổ chim công, vẻ đẹp như màu đồng đỏ, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi bốn. Pháp âm Thế Tôn tùy theo chúng lớn nhỏ, chẳng tăng, chẳng gảim, đúng lý không sai, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi lăm. Tướng đỉnh Thế Tôn không thể thấy được, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi sáu. Tay chân Thế Tôn ngón màng phân minh, trang nghiêm đẹp đẽ như màu đồng đỏ, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi bảy. Thế Tôn khi đi, chân cách đất chừng bốn ngón tay mà hiện in dấu, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi tám. Thế Tôn tự giữ vững, không cần người đỡ, thân không chao động, cũng chẳng xiêu ngã, đó là vẻ đẹp thứ sáu mươi chín. Oai đức Thế Tôn chấn động tất cả, kẻ ác tâm thấy thì mừng, người sợ sệt thấy an ổn, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi. Âm thanh Thế Tôn chẳng cao, chẳng thấp, tùy theo chúng sanh, hòa vui ban lời, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi  mốt. Thế Tôn thường tùy theo các loài hữu tình, dùng âm thanh vừa ý, mà vì họ thuyết pháp, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi  hai. Thế Tôn diễn thuyết chánh pháp bằng một âm, tùy theo loài hữu tình khiến đều hiểu rõ, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi ba. Thế Tôn thuyết pháp đều y cứ vào thứ lớp, chắc chắn có nhân duyên, lời nói đều thiện, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi bốn. Thế Tôn quán khắp các loại hữu tình khen ngợi điều thiện, chê bai việc ác, mà không thương ghét, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi  lăm. Thế Tôn làm việc gì, trước quán xét, sau mới làm, đầy đủ khuôn phép, khiến biết thiện tịnh, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi sáu. Tướng tốt Thế Tôn, tất cả hữu tình không có thể thấy hết, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi bảy. Xương ót Thế Tôn cứng chắc tròn đầy, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi tám. Dung nhan Thế Tôn thường trẻ chẳng già, ưa dạo chỗ cũ, đó là vẻ đẹp thứ bảy mươi chín. Tay chân và trước ngực Thế Tôn đều có đức tướng cát tường xoay quanh, vân như thêu họa, sắc giống đá đỏ, đó là vẻ đẹp thứ tám mươi.

Này Thiện Hiện! Đó gọi là tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc.

Này Thiện Hiện! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì thành tựu các tướng tốt như thế, nên ánh sáng nơi thân tùy ý có thể chiếu khắp thế giới Tam thiên đại thiên, không có chỗ nào không tới. Khi vừa khởi ý, liền có thể chiếu khắp vô lượng, vô số, vô biên thế giới. Nhưng vì thương xót các hữu tình nên thu nhiếp hào quang, thường chiếu mỗi bên một tầm. Nếu bung hào quang nơi thân ra thì chính ánh sáng của nhật nguyệt v.v... đều lu mờ. Các loài hữu tình chẳng có thể phân biệt ngày đêm, nửa tháng, ngày, giờ, số năm, có làm sự việc gì chẳng thành tựu được. Âm thanh của Phật tùy ý có thể biến khắp cả thế giới Tam thiên đại thiên. Khi tác ý, liền có thể biến khắp vô lượng, vô biên, vô số thế giới. Nhưng vì lợi lạc các hữu tình nên âm thanh tùy theo số lượng người nghe, chẳng tăng, chẳng giảm.

Này Thiện Hiện! Những công đức thắng lợi như thế, ta trước kia ở địa vị Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã có thể hoàn thành, cho nên nay tướng tốt viên mãn trang nghiêm. Tất cả hữu tình thấy đều hoan hỷ, đều đạt được lợi ích an lạc thù thắng.

Này Thiện Hiện! Như thế, Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, có thể dùng hai loại bố thí là tài thí và pháp thí nhiếp hóa các hữu tình. Đó là pháp cực kỳ hy hữu.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát dùng ái ngữ mà nhiếp hóa các hữu tình?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, dùng lời lẽ nhu hòa vì các loài hữu tình trước hết nói bố thí Ba-la-mật-đa, phương tiện nhiếp thọ; kế đến nói tịnh giới Ba-la-mật-đa, phương tiện nhiếp thọ; tiếp theo nói an nhẫn Ba-la-mật-đa, phương tiện nhiếp thọ; rồi nói tinh tấn Ba-la-mật-đa, phương tiện nhiếp thọ; lại nói tịnh lự Ba-la-mật-đa, phương tiện nhiếp thọ; sau nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa, phương tiện nhiếp thọ.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, dùng lời lẽ nhu hòa nói nhiều về sáu phép Ba-la-mật-đa này để nhiếp thọ loài hữu tình. Vì sao? Vì do sáu phép Ba-la-mật-đa này có khả năng nhiếp thọ các thiện pháp.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát có thể dùng lợi hành để nhiếp thọ các hữu tình?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, ở trong thời gian vô tận, dùng đủ mọi phương tiện khuyên các hữu tình siêng tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa và các loại thiện pháp thù thắng khác, thường không lười bỏ.

Này Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát có thể dùng đồng sự để nhiếp thọ các hữu tình?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, dùng thần thông thù thắng và đại nguyện lực, hiện ở trong địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, người, trời v.v... cùng họ làm việc, phương tiện nhiếp thọ, khiến đạt được lợi ích an lạc thù thắng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát có thể dùng bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự như thế để nhiếp thọ các hữu tình. Đó là pháp cực kỳ hi hữu.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ta dùng Phật nhãn quán khắp vô lượng hằng hà sa thế giới trong mười phương, thấy các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, trao truyền răn dạy các Bồ-tát khác, như thế này: Này thiện nam tử! Ngươi nên khéo học dẫn phát các chữ pháp môn Đà-la-ni, nghĩa là nên khéo học một chữ, hai chữ, ba chữ, bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, chín chữ, mười chữ, như thế cho đến hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi, hoặc trăm, hoặc ngàn cho đến vô số, dẫn phát tự tại; lại nên khéo học tất cả ngữ ngôn, đều nhập một chữ, hoặc nhập hai chữ, hoặc nhập ba chữ, hoặc nhập bốn chữ, hoặc nhập năm chữ, hoặc nhập sáu chữ, hoặc nhập bảy chữ, hoặc nhập tám chữ, hoặc nhập chín chữ, hoặc nhập mười chữ, như thế cho đến hoặc nhập hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, chín mươi, trăm, ngàn cho đến vô số, dẫn phát tự tại; lại nên khéo học ở trong một chữ nhiếp thọ tất cả chữ, trong tất cả chữ nhiếp thọ một chữ, dẫn phát tự tại; lại nên khéo học một chữ có thể nhiếp thọ bốn mươi hai chữ, bốn mươi hai chữ có thể nhiếp thọ một chữ.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, nên khéo học như thế này: Bốn mươi hai chữ nhập vào một chữ, một chữ cũng nhập vào bốn mươi hai chữ. Học như vậy rồi, ở trong các chữ, dẫn phát thiện xảo; dẫn phát chữ được thiện xảo rồi, lại đối với không chữ, dẫn phát thiện xảo. Như chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với pháp thiện xảo, đối với chữ thiện xảo, dùng các pháp các chữ thiện xảo; ở trong không chữ, cũng đắc thiện xảo. Do thiện xảo nên có thể vì hữu tình nói có chữ, pháp, nói không chữ, pháp; vì không chữ, pháp nói có chữ, pháp. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì lìa chữ, không chữ, không khác Phật pháp, vượt tất cả chữ gọi là chơn Phật pháp. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì tất cả pháp, tất cả hữu tình đều tất cánh không, vô tế không.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp, tất cả hữu tình đều tất cánh không, vô tế không nên siêu vượt các chữ, vậy tự tánh của tất cả pháp, tất cả hữu tình rốt ráo đều chẳng thể nắm bắt được; thì tại sao Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tu hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành bốn tịnh lự, tu hành bốn vô lượng, bốn định vô sắc? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành bốn niệm trụ, tu hành bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành pháp môn giải thoát không, tu hành pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện? Tại sao Đại Bồ-tát an trụ pháp không nội, an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được; pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh? Tại sao Đại Bồ-tát an trụ chơn như, an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì? Tại sao Đại Bồ-tát an trụ Thánh đế khổ, an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành tất cả pháp môn Đà-la-ni, tu hành tất cả pháp môn Tam-ma-địa? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành bậc Cực hỷ, tu hành bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành năm loại mắt, tu hành sáu phép thần thông? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành mười lực Phật, tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành đại từ, tu hành đại bi, đại hỷ, đại xả? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành trí nhất thiết, tu hành trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng? Tại sao Đại Bồ-tát tu hành ba mươi hai tướng Đại sĩ, tu hành tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc? Tại sao Đại Bồ-tát an trụ sáu phép thần thông dị thục sanh, rồi vì các hữu tình tuyên thuyết Chánh pháp?

Bạch Thế Tôn! Tất cả hữu tình đều chẳng thể nắm bắt được; sự an lập của hữu tình cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên sắc chẳng thể nắm bắt được; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên nhãn xứ chẳng thể nắm bắt được; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên sắc xứ chẳng thể nắm bắt được; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên nhãn giới chẳng thể nắm bắt được; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên sắc giới chẳng thể nắm bắt được; thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên nhãn thức giới chẳng thể nắm bắt được; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên nhãn xúc chẳng thể nắm bắt được; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra chẳng thể nắm bắt được; các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên địa giới chẳng thể nắm bắt được; thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên nhân duyên chẳng thể nắm bắt được; đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên tất cả pháp từ duyên sanh ra đều chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên vô minh chẳng thể nắm bắt được; hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, tho, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên bố thí Ba-la-mật-đa chẳng thể nắm bắt được; tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên bốn tịnh lự chẳng thể nắm bắt được; bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên bốn niệm trụ chẳng thể nắm bắt được; bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên pháp môn giải thoát không chẳng thể nắm bắt được; pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên pháp không nội chẳng thể nắm bắt được; pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được; pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên chơn như chẳng thể nắm bắt được; pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên Thánh đế khổ chẳng thể nắm bắt được; Thánh đế tập, diệt, đạo cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên tám giải thoát chẳng thể nắm bắt được; tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên tất cả pháp môn Đà-la-ni chẳng thể nắm bắt được; tất cả pháp môn Tam-ma-địa cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên bậc Cực hỷ chẳng thể nắm bắt được; bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên năm loại mắt chẳng thể nắm bắt được; sáu phép thần thông cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên mười lực Phật chẳng thể nắm bắt được; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên đại từ chẳng thể nắm bắt được; đại bi, đại hỷ, đại xả cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên pháp không quên mất chẳng thể nắm bắt được; tánh luôn luôn xả cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên trí nhất thiết chẳng thể nắm bắt được; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên quả Dự lưu chẳng thể nắm bắt được; quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, quả vị Độc giác cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên tất cả hạnh Đại Bồ-tát chẳng thể nắm bắt được; quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật cũng chẳng thể nắm bắt được. Vì tất cả hữu tình chẳng thể nắm bắt được nên ba mươi hai tướng Đại sĩ chẳng thể nắm bắt được; tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc cũng chẳng thể nắm bắt được.

Bạch Thế Tôn! Trong cái chẳng thể nắm bắt được; không có hữu tình, không có sự an lập hữu tình; không có sắc, không có sự an lập sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có sự an lập thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn xứ, không có sự an lập nhãn xứ, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ, không có sự an lập nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ; không có sắc xứ, không có sự an lập sắc xứ, không có thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ, không có sự an lập thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ; không có nhãn giới, không có sự an lập nhãn giới, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới, không có sự an lập nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới; không có sắc giới, không có sự an lập sắc giới, không có thanh, hương, vị, xúc, pháp giới, không có sự an lập thanh, hương, vị, xúc, pháp giới; không có nhãn thức giới, không có sự an lập nhãn thức giới, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, không có sự an lập nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới; không có nhãn xúc, không có sự an lập nhãn xúc, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc, không có sự an lập nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; không có các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, không có sự an lập các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, không có các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra, không có sự an lập các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra; không có địa giới, không có sự an lập địa giới, không có thủy, hỏa, phong, không, thức giới, không có sự an lập thủy, hỏa, phong, không, thức giới; không có nhân duyên, không có sự an lập nhân duyên, không có đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên, không có sự an lập đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên; không có các pháp từ các duyên sanh ra, không có sự an lập các pháp từ các duyên sanh ra; không có vô minh, không có sự an lập vô minh, không có hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não, không có sự an lập hành cho đến lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não; không có bố thí Ba-la-mật-đa, không có sự an lập bố thí Ba-la-mật-đa, không có tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, không có sự an lập tịnh giới cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; không có bốn tịnh lự, không có sự an lập bốn tịnh lự, không có bốn vô lượng, bốn định vô sắc, không có sự an lập bốn vô lượng, bốn định vô sắc; không có bốn niệm trụ, không có sự an lập bốn niệm trụ, không có bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, không có sự an lập bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo; không có pháp môn giải thoát không, không có sự an lập pháp môn giải thoát không, không có pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, không có sự an lập pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; không có pháp không nội, không có sự an lập pháp không nội, không có pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được; pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh, không có sự an lập pháp không ngoại cho đến pháp không không tánh tự tánh; không có chơn như, không có sự an lập chơn như, không có pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, không có sự an lập pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì; không có Thánh đế khổ, không có sự an lập Thánh đế khổ, không có Thánh đế tập, diệt, đạo, không có sự an lập Thánh đế tập, diệt, đạo; không có tám giải thoát, không có sự an lập tám giải thoát, không có tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, không có sự an lập tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; không có pháp môn Đà-la-ni, không có sự an lập pháp môn Đà-la-ni, không có pháp môn Tam-ma-địa, không có sự an lập pháp môn Tam-ma-địa; không có bậc Cực hỷ, không có sự an lập bậc Cực hỷ, không có bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân, không có sự an lập bậc Ly cấu cho đến bậc Pháp vân; không có năm loại mắt, không có sự an lập năm loại mắt, không có sáu phép thần thông, không có sự an lập sáu phép thần thông; không có mười lực Phật, không có sự an lập mười lực Phật, không có bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng, không có sự an lập bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng; không có đại từ, không có sự an lập đại từ, không có đại bi, đại hỷ, đại xả, không có sự an lập đại bi, đại hỷ, đại xả; không có pháp không quên mất, không có sự an lập pháp không quên mất, không có tánh luôn luôn xả, không có sự an lập tánh luôn luôn xả; không có trí nhất thiết, không có sự an lập trí nhất thiết, không có trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, không có sự an lập trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; không có quả Dự lưu, không có sự an lập quả Dự lưu, không có quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, quả vị Độc giác, không có sự an lập quả Nhất lai cho đến quả vị Độc giác; không có tất cả hạnh đại Bồ-tát, không có sự an lập tất cả hạnh đại Bồ-tát; không có quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật, không có sự an lập quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật; không có ba mươi hai tướng Đại sĩ, không có sự an lập ba mươi hai tướng Đại sĩ, không có tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc, không có sự an lập tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc.

Bạch Thế Tôn! Tất cả hữu tình, pháp và sự an lập đã chẳng thể nắm bắt được; hoàn toàn không có sở hữu thì tại sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, vì các hữu tình tuyên thuyết các pháp?

Bạch Thế Tôn! Chớ cho là Đại Bồ-tát tự an trụ pháp bất chánh, vì các hữu tình nói pháp bất chánh, khuyên các hữu tình an trụ pháp bất chánh, dùng pháp điên đảo an lập hữu tình. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa còn chẳng đắc Bồ-đề, huống là có Pháp phần Bồ-đề để có thể đắc; còn chẳng đắc đại Bồ-tát, huống là có pháp Đại Bồ-tát để có thể đắc.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Tất cả hữu tình đều chẳng thể nắm bắt được; sự an lập tất cả hữu tình cũng chẳng thể nắm bắt được; tất cả pháp đều chẳng thể nắm bắt được; sự an lập tất cả pháp cũng chẳng thể nắm bắt được. Do chẳng thể nắm bắt được hoàn toàn không có sở hữu nên biết nội không, nên biết ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bản tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không;

Nên biết chơn như không, nên biết pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đều không. Nên biết Thánh đế khổ không, nên biết Thánh đế tập, diệt, đạo không.

Nên biết sắc không, nên biết thọ, tưởng, hành, thức không. Nên biết nhãn xứ không, nên biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ không. Nên biết sắc xứ không, nên biết thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ không.

Nên biết nhãn giới không, nên biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới không. Nên biết sắc giới không, nên biết thanh, hương, vị, xúc, pháp giới không. Nên biết nhãn thức giới không, nên biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới không. Nên biết nhãn xúc không, nên biết nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc không. Nên biết các thọ do nhãn xúc lảm duyên sanh ra không, nên biết các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra không.

Nên biết địa giới không, nên biết thủy, hỏa, phong, không, thức giới không. Nên biết nhân duyên không, nên biết đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên không. Nên biết các pháp từ duyên sanh ra không.

Nên biết vô minh không, nên biết hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não không. Nên biết ngã không, nên biết hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, ý sanh, nho đồng, khả năng làm việc, khả năng khiến người làm việc, khả năng tạo nghiệp, khả năng khiến người tạo nghiệp, khả năng thọ quả báo, khả năng khiến người thọ quả báo, cái biết, cái thấy đều không.

Nên biết bố thí Ba-la-mật-đa không, nên biết tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa đều không. Nên biết bốn tịnh lự không, nên biết bốn vô lượng, bốn định vô sắc đều không. Nên biết bốn niệm trụ không, nên biết bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo đều không.

Nên biết pháp môn giải thoát không là không, nên biết pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện đều không. Nên biết tám giải thoát không, nên biết tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ đều không. Nên biết tất cả pháp môn Đà-la-ni không, nên biết tất cả pháp môn Tam-ma-địa không.

Nên biết bậc Cực hỷ không, nên biết bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân đều không. Nên biết năm loại mắt không, nên biết sáu phép thần thông không.

Nên biết mười lực Phật, nên biết bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, mười tám pháp Phật bất cộng đều không. Nên biết đại từ không, nên biết đại bi, đại hỷ, đại xả đều không. Nên biết pháp không quên mất không, nên biết tánh luôn luôn xả không. Nên biết trí nhất thiết không, nên biết trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không.

Nên biết quả Dự lưu không, nên biết quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, quả vị Độc giác đều không. Nên biết chánh tánh ly sanh của Đại Bồ-tát không. Nên biết tất cả hạnh Đại Bồ-tát không. Nên biết quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật không.

Nên biết tất cả cõi Phật không, nên biết thành thục hữu tình không. Nên biết ba mươi hai tướng Đại sĩ không, nên biết tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc không.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, thấy tất cả pháp đều không rồi, vì các hữu tình tuyên thuyết các pháp, khiến lìa điên đảo; tuy vì hữu tình tuyên thuyết các pháp nhưng đối với hữu tình hoàn toàn không có sở đắc, đối với tất cả pháp cũng không có sở đắc, đối với các tướng không, chẳng tăng, chẳng giảm, không thủ, không xả. Do nhân duyên ấy, tuy thuyết các pháp nhưng không có sở thuyết.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, đối với tất cả pháp khi quán như thế, chứng đắc trí không chướng ngại đối với tất cả pháp. Do trí này nên chẳng hoại các pháp, không phân biệt thành hai, vì các hữu tình như thật tuyên thuyết, khiến lìa chấp trước vọng tưởng, điên đảo, tùy theo căn cơ, đạt quả ba thừa.

 

Quyển thứ 381

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]