Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Học tán tụng

13/04/201422:17(Xem: 14467)
09. Học tán tụng
blank

IX.- Học tán tụng

Khi ấy những phong trào tranh đấu lắng đọng lại dần, tôi thấy Thầy tôi nhận nhiều đám để đi cúng. Có đám cúng trai đàn chẩn tế đến ba ngày ba đêm tại Cù Lao Chàm nơi Cửa Đại, thế là tôi lại có cơ hội đi theo học hỏi và hầu Thầy. Thông thường, Thầy mời thêm Thầy Sáu chùa Hà Linh, Thầy Bảy đánh trống, Thầy Tư Toàn lo công văn giấy sớ, Thầy Sự chùa Nghĩa Trũng. Còn chúng điệu chùa Viên Giác như tôi, chú Đồng, chú Ngô, chú Biên lo chạy vòng ngoài, hoặc sai đâu làm đó. Chính nhờ vậy mà chúng tôi học được rất nhiều. Ngày xưa học nghi lễ không phải như bây giờ. Nghĩa là học thực hành luôn một lúc và hầu như không có học lý thuyết. Chẳng bằng như bây giờ học lý thuyết trước; nhưng khi đến khâu thực hành lại ngớ ngẩn ra. Thông thường mới vô là học lắc linh. Thấy người đi trước lắc sao, mình lắc như vậy. Thật ra, không đơn giản tí nào. Ban đầu lúc mới biết lắc linh, quả chùy phía dưới cứ xoay tròn theo vành linh, không chịu đưa qua lại và đúng vào hai nhịp mõ. Phải tập chừng một hai năm như thế mới nhuần nhuyễn được. Sau khi thuần tiếng linh cũng có nghĩa là những bài tán tụng cũng thuộc và có thể nhắp miệng theo kịp hơi của vị chủ lễ cũng như vị Duy Na, Duyệt Chúng. Sau đó quý Thầy thấy được, cho phép đánh mõ và kế tiếp là nắm dùi tang. Mõ đánh không khó, chỉ khó ở nhịp trường canh. Tán Quảng nhanh hơn tán Huế một chút và không đài các bằng. Tán Quảng cũng tán khác Bình Định hay tán miền Nam. Tán Quảng gồm có mấy loại chính là tang hai mõ một; tang ba mõ bốn, tán trạo, tán xóc và tán theo lối đề phan hay vớt vong chèo đò, cũng có thể nói là tán lối Nam ai, nghe điệu nhạc trổi lên, buồn não ruột.

Còn trống, phèng la, đờn cò và cái kèn do Thầy Bảy, chú Biên và Ký phụ trách. Đánh trống tán thì tôi không học; nhưng trống Công Phu Chiều, Công Phu Khuya tôi học từ chú Hạnh Đức từ thời còn ở Phước Lâm. Vả lại mỗi người làm một công việc; chẳng ai có thể làm hết mọi công việc trong một lúc cả.

Giọng của Thầy tôi rất hay, trong trẻo và cao vút lên tận mấy tầng mây; giọng Thầy Tư Toàn trầm nhưng rất hùng; thường thường Thầy hay đứng ở vị trí Tả Bạch. Thầy tri sự chùa Nghĩa Trủng làm Hữu Bạch và các vị khác thì trong Ban Kinh Sư; nhiều lúc thiếu người, tôi cũng ngồi vào phụ họa để lắc linh. Chứ Duy Nguyện vẫn chưa xong. Vì văn bản khoa nghi chẩn tế toàn là chữ Hán, mắt nhìn vào đấy, thấy người ta lật sang trang, mình cũng lật theo; chứ lúc ấy đâu có biết gì. Vì chữ Hán lúc ấy tôi mới bắt đầu học. Những lúc như thế thấy mình lớn hẳn lên; không phải vì được người ta chú ý, mà được quý Thầy cân nhắc nên cho ngồi vào đó. Cái lối giáo dục của Việt Nam là vậy, chê hơi nhiều; nhưng khen thật ít thấy. Người học trò chỉ có thể nhận được và biết rằng Thầy mình để ý mình qua những lối giải quyết như thế. Chỉ có người thông minh mới nhận ra; chứ thông thường, cũng ít ai quan tâm đến việc ấy.

Năm 1966 tôi mới 17 tuổi nên giọng điệu còn gồ ghề lắm. Nghĩa là thời gian bể tiếng đã qua; nhưng âm điệu chưa được định hướng phát triển. Tuy nhiên, chắc thấy tướng tôi cao ráo cho nên Thầy Tư Toàn và Thầy tôi thường cho đi theo cúng đám. Nhờ vậy mà ngày nay tôi mới có được một chút vốn liếng nghi lễ tán tụng để chỉ lại cho học trò đệ tử của mình. Nếu lúc ấy tôi chỉ ở Phật Học Viện, có lẽ sau khi ra trường chỉ biết nhiều về chữ nghĩa; còn khoa nghi „ứng phó đạo tràng“ như thế nầy không sao giỏi được. Vì lẽ trong Phật Học Viện không dạy phần nghi lễ.

Thầy Bảy bị ngọng nên không thể đứng vào Ban Kinh Sư được; nhưng roi trống của Thầy ấy khi đổ nhịp phải nói là Thánh Thần cũng phải gật đầu khen thưởng. Đừng nói gì là chúng tôi, cứ ngẩng mặt ra để xem cái con người sao mà hai tay tài ba dịu dàng như thế. Ngoài ra Thầy còn biết họa những bức tranh Phật và những phong cảnh nữa. Cảnh nào Thầy ấy vẽ cũng tuyệt vời. Khi vẽ con chim se sẻ, ra con se sẻ; vẽ lá Bồ Đề như hệt lá Bồ Đề; thật là hết chỗ chê. Nhưng có điều Thầy nghịch; nghịch chẳng ai bằng. Nhờ Thầy bị ngọng nên nhiều khi xướng lên người ta không để ý; trong khi đó chúng tôi cười bò lăn ra đó và nước mắt, nước mũi chảy lòng thòng mà cũng chưa dứt tiếng. Như câu văn nguyên thể như thế nầy:

Sanh hà tử thị tổng quy không
Âm phủ Dương gian nhất lý đồng
Sự đại vô thường na tấn tốc
Địa Tạng từ tôn tiếp độ hương hồn
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Thầy ấy nhại giọng rằng:
Sanh hà tử thị cũng như không
Ổng chết giáp năm bả lấy chồng
Sự đại vô thường na tấn tốc
Địa Tạng từ tôn tiếp độ linh hồn.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Thầy Tư Toàn tức anh ruột của Hòa Thượng Như Huệ, Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan rất giỏi chữ Hán. Không biết Thầy học với ai; nhưng hầu như không có chữ nào mà Thầy không biết và lúc ở chùa Viên Giác tôi chưa bao giờ thấy Thầy ấy tra tự điển Hán Việt khi viết sớ điệp cả. Do vậy mà đám nào Thầy ấy cũng lo vấn đề công văn giấy sớ và đọc sớ. Sau nầy chú Biên và Ký cũng nối nghiệp theo.

Một đại trai đàn chẩn tế thông thường có lễ khai Kinh thỉnh Tam Bảo nội, Tam Bảo ngoại, lễ Thượng Phan. Sau đó là trì tụng Kinh Địa Tạng đêm thứ nhất, đến sáng hôm sau cúng ngọ và cúng chư Hương Linh; buổi chiều đi vớt vong và tối đó lễ đề phan và lễ chèo đò đưa Vong Linh về nơi lạc cảnh. Sáng hôm sau cúng ngọ, cúng Tổ cúng chư Hương Linh, chiều đó vào Đại lễ trai đàn chẩn tế. Ít nhất 4 tiếng đồng hồ và lâu hơn có thể kéo dài đến sáu tiếng. Thông thường, mỗi buổi lễ đều có đọc sớ. Nội dung của sớ nói về người cúng tức gia chủ hiện ở tại đâu cùng với tên tuổi của những người trong gia đình, tộc họ rồi cúng cầu siêu cho ai, sinh năm nào, mất năm nào và đoạn giữa là cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát tiếp dẫn Hương Linh về cảnh giới Đức Phật A Di Đà và phần cuối cùng là những lời phát nguyện cho Hương Linh cũng như cho biết địa phương nào được cúng và ngày tháng năm xin sớ.

Điệp cúng Vong cũng vậy; nhưng không có phần thưa trình nhiều. Sớ có nghĩa là một lời tác bạch dâng lên những vị Phật và Bồ Tát. Còn Điệp là người cao hơn, lớn hơn nói với người nhỏ hơn mình; nên nội dung của Điệp không phải để thưa gởi mà để báo cho Vong Linh biết là nên làm cái gì để được vãng sanh v.v..

Chúng tôi thuở ấy cứ đi cúng riết như vậy rồi tự nhiên thuộc lòng sớ và chỗ nào không hiểu hỏi Thầy Bốn.

Ví dụ như cúng một thất thì đọc thế nào, cúng bảy thất đọc ra sao. Chứ không lẽ một câu văn toàn chữ Hán tự nhiên chen vào đó một tiếng Việt nghe nó chói tai lắm.

Ngoài ra Hòa Thượng Như Huệ mỗi lần về Phước Lâm cũng có dạy cho chúng tôi tán tụng; nhưng những buổi học thật ra không ảnh hưởng mạnh bằng khi thực tập ở Đại lễ như thế. Một phần được đi xa, được ăn uống sung sướng hơn ở chùa và khi về lại chùa trong túi còn rủng rỉnh được một ít tiền lẻ nữa; nên chúng tôi rất vui.

Đi Cù Lao Chàm không phải để chỉ có cúng không, mà chúng tôi lợi dụng những lúc rảnh đi thăm phong cảnh hoặc trèo núi, hoặc xuống biển bơi lội, hay ngồi trên thúng chai v.v... Đó là những thú vui lúc bấy giờ. Tại Cù Lao Chàm có một ngôi chùa Hải Tạng rất cổ; nơi đây tương truyền rằng thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Ngài Hương Hải Thiền Sư từ Nghệ An vào đây lập Am tu hành. Ngài là một Thiền Sư nổi tiếng vào thế kỷ thứ 18. Bài thơ sau đây được biết của Ngài sáng tác tại Cù Lao Chàm, Hội An thuở ấy:

Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô lưu tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Dịch sát chữ:
Nhạn qua trời rộng,
Ảnh chìm dưới nước,
Nhạn chẳng có ý lưu dấu vết,
Nước chẳng có tâm giữ ảnh lại.

Dịch ý: Đây rõ ràng là một tư tưởng thoát tục và chứng đạo của Thiền Sư. Khi con nhạn bay qua không trung, ảnh Nhạn tự nhiên nổi trên mặt nước, ảnh ấy lưu lại hình ảnh con chim nhạn; chứ Nhạn chẳng có ý muốn, đồng thời dòng nước kia không có cái tâm giữ lại hình ảnh ấy. Quả là đồng thời, quả là tương tức. Chỉ có những bậc chứng ngộ được Thiền mới làm được một bài thơ như thế. Sau nầy nghe đâu Chúa Nguyễn Đàng Trong nghi ngờ Ngài giả vờ vào đây để thâu thập tin tức; nên cuối đời Ngài bỏ về Nghệ An và sinh sống dưới Triều Hậu Lê thời ấy và sau đó Ngài thị tịch tại đây.

Ở trên núi có những thác ghềnh và suối nước chảy; chúng tôi chạy nhảy tung tăng mà chẳng sợ ai để ý. Vì lẽ đó là những giờ nghỉ trưa của quý Thầy; hoặc đôi khi nhờ người cho mượn những cái thúng chai hình tròn rồi leo lên đó tập chèo. Chưa biết chèo, chúng chỉ quay vòng vòng chứ không chịu đi theo hướng mình muốn; nhiều khi còn bị lật úp xuống nữa. Nếu ai không biết bơi, bị uống nước biển cành hông. Thế nhưng vẫn vui. Vì tuổi trẻ đâu có niềm vui nào hơn niềm vui thiên nhiên như thế. Ở Cù Lao Chàm thuở ấy có chừng một trăm mái nhà và dân số chừng hai trăm đến ba trăm người là nhiều, đa phần sống về nghề chài lưới; nên dân ở đây ai cũng đen đúa và ít chữ nghĩa. Chỉ được họ rất hiền hòa. Hiền đến nỗi khi phái Đoàn của chùa Viên Giác ra cúng, thức ăn họ dọn lên bàn toàn cá thu nhìn thấy thật ngon và thưa rằng: “Chúng tui biết rằng quý Thầy ăn lạt; cho nên kho cá không bỏ muối. Xin mời quý Thầy dùng.“

Ai trong chúng tôi cũng cười và chỉ ăn cơm không với xì dầu bữa đầu tiên, sau đó hướng dẫn họ luộc rau và rang đậu phộng để ăn với nước tương. Đó cũng là một câu chuyện có thật mà tôi đã chứng kiến ở Cù Lao Chàm vào năm 1966.

Tại Cù Lao Chàm Hội An có loại Yến Sào rất nổi tiếng. Trước đó dân chúng tại đây phải cung phụng loại Yến thượng hạng cho Vua Chúa triều Nguyễn. Nhiều lúc còn phải mang qua triều cống tại Trung Hoa; nhưng thời chiến tranh Quốc Cộng; đường giao thông buôn bán ích tắc, Yến Sào tại Hội An hình như không được khai thác nữa. Mãi về sau nầy người ta mới chú ý đến nguồn lợi to lớn nầy và khai thác trở lại, khi nước nhà không còn cảnh bom rơi đạn nổ nữa.

Đại trai đàn chẩn tế là lễ tương đối lớn so với những lễ khác. Lễ nầy là lễ cầu siêu bạt độ cho những Linh Hồn chết không bình thường, đa phần để giải oan cho những Linh Hồn chết không toàn thây, vì chiến tranh, hoặc tự tử, hoặc bị tai nạn; hoặc sanh con non ngày, hoặc bị chết yểu; hoặc bị chết oan, hoặc hy sinh ngoài chiến trường v.v... Nếu dịch sát nghĩa đại trai đàn chẩn tế là một cái “lễ cấp phát ban cho (những người chết) bằng những đàn chay to lớn“. Thông thường lễ nầy tổ chức trong mùa Vu Lan báo hiếu; nhưng có nhiều nơi tổ chức tùy theo những ngày cúng giỗ của gia đình hoặc tộc họ v.v... Điều ấy không nhất thiết phải quy định vào một thời điểm nào, mà phải thuận theo gia đình và của Thầy chủ sám.

Đàn được bài trí như sau: Phía trước quay vào thông thường là bàn đức Địa Tạng Vương Bồ Tát hoặc Diệm Vương Đại Sĩ. Chung quanh đó là năm bàn gồm: Trung Ương, Đông, Tây, Nam và Bắc, ở giữa mỗi bàn có một bài vị và có hai câu đối hai bên. Các bàn được thiết kế bằng giấy, sau khi lễ hạ phan, đốt sạch cùng với giấy sớ. Ở chính giữa là bàn Kinh Sư và bàn Gia trì. Bàn Kinh Sư thiết dọc theo ở giữa cho bốn hoặc sáu Thầy, có để ghế dựa và trên đó để chuông mõ cũng như những khoa nghi chẩn tế cùng với các pháp khí khác. Bàn Gia trì tức là bàn của vị Sám chủ sẽ thăng tòa thay thế Đức Phật, thị hiện làm Ngài Địa Tạng thuyết pháp cho cô hồn. Vị Gia trì lên tòa bắt ấn chú sau khi cáo Phật, thỉnh Linh an vị và thỉnh ngũ phương ngũ Phật. Thầy tôi có hai bàn tay rất đẹp và rất dịu dàng nên khi Thầy bắt ấn ai thấy cũng phải khâm phục. Ban đầu vị chủ sám đứng và buông màn xuống bắt ấn trước con Đề Thính. Sau khi bắt ấn tay và dùng chân vẽ ấn nơi chỗ ngồi xong, mới ngồi xuống theo thế liên hoa; nghĩa là ngồi kiết già phu tọa bắt đầu từ đây cho đến hết giờ chẩn tế, nghĩa là độ chừng 4 tiếng đồng hồ. Nếu không có luyện tập và thanh tịnh, chỉ việc tọa thiền không cũng không kham nổi; huống hồ gì những phương diện khác. Do vậy, nhiều Thầy rất giỏi nhưng ít chịu ngồi. Vì sợ tổn phước và cũng có nhiều người nói đa phần những vị đóng vai Bồ Tát Địa Tạng nếu không thanh tịnh sẽ bị chết sớm. Điều nầy thật ra không khó hiểu lắm. Vì bằng chứng nhiều Thầy ngồi chẩn tế yểu mạng. Thêm nữa, cô hồn cũng có rất nhiều loại; nếu vị Đạo sư không cao tay ấn, Ma Vương kia thắng thế Đạo sư, thế là Đạo sư phải lãnh Nghiệp.

Tương truyền rằng lễ trai đàn chẩn tế có từ thời Đức Phật qua câu chuyện Ngài A Nan khi nhập định thường hay thấy con quỷ màu xanh hiện hình, Ngài sợ quá bạch Phật và nhờ Phật dùng thần chú để an tâm Ngài A Nan. Từ đó về sau các khoa Du Già được thành lập. Như vậy không có nghĩa không có những cõi âm. Chỉ vì mắt ta không thể thấy được, chớ không phải là không có những thế giới như thế. Câu chuyện nầy cũng được Ngài Huyền Trang nhắc lại trong quyển “Đại Đường Tây Vức Ký“ của Ngài.

Tùy theo từng lời văn thỉnh khác nhau, vị gia trì sư bắt những ấn quyết khác nhau. Trên đầu vị gia trì, chiếc mũ Tỳ lư có năm cánh sen, trên mỗi cánh sen có mỗi đức Phật. Như Bồ Tát Địa Tạng thị hiện, vị gia trì tay cầm thủ lư cắm ba cây hương lên đó để thỉnh, đôi khi cầm thủ xích, đôi khi cầm hai cái linh và đôi khi cầm chéo mũ Tỳ lư v.v... Thỉnh thoảng có rải ra những đồng tiền và thính chúng tin rằng nếu nhặt được những đồng tiền ấy đem về đeo vào cổ cho con nít, chúng ngủ không giật mình. Quan niệm nầy giống như việc giành giựt lá phan sau khi xô cổ. Đây cũng là lễ vui nhất của bọn nhỏ và kể cả người lớn. Con nít đa phần nhào vô bàn cúng cô hồn để giành bánh, chuối và những đồ cúng. Trong khi đó người lớn lo giựt những mảnh vải từ lá phan, trên đó có viết những chữ Hán ngoằn ngoèo cung thỉnh 36 loại quỉ thần về dự lễ chẩn tế, rồi họ đem về may áo cho con cháu, vì họ tin rằng con cháu của họ được bình an, nhờ có Thiện Thần bảo hộ.

Đọc sớ là một nghệ thuật; nếu không biết dành hơi khi ngắt câu, lời văn sẽ khó nghe. Chỗ nào lên giọng và chỗ nào xuống giọng; chỗ nào chấm, phết phải đọc rõ ràng gia chủ mới vui; mặc dầu gia chủ chẳng hiểu gì nhiều. Họ trông được nghe tên của họ và tên tuổi của người chết, cũng như ngày mất năm sanh v.v..., những chi tiết nầy quan trọng lắm. Nếu Thầy Công Văn nào sơ ý sẽ bị nhắc khéo. Thế nhưng suốt bao nhiêu năm đi cúng với Thầy, tôi chẳng thấy Thầy Tư Toàn bị nhắc khéo lần nào.

Thuở ấy chiến trường đang ở lúc cao độ; người lính chết trận hay người chết vì bom đạn rất nhiều. Đôi khi chúng tôi phải đi mỗi ngày cả hai, ba đám tang. Nhìn người chết, thấy tang thương. Có những cậu Thiếu úy mới ra trường, trông đẹp trai; nhưng chẳng may bị đạn lạc nên chết không kịp trối với người thân, nhất là những ý trung nhân hay những blankngười tình, người vợ trẻ, trên đầu chít những vành khăn tang, trông mặt mũi họ mới 18 hay 20 tuổi. Quả thật không có đau khổ nào hơn để diễn tả trong vấn đề nầy. Tôi tham dự những đám ma như thế. Nhiều lúc thấy họ khóc mà mình cũng mủi lòng. Nhất là khi tụng đến bài: „Cuộc Hồng Trần“ có nhiều người nhào lăn ra khóc như điên dại. Vì lẽ cái chết ấy họ không chờ đợi bao giờ. Chiến tranh đến với dân tộc tôi như thế. Ai được, ai thua chúng tôi không biết. Chỉ có người dân bị mất mát quá nhiều. Mất đến nỗi không có cái gì để mất được nữa và những giọt nước mắt đau thương ấy, hết khóc cho người tình, lại khóc cho cha, cho mẹ, cho anh chị em họ hàng thân thuộc v.v..., thật là một nỗi đau không riêng gì cho mình mà cho cả một giang sơn như thế từ Nam ra Bắc.

Hình 21 : Chụp chung với chú Như Hoàn tại tháp cố Hòa Thượng Phổ Thoại, chùa Long Tuyền Hội An trong mùa an cư kiết hạ 1967

Năm học 1966-1967, tôi học đệ ngũ trường Bồ Đề; năm nầy tương đối học rất giỏi. Vì lẽ mọi việc dường như đi vào chỗ ổn định và không khí chiến tranh bên ngoài ít hoạt náo hơn, đồng thời trong chùa bấy giờ chỉ sinh hoạt thuần về lý do tín ngưỡng; nên cũng dễ thở bớt so với thời điểm trước khi chúng tôi bị bắt. Vườn chùa Viên Giác tuy nhỏ nhưng cũng trồng được thêm nhiều rau lang và trước ngõ có thêm hai ao rau muống, nên mỗi ngày chị Bốn cứ cắt rau vào rửa sạch rồi xào nấu cho Thầy và đại chúng. Còn chúng tôi lo tưới nước. Tôi nhớ không lầm, Lê Hùng Anh tức Thượng Tọa Thích Giác Ánh hiện bây giờ ở Vĩnh Long chuyên lo gánh và tưới nước. Vì lẽ Giác Ánh lớn con và khỏe mạnh và là người Cẩm Nam nên được Thầy tôi thương và chiếu cố nhiều. Tuy nhiên sau Tết Mậu Thân 1968 thì Hùng Anh đi xuất gia theo Khất sĩ chứ không xuất gia theo Thầy tôi, mặc dầu cả gia đình ông Dinh ở Cẩm Nam, ba của Hùng và Hùng đều quy y với Thầy tôi.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]