Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 17: Đại học Nhật Bản

24/03/201420:26(Xem: 9537)
Phần 17: Đại học Nhật Bản
blank
Phần 17: Đại học Nhật Bản
HT Thích Như Điển

M

uốn đánh giá dân tộc ấy văn minh tiến bộ như thế nào, hãy nhìn vào cách sống của nhân dân nước ấy. Đây là cách nhận định của riêng tôi khi đã đi thăm hơn 70 quốc gia trên địa cầu nầy và hơn 40 năm sống tại Nhật, tại Đức cũng như một vài nơi trên thế giới. Kết quả ấy nó chẳng là gì; nhưng qua thời gian, sự nhận thức, phương cách nhìn… người ta có thể đi đến một kết luận như vậy.

Kể từ năm 1868 nghĩa là gần 150 năm nay, khi vua Minh Trị chủ trương Duy Tân đất nước Nhật Bản về mọi phương diện, trong đó có phương diện giáo dục toàn diện cho quần chúng, thì nước Nhật đã trở thành một trong nhiều nước tiến bộ vượt bực nhất nhì trên thế giới. Sở dĩ được như vậy, vì mọi phương diện đều phát triển đồng đều. Ông ta chủ trương „Nghĩa vụ giáo dục“ cho mọi người dân. Nghĩa là thuở ấy mọi người sinh ra ở Nhật Bản đều phải tốt nghiệp Tiểu Học. Đây là một cái nhìn không sai quấy của một bậc quân vương khi muốn cho dân mình giàu, nước mình mạnh. Đến năm 1972 khi tôi sang Nhật Bản du học, hầu như mọi người đều tốt nghiệp Tú Tài II; nghĩa là xong Trung Học Đệ Nhị Cấp, tổng cộng 12 năm cắp sách đến trường cho hơn 100 triệu dân thuở ấy và ngày nay (2012) sau hơn 40 tôi trở lại Nhật từ người tài xế Taxi đến người làm công sở hay trong xưởng, hầu như ai ai cũng có bằng Đại Học. Nước Nhật là một nước hầu như không có nạn mù


chữ; trong khi đó văn minh như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh v.v… đều có mấy phần trăm đến mấy mươi phần trăm có những người không biết đọc và biết viết, chỉ biết nói và biết nghe mà thôi.

Đây chính là niềm hãnh diện của nước Nhật. Cho nên ai tới nước nầy rồi cũng phải ngã mũ chào là vậy. Chào ở đây không phải sợ hãi mà là sự bái phục, sự ngưỡng mộ. Vì ít có dân tộc nào làm được như nước Nhật. Tuy tiếp thu những cái mới thuộc về tân học một cách trọn vẹn; nhưng cái hay, cái cũ họ không bao giờ bỏ. Vì những điều nầy đã trở thành cái nếp văn hóa của quê hương xứ sở nầy như: Trà Đạo, Hoa Đạo, Thơ Đạo, Kiếm Đạo v.v… Người Tây Phương khi đến xứ hoa Anh Đào nầy rồi, ít có người nào chê bai cách tiếp thu nền văn học nghệ thuật nước ngoài, thay vào đó họ rất cảm phục cho một dân tộc có tinh thần võ sĩ đạo như vậy.

Cả nước Việt Nam chúng ta thời ấy chỉ có một Đại Học Phật Giáo duy nhất. Đó là Đại Học Vạn Hạnh tại số 222 đường Trương Minh Giảng Sàigòn; nhưng Đại Học Phật Giáo nầy cũng chỉ tồn tại được từ năm 1964 đến năm 1975 thì chấm dứt và hình như chưa có cấp bậc Tiến Sĩ. Rồi sau nầy từ năm 1984 đến 2012 gần 30 năm như vậy tấm nhãn hiệu Đại Học Phật Giáo vẫn chưa được chính phủ công nhận, mà phải trải qua các giai đoạn như: Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Học Viện Vạn Hạnh v.v… chỉ có tiếng Anh dùng cho ngoại quốc là Đại Học; nhưng tiếng Việt thì chưa. Tại sao như vậy? Và họ ngại gì cho sự văn minh, tiến bộ của một đại bộ phận dân tộc là Phật Giáo? Những người lãnh đạo đất nước Việt Nam nên đi ra ngoại quốc để học hỏi và nhất là nước Nhật, có rất nhiều điều để chúng ta có thể nghiên cứu được.

Thế mà ở Nhật vào thời điểm năm 1972 ấy cứ mỗi Tông Phái Phật Giáo đã có từ 3 đến 5 Đại Học rồi, mà ở Nhật có trên dưới 10 Tông Phái lớn như: Hoa Nghiêm, Tịnh Độ, Tịnh Độ Chơn Tông, Nhật Liên, Sáng Giá Học Hội, Lập Chánh Giảo Thành Hội, Lâm Tế, Tào Động, Mật Giáo v.v… Đó chỉ là những Đại Học Phật Giáo; còn Đại Học Phổ Thông ngoài đời nhiều vô số kể, có cả hằng ngàn Đại Học như vậy. Mỗi Đại Học có nhiều phân khoa khác nhau được mở ra từ Cử Nhân đến Cao Học và Bác Sĩ. Đến nay (2012) tôi chưa có số thống kê chính thức; nhưng tại Nhật Bản có không dưới 3.000 Đại Học và tại mỗi Đại Học như vậy có cả mấy chục ngàn sinh viên. Người Nhật ít thấy họ hãnh diện về việc nầy. Vì họ thấy chuyện ấy cũng là việc bình thường thôi. Tôi hỏi Yamada, người bạn Nhật học cùng lớp rằng: Tại sao cậu đi học đại học để làm gì vậy ? Yamada trả lời rằng: „Thì ai học xong Trung Học đệ nhị cấp rồi đều phải đi học Đại Học, chứ biết đi đâu bây giờ“. Đó là câu trả lời thực tế để chứng minh cho việc học của người Nhật.

Thật ra dẫu cho có tu hay có học đến đâu cũng chỉ để giải quyết những nhu cầu tâm linh và nhu cầu vật chất như: ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc và những chuyện đời thường là chính. Còn kết quả của việc tu việc học như thế nào là tùy theo khả năng của người kia vậy. Ví dụ như có một sinh viên ra trường đi xin việc làm ở một hãng nọ, khi được phỏng vấn, ông chủ hỏi rằng:

- Tại sao anh chọn hãng tôi để vào làm?

- Sở dĩ tôi chọn hãng của ông, vì tôi muốn hãng của ông phát triển thêm, từ đó đời sống của nhân viên cũng như của gia đình tôi có cơ hội để tự tồn và phát triển.

Nếu trả lời rằng: Vì hãng ông trả lương cao hay công việc nhẹ đối với tôi, thì đã bị đánh hỏng rồi. Trong khi đó có nhiều người Việt Nam khi được hỏi đến công ăn việc làm thì họ trả lời rằng:

- Thưa Thầy! Việc con làm nhẹ lắm mà lương cao.

Người Nhật sẽ không bao giờ trả lời như thế cả. Họ sẽ trả lời rằng:

- Công việc của tôi làm rất nặng nhọc, xứng đáng với sức lực và đồng lương của tôi.

Người Nhật ít nói về mình. Họ hay nghe người khác phát biểu, đến phiên mình thì rất cẩn trọng và đặc biệt người Nhật ít khoe khoang về mình. Khi hỏi đến và nếu có ai tìm hiểu thì họ mới nói giới hạn cho nghe thôi; nếu chưa thân thiết lắm. Còn người Việt Nam mình thì thôi, chưa chi đã trải hết tấm lòng của mình cho mọi người biết rồi; nào là con tôi đậu Kỹ sư nầy, Bác sĩ kia, đứa con gái và con dâu đang làm trong bệnh viện nọ v.v… Hình như người mình có tính hơi khoe khoang và muốn người khác biết về mình hơn là mình muốn biết người đối diện.

Muốn đi đến Đại Học Teikyo tại Hachioji thuở ấy tôi phải đi bộ từ chùa Honryuji đến nhà gare Hachioji và đi đường Keio Lines, xe chạy qua đến Takahata Hattsudo. Từ đó lấy xe Bus đi đến phía sau Đại Học thì xuống xe. Nếu đi từ Shinjuku ra thì xuống trước đó một trạm; nhưng cũng phải bắt lấy xe Bus để đi đến trước Đại Học Teikyo.

Đại Học nầy có dạy từ Mẫu Giáo đến Tiểu Học và Trung Học; nên học sinh và sinh viên rất đông. Học sinh Trung Học phải mặc đồng phục áo trắng quần xanh nước biển. Nữ sinh áo trắng và váy màu xanh như nam. Thắt cà-vạt, đi giày. Trong khi đó sinh viên Đại Học thì đa dạng, ai muốn phục sức như thế nào, tùy theo ý của mỗi người.

Lúc tôi học năm thứ nhất của Đại Học nầy (1973), Đại Học còn thô sơ lắm. Họ mới vừa xây xong một giảng đường lớn để có chỗ học cho các buổi giảng đông, nhiều sinh viên tham dự; hoặc tổ chức những buổi lễ phát chứng chỉ tốt nghiệp, văn nghệ liên hoan v.v… còn đa phần chúng tôi học ở những dãy nhà cũ, vốn là trường Trung Học đã xây lâu đời. Sau nầy Đại Học Teikyo nổi tiếng về các phân khoa như Y học, Thể dục, Anh văn, Giáo dục v.v… thì họ đã xây dựng rất bề thế, không khác gì những Đại Học hiện đại trên thế giới. Ngày nay Đại Học Teikyo đã có đại diện khắp các châu; nhiều nhất là Hoa Kỳ và ngay tại Đức cũng có chi nhánh của Đại Học Teikyo nầy ở Berlin. Năm 2008 tôi có dẫn Hạnh Giả và Hạnh Bảo về lại thăm trường xưa thì thấy trường lúc ấy đã thay đổi quá nhiều, không còn nhận diện ra được nữa. Ngày xưa khi chúng tôi ngồi trên xe Bus để đến trường còn có cơ hội ngắm hai bên đường đi nào là ruộng lúa, luống rau v.v… nhưng bây giờ chỉ toàn là nhà cửa và đường sá mở rộng hơn. Chỉ còn người gác-dan và ông Chánh Văn Phòng là còn nhận diện được. Từ Giáo sư cho đến sinh viên, chẳng ai biết mình là ai cả.

Ngày đầu của tháng 4 năm 1973 chúng tôi vào học giờ Tâm lý Giáo dục của ông Giáo sư già Yoshida. Ông ta hỏi tất cả những sinh viên trong lớp rằng:

- Các anh chị em chọn ngành giáo dục để học. Vậy giáo dục là gì thế ?

Chẳng có sinh viên nào trả lời hết, mà ai nấy đều lo thủ phận mình biên biên, chép chép thế thôi. Đoạn ông giải thích:

- Giáo là dạy, dục là mong cho trở thành. Nghĩa là mong cho trở thành việc hiểu biết qua lời dạy thì gọi là giáo dục. Còn tâm lý hãy? Tâm lý là tâm lý. Thế là cả lớp phá lên cười, đánh tan bầu không khí nặng nề kia.

Năm đầu học chỉ để làm quen; chứ Thầy giảng cứ giảng, mình nghe cứ nghe; nhưng cuối cùng đâu có hiểu được bao nhiêu; nên tôi đã tìm cách làm quen với các bạn ngồi gần. Trong suốt 4 năm Đại Học ấy tôi đã quen với Yamada và Iyoda. Đây là hai người bạn cùng khoa cùng lớp mà mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn liên lạc với nhau. Mới đây vào ngày 4 tháng 11 năm 2012 nhân lễ khánh thành chùa Việt Nam tại Hanbara thuộc quận Aichi, tỉnh Kanagawa gần Tokyo, tôi đã có cơ hội gặp lại Iyoda và cả hai ông bà bảo lãnh Akiyama nữa, là những người của hơn 41 năm về trước, mà tôi đã cậy nhờ. Bây giờ họ đã lớn tuổi và có người cũng sắp về hưu; nhưng mối liên hệ ấy vẫn còn, quả là điều quý hiếm.

blank

Ông Bà Akiyama và Iyoda có mặt tại chùa Việt Nam ở Nhật Bản vào ngày 4.11.2012.

Mùa tháng 4 thường là mùa hoa Anh Đào nở. Trong vườn chùa Honryuji hay trong khuôn viên Đại Học Teikyo; nơi nào cũng có thể ngắm nhìn được những màu hoa xinh xắn ấy. Cây Anh Đào không cao; nhưng tàn lá sum sê và khi hoa nở không bao giờ có chen lá vào đó. Toàn hoa là hoa. Hoa màu hồng nhạt. Dĩ nhiên là có rất nhiều loại; nhưng tựu chung hoa Anh Đào màu hường nhạt. Người ta hay tụ năm tụm ba dưới những gốc cây Anh Đào như thế để đọc sách, uống trà, uống rượu, ngắm trăng v.v… nhưng rất tiếc hoa chỉ nở trong một tuần rồi tàn. Nếu ở Tokyo hoa thường nở từ ngày mồng 8 tháng 4 dương lịch, cũng là ngày lễ Hana Matsuri (Lễ Đản Sanh) cho đến hết ngày 15 hoa sẽ tàn; nhưng nếu ở miền Nam như Okinawa hay Kagoshima thì hoa nở sớm hơn mấy ngày và nếu là miền Bắc như Sendai hay Hokkaido hoa sẽ nở trễ hơn từ trung tuần tháng 4 dương lịch trở đi. Nếu quý vị muốn đi xem hoa Anh Đào của xứ Nhật thì hãy chọn những thời điểm trên. Còn ai đó muốn nhìn nét đẹp mùa Thu của Nhật Bản như thế nào thì hãy đến đó vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch, quý vị sẽ xem thấy những bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời.

Ở Nhật có nhiều tổ chức khác nhau của người Việt mà một sinh viên Tăng sĩ như chúng tôi cần phải hiện diện. Đó là Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Nhật Bản, Hội Sinh Viên Việt Nam tại Nhật; còn tại các Đại Học mà các sinh viên theo học cũng có thể tham gia các Hội tại đó.

Từ năm 1966 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước đã cử Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh làm Phân Bộ Trưởng Phân Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Pháp. Sau đó các Chi Bộ tại Lào, Ấn Độ, Nhật Bản được thành lập. Vì lẽ quý Thầy, quý Cô sau khi tốt nghiệp tại Ấn Độ đều về nước làm việc hay đi Hoa Kỳ để định cư; nên Chi Bộ tại Ấn Độ và Lào không còn nữa. Duy nhất chỉ còn Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Nhật là còn tồn tại từ ấy cho đến ngày hôm nay, trải qua các thời kỳ của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền làm Chi Bộ Trưởng và thuở ấy chúng tôi có cơ quan ngôn luận là tờ báo Khuông Việt; nhưng sau nầy không còn nữa. Thông thường mỗi tháng chúng tôi họp một lần (trước năm 1975); nhưng nếu có việc gì cần thiết thì chúng tôi họp bất thường. Việc nầy duy trì cho đến năm 1975-1978 thì không còn liên tục nữa, vì một số quý Thầy đã đi khỏi Nhật Bản để đến tỵ nạn và định cư tại Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc v.v…

Thật sự ra sinh viên lúc đó có 2 Hội hoạt động song hành. Một Hội thân với chính phủ và Hội kia ban đầu hoạt động có tính cách bí mật có tên là Beheito (Việt Nam Hòa Bình Thống Nhất Hội). Những người ở Hội nầy đa phần là những người chống chính phủ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ; mãi cho đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì họ hiện nguyên hình. Thế nhưng một số lớn trong những người nầy cũng không được chính quyền lúc bấy giờ chấp nhận. Có lẽ họ ngại những người trí thức ở ngoại quốc lâu năm, biết nhiều vấn đề của thế giới cả hai mặt; nên họ cũng chỉ chấp nhận cầm chừng, ví dụ như đi về Việt Nam dễ dàng, thân nhân đoàn tụ v.v… nhưng quyết định về Việt Nam ở luôn thì có rất ít người.

Trong Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Nhật lúc ấy có 3 thành phần. Đó là những vị Tăng Sĩ ra đi từ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phái Ấn Quang, quý vị thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phái Việt Nam Quốc Tự. Ngoài ra một số quý vị ra đi từ phái Phật Giáo Cổ Truyền Cổ Sơn Môn nữa. Khi ra đi và ở ngoại quốc rồi thì ai cũng bình đẳng như ai. Cái khó là làm sao ngồi chung lại được với nhau để thực hiện những công việc Phật sự. Thế mà Hòa Thượng Thích Minh Tâm lúc bấy giờ với vai trò Chi Bộ Trưởng đã thể hiện trọn vẹn được việc ấy.

Học bạ của tôi cuối niên học năm thứ nhất ấy không đến nỗi tệ. Tuy là mới năm đầu học tại Đại Học. Người Nhật cho điểm khác với Việt Nam mình. Những ai có điểm cao từ 90 đến 100 thì gọi là „Ưu“. Từ 80 đến 90 thì gọi là „lương“ và từ 70 đến 80 thì gọi là „khả“. Dưới 70 điểm phải thi lại. Như vậy điểm họ chấm không căn cứ trên 50/50 mà căn cứ ở số điểm cao như vậy. Hầu như tôi không phải thi lại môn nào cả. Thông thường sinh viên chọn những môn chính và kèm theo những môn phụ. Nếu mấy năm đầu chọn nhiều mà học không nổi cũng khốn; nhưng nếu có thời giờ và khả năng vẫn là một điều tốt. Vì để thời giờ lo cho luận văn trong năm thứ 4 của mình. Thông thường sinh viên hơi lười; tới đâu tính đó. Còn mình vốn là người ngoại quốc, nếu học bị ở lại lớp thì tiền đâu để đóng cho năm sau. Đó là những cái khó khăn rất thực tế mà mình phải cố gắng vượt qua ở buổi ban đầu ấy.

Đến năm thứ hai (1974) tiếng Nhật tôi đã vững vàng; nên Thầy trụ trì Oikawa có bảo tôi đi cúng đám với Ngài và sau đó trong các lễ Ohigan, Obon, Ngài bảo các Thầy lớn khoanh vùng cho tôi và cầm tấm bảng đồ để đi. Chỗ nào có nhà đàn gia tín đồ thì tự động gõ cửa vào nhà để cúng. Đầu tiên là chào hỏi và bảo rằng: từ chùa Honryuji đến tụng kinh. Thế là các ông bà già mở cửa và mời vào bàn Phật để tụng kinh. Sau khi tụng kinh xong, họ thường lấy ra một phong thư màu trắng; trong ấy có gói 1.000 hay 2.000 Yen để cúng dường. Có nơi có thì giờ thì các vị nầy mời uống trà, ăn bánh nói chuyện. Tôi nhờ những câu chuyện như vậy mà giỏi tiếng Nhật, mãi cho đến bây giờ tiếng Nhật vẫn còn gần như là tiếng mẹ đẻ, tôi ít quên là nhờ thực tập nhiều trong lúc ở chùa và đi cúng như thế nầy. Điều quan trọng hơn là nhờ vậy tôi có đủ tiền để đóng học phí cho Đại Học; không phải đi làm ở ngoài, mà cũng chẳng phải cực nhọc nhiều. Chỉ làm công việc chùa thôi. Có một lần sau khi tụng kinh xong, một cụ lớn tuổi người Nhật mời tôi ngồi uống trà và bắt đầu câu chuyện:

- Thầy từ đâu đến vậy ?

- Ồ! Tôi ở xa lắm! Đi đến 8 tiếng đồng hồ máy bay lận.

Cụ suy nghĩ một hồi lâu rồi tiếp:

- Nước Nhật nầy bé tí teo. Đi đâu mà xa quá vậy. Thầy có lầm đi bằng xe lửa chăng?

- Không! Thưa Cụ. Tôi đi máy bay đấy.

- Vậy nơi ấy là nơi nào?

- Thưa! Nước Việt Nam ạ.

- Ối giời! Nước Việt Nam! Chúng nó tàn ác quá nhỉ ? Anh em huynh đệ mà bắn giết nhau mấy chục năm chưa dừng nghỉ. Thật là tội nghiệp (Kawaisoo).

Cụ nhấn mạnh chữ Kawaisoo nhiều lần như thế rồi nhìn đi một hướng xa xôi nào đó như để hướng về một điều gì trong dĩ vãng chăng? Chữ Kawai tỉnh từ có nghĩa là dễ thương; nhưng chữ Kawaisoo danh từ có nghĩa là đáng thương hại, tội nghiệp quá đi thôi! đoạn Cụ quay qua tôi.

- Thế mà tôi lầm. Thấy Thầy mặc Tăng y người Nhật, tụng kinh tiếng Nhật thật hay, tôi cứ tưởng là một vị Tăng sĩ Nhật.

Khi nghe được những lời chân thật của ông cụ già Phật Tử chùa Honryu như vậy tôi vững tâm. Vì tiếng Nhật mình đã không còn khó khăn như thuở ban đầu nữa. Bây giờ đây đã tiến bộ nhiều rồi. Trong nhiều bữa ăn hay cuộc hội họp tại chùa, Thầy Oikawa hãnh diện về tôi; nên giới thiệu với mọi người và tôi cũng đã có đôi lời để chào hỏi và cảm ơn họ. Thật ra tôi giỏi tiếng Nhật cũng nhờ bà vợ của Thầy trụ trì. Bà nầy người sắc sảo; nhưng rất đanh đá như bao nhiêu người đàn bà khác trên thế gian nầy. Bà ta nói, la, dằn… bằng mọi ngôn từ và mọi hành động, hầu như tôi đều hiểu tất cả những tiếng địa phương cũng như những tiếng lóng của Nhật nữa, mặc dầu tôi đang nói tiếng tiêu chuẩn của vùng Tokyo nầy. Thật ra cái tu, cái học không bao giờ thừa thải hết. Cứ cố gắng rồi mọi việc sẽ đến. Cho nên người xưa có rất nhiều câu ca dao và tục ngữ để ca tụng về việc học nầy. Ví dụ như:

- Thất bại là mẹ đẻ của thành công.

- Nhân bất học bất tri lý, ngọc bất trát bất thành khí, ấu bất học lão hà vi

- Trường học là lò đúc nhân tài.

- Học hải vô nhai cần thị ngạn

- Thanh không hữu lộ, chí vi thê.

Dĩ nhiên là còn rất nhiều câu tục ngữ hay hơn như thế nữa nếu ai đó trong chúng ta có thì giờ để nghiên cứu đến. Vì lẽ xưa nay chưa ai phủ nhận sự tu và sự học cả. Trên từ Vua Chúa, dưới cho đến thiên hạ đủ hạng người. Nếu ai có tu và có học, người ấy sẽ đứng ở một vị trí xứng đáng trong cuộc đời. Dĩ nhiên cũng có nhiều người không cần con đường học vấn cũng thành công như thường, mà họ chẳng cần bằng cấp, cũng như chẳng qua trường lớp nào. Trường hợp ở Việt Nam mình có ông Nguyễn Hiến Lê, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Ở Đài Loan có Ngài Ấn Thuận, Ngài Tinh Vân. Ở Nhật có ông Thủ Tướng Tanaka đã làm Thủ Tướng của nước Nhật, mà là người chưa đỗ bằng Tiểu Học. Họ là những học giả, tự nghiên cứu và tự đi vào đời bằng kinh nghiệm sống của mình hay nói xa hơn là dư báo của họ trong kiếp nầy còn tốt; nên họ mới được như vậy.

Năm 1973 có tin Thầy Như Mẫn, Sư Đệ của Thầy Như Tạng sang Nhật du học. Thầy Như Tạng có ý nhờ tôi lo cho Thầy Như Mẫn vào ở chung chùa với tôi. Tôi hoan hỷ vô cùng, vì mình có thêm người bạn mới để nói chuyện. Khi Thầy Như Mẫn An Thiên mới đến Nhật, tôi cũng đã hướng dẫn cho Thầy ấy như Thầy Như Tạng và Thầy Chơn Thành giúp tôi thuở xưa. Nghĩa là Thầy ấy gặp vấn đề khó khăn như trường học, cách di chuyển, cách tìm lớp học và ngay như tài chánh, tôi đều giúp đỡ. Trước là để trả ơn Thầy Như Tạng, sau là thể hiện tình đồng hương với nhau. Thầy Như Mẫn An Thiên ở chùa nầy cho đến năm 1978 thì dọn ra ngoài ở và vẫn tiếp tục học lên Hậu Đại Học Lập Chánh sau nầy. Tuy nhiên trong 4 lễ lớn của năm, Thầy ấy vẫn về chùa Honryuji để đi cúng giúp cho Thầy trụ trì. Thầy ấy chăm học; nhưng tôi chưa gọi là một người bạn được. Vì Thầy ấy hay giấu giếm nhiều điều, ngay cả tuổi thật của mình. Thế là tôi không gần. Tuy nhiên sau nầy khi Thầy học gần xong có nhờ tôi bảo lãnh sang Đức để thăm khi còn nơi chùa cũ vào những năm 1987-1988, tôi đã thực hiện điều ấy và Thầy có ý muốn sang Úc để thăm và định cư, nhờ tôi giới thiệu với Hòa Thượng Bảo Lạc. Việc nầy tôi cũng đã thực hiện xong và sau khi Thầy từ chùa Pháp Bảo ra riêng, tôi cũng đã đến thăm chùa Minh Giác của Thầy ấy tại Sydney mấy lần. Đến khi nghe Thầy An Thiên tự thiêu tại vườn chùa Minh Giác, tôi rất ngỡ ngàng và chỉ viết một lá thư gởi FAX qua; chứ không đi dự lễ tang. Tang lễ của Thầy ấy đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan đứng ra lo liệu thập phần viên mãn.

Bây giờ có nói gì đi nữa thì chuyện đúng sai xin gởi lại cho đời. Đúng để làm gì và sai để làm gì khi mà nắp quan tài đã khép lại? Duy nhất chỉ có một điều là Thầy đã hiểu rõ lý do tại sao Thầy làm như thế là đủ rồi; còn người ngoài làm sao hiểu hết được tâm tư tình cảm của Thầy thuở ấy ra sao mà phán đoán. Nói như vậy thì công lý, luật pháp để làm gì? Dĩ nhiên là rất cần; nhưng những luật đời nầy làm sao qua nổi nhân quả được. Do vậy tôi vẫn thường hay nói với chính mình và với học trò đệ tử của mình rằng: Trên đời nầy có cái đúng và cái sai, nhưng nhân quả không đúng thì thôi, chứ không bao giờ sai cả. Câu nầy tôi luôn học nằm lòng để tự răn mình, để không than phiền ai và nếu có, chỉ than phiền mình thiếu tu, thiếu phước mà thôi.

Ngày xưa người ta quý bạn hơn cả người thân của mình trong gia đình; nhưng ngày nay tìm được một tình bạn như thế thật khó vô cùng. Âu đó cũng chỉ là nhân duyên của mỗi người trong cuộc đời nầy mà thôi. Qua sách vở, văn chương ta thấy có những tình bạn thật tuyệt vời nhưng cũng có nhiều mối tình khó nói, khó than thở, khó trao lại cho ai thì họ tự mang theo mình và chôn chặt những loại tình ấy vào thiên thu, cho trôi vào dĩ vãng.

Mùa nghỉ xuân năm 1974 tôi xin phép Thầy trụ trì được đi thăm những bạn bè thân quen từ Nam chí Bắc nước Nhật và sẽ đi bằng xe lửa. Thầy Oikawa hỏi tôi là có chắc chắn chưa và có cần gì không? Đoạn Thầy lấy cho tôi 10 vạn Yen để lên đường. Đây có lẽ cũng là một loại tiền thưởng. Vì công việc chùa tôi làm thông suốt, không bỏ sót một việc gì và sau niên khóa thứ nhất tôi đã thi đậu tất cả các môn. Tôi cảm ơn Thầy và khăn gói khởi hành chỉ một thân ra đi trong muôn vạn dặm.

Đến Hokkaido để thăm thành phố đẹp tuyệt vời nầy về đêm và đi thăm bộ lạc Ainu là dân thiểu số duy nhất còn sống trên đất nước nầy. Họ vẫn còn vấn váy và ở nhà chòi. So ra cái văn minh của Nhật tại Tokyo và phố thị hầu như họ chẳng bị chi phối và bị ảnh hưởng gì nhiều. Họ ăn uống theo đồ ăn của họ; nói ngôn ngữ của họ và nhất là truyền thống xưa sao nay vậy họ vẫn bảo tồn nền văn hóa cổ truyền nầy. Đến đây để tắm suối nước nóng và thăm phong cảnh địa phương. Vì ở đây không có người Việt Nam nào quen; nên tôi trở lại Sendai và Fukushima để thăm cô Hồ Thị Kiều đang học tại đó.

Năm 1980 sau khi ở Đức được 3 năm, trên đường sang Úc và về lại Nhật, tôi đã đón Kiều qua Đức, qua sự giới thiệu của tôi và làm vợ của Bác sĩ Văn Công Trâm trong một thời gian dài trên dưới 20 năm, rồi mối tình ấy tan rã. Bây giờ Kiều vẫn còn ở Đức; nhưng sự thành công của Kiều ở Nhật là do ông Ishikawa vốn là vị Trụ trì của chùa Long Tuyền ở Fukushima cưu mang Kiều từ thuở nhỏ.

Đến Gunma để thăm Nguyễn Tiến Quang đang học tại đó lúc bấy giờ. Ở đây tôi đã mua nhiều bộ tự điển Nhật Anh quan trọng. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ trong thư viện của chùa Viên Giác tại Hannover. Sau nầy có vài lần gặp Nguyễn Tiến Quang ở Pháp và ở Mỹ.

Đến Osaka để thăm Phan Đức Lợi. Ngày nay Lợi và Thông không còn trên cõi đời nầy nữa; nhưng đây là những người bạn thật tuyệt vời, mặc dầu giữa tôi và họ, Đời Đạo khác nhau, có lý tưởng phụng sự cho quê hương Tổ Quốc cũng khác nhau nữa; nhưng không vì thế mà tình người lại xao lãng; nhất là tình bạn khi còn học Tiểu Học tại trường Xuyên Mỹ năm nào từ những năm 1957 đến năm 1961.

Tôi dùng thuyền để đi sang Sikokku thăm chùa của Nakatomi; đến Hagi để thăm chùa của Matsunaga và đến Sizuoka thăm chùa của Sizumi. Tất cả đều là những kỷ niệm tuyệt vời cho chuyến đi ấy. Trong quyển „Đường Không Biên Giới“ xuất bản tại Đức cách đây chừng 20 năm, tôi đã kể rõ về những chuyến đi nầy. Đặc biệt Thầy Hạnh Tấn đã minh họa bức hình tôi cỡi ngựa tại Hagi vào mùa thu để làm bìa sách rất đẹp.

Sau đó dùng xe lửa tiếp tục đi Kyushu rồi Kagoshima để thăm Tôn Thất Hoàng. Đây là người bạn ở trọ cùng nhà trong khi học Nhật ngữ tại Tokyo. Hoàng thuở ấy được đậu vào trường công lập Kugoshima nên không phải đóng học phí nhiều. Mỗi năm chỉ đóng tượng trưng một ít tiền văn phòng mà thôi. Hoàng dẫn tôi đi thăm núi lửa và đặc biệt là củ cải trắng của vùng nầy. Vì có núi lửa hoạt động; nên củ cải to vô cùng. Nếu những người con gái Nhật Bản nào bị ví chân họ là củ cải thì các nàng giận lắm. Vì bắp chân như thế rất lớn.

Mới đây (2012) tôi có gặp lại Iyoda tại Nhật Bản, anh ta có nhắc lại chuyến đi Nigata vào mùa Đông năm 1973, đến thăm nhà của Yamada, vốn là bạn học chung trường và chung lớp tại Đại Học với chúng tôi. Iyoda nhắc lại mối tình giữa anh ta và cô em gái của Yamada thuở ấy. Mới chỉ mấy ngày thôi, mà trông như họ đã quen nhau lắm rồi. Cuối cùng rồi ai về lo công việc nấy. Em của Yamada đã có chồng có con và nay đã có cháu. Còn Yamada vẫn ở độc thân như vậy. Iyoda cũng đã lập gia đình từ lâu, có hai con và nay là công chức sắp về hưu của thủ phủ Chofu.

Iyoda cũng nhắc lại chuyến đi đó, tôi bị quẹo chân vì trượt tuyết chưa quen. Vùng Nigata tuyết nhiều lắm và đây cũng là một kỷ niệm đẹp khó quên vô cùng trong đời sinh viên của tôi ở Nhật.

Sau hơn một tháng tôi trở về lại chùa. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Thầy trụ trì vẫn như xưa, các con ông bà ta vẫn đi học đều. Chỉ có bà là hơi khó chịu, vì công việc không chạy mấy, khi thiếu tôi tại chùa nầy; nhưng hai ba ngày sau rồi việc đâu cũng vào đấy cả.

Con người là một động vật rất khôn ngoan có lý trí cao nhất trong các loài động vật khác. Nhưng một điều hay là dễ quên. Nếu cái gì cũng nhớ hết, và sự nhớ ấy, cả việc tốt lẫn việc xấu, chắc cũng phải xếp hàng mấy chục nghìn cây số vẫn chưa hết. Vì trong mỗi sát na đều có sự biến hiện vô cùng nầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]