Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

52. Phật nhập niết bàn tại Kusinàgar (năm -544)

02/03/201421:46(Xem: 21076)
52. Phật nhập niết bàn tại Kusinàgar (năm -544)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh
(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

3- Phật nhập niết bàn tại Kusinàgar[1](năm -544)

Phật báo tin sẽ nhập diệt trong ba tháng[2]

Một hôm, sau ngày mãn hạ, Phật và Ànanda từ Beluva vào thành Vesàlì khất thực, đến thọ trai ở một cụm rừng, rồi Phật bảo :

Ànanda, chúng ta hãy đến đền Càpàla để nghỉ trưa.

Trên đường đi, Phật dừng lại nhiều lần để ngắm phong cảnh. Phật nói :

Ànanda, Vesàlì thật là đẹp. Đền Udena cũng đẹp. Các ngôi đền khác trong vùng như Gotamaka, Bahuputtaka, Sattàmbaka, và Sarandada cũng đều là những ngôi đền đẹp. Đền Càpàla mà chúng ta sắp đến cũng xinh lắm.

Nhưng Thượng tọa Ànanda đang mãi âu sầu, đau đớn về sự vĩnh biệt của Thượng tọa Sàriputta, không còn để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Đi một lúc, đức Phật lại nói :

Này Ànanda, thầy có biết không ? Người nào đã trau giồi và phát triển đầy đủ các đức hạnh, thực hành đầy đủ các nguyện lớn, chứng nghiệm đầy đủ thực tại an lạc thanh tịnh, có đủ các thiện phương tiện, người ấy, nếu muốn, có thể sống đến trăm tuổi hay có thể thêm chút ít. Này Ànanda, Như Lai đã trau giồi và phát triển đầy đủ các đức hạnh, thực hành đầy đủ các nguyện lớn, chứng nghiệm đầy đủ thực tại an lạc thanh tịnh, có đủ các thiện phương tiện. Nếu muốn, Như Lai có thể sống đến trăm tuổi, hay có thể thêm chút ít.

Bạch Thế Tôn, vâng.

Thượng tọa Ànanda đang mơ màng nhớ đến những kỷ niệm tốt đẹp với Thượng tọa Sàriputta. Thầy không biết rõ đức Phật đã nói gì và thầy đã đáp như thế nào. Sau này thầy rất ân hận đã bỏ lỡ cơ hội để xin Phật trụ thế thêm vài chục năm nữa.

Đến đền Càpàla, sau khi sắp đặt chỗ nghỉ cho Phật, Thượng tọa Ànanda đi ra ngoài để thiền hành. Trong khi đang thiền hành, Thượng tọa bỗng nhận thấy đất đai rung động và sấm nổ vang rền làm tâm thần thầy cũng bị chấn động theo. Thượng tọa vội trở về đền Càpàla, thấy Phật đang ngồi yên tĩnh trong đền. Thượng tọa Ànanda trình bày hiện tượng động đất vừa xảy ra và hỏi lý do. Phật bảo :

Này Ànanda, có tám nguyên nhân làm cho đại địa chấn động : Thứ nhất là vì đất nương trên nước, nước nương trên gió, gió nương vào không gian, nên khi gió lớn thổi làm nước động, nước làm đất động. Thứ hai là khi một tu sĩ đắc thần thông hay khi một vị trời có thần lực thực hành phép quán địa đại hay phép quán thủy đại. Thứ ba, thứ tư và thứ năm là khi một vị Bồ tát nhập thai, sinh ra, hay thành đạo. Thứ sáu là khi Phật chuyển pháp luân. Thứ bảy là khi Phật quyết định nhập diệt. Thứ tám là khi Phật nhập Đại Bát Niết Bàn.

"Này Ànanda, Như Lai đã quyết định rồi. Ba tháng nữa kể từ hôm nay Như Lai sẽ diệt độ.”

Thượng tọa Ànanda bỗng thấy tay chân bủn rủn, mắt hoa, đầu choáng váng. Thượng tọa vội quỳ xuống trước Phật và năn nỉ :

Xin đức Thế Tôn đừng diệt độ sớm như thế. Xin đức Thế Tôn thương xót chúng con.

Phật ngồi im lặng. Thầy Ànanda lặp lại lời thỉnh cầu tới lần thứ ba. Phật nói :

Đủ rồi, Ànanda, không nên khẩn cầu Như Lai. Thời gian cầu khẩn ấy đã qua. Này Ànanda, nếu thầy có đức tin nơi Như Lai thì thầy nên biết rằng những quyết định của Như Lai là những quyết định hợp thời và hợp cơ duyên. Như Lai đã nói với Ma vương là Như Lai sẽ diệt độ trong ba tháng nữa kể từ hôm nay. Thầy hãy cho mời tất cả các vị khất sĩ trong vùng quy tụ về giảng đường Kùtàgàra (Trùng Các) ở Mahàvana (Đại Lâm). Bảy ngày nữa Như Lai sẽ thông báo quyết định này cho đại chúng.

Đến ngày thứ bảy, trên một ngàn năm trăm vị khất sĩ và nữ khất sĩ tụ tập tại giảng đường Kùtàgàra. Đức Phật được thỉnh vào ngồi trên pháp tòa. Phật đưa mắt nhìn đại chúng rồi lên tiếng :

Này các vị khất sĩ, Những gì Như Lai đã thực chứng và đã trao truyền lại cho quý vị, quý vị hãy thận trọng giữ gìn, chuyên cần học hỏi, tu tập để chứng nghiệm, và hãy khéo léo truyền đạt lại cho những thế hệ tương lai. Nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì sự an lạc và hạnh phúc của muôn loài.

Này các vị khất sĩ, những pháp môn tu mà Như Lai đã truyền đạt lại cho quý vị tuy nhiều, nhưng có thể tóm lược trong 37 phẩm trợ đạo. Các pháp môn như Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, các vị phải chuyên cần học hỏi, tu tập để thực chứng, rồi khéo léo truyền đạt lại cho người khác.

Này các vị, Như Lai đã thường nói các pháp hữu vi đều vô thường, có sanh có diệt, có hợp có tan. Các vị hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát. Ba tháng nữa Như Lai sẽ diệt độ. Vậy còn điều gì nghi ngờ hoặc chưa hiểu rõ, các vị hãy tự mình nêu lên hay nhờ người khác nêu lên để Như Lai phương tiện giải thích cho, đừng để quá muộn.”

Hơn một ngàn năm trăm vị khất sĩ ngồi im lặng nghe Phật nói. Nghe Phật sắp diệt độ, ai nấy đều đau lòng. Có nhiều vị thút thít khóc. Có nhiều vị lấy khăn lau nước mắt. Không ai còn lòng dạ nào nêu lên những câu thắc mắc trong lúc này.

Bát cháo nấm của người thợ rèn Cunda[3]

Sáng hôm sau, Phật đi vào thủ đô Vesàlì khất thực. Khất thực xong Phật ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Sau đó Phật cùng các vị khất sĩ rời thủ đô Vesàlì, đi về hướng tây bắc, dọc theo bờ sông Hiranyavati (hiện nay là sông Gandak). Ngoái nhìn lại Vesàlì, Phật nói :

Này Ànanda, Vesàlì thật đẹp. Đây là lần cuối cùng Như Lai nhìn thành phố này; Như Lai sẽ không bao giờ trở lại nơi đây nữa.

Rồi Phật nhìn trở lại phía trước và nói :

Bây giờ chúng ta hãy đi đến làng Bhandagama.

Nghe tin Phật sắp nhập niết bàn và sắp rời Vesàlì, các vương tử Licchavi và thân hào nhân sĩ theo tiễn đưa Phật rất đông. Đã nhiều lần Phật khuyên các vị ấy nên trở lại, nhưng ai nấy đều bịn rịn, không đành lòng. Đức Phật liền gây ra ảo giác có một con sông lớn chắn ngang giữa Phật và họ, nước đang dâng cao và chảy mạnh khiến những người tiễn đưa buộc lòng phải quay trở về Vesàlì. Vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch, vua Asoka có cho dựng trụ đá kỷ niệm tại địa điểm Deora, trong làng Kesariya hiện nay.

Chiều hôm ấy tới Bhandagama, Phật thuyết pháp cho trên ba trăm vị khất sĩ về giới, định, tuệ và giải thoát. Sau vài hôm nghỉ ngơi, Phật rời Bhandagama đi Hatthigama, rồi đến AmbagamaJambugama. Nơi nào Phật cũng thăm viếng và khuyến khích các vị khất sĩ nên siêng năng tinh tấn tu tập.

Sau đó đức Phật và các vị khất sĩ đến làng Bhoganàgara. Tại đây Phật dạy bốn Đại Giáo Pháp(Mahàpadesa), đại ý như sau :

Khi nghe ai nói điều gì là Giáo Pháp của Phật, dù người đó đạo cao đức trọng và có thẩm quyền, quí vị cũng không nên chấp nhận hay bác bỏ ngay. Quí vị nên nghe cho kỹ rồi đem so sánh từng chữ, từng lời với Kinh và Luật. Nếu thấy vừa phù hợp với Kinh, vừa phù hợp với Luật thì chắc chắn điều đó là giáo huấn của đức Bổn sư, nên chấp nhận và thực hành theo.

Đến ngày thứ sáu, Phật và giáo đoàn tới thủ đô Pàvà(hiện nay là làng Pawanàgar) của xứ Malla. Sau khi được nghe Phật thuyết pháp, ông thợ rèn tên Cunda (Thuần Đà) thỉnh Phật và cả giáo đoàn khoảng ba trăm người đến khu vườn xoài nhà ông để cúng dường trai tăng. Lúc bấy giờ có mặt các Thượng tọa Anuruddha, Ànanda, Upàvàna. Trong khi người nhà và bạn bè dâng cúng thức ăn vào bát của các vị khất sĩ, ông Cunda cung kính dâng lên Phật bát cháo do chính tay ông nấu với loại nấm Sukara-maddava[4]rất quí giá, dành riêng cho Phật dùng.

Sau khi thọ trai xong, Phật gọi ông Cunda đến bảo :

Này ông Cunda, món cháo nấm này còn lại bao nhiêu ông nên đào đất mà chôn đi, không nên để cho người khác ăn.

Ông Cunda vâng dạ làm theo lời dặn của đức Phật mà không biết tại sao.

Sau bữa ngọ trai, theo thông lệ, Phật vẫn thuyết pháp cho mọi người nghe, xong rồi mới trở về khu lâm viên nghỉ ngơi. Tối hôm ấy Phật bị đau bụng dữ dội, bụng quặn đau từng chập, thân mình ướt đẫm mồ hôi, bệnh kiết lỵ (dysentery) tái phát. Nhưng Phật nhẫn nại chịu đựng, điềm tĩnh, không một lời rên xiết.

Mặc dầu suốt đêm không ngủ, sáng sớm hôm sau Phật bảo các vị khất sĩ lên đường đi Kusinàgar. Làng Kusinàgar (Pali: Kusinàrà) cách thủ đô Pàvà lối 16 km về hướng tây bắc[5]. Trên đoạn đường cuối cùng này, theo kinh sách ghi chép, đức Phật phải ngồi lại nghỉ lối 25 lần vì bệnh và yếu.

Giữa đường, cơn đau bụng lại hoành hành dữ dội. Phật dừng lại, ngồi nghỉ dưới một cội cây, trên một chiếc áo cà-sa xếp làm tư. Phật bảo :

Này Ànanda, thầy hãy tìm ít nước cho Như Lai uống đỡ khát.

Bạch Thế Tôn, nước ở khe suối gần đây đục lắm vì có một đoàn xe bò mấy trăm chiếc vừa mới đi qua. Xin Thế Tôn đợi một lát nữa tới sông Kakutthà. Nước ở đó trong và ngọt lắm, con sẽ lấy cho Thế Tôn uống, rửa mặt và tay chân cho mát.

Như Lai khát lắm, thầy cứ đi lấy nước ở đây đi.

Thượng tọa Ànanda vâng lời, đến dòng suối nhỏ gần đó lấy nước, thì lạ quá, nước suối đã trở nên trong vắt.

Uống nước xong, Phật ngồi nghỉ. Các Thượng tọa Anuruddha và Ànanda ngồi bên cạnh người. Ba trăm vị khất sĩ cũng ngồi nghỉ ngơi rải rác đó đây, nhiều vị đến ngồi xung quanh Phật. Lúc ấy có một người bộ hành tên Pukkusa, thuộc bộ tộc Malla, đi từ Kusinàgar tới. Ngày xưa ông ta cũng đã từng học với đạo sư Àlàra Kàlàma ở gần thủ đô Vesàlì và đã từng biết tiếng sa môn Gotama. Pukkusa bước tới đảnh lễ Phật, hỏi thăm về sức khỏe của Phật và nói với vẻ rất thán phục :

Thưa tôn giả, sau khi tôn giả rời đạo sư Àlàra Kàlàma, có lần ông ấy ngồi thiền định bên vệ đường, có một đoàn xe bò 500 chiếc đi ngang qua làm áo ông ấy lấm đầy bụi đất mà ông ấy vẫn không hay biết gì cả mặc dù ông vẫn tỉnh thức.

Này đạo hữu, có lần Như Lai đang ngồi thiền định trong một nhà đập lúa ở làng Àtumà, sau đó bước ra sân thiền hành qua lại, trong khi đó có mưa giông và sấm sét làm chết hai người dân cày và bốn con bò gần đó, lúc ấy mặc dù Như Lai vẫn tỉnh thức mà vẫn không nghe không thấy mưa giông sấm sét gì cả[6]. Sau đó nhờ đám đông người thuật chuyện lại mới biết.

Ông Pukkusa nghe xong sinh lòng kính phục, dâng cúng hai tấm y mới. Phật nhận một tấm và bảo Pukkusa cúng dường tấm kia cho Thượng tọa Ànanda. Pukkusa xin quy y Tam Bảo. Sau khi nghe lời Phật dạy, ông sung sướng từ tạ lên đường.

Khi Thượng tọa Ànanda thay y mới cho Phật, thì Thượng tọa ngạc nhiên thấy nước da của Phật chiếu sáng lạ thường. Thượng tọa hỏi :

Bạch Thế Tôn, sao hôm nay màu da của Thế Tôn trở nên vàng óng ánh, sáng rỡ một cách lạ thường như thế ?

Này Ànanda, có hai trường hợp màu da của Như Lai trở nên óng ánh, sáng rỡ lạ thường. Đó là lúc Như Lai sắp đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và lúc Như Lai sắp nhập diệt. Này Ànanda, đêm nay Như Lai sẽ diệt độ trong cụm rừng cây sàla (song long thọ) tại làng Kusinàgar[7]vào lúc canh ba (nửa đêm). Bây giờ chúng ta hãy lên đường cho kịp lúc.

Đến bờ sông Kakutthà, Phật đi xuống sông tắm và uống nước. Tắm xong Phật lên bờ bên kia, đi đến một vườn xoài gần đó. Phật bảo Đại đức Cunda[8]xếp áo cà-sa làm tư trải xuống đất cho người nằm. Nằm nghỉ một lát, Phật gọi Thượng tọa Ànanda đến bảo :

Này Ànanda, bữa ăn hồi trưa hôm qua tại nhà của cư sĩ Cunda là bữa ăn cuối cùng của Như Lai. Nhưng chuyện sau đây có thể xảy ra. Có người sẽ làm cho ông Cunda ăn năn hối hận vì họ nói rằng “Này Cunda, ông thật là người có tội. Ông sẽ bị chìm đắm sa đọa vì đức Thế Tôn đã lìa trần sau khi thọ món ăn của ông dâng.” Mỗi lần ông Cunda ăn năn hối hận như thế thầy phải giải thích như vầy “Này Cunda, ông thật có nhiều phước báo tốt đẹp. Ông sẽ hưởng được nhiều lợi lạc vì đức Phật đã thọ thực lần cuối cùng với các món ăn do ông dâng cúng. Này Cunda, bần tăng có nghe chính đức Thế Tôn dạy rằng có hai vật thực cúng dường đem lại phước báo bằng nhau, tạo quả bằng nhau và vô cùng quí báu hơn tất cả. Hai vật ấy là gì ? Đó là vật thực cúng dường Bồ Tát thọ lần cuối cùng trước khi chứng ngộ đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và vật thực cúng dường mà đức Phật thọ dụng lần cuối cùng trước khi ngài nhập diệt. Này ông Cunda, vật thực cuối cùng mà đức Thế Tôn thọ dụng do chính tay ông dâng cúng. Nghiệp tốt này sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng, được hưởng phước báo trong các cõi trời và trong cảnh vua chúa, quyền quí cao sang.” Này Ànanda, thầy nên khuyên lơn Cunda như thế.

Sau khi nghỉ ngơi một lát, Phật bảo :

Này Ànanda, chúng ta hãy lên đường đến rừng cây sàla, nơi công viên Upavattana của bộ tộc Malla. Công viên này rất đẹp, nó nằm ở bờ bên kia sông Hiranyavati[9].

Khi Phật và các vị khất sĩ tới rừng cây sàla thì trời đã xế chiều. Phật bảo :

Này Ànanda, Như Lai đã mệt mỏi lắm rồi. Thầy hãy sắp xếp chỗ nằm cho Như Lai giữa hai cây sàla, đầu hướng về phía bắc.

Thượng tọa Ànanda tìm một khoảng đất bằng phẳng, sạch sẽ, giữa hai cây sàla, rồi thầy lấy nhiều chiếc cà-sa gắp làm đôi, trải xuống đất[10]. Đức Phật nằm xuống, đầu hướng về phương bắc, mình ngiêng về bên phải, bàn tay phải để ngửa lót dưới mặt, tay trái để xuôi trên hông trái, chân trái nằm dài trên chân phải, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn.

Thượng tọa Ànanda quỳ bên cạnh Phật, thút thít khóc. Đức Phật nằm nghỉ mệt một lát rồi mở mắt nói:

Này Ànanda, thầy không nên khóc, thầy đừng nghĩ rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy, thầy không còn đạo sư. Không nên, Ànanda, thầy không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy đầy đủ và quảng bá rộng rãi. Khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là đạo sư của quý thầy.

Nói tới đây, đức Phật nhìn các vị khất sĩ, nói tiếp :

Vả lại, này các thầy, Giáo Pháp mà Như Lai giảng dạy từ 45 năm nay chỉ là phương tiện, tùy duyên, khế hợp căn cơ của thính chúng mà giảng nói. Đối với chân lý tuyệt đối của chư Phật, Như Lai chưa từng thốt ra một lời.Tại sao vậy ? Tại vì chân lý đó không thể nghĩ bàn, không có lời lẽ để diễn tả. Các thầy nên biết :

"Pháp pháp bổn vô pháp,

"Vô-pháp pháp, diệc pháp.

"Kim phú vô-pháp thời,

"Pháp pháp hà tằng pháp.[11]

Thượng tọa Anuruddha nói :

Bạch Thế Tôn, chúng con đã hiểu. Như khi dùng ngón tay chỉ mặt trăng thì ngón tay không phải là mặt trăng. Khi dùng Giáo Pháp để chỉ Chân Lý thì Giáo Pháp không phải là Chân Lý.

Thế nào là làm vẻ vang Như Lai[12]

Khi nhìn thấy những cây sàla trổ đầy bông[13]mặc dù không phải mùa, các thiên thần tung hoa mạn-đà-la (mandara), hoa mạn-thù-sa (manjusaka) và hương thơm cúng dường, các vị khất sĩ lễ bái xung quanh ngài, đức Phật nói :

Này các thầy, không phải dâng hoa, lễ bái là tôn trọng, kính cẩn, sùng bái, làm vẻ vang Như Lai đâu. Các thầy hãy noi gương đại đức Attàdattha[14]quyết tâm thành đạo trước ngày Như Lai nhập diệt. Bất luận vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hay thiện nam, tín nữ nào an trú trong Chánh Pháp, thực hành đúng theo Giáo Pháp, phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chơn chánh là người tôn trọng, kính cẩn, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhứt.Như vậy, này Ànanda, thầy không nên bận tâm tới việc làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. Thầy hãy tận lực tinh tấn để đạt cho được hạnh phúc tối thượng của chính mình.

“Này Ànanda, vô số chư thiên, long thần, địa thần, trời rồng tám bộ đang tụ tập rất đông đảo nơi đây để thăm viếng và tiễn đưa Như Lai. Có kẻ khóc than đầu tóc rũ rượi, có kẻ đưa hai tay lên trời mà khóc, có kẻ quỳ gối đập hai tay xuống đất mà khóc, có kẻ nằm lăn dưới đất mà khóc, họ than rằng “Đức Như Lai qua đời quá sớm ! Đức Như Lai nhập diệt quá sớm . Con Mắt của thế gian không còn nữa!”. Nhưng cũng có kẻ biết tự chủ, bình tĩnh, sáng suốt, nghĩ rằng “Tất cả sự vật ở thế gian đều do duyên hợp nên không ai tránh khỏi luật vô thường”.

Rồi đức Phật nói kệ :

"Đừng lo chuyện người khác

"Mà quên việc của mình.

"Mau lo tu giải thoát,

"Làm vẻ vang Như Lai. (Kinh Pháp Cú, bài 166)

Thượng tọa Upàvàna đứng che án chư Thiên[15]

Lúc đó trời vẫn còn nóng, Thượng tọa Upàvàna đứng trước mặt Phật để quạt cho người. Phật bảo :

Này Upàvàna, thầy hãy tránh sang một bên, đừng đứng trước mặt Như Lai.

Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Ànanda ngạc nhiên hỏi, Thượng tọa Upàvàna là chủng tử của Thế Tôn và trước kia đã từng là thị giả săn sóc, hầu cận Thế Tôn lâu ngày, hôm nay Thượng tọa đứng bên cạnh để hầu quạt cho Thế Tôn, không biết có điều chi không phải, xin Thế Tôn chỉ dạy.

Này Ànanda, hiện đang có vô số chư Thiên trong khắp mười ngàn thế giới đang tề tựu đông đủ nơi đây để chiêm bái Như Lai. Chung quanh công viên Upavattana này, xa tới 12 dặm, chẳng có một khoảng trống nào mà không có chư Thiên đang đứng. Này Ànanda, một số chư Thiên than phiền rằng “Chúng ta từ xa xôi đến đây để chiêm bái đức Như Lai. Rất hiếm có một đấng toàn giác xuất hiện trong thế gian này. Hơn nữa, vào lúc canh ba đêm nay, đức Như Lai sẽ nhập vô dư y niết bàn. Vậy mà vị Tỳ kheo có oai lực này lại đứng án phía trước, làm chúng ta không thấy được mặt ngài trong những giờ phút cuối cùng”. Này Ànanda, chư Thiên họ nói thầm thì với nhau như vậy[16].

Lợi ích của sự chiêm bái Bốn Thánh Tích[17]

Thượng tọa Ànanda bạch Phật :

Bạch Thế Tôn, theo thông lệ, sau mùa an cư kiết-hạ chư tăng ni thường đến viếng Phật, nghe pháp. Đến khi Thế Tôn nhập diệt rồi thì nên làm thế nào ?

Này Ànanda, sau khi Như Lai nhập diệt rồi, có những Phật tử xuất gia hoặc tại gia nào có tâm đạo, đến chiêm bái với lòng thành kính và tôn sùng bốn nơi động tâm[18]: nơi Như Lai giáng sanh, nơi Như Lai thành đạo, nơi Như Lai thuyết pháp lần đầu, nơi Như Lai nhập niết bàn. Đến tận các nơi ấy tham thiền, đảnh lễ, tụng niệm, cầu nguyện, một lòng hướng về Chánh Pháp, thì các vị ấy sẽ hưởng nhiều phước báo, sau khi mạng chung sẽ được sanh về nhàn cảnh (cõi trời).

Phật dạy chư tăng cách đối xử với nữ giới[19]

Thượng tọa Ànanda hỏi :

Bạch Thế Tôn, chúng con nên đối xử với nữ giới như thế nào ?

Không nên nhìn họ.

Bạch Thế Tôn, nếu phải nhìn họ thì sao ?

Không nên nói chuyện với họ.

Bạch Thế Tôn, nếu họ nói chuyện với chúng con thì sao ?

Phải thực hành Chánh niệm[20]. Này Ànanda, Chánh niệm là thần lực xua đuổi tất cả mọi tà niệm.

Thượng tọa Ànanda hỏi tiếp :

Bạch Thế Tôn, lễ an táng của đức Thế Tôn nên tổ chức như thế nào ?

Này Ànanda, lễ an táng Như Lai nên làm theo nghi thức của một Chuyển Luân Thánh Vương, nên hỏa táng và xây tháp thờ ở ngả tư đường.

Nghe đến đây, Thượng tọa Ànanda không cầm lòng được nữa, vội bước ra ngoài, đến một gốc cây vắng đứng khóc.

Phật khen tài làm thị giả của Ànanda[21]

Một lát sau, không thấy Thượng tọa Ànanda bên cạnh, Phật hỏi :

Này Anuruddha, Ànanda đâu, sao Như Lai không thấy ?

Một vị khất sĩ thưa :

Bạch Thế Tôn, con thấy sư huynh Ànanda đang đứng khóc sau một cội cây. Sư huynh nói một mình “Ta chưa thành tựu được đạo nghiệp mà thầy ta đã tịch. Con mắt của thế gian đã nhắm lại. Ta không còn ai để nương tựa. Có ai thương ta bằng thầy ta đâu !”

Phật bảo vị khất sĩ đi gọi Thượng tọa Ànanda đến, rồi ngài an ủi Thượng tọa :

Này Ànanda, đừng buồn khổ nữa. Như Lai đã từng nhắc thầy là tất cả các pháp đều vô thường, có sanh thì có diệt. Làm sao có sanh mà không có diệt cho được? Ànanda, mấy mươi năm nay thầy đã hầu cận Như Lai, săn sóc Như Lai với tất cả tấm lòng thương mến của thầy. Thầy đã khôn khéo và tế nhị giúp đỡ Như Lai trong mọi công việc lớn nhỏ. Như Lai rất cám ơn thầy. Công đức của thầy rất lớn. Nhưng này Ànanda, thầy có thể đi xa hơn nữa. Nếu thầy nương theo Chánh Pháp, cố gắng tinh tấn thêm chút nữa thì thầy sẽ thoát khỏi sanh tử, đạt được giải thoát, vượt lên trên mọi sầu khổ bi ai. Như Lai tin chắc thầy sẽ làm được điều đó, và đó cũng là điều làm Như Lai vui lòng nhất.[22]

Nhìn các vị khất sĩ đang ngồi xung quanh, đức Phật nói :

Này các thầy, làm thị giả cho Như Lai, không ai bằng Ànanda. Ngày xưa có những thị giả đánh rơi bát và y của Như Lai xuống đất. Nhưng với Ànanda, những chuyện ấy không bao giờ xảy ra. Ànanda lo cho Như Lai rất chu đáo từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhất là thầy rất khéo léo thu xếp đúng chỗ và đúng lúc cho Như Lai gặp một khất sĩ, một nữ khất sĩ, một cư sĩ, một vị quốc vương, một vị đại thần, một tu sĩ ngoại đạo, vân vân.

“Này các thầy, Ànanda có bốn ưu điểm đặc biệt như sau: Thường khi có ai muốn gặp Như Lai thì gặp Ànanda trước, vừa gặp mặt Ànanda thì họ đã sanh lòng cảm mến; khi Ànanda mở lời nói chuyện với họ thì họ càng cảm mến hơn; khi Ànanda thuyết giảng một thời pháp ngắn thì họ rất hoan hỉ muốn được nghe thêm; khi Ànanda làm thinh thì họ vô cùng thích thú nhìn Ànanda im lặng.

“Này các thầy, Ànanda là một thị giả có đầy đủ phẩm hạnh như các thị giả của 6 đức Phật quá khứlà Vipassi (Tỳ Bà Thi), Sikhi (Thi Khí), Vessabhù (Tỳ Xá Phù), Kakusandha (Câu Lưu Tôn), Konàgamana (Câu Na Hàm), Kassapa (Ca Diếp)[23], nhờ có 8 đức tính sau đây:

1- Tín căn bền vững: Khi nghe Như Lai giảng dạy, Ànanda liền có đức tin vững chắc và ghi nhớ đầy đủ, không sai, không thiếu.

2- Tâm tính chất trực: Tâm tính hiền hòa, chất phác, ngay thẳng, dễ gây cảm tình với tất cả mọi người.

3- Thân không bệnh khổ: Rất ít khi mắc bệnh.

4- Thường siêng tinh tấn: Vững tin theo Chánh Pháp, cứ một đường thẳng tiến, không bao giờ thối chí ngã lòng.

5- Niệm căn đầy đủ: Luôn luôn ghi nhớ Chánh Pháp, không bao giờ quên.

6- Tâm không kiêu mạn: Luôn luôn nhẫn nhịn, hòa nhã với tất cả mọi người.

7- Thành tựu định ý: Tâm ý không bao giờ rời Chánh Pháp.

8- Từ nghe sanh trí: Nghe rồi suy nghĩ, rồi hiểu, trí tuệ phát sáng.

“Như Lai nghĩ là nếu các bậc giác ngộ trong tương lai mà có được một vị thị giả giỏi thì vị thị giả ấy cũng chỉ giỏi bằng Thượng tọa Ànanda là cùng.”

Thượng tọa Ànanda lau nước mắt nói :

Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng nhập niết bàn ở đây. Kusinàgar chỉ là nơi hẻo lánh. Có nhiều nơi xứng đáng hơn để Thế Tôn nhập diệt như Campà, Ràjagaha, Sàvatthi, Sàketa, Kosambi hay Benares (Varanasi). Xin đức Thế Tôn chọn một trong những nơi ấy để nhập diệt cho đông đảo quần chúng có cơ duyên nhìn mặt Thế Tôn lần cuối, và cung kính cúng dường xá-lợi.

Này Ànanda, Kusinàgar là một nơi quan trọng lắm. Tuy hiện nay nó là một làng nhỏ hẻo lánh, nhưng trước kia nó là một thủ đô rất phồn thịnh tên là Kusavati (Câu Xá Bà Đề), có lâu đài nguy nga, có công viên xinh đẹp, dân chúng đông đúc đều an cư lạc nghiệp. Lúc bấy giờ Như Lai là Chuyển luân vương Mahà Sudassana (Đại Thiện Kiến)[24]tại đây. Này Ànanda, hiện giờ tại rừng cây sàla này cũng không phải vắng vẻ đâu. Rất đông đảo chư Thiên đang tập họp trổi nhạc, ca hát, tung hoa mạn-đà-la (mandara) và hoa mạn-thù-sa (manjusaka) cúng dường Như Lai kia. Bây giờ thầy hãy đến gặp các giới chức của bộ tộc Malla, báo cho họ biết rằng đêm nay, vào lúc canh ba (nửa đêm) Như Lai sẽ nhập niết bàn trong rừng cây sàla của họ.

Sau khi nghe Thượng tọa Ànanda báo tin, dân chúng kéo hết gia đình đến chiêm bái Phật. Số người quá đông, Thượng tọa Ànanda phải mời từng gia đình vào một lượt, bắt đầu từ canh một (7 giờ tối).

Subhadda, người đệ tử xuất gia cuối cùng của Phật[25]

Những người trong bộ tộc Malla và dân chúng nghe tin Phật sắp nhập diệt tại rừng cây sàla trong công viên Upavattana liền vội vã đến nơi, thay phiên nhau đến ra mắt, vấn an và đảnh lễ Phật. Trong khi đó du sĩ Phạm Chí Subhadda (Tu Bạt Đà La), đã trên trăm tuổi, đến năn nỉ Thượng tọa Ànanda để xin được tham vấn Phật, nhờ Phật giải một mối nghi rất quan trọng đối với ông. Thượng tọa từ chối, nói Phật đang yếu lắm, không thể tiếp chuyện được.

Nghe được câu chuyện giữa hai người, Phật bảo :

Ànanda, thầy cứ cho du sĩ Subhadda vào đây. Như Lai có thể tiếp ông ấy.

Ông Subhadda mừng rỡ bước vào đảnh lễ, vấn an Phật, rồi nói :

Bạch Thế Tôn, có con đường nào đi xuyên qua không gian không ? Một người ngoài Giáo Đoàn Khất Sĩ có thể được gọi là “Tăng” không ? Năm ấm (uẩn) có trường tồn không ?

- Không có con đường nào xuyên qua không gian cả; Như Lai không hề di chuyển. Không có “Tăng” ngoài Giới Luật và Giáo Pháp của Giáo Đoàn Khất Sĩ. Năm uẩn không trường tồn; chư Phật không hề thay đổi.[26]

Bạch Thế Tôn, con thường nghe nói tới các vị lãnh đạo các giáo phái như các đạo sư Pùrana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccàna, Sanjaya Belatthiputta và Nigantha Nàtaputta. Con muốn hỏi Thế Tôn xem trong những vị đó có ai là người thật sự đạt đạo không ?

Này Subhadda, những vị ấy có đạt đạo hay không là việc của họ. Ông hãy lắng nghe, Như Lai sẽ chỉ cho ông con đường tu học để tự ông có thể đạt đạo.

Rồi Phật giảng cho ông về Bát Chánh Đạo : Thế nào là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đức Phật kết luận :

Này Subhadda, ở đâu, trong đoàn thể nào có sự thực hành Bát Chánh Đạo là ở đó có những người đạt đạo quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán. Này Subhadda, chính nhờ thực hành đúng mức Bát Chánh Đạo mà Như Lai đã thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cách nay 45 năm. Chính nhờ thực hành Bát Chánh Đạo mà trong Giáo đoàn khất sĩ đã có rất đông người đạt thánh quả từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán. Này Subhadda, ông hãy cố thực tập pháp môn này đi rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo, không cần phải đặt câu hỏi người này hay người kia có phải là người đã thật sự đạt đạo hay không.

Rồi đức Phật nói bài kệ như sau :

“Hỡi này Subhadda !

“Lúc vừa được hai mươi chín tuổi xuân,

“Ta rời bỏ gia đình, xa lìa thế tục,

“Để đi tìm lợi ích tối cao.

“Từ đó đến nay, đã năm mươi mốt năm qua,

“Ta hằng cố gắng giữ mình theo Chánh Đạo.

“Ngoài Chánh Đạo, chẳng tìm đâu ra quả vị thánh nhân.

Lành thay ! Lành thay ! Bạch đức Thế Tôn, tựa hồ như có người sửa lại ngay ngắn một vật bị nghiêng ngã, hay khám phá ra một vật bị dấu kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay đốt lên ngọn đèn trong đêm tối cho ai có mắt có thể trông thấy. Giáo lý mà đức Thế Tôn truyền dạy cũng như thế. Kính xin Thế Tôn hoan hỉ cho con được làm lễ xuất gia sa di và Tỳ kheo trước mặt ngài.

Này Subhadda, người sống trong một hệ thống giáo lý khác muốn xuất gia sa di và Tỳ kheo phải trải qua một thời kỳ học tập bốn tháng, và sống biệt trú trong bốn tháng ấy. Sau đó, khi được chấp thuận, giới tử có thể thọ lễ xuất gia và được nâng lên hàng Tỳ kheo. Tuy nhiên, hôm nay, Như Lai đặc biệt cho phép làm một ngoại lệ[27].

Đức Phật bảo Thượng tọa Ànanda làm lễ xuất gia sa di và Tỳ kheo cho du sĩ Subhadda. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, đại đức Subhadda sống cô độc một mình nơi vắng vẻ, xa thành thị, nhiệt thành và tinh tấn tu tập, về sau đắc quả A-la-hán trước khi qua đời.

Lời nói cuối cùng của đức Phật

Sau lễ xuất gia của Subhadda, các vị khất sĩ hỏi Phật về vài điểm nhỏ trong giới luật như cách xưng hô đối xử giữa các khất sĩ mới với các khất sĩ có nhiều tuổi hạ. Đức Phật nói:

Này Ànanda, từ trước đến nay các vị Tỳ-kheo xưng hô với nhau là Hiền giả. Sau khi Ta diệt độ, chớ có xưng hô như vậy. Này Ànanda, vị Tỳ-kheo cao niên hãy gọi vị Tỳ-kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc bằng tiếng Hiền giả(Đạo hữu, Avuso). Vị Tỳ-kheo niên thiếu hãy gọi vị Tỳ-kheo cao niên là Thượng tọa(Bhante) hay Đại đức(Bhadantà).

Và này Ànanda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Như Lai diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết.”[28]

Bạch Thế Tôn, sư huynh Channa (Xa Nặc) có tánh ngã mạn và ác khẩu, đã bị Thế Tôn quở phạt nhiều lần vẫn không hối cãi, thường gây động chúng, vậy sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con phải đối xử với sư huynh Channa như thế nào ?

Này Ànanda, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy hãy xử phạt Phạm đàn (Brahmàdanda) đối với Channa nếu còn tái phạm.

Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm Đàn ?

Này Ànanda, Tỳ-kheo Channa muốn nói gì thì nói, chúng Tỳ-kheo sẽ không nói chuyện, không giảng dạy, không giáo giới Channa trong một thời gian.[29]

Cuối cùng đức Phật nhìn các vị khất sĩ và nói :

Này các vị khất sĩ, nếu các thầy còn bất luận một phân vân thắc mắc nào về Phật, Pháp, Tăng, Giáo Pháp hay cách hành trì thì hãy nêu lên câu hỏi để về sau khỏi ăn năn hối tiếc vì nghĩ rằng “Lúc ấy ở trước mặt đức Thế Tôn mà ta không hỏi”.

Lúc bấy giờ có khoảng 500 vị khất sĩ quy tụ xung quanh Phật. Tất cả đều giữ im lặng. Đức Phật hỏi đến lần thứ ba. Các vị khất sĩ vẫn giữ im lặng. Thượng tọa Ànanda lên tiếng :

Bạch Thế Tôn, quả thật kỳ diệu ! quả thật hy hữu ! Chúng con rất tin tưởng nơi Thế Tôn, nơi Giáo Pháp và Giáo Đoàn Khất Sĩ, vì Thế Tôn đã giảng dạy Giáo Pháp thật sáng tỏ và chỉ dẫn cách hành trì thật đầy đủ, cho nên hôm nay không có vị đệ tử nào còn thắc mắc hay hoài nghi gì cả. Quả thật tuyệt vời !

Này Ànanda, thầy nói điều ấy là do đức tin của thầy. Nhưng Như Lai biết rằng trong 500 vị khất sĩ có mặt hôm nay không ai còn hoài nghi hay thắc mắc về Giáo Pháp, về Giáo Hội, về Con Đường tu tập hay về Phương Pháp hành trì, vì tất cả, này Ànanda, người chậm trễ nhất cũng đã nhập lưu, không còn phải rơi trở xuống nữa, chắc chắn sẽ chứng ngộ.

Này Ànanda, có Niết-bàn, có con đường đưa tới Niết-bàn, có Như Lai là người chỉ đường. Nhưng trong các đệ tử được nghe Như Lai thuyết giảng chỉ một số chứng đắc cứu cánh, một số khác thì không ! Như Lai không làm gì hơn được ! Như Lai chỉ là người chỉ đường.” (Trung Bộ 107)

Đức Phật im lặng đưa mắt nhìn đại chúng, rồi ngài nói tiếp :

Này các vị khất sĩ, hãy nghe Như Lai nói đây : “Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các thầy hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát.”

Nói xong, Phật nhắm mắt. Đó là lời di huấn cuối cùng của Đức Thế Tôn.

Đức Phật viên tịch[30]

Đức Thế Tôn nhập sơ thiền. Xuất sơ thiền, ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, ngài nhập không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, ngài nhập thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ, ngài nhập vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ, ngài nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngài nhập diệt thọ tưởng định.

Lúc đó Thượng tọa Ànanda chưa có thiên nhãn, hỏi Thượng tọa Anuruddha :

Bạch Thượng tọa, có phải Đức Thế Tôn đã nhập diệt rồi không ?

Chưa đâu, này đạo hữu Ànanda, Đức Thế Tôn chưa diệt độ, Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.

Đức Thế Tôn xuất diệt thọ tưởng định, ngài nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, ngài nhập vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ, ngài nhập thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ, ngài nhập không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, ngài nhập sơ thiền.

Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục xuất sơ thiền, nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, nhập tam thiền. Xuất tam thiền, nhập tứ thiền. Cuối cùng Đức Thế Tôn xuất tứ thiền và nhập diệt liền sau đó, vào Đại Bát Niết Bàn[31](Mahàparinibbàna).

Bỗng nhiên đại địa rúng động, sấm sét vang rền. Hoa sàla rụng xuống như mưa. Mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Ai cũng biết là Đức Thế Tôn đã nhập niết bàn. Lúc bấy giờ là nửa đêm trăng tròn tháng Vesàkha năm 544 trước tây lịch, nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch năm Đinh Tỵ.

Phật đã diệt độ. Một số các vị khất sĩ quỳ gối đưa hai tay lên trời đập mạnh xuống đất, có vị nằm lăn ra đất, có vị lấy hai tay ôm mặt khóc thương thảm thiết. Họ rên rỉ :

Phật đã nhập niết bàn ! Đức Thế Tôn đã diệt độ ! Con mắt của thế gian không còn nữa ! Con biết nương tựa vào đâu !?

Trong khi những vị khất sĩ này lăn lộn khóc than như thế thì một số các vị khất sĩ khác ngồi im lặng, theo dõi hơi thở, quán chiếu về những điều Phật dạy. Thượng tọa Anuruddha ngồi im lặng một hồi lâu rồi lên tiếng :

Này các huynh đệ, các huynh đệ đừng khóc thương thảm não như thế! Đức Thế Tôn đã dạy có sanh thì có diệt, có thành thì có hoại, có hợp thì có tan. Nếu các huynh đệ hiểu và vâng theo lời đức Thế Tôn thì xin các huynh đệ hãy giữ im lặng, trở về chỗ ngồi của mình, theo dõi hơi thở, giữ gìn chánh niệm, tôn trọng giờ phút thiêng liêng này để tiễn đưa đấng Từ Phụ của chúng ta về cảnh niết bàn an lạc thanh tịnh.

Mọi người im lặng trở về chỗ ngồi theo lời khuyên của Thượng tọa Anuruddha. Thượng tọa hướng dẫn đại chúng đọc lên những đoạn kinh kệ mà đa số đã thuộc lòng, những đoạn nói về vô thường, khổ, không, vô ngã và giải thoát. Không khí trở lại trang nghiêm như cũ.

Những cây đuốc đã được những người trong bộ tộc Malla thắp lên tự hồi nào, bập bùng tỏa chiếu ánh sáng vàng lấp lánh dưới bóng trăng xuyên qua cành lá, tạo ra một khung cảnh thiêng liêng mầu nhiệm. Tiếng tụng kinh trầm hùng vang dội trong đêm thanh tĩnh đưa mọi người vào cảnh sắc không huyền diệu của tâm tư và vạn vật.

Sau thời tụng kinh, Thượng tọa Anuruddha bắt đầu nói pháp thoại ca ngợi công hạnh của Đức Phật, một bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn. Thượng tọa Anuruddha kết luận : Đức Thế Tôn cũng là một con người như chúng ta, nhưng nhờ phát đại nguyện cứu khổ chúng sanh, rồi dũng mãnh tinh tấn tu Bát Chánh Đạo, thực tập thiền quán mà trở thành bậc Đại Giác Ngộ, có đầy đủ trí tuệ rộng lớn, đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, có đầy đủ phương tiện thiện xảo chỉ dạy và hướng dẫn chúng sanh hết mê được ngộ, thoát khổ được vui, biết phương pháp tu tập để tự giải thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi, vào cảnh niết bàn an lạc thanh tịnh. Này các huynh đệ, để đền đáp ơn Ngài, chúng ta hãy nương theo lời giáo huấn của Ngài và noi theo gương sáng của Ngài mà tinh tấn tu tập Bát Chánh Đạo, cố đạt cho kỳ được mục tiêu giải thoát.

Sau khi Thượng tọa Anuruddha dứt lời, Thượng tọa Ànanda lên tiếng nhắc lại những kỷ niệm êm đẹp giữa Phật và giáo đoàn khất sĩ, và những lời giáo huấn quan trọng của đức Thế Tôn. Suốt đêm, hai Thượng tọa thay phiên nhau nói pháp thoại và hướng dẫn đại chúng tụng niệm cho tới sáng. Năm trăm vị khất sĩ và ba trăm cư sĩ khi thì đồng thanh tụng niệm theo, khi thì ngồi im lặng lắng nghe.

Lễ trà tỳ tại Kusinàgar[32]

Trời vừa sáng, Thượng tọa Anuruddha bảo Thượng tọa Ànanda :

Này sư huynh Ànanda, sư huynh hãy vào thành phố báo cho nhà hữu trách biết đạo sư của chúng ta đã diệt độ, để họ làm những thủ tục cần thiết.

Những vị chức sắc của bộ tộc Malla được tin Phật đã nhập diệt liền họp nhau lại bàn thảo với Thượng tọa Ànanda về nghi thức tổ chức lễ trà tỳ cho đức Phật. Dân chúng được tin, nhiều người đấm ngực than khóc, tiếc rằng không được nhìn mặt và đảnh lễ Phật trước khi ngài nhập diệt. Họ kéo nhau đến rừng sàla, mang theo hương, hoa, nhạc cụ, vải vóc. Đến nơi họ quỳ lạy và rải hương hoa lên kim thân đức Phật để cúng dường. Các vị hữu trách trong bộ tộc Malla điều động dân chúng dựng lên những mái lều vải ngũ sắc, tổ chức trình diễn vũ nhạc và cung cấp thức ăn, nước uống cho các vị khất sĩ và dân chúng tham dự. Rừng sàla trở nên nhộn nhịp như một ngày hội. Thỉnh thoảng, Thượng tọa Anuruddha hướng dẫn đại chúng đọc tụng những đoạn kinh Pháp Cú (Dhammapada), nhắc nhở những lời Phật dạy.

Trong suốt sáu ngày đêm, dân chúng làng Kusinàgar và dân từ thủ đô Pàvà của xứ Malla đến, liên tục cúng dường Phật bằng hương, hoa, vũ, nhạc. Những cánh hoa thơm tươi mát đủ loại phủ khắp cả thân thể và xung quanh nơi Phật nằm. Đến ngày thứ bảy, tám vị tộc trưởng của bộ tộc Malla tắm gội sạch sẻ bằng nước hương thơm, mặc lễ phục và bắt đầu rước kim thân đức Phật vào thành phố. Tất cả các vị khất sĩ, kế đến dân chúng đều đi theo đám rước, đưa kim thân đức Phật đến cửa bắc vào thành. Đám rước đi vào trung tâm thành phố, rồi lại đi ra khỏi thành bằng cửa đông, và sau cùng dừng lại trước sân đền Makuta Bandhana (hiện nay là tháp Rambhar Stupa), ngôi đền chính của bộ tộc Malla. Kim thân đức Phật được đặt tại đây.

Các vị chức sắc trong thành phố làm lễ trà tỳ kim thân đức Phật theo nghi thức dành cho một vị Chuyển Luân Thánh Vương (Đại Đế). Kim thân đức Phật được vấn bằng vải trắng mới, rồi đến một lớp bông đâu-la-miên (bông của cây tula, dùng để lấy sợi), rồi đến một lớp vải trắng mới, cứ như thế cho đến nhiều lớp vải và bông. Sau cùng được đặt trong một áo quan bằng sắt, đổ đầy dầu thơm, đậy nắp kín, rồi áo quan này lại được đặt trong một áo quan bằng sắt lớn hơn.

Đến ngày thứ bảy, kim quan được đưa lên một hỏa đàn vĩ đại chất toàn bằng các loại gỗ thơm. Đến giờ hỏa thiêu, bốn vị tộc trưởng bộ tộc Malla cầm bốn cây đuốc tiến đến hỏa đàn để châm lửa, nhưng châm mãi mà hỏa đàn không bắt lửa. Bỗng có một người đi ngựa hối hả chạy tới báo tin Thượng tọa Mahà Kassapa cùng với năm trăm vị khất sĩ sắp đến nơi. Phái đoàn hiện đang ở giữa chặng đường từ Pàvà đến Kusinàgar. Nghe nói thế, Thượng tọa Anuruddha liền đề nghị xin hoãn giờ hành lễ để chờ Thượng tọa Mahà Kassapa và đoàn khất sĩ.

Thượng tọa Mahà Kassapa đã khởi hành từ Ràjagaha để đi hoằng pháp về miền bắc. Tới Vesàlì, Thượng tọa được tin Phật tuyên bố sẽ nhập niết bàn trong ba tháng và hiện người đang đi về thủ đô Pàvà của xứ Malla. Thượng tọa liền lên đường đi tìm Phật. Tới đâu cũng có các vị khất sĩ xin đi theo. Khi Thượng tọa tới Bhandagama, số khất sĩ xin theo đã lên tới 500 vị.

Tới Pàvà, Thượng tọa được biết Phật đã quyết định nhập niết bàn ở Kusinàgar. Rời Pàvà, Thượng tọa gặp một khách bộ hành đi ngược chiều, túi áo có cài hoa sàla mặc dù không phải mùa. Người này cho biết Phật đã nhập diệt tại rừng sàla ở Kusinàgar từ bảy hôm trước.

Được tin Phật nhập diệt, một số các vị khất sĩ khóc than thảm não. Khất sĩ Subhadda[33], tuy đã lớn tuổi nhưng xuất gia chưa được hai năm, thấy vậy lên tiếng :

Thôi đi, này các đạo hữu, có gì mà phải buồn khổ ta thán thảm não như thế? Từ nay chúng ta sẽ được tự do, không còn bị vị đại sa môn rầy bảo nên làm thế này hay không nên làm thế này. Chúng ta sẽ có thể làm theo ý thích của mình, không còn phải nghe lập đi lập lại những điều phải làm trái ý chúng ta.

Thượng tọa Mahà Kassapa khuyên các vị khất sĩ nên thực hành pháp an-ban-thủ-ý (quán niệm hơi thở, Ànàpànasati) để giữ tâm thanh tịnh, rồi ngài vội vã lên đường, hướng dẫn đoàn khất sĩ đi Kusinàgar. Nhân gặp một người đi ngựa cùng hướng, Thượng tọa Mahà Kassapa nhờ người này phi nhanh tới trước báo tin cho Thượng tọa Ànanda biết là Thượng tọa và 500 khất sĩ sẽ cố gắng đến trước giờ ngọ để dự lễ trà tỳ của Phật.

Mặt trời vừa đứng bóng thì Thượng tọa Mahà Kassapa và đoàn khất sĩ cũng vừa tới đền Makuta Bandhana. Đến nơi, Thượng tọa Mahà Kassapa trật vai phải áo sanghàti (tăng già lê) xuống, chắp tay cung kính, im lặng bước từng bước một, đi nhiễu quanh hỏa đàn ba vòng. Rồi Thượng tọa dừng lại trước kim quan, phía dưới chân Phật, chắp tay đảnh lễ ba lạy. Năm trăm vị khất sĩ đi theo cũng đồng thời lạy xuống. Thượng tọa lạy xong ba lạy vừa đứng lên thì hỏa đàn tự nhiên bốc cháy[34].

Tất cả các vị khất sĩ đều quỳ xuống, chắp tay hướng về hỏa đàn. Hàng ngàn người có mặt đều làm như thế. Thượng tọa Anuruddha lại hướng dẫn mọi người đọc những đoạn kinh về vô thường, khổ, không, vô ngã và giải thoát. Giọng đọc kinh trầm hùng vang dội cả một vùng.

Sau khi lửa đã cháy tàn, nước thơm được tưới lên giàn hỏa. Kim quan được thỉnh xuống, mở ra. Xá lợi của đức Thế Tôn được các vị tộc trưởng Malla thâu lượm và an trí trong một chậu vàng đặt trên bàn thờ trung ương trong đền. Xá lợi Phật có nhiều màu lóng lánh như xa cừ, gồm có 7 miếng lớn thuộc xương trán, xương vai, răng nhọn, và nhiều xương nhỏ bằng hột đậu xanh, hột gạo, hoặc hột cải. Các vị khất sĩ và quân đội Malla thay phiên nhau canh giữ và bảo vệ xá lợi Phật thật nghiêm mật trong vòng bảy ngày, trong khi đại diện chính quyền, sứ thần các nước, nhân sĩ và đủ mọi tầng lớp dân chúng tiếp tục lễ bái, cúng dường tràng hoa, nước hoa và ca vũ nhạc. Mỗi ngày ba lần, các vị khất sĩ họp nhau lễ bái và đọc tụng những đoạn kinh quan trọng. Hiện nay có tháp Rambhar kỷ niệm nơi trà tỳ kim thân đức Phật.

Phân chia xá lợi Phật ra làm 8 phần[35]

Tin đức Phật diệt độ ở Kusinàgar được loan đi rất nhanh. Có bảy xứ lân cận đã cử sứ thần với binh tướng yểm trợ, đến Kusinàgar chiêm bái xá lợi Phật và xin thỉnh một phần xá lợi về nước mình để xây bảo tháp thờ phụng cúng dường. Bảy xứ đó là Magadha (thủ đô Ràjagaha, vua Ajàtasattu), Vajji (thủ đô Vesàlì, tổng thống Cedaga[36]Licchavi), Sàkya[37](thủ đô Kapilavatthu 2), Koliya (thủ đô Ràmagama), Buliya (thủ đô Allakappa), một vị Bà-la-môn ở xứ Vethadìpa, Malla (thủ đô Pàvà). Nhưng dân chúng Malla và chính quyền ở Kusinàgar không chịu phân chia xá lợi Phật, viện lý rằng Phật đã nhập diệt tại Kusinàgar thì nên xây tháp thờ toàn thể xá lợi Phật tại đây.

Sau một cuộc tranh chấp gây cấn hầu như sắp xảy ra chiến tranh, vị đại thần Dona (Hương Tánh), dòng Bà-la-môn, đại diện xứ Malla đứng ra dàn xếp. Ông ôn tồn dùng lời Phật dạy, khuyên các vị sứ thần nên thương lượng với nhau trong sự ôn hòa. Cuối cùng tất cả đều đồng ý để cho vị Bà-la-môn Dona phân chia xá lợi (sarìra) Phật ra làm 8 phần bằng nhau. Xứ Magadha xây tháp thờ xá lợi Phật ở Ràjagaha, xứ Vajji xây tháp ở Vesàlì, xứ Sàkya xây tháp ở Kapilavatthu 2, xứ Koliya xây tháp ở Ràmagama, xứ Buliya xây tháp ở Allakappa[38], vị Bà-la-môn xây tháp thờ ở Vethadìpa, xứ Malla nhận hai phần xá lợi, xây một tháp ở thủ đô Pàvà và một tháp khác tại Kusinàgar. Riêng vị Bà-la-môn Dona xin thỉnh cái chậu vàng dùng để chia xá lợi, đem về khu vườn nhà mình xây tháp thờ. Sứ giả xứ Moriya[39]đến trễ, xin thỉnh phần tro còn lại về xây tháp thờ tại thủ đô Pipphalivana.

Khi đoàn sứ thần các nước đã lãnh phần xá lợi của mình ra về, một ngàn vị khất sĩ cũng tuần tự giải tán và trở về trú xứ của mình để hành đạo. Các Thượng tọa Mahà Kassapa, Anuruddha và Ànanda cũng rước y bát của Phật về tinh xá Venuvana (Trúc Lâm).

Đầu hạ 46 vào năm -544, Thượng tọa Mahà Kassapa triệu tập 500 vị khất sĩ A-la-hán họp tại động Sattapanna (Thất Diệp), còn gọi là động Pippala (Tất-bát-la), ở Ràjagaha để ôn tụng và ghi nhớ tất cả những lời Phật dạy thành 3 tạng Kinh, Luật và Luận, còn được chư tăng gìn giữ cẩn thận đến ngày nay. (Tạng Luật, Tiểu Bộ, tập 2: 615)

– x – X – x –

Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã nhập niết bàn, nhưng Tam Tạng Pháp Bảo vẫn còn đó, hiện nay các thánh tăng vẫn có mặt ở khắp năm châu. Không tìm kiếm, học hỏi và tu tập Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát thì thật là phí cả một đời người.

- x - X - x -

Thân người khó được ! Làm người rất dễ tu hơn các loài khác . Chúng sanh vô minh, nghiệp chướng nặng nề, khó gặp Phật pháp, có thấy trước mắt cũng không hiểu được nên sanh lòng chê bai, phỉ báng. Than ôi ! Biết bao giờ con rùa mù ở đại dương mới ngoi đầu lên mặt nước đúng vào chỗ có bộng cây khô đang trôi ? (Xem Tương Ưng Bộ, chương 56, kinh 47 và 48; Trưởng Lão Ni kệ 499)

- x - X - x -

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.

Con nay được biết, xin tu học,

Theo gót Như Lai chẳng ngại lâu.

HẾT



[1]Xem Trường Bộ 16: kinh Mahà Parinibbàna; Tương Ưng Bộ, chương 51, kinh 10: Cetiya; Tiểu Bộ, Udàna VI.1; Trường A Hàm 2: kinh Du Hành; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 5; Tạp A Hàm 638.

[2]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 146-148; Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 70: Động đất.

[3]Xem Tiểu Bộ, Udàna VIII.5; The Life of Buddha as Legend and History, trang 149; Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 68. Có tài liệu cho rằng ông Cunda là thợ bạc.

[4]Theo kinh Du-Hành, Trường A Hàm 2, thì là cháo nấu với nấm cây chiên đàn (giống như nấm Mộc-nhĩ ở Trung Hoa). Theo kinh Trường Bộ 16 (Đại Bát Niết Bàn) thì là cháo nấu với thịt heo rừng. Theo quyển Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 68, thì có thể là loại"truffles", nấm hương đen mọc dưới mặt đất mà loài heo rừng rất ưa thích; người Âu Châu cũng rất thích loại nấm này. Chữ sukara-maddava có thể hiểu là thịt heo rừng hay thức ăn của heo rừng. Nếu đúng là thịt heo rừng thì nên dùng chữ sukara-mamsa (The Life of Buddha as Legend and History, trang 149).

[5]Theo bản đồ trang 236 quyển Đức Phật Và Phật Pháp thì Kusinàgar ở phía đông nam của Pàvà.

[6]Xem The Life of The Buddha của A.Foucher, trang 232-233; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 69; The Life of Buddha as Legend and History, trang 150.

[7]Kusinàgar hiện nay là làng Kasia, thuộc quận Gorakhpur.

[8]Đại đức Cunda này là thị giả trước kia của ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất).

[9]Đây chỉ là một nhánh nhỏ của sông Hiranyavati lớn.(Xem Geography of Early Buddhism).

[10]Viện Khảo Cổ Ấn Độ xác nhận tháp kỷ niệm Đại Bát Niết Bàn hiện nay được xây đúng vào chỗ Phật nằm khi xưa. Tháp Đại Bát Niết Bàn là tháp có nóc hình cầu, bên cạnh đền kỷ niệm có tượng Phật nằm.

[11]Có nghĩa là: Các pháp vốn không pháp, "Không pháp" cũng là pháp, Nay truyền cái "không pháp", "Không pháp" nào có pháp.

[12]Xem Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 71; Buddhist Legends, quyển II, trang 366.

[13]Chư Thiên dâng hoa cúng dường.

[14]Đại đức Attàdattha, sau khi nghe Phật tuyên bố sẽ nhập diệt trong ba tháng, thay vì sầu khổ và theo sát bên cạnh Phật, thầy tìm nơi thanh vắng quyết tâm cố gắng tu tập để đắc quả A-la-hán trước khi Phật nhập niết bàn.

[15]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 151.

[16]Trích kinh Mahà Parinibbàna (Đại Bát Niết Bàn).

[17]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 151.

[18]Bốn động tâmlà bốn thánh tích thường làm cho người Phật tử khi đến chiêm bái phải bùi ngùi xúc động, nhớ đến công ơn sâu dày của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, và phát tâm dõng mãnh tu tập Giáo Pháp của ngài.

[19]Xem Trường Bộ 16.5; The Life of Buddha as Legend and History, trang 151-152; Đức Phật và Phật Pháp, trang 142.

[20]Thực hành Chánh niệmlà quán niệm sắc thọ tưởng hành thức và tất cả muôn vật đều vô thường, vô ngã và tịch tịnh. Có thể thực hành Chánh niệmbằng cách quán niệm hơi thở hoặc quán Tứ Niệm Xứ để đoạn trừ ác kiến, vọng tưởng, phiền não trong tâm.

[21]Xem A-Nan và A-Nan Cụ Bát Pháp trong Từ Điển Phật Học Huệ Quang.

[22]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 307: kinh Palàsa.

[23]Theo Trường Bộ 14: Asoka (A Dục) là thị giả của Phật Vipassi, Khemànkara (Nhẫn Hạnh) là thị giả của Phật Sikhi, Upasannaka (Tịch Diệt) là thị giả của Phật Vessabhù, Buddhija (Thiện Giác) là thị giả của Phật Kakusandha, Sothiya (An Hòa) là thị giả của Phật Konàgamana, Sabbamitta (Thiện Hữu) là thị giả của Phật Kassapa, Ànanda (A Nan) là thị giả của Phật Sàkyamuni.

[24]Xem Trường Bộ 17: kinh Mahà Sudassana; Tiểu Bộ, Jàtaka 95: kinh Mahà Sudassana.

[25]Xem Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 73-74; Đức Phật và Phật Pháp, trang 229-232; Buddhìst Legends, quyển III, trang 139.

[26]Xem kinh Pháp Cú, bài 254, 255.

[27]Ngoại lệ này cũng đã được áp dụng cho giáo phái Jatila của 3 anh em ông Uruvelà Kassapa và những người xin xuất gia thuộc dòng họ Sàkya.

[28]Nguyên văn: "Akamkàmano, Ànanda, sangho mamaccayena khuddanukhuddakani sikkhapadani samuhantu".

[29]Về sau Channa hối ngộ, học đạo với ngài Ànanda và chứng quả A la hán.

[30]Xem Tương Ưng Bộ, chương 6, kinh 15: Bát-Niết-Bàn.

[31]Đại Bát Niết Bàn là niết bàn rốt ráo của chư Phật.

[32]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 154-156; The Buddha and The Gospel of Buddhism, trang 76-78; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: kinh 614.

[33]Không nên lầm ông Subhaddanày với ông Subhadda là vị đệ tử xuất gia cuối cùng của Phật.

[34]Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Trà Tỳ, sau khi ngài Mahà Kassapa đảnh lễ, đức Phật duỗi hai bàn chân ra khỏi kim quan để an ủi ngài; ngài vuốt ve hai bàn chân Phật, lòng rất bi thảm. Sau đó hai bàn chân lại rút vào trong kim quan và hỏa đàn bốc cháy.

[35]Xem Trường A Hàm 4: kinh Du Hành. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Cúng Dường Xá Lợi, thì xá lợi răng nanh bên phải hàm trên của Phật được trao cho Thiên Đế (hay Đế Thích) trời Đao Lợi theo di chúc của Phật; xá lợi cặp răng nanh bên trái của Phật bị quỷ La-Sát Thiệp-Tập lấy trộm; phần xá lợi còn lại được chia ra làm 8 phần cho bảy xứ và làng Kusinàgar.

[36]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 138.

[37]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 140; Trường Bộ 16; Tiểu Bộ, Jàtaka 4: 144. Theo ngài Huyền Trangthì vua dòng Sàkya lúc bấy giờ là Uttarasena, đóng đô ở Mungali vùng Udyana, cực tây bắc Ấn Độ. Chính Uttarasena đến Kusinàgar thỉnh xá lợi Phật về xây tháp thờ ở thủ đô Mungali. Theo ông H.W.Schumanntrong quyển The Historical Buddha thì khi dòng họ Sàkya bị vua xứ Kosala là Vidùdabha tàn sát thì một số chạy thoát sang các xứ lân cận lánh nạn; sau khi vua Vidùdabha chết những người Sàkya còn sống sót tụ tập lại thành lập Kapilavatthu 2ở làng Piprahwa hiện nay tại Ấn Độ và lãnh xá lợi Phật về lập tháp thờ tại đây. Nơi đức Phật sinh sống lúc thiếu thời là Kapilavatthu 1, hiện nay là làng Tilaurakot thuộc xứ Nepal.

[38]Theo Buddhist Legends, quyển I, trang 247, nói về vua Udena (Udayana) thì Allakappa, VethadìpakaKosambì (Vatsa,Vamsa)là 3 xứ giáp ranh nhau, gần Benares.

[39]Xứ Moriyaở phía đông xứ Koliya.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]