Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

44. Hạ thứ 38 tại Jetavana (năm -552)

02/03/201421:29(Xem: 17754)
44. Hạ thứ 38 tại Jetavana (năm -552)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


16- Hạ thứ 38 tại Jetavana (năm -552)

Mười hôm sau, đức Phật cùng với các Thượng tọa Sàriputta, Moggallàna, Ànanda và độ 300 khất sĩ rời thành Ràjagaha, đi lên miền bắc, vượt sông Gangà, tới thăm chúng khất sĩ ở tinh xá Mahàvana, thuộc thủ đô Vesàlì của xứ Vajji. Rồi Phật lại lên đường hướng về thủ đô Sàvatthi của xứ Kosala. Mùa mưa sắp tới, ngài cần về Jetavana để kịp thời chuẩn bị cho khóa an cư.

Tới Sàvatthi, Phật đi thẳng về tinh xá Jetavana. Các thầy chờ Phật ở đây đông lắm. Năm nay các vị khất sĩ và nữ khất sĩ về đây an cư rất đông. Nghe tin đồn về những cuộc biến động ở thủ đô của xứ Magadha, mọi người đều mong gặp Phật để vấn an và biết thêm tin tức chính xác. Ni sư Khemà lãnh đạo một đoàn nữ khất sĩ đến thăm viếng Phật. Bà được ni chúng bầu lên thay thế ni sư Pajàpati nay đã 113 tuổi.

Quốc vương Pasenadi nghe Phật trở về cũng lập tức đến thăm. Phật kể lại cho vua nghe về các biến cố ở Ràjagaha. Phật cho biết thái hậu Videhi, em ruột của vua, vẫn được bình yên nhưng mang trong lòng nhiều sầu khổ. Vua Pasenadi cũng cho Phật biết cách nay hơn một tháng vua đã cử sứ giả đến Ràjagaha yêu cầu vua Ajàtasattu giải thích tại sao có chuyện giam giữ quốc vương Bimbisàra và hai vị đại thần. Đến nay vẫn chưa thấy đoàn sứ giả trở về. Vua cũng cho Phật biết là để phản kháng hành động của Ajàtasattu vua đã lấy lại các ấp thuộc địa phận xứ Kasi mà trước kia, lúc gả công chúa Videhi về làm chánh hậu của vua Bimbisàra, vua Mahà Kosala[1]đã nhường lại cho xứ Magadha làm của hồi môn.

Mùa an cư đến. Các tinh xá xung quanh thủ đô Sàvatthi đều có rất đông khất sĩ từ các nơi tập họp về. Cứ hai tuần Phật lại thuyết pháp một lần tại Jetavana. Các khất sĩ ở các tinh xá lân cận, sau giờ ngọ trai, đều tập họp về đây nghe pháp. Các vị đại thí chủ như Sudattà Anàthapindika và Visàkhà đều sốt sắng lo chu toàn về thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các khất sĩ.

Phật thuyết kinh A Di Đà

Sau lễ khai mạc mùa an cư kiết hạ năm nay, trước đông đảo thính chúng cư sĩ, khất sĩ, chư thiên và chư đại Bồ tát đang ngồi im lặng chờ nghe Phật thuyết pháp, Thượng tọa Sàriputta từ chỗ ngồi đứng lên, trịch vai áo bên phải xuống, quỳ gối bên phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng :

Bạch Thế Tôn, vừa rồi tại Griddhakùta (Linh Thứu) Thế Tôn có chỉ cho thái hậu Videhi cách cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc (Sukhavati) của đức Phật A Di Đà (Amità Buddha), chúng con nhận thấy đó cũng là một pháp môn tu thật hay, có thể thích hợp với căn tánh và sự mong ước của nhiều người ở cõi Ta-bà (Saha) này. Vậy, trước đông đảo thính chúng hôm nay, xin Thế Tôn hoan hỉ chỉ dạy rõ ràng về pháp môn vi diệu này.

Lành thay ! lành thay ! Này Sàriputta, thầy vì lợi ích của chúng sinh mà thưa hỏi đúng lúc. Như Lai sẽ giảng nói về cõi Cực Lạc (Sukhavati) của đức Phật A Di Đà (Amità) và pháp môn tu để được sanh về cõi thanh tịnh ấy. Quí vị hãy chăm chỉ lắng nghe.

Bạch Thế Tôn, chúng con xin chăm chỉ lắng nghe.

Này Sàriputta, ở phương tây, cách đây trên một trăm tỷ cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, nơi đó có đức Phật hiệu là A Di Đà đang thuyết pháp. Sở dĩ thế giới đó tên Cực Lạc là vì nơi đó chúng sanh không hề bị khổ não mà thường được an lạc.

“Này Sàriputta, ở cõi Cực Lạc đầy dẫy những vật quí giá, cây cối, đất đai, đồi núi, sông rạch, nhà cửa đều bằng vàng bạc châu báu. Hoa sen to bằng bánh xe, đủ màu xanh vàng đỏ trắng, phát ra hào quang sáng rỡ và mùi hương thơm ngát. Thường có các loài chim quí hót ca hòa với tiếng gió động cành cây phát ra những điệu nhạc vi diệu làm cho chúng sanh nơi đó được tinh thần sảng khoái, phát Bồ-đề tâm, thâm nhập Chánh Pháp, luôn luôn nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng. Do đó, ở cõi Cực Lạc, chúng sanh không hề có ý niệm về ba ác đạo[2], trái lại có đầy đủ môi trường thuận lợi để thành tựu các công đức trang nghiêm. Hơn nữa, chúng sanh nơi cõi Cực Lạc đều do hoa sen hóa sanh, nên thân tâm đều thanh tịnh, không có nam nữ, không có ái dục.

“Này Sàriputta, sở dĩ đức Phật cõi Cực Lạc có hiệu là A Di Đà (Amità = Vô Lượng) là vì đức Phật đó phát ra vô số hào quang chiếu khắp mười phương không hề bị chướng ngại, do đó nên có hiệu là Amitàbha(Vô Lượng Quang). Đức Phật A Di Đà lại có hiệu là Amitàyus(Vô Lượng Thọ) vì thọ mạng của ngài, cũng như của nhân dân nơi đó, dài vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp[3].

“Này Sàriputta, như có thiện nam tín nữ nào nghe nói đến đức Phật A Di Đà liền phát tín tâm kiên cố, một lòng chí thành chấp trì danh hiệu một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, đến lúc sắp mạng chung vẫn thành kính niệm danh hiệu ngài, thì đức Phật A Di Đà và thánh chúng nhất định sẽ có mặt để tiếp rước người đó về cõi Cực Lạc.

“Này Sàriputta, những điều ta vừa nói thật vô cùng khó tin đối với chúng sanh ở cõi Ta-bà này, nhưng đó là những lời nói chân thật. Mười phương chư Phật cũng đều nói như thế và các ngài đều phát nguyện tiếp sức hộ niệm cho những ai thực hành pháp môn Tịnh Độnày.

Phật vừa nói xong, các đại đệ tử liền chắp tay cung kính thưa :

Bạch Thế Tôn, thật khó tin, thật hy hữu, thật vi diệu, chúng con xin tín thọ, phụng hành và truyền bá pháp môn Tịnh Độ này.

Nhờ Đức Tin có thể chứng Vô Sanh hay không ?[4]

Một hôm có 30 tu sĩ sống trong rừng đến tinh xá Jetavana gặp đức Phật, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên chờ nghe pháp. Đức Phật quán biết các tu sĩ này có đủ khả năng đạt được quả vị A-la-hán, bèn xoay qua hỏi Thượng tọa Sàriputta về sự ích lợi của Đức Tin như sau :

Này Sàriputta, thầy có nghĩ rằng Đức Tin, khi đã được phát triển đầy đủ, có thể đưa đến quả vị Vô Sanh hay không ?

Bạch Thế Tôn, con không tu tiến hoàn toàn do Đức Tin nơi Thế Tôn, không do phát triển đầy đủ Đức Tin nơi Thế Tôn để đạt đến quả vị Vô Sanh. Nhưng dĩ nhiên, đối với những người không biết, không thấy, không nhận thức được, không nắm vững được bằng lý trí, bằng tuệ giác, thế nào là Vô Sanh, thì những người đó phải phát triển đầy đủ Đức Tin nơi Tam Bảo mới có thể phát triển tuệ giác và chứng được Vô Sanh.

Nhiều vị khất sĩ nghe rồi, cho rằng Thượng tọa Sàriputta vẫn chưa dứt hết tà kiến, vì Thượng tọa vẫn chưa đặt hết tin tưởng vào đức Phật. Đức Phật bảo :

Này các thầy, Sàriputta đã từng nói không ai chưa phát triển đầy đủ ngũ căn (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) mà có thể thành đạo được. Nhưng Sàriputta không tiến tu nhờ đức tin nơi người khác, mà chính nhờ đức tin nơi Tự Tánh Tam Bảo rồi tự mình tinh tấn thực hành Thiền Định theo Chánh Pháp để đạt đến Trí tuệ cao siêu và giải thoát. Còn những ai trí tuệ yếu kém thì cần có đức tin nơi Tam Bảo để tu tập và phát triển đầy đủ ngũ căn để đạt đến giải thoát.

Rồi đức Phật nói kệ :

"Người không tin mù quáng,

"Người không còn tạo tác,

"Người đã đạt vô sanh,

"Không còn nghĩ thiện ác,

"Không ham muốn lợi danh,

"Là người cao thượng nhất. (Kinh Pháp Cú, bài 97)

Phật dạy cách xây dựng hạnh phúc[5]

Đề tài bài pháp thứ hai trong mùa an cư năm nay là cách xây dựng hạnh phúc ngay trong đời này. Phật nói đại ý như sau :

“ Khi Như Lai nói cuộc đời dẫy đầy đau khổ, nào là sanh già bệnh chết, nào là ái ly, oán hội, cầu bất đắc ...là để nhắc nhở những người đang đam mê, mong tìm hạnh phúc trong dục lạc, quên mất cuộc đời vô thường, thân vô thường, tâm vô thường, mà vô thường là sanh diệt, là khổ đau. Cũng như một người bị bệnh hủi, bị bắt buộc vào sống biệt lập ở trong rừng. Mỗi khi cảm thấy ngứa ngáy, xốn xang, khó chịu, ông ta đào một cái hố, đốt củi khô cháy đỏ, rồi đứng bên miệng hố mà hơ mình mẩy tay chân. Trong khi làm như thế ông ta cảm thấy rất đã ngứa và rất sung sướng. Đến khi ông hết bệnh, trở về đời sống bình thường. Một hôm ông trở vào rừng để thăm những người bạn còn đang bệnh. Khi đến bên cạnh hố than hồng, chỗ họ đang đứng hơ mình, thì ông cảm thấy nóng quá, chịu không nổi, phải tránh ra xa. Dục lạc như hố than hồng đối với người mắc bệnh hủi, chỉ có người bệnh mới thấy dục lạc là vui. Người lành mạnh đều tránh xa.

“ Một khi đã nhận thức được đời là đau khổ, những ai muốn tìm hạnh phúc trước hết phải tìm cách diệt trừ đau khổ. Muốn diệt trừ đau khổ phải biết gốc của nó là mê lầm (vô minh), ham muốn (tham ái) và cố chấp (kiến thủ). Mê lầmlà thân vô thường mà cho là thường; tâm vô thường mà cho là thường; ái dục là đau khổ mà cho là vui; không biết luật nhân quả. Ham muốnlà ham danh, ham lợi, ham giàu sang, ham sắc đẹp, ham âm thanh êm ái dịu dàng, ham hương thơm, ham được người khen, ham rồi muốn được, được rồi muốn giữ, nhưng tất cả đều vô thường làm sao giữ mãi được. Cố chấplà cho ý mình là đúng là hay, con người vô ngã mà chấp là có ngã, chấp ngã là thường, chấp ngã là đoạn, chấp có, chấp không, chấp đúng, chấp sai, chấp phải, chấp quấy ...; do cố chấp nên có bất đồng ý kiến, cãi lẫy, xung đột và chiến tranh.

“ Một khi đã biết được nguyên nhân của khổ thì phải biết cách diệt trừ nó. Diệt trừ hết mê lầm, hết ham muốn, hết cố chấp là hết khổ, là được hạnh phúc chân thật vĩnh cửu, là được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Mà muốn diệt trừ hết mê lầm, hết ham muốn, hết cố chấp thì phải biết Chánh Pháp, thực tập thiền quán, giữ giới thanh tịnh, tập quen sống đời phạm hạnh, thiểu dục tri túc. Người sống theo Chánh Pháp(Bát Chánh Đạo) sẽ thực chứng được hạnh phúc chân thật ngay trong hiện tại, và tiến dần lên các thánh quảtừ Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đến A-la-hán và quả vị Phật”.

Phật thăm cư sĩ Sudattà trên giường bệnh[6]

Sau buổi thuyết pháp, bà Punnalakkhana (Phước Tướng), vợ của cư sĩ Sudattà Anàthapindika, đến đảnh lễ Phật và báo tin cho Phật biết cư sĩ Sudattà đã bị bệnh gần mười hôm nay. Ông rất tiếc không dự được buổi thuyết pháp này. Bệnh ông càng ngày càng nặng, sợ không được nhìn thấy mặt Phật trước khi qua đời.

Ngày hôm sau, đức Phật cùng với hai Thượng tọa Sàriputta và Ànanda đến thăm ông Sudattà. Ông Sudattà ngồi trên một chiếc ghế dựa, nét mặt xanh xao. Phật bảo :

Này Sudattà, ông đã sống một đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Với công đức bố thí rộng lớn, ông đã làm vơi nỗi khổ của biết bao nhiêu người. Biệt danh Cấp Cô Độc mà người ta xưng tặng ông thật xứng đáng. Ngoài ra ông còn trải vàng mua đất, thành lập tinh xá Jetavana cho tăng chúng có nơi tu học dễ dàng, thuận lợi, cho dân chúng Sàvatthi có nhiều cơ hội học hỏi Chánh Pháp. Công đức hộ trì Chánh Pháp của ông thật to lớn. Ông đã tinh tấn sống theo Chánh Pháp, tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho nhiều người trong xã hội. Bây giờ ông nên an nghỉ và tịnh dưỡng. Như Lai sẽ nhờ Thượng tọa Sàriputta thỉnh thoảng tới thăm ông và hướng dẫn sự tu học cho ông. Ông không nên cố gắng đến tinh xá trong lúc này, vì sự di chuyển sẽ làm cho ông mất nhiều sức lực.

Kính lạy đức Thế Tôn, con xin vâng lời ngài dạy.

Phật dạy Singàla cách sống đạo đức để có hạnh phúc[7]

Hai tuần sau, trong buổi thuyết pháp, Phật kể cho đại chúng nghe câu chuyện Phật gặp ông Singàla (Thiện Sinh). Một buổi sáng nọ, ở thành Ràjagaha, trong khi đi khất thực, Phật gặp một thanh niên tên Singàla đang đứng giữa sân trước nhà cúi lạy sáu phương đông, tây, nam, bắc, trên, dưới một cách cung kính. Phật tới gần hỏi chàng lạy như thế để làm gì. Singàla thưa là từ hồi còn bé, chàng đã được thân phụ dạy mỗi buổi sáng phải ra sân lạy sáu phương. Chàng chỉ biết vâng lời cha, sáng nào cũng lạy như thế, nhưng không biết để làm gì.

Phật nói: Lạy như thế là để thực tập một lối sống có hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Lạy phương đông là để quán chiếu[8]cách đối xử với công ơn cha mẹ: Làm con khi đã trưởng thành phải lo nuôi dưỡng cha mẹ, hiếu thảo đối với cha mẹ, bảo vệ gia tộc và truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự; làm đủ tang lễ khi cha mẹ qua đời. Làm cha mẹ phải ngăn cản con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, cho con học nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con.

Lạy phương nam là để quán chiếu cách đối xử với công ơn thầy tổ: Làm học trò phải kính trọng thầy, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Làm thầy phải hết lòng dạy bảo học trò sự hiểu biết của mình, những kinh nghiệm của mình, dạy cho thuần thục nghề nghiệp; khen học trò với các bạn bè quen thuộc, hướng dẫn nghề nghiệp cho học trò về mọi mặt.

Lạy phương tây là để quán chiếu cách đối xử với tình nghĩa vợ chồng: Làm chồng phải kính trọng vợ, cư xử bình đẳng với vợ; trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang với vợ. Làm vợ phải chăm sóc chồng con, khéo tiếp đón bà con, trung thành với chồng, khéo gìn giữ tài sản chung, khéo léo và nhanh nhẹn làm việc nội trợ.

Lạy phương bắc là để quán chiếu cách đối xử với tình nghĩa bạn bè: Đối với bạn bè phải thực hành bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Nếu gặp người bạn phóng túng thì phải khuyên nhũ, bảo vệ khi gặp nguy hiễm, làm chỗ nương tựa khi gặp khó khăn, kính trọng gia đình của bạn.

Lạy phương dưới là để quán chiếu cách đối xử với người cộng sự: Phải giao việc đúng theo khả năng của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương tương xứng, giúp họ điều trị bệnh hoạn, chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ, thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Người giúp việc phải thức dậy trước khi chủ dậy, đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật đã cho, khéo làm các công việc được giao phó, đem lại danh tiếng tốt đẹp cho chủ.

Lạy phương trên là để quán chiếu cách đối xử với bậc hiền nhân: Phải có cử chỉ cung kính, có lời nói cung kính, có tư tưởng cung kính, mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Ngược lại vị hiền nhân nên ngăn họ không làm điều ác, khuyến khích họ làm điều thiện, thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe, làm cho thanh tịnh điều đã được nghe, chỉ bày con đường đạo đức của thánh nhân.

Nhưng phải biết điều kiện căn bản trong các cách đối xử là phải giữ gìn năm giới(không giết hại, không tham lam trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say rượu), không nên hành động vì tham lam, vì giận hờn, vì sợ hãi, hay vì mê lầm trong lúc chưa có đủ yếu tố quyết định. Ngoài ra phải tránh xa sáu loại hành động có thể đưa đến tán gia bại sản: uống rượu say sưa, đi lang thang trong thành phố vào giờ khuya khoắt, lui tới những nơi cờ bạc, lui tới những nơi ăn chơi trác táng, la cà với những người bạn xấu, và lười biếng ỷ lại. Này Singàla, ông phải lạy sáu phương với sự quán chiếu như thế mới thật sự có ý nghĩa và lợi ích, vì hành động đó có thể mang đến cho ông hạnh phúc thiết thực trong cuộc sống.

Đức Phật nói tiếp: Hạnh phúc chân thật là điều có thể thực hiện được ngay trong đời này, nếu chúng ta biết :

1- Chọn một nghề sinh sống có ích lợi cho nhiều người.

2- Thân cận với những người hiền đức, với những thiện tri thức.

3- Phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc vợ chồng con cái.

4- Chia xẻ thì giờ, tài vật, hạnh phúc với kẻ khác.

5- Biết ơn, khiêm nhượng, ít ham muốn, biết đủ.

6- Chọn môi trường sinh sống thuận tiện cho sự tu học, và sự làm lành.

7- Sống một cuộc đời trong sạch và cao thượng.

8- Chuyên cần học hỏi Giáo Pháp giác ngộ[9]giải thoát[10].

9- Cách thiền quán để diệt trừ mê lầm[11]phiền não[12].

Sau cùng, Phật nêu gương sáng của ông Sudattà Anàthapindika, một cư sĩ biết sống theo Chánh Pháp đã mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và cho nhiều người trong xã hội trong đời hiện tại. Hành động tốt đẹp này còn là những nhân lành sẽ mang đến những hoa trái xinh tươi trong các đời vị lai.

Bà Punnalakkhana, vợ của cư sĩ Sudattà, cảm động đến rơi nước mắt. Bà đứng lên bạch Phật :

Bạch đức Thế Tôn, cuộc sống của người cư sĩ nhiều khi thật bận rộn, nhất là khi mình được thừa hưởng một gia sản lớn. Con nghĩ nếu mình có một cơ nghiệp bình thường có lẽ việc tu học sẽ được dễ dàng hơn. Nhiều khi nhìn những vị khất sĩ không nhà, không cửa, không vợ, không con, tay ôm bình bát đi thong dong trên các nẻo đường khất thực, thật nhàn hạ, chúng con ước mong được sống như thế. Nhưng chúng con có nhiều trách nhiệm quá, nhiều sự ràng buộc quá, không biết làm sao ?

Này Punnalakkhana, người khất sĩ cũng có nhiều trách nhiệm: phải học hỏi Giáo Pháp, phải thực tập thiền quán, phải tôn trọng giới luật, phải sống đời phạm hạnh trong sạch, phải an trú ngày đêm trong chánh niệm, phải hoằng pháp lợi sinh. Như có vị cư sĩ nào muốn làm quen với đời sống xuất gia của các khất sĩ thì có thể xin thọ Bát Quan Trai giới.

Phật dạy Bát Quan Trai giới[13]

Hoặc nửa tháng một lần, hoặc mỗi tháng một lần, hoặc ba tháng một lần, các vị cư sĩ nào muốn tập sống như người xuất gia có thể đến chùa xin thọ Bát Quan Trai giới (Upavàsa) với vị sư trưởng. Người thọ Bát Quan Trai giới, được gọi là Cận trụnam hay nữ, phải sống trọn một ngày một đêm trong chùa, thọ ngọ trai, thực tập thiền tọa, thiền hành, sống trong phạm hạnh[14], tỉnh thức[15], tinh cần, thong dong và an lạc giống hệt như các vị tu sĩ. Sau thời gian sống một ngày một đêm như thế, các vị lại xả giới và trở về đời sống thế gian, chỉ giữ lại tam quy, ngũ giới.

Trường hợp không thể đến chùa, người cư sĩ có thể thỉnh ít nhất hai vị Tỳ kheo đến nhà mình để tuyên giới, hướng dẫn và chỉ dạy trong các ngày tu Bát Quan Trai.

Bát Quan Trai gồm có tám giới :

1- Không sát hại sinh mạng.

2- Không trộm cướp.

3- Không dâm dục.

4- Không nói dối.

5- Không uống rượu.

6- Không trang sức.

7- Không nằm và ngồi trên giường ghế sang trọng.

8- Không sử dụng tiền bạc.

Tám giới ấy là để phòng ngừa vọng niệm[16]tạp niệm[17]phát sanh trong thời gian tu tập. "Quan" có nghĩa là phòng ngừa. Còn "Trai" có nghĩa là chỉ ăn một bữa chay trước hoặc trong giờ ngọ, để có thì giờ tu tập.

Được Phật chỉ dạy phép Bát Quan Trai, giới cư sĩ hôm ấy rất lấy làm sung sướng.

Sàriputta dạy Sudattà cách quán tưởng lúc hấp hối[18]

Mười ngày sau, được tin bệnh của ông Sudattà trở nặng, Thượng tọa Sàriputta và Thượng tọa Ànanda liền đến thăm. Ông Sudattà nằm trên giường bệnh. Sàriputta và Ànanda ngồi trên ghế bên cạnh giường. Biết ông Sudattà không còn sống được bao lâu nữa, Thượng tọa Sàriputta hộ niệm ông như sau:

Ông Cấp Cô Độc Sudattà, ông đã sống một cuộc đời cao thượng và hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Pháp. Trong buổi thuyết pháp vừa qua tại Jetavana, đức Thế Tôn đã tán thán công đức của ông như thế. Mọi việc đáng làm ông đã làm trong suốt cuộc đời. Giờ đây ông nên bình tĩnh lắng nghe tôi nói và làm theo. Này ông Sudattà, ông nên quán tưởng như sau : mắt không phải là tôi, tai không phải là tôi, mũi, lưỡi, thân cũng không phải là tôi.

Đợi cư sĩ quán tưởng xong, Thượng tọa nói tiếp :

Bây giờ ông nên tiếp tục quán tưởng như sau : những gì tôi thấy không phải là tôi, những gì tôi nghe không phải là tôi, những gì tôi ngửi, nếm, xúc chạm cũng không phải là tôi.

Ngưng một lúc, Thượng tọa Sàriputta chẫm rãi nói tiếp :

Ông nên quán tưởng rõ ràng như thế này : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không phải là tôi; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không phải là tôi; thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, suy nghĩ, cũng không phải là tôi. Vì nếu mất một hay tất cả 18 thứ đó thì tôi vẫn là tôi, không bị sứt mẻ gì. Tôi không bị ràng buộc và giới hạn trong những yếu tố ấy.

Ngưng một lúc, Thượng tọa Sàriputta nói tiếp :

Bây giờ ông nên quán tưởng như thế này : thân xác này không phải là tôi, cảm giác đau đớn này không phải là tôi, sự suy nghĩ này không phải là tôi, sự biến đổi của thân xác và tư tưởng không can hệ gì đến tôi. Sinh tử không chạm được tới tôi. Sinh không làm cho tôi có, tử không làm cho tôi mất. Tôi mỉm cười biết rằng cái tôi chân thật chưa hề sinh nên cũng không bao giờ diệt.

Thực tập tới đây, cư sĩ Sudattà mỉm miệng cười. Rồi bỗng nhiên nước mắt chảy ràn rụa trên hai má ông. Thượng tọa Ànanda hỏi :

Ông Sudattà, sao ông lại khóc ? Ông có nuối tiếc gì không ? Ông quán chiếu không thành công hả ?

Thưa Thượng tọa, tôi không nuối tiếc gì. Nhờ đã nhiều lần được nghe đức Thế Tôn thuyết pháp nên hôm nay tôi quán chiếu rất thành công. Nhưng tôi cảm động quá vì suốt 35 năm được phụng sự đức Thế Tôn và gần gũi các vị Thượng tọa mà chưa bao giờ tôi được nếm mùi vị giáo lý thậm thâm vi diệu như hôm nay.

Ông Sudattà, pháp môn Quán 18 Giới Phân BiệtQuán Bát Nhãnày các vị khất sĩ và nữ khất sĩ thường được nghe đức Thế Tôn giảng dạy luôn.

Thưa Thượng tọa, xin Thượng tọa bạch với Phật cho phép giới cư sĩ cũng được nghe để hiểu và thực hành giáo lý thâm diệu này.

Cư sĩ Sudattà Anàthapindika từ trần ngay buổi chiều hôm đó. Hai Thượng tọa Sàriputta và Ànanda đã ở lại hộ niệm rất lâu cho cư sĩ. Theo kinh sách, sau khi trút hơi thở cuối cùng, ông Sudattà liền tái sanh vào cung trời Tusita (Đâu Suất) và tối hôm đó trở về tinh xá Jetavana với một thân thể nhẹ nhàng, linh hoạt, chiếu sáng, đảnh lễ Phật. Ông Sudattà có ba người con gái là Mahà Subhadda, Culla Subhadda và Sumana, và một người con trai duy nhất là Kala. Tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn, riêng Sumana đắc quả Tư-đà-hàm.

Chiến tranh giữa hai xứ Magadha và Kosala[19]

Mùa an cư thứ 38 vừa chấm dứt, các vị khất sĩ chưa kịp lên đường đi hoằng pháp thì nghe chiến tranh bùng nổ giữa hai xứ Magadha và Kosala. Đại binh của xứ Magadha, do vua Ajàtasattu đích thân lãnh đạo, đã vượt sông Gangà gần thị trấn Benares đi vào lãnh thổ Kosala. Bên xứ Kosala, sau khi được quân đội biên phòng thông báo, vua Pasenadi cũng thân hành điều động binh mã đến Kàsi. Việc binh quá cấp bách, vua không kịp đến thông báo và từ giã Phật. Vua nhờ thái tử Jeta đến gặp Phật để trình bày mọi việc.

Phật đã từng được thông báo rằng sau khi nghe tin Ajàtasattu mưu sát cha để lên ngôi, vua Pasenadi đã tỏ ý phản kháng bằng cách lấy lại một làng thuộc xứ Kàsi mà ngày xưa vua cha Mahà Kosala đã tặng cho vua Bimbisàra như vật hồi môn của công chúa Videhi. Làng này đã đem lại cho xứ Magadha mỗi năm một số tiền thuế trị giá một trăm ngàn đồng vàng. Vua Ajàtasattu vừa lên ngôi, muốn củng cố uy thế của mình trong xứ cũng như đối với các nước ngoài, liền cất binh sang đánh để lấy lại.

Thượng tọa Sàriputta thông báo cho các vị nam nữ khất sĩ ở đâu thì nên hành đạo ngay tại đó, đừng di chuyển nhiều trong thời buổi chiến tranh. Thượng tọa cũng xin Phật ở lại Sàvatthi cho đến khi tình hình yên tĩnh.

Hai tháng sau, dân chúng kinh hoàng nghe tin binh tướng Kosala đã thất trận ba lần tại Kàsi[20]. Vua Pasenadi và các tướng phải rút tàn binh chạy về thủ đô Sàvatthi. Tình hình rất khẩn trương, may nhờ hệ thống phòng thủ tại Sàvatthi rất là kiên cố. Binh tướng của vua Ajàtasattu đã đuổi theo và công kích ngày đêm mà cũng không hạ được thành. Sau đó, nhờ tướng Bandhula áp dụng chiến thuật của Trưởng lão Dhanuggahatissa[21], phối hợp viện binh từ các nơi kéo về, bày trận dụ địch đang háo thắng vào hiễm địa đã có quân mai phục sẵn, phá tan quân của Ajàtasattu. Vua Ajàtasattu cùng các tướng soái dưới quyền đều bị bắt sống với trên một vạn tù binh. Số binh lính còn lại, hoặc chết hoặc bỏ chạy tán loạn. Ngoài ra, quân đội Kosala còn chiếm được rất nhiều voi, ngựa, xe của bên địch.

Chiến tranh kéo dài hơn sáu tháng. Dân chúng Sàvatthi được lệnh tổ chức ăn mừng thắng trận. Sau khi thu xếp công việc binh đội và triều chính, vua Pasenadi đến thăm Phật tại tinh xá Jetavana. Vua kể cho Phật nghe những gian nan của cuộc chiến. Vua nói rằng chính Ajàtasattu đã gây ra chiến tranh nên ngài phải chiến đấu tự vệ. Vua nói tiếp :

Bạch Thế Tôn, Ajàtasattu dù sao cũng là cháu gọi trẫm bằng cậu ruột. Trẫm không nỡ giết, cũng không nỡ bỏ nó vào chốn lao tù. Xin Thế Tôn chỉ dạy cho trẫm nên xử trí như thế nào ?

Thưa Đại vương, xung quanh Đại vương có rất nhiều quan tướng và bạn hữu trung thành, nên Đại vương thắng trận này không có gì là lạ. Nhưng xung quanh Ajàtasattu có rất nhiều phần tử xấu, vì vậy Ajàtasattu đã đi lầm đường lạc nẻo, triều đình rối ren, quan quân và dân chúng mất lòng tin, nên phải thất bại. Như Lai đề nghị Đại vương nên lấy lễ tiếp đãi quốc vương Magadha theo đúng cung cách của một ông vua đối xử với một ông vua. Nhưng Đại vương cũng phải có thì giờ dạy dỗ Ajàtasattu như dạy một người cháu ruột. Đại vương hãy nhấn mạnh đến sự cần thiết có những người bạn hữu tốt và những phần tử trung kiên. Cuối cùng Đại vương có thể đặt tiệc tiễn đưa vua xứ Magadha về nước. Sự bình an của trăm họ tùy thuộc nơi sự khéo léo của Đại vương.

Rồi Phật cho gọi một vị khất sĩ trẻ tuổi tên Sìlavat[22]đến và giới thiệu vị này với vua Pasenadi. Khất sĩ Sìlavat là em cùng cha khác mẹ với Ajàtasattu, tư chất rất thông minh. Lúc 16 tuổi ông đã theo học với Thượng tọa Moggallàna, đến 20 tuổi ông xin xuất gia với Thượng tọa và đã trở thành một đệ tử lỗi lạc. Sau biến cố tại thủ đô Ràjagaha, Sìlavat được Thượng tọa Moggallàna gởi về tinh xá Jetavana tu học.

Vua Pasenadi hỏi thăm đại đức Sìlavat về tình trạng hoàng gia ở Ràjagaha. Đại đức đã cung kính nói cho vua nghe những gì thầy đã tai nghe mắt thấy. Đại đức cho biết là năm ngoái đã có một người từ thủ đô xứ Magadha tới đây với sứ mạng ám sát đại đức, nhưng đại đức đã cải hóa được người ấy và độ cho người ấy được xuất gia. Hiện vị khất sĩ kia đang tu học ở một trung tâm không xa thành phố.

Vua Pasenadi lạy tạ Phật rồi trở về cung. Vua Ajàtasattu sau đó được trả tự do và đưa về nước, lại được vua Pasenadi gả công chúa Vajirà cho, và hứa sẽ trả lại làng ở Kàsi mà ngày xưa vua Mahà Kosala, cha của vua Pasenadi, đã tặng cho xứ Magadha. Lấy tình thương xóa bỏ hận thù, vua Pasenadi đã làm theo lời Phật dạy. Vua Ajàtasattu bây giờ vừa là cháu ruột vừa là con rể của ngài.



[1]Vua Mahà Kosalatruyền ngôi lại cho con là Pasenadi (Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 492).

[2]Ba ác đạolà địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

[3]A-tăng-kỳ kiếp(asamkhya kalpa). Asamkhya là số rất lớn khó tính đếm được (10 lũy thừa 47). Kalpa (kiếp) là đơn vị thời gian rất dài. A-tăng-kỳ kiếp là khoảng thời gian rất lâu dài khó tính đếm được.

[4]Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 208-209; Tương Ưng Bộ, chương 48, kinh 44: Pubbakotthaka (Ngôi Nhà Phía Đông).

[5]Xem Trung Bộ, kinh 45 và 75. Xem thêm Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 54: Dighajanu.

[6]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 143: kinh Anathapindikovada; Trung A Hàm 28.

[7]Xem Trường Bộ (Dìgha nikàya) 31: kinh Singalovada; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 16; Trường A Hàm, quyển 11: kinh Thiện Sinh.

[8]Quán chiếu: suy nghĩ chính chắn để biết rõ ràng.

[9]Giác ngộ: biết rõ chân lý.

[10]Giải thoát: ra khỏi mọi sự ràng buộc, đau khổ về vật chất cũng như về tinh thần.

[11]Mê lầm: hiểu biết không đúng sự thật, không đúng chân lý.

[12]Phiền não: trạng thái tâm lý xáo trộn như vui, buồn, thương, ghét, giận, tham, lo sợ ...

[13]Xem Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 43: Visàkhà; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 89; Trung A Hàm 153.

[14]Phạm hạnh: giữ giới luật trong sạch.

[15]Tỉnh thức: giữ tinh thần sáng suốt, 6 căn thanh tịnh.

[16]Vọng niệm: ý nghĩ hoặc tư tưởng về chuyện đời, không đúng sự thật, không đúng chân lý.

[17]Tạp niệm: những ý niệm hoặc tư tưởng lăn xăng, tán loạn, làm mất chánh định và chánh niệm.

[18]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 143.

[19]Xem Tương Ưng Bộ (Samyutta nikàya), chương 3, kinh 14 và 15; Tiểu Bộ, Jàtaka 283, 329, 492.

[20]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 73.

[21]Theo Tiểu Bộ, Jàtaka 283, thì nhờ nghe được câu chuyện bàn luận về chiến sự giữa hai trưởng lão Dhanuggahatissa và Mantidatta mà đạo quân Kosalà mới có thể chuyển bại thành thắng.

[22]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 241: Sìlavat.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]