Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Hạ thứ nhất tại Lộc Uyển (năm - 589)

01/03/201420:31(Xem: 21626)
09. Hạ thứ nhất tại Lộc Uyển (năm - 589)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


Đây là giai đoạn thành lập Giáo Hội Tăng Già và Giáo Hội Tỳ Kheo Ni. Trong giai đoạn này, đức Phật huấn luyện các đệ tử nồng cốt, thuyết phục để được sự ủng hộ của những nhân vật có thế lực về chính trị cũng như về tôn giáo, thành lập bốn tinh xá lớn làm cơ sở tu học cho tăng ni. Đó là : Venuvana[1](Trúc Lâm) tại thủ đô Ràjagaha của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà), Jetavana (Kỳ Viên) tại thủ đô Sàvatthi của xứ Kosala (Kiều Tát La), Mahàvana (Đại Lâm) tại thủ đô Vesàlì của xứ Vajji (Bạt Kỳ), Nigrodha (Ni Câu Đà) tại thủ đô Kapilavatthu (Sanscrit: Kapilavastu) của xứ Sàkya (Sàkiya). Thời bấy giờ Magadha và Kosala là hai xứ lớn nhất ở lưu vực sông Gangà (sông Hằng). Vua Bimbisàra xứ Magadha và vua Pasenadi xứ Kosala đều trở thành hai thiện tín cư sĩ nhiệt thành của đức Phật.

1- Hạ thứ nhất tại Lộc Uyển[2](năm –589)

Đến ngày trăng tròn tháng bảy dương lịch, Phật nhập Hạ[3]đầu tiên với mười vị đệ tử A-la-hán tại Lộc Uyển, trong làng Isipatana hiện nay là Sarnath. Hiện nay có chùa Mulagandhakuti do ngài Anagarika Dharmapala (Pháp Hộ) khởi công xây cất vào năm 1922 để kỷ niệm nơi Phật nhập Hạ lần đầu. Nơi đây là một địa điểm thiêng liêng của Phật giáo, là một trong Bốn Động Tâm (Nơi Phật giáng sanh, thành đạo, thuyết pháp lần đầu, và nơi Phật nhập niết bàn), vừa là nơi Phật chuyển pháp luân (thuyết pháp lần đầu), vừa là nơi xuất phát Giáo Hội Tăng Già với đầy đủ Phật, Pháp, Tăng. Vào năm 252 trước tây lịch, đại đế Asoka đến hành hương nơi thánh địa này, có cho xây cất một số đền đài và một trụ đá kỷ niệm, trên đầu trụ có tượng đá sư tử bốn mặt đội “Bánh Xe Pháp Bảo” (Dharmacakra) tuyệt đẹp, ngày nay vẫn còn được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Sarnath. Hình sư tử bốn mặt được dùng làm biểu tượng chánh thức của xứ Ấn. Ông Jawaharlal Nehru viết : “Tại Sarnath, gần Benares, dường như tôi vẫn còn thấy Đức Phật đang thuyết giảng bài pháp đầu tiên, và những lời dạy của ngài văng vẳng từ xa vang lại, đang còn thì thầm bên tai tôi, xuyên qua hai ngàn năm trăm năm. Trụ đá Asoka với những lời ghi khắc trên đó dường như nói lên cho tôi bằng những ngôn từ tuyệt mỹ về một con người, mặc dù cũng là hoàng đế, nhưng vĩ đại hơn bất luận vua chúa hay hoàng đế nào.” (The Discovery of India, trang 44; Calcutta, Signet Press năm 1946).

Năm mươi người bạn khác của ông Yasa xin xuất gia[4]

Trong mùa hạ này, 50 người bạn khác của ông Yasa, tất cả đều thuộc các gia đình nổi tiếng trong vùng, cũng đến nghe Phật thuyết pháp, đắc quả A-la-hán và xin xuất gia Tỳ kheo, nâng số đệ tử Phật lên 60 vị, đều là bậc A-la-hán.

Phật trao sứ mệnh hoằng pháp cho các vị Tỳ kheo[5]

Đến ngày mãn hạ, Đức Phật gọi các đệ tử đến bảo :

Này các Tỳ kheo, Như Lai đã thoát ra khỏi mọi ràng buộc, dù ở cảnh người hay cảnh trời. Các thầy cũng vậy, này các Tỳ kheo, các thầy cũng đã thoát ra khỏi mọi ràng buộc, dù ở cảnh người hay cảnh trời. Các thầy hãy ra đi đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, các thầy hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Các thầy hãy đi mỗi người một ngả, hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, toàn hảo về cả hai phương diện ý nghĩa và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng vừa toàn thiện vừa trong sạch.

“Có những chúng sanh vướng ít nhiều cát bụi trong mắt, nếu không được nghe Giáo Pháp sẽ bị sa đọa. Cũng sẽ có những người am hiểu được Giáo Pháp.

“Chính Như Lai cũng đi, Như Lai sẽ đi đến làng Uruvelà của ông Senàni để hoằng dương Giáo Pháp.

“Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy là các thầy đã hoàn tất nhiệm vụ.

Bạch đức Thế Tôn, Đại đức Kondanna nói, xin ngài chỉ dạy chúng con cách làm lễ xuất gia cho người phát tâm tu học.

Quý thầy đã từng thấy Như Lai làm lễ xuất gia cho nhiều người rồi; vậy quý thầy cứ làm như thế.

Bạch đức Thế Tôn, Đại đức Assaji nói, oai đức ngài rất lớn nên không cần nghi thức rườm rà. Nhưng đối với chúng con, một nghi thức tối thiểu để sử dụng trong lúc làm lễ xuất gia rất là cần thiết. Xin sư huynh Kondanna đề nghị một nghi thức đơn giản, rồi nhờ đức Thế Tôn chỉ dạy thêm.

Bạch đức Thế Tôn, Đại đức Kondanna nói, theo con nghĩ, trước hết nên cho giới tử cạo sạch râu tóc, mặc áo cà-sa, rồi theo nghi lễ quỳ xuống trước mặt vị Tỳ kheo truyền giới, chấp tay thành khẩn lập lại ba lần như thế này : “Đệ tử xin quy y Phật,

Đệ tử xin quy y Pháp,

Đệ tử xin quy y Tăng.

Lần thứ hai đệ tử xin quy y Phật,

Lần thứ hai đệ tử xin quy y Pháp,

Lần thứ hai đệ tử xin quy y Tăng.

Lần thứ ba đệ tử xin quy y Phật,

Lần thứ ba đệ tử xin quy y Pháp,

Lần thứ ba đệ tử xin quy y Tăng.”[6]

Bạch đức Thế Tôn, con mạo muội đề nghị như thế, không biết con có phạm vào lỗi lầm nào không ?

Nghi thức thầy đề nghị hay lắm, Như Lai xác nhận rằng: Quỳ đọc ba lần tam quy dưới chân một vị Tỳ kheo thì có thể trở nên một vị Tỳ kheo.

Đại chúng hoan hỉ tuân theo lời Phật dạy.

Ông Punna Mantàniputta và 29 người bạn xuất gia[7]

Sau ngày mãn hạ, đức Phật đi từ Isipatana về Uruvelà. Trên khoảng đường từ Isipatana đến Benares, lúc đức Phật dừng chân, ngồi dưới cội cây, trong một cụm rừng nhỏ Kappasika[8], có ba mươi thanh niên vui vẻ trẻ trung cũng dắt vợ đến chơi trong cụm rừng ấy. Một trong ba mươi người đó không vợ nên dắt theo một người bạn gái. Trong khi ai nấy xuống sông tắm, vui đùa với nhau, thì cô bạn gái bỏ đi, lén đem theo các món trang sức quí giá của mấy người kia. Đến lúc hay ra, mọi người cùng nhau chạy đi tìm kiếm trong rừng. Gặp đức Phật, họ đến gần, hỏi thăm ngài có thấy một người phụ nữ chạy ngang qua đó không. Đức Phật hỏi lại :

Theo ý các ông thì nên tìm một người phụ nữ hay nên tìm ra thực ngã của chính mình là hơn ?

Thưa sa môn, tìm ra thực ngã của mình hẳn là hơn.

Vậy các ông hãy ngồi lại đây, Như Lai sẽ giảng Giáo Pháp cho các ông.

Chúng con xin nghe.

Ba mươi thanh niên cung kính đảnh lễ rồi ngồi xuống chăm chỉ nghe. Sau khi nghe đức Phật giảng về bố thí, về giữ giới, về các cõi trời, về sự ô nhiễm tai hại của các dục, về những lợi ích của tâm xuất ly, về Vọng Ngã, Chơn Ngã và Tứ Diệu Đế, cả ba mươi thanh niên ấy lấy làm hoan hỉ, biết rõ “tất cả những gì đã sinh ra đều sẽ bị hoại diệt”, liền xin xuất gia theo Phật. Sau khi làm lễ xuất gia, Phật bảo tất cả đến Lộc Uyển gặp thầy Kondanna, xin thầy cho cạo bỏ râu tóc, khoác áo khất sĩ và thọ lãnh những lời chỉ dẫn tu học; đến tháng bảy năm sau sẽ gặp lại Phật tại Ràjagaha (Vương Xá) để nhập Hạ. Trong nhóm 30 thanh niên nầy có một vị tên Punna Mantàniputta[9](Purana Maitrayaniputra, Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử) về sau được Phật xác nhận là vị Tỳ kheo thuyết pháp hay nhất trong số các đệ tử Phật.

Số đệ tử Phật từ nay được 90 vị.

Ông Uruvelà Kassapa, 2 người em, và 1000 đệ tử xuất gia[10]

Độ mười ngày sau, đức Phật đến Uruvelà (vùng Bodhgayà). Nơi đây có ba anh em tu khổ hạnh, thờ thần Lửa. Người anh cả là Uruvelà Kassapa (Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp) có 500 đệ tử, người anh kế là Nadì Kassapa (Na Đề Ca Diếp) có 300 đệ tử, và người em út là Gayà Kassapa (Già Da Ca Diếp) có 200 đệ tử. Các tiếng Uruvelà, Nadì, Gayà chỉ nơi cư trú của mỗi người. Ba vị này tu theo giáo phái Jatila của đạo Bà-la-môn, thờ Thần Lửa. Họ sống trong những túp lều dựng bằng cành cây và lá cây. Áo của họ mặc làm bằng vỏ cây. Tóc để dài thắt thành bính hoặc bới trên đỉnh đầu. Họ không đi khất thực nhưng tiếp nhận các thức cúng dường của dân chúng từ các làng mạc trong vùng. Họ tự nấu nướng lấy. Họ cũng chăn nuôi súc vật để ăn và để cúng tế. Đạo sĩ Uruvelà Kassapa đã trên 100 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh. Ông là người tinh thông ba bộ kinh Vệ Đà, sống một cuộc đời đức hạnh gương mẫu, và tự tin rằng mình đã chứng quả A-la-hán. Ông rất được hai người em tôn kính. Những buổi giảng đạo của ông được dân chúng địa phương đến tham dự rất đông.

Đức Phật đến viếng vị này trước nhất. Tôn giả Uruvelà Kassapa thấy sa môn Gotama tuy còn trẻ mà đạo phong uy nghiêm cũng đem lòng quý mến. Sau một lúc đàm đạo, ông hoảng hốt nhận thấy rằng có những tư tưởng trong kinh Vệ Đà mà ông chưa nắm vững được. Vị sa môn này đã chỉ cho ông những chỗ uyên áo (rất khó hiểu) của các bộ Atharvaveda và Rigveda. Lạ hơn nữa là khi nói đến các môn ngữ học, văn pháp, sử truyện và mười tám pháp tế tự của đạo Bà-la-môn, không có điều gì mà vị sa môn này không thông.

Trưa hôm ấy, đức Phật nhận lời thọ ngọ trai với Uruvelà Kassapa. Xếp áo cà-sa lại làm bốn để trải thành tọa cụ trên bờ cỏ, đức Phật ngồi đoan trang thọ trai trong im lặng. Uruvelà Kassapa cũng giữ sự yên lặng đoan trang để thọ trai bên cạnh vị khách sa môn.

Chiều hôm ấy, trong khi đàm đạo với Uruvelà Kassapa, đức Phật hỏi :

Này hiền giả, hiền giả hãy nói cho tôi biết vì sao Thần Lửa lại có thể đem lại cho chúng ta sự giải thoát ?

Sa môn Gotama, sau một lúc im lặng suy nghĩ tôn giả Kassapa đáp, lửa là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Lửa có nguồn gốc từ Phạm Thiên (Brahmà). Vì vậy trong các điện thờ, hình tượng Phạm Thiên luôn luôn được đặt vào vị trí trung ương. Kinh Atharvaveda có nói về phép thờ Lửa. Lửa là sự sống. Nếu không có lửa thì không có sự sống. Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là nguồn năng lượng làm phát sinh ra cây cối, muông thú và con người. Lửa phá tan bóng tối, phá tan sự lạnh lẽo, đem tới nguồn vui và sự sinh trưởng của vạn vật. Thức ăn nhờ lửa mà trở nên tinh khiết. Con người nhờ lửa mà trở về hợp nhất được với Brahmà. Vì lửa là sự sống nên lửa chính là Brahmà vậy. Thần lửa Agni cũng chỉ là một trong muôn ngàn biểu hiện của Brahmà. Trong hỏa viện, thần lửa Agni thường được biểu hiện như có hai cái đầu: một đầu biểu trưng cho lửa thường dùng hằng ngày và một đầu biểu trưng cho lửa của sự tế lễ và trở về nguyên thể. Có tới bốn mươi bốn phép tế lửa. Người đạo sĩ thờ lửa phải giữ giới, phải khổ hạnh và phải chuyên cần tu tập mới có đủ tư cách duy trì Thần Lửa và làm sáng tỏ con đường giải thoát.

Tôn giả Kassapa, đức Phật hỏi tiếp, ngài nghĩ thế nào về những người cho rằng nước là bản chất đầu tiên của sự sống, nước bắt nguồn từ Brahmà, và nước có công năng làm cho con người trở nên thanh tịnh để trở về hợp nhất với Brahmà (Phạm Thiên) ?

Uruvelà Kassapa im lặng. Ông nghĩ đến hằng triệu người, ngay trong giờ phút này, đang tắm trong nước sông Gangà và trong những dòng sông, hồ nước linh thiêng khác, mong rửa sạch được mọi tội lỗi và nghiệp chướng để sau này có thể trở về với Brahmà. Một lát sau, ông nói :

Sa môn Gotama, nước không thật sự giúp ta siêu thoát được. Nước đi xuống, trong khi lửa bốc lên. Khi ta chết, thân xác ta nhờ lửa mà bay lên thành khói ...

Tôn giả Kassapa, ngài nói như vậy e không đúng. Đám mây trắng đang bay trên trời kia cũng là nước đấy. Nước cũng có thể bay lên. Khói cũng là hơi nước. Cả hai thứ mây và khói đều sẽ phải trở lại mặt đất. Vạn vật, như ngài đã biết, luôn luôn luân chuyển tuần hoàn.

Nhưng vạn vật đều có một nguồn gốc, và có thể trở về nguồn gốc ấy.

Tôn giả Kassapa, vạn vật nương nhau mà có mặt. Tôn giả hãy nhìn chiếc lá trong tay tôi đây. Hạt giống là nhân, đất, nước, hơi nóng, đám mây, mặt trời, thời gian, không gian ... đều là duyên giúp cho chiếc lá này có mặt. Thiếu một trong các duyên ấy thì chiếc lá này sẽ khác đi hoặc không thành. Tất cả các loài đất đá, thảo mộc và cầm thú đều theo luật nhân duyên sinh ấy. Nguồn gốc của một vật là vạn vật. Tôn giả hãy quán sát kỹ xem. Có bao giờ chỉ có một nguyên nhân đơn độc mà đưa tới được một quả đâu. Phải có đủ nhân duyên hòa hợp mới sanh ra quả. Ý niệm về một nguyên nhân duy nhất đầu tiên là một vọng tưởng do vọng chấp thiếu nhận xét mà ra. Này tôn giả, chiếc lá trong tay tôi đây là do tất cả các pháp trong vũ trụ họp lại để tạo thành, trong đó có nhận thức của tôn giả.

Vị đạo sĩ Bà-la-môn im lặng.

Trời đã tối. Đạo sĩ Uruvelà Kassapa mời Phật ngủ lại trong túp lều của ông. Nhưng đức Phật ngỏ ý muốn được nghỉ đêm một mình trong hỏa viện. Vị đạo sĩ Bà-la-môn nói :

Mấy hôm nay có một con rắn lớn vào ẩn trong hỏa viện, đuổi thế nào nó cũng không đi. Sa môn Gotama không nên nghỉ đêm trong đó, có thể bị nguy hiểm. Chính vì con rắn kia mà lâu nay chúng tôi đã phải lập tế đàn ngoài trời để hành lễ. Xin ngài nghỉ đêm tại đây cho an toàn.

Tôn giả an tâm. Tôi xin được nghỉ đêm trong hỏa viện. Chắc cũng không sao đâu.

Sa môn đã muốn nghỉ đêm tại hỏa viện thì xin cứ tự tiện. Ngài muốn ở đó bao lâu cũng được.

Đêm ấy đức Phật nghỉ trong hỏa viện. Trên bàn thờ trung ương, lửa được nuôi bằng nhiều ngọn đèn, mỗi ngọn đèn có nhiều bấc. Góc bên trái có một đống gỗ lớn, có lẽ đây là gỗ chiên đàn dùng để đốt lên mỗi khi hành lễ. Đức Phật nghĩ nếu có một con rắn ở trong hỏa viện thì chắc nó ẩn mình trong đống gỗ. Ngài chọn góc đối diện, xếp áo cà-sa làm bốn, trải xuống làm tọa cụ và bắt đầu ngồi thiền định. Đến khuya, đức Phật thấy một con rắn thật lớn nằm khoanh tròn giữa hỏa viện, ngài lên tiếng nhỏ nhẹ nói :

Rắn ơi, hãy đi ra ngoài rừng ở cho an ổn, đừng ở đây sẽ nguy hiểm đến tánh mạng.

Giọng nói của Phật chứa đầy tình thương và sự hiểu biết. Con rắn từ từ trườn đi về phía cửa. Đức Phật cũng ngả lưng xuống tọa cụ. Khi Phật thức giấc thì ánh trăng khuya chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ vào nơi người nằm. Ngài ngồi dậy, cầm áo lên rũ bụi, rồi khoác áo lên người, đi ra khỏi hỏa viện, vào ven rừng để thiền hành. Lúc trời tang tảng sáng thì hỏa viện bốc cháy, không biết vì lý do gì. Các đệ tử của đạo sư Kassapa thấy lửa, hoảng hốt la lớn, rồi chạy đi tìm bình xuống sông Neranjana múc nước lên tưới. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Hỏa viện của họ bốc cháy dữ dội, không còn cách gì cứu chữa.

Đạo-sĩ Uruvelà Kassapa đang bùi ngùi thương tiếc vị sa môn đức hạnh và tài ba mà ông vừa mới được quen biết từ sáng hôm qua. Giữa lúc ấy thì đức Phật xuất hiện. Đang đi thiền hành trên đồi cao, thấy lửa bốc cháy, ngài quay trở về. Thấy Phật, đạo sĩ Kassapa mừng rỡ chạy lại nắm lấy tay người.

May quá, may quá, sa môn Gotama vẫn an toàn, không sao cả. Tôi mừng quá.

Cám ơn tôn giả, tôi vẫn được an toàn.

Đức Phật biết hôm nay là ngày đạo sĩ Uruvelà Kassapa thuyết pháp. Nghe nói trong số những người nghe pháp, ngoài năm trăm đệ tử tu sĩ, còn có gần một ngàn người từ các thôn xóm kéo tới. Giờ thuyết pháp được định vào buổi trưa, sau giờ thọ trai. Biết rằng sự có mặt của mình trong buổi thuyết pháp sẽ làm cho vị lãnh đạo không được thoải mái, đức Phật cầm bát đi vào thôn xóm để khất thực. Đến giờ ngọ, ngài ngồi thọ trai bên bờ hồ sen. Đi thiền hành quanh hồ, rồi đến tĩnh tọa dưới bóng cây cổ thụ. Đến xế chiều, đạo sĩ Kassapa tìm tới.

Sa môn Gotama, hôm nay vào giờ ngọ trai chúng tôi chờ mãi mà không thấy ngài. Sao ngài không tới ?

Cám ơn tôn giả, tôi muốn đi ngắm cảnh quanh đây, và để ngài được tự nhiên trong lúc thuyết pháp.

Hôm qua sa môn Gotama nói về sự có mặt của chiếc lá như là sự tập hợp của nhiều yếu tố nhân duyên. Ngài nói rằng con người cũng do sự tập hợp của nhân duyên mà thành. Vậy thì khi các nhân duyên tan rã, con người đi về đâu?

Đã từ lâu chúng ta bị kẹt vào ý niệm về ngã (atma, attà) như một cái ta thường tại bất biến. Chúng ta đã quen nghĩ rằng khi thân xác tan rã, cái ngã ấy vẫn còn tồn tại và có thể trở về nguồn gốc của nó là Brahmà (Phạm Thiên) để cộng trú với ngài. Này tôn giả Kassapa, đó là một sai lầm căn bản đã từng làm lạc lối biết bao nhiêu thế hệ.

“Tôn giả Kassapa nên biết : Vạn pháp từ nhân duyên sanh và cũng do nhân duyên mà diệt. Cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt. Đó là nguyên lý duyên sinh mà tôi đã khám phá được nhờ thiền quán. Trong thực tại, không có một cái gì đồng nhất và bất biến. Không có ngã, dù là đại ngã hay tiểu ngã. Này tôn giả Kassapa, ngài đã từng quán chiếu về thân thể, cảm thọ, tâm tưởng, tâm hành và tâm thức chưa[11]? Con người có mặt là do sự tập hợp và vận hành của năm uẩn ấy. Đó là những dòng biến chuyển liên tục, trong đó không có một yếu tố nào thường tại.

Đạo sĩ Uruvelà Kassapa im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi hỏi :

Như vậy có phải là sa môn Gotama chủ trương thuyết hư vô không ?

Không phải. Quan niệm vạn vật đều là hư vô cũng là một tà kiến như quan niệm về một bản ngã trường tồn bất biến. Tôn giả Kassapa, ngài hãy nhìn mặt hồ này đây. Tôi không hề nói rằng nước, lá sen, hoa sen trong hồ là hư vô. Tôi chỉ nói rằng nước, lá sen, hoa sen đều là những hiện tượng do nhân duyên phối hợp mà có mặt, và trong tự thể của chúng không hề có một thực thể bất biến và thường tại.

Vậy, nếu không có ngã, không có "atma", thì cần gì phải tu hành để đạt tới giải thoát ? Giải thoát cho ai ? Ai là người được giải thoát ?

Đức Phật nhìn vào mắt vị đạo sĩ Bà-la-môn. Cái nhìn sáng chói như tia nắng mặt trời nhưng cũng êm dịu như ánh trăng. Ngài mỉm cười nói :

Tôn giả Kassapa hãy thử tự tìm lấy câu trả lời. Hôm khác, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện.

Hai người trở về trú sở. Uruvelà Kassapa nhường tịnh thất mình cho Phật nghỉ đêm. Ông sang nghỉ đêm tại túp lều của một người đệ tử lớn. Tôn giả Uruvelà Kassapa rất được các đệ tử quý mến và cung kính vâng lời.

Trong những ngày kế tiếp, đức Phật không đi khất thực bên ngoài vì sáng nào đạo sĩ Kassapa cũng cho đem thức ăn cúng dường tại chỗ. Tuy vậy, trưa nào sau khi thọ trai, ngài cũng đi kinh hành ở ven rừng hoặc bên bờ hồ, rồi đến nơi có bóng mát ngồi tĩnh tọa. Cứ xế chiều, Kassapa lại đi tìm Phật để đàm đạo. Càng ngày ông càng nhận thức được tầm vóc vĩ đại của tuệ giác và đức hạnh của đức Thế Tôn.

Một hôm nọ trời mưa giông tầm tã suốt đêm. Sáng hôm sau nước sông Neranjana (Ni Liên Thiền) tràn bờ, làm ngập lụt xóm làng nhà cửa trong vùng. Khu rừng nơi đạo sĩ Kassapa và năm trăm đệ tử đang hành đạo cũng bị ngập lụt. Tuy vậy mọi người đều chạy kịp lên chỗ cao, không ai bị nước cuốn. Riêng vị sa môn Gotama thì không ai thấy mặt. Đạo sĩ Kassapa đốc thúc nhiều chiếc ghe đi tìm. Cuối cùng người ta thấy đức Phật đang đứng trên một đỉnh đồi.

Nước dâng lên rất mau và rút xuống cũng mau. Các vị tu sĩ trong giáo đoàn của ông Kassapa đã khởi sự dựng lại hỏa viện bị cháy và các túp lều bị nước cuốn đi hoặc làm cho xiêu vẹo.

Một buổi chiều, đức Phật cùng đạo sĩ Kassapa đứng bên bờ sông Neranjana đàm đạo. Đạo sĩ Kassapa hỏi Phật :

Hôm trước sa môn Gotama có nói về sự quán chiếu năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tôi đã thử thực tập quán sát và thấy rằng cả năm dòng hiện tượng là thân thể, cảm thọ, tâm tưởng, tâm hành và tâm thức đều biến chuyển luôn, không có cái nào thường tại bất biến. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu được rằng nếu không có tự ngã thì ta cần gì phải nhọc công tu tập ? Giải thoát cho ai ? Ai là người được giải thoát ?

Này tôn giả Kassapa, ngài có công nhận rằng khổ đau là một sự thật không ?

Tôi công nhận khổ đau là một sự thật.

Ngài có công nhận rằng khổ đau nào cũng có nguyên nhân, cũng như muôn vật trong vũ trụ, vật nào cũng do nhân duyên kết hợp mà thành ?

Tôi công nhận khổ đau nào cũng có nguyên nhân.

Khi những nguyên nhân của khổ đau có mặt thì khổ đau có mặt; vậy khi những nguyên nhân của khổ đau vắng mặt thì khổ đau có vắng mặt không?

Dĩ nhiên khi những nguyên nhân của khổ đau không còn thì khổ đau cũng không còn.

Này tôn giả Kassapa, khổ đau không còn tức là giải thoát, cần gì phải có tự ngã mới có giải thoát. Này tôn giả, nguyên nhân sâu xa của khổ đau là vô minh, nguyên nhân gần của khổ đau là tham ái. Vạn vật đều vô thường mà ta tưởng là thường, đó là vô minh. Vạn vật đều không có tự ngã mà ta tưởng là có tự ngã, đó là vô minh. Từ vô minh phát sinh ra tham ái, mong cầu được cái nọ cái kia, rồi sinh ra thương, ghét, tham lam, giận hờn, sợ hãi ...và biết bao phiền não, đau khổ khác. Con đường giải thoát là con đường quán chiếu thực tại để thực chứng được tự tính vô thường, vô ngã, và duyên sinh của vạn pháp, của muôn vật. Con đường giải thoát là con đường diệt trừ vô minh. Vô minh diệt thì tham ái diệt; tham ái diệt thì phiền não diệt và khổ đau diệt. Đó là giải thoát.

Uruvelà Kassapa im lặng. Một lát sau, ông hỏi :

Sa môn Gotama, tôi biết những điều ngài nói ra là những điều ngài thực chứng chứ không phải lý luận suông. Theo ngài thì đạo quả giải thoát chỉ có thể do công phu quán chiếu đem lại. Vậy tất cả những lễ nghi thờ cúng và lời khấn nguyện đều là hoàn toàn vô ích hay sao ?

Đức Phật chỉ tay sang bờ sông bên kia nói :

Này tôn giả Kassapa, nếu có người đang đứng bên này sông muốn sang bờ bên kia thì người ấy phải làm gì ?

Người ấy phải lội qua sông hoặc phải dùng thuyền chèo qua bên kia.

Đúng vậy. Nhưng nếu có người muốn qua sông mà không chịu lội, cũng không dùng thuyền, chỉ lập đàn cúng tế và khấn nguyện thì tôn giả nghĩ sao?

Tôi cho rằng người đó không thực tế, và không biết chừng nào người đó mới qua sông được.

Cũng vậy, Đức Phật nói, nếu không tu tập quán chiếu để diệt trừ vô minh, tham ái và phiền não thì ta không đạt tới bờ giải thoát được, dù ta có tế lễ, khẩn cầu suốt cả cuộc đời.

Đạo sĩ Uruvelà Kassapa bỗng sụp lạy dưới chân Phật. Ông khóc nức nở và nói :

Kính lạy thầy, con đã lầm lỡ gần hết cuộc đời, giờ đây xin thầy chấp nhận con làm đệ tử của thầy để con có cơ duyên học hỏi và tu tập con đường giải thoát.

Lành thay ! Nhưng còn các đệ tử của ông thì sao ?

Xin thầy cho con có dịp tiếp xúc với họ. Chiều mai con sẽ xin trình thầy quyết định của con.

Hai ngày sau, Uruvelà Kassapa và tất cả 500 đệ tử đều cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa. Họ liệng xuống sông Neranjana tất cả những búi tóc, hình tượng và dụng cụ tế lễ, rồi tập họp trước mặt Phật, quỳ xuống, đồng nói lớn :

– “Con xin quy y Phật.

Con xin quy y Pháp.

Con xin quy y Tăng.

“Lần thứ hai con xin quy y Phật.

“Lần thứ hai con xin quy y Pháp.

“Lần thứ hai con xin quy y Tăng.

“Lần thứ ba con xin quy y Phật.

“Lần thứ ba con xin quy y Pháp.

“Lần thứ ba con xin quy y Tăng.

Sau lễ xuất gia, đức Phật giảng cho 500 vị khất sĩ (Tỳ kheo) mới về Tứ Diệu Đế, Vô Ngã, phép quán hơi thở, thân thể và tâm ý, phép khất thực và tĩnh cư.

Ngày hôm sau, đạo sĩ Nadi Kassapa cùng 300 đệ tử cũng tìm đến nơi. Hôm qua họ hốt hoảng khi thấy hàng trăm búi tóc và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều trên sông Neranjana; họ nghĩ rằng một tai nạn nào đó đã xảy ra cho trung tâm tu học của Uruvelà Kassapa. Sau khi nghe giải thích họ đều đồng ý xin xuất gia và cho người đi thông báo cho ông Gayà Kassapa hay. Ba anh em Kassapa rất thương mến nhau, lại cùng chung lý tưởng nên chỉ trong bảy ngày, tất cả ba anh em và 1000 đệ tử đều xuất gia theo Phật , nâng số đệ tử Phật lên 1093 vị.

Sau đó đức Phật hướng dẫn tất cả đến đỉnh núi Gayàsisa (núi Tượng Đầu, hiện nay là Brahmàyoni), cách Uruvelà không xa, và giảng kinh thứ ba[12]là kinh Adittapariyaya (kinh Lửa). Nghe xong kinh này, tất cả 1003 vị Tỳ kheo mới đều đắc quả A-la-hán. Đức Phật cư trú tại Gayàsisa liên tiếp trong ba tháng để chỉ dạy cho các tu sĩ mới.

Đức Phật nói Kinh Lửa (Aditta Pariyaya)[13]

Này các Tỳ kheo, (ở thế gian này) tất cả đều bị thiêu đốt. Này các Tỳ kheo, tất cả đều bị thiêu đốt là như thế nào ?

“Mắt nằm trong lửa, hình sắc nằm trong lửa, nhãn thức nằm trong lửa. Cảm giác (thọ), dù vui sướng hay đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ, phát sanh do nhãn xúc, đều nằm trong lửa. Lửa ấy bắt nguồn từ đâu ? Từ những ngọn lửa tham ái (lobha), sân hận (dosa), si mê (moha), sanh, già, bệnh, chết, buồn phiền, than khóc, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như Lai tuyên bố như vậy.

“Hãy quán tưởng điều này, này các Tỳ kheo, người đệ tử thuần thục của bậc thánh nhơn thấy nhàm chán với mắt, hình sắc, nhãn thức, nhãn xúc, dù cho cảm giác nhận được có như thế nào chăng nữa - vui sướng, đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ. Cũng thế, người đệ tử thuần thục của bậc thánh nhơn thấy nhàm chán với tai, âm thanh, mũi, mùi hương, lưỡi, vị, thân, thân xúc, tâm ý, tâm thức, tâm xúc, dù cho cảm giác nhận được có như thế nào chăng nữa - vui sướng, đau khổ, hay không vui sướng không đau khổ. Do nhàm chán, người đó không còn luyến ái; do không còn luyến ái, người đó được giải thoát. Người đó sẽ tự biết rằng mình không còn tái sanh nữa, đời sống phạm hạnh[14]đã hoàn mãn, những gì cần làm đã làm xong, và sẽ không bao giờ trở lại trạng thái này nữa.

Khi đức Phật dứt lời, tất cả các vị Tỳ kheo đều đắc quả A-la-hán, dứt sạch mọi ô nhiễm. Các vị hiểu rằng: Mọi thực tại bên ngoài đều do 6 giác quan (6 căn) đưa vào tâm thức ta tạo nên thế giới riêng tư của mỗi người. Nếu người nào bị tham sân si chi phối thì tất cả nhận thức của người ấy sẽ làm sanh khởi lửa tham dục và sân hận trong tâm, làm cho người ấy thêm đau khổ trong một thế giới đang bốc cháy. Song nếu người nào biết rõ tất cả đều vô thường, tâm không bị tham sân si chi phối, bình tỉnh nhận thức thực tại, không tham cầu, không thương ghét, không khen chê, 6 căn đều thanh tịnh, sẽ chứng được cảnh an lạc, thanh tịnh, giải thoát của Niết Bàn.



[1]Theo quyển Geography of Early Buddhism thì Trúc Lâmlà Veluvana (Pali). Nhưng theo tài liệu chính thức của Bộ Du Lịch Ấn năm 1999 thì Trúc Lâm là Venuvana (Sanscrit).

[2]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 469: Mahà Kanha.

[3]Hạ(vassa) gồm 3 tháng mưa nhiều ở Ấn Độ, từ ngày trăng tròn tháng Àsàlhà (tháng 7) đến ngày trăng tròn tháng Assayuja (tháng 10), Đức Phật và chư Tăng ở lại một nơi để tích cực tu tập.

[4]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 31; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 187, 1428.

[5]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 32-34.

[6]Xem Tiểu Bộ, Tiểu Tụng, kinh Tam Quy (kinh đầu của Tiểu Bộ).

[7]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 36; Đường Xưa Mây Trắng, trang 149-152; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 186, 187, 1428.

[8]Theo Buddhist Legends, quyển I, trang 197.

[9]Ông Punna Mantàniputta(Phú Lâu Na Mãn Từ Tử) còn gọi là Purana Maitrayaniputra(Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử) là con một vị Quốc sư ở triều vua Suddhodana. Ông cùng một tuổi với Phật. Có thuyết cho rằng sau khi Thái tử Siddhattha xuất gia thì ông Punna cùng 29 người bạn cũng xuất gia, vào núi Himalaya tu học, chứng được tứ thiền và ngũ thông, dùng thiên nhãn thấy Phật thuyết pháp tại Lộc Uyển, liền cùng các bạn bay đến nơi, đảnh lễ Phật, xin thọ giới Tỳ kheo, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán.

[10]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 37-54; Đường Xưa Mây Trắng, trang 153-165; The Life of The Buddha của A. Foucher trang 158-161; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 187, 190, 1428.

[11]Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngũ ấmhay ngũ uẩn.

[12]Hai kinh đầu tiên là kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô Ngã Tướng.

[13]Xem Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 55; Tương Ưng Bộ, chương 22, kinh 61: Lửa Cháy; Đường Xưa Mây Trắng, trang 166; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 186, 190.

[14]Đời sống phạm hạnh: Đời sống trong sạch, thanh tịnh, tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha, xa lìa ái dục và phiền não.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]