Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Đức Phật Đản Sanh

01/03/201410:20(Xem: 22722)
04. Đức Phật Đản Sanh
phatthichca2Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh
(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


B- ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH

Một vị Phật ra đời là một nhân duyên lớn rất hiếm có, là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sanh. Đức Phật là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn cùng tột, vì thông cảm nỗi khổ triền miên vô bờ bến của chúng sanh mê lầm nên ngài dùng phương tiện thị hiện đản sanh để chỉ dạy và dìu dắt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến niết bàn an lạc thanh tịnh.

Về phương diện lịch sử, chúng tôi xin trình bày trước huyền thoại về 5 họ của đức Phật là Gotama (Cồ Đàm), Sujàtà (Thiện Sanh), Okkàka (Cam Giá), Suryavamsa (Nhật Chủng) và Sàkya (Thích Ca), sau đó mới nói đến lúc Phật đản sanh.

1- Lai lịch họ Gotama và bộ tộc Sàkya[1]

Vào thuở xa xưa, ở thủ đô Sàketa[2]xứ Kosala, thuộc miền Trung Ấn Độ, có giống dân Aryan. Theo kinh Phật Bản Hạnh (Abhinikramana sutra), kinh Lalitavistara (Tiểu Sử Đức Phật), kinh Ambattha (Trường Bộ 3) và kinh Mahàvastu (do ngài Buddhaghosa chú giải vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch), thì xưa kia nơi đây có vị vua tên là Mahà Sammàta (Đại Mao Thảo) nhường ngôi cho em, xuất gia theo đại tiên Gotama (Cồ Đàm)[3]tu trong rừng. Để người đời không nhận ra mình là vua, ông lấy họ thầy là Gotama làm họ mình. Từ đó người ta gọi thầy ông là Mahà Gotama (Đại Cồ Đàm) và gọi ông là Culla Gotama (Tiểu Cồ Đàm).

Hai thầy trò tu trong rừng, ở trong một cái am bên cạnh một vườn mía (Cam Giá, Okkàka) lớn. Một hôm có 500 tên cướp đánh cướp tài sản của quan, trong lúc chạy trốn băng qua vườn mía, đánh rơi những đồ cướp được trong vườn. Quan quân theo dấu tìm đến, cho Culla Gotama (Tiểu Cồ Đàm) là giặc cướp, liền dùng tên bắn chết, máu chảy lênh láng xuống đất. Mahà Gotama đang có việc đi xa, dùng thiên nhãn nhìn thấy, buồn bã rơi lệ. Ông liền bay về đến nơi, gom máu trộn lẫn với bùn trên mặt đất, vo thành hai viên lớn bằng nắm tay, đặt lên bàn thờ giữa trời, rồi chú nguyện rằng :

Cồ Đàm tôi thành tâm cầu nguyện chư thiên biến hai hòn máu này thành người.

Qua 10 tháng, nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời, viên bên trái hóa thành một bé trai, viên bên phải hóa thành một bé gái, đều lấy họ Gotama (Cồ Đàm). Các quan đại thần trong triều nghe tin, rước về cung nuôi dưỡng[4]. Bé trai được đặt tên là Sujàtà (Thiện Sanh)[5], còn gọi là Okkàka (Cam Giá)[6]hay Suryavamsa (Nhật Chủng)[7]. Bé gái được đặt tên là Sobhavati (Thiện Hiền).

Về sau các đại thần lập Sujàtà (Thiện Sanh) làm vua hiệu là Ikshvaku (Ý Ma vương), và Sobhavati (Thiện Hiền) làm hoàng hậu, sanh được bốn người con trai tên là Okkàmukha, Karakanda (Karandu), Hatthinika, Sinipura, và năm người con gái là Piya, Suppiyà, Ànanda, Vijita và Vijitasena. Sau đó hoàng hậu Sobhavati qua đời, vua Ikshvaku cưới thêm một công chúa trẻ đẹp tên Jayanti phong làm hoàng hậu sanh được một người con trai tên là Jantu.

Vì muốn lập Jantu lên làm vua nên vị hoàng hậu thứ nhì là Jayanti xui giục vua Ikshvaku đày bốn người con trai của hoàng hậu Sobhavati ra khỏi xứ Kosala. Bốn hoàng tử này cùng với năm chị em gái đi về hướng đông bắc, đến gần chân núi Himalaya, gặp nhà hiền triết rất giỏi thiên văn địa lý tên Kapila khuyên nên ở lại đây lập nghiệp. Nơi đây lần hồi trở nên phồn thịnh. Vua Ikshvaku được tin này, thốt lời khen rằng “Sàkya vata bho Ràja Kumàra”, có nghĩa là “Các vị hoàng tử này quả thật là những người có khả năng”. Từ đó bộ tộc của các hoàng tử và vương quốc của họ sáng lập mang tên là Sàkya (Sakiya, Thích Ca), có nghĩa là “người có khả năng” hay người anh hùng. Để nhớ ơn nhà hiền triết Kapila, các hoàng tử Sàkya đặt tên thủ đô xứ Sàkya là Kapilavatthu (Kapilavastu, Ca Tỳ La Vệ). Ít lâu sau, người chị cả là Piya mắc bệnh cùi, vào rừng ở. Trong khi đó vua xứ Kasi ở Benares là Ràma cũng mắc bệnh cùi, truyền ngôi cho con trai cả rồi vào sâu trong rừng núi ở, thời may gặp thuốc hết bệnh. Hai người gặp nhau, vua Ràma chỉ thuốc cho bà Piya được lành bệnh, hai người ăn ở với nhau, thành lập xứ Koliya, lên làm vua[8].

Ở Kapilavatthu, bốn hoàng tử con vua Ikshvaku (Okkàka) không thể lập gia đình với người bản xứ vì không có ai thuộc giai cấp quý tộc (Ksatriya) nên phải sống chung với bốn chị em gái còn lại như vợ chồng[9]. Trong số bốn hoàng tử này có ba người chết, hoàng tử còn lại là Okkàmukha (Ni Câu La[10]) lên làm vua. Sau truyền ngôi cho con là Câu Lô[11](?). Câu Lô truyền ngôi cho con là Jayasena (Cù Câu Lô[12]). Jayasena truyền ngôi cho con là Sìhahanu (Sư Tử Giáp). Vua Sìhahanu (Sư Tử Giáp) sinh được bốn người con trai là: Suddhodana (Tịnh Phạn), Dhotodana (Hộc Phạn), Sukkodana (Bạch Phạn) và Amitodana (Cam Lộ Phạn); và một người con gái là Amità (Cam Lộ vương phi) gả cho vua Suppabuddha (Thiện Giác vương) xứ Koliya. Vua Sìhahanu truyền ngôi cho con là Suddhodana. Vua Suddhodana (Tịnh Phạn vương) và hoàng hậu Mahà Màyà (Ma Da, Đại Hòa) sinh ra thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) về sau thành Phật hiệu là Sàkyamuni (Thích Ca Mâu Ni).

Do đó đức Phật có cả thảy năm họ: Gotama (Cồ Đàm), Okkàka (Cam Giá), Sujàtà (Thiện Sanh), Suryavamsa (Nhật Chủng) và Sàkya (Thích Ca). Nhưng người thời bấy giờ thường dùng tiếng Gotama để chỉ họ của đức Phật, tiếng Sàkya để chỉ dòng dõi, bộ tộc hay tên xứ, và tiếng Sàkyamuni để chỉ Phật hiệu của ngài.

Phật hiệu Sàkyamuni có nghĩa là “năng nhơn tịch mặc”. Sàkya là “năng nhơn”, là bậc anh hùng có khả năng hơn người. Muni là “tịch mặc”, tịch tĩnh, vắng lặng, cũng có nghĩa là nhơn từ. Sàkyamuni cũng có nghĩa là “bậc anh hùng hoàn toàn”.

2- Lúc mới sanh[13](năm -623)

Vua Suddhodana GOTAMA và hoàng hậu Mahà Màyà là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Đã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vua và hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một hoàng nam hầu sau này nối ngôi vua.

Năm 623[14]trước tây lịch (năm Mậu Tuất), tại khu lâm viên xinh đẹp Lumbini[15](Lâm Tỳ Ni), hoàng tử Siddhattha GOTAMA, thuộc dòng dõi bộ tộc Sàkya, con vua Suddhodana GOTAMA, 42 tuổi, và hoàng hậu Mahà Màyà, 44 tuổi, sanh vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha[16](còn gọi là Vesak hay Vaisakha, tương ứng với tháng 4 hay tháng 5 dl).

Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ tám giới thanh tịnh nhân dịp lễ cầu mưa (Asadh Utsav), vào đêm trăng tròn tháng Àsàlhà[17](tháng 6 hay tháng 7 dl), tại thành Kapilavatthu[18](Ca Tỳ La Vệ), hoàng hậu Màyà nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà[19], trong bụng có một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chun vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, nhẹ nhàng, sáng chói như ánh trăng rằm. Sáng hôm sau, bà thuật lại giấc chiêm bao kỳ diệu ấy cho vua nghe và xin vua ban lệnh ân xá tù nhân, cứu trợ dân chúng nghèo khổ để tạo phước đức cho đứa con sau này. Nhà vua hoan hỉ nhận lời và cho mời 64 nhà tiên tri Bà-la-môn đến giải mộng; các vị nầy đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sanh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng lẫy. Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt.

Theo phong tục, gần đến ngày sanh, hoàng hậu Mahà Màyà đi từ thành Kapilavatthu về nhà cha mẹ ruột là quốc vương Anjana Sàkya (A Noa Thích Ca) và hoàng hậu Yasodharà (đừng lầm với công chúa Ysodharà vợ thái tử Siddhattha) ở thành Devadaha còn gọi là Ràmagama thuộc xứ Koliya (Câu Lợi), hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal. Giữa đường phái đoàn tạm nghỉ chân trong khu lâm viên Lumbini, cách Kapilavatthu khoảng 30 km về hướng đông, và cách Devadaha 38 km về hướng tây. Lumbini là khu lâm viên xinh đẹp và linh thiêng của cả hai xứ Sàkya và Koliya.

Hoàng hậu đến hồ nước (puskara) tắm rửa, thay đổi y phục, rồi đi 24 bước về hướng bắc hồ nước, đến cây Asoka (Vô ưu)[20]đang trổ đầy hoa vô cùng xinh đẹp, bà vói tay phải định hái thì chuyển bụng. Bà vội đứng đưa hai tay vịn cành cây. Các thế nữ vội chạy đến đứng chăng màn bốn phía. Bỗng cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi, rồi hoàng tử xuất hiện ra đời, thân ngài thanh tịnh không bị nhơ nhớp, vẻ mặt an lành không khóc la. Chư thiên biết đấng cứu thế ra đời liền hiện đến tung hoa, tấu nhạc, ca hát chúc mừng. Hoàng hậu và các cung nữ hân hoan chào đón hoàng tử[21]. Khi mới sanh ra hoàng tử Siddhattha cũng được tắm rửa lần đầu tiên[22]tại hồ nước nói trên. Hồ nước Puskarini này hiện nay được xây lại theo hình vuông mỗi cạnh độ 20m, nổi tiếng là linh thiêng, có khả năng trị bệnh cho người xuống tắm. Bên cạnh hồ hiện còn một cây bồ đề to lớn, cành lá sum sê, đã có từ hồi đức Phật còn tại thế. Bên cạnh phía bắc hồ hiện nay có ngôi đền thờ nữ thần Mahà Màyà, trong đó có chỉ vị trí chính xác nơi đức Phật đản sanh, và có hai bức tranh nổi điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng đá và một bức bằng cẩm thạch . Đến năm 252 trước tây lịch, vua Asoka có đến đây chiêm bái theo sự hướng dẫn của đạo sư Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu). Vua Asoka có cho dựng gần hồ một trụ đá kỷ niệm. Trên trụ đá có khắc năm hàng gồm 93 chữ bằng tiếng Brahmi như sau :

<< Devanapiyena Piyadasina[23]lajina visativasabhisitena

Atana agacha Mahìyite. Hida Budhe jate Sàkyamuniti

Sìlavigadabhi cha kalapita Sìlathabhe cha usapapite.

Hida Bhagavam jateti Lumbini-game ubalike kate.

Atha bhagiye cha.>>

(Có nghĩa là : Vua Piyadasina, được các vị thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Đây là nơi đức Phật Sàkyamuni đản sanh. Vua hạ lệnh xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi nầy và một trụ đá bên trong để đánh dấu chỗ đức Thế Tôn đản sanh. Vua cho phép dân làng Lumbini từ nay chỉ đóng thuế mễ cốc hằng năm là một phần tám[24].)

Trong ký sự của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ bảy có nói “Đầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng”. Nhưng hiện nay chưa tìm được di tích tượng con ngựa đặc biệt ấy.

Kinh sách còn nói đến trong lúc đức Phật đản sanh thì đồng thời bảy nhân vật sau đây cũng chào đời[25]: 1- Cây Đại Bồ đề, 2- Yasodharà (Da Du Đà La), 3- Kàludàyi (Ca Lưu Đà Di), 4- Channa (Xa Nặc), 5- Kanthaka (ngựa Kiền Trắc), 6- Con voi báu, và 7- Bốn bình châu báu.

3- Sau khi sanh[26]

Ba ngày sau, tiên ông Asita Kàladevala (A Tư Đà) do thấy điềm lạ trên trời, biết có thánh nhơn vừa giáng sinh, liền cùng với đệ tử là cháu ruột gọi ông bằng cậu, tên Nàlaka[27], từ sườn núi Himalaya đến xin phép vua được xem tướng cho hoàng tử[28]. Vua Suddhodana rất vui vẻ cho bồng hoàng tử ra đảnh lễ tiên ông. Nhưng, trước sự kinh ngạc của mọi người, hoàng tử bỗng nhiên quay về phía tiên ông và đặt hai chân lên đầu tóc của ông. Đang ngồi trên ghế, tiên ông Asita vội đứng dậy chắp tay xá chào hoàng tử và tiên đoán hoàng tử sẽ trở thành bậc vĩ nhân cao quí nhất của nhân loại. Nhà vua cũng làm theo, xá chào hoàng tử. Trong khi xem tướng cho hoàng tử, tiên ông Asita tỏ vẻ rất vui mừng, nhưng khi xem xong thì ông oà lên khóc nức nở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi điềm lành dữ thế nào, tại sao ông hết vui mừng lại khóc. Tiên ông Asita sục sùi đáp :

Tâu Đại vương, hoàng tử có 32 tướng tốt[29]và 80 vẻ đẹp[30], sau nầy sẽ là vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ; nhưng chắc ngài sẽ xuất gia tu hành thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là bậc thầy lỗi lạc của khắp các cõi trời và cõi người, giảng dạy pháp mầu để ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Rất tiếc nay tôi đã quá già rồi, không còn sống đến lúc đó để được nghe lời ngài chỉ dạy, nên tôi tủi thân tôi khóc.

Lễ quán đảnh được tổ chức vào ngày thứ năm sau khi hoàng tử ra đời. Vua Suddhodana triệu tập sáu vị hiền triết Bà-la-môn để chọn tên và tiên đoán tương lai cho con. Tên được chọn là Siddhattha (Siddartha, Sarvarthasiddha) có nghĩa là “người thành đạt nguyện vọng”. Sau khi bàn thảo về tương lai của hoàng tử, năm vị đưa lên hai ngón tay, tuyên bố :

Muôn tâu Đại vương, hoàng tử sẽ trở thành bậc Chuyển Luân Thánh Vương (Cakravartin), vị hoàng đế vĩ đại nhất thế gian nếu ngài muốn trị vì thiên hạ. Nếu xuất gia tu hành, ngài sẽ thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammà Sambuddha) cứu nhân loại ra khỏi cảnh tối tăm đau khổ .

Nhưng vị trẻ tuổi nhất tên Kondanna (Kiều Trần Như)[31]chỉ đưa lên một ngón tay và nói :

Tâu Đại vương, sau nầy, sau khi nhìn thấy một người già, một người bệnh, một xác chết và một sa môn, hoàng tử sẽ xuất gia đi tìm chân lý và sẽ trở thành một vị Phật, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sau khi sanh hoàng tử được bảy ngày thì hoàng hậu Màyà từ trần[32], vãng sanh về cung trời Đâu Suất (Tusita)[33]. Siddhattha được hoàng hậu phó chúc cho người dì ruột cũng là thứ hậu trong triều là bà Pajàpati Gotamì (Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di)[34], chăm sóc. Do các lời tiên đoán của các nhà tiên tri nên vua Suddhodana tìm đủ mọi cách cho Siddhattha hưởng đầy đủ lạc thú trong hoàng cung, không bao giờ nhìn thấy các cảnh khổ đau, bệnh hoạn, già chết ở đời. Khi Siddhattha được sáu tuổi, vua Suddhodana cho mời các vị thầy nổi tiếng vào triều dạy học, mong đào tạo hoàng tử thành một vị vua tương lai có đầy đủ khả năng và đức hạnh để kế nghiệp ngài.



[1]Xem The Life of Buddha as Legend and History của Edward J. Thomas, trang 1-15; Từ Điển Phật Học Huệ Quang, chữ "Cam Giá Vương"; Lumbini a Haven of Sacred Refuge của Basantà Bidari, trang 33-38; Lalitavistara; Mahàvastu; Phật Sở Hành Tán 1; Trường A Hàm 13; Chúng Hứa Ma Ha Đế; Đại Lâu Thán; Luật Ngũ Phần 15.*Theo Tiểu Bộ, Jàtaka, kinh 422 thì Mahàsamata truyền ngôi cho con là Roja, kế đến Vararoja, Kalyàna, Varakalyàna, Uposatha, Mandhàta, Varamandhàta, Cara, Upacara (Apacara) trị vì quốc độ Ceti, kinh đô Sotthivati.

[2]Sàketa, hiện nay là Ayodhya, thành phố lớn nằm giữa đường từ thành phố Lucknow đến thành phố Gorakhpur. Sàketa là thủ đô cũ của xứ Kosala, về sau mới dời về Sàvatthi (Sràvastì).

[3]Xem Từ điển Phật Học Huệ Quang; Kinh Đại Nhật 5; Kinh Đại Khổng Tước Chú Vương hạ; Thích Ca Phả 1; Thai Tạng Giới Thất tập hạ.

[4]Theo quyễn Lumbini a Haven of Sacred Refuge của Basantà Bidari, trang 33, thì Mahà Sammàtatruyền ngôi cho con là Kalyan Rochavidha, ông này truyền cho con là Rawa, ông này truyền cho con là Uposatha, ông này truyền cho con là Mandhata, ông này không có con trai nên truyền ngôi cho cháu ngoại, vị này truyền ngôi cho con là Sujàtà(Thiện Sanh).

[5]Thiện sanh: nhờ có căn lành nên sanh ra.

[6]Cam giá : sanh ra trong vườn mía. Cam giá là cây mía.

[7]Nhật chủng: nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời nên sanh ra.

[8]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 9-11.

[9]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 8; Mahàvastu.

[10]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang, chữ “Cam Giá Vương”.

[11]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang, chữ “Cam Giá Vương”. Theo quyển Lumbini a Haven of Sacred Refuge, trang 36, thì Okkàmukha truyền ngôi cho con là Jayasena.

[12]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang, chữ “Cam Giá Vương”.

[13]Xem Trường Bộ 14; Trung Bộ 123; Trường A-Hàm 1.1: Kinh Sơ Đại Bản Duyên.

[14]Tổng Hội Phật Giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhists), năm 1950 tại Colombo, xác nhận đức Phật nhập niết bàn năm 544 trước tây lịch, lúc ngài được 80 tuổi. Từ đó suy ra năm sanh của đức Phật là 623 trước tây lịch. Theo phong tục Ấn, tuổi được tính từ lúc thọ thai, lúc mới sanh đã kể 1 tuổi (Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 1: 141). Muốn tính năm Phật lịch thì lấy năm dương lịch cộng thêm 544. Ví dụ : dương lịch năm 2000 tương đương với Phật lịch năm 2544.

[15]Lumbinihiện nay thuộc xứ Nepal, cách thành phố Sonauli ở biên giới Ấn Độ 27 km.

[16]Nhằm ngày rằm tháng tư âm lịch năm Mậu Tuất. Có tài liệu cho rằng lúc đức Phật đản sanh, nước Trung Hoa ở vào thời đại nhà Chu, vua Chiêu Vương năm thứ 24, tức năm Giáp Dần. Quan Thái sử là Tô Do tâu rằng: “ Tâu Bệ Hạ, Tây phương có bậc đại thánh ra đời, sau đây khoảng một ngàn năm, giáo lý của ngài sẽ truyền bá đến xứ ta”. Nhà vua cho người khắc vào bia đá chôn ở Nam Giao làm tin. (Xem Sự tích Phật giáng thế, dịch giả Hòa thượng Thích Trung Quán, trang 18). Ghi chú: năm Giáp Dần là năm -667, không đúng với nhận định cùa Tổng Hội Phật Giáo Thế Giới.

[17]Mười hai tháng (màsa) của Ấn Độlà: Phussa (Giêng), Màgha (2), Phagguna (3), Citta (4), Vesàkha (5), Jettha (6), Àsàlhà (7), Sàvana (8), Potthapàda (9), Assayuja (10), Kattika (11), Màgasira (12). Theo English-Pali Dictionary của Buddhadatta Mahàthera.

[18]Kapilavatthu 1, nơi đức Phật sinh sống lúc nhỏ, hiện nay là làng Tilaurakot thuộc xứ Nepal, cách Lumbini 30 km về hướng tây-tây-bắc. Kapilavatthu 2hiện nay là làng Piprahwa ở Ấn độ, do dòng họ Sàkya thành lập sau khi bị vua Vidùdabha (Tỳ Lưu Ly) tàn sát và thiêu hủy Kapilavatthu 1. Kapilavatthu 2 cách thành phố Sonauli 66 km về hướng tây-nam, và cách thành phố Siddharthanàga 18 km về hướng đông; Nơi đây có lập tháp thờ 1/8 xa lợi Phật.

[19]Xem Trung Bộ 123; Trường Bộ 14. Con voi trắng tượng trưng cho một vị Bồ tát, sáu ngà tượng trưng cho lục độ, hoa sen lớn trong bụng voi tượng trưng cho tâm đại bi thanh tịnh.

[20]Xem quyển Lumbini a Haven of Sacred Refuge của Basantà Bidari, trang 44-68. Trong đó tác giả phân tích rõ ràng 5 thuyết khác nhau về loại cây nơi đức Phật đản sanh: 1- cây Plaksha (Ficus lacor, Ba-la-xoa), 2- cây Apa (Mangifera indica, cây xoài), 3- cây Pipala (Ficus religiosa, cây Bồ đề), 4- cây Sàla (Shorea robusta), 5- cây Asoka (Saraca indica, cây Vô ưu). Sau cùng, căn cứ vào kinh sách, các bảng điêu khắc, hình thể thân và cành cây, mùa nở hoa, tác giả kết luận là đức Phật đản sanh dưới cây Sita asoka(Saraca indica, còn gọi là cây Simsapà) trổ hoa vào tháng 4-5 dl. màu vàng hơi xanh, lá mọc xen kẻ nhau và có đuôi nhọn, cành thấp. Không nên lầm với 2 loại cây asoka khác là Desi asoka (Polyalthia longifolia) và Pendulum asoka (Betula pendula).

[21]Theo Trường Bộ 14, kinh Đại Bổn, và theo Trường A Hàm 1.1.2, kinh Sơ Đại Bản Duyên: Theo thông lệ của chư Phật, khi hoàng hậu đứng vịn cành cây, Bồ tát Tỳ Bà Thi (Vipassi) liền từ hông phải của mẹ xuất hiện bước xuống đất, thân ngài tinh khiết thanh tịnh, tức thì cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi. Đức Phật hài đồng không cần người đỡ, bước đi bảy bước về hướng bắc, nhìn khắp mười phương, rồi đưa tay lên trời nói rằng : “Trên trời dưới thế chỉ có Ta là tôn quý, Ta sẽ cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết”. Chư thiên vui mừng biết đấng cứu thế vừa ra đời liền kêu gọi nhau đến chiêm bái, tấu nhạc, rải hoa cúng dường. Đọc giả nên lưu ýđây là cái thấy của chư thiên, không phải cái thấy của người thế gian : Chúng sanh tùy theo nhãn căn và nghiệp lực mà nhìn thấy cảnh vật khác nhau. Chư thiên có thiên nhãn nên nhìn thấy thần thức đức Phật thị hiện đản sanh từ hông phải bước xuống đất rồi bước đi 7 bước ... Nhưng người thường, với cặp mắt phàm tục, chỉ nhìn thấy báo thân đức Phật thị hiện đản sanh như một em bé thông thường, trong hoàn cảnh hoàn toàn tốt đẹp.

Bảy bước của đức Phậthài đồng tượng trưng cho 7 Giác chi là Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khing an, Định, Xả. Người tu đến Giác chi thứ 7 có thể cứu chúng sanh khắp nơi khỏi vòng sanh già bệnh chết.

[22]Theo bộ Trường A Hàm, quyển 1, phần 1, kinh Sơ Đại Bản Duyên : Khi Bồ tát Tỳ Bà Thi (Vipassi) sanh do hông bên phải của mẹ mà ra , tức thì có hai suối nước, một nóng một lạnh, tự nhiên ở dưới đất tuôn ra, để cúng dường tắm rửa cho Bồ tát theo thông lệ của chư Phật. Cũng có tục truyền rằng lúc đức Phật vừa mới sanh có hai con rồng từ trên không phun ra một vòi nước nóng và một vòi nước lạnh để tắm Phật, làm thành hồ nước Puskarini còn đến ngày nay.

[23]Piyadasinalà vương hiệu của vua Asoka, sinh năm -304, trị vì từ năm -272 đến năm -236, mất năm -232 trong ngục thất. Hai mươi năm sau khi lên ngôi, tức vào năm -252, vua Asoka đến chiêm bái thánh địa Lumbini, sau cuộc Kiết tập Kinh Điển lần thứ 3 tại Pàtaliputta.

[24]Thay vì theo lệ thường phải đóng thuế bằng 1/6 hoa lợi sản xuất trong năm.

[25]Theo quyển Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 5; quyển The Life of Buddha as Legend and History, trang 33; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 233 (Kàludàyin).

[26]Tiểu Bộ, Kinh Tập (Sutta Nipata) chương 3, kinh11.

[27]Nàlaka(hay Naradattà) lúc bấy giờ được 10 tuổi, về sau xuất gia theo Phật đắc quả A-la-hán, có tên khác là Mahà Kaccàna(Ma Ha Ca Chiên Diên).

[28]Xem Tiểu Bộ, Kinh Tập (Suttanipàta), Đại Phẩm, chương 3, kinh 11: Nàlaka.

[29]Ba mươi hai tướng tốt(lakkhana) : 1- Bàn chân bằng phẳng đầy đặn ; 2- Dưới bàn chân có dấu chỉ như bánh xe, rõ ràng tươi thắm ; 3- Có màn lưới mỏng giữa kẻ ngón tay ngón chân, như chân ngỗng chúa ; 4- Tay chân mềm mại như áo trời ; 5- Ngón tay ngón chân thon dài ; 6- Gót chân đầy đặn ; 7- Bụng như bụng nai, trên dưới thẳng thắn ; 8- Các khớp xương móc lấy nhau chắc chắn như hai khoen xích ; 9- Nam căn ẩn kín vào trong túi da ; 10- Đứng thẳng tay duỗi dài quá gối ; 11- Mỗi lỗ chân lông chỉ có một lông sắc lưu ly xanh biếc xoay về phía hữu ; 12- Lông xoay phía hữu, sắc xanh biếc rất đẹp ; 13- Thân màu vàng ròng ; 14- Da thịt mịn màng không dính bụi nhơ ; 15- Hai vai ngang bằng, đầy đặn, tròn đẹp ; 16- Giữa ngực có chữ vạn ; 17- Thân cao gấp đôi người thường; 18- Bảy chỗ (thất khiếu) trong người đầy đặn, không sâu hoáy như người thường ; 19- Thân cao rộng như cây ni-câu-đà ; 20- Hai má như sư tử ; 21- Ngực vuông đầy như ngực sư tử ; 22- Có 40 cái răng ; 23- Răng ngang bằng tề chỉnh ; 24- Răng khít nhau không hở ; 25- Răng trắng trong ; 26- Yết hầu thanh sạch, ăn thức gì cũng thấy ngon ; 27- Lưỡi rộng dài có thể liếm tới mép tai ; 28- Tiếng nói trong trẻo vang xa ; 29- Mắt màu xanh biếc ; 30- Mắt như mắt trâu chúa, mí trên mí dưới cùng nháy một lượt ; 31- Có lông trắng giữa hai chân mày, mịn thắm, kéo ra dài một tầm, thả ra thì xoắn lại về phía hữu ; 32- Trên đỉnh đầu có bứu thịt nổi cao. (Xem kinh Trường A hàm, quyển 1, phần 1; kinh Đại-Bát Niết bàn, phẩm 23 Sư tử hống Bồ tát; Trung Bộ 91).

[30]Tám mươi vẻ đẹp(anuvyanjana) là các điểm phụ cho 32 tướng tốt. Không kể ra đây vì quá dài.

[31]Ông Kondannalà một trong 5 người theo Phật tu khổ hạnh và được nghe thời pháp đầu tiên của Phật tại Lộc Uyển, Sarnath. Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 246: Anna Kondanna.

[32]Theo bộ Trường A hàm, kinh Sơ Đại Bản Duyên, và theo kinh Lalitavistara (Tiểu sử đức Phật) thì đó là thông lệ của chư Phật đản sanh. Theo khoa học thì có lẽ do sót nhau.

[33]Theo Trường Bộ 14; Tiểu Bộ, Tự Thuyết (Udàna) V.2.

[34]Pajapatitự mình chăm sóc Siddhattha như con ruột. Qua năm sau bà sanh hoàng tử Nandà. Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 55: Mahà Pajàpati Gotamì.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]