Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Đi thăm Trung Quốc

27/11/201311:58(Xem: 19046)
25. Đi thăm Trung Quốc
Tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Tác giả: Diki Tsering
Biên tập & giới thiệu:Khedroob Thondup
Nguyên tác: Cụ Bà Diki Tsering
Việt dịch: Thích Nguyên Tạng
Diễn đọc: Pt Quảng An


25. Đi thăm Trung Quốc

Phần 01

Phần 02





Năm 1954, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được mười chín tuổi, các đại diện Trung Quốc ở Tây Tạng mời ngài đi thăm Trung Quốc. Ngài hỏi tôi có muốn đi cùng ngài hay không? Ngài nghĩ rằng chuyến đi thăm Trung Quốc này sẽ là một kinh nghiệm tốt cho tôi, và vì vậy tôi đã đồng ý đi Trung Quốc với ngài. Trước chuyến đi, chúng tôi mời Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thăm Changseshar, nhà của chúng tôi, vài ngày. Ngài đã chưa bao giờ tới thăm nhà chúng tôi, vì vậy cuộc viếng thăm này sẽ là một vinh dự lớn cho tôi cũng như mọi người trong nhà.

Chúng tôi xây một nhà bếp mới trước khi ngài tới, và làm một lối đi cho xe hơi để phòng hờ trường hợp xe của ngài được lái tới trước cửa nhà. Lúc này xe hơi đã có ở Tây Tạng nhưng chưa bao giờ có ở Changseshar. Chúng tôi nấu ăn cho Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như cho đoàn tùy tùng của ngài và những người tới yết kiến ngài. Đây là một nhiệm vụ lớn lao. Những thời kinh cầu nguyện được tổ chức hàng ngày trước khi ngài khởi hành trong một chuyến đi dài. Các vị trong Hội Đồng Bộ Trưởng và nhiều nhà quý tộc cũng có mặt.

Sau cuộc viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi sửa soạn cho chuyến đi Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc chịu tất cả những phí tổn cho chuyến viếng thăm của chúng tôi. Các viên chức Trung Quốc bảo tôi cho các con, các cháu của tôi ở Ấn Độ đi cùng với chúng tôi tới Trung Quốc, nhưng tôi sợ cho sự an toàn của họ, vì không thể tin được lời của những người Trung Quốc này[1]. Tôi cũng giả vờ làm theo lời của họ và cho người phụ tá của tôi tới Ấn độ gặp tất cả con cháu của tôi, nhưng tôi bí mật bảo các con cháu ở yên tại chỗ. Người Trung Quốc hài lòng vì tôi có vẻ làm theo yêu cầu của họ. Tôi soạn một tủ quần áo cho các cháu của mình và nói rằng chúng phải có đủ quần áo để mặc ở Trung Quốc. Những người Trung Quốc gần như cười sung sướng, và một lần nữa họ bảo tôi không nên để cho người trong gia đình của mình sống ở một nước khác, họ muốn nói Ấn Độ.

Khi con trai Gyalo Thondup gởi điện tín cho tôi nói rằng cậu ta cũng như vợ con không thể tới với tôi ở Trung Quốc, những người Trung Quốc nổi giận và không che giấu sự bất mãn của họ. Trước mặt họ tôi cũng làm bộ bất mãn. Tôi lấy tất cả quần áo mà mình đã sửa soạn mang cho con cháu của bạn bè.

Người dân Lhasa không vui lòng khi nghe tin chúng tôi đi Trung Quốc. Họ biết người Trung Quốc không tốt đẹp như những lời nói bên ngoài của họ, và người Lhasa rất lo ngại cho sự an toàn của chúng tôi. Nghĩ rằng còn lâu mới được trông thấy lại chúng tôi, họ tổ chức những cuộc diễu hành lớn ở bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi, xin chúng tôi đừng đi. Họ cũng tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống lại các cán bộ Trung Quốc ở Tây Tạng. Người dân xin Trung Quốc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về sau một năm[2].

Tôi cùng con gái, Tsering Dolma với hai con trai, Lobsang Samten và Ngari Rinpoche (Tendzin Choegyal) đi vào ngày mùng một tháng năm, 1954. Chúng tôi đi bằng ngựa từ Lhasa đến Konken Jinda, rồi đi xe hơi trong hai ngày, rồi lại đi ngựa. Đường đi thật là kinh khủng. Người Trung Quốc đã sửa đường vội vã, để lại nhiều đất đá, chúng tôi phải xuống ngựa nhiều chỗ và đi bộ[3]. Đây là một hành trình có tính cách mạo hiểm. Ở một số vùng chúng tôi phải vượt qua những vực và những hẻm núi sâu, với những tấm gỗ đặt ngang một cách sơ sài để làm lối đi. Ở trong núi có nguy cơ những tảng đá rơi xuống vì những cơn mưa lớn trước đó. Tất cả chúng tôi đều phải cảnh giác. Những nhóm dẫn đường đi phía trước chúng tôi, và nếu có một nguy hiểm nào họ sẽ phất một lá cờ đỏ.

Sau khi đi qua Konko, đường đi rất khó khăn, chúng tôi phải đi bộ trong phần lớn hành trình. Ngựa của chúng tôi bị thương vì đá ở trên đường, và nhiều con bị chảy máu. Nhiều con chở hàng cho chúng tôi bị té xuống giòng sông chảy xiết khi đi qua những chiếc cầu chênh vênh, bảy con đã chết như vậy. Chúng tôi không có những chỗ tốt để nghỉ ban đêm, người ta phải dựng lều tạm bằng tre.

Sau ba ngày, tôi hỏi chúng tôi còn phải chịu đựng bao nhiêu nữa, vì tôi chỉ muốn trở về Lhasa. Người ta nói chỉ còn ba ngày nữa để đi qua đoạn đường xấu này và rồi sẽ gặp xe hơi, vì một con đường xe hơi đang được làm, vì vậy tôi đi tiếp. Đoàn của tôi đi trước đoàn của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các đoàn chúng tôi có tất cả ba trăm người.

Một hôm khi gia đình tôi, hai giáo sư của Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi đang đi thì những tảng đá và đất bất ngờ rơi xuống sườn đồi ở phía trước chúng tôi. Sau mấy giờ chờ đợi, tôi thỉnh ý hai vị giáo sư nên tiếp tục hành trình, vì vụ đất lở đã chấm dứt. Hai vị này ngần ngại, nhưng tôi quyết định đi tới. Người cháu họ của tôi đang dắt một con "dzi" (trâu yak cái), còn Ngari Rinpoche đã đi lên trước. Khi chúng tôi đang đi tới, bất ngờ những tảng đá lại rơi xuống. Con ngựa của tôi tức khắc ngừng lại khi có tiếng động nguy hiểm, nhưng con ngựa của người cháu họ nghe những tiếng động này lại nhảy xa gần năm thước. Đây là một điều kỳ diệu, vì nếu con ngựa không nhảy, cả người lẫn ngựa sẽ bị chết vì những tảng đá đang rơi xuống. Đây là đoạn đường nguy hiểm nhất trong hành trình của chúng tôi.

Hai ngày sau chúng tôi đến Shinan và ở lại đó ba ngày. Tại đây chúng tôi gặp Đức Ban Thiền Lạt Ma và ngài đi tiếp hành trình cùng với chúng tôi. Ông anh chồng của tôi cũng gặp chúng tôi ở đây. Sau đó chúng tôi tới Pochi và ở lại đó ba ngày, rồi đi tiếp trên một chiếc xe Jeep mạnh của Nga.



Dalai Lama tham china

Chúng tôi đã phải mất hai tuần để đi từ Lhasa tới biên giới Trung Quốc. Lan Châu (Lanchow), biên giới giữa Trung Quốc và Tây Tạng, là một vùng đất mầu mỡ với khí hậu Địa Trung Hải, ấm áp và có rất nhiều trái cây. Tôi chú ý đến sự đồng nhất của dân chúng. Đàn ông và đàn bà đều mặc cùng một kiểu trang phục tiêu biểu cho Cộng Sản Trung Quốc: áo xanh và quần xanh. Mũ của họ cũng bằng vải xanh. Khi đến Thành Đô (Chengdu), tỉnh Tứ Xuyên (Szechwan), chúng tôi ở lại mười ngày. Tôi cảm thấy người Trung Quốc cố gây ấn tượng với chúng tôi, và chúng tôi không bao giờ được đưa tới những chỗ nào có thể làm cho chúng tôi có cảm tưởng xấu.Tất cả những nơi chúng tôi được đưa tới đều đẹp và sạch.

Dalai Lama and 17 diem tu do cho tay tang

Từ Tứ Xuyên chúng tôi đáp máy bay đi Bắc Kinh. Chúng tôi đã cho người hầu và ngựa trở về Lhasa. Chúng tôi ở Bắc Kinh trong ba tháng, và ở đó thủ tướng Chu Ân Lai (Chou En-Lai), Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shao-Chi) và Chu Đức (Chu Teh) đã tiếp đãi chúng tôi. Chúng tôi được dành cho một tòa nhà lớn ba tầng ở Bắc Kinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngụ ở tầng trên cùng với hai vị giáo sư, còn gia đình tôi và tôi ngụ ở tầng dưới. Ngày tới Bắc Kinh, chúng tôi được đón tiếp với một bữa tiệc lớn.

Người Trung Quốc gây ấn tượng mạnh với chúng tôi bằng những mục giải trí. Chúng tôi không bao giờ được cho một chút nghỉ ngơi và tôi đã rất mệt. Tôi thường rất mừng khi được trở về giường ngủ ban đêm. Từ sáng đến tối, trong suốt thời gian chúng tôi ở Bắc Kinh, lúc nào cũng có một chương trình nào đó. Chúng tôi được cho biết từ tối hôm trước chương trình của ngày hôm sau. Có những ngày chúng tôi phải thức dậy lúc bốn giờ sáng để đi tham quan và chỉ trở về lúc bảy giờ tối.

Một điều đáng ghi nhận là cái chuông nhỏ rung lên ra hiệu cho tất cả chúng tôi tập họp để ăn cơm. Dù những món ăn ở đây ngon bao nhiêu, tôi vẫn nhớ những món ăn ở quê nhà. Khi bữa ăn chấm dứt, cái chuông lại rung lên báo hiệu chúng tôi sắp đi ngoạn cảnh. Có khi tôi giả vờ bệnh, nói với người ta rằng tôi bị chứng thấp khớp làm phiền. Nhưng tôi không thể cứ giả bộ bị bệnh mãi, và chẳng bao lâu tôi lại phải sống theo chương trình của người Trung Quốc. Mỗi lần tôi nói là mình bị bệnh, vị bác sĩ Trung Quốc lại khám bệnh, chích thuốc cho tôi, và cho thuốc uống. Thuốc thì tôi có thể liệng xuống cống trong phòng vệ sinh, nhưng chích thì không thể tránh được. Rốt cuộc, tôi quyết định giữa "tham quan" và chữa bệnh thì tham quan là cái tai họa nhỏ hơn.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Ban Thiền Lạt Ma có cuộc gặp đầu tiên với Mao Trạch Đông (Mao Tse Tung) thì tôi cũng tham dự. Mao Trạch Đông có một ngôi nhà giữa cái hồ. Tôi thấy ông ta không gây được ấn tượng gì cả. Hình như cổ họng ông ta có vấn đề gì đó, vì cứ nói được vài câu ông ta lại phải thông cổ họng. Tôi ngạc nhiên vì ngôi nhà của ông giống một cái nhà Nga hơn là nhà Trung Hoa. Tất cả những món trang trí và đồ đạc đều có nguồn gốc Nga. Chu Ân Lai thì lại có vẻ là một chính khách hơn Mao, ăn nói khôn khéo và là một nhà ngoại giao tinh tế. Bà Tống, vợ của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, gây ấn tượng nhiều cho tôi. Bà ta đã sáu mươi tuổi nhưng trên mặt không có một nếp nhăn nào. Tôi cũng gặp bí thư Khrushcher của Liên Xô trong khoảng thời gian này.

Dalai Lama and mao trach dong 2

Sau ba tháng ở Bắc Kinh, chúng tôi đi Nam Kinh bằng xe lửa. Tuyết đã rơi, thành phố trông hoang vắng và trơ trụi. Chúng tôi ở đó mười ngày, ngoạn cảnh, rồi đi Thượng Hải, nơi chúng tôi ăn tết Nguyên Đán Trung Hoa. Pháo nổ suốt ngày. Thượng Hải giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, vì đã chịu ảnh hưởng của Tây Phương. Đây cũng là một trong những thành phố có công nghiệp phát triển nhiều nhất. Chúng tôi có thể trông thấy những dấu tích của Trung Quốc trước năm 1949. Ở thành phố này không có nhiều sự đồng nhất về y phục như ở Bắc Kinh, những vết tích của sự ăn chơi cũ, của lụa và gấm vẫn có thể được trông thấy. Các bà các cô ở đây ăn mặc hợp thời trang hơn nhiều so với Bắc Kinh, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy không khí vui chơi đang phai tàn nhanh. Ở Thượng Hải tôi bỗng dưng muốn có hạt tiêu để dùng và tôi chợt nhận ra rằng khi người ta muốn có một cái gì thì cái đó lại không thể có được. Tôi không thể có hạt tiêu, dù chúng tôi đã ra sức tìm kiếm, và chẳng bao lâu tôi vượt qua sự thèm muốn hạt tiêu của mình.

Sau hai tuần ở Thượng Hải, chúng tôi tới Thiên Kinh và ở đó bốn ngày. Sau đó chúng tôi đi Hàng Châu trong lớp tuyết mới rơi. Hàng Châu là trung tâm kỹ nghệ dệt lụa. Sau mười ngày ở đó chúng tôi đi Ngô Tự. Từ Ngô Tự chúng tôi đi Yến Na, rồi Tây An, rồi Đại Liên, một thành phố công nghiệp lớn. Với bao nhiêu nhà máy như vậy, toàn thành phố chìm trong khói bụi. Trong những ngày ở đó, chúng tôi đi thăm tất cả các nhà máy.

Chúng tôi đến Yampel, gần biên giới Triều Tiên, và ở đó sáu ngày. Ngôn ngữ và y phục ở đó hơi khác với tất cả những nơi khác của Trung Quốc. Người dân ở đó mặc kiểu áo truyền thống của họ, với tay áo rất rộng. Họ là một giống dân rất cao. Khi đi qua vùng quê, chúng tôi thấy phụ nữ nông dân đội tất cả hành lý của họ trên đầu, giống như ở vùng nông thôn Ấn Độ.

Chúng tôi mừng tết Losar Tây Tạng khi trở lại Bắc Kinh. Vì đang ở một nước khác, nên chúng tôi ăn tết đơn giản hơn nhiều. Buổi sáng ngày đầu năm, chúng tôi làm lễ mừng tuổi Đức Đạt Lai Lạt Ma, rồi người Trung Quốc trình diễn một vở tuồng để chiêu đãi chúng tôi ngày hôm đó.

Cảnh nghèo ở nông thôn Trung Quốc làm cho tôi phải chú ý. Không bao giờ chúng tôi được đưa đi thăm những vùng nghèo nàn, nhưng có khi điều này không thể tránh được. Người dân sống trong những nhà tranh nhỏ, không có đồ đạc gì cả. Có những lần, khi chúng tôi ra khỏi chiếc xe hơi, những người dân quê này chìa tay ra xin tiền. Tôi cũng kín đáo đặt vào tay họ một chút tiền, và họ lặng lẽ xin tôi đừng nói một tiếng nào, nếu không họ sẽ bị phạt nặng. Một nông dân nói với tôi rằng, nếu chính quyền biết người đó xin tiền, người đó sẽ bị giết ngay chúng tôi thấy những quan tài trống rỗng nằm rải rác dọc đường, những người nghèo đã đào trộm mộ của những cái quan tài này. Vì nông dân không có trâu bò hay ngựa nên họ phải tự kéo cày.

Ở Trung Quốc tôi mua nhiều vải và lụa. Tất cả những loại gấm đẹp đã có trong thời Quốc Dân Đảng bây giờ không còn nữa, và chúng tôi chỉ thấy có lụa phẩm chất kém. Chính phủ Trung Quốc trả tất cả những chi phí cho chúng tôi. Trong một năm chúng tôi ở Trung Quốc, ban đầu người Trung Quốc cấp cho tôi một ngàn đồng tiền mỗi tháng, những người khác được cấp từ bảy trăm đến một ngàn, sau đó họ cấp cho chúng tôi một phiếu mua hàng tiêu chuẩn thay vì cấp tiền. Họ may cho chúng tôi trang phục mùa hè và mùa đông theo kiểu Tây Tạng. Rõ ràng chính phủ Trung Quốc đang hối lộ chúng tôi.

Trong những tiệm bán hàng có một giới hạn về những gì khách hàng có thể mua. Có một lần đi mua hàng, người bán hàng không bán cho tôi lượng vải nhiều hơn tiêu chuẩn, người thông dịch viên của tôi vội nói với người bán hàng rằng tôi là mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và chỉ khi đó tôi mới mua được những gì muốn mua. Tất cả các tiệm bán hàng chỉ nhận phiếu mua hàng tiêu chuẩn chứ không nhận tiền.

Chúng tôi thấy có những nơi thú vị ở Trung Quốc, nhưng tôi không đến được những nơi này, vì chúng tôi phải đến những nơi nào người Trung Quốc muốn, chúng tôi không có thời gian để thưởng thức cảnh đẹp một cách yên tĩnh. Chưa bao giờ tôi nhớ Tây Tạng hơn trong những ngày ở Trung Quốc. Chuyến đi này thực sự không có gì vui thú đối với tôi, dù người Trung Quốc cố gắng tiếp đãi tốt chúng tôi. Điều độc nhất tôi thích ở Trung Quốc là những vở tuồng của họ.

Mỗi buổi tối nhân viên phục vụ người Trung Quốc phải nghe đài phát thanh hay những bản tuyên cáo chính trị. Tôi biết như vậy vì cô giúp việc của tôi phải đi mỗi tối. Vào mỗi tối thứ bảy cô ta chạy đi gội đầu, vì cô ta có quá ít thời giờ rảnh rỗi. Cô gái giúp việc người Hoa đầu tiên của tôi đã lấy chồng. Sau đám cưới mười ba ngày, chồng của cô ta bị chuyển đi Lan Châu, chế độ Trung Quốc là như vậy. Mấy tháng sau, vì cô ta có thai rõ rệt nên không được giúp việc cho tôi nữa.

Khi chào từ biệt, cô ta khóc rất nhiều và nói rằng Trung Quốc đã gặp xui xẻo. Cô ta nói với tôi rằng tôi đã may mắn có thể trở về Tây Tạng nhưng rồi Tây Tạng cũng sẽ gặp sự bất hạnh. Sau đó chúng tôi lên đường trở về Tây Tạng, tất cả ban nhân viên phục vụ đều khóc và xin chúng tôi cho họ đi theo. Họ đã khóc từ mười ngày trước khi chúng tôi khởi hành. Cả Chu Ân Lai cũng khóc khi ông ta chào từ biệt chúng tôi. Đời sống chắc đã phải khó khăn ở nước Trung Hoa Cộng Sản, nếu không họ không khóc như vậy.

Từ Bắc Kinh chúng tôi đi máy bay đến Lan Châu, rồi đi xe lửa tới Amdo mà người Trung Quốc gọi là tỉnh Thanh Hải (Chinghai). Chúng tôi trú ngụ ở tu viện Kumbum năm ngày, nhằm lúc ở đây cử hành những lễ lớn. Rồi chúng tôi về thăm Taktser (nơi chào đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma) bằng xe hơi và sau đó vì không có đường xe hơi, chúng tôi đi ngựa. Tôi nghe nói người dân Tsongkha bị cưỡng bách đắp đường cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm, nhưng khi chúng tôi đi qua đó, họ bị đưa đi nơi khác, và không được phép gặp ngài.

Tsongkha đã trở nên khốn khổ. Chúng tôi trông thấy những cảnh nghèo khổ ở khắp nơi, những người nông dân mặc quần áo rách rưới và sống trong cảnh hoàn toàn cơ cực. Đa số họ không thể nói gì cả mà chỉ lặng lẽ một cách buồn khổ. Khi nhân dân đến gặp chúng tôi ở Taktser, tám hay chín người lính đứng canh ở cửa, và ở trong phòng yết kiến, một người lính nghe ngóng những cuộc nói chuyện của chúng tôi. Vì vậy, rất khó cho mọi người nói những gì mình muốn nói. Trước khi những người khách được phép gặp tôi, họ bị xét hỏi kỹ về mục đích của cuộc viếng thăm của họ. Nếu họ không giữ cho cuộc nói chuyện ở trong vòng giới hạn chặt chẽ, họ sẽ bị trừng phạt. Cả thời gian thăm viếng của họ cũng bị giới hạn.

Khi họ đi vào phòng, tôi hỏi thăm về đời sống, họ trả lời ngay "Nhờ ơn Mao Chủ Tịch, chúng tôi rất hạnh phúc". Và khi nói như vậy, họ khóc, nước mắt chảy như là vòi nước. Khi rời khỏi phòng, họ lại bị xét hỏi một lần nữa về nội dung cuộc nói chuyện của họ. Cả những người họ hàng của tôi cũng không thể nói gì, mà chỉ khóc trong đau khổ.

Các tu viện có những kho đặc biệt dự trữ hàng hóa và thực phẩm mà họ có thể dùng trong nhiều năm. Người Trung Quốc cưỡng đoạt những thứ này và lấy đi tất cả mọi thứ của Kumbum. Họ cũng chiếm tất cả đất đai của tu viện và tôi thấy tu viện không thể tự túc được nữa.

Tôi về thăm ngôi nhà cũ của mình. Ngôi nhà cũ đã phá bỏ và một ngôi nhà mới được xây lên. Chồng tôi đã mơ ước rằng tất cả chúng tôi sẽ trở về Tsongkha để hưởng nhàn. Ông thường nói với tôi rằng vì gia đình chúng tôi đã gia tăng nên ngôi nhà cũ sẽ không đủ phòng, và ông nhờ tu viện Taktser trông coi việc xây một ngôi nhà mới. Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy ngôi nhà mới. Tôi mừng là chồng tôi không có ở đó để thấy rằng điều mơ ước của mình không bao giờ trở thành sự thật. Ngôi nhà mới lớn gấp ba lần ngôi nhà cũ, có phòng cho tất cả chúng tôi.

Sau khi ở Taktser, chúng tôi trở lại Tsongkha và ở đó ba ngày. Chúng tôi trở về Lhasa bằng đường Trung Quốc. Ở Lan Châu, là nơi rất giống Tsongkha. Chúng tôi đi qua những nhà trọ bên đường và tôi thấy thức ăn bán ở những chỗ đó giống những món ăn của chúng tôi ở Tsongkha. Tôi muốn ăn những món đó, nhưng vì người Trung Quốc không cho chúng tôi ăn ở những nhà trọ không có sự chứng nhận hợp vệ sinh của một bác sĩ nên tôi kín đáo cho một người hầu của chúng tôi đi mua đồ ăn ở những nhà trọ đó và giấu trong áo của anh ta. Tất cả chúng tôi bí mật thưởng thức những món ăn đó ở trong phòng của chúng tôi.

Từ Lan Châu chúng tôi đi tàu thủy trong sáu ngày đến Hán Khẩu (Han Chow). Sau hai ngày chiếc tàu phải ngừng lại vì biển động, nếu đi tiếp tàu sẽ gặp nguy cơ đụng vào những khối đá lớn. Chiếc tàu rất lớn, chở ba trăm người, và chúng tôi vui thú trong chuyến tàu này. Từ Hán Khẩu chúng tôi đi Côn Minh (Kunming), thành phố trên một quả đồi, và ở đó ba ngày. Rời Tứ Xuyên, chúng tôi kẹt lại trên đường đi mười ngày vì ở phía trước chúng tôi đã chịu một cơn động đất lớn và đường xá bị hư hại.

Dalai Lama and chu an lai

Chuyến đi Trung Quốc của chúng tôi là một kinh nghiệm tốt nhưng mệt nhọc. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng học được hai ngàn chữ Hán trong năm đó. Tôi thú vị khi ngài cùng tập thể dục với người Trung Quốc vào buổi sáng sớm. Con trai và con rể của tôi cũng tập thể dục vì người Trung Quốc cưỡng bách mọi người đàn ông phải tập thể dục.

Lúc đó Ngari Rinpoche (con út Tendzin Choegyal) được năm tuổi và người Trung Quốc thực sự làm hư hỏng cậu ta, cho cậu ta đi theo họ khắp nơi. Chúng tôi không bao giờ nói điều gì chống lại người Trung Quốc khi cậu ta có mặt vì chúng tôi sợ cậu ta vô tư nhắc lại những điều đó với họ, vì cậu còn quá non trẻ. Chúng tôi đã ở Trung Quốc quá lâu, vì vậy những người Trung Quốc đi cùng với chúng tôi gần như nói thạo tiếng Tây Tạng. Chúng tôi cũng biết một chút tiếng Hoa, và những người Trung Quốc tiếp đãi chúng tôi nịnh tôi bằng cách nói rằng tôi nói tiếng Hoa phổ thông rất giỏi.

Phái đoàn chúng tôi về đến Lhasa vào ngày mùng một tháng năm, 1955, đúng một năm sau ngày khởi hành đi Trung Quốc. Nhân dân ra đường đón mừng chúng tôi, đứng ở hai bên đoạn đường dài hai tiếng đồng hồ dẫn vào Lhasa. Tôi đã đi trước đoàn Đức Đạt Lai Lạt Ma một ngày vì mẹ của tôi không khỏe. Đức Đạt Lai Lạt Ma đi thẳng đến Cung mùa Hè Norbulingka, ở đó người ta tổ chức một lễ chào mừng.

Chúng tôi ngạc nhiên và lo sợ vì sự gia tăng số người Trung Quốc ở Lhasa. Chúng tôi nghe đồn họ đang chuẩn bị chiếm Tây Tạng sớm. Trước khi chúng tôi đi Trung Quốc, Mao đã nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng số phận của Tây Tạng nằm ở trong tay ngài. Mao bảo ngài chia lại ruộng đất cho mọi người trong một hay hai năm tới. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng việc đổi mới chế độ nên được làm dần dần thì tốt hơn.

Con trai Lobsang Samten của tôi đã được chỉ định làm quản lý nhà và ngân quỹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng cậu bị bệnh nặng và phải rời khỏi chức vụ. Cậu ta hôn mê trong hai ngày đêm và vung tay đánh bất cứ người nào đến gần mình. Viên bác sĩ nói với tôi rằng cậu cần phải được chữa trị, và tôi sẵn sàng đồng ý. Tỏi giã nhuyễn được đắp lên ngực cậu ta, rồi nhang được đốt và đặt lên trên đó. Bốn người giữ cho con trai tôi nằm yên trong sức nóng của nhang lan vào da thịt của cậu ta. Một vết bỏng lớn xuất hiện và bể ra. Lối điều trị này cũng được điều trị ở hai bên vai và ở phía dưới gáy. Sau đó con trai tôi giống như một cái xác chết. Người ta dùng muỗng cậy hai hàm rằng của cậu ta để đổ thuốc vô miệng. Sau hai ngày nửa tỉnh nửa mê, cậu ta dần dần bình phục.

Vị bác sĩ chữa cho con trai tôi là người nổi tiếng ở Lhasa. Ông ta có thể khám bệnh cho tôi chỉ bằng cách rờ vào một chiếc giày hay cái thắt lưng của tôi. Tôi không cần phải đi đến chỗ của ông để khám, mà chỉ cần đưa tới cho ông ta một món trang phục của mình. Nhưng ông ta không bao giờ chữa bệnh cho những người trên năm mươi tuổi; ông nói rằng chữa cho những người này là phí thời giờ, vì họ sắp chết rồi. Cho tới ngày nay tôi vẫn tiếc là chúng tôi đã không đưa ông đi cùng khi chúng tôi trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959. Vào trước ngày tôi rời khỏi Lhasa tôi bảo ông ta mang cho tôi một lượng lớn thuốc chữa bệnh, và ông đã làm theo lời tôi. Lúc đó ông ta đang ngụ ở Chanseshar, vì vậy tôi không thể nói cho ông ta biết là chúng tôi sắp đi đâu, vì những người giúp việc có thể nghe nói về kế hoạch bỏ trốn của chúng tôi.

Dalai Lama and Mao Trach Dong


[1]Đang sống ở Ấn Độ lúc đó là Gyalo Thondup với vợ và các con, con gái út Jetsun Pema, và các con của con gái đầu lòng Tsering Dolma đang học ở Ấn Độ.

[2]Người Trung Quốc nghĩ rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ trung và nhìn xa trông rộng, sẽ thán phục những tiến bộ về khoa học kỹ thuật và kinh tế mà ngài sẽ thấy ở Trung Quốc và lúc đó sẽ hợp tác với kế hoạch của Trung Quốc để tái phát triển xứ Tây Tạng của mình. Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định nhận lời mời vì ngài nghĩ rằng nỗ lực sống chung hòa bình của ngài có thể làm cho người Trung Quốc tuân thủ Hiệp Ước Mười Bảy Điểm. Người dân Tây Tạng sợ mạng sống của ngài sẽ lâm nguy ở Trung Quốc, và họ đau buồn khi thấy ngài lên đường.

[3]Người Trung Quốc làm một con đường mới từ Thành Đô tới Lhasa nhưng mưa lớn đã làm lở nhiều đoạn và gây đất trượt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]