Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi

14/10/201311:36(Xem: 11979)
Chương hai mươi
coitroi2



Chương hai mươi

Nắng đã lên cao và bên ngoài, người đi bộ nườm nượp trên hai lề phố. Ngày thường mà như thế. Nơi đây có vẻ như là khu dành cho những người nhàn rỗi, du lịch. Không có dấu hiệu rõ rệt nào của nghèo đói khổ đau.

“Em có thích qua ngồi phía này, nhìn ra đường không?”

Tôi hỏi nàng như vậy vì nhớ rằng trước đây Mộng Huyền đòi ngồi cùng phía với tôi, thích thú ngắm cảnh khách ngoại quốc qua lại.

Nàng xoay người nhìn ra đường rồi quay vào, nói ngay:

“Không. Em đâu cần phải ngắm cái cảnh xô bồ nhộn nhịp đó. Em thích ngồi nhìn anh, nghe anh nói chuyện thôi.”

“Vậy mình đi tìm chỗ nào khác nhé? Ngồi đây cũng khá lâu rồi, để còn nhường chỗ cho khách khác nữa.”

Nàng ngoan ngoãn gật đầu. Chúng tôi ra ngoài, dắt xe xuống lòng đường. Nàng hỏi tôi muốn đi đâu. Tôi nói tùy nàng. Nàng chở tôi chạy dọc bến Bạch Đằng, tìm một băng ghế đá dưới bóng râm cạnh bờ sông. Tóc nàng óng ánh tung bay trong gió. Chúng tôi ngồi bên nhau, nhìn ra hướng sông. Bên trái chúng tôi là chiếc tàu sắt to lớn mang tên Tiền Giang, đang neo bến. Một vài chiếc ghe nhỏ qua lại trên mặt sông dậy sóng. Xa xa, con phà Thủ Thiêm đang từ từ hướng về Sài Gòn. Một vài cánh chim hải âu trắng muốt vỗ cánh lao xao, làm rộn cả bầu trời xanh ngát.

“Họ đánh đập anh như vậy chắc để lại nhiều vết bầm hay thẹo trên người anh hở?” nàng hỏi với đôi mắt rơm rớm lệ.

“Cũng khá lâu rồi, chắc không còn vết tích gì đâu. Nhưng ở hai cổ chân thì còn vết cứa của cùm sắt.”

“Đưa em coi”, nàng tự nhiên nói.

Tội ngập ngượng kéo nhích ống quần lên một tí. Nàng dùng ngón tay sờ nhẹ trên các vết thương của tôi.

“Còn đau không?”

“Không, hết đau rồi. Cám ơn em.”

“Nhưng hình như hãy còn bầm tím, để chút nữa về nhà em lấy dầu xức cho anh, đánh cho tan vết bầm.”

Tôi thấy ấm áp trong lòng. Đã nhiều năm rồi, tôi mới được đón nhận một tình cảm chăm sóc nhẹ nhàng của phái nữ như thế. Ngay phút đó, tôi nghĩ là tình yêu đã đến với tôi.

“Đáng lẽ phải xức dầu ngay khi bị đánh đập. Chắc trong tù không ai lo cho anh chuyện đó, với lại anh cũng ngang tàng, lì lợm lắm, làm gì chịu để ai chăm sóc!”

Tôi cười:

“Có chứ. Anh đâu có lì lợm như em nghĩ.”

Ó

Tôi được ông Trợ sắp đặt chỗ nằm ở bệnh xá. Còn ông Nguyên thì bảo tôi cởi áo nằm sấp xuống, đưa lưng cho ông đánh dầu để tan những vết bầm. Trong khi cởi áo, tôi nhìn thấy tờ lịch treo trên tường và sực biết rằng hôm nay là ngày rằm tháng bảy âm lịch. Ngày này, ở các chùa đang tổ chức lễ Vu Lan. Ngay vào lúc cái hoài niệm và phóng ảnh về một ngày Vu Lan hiện ra trong đầu óc, tôi lập tức ý thức và cảm giác được rằng dầu gió do ông Nguyên xức cho tôi đang thấm vào các vết thương, đau rát vô cùng. Tôi nằm sấp, nhìn những ngón tay của mình. Ôi, cái ý niệm phân biệt đối đãi lại trở về với tôi. Nó cho tôi cảm giác đau đớn của xác thân, gắn chặt đời tôi vào với kiếp người hệ lụy. Nhưng không sao, tôi thầm nhủ, cám ơn ngươi, đau khổ ơi. Cũng chính nhờ ngươi mà cảm thức của ta đối với cuộc đời nhạy bén, tinh tường và chân thực hơn.

Khi tôi ngồi dậy, trời đã nhá nhem tối. Từ bệnh xá nhìn ra ngoài, tôi không thấy trăng đâu nhưng ánh trăng trung nguyên đã ngập sáng nửa sân trại. Tôi nhớ lại giây phút tao ngộ rực rỡ giữa tôi và ánh sáng hay niềm tịch lặng vô biên trong chính tôi. Dường như con trăng sắp lên luôn luôn có một tác động trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó vào sự vận hành tâm thức của con người. Tôi nhớ đêm rằm tháng bảy của bốn năm trước, một mình đứng trên bao lơn của một dãy lầu của tu viện Già Lam, trong khi bên dưới rộn ràng lễ hội Vu Lan, cùng lúc với con trăng vằng vặc tuôn ánh vàng, trong tôi bỗng bừng dậy một niềm thương cảm to lớn lạ kỳ đối với đất nước dân tộc tôi. Có thể nói rằng chính từ niềm thương cảm mãnh liệt này, tôi quyết định rời bỏ ghế nhà trường để dấn thân vào đời, tìm kiếm một tương lai đẹp đẽ tươi sáng hơn cho quê hương. Có lẽ ánh mặt trời gay gắt ban ngày thì khích lệ sự hưng phấn của trí tính—tập trung ở cái khối óc luôn luôn nhoi lên để tìm một chỗ đứng ở chỗ cao nhất, rõ rệt nhất; còn ánh trăng đêm thì êm đềm hơn, nhưng đánh động toàn bộ cảm tính huyền nhiệm sâu lắng ở bên trong, ở tận cùng đáy tim ẩn mật kín đáo luôn vang dội nhịp điệu lúc dồn dập, lúc an nhiên, lúc dừng lặng một cách bất thường…

Ừ nhỉ, trái tim của tôi, chẳng rõ tự lúc nào, đã có những nhịp đập bất thường. Ông Trợ, ông Nguyên, rồi cả ông Mậu đông y, đều đã khám qua nhịp đập và các dấu hiệu nào đó của trái tim thực tế của tôi, và đều nhăn mày, tỏ vẻ khó hiểu. Rồi ông Trợ bảo là tôi bị đau tim. Tôi chẳng rõ điều này có xác đáng không. Tôi đưa tay rờ lên vùng da bao bọc trái tim mình. Nghe nó đập. Đập thật nhẹ, thật nhỏ. Có khi nó có vẻ đứng yên, không chịu đập. Thôi kệ, để ý làm gì. Hễ còn đập, dù là bất thường, là còn sống.

Vậy đó mà ông Trợ đã quyết định giữ tôi ở lại bệnh xá, không cho tôi về phòng giam nữa. Ông nói với mấy anh cai tù trong ban chỉ huy Khu rằng:

“Ban chỉ huy giao anh Khang cho tôi thì lỡ có chuyện gì, tôi chịu trách nhiệm; chứ còn bắt anh ấy ra ngoài lao động, anh ấy đứng tim chết bất tử thì đó là trách nhiệm của mấy anh đấy nhé!”

Từ đó, tôi trở thành bệnh nhân thường trực của bệnh xá, tức là loại bệnh nhân có bệnh nặng, bệnh kinh niên, phải ở luôn nơi bệnh xá để các vị Đông–Tây y chữa trị, không còn đi ra ngoài lao động nữa; nếu có làm việc gì thì cũng làm những việc thuộc phạm vi bệnh xá. Ông Trợ lúc này mới nói thật với tôi:

“Thực ra ở bệnh xá có một việc rất quan trọng mà cái ông Cảnh, suỵt, nói nhỏ anh nghe, ông ta thì siêng năng nhưng không biết cách làm việc nên bao nhiêu hồ sơ bệnh án, bao nhiêu sổ sách thuốc men… ông làm lung tung lộn xộn, mỗi lần có cán bộ y tế xuống hỏi cái này, hỏi cái kia, chẳng biết đâu mà trả lời. Có lần cán bộ dọa sẽ bỏ tù hết ban y tế của bệnh xá nữa đó. Hì hì, đã ở tù rồi mà còn bị dọa bỏ tù nữa! Thực ra ý ổng nói là biệt giam kỷ luật hết nhân viên bệnh xá nếu không chịu cải tiến cách làm việc, không chịu lập hồ sơ bệnh án đầy đủ. Hờ, anh coi có cách nào phụ giúp cho một tay không? Chúng tôi thấy anh thì tự dưng nghĩ là anh làm được. Chúng tôi lo việc chữa trị đã bù đầu bù cổ, đâu có thể lo luôn việc sổ sách được. Đó, hiện giờ thì hồ sơ với thuốc men xuất nhập rối tung lên, chẳng biết đâu mà kiểm soát.”

“Vậy để tôi phụ ông Cảnh sắp xếp lại.”

“Được vậy thì quí rồi, nhưng… tôi chỉ nói trước với anh thôi, để sau này có gì thì anh bắt tay vào mà giúp, chứ thực sự thì hiện giờ ông Cảnh được cán bộ chỉ định làm thư ký, mình chẳng mó tay vào được đâu. Khi nào chuyện bế tắc không thể cứu vãn được nữa thì mình mới dám đề bạt người này người nọ ra giúp. Anh hiểu ý tôi không?”

“Hiểu, nhưng thực ra tôi đâu có muốn làm thư ký. Bác nói ban thư ký cần giúp thì tôi giúp thôi.”

“Vậy là quí lắm rồi, nhưng mà cũng chưa được đâu anh à, vì ông Cảnh tự ái, không muốn ai giúp cả. Ông nói ông đã từng là thư ký của Ủy ban Nhân dân xã đó mà. Cán bộ cũng biết lý lịch của ông nên mới cắt ông làm thư ký bệnh xá đó. Có điều, anh thấy không, công việc ở Ủy ban Nhân Dân xã đâu có giống công việc của bệnh xá! Huống hồ… mấy chả làm ruộng thì giỏi chứ làm việc văn phòng thì có ở tỉnh cũng dở ẹt như thường, xã thì ăn nhằm gì!”

“Vậy bây giờ bác muốn tôi phải làm sao?”

“Anh tạm thời đi theo ban y tế mỗi khi đi khám bệnh cho bệnh nhân ở đây và các phòng, sau này nếu ông Cảnh không làm thư ký nữa hoặc nếu ông chịu để anh giúp thì giúp giùm cho, vậy thôi.”

“Vâng, tôi hứa. Nhưng này bác Trợ ơi, tim của tôi có bị đau gì đó không, hay chỉ vì…”

“Có đau thiệt chứ sao không. Tôi nói với anh nhiều lần rồi mà. Anh không đau thì tôi đâu để anh ở lại đây; anh không ở lại đây thì tôi đâu có đề nghị anh làm thư ký.”

Tôi gật đầu, xác nhận lại lần nữa lời hứa sẽ phụ giúp ban y tế làm việc sổ sách. Tôi hứa như vậy, nhưng chỉ mới vài ngày, chưa kịp quen thuộc với sinh hoạt bệnh xá đã bị gọi tên tập trung ngoài sân của Khu C. Lúc ấy đâu chừng bảy giờ tối (giờ đó thì cả ông Cảnh, Tính và hai anh nuôi của bệnh xá cũng đã bị cùm hết vào thanh sắt dài của giường bệnh; chỉ còn các y sĩ là tiếp tục ở ngoài cùm, làm việc cho đến giờ báo nghiêm). Tôi đang nằm trên giường bệnh, quan sát ban y tế làm việc, bỗng thấy một cai tù cầm giấy bước vào, đọc tên vài người, trong đó có tôi.

“Những người có tên lập tức mang hết hành lý cá nhân, tập trung trước văn phòng trại. Sẽ có xe đến đưa đi.”

Anh đọc một dọc tên mà chỉ có hai tên là bệnh nhân đang nằm ở bệnh xá, một là ông Thi bệnh kiệt sức và ho nặng, và tên còn lại là tôi. Ban y tế lo rút thanh sắt tháo cùm cho tôi và ông Thi rời giường bệnh. Anh cai tù còn dặn thêm:

“Nhớ mang theo cái U đó nghe!”

Tôi bỏ cái U vào giỏ xách. Ông Thi cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi nhìn nhau, chào nhau bằng một cái gật đầu rồi cùng bước theo anh cai tù ra ngoài sân.

Ông Thi nằm ở bệnh xá trước tôi. Ông đã xấp xỉ năm mươi, cao và ốm tong teo, chỉ còn trơ lại bộ xương. Nhưng đâu đó trên nét mặt ông, tôi thấy cái vẻ thông minh, cương nghị và liêm sỉ hiếm có trong những tù nhân ở tình trạng đói thiếu, kiệt sức vì thiếu dinh dưỡng. Lúc cùng ở bệnh xá, ông và tôi chỉ nhìn nhau từ xa (từ hai dãy giường đối diện) chứ chưa có cơ hội nào để trao đổi chuyện trò. Bây giờ bị gọi tên cùng một lúc, dường như cả tôi và ông bỗng thấy là bạn tù của nhau, ít nhất là bạn đồng phòng ở bệnh xá—đó là chưa nói “đồng nghiệp” nếu chuyện tập trung này chỉ nhắm vào thành phần tù chính trị.

Ở sân, một số người đã tập họp trước, ngồi xổm, chẳng ai nói với ai lời nào, mặt nào mặt nấy thất thần, có vẻ lo lắng, e sợ. Cai tù lăng xăng chạy qua chạy lại, đếm tới đếm lui, hối thúc, la chửi, bảo giữ trật tự. Những người có tên trong danh sách ngó mặt nhau, phát giác ra rằng số người bị tập trung nếu không thuộc diện “phản cách mạng” thì cũng thuộc diện sĩ quan chế độ cũ. Người ta chào hỏi nhau lặng lẽ, nửa cảm thông, nửa e dè. Đã có những người cùng hội cùng thuyền xầm xì nho nhỏ với nhau. Đi dâu mà đi vào ban đêm, gấp gáp quá vậy? Có chuyện gì xảy ra bên ngoài chăng? Tàn quân đánh phá để cứu tù chính trị sao? Hay là quân xâm lược Trung quốc đã tiến vào bao vây thành phố? Hay là tướng Ngô Quang Trưởng đã đem đại binh từ chiến khu đánh ra? Hay là lực lượng kháng chiến của Đề đốc Hoàng Cơ Minh từ biên giới Lào xâm nhập vào nội địa? Hay là tàn dư của lực lượng Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh nổi lên? Hay là lực lượng Phục quốc đang kêu gọi nổi dậy? Hay là các lực lượng chống cộng trong nước đã cùng toàn dân đồng loạt khởi nghĩa? Hay là phe Nam và Bắc Cộng sản đang chuẩn bị đánh nhau? Ôi, bao nhiêu là hy vọng đổi thay hoàn cảnh tù tội. Nhưng có một ý kiến nào đó bi quan hơn, phát ra từ một anh chàng to cao dềnh dàng ngồi bệt dưới đất mà bằng người ta quì gối:

“Đừng có ham, chúng nó mang đi bắn chứ có gì đâu mà bàn tới bàn lui! Lo cầu nguyện bây giờ là vừa rồi.”

Lời nói với giọng cà rửng như vậy mà rồi mặt nào mặt nấy cũng có vẻ giật mình, ngơ ngác một lúc rồi lại đăm chiêu. Ừ, cũng có lý. Nếu họ đem đến một đồng hoang hay một khu rừng nào đó mà bắn chết hết thì sao nhỉ! Ai biết đâu mà kiện với thưa. Chuyến đi ban đêm khơi nguồn sức tưởng tượng cho những kẻ mà hai tay hai chân và thân xác đã giao phó hoàn toàn cho công việc lao động nặng nhọc, chỉ còn cái đầu cứng ngắc để thỉnh thoảng mơ về quá khứ hay dự phóng tương lai.

Thế rồi một chiếc xe, rồi hai chiếc xe cam nhông, từ ngoài chạy vào sân, thùng xe đưa vào trước, đầu xe hướng ra ngoài. Chúng tôi lục tục lên xe theo thứ tự danh sách mà một cai tù đọc lớn. Mỗi xe khoảng từ 25 đến 30 người. Vị chi khoảng từ 50 đến 60 người. Nắp thùng xe phía sau đóng lại, cài then sắt, khóa. Rồi xe chuyển bánh, chạy đi trong đêm. Không khí trên xe lúc này sao im lặng lạ lùng, không giống như đợt chuyển trại buổi sáng từ B5 đến K4. Đợt đó người ta nói chuyện nhao nhao, phấn khởi lắm (vì ăn không ngồi rồi ở trại B5, ai cũng mong được đi lao động!). Bây giờ ngồi im, một phần vì kỷ luật của mấy anh cai tù trại này, phần khác có lẽ là do sự lo sợ viển vông về an nguy của mình. Trong xe bít bùng, chúng tôi không thấy rõ mặt nhau. Bên ngoài cũng đen kịt; có chăng những khoảng hở ở phần trên của thùng xe thì cũng chỉ hé lộ một trời đêm mịt mùng với con trăng chưa mọc của ngày hạ tuần.

Xe chạy một khoảng đường ngắn thì dừng lại. Tôi không đoán được là chúng tôi đang ở đâu. Một anh tù đã ở trại này khá lâu, nói:

“Cũng còn trong trại K4 chứ có đi đâu xa mà ham!”

Chúng tôi được lệnh tập trung, lại ngồi xổm, ở cửa chính của một khu nhà với tường xây bằng đá ong, bít bùng và kiên cố như một pháo đài. Chẳng biết ngồi đây để chờ đợi cái gì. Chỉ thấy một vài anh tù đang khuân vác những bao xi-măng từ trong căn nhà đá đem ra ngoài, chất thành đống cạnh mé tường đá. Công việc của các anh có vẻ gấp gáp. Nơi chất xi-măng cũng cho thấy chỉ là tạm thời vì không có mái che. Một vài công nhân và cai tù đi ra đi vào, thúc giục. Có tiếng đục đẽo gì đó bên trong căn nhà đá nghe lục cục, chát chát. Rồi hình như không được yên tâm khi để chúng tôi ngồi lâu ngoài sân với hai chân thong thả không cùm, người ta vội vàng ra lệnh chúng tôi xếp hàng bước vào trong. Tôi không kịp quan sát kỹ lưỡng bên trong, chỉ đoán được là có khoảng 6 phòng bằng nhau nằm hai bên một lối đi chạy suốt chiều dài căn nhà và rộng chừng hai mét. Theo hướng dẫn của cai tù, chúng tôi chia làm hai nhóm, mỗi nhóm bước vào một phòng. Tôi bước vào căn phòng mà những bao xi-măng vô tri vừa được lấy ra để chứa chúng tôi thay vào đó. Hai anh tù khuân xi măng bây giờ đang vội vã quét dọn bên trong căn phòng. Bụi xi-măng bay mù mịt. Một anh tù khác tiếp tục dùng búa và lưỡi chàng để đục cho xong cái lỗ xuyên qua vách đá để đầu thanh sắt cùm chân chúng tôi có thể xỏ ra ngoài. Trong khi nhóm tù chúng tôi đứng lại chờ ở lối đi thì nhóm tù kia bị lùa vào căn phòng xéo góc với căn phòng chứa xi-măng. Căn phòng bên đó dường như là một căn phòng trống và đã từng nhốt tù nên mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần bước vào. Trong số người trong nhóm bên ấy, tôi nhác thấy dáng thầy Quảng Bình. Trước đây, thầy Quảng Bình đã từng bị biệt giam đến nỗi bại chân, vừa trị dứt để đi lao động bình thường thì nay lại đã trở vào biệt giam. Tôi thấy cám cảnh e ngại cho thầy ấy.

Bụi xi-măng còn tung mù trong phòng, chúng tôi đã bị thúc giục bước vào. Tôi bước vào sau, thấy ông Thi ngồi sẵn dưới sàn gỗ với cái U móc sẵn vào cổ chân, chờ đợi xỏ xâu. Ông ngước nhìn tôi, cười chào, rồi đưa một tay ra dấu, chỉ cho tôi xuống chỗ trống bên cạnh ông. Tôi chào ông rồi ngồi xuống, moi giỏ xách lấy cái U “bửu bối cải tạo” của mình ra. Chừng vài phút sau, chân chúng tôi đã bị cùm. Phòng giam chúng tôi chứa hai mươi ba người, chia thành hai dãy nằm đưa chân vào nhau, đầu hướng vào vách. Tôi và ông Thi nằm ở dãy trong, như vậy khi ngồi dậy thì mặt chúng tôi hướng về phía cửa ra vào; còn dãy phía ngoài thì đưa lưng về phía cửa, quay mặt về phía chúng tôi. Hai thanh sắt cùm chân hai dãy người chạy song song với nhau và cùng chĩa đầu ra ngoài vách đá để được móc ổ khóa từ bên ngoài. Hai bóng đèn tròn bắt thật cao trên tường ở hai địa điểm chéo góc với nhau, có vẻ như không đủ năng lượng ánh sáng để tỏa khắp căn phòng có trần cao và bốn vách xám xỉn màu đá.

Chúng tôi phủi sơ mặt sàn gỗ (để lót làm nền chất xi-măng cho khỏi hư) rồi nằm xuống. Không ai, ngay cả cai tù, nói với chúng tôi một lời giải thích về chuyện giam nhốt chúng tôi vào nhà đá. Thôi thì cứ nhốt. Chúng tôi nằm xuống, bắt đầu trò chuyện râm ran. Đây là cơ hội cho những người tù chính trị làm quen nhau. Chúng tôi bị bắt từ nhiều tổ chức chính trị và đến từ nhiều trại giam khác nhau. Nhìn qua nhìn lại chỉ thấy vài người quen mặt. Vậy là làm quen, nói chuyện chờ giờ ngủ. Nhưng cửa phòng giam chưa đóng, chưa khóa. Hình như còn chờ đợi một cái gì. Cánh cửa phòng này bằng sắt có một lỗ thông gió diện tích vừa bằng một mặt người như mọi cửa phòng biệt giam của các trại tù. Quanh bốn vách không có cửa sổ nào khác ngoài vài lỗ thông gió nhỏ xíu, chiều kích cỡ một viên gạch, nằm ở khoảng trên cùng của vách phía bên trái của tôi, ngang tầm với trần nhà. Không khí trong phòng chỉ có thể lọt vào từ những cái lỗ khiêm nhường mà nằm cao tít trên trần đó (vì lỗ thông gió ở cánh cửa sắt chỉ mở ra khi bên ngoài có chuyện gì đó cần báo vào).

Đâu chừng mười phút sau, có cán bộ và cai tù đến, lăng xăng qua lại một lúc rồi đưa vào phòng chúng tôi thêm hai nhân vật. Hai người này tôi có biết mặt nhưng không biết tên. Ông Thi nói nhỏ với tôi:

“Đó là thằng Liệt, thằng Sinh. Hai thằng này sắp ra làm công nhân rồi vậy mà cũng bị nhốt như bọn mình. Chắc là để canh chừng.”

“Vô trong nhà đá kiên cố như vầy, chân lại bị cùm nữa, cần gì phải canh chừng!” tôi nói.

“Canh chừng sự liên kết, trò chuyện, bàn luận chính trị… của bọn mình chứ đâu phải canh chừng cưa sắt đục tường.”

“Có chuyện đó nữa sao?” tôi hỏi lại.

“Dĩ nhiên. Tụi quản trại cần thận lắm, đâu có để mình tự do nói chuyện, dù là nói chuyện trong nhà đá như vậy. Hừm, cháu biết không, Liệt và Sinh cũng từng là tù chính trị đó. Hồi trước chúng theo linh mục Vàng, bị bắt trong vụ nhà thờ Vinh Sơn. Giam lâu rồi, bây giờ sắp mãn án, sắp được làm công nhân trại rồi đó. Tụi này đánh đập tù có tiếng, ai cũng ghét. Đáng ra chúng không nên làm vậy, vì mình là tù chính trị, đâu phải thứ tù hình sự đầu trộm đuôi cướp, vô giáo dục. Đã lãnh án vào tù rồi có ngày cũng ra, đâu cần phải tích cực lập công hành hạ bạn tù khác để cho bọn quản trại đánh giá là mình chẳng có chính nghĩa hay lý tưởng gì cao vời. Kìa, cháu thấy không, hai tên đó không bị cùm như bọn mình, chỉ nằm chung phòng vậy thôi. Đúng là để canh chừng kiểm soát bọn mình đó mà.”

Liệt và Sinh nằm kế nhau ở dãy đối diện chúng tôi, đầu họ day đúng cửa sắt. Liệt và Sinh suýt soát tuổi nhau và đều trên bốn mươi. Liệt thì to cao, da sạm đen, rắn chắc. Sinh cao trung bình, hơi gầy nhưng cũng rắn chắc, râu để khá rậm, tục gọi là Sinh râu. Họ có vẻ như chủ nhà, nói năng lớn tiếng, chẳng kiêng dè ai. Vào tới phòng, đưa tay chào hỏi mấy người quen cùng chung lực lượng rồi ồn ào bàn chuyện chỉ huy làm việc ở khu này, khu kia, lấn áp bao tiếng nói xầm xì của chúng tôi.

Một lúc, thấy hai anh nuôi bước vào, một anh vác nguyên một cái khạp sành có nắp đậy, khá nặng—loại khạp này người ta thường dùng để đựng gạo hoặc chứa nước tương, một anh xách ba cái lon—lại lon sơn! Cái khạp được đặt giữa phòng, ở khoảng trống giữa hai thanh sắt xỏ chân chúng tôi, khá gần chỗ bàn chân tôi hướng đến. Ba lon sơn kia thì được chia ra, mỗi góc phòng lãnh một cái, khoảng giữa phòng một cái. Tôi đã có kinh nghiệm với những lon sơn nên không ngạc nhiên với sự có mặt của chúng trong phòng giam này. Nhưng còn cái khạp để làm gì nhỉ? Chứa nước uống à? Nếu là vậy thì sướng quá. Lâu nay chưa có phòng giam nào được một khạp nước uống ngon lành! Nhưng không phải vậy đâu. Đám tù nhìn khạp, cười với nhau, một người nói:

“Không biết cái khạp này có đủ sức chứa nước mưa của hai mươi lăm cái vòi rồng không nhỉ?”

Ồ, té ra là vậy. Các phòng biệt giam chỉ giam một người nên chỉ cần một lon sơn, không cần khạp. Ở các phòng giam tập thể và bệnh xá, người ta cũng chỉ sử dụng vài lon sơn. Chỉ có phòng giam nhà đá như bây giờ mới cần khạp to lớn như vầy. Trong ba cái lon, hai cái dành cho việc đại tiện, khi nào đầy thì nhờ trực sinh (người trực lo vệ sinh cho các phòng giam) đem đổ mỗi trưa, vào giờ phát cơm. Điều này có nghĩa là chúng tôi không được ra ngoài để đi lao động hay tắm rửa, làm vệ sinh như tù nhân của các phòng giam khác. Chúng tôi là loại tù nhân đặc biệt, bị giam trong một loại phòng giam đặc biệt. Vậy là kể từ tối thứ bảy ngày 23 tháng 8 năm 1986, ngoại trừ Liệt và Sinh được ra ngoài mỗi ngày, tất cả chúng tôi đều bị giam trong phòng, chân cùm tại chỗ, trong vòng 40 ngày.

Bốn mươi ngày đó, tôi có thêm một số bạn, đặc biệt là ông Thi, người bạn vong niên nằm kế cạnh tôi, một con người lịch lãm, tài hoa, có sĩ khí, có phong cách đàng hoàng nhất trong số các tù nhân sĩ quan mà tôi từng gặp trước đây. Ông Thi trước kia là Trung tá Không quân, Phị đội trưởng một phi đội A37 đóng ở Sài Gòn. Ông gốc người Huế, nhưng sinh trưởng ở Đà Lạt. Cộng sản chiếm miền Nam, ông Thi bị bắt đi học tập cải tạo ở một vài trại tập trung ngoài Bắc. Ông được trả tự do năm 1983. Vợ và hai con của ông đã rời khỏi nước, không liên lạc với ông từ lâu. Ông tự lo tìm cách vượt biên và bị bắt lần nữa, đưa đi cải tạo ở trại này. Có lẽ vợ ông khi ra nước ngoài đã lấy chồng khác rồi nên không liên lạc với ông nữa, và dĩ nhiên là không thăm nuôi ông trong suốt thời gian ông bị tù. Ông kể là mấy năm đầu ở Bắc Việt, ông có nhận quà thăm nuôi và có gặp mặt vợ con vài lần, rồi từ khi vợ con trốn được qua Mỹ, ông bị đứt liên lạc. Ông có người anh tên Hòa, đang sinh sống ở Đà Lạt, có thăm nuôi ông một lần duy nhất vào dịp Tết năm 1985, rồi từ đó không thấy thăm nữa. Vì thiếu dinh dưỡng, ông kiệt sức, rụng cả hai hàm răng, móm xọm và trở thành một trong những người trơ xương ốm đói nhất của trại K4. Trong suốt thời gian bị giam chung với ông, tôi chia sẻ với ông những gì tôi được gia đình gởi vào, những mong phục hồi sức khoẻ cho ông, nhưng vẫn không vớt vát được bao lăm. Đôi khi tôi có cảm tưởng ông sẽ không chịu đựng nổi những ngày giam kín trong nhà đá. Vậy rồi mỗi sớm mai thức giấc, vẫn thấy ông ngồi dậy, vui vẻ cười với tôi, đón chào một ngày mới. Sau vài ngày trò chuyện quen thân với nhau, ông Thi biết tôi là tu sĩ Phật giáo và tôi biết ông là tín đồ Thiên Chúa giáo, một tín đồ không mấy ngoan đạo. Chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau về tôn giáo mà chỉ nói với nhau về thân phận long đong của người dân trên quê hương cũng như tương lai mù mịt của đất nước. Bốn mươi ngày đêm treo giò trong cùm sắt, chúng tôi, hai thế hệ già trẻ của hai thành phố thơ mộng nhất Việt Nam, nằm bên nhau nhìn lên trần nhà, phà khói thuốc mơ màng dệt thêu vận hội mới cho quê hương trong ngày mai xa xăm nào đó. Có lẽ điều thú vị nhất của tôi trong những ngày bị giam trong nhà đá là được kết bạn với ông Thi.

Còn ngoài ra, những chuyện khác xảy ra trong phòng giam đều là những chuyện buồn cười.

Bên dãy cùm phía ngoài, tức cùng một dãy với Liệt và Sinh, có ông Lâm và ông Công là hai cựu sĩ quan của hai chế độ Cộng Sản và Cộng Hòa, nằm sát nhau. Ông Lâm là sĩ quan cộng sản bỏ Đảng, tham gia lực lượng Phục quốc ở Biên Hoà năm 1985. Ông Công là Thiếu tá Công binh chế độ trước, bị bắt vì tội vượt biên. Hai người này cứ cãi nhau, thúc cùi chõ với nhau mãi. Ông Lâm thì ốm xọm người vì bệnh đau gan. Ông Công thì mập mạnh nhưng bị đau bao tử. Chỗ nằm chật, hai ông cứ lấn qua lấn lại, không ai chịu nhường ai. Mấy ngày đầu, chúng tôi chẳng nghe hai ông nói năng gì cả. Đột nhiên vào một ngày đó, chuyện cãi cọ của hai ông rùm beng lên khiến cho mọi người trong phòng giam đều biết rằng hai ông đã chia đất, giành sân từ nhiều ngày trước. Họ đã thương lượng với nhau và ký một thoả hiệp bằng lời nào đó về cái biên giới chắn ở giữa chỗ nằm của hai người. Ông Lâm ngồi bật dậy, chỉ vào kẽ ván nứt dưới sàn gỗ, nói:

“Đây nè, cái mức nó nằm đây, thế mà cái cùi chõ của ông cứ đưa chồm qua, chọt ngay hông tôi làm sao tôi ngủ!”

Ông Công cãi lại:

“Nhưng ông nhìn lại thử xem, cây rường chạy ngay trên trần nhà rõ ràng là mức chắn, ông đồng ý rồi, vậy mà tay ông vắt qua trán, nhú mấy ngón tay qua đây. Tôi chỉ nhúc nhích chút xíu là ngón tay ông đâm vào mặt!”

Cả phòng cười ầm lên, rồi tìm lời khuyên lơn hai ông già khó tính. Hai ông chẳng ai thèm nghe ai, cứ cằn nhằn, hục hặc với nhau, có khi cùng nằm xuống ra sức mà lấn nhau. Ông Lâm nhỏ con, ốm tong ốm teo, da vàng nhợt, vậy mà cũng ráng gồng mình đưa lưng ra mà lấn lại ông Công. Cảnh tượng trông rất buồn cười. Vậy mà hai ông cũng phải chịu trận, nằm kế bên nhau suốt 40 ngày đêm! Có lẽ vì hai ông đều có bệnh trong người nên khó tính, khó ngủ, hoặc vì hai ông không hợp với nhau trước về điều gì nên mới sinh ra chuyện gây gổ cãi nhau hoài về chỗ nằm, chứ chuyện chật chội trong phòng giam này thì mọi người đều như nhau, đâu có ai được ưu đãi gì. Chiều ngang 5 mét mà phải chia cho 12 đến 13 người nằm thì làm sao rộng nổi. Nằm ngủ, chúng tôi đụng tay đụng chân nhau là chuyện thường. Chỉ có người mình ghét mà cứ đụng mình hoài mới khiến mình khó chịu mà thôi.

Câu chuyện của hai ông già làm cho nhiều người trong phòng bực mình, có khi còn cho hai ông là trẻ nít. Có người lại thích nghe hai ông cãi, nói rằng, thực ra nếu không có chuyện của hai ông xảy ra thì phòng giam chán biết bao! Chân trong cùm, suốt 40 ngày đêm chỉ thấy bốn vách đá và ngần ấy mặt người, nếu không có hai ông cãi vả cho vui thì còn cái tuồng nào khác để xem?

Riêng tôi, tôi chỉ thấy tội nghiệp. Hình ảnh hai ông cựu sĩ quan của hai chế độ mới-cũ, giành đất trong nhà đá, phản ảnh cái bi hài kịch của tiền đồ đất nước này. Phú hết cho kẻ kia, mình rút chạy, không phải là giải pháp hay. Dùng sức mạnh của mình để lấn đất của kẻ kia, càng không phải giải pháp hay. Để cho kẻ thứ ba, thứ tư xía vào, đứng ra dùng lý lẽ này nọ để phân chia đất đai cho mình, thì tủi nhục quá. Để cho mọi người chung quanh la ó, bắt buộc mình phải chấp nhận nhau khi chưa thực sự cảm thông nhau, cũng là điều bất ưng ý. Vậy thì phải làm sao đây? Ngày đó, cả hai ông, sau một lúc cãi vả, trong khi cả phòng giam đều ngồi dậy chằm hăm nhìn và lắng nghe họ thì tự dưng họ đều hướng về tôi, xin ý kiến của tôi mà chẳng cần biết gì đến Liệt và Sinh (hai người ăn to nói lớn, thường tỏ vẻ như có thẩm quyền làm chủ phòng giam), cũng không hỏi ý kiến của cha Hưng (là người nằm kế ông Công) hay những bạn đồng phòng khác. Có lẽ hai người nhắm vào tôi là muốn lấy ý kiến mà họ tin là sẽ vô tư đáng tin cậy của một người tù chính trị trẻ tuổi nhất trong phòng giam (một người tù chính trị đã không trực tiếp tham gia bất cứ chính thể mới hay cũ nào, và cũng không trực tiếp can dự cuộc chiến tương tàn của hai miền Nam Bắc nhiều năm qua).

“Anh Khang, nói cho một tiếng xem ai phải ai trái”, ông Lâm nói.

“Anh Khang nói đi, tôi nghe anh đây, công bình mà nói đi”, ông Công yêu cầu.

Tôi lúng túng một lúc vì không ngờ là họ đột nhiên hỏi ý kiến mình; vả lại, bởi yêu cầu của họ, cả phòng giam lúc ấy cũng im lặng, chú ý, chờ đợi câu phát biểu của tôi—trong đó có Liệt và Sinh, hai anh chàng cai tù không xỏ cùm đang nằm ở phía cửa ra vào, nghiêng đầu ngó sang. Một lúc, tôi cười cười, nói giọng vui, điềm tĩnh:

“Hai chú cứ nghĩ rằng đây là chỗ tạm ở của mình thôi, ngày mai, chắc chắn có một ngày nào đó, mình sẽ rời chỗ này. Vậy thì biên giới nó nằm chỗ nào cũng được, chấp nhận hết, vui vẻ chấp nhận hết.”

Hai ông im lặng. Cả phòng giam cũng im lặng một chốc. Rồi nhiều người ùa lên:

“Phải rồi, phải rồi.”

Vậy mà, ngày mai, ngày mốt, nhiều ngày kế tiếp, chúng tôi vẫn chưa được rời nhà đá; nhưng biên giới giữa hai ông già, hình như đã xoá. Rút kinh nghiệm từ chuyện hai ông, tôi thực sự muốn nói với những người dân nước tôi rằng, chúng ta khổ đau nhiều và làm cho kẻ khác khổ đau nhiều vì chúng ta chỉ thấy cái khổ cái sướng riêng mà không thấy được cái khổ cái sướng chung. Không có sự chia cắt cưỡng ép hay sự thống nhất cưỡng ép nào có thể mang lại hạnh phúc thực sự cho chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được, cảm nhận được, một cách sâu thẳm rằng, chúng ta là nạn nhân, là tù nhân, bị giam nhốt bởi bao lớp thành trì kiên cố của chủ nghĩa, của lý tín, của giáo điều, của mê chấp, của vọng tưởng, của hoang tưởng, của vị kỷ, của tự tôn… thì khi đó, chúng ta mới có thể cảm thông và thương yêu nhau, cùng cởi trói giải vây được cho nhau. Giữa chúng ta không có biên giới. Giữa chúng ta không có cách ngăn. Chúng ta đang là nạn nhân, là tù nhân của những biên giới.

Ó

Ở nhà đá, phần cơm sáng của chúng tôi bị cúp vì chúng tôi không ra ngoài lao động. Như vậy, mỗi ngày chỉ còn hai bữa ăn, trưa và chiều. Mỗi trưa trước giờ phát cơm, cán bộ đến mở cửa sắt để anh nuôi vào dọn vệ sinh cho phòng chúng tôi (bằng công việc duy nhất là xách hai lon phân và khiêng cái khạp đầy nước tiểu ra ngoài đổ, xịt nước tráng rửa qua loa rồi đem trả lại vào phòng giam). Sau đó là giờ phát cơm và nước uống. Phiền nhất là có khi đang giờ ăn cơm lại có người cần sử dụng lon sơn khẩn cấp. Mọi người nhăn mặt nhăn mày bỏ ngang bữa ăn, nằm dài xuống để chờ đợi người kia “hành sự.” Nằm dài xuống là cách duy nhất để tránh xa cái lon sơn, vì khi một người dùng cái lon, người ấy phải đặt nó ở khoảng trống giữa hai thanh sắt, sát chỗ cái chân bị cùm của mình, tức là khoảng giữa phòng. Mọi người đều nằm xuống, đầu day vào tường thì xa hơn được cái lon một khoảng cách dài nhất! Thử tưởng tượng cảnh một người ngồi chễm chệ trên lon sơn và hai mươi bốn người khác nằm xuống chờ đợi! Cảnh tượng này thiệt “dị” quá sức! May mà thời gian nằm ở nhà đá này, tôi không bị bệnh kiết lỵ hay trống tràng như thời còn ở B5. Nếu có thì cũng chỉ biết dở khóc dở cười! Dù cố gắng nhìn “thế gian hằng như mộng”hay quán tưởng cuộc đời như bóng chớp chiều tà, như hoa đốm hư không… tôi biết tôi cũng không sao có được vẻ an nhàn tự tại để thực hiện những “đại sự” trong cảnh huống đó. Nhiều người tập đi đại tiện mỗi sáng sớm, lúc chỉ có một số người thức. Hai tuần đầu tiên, nhiều người chưa quen, cứ nhịn mãi, cuối cùng phải “trồng mía.” Tôi ngây thơ hỏi trồng mía là sao thì được trả lời:

“Nhịn mấy ngày không đi được, đến khi đi được thì như khúc mía cắm xuống đất đó mà!”

Tôi thì không đến nỗi phải bon chen làm nghề trồng mía hay trồng lau gì. Cứ chờ mọi người ngủ hết là tôi rón rén dậy, mò lấy cái lon sơn (mà trước khi đèn tắt, tôi cố tình đặt nó ở một chỗ khá gần), rồi cứ thế, ung dung làm việc trong bóng đêm, chẳng ai nghe ngóng hay dòm ngó gì cả! (Đèn phòng mở từ lúc 8 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm; khi tắt thì trong phòng tối như mực). Vậy mà có lúc cũng không được yên. Số là ông Công bị bệnh mất ngủ. Tôi tưởng mọi người ngủ hết té ra ông còn thức. Có lẽ những lần trước ông có thức nhưng không can thiệp gì vào việc làm trong bóng đêm của tôi nên tôi không biết. Lần này, nằm một lúc, nghe nhiều tiếng ngáy đủ âm bậc, đủ giai trình, tấu lên giữa đêm hoang của nhà đá, tôi yên tâm ngồi dậy mò lấy lon sơn. Ủa, cái lon đâu vậy kìa! Nhớ khi nãy đặt nó nằm ngay khoảng này! Vậy chắc có người dời đi rồi. Tôi đang lần mò cẩn thận, nhè nhẹ, để tìm cái lon (vì thò tay trong bóng đêm để tìm lon phân dơ bẩn cũng nguy hiểm như bắt rắn vậy—nếu không khéo thì thọc tay vào miệng nó!) thì đột nhiên ông Công bật quẹt lửa lên, sáng trưng. Ông chìa cái bật lửa về hướng tôi để soi sáng, giúp tôi tìm cái lon.

“Thấy chưa? Kìa, nó kìa.”

Nói theo giọng đó thì rõ ràng là ông đã biết tôi muốn gì, tìm gì. Có nghĩa là những đêm trước ông đã từng theo dõi tôi.

“Dạ, có rồi. Cám ơn chú,” tôi nói, và nhủ thầm, “xin tắt nhanh cái quẹt lửa giùm cho!”

Từ đó tôi không còn ung dung tự tại nữa. Dù vẫn “làm việc” trong bóng đêm nhưng luôn có cảm giác là có ông Công mất ngủ, ngồi hoặc nằm, lắng nghe mọi thứ âm thanh tiết tấu phát ra trong phòng. Ông ấy thật dễ thương, tỏ ra tốt bụng giúp tôi tìm lon sơn. Tuy nhiên, ở đời đôi khi có những sự tốt bụng chỉ khiến mình thêm e dè, mất tự nhiên.

***

Ở nhà đá được hai mươi bốn ngày thì tôi được thăm nuôi. Một vài người khác trong phòng giam cũng được nhận quà. Không ai trong nhà đá được ra ngoài gặp mặt thân nhân. Anh nuôi xách giỏ quà đến tận phòng giam, gọi tên rồi mở cửa đưa vào. Ngoài giỏ quà, anh nuôi còn cho biết là tôi có mấy trăm bạc gởi hậu cần cất, có ghi vào sổ. Khi nào tôi muốn mua thứ gì thì báo với hậu cần để mua. Quà thăm nuôi, tôi lấy những thức ăn chơi như kẹo bánh, thuốc lá thơm mời hết mọi người trong phòng; thức ăn để dùng với bữa cơm thì chia một ít cho vài người không có thăm nuôi; còn bao nhiêu đều giữ lại để tôi và ông Thi dùng hàng ngày. Lần thăm nuôi đó, tôi nhận được một cái áo len màu nâu sẫm, loại ba lỗ, cổ trái tim. Đây là món quà khá xa xỉ đối với trại này. Ngoài mấy công nhân, tôi không thấy ai mặc áo len vào mùa lạnh. Tất cả đều đi ra ngoài lao động với mình trần trùng trục hoặc những chiếc áo tù rách nát. Tôi tặng ông Thi vì thấy ông gầy yếu quá, sợ không đủ sức chịu được cơn lạnh của mùa đông đang trờ tới với nhà đá. Mùng và tấm chăn của tôi, tôi và ông cùng đắp chung lên hai lớp cho ấm. Tôi dặn ông mặc áo len phía trong, choàng áo tù bên ngoài để không bị cán bộ và cai tù hỏi tới (vì họ biết ông Thi không có thăm nuôi, sẽ hỏi áo đâu mà có; nếu biết áo do tôi đưa, họ sẽ nghi ngờ chúng tôi âm mưu, đồng loã với nhau về chuyện gì—chẳng hạn thông cung, trốn trại hay sách động phá trại v.v…—hoặc tôi có ý mua chuộc tù nhân chính trị nên mới có chuyện tặng khơi khơi một cái áo len đắt tiền).

Điều khổ sở nhất trong phòng giam nhà đá là tự dưng đến khoảng ngày thứ 10 kể từ khi vào nhà đá, chúng tôi bị rận từ đâu sinh sôi, tấn công khủng khiếp. Đây là lần đầu tiên tôi biết con rận nó như thế nào. Nó nhỏ bằng con chí. Cắn khá đau, có khi nhói cả một vùng thịt da. Chỗ nó thường ẩn nấp là lưng quần, gấu áo và cổ áo. Mấy người bạn tù đều cho biết hễ có rận thì không có rệp. Nhưng rệp thì tương đối dễ chịu hơn rận. Họ còn cho biết rằng đã có người ở trong biệt giam, vì không đủ sức trị rận nên bị rận cắn chết. Đó là chuyện có thật. Ban đầu tôi không tin lắm, nhưng bị rận cắn vài ngày, tôi biết là chuyện trên có thể xảy ra, chẳng có gì là phóng đại cả. Từ khi trong phòng có rận, mỗi sáng, chúng tôi đều phải làm công tác chung là ngồi “giết rận.” Không giết nó thì sẽ bị nó giết. Mọi người đều phải giết. Người ta đều giết mà mình nuôi nó thì phá hỏng chương trình diệt rận chung của phòng giam. Vậy là tôi lẫn cha Hưng, một linh mục tuyên úy Thiên Chúa, cấp bậc Đại úy, đều phải ngồi dậy, cùng với mọi người, tìm rận trong áo quần của mình mà giết. Tôi thật là khó chịu khi làm công việc này. Rận sinh sôi nhanh lắm, trong vòng vài ngày đã thấy hàng ngàn con trong phòng (tính theo số lượng bình quân mà mỗi người tìm thấy trong quần áo riêng của họ). Có khi chúng tôi thấy cả đoàn rận hàng chục con, bò ngang nhiên trên vách đá hoặc dưới sàn gỗ. Nếu không ra tay tiêu diệt chúng thì có thể qua một đêm nào đó, những người yếu sức nhất trong phòng sẽ bị rận cắn chết. Ngoài giờ giết rận buổi sáng, trong ngày, bất cứ lúc nào phát hiện có rận trong quần áo hay chăn của mình, chúng tôi đều phải giết để tránh hậu hoạ cho hai mươi bốn người khác trong phòng giam. Tôi vừa giết rận vừa trì niệm chú Vãng sanh cho chúng. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cố sát một số chúng sanh để tự vệ. Dù có lý do để cố sát, tôi vẫn không thấy yên lòng. Hồi còn ở chùa, tôi nhớ có nghe chuyện một thầy tu theo Mật tông trong khi ngồi trì tụng thần chú, bị rệp cắn phá, đã trì một bài chú nào đó để sai khiến mấy con kiến bò lên tha mấy con rệp, cho đi chỗ khác chơi. Tôi thấy cách đó hãy còn quan liêu và chưa giải quyết được vấn đề sát sanh. Vì vậy, trong một phút tĩnh tâm tôi bèn nghĩ ra được một lời nguyện hướng về mấy chú rận. Tôi thiết tha thầm đọc lời nguyện này nhiều lần trong ngày:

“Xin cho những chúng sanh rận đừng sinh vào phòng giam này nữa. Nếu lỡ sinh vào phòng giam này, xin đừng cắn những người khác mà hãy tập trung nơi tôi vì tôi hứa sẽ không giết hại quý vị; nếu tập trung nơi tôi, quý vị nào cắn hút máu thịt của tôi thì liền được no đủ, hóa kiếp sớm, không còn gieo thêm nghiệp nữa.”

Chẳng biết do lời nguyện linh ứng hay vì người trong phòng giam đã hăng say tiêu diệt tuyệt chủng giòng giống rận ở nhà đá, hoặc vì khí hậu mùa đông ác nghiệt thế nào đó mà những ngày kế tiếp, tự dưng không thấy rận xuất hiện cắn phá chúng tôi nữa. Tôi vui lắm. Dù gì thì cũng đã tránh được sát nghiệp.

Cuối cùng chúng tôi cũng được tháo cùm cho rời nhà đá để trở về Khu C, tiếp tục lao động bình thường như trước. Bạn tù đã bàn tán với nhau rằng người ta giam chúng tôi vào nhà đá vào cuối tháng 8 là để phòng ngừa chuyện chúng tôi có thể sách động tù nhân nổi loạn trong trại nhân ngày Quốc khánh 2-9 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ở ngoài xã hội cũng như trong trại tù, lực lượng công an của nhà nước đều lo phòng xa chuyện đó bằng cách kiểm soát hay giam nhốt kỹ lưỡng thành phần trí thức và tù nhân chính trị. Phỏng đoán này cũng có lý, nhưng khi qua khỏi lễ lớn 2-9 rồi mà vẫn cứ bị giam mãi trong nhà đá, đám tù chính trị lại bàn thêm, “chắc là qua khỏi 2-9 một tuần hay nửa tháng cho chắc ăn đó mà.” Vậy rồi sắp hết tháng 9, vẫn còn nằm nhà đá. Đám tù bàn thêm, “Có thể ở ngoài có biến động, đảo chánh…” Nếu thực là như vậy thì giam càng lâu có nghĩa là biến động bên ngoài càng lớn. Biến động càng lớn, càng có cơ may được tự do! Ôi, cuối cùng thì chẳng có lời bàn nào trúng trật vào đâu cả. Có trúng chăng thì có lẽ là để tránh nổi loạn nhân ngày 2-9; còn chuyện tại sao nhốt quá lâu thì… có gì khó hiểu đâu: một khi lên danh sách chuyển tù cũng trải qua nhiều thủ tục kiểm tra phiền phức, cho nên đã giam vào nhà đá thì chỉ muốn giam luôn, không muốn phải đổi tới đổi lui nữa, mất công! Bây giờ lại đem tù chính trị ra ngoài, chẳng qua là vì cán bộ quản trại đã khá rảnh mà Khu C cũng cần thêm nhân công lao động, vậy thôi!

Chẳng rõ Liệt và Sinh có biết trước không, chứ đối với chúng tôi, chuyện rời nhà đá thật bất ngờ. Buổi sáng của ngày thứ 40, tức là nhằm vào ngày 1 tháng 10 năm 1986, có ai làm gì đó bên ngoài làm rung rung hai đầu thanh sắt cùm chân chúng tôi, rồi có tiếng mở khoá lanh canh lách cách nơi cửa sắt, rồi cửa sắt bật tung ra, ánh sáng chói lòa của một ngày nắng lùa vào làm nhức cả mắt. Một cán bộ quản trại và hai công nhân đứng ở cửa, nói với giọng vừa lạnh lùng, vừa có vẻ ban ơn:

“Rút U ra đi, về Khu!”

Chúng tôi mừng húm như trẻ nít sắp được dự hội. Mặt nào mặt nấy tươi rói, lăng xăng rút cùm, thu xếp giỏ xách cá nhân, rời nhà đá. Nhưng, một vài người, trong đó có tôi, tự dưng bủn rủn, không bước đi nổi. Trong khi những người khác rời phòng để tập trung trước sân nhà đá rồi mà chúng tôi còn loay hoay xoa bóp đôi chân một lúc cho tan máu, hy vọng sẽ được bình thường trở lại. Vậy mà vẫn không thay đổi gì. Tôi từng bị giam cùm nửa tháng ở trại B5, bị cùm nhiều ngày trong suốt thời gian ở trại K4 này, lại được những bạn tù từng có kinh nghiệm nằm nhà đá nhắc nhở đứng dậy tập thể dục tại chỗ nhiều lần. Thế nhưng những người tù cũ của K4 bước ra được, còn chúng tôi, mấy người tù mới, đều bị rơi lại, cứ ngồi tại chỗ mà xoa bóp. Một anh công nhân hét lên:

“Ra mau, muốn ở luôn trong này hả?”

Ông Thi ốm yếu như vậy mà bước ra tỉnh bơ, thấy tôi bước đi không được ông quay lại tính dìu tôi, nhưng cán bộ và công nhân lại thúc giục, ông vội rời phòng. Tôi và hai anh tù khác gắng gượng đứng dậy mà chân cứ khuỵu xuống, tê buốt. Công nhân càng hối thúc, la hét lớn tiếng hơn. Chúng tôi bèn bò ra khỏi phòng cho nhanh. Vâng, bò bốn chân, như mấy con chó vậy. Ra được đến sân, chúng tôi chồm nhanh về phía các bạn tù ra trước xếp hàng.

Trong khi ngồi chờ điểm danh, vừa dùng tay xoa bóp hai cổ chân, tôi vừa nhớ đến Tèo, một tù nhân trẻ ở bệnh xá mà tôi gặp trước đây, và ngay lúc ấy, tôi ngờ rằng tôi sẽ bị bại liệt chân rồi đi chân dẹo như em. Tèo mới mười bảy tuổi, bị bắt vì tội vượt biên hồi năm ngoái. Vì phạm tội kỷ luật (mà em giấu không nói rõ cho tôi nghe), em bị cùm biệt giam nửa tháng không cho thấy ánh sáng bên ngoài. Sau nửa tháng bước ra, em bị bại liệt hai chân, được đưa vào bệnh xá để tập đi trở lại bình thường nhưng chỉ bình thường được một chân, chân còn lại cong về phía sau như chân gà.

Liệt và Sinh lập tức rời đám tù chính trị đi về Khu trước. Chúng tôi ngồi lại chờ điểm danh.

“Đi!” công nhân ra lệnh một tiếng thật khô.

Chúng tôi lại lục tục đứng dậy, rời khu nhà đá, theo sự hướng dẫn của nhiều công nhân, chúng tôi hướng về phía Khu C. Các bạn tù khỏe mạnh khác đã xúm vào xốc nách tôi và hai anh tù bị đau chân vịn vai đứng dậy mà bước. Hai bên mắt cá chân của tôi như hai bánh xe đã bị mất đi cái trục, lỏng lẻo, muốn ngã bên nào thì ngã. Nhưng đi được một lúc thì thấy đỡ đỡ. Tôi không còn vịn vai bạn tù mà bước nữa, khập khiễng cố theo kịp họ để tập trung tại một khu đất gần hồ sen.

Nơi đây có một đống đá lớn. Công nhân giao chúng tôi cho một cai tù trong coi, mà cai tù này chính là một người bị cùm giam nhà đá chung một phòng với chúng tôi 40 ngày trước. Anh này tên Hiển, cũng là một tù nhân chính trị tham gia vụ nhà thờ Vinh Sơn. Anh bảo công việc của chúng tôi ngày hôm nay là dời đống đá ấy đến một khoảnh đất khác cách đó 50 mét. Đống đá ngổn ngang, hòn này chồng lên hòn kia, như một cái núi nhỏ. Chúng tôi hì hục đá lớn thì lăn, đá nhỏ thì vác; nhưng nhỏ nhất thì cũng nặng khoảng 15 đến 20 kí lô. Chân tôi bủn rủn bước đi không vững mà phải vác lên vai hết tảng đá này đến tảng đá khác để đi từng chặng đường 50 mét dọc hồ sen lởm chởm sỏi đá thì chẳng khác nào con hạc đội con rùa lớn mà lặn lội bờ ao… Cũng may là Hiển vốn đã có cảm tình với tôi từ lúc nằm chung trong nhà đá nên thông cảm, nhân nhượng, chỉ cho tôi vác những viên đá nhỏ. Có khi thấy tôi khuỵu chân suýt té, anh bảo tôi ngồi nghỉ ở gần đó, không cho làm việc nữa. Hai anh bạn tù bị yếu chân kia cũng được nghỉ theo. Nhưng sau giờ ăn trưa, tôi và hai anh thấy chân bớt đau, cũng tự động ra làm việc để kịp xong trước giờ báo nghỉ buổi chiều.

Vậy rồi đống đá cũng được thanh toán. Sáu giờ chiều chúng tôi trở về Khu C, tập trung ở sân trước văn phòng, cạnh bệnh xá, chờ điểm danh để được về phòng giam nghỉ ngơi. Nhưng một công nhân từ văn phòng Khu C bước ra nói nhỏ gì đó với Hiển. Hiển gật gù, tỏ vẻ không vui lắm, nhưng rồi anh cũng phải thông báo là ban chỉ huy Khu cần 20 công nhân trong số tù chính trị để làm thêm giờ phụ trội buổi tối. Không biết là sẽ làm công việc gì. Hiển kêu gọi ai cảm thấy có thể làm việc được thì tự giác rời hàng đứng qua một phía, không ai tự giác thì cuối cùng sẽ có công nhân xét theo dáng người khỏe mạnh hay không mà chỉ định.

Đã tập quen tinh thần tự giác tự nguyện trong cửa chùa, tôi quên khuấy là chân mình đang còn khệnh khạng đau yếu, cứ việc giong tay lên. Hiển nhìn tôi, lắc đầu. Những người khác dong tay thì anh gật đầu cho đứng qua một phía. Lúc ấy, ông Trợ và ông Nguyên đứng ở hiên bệnh xá, thấy được tôi thì lật đật chạy đến bên Hiển, nói ngay:

“Này, này, anh Khang kia bị bệnh tim nặng, là bệnh nhân của bệnh xá, nếu đã được trả về Khu thì cho chúng tôi xin lại, không thể để đi lao động nặng bên ngoài nữa được đâu.”

Hiển gật đầu đồng ý. Sau khi sắp xếp nhóm lao động phụ trội và nhóm trở về phòng giam, Hiển đưa tôi vào bệnh xá. Tôi chia tay ông Thi và nhóm tù chính trị nhà đá kể từ lúc này.

Ban y tế lo chữa trị cho tôi ngay. Ông Nguyên xoa dầu nóng hai chân tôi rồi giao ông Mậu châm cứu, dặn dò tôi phải tập đi qua đi lại mỗi ngày để tránh bị bại liệt. Kể từ hôm ấy, tôi mới thực sự là bệnh nhân “thường trú” của bệnh xá. Và chính cái ngày tôi trở về bệnh xá ấy, trên chiếc giường bệnh cấp cứu đặt ngay cửa ra vào của bệnh xá, tôi thấy xác anh Vận nằm chết cứng đơ, chờ cán bộ y tế của trại giam đến xem xét và làm thủ tục khai tử.

Vận là người bạn tù chính trị đầu tiên hướng dẫn và giúp đỡ tôi lúc tôi mới chuyển đến trại giam B5. Anh được chuyển đến trại này trước tôi vài tháng. Có lẽ anh nằm nhà đá, khác phòng với tôi; từ nhà đá anh bệnh nặng được đưa vào bệnh xá rồi chết vào ngày hôm nay. Từ nhiều ngày qua, tôi không được gặp lại anh, nay gặp lại thì anh đã ra người thiên cổ. Nhìn xác anh xanh mướt như khúc gỗ trên giưỡng bệnh, tôi đau xót khóc trong lòng. Tôi nhớ khi tôi chưa được gia đình thăm nuôi, anh chia cho tôi những muỗng nước tương và muối trắng. Lúc tôi nằm bệnh, anh cho tôi đắp ké tấm chăn mỏng của anh. Bây giờ anh bệnh nặng nằm xuống, tôi chưa kịp chăm sóc an ủi thì anh đã ra đi vĩnh viễn. Tôi cảm thấy như tôi có nợ anh một cái gì chưa trả được. Tôi ngồi trên giường bệnh, nhìn về hướng anh, cầu nguyện.

Đêm buông xuống dần bên ngoài. Tiếng đập đá chan chát của toán lao động phụ trội đâu đó vẫn còn vang vọng đến. Thêm một ngày qua, thêm một khung cảnh mới, thêm một người bạn nằm xuống… nhưng chưa có gì đổi thay. Ôi thân phận đen tối của quê hương tôi.

***

“Em thấy anh bây giờ đi lại bình thường rồi mà, phải không?” nàng hỏi, giọng hơi e dè.

“Đã bình thường, có điều anh vẫn chưa tin tưởng là anh có thể chịu đựng được cảnh đứng lâu hay ngồi lâu một chỗ… cho nên, đáng ra chiều hôm qua anh đã ra nhà ga đón tàu hỏa về Nha Trang, nhưng sợ bị đứng trên toa tàu đông nghẹt suốt 12 giờ đồng hồ…”

“Anh đâu nhất thiết phải đi tàu hỏa.”

“Chứ đi bằng gì?”

“Bằng xe.”

“Anh đâu có giấy tờ tùy thân gì đâu mà đi xe!”

“Không cần đâu.”

“Tình hình xã hội bây giờ đổi khác rồi sao?” tôi cười nhạt.

“Không phải. Đi lại và mua vé xe vẫn phải có giấy thông hành đó chớ, nhưng nếu đi bằng xe cơ quan thì khỏi cần giấy tờ gì hết, chỉ cần có tiền là được.”

“Vậy sao, nhưng xe cơ quan là xe gì?”

“Xe của mấy ông cán bộ đi công tác, cho mình quá giang để lấy thêm tiền tiêu đó mà. Ban đầu thì mấy ông đi công tác thật, nhưng bây giờ, chẳng có công tác gì hết cũng lấy xe cơ quan nhà nước hoặc xe riêng, chạy từ Nam chí Bắc, rồi từ Bắc chí Nam để chở hàng lậu kiếm tiền, họ cho mình đi ké để lấy thêm chút ít. Đi loại xe này thoải mái lắm vì xe mới, ít người, lạnh thì có máy sưởi, nóng thì có máy lạnh; đặc biệt là không bao giờ bị công an chận xét, bởi vì mấy ông cán bộ ngồi trên xe đã lo liệu hết mọi thứ thủ tục rồi. Còn hành khách mà họ chọn cho lên xe thì cũng phải hành lý đơn giản, ăn mặc sạch sẽ nên mình cũng không phải chịu đựng chuyện dơ dáy hôi tanh…”

“Anh đâu có biết chuyện đó. Chắc anh sẽ đi bằng cách này. Nhưng làm sao đón được xe cơ quan? Họ bán vé ở đâu?”

“Đâu có bán vé. Họ làm ăn không chính thức thì làm gì có vé. Xe họ đậu gần các bến xe nhưng bên ngoài, dọc theo đường đi; hễ ra Trung hay Bắc thì quay mũi xe ra, đi vào Nam hay miền Tây thì quay mũi xe vào. Cửa xe mở sẵn, tài xế đón khách, cho giá tiền. Mình chỉ việc leo lên lựa chỗ ngồi, vậy thôi. Một chiếc xe vanhọ chỉ lấy chừng năm đến sáu người khách, ngồi rộng rãi thoải mái lắm, không bị nêm cứng như xe đò đâu.”

“Khỏe quá há. Vậy thì… nay mai anh sẽ đi.”

“Sao anh không nghỉ ngơi thêm, chờ em đi với.”

“Cái gì? Em muốn đi theo anh?”

“Anh không thích à?”

“Ơ… thích chứ, nhưng… về nhà anh, sẽ nói làm sao với gia đình?”

“Bộ anh có vợ con gì chờ đón ngoài đó sao mà sợ?” nàng vừa nói vừa cười rinh rích.

“Đâu phải. Về nhà ba mẹ anh đó mà. Ai cũng biết anh lâu nay ở chùa, rồi ở tù, tự dưng đùng một cái đi về với em… làm sao giải thích! Với lại…”

Nàng vẫn tinh nghịch, hỏi tới:

“Với lại làm sao?”

Tôi ngập ngừng, tính nói sự thực cho nàng nghe, nhưng sợ rằng chính cái sự thực đó sẽ làm đánh gục tôi, nên thôi, nói trớ:

“Với lại anh bị quản thúc tại gia, em theo anh không tốt cho em đâu.”

“Nói đùa với anh thôi, anh yên tâm, em không theo làm phiền anh đâu. Em chỉ đi chung chuyến xe với anh cho vui thôi, đến Nha Trang thì chia tay.”

“Em đi đâu?”

“Đi thăm nuôi ba em. Em sẽ thăm ba em đợt trước Tết. Chắc cũng đâu chừng gần một tuần nữa em mới đi. Ba em sợ tốn kém, sợ em khổ nên bảo nửa năm hay một năm đi thăm ông một lần cũng được, nhưng em thương ông quá, sợ ông thiếu thốn nên cứ ba tháng em đi một lần. Có khi em còn muốn mỗi tháng một lần nữa kia, nhưng đi như vậy thì trở ngại chuyện làm ăn lắm. Sao, anh chịu cho em đi theo không?”

“Có em đi chung một đoạn đường thì vui lắm chứ. Nếu anh không bị bắt buộc phải về Nha Trang chịu quản thúc, anh còn muốn theo em ra tới ngoài Bắc nữa kia…”

Nàng cười vui không nói gì nữa. Vén tóc mai, nhìn xa xăm, phía bên kia bờ sông.

“Em định chừng nào thì đi?”

“Khoảng ngày 15 tháng Giêng này thì khởi hành, nhưng… nếu anh thích, em sẽ ghé Nha Trang chơi vài ngày với anh, em ở khách sạn, không phiền gia đình anh đâu. Đợt này ghé Nha Trang mua quà thăm nuôi để có món lạ thay đổi cho ba em. Sao, ngày 15 được không anh?”

“Được…” tôi định nói thêm gì đó nhưng chẳng bật nên lời.

“Chắc chắn nghe, không có đổi ý à!” nàng đưa một ngón trỏ, làm một cái móc ngoéo chờ đợi ngón tay tôi. Tôi cười, đưa một ngón trỏ, móc vào.

“Ừ, chắc chắn”, tôi nói.

“Rồi, anh kể tiếp đi. Câu chuyện ở bệnh xá.” Nàng hứng khởi thúc giục.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]