KINH TIỂU BỘ TẬP IV
Khuddhaka Nikàya
Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch Việt - Phật Lịch 2545- 2001
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (I) Jàtaka
PHẨM HAMSA
111. CHUYỆN CÂU HỎI CỦA CON LỪA (Tiền thân Gadrabha-Panha)
Ngươi nghĩ mình là ngỗng...,
Chuyện câu hỏi của con lừa sẽ được nói đến trong Tiền thân Ummagga số 546
-ooOoo-
112. CHUYỆN CÂU HỎI CỦA HOÀNG HẬU BẤT TỬ (Tiền thân Amaràdevi-Panha)
Các thứ bánh và cháo...,
Chuyện câu hỏi của hoàng hậu Bất tử cũng sẽ được kể số 546 (như trên)
-ooOoo-
113. CHUYỆN CON CHÓ RỪNG (Tiền thân Sigàla)
Ngươi tin chó rừng say...,
Câu chuyện này,khi ở tại Trúc Lâm, bậc Ðạo sư đã kể về Ðề-bà đạt đa. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường bàn đến những việc làm tổn đức của Ðề-bà-đạt-đa.
- Thưa các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa đem theo năm trăm Tỷ-kheo, đi đến Gayãsĩsa và nói: Sa-môn Gotama làm không đúng pháp, điều ta làm mới đúng pháp. Các Tỷ-kheo ấy bị đưa vào đường sai lạc bởi những lời nói dối như vậy, kẻ ấy đã phá hòa hợp Tăng và tổ chức hai lễ Bố-tát trong một tuần.
Bậc Ðạo sư đến, hỏi vấn đề gì đang được bàn luận, và khi được biết vấn đề ấy, Ngài nói:
- Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Ðề-bà-đạt-đa mới nói láo, lúc trước, kẻ ấy cũng đã nói láo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một thần cây ở một khu rừng có nghĩa địa. Lúc bấy giờ, ở Ba-la-nại có hội lễ cúng sao. Các người tổ chức cúng lễ các quỷ Dạ-xoa. Họ rải khắp các công viên, các ngã tư đường...nhiều cá thịt và sắp đặt nhiều bát rượu.
Lúc ấy, có con chó rừng, vào nửa đêm, chui từ lỗ cống đi vào thành, ăn cá thịt, uống rượu, rồi chui vào trong một bụi cây nằm ngủ đến sáng. Khi nó thức dậy, thấy ánh sáng, biết rằng nay không thể trở ra được. Nó đi đến gần đường, nằm xuống một chỗ mà người ta không thấy nó được, nhưng nó thấy người ta và nằm im không nói gì.
Rồi một Bà-la-môn đang đi đến rửa mặt; thấy người ấy, con chó rừng suy nghĩ: "Các Bà-la-môn hay tham tiền, ta phải đánh trúng vào tánh tham lam ấy để họ dấu ta giữa nách, che ta với áo ngoài và đưa ta ra ngoài thành". Với giọng người, nó nói:
- Này Bà-la-môn!
Vị Bà-la-môn quay lại hỏi:
- Ai kêu ta đó?
- Chính là tôi Bà-la-môn.
- Có chuyện gì vậy?
- Này Bà-la-môn, tôi có hai trăm đồng tiền vàng. Nếu bạn dấu tôi giữa nách, che tôi với áo ngoài, không cho một ai thấy và có thể đưa tôi ra ngoài thành, tôi sẽ cho bạn hai trăm đồng tiền vàng ấy.
Bà-la-môn vì tham tiền nên nhận lời, làm đúng như lời dặn, đưa con chó rừng ra ngoài thành. Ði được một lát, con chó rừng hỏi:
- Này Bà-la-môn, đây là chỗ nào?
- Chỗ ấy, chỗ ấy.
- Hãy đi thêm một lát nữa.
Như vậy, nó thúc đẩy vị Bà-la-môn nhiều lần, cho đến khi ra nghĩa địa lớn. Khi ấy, con chó rừng nói:
- Hãy thả tôi xuống đây.
Vị Bà-la-môn thả nó xuống, chó rừng nói:
- Này Bà-la-môn, hãy trải cái áo ngoài ra.
Vì lòng tham, kẻ ấy trải áo ngoài ra. Chó rừng lại nói:
- Này Bà-la-môn, hãy đào gốc cây này.
Và khi Bà-la-môn đang đào đất, con chó rừng leo lên cái áo ngoài, đi đại tiện trên năm chỗ, bốn góc và chính giữa, bôi phân cho nhớp, rồi đái cho ướt và bỏ đi vào rừng.
Bồ-tát đứng trên chỗ chĩa ba của cây, đọc bài kệ này:
Ông tin chó rừng say,
Hỡi Bà-la-môn ơi!
Trăm tiền ốc chả có,
Ðâu có hai trăm vàng?
Sau đó, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn:
- Này Bà-la-môn hãy đi tắm và giặt áo ngoài của ông.
Nói xong, Bồ-tát biến mất. Vị Bà-la-môn nghe vậy, biết mình đã bị lừa, và sầu muộn bỏ đi!
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, con chó rừng là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị thần cây là Ta vậy.
-ooOoo-
114. CHUYỆN CON CÁ NGHĨ VỪA (Tiền thân Mitacinti)
Nghĩ nhiều và nghĩ ít...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về hai Trưởng lão lớn tuổi. Nghe nói, hai Trưởng lão ấy, sau khi an cư mùa mưa tại một làng thôn quê, đã quyết định đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, và chuẩn bị lương thực để lên đường. Nhưng họ hoãn ngày này qua ngày khác, cho đến một tháng trôi qua. Rồi họ chuẩn bị lương thực mới, cũng như lần trước, và trì hoãn tháng này tháng khác. Như vậy, vì sự biếng nhác, trìu mến trú xứ của họ, ba tháng trôi qua, họ mới lên đường đi đến Kỳ Viên. Sau khi cất đặt y bát tại phòng chung, họ đến yết kiến bậc Ðạo Sư. Khi các Tỷ-kheo hỏi vì sao lâu ngày họ không đến hầu đức Phật và nguyên nhân của sự chậm trễ, họ báo cáo về sự biếng nhác của mình.
Tại Chánh pháp đường, câu chuyện về sự biếng nhác của các Tỷ-Kheo ấy được Tăng chúng đề cập. Bậc Ðạo Sư đến, hỏi về vấn đề đang được bàn luận, và khi được báo cáo vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư cho gọi hai Tỷ-Kheo ấy và hỏi có đúng như vậy không. Khi được họ xác nhận sự thật là vậy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-Kheo, không phải chỉ nay họ mới biếng nhác, thuở trước, họ cũng đã biếng nhác và trìu mến trú xứ như vậy rồi:
Sau khi nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, có ba con cá sống ở sông Ba-la-nại, một con tên Nghĩ nhiều, một con tên Nghĩ ít, một con tên Nghĩ vừa. Chúng từ rừng đi đến cảnh giới loài người. Tại đấy, Nghĩ vừa nói với hai con kia:
- Cảnh giới loài người này thật nguy hiểm và dễ sợ. Các người đánh cá quăng lưới, và bắt cá. Chúng ta hãy đi về nguồn lại.
Hai con cá vì biếng nhác, vì tham mồi, trì hoãn lên đường, cho đến ba tháng trôi qua. Rồi những người đánh cá quăng lưới xuống sông. Nghĩ nhiều và Nghĩ ít tìm mồi đi trước, vì mù quáng ngu si, chúng không đề phòng lưới giăng nên đi vào trong mạng lưới. Nghĩ vừa đi sau cẩn trọng đề phòng. Biết được hai con kia đã sa vào mạng lưới, nó suy nghĩ: "Ta sẽ cứu sống những con cá biếng nhác, mù quáng, ngu si này".
Nó bơi vào phía ngoài lưới giăng, làm vùng vẫy mắt lưới như đã được thoát, ra và làm tung toé nước như đã lặn về phía trước lưới. Rồi nó đi vào mạng lưới. Các người đánh cá nghĩ rằng các con cá đã vùng vẫy ra khỏi lưới và đã trốn đi rồi, nên nắm một góc lưới và kéo lên. Hai con cá ấy thoát khỏi lưới và lặn xuống nước. Như vậy, nhờ Nghĩ vừa, mạng sống của chúng đã được cứu thoát.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Ðẳng Giác, đọc bài kệ này:
"Nghĩ nhiều" và "Nghĩ ít"
Cả hai đều mắc lưới,
Chỉ có "Nghĩ đúng mức"
Giải thoát cho bọn chúng,
Cả ba đã gặp nhau,
Chính tại con sông này,
Như vậy, sau khi kể pháp thoại này xong, Bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bải giảng ấy, hai Tỷ-Kheo Trưởng lão chứng được quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, "Nghĩ nhiều" và "Nghĩ ít" là hai Tỷ-Kheo Trưởng lão này, còn Nghĩ vừa là Ta vậy.
-ooOoo-
115. CHUYỆN NGƯỜI GIÁO GIỚI (Tiền thân Anusàsika)
Ai khuyên răn kẻ khác,...
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo-ni giáo giới người khác. Nghe nói, ở tại Xá vệ có một thiện nữ nhân xuất gia, nhưng từ khi thọ đại giới, Tỷ-kheo-ni ấy không chú tâm vào Sa-môn pháp, chỉ tham luyến tài vật. Tại chỗ nào các Tỷ-kheo-ni khác không đi thì tại chỗ ấy, nàng đi khất thực một mình. Và người ta cúng dường cho nàng những món thượng vị. Bị trói buộc bởi lòng tham vị, nàng suy nghĩ: "Nếu tại chỗ này, các Tỷ-kheo khác đi đến khất thực, đồ lợi dưỡng của ta bị tốn giảm. Ta phải làm thế nào để các Tỷ-kheo-ni khác không đi đến địa phương ấy". Nàng đi đến trú xứ các Tỷ-kheo-ni và nói:
- Này các Hiền tỷ, tại chỗ ấy có voi dữ, có ngựa dữ, có chó dữ, đó là một nguy hiểm. Chớ nên đi khất thực tại đấy.
Nàng khuyên răn các Tỷ-kheo-ni như vậy. Nghe nàng nói, không một Tỷ-kheo-ni nào dám quay đầu ngó về địa phương ấy.
Một hôm, trên đường khất thực tại đấy, khi đi vội vào một ngôi nhà, nàng bị một con cừu hung dữ húc, làm nàng gãy xương. Người ta chạy đến, cột hai khúc xương gãy làm một, đặt Tỷ-kheo-ni ấy nằm trên chiếc cáng, khiêng nàng đến trú xứ của Tỷ-kheo-ni. Các Tỷ-kheo-ni nhạo cười nàng và nói:
- Tỷ-kheo-ni này khuyên các Tỳ-kheo-ni khác đừng đi, nhưng tự mình đi đến địa phương ấy, do vậy bị gãy xương.
Việc làm của Tỷ-kheo-ni này không bao lâu được chúng Tỷ-kheo biết. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói về hạnh phi công đức của Tỷ-kheo-ni ấy:
- Này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ấy khuyên răn các người khác, còn tự mình đi đến tại chỗ ấy, nên bị con cừu hung dữ húc cho đến gãy xương.
Bậc Ðạo Sư đến, hỏi các Tỷ-kheo đang thảo luận vấn đề gì, khi biết vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà xưa kia, nàng cũng đã lên tiếng khuyên răn, nhưng tự mình lại không làm theo lời răn, cho nên nàng thọ khổ lâu dài.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì tại Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con chim, lớn lên, trở thành con chim chúa, có hàng trăm con chim vây quanh, và trú ở Tuyết Sơn. Khi Bồ-tát sống tại đấy, có một con chim cái hung dữ đi theo một con đường lớn để tìm đồ ăn. Con chim cái này lấy được lúa, đậu, hột giống v.v... từ các cỗ xe rơi xuống. Nó suy nghĩ: "Nay ta phải làm thế nào để các con chim khác đừng đến chỗ này". Nghĩ vậy, nó khuyên răn đàn chim như sau:
- Con đường lớn đầy nguy hiểm, có voi, có ngựa, có cỗ xe do các con bò hung dữ kéo và các vật nguy hiểm khác qua lại. Không thể nào cất cánh bay lên mau được. Chớ nên đi trên đường ấy.
Vì lời khuyên ấy, đàn chim gọi nó là "Con chim cái khuyên răn". Một hôm, đang tìm mồi trên con đường lớn, nghe tiếng cỗ xe chạy mau, con chim cái ấy quay cổ lại nhìn, nghĩ rằng xe còn xa, nên vẫn đi. Nhưng cỗ xe ấy đến gần nó mau như gió. Trong khi nó không thể bay lên được, bánh xe cán phải nó, và xe vẫn chạy vùn vụt.
Khi họp đàn chim, chim chúa không thấy nó, bèn hỏi:
- Con chim cái khuyên răn sao không có mặt? Hãy đi tìm nó.
Các con chim đi tìm, thấy nó bị cán đứt đôi, và về báo tin cho chim chúa biết, chim chúa nói:
- Chim cái ấy ngăn chặn các con chim khác, còn tự mình lại đi tại đấy nên bị cán đứt đôi.
Rồi chim chúa đọc bài kệ:
Ai khuyên răn kẻ khác,
Tự mình chạy theo tham,
Bị gãy cánh nằm xuống,
Bánh xe giết đời chim.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, con chim cái khuyên răn là Tỷ-kheo-ni khuyên răn, còn chim chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
116. CHUYỆN NGƯỜI MÚA GIÁO (Tiền thân Dubbaca)
Thưa sư trưởng, vì thầy...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Câu chuyện này sẽ được nói đến trong Tiền thân Gijjha (số 427), chương chín. Bậc Ðạo Sư gọi Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo, mà thuở trước ông cũng đã khó bảo rồi. Do khó bảo, không làm theo lời khuyên của bậc hiền trí, nên ông bị cây giáo đâm phải, và mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình diễn trò nhào lộn. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát có trí tuệ, thiện xảo trong phương tiện. Với một nhà diễn trò nhào lộn, Bồ-tát học nghề múa với ngọn giáo, và cùng với thầy, đi khắp đó đây để biểu diễn.
Vị sư trưởng chỉ biết nghề múa với bốn ngọn giáo, chớ không biết múa với năm ngọn giáo. Một hôm, trong khi biểu diễn tại một ngôi làng, vị sư trưởng ngà ngà say, đặt mỗi dãy năm ngọn giáo và nói:
- Ta sẽ biểu diễn điệu múa với năm ngọn giáo.
Bồ-tát liền nói với vị ấy:
- Thưa sư trưởng, sư trưởng không biết nghề múa với năm ngọn giáo. Hãy cất đi một ngọn. Nếu sư trưởng biểu diễn, sư trưởng sẽ bị ngọn giáo thứ năm đâm phải và mạng chung.
Sư trưởng khá say nói:
- Con không biết được khả năng của ta.
Sư trưởng không nghe lời của Bồ-tát, múa qua được bốn ngọn giáo, nhưng đến ngọn giáo thứ năm bị giáo đâm thủng, như hoa Madhuka trên cành. Sư trưởng nằm oằn oại rên la, Bồ-tát nói:
- Do không nghe lời bậc hiền trí, nên thầy phải gặp nạn này:
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Thưa sư trưởng, vì thầy
Làm quá sức của thầy,
Thầy không ưa, không thích
Lời khuyên này của tôi
Bốn giáo, thầy múa qua,
Ngọn thứ năm đâm chết.
Nói vậy xong, Bồ-tát đỡ thầy ra khỏi ngọn giáo và làm những gì cần phải làm sau cùng cho xác thân thầy.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Lúc bấy giờ, vị sư trưởng là Tỷ-kheo khó bảo này, còn người đệ tử là Ta vậy.
-ooOoo-
117. CHUYỆN CHIM ÐA ÐA (Tiền thân Tittira)
Lời quá thời cao mạnh...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Kokalika. Câu chuyện sẽ được kể rõ ràng trong Tiền thân Takkaritya (số 481), Chương mười ba. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải nay, mà cả thời xưa nữa, Kokalika đã bị nạn diệt vong rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình ở phía tây bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát học tất cả các nghề ở Takkasila, rồi từ bỏ các dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, chứng được năm Thắng trí và tám Thiền chứng. Tất cả hội chúng ẩn sĩ ở Tuyết Sơn họp lại, tôn Bồ-tát lên làm sư trưởng khuyên giáo và đi theo thầy. Bồ-tát lãnh đạo năm trăm ẩn sĩ, hưởng thọ thiên lạc, sống ở Tuyết Sơn.
Lúc ấy một vị tu khổ hạnh bị bệnh vàng da đang dùng búa chặt củi. Một vị tu khổ hạnh nói nhiều đến ngồi gần vị này và nói:
- Hãy chặt chỗ này, hãy chặt chỗ này.
Vị tu khổ hạnh kia mất kiên nhẫn, phẫn nộ và nói:
- Ngươi đâu phải là thầy dạy ta bửa củi?
Kẻ ấy giơ cây búa sắc bén, và với một nhát búa, giết ngay mạng sống của vị tu khổ hạnh nói nhiều. Bồ-tát lo liệu các việc phải làm đối với thân thể nạn nhân.
Lúc bấy giờ, không xa am thất bảo, có một con chim đa đa sống dưới chân một gò mối. Vào buổi chiều, nó thường hay đứng trên gò mối ấy và hót lớn tiếng. Nghe tiếng nó, một thợ săn độc ác nhận được là tiếng con đa đa, liền giết nó và mang xác đi.
Bồ-tát không nghe tiếng con chim ấy, liền hỏi các người tu khổ hạnh tại gò mối:
- Tại sao ta không nghe tiếng nó nữa?
Các vị tu khổ hạnh báo cáo sự việc cho Bồ-tát rõ. Bồ-tát kết hợp hai sự kiện với nhau và nói lên bài kệ này giữa hội chúng ẩn sĩ:
Lời quá thời cao mạnh
Ðưa chết cho người nói,
Chim đa đa mất mạng,
Vì ngu, hót quá lời.
Như vậy, Bồ-tát tu tập Bốn Vô lượng tâm, và được sanh lên cõi trời Phạm thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokalika vì lời nói của mình bị nạn diệt vong, mà thuở trước kẻ ấy cũng đã bị diệt vong rồi.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Lúc bấy giờ, vị tu khổ hạnh nói nhiều là Kokalika; chúng ẩn sĩ là hội chúng đức Phật; còn Ðạo Sư hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
118. CHUYỆN CHIM CUN CÚT (Tiền thân Vattaka)
Không suy nghĩ, người này...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về con trai của triệu phú Uttara. Nghe nói, ở Xá-vệ có vị triệu phú Uttara rất giàu, vợ triệu phú sanh được một con trai có đức hạnh, từ Phạm thiên giới xuống; khi đến tuổi trưởng thành, cậu rất đẹp trai, giống như Phạm thiên.
Một hôm, khi ngày hội cúng sao Kattika được tổ chức ở Xá-vệ, mọi người vui chơi hội lớn. Nhưng người bạn, con trai các triệu phú khác đều có vợ. Riêng con triệu phú Uttara, vì sống lâu ở Phạm thiên giới, nên tâm không hướng đến luyến ái. Các bạn của cậu muốn đem cho cậu một nữ nhân để vui chơi hội sao, liền bàn với nhau, đến gặp cậu và nói:
- Này bạn, trong thành phố này, hội lớn cúng sao Kattika được tổ chức một đêm. Chúng tôi sẽ tìm cho bạn một nữ nhân để cùng nhau vui chơi hội lớn.
Dầu cậu nói không cần nữ nhân, các bạn vẫn nài ép, bắt cậu nhận. Họ trang điểm một nữ tỳ xinh đẹp, dắt đến nhà cậu, bảo nữ nhân ấy đi đến nhà con trai triệu phú, dẫn nàng đến phòng cậu rồi bỏ đi. Khi cô gái ấy vào phòng ngủ, con người triệu phú không ngó nàng và không nói năng gì. Cô gái suy nghĩ: "Ta tuyệt sắc, duyên dáng, mỹ lệ như thế này. Người này không ngó, cũng không nói với ta. Nay ta dùng sự cám dỗ và vẻ duyên dáng nữ nhân của ta làm người này phải nhìn đến ta".
Nghĩ vậy, cô gái trình diễn mọi sự cám dỗ của nữ nhân. Ðể làm đẹp lòng cậu, nàng để lộ hàm răng tuyệt đẹp của nàng và mỉm cười. Chàng trai triệu phú nhìn nàng, nắm lấy hình tướng bộ xương răng. Tư tưởng về bộ xương khởi lên trong tâm chàng cho đến khi toàn thân nàng hiện ra như một chuỗi xương. Chàng trai cho tiền người con gái rồi bảo nàng đi.
Khi nàng ra khỏi nhà, một người quý phái thấy nàng ở giữa đường, liền cho tiền và dẫn nàng về nhà. Bảy ngày qua, lễ hội sao chấm dứt. Mẹ người nữ tỳ đẹp không thấy con gái của mình trở về, đến nhà các người con trai triệu phú, hỏi con gái ở đâu. Họ đi đến nhà con trai triệu phú Uttara để hỏi và được trả lời:
- Cô gái có đến một lát, tôi đã cho tiền và bảo đi về.
Nhưng mẹ cô gái không thấy con mình, bắt buộc họ phải trả nàng lại, và đem con trai triệu phú Uttara đến xin vua phân xử. Vua hỏi:
- Những người con trai các vị triệu phú có đem người nữ tỳ xinh đẹp giao cho ngươi không?
- Thưa Ðại vương, có.
- Nay có đâu rồi?
- Tôi không được biết. Nó chỉ ở lại một lát và tôi đã bảo nó đi về rồi.
- Vậy nay ngươi có thể đem nó lại không?
- Thưa Ðại vương, không được.
Vua nói:
- Nếu ngươi đem lại không được, hãy áp dụng hình phạt của ta.
Họ trói tay cậu ra phía sau, dắt cậu đi áp dụng hình phạt của vua. Cả thành vang dậy lời bàn tán:
- Nghe nói, con trai người triệu phú vì không trả lại đứa nữ tỳ xinh đẹp, nên bị đưa đi áp dụng hình phạt của vua.
Một đám quần chúng để tay trên ngực, vừa đi theo sau, vừa than:
- Việc này là thế nào, thưa ông chủ? Sao ông chủ lại gặp một việc bất công như thế này?
Người con trai triệu phú suy nghĩ: "Sự đau khổ này xảy ra vì ta sống trong gia đình. Nếu ta thoát luy được gia đình, ta sẽ xuất gia với bậc Ðại Gotama, Chánh Ðẳng giác."
Bấy giờ cô nữ tỳ xinh đẹp nghe tiếng đồn vang, liền hỏi dò sự việc. Khi được nghe câu chuyện ấy, nàng chạy ra thật mau và la to:
- Các ông hãy dẹp qua một bên, dẹp qua một bên! Cho tôi gặp các người lính của vua.
Và nàng tự trình diện. Quân hầu của vua thấy nàng, liền giao nàng lại cho bà mẹ, thả con trai người triệu phú và bỏ đi. Người con trai triệu phú cùng với bạn bè vây quanh, đi đến sông, gội đầu thật sạch. Rồi cậu về nhà, ăn sáng xong, liền xin phép cha mẹ được xuất gia. Vị ấy mang theo các y, cùng với một số tùy tùng đông đảo, đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài, và xin xuất gia. Ðược xuất gia và được thọ đại giới, vị ấy phát triển thiền quán không gián đoạn, không bao lâu chứng quả A-la-hán.
Một hôm, các Tỷ-kheo hội họp tại Chánh pháp đường nói lời tán thán con trai triệu phú ấy:
- Thưa các Hiền giả, con trai vị triệu phú này, trong giờ phút nguy hiểm cho mình, đã biết được công đức của Giáo pháp, nghĩ đến xuất gia để thoát khỏi đau khổ ấy. Nhờ khéo suy tư như vậy, nên vị ấy được thoát nạn, được xuất gia, và chứng quả A-la-hán tối thượng.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi đề tài được bàn luận, sau khi biết câu chuyện, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỳ-kheo, con trai triệu phú Uttara, trong giờ phút nguy hiểm xảy ra cho mình, đã nghĩ đến phương tiện ấy để thoát khỏi sự đau khổ kia, và được thoát chết.
Thuở trước, các nhà hiền trí, khi nguy hiểm xảy ra cho mình, cũng đã nghĩ đến phương tiện ấy để giải thoát sự đau khổ kia. Nhờ suy nghĩ như vậy, họ được thoát khỏi đau khổ do nạn chết đem lại.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh nhiều lần, rối sanh ra làm con chim cun cút. Lúc bấy giờ, có một người thợ săn chim cun cút, thường bắt nhiều cun cút trong rừng, đem về nhà, nuôi dưỡng chúng cho mập. Sau khi lấy tiền, anh ta bán chúng cho những người đi đến, và nuôi sống với nghề như vậy.
Một hôm anh ta bắt được Bồ-tát với nhiều con chim cun cút khác và đem về nhà. Bồ-tát suy nghĩ: "Nếu ta ăn đồ ăn và uống nước của người này, nó sẽ bắt ta và đưa cho những người đến xem. Nếu ta không ăn, ta sẽ trở thành ốm yếu, và thấy ta ốm yếu, các người ấy sẽ không bắt ta làm gì. Như vậy ta được an toàn. Ta hãy làm theo phương tiện này". Bồ-tát làm theo như vậy, cho đến khi chỉ còn da và xương. Người ấy thấy chim quá ôm nên không bắt.
Sau khi bán hết các con chim khác trừ Bồ-tát, anh ta đem Bồ-tát ra khỏi lồng, đặt lồng ở nơi cửa, để Bồ-tát trên lòng bàn tay và nhìn xem con cun cút này có đau bệnh gì. Biết được người thợ săn không chú ý, Bố tát xòe cánh lên và bay vụt về rừng. Các con chim cun cút khác thấy Bồ-tát liền hỏi:
- Sao không thấy mặt bạn, bạn đi đâu vậy?
- Ta bị người thợ săn bắt.
- Làm sao bạn lại thoát được?
- Vì ta không ăn đồ ăn nó cho, không uống nước của nó, nhờ nghĩ đến phương tiện này, ta được thoát.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Không suy nghĩ, người này,
Không được lợi đặc biệt,
Hãy xem quả suy tư!
Ta thoát trói, thoát chết.
Như vậy, Bồ-tát kể lại sự việc mình đã làm.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy, con chim cun cút thoát chết là Ta vậy.
-ooOoo-
119. CHUYỆN CON GÀ GÁY PHI THỜI (Tiền thân Akàlaràvi)
Không cha mẹ nuôi dưỡng...,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ viên bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo làm ồn phi thời, Tỷ-kheo ấy là một thiện nam tử ở Xá vệ, xuất gia trong giáo pháp, nhưng không làm các phận sự của mình hay học pháp. Vị ấy không biết: Thời này, ta phải làm việc này; thời này, ta phải hầu hạ; thời này, ta phải học hành. Trong một canh, canh giữa và canh cuối và trong những giờ thức giấc, vị ấy làm ồn, khiến cá Tỷ-kheo không thể ngủ được.
Tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói đến hạnh không tốt của vị ấy:
- Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo tên ấy, xuất gia trong pháp bảo như vậy, nhưng không biết phận sự hay học pháp đúng thời hay phi thời.
Bậc Ðạo Sư đến, hỏi các câu chuyện đang bàn luận, sau khi được biết vấn đề, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay vị ấy mới làm ồn phi thời như vậy, mà thuở trước, vị ấy cũng đã làm ồn phi thời. Do không biết thời và phi thời, vị ấy đã bị vặn cổ chết.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở phương tây bắc. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài vượt qua biên giới, học tất cả tài nghệ, trở thành vị sư trưởng có tiếng khắp nhiều phương, và dạy nghề cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Các người thanh niên ấy có một con gà trống gáy đúng giờ giấc. Khi nghe tiếng gà gáy, họ thức dậy học bài. Khi con gà ấy chết đi, họ đi tìm một con gà khác.
Một thanh niên đi nhặt củi trong khu rừng có nghĩa địa, thấy một con gà trống, liền bắt nó về, nhốt trong chuồng và nuôi nó. Vì quen sống ở nghĩa địa, nó không biết giờ nào cần phải gáy, có khi nó gáy lúc nửa đêm, có khi nó gáy lúc rạng đông. Khi các thanh niên ấy nghe nó gáy lúc nửa đêm, họ thức dậy học bài, cho đến rạng đông họ quá mệt không học được nữa. Vì buồn ngủ, họ không thấy được vấn đề cần phải thấy. Và khi quá sáng, con gà ấy gáy ồn ào họ không có cơ hội yên tĩnh để học ôn bài. Các thanh niên Bà-la-môn suy nghĩ: "Con gà này gáy vào nửa đêm, hoặc ban đêm, hoặc ban ngày. Do đó, chúng ta học không có kết quả". Vì vậy, họ bắt con gà ấy vặn cổ cho chết đi, và báo cáo lên sư trưởng biết:
- Vì con gà gáy phi thời, chúng tôi đã giết nó rồi.
Vị sư trưởng lấy đó làm bài học và nói:
- Do nó không được dạy dỗ tốt, nên nó phải chết.
Rồi sư trưởng đọc bài kệ.
Không mẹ cha nuôi dưỡng,
Không thầy, dạy dỗ nó,
Con gà này không biết
Ðúng thời hay phi thời.
Sau khi nêu rõ lời dạy về sự việc này, Bồ-tát sống hết thọ mạng rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau.
- Thời ấy, con gà gáy phi thời là vị Tỷ-kheo này, các đệ tử là hội chúng đức Phật, còn sư trưởng là Ta vậy.
-ooOoo-
120. CHUYỆN GIẢI THOÁT SỰ TRÓI BUỘC (Tiền thân Bandhanamokkha)
Chỗ này kẻ ngu nói...,
Câu chuyện này, khi trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về thiếu nữ Bà-la-môn Cinca. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Mahàpaduma, Chương mười hai (số 472). Lúc bấy giờ, bậc Ðạo sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay thiếu nữ Bà-la-môn này vu cáo Ta điều không có thật. Thuở trứơc, nó cũng đã vu cáo rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát lớn lên trong gia đình một người cố vấn tế tự, và sau khi cha mất, Bồ-tát kế nghiệp chức vụ ấy. Lúc ấy hoàng hậu được vua cho một ước nguyện.
- Này Hoàng Hậu, nàng muốn gì, hãy nói lên.
Hoàng hậu nói như sau.
- Lời ước nguyện của thiếp không khó thực hiện. Từ nay trở đi Ðại vương không được nhìn một nữ nhân khác với con mắt luyến ái.
Ban đầu, vua từ chối, nhưng sau, bị nàng bức bách nhiều lần, không thể bỏ qua lời của hoàng hậu, vua phải chấp nhận, và từ đấy trở đi, vua không bao giờ nhìn một nữ nhân nào trong số mười sáu ngàn vũ nữ.
Rồi một cuộc nổi loạn khởi lên ở biên địa. Quân lính ở biên địa, sau hai ba lần giao chiến với các tên cướp, đưa tin về cho vua là họ không thể dẹp loạn được. Vua muốn đi đến đấy, liền tập họp một đội binh lớn, cho gọi hoàng hậu đến và nói.
- Này hiền thê, ta ra biên địa, tại đấy chiến trận đủ loại xảy ra, sẽ đưa đến chiến thắng hay chiến bại. Những chỗ ấy không thích hợp với nữ nhân. Hoàng hậu hãy ở lại đây.
Hoàng hậu nói.
- Thưa Ðại vương, thiếp không thể ở lại đây.
Khi bị vua từ chối nhiều lần, hoàng hậu nói.
- Vậy sau khi đi được mỗi dặm, Ðại vương hãy gửi một người về để hỏi thăm sức khoẻ của thiếp.
Nhà vua chấp nhận. Bồ-tát ở lại trong thành, còn vua ra đi với một đội quân lớn, cứ đi mỗi dặm, lại gửi một người về với trách nhiệm tin cho biết sức khoẻ của nhà vua và hỏi thăm hoàng hậu có được an lạc không. Khi có một người đàn ông đi về, nàng hỏi:
- Vua sai ngươi về có mục đích gì?
- Ðể hỏi hoàng hậu có được an lạc không.
Hoàng hậu bảo người ấy đến và sống phi pháp với nó. Vua đi đường được ba mươi hai dặm, gửi về ba mươi hai người, và hoàng hậu sống phi pháp với tất cả bọn họ.
Sau khi dẹp loạn xong, bình định được quốc độ, trên đường về, vua cũng gửi về ba mươi hai sứ giả. Hoàng hậu cũng sống phi pháp với họ. Cho quân thắng trận dừng chân gần thành, vua gửi tin nhắn Bồ-tát sửa soạn thành phố để đón tiếp ngài.
Bồ-tát cho sửa soạn thành phố xong, mới sửa soạn cung điện để đón vua và đi đến cung thất của hoàng hậu. Hoàng hậu thấy thân thể của Bồ-tát tuyệt đẹp, không thể dằn lòng nổi, liền nói:
- Này Bà-la-môn, hãy đáp lại tình yêu của ta.
Bồ-tát nói:
- Chớ nói vậy! Hãy kính trọng vua. Tôi sợ điều bất thiện. Tôi không thể làm như vậy được.
- Sáu mươi bốn tên sứ giả đã không kính trọng vua, đã không sợ điều bất thiện, vậy ngươi lại kính trọng vua và sợ điều bất thiện sao?
- Thưa vâng, nếu họ suy nghĩ, họ đã không làm như vậy, nhưng vì tôi có biết điều phải, tôi sẽ không làm việc ác này.
- Ðừng nói bậy nhiều như vậy! Nếu ngươi không làm theo lời ta, ta sẽ bảo chặt đầu ngươi.
- Thôi được, dầu cắt đầu tôi trong một đời này hay trong trăm ngàn đời, tôi cũng không thể làm như vậy.
- Hãy để đấy, rồi sẽ biết tay ta.
Hoàng hậu đe dọa Bồ-tát, rồi đi vào trong phòng của mình, lấy móng tay cào trên thân, lấy dầu thoa tay chân, mặc áo dơ bẩn vào, giả bệnh và cho gọi các nữ tỳ:
- Nếu vua có hỏi hoàng hậu ở đâu, thì trả lời hoàng hậu bị bệnh.
Trong lúc ấy Bồ-tát đi đón vua. Sau khi đi vòng quanh thành phố, vua ngự lên cung điện, không thấy hoàng hậu, liền hỏi hoàng hậu ở đâu. Khi được trả lời hoàng hậu bị bệnh, vua đi vào phòng hoàng hậu, xoa lưng hoàng hậu và hỏi:
- Hoàng hậu đau bệnh gì?
Hoàng hậu im lặng. Khi vua hỏi lần thứ ba, hoàng hậu nhìn vua và nói:
- Thưa Ðại Vương, nay Ðại vương còn sống, nhưng nữ nhân như thiếp cần phải có một người chồng.
- Ái khanh nói gì lạ vậy?
- Ðại vương đặt địa vị cố vấn tế tự ở lại giữ thành, nó lấy cớ là sửa sang nội cung, đến đây, và vì thiếp không làm theo lời nó, nó đánh đập thiếp cho thoả mãn ý của nó rồi bỏ đi.
Vua đùng đùng nổi giận, như muối và đường bỏ vào lửa, vụt đi ra khỏi cung phòng. Vua cho gọi các người gác cửa, các lính bộ binh đến, bảo họ bắt Bồ-tát ngay, trói cánh tay ra sau lưng như người bị xử án chém, rồi dẫn ra khỏi thành, đến pháp trường xử trảm. Họ đi thật mau, trói cánh tay vị cố vấn tế tự ra sau lưng và cho đánh trống báo tin có hành quyết. Bồ-tát suy nghĩ: "Như vậy nhà vua đã bị hoàng hậu độc ác đầu độc trước rồi. Hôm nay, ta phải cứu ta khỏi tai ương này với sức của mình". Vì thế, Bồ-tát nói với những người lính:
- Trước khi các người giết ta, hãy đưa ta yết kiến vua.
- Ðể làm gì?
- Vì ta là người phục vụ vua, đã làm được nhiều công việc. Ta biết tài sản chôn dấu rất nhiều. Chính ta quản lý đất ruộng nhà vua. Nếu ta không gặp vua, thì nhiều tải sản sẽ bị tiêu diệt. Sau khi ta nói cho vua biết gia sản của vua, các ngươi hãy làm bổn phận của mình.
Họ đưa vị cố vấn tế tự đến gặp vua. Vua thấy vị ấy liền nói:
- Này Bà-la-môn, ngươi không xấu hổ đối với ta sao? Sao ngươi lại làm ác hạnh như vậy?
- Thưa đại vương, tôi sinh ra trong gia đình Bà-la-môn thượng lưu. Từ trước đến nay, tôi không sát sanh ngay cả một con kiến. Từ trước đến nay, tôi không lấy của không cho, ngay cả một cọng cỏ. Từ trước đến nay, tôi không nhìn đến một nữ nhân của người khác với con mắt luyến ái, dù chỉ một cái liếc mắt đưa tình. Từ trước đến nay, tôi không nói một lời nói dối, dầu chỉ để đùa vui. Tôi không có uống rượu, dù chỉ một giọt bằng ngọn cỏ Kusa. Tôi hoàn toàn vô tội đối với đại vương. Nhưng hoàng hậu độc ác kia đã cầm tay tôi với tâm tư đầy dục vọng, nói toạc cho tôi biết ác hạnh bí mật của mình trước khi đi vào cung phòng. Trước tôi đã có sáu mươi bốn người sứ giả đến đây, đem theo thông điệp của đại vương gửi hoàng hậu, những người ấy đều có tội. Hãy gọi họ đến đây và hỏi từng người trong bọn họ có làm như hoàng hậu đã bảo hay không.
Vua cho gọi sáu mươi bốn người kia và hoàng hậu đến và hỏi họ có làm như hoàng hậu đã bảo hay không. Họ thú nhận có làm. Nhà vua sai trói họ lại và ra lệnh chặt đầu cả sáu mươi bốn người ấy. Ðến đây, Bồ-tát thưa:
- Thưa đại vương, những người này không có tội! Chúng chỉ làm theo sở thích của hoàng hậu. Chúng vô tội, vậy hãy tha cho chúng! Còn hoàng hậu cũng không có tội. Tánh dâm dục của hoàng hậu không bao giờ thoả mãn, sanh ra đã như vậy rồi! Hoàng hậu chỉ làm thuận theo bản tánh của mình thôi! Do vậy, hãy tha thứ cho hoàng hậu.
Như vậy, bằng nhiều cách, Bồ-tát làm cho vua hiểu rõ sự việc, cứu mạng sống sáu mươi bốn người ấy và bà hoàng hậu ngu si, và xin vua ban cho họ những trú xứ để ở. Sau khi tất cả mọi người được giải thoát và được cho chỗ ở, Bồ-tát đến vua và thưa:
- Thưa Ðại vương, lời nói buộc tội không căn cứ của kẻ ngu si và đui mù làm cho các bậc hiền trí bị trói vào chỗ không xứng đáng, bị trói quặp cánh tay sau lưng; còn lời nói của bậc hiền trí là nguyên nhân khiến kẻ ngu si thoát khỏi bị trói tay sau lưng. Như vậy, lời kẻ ngu trói buộc một cách không thích đáng, còn lời nói bậc hiền trí thời giải thoát các trói buộc.
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Chỗ nào kẻ ngu nói,
Chúng trói kẻ vô tội,
Chỗ nào bậc trí nói,
Cứu thoát kẻ bị trói.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ với bài kệ này, thuyết pháp cho vua và nói:
- Tôi gặp sự đau khổ này là vì còn sống đời gia đình. Nay tôi không có công việc gì trong gia đình nữa. Hãy cho phép tôi được xuất gia.
Sau khi được phép xuất gia, từ bỏ bà con thân thuộc, từ bỏ tài sản lớn, Bồ-tát làm bậc tiên nhân du sĩ, sống ở Tuyết Sơn, đạt được các thắng trí và Thiền chứng và tái sanh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân như sau:
- Thời ấy bà hoàng hậu độc ác là thiếu nữ Bà-la-môn Cinca, vua là Ànanda, còn vị cố vấn tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
(Hết Tiểu Bộ IV)
-ooOoo-
Chân thành cám ơn anh Bình Anson đã gửi tặng TVHS phiên bản vi tính (Tâm Diệu, 05/2002).