Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não

18/04/201301:32(Xem: 6569)
Chương 01: Đời sống của tác giả trước khi tai biến não

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ
SỰ PHỤC HỒI

Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm


CHƯƠNG 1

ĐỜI SỐNG CỦA TÁC GIẢ TRƯỚC KHI TAI BIẾN NÃO

Tôi là nhà nghiên cứu tế bào não bộ, đã được huấn luyện, thực tập và đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu. Tôi sinh trưởng ở thành phố Terre Haute thuộc tiểu bang Indiana. Một người anh của tôi, chỉ lớn hơn tôi 18 tháng tuổi, mắc bệnh tâm thần phân liệt. Anh được chính thức chẩn đoán là mắc bệnh này ở tuổi 31, nhưng thực ra anh đã có triệu chứng của bệnh từ nhiều năm trước. Từ thời thơ ấu, anh đã tỏ ra khác hơn tôi về cách nhìn thực tại và cách đối xử với mọi người. Do vậy, tôi rất có hứng thú tìm hiểu về bộ óc con người từ lúc còn bé. Tôi đã thường tự hỏi, vì sao mà hai anh em cùng quan sát một sự việc vừa mới xảy ra, lại có thể đi đến hai lời giải thích khác nhau. Sự khác biệt về nhận thức, về cách tiếp thu và phân tích dữ kiện giữa hai anh em tôi, đã thúc đẩy tôi trở thành một nhà khoa học về não bộ.

Tôi bắt đầu 4 năm đại học từ cuối thập niên 1970 ở đại học Indiana, thành phố Bloomington. Do sự giao tiếp với người anh của tôi mà tôi rất muốn biết thế nào là một con người “bình thường” trên bình diện trí óc. Lúc bấy giờ, khoa tế bào não bộ học hãy còn phôn thai và chưa được giảng dạy ở đại học như một phân khoa riêng biệt. Nhưng nhờ môn cơ thể học và sinh học mà tôi được biết ít nhiều về bộ óc con người. Công việc đầu tiên tôi nhận được sau 4 năm tốt nghiệp không ngờ là một ân đức lớn trong đời học hỏi. Tôi được tuyển làm cán sự ở phòng thí nghiệm của viện đại học, mà thời gian được phân chia làm hai phần: một là nghiên cứu về giải phẫu nhân thể học và hai là giải phẫu tế bào thần kinh. Trong suốt hai năm, tôi say mê trong lãnh vực y học này dưới sự hướng dẫn của giáo sư tiến sĩ Robert C. Murphi, và tôi thích mổ xẻ cơ thể con người để tìm hiểu và học hỏi.

Bỏ qua việc lấy bằng thạc sĩ, sáu năm kế tiếp tôi đã ghi danh học chương trình tiến sĩ trong phân khoa sinh học. Năm đầu tôi học phần lớn các lớp của y khoa, và công trình nghiên cứu của tôi lại chuyên về giải phẫu tế bào thần kinh não dưới sự hướng dẫn của giáo sư tiến sĩ William J. Anderson. Tôi tốt nghiệp tiến sĩ năm 1991, và cảm thấy đủ tự tin để giảng dạy các môn giải phẫu nhân thể, giải phẫu tế bào não và sinh học cho sinh viên ở đại học y khoa.

Trở lại thời điểm 1988, khi tôi đang làm công việc cán sự ở phòng thí nghiệm nghiên cứu về não bộ, thì anh tôi chính thức được giới y học xác định mắc phải chứng bệnh tâm thần phân liệt. Về phương diện sinh học thì anh em tôi là hai hiện hữu gần giống nhau nhất trên thế gian này. Nên tôi muốn tìm hiểu tại sao tôi đã có thể đem ước mơ gắn liền với thực tế và biến chúng thành hiện thực, còn bộ óc của anh tôi thay vì làm việc đó thì lại chỉ phát sinh ra hoang tưởng? Vì vậy, tôi rất hăm hở theo đuổi việc nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt này.

Tiếp theo lễ tốt nghiệp tiến sĩ ở đại học Indiana, tôi được mời làm việc trong chương trình nghiên cứu hậu đại học của trường đại học y khoa Harvard, phân khoa thần kinh. Tôi đã nghiên cứu trong 2 năm, dưới sự hướng dẫn của giáo sư tiến sĩ Roger Tootell, trên bộ phận vỏ não liên quan đến thị giác. Tôi rất hứng thú trong công cuộc nghiên cứu này vì đa số những người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường cho thấy họ có cái nhìn rất bất thường khi quan sát những vật chuyển động. Sau đó, tôi đã xin chuyển qua nghiên cứu ở phân khoa tâm thần. Mục đích của tôi là được nghiên cứu dưới sự chỉ dẫn của giáo sư tiến sĩ Francine M. Benes trong bệnh viện McLean. Tiến sĩ Benes là chuyên gia nổi tiếng về việc giải phẫu não bộ những người bệnh tâm thần phân liệt sau khi chết, để tìm hiểu và giải thích tại sao họ đã bệnh như vậy. Tôi tin tưởng công trình nghiên cứu này sẽ giúp tôi chữa trị được những người đã mắc chứng bệnh rối loạn não bộ như ông anh của tôi.

Một tuần trước khi sang nhận công việc nghiên cứu mới ở bệnh viện McLean, tôi được mời dự buổi điều trần hằng năm - năm ấy là 1993 - của “Hội bạn người bệnh tâm thần toàn quốc” ở Miami, Florida. Lúc đó, Hội có khoảng 40 ngàn hội viên có người nhà mắc bệnh tâm thần. Hiện nay, 2009, con số đó đã tăng lên đến khoảng 220 ngàn. Chuyến đi này làm thay đổi hẳn đời tôi. Ở cuộc điều trần, tôi đã hiểu được nỗi đau của 40 ngàn gia đinh có thân nhân bị bệnh, cũng như gia đình tôi, mà chưa tìm ra được nguyên nhân và cách cứu chữa. Hội họp ở đây là để báo động cho chính quyền và những người có trách nhiệm trong giới y học phải quan tâm giải quyết, vì đó là sự đòi hỏi của người dân về công bằng xã hội. Khi trở về lại bệnh viện McLean để bắt tay vào việc nghiên cứu bệnh, tôi rất hăm hở và đầy nhiệt tình. Không những tôi muốn cứu anh tôi, mà tôi còn muốn cứu cả mấy mươi ngàn người qua cuộc điều trần ở Miami. Với nhiệt tình tuổi trẻ, với sự thông cảm nỗi đau của gia đình có người bệnh và với kiến thức của một nhà khoa học về bệnh tâm thần, năm sau - 1994 - tôi được đề cử vào ủy ban điều hành của Hội. Thật là một vinh dự và cũng là trách nhiệm rất lớn lao với một người trẻ tuổi như tôi - mới có 35 tuổi, trong khi tuổi trung bình trong ủy ban là 67. Hằng năm tôi đều tham dự các cuộc họp tổ chức khắp toàn quốc để tường trình những tiến bộ trong việc nghiên cứu của chúng tôi. Bấy giờ tôi lại được cho biết rằng phòng thí nghiệm ở bệnh viện McLean thật sự cần thêm não bộ của người bệnh đã chết để nghiên cứu. Một năm phòng thí nghiệm chỉ nhận được có vài ba bộ não của người chết gửi tặng thì không đủ vào đâu. Khi tôi đi tham dự các phiên họp, tôi đã kêu gọi sự đóng góp, thì số não bộ hiến tặng đã tăng lên được 35. Nhưng hằng năm ngân hàng não phải có trên 100 bộ não thì mới đủ cho công cuộc nghiên cứu. Qua sự nghiên cứu, chúng tôi đã tìm thấy có ba hệ thống hóa chất khác nhau làm công việc tiếp nối sự “truyền tin” trong mỗi bộ óc. Nhờ những hóa chất này, như dopamine là một, mà các tế bào thần kinh có thể chuyển tin tức cho nhau. Nếu chúng tôi nhận biết được các hóa chất này, sự vận hành vi tế giữa các mạch tế bào não, biết được liều lượng hóa chất cần thiết của não bộ từng người bệnh, chúng tôi có thể điều trị những chứng bệnh này bằng những loại thuốc với liều lượng hiệu quả hơn.

Công trình nghiên cứu của tôi đã được đăng trên báo y học “Bio Techniques Journal” đầu Xuân 1995; và đến năm 1996, tôi được giải thưởng của đại học y khoa Harvard, phân khoa tâm thần về kết quả nghiên cứu này. Tôi thật lạc quan và yêu đời. Nhưng rồi một sự kiện không thể ngờ xảy ra. Tôi đang ở giữa độ tuổi ba mươi. Con đường sự nghiệp đang đi lên. Thì bỗng nhiên trong chớp mắt, màu hồng tươi thắm của cuộc đời và những viễn cảnh đẹp đẽ của tương lai đã tan thành mây khói. Tôi thức dậy buổi sáng ngày 10 tháng 12 năm 1996 để khám phá ra rằng não bộ của chính tôi cũng đã mang bệnh. Tôi đang bị xuất huyết não!

Trong vòng 4 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tôi theo dõi và thấy tâm trí tôi từ từ hủy hoại trong khả năng phân tích sự vật xung quanh qua các giác quan của tôi. Một hình thức xuất huyết não hiếm hoi xảy ra đã làm cho cơ thể tôi hoàn toàn tê liệt, từ khả năng đi đứng, nói năng, đọc viết, hoặc hồi tưởng lại mọi việc trong đời. Tới đây, tôi nghĩ rằng độc giả muốn biết ngay những gì đã xảy ra cho tôi trong buổi sáng xuất huyết não ấy. Nhưng hãy khoan. Để quý vị có thể hiểu được những gì đã xảy ra trong não bộ khi nó bị xuất huyết, tôi xin trình bày trong chương 2 và 3 sau đây vài điều cơ bản về khoa não bộ học.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]