Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Viên Thông Về Thân Căn

23/11/201217:05(Xem: 11321)
10. Viên Thông Về Thân Căn

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông


X. VIÊN THÔNG VỀ THÂN CĂN

Kinh: Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật rồi thưa rằng: “Lúc ban đầu mới phát tâm theo Phật vào Đạo, thường nghe Như Lai dạy về những việc không thể vui được trong thế gian. Đang khi khất thực trong thành, giữa đường, tâm suy nghĩ về pháp môn Phật dạy; thình lình bị gai độc đâm chân, toàn thân đau đớn. Tâm niệm tôi có biết sự đau đớn ấy; tuy biết đau đớn mà cũng biết cái tâm thanh tịnh không có cái đau và cái biết đau. Tôi lại suy nghĩ, vậy thì chỉ một thân lại có hai cái biết. Nhiếp tâm chẳng bao lâu thân tâm bỗng nhiên rỗng không, trong khoảng hai mươi mốt ngày, các lậu đều tiêu hết, thành quả A La Hán, được Phật ấn chứng là bậc Vô Học.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi thì thuần một Giác Tánh, tan mất cái thân, đó là Thứ Nhất”.

Thông rằng: Ông Tất Lăng Già Bà Ta gọi thần sông là “con Tì” [Tì: đầy tớ gái. Ông Trưởng Lão Tất Lăng Già Bà Ta hay sợ đau mắt; ông đi khất thực thường phải qua sông Hằng. Đến bờ sông, khảy móng tay rồi nói: “Tớ gái nhỏ, ngừng lại, đừng cho chảy”. Nuớc liền rẽ hai cho ông đi qua. Bà Thần sông Hằng đến nơi Phật bạch rằng: “Đệ tử Phật, Ông Tất Lăng Già Bà Ta, thường hay mắng tôi là : Tớ gái nhỏ, ngưng lại, đừng cho chảy”. Đức Phật dạy Ông Tất Lăng Già Bà Ta xin lỗi, ăn năn với Bà Thần sông Hằng. Ông Tất Lăng Già Bà Ta liền chấp tay, nói với Bà Thần sông: “Cô tớ gái nhỏ, nay ăn năn xin lỗi cô”. Đại chúng cười rộ. Nói rằng sao xin lỗi mà lại còn mắng vậy. Đức Phật dạy Bà Thần sông Hằng: “Bà thấy Ông Tất Lăng Già Bà Ta chấp tay ăn năn xin lỗi chăng? Ăn năn xin lỗi không có kiêu căng, nhưng còn lời nói. Nên biết chẳng phải hung dữ. Người này năm trăm đời đến nay thường đầu thai vào nhà Bà La Môn. Hằng ỷ mình sang, khinh hèn người khác, là chỗ thói quen xưa nay. Chỉ miệng nói mà thôi, lòng không có kiêu ỷ. Các vị A La Hán cũng y như vậy: tuy dứt lìa các sự ràng buộc, xui khiến sai biểu, nhưng dường còn thừa thói cũ”]. Vì trong các đời trước có thói quen quí tộc, hiện tại không thể bỏ quên thân thể. Nên khi gai độc đâm vào chân, toàn thân đau đớn bèn tỉnh nhập.

Tuy có cái Biết để biết cái đau, nhưng cái Biết là Tâm Thanh Tịnh, lìa ngoài Năng và Sở, sự đau đớn không thể đến được. Đau là cái bị biết, thì cái Biết có thể biết nó. Còn cái Biết là cái Hay Biết, thì cái đau không thể làm nó đau. Một cái có sự đau, một cái không đau. Đã biết có đau lại biết không đau, thế thì một thân lại có hai cái Biết sao?

Cái Biết duy chỉ Một cái Chân, biết đau tức là Vọng. Do đó, nhiếp tâm niệm: ngoài quên mất thân thể, chỗ biết đều biến mất; trong quên mất tâm, cái Hay Biết cũng tan. Thân và tâm bỗng nhiên rỗng không, liền chứng Vô Học. Chỉ còn một cái Giác Thanh Tịnh, nên gọi là thuần một Giác Tánh. Ở trong cái Thuần Giác, thì Năng và Sở đều xa lìa. Thế mới tan mất cái thân, thân đã tan biến, thì thoát khỏi lập tức các việc không thể vui thích của thế gian.

Xưa, Đức Tứ Tổ Ưu Bà Cúc Đa có gặp một người bám trước Thân Kiến xin cứu độ.

Tổ nói: “Cầu pháp cứu độ thì phải tin lời ta, chẳng trái lời ta dạy”.

Người ấy nói: “Đã đến cầu Thầy, thì phải nghe lời răn dạy”.

Tổ bèn biến ra một bờ núi hiểm trở, trên chót có nhô ra một cây cao. Tổ dạy người ấy trèo lên cây. Lại ở dưới cây, hóa ra một cái hố lớn, sâu rộng ngàn tầm. Tổ dạy buông chân, người ấy tuân lời, buông hai chân ra. Dạy buông một tay, người ấy thả một tay. Lại dạy thả tay kia, người ấy đáp rằng: “Nếu thả luôn tay kia thì rớt xuống hố chết mất”.

Tổ nói: “Trước đã cam kết là tuân lời dạy, nay sao trái với ta!”

Khi ấy, người kia sự thương thân liền diệt, thả tay rơi xuống, thì chẳng thấy cây, thấy hố đâu cả. Liền chứng đạo quả.

Ngài Huyền Sa ban đầu muốn đi khắp nơi tìm hỏi thiện tri thức. Quảy gói ra khỏi núi, ngón chân bị vấp chảy máu, đau nhức.

Ngài than: “Thân này chẳng phải có, đau từ đâu đến?”

Bèn trở về Tổ Tuyết Phong.

Tổ Tuyết Phong hỏi: “Cái gì là Huyền Sa Sư Bị đầu đà?”

Ngài nói: “Trọn đời chẳng dám dối gạt người”.

Lại một ngày nọ, Tổ kêu lại hỏi: “Bị đầu đà sao chẳng đi khắp nơi mà học hỏi?”

Ngài nói: “Đạt Ma chẳng đến Đông Độ, Nhị Tổ chẳng qua Tây Thiên”.

Tổ ưng nhận.

Ngài Vân Môn mới đầu ra mắt Tổ Mục Châu. Tổ Châu vừa thấy, liền đóng cửa. Ngài Vân Môn bèn gõ cửa.

Tổ Châu hỏi: “Ai?”

Ngài đáp: “Tôi đây”.

Tổ nói: “Làm gì thế?”

Mục Châu nói: “Việc mình chưa rõ, xin thầy chỉ bày”.

Tổ Châu mở cửa, nhìn một cái, liền đóng lại. Cứ vậy, liên tiếp gõ cửa ba ngày. Đến ngày thứ ba, Tổ Châu mở cửa, Vân Môn bèn sấn vào. Tổ Châu nắm đứng lại, hét: “Nói, nói!”

Vân Môn suy nghĩ, thì Tổ Châu bèn xô ra, nói: “Cái đồ vô dụng hết xài!”

Rồi đóng sập cửa, làm kẹt một chân của Vân Môn. Vân Môn liền triệt ngộ.

Tổ chỉ qua tham vấn Tuyết Phong.

Như hai ngài Huyền Sa, Vân Môn cũng là sự trở lại của Tất Lăng Già Bà Ta vậy! Còn mình đây cũng bị đau chân mà tập khí chẳng chịu trừ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]