Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Chỉ Chỗ Điên Đảo

23/11/201217:05(Xem: 11406)
08. Chỉ Chỗ Điên Đảo

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 2: Chỉ Rõ Tánh Thấy

 

VIII. CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO

Kinh: Ông Anan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật, chắp tay, quỳ dài, bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, nếu cái Thấy-Nghe này thật không Sanh Diệt thì tại sao Đức Thế Tôn lại bảo rằng chúng tôi đều bỏ mất Chân Tánh, làm việc điên đảo, lộn ngược. Xin Phật mở lòng từ bi rửa sạch trần cấu [Bụi dơ] cho chúng tôi”.

Khi ấy, Đức Như Lai liền duỗi cánh tay kim sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo Ông Anan: “Như nay ông thấy tay Mẫu Đà La [Mudra, còn gọi là Kiết Tường Thủ. Tức là kiết cái ấn quyết định (Quyết Định Ấn)] của Ta là chánh hay đảo (ngược)?”

Ông Anan bạch: “Chúng sanh thế gian cho đó là đảo ngược, còn tôi thì chẳng biết cái nào là chánh, cái nào là đảo”.

Phật bảo Ông Anan: “Nếu người thế gian cho vậy là đảo, thì người thế gian cho thế nào là chánh?”

Ông Anan bạch Phật: “Đức Như Lai đưa cánh tay lên, tay Đâu La Miên chỉ lên không thì gọi là chánh”.

Phật liền đưa cánh tay lên và bảo Ông Anan: “Cái điên đảo (lộn ngược) như thế chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau thôi. Các người thế gian đều điên đảo gấp bội mà xem mà thấy. Nay lấy cái thân ông và Pháp Thân thanh tịnh Như Lai so sánh mà phát minh thì Thân của Như Lai gọi là Chánh Biến Tri, còn thân của các ông gọi là tánh điên đảo. Tùy ông xét kỹ: Thân ông, Thân Phật, cái gọi là điên đảo lộn ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là điên đảo?”

Thông rằng: Cái Pháp Thân thanh tịnh là cái Diệu Tâm mầu sáng, thuần chân vậy. Cái Thấy, Nghe, Hay, Biết (Kiến Văn Giác Tri) là vật bày hiện ra [Cái Dụng] ở trong Diệu Tâm vậy. Về gốc là Chánh, đuổi theo ngọn là Đảo (ngược). Thí như bọt nước sanh ra nơi biển, nhận biển là Chánh, nhận bọt là Đảo.

Phật hỏi Ông Anan: “Nay ông thấy Ta thả tay xuống là chánh hay đảo?”, thì chỉ nên ở nơi chỗ tự thấy mà tỉnh ngộ mạnh mẽ: cái nào chánh, cái nào đảo, chớ chẳng nên ở nơi tay Như Lai mà phân chánh, phân đảo.

Như ông Tu Bồ Đề ngồi yên tịnh trong hang núi, thấy Pháp Thân Như Lai chẳng duyên với Căn, Thức đó gọi là Chánh Biến Tri. Còn nếu lấy con mắt của Ông Anan để đối với tay của Như Lai, lại còn ở tay mà phân Chánh, phân Đảo đây bèn là chỗ động dụng của sáu Thức, bỏ gốc theo ngọn, đã lìa chánh vị nên gọi là tánh điên đảo, lộn ngược.

Mới đầu, Ông Anan lấy tay buông xuống làm đảo, lời nói còn mơ hồ. Đến khi hỏi “Lấy gì làm Chánh?”, thì lấy tay đưa lên làm chánh, mới biết chỗ Ông Anan cho là chánh và đảo đó chỉ là sự biện biệt căn cứ vào tay, chẳng phải ở nơi cái Thấy mà biện biệt. Sự ngắm nhìn đó đã là điên đảo vậy. Tay buông xuống, đầu đuôi thuận nhau, vốn là chánh, mà người đời cho đó là đảo! Tay đưa lên, đầu đuôi đổi chỗ, vốn là đảo mà người đời cho đó là chánh! Thế là ở trong sự ngắm nhìn điên đảo, lại còn chồng thêm điên đảo! Cho nên, so sánh phát minh thì bỏ mất cái Pháp Thân trong sạch mà nhận Thấy, Nghe, Hay, Biết đã là điên đảo. Lại chấp cái Thấy, Nghe, Hay, Biết ở trong sắc thân cho là chẳng sanh diệt mà bảo rằng đó là chánh chứ chẳng phải đảo, thì chẳng phải là trong điên đảo lại chồng thêm điên đảo sao?

Có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn: “Bình thường Ngài dạy học nhơn hành điểu đạo [Đường chim, chỉ địa vị đến chỗ khó trên đường tu thiền: Hiểm khổ như đường chim. Lại còn chỉ địa vị đến đường rộng lớn mênh mông, không bờ cõi (như trên trời rộng lớn), như dấu vết con chim trong thinh không], chưa rõ thế nào là điểu đạo?”

Tổ Sơn nói : “Không gặp một người”.

Hỏi: “Hành (đi) như thế nào?”

Tổ Sơn: “Chính phải dưới chân không tư riêng”.

Hỏi: “Chỉ như chỗ hành điểu đạo, chẳng phải ấy là Bổn Lai Diện Mục [Cái xưa nay trước mắt] đó sao?”

Tổ Sơn rằng: “Thầy Xà Lê nhân sao điên đảo quá lắm?”

Hỏi: “Chỗ nào là điên đảo của kẻ học nhân?”

Tổ Sơn rằng: “Nếu không điên đảo, vì sao lại nhận tôi tớ làm chồng?”

Hỏi: “Như thế nào là Bổn Lai Diện Mục?”

Tổ Sơn nói : “Chẳng hành điểu đạo”.

Ngài Đơn Hà tụng rằng:

“Lối cổ tiêu nhiên dựa Thái Hư

Nẻo nhiệm còn như trải gập gềnh

Chẳng lên điểu đạo tuy là diệu

Kiểm điểm về sau đã đụng đường”.

(Cổ lộ tiêu nhiên ỷ Thái Hư

Hành huyền du thị thiệp kỳ khu

Bất đăng điểu đạo tuy vi diệu

Kiểm điểm tương lai dĩ xúc đồ).

Ôi! Điểu đạo sâu xa nhỏ nhiệm đến thế, gần với chuyển công thành đạo mà môn hạ phái Động Sơn còn cho là điên đảo, huống là cái Thấy Nghe (Kiến Văn) rõ ràng còn dấu vết thô thiển mà lại cho là chẳng sanh diệt, thì sao đủ để đối sánh với cái Bồ Đề Vô Thượng ư?

Kinh: Khi ấy, Ông Anan cùng cả đại chúng sửng sốt nhìn Phật, mắt chẳng chớp nháy, chẳng biết thân tâm chỗ nào điên đảo.

Phật phát lòng Từ Bi, thương xót Anan và đại chúng, phát tiếng Hải Triều, bảo khắp trong hội: “Các trai lành, Ta thường dạy rằng: Sắc tâm, các duyên và các tâm sở, các pháp sở duyên đều duy tâm mà hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra ở trong cái Diệu Tâm Mầu Sáng Thuần Chân. Tại sao các ông bỏ mất cái Tâm Tánh vốn nhiệm mầu, tròn sáng, quý báu để nhận lấy mê lầm trong cái Vốn Đã Giác Ngộ?

“Mê muội thành có hư không. Trong hư không mê muội ấy, kết cái tối ám thành sắc, sắc xen lẫn vọng tưởng ra hình tướng làm thân. Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruổi theo bên ngoài, rồi lấy cái tướng mù mịt lăng xăng đó làm Tâm Tánh. Một phen mê lầm cái tướng ấy làm tâm thì đưa tới cái lầm quyết định là tâm ở trong sắc thân, mà chẳng biết rằng cái sắc thân cho đến núi sông, hư không, đất đai bên ngoài, hết thảy đều là vật hiện trong cái Diệu Minh Chân Tâm này.

Thông rằng: Thân Ông là Tướng Phần, Tâm Ông là Kiến Phần. Tướng Phần gồm cả Căn, Trần, các pháp sở duyên, núi sông, đất đai, sáng tối, sắc không cả thảy. Kiến Phần gồm tám Thức và năm mươi mốt Tâm Sở, thiện ác nghiệp hành, tà chánh, nhân quả hết thảy. Cả Tướng Phần và Kiến Phần đều ở trong Như Lai Tạng lưu xuất, nên nói “Duy Tâm mà hiện ra”. Cái Tâm này vốn nhiệm mầu, chẳng nhờ tu tập. Làm sao thấy được cái Vốn Diệu đó?

Nói về Thể, thì gọi là Viên Diệu Minh Tâm. Từ cái mầu đẹp (Diệu) khởi ra cái Sáng Soi (Minh), nên gọi là Trọn Vẹn (Viên).

Nói về Dụng, thì gọi là Bửu Minh Diệu Tánh. Tức là ngay nơi Sáng Soi (Minh) mà Mầu Đẹp (Diệu), nên gọi là Quý Báu (Bảo).

Mầu Đẹp mà Sáng Soi, Sáng Soi mà Mầu Đẹp, không dấu vết nhiễm ô, tức là Đại Viên Cảnh Trí. Tất cả Tướng Phần, Kiến Phần đều là bóng hiện ra trong cái gương Đại Viên Cảnh Trí ấy. Nay bỏ quên cái Vốn Diệu ấy (Chân Tâm) mà nhận Thấy, Nghe (Tâm Thức) thì cũng như bỏ cái gương vốn có mà nhận bóng huyễn trong gương. Tuy là có biết đó mà kỳ thật là biết ở trong Mê, cho nên nói Mê trong Ngộ.

Từ chỗ “Nhận mê trong ngộ...” cho đến “Rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng làm Tâm Tánh”, phải đọc một hơi mới được.

Mê cái Tánh Diệu Minh mà thành Vô Minh. Do cái Vô Minh [Không biết Bổn Tánh] này mà thành ra cái Ngoan Không, nên nói “Mê muội thành Hư Không”. Cái Sở Biến là Ngoan Không và cái Năng Biến là Vô Minh, cả hai hòa hiệp, biến ra Tứ Đại để làm cái Ngoại Sắc của Y Báo [Vũ trụ, thế giới, tất cả sự vật ở thế gian thân tâm dựa nương ở. Nhân bởi nghiệp đời trước cảm ứng ra]. Lấy cái Sắc của bốn Đại xen lẫn với vọng tưởng của Tâm biến ra Nội Sắc của Chánh Báo [Căn thân. Theo nguyên nhân của nghiệp đời trước cảm ứng ra (thường gọi là trả báo) ngay nơi thân thể] chúng sanh.

Tưởng là vọng tưởng; tướng là vọng sắc. Tướng Tưởng làm Thân thì Kiến Phần và Tướng Phần đều đầy đủ, tức là Thức Thứ Tám. “Nhóm các duyên dao động bên trong” tức là Thức Thứ Bảy. “Rong ruổi theo cảnh ngoài” tức là Thức Thứ Sáu. Lấy cái Vô Minh này biến ra cái Tướng mờ mịt lăng xăng lẫn với duyên trần, rồi nhận cái đó làm Tự Tâm, há chẳng mê muội sao?

Cái Chân Tâm Diệu Minh tức là Pháp Thân trong sạch dọc suốt ba tế [Quá khứ, hiện tại và vị lai], ngang khắp mười phương chứ đâu phải ràng buộc trong thân sao? Còn cái thấy, nghe này thì rời mắt ắt không thấy, xa tai thì chẳng nghe; lấy nó làm Tâm, đó là cái lầm quyết định cho Tâm ở trong sắc thân. Đâu có biết rằng cái sắc thân này cho đến những thứ bên ngoài như núi sông, đất đai đều là những vật ở trong cái Chân Tâm Diệu Minh này. Như bóng dáng trùng trùng cũng đều là ảnh trong gương. Cho nên, nhận ra gương, là ngộ ở trong ngộ, gọi là Chánh Biến Tri. Còn nhận lấy bóng, tức là mê trong ngộ, gọi là tánh điên đảo.

Tổ Trường Sa nói rằng: “Nếu ta cứ một mực nêu cao Thiền thì trong pháp đường cỏ sẽ lên cao cả thước! Cực chẳng đã mà nói với các ông: Cùng khắp mười phương thế giới là con mắt của Sa môn! Cùng khắp mười phương thế giới là toàn thân của Sa môn! Cùng khắp mười phương thế giới là quang minh của chính mình! Cùng khắp mười phương thế giới không ai chẳng phải là chính mình. Ta thường nói với các ông: Ba đời Chư Phật, Pháp Giới, Chúng Sanh là cái ánh sáng của Ma Ha Bát Nhã. Khi ánh sáng chưa phát ra, hết thảy các ông hướng về chỗ nào mà rõ biết? Ánh sáng chưa phát còn không có bóng dáng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có được núi sông, quốc độ này đây?”

Khi đó, có nhà sư hỏi: “Như thế nào là con mắt của Sa môn?”

Tổ Sa rằng: “Mút mắt, ra chẳng khỏi”.

Lại nói: “Thành Phật, thành Tổ ra chẳng khỏi! Sáu nẻo luân hồi ra chẳng khỏi!”

Nhà sư rằng: “Chưa rõ cái gì ra chẳng khỏi?”

Tổ Sa rằng: “Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao”.

Hỏi: “Học nhân chẳng hiểu”.

Tổ Sa rằng: “Núi Cao Sơn [Tu Di] xanh lại càng xanh”.

Hãy nói là lời này của Tổ Trường Sa là chỉ cái Thức Tinh Nguyên Minh [Thức Tinh Vốn Sáng] hay là cái Bảo Minh Diệu Tánh? Hãy phân biệt rõ ràng xem!

Kinh: “Ví như bỏ cả trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một cái bọt nước mà cho nó là toàn thể cả nuớc, cùng hết các biển lớn. Các ông là những kẻ mê lầm nhiều lớp, như cánh tay Ta buông xuống không khác gì. Như Lai gọi là đáng thương xót đó.

Thông rằng: Biết “Cái thấy sông” thật chẳng sanh diệt, hình như thuộc về ngộ, nhưng chấp Cái thấy sông này là ở trong sắc thân thì đó là mê trong ngộ. Cũng như bỏ biển cả mà nhận lấy bọt nước đã là mê, lại còn cho rằng bọt nước là toàn thể biển cả thì chẳng phải là mê trong mê hay sao?

Bỏ mất Chân Tánh mà nhận lấy cái Thấy-Nghe đã là mê, lại cho rằng cái Thấy-Nghe là cái Tánh chẳng sanh diệt, chẳng phải là mê trong mê sao? Chẳng ngộ mà mê, thì chỉ một lớp mê. Còn ngộ mà trong mê thì cái tình chấp lại càng sâu dày lắm, chẳng phải là chồng thêm nhiều lớp mê sao?

“Như cánh tay Ta buông xuống”, cái Thấy của ông có phân biệt, đã là điên đảo. Huống là đầu đuôi đổi nhau, xuôi ngược lầm lẫn thì há chẳng phải là điên đảo gấp bội sao? Đã ở trong điên đảo mà còn hỏi “Sao Đức Thế Tôn lại bảo chúng tôi là điên đảo?”, là điên đảo ở trong cái điên đảo vậy. Đó là cái mê ở trong mê vậy! Nên mới nói “Các ông là những người mê lầm nhiều lớp”.

Ngài Quốc sư Kính Sơn Khâm đang ngồi với Quốc sư Huệ Trung ở nội đình [Cung vua], thấy vua ngựï đến, Ngài đứng dậy.

Vua nói: “Thầy sao lại đứng dậy?”

Ngài nói: “Đàn việt đâu có thể hướng vào bốn oai nghi mà thấy bần đạo”.

Vua vui lòng.

Lại vua Túc Tông hỏi Ngài Huệ Trung Quốc sư : “Ngài ở Tào Khê được Pháp gì?”

Ngài đáp : “Bệ hạ có thấy một mảnh mây trong hư không chăng?”

Vua đáp : “Thấy”.

Ngài đáp rằng : “Đóng đinh vào đó. Treo dính lên đó”.

Vua lại hỏi : “Thế nào là mười Thân của Phật?”

Ngài bèn đứng thẳng lên mà rằng: “Am hiểu chăng?”

Vua nói: “Không hiểu”.

Ngài nói rằng: “Đưa qua đây cho lão tăng cái tịnh bình”.

Vua lại hỏi: “Thế nào là Vô Tránh [Không tranh cãi] Tam Muội?”

Ngài nói: “Đàn việt nhảy lên đỉnh Tỳ Lô mà đi”.

Vua hỏi: “Ý ấy thế nào?”

Ngài nói: “Chớ nhận Pháp Thân trong sạch của chính mình (tự kỷ)”.

Vua lại hỏi mà Ngài đều chẳng nhìn đến. Vua nói: “Trẫm là vua nước Đại Đường, Thầy sao lại chẳng nhìn đến?”

Ngài nói: “Vua có thấy hư không chăng?”

Vua đáp: “Thấy”.

Ngài nói: “Hư không ấy có chớp mắt nhìn Bệ hạ không?”

Xem chỗ chỉ bày của hai Ngài, một vị thì lấy “Sự chẳng thể hướng vào bốn oai nghi mà thấy bần đạo”, một vị thì lấy “Cái hư không có chớp mắt nhìn Bệ hạ chăng?”, thật đâu có hề lầm là ở trong sắc thân. Cái Thấy này với Cái thấy sông cách nhau như trời khác đất. Đáng cùng với Ông Tu Bồ Đề thấy Pháp Thân Phật, đồng gọi là Chánh Biến Tri. Tóm lại, lấy Niệm làm Tri thì Tâm chẳng khắp.

Ngài Mã Minh dạy: “Nếu cái tâm có động thì chẳng phải là Cái Biết Chân Thật. Cái tướng động đó là niệm khởi lên làm ngăn ngại vậy. Lìa tất cả các niệm ngăn ngại thì cái Biết bèn cùng khắp”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]