Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông

23/11/201217:05(Xem: 10077)
02. Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ NHẤT: PHẦN TỰA

ĐẠI PHẬT ĐẢNH, NHƯ LAI MẬT NHÂN, TU CHỨNG LIỄU NGHĨA, CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH, KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG.

 

Đời Đường, Ngài Bát Lạt Mật Đế, sa môn xứ Thiên Trúc, dịch; Ngài Di Già Thích Ca, Sa môn xứ Ô Trường, dịch ngữ. Trần Chánh Nghị Đại Phu Phòng Dung, Bồ Tát Giới đệ tử chép.

Đời Minh, Bồ Tát Giới đệ tử Tiền Phụng Huấn Đại Phu, Lễ Bộ Từ Tế Thanh Sử Tư Viên Ngoại Lang, Nam Nhạc Tăng Phụng Nghi, Tông Thông.

Thông rằng: Kinh này tại sao lại đặt tên là “Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm”? Kinh chép: “Khi ấy, Đức Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử từ trong đại chúng, rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ chân Phật mà thưa rằng: “Phải gọi kinh này tên gì? Tôi cùng với chúng sanh làm thế nào phụng trì?”

Phật dạy Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: “Kinh này tên Đại Phật Đảnh, Tát Đát Đa Bát Đát Ra (Bạch Tán Cái), ấn báu vô thượng, Hải Nhãn trong sạch của mười phương Như Lai. Cũng gọi là cứu hộ người thân, độ thoát A Nan, và Tánh Tỳ kheo ni ở trong hội này, đắc tâm Bồ Đề, bước vào biển Biến Trí. Cũng gọi là “Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa”. Cũng gọi là “Đại Phương Quảng, Diệu Liên Hoa Vương, Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni chú”. Cũng gọi là “Quán Đảnh Chương Cú, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm”. Ông nên thọ trì”.

Đoạn kinh trên gồm nhiều nghĩa, chỉ cần ba chữ “Đại Phật Đảnh” là bao gồm hết. Bởi vì Phật Đảnh thần chú, tức là mười phương Phật Mẫu Đà La Ni chú, tức là Quán Đảnh Chương Cú, tức là độ thoát Anan và Tỳ kheo ni Tánh, do đó khỏi lập lại. Chú này là “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra”, dịch là “Đại Bạch Tán Cái”, là cái Lọng Trắng Lớn Che Trùm. Ròng trắng phau trong sạch, trùm che hết thảy, nên gọi là lớn. Đại Phật Đảnh thần chú này, chẳng thể nghĩ bàn, mới gọi là Nhân Địa Bí Mật [Như Lai Mật Nhân] của Như Lai, cái Liễu Nghĩa của Tu Chứng. Vạn Hạnh của Bồ Tát do đây mà sẵn đủ, nên cả thảy rốt ráo bền chắc vậy. Pháp có thể Tiệm mà không thể Đốn, thì không thể gọi là Đại. Có thể Đốn mà không thể Viên, thì cũng không gọi là Đại (lớn) được. Nay nói là Mật, là Liễu, tức là đã gồm nghĩa Đốn. Nói là Tu Chứng, nói là Vạn Hạnh là ngầm nghĩa Viên. Duy cái pháp môn Viên Đốn [Tròn vẹn, tức thời.]nầy, cùng với Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh và Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, không khác. Từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng cho đến Diệu Giác là đã bao gồm trong Hoa Nghiêm; còn Nhĩ Căn Viên Thông trọn cùng phẩm Phổ Môn tương ứng. Gồm đủ chỉ thú của hai bộ kinh trên, kinh Lăng Nghiêm thật rộng lớn biết bao!

Chưa ngộ, thì chuyển Cái chẳng có Sanh Diệt thành ra Cái Sanh Diệt, tức chẳng phải Liễu Nghĩa. Ngộ rồi, thì chuyển Cái Sanh Diệt thành ra Cái Chẳng Có Sanh Diệt, tức là nghĩa “Hết thảy rốt ráo kiên cố”. Cho nên, một đường đi lên, [Hướng thượng nhất lộ] không ngộ thì không được. Thế thì Chú và Ngộ liên quan thế nào, Ngộ và Chú quan hệ với nhau ra sao, mà đều cũng gọi là Đại Phật Đảnh? Chú không thể nghĩ bàn, Ngộ cũng không thể nghĩ bàn. Chú tức là cảnh giới của Ngộ, Ngộ tức là cảnh giới của Chú. Đây là chỗ “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ tuyệt”, thấy do lìa cái Thấy, thì cái Thấy là siêu việt. Cho nên giữ cái Phật Đảnh, lìa cái Tướng Thấy của mình là vậy. Các dòng giống của Phật Đảnh, một phen vượt lên nhập thẳng vào, đó là pháp môn cực tôn cực quý vậy. Hiệp Luận đặt tên là Tôn Đảnh vì lẽ này.

Có vị tăng hỏi Ngài Hoàng Bá rằng: “Vô Biên Thân Bồ Tát [Tên khác của Đức Như Lai] vì sao chẳng thấy Đảnh Tướng của Như Lai?”

Ngài Bá đáp: “Thật không thể thấy. Vì sao thế? Vô Biên Thân Bồ Tát tức là Như Lai, không thể trở lại thấy. Chỉ cần ông không tạo ra cái Phật Kiến thì không rơi vào Phật Biên. Không tạo ra cái Thấy Chúng Sanh thì không lạc vào giới hạn chúng sanh. Không gây ra cái Thấy Có thì không lạc vào giới hạn của cái Có. Không tạo ra cái Thấy Không thì không rơi vào giới hạn của cái Không. Không tạo ra cái Thấy của phàm phu thì không rơi vào giới hạn của phàm phu. Không tạo ra cái Thấy của Thánh thì không rơi vào giới hạn của Thánh. Chỉ Không tất cả mọi cái Thấy, tức là Vô Biên Thân. Nếu có chỗ Thấy, tức là ngoại đạo. Ngoại đạo thì ham các cái Thấy. Bồ Tát nơi mọi cái Thấy mà chẳng động. Như Lai là nghĩa Như của tất cả các Pháp, nên nói “Di Lặc cũng là Như”. [Kinh Duy Ma Cật] Như tức là không có Sanh ra, Như tức là không có Diệt mất. Như tức là không có Thấy, Như tức là không có Nghe. Đảnh tức là Viên (tròn), cũng không có cái thấy Viên, nên chẳng rơi vào biên giới của Viên. Bởi thế, thân Phật là Vô Vi, không rơi vào giới hạn. Tạm lấy Hư Không làm thí dụ. Tròn đầy như Hư Không rộng lớn, không thiếu không dư. Hãy nhàn nhã vô sự, chớ gắng gượng biện biệt cảnh giới giác ngộ, biện biệt thì thành Thức”.

Lại có vị tăng hỏi Tổ Bá Trượng: “Bồ Tát Vô Biên Thân không thấy Đảnh Tướng của Như Lai là vì sao?”

Tổ Trượng rằng: “Vì gây ra cái Thấy Hữu Biên, cái Thấy Vô Biên, nên chẳng thấy được Đảnh Tướng Như Lai. Chỉ như bây giờ đây trọn không có cả thảy cái Thấy Hữu Vô, cũng không phải là không có cái Thấy, thì đó là thấy Đảnh Tướng”.

Xem hai vị tôn túc nói ra nghĩa Phật Đảnh, thật như viên ngọc tròn lăn trên bàn. Nếu biết chỗ ấy mới cho là trên cửa Đảnh, có được con mắt lẻ [Nhất chích nhãn: một con mắt, con mắt Đạo.] Đã nói là Như Lai Mật Nhân, tức chẳng cậy mượn sự Tu Chứng. Lại nói Tu chứng liễu nghĩa [Tu cho chứng được chỗ hiểu nghĩa.] là để phân biệt với Chẳng có liễu nghĩa vậy [Chưa được chỗ hiểu nghĩa Như Lai Mật Nhân]. Như Lai, ấy là nói về quả vậy. Kinh Kim Cang: “Nếu có người nói “Như Lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm”, thì người ấy chẳng hiểu nghĩa chỗ ta nói. Vì sao thế? Như Lai là không từ chỗ nào đến, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai”. “Đến không từ chỗ nào, đi không về đâu”, quả là vật gì? Thế mới gọi là Mật vậy. Phật Đảnh Thần Chú là Mật Ngữ của Như Lai, thì hai cái Mật (Mật Ngữ và Như Lai) đó không phải là hai. Lấy cái Mật này làm Nhân, tức lấy cái Mật ấy đắc quả. Như đóa bông sen, nhân quả đồng thời sẵn đủ. Dùng cái này mà tu, thì tu mà không tu. Dùng cái này để chứng, thì chứng mà không chứng. Kinh nói “Nào mượn sự cực nhọc tu chứng”, đây tức là ý chỉ của Liễu Nghĩa. Nếu không được như thế là vì chưa liễu ngộ vậy.

Xưa, Huệ Minh đuổi kịp Đức Lục Tổ để dành y bát.

Tổ dạy: “Ông đã vì Pháp mà đến, hãy an dừng các duyên, không sanh một niệm, ta sẽ vì ông mà nói”.

Ông Huệ Minh im lặng hồi lâu, Tổ nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, ngay khi ấy, là Bản Lai Diện Mục [Bản Lai Diện Mục: cái xưa nay trước mặt.] của Minh Thượng Tọa”.

Ông Huệ Minh nghe xong, đại ngộ.

Lại hỏi: “Ngoài lời mật, ý mật ấy, còn cái ý mật nào không?”

Tổ đáp: “Đã nói cùng ông, tức chẳng phải Mật. Nếu ông soi trở lại, thì Mật ở tại bên ông”.

Thầy Minh thưa: “Tôi mặc dầu ở Huỳnh Mai, mà thật chưa tỏ ngộ được mặt mũi của mình. Nay nhờ ơn chỉ bày, như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Nay hành giả tức là thầy của tôi vậy”.

Tổ dạy: “Ông đã như vậy, thì nay tôi và ông cùng một thầy Huỳnh Mai. Hãy khéo tự hộ trì”.

Ngài Hoài Nhượng ban đầu ra mắt Đức Trung Sơn An thiền sư, hỏi : “Thế nào là ý Tổ Sư từ phương Tây [Ấn Độ] đến?”

Tổ An nói: “Sao không hỏi cái ý của chính ông?”

Ngài bèn hỏi: “Thế nào là ý của chính mình?”

Tổ Sơn đáp: “Cần quán xét cái Mật Nhiệm tạo nên cái Dụng”.

Hỏi: “Như thế nào là cái Mật Nhiệm tạo nên cái Dụng?”

Tổ Sơn dùng mắt mở, nhắm chỉ bày đó.

Sư Nhượng không lãnh hội được. Tổ Sơn bèn bảo Ngài ra mắt Đức Lục Tổ.

Tổ hỏi: “Từ đâu đến?”

Sư Nhượng đáp: “Tung Sơn”.

Tổ hỏi: “Vật gì đó? Đến thế nào?”

Sư chẳng đáp dược.

Trải qua tám năm, mới bạch với Tổ rằng: “Tôi đã có chỗ am hiểu”.

Tổ hỏi: “Như thế nào?”

Ngài đáp: “Nói giống như một vật là chẳng trúng!”

Tổ hỏi: “Lại có thể tu chứng chăng?”

Đáp rằng: “Tu chứng thì chẳng phải là không, mà ô nhiễm thì chẳng thể được”.

Tổ rằng: “Hay lắm! Cái chẳng có ô nhiễm ấy, là chỗ hộ niệm của chư Phật. Ông đã y vậy, ta cũng y vậy”.

Như hai vị tôn túc ấy, khế hợp sâu xa cái Mật Ý, được Tu Chứng Liễu Nghĩa vậy.

Sau, có vị sư hỏi Tổ Bá Trượng: “Trước đến giờ, chư Tổ đều có Mật Ngữ trao truyền cho nhau là thế nào?”

Tổ đáp: “Không có lời Mật. Như Lai không có Bí Mật Tạng. Chỉ như bây giờ soi tỏ ý nghĩa cho rõ ràng, tìm kiếm hình tướng, rõ là bất khả đắc, đó là Mật Ngữ. Từ bậc Tu Đà Hoàn (Nhập Lưu) trở lên cho đến Thập Địa, bất quá chỉ có Chữ và Lời (Ngữ Cú), còn là thuộc về pháp Trần Cấu hết thảy. Chỉ có lời nói, còn trọn cả đều nằm trong phiền não. Chỉ có lời nói, còn trọn cả đều thuộc về Bất Liễu Nghĩa. Chỉ có lời nói, tức chẳng được chấp nhận vậy. Liễu Nghĩa Giáo đều chẳng phải là gì hết thảy (Phi), thì còn tìm kiếm Mật Ngữ nào?”

Theo chỗ thấy của Tổ Bá Trượng, thì một chữ Mật cũng phải mửa ra luôn, Liễu Nghĩa Giáo cũng chẳng lập, mới có thể gọi là hướng lên ngàn Phật Đảnh mà đi.

Các vị Bồ Tát muôn Hạnh chưa lìa tu chứng thì sao lại gọi là “Hết thảy rốt ráo kiên cố”? Sở dĩ như vậy vì các Bồ Tát chưa tới địa vị Quán Đảnh, phải có tu, có chứng. Đến địa vị Quán Đảnh rồi, tức là siêu nhập đồng đẳng bậc Diệu Giác, thì có cái gì tu chứng? Các Hành tuy vô thường, nhưng từ trong Diệu Giác lưu xuất ra tất cả sự pháp, đương xứ tịch diệt, nên gọi là rốt ráo kiên cố.

Kinh nói “Có cái Tam Ma Địa [Samadhi. Xưa gọi là Tam Muội] (Chánh Định), gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, sẵn đủ muôn Hạnh. Mười phương Như Lai do một cửa này mà siêu xuất, đây là con đường Diệu Trang Nghiêm”. Tam Ma Đề này là Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, lối Diệu Trang Nghiêm sẵn đủ muôn Hạnh, chẳng phải rời lìa muôn Hạnh mà riêng có cái gọi là Định. Tất cả đều Định, nên gọi là tất cả sự rốt ráo kiên cố. Đức Phó Đại Sĩ, ngày thì kinh doanh gây tạo, đêm thì hành Đạo. Thấy Đức Thích Ca, Đức Kim Túc, Đức Định Quang ba vị Phật phóng quang phủ lên mình Ngài. Đại Sĩ mới nói: “Ta được Định Thủ Lăng Nghiêm”. Thuở đó, kinh này chưa đến mà tên Định đã nêu, lạ lùng thay.

Tứ Tổ Đạo Tín [Đời Đường Cao Tông, nối pháp Tổ Tăng Xán, truyền lại cho Tổ Hoằng Nhẫn] dạy Ngài Lại Dung ở núi Ngưu Đầu rằng: “Trăm ngàn pháp môn đều quy về Tâm, hằng sa Diệu Đức gồm tại nguồn Tâm. Tất cả Giới Môn, Định Môn, Huệ Môn, thần thông biến hóa đều tự sẵn đủ, chẳng rời tâm ông. Hết thảy Phiền Não, Nghiệp Chướng xưa nay rỗng rang vắng lặng. Hết thảy Nhân Quả đều như mộng huyễn. Chẳng có ba cõi để lìa, không có Bồ Đề nào để tìm cầu. Người cùng chẳng phải người, Tánh Tướng bình đẳng. Đại Đạo rỗng suốt, tuyệt nghĩ, tuyệt lo. Cái Pháp như thế, ông nay đã được, tuyệt không thiếu hụt, cùng Phật không khác, nào có Pháp nào khác nữa. Ông chỉ mặc dùng tự tại, chớ khởi Quán Hạnh, cũng chẳng lóng Tâm, chẳng khởi Tham Sân, chẳng giữ lo buồn, thênh thang vô ngại, mặc ý dọc ngang. Chẳng làm các điều thiện, không gây các điều ác. Đi, đứng, nằm, ngồi, chạm mắt gặp duyên, thảy đều là Diệu Dụng của Phật. Vui sướng không lo nên gọi là Phật”.

Được nghe thế, Ngài Lại Dung mở ra một chi phái, gọi là Quán Đảnh Chương Cú.

Ngài Pháp Nhãn dạy: “Tu hành trải qua ba đời sáu chục kiếp, bốn đời một trăm kiếp hay tăng kỳ kiếp cho đến thành quả mà cổ nhơn còn nói là chẳng bằng một niệm duyên khởi Vô Sanh, siêu quá hàng Tam Thừa Quyền Học”. Nên chi nói rằng : Gảy móng tay mà viên thành tám vạn Pháp Môn, trong sát na dứt hết ba a tăng kỳ kiếp. Trong Thiền Tông quả có chuyện kỳ đặc đó, há phải vạn hạnh đầy đủ, rồi sau mới đắc Định Thủ Lăng Nghiêm ư ?

Kinh là Thường Đạo vậy. Cuốn Thuyết Văn Giải Tự viết: “Dệt vải có sợi dọc (kinh), sợi ngang (vĩ): sợi dọc thì thường hằng, mà sợi ngang thì thay đổi. Kinh này do Ngài Long Thọ ở dưới Long Cung mặc tụng đem lên. Vua Ngũ Thiên [Ở miền Nam Aán] trân trọng giữ kín chẳng có truyền ra. Há chẳng biết rằng quyển kinh này người người sẵn có, đâu có ai không! Thế mới là Thường Đạo, nào phải là bí mật”.

Có vị tăng hỏi Ngài Thủ Sơn: “Tất cả Chư Phật đều do kinh này mà có ra. Thế nào là kinh này?”

Tổ Sơn đáp: “Nói nhỏ! Nói nho!”

Vị tăng hỏi: “Thọ trì thế nào?”

Tổ Sơn rằng: “Chẳng nhiễm ô”.

Ngài Đầu Tử [Nghiã Thanh thiền sư, đời Đường. Nối pháp Đại Dương Huyền thiền sư.] tụng rằng:

“Nước chảy Côn Luân, núi nổi mây

Người đến, tiều ngư chẳng có hay

Nếu biết núi cao, sông tràn nước

Ắt chẳng quăng rìu với bỏ dây”.

(Thủy xuất Côn Luân, sơn khởi vân

Điếu nhân, tiều phụ muội lai nhân

Chỉ tri hồng lãng, nham loan khoát

Bất khẳng phao ty khí phụ cân)

Tổ Dược Sơn bình thường không cho người ta xem kinh. Có lần tự Ngài xem kinh. Một vị tăng hỏi: “Hòa Thượng bình thường không cho người xem kinh, sao Hòa Thượng lại xem?”

Tổ Sơn rằng: “Ta chỉ cần che mắt”.

Vị tăng hỏi: “Tôi bắt chước Hòa Thượng được không?”

Tổ Sơn nói: “Ông muốn xem thì phải suốt qua tấm da trâu [Da trâu: ngưu bì. Trùm da trâu đi ra nắng càng bị bó cứng; buộc râu rồng (long tu) Xuống nước càng thắt chặt, đau đớn. Hai cái dùng để chỉ cái phước hữu lậu của người và trời làm hại huệ mạng] đã”.

Cho nên, rõ được chỗ che mắt này, thì mới được cái Diệu của sự Thọ Trì. Mà có xuyên thủng mới chẳng nhiễm ô vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]