Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9

18/03/201201:48(Xem: 10097)
Chương 9

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG CHÍN

Có hai con chuột cống thật to, từ dưới lỗ cầu chui lên, chạy ngang chỗ chân chúng tôi. Ông Trọng vùng dậy, lấy một chiếc dép nhựa của ông, xua chúng chạy rồi cũng chiếc dép đó, ông bẻ cong lại, chận ngang lỗ cầu.

“Thứ chuột quỉ này dạn ghê! Buổi tối chạy đi kiếm thức ăn mà không có, chúng dám gặm đỡ bàn chân của mình chứ chẳng phải chơi. Trở lại chuyện của cậu, cậu thấy chưa, câu chuyện của cậu có khác gì chuyện ông bạn tôi đâu. Cho nên từ đầu, nghe cậu kể, tự dưng tôi đoán ngay là cậu bị gài bẫy, bị bạn bè phản bội. Tôi nghĩ, hiện giờ thằng bạn cậu được cái bằng khen, hay tiền thưởng gì rồi. Chắc hắn đang ngồi nhậu đâu đó với mấy thằng công an… Hừ, cuộc đời chó đẻ quá! Hút thuốc không? Không à.”

Tôi nằm ngửa, đầu gối trên hai tay, nhìn lên trần. Nỗi buồn nén lại ẩn nấp từ đâu đó ở trên đầu, bây giờ mới chịu đổ ụp xuống ngang tim. Thực ra, trong một góc sâu kín nào đó, tôi đã thoáng nghĩ là Hân bội phản ngay khi công an chận chiếc xe lam lại. Nhưng mặt khác, cũng chính tôi phủ nhận, xua đuổi ý tưởng đó đi. Tôi cố tình suy nghĩ một cách đơn giản rằng: tôi bị bắt vì công an theo dõi, tìm kiếm nhiều ngày, và nay họ tìm ra. Bây giờ ông Trọng lại kể thêm câu chuyện người bạn ông bị gạt, buộc lòng tôi phải tin rằng Hân đã hại tôi. Cái thực tế của cuộc đời, đâu phải cứ tô vẽ son phấn hay những mỹ từ nào lên đó thì sẽ đẹp lên. Dù tôi có nhận phần lỗi về tôi, dù tôi có vỗ ngực tự nói rằng chính tôi thích vào tù thay vì trốn nấp trong một căn gác qụạnh hiu buồn tẻ, thì cái thực tế Hân báo công an bắt tôi vẫn thế, có thay đổi được tính chất nào đâu! Ôi, sao mà thảm cho cái tình bạn. Cái gì đã xui khiến Hân đối xử với tôi như vậy? Tôi không hối hận chuyện mình phải vào tù, nhưng hình như lại đau khổ nhiều vì mất cái tình bạn thiêng liêng mà tôi từng bảo vệ, gìn giữ. Phải, từ lâu, tôi bị một số bạn bè hay người thân, cho rằng tôi nhẹ dạ, cả tin, ai cũng có thể kết làm bằng hữu. Có khi người ta cảnh giác tôi, nói rằng người này xấu, người kia phản bội, kẻ nọ xảo quyệt ranh ma… không chơi được; vậy mà tôi cứ hết mình đối xử tốt và công bình đối với tất cả những người bạn bị coi là xấu và bị nghi kỵ đó. Có lẽ vì tính tôi hiếu khách, đãi bạn và luôn muốn chứng tỏ với mọi người rằng bạn bè tôi ai cũng tốt, và tôi chẳng phải là người nhẹ dạ đâu.

Thấy tôi im lặng nhìn chăm chăm lên trần nhà mà chẳng biểu lộ gì rõ rệt, ông Trọng nói:

Này, con người cậu cũng khó hiểu đó nghe.

Vậy sao chú?” tôi cười hỏi lại, rồi cười thêm trong lòng, cười với chính tôi: hễ mình càng muốn sống đơn giản bao nhiêu thì lại càng khó hiểu bấy nhiêu.

“Thực đó, từ lúc cậu mới bước vào phòng giam đến giờ, tôi để ý thấy cậu bình tĩnh lắm, cậu không sợ hãi, lo buồn. Biết bạn mình hại mình, cậu cũng không lộ vẻ oán trách, than thở ngắn dài… Có một cái gì vui vẻ, tự tin ở nơi cậu. Giống như là cậu biết trước cái chuyện vào tù nó sẽ xảy ra vậy. Hoặc giống như cậu là kẻ quen thuộc với thế giới ngục tù lắm. Nhưng thật ra, nhìn cách cậu thay áo quần, tắm, tiểu tiện… biết ngay là cậu mới biết mùi tù lần đầu mà thôi… Tôi nói thiệt, nếu một người nào khác không phải là cậu mà có thái độ như vậy, có thể tôi nghi ngờ rằng người ấy do công an gài vào đây để điều tra, theo dõi tôi. Chỉ những kẻ đóng kịch mới có thể không xao xuyến buồn rầu trước những chuyện rất đáng buồn, bởi vì họ biết mọi chuyện mà họ đóng chỉ là giả chứ không có thực. Nhưng với cậu, tôi biết là cậu không đóng kịch, cậu không phải đặc tình của công an. Trực giác của tôi cho tôi biết điều đó. Tuy nhiên, trực giác của tôi không đoán nổi cậu là ai, và cả cái vốn liếng xét người của tôi từ mấy mươi năm nay vẫn chưa có khả năng nói được bằng lời rằng cậu là con người thế nào. Chỉ thấy khó hiểu, khó nói…”

Tôi cười và thấy vui với câu nói của ông Trọng về kẻ đóng kịch. Ông ấy không nghĩ là tôi đóng kịch, nhưng chính tôi nghĩ lại rằng, thực ra, tất cả chúng ta có mặt trên trần gian này là để đóng một vở kịch phức tạp. Và chính vì biết rằng mình chỉ đóng kịch, mọi dữ kiện chung quanh đều không thực, tôi mới không thấy hãi sợ và đau khổ. Cám ơn ông Trọng.

Dù vậy, vở kịch nào cũng có những bố cục hay nội dung riêng biệt và khó quên của nó. Nhớ lại cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và Hân trước khi bị bắt, tôi bỗng thấy buồn lạ trong lòng. Tôi có khó hiểu như ông Trọng nói không? Tôi có nhẹ dạ, cả tin như bạn bè và thân thuộc của tôi nói không? Tâm tính tôi có phức tạp lắm không? Hay chỉ vì tâm lý con người quá phức tạp nên không bao giờ hiểu được cái đơn giản dễ hiểu của tôi? Liệu tôi có nên rút kinh nghiệm thất bại của tôi lần này để học tập và sửa đổi con người khờ khạo, non nớt, nhẹ dạ, dễ tin của mình thành một con người lanh lợi, thâm hiểm, cứng rắn, đa nghi?

Tôi ôn lại lần cuối cùng gặp Hân trước khi bị bắt.

Chùa Tân Nghĩa tọa lạc trong một con hẻm vắng của đường Ngô Đức Kế, quận Bình Thạnh. Chủ nhân của nó là hai vợ chồng già không con, biến nó từ ngôi nhà thành ra một ngôi chùa tồi tàn với mái tôn nóng bức. Nền chùa lót gạch hoa được một khoảnh trước chánh điện, diện tích còn lại một nửa là đất được nện cứng, một nửa được tráng xi măng với đôi chỗ nứt bể như những cái ổ gà. Không có phòng trú cho người giữ chùa vì hai vợ chồng đã có nhà riêng gần đó, phía sau ngôi chùa. Vách chùa không được tô, để lộ cả gạch và xi măng. Chánh điện và Tổ đường thông nhau, không có vách ngăn. Bên cạnh chánh điện là một cái bàn gỗ cũ xì, rít nhám, với ba chiếc ghế không đồng bộ: một cái là ghế dựa nhưng không ai đủ can đảm để dựa vì sự lỏng lẻo đáng ngờ của nó; một cái là ghế đẩu bằng gỗ bị nứt một đường dài ở gần cạnh ghế mà nếu bất cẩn, người ta sẽ bị nó kẹp vào mông hay vào đùi một cách không thương tiếc; cái còn lại là cái đôn bằng sứ mà người ta dùng để đặt chậu hoa, nay được dùng làm chỗ ngồi. Gần chiếc bàn gỗ dùng để tiếp khách đó, sát ở góc phải của chánh điện, là một cái giường gỗ dành cho nhà sư thuộc phái khất sĩ, đạo hiệu là Giác Hải. Đối diện với cái giường gỗ, tức ở góc trái của chánh điện, là quả hồng chung cỡ trung, tương đối có tiếng ngân tốt. Sát cạnh quả chuông là vài bếp lò và một đống tàu dừa, vỏ dừa và củi khô, lá khô linh tinh… Nếu không có sư Gíác Hải ở đây, ắt người ta phải cho rằng đây là một ngôi chùa hoang.

Hân vì có vợ nhỏ, đã bị gia đình vợ lớn đuổi ra khỏi ngôi nhà ở bến Vân Đồn, quận 4 Sài Gòn. Hân nhờ bạn bè cho tá túc một thời gian để chờ cô vợ nhỏ sinh con. Sinh xong, cô ấy mang con về quê sinh sống với cha mẹ vì biết Hân thất nghiệp, không có khả năng nuôi nấng hai mẹ con cô. Còn lại một mình, Hân đã xin sư Giác Hải cho tá túc tại chùa Tân Nghĩa, và dĩ nhiên là phải có sự chấp thuận của hai vợ chồng chủ chùa nữa. Nhưng vì Hân rất khôn khéo trong việc chinh phục tình cảm của kẻ khác nên việc tá túc tương đối thuận lợi. Hàng ngày, Hân thỉnh chuông và quét dọn lặt vặt trong chùa như một chú tiểu. Buổi tối, Hân trải chiếu ngủ dưới đất, sát bàn Phật.

Tôi đến gặp Hân tại đây vào một buổi sáng thứ Bảy, trước ngày 30/04/1985, lễ kỷ niệm “Mười năm giải phóng Miền Nam”của chính quyền cộng sản. Các bạn khác của tôi nếu biết được chuyện tôi đến gặp Hân hẳn là đều kịch liệt phản đối, khuyên can, hoặc tìm cách ngăn cản – vì sau vụ tôi bị bắt hụt ở Long Thành và một lần ở nhà bà Bạch Mai, quận I, Sài Gòn, các bạn tôi đều cho rằng chính Hân đã báo cáo công an chỗ ẩn náu của tôi. Riêng tôi, cho đến lúc đó, tôi vẫn nghĩ rằng có thể có một sự trùng hợp hay một sự lầm lẫn nào đó khiến mọi ngưòi nghi kỵ Hân. Tôi tin rằng Hân không đến nỗi tán tận lương tâm để bán đứng cả tôi, một người em kết nghĩa của Hân, đồng thời là một người bạn mà đã có lần Hân nói là không thể tìm được trên đời. Có khi Hân còn nói thẳng với tôi rằng tôi như là ân nhân cứu tử của Hân – có lẽ anh muốn nhắc đến việc tôi liên lạc với Chương (em ruột Hân, ở Mỹ) để giải mối bất hòa giũa hai anh em về chuyện Hân lấy vợ của một người bạn vượt biên làm vợ bé. Vụ đó, Hân bị anh em ruột và một số bạn bè (mà Hân gọi là chiến hữu) tuyệt giao. Hân cầu cứu tôi, nói rằng chỉ có tôi mới có thể giải hòa được. Tôi ngần ngại. Hân kể đầu đuôi câu chuyện tình của Hân với cô vợ bé.

Cô ấy tên Thụy, là vợ của Đan, bạn Hân. Đan và người anh ruột của Hân, tên Phước, vì bị liên can vào vụ Nghĩa quân Phục quốc ám sát trưởng ty công an Đà Nẵng, phải cấp tốc trốn ra nước ngoài bằng đường biển. Nhằm lúc có Hân từ Sài Gòn về thăm cha mẹ ở Sơn Chà, Đan bèn nhờ Hân giúp đỡ giùm vợ con của anh đang còn về quê chưa lên kịp để cùng trốn đi. Hân nhận lời. Nhưng thấy tình hình Đà Nẵng căng thẳng sau vụ Nghĩa quân Phục quốc, Hân bảo Thuỵ gởi con cho ba mẹ Thuỵ giữ, rồi đem Thuỵ trốn vào Sài Gòn. Ban đầu, Hân còn đem Thụy vào ở ngay trong nhà mình với người vợ chính thức tên Loan. Không đầy tháng sau, Loan phát giác Hân có tình ý bậy bạ với Thụy, tìm cách tống khứ cả hai ra khỏi nhà. Hân bèn nhờ bạn bè tạm thời chứa chấp Thụy ở một vài nơi trong thành phố. Cuối cùng, lửa gần rơm thế nào đó mà Thụy có con với Hân. Qua Loan, anh em và bạn bè của Hân biết được chuyện này, cắt tuyệt tình anh em và bằng hữu với Hân. Không nghề nghiệp, không nhà ở, lại không được sự tiếp trợ của nhóm anh em bạn bè ở nước ngoài (vốn là nguồn tài chính căn bản của Hân lâu nay), Hân lâm vào cảnh túng quẫn, bèn cho Thuỵ mang con mới sinh trở về quê với cha mẹ ruột (vì biết tình hình ở Đà Nẵng bấy giờ đã lắng dịu); phần Hân, vì không có kế sinh nhai, đã đến ở chùa Tân Nghĩa và thỉnh thoảng từ Sài Gòn lên Long Thành tìm tôi, cầu cứu. Tôi giúp tiền cho Hân. Chưa đủ. Hân yêu cầu tôi viết thư cho anh em và bạn bè Hân ở hải ngoại để giải thích vụ Hân với Thuỵ. Tôi nói:

Chuyện như vậy có gì phải giải thích chứ. Anh có con với chị Thuỵ… giờ tôi phải nói sao? Bênh vực anh à? Có lý do gì chính đáng không?

Hân thở dài nói:

Trời ơi, cả Khang mà cũng không thông cảm được cho tôi thì làm sao mấy người ở tận bên Mỹ thông cảm được.

Thông cảm… ừ, thông cảm chứ. Nhưng ở chỗ này, thực là khó nói thành lời. Anh nghĩ một thầy tu như tôi lên tiếng bênh vực anh trong chuyện đó dễ lắm sao?

Chính vì Khang là thầy tu và chính vì anh em bên đó rất nể Khang, cho nên tôi biết là chỉ có Khang nói họ mới chịu bỏ qua được thôi. Hơn nữa, giọng văn của Khang, cách nói chuyện của Khang… tự nhiên người ta phải cảm thông. Giúp tôi đi. Tôi chỉ còn có mỗi giải pháp này nữa thôi. Trăm sự trông cậy vào Khang đó.

Giữa tôi và họ có gặp hay quen biết nhau bao giờ đâu! Khó nói quá!”

Chưa gặp, nhưng tôi từng giới thiệu với họ nhiều lần về Khang trước đây rồi. Tóm lại, tôi tin là chỉ cần Khang viết một lá thư cho họ, họ sẽ nối lại tình huynh đệ với tôi ngay.

Tôi đành chìu ý Hân, viết thư cho nhóm anh em ở Mỹ. Nói rằng, tôi cũng hoàn toàn phản đối chuyện Hân lấy Thụy, có con; nhưng tôi biết, ở trong hoàn cảnh của Hân và Thụy, chuyện tình cảm nẩy nở sẽ không là điều có thể ngăn cản được. Hai người phải trốn chạy công an Đà Nẵng, vào Sài Gòn bị vợ Hân đuổi, không có tiền bạc chi tiêu, phải sống nhờ bạn bè hết nhà này sang nhà khác. Cũng chịu khồ nạn chung như vậy trong nhiều ngày, nhiều tháng, ắt phải sinh cảm tình với nhau. Tôi kêu gọi nhóm anh em ở Mỹ vì chuyện lớn mà bỏ qua vụ đó. Và họ bỏ qua thật. Họ viết thư về cho Hân, nối lại tình anh em bạn bè và còn viết thư cho tôi để làm quen, đề nghị hợp tác dài lâu trong tương lai.

oOo

Thấy tôi đột nhiên xuất hiện sau mấy tháng biệt tăm mắt Hân sáng lên, tỏ vẻ vui mừng:

Ô, tưởng ai… lâu quá không gặp lại Khang. Tôi tìm Khang cùng hết.

Hân kéo ghế mời tôi ngồi ở bàn khách, nơi chánh điện chùa Tân Nghĩa. Tôi cố giữ vẻ bình thản, dù rằng tôi cũng khá xúc động khi gặp lại người anh kết nghĩa rất thân như Hân. Tôi nói:

Anh tìm tôi cùng khắp, chi vậy? Tôi đã nói với anh cái hôm chia tay là tôi đi vượt biên mà.

Nhưng tôi vẫn cứ hy vọng là Khang còn lẩn quẩn trong Sài Gòn này thôi.”

Ơ, sao không hy vọng tôi thoát được mà lại hy vọng tôi còn ở đây.

Không phải, ý tôi muốn nói tôi vẫn có cảm giác là Khang chưa thoát được, cho nên tôi muốn tìm Khang để bàn về chuyện hợp tác với một nhóm Thiên Chúa giáo ở Thủ Đức. Để tôi nấu nước pha một chút nước trà nghe. À, Khang có nhận được thư nhắn của tôi để lại ở nhà bà Hồng, chị của Khang không?

Không. Lâu nay tôi đâu có ghé nhà người thân nào. Thư nhắn gì vậy?

Thì nhắn Khang đến để bàn về chuyện cọng tác với lực luợng của Thiên Chúa giáo đó mà.

Tôi chận ngang:

Chứ không phải nhắn tôi đến để báo cáo công an bắt sao?

Hân đặt ấm nước lên lò, nói nhanh:

Làm gì có chuyện đó!” anh thở dài, nói tiếp với giọng buồn. “Đến Khang mà cũng nghĩ như vậy thì thôi, tôi hết đất sống rồi.”

Nghe Hân nói vậy, tự dưng tôi mũi lòng ngay. Nhưng tôi cũng không ngăn được ý muốn vặn hỏi Hân rõ ràng hơn về những lời đồn đại về Hân. Tôi bước đến gần chỗ bếp, nơi Hân đang nhen lửa với vài nhánh củi khô:

Ai cũng nói anh làm việc báo cáo cho Sở Công An thành phố. Và thật tình, đã có lúc tôi cũng tin người ta nói như vậy là đúng. Bây giờ, tôi muốn nghe chính miệng anh nói. Cứ nói thật đi. Dù sao, chúng ta cũng dễ tính toán với một sự thật hơn là những lời đồn đại, phải không? Đâu có ai che giấu một sự thật mãi mãi được. Người ta vẫn thường nói vậy mà. Cho nên, đây là cơ hội cuối cùng để anh giải thích tôi nghe, một lần thôi, về tất cả những gì mà người khác nói về anh.”

Tôi thấy nhánh củi trên tay Hân hơi run run. Nét mặt Hân thì rất tỉnh. Anh cười nhạt nói:

Khang nghĩ sao?

“Nghĩ về cái gì?

Nghĩ sao về những lời đồn đó? Khang có nghĩ là tôi làm việc cho công an không?

Tôi đã nói khi nãy rồi. Bạn bè tôi, cả những bạn có quen biết anh, ai cũng nói vậy, và có lúc tôi cũng tin như vậy. Nhưng bây giờ, tôi muốn nghe chính miệng anh nói. Làm sao tôi có thể tiếp tục hợp tác với anh và cà nhóm Thiên Chúa giáo nào đó khi trong lòng tôi hãy còn hồ nghi về tung tích của anh! Làm sao có được tình huynh đệ hay tình bằng hữu chân thật khi mối hồ nghi và lời đồn đãi về anh chưa được giải thích rõ ràng trắng đen!” Tôi nói ngang đó thì cúi xuống giúp Hân nhen lửa vì nãy giờ anh chưa nhúm được lò. Vừa sắp xếp củi trong lò, tôi nói tiếp, “thực ra nếu anh làm việc cho công an thì tôi phải sợ anh chứ sao anh lại sợ tôi mà phải che giấu chứ, phải không?

Hân thoáng tái mặt, nhưng vốn là tay bản lĩnh, anh cười to lên một tràng rồi nói:

Khang tưởng là tôi sợ Khang hay sợ các bạn bè khác về chuyện tôi làm việc cho công an sao?

Tôi hơi giật mình, dù rằng chính tôi cũng mong đợi sự thú nhận của Hân. Tôi quay nghiêng, nhìn thẳng vào mắt Hân, chờ Hân nói tiếp. Nhưng Hân không nói vội. Anh bốc một nạm trà nhỏ, bỏ vào bình tích:

“Chỉ vì tôi đã từ bỏ việc làm đó từ lâu, và cũng vì chưa đến lúc cần nói sự thực nên tôi chưa nói mà thôi. Hơn nữa, nếu tôi nói quá sớm, tất cả bạn bè dạt ra xa… ngay cả Khang nữa, cũng sẽ xa lánh tôi, vậy thì còn gì là tình bạn, tình anh em nữa? vậy thì làm sao có chuyện hợp tác nữa?

Công tác gì đó cho công an thì cần gì cái tình bạn hay tình anh em, cần gì phải hợp tác những người chống lại chính quyền chứ!

Khang nói vậy là chẳng hiểu gì rồi! Khang cứ nghĩ làm việc cho công an thì phải là cộng sản, phải không? Nghĩ vậy là lầm to rồi. Đặc tình cũng có hạng cao hạng thấp, hạng giỏi hay dở… Có loại tình nguyện, có loại bị hoàn cảnh bó buộc… Đâu thể xét chung rồi kết luận, để rồi có thành kiến…

Tôi bật cười lên:

Đâu cần phải nói đến thành kiến chứ. Cứ nhìn cái thực tế trước mắt mà nói, nếu anh biết tôi là một báo cáo hay điềm chỉ viên cho công an, anh có điều gì để nói với tôi chăng? Hay là anh cũng tìm cách tránh né tôi?

Không nhất thiết là phải né tránh. Cứ sống tỉnh bơ, đừng làm gì chống trái với pháp luật của nhà nước thì sợ cóc gì mấy tên điềm chỉ hay đặc tình!”

Đến giờ này mà anh còn nói được những lời đó với tôi sao? Anh không nhớ rằng chúng ta kết giao với nhau vì cái gì sao? Chỉ vì muốn làm một cái gì đó cho quê hương, nhưng những gì chúng ta muốn làm thì luôn chống trái lại với nhà nước. Còn có khả năng nào để sống tỉnh bơ như anh nói nữa chăng? Vả lại, nếu có thể sống tỉnh bơ, không làm gì chống trái với nhà nuớc, tôi e rằng, giữa anh và tôi không còn gì để nói với nhau nữa. Anh bây giờ là một người thế tục, tôi là một thầy tu. Chúng ta không cùng máu mủ, không cùng trường lớp ở học đường, không cùng quê, không cùng tuổi tác… Anh sống tỉnh bơ giữa một xã hội rối loạn và đau khổ; còn tôi thì lại sống và chết không yên lòng trong cái xã hội đó. Chúng ta có chỗ nào gọi là đồng tâm hay đồng cảnh để gắn bó hay quan hệ gì với nhau nữa chứ?

Hân xuống giọng:

Khang chưa hiểu ý tôi. À, có lẽ vì tôi diễn đạt không đúng. Tôi nói lại để Khang nắm vững: tôi chỉ muốn nói rằng đáng lý ra, khi biết tôi từng làm việc cho công an, Khang và những bạn bè khác đừng nên sợ tôi, đừng nên lánh xa tôi mới phải.

Tại sao?

Thứ nhất, vì tôi đã hết làm việc cho họ rồi. Thứ hai, giả như tôi có làm việc cho họ thì tôi sẽ đem đến cho Khang hay các bạn bè khác, những tin tức hay biến động gì quan trọng của phía công an, chính quyền. Chẳng phải vai trò của tôi như thế là một thứ nội gián rất cần thiết cho cá nhân hay bất cứ lực lượng nào chống lại nhà nước sao? Giá như một ngày nào đó, Khang có lực lượng trong tay mà lại không biết gì hết về nội bộ cộng sản, nội bộ nhà nước, thì Khang sẽ làm được gì? Vậy là chỉ biết ta mà không biết người. Hoạt động như thế, trăm trận bại cả trăm. Cho nên, nếu biết rằng tôi bị bó buộc phải làm việc cho công an, Khang phải biết lợi dụng tôi chứ! Tôi có phải là thằng cộng sản thứ thiệt đâu! Nói thực Khang nghe điều này: năm 1980, khi thầy Tuệ Sỹ được trả tự do, công an đã giao tôi công tác là theo dõi, báo cáo mọi sinh hoạt của thầy ấy về Sở Công An.

Tôi nghe vậy thì lạnh mình:

Vậy anh có đồng ý nhận công tác ấy không?

Có chứ sao không! Đã nói là tôi bị bó buộc mà, bộ Khang tưởng có thể từ chối được sao? Tôi là một rhứ đặc tình bị bó buộc, bị cưỡng bức! Khang phải nhớ như vậy.

“Thế rồi sao nữa?

Một năm đầu mới ra khỏi tù, thầy Tuệ Sỹ chỉ lo dạy học, phiên dịch kinh điển, soạn Phật học từ điển… nói chung là chỉ làm các công tác văn hóa, nên công việc báo cáo của tôi cũng đơn giản, không có gì đáng nói. Đến cuối năm 1981, thầy Tuệ Sỹ bắt đầu thành lập lực lượng gì đó, lấy nhân sự lớp học mà Khang có tham dự làm thành phần nòng cốt. Lúc đó, tôi có đến chùa Già Lam, xin gặp mặt thầy ấy. Ban đầu, ông có ý tránh né tôi, nhưng sau đó, cũng nhận lời. Tôi nói thẳng với ông ấy; việc thầy tổ chức đấu tranh chống lại nhà nước đã bị lộ, Sở Công An thành phố đã biết và họ đặc trách tôi công tác theo dõi mọi hoạt động của thầy để báo cáo cho họ mỗi tuần. Sở dĩ tôi nói thầy biết điều này là vì tôi tin rằng thầy đủ bản lãnh để chấp nhận lá bài đặc tình của tôi như là một gián điệp đôi, một thứ nhị trùng, đi lại giữa công an và lực lượng của thầy. Tôi bảo đảm điều này có lợi cho thầy chứ không hại gì hết. Vì khi báo cáo cho công an, tôi chỉ báo cáo những tin tức và sinh hoạt không quan trọng, tóm lại là những tin tức láo; trong khi đó, thầy lại nắm được những tin tức thật về phía chính quyền do tôi cung cấp và nhờ vậy, thầy có thể căn cứ vào tình hình và tin tức đó mà tiến hành những công việc của thầy.

“Vậy rồi thầy ấy nói sao? có đồng ý không?

Hân thở dài:

Nếu đồng ý thì chưa chắc giờ này ông ấy bị ngồi tù! Khang biết không, sau khi nghe tôi nói vậy, ông ấy không bao giờ chịu tiếp tôi nữa. Làm chính trị kiểu đó thì chết toi là cái chắc. Biết sao không? Điều này tôi có nói cho ông ấy rồi, bây giờ tôi nói lại Khang nghe. Tôi nhấn mạnh cho thầy Tuệ Sỹ biết: lá bài đặc tình như tôi mà thầy không tin, không dùng, thầy sẽ bị công an gài một đặc tình khác vào thay thế tôi. Khang thấy có tai hại không? Tôi, dù sao cũng là người nhà. Nếu tôi có báo cáo gì đi nữa thì tôi vẫn còn biết nghĩ đến tình huynh đệ, tình đồng đạo, biết sợ nhân quả, biết giữ đức cho con cháu, chắc chắn tôi không đến nỗi phải bán đứng thầy Tuệ Sỹ cho công an; chứ gặp một đứa đặc tình nào khác, nó có từ bỏ thủ đoạn hay hành động thất đức nào đâu. Đến lúc đó thì thầy Tuệ Sỹ coi như nằm gọn trong tay công an rồi. Chắc Khang còn nhớ, năm 1977, khi thầy Tuệ Sỹ rời Nha Trang vào Sài Gòn, cùng thầy Lê Mạnh Thát thành lập Lực Lượng Việt Nam Tự Do, lúc ấy tôi cũng là một thành viên nòng cốt của lực lượng chứ có phải là người xa lạ gì! Bây giờ, thầy ấy trong tù ra, tiếp tục hoạt động, lại từ chối tôi, xa lánh tôi, không dám sử dụng cái chiêu gậy ông đập lưng ông, không dám lợi dụng tôi để nghe ngóng tin tức và tình hình của địch, vậy thì chẳng khác nào đánh địch trong bóng tối, đánh quờ quạng, đánh lung tung, hậu quả thế nào thì biết chắc rồi. Công an nó thấy, nó nhìn, nó theo dõi mình mà mình có theo dõi được công an đâu! Muốn nhìn phải có mắt, có tai. Cái tai, cái mắt đó chính là cái thằng đặc tình bất đắc dĩ như tôi đây nè. Tại sao các thầy, các anh, ngay cả Khang nữa, lại đẩy tôi, xô tôi đi về phía công an chứ? Tại sao không chịu chấp nhận tôi? Thử nghĩ coi, công an thấy tôi không có khả năng xâm nhập vào chùa Già Lam, không có khả năng tiến gần đến thầy Tuệ Sỹ thì chúng phải tìm một đặc tình khác mà cài vào. Mà đặc tình khác là ai? Tôi còn không biết được thì làm sao thầy Tuệ Sỹ biết! Mà đã không biết thì mối nguy còn to lớn gấp trăm lần hơn việc chấp nhận một đặc tình quen biết như tôi. Khang có thấy vậy không?

Chế nước sôi vào bình trà, tôi nói:

Nói như anh nghe cũng có lý. Nhưng đó là trên lý thuyết…

Lý thuyết gì! Đó là cái thực tế. Tôi không nói chuyện lý thuyết đâu. Cái thực tế trước mắt mình là thầy Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, và cả Khang nữa, đều đang đứng về phía đối nghịch với chính quyền. Các anh đều đã có lực lượng, có hoạt động chống lại nhà nước hay ít nhất cũng có dính líu đến các lực lượng chống cộng khác ở trong hay ngoài nước. Mà đã có thì các anh ấy và Khang đã bước vào thực tế rồi đó, chứ còn lý thuyết gì nữa!

Ý tôi muốn nói là trên lý thuyết, lá bài đặc tình của anh có lợi cho thầy Tuệ Sỹ thật, vì dù sao, anh cũng đã từng hoạt động chung với thầy trước đó. Nhưng trên thực tế, lá bài đặc tình nếu được cả hai bên chấp nhận thì nó phải làm lợi cho cả hai bên. Anh vừa có lợi cho thầy Tuệ Sỹ, vừa có lợi cho công an, phải vậy không? Nếu anh không làm lợi gì cho công an thì công an đâu cần anh nữa. Mà nếu anh vẫn còn có lợi cho công an thì chắc chắn là ở mặt nào đó, anh sẽ mang hại đến cho thầy Tuệ Sỹ. Ngược lại cũng vậy, anh có lợi cho thầy Tụê Sỹ thì cũng có hại cho công an, ở một mặt nào đó.

Nhưng nếu Tuệ Sỹ tin tôi, biết dùng tôi, bàn luận với tôi, chấp nhận tôi như một thành viên thuộc lực lượng của ông ấy thì phần hại sẽ ở trong mức tối thiểu. Ông ấy đã không làm vậy và cuối cùng thì như thế nào, Khang đã rõ. Ông lại vào tù lần nữa!

Anh có dính líu gì trong vụ thầy Tuệ Sỹ bị bắt không?

Nếu thầy Tuệ Sỹ chấp nhận tôi, cho tôi tham gia lực lượng của thầy ấy dù biết rằng tôi là đặc tình của Sở Công An, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu ông ấy bị bắt. Đàng này, thầy xa lánh tôi nên công an gài một đặc tình khác vào chùa Già Lam. Và thầy bị bắt là do đặc tình ấy, làm sao đổ tội cho tôi được! Mà thôi, chuyện ấy đã qua rồi. Bây giờ có bàn cũng chẳng cứu được ông. Điều trước mắt cần nói là tình trạng của Khang hiện nay cũng như những gì cần phải làm trong những ngày sắp tới.

Vậy thời gian cùng tôi hoạt động trên Long Thành… liên kết với lực lượng Phục quốc của ông Lương… lúc đó anh còn làm đặc tình không?

Dĩ nhiên là không rồi. Vụ thầy Tuệ Sỹ bị bắt năm 1984, tôi cũng lo trốn luôn công an vì sợ họ lôi vụ cũ của năm 1977 ra mà kết tội. Bộ Khang không thấy là suốt thời gian đó cho tới nay, tôi không có chỗ dung thân sao. Sau vụ công an vây bắt lực lượng Phục quốc của ông Lương tại Long Thành, không phải cả Khang và tôi đều trốn chui trốn nhủi sao! Thực ra, khi gài tôi vào lực lượng của thầy Tuệ Sỹ mà không được, công an đã không tín nhiệm tôi mà chính tôi cũng đã quyết định trốn khỏi vòng kềm tỏa của họ rồi. Nghe tin thầy Tuệ Sỹ bị bắt, tôi buồn bã rời Sài Gòn, rồi tìm đến Khang, cọng tác với Khang để mong chuộc lại những tai tiếng đã mang với đời, với bạn bè… Bây giờ, tôi đang là thứ dân bất hợp pháp, cũng sống ngoài lề như Khang thấy nè. Mỗi tối tôi quấn cái mền rách mà ngủ dưới đất. Nếu còn làm đặc tình cho công an, ít nhất tôi cũng tìm được chỗ ở khá hơn chứ.”

Chúng tôi trở lại bàn khách, im lặng uống trà, cả hai đều chờ đợi người kia nói trước. Hân đốt điếu thuốc. Trời đứng bóng. Nắng hè gay gắt, chói chang trên con đường đất chạy ngang trước sân. Tôi mở lời:

Sau vụ Tuệ Sỹ, rồi đến vụ ông Trần Văn Lương, anh nghĩ là mình có nên tiếp tục bày thêm một keo khác nữa chăng?

Cái đó tùy nơi Khang mà thôi. Bây giờ Khang biết tôi đã từng làm đặc tình cho công an trước đây, liệu Khang có đủ niềm tin và bản lĩnh để cùng tôi bày một keo khác không?”

Thấy tôi còn do dự, suy nghĩ, Hân tiếp:

Quên hết Tuệ Sỹ, Trần Văn Lương hay mấy người bạn ở chùa của Khang đi. Chúng ta làm lại từ đầu, từ con số không. Bây giờ, tất cả là do Khang đó. Khang quyết định làm gì thì chúng ta cùng bắt tay làm.

Anh nghĩ là cái gì nơi anh khiến tôi tin tưởng để tiếp tục hợp tác khi mà thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đã vào tù, các bạn tôi trốn lánh phiêu dạt tứ tung…?

Vậy có nghĩa là Khang cũng như những người bạn kia, đều cho rằng tất cả đổ vỡ là do tôi chứ gì?” giọng Hân như mếu máo lúc đó, tôi thấy điếu thuốc trên tay anh rung rung. “Không lý Khang chẳng nhớ rằng khi Hòa thượng Trí Thủ bị công an mời xuống làm việctại Sở Công an Thành phố, đã được cho nghe cuốn băng hỏi cung Lê Phát, trong đó, Phát đã khai tất cả sự thật về mọi hoạt động của thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát hay sao? Còn vụ ông Trần Văn Lương ở Long Thành, nếu tôi báo cáo thì làm sao ông ấy, và cả Khang nữa, có thể thoát được chứ? Tại sao chỉ có tay chân của ông ấy bị bắt thôi? Những chi tiết đó không đủ chứng minh rằng tôi không dính líu vào hay sao?”

Nhưng tại sao… trong quá khứ, vì lý do nào, anh lại phải cam tâm làm một đặc tình cho công an chứ?

Ai mà ham làm chuyện đó. Chỉ vì bó buộc thôi,” ngưng một lúc, Hân tiếp, “Năm 1977, khi thầy Tuệ Sỹ bị bắt vì tôi cư trú bất hợp pháp tại quận Bình Thạnh, lực lượng bị đổ vỡ theo, thầy Từ Mẫn trốn ra nước ngoài, những người khác, kể cả tôi, chạy tán loạn. Năm sau, tôi ra Phan Thiết vượt biên, thất bại và bị bắt. Trưởng trại Hàm Tân để ý tôi sao đó, thả tôi ra với điều kiện tôi phải làm việc cho công an. Hắn cho tôi vài ngày để suy nghĩ. Với chủ ý thoát ra được khỏi tù rồi cái gì đó sẽ tính sau, tôi chấp thuận đề nghị của hắn và được hắn giới thiệu cho Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó tôi trở thành đặc tình.

Tại sao không chịu… ở tù, như bao nhiêu người khác. Cần gì phải chấp nhận làm đặc tình!

Tại Khang không có vợ con nên không hiểu nổi. Lúc đó tôi nhớ vợ con ghê lắm, chịu không nổi, phải nhận lời. Huống chi, tôi cũng có hy vọng là làm việc cho họ mình mới hiểu rõ họ như thế nào mà tìm dịp chống lại.

Vậy rồi từ năm 1978 đến nay, 1985, là 7 năm… anh đã hiểu phương thức làm việc của công an rồi chứ gì, vậy chưa đủ cho anh để từ bỏ công tác đặc tình à? Sao không tìm cách trốn đi?

Đã nói rồi, hiện giờ tôi không còn làm đặc tình nữa, tôi đang trốn họ vì vụ Phục quốc Long Thành như Khang vậy. Có điều, trốn đi thì chưa có cách nào cả. Thực ra, đâu phải chờ đến lúc thầy Tuệ Sỹ bị bắt tôi mới từ bỏ công tác đặc tình! Lúc tôi ra Đà Nẵng năm 1981 là lúc tôi tìm đường thoát thân đó. Nhưng không may bị kẹt lại… để rồi có con với Thụy và mới đây lại bị họ bắt, kiểm điểm, khiển trách, hăm dọa đủ thứ chứ đâu có dễ như Khang nghĩ. Hồi đó, tôi bị đặt vào một hệ thống đặc tình, họ gọi là tổ tam tam. Tức là một tổ gồm có ba người, mỗi người trong tổ được công an giới thiệu thêm hai người khác hoặc tự tìm thêm hai người khác với sự chấp thuận của công an, để lập riêng thêm một tổ khác nữa. Như vậy, sơ sơ trước mắt là 4 tổ rồi; nhưng bản thân một tổ viên chỉ biết được hai người trong tổ nguyên thủy của mình, cộng thêm hai người trong tổ mới lập thêm; còn ngoài ra, chẳng biết ai cả. Trong khi đó thì công an lại nắm vững tất cả các tổ viên của các tổ. Họ cho tổ này theo dõi tổ kia, đặc tình này theo dõi đặc tình nọ. Riết rồi mình nằm trong một mạng lưới khổng lồ, chẳng dám cựa quậy gì hết. Chuyện gì của mình công an cũng biết. Chán vô cùng, nhưng phải chịu chứ chẳng biết sao để thoát ra.

Nhưng đặc tình của các anh đâu có làm việc suốt 24 giờ đồng hồ, phải không?

Ừ, mỗi người còn có việc phải làm để sinh nhai như bao nhiêu người dân khác vậy thôi. Mỗi tuần phải gặp nhau một lần để kiểm điểm, báo cáo.

Vậy thì vẫn có cơ hội để làm những việc riêng, vẫn có cơ hội để trốn đấy chứ!

Ừ, một số đặc tình đã thoát đựơc ra khỏi mạng lưới ấy bằng cách trốn ra nước ngoài. Nhưng tôi thì không được.

Vì sao?

Vì tôi bị hăm doạ.

Hăm doạ thế nào?

Vợ con tôi, Khang biết đó: hai bà, mỗi bà một đứa con. Bà thứ hai là Thụy ở Đà Nẵng thì công an chẳng biết, chẳng để ý gì. Còn bà Loan thì ở đâu, làm gì, công an đều biết. Họ nói nếu tôi có ý đồ phản họ hoặc trốn đi thì vợ con tôi sẽ không được yên đâu, có thể bị đẩy lên vùng kinh tế mới hoặc một hình thức trừng phạt nào đó. Nhưng đó là nói thời gian trước, chứ bây giờ tôi bỏ trốn rồi, và chuyện tụi nó hăm doạ tôi không còn ảnh hưởng gì nữa, vì tôi với bà Loan đã ly dị. Không phải chính miệng bà ấy đòi ly dị đâu, chính tôi đề nghị đó. Vì ly dị bả rồi, tôi mới không bị ràng buộc bởi sự hăm doạ của công an nữa.

Vậy thì đi vượt biên cho rồi chứ lẩn quẩn ở đây làm gì nữa chứ!

Nói như Khang thì dễ quá. Vậy chứ sao Khang không vượt biên đi, lại còn ở đây? Khang có phật tử, có bạn bè ủng hộ chuyện vượt biên, khỏi phải lo tiền nong gì hết; phần tôi, muốn vượt biên ít nhất phải có hai lượng vàng, tôi đào đâu cho ra. Đó là chưa kể chuyến đi có có bảo đảm không. Dính vào tù lần nữa thì ăn nói sao với tụi công an?

Vậy anh tính sao cho ổn chứ không lý cứ nằm ì ở cái chùa hoang này rồi một ngày nào đó công an bắt được, lại buộc anh làm đặc tình cho họ. Đến lúc đó… anh sẽ bán đứng hết người này đến người khác, gieo tội lỗi ngập đầu chỉ vì để tự bảo vệ mình, anh có biểt không?

Hân nhìn tôi, thở dài, lắc đầu, hớp một ngụm trà; một lúc, Hân nói với giọng tình cảm mà rất sầu não:

Khang à, tôi muốn nói một câu chân tình với Khang rằng, dù thế nào đi nữa, trong mắt tôi, trong lòng tôi, Khang vẫn là một người bạn, hay hơn thế nữa, một người ân của đời tôi. Cho nên, sau này, lỡ tôi có bị bắt làm đặc tình trở lại, tôi cũng không làm sao có thể làm bất cứ điều gì phương hại đến Khang được. Thời gian còn làm đặc tình, nói thật với Khang, tôi có hại ai đâu. Tôi chỉ báo cáo những gì mà tôi nghĩ là công an ắt phải biết, những gì khá lộ liễu mà tôi thấy rằng nếu tôi không báo thì một đặc tình khác cũng báo. Tôi từng theo thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát hoạt động chống cộng năm 1977 để đến nỗi phải chạy trốn, vượt biên rồi vào tù, làm sao có thể xoay chiều một trăm tám chục độ để theo cộng sản mà chống lại chiến hữu của mình được chứ. Chỉ vì hoàn cảnh mà thôi, và cũng chỉ trong một giai đoạn tạm thời nào đó thôi. Nếu có cơ hội thoát khỏi màng lưới của họ, hoặc được bảo vệ bởi một lực lượng chống cộng nào vững mạnh, sức mấy tôi chịu cam tâm làm đặc tình cho bọn ưng khuyển chứ. Cho nên, dù thế nào, Khang cũng phải vững tin rằng tôi luôn luôn đứng về phía dân tộc, đứng về phía Khang, phía chính nghĩa, chứ sao có thể đứng về phía cộng sản được!

Nhưng cái niềm tin nơi chính nghĩa của anh, sao tôi nghi ngờ quá. Lấy ngục tù hay kinh tế mới ra hăm doạ thì tự dưng cái chính nghĩa đó đang căng đầy bỗng xìu xuống ngay! Tôi chưa nói anh nghe hết những gì bạn bè nguyền rủa anh, thậm chí nguyền rủa luôn cả tôi vì chính tôi giới thiệu anh cho họ.

Họ nói gì?

Từ hôm Tết đến giờ, bốn tháng rồi, công an lùng sục khắp các chùa, bố ráp tất cả những tư gia nào có liên hệ với tôi. Từ Sài Gòn, đến Long Thành, Châu Thành, Thủ Đức, Biên Hòa, Hố Nai, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu, cho đến Nha Trang, Bình Định, rồi Hội An, Đà Nẵng, Huế; ở miền Tây thì Long An, Mỹ Tho, Cần Thơ… Không phải chỉ tìm bắt tôi mà thậm chí tất cả những bạn bè thân hay chỉ quen biết tôi cũng đều bị theo dõi, hoặc mời về đồn bót công an để làm việc. Tôi nghe họ nói, nơi nào có anh đến hỏi thăm tôi, nơi đó có công an đến kiểm tra hộ khẩu, lục soát. Điều này nói lên cái chính nghĩa nào đây? Phải chăng vì đại cuộc mà anh sẵn sàng dâng hiến bao nhiêu tu sĩ trẻ và công dân yêu nước cho cộng sản? hay chỉ vì an ninh của cá nhân, của gia đình anh?”

Mấy ông thầy chùa lầm to hết rồi. Thực ra, chuyện công an xét hộ khẩu, lục soát chùa chiền hay tư gia là chuyện thường thôi. Lâu lâu họ mở một chiến dịch kiểu đó. Làm sao biết được rằng những cuộc lục soát như vật là nhắm vào Khang hay các bạn bè của Khang chứ? Và làm sao biết được những vụ đó là do tôi chứ? Khang chạy trốn, tôi cũng chạy trốn, trốn tới đâu, tôi hỏi thăm Khang ở đó, có gì lạ chứ. Mà thực ra, chỉ tại Khang và các bạn bè của Khang có tật nên giật mình thôi. Đừng sợ. Những vụ bố ráp như vậy là nhằm chiến dịch gì đó, chẳng liên can gì đến vụ của Khang đâu!

Tôi bật cười lên một tiếng, nói:

Tôi không cần những lời trấn an của anh đâu. Anh không nhớ rằng, sáng ba mươi Tết vừa qua, tức là ngày lực lượng Phục Quốc của ông Trần Văn Lương bị đổ vỡ, hàng trăm nhân sự ở Long Thành kẻ bị bắt, kẻ ra đầu thú, kẻ bỏ chạy tứ tán, riêng một mình tôi ở lại đón Tết ngay tại chùa suốt nửa tháng đầu năm hay sao? Tôi đã chấp nhận cho công an vào chùa bắt tôi mà. Nhưng rồi chính anh cho người lên nhắn tôi về Sài Gòn gấp để gặp Thượng toạ Đức Nhân… Chắc anh chưa quên chuyện đó, phải không? Nhắc lại để anh nhớ rằng, thực ra tôi không sợ chuyện vào tù đâu. Tôi có chủ trương riêng của tôi. Làm được gì cho quê hương thì làm. Thất bại thì vào tù hoặc nhận cái chết, đâu cần phải trốn chạy. Anh hiểu tôi ở điểm đó nên mới mượn danh Thượng tọa Đức Nhân để kéo tôi ra khỏi vùng Long Thành mà về Sài Gòn. Từ đó, tôi trở thành một kẻ đào tỵ, lẩn trốn công an, hết chỗ này đến chỗ khác, từ nhà này sang nhà kia. Thực ra, cần gì phải làm thế! Từ xưa người ta đã từng nói: có sức chơi có sức chịu. Ừ, thì tôi đã chơi một ván bài, tôi phải chấp nhận sự may hay rủi, thắng hay bại. Tôi thích vậy hơn. Nhưng rồi chính anh, cộng thêm lời khuyên của Thượng tọa Đức Nhân nữa, khiến tôi đổi ý để rồi bày ra một trò chơi khác: trò chơi cút bắt, kéo dài nhiều ngày nhiều tháng… Dĩ nhiên, tôi không có ý trách gì lời khuyên của Thượng tọa Đức Nhân cũng như của anh vào lúc ấy. Tôi cám ơn mới phải. Vì thương quí tôi mà Thượng tọa và anh đã khuyên tôi lẩn trốn. Nhưng chỉ vì cá nhân tôi mà công an Sài Gòn và tỉnh Đồng Nai có cớ để lùng sục khắp các chùa, các tư gia, phiền hà đến bao nhiêu người quen biết khác của tôi, điều này tôi thực chẳng yên lòng chút nào. Cho nên, tôi nói thực, tôi muốn bị bắt ngay chính trong chùa của tôi ở kinh tế mới, chứ không muốn trốn chạy. Tôi cũng không sợ hãi chuyện ở tù đến nỗi ép mình làm đặc tình cho công an giống như anh đâu. Bằng chứng là trong khi mọi người nghi ngờ anh là đặc tình của công an, tôi vẫn đích thân đến đây tìm anh đó. Tôi nói rõ như vậy để anh biết, tôi không cần ai trấn an, phủ dụ, cũng không sợ ai hăm dọa, khủng bố đâu.”

Hân nóng mặt, đưa đôi mắt sắc lẻm nhìn tôi, nói:

Ừ thì Khang can đảm, Khang anh hùng, vậy thì tốt chứ sao. Tôi chạy theo cả đời cũng chưa bắt chước được. Nhưng… cái đầu óc của Khang cứ luôn luôn tưởng tượng, phóng đại, bao giờ cũng nghĩ mình là nhân vật quan trọng đến nỗi công an phải tìm kiếm truy bắt ngày đêm vậy!

Anh đừng có làm bộ ngây thơ không biết. Cái tưởng tượng nào của tôi khiến cho ngày rằm tháng giêng, sau khi tôi nghe lời anh trốn về Sài Gòn, công an tỉnh Đồng Nai xông vào chùa tôi? Rồi cái phóng đại nào của tôi mà sau đó, vì bắt không được tôi, họ cho họp tất cả đồng bào trên vùng kinh tế mới Long Phước và Bàu Cạn để tuyên bố đích danh tôi là cố vấn chính trị của lực lượng Phục Quốc do ông Trần Văn Lương cầm đầu? Ngay sau đó, họ tung ra lệnh truy nã và món tiền thuởng năm chục ngàn cho ai bắt đựơc hoặc chỉ điểm nơi ẩn trốn của tôi… làm náo động cả vùng kinh tế mới cho đến thành phố Sài Gòn và các tỉnh phụ cận. Tôi không cho rằng tôi quan trọng. Tôi cũng không ham được người khác phong cho tôi cái tầm quan trọng đó. Sở dĩ tôi phải nhắc lại chuyện đó vì muốn noí với anh rằng, nếu thực tình cần bắt tôi, hãy bắt đi, tôi không trốn chạy. Tôi có thể ngồi yên nơi đây hai giờ đồng hồ nữa để chờ đợi anh gọi công an đến. Chỉ xin các anh một điều là đừng quấy nhiễu đến các chùa và bạn bè hay thân nhân của tôi nữa.

Nghe tôi nói vậy, Hân cười khẩy một cái rồi đốt thêm điếu thuốc khác. Im lặng một lúc khá lâu.

Nói vậy là Khang cũng cùng một ý với bạn bè, cho rằng những sự việc trên là do tôi, phải không? Và dù nãy giờ tôi đã giải thích, nhắc tới nhắc lui mấy lần là tôi đã bỏ trốn, không làm đặc tình nữa, Khang vẫn cứ nghi ngờ, phải không?

Tôi chưa kết luận. Tôi còn chờ xem anh có thể giải thích gì được rõ ràng hơn cho những chuyện ấy không.

Hân đến chỗ bếp nhắc cái bình nhôm đen thui châm thêm nước sôi vào bình trà. Quay trở lại, Hân nói:

“Thực ra, nói kiểu như Khang: hãy bắt tôi đi, đừng quấy nhiễu các chùa và bạn bè thân thuộc của tôi nữa… thì vẫn chỉ là cách nói mà thôi. Cái chuyện đó đâu cần phải nói với tôi và tại sao tôi phải làm cái chuyện đi báo công an đến đây bắt Khang! Khang biết tôi không lòng nào làm được chuyện đó nên mới thách thức như vậy thôi. Ô, cần gì thách thức chứ, đầu thú, đưa tay cho họ còng, luôn tiện yêu cầu họ đừng khám xét làm phiền các chùa nữa, vậy thì xong thôi.

Tôi cười:

Đâu có dễ dàng chịu thua như vậy, hở anh Hân? Nếu tôi cũng nghĩ đơn giản như anh thì tôi đến thẳng Sở công an rồi, cần gì phải ghé đến đây tìm anh! Anh nghĩ lại xem, mấy ngày Tết, tôi nằm trong thư viện của tôi ở kinh tế mới, vừa đọc sách vừa chờ đợi công an vây chùa. Nếu tôi bị bắt vào dịp đó có phải là quá hay không! Anh làm lỡ mất cái cơ hội đó của tôi bằng cách cho người đến nhắn tôi về Sài Gòn gấp, biến tôi thành một kẻ lẩn trốn loanh quanh. Bây giờ anh nghĩ xem, tôi tự đem thân ra đầu thú, coi có được không vậy? Muốn bắt tôi thì cũng phải đem trí mưu với súng ống đạn dược ra mà lùng sục tìm kiếm, chẳng lẽ ngồi không một chỗ chờ tôi đến xin hàng à?

Hân nhìn tôi một lúc lâu, có vẻ sửng sốt. Một lúc, anh dịu giọng xuống, nói rất tình cảm:

Xin lỗi Khang. Tôi thực tình xin lỗi Khang đó.

Xin lỗi chuyện gì?

Khang nói đúng, hoàn cảnh của Khang hiện nay một phần nào cũng do tôi tạo ra. Khang thực ra chẳng giống tôi chút nào. Nhớ lại bốn năm trước, khi mới quen nhau ở sân chùa Ấn Quang, Khang nhớ hả, ừ, lúc đó thấy Khang non choẹt, mới hai mốt tuổi mà có uy tín sớm trong giới tăng sĩ trẻ, lại được sự tin cậy của mấy vị Hòa thượng tài đức, tôi chợt có ý nghĩ ngông cuồng là sẽ đào tạo, uốn nắn Khang thành một nhân vật chính trị có tầm vóc… để thực hiện giấc mộng của tôi. Gíâc mộng ấy, tôi cưu mang từ hồi hai mươi bốn tuổi, thời gian hoạt động chung với thầy Tuệ Sỹ năm 1977. Từ vụ đổ vỡ năm ấy, lún sâu vào công tác đặc tình, tôi đánh mất tất cả bạn bè, không còn uy tín gì để nói chuyện với ai khác, nên giấc mộng ấy kể như chôn theo bước chân lầm lỡ. Gặp Khang, tôi muốn quật nó lên lại. Cả quyết định từ bỏ đặc tình cũng bắt đầu từ lúc tôi đặt hy vọng vào Khang, năm 1981. Tôi muốn mượn Khang làm bình phong, làm biểu tượng để qui tụ nhân lực dưới trướng mình… Tôi đánh giá cái sức thu hút của Khang đâu đến nỗi sai. Nhưng tôi thật là lầm khi cho rằng tôi có thể ảnh hưởng Khang mọi mặt. Thực tế cho thấy, Khang vẫn là Khang, tôi vẫn là tôi, mỗi đứa mỗi tánh, đã không giống nhau mà có vẻ như là đối nghịch nhau nữa. Tôi thì quỷ quyệt, tinh ma quá. Còn Khang thì lại thật thà, ngây thơ, dễ bị lừa gạt…” Hân có vẻ nghẹn ngào, ngó ra sân một lúc, rồi tiếp, “Làm chính trị dưới chế độ này mà ngây thơ như Khang, thất bại là chuyện thấy rõ; nhưng đôi khi tôi lại muốn được một chút xíu cái ngây thơ của Khang đó. Vâng, cái ngây thơ nhân hậu làm tâm hồn mình sáng ngời, trong khi sự giảo hoạt ranh ma chỉ làm mờ tối lương tri mình thêm mà thôi. Tôi bây giờ giống như một kẻ sống trong bóng tối. Chung quanh tôi là một vũng tối. Thế giới của tôi chỉ là một màu đen. Tôi thực sự là không có tương lai…

Hân khóc. Tôi cũng không ngăn được xúc động. Tim tôi lúc nào cũng sẵn sàng mũi lòng như thế. Cả hai im lặng một lúc lâu. Tôi rót trà thêm vào tách của Hân, của tôi, rồi nói:

Chẳng có thứ bóng tối nào tồn tại lâu dài. Anh thừa biết chuyện đó mà. Huống chi chính anh lại nhận thức được nguyên do tạo nên nó. Bỏ qua hết đi, Hân à. Chúng ta gây dựng lại từ đầu nha.

Hân rơm rớm nước mắt nhìn tôi:

Khang vẫn còn tin là có thể hợp tác với tôi, làm việc chung với tôi sao?

Nếu không vượt biên được, anh chỉ còn một cách duy nhất để phá tan cái bóng tối kia bằng ngọn lửa đấu tranh chân tình và quyết liệt nơi anh mà thôi.

Hân gục gặc, đồng ý. Tôi nói tiếp:

Anh nói lực lượng nào đó của Thiên Chúa giáo hở? Anh quen họ thế nào?

Do Thượng toạ Đức Nhân giới thiệu.

Vậy à?” tôi nghe nhắc tên Thượng tọa Đức Nhân thì tin tưởng ngay, phấn khởi hỏi tiếp. Giới thiệu bằng cách nào, rồi anh đã gặp ai trong nhóm đó?”

Ông thầy Tư. Tôi đến thăm Thượng tọa nhằm lúc Thượng tọa đang tiếp ông ấy. Ông ấy có biết cả Khang nữa mà…”

Nhưng tôi đâu biết ông ấy làm sao ông ấy biết tôi.

Có lẽ qua lời giới thiệu của Thượng tọa.

Ông ấy thế nào?

Ông là một thầy dòng bên Thiên Chúa. Ông chưa phải là linh mục. Chức thầy Tư hình như là một chức vụ gì đó phụ tá cho linh mục trông coi một giáo xứ, vậy thôi, tôi biết đại khái như thế. Ông người Quảng Nam, tuổi trạc năm mươi mấy, sáu mươi chi đó. Thấp người, da đen ngăm, trên mặt có mấy vết nám lớn dưới hai gò má, lan qua hai bên cánh mũi. Tôi có nói chuỵên với ông ta đôi lần, thấy ông cũng nhiệt tình lắm. Vả lại, do Thượng tọa giới thiệu thì cũng đáng tin tưởng. Tôi nghĩ Khang nên gặp ông để tìm hiểu, biết đâu lại tìm được nước hay để đánh ván cờ khác. Và chỉ còn có cách đó là có thể cứu được luôn cả tôi. Khang nghĩ sao?”

Tôi im lặng suy tính một lúc rồi nói:

Được rồi, để tôi thử một phen. Nhưng làm thế nào để gặp ông ấy, anh có địa chỉ không?

Không, ông Tư đến đi bất thường. Lần gặp ông ở chùa của Thượng tọa Đức Nhân, tôi có cho ông địa chỉ ở đây, dặn ông đến vào cuối tuần khi nào muốn; hỏi địa chỉ thì ông nói không tiện. À, ông nói theo lời giới thiệu của Thượng tọa, ông rất quý Khang, muốn được gặp Khang để mời Khang tham gia lực lượng của ông. Ông nói người như Khang mà bị bắt thì uổng phí lắm, để ông tìm cách giúp. Tuần trước ông có đến hỏi thăm tôi đã tìm được Khang chưa, rồi hẹn trở lại vào cuối tuần này. Bữa nay thứ mấy rồi? Thứ Bảy hả? Vậy thì có thể hôm nay ông ấy đến, còn không thì ngày mai. Khang nhắm ở lại đây với tôi vài hôm được không?”

Được. Tôi sẽ ở lại đây cho đến khi nào gặp ông thầyTư hoặc cho đến khi nào có cách cứu anh ra khỏi cái vong kiềm toả của công an Sài Gòn.

Hân nghe tôi nói vậy thì mừng rỡ thấy rõ. Tôi cũng nhận ra một thoáng xúc động hiện lên trong mắt anh. Hứng chí, anh đốt điếu thuốc mới, nói:

Cám ơn Khang đã nghĩ đến an nguy của tôi. Riêng bản thân tôi, tôi cũng sẽ chứng minh cái tình bằng hữu ấy, để Khang hiểu rằng tôi đâu phải là đứa vong ơn bội nghĩa…

Tôi xua tay nói:

Thôi, khỏi cám ơn hay chứng minh gì. Cứ sống ngay thật đừng tổn hại đến ai là được rồi, biết cái gì xảy ra đến ngày mai mà hứa với hẹn.

Chiều, chúng tôi ăn bữa cơm chay đạm bạc với ít rau sống chấm chao. Ăn xong, chúng tôi ra ngoài trước thềm chánh điện, bàn về chuyện tiếp xúc với ông thầy Tư trong những ngày sắp tới. Hân cũng bàn với tôi nhiều về phương cách thành lập các tổ chức bí mật dưới chế độ cộng sản mà qua kinh nghiệm làm việc với công an, Hân tìm ra được. Sau nhiều giờ bàn bạc và nói chuyện thoải mái, tâm trí tôi hăng say đuổi theo một dự tính mới với lực lượng mới trong tương lai đến nỗi hầu như quên luôn là tôi đang bàn việc đấu tranh với một cựu đặc tình của công an.

Gần mười giờ tối mới thấy sư Giác Hải về. Ông treo mùng ngủ trên chiếc giương gỗ độc nhất trong chùa. Tôi và Hân trải cái chiếu rách ngủ chung dưới đất, bên cạnh bàn thờ Phật, trong một cái mùng cũng cũ và rách nhiều chỗ. Nghĩ Hân phải chịu cực nhọc như vậy nhiều ngày, tôi động lòng, thấy thương hại cho anh.

Sáng hôm sau, tôi đạp xe đến nhà một người quen, đưa tiền nhờ chị ấy đi chợ mua một cái mùng ni-lông mới, một số đồ dùng hàng ngày và một ít thực phẩm. Tôi đem tất cả về chùa Tân Nghĩa cho Hân.

Buổi chiều hôm đó, Chủ nhật, ông Tư đến. Hân giới thiệu cho tôi tiếp ông ấy tại chiếc bàn cổ lỗ của chùa rồi Hân lánh đi để cuộc tiếp xúc được tự nhiên.

Ông Tư tựu giới thiệu qua về thân thế của ông rồi cho biết ông quen Thượng tọa Đức Nhân qua sự giới thiệu của học giả Nguyễn Đăng Thục. Ông còn cho biết ông đã được Thượng tọa đọc cho nghe bản tuyên ngôn của một mặt trận đấu tranh cho nhân quyền. Bản tuyên ngôn ấy do Thượng tọa soạn viết và chỉ thuộc lòng trong đầu chứ không chép ra giấy mực. Ông còn biết khá nhiều về những hoạt động trước đây của tôi qua Đoàn Phật Tử Phụng Đạo, Hội Lạc Long và Lực Lượng Việt Nam Phục Quốc Nội Biên… Tôi hỏi, ông nói biết được một phần là do Thượng tọa Đức Nhân giới thiệu, phần khác là do Hân kể lại.

Như Hân có nói trước với tôi, ông Tư cũng mở lời kêu gọi tôi tham gia lực lượng của ông, hoặc chiêu tập một số bằng hữu khác của tôi để liên kết với lực lượng ông, thành lập một lực lượng mới, đại khái là một liên minh các tôn giáo chống cộng mà ông gọi là Mặt Trận Hữu Thần Đả Cộng Việt Nam. Nội nghe cái danh xưng tôi đã không có mấy cảm tình rồi. Có bốn lý do chính: thứ nhất, tôi không thích các tôn giáo công khai đứng ra đối đầu với chính quyền trong hình thức một thế lực chính trị; thứ hai, tôi không bao giờ cho rằng bản thân tôi hay một số bằng hữu nào của tôi, sẽ đại diện cho khối Phật giáo để đấu tranh hay tham gia đấu tranh kết hợp với các lực lượng khác; thứ ba nếu lạm xưng rằng tôi có quyền đại diện cho Phật giáo thì điều này cũng không xứng hợp, không chính danh, bởi vì Phật giáo vốn không phải là một tôn giáo hữu thần; thứ tư, tôi không thích danh từ đả cộng, vì nó chẳng bao giờ là lý tưởng của tôi cả -- nếu tôi có đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền nào đó thì mục tiêu, hay lý tưởng của tôi là đòi hỏi tự do dân chủ của dân tôi, chứ không phải là đả cộng. Năm ngoái, ông Trần Văn Lương cũng đã đề nghị tôi đứng ra liên kết với vài vị đại diện các tôn giáo khác để thành lập một lực lượng gọi là Lực Lượng Liên Tôn Phục Quốc Việt Nam (gọi tắt là Liên Tôn Phục Quốc), tôi đã một mực từ chối. Nay ông Tư lại đề nghị, tôi chẳng thấy hứng thú gì. Dù vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng ông Tư thực lòng chống cộng. Trong lúc nói chuyện, tôi quan sát chi li từng cử chỉ, lời nói, tư tưởng và ngay cả những phản ứng bất ngờ hay câu nói buột miệng của ông ấy. Chung quy, tất cả những cái đó đều kết thành một tổng thể đồng nhất biểu hiện con người ông ta, một con chiên sùng tín, sẵn sàng chết sống cho đạo và đối kháng quyết liệt với cộng sản. Tôi nói:

“Chuyện thành lập Liên Tôn hãy tính sau. Bây giờ tôi muốn biết tổ chức của thầy như thế nào thôi. Nếu là một tổ chức có chính nghĩa, có thực lực, thì tôi tham gia, không cần phải thành lập thêm cái gì khác.

Được rồi, tôi sẽ trở lại trong vài ngày tới để hẹn ngày đưa thầy Khang đi gặp cho biết một số nhân sự của tổ chức chúng tôi.

Ông Tư về rồi, tôi nói với Hân:

Anh có nghĩ rằng ông ta là người của cộng sản không?

Không,Hân trả lời dứt khoát.

Những kịch sĩ đại tài có thể đóng trọn vẹn bất cứ vai gì họ muốn.

Ừ, thì mình cũng phải xét kỹ chứ. Ông ấy có đề nghị gì không?

Ông ta hứa sẽ trở lại một đôi lần nữa rồi sẽ giới thiệu tôi đi gặp tổ chức của ông. Hơi sớm, phải không? Sao ông ta tin mình dữ vậy? Giả như tôi không phải là Khang thì sao? Giả như một anh công an hay đặc tình nào đó giả danh tôi để tiếp ông ta, rồi theo ông ta xâm nhập vào tổ chức của ông ta thì sao? Kết nạp, mời gọi gì mà lỏng lẻo vậy?

Chắc vì ông ta tin Thượng tọa, rồi tin tôi, nên mới tin rằng Khang chính là Khang chứ không phải là thứ giả được.

Hy vọng là vậy.

Thực ra, không thể dùng lý luận trong mọi trường hợp để đánh giá đúng mức sự kiện. Trong những thủ đoạn tráo trở, quỷ quyệt và tinh xảo của ngành tình báo, một kẻ hoàn toàn là A có thể biến thành B hay ngược lại. Lý luận đến tận cùng để chọn bạn, để đánh giá thực hư, người ta sẽ nghi ngờ tất cả ngoại trừ chính mình. Do đó, đi đôi với lý luận để đo lường và nhận định đối phương, cần phải có cái gọi là trực giác, hay linh giác - một phán xét bén nhạy không trải qua giai đoạn suy tư, biện luận hay đạc lượng. Đó là cái nhận thức tức thời, gần như có tính cách siêu nhiên giữa hai đối thể đồng cực hay dị cực. Có khi đối diện với một người, dù chưa nói với nhau lòi nào, ta đã thấy tin họ rồi. Nhưng trực giác này hầu như là một cái thiên bẩm mà không phải ai cũng được tạo hóa ưu đãi ban cho. Cũng không phải khi được ban cho thì lúc nào ta cũng có thể sử dụng được. Đôi lúc, ảo giác cũng có thể đóng vai trò của trực giác, hoặc che mờ nó đi. Trực giác đã không phải là phương tiện tuyệt hảo để nắm bắt thực tại thì lý luận lại càng tệ hơn. Thực tại có thể nhảy múa linh động trong khi trực giác chỉ chụp bắt nó trong một thoáng gặp gỡ mong manh; còn lý luận thì chỉ cố gắng suy diễn và định giá thực tại trong những nguyên tắc khuôn khổ, một chiều. Tôi u mê vụng về, không sử dụng được cả hai phương tiện trên. Đó là thảm hoạ của mọi vấn đề.

Ð

Từ lúc đến gặp Hân, tôi quyết định ở lại chùa Tân Nghĩa, chờ đợi ông thầy Tư, hy vọng từ ông ấy, tôi có thể tìm được lối thoát nào đó; còn nếu như có bị bắt tại chùa Tân Nghĩa này thì đó cũng là điều đã lựa chọn trước, tôi sẵn sàng chấp nhận. Tôi không hề có ý trốn chạy đi đâu nữa. Con đường trốn chạy chẳng có gì vui thú mà lại chẳng có chung cục. Tôi muốn đi tìm cái chung cục. Trước mặt tôi, như đã nói, là hai ngả rẽ: tiếp tục tranh đấu và chấp nhận một nếp sống đạo đầy thử thách trong ngục thất. Con đường nào cũng có gian nguy, khổ nhọc và có cái vẻ lôi cuốn huyền hoặc của nó.

Chiều thứ Tư, ngày 01/5/85, ông thầy Tư mới đến, mời tôi đi ra quán uống cà phê nói chuyện. Trong dịp này, ông ấy ngỏ ý không mấy tin tưởng Hân, cho rằng Hân thủ đoạn, khó tin. Ông muốn nói chuyện và làm việc trực tiếp với tôi chứ không qua trung gian Hân. Ông hẹn tôi sáng Chủ nhật ngày 05/5/85, ông sẽ đến chùa Tân Nghĩa, đưa tôi đi ẩn náu tạm tại một chùa ở Thủ Đức. Theo ý ông, tôi cần lánh xa Sài Gòn và tất cả những bạn bè thân thích vì nguy cơ có thể bị truy bắt của tôi. Ông cũng hứa là sẽ đưa tôi đi xem những cơ sở mật của ông, và nếu tôi không ngại việc vào chiến khu, ông cũng sẽ cho người đưa tôi vào đó để vừa lánh nạn, vừa tiếp tục công cuộc đấu tranh chống cộng. Tôi chỉ tin được một nửa. Về chùa, tôi lại thảo luận với Hân:

Nè, chuyện này dính dáng đến cả anh chứ không phải riêng tôi nên tôi muốn anh cũng phải suy xét kỹ và góp ý với tôi. Anh từng làm việc với công an, anh phải nhạy bén hơn tôi trong việc xét người. Anh nghĩ xem, nếu ông thầy Tư này là một đặc tình của công an, do công an sai đến để theo dõi anh, theo dõi tôi thì sao! Làm sao anh biết được ông Tư không phải là đặc tình?

Hân nói ngay, không suy nghĩ:

Tôi không nghĩ ông là đặc tình đâu. Tướng ông thấy khờ quá trời, công an không xài đâu. Mà nếu ông là đặc tình thì ông ta cũng không tố tôi được đâu. Tôi có lý do để biện minh cho tôi mà. Tôi cũng có thể biện minh cho Khang được nữa đó.

Biện minh gì, họ muốn bắt là bắt thôi. Có ý đồ chạy theo một tổ chức chống cộng là có tội rồi.”

“Không, tôi nói thực đó. Nếu có chuyện gì tôi sẽ nói rằng lâu nay tôi vắng mặt không báo cáo, không làm đặc tình vì tôi giả đò theo ông Tư để bắt trọn ổ phản động thôi. Còn Khang thì… tôi sẽ nói Khang là người do tôi cài vào tổ chức của ông Tư.”

Nghe Hân nói vậy, tôi giật mình. Tôi không ngờ tôi có một người bạn đầy trí xảo cơ mưu một cách tiểu nhân như vậy. Tôi thực buồn, nhưng đồng lúc cũng thấy tội nghiệp cho anh. Tôi khoát tay nói:

Không cần đâu. Anh lo phần anh đi. Phần tôi, cứ coi như là tôi chạy theo ông Tư thật tình vì muốn trốn lánh và muốn tiếp tục hoạt động. Đừng có gán cho tôi bất cứ một thành tích hay công lao gì theo kiểu đặc tình đó nghe chưa. Tôi hoàn toàn không thích chuyện đó đâu. Tôi đã nói với anh rồi, cứ để tôi bị bắt. Tôi chấp nhận vào tù mà, đâu cần phải biện minh gì cho tôi chứ.

Nói như Khang đâu có được. Khang phải trốn, phải được an toàn. Đâu có thể nói chuyện chấp nhận bị bắt, chấp nhận vào tù.

Ừ thì đi trốn, cứ cho việc đi theo ông Tư là đi trốn. Nhưng tôi nói rồi, nếu ông Tư là công an, hãy cứ để tôi bị bắt chứ đừng tìm cách biện minh hay cứu vớt tôi bằng các tiểu xảo dối trá, quanh co đó. Anh mà làm vậy thì tủi nhục cho tôi lắm đó.

Thấy tôi nghiêm giọng, Hân không nói nữa. Hình như Hân có oán hận tôi bởi những lời ngay thật của toi lúc đó.

Tối thứ Năm ngày 03/5/85, tôi đạp xe đi tìm Võ Quốc Linh, một người bạn mới quen nhưng rất thân trong thời gian tôi lánh nạn. Linh từng chứa chấp tôi một thời gian tại chỗ Linh tá túc. Gặp tôi, Linh nói ngay cho tôi biết rằng một người bạn tu của tôi, tên là Thiện Đắc, đã bị công an bắt tại chùa Pháp Hoa, ở đường Trương Minh Giảng. Tội gì chẳng biết. Linh bảo tôi lánh xa Hân sớm chừng nào tốt chừng nấy. Linh cũng cho biết là chuyến vượt biên mà tôi và Linh chờ đợi trước đây, nay đã sắp khởi hành. Linh khuyên tôi nên trở lại chỗ Linh, an toàn hơn. Tôi từ chối. Còn về chuyện vượt biên, tôi sẽ suy nghĩ lại.

Tối thứ Bảy ngày 04/5/85, tôi và Linh gặp nhau ở chỗ hẹn tại quán cà phê để quyết định về chuyện vượt biên.

Chuyến đi khởi hành vào khuya nay, bốn giờ. Bây giờ Khang đi luôn với tôi đi, khỏi trở về chùa Tân Nghĩa.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

Không được. Tôi còn một việc phải làm. Tôi còn một lời hứa với Hân, nếu không làm, e chẳng yên lòng đâu.

Trời ơi, Hân là thằng cộng sản mà Khang tin hắn làm gì? Bộ Khang quên cái vụ công an bao vây nhà bà Bạch Mai sao?

Vụ đó là ai chứ không phải Hân đâu. Tôi biết mà.

Nhưng dù gì thì Hân cũng nguy hiểm lắm. Khang đi với tôi đi.

Lời nài nỉ của Linh làm tôi cảm động. Trong thời gian tôi lánh nạn, có thể nói Linh là người bạn mới nhất nhưng cũng thân nhất và chí tình lo cho tôi nhiều nhất. Tôi ngồi im lặng với Linh một lúc. Nghĩ đến Hân phải nằm chèo queo dưới đất mỗi đêm ở chùa Tân Nghĩa, nghĩ đến cái bóng tối mà anh tự ví cho cuộc đời và tâm tư anh… tôi không đành lòng. Chọn lựa con đường tiếp tục hoạt động với một tổ chức khác hoặc chấp nhận vào tù là ý riêng của tôi, nhưng quyết định đi theo tổ chức của ông thầy Tư, tôi không nghĩ riêng cho tôi, mà một phần khác cũng vì nghĩ đến ngõ thoát cho cả Hân nữa. Tôi đắn đo một lúc rồi cuối cùng quyết định ở lại. Tôi nói Linh hãy cho Nguyên Lạc, một người bạn khác của tôi, thay vào chỗ tôi. Chuyến đi ấy, chúng tôi đã thương lượng trước với người ta là chỉ trả góp bằng tiền khi thoát được ra nước ngoài. Tôi chúc may cho Linh và Lạc. Chúng tôi xiết tay từ giã nhau ở quán cà phê. Linh đạp xe mất hút vào bóng đêm.

Đêm ấy cũng là đêm cuối cùng tôi và Hân còn ngủ chung dưới đất trong cái mùng lớn tôi mới mua, bên cạnh bàn thờ Phật của chùa Tân Nghĩa. Chúng tôi bàn bạc kỹ về chuyến đi của tôi theo ông Tư vào ngày mai (vì ông Tư muốn đưa một mình tôi đi, chứ chưa đá động gì với Hân). Hân dặn tôi đi tới đâu cũng tìm cách liên lạc về với Hân, vì đơn thân độc mã đi theo người ta quả là việc mạo hiểm. Lúc Hân nói điều này, trong tôi có dậy lên một mối nghi. Tôi không quên Hân đã từng là đặc tình. Nếu tôi đi theo ông Tư mà cứ liên lạc với Hân thường xuyên, biết đâu Hân báo cáo cho công an theo dõi rồi bắt luôn trọn ổ? Thấy tôi im lặng có vẻ suy nghĩ, Hân tiếp:

Nếu tổ chức ông ta lớn mạnh thực sự, Khang nói sao cho họ kéo tôi theo luôn. Tôi chán ngán phải sống kiểu đeo mặt nạ này quá rồi.

Ừ thì để xem sao,tôi nói.

Đêm đó không ngủ được. Tôi cứ hoang mang, lúc nghĩ vầy, lúc nghĩ khác. Có khi tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ luôn cả Hân nếu liên lạc được với một tổ chức đấu tranh tốt. Tại sao phải đem theo một cựu đặc tình vào một tổ chức tốt chứ? An nguy của đặc tình đó, dù là đặc tình bất đắc dĩ, dù là đặc tình đã từng là bạn cũ, có quan trọng bằng an nguy của một tổ chức đấu tranh gồm nhiều nhân sự nhiệt tình vì nước hay không? Dù rằng Hân nói đã từ bỏ đặc tình và muốn thay đổi, cũng không làm sao có thể tin Hân hoàn toàn được. Vả lại, thực khó mà hiẻu thấu một đặc tình thực sự muốn gì và sẽ thực lòng với ai? Tuy nghĩ thế, tôi vẫn áy náy trong ý nghĩ bỏ rơi Hân. Nếu Hân thực tình muốn bỏ công tác đặc tình để trốn theo các lực lượng chống cộng thì sao? Đành lòng nào bỏ rơi Hân!

Trằn trọc mãi đến gần sáng, tôi mới quyết định là sẽ không liên lạc gì với Hân trong khi đi theo ông Tư, và chỉ khi nào nhắm có thể giúp gì được cho Hân thì tìm đến Hân sau. Không thể để Hân biết được bất cứ dấu vết nào trên con đường mới mà tôi chọn.

Sáng Chủ nhật ngày 05/5/85, khoảng gần sáu giờ, tôi đang ngồi uống trà một mình nơi bàn khách chùa Tân Nghĩa thì ông Tư đến gõ cửa, hối thúc tôi theo ông ra bến xe lam.

Chiếc xe lam phóng đi. Trong tôi không có linh tính gì báo hiệu cho một sự bất an sắp xảy ra cả. Có thể vì tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ sự bất an nào nên tất cả linh giác hay thứ tâm thức tự vệ nào đó trong tôi, đã không còn hiệu năng để báo động hay cảnh giác gì nữa. Và cuối cùng, chiếc xe bị công an chận lại dưới gốc cây phượng trổ bông đỏ rực rỡ dưới bầu trời nắng sớm.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]