Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6

18/03/201201:48(Xem: 9140)
Chương 6

NGÕ THOÁT

tức Phương Trời Cao Rộng 3

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1996

flowerba

CHƯƠNG SÁU

Con đường theo ý riêng của tôi, xét ở một khía cạnh nào đó, trở thành chống đối lại Hoà thượng ân sư của mình. Một vài người bạn của tôi đã trách cứ tôi điều đó. Cho rằng, Hòa thượng có ơn nuôi dưỡng bảo bọc tôi yên ổn một thời gian để tu và học tại chùa Già Lam, tôi không nên làm điều gì đi ngược lại công việc của ngài. Nhưng riêng tôi, tôi tự thấy rằng nếu tôi hoàn toàn thụ động, không dấn thân đấu tranh, không đếm kể gì đến nỗi suy vong của đất nước và giáo hội, thì hóa ra tôi càng phản bội ngài một cách trầm trọng đáng khinh hơn.

Trước mắt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị nhà nước mặt nhiên giải tán sau kỳ đại hội thống nhất Phật giáo tổ chức tại Hà Nội với sự lãnh đạo của chính quyền cộng sản. Hòa thượng Trí Thủ là Trưởng ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo, nay đại hội bầu Hòa thượng làm Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, tương đương với chức vụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo mà trước kia cũng do Hòa thượng đảm nhận trong giáo hội cũ (Giáo Hội Thống Nhất). Tăng ni và tín đồ Phật giáo bất mãn vô cùng, nhưng chẳng làm gì được, vì bị đặt vào cái thế khó xử: một số cao tăng đứng ra vận động công cuộc thống nhất (dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của nhà nước) chính là những bậc thầy có uy tín, đức độ, và ân sâu đối với nhiều thế hệ tăng ni tín đồ tại miền Nam trước cũng như sau năm 1975. Trước ngày đại hội, một số tăng ni khác thuộc Giáo hội Thống Nhất đã cứng cỏi đứng ra chống lại âm mưu xen vào nội bộ Phật giáo của nhà nước, và họ đã bị công an bắt giam, hoặc bị lưu đày (như trường hợp Thượng toạ Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ). Đoàn Phật Tử Phụng Đạo được khai sinh trong thời gian bỏng cháy đau buồn đó.

Vào những buổi họp cuối cùng của Ban Chỉ Đạo Viện Hoá Đạo (trước khi hạ bảng giáo hội Ấn Quang để nhường chỗ cho văn phòng của giáo hội mới), tôi có đến thăm thầy Tịch Quang. Thầy có vẻ nóng ruột về các chuyển biến của giáo hội, nhưng cũng chẳng phát biểu cảm nghĩ hay ý kiến rõ rệt nào cho tôi nghe cả. Buồn bã rời phòng thầy, tôi gặp vài người bạn ở sân chùa Ấn Quang, và tôi được thầy Tâm Hải (người bạn đã cùng tôi khai sinh ra Đoàn Phật Tử Phụng Đạo và giữ chức Đoàn Phó đặc trách ngoại vụ) giới thiệu một người bạn mới tên Hân. Hân trước kía xuất gia ở Đà Nẵng, học chung lớp với thầy Tâm Hải ở Phật học viện Liễu Quán (Phan Rang), hoàn tục từ năm 1975, có vợ con. Hân đã cùng hai thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát thành lập Lực Luợng Việt Nam Tự Do vào năm 1977. Nghe rằng Tâm Hải cũng có dính líu vào vụ ấy. Thoạt gặp lại Tâm Hải, Hân đã hỏi:

“Này, thầy có học ở lớp Già Lam, phải không? Lớp ấy có một chú tên Tâm Quang. Thầy có quen thân không?”

Tâm Hải cười, quay qua giới thiệu tôi:

“Tâm Quang tức là chú Khang đây nè. Bộ anh nghe ai nói xấu gì chú Khang sao?”

Hân nhìn tôi, chào bằng một cái gật đầu:

“Hân hạnh biết chú. Hôm trước tình cờ gặp được thầy Tuệ Sỹ ở chùa Tập Thành, tôi có hỏi thăm về những sinh viên tăng xuất sắc của lớp học và được thầy Tuệ Sỹ nhắc tên chú.”

Hân mời tôi đến chơi chùa Tập Thành, do thầy Nguyên Như trụ trì. Ở đây, tôi còn được quen thêm một người bạn khác tên Sanh, cũng là một tu sĩ hoàn tục, sống độc thân. Sanh thành lập nhóm thân hữu sinh hoạt mỗi cuối tuần tại chùa Huệ Lâm ở quận 8, lấy tên là Nhóm Thi Văn Chánh Pháp. Cả thầy Nguyên Như, Sanh và Hân, đều là những người đã từng cùng thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát sáng lập Lực Lượng Việt Nam Tự Do vào năm 1977. Họ cho tôi biết rằng lực lượng ấy bị tan rã bởi những lý do có tính cách cá nhân. Thứ nhất, thầy Tuệ Sỹ bị bắt giam vì tội cư trú bất hợp pháp (hộ khẩu chính thức của thầy ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang mà lại sống ở Sài Gòn). Thầy Nguyên Như bị bắt về tội tích trữ hàng hóa bất hợp pháp (thực ra đây là một hình thức kinh tài của lực lượng do một người Phật tử khác đảm trách và thầy trụ trì chấp nhận cho mượn nhà bếp của chùa để làm kho cất chứa). Hân thì bị bắt vì tội vượt biên sau khi hai thầy kia vào tù và vị lãnh tụ lực lượng là Thượng toạ Từ Mẫn đã vượt biên trước đó. Chỉ có Sanh và một số nhân sự khác là không bị dính vào vòng tù tội, nhưng cũng phải ẩn lánh một thời gian. Tuy các nhân sự trên bị bắt giam vì những lý do cá nhân, nhưng vì họ là những nhân tố cốt lõi nên sự vắng mặt của họ cũng mặc nhiên khiến Lực lượng Việt Nam Tự Do bị tan rã từ đó.

Như vậy, đây là lần đầu tiên, tôi thực sự tiếp xúc với những người đồng đạo có khuynh hướng dấn thân cứu đời bằng con đường đấu tranh chính trị. Trọn một buổi chiều tiếp xúc, tôi học được nhiều kinh nghiệm quí báu từ họ, và tinh thần tôi cũng nhờ họ mà phấn chấn nhiều hơn lên. Vì thầy Tâm Hải và Sanh đã về trước, buổi tối, Hân cùng tôi rời chùa Tập Thành một lúc. Trên đường đi, Hân còn cho tôi biết là Thượng tọa Thích Đức Nhuận có ý muốn gặp tôi. Thượng tọa nguyên là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, từng Là Khoa trưởng Phân Khoa Phật học của trường đại học Vạn Hạnh. Thượng tọa có viết vài cuốn sách về Phật giáo rất sâu sắc, được giới tăng ni Phật tử cả nước hâm mộ.

Tôi hỏi Hân:

“Thượng toạ muốn gặp tôi để dạy việc gì?”

“Cứ gặp đi rồi sẽ biết. Nhưng muốn gặp thì tốt hơn là Khang hãy chờ tôi trình Thượng toạ trước, rồi tôi sẽ sắp xếp ngày giờ cho Khang đến.”

Tôi ừ, nhưng rồi không chờ Hân, tự động một mình tôi đến bái kiến Thượng toạ. Vào chùa, tôi bị chú thị giả của Thượng tọa chận lại ở bên ngoài. Chú bảo tôi ngồi chờ ở phòng khách để chú lên thưa trước. Tôi xưng tên rồi ngồi chờ chú thị giả lên lầu. Một chặp, chú thị giả trở xuống, mời tôi lên phòng Thượng tọa.

Là một bậc cao tăng khiêm cung, đức độ, Thượng tọa tiếp tôi, một chú sa-di học trò, với một cung cách cởi mở, thân tình, khiến tôi cảm thấy tự nhiên và mạnh dạn trình bày cùng ngài đường hướng và cương lĩnh hoạt động của Đoàn Phật Tử Phụng Đạo do tôi sáng lập. Ngài rất hoan hỷ biết được ý của tôi và đã khích lệ tôi rất nhiều, cũng hy vọng là tôi sẽ không dừng chân mãi trong khuynh hướng từ thiện xã hội. Theo Thượng tọa, con đường nhập thế của người con Phật, muôn đời vẫn đặt trên nền tảng giải thoát giác ngộ, và phải khởi đi từ nỗ lực cải thiện nhân cách rồi sau đó mới hướng đến việc chuyển hoá xã hội. Chuyển hoá xã hội không phải chỉ là một cuộc thay đổi, cải tạo, cải cách, xoa dịu bề mặt xã hội, hoặc hoán chuyển những thể chế cầm quyền. Chuyển hóa là công trình lay chuyển trọn vẹn tâm thức và cộng nghiệp của xã hội để thể nghiệm tính bình đẳng, giác ngộ và toàn thiện, hầu mang lại phúc lợi thực sự cho con người xã hội ấy. Cụ thể hơn, ở khía cạnh tích cực và mang tính cấp thời, có thể nói rằng sứ mệnh thời đại của người con Phật trong hiện tình của đất nước dưới sự thống trị của một phe đảng độc tài, là phải dấn thân vào công cuộc giải trừ những tham vọng, thù ghét và u mê của những kẻ cầm quyền hầu đem lại hạnh phúc thịnh vượng cho toàn dân. Công cuộc giải trừ đó đòi hỏi người con Phật phải vun bồi, thắp sáng, trang trải lòng thương, trí tuệ cùng hạnh nguyện kiên cường của mình để bước vào một lộ trình gian nguy, đòi hỏi nhiều thử thách, có khi đe doạ đến tất cả quyền lợi riêng tư và ngay cả đến tính mệnh của mình nữa.

Rời phòng Thượng tọa, lần đầu tiên sau bảy năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi mạnh mẽ xác định con đường nhập thế mà tôi từng tìm kiếm và lựa chọn.

Bấy giờ đã vào mùa hè năm 1982. Đoàn Phật Tử Phụng Đạo kết nạp thêm nhiều thành viên. Ngoài các hoạt động từ thiện xã hội tiên khởi trong thành phố Sài Gòn, chúng tôi còn phải lo vấn đề tự túc kinh doanh, mở rộng các cơ sở của đoàn bằng cách kêu gọi đoàn viên (nếu là tăng sĩ) đảm nhận trụ trì các ngôi chùa bỏ trống ở vùng quê, hoặc kết nạp vào những tăng ni trẻ hiện đang trụ trì hay đang cư trú tại các chùa ở Sài Gòn, ở các vùng phụ cận. Khá nhiều tăng ni trong thành phố hưởng ứng phong trào. Kẻ thì tích cực tham gia, kẻ thì hỗ trợ tinh thần, kẻ thì ủng hộ tài chánh… Đoàn Phật Tử Phụng Đạo còn cho ra một tờ báo phổ biến nội bộ, lấy tên Diệu Âmdo thầy Tâm Tường phụ trách. Trong lớp học chùa Già Lam, gần một nửa tăng sinh viên tán trợ chương trình của Phụng Đạo. Nhưng hình như có một sự ngầm ngấm nào đó từ ban giám học khiến cho các tăng sinh viên này dè dặt trong sự liên hệ thường xuyên với tôi. Dù sao, những người này đã giới thiệu đến tôi một số nhân sự khác không có trong lớp học, và còn hứa sẽ tham gia Phụng Đạo sau khi tốt nghiệp tại lớp Già Lam.

Cùng thời gian Phụng Đạo thành lập và phát triển, có một lực lượng khác cũng vừa khai sinh ngay tại chùa Già Lam. Các tăng sinh viên ủng hộ Phụng Đạo đã cho tôi biết điều đó. Nhưng tôi biết rõ ràng hơn là do Tâm Huy. Vào dịp nghỉ hè, trước khi về quê ở Phú Yên, Tâm Huy đến gặp tôi tại phòng riêng khi tôi đang bận viết báo. Huy hỏi:

“Khang à, tôi không biết thầy Tuệ Sỹ có mời Khang tham gia lực lượng của thầy ấy không?”

Tôi cười đáp:

“Thầy ấy biết tôi đang lo Phụng Đạo mà. Tôi có việc của tôi, thầy ấy mời gọi làm gì. Nhưng thầy có nhờ tôi giới thiệu cho thầy một người. Tôi chỉ giới thiệu thôi, chứ không hề hỏi thầy ấy hay người kia về chuyện mà họ làm. Sao, thầy ấy mời anh cọng tác à?

Ừ, thầy có chọn lựa một số anh em trong lớp, mời cọng tác. Thầy ấy vừa cho ra đời một tổ chức đấu tranh cho tự do nhân quyền. Nhân dịp nghỉ hè này thầy trao cho mỗi người một bản tuyên ngôn của lực lượng để vận động kết nạp nhân sự khắp các tỉnh. Khang có bản tuyên ngôn ấy chưa? Đây nè, đọc xem.

Tôi đón lấy bản tuyên ngôn đựơc quay ronéo, đọc qua một lượt. Cuối bản tuyên ngôn không ký tên ai, chỉ để danh xưng của lực lượng, gọi là ỦY BAN BẢO VỆ PHẬT GIÁO và GIẢI CỨU DÂN TỘC. Vì đã tiếp xúc với Hân, tôi biết đây chỉ là tổ chức ngoại vi của Lực Lượng Việt Nam Tự Do mà thầy Tuệ Sỹ đang cố gắng tái lập và gầy dựng trở lại. Dù vậy, tôi vẫn thành thật góp ý:

Khỏi cần phải bàn rộng cũng thấy rõ nội dung bản tuyên ngôn rất súc tích, hợp lý, có chính nghĩa, rất hùng hồn, lôi cuốn, nhưng danh xưng của lực lượng thì không ổn.

Sao vậy?

Nếu tôi không phải là một người theo Phật giáo, tôi sẽ không tham gia uỷ ban này vì đây là Ủy Ban Bảo Vệ Phật Giáo; còn nếu tôi là một người Phật giáo không có tinh thần dấn thân, không có ý thức chính trị, tôi cũng sẽ lánh xa ủy ban này, vì đây là Ủy Ban Giải Cứu Dân Tộc, khuynh hướng chính trị đựơc nêu rõ ngay trong tên gọi. Như vậy, một danh xưng mà đã loại trừ hai thành phần đông đảo của đất nước, làm sao phát triển được!

Ừ, cũng phải. Thế mà thầy ấy giao mỗi người một bản, bảo mang đi về các tỉnh. Tôi ớn quá. Nội mang đi giữa đường đã thấy không ổn rồi, nói chi chuyện trình bày quan điểm của ủy ban để kết nạp người khác! Như Khang biết, lần trước Khang rủ tôi bỏ học để cùng Khang dấn thân hoạt động, tôi đã từ chối vì muốn tiếp tục con đường học vấn, được chừng nào hay chừng nấy, khi nào tốt nghiệp rồi mới tính. Vậy mà bây giờ lại gặp lực lượng này, lý do nào để từ chối, vì nó phát sinh từ chính trong lớp học! Không phải tôi không muốn tham gia hoạt động, có điều, tôi thấy chưa đến lúc… Bây giờ ăn nói làm sao đây với thầy ấy?

Chuyện anh đi vận động hay chẳng muốn tham gia thì tôi không dám có ý kiến. Riêng chuyện góp ý về danh xưng, xin thêm rằng hãy chọn một trong hai, hoặc là Ủy Ban Bảo Vệ Phật Giáo hoặc là Ủy Ban Giải Cứu Dân Tộc. Không cần phải ôm đồm cả hai mà rồi chẳng được thành phần nào hưởng ứng cả. Thực ra, với danh xưng này, thầy ấy đã có mục tiêu rõ rệt là gây một phong trào đấu tranh mà lực lượng chủ lực là thành phần Phật giáo, những người Phật giáo sẵn sàng dấn thân chống lại chính quyền. Điều này có chỗ lợi là có thể chắt lọc cán bộ nòng cốt ngay từ khởi điểm, nhưng mặt khác, như đã nói, lại giới hạn vô cùng về mặt phát triển. Không phải tôi đặt nặng vấn đề số lượng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, mang danh xưng đó đi vận động e rằng khó ăn khác, phải không?

Ừ, tôi sẽ trình bày với thầy ấy.”

Đó là những gì tôi biết được về sinh hoạt của lực lượng do thầy Tuệ Sỹ thành lập. Nhưng từ lúc nói chuỵên với Tâm Huy về sau, vì công việc càng lúc càng bề bộn của Phụng Đạo, tôi không có thời giờ để tìm hiểu hay nghe ngóng gì thêm về lực lượng đó nữa, dù rằng tôi hãy còn ở lại chùa Già Lam cho đến cuối thu năm 1982.

Mùa hè trước khi tôi rời chùa Già Lam, do lời giới thiệu của thầy Kiến Tánh ở huyện Long Thành, Đoàn Phật Tử Phụng Đạo cử thầy Minh Hào lên trụ trì chùa Long Quang, một ngôi chùa tranh nhỏ ở vùng kinh tế mới để phục vụ đồng bào nghèo khổ tại đây. Thầy Minh Hào biết châm cứu và trị bệnh bằng thuốc nam nên sự đóng góp của thầy nơi đó rất thiết thực, hữu hiệu, gây được cảm tình sâu rộng trong quần chúng. Nhưng sau vài tháng hoạt động tích cực, thầy Minh Hào thông báo giao lại ngôi chùa Long Quang ở kinh tế mới cho Đoàn Phật Tử Phụng Đạo vì phải trở về giúp việc cho ngôi chùa gốc của thầy bổn sư ở Cần Thơ. Ban điều hành Phụng Đạo họp để người đi kinh tế mới thay thế. Vì nhiều lý do, không ai xung phong đảm trách chuyện này. Tôi biết nhân sự Phụng Đạo sẵn sàng đóng góp thời giờ, công sức và tiền của để thực hiện các công tác từ thiện xã hội do đoàn đề ra và giao phó; nhưng quyết định rời bỏ thành phố Sài Gòn để lên sống và hành đạo trực tiếp tại vùng kinh tế mới thì không phải là chuyện đơn giản. Tất cả cử tọa trong buổi họp đều im lặng. Cuối cùng, tôi giao trách nhiệm điều hành Phụng Đạo tại thành phố lại cho hai vị đoàn phó và chính tôi quyết định lên đường đi kinh tế mới. Quyết định của tôi làm mọi người xôn xao, sợ rằng sự vắng mặt của đoàn trưởng tại thành phố trong thời kỳ mới phôi thai, đang phát triển, sẽ làm phong trào bị xẹp xuống. Nhưng tôi lại tin rằng kết quả sẽ ngược lại: chuyện tôi đi kinh tế mới giúp đồng bào nghèo khổ sẽ làm cho phong trào lớn mạnh lên và gây được niềm tin sâu rộng hơn trong quần chúng về mục tiêu của Đoàn Phật Tử Phụng Đạo. Không ai tìm được lý do nào để ngăn cản quyết định của tôi.

Vậy là cuối năm ấy, gần Tết nguyên đán, tôi lên tịnh thất của Hòa thượng Già Lam, đảnh lễ ngài.

Chi rứa?Hòa thượng hỏi.

Bạch thầy, con muốn đi Nha Trang.

Tôi buộc lòng phải nói vậy vì nếu nói thực là đi kinh tế mới, có thể sẽ làm Hòa thượng buồn lòng và không chừng ngài sẽ ngăn cản.

Hòa thượng im lặng một lúc rồi hỏi:

Đi Nha Trang à? Có phải là con tìm được chỗ đi tốt không?

Dạ… cũng tùy nhân duyên. Có thể con sẽ đến nơi nào cần sự có mặt của con nhất. Nếu con không quay trở lại, ba lạy này xin khắc ghi ân sâu giáo dưỡng của thầy.

Thấy tôi cúi lạy mà rơm rớm nước mắt, Hòa thượng đoán biết tôi sẽ đi luôn, bèn dạy:

Khi bồ đề tâm đã kết thành hoa trái thì ở trong hoàn cảnh nào cũng tỏa hương, cũng đem lại an lạc hạnh phúc cho cuộc đời. Cứ hết lòng vun bồi, phát triển cái tâm ấy thì không có thế lực nào, không có sức mạnh nào có thể ngăn trở hay huỷ diệt được con cả.

oOo

Cùng lên đường với tôi về chùa Long Quang kinh tế mới, còn có thầy Tâm Tường. Vài tháng sau, lại có thêm hai chú sa-di khác cũng là đoàn viên của Phụng Đạo, từ Sài Gòn, muốn theo thầy Tâm Tường lên phụ giúp tôi. Một chú tên Tùng (sau này là thầy Thông Trí), một chú tên Minh (sau này là thầy Nhật Quang).

Đất ở vùng này khá xấu. Trước khi Phụng Đạo cử thầy Minh Hào đến đây, tôi đã cùng thầy Tâm Tường và Tâm Minh đi xem đất rồi. Lúc ấy, thầy Kiến Tánh, vị cựu trụ trì của chùa Long Quang, không phải chỉ giới thiệu cho Phụng Đạo ngôi chùa Long Quang thôi đâu: còn có hai cơ sở khác nữa cũng thuộc phạm vi huyện Long Thành, cách Sài Gòn lối sáu mươi cây số. Một là chùa Bửu Lâm, nằm sâu trong rừng cao su; chùa xây bằng gạch, mái ngói khang trang, có điện nước, có nhiều cây ăn trái và nhiều phòng ốc cho chư tăng. Hai là một ngôi tịnh thất nằm gần quốc lộ, do một phật-tử người Hoa hiến cúng. Ngôi tịnh thất lợp tôn, vách ván, cũng khá khang trang và có điện nước đầy đủ. Tịnh thất được bao bọc bởi một khu vườn rộng với hàng trăm loại cây ăn trái mà mức thu lợi có thể nuôi sống được ít nhất là ba người. Chỉ có ngôi chùa Long Quang là tọa lạc ngay trên miếng đất cằn cỗi thuộc vùng kinh tế mới. Thầy Tâm Minh nhìn ngôi chùa vách đất, mái tranh, không điện, không nước, không cây ăn trái, không có cây cao bóng mát… đã chặc lưỡi bàn ra:

Coi kìa, giếng nước đục ngầu. Đất có phèn. Đất như vầy chẳng làm ăn gì được. Chó ăn đá, gà ăn muối. Dân ở đây cũng nghèo rách, nghèo nát, làm sao mà phát triển nổi ngôi chùa này chứ.

Cũng may Tâm Minh không phải là nhân sự của Phụng Đạo. Thầy ấy chỉ theo chúng tôi để xem vị thế đất mà góp ý thôi. Tâm Minh đề nghị chúng tôi chọn ngôi chùa Bửu Lâm trong rừng cao su hoặc ngôi tịnh thất có vườn cây ăn trái cho khỏe, vì mọi thứ nơi đó đã ổn định. Nhưng tôi nhất quyết không chọn hai cơ sở kia: tôi chọn chùa Long Quang, ngôi chùa tranh vách đất và cuộc đất cằn cỗi chỉ có cỏ dại và tre gai với con đường đất đỏ tung bay mịt mù theo gió. Tôi không nói thẳng ý kiến của tôi cho Tâm Minh nghe. Chỉ nói riêng với Tâm Tường, một thành viên tích cực của Phụng Đạo:

Chúng ta rời Sài Gòn không phải để chọn chỗ yên thân, ẩn dật. Phụng Đạo chủ trương tìm đến những nơi đau khổ, đói nghèo nhất để hành đạo. Dù cho ngôi chùa Long Quang này có nằm ở vùng sa mạc, chúng ta cũng phải biến nó thành vùng đất lành có đủ bóng mát để che chở cho người dân đói khổ nơi đây.

Vài tháng sau lúc đi xem đất, Tâm Minh tìm mua được một miếng đất ở Long Khánh để trồng tiêu và cà phê; trong khi đó, Phụng Đạo thì cử thầy Minh Hào đến chùa Long Quang, rồi cuối cùng là chúng tôi kéo về. Chỉ hơn một năm sau, Tâm Minh đã thành công với khu đất màu mỡ của Long Khánh; còn chùa Long Quang cứ ì à ì ạch như một con thuyền ọp ẹp, gắng sức chống chỏi để sống còn giữa bao bão tố phong ba. Nhưng với riêng tôi, chính từ những túp lều tranh xiêu vẹo rách nát, chính từ những lon gạo, củ khoai hay miếng vải chia sẻ cùng những người dân khốn khổ cơ cực chung quanh, chính từ những giàn mướp, những luống rau, những bụi khoai mì đèo đuột, những gầu nước ngầu đục và những ngọn đèn dầu chong đêm đọc sách… chính từ giang sơn tiêu điều hoang lạnh ấy, tất cả ý lực và lòng thương của tôi được nuôi dưỡng và un đúc thành một khối vô cùng mạnh mẽ, mênh mang… đến nỗi đã có khi tôi nghĩ rằng, nếu có một giai đoạn nào đó được xem là ý nghĩa và thơ mộng nhất trong đời tôi, thì đó chính là giai đoạn tôi sống ở vùng kinh tế mới này.

Cũng chính từ nơi đây, sau khi Lực Lượng Việt Nam Tự Do của Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị đổ vỡ tại chùa Già Lam (1984) và toàn bộ nhân sự của lực lượng bị bắt dẫn đến việc Hòa thượng Trí Thủ bị bức tử trong bệnh viện nhà nước, mấy tháng sau, tôi vận động một số bằng hữu, trong đó có Hiền (anh ruột tôi), Hân, Dũng (bạn Hân), Huy, Thể (hồi xưa có sống chung với tôi ở chùa Linh Phong ở Nha Trang), Lạc (học lớp Già Lam), thành lập Hội Lạc Long. Một phần nhân sự của hội này, hỗ trợ cho Lực Lượng Việt Nam Phục Quốc Nội Biên do ông Trần Văn Lương cầm đầu. Từ sự đổ vỡ của lực lượng Phục quốc này mà tôi bị công an truy nã và cuối cùng bị bắt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]