Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Varanasi, thành phố thiêng liêng

12/02/201216:01(Xem: 8737)
11. Varanasi, thành phố thiêng liêng
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (tt)

VARANASI, THÀNH PHỐ THIÊNG LIÊNG

Trên thế giới có những thành phố cổ như Theben ở Ai-cập, Ninive hay Babylon ở Ba Tư. Chúng thành hình cả ngàn năm trước công nguyên, thậm chí 1700 năm như Babylon, kinh đô rực rỡ một thời của miền Trung Á. Thế nhưng về mặt cổ xưa, các thành phố đó lu mờ trước Varanasi, thành phố xuất hiện khoảng 3000 năm trước công nguyên. Có lẽ Varanasi chỉ thua kinh đô Trường An của Trung Quốc với số tuổi 6000 năm khả kính. Khoảng năm 900 trước công nguyên, những người dòng Arya của Ấn Độ đến Varanasi, biến nơi đây thành một kinh đô hùng mạnh về thương mại cũng như tư tưởng học thuật. Và Varanasi phồn vinh tới ngày hôm nay, trải qua gần 5000 năm lịch sử, trong lúc nhiều thành phố cổ khác đã điêu tàn.

Mark Twain, văn sĩ của Mỹ, đã đến Ấn Độ năm 1896 và dĩ nhiên cũng đã thăm Varanasi, viết: ”Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”.

Không ai giải thích được tại sao Varanasi trở thành kinh đô thiêng liêng của thần Shiva, nguồn gốc của nó hẳn nằm trong bóng tối của thần thoại. Thế nhưng người ta cho rằng đó là “kinh đô ánh sáng”, mới nghe qua tưởng như Paris của châu Âu, nhưng không phải. Aùnh sáng ở đây là mặt trời, và mặt trời mọc tại Varanasi bên bờ sông Hằng là một cảnh tượng kỳ lạ.

Tôi đến Varanasi bằng máy bay từ Kathmandu, thủ đô Nepal. Varanasi là một thành phố không thể không tới nếu ta đến xứ Ấn Độ. Đây là một nơi mà người du khách thấy mình lùi lại vài trăm năm thời gian, nếu không muốn nói cả ngàn năm. Vì lẽ đó, ngày nay Varanasi đầy khách du lịch, có sân bay quốc tế từ nhiều nước đến. Có nhiều người đến Varanasi bằng tàu xe như tôi, nhưng rất nhiều tín đồ Ấn Độ giáo đi bộ nhọc nhằn từ xa đến đây, họ tin rằng càng gian khổ bao nhiêu trên đường đi đến thì tội lỗi càng chóng rửa sạch bấy nhiêu. Ai chết ngay tại Varanasi này, linh hồn họ sẽ thoát khỏi sinh tử để về với Đại ngã bao la và vì thế mà nhiều người già đến đây đợi chết.

Vì lẽ gì mà Varanasi được xem là “quê hương” của thần Shiva, là chỗ thiêng liêng nhất của Ấn Độ giáo? Thành phố này có thể sánh với Jerusalem của Thiên chúa giáo, với Mecca của Hồi giáo. Bên bờ sông Hằng dài 2525km cũng còn những thành phố thiêng khác như Allahabad, Rishikesh, Hardwar. Hãy tạm nghe lời giải thích của phương tây: tại Varanasi, sông Hằng uốn mình nhìn ra phía đông để buổi sáng lúc mặt trời mọc, ánh dương chiếu tràn ngập bờ sông, tín đồ tắm sông vừa ngâm mình trong nước thánh, vừa hưởng tia sáng của thần Shiva. Vì thế Varanasi là đất thiêng của tín đồ Ấn độ giáo, đến Varanasi mà không đi thăm sông Hằng lúc mọc trời mọc là xem như chưa đến.

Tôi ra sông lúc trời còn mờ tối, thuê thuyền đi dọc theo bờ. May thay đó là một ngày nắng ráo, mặt trời chưa mọc mà ánh dương đã ngời sáng. Thật là một cảnh tượng lạ lùng. Sông Hằng đoạn này rộng mênh mông, nước yên tĩnh như mặt hồ. Từ dưới mặt nước, mặt trời như một quả cầu đỏ ối dần dần vươn lên, treo giữa trời lơ lửng như một chiếc lồng đèn màu đỏ vĩ đại. Có lẽ vì không khí ban mai còn đẫm sương đêm hay sao mà ta có thể nhìn thẳng mặt trời đỏ rực, không bị chói mắt, thấy to hơn bất cứ mặt trời nào tôi đã từng thấy. Tôi ngây người nhìn mặt trời không biết chán. Ôi, thì ra mặt trời hiện ra mà cũng tùy cảnh tùy nơi, mỗi lúc một khác.

Xa xa giữa Hằng hà là những cồn cát của mùa nước cạn, thế nhưng sông vẫn còn mênh mông những nước, phía đông mặt trời là một vùng hoang vu, dưới là chỉ nước và cát, trên là một vầng dương kỳ diệu. Phía tây là thành phố thì chỉ toàn người và người, người từ đâu đến? Hàng ngàn người tắm gội giữa giòng sông, họ lặn hụp, đứng yên, vái lạy, khẩn cầu... Tất cả đều nhìn về mặt trời đỏ đang chiếu rọi. Dọc sông Hằng tại Varanasi là các bến sông mà người Ấn gọi là “Ghat”, nơi mà tín đồ Ấn độ giáo tràn ngập xuống sông, đó là những chỗ để họ cầu nguyện, cúng dường, thiền định, bố thí, khất thực, thiêu xác, rải tro, tắm rửa, bói toán, thắp đèn, thả hoa. Trong mấy mươi Ghat trải dài khoảng mười cây số đó thì Dasaswamedh-Ghat là thiêng liêng nhất, đó là nơi vị sáng tạo vũ trụ Phạm Thiên đã cúng dường “mười con ngựa”. Tại Manikarnika-Ghat có một cái hồ nhỏ, nơi tương truyền thần Vishnu đã dùng dĩa đào lên và đổ mồ hôi vào đây.

Tôi đi thuyền dọc sông Hằng vừa ngắm mặt trời, vừa nhìn thế nhân, vừa thả đèn và hoa tươi đúng phép tắc, không biết mình đang ở thế kỷ hai mươi hay thời đại nào. Trên các bãi thiêu xác dọc theo sông, có những kẻ đã rời đời sống hỗn loạn này của trần gian ra đi trong lửa đỏ cháy bập bùng. Mùi gỗ, mùi da thịt lẫn trong mùi nhang trầm và tiếng tụng niệm bay trong không gian. Người ta nói với tôi cảnh tượng này cũng là cảnh tượng của mấy trăm năm cũ, mặt trời và giòng sông thì không hề thay đổi đã đành, con người và cách cúng tế cũng thế. Chỉ có điều khác là ngày nay người ta người ta tụng niệm trong loa phóng thanh và vì thế mà tiếng ồn ào và sự hỗn loạn có lẽ còn hơn ngày xưa.

Cách đây 13 thế kỷ, lúc Huyền trang đến Ba-la-nại [4], đó cũng là tên của Varanasi, ông đã viết về các tu sĩ Ấn độ giáo: ”Phần lớn trong số họ tôn sùng thần Shiva. Kẻ thì cạo đầu, kẻ thì bối một nhúm tóc trên đỉnh đầu. Một số khác thì lõa thể tự nhiên đi ngoài đường. Kẻ khác thì thoa tro lên người hay tự chịu nhục hình để mong trốn khỏi luân hồi...”

Huyền Trang cũng tìm thấy một bức tượng Shiva mà ông mô tả ”đầy sự cao quí uy nghi mà khi nhìn người ta thấy có một lòng kính sợ tôn thờ, dường như thần đang hiện diện...”. Ngày nay, sau những Ghat chính là đô thị cổ Varanasi với cơ man nào là đền, thờ thánh thần mang dạng người, dạng thú. Tượng của Huyền Trang nói đến chắc nằm trong đền Vishawanath. Ngôi đền mái vàng này đã bị tín đồ Hồi giáo phá hủy trong thế kỷ thứ 18 và nay đã được xây dựng lại. Đó là đền lớn nhất và thiêng liêng nhất của Ấn Độ giáo.

Tôi đi theo những ngõ hẹp của Varanasi, tâm chỉ biết mở ra đón nhận những ấn tượng vô cùng trái ngược. Đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa nơi nào tôi có ấn tượng của sự đối nghịch tuyệt đối như Varanasi. Những đền đài thếp vàng bên cạnh mái tranh lụp xụp, trẻ con bụi đời Ấn độ chen chúc với khách du lịch nước ngoài, những con đường đầy phân bò và bùn đen bên cạnh những ngôi đền cẩm thạch bóng loáng. Các thứ bột đầy màu được bày bán trong các basar mờ lẫn trong khói nhang trầm sặc sụa.

Tiếng còi xe xen lẫn với tiếng ăn xin, tiếng chào mời của các tiệm bán tơ lụa chen với tiếng cầu nguyện trong giáo đường sát bên cạnh. Đây là nơi hầm hập hơi thở của sự sống, của niềm mơ ước và hẳn cả của sự tuyệt vọng. Vì làm sao với số lượng con người khủng khiếp đó ai cũng có thể có hạnh phúc? Thế nhưng nhìn khuôn mặt của con người ở đây, kể cả những người ăn xin hay tàn tật, tôi thấy một sự chấp nhận, thậm chí bình an, tâm trạng của những người có cảm tưởng mình đang “trả nghiệp”, theo quan niệm của Ấn Độ giáo. “Hỡi trần gian hỗn loạn và điên dại này, ta vẫn cứ yêu thương mi”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]