Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. "Vui đẹp thay thành Vương Xá"

12/02/201216:01(Xem: 8667)
05. "Vui đẹp thay thành Vương Xá"
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

VUI ĐẸP THAY THÀNH VƯƠNG XÁ” [26]

Từ Na-lan-đà đi về phía nam khoảng 11 km là đến Vương Xá, tức Rajagaha, ngày nay tên là Rajgir. Đến Vương Xá không mấy ai ngờ ngày xưa đây là kinh đô của nhà vua Tần-bà sa la, nơi mà đức Phật thường đi khất thực. Ngày nay Vương Xá là một thị trấn nhỏ đầy bụi bặm như mọi nơi tại Ấn Độ, cách xa thị trấn vài cây số đã là đồng không mông quạnh.

Đây là Vương Xá sao, nơi mà đức Phật từng gọi là “vui đẹp”? Ngày xưa nó là kinh đô của Ma-kiệt-đà, là nơi mà Phật Aâm [27] mô tả là có 32 cửa chính và 64 cửa phụ. Từ trước công nguyên, sau khi A-xà-thế dời đô đi Hoa Thị thành thì Vương Xá đã suy tàn.

Kinh thành Vương Xá của nhà vua ngày xưa được xây một cách hiểm yếu, xung quanh là ba núi vây bọc. Dọc trên các đỉnh núi đó nhà vua còn cho xây các trường thành mini, tương tự như vạn lý trường thành Trung Quốc để chống ngoại xâm. Người thực hiện các trường thành đó không ai khác hơn là A-xà-thế, lúc ông chưa phản lại vua cha. Chắc là quá ngán ngẫm chuyện xây 40 cây số trường thành, về sau A-xà-thế bỏ Vương Xá, dời đô đi Hoa Thị Thành. Ngày nay khách đến Vương Xá thì sẽ thấy phía bắc của Vương Xá cũ có một thị trấn nhỏ với một ga xe lửa, còn thành Vương Xá thuở xưa ngày nay không còn ai ở. Tôi đi theo sườn núi với lòng u hoài, đúng như tâm sự của Huyền Trang vì lúc ông đến đây thì Vương Xá cũng đã đổ nát. Chỗ mà ngày xưa Phật đi khất thực bây giờ là một con đường chạy giữa hai vách núi, thưa thớt những bụi cây con và đầy cỏ dại.

Ngày xưa người du sĩ mang tên Cồ-đàm, lúc chưa đắc đạo đã từng đi ngang Vương Xá. Nhà vua Tần-bà-sa-la, người trẻ hơn Phật năm tuổi biết du sĩ này có dòng dõi vương tước, có phẩm cách cao quí mới đề nghị nhường một phần đất Ma-kiệt-đà để cùng trị vì. Thật là chuyện đời xưa mới có ! Dĩ nhiên là người du sĩ Cồ-đàm từ chối. Dù đó là chuyện hiếm hoi nhưng có lý vì không lẽ kẻ du sĩ đã bỏ ngai vàng tại nước mình đi khoảng hơn sáu trăm cây số để nhận một ngai vàng khác. Nhớ rằng ngày xưa sáu trăm cây số đi cả vài tháng mới tới.

Nghe vậy, Tần-bà-sa-la mới thỉnh cầu Cồ-đàm sau khi đắc đạo hãy trở về thăm ông. Đức Phật nhận lời và về sau Ngài tới Vương Xá rất thường xuyên và nhà vua cũng tặng Ngài một ngôi vườn trồng toàn tre tên là Trúc Lâm (Veluvana), chỗ này có rất nhiều sóc. Vườn Trúc Lâm tại Vương Xá là chỗ ở thân thiết của Phật nên ta hay gặp trong các tập Bộ kinh đoạn sau đây: “Một thời đức Thế Tôn ở tại Vương Xá, trong vườn tre Veluvana, chỗ nuôi dưỡng sóc…”.

Phật giảng nhiều bài kinh tại đây, thường là trong buổi sáng sớm. Trong các tập Bộ kinh thỉnh thoảng ta còn thấy câu: “Đức Thế Tôn thấy quá sớm để vào thành Vương Xá khất thực nên…”. Hình như kinh thành vương giả quen dậy muộn, Phật thấy ra đi khất thực “quá sớm” nên thỉnh thoảng Ngài dành thì giờ đi thuyết giảng cho kẻ tầm đạo mà ngày nay người ta tìm thấy nội dung trong các bài kinh.

Tôi tìm đến vườn tre Trúc Lâm nằm phía bắc của Vương Xá, ngày nay khu vườn được nhà nước Ấn Độ cho rào bọc cẩn thận. Trong vườn hiện còn một hồ nước trong xanh, hồ này được Huyền Trang ghi trong ký sự cách đây 13 thế kỷ. Hồ này chính là hồ Kalandaka, nơi đức Phật thường tắm. Trong vườn, đường lối ngay ngắn, hoa lá xinh đẹp và tôi chợt thấy lòng mình an bình vô hạn. Tại một nơi trong vườn hiện còn một số bụi tre lớn nửa xanh nửa vàng, mang lá dày đặc. Theo Schumann [28] nơi đây người ta tìm thấy di tích của một số tháp xây trong thế kỷ thứ 10, kỷ niệm chòi tranh ngày xưa Phật lưu trú.

H 4: Sơ đồ Vương Xá: Phía bắc là thị trấn Vương Xá mới, phía trên bên trái là vườn tre Veluvana, ở giữa là kinh thành Vương Xá cũ, phía nam kinh thành là điện giam vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara’s Jail), bên mặt của điện là vườn Jivaka, phía đông bắc là tháp hòa bình thế giới (Shanti Stupa) trên núi Bảo sơn và cuối cùng bên mặt chỗ có ô vuông là đỉnh Linh Thứu (Gijjhakuta) [29] mà đoạn... là đường đi bộ.

Thời đó vua Tần-bà-sa-la có một vị ngự y tên là Jivaka, vị bác sĩ này được nhà vua chỉ thị chăm nom sức khỏe cho tăng đoàn và JIvaka cũng tặng cho Phật một vườn xoài mang tên Jivakambavana. Vườn xoài của Jivaka kiên cố hơn vườn tre vì ngày nay tôi còn tìm thấy nền đá. Tuy gọi là “vườn xoài” nhưng đây phải là một công trình xây dựng to lớn và kiên cố gồm nhiều hành lang dài và hẹp mà ngày nay ta thấy những nền đá với bề ngang gần một mét. Theo Schumann thì ngày xưa, trên những hành lang hẹp đó là mái bằng đất hình vòm nằm trên những thân tre uốn vòng.

Theo tương truyền nhà y sĩ Jivaka mới đầu rất dè dặt với đức Phật. Phải chăng đó là cái bệnh của người trí thức xưa nay đối với các vị đạo sư tâm linh, nhưng không bao lâu sau, ông là một cư sĩ hết sức nhiệt thành. Trong Trung bộ kinh, tôi bắt gặp kinh Jivaka với câu mở đầu: “Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú tại Vương Xá, tại vườn xoài của Jivaka Komarabhacca…”. Người đến hỏi chuyện lần đó không ai khác hơn là nhà y sĩ của chúng ta. Đúng nghiệp vụ của mình, ông hỏi Phật lúc nào thì được ăn thịt.

Sau khi nghe giảng pháp, nội dung thâm sâu hơn hẳn chuyện ăn uống, ông phấn khởi xin Phật nhận làm cư sĩ và “từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”. Hay thay đặc tính của người trí thức xưa nay, chưa hiểu thì dè dặt, hiểu rồi thì có nhiệt tâm. Người ta cho rằng chính tại vườn xoài này mà Jivaka đã chữa bệnh cho các tỉ-kheo và một số toa thuốc của ông đã được ghi lại trong kinh tạng Pali. Jivaka cũng cho bệnh nhân tắm suối nước nóng nằm ngay tại Vương Xá. Trong ký sự, Huyền Trang viết lúc ông đến thì còn khoảng mười suối nước còn nóng. Sau 25 thế kỷ, ngày nay nước vẫn còn nóng, lúc tôi đến thì còn thấy biển quảng cáo tân thời mời du khách tắm nước nóng.

Xúc động nhất cho tôi tại Vương Xá là lúc đến thăm nền cũ của cung điện Tần-bà-sa-la. Nhà vua là người tặng Phật nửa nước nhưng Ngài không lấy, còn khi ông tặng con A-xà-thế cả ngai vàng thì A-xà-thế vẫn chưa an tâm, giam cha mẹ vào ngục tối. Từ cung điện này, may thay Tần-bà-sa-la vẫn thấy được núi Linh Thứu cách đó không xa. Trong những ngày cuối đời của ông, tương truyền rằng Phật Thích-ca đã dùng thần thông vào ngục giảng pháp cho vua và hoàng hậu. Là một người nhiệt tâm và đã trải qua nhiều thăng trầm cay đắng, hẳn ông thấm đượm giáo pháp của Ngài dễ như “tấm vải sạch sẵn sàng ăn thuốc nhuộm” [30] và huyền sử kể rằng sau khi chết, ông sinh ngay vào trời Tứ Đại Thiên vương.

Vương Xá là nơi Phật gặp gỡ những đệ tử quan trọng nhất của tăng già, đó làø Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Đây là hai vị đại đệ tử, Xá-lợi-phất được xem là trí huệ đệ nhất, vị kia là thần thông đệ nhất. Hai vị này là bạn thân với nhau, cùng xuất thân từ giòng dõi Bà La môn và cùng gia nhập tăng già. Vị trí huệ đệ nhất Xá-lợi-phất vốn là người rất hay nghi kỵ các giáo pháp. Trước khi gặp Phật xin qui y, Xá-lợi-phất gặp một tỉ-kheo tên là A-thuyết-thị [31] và ngạc nhiên trước phong độ của vị này. Xá-lợi-phất hỏi thầy của A-thuyết-thị là ai, đó là cách hỏi thông thường thời đó. A-thuyết-thị trả lời bằng bốn câu kệ:

Các pháp nhân duyên sinh
Cũng theo nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt này
Phật đại sa môn thuyết.

Vốn là người từng suy tư về pháp, Xá-lợi-phất trực ngộ lí “có sinh có diệt” này của bốn câu “Duyên khởi kệ” và rủ Mục-kiền-liên xin gặp ngay vị “đại sa môn”. Chuyện đó diễn ra tại Vương Xá. Về sau cả Xá-lợi-phất lẫn Mục-kiền-liên đều mất trước Phật và hi hữu thay hai vị đều chết tại Vương Xá cả. Trong nhiều chùa có khi ta thấy tượng Phật với tả hữu hai bên là hai vị tôn giả này.

Đức Phật cũng gặp nhiều vị cư sĩ nhiệt thành tại Vương Xá, trong số đó ta đã biết Tần-bà-sa-la. Một vị khác rất quan trọng là Cấp Cô Độc [32] mà trong một chương sau sẽ được nói rõ hơn. Thế nhưng Phật không chỉ gặp những người yêu mến Ngài, Phật cũng có kẻ thù mà sự việc cũng xảy ra tại Vương Xá. Người đó là Đề-bà đạt-đa [33]. Ông là em họ của Phật, gia nhập tăng già và trở thành một thành viên quan trọng.

Khoảng 8 năm trước khi Phật nhập diệt, ông muốn thống lãnh tăng già nhưng Phật không chấp nhận. Ông tìm cách giết Phật nhưng không thành. Hãy đọc lại ký sự của Huyền Trang lúc đến thăm Vương Xá, kể về những nơi chốn lịch sử này: “Ngoài cửa thành Vương Xá về phía bắc có một ngọn tháp. Chính chỗ này Đề-bà đạt-đa và vua A-xà-thế sau khi giao hữu với nhau đã thả con voi say để hại đức Phật… Phía đông ngôi chùa [34] là một tảng đá rất to, chính chỗ này Đề-bà đạt-đa xô đá hại Phật…”.

Tôi đến đây và thấy lại tảng đá này ! Ôi thời gian đã trôi đi 25 thế kỷ nhưng những điều tưởng chừng như huyền thoại vẫn còn. Bao nhiêu điều đã xảy ra trong thị trấn bé nhỏ này. Suốt một thời gian hơn 50 năm, từ lúc vị du sĩ Cồ-đàm đi ngang đây cho đến ngày triệu tập hội nghị kết tập lần thứ nhất, tất cả những điều đó đều xảy ra cũng tại nơi đây. Ngày nay có thể có khách đi ngang đây mà không hề biết lịch sử của nó vì Vương Xá chỉ là một con đường nhựa nhỏ chạy giữa hai sườn núi trơ trọi. Vương Xá cũng đã theo “nhân duyên” mà diệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]