Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Con sông thiêng

12/02/201216:01(Xem: 8184)
03. Con sông thiêng
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ NHẤT: DƯỚI CHÂN HY MÃ

CON SÔNG THIÊNG

Thương nhân thường có quá ít thời gian, quá ít tâm trí. Họ dành thời gian để tính toán và tâm trí để phàn nàn nguyền rủa. Cuộc sống vốn đã đầy phiền muộn, thương nhân phương Tây đi công tác tại các nước châu Á lại càng gặp lắm vấn đề. Đối tác của họ thì phức tạp, thời tiết thì viêm nhiệt, khách sạn thì chật chội, môi trường thì ô nhiễm. Làm sao họ yêu được đất nước đó mà để tâm tìm hiểu ?

Một khi môi trường ô nhiễm thì những con sông là kẻ chịu bất hạnh trước nhất, là chỗ chứa rác khổng lồ. Tại những thành phố lớn như Hồ Chí Minh hay Bangkok, kênh lạch là những nơi mà dân chúng còn bịt mũi tránh xa, nói gì đến thương nhân. Đâu mấy ai biết những dòng nước hôi thối đó bắt nguồn từ những ngọn núi xa xôi mà nguồn nước của chúng xanh hơn ngọc, trong vắt không chút bợn nhơ.

Đến Delhi cũng thế, tôi ngán ngẫm thứ bụi vàng đeo bám áo quần, mùi xú uế luôn luôn có mặt trong không khí và mỗi lần qua các cầu bắc ngang kênh lạch, tôi vẫn nhớ đến kinh Nhiêu Lộc trong thành phố của mình cũng không khác bao nhiêu. Thành phố nào hình như cũng xây dựng trên một con sông. Không hẳn như thế. Tôi đã từng đi qua những miền sa mạc mênh mông ở Bắc Phi và đã thấy thế nào là vùng đất khô cằn trên thế giới. Đó là những vùng mà đi hàng trăm cây số người ta không hề thấy bóng dáng một con sông, một dòng lạch, chỉ toàn là cát và cát ngút ngàn.

Trước mắt kẻ lữ hành như tôi, chân trời lại chân trời toàn những cồn cát nối nhau xuất hiện. Ở vùng đất đó chỉ có loại bụi gai thấp nhỏ là có thể sống, chỉ có loài lạc đà mới chịu nổi cơn khát. Đến một vùng nọ, sau đoạn đường dài đầy cát người ta dẫn tôi cho đi xem « ốc đảo », chúng là những điểm hấp dẫn của du khách. Trong ốc đảo, người ta hãnh diện chỉ cho thấy một vùng xanh tươi với đậu cải, cam mía, nhất là chà-là. Tôi bỗng nhớ Việt Nam, đó hẳn là một vùng ốc đảo mênh mông với hàng chục ngàn con sông lớn bé. Châu Á khác Bắc Phi ở chỗ nơi đây trời phú cho nhiều sông, mỗi con sông là suối nguồn của cả một vùng kinh tế và cả một nền văn hóa. Con sông hẳn phải là bà mẹ nuôi dưỡng đời sống nên ngày xưa mới đầu người ta tụ nhau bên bến sông và trải qua bao thế kỷ mà thành phố xá. Thế nhưng con người sớm vô ơn bạc nghĩa với sông, xem sông là nơi tha hồ đổ xả để rồi ngày nay qua sông người ta nặng lời nguyền rủa.

Tôi cũng nguyền rủa mùi xú uế bốc lên từ các kênh lạch tại Delhi. Tôi không biết rằng các kênh lạch đó là những nhánh của sông Yamuna, bắt nguồn từ Hy-mã lạp sơn. Trong huyền thoại Ấn Độ, sông Yamuna là hiện thân của con gái của thần mặt trời Vivasvat. Nàng con gái Yamuna này lấy người anh sinh đôi của mình là Yama để trở thành cặp tình nhân đầu tiên của loài người. Ngày nay không còn mấy ai biết truyện tình kỳ lạ này nữa, những chiếc cầu bắc qua Yamuna trở thành các trục giao thông với dòng xe cộ chạy hối hả. Ngày nọ, trên một chiếc cầu của Yamuna xe taxi của tôi đi có lẽ đã gây một tai nạn chết người.

Xe đang chạy tự nhiên hư máy đứng lại. Ngồi băng sau nhìn lui tôi thấy một chiếc xe gắn máy từ xa băng băng chạy đến, người lái xem ra không thấy xe hư đang đứng yên trên cầu. Nỗi đau của tôi là thấy sờ sờ tai nạn sắp xảy ra mà không làm gì được. Một tiếng “bụp“ khô rốc vang lên, người lái xe bay về phía trước dễ chừng năm bảy mét quằn quại trên đường. Mọi người chạy ào tới. Không nói với tài xế một tiếng, tôi mở cửa xách cặp bước ra xe, đi như chạy. Thần Vivasvat hãy cứu độ người đó, còn tôi, tôi phải giữ thân mạng cho mình, lỡ có ai nóng tính hành hung tôi thì sao, dù sao tôi cũng có chút lỗi. Mong thay anh ta không chết, mong thay anh ta đến được sông Hằng mà tắm.

Sông Hằng thì ra khá gần Delhi, chỉ cần đi khoảng 60 km là đến. Hằng hà mà người Ấn gọi là Ganga, ngày đến đó tôi không ngờ đời mình có lúc đến thăm con sông thần thoại này. Từ ngày hiểu “hằng hà sa số“ là cách nói trong kinh Phật, “nhiều như cát sông Hằng“, tôi gắn liền sông Hằng với Phật và xem đó là một huyền thoại. Đối với tôi, sông Hằng là biểu tượng của Phật giáo Ấn Độ. Ngày xưa tôi có nghĩ đời mình sẽ thấy tháp Eiffel của Pháp nhưng không nghĩ mình sẽ đến sông Hằng. Bởi thế tôi xúc động xiết bao khi tài xế kêu lên “Ganga“. Sông Hằng đây sao ? Thật không hỡi anh lái xe?

Sông Hằng, con sông thiêng chảy từ ngón chân của thần Vishnu, « bị buộc phải rời thượng giới mà đến với trần gian » là đây. Nhưng hằng hà sa số cát đâu, tôi không thấy hạt nào cả. Đoạn này của sông Hằng mà tôi đến thăm lần đầu là thượng nguồn sông Hằng, đó là nơi nước chảy với lưu lượng rất mạnh, hai bên bờ không hề có cát. Nước sông màu xanh lục, trên sông có chỗ nước sôi réo bạc đầu. Đoạn sông Hằng này là một nơi tấp nập người qua kẻ lại, du khách khá nhiều.

Đây được xem là một đoạn sông thiêng nhất, hai bên bờ khá nhiều đền thờ. Và đúng như tôi chờ đợi, tín đồ Ấn Độ giáo tắm gội rất nhiều dù trời đang lạnh. Thú vị thay khi thấy trẻ con bị cha mẹ dội nước lên đầu, chúng run cầm cập. Tôi nhớ thời thơ ấu của mình, chúng tôi cũng run như thế trong mùa đông khá lạnh của miền Trung. Tại sông Hằng, trẻ con miễn cưỡng để dội nước, miệng lầu bầu, còn người lớn xuống sông bơi lặn, mặt mày thành khẩn, miệng lâm râm. Hai bên bờ sông người ta xây kè xi măng với hàng chục dây xích sắt để tín đồ níu lại, khỏi bị nước cuốn trôi.

Con sông thiêng này xuất phát từ dãy Hy-mã, nó có tới ba nguồn lớn, chúng chập nhau tại Devaprayag và từ đó mới mang tên Hằng hà. Một nguồn chính của Hằng hà xuất phát từ Gangotri, cao 6771 m. Từ đây đến Devaprayag nhánh này mang tên Bhagirati vì ngày nọ có một vị thánh nhân tên là Bhagirata khẩn cầu con sông của thượng giới hãy hiện xuống cho cõi trần. Vì thế mà có sông Hằng, và vì thế mà sông thiêng liêng “bực dọc“ phải rời thiên giới.

Hằng hà chảy ra đến tận vịnh Bengale, xuyên qua vùng thánh địa Bihar, nơi bao nhiêu thánh nhân ra đời và hoạt động. Huyền Trang Tam Tạng đến sông thăm sông Hằng khoảng năm 630, viết trong Đại Đường Tây Vực ký: “Gần nguồn sông rộng khoảng ba lý, đến cửa sông bề rộng khoảng mười lý. Nước sông xanh đậm, màu nước luôn luôn thay đổi...Ai tắm sông này người đó sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi, ai chết ở sông này sẽ được sinh về cõi trời“. Về sau tôi đến Varanasi, đó là một thành phố phồn vinh suốt hai ngàn năm qua, nơi có sông Hằng chảy qua.

Nơi đây sông Hằng hết “bực dọc“, êm đềm hầu như nước không chảy, bề rộng rất lớn, không biết đúng “mười lý“ không. Nhưng nơi đây tôi thấy cát, cát nhiều vô tận. Ôi, có phải cát này cũng là cát mà Phật thấy cách đây hai ngàn năm trăm năm không, để có từ “hằng hà sa số“. Chắc đúng thế thôi, khoảnh thời gian đó đối với con người là dài nhưng thấm vào đâu với núi non đất cát. Hơn thế nữa thời gian hầu như ngừng lại tại Ấn Độ, bên bờ Varanasi người ta vẫn đốt xác, vẫn tắm gội, vẫn thả tro theo sông, vẫn ngồi thiền định khi mặt trời vừa lên. Nơi đây chỉ cách vườn Lộc Uyển chưa đầy chục cây số, chỗ Phật giảng pháp lần đầu. Hỡi các hạt cát dưới chân ta, trong các ngươi hạt nào có hân hạnh in dấu chân đức Thế Tôn ?

Hy-mã lạp sơn không phải chỉ là nguồn của Yamuna và Hằng hà, đó là nguồn của các con sông đầy uy lực của châu Á. Từ vùng Ngân sơn xuất phát thêm bốn con sông lớn nữa. Đó là Tsangpo hay Brahmaputra chảy về hướng đông ra vịnh Bengale, nó được người Tây Tạng mệnh danh là “chảy từ hàm ngựa“. Nó chảy qua phía nam Lhasa, bọc quanh một đỉnh núi tuyết cao hơn 7700 mét trước khi rời cao nguyên để đi về biển. Phía tây Ngân sơn là chỗ xuất phát của sông Sutlej, nó được xem từ “miệng voi“.

Sutley về sau hợp nhất với sông Indus, một con sông mạnh mẽ chảy về biển Á-rập phía tây Ấn Độ. Indus, được xem từ “miệng sư tử“, cùng với Bramaputra là hai cánh tay khổng lồ ôm bán đảo Ấn Độ. Phía nam Ngân sơn là chỗ xuất phát của sông Karnali, mang tên từ “miệng chim công“, nó chảy dài đến Patna, hợp nhất với Hằng hà gần đó. Patna ngày xưa tên gọi là Hoa Thị Thành, nơi Phật thường ghé thăm và nơi sinh của hàng chục vị Tất địa của thế kỷ thứ tám thứ chín sau công nguyên. Bốn con sông lớn đó với bốn linh vật của các vị Thiền Phật là một lẽ mà tại sao Ngân sơn được xem là một man-đa-la vĩ đại, là hiện thân của núi Tu-di trong thế giới này.

Phía đông của cao nguyên Tây Tạng là chỗ xuất phát của nhiều con sông lớn nữa, trong đó có Hoàng Hà, Trường Giang và Cửu Long. Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông trọng yếu nhất của Trung Quốc, dòng chảy của chúng là quê hương của một nền văn hóa thâm hậu nhất của loài người mà về sau tôi sẽ đi thăm. Còn Cửu Long là nguồn sống của nhiều nước miền Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nếu lấy cao nguyên Tây Tạng làm tâm điểm, vẽ một vòng tròn bán kính chưa đến ngàn cây số thì vòng tròn đó bao gồm tất cả nguồn cội của những con sông nói ở trên.

Chỉ điều đó thôi đã gây cho tôi một lòng kính sợ đối với cao nguyên Tây Tạng, “nóc nhà của thế giới“. Đúng, không phải là sự ngẫu nhiên khi ánh sáng của minh triết loài người xuất phát từ vùng đất lạ lùng này. Tôi đã đến Cửu Long giang miền tây nam bộ và từng thấy con nước mãnh liệt của nó. Nguồn của nó không phải tầm thường, dòng sông đó là anh em với Hằng hà, Trường Giang, nó mang khí lạnh của Hy-mã, sức sáng của tuyết trắng, sự uy nghi của non cao, cái bí ẩn của các man-đa-la vô hình.

Nếu nó có bị ô nhiễm thì cũng vì con người bạc nghĩa, thế nhưng dù thế nó vẫn nhân hậu sống theo người. Nó vẫn không hề mất tính thiêng liêng của nguồn cội và vì tâm người ô nhiễm nên cảm nhận chúng nhiễm ô. Về sau, tôi còn đến Hằng hà nhiều lần trên bước lữ hành tại Ấn Độ cũng như sẽ có dịp đi dọc Trường Giang qua những vùng linh địa của Trung Quốc. Rồi lại có ngày tôi đã đến cao nguyên Tây Tạng, đi dọc sông Tsangpo chảy từ hàm ngựa và thở hít không khí loãng trên miền đất cao 4000m trong man-đa-la vĩ đại của địa cầu. Một ngày nào đó hy vọng tôi sẽ có dịp đến thượng nguồn Cửu Long, sẽ thấy một màu nước xanh lục như màu nước Hằng hà và sẽ nhớ về miền tây nam bộ của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]