Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Cái dũng của sự yếu đuối

04/02/201213:08(Xem: 8883)
23. Cái dũng của sự yếu đuối
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN MỘT
SỰ NHIỆM MẦU CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

23.- CÁI DŨNG CỦA SỰ YẾU ĐUỐI

Nếu bạn là một người có ý chí mạnh mẽ và thành đạt trong xã hội, có lẽ bạn thường biểu lộ là mình không khi nào cảm thấy bất an, tổn thương hoặc sút kém bao giờ. Sự kiện này có thể rất là cô đơn và cuối cùng sẽ đem lại cho ta cũng như người chung quanh những khổ đau rất lớn. Những người chung quanh sẽ không ngần ngại gì mà không chấp nhận thái độ ấy của bạn, và họ sẽ cùng thông đồng đem gán cho bạn có một cá tánh vững như bàn thạch, và từ đó không cho phép bạn được thật sự biểu lộ ra một cảm tình nào nữa. Thật ra chúng ta rất dễ dàng bị tách rời với những cảm xúc thật sự của mình, nhất là qua những tấm áo địa vị và sự hào nhoáng bề ngoài. Sự cô lập này rất thường xảy đến cho những người chủ trong gia đình và cho bất cứ những ai giữ một chức vụ nào có chút ít quyền lực, bất cứ ở đâu.

Và khi ta chấp nhận rằng thiền tập sẽ làm cho ta trở nên vững mạnh hơn, việc ấy cũng có thể tạo nên một hoàn cảnh khốn khó tương tự. Ta có thể bắt đầu tin thật sự và đi đóng vai một người hoàn toàn bất lay động, không gì có thể xúc phạm tới, một thiền sinh chân chánh - là người biết giữ mọi việc trong sự kiểm soát của mình, có trí tuệ đủ để đối với mọi chuyện mà không bị mắc kẹt vào những phản ứng cảm xúc. Nhưng trong quá trình ấy, ta có thể vô tình đi ngăn chận chính sự phát triển của mình một các khéo léo mà không hề hay biết. Chúng ta ai cũng có một đời sống tình cảm. Chối bỏ nó chỉ tự đem lại hiễm họa cho mình mà thôi.

Vì thế, mỗi khi bạn cảm thấy mình đang xây dựng một hình ảnh của sự bất lay chuyển, của sức mạnh, của một kiến thức sâu rộng hay là một tuệ giác, dựa trên kinh nghiệm thiền tập của bạn, cho rằng có lẽ mình đã đạt đến một trình độ nào đó rồi và bạn bắt đầu thích bàn nhiều về thiền theo chiều hướng tự đề cao, tự thổi phồng, những lúc ấy bạn nên đem chánh niệm trở về để ý thức được những tâm ý ấy của mình. Bạn hãy tự hỏi, có phải ta đang trốn chạy những yếu đuối của mình hay không, hay có lẽ vì một nỗi khổ đau, hoặc cũng có thể là vì một sự sợ hãi nào đó trong tâm. Vì nếu bạn thực sự vững mạnh, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cần thiết phải chứng tỏ điều ấy với chính mình hoặc người khác. Cách hay nhất là hãy chọn lựa một con đường hoàn toàn khác hẳn, là hướng sự chú ý của mình vào nơi nào mà mình cảm thấy sợ hãi nhất. Bạn có thể thực hiện được việc ấy bằng cách cho phép mình dám cảm xúc, dám khóc nếu muốn, rằng ta không cần phải có ý kiến về mọi vấn đề, không cần phải làm ra vẻ như mình là vô song hoặc không có một cảm xúc gì đối với người khác. Thay vào đó, bạn hãy tập tiếp xúc và cởi mở, một cách thích hợp với những cảm xúc của mình. Những gì bề ngoài có vẻ như yếu đuối thường thường lại ẩn tàng một sức mạnh thật sự. Và những gì dường như là sức mạnh nhiều khi lại là một sự yếu đuối. Chúng chỉ là những bộ mặt và hành động giả tạo bề ngoài mà thôi, cho dù đối với ta và người khác chúng có vẻ đáng tin đến đâu đi chăng nữa.

Thực tập: Ghi nhận đường lối gay gắt của mình mỗi khi ta đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Hãy thử kinh nghiệm, giữ cho mình được mềm dịu mỗi khi ta cảm thấy muốn cứng rắn, rộng rãi khi ta cảm thấy muốn ích kỷ, cởi mở ra mỗi khi ta cảm thấy muốn đóng kín, khép chặt tình cảm lại. Khi nào ta có những buồn khổ hay sầu muộn, cố gắng cho phép nó có mặt. Hãy cho phép ta cảm xúc những gì mình đang cảm xúc. Chú ý đến những danh hiệu ta dán cho những giọt nước mắt và cảm giác dễ bị thương tổn. Buông bỏ hết đi những danh hiệu ấy, chỉ cần cảm giác những gì mình đang cảm giác, và luôn duy trì chánh niệm trong từng giây phút, cởi trên đầu những ngọn sóng "thăng" và "trầm", "tốt" và "xấu", "mạnh" và "yếu", cho đến khi bạn thấy rằng chúng không hề có khả năng diễn tả trọn vẹn được hết những kinh nghiệm của mình. Sống với chính kinh nghiệm ấy. Hãy đặt niềm tin nơi sức mạnh thâm sâu nhất của ta: có mặt trong giờ phút hiện tại, sống tỉnh thức.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]