Tác giả: Viên Minh
CHƯƠNG VII
Hành xử tinh tế
Trong lành giới tự tánh
Thận trọng giới tùy nghi
Đức tin giới trong sạch
Trí tuệ giới tinh vi.
(Viên Minh)
Trong chân đế, giới đức (sīlaguṇa)và giới hạnh (sīlācāra)lànhữngyếu tính của sựgiác ngộ giải thoát. Khi đức Phật chưa chế định giới luật thì các bậc Thánh vẫn có đầy đủ giới đức và giới hạnh, đó là giới hoàn hảo trong tự tánh giới định tuệ, và tùy nghi giới định tuệ.Trong tự tánh giới định tuệ(khi vô sự), giới đứclà sự trong lành tuyệt đốicủa thân hành mà không cần bất cứ giới điều quy định nào. Trong tùy nghi giới định tuệ(khi hữu sự) giới hạnhlà sự thận trọng tinh tế một cách tự nhiên, chính xáctrong mọi hoạt động thân khẩu. Như vậy, tự tánh giới (giới đức) và tùy nghi giới(giới hạnh) được biểu hiện rõ nét trong hành động duy tác, vượt khỏi tính tương đối của hành động thiện và bất thiện.
Trong tục đế, giới luật(vinaya) hay điều học (sikkhāpada)được gọi là chế định giới.Giới chế định do đức Phật tạm thời đặt ra vì lợi ích tứ chúng phàm phu để đem lại sự ổn định trong đời sống tu tập hàng ngày của họ, đồng thời làmnền móng vững chắc cho sự phát triểnthiền định (samādhi) và trí tuệ (paññā). Một lâu đài không thể không có nền móng vững chắc. Cũng vậy, không có giới luật chắc chắn không thể có thiền định và trí tuệ. Không có giới định tuệ làm sao có giác ngộ giải thoát? Giới chế địnhtuy tùy sự sai phạm hay do người đời chê trách mà đức Phật ban hành, nhưng không hoàn toàn thuộc tục đế, cốt lõi của giới luật vẫn là chân đế, vì vậy giới chế định vừa có tính xuất thế vừa có tính nhập thế. Tính xuất thế đồng nghĩa với giới tự tánh và giới tùy nghi. Tính nhập thế giống như kỷ cương pháp luật của một cộng đồng xã hội.
Chính vì phương diện nhập thế và tương đối của giới chế định mà chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa đích thực của giới luật là gì, nếu không dù chúng ta cố gắng giữ gìn giới luật thật nghiêm ngặt vẫn chỉ được hình thức bên ngoài, không thể nào phát sinh thiền định và trí tuệ được. Thậm chí, nhiều khi hình thức của giới chế định còn gây trở ngại cho việc phát huy thiền định và trí tuệ nữa. Giới, định, tuệ tuy ở ba phương diện khác nhau, nhưng luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong mọi pháp môn tu tập. Giới, định, tuệ cũng có chung nhiều yếu tố thiện pháp, trong đó nổi bật nhất là chánh niệm (sammā sati) và sự thận trọng (appamāda). Ngoài ra người có đức tin (saddhā)thì mới giữ giới luật nghiêm túc, và người có trí tuệ (paññā)thì mới có giới luật hoàn hảo.
Luật lệ là một điều kiện tất yếu, vì khi sống thành gia đình, đoàn thể, cộng đồng, quốc gia hay một tổ chức xã hội theo bất cứ mô hình nào, tất nhiên phải có luật lệ để giữ gìn an ninh trật tự cho đời sống an bình hạnh phúc của mọi người. Cho nên, dù tự nguyện hay bị bắt buộc thì mọi người cũng phải tuân theo luật định vì quyền lợi và bổn phận của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội đó.
Tuy nhiên, không có luật lệ nào hoàn hảo, vì bản chất của luật lệ thường được qui định dưới hình thức cấm đoán, để ngăn ngừa hay chận đứng những hành vi gây tổn hại hoặc đối phó với tình trạng bất ổn trong đời sống cộng đồng mà thôi. Không chỉ những cấm đoán khắt khe của những bạo chúa hay những kẻ độc tài, ngay cả những luật lệ tốt đẹp nhất cũng chỉ tốt đối với người này không tốt cho người kia, hợp mỗi thời, không hợp mọi lúc. Luật lệ có vẻ như để nhiếp phục người xấu, bảo vệ người tốt, nhưng nhiều khi người xấu chưa chế ngự được mà người tốt đã bị thiệt thòi không nhỏ.
Giới luật nhà Phật không phải là những qui điều bắt buộc được đặt ra một cách chủ quan theo ý riêng của một hay nhiều người có thẩm quyền, như vua chúa, giáo chủ, đạo sư hay bất cứ nhà làm luật nào. Cũng không phải là những qui định hay ràng buộc mà mỗi người đặt ra vì lợi ích cá nhân của mình.
Giới luật mà đức Phật chế định được các nhà làm luật đánh giá là rất khoa học, công bằng, dân chủ và mang tính nhân bản rất cao. Khi đi sâu hơn vào nội dung tinh yếu nhất của một số giới luật, chúng ta còn nhận ra được ý nghĩa thâm sâu hơn nữa, có thể gọi đó là tính siêu nhân bản, hay siêu phàm nhập thánh. Tuy nhiên, trên phương diện tục đế, dù là giới luật nhà Phật vẫn không tránh khỏi tính bất toàn như đã nói trên. Phần lớn những giới luật loại này không mang tính cốt lõi, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi.
Như vậy, chúng ta cần phân ra các loại giới luật khác nhau được chế định phù hợp với nhiều tính chất, tình huống và hoàn cảnh khác nhau, như sau:
- Do người đời chê trách.
- Để ngăn ngừa hành động và nói năng tai hại.
- Vì lợi ích đời sống tập thể.
- Để thoát khỏi những sai lầm bất thiện.
- Làm cho thanh tịnh thân khẩu.
- Làm nền tảng cho sự phát triển định tuệ.
Ba điều trước có liên quan đến người khác trong cộng đồng xã hội, nên đó là cách xử thế bên ngoài. Ba điều sau hướng về hoàn thiện chính mình, nên có tính đối nội và là cốt lõi trong giới luật Phật giáo.
Mặt khác, giới còn có hai phương diện: hữu hạn và vô hạn. Giới hữu hạnlà một số giới điều cố định cho từng đối tượng hành giới khác nhau. Ví dụ, năm giới, tám giới... dành cho Phật tử tại gia. Giới sa-di, tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni... dành cho người xuất gia. Giới vô hạnbao gồm tất cả biểu hiện tốt đẹp của thân hành qua nói năng và hành động. Nói chung, dù hữu hạn hay vô hạn, giới thường được gọi tên theo tác dụng hay ý nghĩa của nó, chẳng hạn như điều học, hành vi đạo đức, sự tự chủ, sự thanh tịnh v.v...
Giới làđiều họcvì qua đó, nếu khéo quan sát, chúng ta học được tình trạng, tính chất và động lực thúc đẩy đàng sau của mỗi hành vi đạo đức hoặc phi đạo đức. Nghĩa là chúng ta có thể học ra từ những điều học này nguyên nhân, điều kiện và hậu quả của những hành vi bên ngoài đang biểu hiện qua hành động và nói năng. Nhờ những điều học đó mà sự tinh tấn và chánh niệm được chính xác hơn. Đáp lại, chánh tinh tấn và chánh niệm giúp chúng ta hiểu thấu ý nghĩa đích thực của giới, làm cho giới được trong sạch và không còn giới hạn, không để cho hành vi rơi vào máy móc hay quán tính vô thức.
Giớilàhành vi đạo đứcnhưng không có nghĩa là những giáo điều mẫu mực cố định để qui định khuôn khổ một hành vi đạo đức phải như thế nào, mà chỉ đưa ra những gợi ý nhằm gây ý thức cảnh giác để ngăn ngừa, chế ngự hoặc từ bỏ hành vi phi đạo đức mà thôi. Qui định một hành vi tốt như thế nào khác hẳn với việc học hỏi có ý thức để từ bỏ một hành vi xấu. Bởi vì, một khi hành vi tốt đã bị qui định trong khuôn khổ thì không còn là hành vi thật sự tốt nữa, nó chỉ còn là một sự bắt buộc, bắt chước hay rập khuôn, không phát xuất từ ý thức tự do. Một hành vi đạo đức, tức giới luật, thật sự thì tự do và vô hạn. Tự do và vô hạn vì đã thoát khỏi sự trói buộc của hành vi phi đạo đức.
Giới là sự phòng hộ,như áo giáp để phòng thân có thể ngăn ngừa những tai hại đến từ bên ngoài. Khi chúng ta khéo tránh những hành vi bất thiện, không để cho thân buông theo khuynh hướng xấu của bản năng, tình cảm và lý trí thì chắc chắn chúng ta tránh được vô số hiểm họa như bệnh tật, tai ương, thù oán, nợ nần hay nghiện ngập v.v...
Giới là sự thận trọng, vì hành động đạo đức chỉ được hoàn hảo khi có sự cẩn thận, khéo léo, kỹ lưỡng, nghiêm túc, trong mọi hành vi. Những người không buông lung hời hợt, tuy họ hành động tự nhiên nhưng rất kỷ cương, chính xác, chuẩn mực và đạo đức. Họ rất tinh tường trong giới luật cho dù có thể họ không biết đến một hệ thống luật lệ nào. Họ có phong thái rất chững chạc nhưng không hề cố ý tạo ra một mẫu phong cách riêng nào cho mình cả. Chuẩn mực của họ không phải là khuôn mẫu cố định nào mà chính là sự thận trọng, tinh tế, cẩn mật, chu toàn và luôn mới mẻ trong từng hành động nhỏ nhặt nhất hàng ngày.
Giới làsự tự chủvì những điều học nhắc nhở chúng ta biết dừng lại đúng lúc, biết tự điều chỉnh hành vi của mình, và biết trường hợp nào cần tự chế, tiết giảm hay điều độ. Thái quá hay vượt qua giới hạn cho phép là thái độ sống buông thả, thiếu kỷ cương và kém hiểu biết, kết quả không những chuốc họa vào thân mà còn vạ lây người khác. Sự chế ngự các giác quan khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm cũng là một hình thức tự chủ của giới. Nói chung, về phương diện tự chủ, giới giúp chúng ta không sống phóng túng cẩu thả theo bản năng thể xác, không hành động buông lung theo quán tính vô thức.
Giới là sự thanh tịnhvì nólàm lắng dịu những phiền não thô thiển biểu hiện qua hành động và lời nói. Những người có thể tự chế thân khẩu thì giác quan của họ cũng được thanh tịnh khi tiếp xúc với hoàn cảnh xung quanh. Đây là hệ quả của sự tự chủ, như đã nói trên, được gọi là giới thanh tịnh do chế ngự các giác quan.
Giới là sự giải thoátvì một khi tránh được điều sai xấu nào thì chúng ta không bị sa lầy hay trói buộc trong diễn biến nhân quả của hành vi tai hại đó. Nhờ giới chúng ta không bị ray rứt, nóng nảy, dày vò của những mặc cảm tội lỗi, mà còn giúp chúng ta thoát được biết bao hậu quả thảm hại do những hành động, nói năng sai trái gây nên.
Nếu giữ giới đúng như những ý nghĩa vừa nêu thì vô cùng lợi ích mà không hề bị ràng buộc. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, nếu không hiểu được ý nghĩa và nội dung đích thực của giới luật nói chung và từng điều học nói riêng thì giới trở thành những ràng buộc vô ích, thậm chí có hại về nhiều mặt. Lúc bấy giờ giới chỉ còn là:
- Một sự phô trương hay trang điểm bề ngoài.
- Những khuôn sáo khô chết làm suy yếu hành động mới mẻ sáng tạo.
- Những phong cách giả dối thiếu tự nhiên.
- Những ảo tưởng tự tôn hoặc tự ti về hành vi đạo đức của mình.
- Sự ức chế, dồn nén làm phát sinh biến chứng tâm lý và sinh lý bất thường.
- Con bài lận của những kẻ đạo đức giả.
Chúng ta đã nói có hai loại giới: hữu hạn và vô hạn phù hợp với hai hạng người giữ giới tương ứng: Hạng người thiên về tinh tấn hoặc đức tin dễ dàng “y giáo phụng hành”những qui củ, mực thước đã được các bậc thầy mà họ tin cậy qui định sẵn. Họ không đủ tự tin và sáng suốt để biết mình nên làm gì và không nên làm gì, nên nếu ai đó có thể chỉ cho họ biết cách làm thế nào thì họ sẵn sàng tuân thủ vì như vậy họ cảm thấy dễ dàng hơn. Hạng người này thích hợp với giới chế định hữu hạn, tuy nhiên cũng rất dễ chấp thủ vào giới luật.
Hạng hành giả thiên về trí tuệ do thường xem xét thận trọng, quan sát rõ ràng hành động của mình, có thể tự phát hiện cái đúng, cái sai, cái xấu, cái tốt một cách tinh tế, tự nhiên trong từng hành vi cử chỉ của mình. Họ cũng tự biết làm thế nào để điều chỉnh ngay tại chỗ những khiếm khuyết mà không cần áp dụng theo một khuôn mẫu đạo đức nào có sẵn dưới dạng giới luật chế định. Hạng trí giả này thích hợp với giới vô hạn.
Trên thực tế, hạng người thiện trí thức rất ít so với hạng đức tin và tinh tấn, trong khi đó hạng đức tin và tinh tấn lại còn ít hơn rất nhiều so với hạng người buông lung, phóng túng, mê muội. Vậy luật lệ, qui tắc, mẫu mực, khuôn định v.v... là điều không thể thiếu trong xã hội loài người, nếu không cuộc đời không mấy chốc sẽ biến thành địa ngục trần gian. Đó cũng là lý do tại sao đức Phật phải chế định giới luật trong khi Ngài biết rất rõ rằng không cần bất kỳ khuôn định nào giới đức và giới hạnh vẫn có thể hoàn hảo. Trong quá khứ có nhiều vị Phật không ban hành giới điều nào vì Đại Chúng của các Ngài rất tinh tường về tự tánh giới, tùy nghi giới và giới vô hạn.
Ngày nọ, một vị tỳ kheo đến tu tập trong một ngôi chùa có vị nữ thí chủ là bậc thánh có tha tâm thông. Vị ấy e ngại không thể giữ trọn quá nhiều giới luật như vậy. Vị thí chủ có thể sẽ biết được mình có sai phạm giới điều nhỏ nhặt nào mà mình không nhớ hết thì sao. Để tháo gỡ gút mắt này, đức Phật hỏi vị tỳ kheo ấy nếu chỉ giữ một điều thôi có nhớ được không. Vị ấy phấn khởi chấp nhận. Đức Phật dạy vị ấy chỉ cần thận trọng canh chừng cái tâm thôi là được. Và chẳng bao lâu vị ấy hoàn toàn giác ngộ.
Vì vậy, bên cạnh giới luật hữu hạnđã được ban hành cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, thời gian và trình độ của mỗi người, đức Phật còn dạy giới vô hạncho những ai có thể tự mình sống trong tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Hay nói cách khác, một người đang giữ giới hữu hạn, chỉ cần thường thận trọng, chú tâm, quan sát tỏ tường ngay nơi hành động nói năng của mình, thì khi đó giới hữu hạn tự trở thành vô hạn. Nghĩa là lúc đó người ấy có thể không nhớ bao nhiêu giới cần phải giữ nhưng mọi hành vi cử chỉ của anh ta đều thuận theo giới luật. Và đó chính là bước chuyển hóa từ giới hữu hạn qua giới vô hạn, từ giới tục đế sang giới chân đế, từ giới chế định sang giới tự tánh.
Đức Phật biết rất rõ mức độ nhận thức của mỗi người, nên để giúp họ có thể tự giác Ngài đã không ngần ngại sử dụng cả hai phương diện tục đế lẫn chân đế. Giới hữu hạn dựa trên khái niệm đã quy định trong lãnh vực tục đế nên được gọi là giới chế định; còn giới vô hạn dựa vào thực tánh của sự kiện trong lãnh vực chân đế nên được gọi là giới tự tánh.Vì vậy, tuy sống trong giới hạnh mà vẫn tự do không có gì ràng buộc. Trong giới hữu hạn, khái niệm sai đối chiếu với khái niệm đúng đã được ấn định. Trong giới vô hạn chỉ có thể thấy đúng hoặc sai ngay nơi bản chất của sự việc chứ không có khái niệm nào để so sánh.
Ví dụ, ở Anh bạn đi bên trái là đúng, còn ở Mỹ bạn đi bên phải mới đúng. Khái niệm về sự đúng hay sai này hoàn toàn do qui định của con người, chỉ có giá trị tương đối. Tuy vậy, nếu bạn không tuân thủ thì có thể xảy ra tai nạn chết người. Đó là cái đúng hữu hạn. Trong khi nếu bạn bị trượt chân, bạn sẽ tự động gượng lại để giữ thăng bằng. Bạn thấy sai ngay lập tức và điều chỉnh nó một cách tự nhiên ngay nơi thực trạng của sự kiện mà không cần phải mất thời gian so sánh với bất cứ khái niệm đúng theo chuẩn mực nào. Đó là cái đúng vô hạn của giới trong tự tánh chân đế.
*
Giới luật là nền tảng đạo đức, là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống lành. Người biết sống thận trọng, kỷ cương, tinh tế, hiền thiện, trong lành v.v... không những tự mình an lạc mà còn đem lại ổn định hạnh phúc cho người khác. Trong một cộng đồng xã hội nếu mọi người biết hành động, nói năng thận trọng thì sẽ tránh được biết bao khổ đau bất hạnh mà hầu hết do buông lung, bất cẩn, thiếu kỷ cương gây nên. Quả thật giới luật đóng vai trò tối trọng trong việc đem lại lợi ích bất tận cho đời sống con người:
- Tránh những thói hư tật xấu:Sống buông lung, cẩu thả, không kỷ cương, không tự chế là tiến trình hình thành những thói quen sa đọa, những thói hư tật xấu có thể làm thân bại danh liệt cả một đời. Người biết sống thận trọng, tự chế trong từng hành vi cử chỉ không thể nào rơi vào thói hư tật xấu được. Và nếu có thói quen xấu nào thì cũng dễ dàng thoát ra nhờ đức tính thận trọng giúp anh ta biết nhận thức cái đúng cái sai nên có thể tự mình điều chỉnh.
- Không gây ra những hậu quả tai hại:Người không biết tự chế sẽ gây ra tai hại cho mình và người khác bằng hành động, lời nói sai trái của mình. Trầm trọng hơn, sự bất cẩn có thể đưa đến tai nạn, gây thương tật, bệnh hoạn hay tử vong. Ví dụ như một người lái xe cẩu thả, một công nhân bất cẩn, một bác sĩ tắc trách v.v... không những gây họa cho mình mà cho nhiều người khác. Người thận trọng, kỹ lưỡng có thể tránh được những hậu quả tai hại như thế dễ dàng.
- Không hối tiếc ray rứt: Người hành động bất cẩn sau khi gây ra lỗi lầm, bên trong thường tự dày vò, cắn rứt, đồng thời bên ngoài bị người đời đàm tiếu mỉa mai, vì vậy họ luôn căng thẳng, bất an. Ngược lại, người có giới hạnh thân tâm thường mát mẻ, trong lành, an nhiên, thư thái.
- Không bối rối lo sợ trước đám đông: Ngươi có mặc cảm tội lỗi thường thiếu tự tin, vì vậy họ luôn bối rối, e dè, hồi hộp, lo lắng khi ở chỗ đông người. Họ không thích gặp ai vì hầu như tự ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi của mình có thể bị người khác phát hiện. Trái lại, giới hạnh giúp bạn tự tin, điềm tĩnh, nên không lo sợ giữa chốn đông người.
- Có phong thái đoan chính tự nhiên:Người hành động nói năng thận trọng sẽ dễ dàng phát hiện cái đúng cái sai để tự điều chỉnh hành vi của mình. Vì vậy, mặc dù không cố tạo cho mình cung cách riêng họ vẫn có phong thái ung dung, đĩnh đạc, thoải mái, tự nhiên, khiến nhiều người tin yêu kính mến.
- Lúc lâm chung không hốt hoảng lo sợ:Người tội lỗi chắc chắn sẽ rất sợ hãi, bấn loạn trong giờ phút lâm chung, vì hình ảnh bất thiện của họ tự động tái hiện trước mắt như một cuốn phim. Đôi khi đó là một chi tiết đầy ấn tượng trong hành vi tội lỗi của mình, như con dao đẫm máu, mùi thuốc súng cay nồng v.v... Đôi lúc là một cảnh tượng thật hãi hùng như một điềm báo chẳng lành về sau. Đó là cận tử nghiệp của những người làm ác. Ngược lại, người có giới đức biết rõ hành vi trong sạch của mình, sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng thanh thản.
- Làm nền tảng cho thiền định và trí tuệ: Người buông lung cẩu thả thường hành động theo thói quen bất thiện (thiếu giới)nên không có khả năng chú tâm (thiếu định), và vì bị xung động bởi những khuynh hướng vô thức nên không đủ sáng suốt để biết đâu là sự thật (thiếu tuệ). Trong khi người hành động, nói năng thận trọng (có giới)sẽ dễ dàng chú tâm hơn (có định),và do đó có thể thấy biết rõ ràng minh bạch (có tuệ). Nói cách khác, hành động, lời nói trong lành (giới)đưa đến tâm an tịnh (định)và tánh giác sẽ sáng soi vạn pháp (tuệ). Vì vậy, lợi ích quan trọng nhất của giới là làm nền tảng vững chắc cho thiền định, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.
- Tặng tha nhân món quà vô uý:Bạn có thể nghĩ rằng phục vụ mới là hành động vị tha, còn giữ giới chỉ có lợi riêng cho mình.Đó là quan niệm sai lầm. Người có giới đức không hại ai nghĩa là không gieo rắc lo âu sợ hãi cho người khác. Họ có vẻ như không làm gì cho ai, nhưng thực ra họ đang giúp người khác sống yên tâm, không lo sợ bị hại. Do đó, giữ giới không phải chỉ tự lợi mà còn được xem là hành động vị tha: Một món quà vô úy cho mọi người.
Hỏi:
- Tôi thấy ngày nay trong mối quan hệ xã hội thật khó mà giữ được trọn vẹn năm giới, nhất là giới nói dối và uống rượu. Vậy chúng ta có thể tùy cơ ứng biến cho hợp với hoàn cảnh được không?
Đáp:
- Chẳng ai có quyền bảo bạn được hay không. Chính bạn phải tự chiêm nghiệm, khám phá xem tính chất nhân quả trong hành động của mình như thế nào rồi sẽ tự biết có nên làm hay không. Có nhiều loại luật lệ đặt ra nhằm hạn chế hoạt động của người khác để bảo vệ quyền lợi của người chủ hay của tập đoàn thống trị. Ví dụ như luật lệ của người địa chủ đặt ra cho tá điền, hoặc của nước thực dân áp đặt lên dân thuộc địa. Do đó sẽ có phản kháng để đòi lại công bằng. Trong trường hợp này, phạm luật có khi lại là hành động đúng tốt và can đảm. Trái lại, giới luật nhà Phật chỉ giúp bạn tự ý thức hành vi của mình để trực nhận ra tính chất đứng - sai, thiện - ác, không theo sự đánh giá nào từ bên ngoài. Đó là lý do vì sao giới được gọi là điều học. Vậy tại sao bạn không lấy đó làm bài học để thấy ra chính mình? Đức Phật chỉ vì lợi ích của bạn mà gợi ý thôi, không ai ràng buộc bạn cả, bạn có quyền tự do vận dụng uyển chuyển thế nào tùy bạn. Có điều bạn cần phải tự khám phá tính chất đúng sai thiện ác trong hành động nói năng của mình, vì đó là trách nhiệm và quyền lợi của bạn chứ không phải của bất kỳ ai khác.
Hỏi:
- Người làm nông muốn bảo vệ hoa màu phải diệt trừ sâu rầy, làm sao tránh khỏi tội sát sanh? Vậy đâu là giải pháp?
Đáp:
- Con người, tự cho mình là “ưu việt hơn muôn loài” (Tối linh ư vạn vật), biết cách kiếm sống để bảo vệ chính mình. Nhưng nếu bảo vệ sự sống của mình mà xem thường sinh mạng của muôn loài thì loài người đã trở thành đáng sợ nhất trên đời! Con người quả là chẳng “ưu” chút nào khi chỉ biết đến quyền lợi của riêng mình, tham lam vơ vét mọi thứ, cưỡng đoạt môi trường sống của muôn loài và sẵn sàng xâm hại bất kỳ ai tỏ ra bất lợi cho mình. Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng hủy diệt côn trùng bừa bãi đã làm mất cân bằng sinh thái một cách trầm trọng, không những chỉ hãm hại chúng sinh mà còn tự hủy hoại môi trường sống của chính mình.
Chúng ta khai thác rừng, biển v.v... đến nỗi nhiều loài thực vật, cây thuốc, hải sản, cầm thú đã bị tuyệt chủng, cùng với sự biến đổi thời tiết gây nên thiên tai dịch bệnh. Thuốc trừ sâu đã làm mọi thứ trở nên độc hại. Chonên, ngày nay chúng ta rất cần hoa màu, thực phẩm, không khí, môi trường trong sạch lành mạnh để được sống an toàn.
Để có cái lợi trước mắt mà lờ đi những tai họa lâu dài cho toàn bộ sự sống trên hành tinh nhỏ bé này, quả là điều cần xem xét lại một cách nghiêm túc. Hãy thử xem có phải chúng ta đang bảo vệ sự sống hay đang cổ vũ cho lòng tham không đáy, cho sự ích kỷ, tàn khốc, và hủy diệt? Có lẽ chúng ta vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa trong tầm vóc sâu xa của giới như là điều học. Nếu con người thật sự muốn học, thì thiếu gì cách để bảo vệ sự sống mà không cần sự hủy diệt những sinh vật bé nhỏ.
Hỏi:
- Chữ Lễ trong Nho giáo có đồng nghĩa với giới luật Phật giáo không?
Đáp:
- Có cái giống nhau, cái khác nhau. Lễ tiết Nho giáo nhấn mạnh đạo làm người, mang tính đối nhân xử thế trong quan hệ xã hội giữa vua với tôi, cha với con, chồng với vợ v.v... hoặc là những nghi lễ cúng tế Trời Thần, trong đó có cái thích ứng với đạo đức con người một cách phổ quát, có cái chỉ phù hợp với chế độ quân chủ phong kiến mà thôi.
Trong giới luật Phật giáo cũng vậy, một số điều học chỉ nhằm thích nghi với hoàn cảnh, một số khác tiêu biểu cho đạo đức làm người, nhưng không nhằm vào thời đại hay tầng lớp xã hội đặc thù nào mà là đạo đức tinh yếu và phổ quát, phù hợp với mọi người và mọi thời. Tuy nhiên, mục đích chính của Nho Lễ là ổn định trật tự xã hội loài người, trong khi luật Phật nhằm giải phóng chúng ta ra khỏi hành động sai lầm, bất thiện để có thể hoàn toàn giác ngộ giải thoát.
Chính vì Lễ là những luật lệ qui định cách ứng xử tùy theo tôn ti trật tự giữa địa vị của những người sống trong xã hội phong kiến, nên đặt nặng hiệu quả trong tổ chức thể chế chính trị hơn là thiết lập trên bản chất cốt lõi của đạo đức. Mặc dù “Lễ dĩ chế dục”, nhưng chỉ chế ngự những dục vọng bên ngoài còn dục vọng sâu kín lại bị dồn nén, ẩn ức bên trong. Vì vậy mà Lão Tử đã than rằng: “Ôi! Lễ ấy là sự mỏng manh của lòng trung tín, là đầu mối của loạn lạc”. Trong khi đó giới luật Phật giáo được xem là yếu tố đưa đến an lạc giải thoát (Sīlena nibbutiṃ yanti).
Hỏi:
- Con đã từng thấy nhiều người giữ giới luật rất nghiêm túc, nhưng sao hình như họ có vẻ cố chấp và ngã mạn, họ luôn xem thường và lên án người không giữ giới nghiêm khắc như họ. Vì sao lại như vậy?
Trả lời:
- Đơn giản chỉ vì những lý do sau đây:
1) Họ chỉ chú trọng giữ hình thức bên ngoài của giới mà không thấy được ý nghĩa đích thực bên trong, nên họ quá nghiêm khắc với mình và người khác.
2) Họ mượn giới để tạo uy tín và hư danh cho bản thân mình hay cho tổ chức của họ hơn là sống hiền lương, trung thực với chính mình và mọi người.
3) Họ chỉ căn cứ trên giới điều hữu hạn để đánh giá đúng sai, xấu tốt, chứ không lấy đó làm điều học để thấy ra và điều chỉnh hành vi đạo đức của mình.
4) Họ chỉ đơn giản tin vào khuôn khổ mà giới luật qui định để tuân thủ hơn là tin vào sự thận trọng khám phá những diễn biến tâm - sinh - vật lý thực tế giữa cái đúng-sai-xấu-tốt trong hành vi đạo đức của họ.
5) Họ luôn ở một trong hai thái độ tâm lý: tự ti hoặc tự tôn. Khi giữ giới nghiêm túc họ trở nên tự cao ngã mạn, nhưng khi phạm giới thì dễ rơi vào tình trạng tự ti mặc cảm.
Hỏi:
- Thưa thầy, có khi nào không phạm giới mà vẫn có tội, ngược lại, phạm giới mà lại không có tội không?
Trả lời:
- Chà, đây quả là câu hỏi khó! Tôi đang phân vân không biết nên trả lời như thế nào đây? Khó có được một câu trả lời xác định có hay không từ người khác. Bạn cần phải hiểu thật tường tận mọi học giới, cụ thể trong từng trường hợp mới có thể tự trả lời có hay không. Nếu không mọi câu trả lời đều chỉ là giả thuyết vô nghĩa. Mặt khác, nếu bạn giữ giới quá cố chấp thì khó có thể nhận ra tính chất uyển chuyển sáng tạo mà chỉ thấy mặt cứng nhắc, khô chết của giới mà thôi.
Sau đây là những tình huống để bạn tự vận dụng trí tuệ của mình xem trường hợp nào có tội, trường hợp nào vô tội.
Tình huống thứ nhất là ai đó muốn giết người cướp của nhưng thực hiện không thành công, nghĩa là anh ta chưa sát sanh, trộm cắp nên không vi phạm giới điều nào cả. Hoặc một người khác, xảo quyệt hơn để luồn lách cho khỏi phạm giới, chẳng hạn như anh ta thích uống rượu, nhưng đó là một giới luật, trừ phi sử dụng rượu với thuốc. Thế là anh ta tha hồ uống cái gọi là rượu thuốc vì có phạm giới tửu đâu. Vậy bạn nghĩ người đó có tội không?
Tình huống thứ hai là một câu chuyện thật bi thương được kể lại rằng: Một đội quân phải khẩn cấp rút khỏi chiến trường đang giao tranh ác liệt, đành để lại một người lính đang bị trọng thương, không còn hy vọng sống sót, cũng không thể mang theo cùng đồng đội. Không nỡ nhẫn tâm để bạn một thân một mình quằn quại đau đớn dữ dội trong sự kinh hoàng của chiến trận, nên đội trưởng đã quyết định bắn chết đồng đội của mình. Xét về giới đạo cũng như luật đời thì người đội trưởng đều vi phạm, thậm chí anh ta có thể bị xét xử. Nhưng nếu bạn là người đội trưởng thì lúc đó lương tâm bạn sẽ bảo bạn làm thế nào? Bạn cho đó là phước hay tội?