Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

(b)

10/11/201115:49(Xem: 6349)
(b)

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ BẢY (b)

DÒNG THÍCH CA XUẤT GIA (tt)

-ooOoo-

Đề Bà Đạt Đa

Khi đức Thế Tôn ngự tại làng Anupiya ít lâu, Ngài lại đến Kosambì ngự tại chùa Ghositàràma.

Trong khi ấy có rất nhiều thiện nam tín nữ đến chùa hỏi thăm Đại Đức Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Xà Bà Đồ v.v... và v.v... Nhưng không khi nào có một người nào hỏi đến Đại đức Đề Bà Đạt Đa vì vậy nên ông căm tức và nghĩ rằng: Dầu sao ta cũng là một vị Hoàng tử dòng Thích ca xuất gia cùng với các vị Hoàng tử khác có người hỏi đến, còn ta thì không ai biết đến. Vậy ta phải làm sao? Làm cho ai biết đến ta, cúng dường long trọng đến ta, và để cho người biết tên Thế tử Đề Bà Đạt Đa. Ông liền nghĩ đến Thái tử AJÀTASATTU (A Xà Thế) là một vị Hoàng tử ở một đại cường quốc giàu có, nếu trong sạch với ta thì sẽ cúng dường trọng thể đến ta.

Ông nghĩ xong liền thu xếp hành trang lập tức đến Vương Xá thành. Khi ông đến Vương Xá thành hóa ra một người thanh niên mình quấn đầy những rắn tuyệt độc và lại ngồi trên vế của Thái tử A Xà Thế.

Riêng Thái tử đang ngồi bỗng dưng có một thanh niên mình quấn đầy rắn độc ngồi trên vế Thái tử nên lấy làm kinh hãi.

Ông Đề Bà Đạt Đa liền hỏi: - Thái tử kinh sợ tôi lắm sao?

- Sợ, vậy người là ai đấy?

- Bần đạo là vị Tỳ khưu tên là Đề Bà Đạt Đa.

- Nếu Ngài là vị Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa thì xin hãy hiện lại nguyên hình.

Khi ấy Đề Bà Đạt Đa liền hiện lại là vị Tỳ khưu, đắp y mang bát thật là oai nghiêm.

Vì Thái tử chưa hề tiếp xúc với các bực cao Tăng đại đức, nên Ngài không thấy ai có thần thông lạ lùng như vậy nên chi Ngài rất tin tưởng nơi Đề Bà Đạt Đa và rất lấy làm trong sạch với ông. Từ ngày ấy đi Thái tử A Xà Thế thường đến nơi cư ngụ của Đề Bà Đạt Đa mỗi ngày hai lần sáng và chiều, mỗi lần đến với năm trăm cổ xe, buổi sáng thì chở đầy năm trăm xe vật thực, còn buổi chiều thì vật uống như nước mía, nước cam v.v...

Càng được vật cúng dường nhiều thì lòng mong ước xấu xa đê tiện càng xuất hiện nhiều. Ông Đề Bà Đạt Đa muốn người đời ca tụng ngợi khen ông như là một vị Chánh đẳng Chánh giác. Ông ta lại nghĩ: Ta phải là người cai quản Tăng chúng. Chỉ có lòng mong ước hảo huyền như vậy thần thông của ông tiêu mất liền.

Khi ấy, có người con trai của người thí chủ của Đại đức Mục Kiền Liên chết và sanh về cõi trời Phạm Thiên Hữu Sắc ông ấy tên là KAKUDHA. Ông liền trở xuống đảnh lễ Ngài Đại Đức rồi bạch rằng: Bạch Đại Đức ông Đề Bà Đạt Đa là người có tham vọng đê tiện, ông ấy là người bị lợi lộc, sự lễ bái cúng dường, sự ca tụng ngự trị tâm ông, nên ông ấy định cai quản Tăng chúng. Khi ông ta vừa nghĩ muốn cai quản Tăng chúng thì thần thông của ông ta tiêu diệt liền. Bạch xong vị Phạm Thiên ấy liền trở về cõi Phạm Thiên liền.

Đại Đức Mục Kiền Liên liền đến hầu Phật và bạch Phật những gì mà Ngài đã nghe do vị Phạm Thiên.

Đức Thế Tôn mới dạy rằng: - Nầy Mục Kiền Liên ngươi có biết không? Vị Phạm Thiên Kakudha nói thế nào thì sự việc ấy cũng sanh ra như vậy, không hề sai chạy.

Đại Đức đáp: Bạch đức Thế Tôn đệ tử đã hiểu.

- Nầy Mục Kiền Liên! Ngươi hãy nhớ lời nói nầy, tên Moghapurisa (vô dụng) (ý chỉ Đề Bà Đạt Đa) sẽ đến đây bây giờ. Nầy Mục Kiền Liên trong thế gian nầy có năm hạng giáo chủ là:

1) Hạng giáo chủ giới hạnh không trong sạch, nhưng lại tự cho rằng: Giới hạnh của ta thật trong sạch không nhơ bợn tý nào. Hạng đệ tử thân cận biết rằng vị giáo chủ giới đức không trong sạch mà cũng cho rằng: Có giới đức trong sạch, chúng ta (đệ tử xuất gia) nên nói với cư sĩ rằng: Vị giáo chủ của chúng ta có giới hạnh trong sạch. Như vậy các cư sĩ sẽ trong sạch với giáo pháp ấy. Điều nào làm cho mất lòng vị giáo chủ chúng ta không nên nói, khi được như vậy hàng cư sĩ kính trọng, chúng ta sẽ cúng dường y phục, vật thực chỗ ở và thuốc cho chúng ta. Nếu chúng ta hành động thế nào thì điều ấy sẽ trở lại cho chúng ta. Rồi đức Thế Tôn dạy Đại Đức Mục Kiền Liên rằng: Nầy Mục Kiền Liên, vị giáo chủ nầy gọi là người nhờ hàng đệ tử giữ giới cho, hàng giáo chủ nầy chỉ hy vọng nhờ đệ tử giữ giới cho.

2) Còn một hạng giáo chủ nữa là vị giáo chủ nuôi mạng không chân chính, nhưng tự hào là nuôi mạng chân chính không nhơ đục, chư đệ tử (xuất gia) biết rằng vị giáo chủ nuôi mạng không chân chính, nhưng cũng nói rằng: Vị giáo chủ của mình nuôi mạng chân chánh. (Đoạn sau nầy giống như đoạn sau của điều một).

3) Còn một hạng giáo chủ nữa là: Vị giáo chủ thuyết minh giáo lý không được rõ rệt, không chu đáo hoàn toàn, mà tự hào rằng: giáo lý hoàn toàn chu đáo, không nhơ đục. Những đệ tử (hàng xuất gia) cũng biết rằng: Vị giáo chủ thuyết minh giáo pháp không rõ rệt, không chu đáo, không hoàn toàn v.v... (đoạn sau như đoạn sau của điều thứ nhứt).

4) Còn một hạng giáo chủ nữa là: Vị giáo chủ ấy không thông hiểu rõ văn phạm, nhưng tự hào là hiểu thông văn phạm rất chu đáo không lỗi lầm. Những đệ tử (hạng xuất gia) cũng đều biết rằng: Vị giáo chủ không thông suốt văn phạm v.v... (đoạn nầy như đoạn sau của câu thứ nhứt).

5) Còn một hạng giáo chủ nữa là: Vị giáo chủ ấy không giác ngộ; mà tự phụ rằng đã hoàn toàn giác ngộ. Những đệ tử (xuất gia) cũng biết rằng: Vị giáo chủ không hoàn toàn giác ngộ v.v... (đoạn nầy như đoạn sau của câu thứ nhứt).

Nầy Mục Kiền Liên! Như Lai là vị giáo chủ có giới đức hoàn toàn trong sạch, nuôi mạng hoàn toàn chân chánh, pháp lý thật là rõ rệt chu đáo, văn phạm thông suốt đúng không sai chạy, sự giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy nên Như Lai tự cho rằng: Ta có giới đức hoàn toàn trong sạch, nuôi mạng rất chân chánh, pháp lý hoàn toàn, văn phạm rất đúng và sự giác ngộ của đấng Chánh đẳng Chánh giác. Vì vậy nên tất cả đệ tử không cần phải giữ giới cũng như lo sự nuôi mạng, lý thuyết, văn phạm và sự giác ngộ của Như Lai. Và Như Lai cũng chẳng màng việc đệ tử phải giữ giới, nuôi mạng, pháp lý, văn phạm và sự giác ngộ cho Như Lai.

Đức thế Tôn ngự nơi thành Kosambi một thời gian, Ngài lại trở về Vương Xá thành ngự tại Trúc Lâm tịnh xá.

Khi ấy có nhiều vị Tỳ khưu đến hầu Phật và bạch rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, Thái tử A Xà Thế đến hầu ông Đề Bà Đạt Đa mỗi ngày hai lần sáng và chiều, mỗi lần đến với năm trăm cổ xe, sáng thì chở đầy vật thực, chiều thì có những vật uống như mật, nước mía v.v... Để dâng cúng cho Đề Bà Đạt Đa.

Đức Thế Tôn liền dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, các thầy chẳng nên ưa thích lợi lộc, sự ca tụng của Đề Bà Đạt Đa. Khi nào Thái tử A Xà Thế còn đến hầu Đề Bà Đạt Đa mỗi ngày hai lần mỗi lần năm trăm cổ xe đầy vật thực ăn uống, thì khi ấy Đề Bà Đạt Đa càng mau bị tai hại là thiện pháp càng ngày càng tiêu diệt, không khi nào tiến hóa. Nầy các thầy Tỳ khưu; lẽ thường khi chó dữ mà người đem mật thú thoa vào mũi thì nó càng hung dữ thêm lên. Điều nầy cũng như Thái tử A Xà Thế càng lo cúng dường cho Đề Bà Đạt Đa buổi sáng cũng như buổi chiều mỗi lần năm trăm xe vật thực, thì càng làm cho thiện pháp của Đề Bà Đạt Đa càng tiêu diệt mau lẹ hơn.

Nầy các thầy Tỳ khưu, lợi lộc, sư ca tụng sanh đến cho Đề Bà Đạt Đa để giết hại Đề Bà Đạt Đa, cũng như cây chuối khi đã trổ buồng thì nó đã lần vào cõi chết. Một chuyện nữa, ví như cây tre khi trổ măng thì nó lại cũng gần chỗ chết, hay cũng như ngựa hay đã có chửa thì cũng hết hay.

Đức Thế Tôn liền dạy thêm rằng: Buồng chuối giết cây chuối, mục măng giết cây tre, thai của ngựa hay giết tài ngựa, điều nầy ví như tài lợi, sự ca tụng, danh vọng là vật giết hại người thiểu trí.

Ngày nọ, đức Thế Tôn ngự tại Trúc Lâm tịnh xá và đang thuyết pháp giữa hàng đại chúng có đức vua dự thính, Đề Bà Đạt Đa đứng mặc y chừa vai trái đảnh lễ xong, bạch Phật rằng:

- Bạch hóa đức Thế Tôn, nay Ngài đã già rồi, là bực Trưởng lão, xin đức Thế Tôn ngưng hoạt động, nên tìm sự an vui của sự thanh tịnh cõi lòng, nên nhường chư Tăng lại cho tôi cai quản.

Đức Thế Tôn dạy rằng: Đừng Đề Bà Đạt Đa, ngươi không nên mong muốn cai trị Tăng chúng.

Bị đức Thế Tôn không nhận lời nhưng không vì lẽ ấy mà ngã lòng, Đề Bà Đạt Đa cố yêu cầu xin đôi ba lượt, nhưng bị đức Thế Tôn khước từ. Đức Thế Tôn dạy: Nầy Đề Bà Dạt Đa, mặc dầu hàng đại đệ tử chánh thức như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên mà Như Lai cũng chẳng giao quyền cai quản Tăng chúng thay, thì làm sao Như Lai lại giao chư Tăng cho người đê hèn như ngươi là người nuốt nước bọt của mình.

Đề Bà Đạt Đa lấy làm tức giận nên nghĩ rằng: Đức Thế Tôn thóa mạ ta giữa hàng đại chúng có cả nhà vua, nhà vua cũng ca tụng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Ông liền đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ra đi. Từ ấy ông đã cột oan trái với đức Thế Tôn.

Cũng trong khi ấy đức Thế Tôn dạy chư Tăng rằng:

- Nầy chư Tăng, các vị nên tuyên ngôn về hành động của thầy Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa rằng: Trước đây ông Đề Bà Đạt Đa có sự hành động khác, nhưng hiện nay hành động ấy đã thay đổi khác. Những gì mà ông Đề Bà Đạt Đa hành dộng hay nói, những sự việc ấy Phật, Pháp, Tăng không nhìn nhận, những việc ấy là ý kiến riêng của Đề Bà Đạt Đa.

Khi ấy chư Luật sư vâng lịnh đức Thế Tôn nên đến đọc tuyên ngôn tại thành Vương Xá.

Nơi đây có câu chú giải của câu Phật dạy trên là: Ngươi là người nuốt lấy nước bọt của bản thân mình. Câu nầy chí giải rằng: Đề Bà Đạt Đa thọ những lợi lộc của người cúng dường không chân chánh, ý nói nuôi mạng không hợp pháp. Chư Thánh nhơn cho rằng những vật nào mà người xuất gia được thí chủ cúng dường không hợp pháp thì những vật ấy nhơ như nước bọt.

Khi ấy đức Thế Tôn cho gọi Đại Đức Xá Lợi Phất đến dạy rằng:

- Nầy Xá Lợi Phất, vậy ngươi nên đến Vương Xá thành đọc tuyên ngôn cho người biết việc hành động của Đề Bà Đạt Đa.

Đại Đức Xá Lợi Phất liền bạch Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn trước đây đệ tử hằng ca tụng Đề Bà Đạt Đa tại Vương Xá thành rằng: Đề Bà Đạt Đa là con của bà Godhi là người có thần thông, có oai lực lớn, giờ đây đệ tử phải tuyên ngôn thế nào?

- Xá Lợi Phất, ngươi đã ca tụng như vậy sao?

- Bạch đức Thế Tôn đệ tử có ca tụng như vậy.

- Nầy Xá Lợi Phất, giờ thì ngươi tuyên ngôn sự thật của sự hành động của Đề Bà Đạt Đa.

Đại Đức vâng lời đức Thế Tôn. Khi ấy đức Thế Tôn cho hội Tăng chúng và dạy rằng:

- Nầy chư Tỳ Khưu, chư Tăng nên đọc tuyên ngôn cho Xá Lợi Phất có quyền tuyên bố hành vi của Đề Bà Đạt Đa tại Vương Xá thành rằng: Ngày xưa Đề Bà Đạt Đa có hành vi khác, hiện nay có hành vi thay đổi khác biệt. Những gì mà Đề Bà Đạt Đa làm hay nói, những sự việc ấy Phật. Pháp, Tăng không công nhận. Những sự việc ấy là ý kiến riêng của Đề Bà Đạt Đa.

Khi chư Tăng đồng tâm cử Đại Đức Xá Lợi Phất được phép toàn quyền đọc tuyên ngôn xong. Đại Đức cùng nhiều vị Tỳ khưu đến Vương Xá thành đọc tuyên ngôn theo lời Phật dạy.

Khi ấy những hạng ngoại đạo không có đức tin với Phật giáo không hiểu nguyên nhân gì mà có chuyện ấy nên mới bảo nhau rằng: Bọn Sa môn Cồ Đàm ganh tị nhau.

Còn những người có đức tín với Phật giáo, và các bậc trí thức nói với nhau rằng: Chuyện mà đức Thế Tôn cho đọc tuyên ngôn không phải là chuyện tầm thường đâu.

Sau khi đến Vương Xá thành, Đề Bà Đạt Đa liền đến hầu Thái tử A Xà Thế và bảo Thái tử rằng:

- Thưa Thái tử, khi xưa người thường hay trường thọ, thời nầy người thường chết yểu, như vậy nếu Thái tử vẫn ở ngôi Thái tử như vầy thật là thiệt thòi. Vì có thể Thái tử sẽ chết trước lịnh hoàng thượng. Vậy Thái tử nên thí vua để chiếm lấy ngai vàng, còn ta thì giết Phật sẽ là vị Pháp vương.

Thái tử A Xà Thế nghĩ: Đề Bà Đạt Đa là người có nhiều thần thông, có oai đức lớn, chắc là ngài đã hiểu thông vị lai quá khứ. Nghĩ xong ngài quyết định một điều. Khi ấy Thái Tử liền mang giáp trụ bên trong mang gươm vào chầu vua.

Các vị quan hầu giữ hoàng cung là người nhiều kinh nghiệm, thoáng thấy cử chỉ bất thường của Thái tử biết rằng: Có chuyện gì xảo trá. Nên các vị ấy liền bắt Thái tử và khám xét trong người thấy có giáp trụ, ngoài ra còn có gươm nên hỏi: Thái tử Ngài có ý định gì mà mang giáp trụ và gươm?

- Ta muốn hành thích phụ vương ta.

Các quan hầu hỏi: Ai xui Thái tử hành động như vậy?

- Đại Đức Đề Bà Đạt Đa xui ta như vậy.

Các quan liền mở hội bàn luận về việc của Thái tử.

Trong các quan ấy có ba ý kiến khác nhau. Một nhóm nói: Nên giết Thái tử và Đề Bà cùng chư Tỳ khưu.

Có vị nói: Không nên giết Thái tử cũng như Đề Bà Đạt Đa và chư Tăng vì quí Ngài không hề làm điều xằng bậy. Chúng ta nên tâu lên lịnh Hoàng thượng trước, tùy theo lịnh của Ngài chỉ dạy, chúng ta chỉ là người thực hành theo thượng lịnh thôi.

Khi ấy các vi quan hầu liền đem chuyện ấy tâu lên cho đức Bình Sa Vương rõ.

Đức vua liền phán hỏi: Vậy chư hiền khanh có ý định thế nào?

Một trong các vị quan ấy thay mặt cho nhóm tường trình ý kiến của ba nhóm để đức vua nghe.

Đức Bình Sa Vương là vị đệ tử Phật đắc, Tu-đà-hườn; là vị đại trí thức nên Ngài thông hiểu mọi lẽ của nghiệp. Ngài phán hỏi:

- Nầy các vị, các vị có biết Phật, Pháp, Tăng đã làm những gì không? Ngài tự đáp: Đức Thế Tôn đã có cho đọc tuyên ngôn về chuyện của Đề Bà Đạt Đa trong Vương Xá thành như vầy (Ngài thuật lại lời tuyên ngôn của đức Thế Tôn dạy). Rồi Ngài dạy các vị nào có ý kiến giết Thái tử, Đề Bà Đạt Đa và chư Tăng các vị ấy gọi là ở trong trường hợp bất chính (Vì vậy bị cách chức).

Các vị nào có ý kiến là không nên giết Thái tử và Đề Bà Đạt Đa và chư Tăng phải tâu lên cho trẫm rõ đã. Vị nầy ở trong tình trạng cao thượng. (Ý nói được thăng chức).

Đức vua liền phán hỏi Thái tử: Nầy Thái tử, tại sao con lại muốn giết phụ vương.

- Tâu Phụ vương vì con muốn ngự trị trên ngai vàng.

- Nầy con, nếu con muốn ngai vàng (thì cứ nói) vì ngai vàng nầy là của con chớ của ai đâu?

Nói xong đức vua liền trao cả uy quyền cho Thái tử. Từ đó là A Xà Thế vương.

Đề Bà Đạt Đa liền vào hầu tân vương và bảo rằng:

- Tâu đại vương, Ngài nhắm coi người nào có thể giết ông Sa môn Cồ Đàm được xin Ngài ra lịnh hạ thủ lập tức.

Khi ấy đức vua A Xà Thế liền hạ lịnh truyền cho tất cả quan quân biết rằng: Nếu Đại Đức Đề Bà Đạt Đa dạy các ngươi làm việc gì thì các ngươi phải vâng lời.

Đề Bà Đạt Đa được ủy thác như vậy lập tức chọn ngay một tay cung thủ đại tài đến và dạy rằng; Ngươi hãy đến nơi ông Cồ Đàm đang ngự giết phăng lão ta đi, rồi ngươi hãy trở về theo con đường nầy.

Rồi ông ta chọn hai người cung thủ khác cũng rất tài, núp một nơi mà người cung thủ giết đức Thế Tôn xong trở về, rồi bảo rằng: Hai người nên giết cho được một người cung thủ sẽ về trên đường nầy, rồi các người hãy theo con đường nầy mà về. Rồi ông ta lại chọn bốn người cung thủ rất giỏi chận nơi đường về của hai người kia và dạy khi thấy hai người kia về đến thì hạ thủ ngay, khi hạ thủ xong nên về ngả nầy, bốn người ấy đi xong lại chọn tám người khác dạy chận đường để giết bốn người kia đi rồi lại về ngả khác.

Khi người thứ nhứt vâng lời mặc võ phục mang tên đeo cung và xách gươm đến nơi Phật ngự. Khi đến gần nơi Phật ngự, người thích khách ấy lấy làm kinh sợ đưa gươm lên mà không làm sao có can đảm để giết Phật, đứng trân trân như vậy đến xuất mồ hôi ướt cả mình.

Khi ấy đức Thế Tôn thấy vậy liền gọi người ấy và dạy rằng:

- Người hãy đến đây, không nên kinh sợ.

- Người ấy mới hết sợ và để gươm xuống được, y liền tháo cung tên và gươm xuống xong vào hầu Phật và bạch rằng:

- Bạch hóa đức Thế Tôn, vì sự si mê dại dột nên tôi đến đây để hành thích đức Thế Tôn, thật tôi là người tội lỗi độc ác. Vậy xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi tha thứ cho tôi để tôi được trong sạch tu hành.

- Nầy người, sự sai lầm đến với ngươi vì sự si mê ngu dốt, nên ngươi mới đến nơi đây với tấm lòng đê tiện xấu xa là làm hại Như Lai. Nhưng giờ đây người nhận thấy sự sai lầm và cũng đã hối cải nên Như Lai lãnh lấy sự sai lầm ấy của người để người được trong sạch. Người mà đã nhận định tội lỗi xong ăn năn hối cải, người ấy sẽ được hưởng sự an vui tiến hóa theo các bực Thánh nhơn. Theo sau đức Thế Tôn thuyết bài pháp ANUPUBBKATHA (nghĩa là năm pháp tuần tự, xem đoạn đức Thế Tôn thuyết cho Đại Đức Yassa nghe). Khi nghe pháp tâm người cung thủ ấy được trong sạch, nên người ấy đắc được Pháp nhãn (Ý nói trí tuệ nhận thấy rõ pháp Tứ Đế hay là đắc Tu-đà-hườn). Khi người ấy thấy rõ Pháp bảo nên tâm dũng mãnh can đảm không còn nghi ngờ đạo pháp nên bạch Phật rằng:

- Bạch hóa đức Thế Tôn, pháp mà đức Thế Tôn đã thuyết thật là cao sâu mầu nhiệm, ví như người lật ngửa vật bị úp, mở vật bị đóng chặt, soi ánh sáng vào nơi tăm tối để người trong thấy đường. Người mà làm được như vậy thì chỉ có đức Thế Tôn mà thôi, Ngài là đấng giảng giải Pháp bảo, Ngài là đấng trông thấy đường giải thoát. Tôi xin hết lòng thành kính nương nhờ nơi Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, xin đức Thế Tôn biết rõ cho tôi là một thiện nam của Phật giáo kể từ giờ phút nầy đến trọn đời.

Đức Thế Tôn liền dạy người ấy rằng:

- Người chẳng nên đi theo con đường nầy, hãy đi đường nầy (đức Thế Tôn chỉ đường khác, không cho đi theo đường của Đề Bà Đạt Đa biểu đi)

Hai người mà Đề Bà Đạt Đa dạy đợi người kia về hạ sát, đợi lâu không thấy ai đi đến liền lần theo đường ấy mà đi tìm, đi đến gặp đức Thế Tôn và Ngài thuyết pháp độ cả hai đều đắc Tu-đà-hườn quả. Xin làm Thiện nam của Phật giáo. Đức Thế Tôn lại dạy đi đường khác mà về. Bốn người kia cũng không thể đợi lâu được cũng đến nơi Phật ngự và cũng hưởng được quả vị của Thánh nhơn. Tám người kia cũng như những người trước.

Khi người thứ nhứt không giết Phật được liền về phục mạng nói với Đề Bà Đạt Đa rằng:

- Tôi không thể giết được đức Thế Tôn, vì Ngài là đấng có nhiều thần thông và oai đức.

- Thôi, ngươi không nên giết ông Sa môn Cồ Đàm để chính tay ta giết ông ấy.

Một hôm, đức Thế Tôn đang đi kinh hành ở nơi triền núi Gijjhokuta. Đề Bà Đạt Đa biết vậy liền leo trên núi lăn xuống một tảng đá to vì ông ta nghĩ bụng rằng: Tảng đá nầy sẽ giết chết ông Cồ Đàm. Khi tảng đá lăn xuống, thì hai ngọn núi ấy cúi đầu xuống che chở không cho tảng đá xâm phạm đến đức Thế Tôn. Chỉ có một mảnh đá nhỏ văng trúng chân đức Thế Tôn trầy.

Đức Thế Tôn ngó lên bảo rằng: - Nầy Moghapurisa (người rỗng không) ngươi cố tâm làm hại Như Lai, làm Như Lai chảy máu, đây gọi là ngươi làm một việc không phải thiện nghiệp vậy.

Sau đó đức Thế Tôn cho chư Tăng hay rằng: Đề Bà Đạt Đa cố ý làm hại Ngài, làm cho vị Đại Giác chảy máu. Đề Bà Đạt Đa đã phạm vào một trong năm tội nặng gọi là Ngũ nghịch đại tội.

Chư Tăng nghe Đề Bà Đạt Đa cố ý hại Phật thì lấy làm lo sợ lòng cố chia nhau đi kinh hành quanh chùa và niệm kinh ra tiếng để giữ an lành cho đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nghe tiếng niệm kinh lớn khác thường như vậy, Ngài mới phán hỏi Đại Đức Ananda rằng: Ananda nầy, tại sao có tiếng niệm kinh lớn như vậy?

- Bạch đức thế Tôn, vì chư Tăng biết rằng: Đề Bà Đạt Đa cố tâm làm hại Phật, nên chư Tăng tựu lại đi kinh hành quanh chùa và niệm kinh ra tiếng để ngừa Đề Bà Đạt Đa và giữ an ninh cho Ngài.

- Nầy Ananda , ngươi nên đi gọi tất cả chư Tỳ khưu ấy đến đây để Như Lai dạy việc.

Đại Đức Ananda vâng lời gọi chư Tăng đến, khi chư Tăng tựu lại xong đức Thế Tôn dùng lời an ủi các ngài rằng:

- Không có nhân vật nào trong Tam thế làm hại Như Lai được Bậc Chánh đẳng Chánh giác không hề nhập diệt bởi sự làm hại của kẻ khác. Nầy các thầy Tỳ khưu, trong thế gian nầy có năm hạng giáo chủ (Xin xem đoạn đức Phật dạy Đại Đức Mục Kiền Liên).

Nầy các thầy Tỳ khưu, trong năm hạng giáo chủ kể trên mong nhờ vào chư đệ tử giữ gìn và ủng hộ cho. Riêng Như Lai là đấng có giới hạnh trong sạch, nuôi mạng chân chánh, pháp lý tuyệt đối cao siêu, văn phạm rất đúng, sự giác ngộ hoàn toàn. Như Lai không mong ước chư đệ tử ủng hộ Như Lai về mặt giới, nuôi mạng, lý thuyết; văn phạm và sự giác ngộ. Nầy chư Tỳ khưu, lẽ cố nhiên chư Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ có nhân vật nào làm hại được, không hề nhập diệt bởi sự làm hại của kẻ khác. Vậy các vị hãy trở về tư thất lo tu hành, lẽ dĩ nhiên vị Chánh đẳng Chánh giác không nhờ ai giữ an ninh cho hết.

Khi ấy trong Vương Xá thành có một thớt tượng trận rất hung ác phi thường và đã giết hại rất nhiều người. Tượng ấy tên là Nàlàgirì.

Đề Bà Đạt Đa liền đến nơi chuồng tượng bảo người quản tượng rằng: Ta là thân quyến của đức vua, ta có quyền thăng chức hoặc tăng lương hay tưởng thưởng công trạng cho ai cũng được. Vậy nếu khi nào ông Sa môn Cồ Đàm đi vào hẻm nầy các ngươi hãy thả tượng Nàlàgirì ra.

Sáng ngày hôm sau đức Thế Tôn vào thành khất thực với chư Tăng. Đức Thế Tôn đi ngay đến con đường chuồng tượng. Người quản tượng thấy đức Thế Tôn ngự đến liền thả tượng Nàlàgirì ra. Tượng trông thấy đức Thế Tôn từ xa đến, liền đưa vòi lên, hai tai vảnh ra hung hăng chạy ngay đến nơi Phật đang ngự đi.

Chư Tăng thấy tượng rất hung hăng chạy đến quyết hại Phật nên có vị đến bạch đức Thế Tôn rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, tượng Nãlàgirì là tượng thật rất hung ác phi thường, tượng hay giết người, xin đức Thế Tôn tránh nó.

- Các người hãy yên lặng và đi theo Như Lai, chẳng nên kinh sợ và chạy trốn.

Khi ấy người trong Vương Xá thành chia ra làm hai hạng Phật tử và ngoại đạo. Hạng Phật tử thì nói với nhau rằng: Không lâu tượng hung ác ấy sẽ bị tượng cao quí chinh phục (Khi xưa người ta thường gọi bạch tượng là tượng quí nhứt, nên người ví đức Phật như tượng cao quí hơn những con tượng khác).

Những người ngoại đạo thì nói: Thương hại cho ông Sa môn Cồ Đàm, người thật đẹp, sẽ bị tượng chà chết.

Đức Thế Tôn liền rải lòng từ bi đến tượng hung ác Nàlàgirì. Khi tượng hung ác ấy được lòng từ bi của đức Thế Tôn cảm hóa, để vòi xuống, hai tai cúp lại, đứng trước đức Thế Tôn như một con tượng hiền lành. Đức Thế Tôn liền rờ đầu tượng mà dạy rằng:

- Nàlàgirì ơi, ngươi không nên xúc phạm làm hại đến tượng cao quí như ngươi. Sự đến làm hại Như Lai là tượng cao quí nhất trong tam giới là nguyên nhân đem khổ đến cho ngươi. Nầy Nàlàgirì ơi, người mà giết hại Như Lai thì không bao giờ đến cõi trời được, mà chỉ rơi ngay vào ác đạo. Ngươi không nên say, không nên dễ duôi, chúng sanh trong tam giới vì sự dễ duôi nên không thể nào sanh vào cõi an vui được. Ngươi sẽ đến nơi an lạc được là nhờ không dễ duôi.

Khi đức Thế Tôn dạy dứt lời tượng liền dùng vòi hút lấy đất bụi bên chân đức Thế Tôn rải lên đầu mình, hai chân trước quì xuống đầu mọp sát đất tỏ dấu lễ bái xong đứng dậy lui ra dần dần khi đến khuất tầm mắt đức Thế Tôn xong mới day lại chạy về chuồng. Đây là một điều phi thường trong tám điều mà đức Thế Tôn thâu phục nhân vật hung dữ.

Trước sự ấy người người đều bảo nhau rằng: Người đời hằng dạy tượng bằng gậy to, cù nèo, búa, roi. Nhưng chỉ có đức Thế Tôn là tượng cao quí hơn tất cả tượng và thiên nhơn trong tam giới là đấng hoàn toàn giải thoát nên không dạy tượng bằng dụng cụ vũ khí.

Đồng thời ai ai cũng chỉ trích Đề Bà Đạt Đa rằng: Thật Đề Bà Đạt Đa là người xấu xa đê tiện. Vì người cố giết đức Chánh đẳng Chánh giác có nhiều oai đức cũng như thần thông.

Sau từ ngày cố giết đức Thế Tôn bằng tượng trở đi, ai ai trong thành Vương Xá đều biết Đề Bà Đạt Đa là người xấu xa đê tiện, nên ông không thể tìm được một muỗng cơm. Trái lại người càng sùng kính và cúng dường đến đức Thế Tôn nhiều vô số kể.

Do không được cúng dường như xưa Đề Bà Đạt Đa lại nghĩ đến chuyện chia rẽ Tăng chúng, nên ông đến tìm các vị Tỳ khư tên Kolàlika, Katamora, Katissaka, Kandadeviyaputta, Samuddadatta và nói với những vị ấy rằng: Chúng ta nên hội nhau lại làm cuộc chia rẽ Tăng chúng.

Ông Tỳ khưu Kolàlika nói: Ông Sa môn Cồ Đàm là người có nhiều thần thông cũng như oai đức, chúng ta làm sao chia rẽ Tăng chúng được.

Đề Bà Đạt Đa nói: Các người nên theo tôi và đi với tôi đến hầu ông Sa môn Cồ Đàm; xin ông ta năm điều như vầy: Bạch đức Thế Tôn! Ngài thường ca tụng sự Tri túc, tự túc, sự mài giũa và sự tiêu diệt ác pháp, sự hành động đáng cho tín đồ trong sạch, sự không tom góp của cải để dành và sự tin tấn hành đạo. Đây là năm điều làm cho sự trí túc, tự túc phát sanh, làm cho sự mài giũa ác pháp (phát sanh mãnh liệt) sự hành động làm cho người trong sạch, làm cho tiêu diệt sự tom góp của cải để dành, làm cho sự tinh tấn tuyệt đối. Vậy xin đức Thế Tôn ra điều cấm và cho chư Tỳ khưu phải hành theo năm điều là:

1) Xin cho chư Tỳ khưu phải ở rừng trọn đời, vị Tỳ khưu nào vào ở gần làng là thầy Tỳ khưu phạm tội.

2) Xin cho các vị Tỳ khưu khất thực nuôi mạng trọn đời. Vị Tỳ khưu nào nhận lời thọ thực của thí chủ cúng dường tại nhà là vị Tỳ khưu phạm tội.

3) Xin cho chư Tỳ khưu lượm lấy vải dơ làm y phục trọn đời. Vị Tỳ khưu nào thỏa thích y của thí chủ cúng dường là vị Tỳ khưu phạm tội.

4) Xin cho chư Tỳ khưu phải cư ngụ dưới cội cây trọn đời. Vị Tỳ khưu nào vào ở trong làng xóm, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.

5) Xin cho chư Tỳ khưu không được thọ thực thịt cá trọn đời. Vị Tỳ khưu nào thọ thực thịt cá, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.

Chắc chắn rằng: Ông Sa môn Cồ Đàm không bao giờ bằng lòng năm điều cấm ấy. Khi ấy ta lại đem năm điều ấy truyền rao và giải thích rõ cho chư Tăng và thiện tín rõ. Chúng ta sẽ có cơ hội chia rẽ Tăng chúng. Nầy các bạn ơi, chúng ta sẽ được nhiều người trong sạch cúng dường ủng hộ sự hành đạo của chúng ta.

Sau khi thảo luận với bốn vị Tỳ khưu ấy xong rồi đồng lòng cùng vào hầu Phật, lễ Phật xong rồi ngồi xuống và Đề Bà Đạt Đa bạch Phật rằng:

BHAGAVÀ BHANTE ANEKAPARIYÀ YENA APPICCHASSA SANTUTTHASSA SALLEKHASSA DHÙTASSA PÀSÀDIKASSA APACAYASSA VIRIYÀRAMBHASSA VANNAVÀDÌ. IMÀNI BHANTE PANCAVATTHUNI ANEKKAPARIYÀYENA APPICCHATÀYA SANTUTTHIYÀ SALLEKHÀYA DHUTATÀYAPASSÀDIKATÀYA SAMVATTANTI SÀDHU BHANTE BHIKKHU YÀVAJIVAM ARANNIKÀ ASSU. YO GÀMANTAM OSÀREYYA VAJJAMNAÂ PHUSSEYYA. YÀVA JIVAM PINDAPATIKÀ ASSU YO NIMANTÀNAM SÀDIYẸYYÀ VAJJAM NAM PHUSSEYYA. YÀVAJIVAM PANSUKULIKA ASSU YO GAHA TICIVARAM SÀDEYYA VAJJAM NAÂ PHUSSEYYA. YÀVAJIVAM RUKKHAMULIKA ASSU YO CHANNAM UPAGACCHEYYA VAJJAM NAM PHUSSEYYA. YÀVAJIVAM MACCHAMAMSAM NA KHÀDEYYA YO YO MACCHAMAMSAM KHADEYYA VAJJAM PHUSSEYYA.

Nghĩa: Bạch hóa đức Thế Tôn, Ngài hằng ca tụng sự tri túc, tự túc, sự mài giũa, sự tiêu diệt ác pháp. Sự hành động đáng cho tín đồ trong sạch, sự không tom góp của cải để dành và sự cố gắng tinh tấn hành đạo. Đây là năm điều làm cho sự tri túc, tự túc phát sanh, sự làm cho sự mài giũa ác pháp (phát sanh mãnh liệt) sự hành động làm cho người trong sạch, làm cho tiêu diệt sự tom góp của cải để dành, sự làm cho sự tinh tấn tuyệt đối phát sanh. Vậy xin đức Thế Tôn ra điều luật cấm và cho các vị Tỳ khưu hành theo năm điều ấy là:

1) Xin cho chư Tỳ khưu phải ở rừng trọn đời. Vị Tỳ khưu nào vào ở gần làng xóm là thầy Ty khưu phạm tội.

2) Xin cho các thầy Tỳ khưu khất thực nuôi mạng trọn đời, vị Tỳ khưu nào nhận lời thọ thực của thí chủ cúng dường tại nhà là vị Tỳ khưu phạm tội.

3) Xin cho chư Tỳ khưu lượm lấy vải dơ làm y phục trọn đời, vị Tỳ khưu nào thỏa thích với y của thí chủ cúng dường là vị Tỳ khưu phạm tội.

4) Xin cho chư Tỳ khưu cư ngụ dưới cội cây trọn đời, vị Tỳ khưu nào thỏa thích ở trong làng xóm, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.

5) Xin cho chư Tỳ khưu không được thọ thực thịt cá trọn đời, vị Tỳ khưu nào thọ thực thịt cá, vị Tỳ khưu ấy phạm tội.

Đức Thế Tôn nghe vậy liền dạy rằng:

ALAM DEVADATTA YO ICCHATI ARANNIKAHOTU, YO ICCHATI GAMANTO VIHARATU, YO ICCHATI PIN DIPATIKO HOTU. YO ICCHATI NIMANTANAM SADIYATU, YO ICCHATI PAN SUKÙLIKO HOTU, YO ICCHATI GAHAPATI CIVARAM SADIYATU, ATTHAMASE KHO MAYA DEVA-DATTA RUKHAMÙLASENASANAM ANU- NATAM TIKOTI PARIMUDDHAM MACCHAMANSAM ADITTHAM ASSUTAM APARISAN- KITANTI.

Nghĩa: Được rồi, Đề Bà Đạt Đa; hãy để tùy ý chư Tỳ khưu, vị nào thích cư ngụ trong rừng thì cứ ở, muốn ở trong xóm thì cứ ở, vị nào thích khất thực thì cứ khất thực, nếu muốn thọ thực của thí chủ thỉnh đi cúng dường thì cứ thọ. Vị nào thích lượm vải dơ làm y thì cứ lượm làm y, còn vị nào muốn thọ lãnh y của thí chủ cúng dường thì cứ thọ. Như Lai đã có ra luật rằng: Sự ở dưới cội cây tám tháng ngoài mùa mưa rồi. Như Lai cũng có ra luật thầy Tỳ khưu được phép thọ thực thịt cá trong sạch ba nguyên nhân là không nghe, không thấy và không hoài nghi rằng: Người giết cho ta ăn.

Đề Bà Đạt Đa không hài lòng với đức Thế Tôn không nhận lời yêu cầu của mình, nên đảnh lễ ra về với những người đồng ý chia rẽ tăng chúng. Các người ấy đi cùng Vương Xá thành tuyên bố rằng: Chúng tôi đã yêu cầu ông Cồ Đàm ra năm điều cấm, nhưng ông ta không nhận lời. Vậy chúng tôi là người rất tán thành năm điều ấy.

Khi ấy trong Vương Xá thành chia ra làm hai hạng người là:

1) Những kẻ ngoại đạo, hay người chưa có đức tin với Tam bảo không hiểu mà cũng không suy nghĩ kỹ càng. Nên họ chỉ trích rằng: Bọn Sa môn theo Đề Bà Đạt Ba là hạng mài giũa phiền não thật còn bọn theo ông Sa môn Cồ Đàm là bọn còn trong vòng tham vọng.

2) Hạng có đức tin, hàng trí thức có trí tuệ quan sát tường tận nên hiểu rõ nguyên nhân chia rẽ Tăng chúng, chỉ trích các vị theo Đề Bà Đạt Đa lại chia rẽ Tăng chúng.

Khi chư Tăng nghe tin nói Đề Bà Đạt Đa và cư sĩ chỉ trích như vậy liền vào hầu và bạch với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn cho đọc tuyên ngôn gọi chư Tăng đến hỏi và tiện đức Thế Tôn hỏi Đề Bà Đạt Đa: Nầy Đề Bà Đạt Đa, được nghe rằng: Ngươi cố gắng chia rẽ Tăng chúng có phải vậy không?

- Phải!

- Nầy Đề Bà Đạt Đa, ngươi không nên hành động như vậy, vì tội chia rẽ Tăng chúng thật nặng, người nào đã chia rẽ Tăng chúng người ấy hằng gặp tai hại nặng nề là bị thiêu đốt nơi địa ngục hằng kiếp. Trái lại người nào làm cho chư Tăng đã chia rẽ hợp lại, người ấy được phước báu vô lượng vô biên, được hưởng an vui trong cõi trời hằng kiếp. Vì vậy Đề Bà Đạt Đa ơi, ngươi chớ nên thỏa mãn trong sự chia rẽ Tăng chúng, vì sự ấy rất tội.

Tiếng KIẾP đức Thế Tôn dạy nơi đây là kiếp tuổi của trái đất hay gọi là Đại kiếp chớ không phải kiếp của một đời người.

Sau ấy, Đại Đức Ananda đi khất thực trong Vương Xá thành gặp Đề Bà Đạt Đa, Đề Bà Đạt Đa mới đến gần bảo Đại Đức Ananda rằng:

- Nầy Ananda , kể từ hôm nay đi, chúng ta làm lễ Phát lồ và tất cả các Tăng sự riêng không hợp tác với đức Thế Tôn và chư Tăng nữa.

Sau khi trở về chùa thọ thực xong, Đại Đức Ananda liền vào hầu Phật và bạch rằng:

- Bạch hóa đức Thế Tôn hồi sáng nầy, đệ tử có vào khất thực ở trong Vương Xá thành, Đề Bà Đạt Đa có gặp đệ tử, bảo rằng: Nầy Ananda kể từ ngày hôm nay, chúng tôi làm lễ Phát lồ và tất cả các Tăng sự riêng không hợp tác với đức Thế Tôn và chư Tăng nữa. Bạch đức Thế Tôn hôm nay là ngày Đề Bà Đạt Đa chia rẽ Tăng chúng thật sự.

Khi Đại Đức Ananda bạch Phật xong. Đức Thế Tôn liền dạy rằng:

- SAKARAM SÀDHUNÀ SÀDHU. Việc lành người thiện làm rất dễ. SÀDHU PÀPENA DUKKARAM. Việc lành người ác khó mà làm được. PÀPAM PÀPENA SUKKARAM. Sự tội lỗi người ác làm rất dễ. PÀPAMARIYEHE DIKKARAM. Sự tội lỗi không khi nào các bực Thánh nhơn làm được.

Đến ngày hành lễ Phát lồ, Đề Bà Đạt Đa liền đứng dậy đưa phiếu thăm và nói rằng: Tôi đã đến xin ông Sa môn Cồ Đàm năm điều nầy (Nơi đây trong Tam tạng không nêu ra và các vị Tỳ khưu theo phe với Đề Bà Đạt Đa đi rao truyền chư Tỳ khưu đều biết hết). Nếu vị nào thích thực hành theo năm điều của tôi đã xin thì vị ấy lãnh lấy thăm nầy.

Có năm trăm vị Tỳ khưu mới xuất gia chưa thông kinh luật là người xứ Vesàlì con dòng vua Vajji nghĩ rằng: Đây mới thật là chánh pháp đúng luật, lời dạy nầy là con đường giải thoát. Nghĩ vậy nên lãnh lấy thăm ấy.

Sau khi chia rẽ Tăng xong, Đề Bà Đạt Đa dẫn năm trăm vị Tỳ khưu ấy đi ở Gayàsìsa.

Khi ấy hai vị đại đệ tử chánh thức là Đại Đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vào hầu Phật và bạch Phật rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn! Đề Bà đạt Đa đã chia rẽ Tăng chúng dẫn năm trăm vị Tỳ khưu đi ở Gayàsìsa.

Đức Thế Tôn dạy: Nầy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, hai ngươi nên thương hại năm trăm vị Tỳ khưu mới xuất gia. Hai ngươi nên lập tức đi cho kịp thời; đừng để cho năm trăm vị Tỳ khưu ấy đi sâu vào tội lỗi.

Hai vị Đại Đức đáp: Chúng đệ tử xin tuân lời đức Thế Tôn. Hai Ngài đảnh lễ xong đứng dậy ra đi tới Gayàsìsa.

Khi ấy có một vị Tỳ khưu đứng khóc gần bên đức Thế Tôn! Ngài liền phán hỏi: Tại sao thầy lại than khóc?

- Bạch đức Thế Tôn. Vì đệ tử sợ hai vị đại đệ tử sẽ trở thành đệ tử của Đề Bà Đạt Đa. Vì hai Ngài thỏa thích theo pháp của ông Đề Bà Đạt Đa.

- Nầy thầy Tỳ khưu; chuyện mà hai vị đại đệ tử của Như Lai nhập bọn, thích lý thuyết của Đề Bà Đạt Đa thật là chuyện không bao giờ có. Hai vị ấy là người đã đi đến tận cùng của phận sự một vị Tỳ khưu.

Khi hai vị Đại Đức đến nơi cư ngụ của Đề Bà Đạt Đa nhằm lúc Đề Bà Đạt Đa đang thuyết pháp cho năm trăm vị Tỳ khưu nghe. Vừa trông thấy hai vị Đại Đức đến, Đề Bà Đạt Đa mới nói rằng: Nầy chư Tỳ khưu, vậy ta là người thuyết pháp hay đến mức độ nào? Đến đổi hai vị đại đệ tử của ông Sa môn Cồ Đàm vẫn còn thỏa thích triết lý của ta thay! Khi Đề Bà Đạt Đa khoe khoang như vậy.

Ông Tỳ khưu Kokàlika nói: Xin ông chớ tin tưởng nơi hai vị ấy. Vì hai ông ấy là hạng người trong giới còn ham muốn xấu xa, là người đang ở trong vòng của xấu xa tội lỗi.

Đề Bà Đạt Đa nói ông Kokàlika , xin ông đừng nói vậy, hai vị ấy đến đây thật là hân hạnh cho ta lắm. Vì hai ông ấy thích lý thuyết của ta.

Ông Đề Bà Đạt Đa liền đứng ra nhường cho Đại Đức Xá Lợi Phất một nửa chỗ ngồi của mình tỏ ý mời ngồi.

Đại Đức Xá Lợi Phất nói: Được rồi, ông cứ tùy tiện. Xong Ngài ngồi vào nơi phải lẽ. Đại Đức Mục Kiền Liên cũng ngồi xuống một nơi khác.

Đề Bà Đạt Đa liền tiếp tục thuyết đến gần sáng liền mời Đại Đức Xá Lợi Phất thuyết thay cho ông, rằng: Nầy ông Xá Lợi Phất, các vị Tỳ khưu hãy còn buồn ngủ, vậy phiền ông nên thuyết cho các vị ấy nghe. Tôi đã mỏi mệt, để tôi nghỉ chút.

Đại Đức Xá Lợi Phất nhận lời. Đề Bà Đạt Đa liền xếp y Tăng già lê làm bốn lốp trải ra nằm nghỉ, vì thuyết cả đêm nên mệt mỏi ngủ quên.

Khi ấy hai vị Đại Đức một vị dùng thần thông cho chư Tỳ khưu thấy còn một vị thuyết pháp. Tất cả năm trăm Tỳ khưu đắc được pháp nhãn, thấy: Tất cả vạn vật đều có diệt. Đây chỉ cho thấy rằng: Tất cả năm trăm vị đều đắc Tu-đà-hườn quả.

Đại Đức Xá Lợi Phất biết rằng: Năm trăm vị Tỳ khưu đều đắc Tu-đà-hườn quả nên Ngài dạy rằng: Chúng ta hãy về hầu Phật. Các vị, vị nào trong sạch ngưỡng mộ Pháp bảo của đức Chánh đẳng Chánh giác xin hãy theo tôi... Tất cả năm trăm vị đều đồng lòng theo Đại Đức về hầu Phật.

Ông Kokàlika lật đật vào đánh thức Đề Bà Đạt Đa dậy nói rằng: Đề Bà Đạt Đa hãy mau thức dậy. Ông Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã đem chư Tỳ khưu đi hết rồi. Tôi đã bảo ông rằng: Chẳng nên tin tưởng nơi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên vì hai ông ấy là hạng tham muốn thối tha đê tiện, và cũng đang ở trong vòng tham muốn ấy. Khi nghe qua lời ấy Đề Bà Đạt Đa liền mửa ra máu, (Đề Bà Đạt Đa bắt đầu bịnh từ hôm ấy).

Hai vị Đại Đức vào hầu Phật và bạch xin rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, chúng con xin đức Thế Tôn cho các vị Tỳ khưu ấy xuất gia lại một lần nữa, vì các vị ấy theo Đề Bà Đạt Đa chia rẽ Tăng chúng.

Đức Thế Tôn dạy: Đừng Xá Lợi Phất, ngươi chẳng nên bắt các vị ấy xuất gia lại, nên dạy các vị ấy Sám hối vì tội THULACCAYA (Tội trọng). Đức Thế Tôn hỏi:

- Nầy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên. Vậy Đề Bà Đạt Đa đối xử với ngươi thế nào?

Đại đức Xá Lợi Phất bạch rõ những điều đã hành động và sự đối xử của Đề Bà Đạt Đa.

Khi ấy đức Thế Tôn liền thuyết Túc Sanh Truyện rằng:

- Trong lúc quá khứ có một cái hồ rất to lớn ở giữa rừng sâu. Trong rừng ấy có một đoàn tượng. Đoàn tượng ấy thường dẫn nhau xuống hồ móc lấy củ sen rửa sạch rồi ăn. Sự ăn củ sen ấy làm cho đoàn tượng mau lớn, mạnh mẽ và màu sắc xinh tươi; đoàn tượng ấy sống rất lâu không bịnh tật nhờ ăn sen ấy. Những con tượng khác nhỏ sau nầy, thấy các tượng lớn móc củ sen ăn màu sắc rất đẹp, mạnh khỏe và trường thọ, nên bắt chước móc củ sen ăn, nhưng lại không rửa sạch ăn lẫn cả bùn non và sình hôi, khi ăn xong không mạnh khỏe trái lại bị bịnh mà chết. Những con tượng ấy cũng như Đề Bà Đạt Đa bắt chước theo Như Lai nên bị chết một cách thảm thiết.

Đức Thế Tôn thuyết xong Ngài liền dạy rằng: Khi tượng chúa dậm nát đất móc củ sen lên ăn củ sen, trông nom săn sóc đoàn tượng được an vui. Nhưng tượng khác ăn cả sình non và bùn vào vì muốn làm theo tượng chúa (mà không thông thể thức, không đủ khôn ngoan) nên bị chết.

Kể từ ngày mất hết đệ tử ông Đề Bà Đạt Đa bịnh càng ngày càng trầm trọng. Đến đúng chín tháng sau, ông có cảm tưởng thương nhớ đức Thế Tôn, ông cảm thấy đức Phật đối với ông không khác nào ông cha hiền đối với con, đầy lòng từ bi và tha thứ. Ông nhớ đức Thế Tôn không giờ phút nào xao lãng. Ngày nọ, ông biết rằng ông không thể sống được lâu, ông mới gọi các Tỳ khưu còn ở lại với ông đến và bảo rằng:

- Xin các ông vui lòng giúp đưa tôi đến bái kiến đức Thế Tôn.

Các vị ấy nói: Bạch thầy, thầy là người cột oan trái với Phật chúng tôi không thể nào đưa Ngài đến gặp đức Thế Tôn được.

- Xin các ông đừng làm tôi thất vọng và để tôi phải lâm vào vòng tai hại. Mặc dầu tôi là người gây ra nhiều tội lỗi, cột oan trái oán thù với đức Từ Phụ. Nhưng những sự việc tôi làm đối với đức Thế Tôn những điều ấy không thành vấn đề, vì không bao giờ đức Thế Tôn cột oan trái oán thù với tôi. Tôi phải đến sám hối tội lỗi với Ngài thì khi chết mới không ân hận và an lòng. Các ông có biết lòng từ bi của một vị Chánh đẳng Chánh giác là lòng từ bi vô lượng vô biên, Ngài đối với chúng sanh kẻ hung bạo; oán thù Ngài, cột oan trái với Ngài cũng như Ngài đối với Thái tử Ra Hầu La vậy. Tâm của Ngài cũng như quả địa cầu rộng lớn thênh thang chứa tất cả nhân loại kẻ ác cũng như người lành, kẻ thù cũng như đứa con yêu quí, không bao giờ Ngài biết buồn phiền và tức giận hay nghĩ đến sự oán hận kẻ nào cả. Vì vậy nên Đề Bà Đạt Đa nầy mới dám yêu cầu quí vị đưa về gặp Phật trong khi sắp lìa bỏ cõi đời này.

Hai đệ tử còn lại không thể chối từ vì lòng thương hại ông vì ông biết hối tiếc việc làm. Hai ông liền làm một cái kiệu để ông Đề Bà Đạt Đa nằm và khiêng về Kỳ Viên tịnh xá ở thành Thất La Phiệt. Chư Tăng nhứt là Ngài Ananda nghe tin ông Đề Bà Đạt Đa về, Ngài liền lật đật vào hầu Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Đề Bà Đạt Đa về để chia rẽ Tăng chúng nữa.

Đức Thế Tôn dạy rằng: Chẳng nên kinh sợ, không bao giờ Đề Bà Đạt Đa trông thấy Như Lai trong kiếp nầy đâu. Dầu Đề Bà Đạt Đa vào đến tận sân chùa chăng nữa cũng không bao giờ trông thấy Như Lai đâu.

Nói về hai đệ tử của ông chỉ khiêng ông đi mỗi ngày được có một do tuần (mười sáu cây số ngàn). Ngày nọ còn ước độ một dặm đường nữa thì đến Kỳ Viên tịnh xá. Ông lấy làm nóng muốn gặp Phật nên ông yêu cầu hai vị ấy cố gắng đưa ông mau đến ao Pokharanì trước Kỳ Viên tịnh xá. Khi đến nơi ông yêu cầu để kiệu xuống để ông được xuống ao tắm rửa sạch sẽ xong mới vào hầu Phật. Khi ông vừa đặt chân đến mặt đất. Quả đất thật dầy có thể chở nổi quả núi Tuyết Lãnh nhưng không thể chịu nổi tội lỗi của ông đã làm nên đất nứt ra làm hai và từ từ rút ông xuống. Đây chứng tỏ là nghiệp ông làm nặng vô lượng vô biên.

Khi đất từ từ rút xuống tới cổ, ông mới nhớ đến Ân đức của đức Phật, ông liền ngâm câu kệ rằng: IMANI ATTHUNIPI GAMAGGA PUGGALA ... Nghĩa: Tôi xin cúng dường phần xương còn lại trên mặt đất nầy đến đấng Đại Giác.

Ngài là đấng Vô Thượng. Chỉ có Ngài mới là đấng có thể giáo hóa được những nhân vật hung ác nhất trong tam giới. Ngài có thể ví như vị Mã sư đại tài có thể dạy được tất cả các con ngựa bất kham. Tôi xin đem hết lòng thành kính xin qui y Phật, Ngài là đấng có nhiều đặc ân và phước báu cao thượng.

Do nhờ phước báu của tâm trong sạch thành kính và biết hối hóa tỏ ra sự nương nhờ nơi Phật bảo và cúng dường phần xương dư sót trên mặt đất khi chưa bị rút mất. Ấy là nhân duyên đưa cho ông sẽ đắc được quả Phật Bích Chi có danh hiệu là ATHISARA , sau khi hết nghiệp ở đại địa ngục A tỳ.

Khi ông Đề Bà Đạt Đa nói dứt câu thì đất cũng vừa rút mất ông phần còn lại.

Tất cả tín đồ toàn là phàm nhơn nghe tin rằng: Ông Đề Bà Đạt Đa đã đến bên chùa mà không được vào hầu Phật. Những người ấy lấy làm mừng vì không còn lo âu về việc ông Đề Bà Đạt Đa chia rẽ Tăng chúng một lần nữa. Vì vậy những người ấy hội lại nhau ăn mừng rất lớn.

Các vị Tỳ khưu còn phàm không hiểu ông Đề Bà Đạt Đa sẽ sanh về đâu nên đến bạch hỏi Phật về con đuờng sanh của ông.

Đức Thế Tôn dạy: - Nầy các thầy Tỳ khưu, chẳng luận hàng xuất gia hay cư sĩ ai ai chẳng hạn, một khi đã dễ duôi làm tội lỗi thì người ấy sẽ bị thiêu đốt và đau khổ trong kiếp hiện tại và vị lai.

Đức Thế Tôn thuyết tiếp câu kệ rằng: IDHA TAPPATI PECCA TAPATI. v.v... Người làm tội hằng bị khổ trong hai cõi hiện tại và vị lai. Khi bị đọa vào bốn đường ác càng bị thọ khổ mãnh liệt hơn ở trong cõi đời nầy. Người nên hãy tự suy nghĩ rằng: Ta vì làm tội nên bị khổ như vầy.

Sau khi dứt câu kệ có nhiều vị Tỳ Khưu đắc Thánh quả và chư thiện tín cũng được nhiều quả lành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]