Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Hiếu dưỡng và báo ơn cha mẹ

22/09/201113:39(Xem: 10765)
03. Hiếu dưỡng và báo ơn cha mẹ

QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ

Đại sư Tông Bổn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải,

Nguyễn Minh Hiển hiệu đính Hán văn

QUYỂN THƯỢNG

3. Hiếu dưỡng và báo ơn cha mẹ


Trong Liên Tông Bảo Giám có nói rằng: “Niệm Phật là pháp cốt yếu trong các pháp; hiếu dưỡng là hạnh đứng đầu trong trăm hạnh. Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu khác chi hạnh Phật? Muốn được đạo lớn như chư Phật, trước phải lo hiếu dưỡng song thân.”

Cho nên Trạch Thiền sư nói rằng: “Một chữ hiếu là cửa mọi đạo mầu.” Lời Phật lấy hiếu làm tông, kinh Phật lấy hiếu làm giới. Trong lời nói chẳng có điều ám muội, ngoài cửa miệng giữ gìn cho sáng suốt, thẳng suốt rõ ràng, mau khai tâm địa.

Phàm trong đạo hiếu, có cái hiếu của người tại gia, có cái hiếu của bậc xuất gia. Hiếu của người tại gia là: cha mẹ có yêu, mình mừng mà chẳng quên; cha mẹ có ghét, mình nhọc mà chẳng oán. Đem hết sức mà phụng dưỡng, lưu tâm thuận theo vẻ mặt của mẹ cha. Hiếu của bậc xuất gia là: cắt đứt tình ái, lìa bỏ người thân, tiết chế việc ăn uống mà quay về hợp với bản tính, hiểu sâu lý vô vi, trên đáp đền ơn đức cao dày, nương theo đường giải thoát, báo hiếu mẹ cha theo cách mạnh mẽ và nhanh chóng, chẳng những được lợi ích trong tương lai, mà ngay đời hiện tại cũng được phần công quả.

Cho nên, đức Như Lai vượt thành lúc nửa đêm, thành đạo trên núi Tuyết; tổ Lư Năng để tiền cho mẹ, nối pháp tại Hoàng Mai. Nhưng dù đã tu hành dứt lòng ái luyến, cũng phải lo việc báo đáp ân đức mẹ cha. Bởi vậy nên Phật lên cung Đao-lỵ thăm mẹ, về đền Ca-duy viếng cha. Dầu cho nghèo khó không chỗ nương nhờ, cũng nên đích thân phụng dưỡng hầu hạ. Cho nên, vì ông Tất-lăng-già tận hiếu mà Phật chế giới, Nhẫn Đại sư làm nhà nuôi mẹ, Trần Mục châu may dép nuôi mẹ, Lãng Pháp sư gánh cha mẹ đi tham học.

Vậy nên, bậc xuất gia lấy pháp vị làm mùi ngon ngọt, cũng không quên báo đáp công ơn nuôi dưỡng tự ấu thời; dù lấy Phật sự làm việc cần lao, cũng chẳng bỏ lễ nghi đúng đắn của thế tục.

Chẳng những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời cũng đều phải lo báo đáp; chẳng những cha mẹ của một thân này, mà cha mẹ ở khắp pháp giới cũng đều độ thoát, cùng đến bờ giác ngộ.

Há chỉ có Châu công thuận với đạo trời, cảnh tỉnh kẻ lầm mê còn có Khảo Thúc được tôn thuần hiếu.

Đạo hiếu của hàng xuất gia, lợi ích phổ cập lớn thay! Còn như nhân duyên chưa hòa, cha mẹ chẳng thuận, thì nên gắng hết sức giữ tròn đạo hiếu tại gia, khuyến khích cha mẹ tu trì để tạo mối nhân duyên xuất thế. Nếu có thể biết tục là chân, cũng là con đường thẳng lên cõi Phật.

Những mong noi theo nết cũ, trở lại làm trẻ thơ, đừng rời xa giường gối mẹ cha. Đáp đền ơn nuôi dưỡng sanh thành, cũng là đến Nhất thừa trọn vẹn. Nếu người tại gia thật sự giữ tròn được hạnh Bồ Tát, thì những bậc xuất gia cao quý cũng nên noi theo gương ấy. Chẳng nên chăm chăm giữ việc tu hành theo Phật mà chẳng hết lòng hiếu dưỡng mẹ cha. Như ai có hiểu và cảm nhận được lẽ này, nên xét kỹ lại mình cho tròn đạo hiếu.

Than ôi! Ngày tháng trôi qua thấm thoát, công ơn cha mẹ há dễ quên sao? Còn được thấy cha mẹ hiện tiền, khác nào như có Phật tại thế. Lấy sự báo hiếu mẹ cha làm đức, đó chính là niệm Phật thành công.

Nên biết, cha mẹ vui lòng thì chư Phật hoan hỷ, tâm này trong sạch thì cõi Phật thanh tịnh. Có thể nói là:

Đồng nội trải xa không đồi núi.
Nắng soi nước chiếu chẳng phân hai!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]