Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ Hai mươi Ba

16/07/201114:32(Xem: 9775)
Quyển Thứ Hai mươi Ba

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đổng Minh

Quyển Thứ Hai mươi Ba

NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ NHẤT

1. THỂ THỨC THỌ CỤ TÚC.

Trong vòng năm năm sau khi đức Thế Tôn thành đạo, các Tỉ-kheo Tăng đều thanh tịnh, nhưng từ đó trở về sau, dần dần trở nên phi pháp. Do đó, Thế Tôn tùy theo sự việc mà chế định giới bản gồm bốn loại cụ túc: 1/ Tự cụ túc; 2/ Thiện lai cụ túc; 3/ Thập chúng cụ túc; 4/ Ngũ chúng cụ túc.

1. Tự thọ Cụ túc:

Khi Thế Tôn ngồi dưới cội bồ đề, tâm sở cuối cùng hoát nhiên đại ngộ, tự giác diệu chứng, như trong Diên Kinh đã nói rõ. Đó gọi là Tự cụ túc.

2. Thiện lai thọ Cụ túc:

Khi Phật ở thành Vương Xá trong vườn trúc [412b] Ca-lan-đà, Ngài nói với các Tỉ-kheo: "Như Lai độ đủ mọi hạng người, nào Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Các Thầy cũng nên bắt chước Như Lai mà hóa độ rộng rãi mọi người". Khi các Tỉ-kheo nghe Thế Tôn dạy như vậy bèn du hành sang các nước, hễ thấy có thiện nam tử nào cầu xin xuất gia, thì các thầy cũng bắt chước đức Như Lai, gọi: "Thiện lai Tỉ-kheo", để độ người xuất gia. Nhưng về oai nghi đi đứng, nhìn bên trái bên phải, khoác y cầm bát, đều không đúng pháp, nên bị người đời chê cười rằng: "Đức Thế Tôn độ Thiện lai Tỉ-kheo, thì oai nghi đi đứng, nhìn bên trái bên phải, khoác y cầm bát, tất cả đều đúng pháp. Các Tỉ-kheo độ người cũng gọi là Thiện lai, nhưng oai nghi đi đứng, nhìn bên trái bên phải, khoác y cầm bát, đều không đúng pháp".

Khi nghe nói như thế, tôn giả Xá-lợi-phất liền trải tòa ngồi kiết già tại nơi thanh vắng, suy nghĩ như sau: "Cũng đều là thiện lai cả mà vì sao đức Thế Tôn độ Thiện lai Tỉ-kheo thì tất cả đều đúng pháp, còn các Tỉ-kheo độ Thiện lai Tỉ-kheo thì đều không đúng pháp? Vậy làm thế nào để cho các Tỉ-kheo độ người khéo thọ giới Cụ túc, tất cả đều đúng pháp, cùng một giới, một mục đích, một trú xứ, một cách ẩm thực, một học xứ, một giáo thuyết?". Suy nghĩ thế rồi, vào buổi xế, Xá-lợi-phất xuất định, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi sang một bên, bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn, vừa rồi ở nơi thanh vắng con suy nghĩ như sau: "Cũng đều gọi là Thiện lai mà vì sao đức Thế Tôn độ người đều đúng pháp, còn các Tỉ-kheo độ người thì đều không đúng pháp? Vậy làm thế nào để các Tỉ-kheo độ người khéo thọ giới Cụ túc, đều đúng pháp, cùng một giới, một mục đích, một trú xứ, một cách ăn uống, một học xứ và một giáo thuyết? Kính xin Thế Tôn giải thích đầy đủ giùm con.

- Như Lai độ nhóm A Nhã Kiều Trần Như năm người Thiện lai xuất gia, khéo thọ giới Cụ túc, cùng một giới, một mục đích, một trú xứ, một cách ăn uống, một học xứ và một giáo thuyết; kế đến độ ba mươi người Mãn từ tử; kế đến độ Thiện Thắng tử ở thành Ba-la-nại; kế đến độ nhóm Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp năm trăm người; kế đến độ Na Đề Ca Diếp ba trăm người; kế đến độ Già Gia Ca Diếp hai trăm người; kế đến độ Ưu Ba Tư Na hai trăm năm mươi người; kế đến độ ông và Đại Mục Liên mỗi nhóm hai trăm năm mươi người; kế đến độ Ma-ha-ca-diếp, Xiển Đà, Ca-lưu-đà-di, Ưu-ba-li; kế đến độ con dòng họ Thích năm trăm người; kế đến độ Bạt Cừ Ma Đế năm trăm người; kế đến độ bọn người trộm cướp năm trăm người; kế đến độ con trưởng giả Thiện lai. Đó là những Tỉ-kheo mà Như Lai [413a] đã độ họ xuất gia, khéo thọ giới cụ túc, cùng một giới, cùng một mục đích, cùng một trú xứ, cùng một cách ăn uống, cùng một học xứ và cùng một giáo thuyết. Này Xá-lợi-phất, những người mà các Tỉ-kheo hóa độ cũng gọi là khéo xuất gia, khéo thọ Cụ túc, cho đến cùng một giáo thuyết; đó gọi là Thiện lai thọ Cụ túc.

3. Thập chúng thọ Cụ túc:

Phật nói với Xá-lợi-phất:

--"Từ nay Ta chế định pháp thọ cụ túc, có mười vị giới sư hòa hợp, một lần bạch, ba lần yết-ma, không có ai ngăn cản, đó gọi là khéo thọ cụ túc. Người muốn thọ giới Cụ túc ban đầu vào giữa chúng Tăng, trật vai áo bên phải, cúi đầu đảnh lễ dưới chân chư Tăng, trước hết cầu Hòa Thượng, quỳ gối sát dưới chân, nói như sau: "Con đến cầu xin Ngài làm Hòa Thượng, Ngài hãy vì con làm Hòa Thượng, cho con thọ cụ túc". (nói ba lần như vậy). Rồi Hòa Thượng nên khích lệ để giới tử sinh tâm hoan hỉ. Đoạn, giới tử đáp: "Con xin cúi đầu vâng giữ". Trước hết Hòa Thượng dạy giới tử tìm y bát, dạy cầu tăng chúng, dạy cầu giới sư, dạy cầu xin chỗ thanh vắng. Rồi Tăng họp, sai người làm Giáo Thọ. Thầy yết-ma hỏi: "Ai có thể đem mỗ giáp nầy đến chỗ thanh vắng để dạy bảo?". Vị giáo Thọ đáp: "Tôi có thể". Thầy yết-ma lại nói:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp xin thọ cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay đồng ý để mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp, còn mỗ giáp kia có thể dạy bảo giới tử ở chỗ thanh vắng.

Vì Tăng đã đồng ý nên im lặng. Tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Thế rồi, Thầy Giáo Thọ nên đem giới tử đến chỗ cách chúng Tăng không gần, không xa, rồi dạy sơ lược, hoặc đầy đủ. Dạy sơ lược thì như sau: "Lát nữa đây Tăng sẽ hỏi, nếu điều gì có thì ngươi nói là có, điều gì không thì ngươi nói là không". Dạy đầy đủ thì như cách vấn đáp giữa Tăng sau đây. Thầy giáo Thọ vào giữa Tăng, bạch: "Tôi đã hỏi mỗ giáp (giới tử) xong, y tự nói mình thanh tịnh, không bị các già nạn". Thầy yết-ma nên nói:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp xin thọ cụ túc, mỗ giáp đã dạy bảo ở chỗ thanh vắng xong. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng bằng lòng để mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp, thì cho phép mỗ giáp vào giữa Tăng.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp, nay Tăng bằng lòng cho mỗ giáp vào giữa Tăng.

Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng, tôi ghi nhận việc nầy là như thế.

Người muốn thọ giới Cụ túc phải vào giữa chúng Tăng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân của chư Tăng, rồi đến trước giới sư quỳ gối chấp tay, giới sư trao cho y bát, dạy nói như sau: "Đây là bát của con, tùy theo nhu cầu mà thọ dụng, là vật dùng để khất thực, nay con xin thọ trì. (nói ba lần như vậy). Đây là y Tăng-già-lê, đây là y Uất-đa-la-tăng, đây là y An-đà-hội, đó là ba y của con. Ba y nầy [413b] con nguyện Thọ trì không khi nào ngủ rời khỏi chúng". (nói như vậy ba lần).

Thầy yết-ma nên nói như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ cụ túc, mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo ở chỗ thanh vắng xong. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng bằng lòng để mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp. Mỗ giáp muốn theo Tăng xin thọ cụ túc.

Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp. Mỗ giáp muốn theo Tăng xin Thọ cụ túc.

Vì Tăng bằng lòng nên im lặng; tôi ghi nhận việc nầy là như vậy.

Thế rồi, giới sư dạy giới tử cầu thính như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Con là mỗ giáp theo Hòa Thượng mỗ giáp thọ cụ túc. A-xà-lê mỗ giáp đã hỏi han chỉ bảo con ở chỗ thanh vắng xong.

Con là mỗ giáp, Hòa Thượng của con là mỗ giáp, nay con theo Tăng xin thọ cụ túc. Kính mong Tăng cho con thọ Cụ túc. Xin thương xót con. (nói như vậy ba lần).

Thầy yết-ma nói với chư Tăng:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo Mỗ giáp thọ cụ túc. Mỗ giáp A-xà-lê đã hỏi han dạy dỗ y ở chỗ thanh vắng xong. Nay y theo Tăng xin thọ cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay bằng lòng để mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp. Mỗ giáp muốn hỏi già nạn ở giữa chúng Tăng.

Xin các đại đức lắng nghe. Mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp. Mỗ giáp muốn hỏi già nạn ở giữa chúng Tăng.

Vì Tăng bằng lòng nên im lặng, việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Đoạn, Thầy yết-ma nói với giới tử:

- "Thiện nam tử hãy lắng nghe. Giờ đây là lúc phải chí thành, là lúc phải nói thật, ở trước chư thiên, thế gian, Thiên ma, các bậc phạm hạnh Sa-môn, Bà-la-môn, người đời, A-tu-la, nếu không nói thật tức là lừa dối các vị ấy. Đồng thời cũng là lừa dối đối với chúng Thanh Văn của đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Đó là tội rất nặng. Nay ta hỏi ngươi ở giữa chúng Tăng, điều gì có thì nói có, điều gì không thì nói không:

- Cha mẹ đã cho phép ngươi chưa?

- Ngươi đã cầu xin Hòa Thượng chưa?

- Ba y và bát đã đủ chưa?

- Ngươi có phải là trang nam tử không?

- Đã đủ hai mươi tuổi chưa?

- Ngươi không phải là loài phi nhân đấy chứ?

- Ngươi không phải là kẻ bất năng nam (lại cái) đấy chứ?

- Tên của ngươi là gì?

- (đáp: tên là mỗ giáp).

- Hòa Thượng của ngươi tên là gì?

(đáp: tên là mỗ giáp).

- Ngươi không phá hoại tịnh hạnh của Tỉ-kheo-ni đấy chứ?

- Ngươi không phải là kẻ trộm pháp đấy chứ?

- Ngươi không phải là kẻ đang đào thoát đấy chứ?

- Ngươi không phải là kẻ tự ý xuất gia đấy chứ?

- Ngươi không giết hại cha mẹ đấy chứ?

- Ngươi không giết hại A-la-hán đấy chứ?

- Ngươi không phá hòa hợp Tăng đấy chứ?

- Ngươi không có ác tâm làm cho thân Phật ra máu đấy chứ? (Mặc dù Phật Niết-bàn đã lâu, nhưng ở đây căn cứ theo văn xưa mà hỏi).

- Trước đây ngươi đã từng thọ Cụ túc chưa?

(Nếu đáp đã từng thọ, thì hỏi tiếp)

- Ngươi không phạm bốn giới Ba-la-di đấy chứ?

(Nếu đáp đã phạm, thì nên bảo đi ra, không được thọ Cụ túc. Nếu đáp không phạm thì lần lượt hỏi tiếp mười ba giới Tăng- tàn, hỏi từng giới một xem có phạm hay không. Nếu đáp phạm, thì hỏi khi thọ Cụ túc xong, y theo pháp sám hối các tội ấy được không? Nếu đáp được, thì hỏi tiếp )

- Trước đây đã từng xả giới chưa?

(Đáp: đã xả).

- [413c] Ngươi không phải là đầy tớ đấy chứ?

- Ngươi không phải là con nuôi đấy chứ?

- Ngươi không mắc nợ người khác đấy chứ?

- Ngươi không phải là công chức đấy chứ?

- Ngươi không âm mưu làm chính trị đấy chứ?

- Ngươi không phải là người có cả hai căn đấy chứ?

- Ngươi có phải là bậc trượng phu không?

- Ngươi không có các chứng bệnh: Ghẻ lở, bỏng da, mụt nhọt, ung thư, bệnh trĩ, đái tháo, vàng da, sốt rét, suyễn, bệnh gầy còm, điên cuồng, bệnh nhiệt, phong thũng, thũng nước, bụng phù thũng, nói chung các chứng bệnh như thế và những bệnh khác nữa trên thân ngươi không có đấy chứ?

(Đáp: không có).

Hỏi xong, Thầy yết-ma lại nói:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo ở chỗ thanh vắng xong. Mỗ giáp đã theo Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ đã cho phép, đã cầu thỉnh Hòa Thượng, ba y và bát đã đầy đủ. Trang nam tử nầy đã đủ hai mươi tuổi, tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn. Nếu thời gian của Tăng đã đến, nay Tăng cho mỗ giáp thọ Cụ túc. Hòa Thượng là mỗ giáp. (một lần bạch, ba lần yết-ma, cho đến) Tăng bằng lòng nên im lặng, việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo chưa có tuổi hạ, mặc y sạch mới nhuộm đẹp đẽ, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi. Thế rồi, sau đó vào một dịp khác, Tỉ-kheo nầy mặc y rách rưới dơ bẩn, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi. Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Tỉ-kheo, trước đây ông mặc y sạch sẽ mới nhuộm đẹp đẽ, đến chỗ Ta, nay vì sao mặc y rách rưới như thế?

- Bạch Thế Tôn, đây là chiếc y ngày trước, nhưng vì đã lâu năm nên bị hư rách.

- Ông không thể vá lại được sao?

- Bạch Thế Tôn, con có thể vá, nhưng không lấy gì để vá.

- Ông không thể đi nhặt những y phục cũ rách tại những con đường hẻm đem về giặt, nhuộm sạch rồi vá sao?

- Bạch Thế Tôn, y phấn tảo bẩn thỉu, con rất nhờm gớm không thể dùng được.

- Này Tỉ-kheo, thôi thôi đi, đừng nói như thế. Y phấn tảo ít phiền toái, dễ tìm, nên giặt cho sạch, không có các lỗi, họp với pháp phục của Sa-môn, dựa vào đó mà sống đời xuất gia.

Thế rồi, Thế Tôn đi đến chỗ có đông Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, thuật lại đầy đủ sự việc kể trên. Đoạn, Phật nói với các Tỉ-kheo: "Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri muốn làm lợi ích cho chúng Thanh Văn, chế ra pháp y cứ đầu tiên nầy. Nếu Thiện nam tử nào có lòng tin chân chánh, kham nhẫn được thì cho thọ Cụ túc, còn ai không kham nhẫn được thì không nên cho Thọ".

Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích bên cây Ni-câu-luật, tại Ca-duy-la-vệ, vì năm sự lợi ích nên đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cứ năm hôm đi tuần tra phòng các Tỉ-kheo một lần. Năm sự lợi ích đó là:

1/ Xem các đệ tử Thanh Văn có ưa thích các việc hữu vi hay không;
2/ Xem họ có thích nói những điều vô ích hay không;
3/ Xem họ có say mê ngủ nghỉ [414a] hay không;
4/ Vì để thăm viếng những Tỉ-kheo bị bệnh;
5/ Để cho những Thiện nam tử có lòng tin thấy oai nghi tề chỉnh của Như Lai mà sinh tâm hoan hỉ.

Vì năm việc đó mà Ngài đi đến phòng các Tỉ-kheo, bỗng thấy một Tỉ-kheo bị bệnh tê liệt vàng vọt gầy ốm, Phật biết nhưng vẫn hỏi:

- Tỉ-kheo, khí lực của ông có điều hòa không?

- Bạch Thế Tôn, con bị bệnh đói khát, khí lực không đầy đủ.

- Ông không thể đi khất thực sao?

- Bạch Thế Tôn, ở nước Câu-tát-la nầy chỉ có thể xin đồ ăn thừa của người ta, chứ không thể xin đồ ăn còn nguyên vẹn, mà thức ăn thừa thì dơ bẩn, con không thể ăn được, cho nên mới bị gầy ốm.

- Này Tỉ-kheo, thôi thôi đi, chớ nói như thế. Xin đồ ăn thừa ít phiền toái, dễ được, hợp pháp, không có lỗi lầm, nhờ đó mà đời sống xuất gia được dễ dàng.

Thế rồi, Thế Tôn đi đến chỗ có nhiều Tỉ-kheo, trải tọa cụ, ngồi trình bày lại đầy đủ việc kể trên với các Tỉ-kheo. Đoạn, Phật nói với các Tỉ-kheo:

--"Từ hôm nay, Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì muốn lợi ích cho chúng Thanh Văn, chính thức chế định pháp y cứ thứ hai nầy. Nếu Thiện nam tử nào có lòng tin chân chính kham nhẫn được thì cho thọ Cụ túc, còn ai không thể kham nhẫn được thì không nên cho thọ".

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cứ năm hôm đi tuần tra phòng các Tỉ-kheo một lần, thấy một Tỉ-kheo ngồi dưới gốc cây, nói như sau: "Sa-môn xuất gia tu phạm hạnh, ngồi dưới gốc cây khổ cực, ban ngày thì bị gió lùa nắng đốt, ban đêm thì bị muỗi mòng châm chích, ta không thể chịu nổi".

Phật liền nói với Thầy: "Im, im đi, đừng nói như thế. Ngồi dưới gốc cây ít phiền toái, dễ chịu, thanh tịnh, không có các lỗi lầm, phù hợp với phép tắc Sa-môn, đời sống xuất gia lấy đó làm chỗ nương tựa".

Thế rồi, đức Thế Tôn đi đến chỗ đông đúc các Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, tường thuật sự việc trên với các Tỉ-kheo. Đoạn, Phật nói:

--"Từ hôm nay, Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì muốn lợi ích cho chúng Thanh Văn, chính thức chế định pháp y cứ thứ ba nầy. Nếu Thiện nam tử nào có lòng tin chân chính, biết kham nhẫn thì cho thọ Cụ túc, còn ai không kham nhẫn được thì không nên cho Thọ".

Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, dưới cây Ni-câu-luật, tại Ca-duy-la-vệ, đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cứ năm hôm đi thị sát phòng các Tỉ-kheo một lần, thấy một Tỉ-kheo đang bị bệnh tê liệt, vàng vọt gầy ốm, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi:

- Này Tỉ-kheo, khí lực ông có điều hòa không?

- Bạch Thế Tôn, con bị bệnh rất khổ sở, khí lực không điều hòa.

- Ông không thể uống thuốc phù hợp với bệnh, ăn thức ăn phù hợp với bệnh sao?

- Bạch Thế Tôn, con không có tiền mua thuốc, cũng không ai cúng dường, nên bị bệnh khốn khổ.

- Ông không thể uống trần khí dược sao?

- Bạch Thế Tôn, loại trần khí dược nầy [414b] do bẩn, con không uống được.

- Này Tỉ-kheo, thôi thôi đi, đừng nói như thế. Loại trần khí dược ít phiền toái, dễ tìm, sạch sẽ, không có các lỗi lầm, phù hợp với nếp sống của Sa-môn, y cứ vào đó mà sống đời sống xuất gia.

Thế rồi, Phật đi đến chỗ đông đúc các Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, tường thuật lại sự việc kể trên với các Tỉ-kheo. Đoạn, Phật dạy:

-- Từ hôm nay, Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri muốn làm lợi ích cho chúng Thanh Văn, chính thức chế định điều y cứ thứ tư. Nếu Thiện nam tử nào có lòng tin chân chính, biết kham nhẫn thì cho thọ Cụ túc, còn ai không kham nhẫn được thì không nên cho thọ.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có trang thanh niên Bà-la-môn ở thôn Đô Di đến cầu xin các Tỉ-kheo xuất gia, thọ Cụ túc, rồi mới Thọ bốn thứ y cứ. (Bấy giờ giới sư hỏi):

- Y phấn tảo nầy ít phiền toái, dễ được, thanh tịnh, không có các lỗi lầm, phù hợp với nếp sống Sa-môn, y cứ vào đó mà xuất gia, thọ Cụ túc, vậy ngươi có thể chấp nhận dùng nó suốt đời được không?

- Không thể kham nhẫn được.

- Vậy, vì lý do gì mà ngươi xuất gia?

- Vì con thấy Sa-môn Thích tử khoác y đẹp đẽ mảnh mai, con thích mặc loại y ấy, do thế mà xuất gia.

- Có khi nào mà tất cả các Tỉ-kheo xuất gia đều được mặc y đẹp hết như thế nầy đâu.

Rồi các Tỉ-kheo trao cho pháp y cứ thứ hai, nói:

- Xin thức ăn thừa ít phiền toái, dễ được, thanh tịnh, không có các lỗi lầm, phù hợp với nếp sống Sa-môn, y cứ vào đó mà xuất gia, thọ Cụ túc, vậy ngươi có thể kham nhẫn tuân thủ suốt đời được không?

- Con không thể kham nhẫn.

- Vậy, vì cớ gì mà ngươi xuất gia?

- Con thấy Sa-môn Thích tử ăn toàn gạo trắng lúa thơm, bánh ngọt ngon lành, con tham những thức ngon ấy cho nên xuất gia.

- Đâu có chuyện tất cả Tỉ-kheo xuất gia đều được ăn những thứ ngon lành nầy.

Rồi các Tỉ-kheo trao cho pháp y cứ thứ ba, nói:

- Ngồi dưới gốc cây ít phiền toái, dễ được, thanh tịnh, không có các lỗi lầm, phù hợp với nếp sống của Sa-môn, nương vào đó mà xuất gia, thọ Cụ túc, ngươi có thể kham nhẫn tuân thủ nếp sống nầy suốt đời được không?

- Con không thể kham nhẫn.

- Vậy, vì lý do gì mà ngươi xuất gia?

- Vì con thấy Sa-môn Thích tử ngồi tại những căn phòng lớn, những lầu gác lộng lẫy, con tham sống nơi những phòng xá nầy cho nên xuất gia.

- Có nơi nào mà tất cả Tỉ-kheo xuất gia đều được các phòng xá tốt đẹp hết như vậy đâu.

Rồi các Tỉ-kheo trao cho pháp y cứ thứ tư, nói:

- Loại trần khí dược ít phiền toái, dễ có, thanh tịnh, không có các lỗi lầm, thích hợp với nếp sống của Sa-môn, lấy đó làm chỗ y cứ để xuất gia, thọ Cụ túc, trong vấn đề nầy ngươi có thể kham nhẫn tuân thủ suốt đời được không?

- Con không thể kham nhẫn được.

- Vậy, vì lý do gì mà ngươi xuất gia?

- Vì con thấy Sa-môn Thích tử uống sữa dầu mật đường phèn và các thứ thuốc khác, con tham uống những thứ nầy [414c] cho nên xuất gia.

- Đâu có chuyện tất cả Tỉ-kheo xuất gia đều được những món thuốc ngon lành như vậy.

Thế rồi, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền khiển trách:

--"Vì sao các ông cho thọ Cụ túc trước, rồi trao cho bốn sự y cứ sau? Từ nay về sau không được cho thọ Cụ túc trước, rồi trao cho bốn sự y cứ sau, mà phải trao cho bốn sự y cứ trước, xem họ có kham nhẫn được hay không, rồi mới cho thọ Cụ túc. Nếu họ nói không kham nhẫn được thì không nên cho thọ Cụ túc. Nếu cho thọ Cụ túc trước, trao cho bốn pháp y cứ sau, cũng được gọi là thọ Cụ túc, nhưng tất cả Tăng đều phạm tội Việt-tì-ni. Khi trao cho bốn pháp y cứ, trước hết phải làm yết-ma cầu thính như sau:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc, mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo giới tử ở chỗ thanh vắng xong, giờ đến giữa Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ đã cho phép, đã cầu xin Hòa Thượng, ba y và bát đầy đủ, trang nam tử nầy đã đủ hai mươi tuổi, tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng bằng lòng cho mỗ giáp làm Hòa Thượng. Mỗ giáp muốn trình bày bốn pháp y cứ ở giữa Tăng.

Chư đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp làm Hòa Thượng cho mỗ giáp, muốn nói về bốn pháp y cứ ở giữa Tăng.

Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng, việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

Đoạn, Hòa Thượng truyền bốn pháp y cứ:

- Thiện nam tử hãy lắng nghe. Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì muốn lợi ích cho chúng Thanh Văn, đã chính thức chế định bốn pháp y cứ nầy. Nếu Thiện nam tử có lòng tin chân chính kham nhẫn được thì mới cho thọ Cụ túc, còn không kham nhẫn được thì không cho thọ. Y phấn tảo nầy ít phiền toái, dễ được, thanh tịnh, không có các lỗi, phù hợp với nếp sống của Sa-môn, lấy đó làm chỗ nương tựa mà xuất gia thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo; vậy ngươi có thể kham nhẫn thọ trì y phấn tảo nầy suốt đời được không?".

Đáp: Được.

Vậy, nếu được các loại y như Khâm-bà-la, y Điệp, y Sô ma, y Câu-xá-da, y Xá-na, y Ma, y Khâu mâu đề (thì ngươi hãy thọ trì).

- Xin thức ăn dư thừa ít phiền toái, dễ được, thanh tịnh, không có các lỗi, phù hợp với nếp sống Sa-môn, nương vào đây mà xuất gia, thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo, vậy ngươi có thể kham nhẫn khất thực sống suốt đời được không?

Đáp: Được.

Vậy, nếu vào các ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm trong tháng, những dịp thuyết giới, dịp bốc thăm, dịp Thí chủ mời, được các bữa ăn (thì ngươi hãy thọ dụng).

- Ngồi dưới gốc cây ít phiền toái, dễ thanh tịnh, không có các lỗi, phù hợp với nếp sống Sa-môn, nương vào đây mà xuất gia, thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo, vậy ngươi có thể kham nhẫn tuân hành suốt đời ngồi dưới gốc cây được không?

Đáp: được.

Tuy nhiên, khi được những ngôi nhà lớn, những ngôi nhà có lầu gác, ngôi nhà có cửa lớn, ngôi nhà trong hang (thì ngươi có thể sử dụng).

- Loại trần khí dược ít phiền toái, dễõ được, thanh tịnh, không có các lỗi, phù hợp với nếp sống Sa-môn, nương vào đây mà xuất gia, thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo, ngươi có thể [415a] kham nhẫn uống trần khí dược suốt đời được không?

Đáp: Được.

Vậy, nếu được sữa tươi, sữa chua, dầu, mật, đường phèn và mỡ ( thì ngươi hãy thọ dụng).

Tóm lại, ngươi phải tùy thuận học tập tuân thủ bốn Thánh chủng nầy (bốn pháp y cứ).

Thế rồi, Thầy yết-ma nói:

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc, mỗ giáp đã chất vấn dạy bảo (giới tử) ở chỗ thanh vắng xong. Giờ đây mỗ giáp theo Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ đã cho phép, đã cầu xin Hòa Thượng, ba y và bát đầy đủ. Trang nam tử nầy đã đủ hai mươi tuổi, tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn, đã kham nhẫn bốn pháp y cứ. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho mỗ giáp thọ Cụ túc. Hòa Thượng là mỗ giáp. Đây là lời tác bạch.

- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc, mỗ giáp đã chất vấn dạy bảo ở chỗ thanh vắng xong. Giờ đây, mỗ giáp theo Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ đã cho phép, đã cầu xin Hòa Thượng, ba y và bát đầy đủ. Trang nam tử nầy đã đủ hai mươi tuổi, tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn, đã kham nhẫn bốn pháp y cứ. Nay Tăng cho mỗ giáp thọ Cụ túc, Hòa Thượng là mỗ giáp. Các đại đức nào bằng lòng việc Tăng cho mỗ giáp thọ Cụ túc, Hòa Thượng là mỗ giáp thì im lặng. Ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất. Vậy có thành tựu không? (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).

Tăng đã bằng lòng cho mỗ giáp thọ Cụ túc, Hòa Thượng là mỗ giáp. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng, việc nầy tôi ghi nhận như vậy.

(Đoạn, quay sang nói với giới tử):

- "Này Thiện nam tử, ngươi đã thọ Cụ túc, một sự thọ Cụ túc tốt đẹp, một lần bạch, ba lần yết-ma, không có các già nạn, chúng Tăng hòa hợp không phải là không hòa hợp, từ mười chúng (mười giới sư) hay mười chúng trở lên. Nay ngươi phải kính trọng Phật, kính trọng pháp, kính trọng Tỉ-kheo Tăng, kính trọng Hòa Thượng, kính trọng A-xà-lê. Ngươi đã may mắn gặp được, đừng để mất đi. Thân người khó được, Phật xuất thế khó gặp, nghe pháp cũng khó, chúng Tăng hòa hợp, ý nguyện thành tựu, khó có dịp đảnh lễ đấng Thích Sư Tử (Phật) và chúng Thanh Văn, ngươi đã được giới Cụ túc, như hoa vô ưu rời khỏi bùn và nước vậy, phải nương vào giới pháp mà tu tập pháp Niết-bàn vi diệu. Đó là bài tựa của giới, bốn pháp Ba la di, mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, hai pháp Bất định, ba mươi pháp Ni-tát-kì-ba-dạ-đề, chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề, bốn pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni, các pháp chúng học, bảy pháp Diệt tránh, pháp tùy thuận. Nay ta dạy bảo ngươi đại khái như thế, sau nầy Hòa Thượng, A-xà-lê sẽ nói cho ngươi rộng rãi hơn.

Đó gọi là Thập chúng thọ giới".

4. Ngũ chúng thọ Cụ túc:

Khi Phật an trú tại rừng Thi Đà nơi thành Vương Xá, lúc ấy trong thành có một cư sĩ [415b] tên là Uất Kiền, vốn dòng tôn thất, hào quí, tài sản vô lượng. Ông nghe đức Như Lai xuất hiện trong đời, đang trú tại rừng Thi Đà, lòng rất hoan hỉ phấn khởi, muốn mời Phật và chúng Tăng cúng dường trai phạn, liền cho trang hoàng nội thất, quét tước sạch sẽ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một cư sĩ tên là A Na Bân Chi, vốn là bạn chí thiết của Uất Kiền, đến chơi nhà Uất Kiền, thấy ông đang bận rộn trang hoàng quét tước, liền hỏi: "Này Cư sĩ, vì sao mà chuẩn bị khẩn trương, định gả chồng, cưới vợ, mời Bà-la-môn, nhà vua hay đại thần chăng?".

Cư sĩ đáp: "Tôi không gả con, cưới vợ, mời Bà-la-môn, nhà vua hay đại thần gì cả. Ông không nghe con của vua Bạch Tịnh xuất gia, thành Phật, hiệu là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri xuất hiện trên đời nầy sao? Hiện nay Ngài đang ở tại rừng Thi Đà. Nay tôi quét dọn trang hoàng chính là muốn mời Phật và chúng Tăng, cho nên mới khẩn trương như vậy".

Bân Chi nghe thế lòng rất vui mừng, liền hỏi: "Tôi muốn thăm viếng đảnh lễ Ngài có được không?".

Cư sĩ đáp: "Có thể thăm được. Đức Phật có tình thương bao la, không ai yết kiến mà không có lợi ích. Ông hãy biết lúc nào nên làm gì". Ông ta nghe rồi, lòng tôn kính bộc phát mạnh mẽ, mong mau đến sáng. Đức Phật hiểu rõ tâm ông, liền phóng quang ngay trong đêm tối, ánh sáng chiếu khắp trong thành. Bân Chi thấy ánh sáng, tưởng là trời đã hừng đông, liền ra đi, thì cửa tự nhiên mở. Ông đi lần đến cửa thành, cửa thành cũng mở ra, khi ra khỏi thành, bỗng thấy một ngôi miếu thờ trời nằm ở ven đường. Ông muốn tới đó lễ bái trước rồi mới đến viếng Phật sau, thì khi vừa hướng đến ngôi miếu, bỗng dưng trời đất tối sầm. Ông cảm thấy hoảng sợ, tới lui đều mờ mịt, không biết đi lối nào. Lúc ấy, trên không có vị trời nói với Bân Chi: "Giờ đây chính là đúng lúc, hãy đi tới, đừng sợ", rồi đọc kệ:

"Dùng Thất bảo trang hoàng,
Trăm cổ xe bò, ngựa,
Đem tất cả bố thí,
Kể công đức của chúng,
So một bước ông đi,
Thua một phần mười sáu.

Dùng Thất bảo trang hoàng,
Trăm voi chúa Tuyết sơn,
Rồi đem chúng bố thí,
Phước báo công đức ấy,
So một bước ông đi,
Thua một phần mười sáu.

Thân Thất bảo anh lạc,
Của trăm Thiên nữ đẹp,
Dùng chúng để bố thí,
Kể về phước báo ấy,
So một bước ông đi,
Thua một phần mười sáu".

Lúc bấy giờ A Na Bân Chi nghe bài kệ ấy rồi, lòng sinh kính tín bội phần, liền đi đến chỗ Phật, [415c] cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên. Phật liền thuyết pháp, dạy bảo những điều lợi ích, khiến ông hoan hỉ. Ông bèn bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, con muốn trở về thành Xá-vệ thiết lập tinh xá, để mời Phật và chúng Tăng an trú. Kính xin Thế Tôn thương xót nhận lời thỉnh cầu của con. Đồng thời xin Thế Tôn sai một Tỉ-kheo trông coi việc xây cất". Như trong kinh Tỉ La đã nói rõ, cho đến Phật nói với Xá-lợi-phất và Mục-liên: "Các ông hãy đến đó xem xét địa hình địa thế, tùy trú xứ của Tăng mà trông coi sắp xếp, bố trí phòng ốc".

Xá-lợi-phất và Mục-liên vâng lời Phật dạy liền đi đến đó. Khi ấy, Cư sĩ Bân Chi bèn dùng mười tám ức tiền vàng mua một khoảnh đất, mười tám ức tiền vàng làm tăng phòng, mười tám ức tiền vàng cúng dường chúng tăng, cọng tất cả là năm mươi tư ức tiền vàng. Vị cư sĩ nầy lại muốn cúng dường thêm nữa, bèn sai Phú Lâu Na vào biển tìm châu báu. Do oai thần của Phật nên bốn Đại Thiên Vương, Đế Thích và Phạm Thiên Vương hộ vệ người nầy, khiến ông đi về bảy lần, được châu báu vô số mà không gặp tai nạn gì hết.

Thế rồi, Phú Lâu Na thưa với Bân Chi: "Kính mong cư sĩ cho phép tôi xuất gia". Cư sĩ liền chuẩn thuận, đoạn, dẫn đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, bạch với Phật: "Người nầy muốn xuất gia, kính mong Thế Tôn thương xót tiếp độ". Phật liền tiếp độ.

Sau khi xuất gia, ông thưa với Phật: "Bạch Thế Tôn, kính xin Thế Tôn dạy bảo tóm lược cho con, con muốn đến nước Thâu-na, nương theo lời dạy ấy mà tu hành".

Phật liền tùy thuận dạy bảo, như trong Diên Kinh đã nói rõ. Phú Lâu Na thọ giáo rồi, liền đi đến nước Thâu Na. Trong nước nầy có một Trưởng giả tên là Thát Bà, kiến tạo phòng Chiên đàn. Ở đây xin nói rõ về nhân duyên của Ức Nhĩ, cuối cùng, ông cầu xin xuất gia, và được Phú Lâu Na độ cho xuất gia, làm Sa-di cho đến bảy năm, vì ở đây chúng Tăng khó tìm, nên không được thọ Cụ túc. Sau bảy năm, Thát Bà mới làm xong phòng Chiên đàn, rồi trang trí đẹp đẽ, mời chúng Tăng nhiều nơi về thiết trai cúng dường, đoạn, đem căn phòng ấy cúng dường cho Phú Lâu Na.

Bấy giờ, nhân dịp chúng Tăng tập họp, Phú Lâu Na bèn mời mười vị Tăng tinh thông giới luật, cho Ức Nhĩ thọ Cụ túc. Thọ Cụ túc xong, Ức Nhĩ liền bạch với Hòa Thượng: "Con muốn đến Xá-vệ thăm viếng đảnh lễ đức Thế Tôn, kính xin Hòa Thượng chuẩn thuận".

Phú Lâu Na đáp: "Tùy ý. Nhưng ông hãy nhân danh Ta thăm hỏi đức Thế Tôn và xin Ngài chấp thuận năm nguyện vọng".

Ức Nhĩ thọ giáo rồi liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên. Phật liền nói với A-nan: "Ông hãy trải giường nệm cho Tỉ-kheo khách".

Khi Phật bảo A-nan trải giường nệm thì phải biết là vị ấy sẽ ngủ cùng phòng với Thế Tôn. Còn khi Phật bảo tôn giả Đà-phiêu-ma-la-tử [416a] thì phải biết là vị ấy theo thứ tự mà nhận phòng. Đức Như Lai đầu hôm thuyết pháp cho chúng Thanh Văn, nửa đêm Ngài trở về phòng, hào quang thường sáng tỏ. Phật liền hỏi Tỉ-kheo khách:

- Ông có tụng kinh không?

- Có tụng, bạch Thế Tôn.

- Tụng kinh gì?

- Tụng Kinh Bát Bạt Kỳ.

- Ông hãy tụng xem.

Thầy bèn tụng nho nhỏ. Khi tụng xong, hỏi đến câu cú nghĩa lý thì thầy đều đáp đâu đó rành mạch. Phật liền ngợi khen: "Tốt lắm Tỉ-kheo! Câu cú chữ nghĩa mà ông vừa tụng đều giống y những gì trước kia Ta đã nói". Thế rồi, Thế Tôn bèn nói kệ:

"Thánh nhân chẳng thích ác,
Người ác chẳng ưa Thánh.
Nếu thấy lỗi thế gian,
Phát tâm hướng Niết-bàn".

Đoạn, Phật tiếp: "Lành thay, trong hàng đệ tử của Ta người thông hiểu nhanh chóng bậc nhất chính là Ức Nhĩ". Ức Nhĩ liền đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rồi trình bày việc Hòa Thượng mình xin Phật năm nguyện vọng. Đức Như Lai nghe xong, sáng sớm hôm sau thức dậy, đi đến chỗ có đông Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, nói với các Tỉ-kheo:

-"Phú Lâu Na ở nước Thâu Na sai Ức Nhĩ đến xin Ta năm nguyện vọng. Từ nay về sau, Ta cho phép tại nước Thâu Na biên địa được thực hiện năm nguyện vọng sau đây:

1/ Ở Thâu-na biên địa dân chúng thích sạch sẽ, Ta cho phép được tắm rửa hằng ngày. Còn ở đây nửa tháng mới tắm một lần.

2/ Tại Thâu-na biên địa có nhiều ngói gạch đá cuội và gai gốc, Ta cho phép mang dép da hai lớp, còn ở đây chỉ được mang dép một lớp.

3/ Ở Thâu-na biên địa ít có phu cụ mà có nhiều thứ da, Ta cho phép dùng da làm phu cụ, còn ở đây thì không cho.

4/ Ở Thâu-na biên địa có ít vải vóc mà nhiều y phục của người chết, Ta cho phép mặc y phục của người chết và ở đây cũng cho phép mặc.

5/ Ở Thâu-na biên địa có ít Tỉ-kheo, Ta cho phép năm người được truyền giới Cụ túc, còn ở đây phải đủ mười người mới được truyền giới Cụ túc. Đó là cách thọ Cụ túc tốt lành nhất, trước mười người một lần bạch, ba lần yết-ma thọ Cụ túc. Còn ở Thâu-na biên địa trước năm người, một lần bạch, ba lần yết-ma thọ Cụ túc. Đó gọi là bốn cách thọ Cụ túc.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Ưu-ba-li có hai Sa-di, một người tên là Đà Bà Già, còn người kia tên là Bà-la-già. Hai Sa di nầy được nuôi từ nhỏ dần dần lớn lên, đủ hai mươi tuổi, tôn giả muốn cho thọ Cụ túc, liền suy nghĩ: "Nếu cho một người thọ trước thì người sau ắt hẳn sẽ oán hận, không hiểu cùng một Hòa Thượng, cùng một Tăng chúng, cùng một giới sư, hai người thọ giới cùng một lúc có được không?"

Suy nghĩ thế rồi, Ưu-ba-li liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi sang một bên, đem đầy đủ sự việc kể trên bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, cùng một Hòa Thượng, [416b] một giới sư, một chúng, hai người cùng thọ giới một lần có được không?"

Phật dạy:

--"Được. Cũng thế, hai người, ba người cùng thọ một lần cũng được, nhưng không được thọ một lần nhiều người (bốn người trở lên); đó gọi là thọ Cụ túc. Nếu một giới tử mà hai Hòa Thượng, ba Hòa Thượng, nhiều Hòa Thượng thì không thể gọi là thọ Cụ túc. Không có Thầy yết-ma thì không thể gọi là thọ Cụ túc. Hai người, ba người cùng với một Thầy yết-ma, còn Hòa Thượng tách riêng với một chúng để thọ, thì không gọi là thọ Cụ túc. Hai người làm yết-ma hai người, ba người làm yết-ma ba người, còn riêng Hòa Thượng cho thọ cùng một chúng, thì không thể gọi là thọ Cụ túc.

Lại nữa, nếu Hòa Thượng ở trong số mười người (Thập sư) thì không thể gọi là thọ Cụ túc. Nếu đem người muốn thọ Cụ túc tính cho đủ số mười người, đem Tỉ-kheo-ni tính cho đủ số mười người, đem người gởi dục tính cho đủ số mười người, đều không thể gọi là thọ Cụ túc. Nếu không xưng tên Hòa Thượng, không xưng tên giới tử, không xưng tên chúng Tăng, thì không thể gọi là thọ Cụ túc.

Nếu Hòa Thượng nói yết-ma, giới tử nói yết-ma, Tỉ-kheo-ni nói yết-ma, đều không thể gọi là thọ Cụ túc.

Nếu Hòa Thượng ở trên không trung, giới tử ở trên không trung, Tăng ở trên không trung, tất cả ở trên không, đều không thể gọi là thọ Cụ túc. Nếu một nửa ở dưới đất, một nửa ở trên không, cũng không thể gọi là thọ Cụ túc.

Nếu bị che chắn ngăn cách thì không thể gọi là thọ Cụ túc. Nếu một nửa ở chỗ che khuất, trung gian có vật ngăn cách thì không thể gọi là thọ Cụ túc. Nếu một nửa bị che khuất, một nửa ở chỗ khoảng trống mà đưa tay ra không chạm vào nhau, thì không thể gọi là thọ Cụ túc. Nếu tất cả đều ngồi ở chỗ trống mà đưa tay ra không chạm vào nhau, hoặc tất cả đều ngồi ở chỗ khuất, không nghe thấy nhau, đều không thể gọi là thọ Cụ túc.

Lại nữa, nếu ngủ, hoặc si ám, điên cuồng, tâm loạn, bị bệnh khổ bức bách, đều không thể gọi là thọ Cụ túc.

Lại nữa, nếu giới tử không nói, hoặc chỉ suy nghĩ, hoặc kêu lớn, đều không thể gọi là thọ Cụ túc.

Lại nữa, nếu sai người mang thư tín đến, hoặc đưa tay ra dấu, đều không thể gọi là thọ Cụ túc. Đương sự không hiện diện, không hỏi giới tử, giới tử không muốn thọ giới, làm yết-ma phi pháp, Tăng không hòa họp, tác bạch không thành tựu, yết ma không thành tựu, hoặc một trong những việc đó không thành tựu thì không thể gọi là thọ Cụ túc.

CÁC GIÀ NẠN.

Lại nữa, nếu có các Trường hợp như hủy hoại tịnh hạnh của Tỉ-kheo-ni; trú trong chúng với tâm trộm pháp; kẻ lừa đảo; phạm ngũ nghịch; sáu hạng không phải nam tử; nhỏ quá; già quá; bị chặt tay; bị chặt chân; tay chân đều bị chặt; bị cắt tai; bị cắt mũi; tai mũi đều bị cắt; hoặc mù; hoặc điếc; hoặc bị mù điếc; hoặc câm; què; hoặc bị câm què; [416c] hoặc bị đánh có sẹo; hoặc bị đóng dấu; hoặc bị rút gân; hoặc gân bị giãn; xương sống bị còng; làm quan chức; mắc nợ; bệnh; ngoại đạo; trẻ con; đầy tớ; thân thể dị dạng; hình dáng xấu xí, đều không thể gọi là thọ Cụ túc.

1/ Hủy hoại tịnh hạnh của Tỉ-kheo-ni:

Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, lúc ấy, đồng tử Ly Xa là An Bà La phá hoại tịnh hạnh đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự. Thế rồi, Tỉ-kheo-ni Pháp Dự bèn đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên, bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, đồng tử Ly Xa phá hoại phạm hạnh đệ tử của con". Nói như thế rồi bèn lễ Phật mà ra đi. Khi ấy, Phật liền nói với A-nan: "Ông hãy lấy y Tăng-già-lê của Ta lại đây, để Ta đi vào thành Tì-xá-li". A-nan bèn lấy y Tăng-già-lê đưa cho Thế Tôn. Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri từ khi thành Phật đến giờ, chưa khi nào đi vào thành ấp xóm làng sau bữa ăn. Khi ấy, Thế Tôn cùng A-nan vào thành Tì-xá-li. Bấy giờ, năm trăm người Ly-xa đang tập họp tại ngôi nhà nghị luận, định bàn bạc về những việc khác, trông thấy Thế Tôn từ xa đi đến, họ liền bảo nhau: "Không hiểu đức Như Lai có việc gì mà sau bữa ăn đi vào thành?". Thế rồi, lập tức các Ly-xa đứng dậy trải tòa ra nghênh đón Thế Tôn, quỳ gối chắp tay, bạch rằng: "Lành thay Thế Tôn, xin Thế Tôn ngồi trên tòa nầy".

Khi ấy, Thế Tôn bèn trải tọa cụ mà ngồi, đoạn, các người Ly- xa cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Phật liền nói với các Ly-xa: "Quyến thuộc của các ngươi, các ngươi phải bảo hộ, cũng như đệ tử Tỉ-kheo-ni của Ta, Ta cũng phải bảo hộ. Nếu có ai xâm phạm, hoặc muốn hay không muốn phá hoại phạm hạnh, thì theo phép tắc của Ta, suốt đời không nói chuyện, không ở chung, không ăn chung".

Các người Ly-xa liền bạch với Phật: "Cũng như phép tắc của Thế Tôn, hễ kẻ nào phá hoại phạm hạnh thì chúng tôi không nói chuyện, không ở chung, không ăn chung. Phép tắc thế tục của chúng tôi cũng như vậy, suốt đời không nói chuyện, không ở chung, không ăn chung".

Khi ấy, đức Thế Tôn tùy nghi thuyết pháp cho các Ly- xa, khiến họ sinh tâm hoan hỉ, rồi ra đi. Sau khi Ngài đi không bao lâu, Tỉ-kheo-ni Pháp Dự liền đến chỗ Ly-xa, nói như sau: "Này các cư sĩ, đồng tử Ly-xa Am Bà La đã hủy hoại phạm hạnh đệ tử của tôi. Đó là việc bất thiện, không phải pháp tùy thuận".

Các Ly-xa nghe thế liền tự bảo nhau: "Vừa rồi, chính đức Thế Tôn muốn nói về việc nầy đây", bèn cảm thấy rất xấu hổ, nói với Tỉ-kheo-ni: "Vậy, Ni-sư muốn chúng tôi trừng trị bằng cách nào đây?"

Tỉ-kheo-ni nói: "Đổi họ ông ta, công bố ông ta không còn là người Ly-xa nữa, xoay cửa nhà ông ta về hướng Tây, phá nhà bếp ông ta, hủy mái nhà ông ta xung quanh một khuỷu tay".

Các Ly-xa đáp: "Xin thọ giáo", liền tuyên bố Am Bà La không còn là Ly-xa nữa, rồi xoay cửa nhà ông ta về hướng Tây, cho đến phá hủy [417a] mái nhà ông ta.

Bấy giờ đức Thế Tôn đi đến giữa đám đông Tỉ-kheo, trải tọa cụ ngồi, trình bày lại đầy đủ sự việc kể trên với các Tỉ-kheo. Trong trường hợp phá tịnh hạnh Tỉ-kheo-ni: Nếu (hành dâm với) Ni A-la-hán, A-na-hàm mà lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối tất cả (đều thọ lạc) thì gọi là phá hoại tịnh hạnh của Ni. Nếu Ni Tư-đà-hàm, Ni Tu-đà-hoàn, Ni phàm phu giữ giới mà (khi hành dâm) lúc đầu thọ lạc thì gọi là hoại tịnh hạnh của Ni, còn lúc giữa và lúc cuối (thọ lạc) thì không gọi là hoại tịnh hạnh.

Khi ấy có một (Tỉ-kheo) ngớ ngẩn, lúc còn là người thế tục đã hoại tịnh hạnh của Ni, tâm sinh nghi hoặc, liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn, lúc con còn là người thế tục đã hủy hoại tịnh hạnh của Ni". Phật bèn nói với các Tỉ-kheo: "Ông (Tỉ-kheo) ngớ ngẩn nầy tự nói: Đã hủy hoại tịnh hạnh của Ni, vậy hãy đuổi đi".

Các Tỉ-kheo liền đuổi vị ấy.

Phật lại dạy:

--"Nếu kẻ nào hoại tịnh hạnh của Ni thì không nên cho họ xuất gia. Nếu đã xuất gia thì phải đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là hoại tịnh hạnh của Tỉ-kheo-ni".

2/ Sống trong chúng để trộm pháp:

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có đàn việt đến tinh xá cúng dường trai phạn cho chúng Tăng, thì có một người đen điêu, bụng bự đến ngồi chỗ của Thượng tọa. Trong chốc lát, Thượng Tọa đến hỏi:

- Ông bao nhiêu hạ lạp?

- Ngồi ở đây ăn cơm thì bình đẳng cả, còn phải vất vả hỏi tuổi tác làm gì?

Vì Thượng Tọa có uy đức nghiêm trang, bèn bảo: "Ối chao! Ông đi xuống dưới kia". Ông bèn đến ngồi chỗ của Thượng Tọa thứ hai. Trong khoảnh khắc, Thượng Tọa thứ hai đến, hỏi:

- Ông bao nhiêu tuổi hạ?

- Ngồi đây ăn cơm thì bình đẳng cả, còn phải vất vả hỏi tuổi tác để làm gì?

Cứ như vậy, lần lượt đến chỗ của Sa-di. Sa-di xua đuổi, hỏi:

- Ai là Hòa Thượng của ông? Ai là thầy ông? Sa-di có mấy giới? Sa-di phải thuộc bao nhiêu thứ? Loại thứ nhất gọi là gì? (Đó là: 1/ Tất cả chúng sinh đều ngước lên mà ăn; 2/ Hai loại danh, sắc; 3/ Ba cảm thọ; 4/ Bốn Thánh đế; 5/ Năm ấm; 6/ Lục nhập; 7/ Thất giác ý; 8/ Bát Chánh đạo; 9/ Chín cõi của chúng sinh cư trú; 10/ Thập nhất thiết nhập. Phép của Sa-di là phải nhớ những điều như vậy).

- Tôi là đệ tử lớn nhất của Nan-đà, Ưu Ba Nan-đà.

Các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật nói:

--"Ông ta không phải là đệ tử lớn nhất của Nan-đà, Ưu Ba Nan-đà. Đây là người tự động xuất gia. Nếu người như thế ấy mà chưa từng tham dự Bố-tát, Tự-tứ, sau nầy có lòng tốt muốn xuất gia, thì nên cho xuất gia thọ Cụ túc. Nếu đã từng tham dự Bố-tát, Tự- tứ thì gọi là kẻ sống trong chúng để ăn trộm, không cho xuất gia, thọ Cụ túc. Nếu là con vua hay con quan đại thần [417b] vì tị nạn mà khoác Ca sa, nhưng chưa tham dự Bố-tát Tự-tứ, thì nên cho xuất gia. Nếu đã từng tham dự Bố-tát, Tự-tứ thì không cho xuất gia. Nếu Sa-di suy nghĩ: "Trong khi Thuyết giới không biết bàn luận về vấn đề gì?", rồi lén chui trước dưới giường của Thượng Tọa để nghe trọâm, giá như ông ta thông minh, nhớ tất cả các lời từ lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối trong khi thuyết giới, thì sau nầy không được thọ Cụ túc. Nếu đần độn, hoặc ngủ, hoặc tâm ý đang nghĩ những chuyện khác, không nhớ những lời nói lúc đầu, lúc giữa và lúc cuối trong khi thuyết giới, thì sau nầy được thọ Cụ túc. Nếu sống trong chúng để ăn trộm thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì phải đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là kẻ ở trong chúng để ăn trộm".

3/ Kẻ lừa đảo:

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có một người trước bữa ăn, mặc theo hình thức của Sa-môn, tay cầm bát đen, vào xóm làng khất thực. Sau bữa ăn, ông lại mặc theo hình thức ngoại đạo, tay cầm bát bằng gỗ, theo người ta vào nơi công viên, hồ nước, chỗ du ngoạn trong rừng để khất thực, bị người đời chê bai: "Vì sao Sa-môn Thích tử vào trong xóm làng đến nhà tôi khất thực, giờ lại vào trong rừng, không làm sao thoát được ông ta?" Lại có người nói: "Ông không biết sao? Kẻ Sa-môn nầy dối trá, vì y phục ẩm thực nên vào cả hai nơi".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật nói:

--"Đó gọi là kẻ lừa đảo, bỏ hình thức Sa-môn, khoác hình thức ngoại đạo, rồi lại bỏ hình thức ngoại đạo khoác hình thức Sa-môn. Những kẻ lừa đảo như vậy không nên cho xuất gia. Nếu đã cho xuất gia thì phải đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là kẻ lừa đảo".

4/ Ngũ vô gián (ngũ nghịch):

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Bà-la-môn Đô Di vốn là Thiện tri thức cũ của Xá-lợi-phất, đến chỗ Xá-lợi-phất, nói như sau:

- Tôn giả, cho tôi xuất gia.

- Đó là việc tốt. Ông vốn là Bà-la-môn thường tương phản với Sa-môn, do đâu mà có tín tâm, theo ai nghe pháp, phát tâm hoan hỉ, theo Thế Tôn chăng, hay theo các Tỉ-kheo?

- Tôi cũng chẳng có tín tâm gì, lại không hoan hỉ, cũng chẳng theo ai nghe pháp cả. Chỉ vì tôi giết mẹ nên muốn đoạn trừ tội nầy, do đó mà xuất gia.

- Đợi tôi hỏi đức Thế Tôn đã.

Thế rồi, Xá-lợi-phất đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật nói: "Người nầy giết mẹ, gây tội vô gián, vốn là hạt giống thối nát, đối với chánh pháp không thể phát sinh Thánh Thiện, không nên cho xuất gia".

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bà-la-môn Đô Do vốn là [417c] Thiện tri thức cũ của A Nan, đến chỗ A Nan, nói:

- Tôn giả, tôi muốn xuất gia.

- Đó là việc tốt.

Cho đến Phật nói với A-nan:

--"Người nầy giết cha, tạo nên tội vô gián, là hạt giống mục nát, đối với chánh pháp không thể thành tựu đạo quả. Giá như bảy đức Phật cùng xuất hiện một lúc, thuyết pháp cho y nghe, thì đối với chánh pháp, rốt cuộc cũng không thể sinh ra Thiện tâm. Ví như cây đa-la đã bị chặt đầu thì không thể sống, không còn xanh, cũng không còn mầm sống ở bên trong. Tội vô gián nầy cũng như vậy, đối với chánh pháp không thể sinh mầm móng Thánh Thiện. Nếu kẻ nào gây ra năm tội vô gián, thì không nên cho xuất gia. Nếu đã cho xuất gia thì phải đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Ngoài ra, ba tội vô gián kia cũng như vậy. Đó gọi là năm tội vô gián".

5/ Sáu loại người không thể làm đàn ông:

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ-kheo ban đêm đang ngủ trong phòng thì có kẻ đến rờ mó từ gót chân lên đến bắp vế, đến bụng, rồi lần tới chỗ kín. Tỉ-kheo định chụp bắt, thì anh ta liền chạy thoát. Rồi anh ta lại đến những nơi khác như hội trường, phòng sưởi, nơi nào cũng làm như thế. Sáng hôm sau, các Tỉ-kheo tập trung một chỗ bàn tán nhau: "Nầy các Trưởng lão, đêm qua trong khi ngủ thì có người đến rờ mó khắp người rồi lần tới chỗ kín, tôi định bắt lấy thì anh ta chạy thoát".

Lại có Tỉ-kheo khác nói: "Tôi cũng gặp trường hợp như thế". Cho đến nhiều người cũng gặp như thế. Rồi một Tỉ-kheo suy nghĩ: "Đêm nay ta phải rình để bắt hắn". Đoạn, Tỉ-kheo nầy đến tối, liền ngủ sớm, rồi thức dậy rình. Trong khi các Tỉ-kheo đang ngủ thì hắn ta lại đến sờ mó như trước. Tỉ-kheo liền chộp cổ được, bèn kêu lớn lên: "Các trưởng lão, hãy đem đèn lại đây". Khi đã đem đèn tới, liền hỏi y:

- Ngươi là ai?

- Tôi là con gái của vua.

- Thế nào là con gái?

- Tôi thuộc lưỡng tính, phi nam, phi nữ.

- Vì lý do gì mà ngươi xuất gia?

- Tôi nghe nói Sa-môn không có vợ, tôi muốn đến làm vợ.

Các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật nói:

--"Đó là kẻ bất năng nam. Bất năng nam có sáu loại. Đó là: 1) Sanh; 2) Bị phá hỏng; 3) Cắt bỏ; 4) Nhân người khác (mà cương cứng); 5) Tật đố; 6) Nửa tháng có tác dụng.

1) Sanh: Từ khi sinh đã không có nam căn, đó gọi là sanh.

2) Bị phá hỏng: Vợ lớn vợ bé sinh con, ganh ghét nhau, rồi họ tìm cách phá hỏng. Đó gọi là bị phá hỏng không thành đàn ông.

3) Cắt bỏ: Hoặc vua, hoặc đại thần chọn những người đã cắt bỏ nam căn để hầu hạ nơi phòng the. Đó gọi là bị cắt bỏ không còn là đàn ông.

4) Nhân người khác: Nhân có người xúc chạm mà nam căn cương cứng. Đó gọi là nhân người khác [418a] mà bất năng nam.

5) Tật đố: Thấy người khác hành dâm mà nam căn cương cứng. Đó gọi là tật đố, không thành đàn ông.

6) Nửa tháng (có tác dụng): Nửa tháng có tác dụng, nửa tháng không có tác dụng. Đó gọi là nửa tháng không thành đàn ông.

Trong đây, sanh không thành đàn ông, bị phá hỏng không thành đàn ông, cắt bỏ không thành đàn ông, ba loại không thành đàn ông nầy không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì phải đuổi đi. Còn nhân người khác mà không thành đàn ông, tật đố không thành đàn ông, nửa tháng không thành đàn ông, ba loại không thành đàn ông nầy không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia, thì không nên đuổi đi, về sau, nếu sinh khởi dâm dục thì phải đuổi đi. Sáu loại không thành đàn ông nầy không nên cho xuất gia. Nếu ai độ cho họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là sáu loại không thành đàn ông.

6/ Nhỏ quá.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ-kheo độ trẻ con xuất gia, nằm xuống, ngồi dậy phải nhờ người khác đỡ đần, đi ra đi vào cầu tiêu, dính đồ bất tịnh làm dơ bẩn mền gối của Tăng chúng, ngủ dậy kêu khóc, do đó, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử độ trẻ con xuất gia, chưa biết phép tắc, chưa biết những lời nói nào là tốt hay xấu? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!"

Lại có người mỉa mai: "Ông không biết sao? Vì Sa-môn nầy không có con, nên nuôi trẻ con người khác để tưởng tượng là con mình, lấy đó làm vui".

Lại có người khác chêm vào: "Các Sa-môn nầy chỉ duy nhất không độ hai hạng người: Một là người chết, hai là người không muốn xuất gia. Nếu không độ họ, thì đồ chúng không tăng trưởng. Do đó mà phải độ nhiều".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ việc kể trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Từ nay về sau người còn nhỏ quá không nên cho xuất gia. Nhỏ quá có nghĩa là: Hoặc dưới bảy tuổi, hoặc đủ bảy tuổi mà không biết việc tốt xấu, đều không nên cho xuất gia. Nếu đủ bảy tuổi mà hiểu biết được việc tốt xấu thì nên cho xuất gia. Nếu trẻ con đã cho xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là quá nhỏ.

7/ Già quá.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo độ những người tám mươi, chín mươi tuổi xuất gia, đầu bạc, lưng còng, xương sống lồi lõm, các căn không còn chủ động được, khi muốn tiểu tiện thì phân lòi ra, đi đứng phải có người giúp đỡ, không thể tự mình đứng dậy nổi. Hoặc ở trong phòng, hoặc ở nơi nhà sưởi, chỗ rửa chân, chỗ đi kinh hành, ho hen liên hồi muốn hụt hơi, đàm dãi tuôn ra làm dơ bẩn trú xứ của Tăng; do đó, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử độ những ông lão đầu bạc, [418b] lưng còng, ho hen chấn động, đi đứng phải nhờ người giúp đỡ nầy xuất gia? Người xuất gia lẽ ra phải tráng kiện để tọa Thiền, tụng kinh, tu tập các nghiệp, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!"

Lại có người mỉa mai: "Ông không biết sao? Vì Sa-môn Thích tử xuất gia không có cha, nên nuôi những ông lão nầy để tưởng tượng là cha mình". Lại có người chêm vào: "Các Sa-môn nầy chỉ có hai hạng người họ không độ: một là người chết, hai là người không muốn xuất gia. Vì nếu không độ thì hội chúng không tăng trưởng".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Phật. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại đầy đủ sự việc kể trên:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Từ nay về sau, những người quá già không nên cho xuất gia. Quá già nghĩa là quá bảy mươi tuổi. Nhưng nếu dưới bảy mươi tuổi mà không còn làm việc nổi, nằm ngồi phải nhờ người khác giúp đỡ, người như vậy cũng không nên cho xuất gia. Nếu quá bảy mươi tuổi mà còn có thể làm việc được thì cũng không nên cho xuất gia. Những người đủ bảy mươi tuổi mà khang kiện có thể tu tập các nghiệp thì cho họ xuất gia. Còn già quá thì không nên cho xuất gia. Nếu ai đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là già quá.

8/ Bị chặt tay.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người bị chặt tay xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người phạm vương pháp, bị chặt tay xuất gia? Người xuất gia lẽ ra thân thể phải hoàn bị, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

- Từ nay về sau, những người bị chặt tay không nên cho xuất gia. Bị chặt tay nghĩa là: hoặc bị chặt cánh tay, hoặc bị chặt cổ tay, hoặc bị chặt ngón tay nhỏ, ngón tay lớn thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là bị chặt tay.

9/ Bị chặt chân.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người bị chặt chân xuất gia, bị người đời chê cười, cho đến câu Phật dạy:

--"Từ nay về sau những người bị chặt chân không nên cho xuất gia. Bị chặt chân nghĩa là: hoặc bị chặt chân, hoặc bị chặt bắp chân, hoặc bị chặt ngón chân út, ngón chân cái thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi, cho đến câu phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là bị chặt chân.

10/ Bị chặt cả tay chân.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người bị chặt cả tay chân xuất gia, bị người [418c] đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người phạm vương pháp, bị chặt cả tay chân xuất gia? Nếu một thứ bị chặt còn không được xuất gia, huống gì cả hai thứ đều bị chặt. Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!"

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Từ nay về sau những người bị chặt cả tay chân không nên cho xuất gia. Chặt cả tay chân nghĩa là: Hoặc bị chặt tay phải, chân trái; hoặc bị chặt tay trái, chân phải; hoặc bị chặt tay trái, chân trái; hoặc bị chặt tay phải, chân phải, đều không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là bị chặt cả tay chân.

11/ Bị cắt tai.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người bị cắt tai xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người phạm vương pháp bị cắt tai?". Cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau, những người bị cắt tai không nên cho xuất gia. Bị cắt tai nghĩa là: hoặc bị cắt tai, hoặc bị cắt vành tai. Nếu trước kia xỏ lỗ tai mà có thể liền lại thì được cho xuất gia. Còn người bị cắt tai thì không nên cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là bị cắt tai.

12/ Bị xẻo mũi.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo độ người bị xẻo mũi xuất gia, nên bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người phạm vương pháp bị xẻo mũi xuất gia? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau, những người bị xẻo mũi không nên cho xuất gia. Bị xẻo mũi nghĩa là: hoặc bị xẻo mũi, hoặc bị xoi thủng mũi, đều không nên cho xuất gia", cho đến... đó gọi là bị xẻo mũi.

13/ Bị cắt cả tai mũi.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người bị cắt cả tai mũi xuất gia, nên bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người bị cắt cả tai mũi xuất gia? Bị cắt một thứ còn không được xuất gia huống gì bị cắt cả hai thứ. Đó là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau những người bị cắt cả tai mũi không nên cho xuất gia", cho đến... đó gọi là bị cắt cả tai mũi.

14/ Bị mù.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người mù lòa xuất gia, rồi nắm tay dắt đi, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử [419a] lại độ người mù lòa xuất gia, không thể tự đi được, phải cầm tay dắt đi? Người xuất gia cần phải đầy đủ các căn; đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo ấy đến. Khi Thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Từ nay về sau, những người mù lòa không nên cho xuất gia. Mù lòa nghĩa là mắt hoàn toàn không thấy các vật. Nếu (không) thấy rõ những đường chỉ tay, hoặc mắt ti hí như mắt chim sẻ thì không được cho xuất gia. Nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là bị mù.

15/ Bị điếc.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người điếc xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người điếc xuất gia, không nghe được những lời nói thiện ác, thì làm sao nghe pháp? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau, những người điếc không nên cho xuất gia. Điếc nghĩa là không nghe được tất cả các âm thanh, nếu nghe được tiếng nói lớn thì nên cho xuất gia", (cho đến... ) đó gọi là bị điếc.

16/ Bị cả mù điếc.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người bị mù điếc xuất gia, nên bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người vừa mù vừa điếc xuất gia, không thể nghe thấy gì cả? Người xuất gia các căn nên đầy đủ, bị mù còn không được, huống gì cả mù điếc. Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau những người mù điếc không nên cho xuất gia". (cho đến... ) đó gọi là mù điếc.

17/ Bị câm.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người câm xuất gia, dùng tay ra dấu, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người câm xuất gia, không thể nói được mà phải dùng tay ra dấu? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau không được độ người câm xuất gia. Câm nghĩa là không thể nói được mà phải dùng tay ra dấu, hạng người ấy không nên cho xuất gia, nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi", (cho đến... ) đó gọi là câm.

18/ Què.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người què xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người què đi không được xuất gia? Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau không nên cho người què xuất gia. Què nghĩa là hai tay mang guốc mà đi. Người như vậy thì không nên cho xuất gia, nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi". (Cho đến... ) đó gọi là bị què.

19/ Vừa câm vừa què.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người vừa câm, vừa què xuất gia, cho đến... Phật nói:

-- "Nếu ai cho họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là vừa câm vừa què.

20/ Bị đánh có sẹo.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người có sẹo xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người phạm vương pháp bị đánh có sẹo xuất gia? Người xuất gia thân thể phải lành lặn, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!"

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ-kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

- Ông có việc đó thật không?

- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

-- Từ nay về sau, không nên độ những người bị đánh có sẹo xuất gia. Bị đánh có sẹo nghĩa là: hoặc lồi lên, hoặc lõm xuống. Nhưng nếu có thể chữa trị vết sẹo trở lại bình thường, liền với màu da thì nên cho xuất gia. Còn những người bị đánh có sẹo thì không nên cho xuất gia, nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni. Đó gọi là bị đánh có sẹo.

21/ Bị đóng dấu.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo độ người bị đóng dấu xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người phạm vương pháp bị đóng dấu xuất gia? Người xuất gia cần phải lành lặn mới phải, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật dạy:

--"Từ nay về sau những người bị đóng dấu không nên cho xuất gia. Bị đóng dấu nghĩa là dùng mật con công hay chất ten của đồng vân vân in vào da thành chữ, hoặc thành các hình chim, thú khiến thịt bị hỏng. Những người như vậy không nên cho xuất gia, nếu đã xuất gia thì không nên đuổi đi. Nếu ai độ họ xuất gia, thọ Cụ túc thì phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là bị đóng dấu.

22/ Bị rút gân.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người bị rút gân xuất gia, phải kéo lê chân mà đi, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người bị rút gân, phải kéo lê chân mà đi? Người xuất gia lẽ ra phải lành lặn mới được, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật dạy:

--"Từ nay về sau, những người bị rút gân [419c] không nên cho xuất gia. Bị rút gân nghĩa là bị rút gân gót chân. Người như thế không nên cho xuất gia. (Cho đến... ) phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là bị rút gân.

23/ Gân bị giãn.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người gân bị giãn xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người gân bị giãn xuất gia? Người xuất gia lẽ ra thân thể phải lành lặn mới được".

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau những người gân bị giãn không nên cho xuất gia. Gân bị giãn nghĩa là: Từ gót chân đưa lên cổ được, từ cổ gập xuống gót chân được. Những người như vậy không nên cho xuất gia. (Cho đến... ) phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là gân bị giãn.

24/ Bị còng lưng.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ-kheo độ người còng lưng, lùn tịt xuất gia, bị người đời chê cười rằng: "Vì sao Sa-môn Thích tử lại độ người còng lưng diễn trò cho vua xem xuất gia? Người xuất gia thì thân thể cần phải thẳng thớm, đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!"

Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Cho đến... Phật nói:

--"Từ nay về sau, những người còng lưng không nên cho xuất gia. Còng lưng nghĩa là: lưng không thẳng. Còn lùn thấp thì hoặc là phần trên dài, phần dưới ngắn, hoặc phần trên ngắn, phần dưới dài, hoặc hoàn toàn ngắn. Người như vậy không nên cho xuất gia. (Cho đến... ) phạm tội Việt-tì-ni". Đó gọi là còng lưng, lùn thấp.

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ hai mươi ba

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]