Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Ba: Thông Điệp của Kinh Trái Tim

13/06/201101:50(Xem: 9289)
Phần Ba: Thông Điệp của Kinh Trái Tim

KINH TRÁI TIM TUỆ GIÁC VÔ THƯỢNG
(PRAJÑĀPĀRAMITĀSŪTRA-HRDAYA-SÙTRA)
Khải Thiên Dịch và chú giải

Phần Ba
Thông Điệp của Kinh Trái Tim

Lời dẫn vào Thông điệp

Bạn thân mến,

Mười năm trước đây khi viết bức thông điệp của Kinh Trái Tim tôi đã viết với tất cả tấm lòng. Lúc đó tôi tự nói với lòng mình rằng, “công việc này qủa thực là liều lĩnh nhưng đầy hứng thú.” Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với bức thông điệp đó. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao? Thế rồi mười năm sau, khi đọc lại bản cũ, tôi cảm thấy mình cần phải quay trở về với công việc này thêm một lần nữa. Và đó là sự ra đời của bức thông điệp mà bạn đang cầm trên tay.

Khi viết bức thông điệp này, tôi không mang một ý thức rằng mình đang cắt nghĩa hay giải minh về triết học Bát nhã, mà trái lại, tôi viết từ một cảm xúc mà có lúc muốn bật khóc vì thấm thía cái đẹp tuyệt vời trong lời dạy của Đức Phật. Lời dạy của Ngài đã cứu rỗi tôi, ban cho tôi một sự bình yên nội tại mà không làm sao tôi có thể sánh với cái gì trên thế gian này.

Ước mong rằng, qua bức thông điệp này, chúng ta có thể dìu dắt nhau đi qua những đa đoan thế sự để trở về với miền hạnh phúc-thực tại không bản ngã. Khi vui cũng như khi buồn, xin bạn hãy đọc bức thông điệp này để sưởi ấm cõi lòng nhân gian. Hy vọng, nụ cười của bạn sẽ xóa tan đau khổ của sinh linh khắp trong ba nghìn thế giới.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Los Angeles, Mùa an cư 2007.
Khải Thiên

Hành Tinh Của Ánh Sáng

Bạn thân mến,

Bức thông điệp mà bạn đang cầm trên tay là “một phần tinh hoa” được rút ra từ Kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng. Khi nói đến “một phần tinh hoa” tôi muốn nói rằng chúng ta đang chiêm nghiệm cái đẹp siêu việt và toàn bích của Bát nhã trong một chiều kích rất giới hạn của một tâm hồn còn nhiều xao xuyến bởi được, mất, hơn, thua…Tuy nhiên, như ánh sáng của mặt trăng, những ai có mắt đều nhìn thấy được; song cái đẹp của ánh sáng đó như thế nào là tùy thuộc ở mỗi đôi mắt hay nói khác hơn là ở mỗi tâm hồn. Chúng ta, ở đây, đang chia sẻ với nhau về bức thông điệp kỳ vĩ của Bát nhã không phải trên bình diện của lý thuyết mà ngay trong đời sống thực tại. Chắc chắn rằng những ai lĩnh hội được bức thông điệp của Bát nhã, cho dù chỉ là một phần rất nhỏ, sẽ có được một đời sống hạnh phúc và bình an thực thụ, một đời sống “xa rời cuồng si mộng tưởng”, một đời sống tự tại giữa trùng điệp khổ đau.

Để có thể đi vào đời sống mầu nhiệm của Bát nhã, trước hết bạn cần phải một lần, hay ít ra là ngay trong giờ phút này, bước vào hành tinh của ánh sáng. Vì lẽ, sinh mệnh của Bát nhã chính là ánh sáng trí tuệ, một thứ ánh sáng vượt lên trên mọi giới hạn của tâm hồn trần thế, hay nói khác hơn đó là ánh sáng trí tuệ (prajñā) ở bên kia bờ (pāramitā). Chính nhờ ánh sáng này mà một “linh hồn” khổ đau có thể được “cứu rỗi”, một đời sống hạnh phúc thực thụ có thể được dựng lập, và trên hết, một tâm thức giác ngộ hy vọng được bừng lên không phải ở đoạn kết của cuộc đời hay ở bên kia thế giới mà ở chính tại mảnh đất này và con người này. Bạn nên nhớ rằng, chúng ta có nhiều loại ánh sáng: ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, ánh sáng của thế giới tự nhiên, ánh sáng sinh học, ánh sáng của khoa học, ánh sáng của tri thức .v.v. Ở đây, ánh sáng trí tuệ bên kia bờ (prajñāpāramitā), gọi tắt là Bát nhã, là một loại ánh sáng tâm linh phi thường, bạn không thể lĩnh hội bằng còn đường lý luận, mà trái lại, bạn chỉ có thể đạt được bằng con đường thể nghiệm và tu tập hằng ngày của chính bản thân. Điều rất quan trọng mà bạn cần phải tỉnh thức ngay bây giờ và ở đây là, đời sống hạnh phúc của thế gian—tình yêu, tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền lực .v.v.— trên thực tế hoàn toàn không có gì được bảo đảm và chắc chắn, bởi vì tất cả đều không ngừng thay đổi theo định luật vô thường. Chỉ một cơn giận hay một sự hiềm tỵ nổi lên trong dòng lưu chuyển của tâm thức, trong tích tắc mọi thứ có thể sẽ hoàn toàn đổi khác; lúc bấy giờ cái mà chúng ta cho là tình yêu, là hạnh phúc… có thể biến thành khổ đau. Vì thế, đời sống hạnh phúc của thế gian sẽ rất bấp bênh nếu như nó không được soi sáng và dắt dẫn bởi ánh sáng của Bát nhã.

Vậy đặc tính ánh sáng của Bát nhã là gì và nó đến từ đâu?

Bát nhã, như đã nói, là một loại ánh sáng của trí tuệ mà tự thân nó vượt lên trên mọi định kiến, cố chấp về “hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, đồng, dị, khứ, lai”[vii]. Do dựa vào bản chất siêu việt mọi định kiến, cố chấp nên Bát nhã được định nghiã là “trí tuệ ở bên kia bờ” (trí tuệ đáo bỉ ngạn), hay còn gọi là “trí tuệ-vô ngã”. Cũng vậy, nhờ vào tính siêu việt này mà Bát nhã luôn cưu mang trong chính nó một khả tính vô bờ. Thử lấy bàn tay làm thí dụ. Khi ta đã cầm chắc một vật nào đó trong tay, thì bàn tay tự nó không còn khả năng cầm thêm một vật khác. Ngược lại, khi ta không cầm nắm hay bám víu (thủ trước) bất kỳ cái gì, lúc bây giờ bàn tay của ta sẽ có một khả năng vô hạn, nghiã là nó có thể cầm bất cứ cái gì nó muốn. Đó chính là ý nghiã và khả tính của sự không bám víu (vô thủ trước). Tương tự như thế, khi một tâm thức không bám víu hay không bị chi phối bởi tham, sân, chấp ngã, hay phiền não, nhiễm ô, lúc bấy giờ, thực tại của tâm sẽ lưu chuyển như một nguồn ánh sáng bao la không giới hạn, và không chướng ngại. Đấy chính là một loại “thần lực” đặc thù của tâm thức không bám víu. Do vậy, ánh sáng siêu việt của Bát nhã được kết thành từ một tâm thức không có định kiến và cố chấp, hay nói khác hơn là một tâm thức xả ly, thanh tịnh.

Trên thực tế, thực tại của tâm luôn cưu mang hai dòng năng lượng: sáng (thiện) và tối (bất thiện). Dòng năng lượng của ánh sáng là tâm từ bi, tâm yêu thương, tâm khoang dung, tâm hỷ xả…và ngược lại, là dòng năng lượng tối tăm, tức là: tham lam, sân hận, thù oán, cố chấp, phiền não, và nhiễm ô. Vì lý do này, Bát nhã được gọi là hành tinh của ánh sáng, một hành tinh không có bất kỳ một bóng mờ nào của phân biệt, cố chấp; một hành tinh của đời sống xả ly thực thụ. Và đấy cũng là lý do tại sao, bạn được mời gọi ngay từ đầu hãy một lần bước vào hành tinh của ánh sáng để có thể lĩnh hội bức thông điệp hùng vĩ của Bát nhã ba la mật (prajñāpāramitā).

Nói tóm lại, bạn không cần thiết phải vướng bận quá nhiều vào ngôn từ để đi vào thể nghiệm đời sống Bát nhã; một điều duy nhất bạn cần thực hành đó là hãy sống tự tại giữa lòng hiện hữu, sống buông bỏ mọi bám víu, cố chấp, nhất là sự bám víu vào một khát vọng vĩnh cửu. Vì khát vọng vĩnh cửu trên thực tế không gì khác hơn là hiện thân của lòng chấp ngã. Nên nhớ rằng bạn sẽ không mất cái gì hết khi thực hành tâm xả ly, mà trái lại, chính sự xả ly hay không bám víu của tâm sẽ đem lại cho bạn một đời sống nhẹ nhàng hơn và an lạc hơn rất nhiều. Xả ly chừng nào thì hạnh phúc chừng đó. Bạn sẽ là người rất hạnh phúc khi mọi gánh nặng (sự bám víu) trong tâm của chính bạn được đặt xuống (xả ly).

Từ Đôi Mắt Tinh Nguyên

Bạn thân mến,

Giữa cuộc sống với nhiều điều không như ý, với nhiều bức bách, bất an, và thậm chí với nhiều khổ đau, làm sao bạn có thể thực hành đời sống xả ly để nắm bắt hạnh phúc? Đấy là câu hỏi của nỗi niềm thống thiết và là thách thức lớn nhất trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của bạn. Xin hãy đừng lo âu! Thông điệp của Kinh Trái Tim sẽ giới thiệu cho bạn một bước đi (nguyên lí) căn bản để bạn có thể thực tập đời sống xả ly và thụ hưởng nguồn hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại của đời sống, cho dù đời sống đó là bất an. Bước đi căn bản này được bắt nguồn từ “đôi mắt tinh nguyên” mà Người Tỉnh Thức Bình Yên (Avalokitésvara) đã thực hành thành tựu và đã vượt qua mọi khổ đau.

Để thực tâp bước đi căn bản này, trước hết bạn hãy nỗ lực làm cho đôi mắt của chính bạn trở nên long lanh, sáng ngời để nó có thể đạt đến một trạng thái tinh nguyên; nghiã là, hãy làm cho con mắt của bạn không còn bị giới hạn bởi “cái bạn đang là”!

“Cái bạn đang là” là gì? Đó chính là con người hiện tại của bạn, một con người được nhận diện qua năm yếu tố: cơ thể (body), cảm thọ (feeling), ảnh tượng của tri giác (perception), khuynh hướng tư duy (volitional action), và ý thức của các giác quan (consciousnesses).

Ở đây, cái nguyên nhân trực tiếp làm cho bạn bị phiền não, bất an, hay ngăn cản bạn thụ hưởng nguồn hạnh phúc sống động luôn trôi chảy, trước hết chính là sự “vẩn đục” của đôi mắt, hay nói khác đi là sự bám víu của đôi mắt (ngã kiến). Nói một cách cụ thể, bạn đang sống với/trong những sự thật như vầy: tôi đang bận tâm với cơ thể của tôi vì nó đang thay đổi; những cảm giác này là cái hoặc là tôi khao khát hoặc là cái tôi chán ghét; tôi đang sa đà hay bị cuốn hút một cách thụ động bởi những ảnh tượng (vui, buồn, thương, ghét, v.v.) trong tâm tôi; tôi bị buộc phải suy nghĩ miên man không tự chủ về một qúa khứ xa xôi hay về một tương lai mờ ảo; tôi có ý thức, nhưng ý thức của tôi bị tán loạn không ngừng .v.v. Những sự thật này chính là những biểu hiện của sự bám víu (chấp thủ), nó luôn làm vẩn đục đôi mắt của bạn và dĩ nhiên nó là sức mạnh vô hình dồn bạn vào bến bờ của cả hy vọng và sợ hãi. Trên thực tế, hy vọng và sợ hãi là hai yếu tố thường trực trong tâm của bạn, nó hiện diện ngay cả trong chiêm bao và mộng mị. Cho đến khi nào bạn những bám víu này được buông xuống, thì đôi mắt của bạn sẽ trở về tinh nguyên; nghiã là nó sẽ nhìn hiện hữu như là chính nó.

Làm sao cho đôi mắt trở về tinh nguyên?

Như đã đề cập ngay từ đầu, bạn cần phải ít nhất một lần bước vào hành tinh của ánh sáng, vì ở đó không có sự hiện diện của những năng lượng tối tăm, tức là những tâm thức tham, sân, kiêu mạn… Để bước vào hành tinh ánh sáng, trên nguyên tắc không phải là một công việc khó khăn hay nghiêm trọng; vì lẽ, bạn không cần phải làm thêm cái gì hết mà chỉ có bỏ bớt [những bám víu] đi thôi! Trong một giây phút, nếu bạn có thể bỏ đi những bám víu và để cho dòng tâm thức của bạn trôi chảy trong sự tịnh lạc, lập tức bạn có thể trở về với đôi mắt tinh nguyên. Để làm được điều đó, bạn nên tư duy về ba tư tưởng trọng yếu của cuộc sống như sau:

1. Bản chất của cuộc đời là vô thường, bạn không thể biến nó trở thành thường hằng; do đó hãy chấp nhận cả cái tốt lẫn cái xấu trong dòng biến dịch-vô ngã một cách không phản khán. Hãy thả mình để lắng nghe từng nhịp thở của cuộc sống!

2. Mục đích của cuộc sống con người là tìm kiếm hạnh phúc, và cao hơn là chân lý; vậy thì, nếu sự buông bỏ bám víu vào “cái tôi”, một cách nào đó, có thể sinh khởi nguồn hạnh phúc cho ta, tại sao không thực tập sự buông bỏ để sống hạnh phúc.

3. Cuộc sống vốn là một hợp thể không có thật tính, và do đó nó luôn bao hàm cả cái tốt lẫn cái xấu. Nếu chỉ chấp nhận cái mình ưa thích và chạy trốn cái mình không ưa thích, thế là mình trở thành kẻ bị động. Ngược lại, khi bạn sẵn sàng chấp nhận cả cái tốt lẫn cái xấu như thế là tự biến mình thành kẻ chủ động từ một gã cuồng si bị động. Sự thật là, khi nào bạn làm chủ được mình, lúc đó bạn sẽ làm chủ được thế giới chung quanh mình.

Ba tư tưởng này, trong vô vàn tư tưởng khác, sẽ giúp bạn trước hết là rửa sạch đôi mắt của mình và sau đó tạo dựng cho tâm thức của chính mình một sự bình yên nội tại. Người Tỉnh Thức Bình Yên, với đôi mắt tinh nguyên không vẩn đục, đã nhìn thấy như thật rằng bản chất của cơ thể này, của cảm thọ này, của mộng tưởng này, của tư duy này, và của ý thức này là một hợp thể nhân duyên, có đó rồi mất đó. “Cái tôi” thực chất chỉ là một ý niệm hão huyền. Do thấy như vậy mà mọi phiền não được rủ sạch, và người đã vượt thoát mọi khổ đau.

3. Biển và Sóng

Bạn thân mến,

Để có thể chấp nhận cả cái tốt lẫn cái xấu một cách tự tại, bạn cần phải nắm chắc trong tay một nguyên lí đó là tính cách “vô phân biệt” (không hai, không khác) của Bát nhã. Dĩ nhiên khái niệm “vô phân biệt” được dùng ở đây không có nghĩa là “không biết tốt, xấu”, mà trên căn bản nó là một “thách thức” của cái tự ngã độc tôn và vị kỷ. Vì thế, vấn nạn được đặt ra ở đây là: dẫu biết rằng chân lý của cuộc sống là vô thường và bạn cũng có thể chấp nhận điều đó một cách dễ dàng, nhưng từ trong đáy thẳm của tâm thức, làm sao bạn có thể chấp nhận rằng hạnh phúc không khác với khổ đau, hay hạnh phúc và khổ đau là một (sinh tử tức Niết bàn), hay như Kinh Trái Tim nói: “sắc tức là không, không tức là sắc”? Hay nói khác hơn, là một con người chúng ta khó có thể dung hóa hai ý niệm này làm một. Vì lẽ, theo tập quán của suy tư, ta luôn cho rằng hạnh phúc và khổ đau là hai yếu tố hoàn toàn trái ngược nhau, giống như thiên đường và địa ngục. Vậy thì làm sao để lĩnh hội được ý nghiã “bất dị” và “tức thị” (không hai, không không khác) này?

Chúng ta hãy lấy một thí dụ về sóng và nước từ đại dương. Trên thực tế, sóng là biểu hiện của nước và nước là bản chất của sóng; sóng khác nước một điểm duy nhất đó là sự biểu hiện nó—trồi lên lặn xuống liên hồi theo chuyển động của gió—mà thôi. Do đó, về mặt hiện tượng, sóng và nước có vẻ như hai, tức là sóng khác với nước, nhưng về mặt bản thể, sóng và nước là một, vì cả hai có cùng một thể: nước. Đấy là ý nghiã không hai, không khác của Bát nhã. Từ thí dụ này, bạn có thể thấy rằng khổ đau và hạnh phúc tuy khác nhau về mặt biểu hiện, như sự khác nhau giữa vui và buồn, nhưng về mặt bản thể, cả hai là một vì chúng đều phát sinh từ một dòng tâm thức. Sự thật là, vui cũng ở tại tâm mà buồn cũng ở tại tâm. Khổ đau và hạnh phúc, cho đến các phạm trù thuộc cảm thọ, mộng tưởng .v.v. cũng đều như vậy.

Tại sao bạn cần thiết phải suy gẫm về hình ảnh của sóng và nước? Vì rằng càng quan sát về nó bạn càng thấy rõ hơn về tác dụng của sự phân biệt, nhất là khi sự phân biệt đó nằm trong cơn khao khát của sự bám víu cuồng si vào “cái tôi” và “cái của tôi”, cũng như vào thế giới của dục vọng. Sự phân biệt dựa trên căn bản của tự ngã là con đường dẫn đến mọi sự bám víu, cố chấp.

Trên thực tế, nếu cuộc sống của bạn càng dựa trên đối đãi phân biệt chừng nào thì bạn càng cảm thấy bất an và căng thẳng chừng đó. Bạn có thể, chẳng hạn như, sẽ thấy rằng những người chung quanh không tốt như bạn, không bằng bạn, hay ở đẳng cấp khác với bạn, và do đó bạn không cảm thấy dễ chịu để trải lòng ra với họ. Những cái nhìn như thế chính là hiện thân của sự vị kỷ bắt nguồn từ ý niệm phân biệt. Khi càng chìm sâu vào ý niệm phân biệt, đời sống của bạn sẽ rơi vào trạng thái cố thủ; cũng từ đó, sự nghi ngờ, suy đoán, và tưởng tượng không ngừng tuôn trào trong tâm trí của bạn và nó sẽ phủ lấp mọi nguồn ánh sáng trong thực tại của tâm. Bạn sẽ trở thành một con người bận rộn với những miên man tư lự, sa đà với những niệm tưởng hão huyền chẳng khác nào một người điên lâm râm nói nhảm suốt ngày mà không biết mình đang nói cái gì. Và như thế, chính bạn đã đánh mất cuộc sống thực thụ của mình, đồng thời đánh mất luôn cả cái khả năng “sống tự tại” giữa lòng hiện hữu của mình. Ngược lại, bạn sẽ có khả năng sống tự tại trong mọi thăng trầm của cuộc đời—phong cách của bậc hành giả—khi nào mọi ý niệm phân biệt nhân-ngã đều được rủ bỏ.

Hơn thế nữa, như đã đề cập, mục tiêu của Bát nhã khi nói đến nguyên lí “vô phân biệt” là nhằm để đánh thức cái cơ đồ của bản ngã cá thể; nó luôn luôn là một chướng ngại lớn nhất gây ra mọi nỗi bất an trong đời sống tâm thức của bạn. Nó chia rẻ con người của bạn theo nhiều cách khác nhau: được, mất, hơn, thua, vui, buồn, danh vọng và không danh vọng. Nó cũng chính là nỗi ám ảnh mà bạn cưu mang canh cánh trong lòng từ khi biết cười, biết khóc. Bao bọc chung quanh cái bản ngã cá thể không gì khác hơn là những khoen xích nhân duyên sinh diệt liên hồi mà bạn cứ ngỡ rằng chúng là tất cả những gì bản thể của bạn. Chính vì thế, ánh sáng “vô phân biệt” của Bát nhã là một thanh kiếm báu khả dĩ chặt đứt mọi tơ duyên lằn nhằn của cái tự ngã độc tôn để đưa nó về với nguyên thể ban đầu—dòng thực tại vô ngã luân lưu bất tuyệt. Dòng thực tại vô ngã này chính là bản thể của tâm thức uyên nguyên, hay nói khác hơn, đấy là Phật tính. Vì lí do này, chúng ta thường nghe cách ngôn của Bát nhã rằng “quay đầu là bến” (hồi đầu thị ngạn).

Thật là một điều thú vị khi khám phá ra rằng, cuộc sống thực thụ của chúng ta không cần đến một bản ngã cá thể để hiện hữu, cũng như “hoa hồng, dẫu bạn gọi tên nó là gì đi nữa thì hương thơm của nó vẫn là như thế”. Cuộc sống thực thụ không cần một danh tính. Hạnh phúc thực thụ cũng không cần một danh tính. Bạn hãy một lần vô danh tính để thể nghiệm cuộc sống đang là.

4. Cõi Mơ

Bạn thân mến,
Từ đâu ta đến
Chưa khóc chào đời;
Về đâu ta sẽ
Khi nhắm mắt rồi?

Vâng, một câu hỏi như thế nghe có vẻ ngây ngô và không liên quan gì đến thực tế của cuộc sống, bây giờ và ở đây. Nhưng chính câu hỏi này sẽ là bàn tay vàng khả dĩ đánh thức bạn và giúp bạn vượt qua những lao đao của mộng tưởng để trở về với thế giới bình yên nội tại vốn chưa từng sinh và chưa từng diệt. Lời mà Kinh Trái Tim muốn nói với bạn đó là: “cái bạn đang là” là một cõi mơ”, vì tất cả không hề có một thực tính nào hết (tất cả hiện hữu được biểu thị là không); hay nói khác đi bạn và thế giới của bạn điều là hiện hữu của tương duyên mà thôi.

Ở đây, những gì trong mơ hẳn nhiên đều là phù du, giả tạm. Chúng không hề có thực. Như khi mắt bị nhậm, bạn thấy bông hoa xuất hiện giữa hư không; đến khi mắt hết nhậm, bạn không còn thấy nó nữa. Cũng vậy, cảnh trong mộng tuy là có thực, nhưng chỉ là thực của mộng; khi tỉnh giấc, mọi thứ trong mộng đều tan biến! Bản chất cuộc sống của chúng ta đều là như thế!

Hãy lấy một thí dụ. Khi chưa được sinh ra, bạn có tên hay không? Khi được sinh ra rồi, cái tên của bạn có phải là tất cả những gì thuộc về bạn, hay đơn thuần chỉ là một danh tính tạm thời đại diện cho bạn? Đi sâu hơn nữa, con người hiện tại bằng xương bằng thịt của bạn có phải là một bản thể bất biến, hay là nó luôn luôn biến đổi trong từng nhịp thở và nó sẽ bị hủy hoại sau một thời gian nhất định? Con người thực thụ của bạn đã là như thế huống gì là những tạo tác từ thân, miệng, và ý của bạn. Thế thì, “cái bạn đang là”, hay cái mà bạn cho là “cái tôi”, và “cái của tôi” đó há không phải là một cõi mơ ư! Vậy tại sao bạn phải ôm ấp một giấc mơ huyễn hoặc để rồi chơi vơi với những lụy phiền?

Suy nghiệm như thế nhằm để thấy rõ rằng: “Tất cả hiện hữu đều là cõi mơ.” Cho đến những ý niệm về sống, chết, nhiễm ô, trong sạch, thêm, bớt, vân vân đều là những giả định từ mộng tưởng; chúng là hiện thân của sự phân biệt và bám víu từ một tâm thức cuồng si mà thôi. Chỉ khi nào bạn vượt qua thế giới của phân biệt (nhị nguyên) này, thì khi đó bạn sẽ thực thụ bước vào một chân trời mới: hạnh phúc-thực tại, một thế giới mà ngôn ngữ của chúng ta trở nên không còn hiệu lực.

Vậy thì làm sao để thức tỉnh từ cõi mơ? Vâng, đó là câu hỏi tha thiết vô cùng mà chúng ta sẽ tự vấn khi một mình đối diện với chính mình. Để tỉnh thức, bạn không cần làm thêm một điều gì hết, việc duy nhất mà bạn cần thực tập đó là hãy nhìn thật lâu và thật sâu vào những gì đang sinh diệt chung quanh ta và trong chính con người của ta, và hãy thấy như thật rằng chúng chỉ là một cõi mơ, vậy thôi. Thực tập lâu ngày như thế bạn sẽ tự tạo cho mình một tâm hồn khoan dung vô hạn; nghĩa là bạn sẽ có khả năng rủ bỏ những gì không cần thiết cho cuộc sống của bạn, đó là những tâm lý buồn, giận, ganh, ghét, hơn, thua…Cho đến khi nào những tâm ái thủ đó được từ bỏ, trái tim từ bi của bạn sẽ bỗng dưng nở nụ trưng bày giữa biển khổ mênh mông. Và lúc đó, như thiên nga đã lìa ao hồ, bạn sẽ rong chơi tự tại ngay trên cuộc đời trần cấu này mà không cần phải chờ đợi đến một ngày nào đó sau khi đã hoàn tất những khát vọng.

Thử một lần tự hỏi: cho đến giờ phút này, bạn đã cầm chắc trong tay được cái gì giữa cuộc sống ngắn ngủi và không ngừng trôi chảy này? Thay vì một ngày nào đó bạn sẽ phải ra đi với những muộn phiền: được, mất, hơn, thua…, tại sao không bây giờ và ở đây sống thảnh thơi với hạnh phúc-thực tại, một hạnh phúc không bản ngã và nó chỉ hiện hữu bao lâu bạn còn sống, hiểu theo đúng nghĩa của từ này. Khi bị đắm chìm trong mộng mị, có nghĩa là bạn đã đánh mất sự sống của chính mình.

5. Bên Bờ Mộng Tưởng

Bạn thân mến,

Dựa vào nền tảng nào để bạn có thể nhìn thấy rằng hiện hữu chỉ là một cõi mơ? Vâng, đấy là một câu hỏi then chốt, như chiếc chìa khóa vàng, để bạn mở cánh cửa ảo vọng-nghìn năm và bước vào thế giới thực tại, một thế giới ở bên kia bến bờ của mộng tưởng.

Kinh Trái Tim, như bạn thấy đó, đã dùng một chuỗi phủ định liên hồi, cũng còn gọi là phủ định của phủ định, để đánh tan mọi phân biệt về có, không, sinh, diệt, về thường, đoạn, khứ, lai, hay nói đơn giản là bất kỳ những bám víu và phân biệt nào, cho dù sự phân biệt và bám víu đó là sinh tử hay Niết bàn. Một cách thức phủ định như thế không ngoài mục đích xua tan mọi phân biệt cho đến những ý niệm về phân biệt để đưa bạn về với thế giới xả ly, vô niệm. Đấy là một thế giới “viễn ly điên đão mộng tưởng”, là suối nguồn thực tại, là bản thể uyên nguyên vốn không hề sinh diệt. Điều quan trọng mà bạn cần phải lưu ý đó là thế giới đó không phải là những gì chỉ có thể đạt được sau khi chết, mà trái lại, nó luôn luôn hiện hữu ở đây, ngay tại con người này và mảnh đất trần thế này.

Hãy lấy một thí dụ, khả tính nghe của bạn ba mươi năm trước đây— khi còn là một hài đồng—và bây giờ, tức là ba mươi năm sau, có khác nhau không? Không. Nó vẫn là như thế! Bạn có thể sử dụng cái khả tính nghe cũng như bị chi phối bởi nó theo nhiều cách khác nhau, nhưng cái khả tính đó từ bản chất nó không hề thay đổi. Hễ có tiếng động là khả tính nghe xuất hiện một cách tự nhiên không phân biệt. Cũng vậy, thân thể của bạn tuy già cỗi theo năm tháng và chuyển hóa theo luật vô thường, nhưng giác tính của bạn vẫn là như thế. Nên nhớ rằng, bạn có tuổi nhưng tâm hồn của bạn không có tuổi. Và do đó, bao lâu bạn còn giữ được sự hồn nhiên, hay nói khác hơn, lấy sự hồn nhiên làm nền tảng cho cuộc sống thì bấy lâu bạn vẫn trẻ thơ và vẫn là trẻ thơ. Bạn đừng bận tâm quá nhiều vào tuổi tác, vì bản chất của tuổi tác không gì khác hơn là sự chồng chất của vui, buồn trong kiếp người mà thôi, dẫu rằng người ta thường xem tuổi tác như một thứ kinh nghiệm quan trọng. Trong dòng thực tại của tâm, tuổi tác không hề có một ý nghĩa nào. Nhưng trong thế giới của mộng tưởng, tuổi tác quả thực là ấn tượng vì nó là sự nối kết những biến cố thăng trầm của đời người.

Nhưng làm sao để quay lại với tuổi thơ khi mà tóc của bạn đã đổi màu và da của bạn đã dần khô cứng và sếp lại từng nếp nhăn? Vâng, chúng ta cảm ơn Kinh Trái Tim vì đã cho ta một phép lạ nhiệm mầu, đó là con đường sống xả ly, không cố chấp và không bám víu, cho dù sự bám víu đó được đặt ra trên căn bản của khát vọng về một miền Niết bàn vĩnh cửu. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi cho rằng khát vọng về Niết bàn là điều mà con người hằng mong ước, vì Niết bàn trên nguyên tắc khác hẳn với thế giới sinh tử, vô thường kia mà? Một suy nghĩ như thế, vâng, nghe có vẻ hợp lý trong suy luận của bạn, nhưng dòng suy nghĩ đó rõ ràng vẫn cưu mang đâu đó những chiều kích của tâm phân biệt, nhị nguyên. Trong khi đó dòng thực tại đang mãi miết chảy không hề có bất kỳ khái niệm nào về sinh tử hay Niết bàn. Cũng như bản chất của rượu, nó không hề có đặc tính “say” mà do con người “say” đó thôi. Đó là lý do tại sao, Kinh Trái Tim dùng chuỗi phủ định liên hồi để kết thúc bằng một phán quyết rằng “không có gì để đạt được hết” (vô trí diệc vô đắc). Vì lẽ, mọi sự diễn ra trên con đường giác ngộ chẳng khác nào một ông già biến thành trẻ con khi ông ta quẳng hết gánh ưu phiền để nô đùa với chúng.

Cũng vậy, cho đến khi nào bạn thực sự chân thành sống xả ly, nghĩa là sống vượt lên trên mọi phân biệt héo hắt, thì lúc bấy giờ khả tính của giác ngộ sẽ thực thụ hiển bày. Và bấy giờ bạn là Phật và Phật chính là bạn. Hay nói theo ngôn ngữ của Bát nhã, huyễn mộng và Niết bàn không hai không khác (samsāram eva nirvānam).[viii] Vâng, điểm đến của Bát nhã là như thế. Ố kià! tâm bất sinh, nó ở bên kia bờ của mộng tưởng! Ngay bây giờ, bạn có thể đến đó bằng con đường xả ly, vô niệm.

Sóng về xóa dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã bên dòng chân như.

6. Con Đường Cho Những Ai

Bạn thân mến,

Đến đây, lại một lần nữa, bạn hãy tự hỏi: mục đích cuộc sống của bạn là gì? Phải chăng đó là hạnh phúc và chân lý. Và ở một bình diện nào đó, cả hai chỉ là một. Vì khi bạn thực sự trực nhận được chân lý, khi đó bạn có hạnh phúc. Hạnh phúc và chân lý sẽ khác nhau khi chúng được đặt trong những quy ước của tập quán suy tư, nhưng trên chiều tuyệt đối, chúng không hề có khác biệt nào.

Cũng vậy, khi Người Tỉnh Thức Bình Yên trực nhận rằng bản chất của hiện hữu chỉ là một cõi mơ, người đồng thời vượt qua mọi khổ đau trong ý nghĩa “sống tự tại”. Và nền tảng của lối sống tự tại, giải thoát mọi ràng buộc đó đã được đúc kết thành những kinh nghiệm tâm linh quan trọng mà Kinh Trái Tim bảo rằng: “Người Tỉnh Thức Bình Yên, do không sở đắc nên sống an lành trong Tuệ giác Vô thượng và thoát ly tất cả chướng ngại. Và rằng, vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời những cuồng si mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.” Vâng, đây chính là con đường dành cho những ai đang băn khoăn giữa ngả tư đường, nơi mà bên này là trần tục và bên kia là thánh thiện.

Nói khác hơn, bạn đang sống trong một bối cảnh đa đoan phân biệt và với một tâm thức cũng đa đoan phân biệt, chính cái đa đoan phân biệt đó luôn thúc đẩy bạn đi đến những lựa chọn mà tự nó bao giờ cũng chia rẻ bất kỳ cái gì bạn thủ đắc trong tay, cho dù đó là Niết bàn. Và sự thật là, trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và chân lý, càng lựa chọn thì càng rối ren. Cuối cùng thì đó vẫn không phải là lối thoát thực thụ cho cuộc sống bình yên nội tại của bạn. Ở đây, “vượt qua khổ đau trong ý nghĩa sống tự tại” là một con đường thực tiễn, khả dĩ đưa đến hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể nghĩ rằng, nếu bỏ hết mọi đa đoan phân biệt thì cuộc đời của bạn sẽ ra sao đây? Thế giới sẽ trống vắng ư? Hay thế giới sẽ hoang dã ư? Không phải vậy! Khi mọi đa đoan phân biệt được đặt xuống, lúc đó bạn sẽ thực thụ tắm mình trong dòng hạnh phúc-thực tại, và bấy giờ cũng là lúc trái tim đại bi của bạn bắt đầu thức tỉnh. Chính trái tim đại bi là nguồn mạch của sự sống, nó nuôi lớn thánh tâm nơi bạn và cũng là chiếc thuyền từ cứu độ tha nhân. Tâm đại bi và tuệ giác bao giờ cũng là sự nghiệp của một vị Phật hay một vị Bồ tát. Với tâm đại bi đi vào đời, bạn sẽ không mệt mỏi vì trán ướt đẫm mồ hôi để làm lợi ích cho chúng sinh. Và có khi dòng nước mắt đại bi cũng chảy dài trên đôi má chan hòa cùng cái đau thương của những kẻ đang lang thang, thất thểu bên hè cùng với đói nghèo và bệnh tật. Tâm đại bi là đóa hoa bất tử. Bạn không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng tâm đại bi.

Nói tóm lại, khi đã buông bỏ mọi bám víu, đa đoan, tâm của bạn sẽ như hư không chan hòa cùng ánh sáng, ở đó sẽ không còn bất kỳ một tỳ vết nào của tự ngã, và do đó bạn vượt qua mọi chướng ngại. Kinh nhấn mạnh rằng, “vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời mọi cuồng si mộng tưởng.” Và, đó chính là lúc Niết bàn hiển lộ, hay nói khác đi, đó là lúc bạn thực thụ sống Niết bàn. Bấy giờ, gia tài bất diệt mà bạn sẽ mang theo khi đi vào đời là tuệ giác vô thượng và trái tim đại bi.

Thay lời kết

Bạn thân mến,

Kinh Trái Tim qủa là thanh kiếm báu để chặt đứt phiền lụy thế gian. Tuy nhiên, chỉ khi nào ứng dụng những lời dạy của kinh vào cuộc sống thực tiễn, bạn mới “thưởng thức” được hương vị nhiệm mầu của nó. Những thắc mắc mà bạn đang cưu mang (nếu có) sẽ được trả lời bằng đời sống xả ly của chính bạn, vì ngôn ngữ héo hắt của chúng ta không làm sao diễn đạt được cái mà tự thân nó là phi ngôn ngữ. Cũng như tình yêu, không ai có thể diễn đạt nó được, chỉ có sự cảm nhận và thể nghiệm trong im lặng mà thôi. Tất cả những gì mà chúng ta, trong một giới hạn nhất định, học được từ Kinh Trái Tim không ngoài mục đích làm cho đời sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa thực sự, vượt lên trên mọi đa đoan của lòng người để sống tự tại giữa thế gian và làm lợi ích cho thế gian. Trước khi giã từ bức thông điệp này, mong bạn hãy nhớ: “với tinh thần không sợ hãi, bạn hãy là người tỉnh thức bình yên đi vào thế gian để xây dựng Niết bàn, vì quê hương của Niết bàn là trần thế!” Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā. Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com