Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Ba: Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên

06/05/201107:22(Xem: 9240)
Phẩm Thứ Ba: Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN THIỂN THÍCH
Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng thuật
Vạn Phật Thánh Thành

Quyển Thượng
Phẩm Thứ Ba
Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên

Đây là phẩm thứ ba, nói về các nghiệp duyên của chúng sanh.

"Quán" là quán sát, xem xét.

Thế nào gọi là "chúng sanh"? "Chúng" có nghĩa là nhiều; "sanh" tức là sinh ra. Bởi do năm nhân tố—Sắc (hình sắc), Thọ (cảm thọ), Tưởng (suy nghĩ), Hành (hành vi), Thức (ý thức)—buộc ràng mà tạo thành thân thể, và do tác động của nhân duyên cảnh giới mà sinh ra, nên gọi là "chúng sanh."

Vì sao có "nghiệp"? "Nghiệp" là do thân (hành vi), khẩu (miệng—lời nói) hoặc ý (tư tưởng) gây tạo ra. Nói là "tạo ra," thì tại sao không gọi đó là "nhân" (nguyên nhân), mà lại gọi là "nghiệp"? "Nhân" chỉ có nghĩa là một loại nguyên nhân, lý do của một lần tạo tác mà thôi; còn "nghiệp" là tập hợp do các "nhân" tích lũy lại mà thành. Bởi trong "nghiệp" bao gồm quá nhiều loại "nhân" nên không thể gọi đó là "nhân" nữa, mà gọi là "nghiệp."

"Duyên" là nhân duyên, sự đưa đẩy dẫn đến việc tạo nghiệp. Nhân duyên tạo nghiệp thì nhiều vô số—mỗi chúng sanh đều có một nghiệp duyên khác biệt, cho nên cảnh giới mà mỗi chúng sanh gặp phải cũng không đồng nhất. Chẳng hạn, có chúng sanh thì lúc nào cũng được vui sướng, may mắn; vì sao? Đó là do trong các đời trước chúng sanh ấy trồng toàn "nhân lành" (thiện nhân), cho nên đời này được hưởng "quả lành" (thiện quả). Lại có những chúng sanh thường phải sống trong cảnh khổ sở khốn cùng, là vì sao? Đó là vì trong đời trước các chúng sanh ấy không hề gieo "nhân lành," mà chỉ trồng toàn "nhân xấu" (ác nhân); các "nhân xấu" ấy tích lũy lâu ngày trở thành "nghiệp xấu" (ác nghiệp), do đó đời này phải chịu quả báo khổ sở.

Ở đời, trồng thiện nhân thì được thiện quả; gieo ác nhân tất gặp ác báo. Thiện hay ác, tốt hay xấu, thì đều do cá nhân mỗi người tự gây tự tạo, chứ không phải do ai khác chỉ thị, sai khiến. Ngay cả việc thành Phật cũng vậy—chính bản thân quý vị phải nỗ lực dụng công tu tập để có được sự thành tựu, chứ không ai có thể làm thay cho quý vị được cả! Cho nên, nếu bây giờ quý vị tinh tấn dụng công tu hành tức là quý vị đang tinh tấn gieo trồng "nhân" Phật, và trong tương lai quý vị sẽ được thành Phật (tức là kết thành "quả" Phật). Nói cách khác, hễ quý vị tạo Phật nghiệp thì tương lai sẽ thành Phật, còn nếu tạo ma nghiệp thì tương lai chắc chắn sẽ làm ma làm quỷ!

Kinh văn:

Lúc đó, Đức Phật Mẫu Ma Da Phu Nhân cung kính chắp tay hỏi Bồ Tát Địa Tạng rằng: "Thánh Giả! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, cảm thọ sự báo ứng như thế nào?"

Ngài Địa Tạng đáp rằng: "Trong ngàn muôn thế giới cho đến các quốc độ, nơi có địa ngục hoặc không địa ngục, nơi có người nữ hoặc không người nữ, nơi có Phật Pháp hoặc không Phật Pháp, cho đến cả Thanh Văn và Bích Chi Phật cũng đều như thế, chứ chẳng phải riêng tội báo nơi địa ngục thôi đâu!"

Lược giảng:

Lúc đó, Đức Phật Mẫu Ma Da Phu Nhân... Ma Da Phu Nhân là mẹ của Đức Phật Thích Ca. Sau khi hạ sanh Đức Phật (Thái Tử Tất Đạt Đa) được mấy hôm thì Bà qua đời và được sanh lên cõi trời. (Vì Phật được sanh ra từ cạnh sườn bên trái của mẹ, nên có lẽ là do mất máu quá nhiều mà Phật Mẫu qua đời.) Thành Đạo rồi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại đi khắp nơi thuyết Pháp trong suốt bốn mươi chín năm, với hơn ba trăm Pháp Hội giảng Kinh. (Tôi nhắc lại lần nữa là hơn ba trăm Pháp Hội chứ không phải là ba trăm bộ Kinh như người nào đó đã nói hôm trước. Kinh Phật thì không phải chỉ vỏn vẹn có ba trăm bộ, mà là có đến cả mấy ngàn bộ!) Đến khi sắp nhập Niết Bàn, Đức Phật nhớ tới mẫu thân chưa được độ, bèn đến cung trời Đao Lợi để thuyết Pháp cho Bà nghe. Và bây giờ, thân mẫu của Đức Phật đang cung kính chắp tay. Đức Phật Mẫu tỏ ra cung kính như thế đối với ai? Đối với Địa Tạng Vương Bồ Tát!

Phật Mẫu chắp hai tay lại và kính cẩn hỏi Bồ Tát Địa Tạng rằng: "Thánh Giả! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù tạo nghiệp sai khác, cảm thọ sự báo ứng như thế nào? Tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề gây tạo nghiệp nhân đều không giống nhau, vậy chẳng hay quả báo mà họ thọ nhận thì sai khác ra sao?"

Ngài Địa Tạng đáp rằng: "Trong ngàn muôn thế giới cho đến các quốc độ, nơi có địa ngục hoặc không địa ngục..." Thế giới Cực Lạc là một thí dụ điển hình cho nơi không có địa ngục, không có ba đường ác; còn thế giới Ta Bà của chúng ta thì có ba đường ác—Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh.

"Nơi có người nữ hoặc không người nữ." Thế giới của chúng ta này đây thì có người nam và cũng có người nữ, có bậc Thánh nhân và cũng có kẻ phàm phu; còn ở thế giới Cực Lạc thì chỉ có người nam chứ không có người nữ. Thế thì, không có người nữ thì làm sao lại có người nam được? Quý vị chớ vội lo âu—người nam sanh về thế giới Cực Lạc thì vẫn là người nam; mà người nữ sanh về thế giới Cực Lạc thì cũng biến thành người nam cả. Như vậy, người ở thế giới Cực Lạc là từ đâu đến? Do ai sanh ra? Điều này có lẽ quý vị chưa hề biết tới—người ở thế giới Cực Lạc đều là "liên hoa hóa thân," tức là được sanh ra từ hoa sen chứ không phải từ bụng mẹ!

Vì sao chúng ta niệm Phật? Ở đây quý vị niệm một tiếng Phật thì tại thế giới Cực Lạc, "bà mẹ hoa sen" (liên hoa mẫu thân) của quý vị sẽ được trổ sanh; và hễ quý vị niệm Phật càng nhiều thì hoa càng lớn, niệm Phật càng thành tâm thì hoa càng tươi tốt. Nếu quý vị niệm Phật một cách thiết tha, thành khẩn, thì sau khi chết, "thân trung ấm" của quý vị (tức là "thức thứ tám"; song lúc chưa làm người, làm quỷ hoặc làm thần, thì gọi là "thân trung ấm") sẽ được tiếp dẫn vào trong hoa sen đó và hoa liền nở rộ—hoa vừa nở thì quý vị được sanh ra. Do đó, người ở thế giới Cực Lạc đều được sanh ra từ hoa sen, và tất cả đều là nam, không có nữ.

"Nơi có Phật Pháp hoặc không Phật Pháp." Có những quốc gia hoặc thế giới đương có Phật thuyết Pháp, có Phật Pháp trụ thế; và cũng có những nơi chẳng hề có sự hiện diện của Phật Pháp. Thế nào gọi là "nơi không Phật Pháp"? Đó là những nơi không có người giảng Kinh thuyết Pháp, không có tượng Phật, không có kinh điển, hoặc không có người xuất gia tu hành. Căn cứ theo kinh điển Phật Giáo thì ở châu Bắc Câu Lư không có Phật Pháp, và châu Bắc Câu Lư chính là một nơi trong Bát Nạn. "Bát Nạn" là gì? Đó là tám chỗ chướng nạn, khó khăn; nếu chẳng may sanh vào tám cảnh ngộ này thì không được thấy Phật nghe Pháp, chẳng thể tu học thành Đạo.

"Cho đến cả Thanh Văn và Bích Chi Phật—thậm chí có Thanh Văn hoặc không có Thanh Văn, có Bích Chi Phật hoặc không có Bích Chi Phật, có Bồ Tát hoặc không có Bồ Tát—thì cũng đều như thế, chứ chẳng phải riêng tội báo nơi địa ngục thôi đâu!" Với cái nhìn hạn hẹp của phàm phu chúng ta thì hàng Thanh Văn rất vui sướng; nhưng đối với cảnh giới của hàng Bồ Tát thì Thanh Văn cũng có cái khổ của Thanh Văn. Cho nên, ở đây chúng ta có thể giảng là "có khổ của Thanh Văn hoặc không có khổ của Thanh Văn, có khổ của Bích Chi Phật hoặc không có khổ của Bích Chi Phật."

Vậy, không phải chỉ có tội báo ở địa ngục là bình đẳng như nhau, mà bất luận ở nơi đâu và bất luận là ai, hễ người nào tạo nghiệp thì người đó phải chịu quả báo, không tạo nghiệp thì không bị quả báo—tất cả đều rất công bằng bình đẳng, chẳng chút thiên vị riêng tư!

Kinh văn:

Ma Da Phu Nhân lại bạch cùng Bồ Tát rằng: "Nay tôi muốn nghe về tội báo trong cõi Diêm Phù chiêu cảm lấy ác đạo."

Ngài Địa Tạng đáp rằng: "Thánh Mẫu! Mong Ngài lắng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó."

Phật Mẫu bạch rằng: "Xin Thánh Giả nói cho."

Bấy giờ Địa Tạng Bồ Tát nói với Thánh Mẫu rằng: "Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Đề là như vầy: Như có chúng sanh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Lược giảng:

Ma Da Phu Nhân, mẫu thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lại bạch cùng Bồ Tát rằng: "Nay tôi muốn nghe về tội báo trong cõi Diêm Phù chiêu cảm lấy ác đạo."

Lúc bấy giờ, Phật Mẫu lại thưa với Địa Tạng Vương Bồ Tát rằng: "Những thế giới khác đối với tôi thì xa xôi cách trở quá, và tôi cũng chưa hề đặt chân đến đó bao giờ; mà dẫu có đến rồi thì tôi cũng đã quên bẵng, cho nên tôi cũng không thắc mắc gì về các nơi ấy. Tôi nay chỉ muốn hỏi Ngài về chuyện ở cõi Nam Diêm Phù Đề. Tôi muốn biết về sự chiêu cảm lấy ác đạo do tội báo ở cõi Nam Diêm Phù Đề, và tạo nghiệp tội gì thì phải chịu quả báo gì. Tôi rất khao khát lắng nghe, xin Thánh Giả vì tôi mà thuyết giảng cho!"

Nghe mẫu thân của Phật thỉnh cầu như vậy, Ngài Địa Tạng đáp rằng: "Thánh Mẫu! Mong Ngài lắng nghe nhận lấy, tôi sẽ lược nói việc đó. Tôi mong rằng Thánh Mẫu sẽ tiếp thọ những đạo lý mà tôi sắp nói đây. Song, tôi chỉ nói sơ lược thôi, chứ không thể giảng kỹ từng chi tiết một, vì nếu giảng kỹ thì suốt cả mấy đại kiếp giảng cũng không hết được. Cho nên, tôi chỉ nói khái quát mà thôi!"

Phật Mẫu bạch rằng: "Xin Thánh Giả nói cho." Thấy Địa Tạng Vương Bồ Tát hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu của mình thì Phật Mẫu vui mừng reo lên: "Tôi rất sung sướng và sẵn sàng đón nghe lời giảng của Bồ Tát!"

Bấy giờ Địa Tạng Bồ Tát nói với Thánh Mẫu rằng: "Danh hiệu của những tội báo trong cõi Nam Diêm Phù Đề là như vầy..." Bây giờ Bồ Tát Địa Tạng bắt đầu kể tên của những tội báo mà chúng sanh trót gây tạo ở cõi Nam Diêm Phù Đề và rồi chiêu cảm ra các cảnh địa ngục:

"Như có chúng sanh chẳng hiếu thảo với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ, kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được." Giả sử có chúng sanh nào bất hiếu, thậm chí nhẫn tâm sát hại cả cha và mẹ của mình, thì kẻ đó phải vĩnh viễn ở trong địa ngục Vô Gián mà đền tội, chẳng bao giờ được thoát ra.

Chúng sanh chúng ta có bổn phận phải hiếu thảo với cha mẹ. Không hiếu thảo với cha mẹ là đã có tội rồi, huống chi là giết hại cha mẹ!? Đó đều là những tội ác tày trời. Chúng ta làm người thì phải biết ăn ở cho hiếu thảo với cha mẹ, chu toàn bổn phận làm con. Tại sao con người cần phải lo tròn hiếu đạo? Hiếu thảo là gốc của con người; nếu không hiếu thảo với cha mẹ tức là quên mất nguồn cội. Có câu:

"Cha cho sự sống, mẹ đẻ dưỡng nuôi,

công ơn bao la, khó trọn báo đáp. "

(Phụ hề sanh ngă, mẫu hề dục ngă,

hạo thiên vơng cực, toát phát nan báo.)

Nghĩa là cha cho ta sự sống, mẹ sinh đẻ dưỡng nuôi, công ơn ấy bao la không bờ bến, còn cao hơn trời và dày hơn đất nữa; chúng ta khó thể báo đáp cho trọn vẹn. "Hạo thiên" tức là bầu trời cao rộng hơn hết; song, dù cao đến đâu, rộng đến thế nào, thì cũng không thể sánh bằng công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho nên, là kẻ làm con, chúng ta nhất định phải hiếu thuận cha mẹ.

Thế nào gọi là hiếu thuận cha mẹ? Phải chăng ngày ngày chúng ta mua cho cha mẹ vài món ngon vật lạ, dăm bộ quần áo mới, tức là có hiếu rồi? Chưa phải! Đó chỉ là "hình thức," là lớp vỏ ngoài của sự hiếu thuận mà thôi. Vậy thì "nội dung" của hiếu thuận là gì? Chúng ta phải "lấy thuận làm hiếu"—chiều theo tâm ý và nguyện vọng của cha mẹ mình. Cha mẹ vui thì mình cũng nên vui, những gì cha mẹ yêu thích thì mình cũng nên mến chuộng.

Có người vừa nghe như thế liền nói: "Như thế tức là hiếu thuận ư? Cha tôi thích hút thuốc phiện, mỗi ngày hút hết một lạng; nay tôi hút mỗi ngày hai lạng thuốc tức là tôi có hiếu lắm rồi, vì tôi biết thuận theo sở thích của cha tôi!" Đó có phải là "thuận" không? Không phải! "Thuận" là thuận theo tâm ý chứ không phải thuận về chuyện hút xách, ăn uống. Thí dụ, thấy cha mình thích ăn bánh mì bơ, mình cũng muốn giành ăn: "Con cũng thích món này. Ba để con ăn trước, con ăn no rồi thì ba hẵng ăn!" Đó gọi là "tranh" chứ không phải "thuận." "Thuận" ở đây tức là thuận theo những ước muốn chánh đáng của bậc cha mẹ đối với con cái. Chúng ta phải tìm hiểu tâm nguyện cũng như sở thích của cha mẹ để khỏi làm trái ý hoặc phụ lòng mong mỏi của cha mẹ—đó gọi là "hiếu" vậy.

Vừa rồi chúng ta có nghe nói là công ơn của cha mẹ thì "toát phát nan báo." "Toát phát" có nghĩa là số tóc trên đầu. Vậy, "toát phát nan báo" ngụ ý rằng tóc trên đầu còn có thể đếm được (tuy khó!), chứ ơn cha nghĩa mẹ thì khó thể đáp đền; cho nên ai ai cũng phải hiếu thảo với cha mẹ.

Trong khóa hè năm ngoái, tôi đã giảng về câu "dê con quỳ bú, quạ mớm nuôi mẹ" (cao dương quỳ nhũ, ô nha phản bộ).Câu này có nghĩa là dê con mỗi khi bú đều quỳ hai chân trước xuống trước mặt dê mẹ, còn quạ con thì biết mớm mồi nuôi quạ mẹ (do đó ở Trung Hoa người ta gọi quạ là loài chim hiếu—hiếu điểu). Vì sau khi ấp trứng nở ra quạ con, quạ mẹ già yếu không bay đi kiếm mồi được nữa, quạ con bèn đi tìm thức ăn mang về cho quạ mẹ. Quý vị xem, quạ và dê đều là loài cầm thú mà còn biết hiếu thảo với cha mẹ, huống hồ là loài người chúng ta? Do đó, nếu chúng ta ăn ở bất hiếu với cha mẹ, thì chúng ta còn thua cả loài cầm thú nữa! Loài người chúng ta có đầy đủ hạnh đức Ngũ Thường—nhân, lễ, nghĩa, trí, tín—thì lẽ nào chúng ta lại chẳng bằng cả loài quạ loài dê? Cho nên, làm người thì điều quan trọng nhất là phải hiếu thảo với cha mẹ!

Có người bùi ngùi hối tiếc: "Tôi rất thiết tha muốn báo hiếu cho cha mẹ; tiếc thay nay tôi đã xuất gia đi tu rồi, không thể cận kề hôm sớm để chăm sóc song thân, vậy thì tôi phải làm thế nào để báo hiếu bây giờ?"

Xuất gia tu hành là một hành động thể hiện lòng "đại hiếu," bởi đó chính là hạnh hiếu thảo vĩ đại nhất, cao cả nhất. Có câu:

"Một người con vào cửa Phật, tổ tiên chín đời được lên cơi trời."

(Nhất tử nhập Phật môn, cửu tổ thăng thiên.)

Nếu quý vị xuất gia tu Đạo thì tất cả tổ tiên trong chín đời đều nhờ công đức tu hành của quý vị mà được siêu thăng lên cõi trời. Cho nên, xuất gia không phải là chỉ báo hiếu cho cha mẹ hiện đời, mà còn báo hiếu cho cả cha mẹ và tổ tiên trong những đời quá khứ nữa! Tuy nhiên, quý vị xuất gia mà phải chân chánh tu hành thì mới báo hiếu được; còn nếu quý vị cứ giải đãi, không tinh tấn dụng công tu tập, thì "cửu tổ" của quý vị vẫn phải đọa địa ngục, và bấy giờ họ sẽ than khóc ầm ĩ. Vì sao họ khóc? Họ than thở với nhau rằng: "Tôi cứ tưởng là có được đứa cháu xuất gia tu Đạo thì chúng ta sẽ nhờ đó mà được thăng thiên. Ngờ đâu đứa cháu này lại chẳng chuyên cần tu tập, suốt ngày chỉ biết ngủ với nghỉ, vô cùng lười biếng! Giờ đây những nghiệp tội của chúng ta không được xá miễn chút nào cả, và chúng ta vẫn phải tiếp tục trầm luân trong địa ngục."

Vì vậy, tuy nói rằng xuất gia tu hành thì "cửu tổ" của mình được sanh thiên, nhưng nếu quý vị không tinh nghiêm tu Đạo thì "cửu tổ" vẫn bị đọa địa ngục như thường. Chớ nói rằng: "Tôi đã xuất gia đi tu rồi, ‘cửu tổ’ nhất định sẽ được thăng thiên!"; bởi vấn đề không phải như vậy! Nếu quý vị chỉ cạo đầu xuất gia rồi chẳng chịu tu hành gì cả, thì "cửu tổ" vẫn không được thăng thiên; trái lại, nếu quý vị chân chánh tu hành thì trong tương lai sẽ siêu độ được cha mẹ cùng tổ tiên của quý vị, và đó chính là "đại hiếu" vậy.

Bây giờ tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện về một chú tiểu Sa Di, đệ tử của tôi. Hôm nay tôi đến Phật Đường và đợi rất lâu mà chú ta vẫn chưa ngủ dậy. Thấy thế, một vị Sư Phụ vốn rất hiền hòa cũng phải nổi nóng mà gắt lên: "Kẻ xuất gia sao lại lười biếng đến thế?"

Chú Sa Di này cũng ngoan, không đối đáp lại tiếng nào. Sau đó, tôi tra hỏi cặn kẽ mới hiểu ra đầu đuôi sự việc; quý vị có biết như thế nào không? Bây giờ tôi kể ra cho mọi người cùng biết: Thì ra chú Sa Di này cứ nằm dài như thế là vì đói chứ không phải lười biếng! Chú ta đói đến nỗi lả người, tay chân bủn rủn. Vì sao chú đói đến như vậy ư? Mấy hôm nay chú ấy muốn thử mang bình bát đi hóa duyên một mình, ngày nào chú cũng đi nhưng đều không được ai bố thí cho cả. Thế là chú sanh ra giận dỗi, trở về chùa cũng không chịu ăn uống gì cả. Đến hôm nay nữa là chú đã nhịn đói được sáu, bảy ngày rồi, cho nên mới kiệt sức, không ngồi dậy nổi! Ấy thế mà tôi chưa rõ sự tình ra sao cả đã vội nóng nảy rầy la chú ta một trận nên thân! Cũng may là sau đó tôi nghĩ lại và căn dặn chú: "Vì sao con lười biếng thế? Con nên nói thật cho Sư Phụ biết!"

Bấy giờ chú ta mới chịu thú thật: "Vì không có ai bố thí cho con, con không có gì ăn cả nên mới bị kiệt sức, Sư Phụ ạ!"

Nghe chú nói như vậy, tôi mới vỡ lẽ và tự trách mình: "Ôi! Sư Phụ đã mắng oan con rồi!" Và tôi bảo chú Sa Di: "Nếu con cảm thấy trong người còn yếu thì cứ ở trong phòng mà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Sư Phụ mở cho con một ‘cánh cửa’ phương tiện vậy!"

Quý vị thấy đó, làm Sư Phụ thật là không phải dễ! Đối phó với đệ tử, lắm lúc ông Sư Phụ cũng bối rối, không biết nên dùng phương pháp gì để giáo hóa cho thích hợp—đệ tử bị bỏ đói mà ông còn rầy la trách mắng nữa! May thay, chú đệ tử này quả có dụng công tu tập thực sự. Quý vị nghĩ xem, sáu, bảy ngày trời không ăn gì cả thế mà vẫn có thể cùng đại chúng tụng kinh, bái sám, và đến lớp nghe giảng kinh đều đặn như thường lệ—nếu không có công phu tu tập thì làm sao chịu đựng nổi!? Cho nên, bây giờ "lửa" giận đã tắt, tôi cũng thấy mừng là có được người đệ tử biết chăm chỉ dụng công tu hành—như thế cũng không tệ lắm! Tôi mong rằng các đệ tử khác đều học theo hạnh của chú Sa Di này, tập tánh nhẫn nại, nhịn nhục, dầu bị Sư Phụ quở trách cho một trận cũng không việc gì!!!

Ngoài ra, trên bước đường tu học, quý vị nhớ là đừng lo nghĩ về chuyện mình đã một ngày chưa ăn, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày chưa ăn—hãy gạt bỏ chuyện đó ra khỏi tâm trí. Ăn rồi với chưa ăn đều như nhau, chưa ăn hay ăn rồi thì cũng thế—đừng nhớ là mình đã ăn hay chưa ăn nữa. Phải quên đi chuyện ăn rồi hay chưa ăn—như thế mới là chân chánh tu Đạo! Song, nếu không chân chánh tu Đạo, thì quý vị sẽ quên không nổi!

Nếu chân chánh tu Đạo, thật sự dụng công, thì quý vị sẽ có được Định lực chân chánh. Một khi quý vị đã có Định lực chân chánh rồi, thì đừng nói là bị tôi la mắng, mà dù có bị tôi đánh đập đi chăng nữa, quý vị cũng không hề hay biết và cũng chẳng thắc mắc: "Ai đánh tôi thế? Tôi đang ở đâu vậy?" Vì sao ư? Bởi vì bấy giờ quý vị không thấy có cái "tôi" nữa! Khi quý vị không còn cái "ngã," không còn thấy có sự hiện hữu của một cái "tôi" to tướng nữa, thì lúc đó mới thật là có Định lực chân chánh! Nếu quý vị vẫn còn cái "tôi," vẫn còn nhớ rõ: "Hừ! Ông đánh tôi! Ông mắng tôi! Ông nói xấu tôi! Tôi đói, tôi chưa ăn cơm!..." Quý vị chưa quên được điều này, thì Định lực chưa thể nảy sanh. Nhất định phải quên nó đi thì Định lực mới có thể nảy sanh; Định lực nảy sanh rồi tức là có được công phu chân chánh vậy!

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh nào làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính tôn kinh, kẻ đó cũng phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh nào làm thân Phật chảy máu..." Đây chỉ là giả thiết, ví dụ là có hạng chúng sanh phạm một tội ác như thế mà thôi. Thế nào gọi là "làm thân Phật chảy máu" (xuất Phật thân huyết)? Hiện nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập Niết Bàn rồi, thì làm sao có thể bị chúng sanh "làm thân Phật chảy máu" được? Vả lại, chúng ta không sanh vào thời Đức Phật còn tại thế, cũng không gặp được Phật, thì làm sao có thể "làm thân Phật chảy máu" được?

Vào thời Đức Phật còn tại thế, thì "làm thân Phật chảy máu" có nghĩa là làm cho thân thể của Phật bị tổn thương, gây thương tích cho Phật. Còn sau khi Phật nhập Niết Bàn, thì "làm thân Phật chảy máu" tức là phá hủy tượng Phật, như cố tình làm sứt mất một lỗ tai hoặc làm gãy một ngón tay... của tôn tượng. Ngay cả thiêu đốt các tranh vẽ hình Phật bằng giấy cũng thế, đó cũng chẳng khác nào "làm thân Phật chảy máu" vậy! Tội này vốn không thể sám hối mà tiêu tan được, song có thể tùy theo tình huống mà có sự "khai duyên." Chẳng hạn nếu do say rượu, mắc bệnh điên cuồng hoặc tâm trí rối loạn bất thường, mà phạm phải, thì được xem là ngoại lệ, không bị khép vào thứ tội này. Tuy nhiên, nếu viện cớ mình tinh thần bất ổn hoặc là say rượu, rồi cố ý làm càn, thì nhất định là có tội. Nếu quý vị do vô tình mà trót phạm, thì nghiệp tội có nhẹ bớt phần nào.

Lúc Đức Phật còn tại thế, oai lực thần thông của Phật lớn lao như vậy, thì ai mà có thể "làm thân Phật chảy máu" được? Phật đã chứng quả rồi thì ai mà có thể hãm hại, gây thương tích cho Phật được? Ở đời, lắm lúc cũng có những sự việc xảy ra ngoài sức dự liệu của con người—Phật cũng có thể bị ám hại, bị hành hung vậy. Quý vị đã có bao giờ nghe đến cái tên "Đề Bà Đạt Đa" chưa? Tôn Giả Đề Bà Đạt Đa vốn là em chú bác của Đức Phật Thích Ca, nhưng ông lại thường xuyên gây khó dễ cho Phật, chuyên môn chống đối Phật. Phật thuyết pháp này thì ông phá hoại, Phật thuyết pháp kia thì ông đả kích. Nói tóm lại, bất cứ điều gì Phật làm ông cũng bài bác và cho là không đúng cả! Thế thì, Đề Bà Đạt Đa hãm hại Đức Phật như thế nào?

Có một lần, Đề Bà Đạt Đa tìm một phụ nữ gia cảnh rất nghèo khó, và nói với cô ta rằng: "Cô hãy giúp ta một việc này; khi xong việc, ta sẽ thưởng cho cô một món tiền rất lớn!"

Con người trong cảnh túng thiếu thường dễ bị đồng tiền lung lạc, có kẻ miễn có tiền là chịu làm tất cả, và người phụ nữ này cũng không thoát khỏi lẽ thường tình đó; vì thế, cô ta sốt sắng hỏi: "Ngài cần tôi làm việc gì?"

Đề Bà Đạt Đa bảo: "Cô hãy độn một cái gối trong bụng, giả vờ là đang mang thai. Sau đó, đợi đến lúc Phật thuyết pháp thì cô hãy ra trước mặt các đệ tử của Phật mà tuyên bố rằng đứa bé trong bụng cô là con của Phật; như thế, thanh danh của Phật sẽ bị hoen ố và các đệ tử của Phật sẽ không còn tin tưởng ở Phật nữa. Việc thành rồi ta sẽ thưởng cho cô rất hậu hỹ."

Người phụ nữ ấy y lời, răm rắp làm đúng theo lời dặn—cô độn bụng cho lớn và ngang nhiên nói với đệ tử của Phật rằng đứa bé trong bụng cô ta là con của Phật, cố ý bôi nhọ thanh danh của Phật. Nhưng Đức Phật có thần thông, Ngài dùng thần thông làm cho cái gối độn bụng của cô ta tuột ra và rớt xuống trước sự chứng kiến của mọi người, nhờ đó ai nấy đều hiểu ra là cô ta muốn vu oan giá họa cho Phật. Đây là một trong những cách Đề Bà Đạt Đa dùng để ám hại Phật trong lúc Phật giảng Kinh thuyết Pháp.

Lại có một lần Đề Bà Đạt Đa dùng thần thông để ám hại Phật. Bởi Đề Bà Đạt Đa cũng có thần thông, cho nên một hôm nọ, nhân lúc Phật đang trên đường tới núi Linh Thứu, ông xô núi cho lở ra để đá lăn đổ xuống, chủ ý là đè Đức Phật đến tan xương nát thịt. May thay, ngay khi ông ra tay đẩy núi, thì vị Kim Cang Lực Sĩ (cũng chính là vị sơn thần giữ núi Linh Thứu, tên là Bối Lạp) trông thấy; và thế là từ đàng xa, Thần Bối Lạp giơ chùy Kim Cang ra đỡ lấy núi, khiến bao nhiêu đá núi đều văng ngược trở lại. Đá bị vỡ vụn văng tung tóe, và có một hòn đá nhỏ văng trúng đầu ngón chân út của Phật, làm cho rách da chảy máu—đây chính là "làm thân Phật chảy máu." Lần này thân Phật có bị chảy máu song cũng không hề gì; tuy nhiên, liền ngay lúc đó, có một chiếc xe hừng hực lửa của địa ngục chạy đến, Đề Bà Đạt Đa bị bắt sống và áp giải về địa ngục.

Đề Bà Đạt Đa vừa "làm thân Phật chảy máu" thì liền bị đọa địa ngục ngay lúc còn sống, phải mang nhục thân vào địa ngục. Người đời nay, nếu thiêu đốt hình Phật, phá hủy tượng Phật, hoặc đập phá chùa chiền, tháp miếu thờ Phật, thì đều bị xem là phạm cùng một tội với Đề Bà Đạt Đa—tức là "làm thân Phật chảy máu" vậy.

"Hủy báng Tam Bảo." Thế nào gọi là "hủy báng Tam Bảo"? Chúng ta, những người tin Phật, phải nhớ kỹ là chớ phạm tội này—tuyệt đối đừng bao giờ khinh chê Tam Bảo, nói xấu Phật Pháp Tăng.

Trong Giới hạnh Bồ Tát có giới điều "không rao nói lỗi của Tứ Chúng." Tứ Chúng là gồm có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Người đã thọ Bồ Tát Giới thì không được rêu rao, bàn tán về những lỗi lầm, sai sót của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Chính bản thân mình không nói đã đành, nếu bắt gặp người khác nói lỗi của Tứ Chúng thì quý vị cũng đừng góp chuyện hoặc nói hùa theo, mà phải như là mình không nghe thấy gì cả vậy. Vì sao? Vì nếu quý vị hùa theo họ mà bàn ra tán vào thì quý vị cũng sẽ mắc tội "hủy báng Tam Bảo," và đồng thời phạm luôn cả tội "rao nói lỗi của Tứ Chúng." Do đó, tốt nhất là cứ ngậm miệng làm thinh!

Ngoài ra, kiến giải của phàm phu chúng ta thường hay có chỗ sai lầm, bên cạnh đó, cảnh giới của hàng thánh nhân lại không phải là những gì mà phàm phu chúng ta có thể biết rõ được—chẳng hạn như bậc Sơ Địa Bồ Tát thì không thể biết được cảnh giới của hàng Nhị Địa Bồ Tát, Thập Địa Bồ Tát thì không thể biết được cảnh giới của Đẳng Giác Bồ Tát, Sơ Quả A La Hán thì không thể biết được cảnh giới của Nhị Quả A La Hán... Cho nên, khi chưa có được trí huệ chân chánh thì chúng ta không nên sanh tâm hủy báng Tam Bảo, và cũng đừng rao nói lỗi của Tứ Chúng. Cho dù họ rõ ràng là có lỗi, quý vị cũng chớ vội phê phán; vì sao? Quý vị biết được cái sai của người ta, thì hãy lấy đó mà răn mình để tránh và làm cho đúng là được rồi; chứ đừng như cái máy chụp hình, toàn lo chụp hình cho người khác, còn chính mình hình thù như thế nào thì lại không hay không biết!

Giảng đến đây, tôi nhớ đến một công án về Chí Công Thiền Sư, đời vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa. Đương thời, mỗi ngày Chí Công Thiền Sư đều ăn hai con chim bồ câu. Thấy thế, người đầu bếp nghĩ rằng thịt bồ câu hẳn là ngon lắm, và một hôm anh ta lén ăn bớt một cái cánh của chim bồ câu. Chí Công sau khi ăn hết hai con bồ câu thì hỏi anh ta: "Tại sao ngươi ăn vụng thịt bồ câu của ta?"

Người đầu bếp liền chối: "Bạch Thầy, con đâu dám làm thế!"

Chí Công gặn hỏi: "Không phải sao? Ông xem này!" Nói xong, Ngài há miệng và khạc ra hai con chim bồ câu—một con vỗ cánh bay đi liền, còn con kia thì không bay đi được vì bị thiếu mất một cái cánh! Và Ngài hỏi tiếp trước sự sửng sốt của người đầu bếp: "Nếu ông không ăn thì cánh của con chim này mất đi đâu?"

Quý vị xem, cùng là ăn thịt chim bồ câu đã được nấu chín và chặt nhỏ, mà Chí Công Thiền Sư thì có thể khạc ra lại nguyên vẹn con bồ câu còn sống; còn người đầu bếp thì không có được khả năng ấy—ăn vào bụng rồi là thôi, chẳng thể làm cho nó sống lại được. Cho nên, cảnh giới của Chí Công Thiền Sư là "ăn mà như không ăn" vậy.

Lại có một công án khác về Tế Công Thiền Sư ở chùa Linh Ẩn tại Tây Hồ, Hàng Châu (Trung Hoa). Ngài là một vị Sư như thế nào? Ngài ăn thịt chó, uống rượu, và ngày nào cũng uống đến say mèm, đến nỗi vừa nhìn là ai nấy đều biết ngay đó là một ông Sư say rượu, chẳng chối cãi gì được! Song, thật sự thì những khi say sưa như thế chính là lúc Ngài giáo hóa chúng sanh.

Một lần nọ, trong chùa tạc một pho tượng Phật và muốn thếp vàng. Tế Công Thiền Sư hay tin liền bạch với Hòa Thượng phương trượng: "Xin Hòa Thượng cho phép tôi thếp vàng pho tượng Phật này, khỏi phải kêu mướn ai cả!"

Hòa Thượng phương trượng bằng lòng. Thế nhưng đợi mãi vẫn không thấy Tế Công thếp vàng cho pho tượng, vị Sư quản lý bèn nhắc: "Ông muốn thếp vàng tượng Phật này, nhưng sao chờ mãi mà không thấy ông làm gì cả?"

Tế Công nói: "Vâng, tôi sẽ làm ngay."

Đến tối hôm ấy, Tế Công lại cũng uống rượu say mèm như mọi khi, rồi đợi cho mọi người đều đi ngủ cả, Ngài đến trước pho tượng Phật mới tạc và há miệng khạc vàng ra rồi phun lên pho tượng. Bấy giờ, khi toàn thể bức tượng đã được bao phủ bởi một lớp vàng sáng lóng lánh, chỉ còn sót một chỗ trên đỉnh đầu mà thôi, thì vị Sư quản lý nghe thấy tiếng khạc nhổ om sòm của Tế Công, bèn tức tốc chạy đến xem và trách móc: "Sao ông lại cả gan đến thế? Ông dám nhổ đờm lên tượng Phật à?"

Tế Công chỉ nói: "Thế à? Thôi, tôi không nhổ nữa"; và bỏ đi.

Hôm sau, mọi người ra xem thì thấy tượng Phật đã được thếp vàng xong xuôi, chỉ còn sót một chỗ nhỏ trên đỉnh đầu mà thôi. Vì thế, trong chùa phải gọi người thợ chuyên môn thếp vàng đến làm nốt cho xong; nhưng lớp vàng đắp thêm đó lại không đẹp bằng vàng mà Tế Công khạc nhổ ra!

Quý vị xem, cảnh giới của hàng A La Hán thật là không thể nghĩ bàn! Do đó, chúng ta là những người tin Phật thì không nên ngồi lê đôi mách, rao nói lỗi của Tứ Chúng. Bởi nếu đối tượng mà quý vị xúc phạm là người bình thường thì có thể không hề gì, nhưng nếu nhằm bậc thánh nhân đã chứng quả thì quý vị sẽ mang tội. Mang tội thì sẽ ra sao? Thì quý vị sẽ bị đọa địa ngục!

Tại sao có những người muốn hủy báng Tam Bảo? Đó là vì họ không có tín tâm! Nguyên nhân nào khiến những kẻ ấy không có tín tâm? Tùy theo trường hợp, có lúc là do họ giao du nhằm bạn xấu mà ra. "Bạn xấu" là bao gồm những kẻ xấu xa, ác độc, không hiểu Phật Pháp. Những kẻ ác không hiểu Phật Pháp thì thường hủy báng Tam Bảo, do đó nếu người nào kết giao với họ thì cũng bị tiêm nhiễm, dần dần cũng có thói khinh chê, hủy hoại Tam Bảo như họ vậy.

Ngoài ra, những người siểm khúc, ngu si cũng thường hủy báng Tam Bảo. Thế nào gọi là "siểm khúc"? "Siểm khúc" là siểm nịnh, nịnh nọt—người thời nay thường nói là "tâng bốc, bợ đỡ." Như có những người không tiếc lời ca tụng, tấm tắc khen ngợi quý vị, để được quý vị tin yêu, rồi sau đó lợi dụng sự tin yêu của quý vị để mưu đồ lợi lộc riêng tư—như thế gọi là "siểm khúc," bởi tâm địa của họ vốn khúc mắc quanh co, gian manh xảo trá, chứ không phải ngay thẳng, thành thật. Vì sao họ lại siểm khúc như thế? Bởi vì họ ngu si! Song le, những kẻ ngu si đó lại tự cho rằng mình vô cùng thông minh tài trí, nên ôm trong lòng một nỗi "thông minh mạn"—kiêu hãnh, ngạo mạn về trí thông minh hão của mình!

"Thông minh mạn" cũng chính là "tăng thượng mạn"—là thứ kiêu căng ngã mạn giống như của năm ngàn người bỏ ra về, không dự Pháp Hội thuyết Kinh Pháp Hoa vậy. Người "tăng thượng mạn" mang trong lòng mối "thông minh mạn"—họ có phần nào thông minh, song rất kiêu ngạo, xem thường người khác, coi ai cũng không bằng mình. Do thói ngạo mạn về trí thông minh của mình, nên họ không tin Chánh Pháp, lại còn khinh chê, hủy báng giáo lý của Đức Phật, "móc" bỏ Pháp Nhãn của chúng sanh. Tại sao nói như thế? Bởi chúng sanh vốn có Trạch Pháp Nhãn (con mắt, khả năng biết chọn lựa Pháp), nhưng họ lại muốn làm cho chúng sanh mất phương hướng, lầm đường lạc lối, như thế thì có khác nào cầm dao khoét mất "con mắt" Trạch Pháp Nhãn của chúng sanh?

Những kẻ làm cho chúng sanh không còn Trạch Pháp Nhãn này, trong tương lai sẽ bị quả báo thân thể có khuyết tật hoặc tàn phế, như không có tay hoặc không có chân. "Không có chân" tức là mắc bệnh liệt hoặc bệnh khoèo, và thường là không đi đứng được hoặc chỉ đi khập khiểng. Họ cũng có thể phải chịu quả báo bị câm, tuy có lưỡi nhưng không nói được. Vì sao có người bị câm? Quý vị cần phải lưu ý điểm này—người câm trên thế gian này đều là do hủy báng Tam Bảo mà ra!

Những kẻ hủy báng Tam Bảo sẽ bị đọa vào địa ngục và ở đó thọ tội trong suốt hai ức năm, rồi mới được đi đầu thai; đầu thai làm thân gì? Họ phải đầu thai làm thân súc sanh như ngựa, trâu, dê, gà, chó... ; và họ phải mang thân súc sanh như thế suốt hai ức năm, rồi sau đó mới được làm người trở lại. Bấy giờ, tuy họ được mang thân người song sáu căn không toàn vẹn—như bị đui mù, không có mắt; hoặc bị điếc, không nghe thấy gì cả; hoặc bị câm, có lưỡi mà không nói được, chẳng khác gì không có lưỡi vậy... Nói tóm lại, những người mà đời này lục căn bị khiếm khuyết hoặc tướng mạo xấu xí, đều là do trong đời quá khứ họ đã từng chê bai, hủy báng Tam Bảo. Lúc sống, họ phải chịu đựng vô lượng đau khổ đắng cay như thế, và sau khi chết họ lại còn bị đọa vào địa ngục Vô Gián nữa. Đó là nói về quả báo do hủy báng Tam Bảo.

"Chẳng kính tôn kinh." Đây là điều chúng ta cần phải chú ý—phàm là kinh điển của Phật, chúng ta nhất định phải tôn kính, quý trọng. Kinh Kim Cang có dạy:

"Phàm nơi nào có kinh điển là nơi đó có Phật."

(Phàm thị kinh điển sở tại chi xứ, tức vi hữu Phật.)

Ở đâu có kinh điển thì ở đó có Phật. Kinh điển là nơi an trụ của Pháp Thân chư Phật, do đó chúng ta phải hết lòng cung kính. Nơi cất giữ kinh điển cần phải được thu dọn cho sạch sẽ, ngăn nắp, không nên để bừa bãi. Kinh Phật phải được đặt ở nơi cao ráo và bên trên tất cả các loại kinh điển hoặc sách vở phổ thông khác, và phải để về phía đầu nằm chứ không được để ở phía chân; bằng không, nếu để ở dưới thấp, tức là không cung kính. Ngoài ra, giường ngủ là nơi không được sạch sẽ nhất, cho nên phải nhớ kỹ là không nên để kinh điển trên giường. Phàm là kinh Phật hoặc sách Phật, chúng ta đều phải cung kính, tôn trọng—phải cung kính kinh điển như cung kính Phật vậy. Không cung kính kinh điển tức là không cung kính Phật, và như thế cũng chính là hủy báng Tam Bảo vậy.

Những nghiệp tội "làm thân Phật chảy máu, hủy báng Tam Bảo, chẳng kính tôn kinh" là như nhau, cho nên kẻ nào có những hành vi này, thì "kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được." Do đó, mọi người phải nhớ kỹ đoạn kinh văn vô cùng quan trọng này. Người học Phật nhất định phải luôn luôn tôn kính Tam Bảo, quý trọng kinh điển, và không làm thân Phật chảy máu!

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh xâm tổn của Thường Trụ, làm nhơ nhuốc Tăng Ni, hoặc tứ tình hành dâm trong chốn Già Lam, hoặc giết hoặc hại; hạng người như thế phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh xâm tổn của Thường Trụ..." Thế nào gọi là "xâm tổn của Thường Trụ"? "Thường Trụ" tức là đạo tràng, và có bốn loại (Tứ Chủng Thường Trụ); đó là:

-Thường Trụ Thường Trụ;

-Thập Phương Thường Trụ;

-Hiện Tiền Hiện Tiền Thường Trụ;

-Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ.

1) Thường Trụ Thường Trụ. "Đạo tràng" thì luôn luôn tồn tại và thường xuyên có người xuất gia trú ngụ, cho nên gọi là chốn "thường trụ của thường trụ."

"Thường Trụ" là chỗ ở của Tăng chúng; vậy thì thế nào gọi là "xâm tổn của Thường Trụ"? Những thứ gì của Thường Trụ có thể bị xâm phạm, hao tổn? Đó là thực phẩm (đồ ăn thức uống), và tài vật thuộc về Thường Trụ. Phàm những người chưa xuất gia mà đến ở trong chùa, thì cần phải biết cúng dường cho chùa. Nếu quý vị ở chùa vài ngày rồi bỏ đi, chẳng hề cúng dường Thường Trụ gì cả, như thế tức là quý vị đã "xâm tổn của Thường Trụ" và trong tương lai chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục.

Vậy thì, thế nào mới là không "xâm tổn của Thường Trụ"? Thí dụ quý vị đến ở trong chùa và có thể cúng dường Thường Trụ một số tiền tương đương với phí tổn mà quý vị phải trả nếu ở trọ nơi khác; như thế thì quý vị không "xâm tổn của Thường Trụ." Do đó, tôi chủ trương rằng tất cả các đệ tử quy y của tôi, hễ đến bất cứ đạo tràng nào thì cũng đều phải nỗ lực trợ giúp đạo tràng đó và tuyệt đối không được xâm tổn của Thường Trụ!

"Xâm tổn của Thường Trụ" tức là bóc lột tài sản của chùa, làm cho tài sản của chùa bị hao hụt, sút giảm. Chúng ta đã không giúp đỡ được thì thôi; chứ đừng bao giờ xâm phạm, gây tổn thất cho chùa. Những người không hiểu Phật Pháp cứ cho rằng ở trong chùa thì khỏi tốn kém gì cả, nên tha hồ lợi dụng cơ hội! Điều này, nếu chưa hiểu Phật Pháp thì còn có thể châm chế cho được; nhưng sau khi đã hiểu Phật Pháp rồi thì dứt khoát là không nên xâm tổn của Thường Trụ nữa!

Đừng nói là người tại gia, ngay cả tôi tuy là kẻ xuất gia, song hễ đến trú ở bất cứ Thường Trụ nào, tôi đều có cúng dường đôi chút. Thí dụ, nếu ở nhà trọ mỗi ngày phải trả năm đồng, thì tôi cúng dường cho Thường Trụ đó một nửa số tiền, tức là ba đồng. Ở lại chùa nào tôi cũng đều cúng dường cả, trừ phi chính mình thật sự không có tiền mà thôi. Nếu quý vị quả thật là không có tiền thì không sao, nhưng nếu có tiền thì chớ nên xâm tổn của Thường Trụ; cho dù là người xuất gia cũng không nên xâm tổn của Thường Trụ. Bởi Thường Trụ ví như đại địa, là nơi trú ngụ của đại chúng; nếu quý vị phá hoại, phung phí của Thường Trụ, khiến cho đại chúng bị thiếu thốn, không đủ ăn, thì quý vị có tội rất lớn. Riêng cá nhân mình thì dẫu có đói đến chết cũng chẳng hề chi, nhưng nếu quý vị làm cho những người xuất gia đang sống trong Thường Trụ này không còn gì để ăn, cũng không được ai cúng dường, tức là quý vị đã "xâm tổn của Thường Trụ" vậy. Bởi "dân dĩ thực vi thiên"—người dân xem cái ăn là trời, xem sự no cơm ấm áo là điều thiết yếu—cho nên, nếu quý vị khiến cho người khác không còn gì ăn, tức là quý vị đã tạo tội rồi vậy.

Cho nên chúng ta, những người nghiên cứu Phật Pháp, hễ ở lại bất cứ chùa nào thì đều nên tùy khả năng mà cúng dường cho chùa đó, không nên xâm tổn của Thường Trụ. Quý vị tạm trú tại chùa, cúng dường dù có ít so với tiền thuê phòng trọ, thì cũng được coi như quý vị đã hết lòng; chớ nên chỉ ở rồi bỏ đi, chẳng cúng dường một chút gì cả!

2) Thập Phương Thường Trụ. Đạo tràng là nơi mà chư Tăng từ khắp mười phương đều có thể trú ngụ, nên gọi là "thường trụ của mười phương Tăng."

3) Hiện Tiền Hiện Tiền Thường Trụ. Chư Tăng hiện đang trú ngụ ở đạo tràng được gọi là "hiện tiền Tăng."

4) Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ. Chư Tăng từ khắp mười phương đến đạo tràng thì đều được dự phần; điều này bao gồm cả đồ vật của "vong Tăng." Thế nào gọi là "vong Tăng"? "Vong Tăng" tức là vị Sư đã viên tịch. Sau khi một vị Sư viên tịch, những đồ đạc của vị ấy để lại—có thể là những món đồ quý giá, hoặc bảo vật đắt tiền cũng không chừng (bởi giữa các Tăng nhân không có gì là nhất định cả!)—sẽ được Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ phân chia.

Tăng vật thuộc Hiện Tiền Hiện Tiền Thường Trụ thì chỉ dành cho chư Tăng hiện đang tạm thời trú ngụ tại chùa, những vị đến sau không có phần; còn của Thập Phương Hiện Tiền Thường Trụ thì bất kể là đến trước hay đến sau, chư Tăng đều có thể cùng chia nhau di sản của vị Sư đã viên tịch.

"Làm nhơ nhuốc Tăng Ni." Tăng Ni là những người xuất gia—Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Có nhiều người rất dã man, độc ác, nhẫn tâm làm nhơ nhuốc phẩm hạnh thanh tịnh của Tăng Ni, cưỡng bức các Tỳ Kheo Ni làm điều dâm loạn—những kẻ ấy đều mang tội rất nặng.

"Hoặc tứ tình hành dâm trong chốn Già Lam." "Già Lam" là nơi thanh tịnh yên tĩnh—như đạo tràng, chùa chiền, tự viện. "Tứ" là phóng túng, không tuân giữ quy củ. Không tuân giữ quy củ gì? Đó là không tuân giữ thanh quy, tùy tiện hành dâm ở chốn đạo tràng thanh tịnh. Những nơi có hình tượng Phật thì không được hành dâm, làm điều ô uế; nếu phạm, thì bị khép vào tội "tứ tình hành dâm."

Thuở trước, có một người nọ mắc phải chứng bệnh nam căn thường bị ung nhọt, lở loét, bèn đến thỉnh vấn ngài Mục Kiền Liên về nguyên nhân bệnh trạng của mình. Tôn Giả Mục Kiền Liên trả lời người ấy rằng: "Bởi trong đời quá khứ ông đã phạm tội ‘tứ tình hành dâm trong chốn Già Lam,’ do đó đời này phải chịu quả báo nam căn thường bị làm độc, ghẻ lở, mắc nhiều chứng bệnh." Đây là nói về người nam, song nam hay nữ thì cũng vậy—bất luận là ai, hễ không giữ phép tắc thanh quy, tùy tiện làm điều dâm loạn ở chốn đạo tràng, thì đều bị đọa địa ngục cả; đến khi ra khỏi địa ngục, nếu được đầu thai làm người thì nam căn hoặc nữ căn thường bị ung nhọt, hoặc mắc phải các chứng bệnh nan y, không chữa trị được. Cho nên, "nhân nào quả nấy"—quý vị nhất định phải tin ở luật nhân quả; bằng không, sau này sẽ phải nhận lãnh quả báo khổ sở.

"Hoặc giết hoặc hại." Có khi những kẻ độc ác đó, vì việc cưỡng hiếp không thành, bèn nhẫn tâm ám hại hoặc giết chết nạn nhân.

"Hạng người như thế—những kẻ xâm tổn Thường Trụ, ô phạm Tăng Ni, tứ tình hành dâm trong chốn chùa chiền, hoặc giết hại người xuất gia—phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được." Họ cầu mong được thoát khỏi địa ngục song kỳ hạn thì lâu dài đến vô lượng vô biên, không thể tính kể.

Có người cảm thấy rằng Phật Pháp càng học càng khó khăn, càng học càng bị gò bó, mất tự do. Kỳ thực, không học Phật Pháp thì sau này sẽ hoàn toàn bị mất tự do; còn học Phật Pháp thì chỉ hiện tại tạm thời bị mất tự do mà thôi. Bây giờ quý vị học Phật Pháp thì đây chính là lúc thiện căn tăng trưởng; trái lại, nếu không học Phật Pháp thì nghiệp chướng sẽ gia tăng. Nghiệp chướng tăng trưởng thì sự "mất tự do" ấy sẽ là "mất tự do" vĩnh viễn. Song, thiện căn tăng trưởng thì sự "mất tự do" trong hiện tại chỉ là tạm thời, chỉ một thời gian ngắn mà thôi. Nếu quý vị muốn mãi mãi "mất tự do" thì khỏi học Phật Pháp; còn nếu muốn trong tương lai được tự do thì tạm thời chịu khó "mất tự do" đôi chút. Đối với người học Phật Pháp, sự "mất tự do" này rất ngắn ngủi và không đáng kể; nhưng với kẻ không học Phật Pháp, thì thời gian bị "mất tự do" ấy dài đăng đẳng! Vậy, quý vị hãy tự cân nhắc thiệt hơn, xem mình phải làm như thế nào!

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh giả làm Sa Môn mà tâm chẳng phải Sa Môn, phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ, gạt gẫm hàng bạch y, trái phạm Giới Luật, tạo vô số tội ác; hạng người như thế phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh giả làm Sa Môn..." Có bốn hạng Sa Môn (Tứ Chủng Sa Môn)—Thắng Đạo Sa Môn, Thuyết Đạo Sa Môn, Hoạt Đạo Sa Môn và Ô Đạo Sa Môn.

1) Thắng Đạo Sa Môn. Thế nào gọi là "Thắng Đạo Sa Môn"? Chư Phật và chư Bồ Tát đều được gọi là những bậc Thắng Đạo Sa Môn, tức là hạng Sa Môn trổi thắng hơn hết về Đạo lý.

2) Thuyết Đạo Sa Môn. Hạng Sa Môn này lấy việc giảng Kinh thuyết Pháp là lẽ sống; và đó chính là những bậc đại đức cao tăng đã chứng quả A La Hán.

3) Hoạt Đạo Sa Môn. Đây là hạng Sa Môn sống đời vì Đạo, lấy việc tu Đạo là lẽ sống.

4) Ô Đạo Sa Môn. "Ô" là ô uế, không thanh khiết. Hạng Sa Môn này làm ô uế Đạo; và đây chính là hạng Sa Môn được nói đến trong đoạn kinh văn này.

"Sa Môn" là tiếng Phạn và có ba nghĩa; ba nghĩa này thật ra không phải là ba mà là hai nghĩa; hai nghĩa này đúng ra chẳng phải là hai mà là một nghĩa—Phật Pháp kỳ diệu như thế đấy! Vậy, chữ "Sa Môn" có một nghĩa, thì một nghĩa đó là gì? Đó là "cần tức"; "Sa Môn" có nghĩa là "cần tức"—siêng năng dứt bỏ.

"Cần" là cần mẫn siêng năng; còn "tức" là "hưu tức" và có nghĩa là dứt bỏ, ngưng nghỉ. "Cần" cũng có nghĩa là không lười biếng; và "tức" hàm ý lười biếng, không siêng năng. Thế nên, có thể nói rằng đó là hai ý muốn của một con người—một đằng thì lười biếng, và một đằng thì siêng năng. "Lười biếng" chèo kéo, rủ rê "siêng năng": "Đừng đi làm nữa; phải hưởng thụ đôi chút chứ!" "Siêng năng" khuyên can: "Ồ! Anh đừng lười biếng, hãy theo tôi tinh tấn tu tập." Vị Sa Môn phải tự đấu tranh, giằng co với hai ý tưởng như thế; hễ bên nào có "thế lực" hơn thì bên đó thắng—"siêng năng" mạnh hơn thì "lười biếng" thua cuộc; "lười biếng" mạnh hơn thì "siêng năng" bại trận. Vậy, đây là một người có hai ý muốn là "cần" và "tức"—siêng năng và biếng nhác—và đó cũng chính là hai nghĩa của từ ngữ "Sa Môn."

Còn nói "Sa Môn" có ba nghĩa, là gồm có những gì? "Cần" (siêng năng) được chia làm ba loại, và "tức" (dứt bỏ) cũng được phân thành ba loại. Ba loại "cần" là gồm những gì? Đó là "cần tu Giới, Định, Huệ"—siêng tu Giới, siêng tu Định và siêng tu Huệ. Còn ba loại "tức" chính là "tức diệt tham, sân, si"—dứt bỏ tâm tham lam, dứt bỏ tâm sân hận và dứt bỏ tâm si mê.

"Giới" là gì? "Giới" chính là:

"Chẳng làm điều ác,

Vâng làm việc lành."

(Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành.)

Ngoài ra, "Giới" cũng chính là "chỉ ác phòng phi"—chấm dứt các việc ác, không làm điều ác nữa; và ngăn ngừa những sai lầm mà mình có thể gây ra. Có bao nhiêu loại Giới? Căn bản thì có Ngũ Giới—không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ngoài ra, còn có Bát Quan Trai Giới, Sa Di Thập Giới, Tỳ Kheo Giới (250 giới điều), Bồ Tát Giới (mười trọng giới và bốn mươi tám khinh giới), Tỳ Kheo Ni Giới (348 giới điều). Có người nói là Tỳ Kheo Ni Giới có đến 500 điều, song cũng không đáng kể vì hiện nay đa số Tỳ Kheo Ni đều thọ 348 giới điều.

"Định" là do tham Thiền, tĩnh tọa tu tập mà có được. Muốn có Định thì phải tu tập, không tu tập thì không thể có Định. Vì sao người tu hành phải thường xuyên tọa Thiền? Thường xuyên tọa Thiền tức là cách tu Định từng chút một. Lúc mới bắt đầu tĩnh tọa thì quý vị chưa có Định, cho nên cái tâm của quý vị cứ chạy lăng xăng—hết lên trời thì lại xuống địa ngục, không đến chỗ Phật thì cũng vào chỗ Bồ Tát, hoặc có khi lại vào cả chuồng ngựa, trâu, dê, gà, chó, heo... Cái tâm này, quý vị thấy đó, không cần mua vé mà bất cứ nơi đâu—thiên đường hay địa ngục—nó cũng đều có thể đến được cả. Vì sao cái tâm này cứ chạy lung tung khắp nơi như thế? Bởi vì quý vị chưa có Định! Bây giờ quý vị tu Định, tức là thâu nhiếp cái tâm ấy, tập cho nó hết chạy tới chạy lui, không còn lăng xăng lên Nam xuống Bắc hoặc vào Đông ra Tây nữa.

Có người thắc mắc: "Vì sao cần phải tu Định? Không có Định thì cũng đâu có sao? Quý vị xem kìa, khiêu vũ, múa hát chẳng phải là thú vị hơn sao? ‘Định’ là nghĩa lý gì? Cứ ngồi yên một chỗ như khúc gỗ thế kia thì có gì lý thú đâu? Các tượng gỗ tượng đất ngồi trơ trơ ởù đó thì có ích lợi gì? Tôi thấy như thế quá khô khan, thiếu tình cảm; tu Định thì có lợi ích gì kia chứ?"

Thật ra, tu Định vốn không có lợi điểm nào cả, chẳng qua là nếu muốn có trí huệ thì trước hết quý vị cần phải có Định—không có Định thì không có được trí huệ. Nếu tâm mà quá tán loạn thì không thể có Định; không có Định tất sẽ không có trí huệ. Bởi trí huệ có được là nhờ Định; do đó, quý vị muốn không còn si mê thì cần phải tu Định.

Có một người nói rằng trong lúc tọa Thiền, anh ta luôn có cảm giác như mình sắp bị rớt xuống khe núi, cho nên rất sợ hãi. Đúng thế, đó là khởi đầu của sự đắc Định; và lúc bấy giờ, quý vị chớ sanh lòng sợ hãi! Hôm nay, nhân Pháp Hội này, tôi sẽ giảng thêm đôi chút.

Trước đây, tôi có nói là trong khi ngồi tĩnh tọa, lắm lúc quý vị cảm thấy như có dĩa mực đen hoặc tấm sắt lớn lơ lửng trên không và cứ chực rớt xuống đầu mình, hoặc là đạn nguyên tử sắp nổ tung ngay trên đầu mình. Thế thì, lúc đó quý vị phải làm gì? Lúc đó, quý vị không nên chấp tướng, không nên bám trụ vào cảnh giới, bởi nếu chấp tướng thì quý vị sẽ dễ bị rơi vào ma cảnh. Hễ quý vị chấp tướng thì sẽ có đạn nguyên tử nổ tung trên đầu quý vị thật; còn nếu không chấp tướng thì sao? Thì tất cả sẽ rất tĩnh lặng, yên ổn, không việc gì, và nhất định quý vị sẽ thắng được chúng ma! Quý vị có Định, thì ma quỷ nào cũng chạy trốn hết!

Cảm giác thấy mình như sắp bị rớt xuống vực sâu muôn trượng chỉ là thứ vọng cảnh hư dối, không có thật. Tại sao lại là vực sâu thăm thẳm? Đó là biểu thị nghiệp chướng của quý vị—nghiệp chướng mà quý vị đã tạo tác từ những đời trước cho đến nay còn thâm sâu hơn cả vực thẳm đó nữa. Vậy, nay biết được là mình nghiệp chướng nặng nề, sâu dày như thế nào rồi, thì quý vị hãy mau mau tu tập, chớ nên sanh tâm sợ hãi nữa.

Lại nữa, đôi khi đang ngồi tĩnh tọa quý vị bỗng cảm thấy rất tự tại—tự tại, tự tại, chân tự tại—một thứ tự tại rất khó hình dung, rất khó diễn tả; và nếu đạt được cảnh giới tự tại này thì quý vị sẽ quên tất cả! Bởi "Sắc Giới trước vị Thiền"—chúng sanh ở cõi Sắc Giới chấp trước vào Thiền vị vì hương vị của Thiền Na đem lại niềm vui sướng không gì sánh bằng, hơn hẳn mọi loại ma-túy! Cảnh giới đó thật khó mà diễn tả bằng lời được, chỉ có thể nói đó là thứ:

"Tự tại, tự tại, chân tự tại;

Khó thể hình dung, nói không lại";

và:

"Như người uống nước, ấm lạnh tự biết."

Ví dụ quý vị uống nước trà, nước nóng hay nguội thì chỉ có một mình quý vị là biết rõ thôi; trường hợp này cũng vậy, cảnh giới tự tại này chỉ có những người từng trải mới hiểu được mà thôi. Thế nào gọi là "người từng trải"? Đó là những người đã từng đi qua con đường này, đã có kinh nghiệm về cảnh giới này; nhờ vậy, quý vị vừa nói ra là họ liền biết quý vị đang ở giai đoạn nào hoặc đã đạt tới trình độ nào ngay!

Hiện nay, trong số quý vị, có người đã dụng công tu tập và sắp đạt tới cảnh giới Ly Sanh Hỷ Lạc Địa của Tứ Thiền. Tuy nhiên, cảnh giới ấy cũng không đáng kể lắm, quý vị chớ cho rằng như thế là tài giỏi, bởi đó là chuyện rất bình thường. Tu Thiền, chỉ cần có thành tâm và chuyên cần thì ai ai cũng có thể đạt được cảnh giới như nhau. Vì cảnh giới tự tại, vui sướng đó vốn không gì sánh bằng, cho nên được gọi là "Ly Sanh Hỷ Lạc Địa"—sắp xa lìa mọi phiền não, đạt được sự vui sướng; và đó cũng là một trong các thứ Định vậy.

"Huệ" tức là trí huệ. Có trí huệ thì có ích lợi gì? Có trí huệ thì sẽ không bị lầm đường lạc lối. Tại sao hiện nay có nhiều người sống một cách điên điên đảo đảo, cứ "lấy khổ làm vui"? Đó là do họ "bội giác hợp trần"—họ thờ ơ quay lưng lại với đạo lý giác ngộ để hợp cùng đạo lý Lục Trần. Tại sao họ hành động như vậy? Bởi họ không có trí huệ; chính vì si mê nên họ mới lầm lẫn "lấy khổ làm vui" mà lại không biết rằng như thế là si mê nhất!

Quý vị nghe giảng Kinh, không cần phải nghe cho nhiều, chỉ cần nghe hiểu một chữ then chốt rồi đem áp dụng, thì sẽ thấy được sự lợi ích bất tận của chữ đó. Như trong câu "cần tu Giới Định Huệ," thì chỉ cần nắm được một chữ "cần" thôi là đủ rồi—cần mẫn tu Giới, cần mẫn tu Định, cần mẫn tu Huệ. Phải cần mẫn tu tập thì mới có sự thu hoạch, có sự chứng đắc; không cần mẫn tu tập thì không chứng đắc được gì cả. Do đó, quý vị nhất định phải cần mẫn tu tập, phải vâng lời và tuân theo sự giáo hóa của Sư Phụ mình.

Bây giờ nói đến chữ "tức" trong câu "tức diệt tham sân si" (dứt bỏ tham sân si). Vừa rồi tôi có nói chữ "tức" này còn có nghĩa là lười biếng; vì sao ư? Chữ "tức" này vốn có nghĩa là đình chỉ, hoặc nghỉ ngơi; mà "nghỉ ngơi" không phải là lười biếng thì là gì? "Nghỉ ngơi" tức là lười biếng; "lười biếng" tức là đình chỉ, là ngừng lại, không tiến thêm nữa. "Đình chỉ" cái gì? "Đình chỉ" cái tâm tham, tâm sân, tâm si; cho tham, sân, si được "nghỉ ngơi," được "về hưu"—chúng ta không cần dùng đến chúng nữa. Hãy khiến cho tâm tham, tâm sân, tâm si đều đình chỉ! Quý vị không nên tham muốn gì nữa, ngay cả mọi vật chất hưởng thụ của thế gian. Cũng đừng giận dữ, đừng nổi nóng, đừng để cho "lửa" giận bùng lên; hãy đem tánh nóng nảy, đem "lửa" giận ấy ra bố thí đi; bố thí cho ai? Hãy bố thí cho tôi, bố thí cho Sư Phụ. Sư Phụ cần có những ngọn "lửa" giận thật lớn, cần phải rất nóng tánh, để khiến cho đệ tử nể sợ, chứ nếu Sư Phụ cứ hiền hòa, dịu dàng như cái gối bông thì các đệ tử sẽ không kiêng sợ. Không sợ Thầy thì họ sẽ không chịu tu hành; mà không tu hành tức là lười biếng vậy!

Trên đây là nghĩa "cần tức"—cần tu Giới Định Huệ, tức diệt tham sân si—của từ ngữ "Sa Môn."

"Mà tâm chẳng phải Sa Môn." Có nhiều người gian trá, giả làm Sa Môn thôi chứ không phải thật; thâm tâm họ chẳng hề thực hành đạo hạnh của bậc Sa Môn. Họ không "siêng tu Giới Định Huệ," cũng chẳng "dứt bỏ tham sân si"; trái lại, còn dám nói rằng tham, sân, si càng nhiều thì càng tốt, và khuyến khích mọi người tốt nhất là hãy quên hết Giới Định Huệ, chẳng cần nhớ gì cả! Đó chính là hạng Sa Môn "giả hiệu," hư ngụy; và tâm của những kẻ đội lốt Sa Môn này không hành hạnh từ bi, không tu hạnh nhẫn nhục, không hành Lục Độ Vạn Hạnh—họ có dụng tâm không làm phận sự của một vị Sa Môn! Thế thì họ làm gì? Họ mượn danh nghĩa Sa Môn để dễ bề "phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ."

Đồ vật của Thường Trụ, dù là những thứ lặt vặt nhất, tầm thường nhất như một tờ giấy chẳng hạn, chúng ta cũng không được tùy tiện phung phí, vất bỏ bừa bãi; tại sao? Bởi tuy chỉ là một mẩu giấy, nhưng "tích tiểu thành đa," từ một tờ mà lâu ngày dồn lại thì cũng thành nhiều. Do đó, tùy tiện phí phạm một tờ giấy, cũng là lạm dụng, làm hao tổn của Thường Trụ.

Có câu rằng:

"Dù là một lá cây, một cọng cỏ,

cũng chẳng được không cho mà lấy."

Người ta không cho mình mà mình tự tiện lấy, như thế là trộm cắp. Cho dù đó chỉ là một lá cây hay một cọng cỏ, song hễ chưa được chủ nhân cho phép mà mình đã lấy, tức là trộm cắp vậy. Bất cứ đồ vật gì của người khác, chúng ta đều không được tùy tiện sử dụng. Quý vị dùng đồ của người khác mà người đó lại không biết, như thế cũng là ăn trộm, là phạm giới trộm cắp.

Lại có câu:

"Dù là một cây kim, một sợi chỉ,

đều là của bố thí."

Những gì người ta đem cho chùa, dù là một cây kim hay một sợi chỉ, đều gọi là "của bố thí." Do đó, chúng ta không được tùy tiện phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ. Phàm là đồ vật thuộc về Thường Trụ, thì dù là người xuất gia sống trong chùa cũng không được tùy tiện lấy đem cho kẻ khác. Trường hợp đó là vật sở hữu của riêng mình thì không sao—thí dụ quý vị có cái áo không mặc nữa nên đem cho người khác, như thế thì được. Còn nếu là đồ vật thuộc của chung của cả chùa, thì ngay cả một sợi chỉ cũng không được tùy tiện đem cho người khác để lấy cảm tình; bởi đó gọi là "mua lòng cá nhân," muốn làm cho người ta có thiện cảm với mình, muốn kết thân với dụng ý riêng. Nếu quý vị muốn làm cho kẻ khác có ấn tượng tốt về mình, để họ thích hộ Pháp và cúng dường riêng cho cá nhân mình—thì đó là điều hết sức sai lầm! Tất cả mọi người cần phải đặc biệt chú ý điểm này!

Vậy, không cần nhiều, dù chỉ một tờ giấy, một sợi chỉ, thậm chí một hạt gạo của chùa mà thôi, nếu quý vị vì tình cảm riêng tư mà tự tiện đem cho người khác, tức là quý vị "phá hoại, lạm dụng của Thường Trụ." Phàm là người xuất gia, đồ đạc của riêng cá nhân mình thì mình có quyền tặng cho người khác, song đối với những thứ thuộc của chung, thì cho dù là một cây nhang mình cũng không được tự tiện đem cho người khác.

"Gạt gẫm hàng bạch y." "Bạch y" (áo trắng) là chỉ cho hàng cư sĩ, những người tại gia. Những kẻ giả danh Sa Môn ấy chẳng những thiếu thành thật, chỉ toàn nói lời dối trá để lừa gạt người tại gia, mà lại còn "trái phạm Giới Luật, tạo vô số tội ác" nữa. Họ không tuân thủ Giới Luật, không trì giữ Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Sa Di Thập Giới, Bồ Tát Giới, Tỳ Kheo Giới, Tỳ Kheo Ni Giới; lại còn gây ra không biết bao nhiêu thứ tội ác. "Vô số" tức là không phải chỉ có một loại, mà là rất nhiều loại, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

"Hạng người như thế, những kẻ giả danh Sa Môn đó, phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Kinh văn:

"Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật, lúa gạo, đồ ăn thức uống, y phục của Thường Trụ, cho đến không cho mà lấy một vật; kẻ đó phải đọa vào địa ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Lược giảng:

"Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật, lúa gạo, đồ ăn thức uống, y phục của Thường Trụ, cho đến không cho mà lấy một vật..."

Thuở trước, có một vị Đại Bồ Tát phát nguyện rằng: "Giả sử có người phạm các tội Ngũ Nghịch, Tứ Trọng, Thập Ác, thì tôi vẫn có thể cứu độ được. Duy trường hợp trộm cắp tài vật của Thường Trụ, dù chỉ là một lá cây hay một cọng cỏ, thì tôi không thể nào cứu nổi, vì tôi không có cách nào cứu được người đó. Giả sử có người giết chết tám vạn bốn ngàn cha mẹ của mình, tạo tội nghiệt thâm trọng đến dường ấy, thì bằng nguyện lực của mình, tôi vẫn có thể cứu được người đó thoát khỏi địa ngục. Song le, nếu người đó trộm cắp tài vật, đồ ăn thức uống của Thường Trụ—dù chỉ một hạt gạo—thì tôi không tài nào cứu nổi!"

Qua lời nguyện trên, quý vị có thể thấy được rằng trộm cắp tài vật của chùa là tội lớn nhất, nghiêm trọng nhất. Chúng ta, những người tin Phật, cần phải hiểu cho thấu đáo điều này. Phàm là tài sản của Thường Trụ, như lúa gạo, đồ ăn thức uống, hoặc ngay cả một món đồ hết sức nhỏ bé, tầm thường, nhưng nếu chưa được chủ nhân ở chùa cho phép thì quý vị cũng không được lấy; bằng không, sẽ mắc tội "không cho mà lấy." Và như thế, "kẻ đó phải đọa vào Địa Ngục Vô Gián trong ngàn muôn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được."

Kinh văn:

Ngài Địa Tạng thưa rằng: "Thánh Mẫu! Nếu có chúng sanh nào phạm những tội như thế, thì kẻ đó phải đọa vào Ngũ Vô Gián địa ngục, cầu tạm ngừng sự đau khổ trong chừng một niệm cũng không được."

Lược giảng:

Ngài Địa Tạng thưa với Ma Da Phu Nhân rằng: "Thánh Mẫu! Nếu có chúng sanh nào phạm những tội như thế, gây ra vô số nghiệp tội như tôi vừa kể, thì kẻ đó phải đọa vào Ngũ Vô Gián địa ngục—địa ngục có năm loại không gián đoạn. Bấy giờ, chúng sanh đó cầu tạm ngừng sự đau khổ trong chừng một niệm, một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, cũng không được."

Kinh văn:

Ma Da Phu Nhân lại bạch cùng Bồ Tát Địa Tạng: "Thế nào gọi là địa ngục Vô Gián?"

Ngài Địa Tạng thưa rằng: "Thánh Mẫu! Tất cả địa ngục đều ở trong núi Đại Thiết Vi. Địa ngục lớn có mười tám chỗ; thứ kế có năm trăm chỗ, danh hiệu đều khác nhau; thứ kế nữa lại có đến ngàn trăm, danh hiệu cũng đều khác nhau.

"Ngục Vô Gián có ngục thành giáp vòng hơn tám vạn dặm; thành đó thuần bằng sắt, cao một vạn dặm; trên thành có lửa tụ, không chỗ nào hở trống. Trong ngục thành đó, các nhà ngục nối tiếp nhau, danh hiệu đều sai khác."

Lược giảng:

Ma Da Phu Nhân, mẫu thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lại bạch cùng Bồ Tát Địa Tạng: "Thế nào gọi là địa ngục Vô Gián? Vì sao địa ngục đó lại có tên là ‘vô gián’?"

Ngài Địa Tạng thưa rằng: "Thánh Mẫu! Tất cả địa ngục đều ở trong núi Đại Thiết Vi. Trong số đó, địa ngục lớn có mười tám chỗ—có mười tám sở ngục thuộc loại lớn nhất; thứ kế có năm trăm chỗ, danh hiệu đều khác nhau; thứ kế nữa lại có đến ngàn trăm, danh hiệu cũng đều khác nhau."

"Ngục Vô Gián có ngục thành giáp vòng hơn tám vạn dặm; thành đó thuần bằng sắt, cao một vạn dặm." Bức thành này làm bằng sắt, cao mười ngàn dặm (lý), và bao quanh một chu vi rộng hơn tám mươi ngàn dặm.

"Trên thành có lửa tụ, không chỗ nào hở trống." Trên mặt thành lửa cháy ngùn ngụt—lửa ở phía đông bắn sang tường thành phía tây, lửa ở phía tây lại bắn qua tường thành phía đông; lửa ở phía nam phụt sang tường thành phía bắc, lửa ở phía bắc cũng phụt tới tường thành phía nam. Trong địa ngục này đâu đâu cũng rực lửa và đông đảo vô số ác thú, chẳng sót chỗ nào. Trong ngục thành đó, các nhà ngục nối tiếp nhau, danh hiệu đều sai khác." Bên trong bức thành bằng sắt là các địa ngục nằm san sát nhau và mỗi ngục đều có một tên gọi riêng biệt.

Kinh văn:

"Chỉ có một ngục tên là Vô Gián. Ngục này chu vi một vạn tám ngàn dặm; tường ngục cao một ngàn dặm, toàn bằng sắt và có lửa cháy suốt trên suốt dưới. Trên tường ngục có rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia."

Lược giảng:

"Chỉ có một ngục tên là Vô Gián." Chỉ có độc nhất một địa ngục có tên là Vô Gián mà thôi. "Vô gián" tức là liên tục, không gián đoạn—sự thống khổ trong địa ngục Vô Gián thì không có lúc ngừng dứt, tội nhân ở đó phải chịu khổ sở, đau đớn luôn luôn. Vì sao họ phải luôn luôn chịu đựng vô vàn thống khổ như vậy? Các linh hồn thọ tội trong địa ngục này là ai? Đó là những người đã từng gây ra tội lỗi. Mỗi người đều có một linh hồn, và nếu người nào có tội thì linh hồn của người đó phải vào địa ngục để chịu tội.

Người ở thế gian nếu bị lửa thiêu hoặc bị chém thì đều có thể chết, và chết rồi thì chẳng còn biết đau đớn khổ sở gì nữa; thế thì ở địa ngục, phải chăng chết rồi thì cũng không còn hay biết gì cả? Đúng thế, cũng không hay biết gì cả! Tuy nhiên, ở địa ngục thì tội nhân cứ chết đó rồi sống đó—sống lại rồi chết đi, chết đi rồi sống lại, và cứ liên miên như thế mãi. Sống lại như thế nào?

Ở địa ngục có hai loại gió, gọi chung là "xảo phong" (gió tinh khôn). Vì sao gọi là "xảo phong"? Bởi vì hai luồng gió này rất kỳ lạ—một luồng gọi là "xú phong" (gió thối), và một luồng là "hương phong" (gió thơm). "Hương phong" thì làm cho tội nhân sống lại với tướng mạo rất viên mãn và sau đó được thăng lên cõi trời; còn "xú phong" thì cũng làm cho tội nhân sống lại song với hình dạng vô cùng xấu xí, như loài A-tu-la vậy. (Mấy hôm trước tôi đã có giảng rồi, mặt mày của họ rất xấu xí, mắt mũi miệng đều "dọn nhà," dồn hết về một chỗ với nhau, như muốn làm một "công ty hợp doanh" vậy; quý vị thấy như thế có xấu xí, kỳ quái không?) Những người thọ tội ở địa ngục thì đa số là gặp ngọn gió "xú phong." Bởi hễ "xú phong" thổi qua thì tội nhân sống lại và họ cứ phải chết đi rồi sống lại, sống lại rồi chết đi, thống khổ triền miên, không hề gián đoạn, nên gọi là "vô gián."

"Ngục này chu vi một vạn tám ngàn dặm; tường ngục cao một ngàn dặm." Chính vì tường ngục quá cao, làm cản trở ánh mặt trời, cho nên ở địa ngục luôn luôn tối tăm, u ám. Tuy nhiên, cũng may là còn có lửa, nhờ có ánh lửa lập lòe mà tội nhân có thể trông thấy được một vài thứ ở chung quanh. Song, lửa này là một thứ "lửa nghiệp" (nghiệp hỏa), có thể thiêu đốt tội nhân đến cháy da chín thịt, vô cùng lợi hại, thống khổ không tài nào chịu nổi! Bây giờ quý vị thử nghĩ xem, nếu phải vào địa ngục này, thì chúng ta sẽ như thế nào? Ở đó, chúng ta hoàn toàn không có sự tự do tự tại, dù chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi!

Địa ngục Vô Gián có tường cao đến một ngàn dặm và "toàn bằng sắt." Thứ sắt này vừa kiên cố lại vừa mát lạnh. Đó là biểu thị nghiệp báo của chúng sanh quá kiên cố, đến chốn này rồi thì trong lòng trở nên nguội lạnh—không còn tâm tranh danh, chẳng còn tâm đoạt lợi, chỉ một mực chịu khổ mà thôi: "Chao ôi! Khổ quá, khổ quá, thật là quá khổ!" Do đó, nếu quý vị vào địa ngục này rồi thì cái tâm gì cũng không còn nữa—bị tát một bạt tai cũng còn đỡ hơn nhiều so với cái khổ bị "lửa nghiệp" thiêu đốt, bị đá một cú vẫn không đau đớn bằng bị chó sắt rượt cắn—và bấy giờ quý vị sẽ cảm thấy thế nào là "tri túc" (biết đủ)!

"Và có lửa cháy suốt trên suốt dưới." Cả bức tường đều hừng hực lửa—ở trên lửa cháy phụt xuống, ở dưới lửa cháy bốc lên.

"Trên tường ngục có rắn sắt, chó sắt phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia." Tại bốn góc tường thành thì mỗi góc đều có một con chó sắt thật lớn chực sẵn. Tường ngục cao một ngàn dặm, thì những con chó sắt này cũng cao khoảng tám trăm dặm. Mỗi con có tám cái đầu, mỗi đầu có tám cái sừng, tương tự như sừng trâu vậy. Như thế, loài chó tám đầu này mỗi con có sáu mươi bốn cái sừng; và mỗi khi chúng lúc lắc đầu hoặc quay tới quay lui, thì biến thành vòng lửa (hỏa luân), vòng đao (đao luân). Hễ gặp người tội nào thì chúng lao tới, dùng sừng mà đâm người tội đó.

Trong quý vị có ai đã từng trông thấy quái vật như loài chó có sừng này chưa? Nếu chưa thì có thể đến địa ngục xem thử cho biết; có điều, xem xong thì không thể trở về lại được nữa—lọt vào đó rồi thì bặt tăm bặt tích luôn, vĩnh viễn chẳng thoát ra được! Đến chốn ấy không phải như đi xem chiếu bóng, xem xong thì có thể thong thả ra về! Một khi đã vào địa ngục rồi thì quý vị chẳng còn nhà để về, cũng không được tự do tự tại nữa!

Ở địa ngục Vô Gián, các loài rắn sắt và chó sắt đó không chỉ cắn tội nhân, mà chúng còn có thể phun lửa, và mình mẩy chúng cũng rực lửa. Lửa ấy thiêu đốt thân thể chúng, gây ra một mùi hôi tanh khét lẹt, khiến ai ngửi phải cũng lợm giọng, buồn nôn, thậm chí cả lục phủ ngũ tạng cũng muốn tuôn ra ngoài. Thật khó mà chịu đựng cái mùi thối tha nồng nặc như thế! Cho nên, chẳng cần phải đi xem, bây giờ quý vị chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy bồn chồn khó chịu, không tự tại chút nào rồi!

Như vậy, trên tường thành của ngục Vô Gián có rắn sắt và chó sắt lăng xăng bò qua bò lại, chạy tới chạy lui.

Kinh văn:

"Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm; một người thọ tội thì tự thấy thân mình nằm chật cả giường, ngàn muôn người thọ tội thì mỗi người cũng đều tự thấy thân mình đầy chật cả giường. Đó là do các nghiệp chiêu cảm mà gặt lấy quả báo như thế."

Lược giảng:

"Trong ngục có giường rộng khắp muôn dặm." Song giường đó không phải để cho người ta ngủ; thế thì để làm gì? Để cho các tội nhân lên nằm mà chịu tội!

Giường đó như thế nào? Giường đó rộng đến cả vạn dặm; và nếu "một người thọ tội thì tự thấy thân mình nằm chật cả giường, ngàn muôn người thọ tội thì mỗi người cũng đều tự thấy thân mình đầy chật cả giường." Một người nằm trên giường ấy thọ tội thì người ấy tự thấy thân mình choán hết cả giường; mà dẫu có đến ngàn vạn người cùng thọ tội, thì ai nấy đều tự thấy thân thể của chính mình trải đầy, chiếm trọn cả cái giường rộng lớn.

"Đó là do các nghiệp chiêu cảm mà gặt lấy quả báo như thế." Do sự cảm vời của bao tội chướng và ác nghiệp đã tạo khi trước, cho nên tội nhân phải nhận lãnh quả báo như thế.

Kinh văn:

"Lại nữa, các tội nhân còn phải chịu đủ sự khổ sở; như có cả ngàn trăm Dạ-xoa cùng các ác quỷ, răng nanh như đao kiếm, mắt như ánh điện chớp, tay có móng đồng, lôi kéo người tội.

Lại có quỷ Dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào mình người tội, hoặc đâm trúng miệng mũi, hoặc đâm trúng bụng lưng, rồi hất tung lên trên không và hứng lấy, hoặc để lại trên giường.

Lại có chim ưng bằng sắt mổ ăn mắt người tội.

Lại có rắn sắt quấn cổ người tội.

Tội nhân còn bị đóng đinh dài vào các khớp xương và lóng đốt trong thân, kéo lưỡi cày bừa, móc ruột bằm chặt, rót nước đồng vào miệng, quấn sắt nóng quanh thân; muôn lần chết đi sống lại.

Nghiệp cảm như thế, trải qua ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được."

Lược giảng:

Chúng ta bất luận trong lúc tụng Kinh, niệm Phật, hay trì Chú, đều cần phải biết vận dụng khí lực. Vận dụng như thế nào? Nguồn khí này phải phát xuất từ đan điền và khi vận hành trở về thì cũng tụ lại ở đan điền. Đan điền tức là huyệt đạo nằm phía dưới rốn.

Dù là lúc tụng Kinh, niệm Phật, hay trì Chú, luồng khí này phát xuất đều phải từ đan điền; trả về cũng phải về lại nơi đó. Luồng khí phát ra từ đan điền thì vừa đủ, quý vị không nên dùng sức quá nhiều, song cũng không được quá ít; cần phải bình thường, vừa phải thôi; như thế mới không tổn khí. Vì phát xuất từ đan điền, đây là căn bản của khí, cho nên nguồn khí này là liên miên, không đứt đoạn. Nếu không biết cách vận hành thì có thể gây thương tổn cho khí lực, làm nguyên khí bị đứt đoạn; cho nên mọi người cần phải lưu ý điểm này.

Chúng ta bất luận là viết chữ hay làm việc gì, đều cần phải liên tục từ đầu đến cuối. Nếu quý vị vận dụng được năng lực của nguồn khí này, tức là có công phu vậy.

"Lại nữa, các tội nhân còn phải chịu đủ sự khổ sở, chịu đựng vô số thống khổ của chốn địa ngục. Có cả ngàn trăm Dạ-xoa cùng các ác quỷ, răng nanh như đao kiếm, mắt như ánh điện chớp, tay có móng đồng, lôi kéo người tội ..." Dạ-xoa vốn là loài ác quỷ, ác quỷ chính là quỷ Dạ-xoa. Quỷ Dạ-xoa, hay Dược-xoa, còn gọi là quỷ "tiệp tật" (chạy nhanh) bởi chúng có thể chạy rất nhanh. Có rất nhiều loại quỷ Dạ-xoa, như Phi Đằng Dạ-xoa (quỷ Dạ-xoa bay nhảy nhanh), Địa Hành Dạ-xoa (quỷ Dạ-xoa đi trên đất) ...; và loại ác quỷ đề cập ở đây chính là Địa Hành Dạ-xoa.

Vậy, trong địa ngục có vô số quỷ Dạ-xoa và ác quỷ; miệng của chúng trông như chậu máu, răng thì bén nhọn chẳng kém gì bảo kiếm, mắt lại lóe sáng như tia chớp, còn tay và móng vuốt thì cứng chắc như đồng. Chúng thò tay ra là túm chặt được người tội. Bị chúng bắt được rồi thì hễ chúng bảo đi đâu là tội nhân phải đi đó; chỉ một cái phất tay của chúng là tội nhân có thể bị hất văng ra xa tới cả mấy mươi trượng hoặc mấy trăm trượng, bởi chúng mạnh mẽ vô cùng.

"Lại có quỷ Dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào mình người tội, hoặc trúng miệng mũi, hoặc trúng bụng lưng, rồi hất tung lên trên không và hứng lấy." Có một số quỷ Dạ-xoa thì cứ cầm cây kích bằng sắt thật lớn mà đâm bừa vào thân tội nhân, khi thì đâm trúng miệng trúng mũi, lúc lại thọc nhằm bụng nhằm lưng. Đâm trúng rồi thì chúng hất tội nhân lên không trung, và khi tội nhân rơi xuống lại thì chúng giơ cây kích sắt ra để đón lấy.

"Hoặc để lại trên giường." Cũng có khi quỷ Dạ-xoa đặt tội nhân trên giường, song không phải để cho tội nhân nằm ngủ, mà là để chúng lấy cây kích sắt ra đâm chém tiếp.

"Lại có chim ưng bằng sắt mổ ăn mắt người tội." Trong địa ngục còn có một giống chim ưng bằng sắt, chuyên môn mổ mắt tội nhân mà ăn, hoặc mổ đầu tội nhân cho bể ra rồi moi lấy não mà ăn.

"Lại có rắn sắt quấn cổ người tội." Lại còn có một loại rắn bằng sắt chuyên môn quấn lấy cổ tội nhân.

"Tội nhân còn bị đóng đinh dài vào các khớp xương và lóng đốt trong thân." Khắp cơ thể tội nhân, mọi khớp xương, lóng, đốt tay chân ... đều bị đóng bằng một loại đinh dài.

"Kéo lưỡi cày bừa." Chúng ta không nên nói dối và cũng đừng nói chuyện thị phi, bàn tán lỗi phải của người khác. Bất luận người khác đối xử với chúng ta như thế nào, chúng ta đều không nên phê phán, kể lể hoặc nói xấu họ. Bằng không, trong tương lai, quý vị sẽ bị đọa vào địa ngục Bạt Thiệt (kéo lưỡi). Tội nhân ở địa ngục này đều bị kéo lưỡi ra, rồi bị cày lên trên giống như cày ruộng vậy.

"Móc ruột bằm chặt." Tội nhân còn phải chịu hình phạt là bị moi hết ruột ra, và thân thể bị bằm chém.

"Rót nước đồng vào miệng, quấn sắt nóng quanh thân." Ở địa ngục này, tội nhân còn bị đổ nước đồng nấu chảy vào miệng, hoặc bị quấn quanh người bằng dây sắt nung nóng.

Chỉ một ngày một đêm tại địa ngục này thôi mà tội nhân phải chịu đến "muôn lần chết đi sống lại!"

"Nghiệp cảm như thế, trải qua ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được." Đó là do sự chiêu cảm của nghiệp lực. Hễ bị đọa vào địa ngục này rồi thì tối thiểu cũng phải ở đó tới mấy ức kiếp. Muốn được ra khỏi địa ngục này thật không phải dễ—đã vào rồi thì đừng mong có kỳ hạn được thoát ra!

Kinh văn:

"Lúc thế giới này hư hoại thì sanh nhờ qua thế giới khác; thế giới khác đó hư hoại thì chuyển sang phương khác; lúc phương khác đó hư hoại thì lại lần lượt chuyển đi; rồi sau khi thế giới này thành thì trở về lại. Những sự tội báo trong ngục Vô Gián là như thế.

Lại do có năm sự nghiệp cảm, nên gọi là Vô Gián. Những gì là năm?

Một là ngày đêm thọ tội, cho đến bao kiếp, không lúc nào dứt, nên gọi là Vô Gián.

Hai là một người cũng đầy chật, nhiều người cũng đầy chật, nên gọi là Vô Gián.

Ba là có những khí cụ hành hình người tội như cái chỉa, gậy, chim ưng, rắn, chó sói, chó, cối, cưa, đục, giũa, búa rìu, vạc dầu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niềng đầu, nước sắt nóng rưới thân; và khi đói thì nuốt viên sắt, khát uống nước sắt ...; quanh năm suốt kiếp, cho đến na-do-tha kiếp, khổ sở triền miên, không hề gián đoạn, nên gọi là Vô Gián.

Bốn là bất luận kẻ nam người nữ, Khương Hồ di địch, người già trẻ nhỏ, kẻ sang người hèn, hoặc rồng hoặc thần, hoặc trời hoặc quỷ, hễ gây tội ác thì chiêu cảm lấy nghiệp, tất cả đồng chịu như nhau, nên gọi là Vô Gián.

Năm là nếu bị đọa vào địa ngục này, thì từ khi mới vào cho tới trăm ngàn kiếp, mỗi ngày mỗi đêm đều muôn lần chết đi muôn lần sống lại, muốn cầu tạm ngừng trong chừng một niệm cũng không được, trừ phi nghiệp tội tiêu hết mới được thọ sanh; do cứ liên miên như thế nên gọi là Vô Gián."

Địa Tạng Bồ Tát thưa với Thánh Mẫu rằng: "Nói sơ lược về địa ngục Vô Gián là như thế. Nếu nói rộng ra về tên của những khí cụ hành tội cùng những sự thống khổ trong địa ngục đó, thì trong suốt một kiếp cũng không thể nào nói hết được!"

Ma Da Phu Nhân nghe xong, ưu sầu chắp tay đảnh lễ mà lui ra.

Lược giảng:

Thọ mạng thông thường của nhân loại chúng ta hiện nay là trên sáu mươi tuổi—đây là nói chung chung thôi, không kể đến các trường hợp đặc biệt. Tuy có người thì sống tới hơn một trăm tuổi, và cũng có người thì lại chết lúc mới lên một, lên hai; song chúng ta không thể căn cứ vào thiểu số cá biệt đó mà kết luận rằng tuổi thọ của nhân loại là một hai tuổi hoặc hơn một trăm tuổi được.

Thọ mạng trung bình của con người vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế là 70 đến 80 tuổi, còn thời nay là từ 60 đến 70 tuổi. Ban sơ, thọ mạng của loài người là tám vạn bốn ngàn tuổi (84.000); sau đó, cứ một trăm năm thì tuổi thọ của con người lại giảm đi một tuổi, chiều cao cũng giảm bớt một tấc (thốn), và cứ giảm như thế cho đến khi thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi—đây là "kiếp giảm."

Từ thọ mạng mười tuổi, cứ một trăm năm thì tuổi thọ con người lại tăng thêm một tuổi và thân cao thêm một tấc (thốn), và cứ tăng như thế cho đến tám vạn bốn nghìn tuổi—đây là "kiếp tăng."

Một lần tăng và một lần giảm, gọi là một kiếp. Một ngàn kiếp như thế gọi là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp gọi là một trung kiếp; và bốn trung kiếp gọi là một đại kiếp. Trong một đại kiếp—tức là bốn trung kiếp hoặc 80 tiểu kiếp—thì có hai mươi tiểu kiếp "thành," hai mươi tiểu kiếp "trụ," hai mươi tiểu kiếp "hoại," và hai mươi tiểu kiếp "không."

Thế giới nào cũng trải qua các giai đoạn "thành, trụ, hoại, không"—nhất định phải có lúc hư hoại! Như mấy ngàn năm trước, có nơi là quốc gia mà nay cả lục địa đều chìm dưới nước; hoặc có nơi do động đất nên cả quốc gia, trọn làng, hoặc nguyên cả một khu vực đều bị chôn vùi hết—đó chính là "hoại" vậy.

Vậy, bấy giờ, Địa Tạng Vương Bồ Tát nói tiếp: "Lúc thế giới này hư hoại thì sanh nhờ qua thế giới khác." Không phải là thế giới này hoại rồi thì chẳng còn địa ngục, chẳng còn nghiệp tội! Không phải như thế! Thế giới này hư hoại rồi thì tội nhân phải dời qua thế giới khác, sống nhờ ở thế giới khác.

"Thế giới khác đó hư hoại thì chuyển sang phương khác." Lúc thế giới khác cũng tuần tự hư hoại, thì lại dời sang nơi khác nữa.

"Lúc phương khác đó hư hoại thì lại lần lượt chuyển đi." Nói tóm lại, hễ nơi nào bị hư hoại thì cứ thứ tự dời sang nơi còn tốt.

"Rồi sau khi thế giới này thành thì trở về lại." Đợi đến khi thế giới ban đầu (cũ) được thành lập trở lại rồi, thì lại trở về thế giới này.

"Những sự tội báo trong ngục Vô Gián là như thế." Đó là những tội báo ở địa ngục Vô Gián. Vì sao gọi là "vô gián"? Vì tội báo ở địa ngục này là liên miên bất tận, không hề có sự gián đoạn!

"Lại do có năm sự nghiệp cảm— năm việc do nghiệp lực cảm vời mà ra—nên gọi là Vô Gián." Địa ngục Vô Gián, tiếng Phạn gọi là địa ngục "A Tỳ (Avici)."

"Những gì là năm? Năm sự nghiệp cảm ấy là gồm những gì? Một là ngày đêm thọ tội, cho đến biết bao số kiếp, không bao giờ dứt, nên gọi là Vô Gián." Nghiệp cảm thứ nhất là tội nhân ở địa ngục này phải chịu tội suốt ngày suốt đêm, trong vô lượng vô số kiếp. Bởi những khổ báo mà họ phải chịu do trót đã trồng cái nhân gây nghiệp thọ khổ thì không lúc nào ngừng dứt, cho nên gọi là địa ngục Vô Gián.

"Hai là một người cũng đầy chật, nhiều người cũng đầy chật; nên gọi là Vô Gián." Tại địa ngục này, một người ở thôi thì cũng thấy chật cả ngục, mà nhiều người ở thì cũng thấy đầy chật cả ngục, nên gọi là địa ngục Vô Gián.

"Ba là có những khí cụ hành tội như cái chỉa, gậy, chim ưng, rắn, chó sói, chó, cối, ..." Bởi thân người là một khí cụ tạo nghiệp, cho nên lúc thọ báo, thân thể con người cũng chính là khí cụ chịu tội, như một loại máy móc vậy. "Cối" tức là cái cối dùng để giã gạo, nhưng ở đây là để bỏ người tội vào mà giã nát ra.

Lại còn có các hình cụ khác như "cưa—để cưa xẻ thân thể tội nhân, đục—để đục khoét thành lỗ trên thân, giũa—để mài giũa xương cốt, búa rìu—dùng búa đập xương cho nát nhừ, vạc dầu sôi..." Trong ngục lại có cả vạc dầu sôi sùng sục để chiên người tội; quý vị nghe có đáng sợ không?

Ngoài ra, trong ngục còn có cả "lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống niềng đầu, nước sắt nóng rưới thân" nữa. Tội nhân còn bị niềng đầu bằng da sống, hoặc bị đổ nước sắt nóng lên khắp mình mẩy.

"Và khi đói thì nuốt viên sắt, khát uống nước sắt." Những người tội này khi đói thì ăn gì? Khi đói bụng thì tội nhân chỉ có những hòn sắt để ăn; và lúc cổ khô khát nước, họ không có nước lọc hay nước trà, mà chỉ có nước sắt nóng để giải khát! "Quanh năm suốt kiếp, cho đến na-do-tha kiếp, khổ sở triền miên, không hề gián đoạn. Bởi ròng rã từ năm này sang năm khác, cho đến vô lượng kiếp, những khổ báo ở địa ngục này vẫn cứ liên tục tiếp diễn, vĩnh viễn chẳng có lúc ngừng dứt, nên gọi là Vô Gián."

"Bốn là bất luận kẻ nam người nữ, Khương Hồ di địch..."

Ở Trung Hoa, dân chúng sinh sống tại khu vực Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc đều nói tiếng Quốc Ngữ; và người Trung Hoa thời xưa thường gọi cư dân miền Hồ Nam là "rợ phương Nam" (Nam man tử). Vì sao gọi họ là "man rợ"? Vì người ta không hiểu họ nói gì cả! Thuở ấy, đừng nói là tiếng Anh tiếng Mỹ, ngay cả tiếng Trung Hoa mà giữa người Trung Hoa cũng không hiểu được nhau nữa, cho nên mới gọi họ là "man tử." Lúc bấy giờ, nước Trung Hoa chưa có sự giao dịch với các nước phương Tây, và người Trung Hoa cũng chưa thạo Anh ngữ.

Thời cổ xưa, người Trung Hoa ở miền trung ương thường gọi các dân tộc thiểu số sinh sống tại bốn phương là "Nam man, Bắc khuyển, Đông di, Tây địch." Trong chữ "man" có chữ "trùng" (sâu bọ) nằm ở dưới; ý nói người ở phương Nam như loài rắn vậy. Còn đối với người ở phương Bắc thì sao? Thì gọi là "khuyển nhung" ("khuyển" có nghĩa là chó). Trong chữ "địch" (mọi rợ) có chữ "khuyển" (chó) đứng một bên, ám chỉ dân chúng ở địa phương đó đều là từ loài chó biến thành.

"Khương" tức là bộ tộc người Khương. Quý vị hãy nhìn xem, trong chữ "khương" thì có chữ "dương" (dê) nằm bên trên, ngụ ý rằng những người này là từ súc sanh biến thành. Còn "Hồ" là bộ tộc người Hồ.

"Người già, trẻ nhỏ." Bao nhiêu tuổi thì gọi là "già"? Tám mươi tuổi thì được gọi là "già"! Bao nhiêu tuổi thì gọi là "trẻ nhỏ"? Đó là các trẻ em dưới mười tuổi.

"Kẻ sang, người hèn." "Quý vi thiên tử"—vua là cao sang; "tiện vi thứ dân"—dân là thấp hèn.

Vậy, bất luận là nam nữ, mán mường mọi rợ, già trẻ, sang hèn, "hoặc rồng hoặc thần, hoặc trời hoặc quỷ, hễ gây tội ác thì chiêu cảm lấy nghiệp, tất cả đồng chịu như nhau. Nếu họ phạm tội ác thì nghiệp báo cảm vời mà họ phải nhận lãnh đều giống nhau, nên gọi là Vô Gián."

"Năm là nếu bị đọa vào địa ngục này, thì từ khi mới vào cho đến trăm ngàn kiếp, mỗi ngày mỗi đêm đều muôn lần chết đi muôn lần sống lại." Tội nhân ở đây hễ chết thì liền bị ngọn gió "xảo phong" thổi tới làm cho sống lại; sống lại thì tiếp tục thọ tội, bị hành hình tới chết; chết rồi thì lại gặp gió "xảo phong" thổi cho sống trở lại nữa; nên nói là "vạn tử vạn sanh"—muôn lần chết đi muôn lần sống lại.

"Cầu xin tạm ngừng trong chừng một niệm cũng không được." Các tội nhân trong ngục này chỉ cầu mong có một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi được tạm ngưng thọ khổ, nhưng chẳng bao giờ có được! Phải thế nào thì sự khổ ở đó mới đình chỉ?

"Trừ phi nghiệp tội tiêu hết mới được thọ sanh—chỉ khi nào nghiệp chướng tiêu tan thì tội nhân mới có thể thọ sanh nơi khác—vì cứ liên miên như thế nên gọi là Vô Gián."

Địa Tạng Bồ Tát thưa với Thánh Mẫu, tức Ma Da Phu Nhân, rằng: "Nói sơ lược về Địa Ngục Vô Gián là như thế. Nếu nói rộng thêm về tên của những khí cụ hành tội cùng những sự khổ sở trong địa ngục đó, thì suốt một kiếp cũng không nói hết được!" Nếu kể ra thật tỉ mỉ như gây tội gì thì phải chịu quả báo gì, liệt kê đầy đủ tên của từng hình cụ cùng khí trượng, và tất cả những sự thọ khổ ở Địa Ngục Vô Gián, thì dù có nói ròng rã trọn một kiếp cũng không thể nào nói cho hết được!

Ma Da Phu Nhân nghe xong, buồn rầu chắp tay đảnh lễ mà lui ra. Sau khi nghe Địa Tạng Vương Bồ Tát nói xong, thân mẫu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng áo não; Bà hướng về phía Bồ Tát mà cúi đầu đảnh lễ, rồi lui vào trong.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]