Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chi 2: Thánh đế Phương tiện

03/05/201115:33(Xem: 9884)
Chi 2: Thánh đế Phương tiện
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm Hiểu Phẩm 11: Năm Phương tiện

Chi 2: Thánh đế Phương tiện

 

Chuyển tiếp: Phẩm 11: Năm Phương tiện, gồm có hai Chi. Trong Chi 1 vừa qua, Luận văn đã trình bày các Phương tiện Ấm, Nhập, Giới Nhân Duyên, là các phương tiện xét rõ về bản thân con người, thân phận và hoàn cảnh.

Trong Chi 2 này, Luận văn trình bày nốt Phương tiện thứ năm, nói về các Thánh đế. Hiểu rõ và thi hành đúng theo các Thánh đế nầy, Trí Huệ khởi lên, làm sáng tỏ thêm con đường giác ngộ và giải thoát, theo đúng mục tiêu của Đạo Phật.

086 Dàn bài của Chi 2, Phẩm 11.

I. Nhập đề:Chẳng có Phần Nhập đề, vì Chi 2 coi như đang tiếp tục Chi 1, luận bàn về Năm Phương tiện để làm khởi lên Trí Huệ nơi hành giả.

II. Thân bài:Có năm phần rõ rệt, bốn phần đầu nói về Bốn Thánh đế, còn phần thứ năm chỉ rõ các cách tìm hiểu thêm về các Thánh đế đó.

Thánh đế: Thánh là bực Thánh, chứng được cõi vô sanh, giải thoát khỏi vòng Sanh tử Luân hồi; đế là Chơn lý.

Bốn Thánh đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

A. Khổ Đế:

1. Có bảy sự khổ: (1) sanh, (2) già, (3) bịnh, (4) chết, (5) oán ghét mà phải gần nhau, (6) thương yêu mà phải xa nhau, (7) cầu chẳng được. Tóm lại, năm thọ ấm phải chịu sự Khổ.
2. Thế nào là năm thọ ấm?
3. Thế nào là khổ khổ, hoại khổ hành khổ?

B. Tập đế: Còn gọi là Khổ Tập thánh đế,tức là các nguyên nhân gây ra nỗi Khổ. Nguồn gốc của sự Khổ là khát ái.

1. Vì có khát ái, nênkhiến cho phải tái sanh trở lại mãi.
2. Vì khát ái cùng với tham dục
đồng khởi lên.
3. Ba hình thức: dục ái, hữu ái, bất hữu ái. Dục áilà sự tham ái nơi cõi dục giới; hữu ái là sự tham ái do thường kiến thúc
đẩy, muốn được sống (= hiện hữu) mãi; bất hữu ái là sự tham ái muốn chẳng còn phải hiện hữu nữa, đồng khởi lên với đoạn kiến (= tư tưởng nghĩ rằng chẳng còn có đời sau gì cả).

C. Diệt đế: Còn gọi là Khổ Diệt thánh đế, tức là sự tận diệt các ngưồn gốc gây ra sự Khổ.

1. Tận diệt sự khát ái, xa lìa sự khát ái được giải thoát.
2. Chứng đắc được vô sanh, chẳng phải tái sanh nữa.

D. Đạo đế: Còn gọi là Khổ diệt đạo thánh đế, tức là tám yếu tố của Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến sự tận diệt mọi Khổ não.

1. Bát Chánh Đạo gồm có:

Chánh kiến: thông suốt bốn Chơn lý Nhiệm mầu, tức là Bốn Thánh đế; lại nữa, biết rõ ràng về Niết-bàn;

Chánh tư duy: suy nghĩ về ba điều thiện(sơ thiện, trung thiện, hậu thiện), và giác ngộ về pháp Niết-bàn;

Chánh ngữ: xa lìa bốn lỗi lầm về lời nói (nói dối, nói thô ác, nói lưỡi đôi chiều, nói vô nghiã), bỏ hẳn tà ngữ;

Chánh nghiệp: lìa bỏ ba hành nghiệp xấu ác: về thân, miệng và ý; dứt bỏ hẳn tà nghiệp;

Chánh mạng: lià bỏ các nghề chẳng chơn chánh, dứt hẳn tà mạng;

Chánh tinh tấn: theo đúng bốn chánh cần: (1) việc ác chưa khởi, chẳng cho khởi; (2) việc ác đã khởi, cố tiêu diệt; (3) việc thiện chưa khởi, khiến khởi lên; (4) việc thiện đã khởi, làm tăng trưởng thêm; dứt hẳn tà tinh tấn;

Chánh niệm: tu tập bốn niệm xứ, luôn nhớ nghĩ đến Niết-bàn;

Chánh định: tu tập bốn cấp Thiền; tu tâm sao cho chuyên nhứt luôn luôn hướng về Niết-bàn.

2. Bát Chánh Đạo và 37 phẩm Trợ Đạo (Bồ-đề pháp)

Chánh kiến bao gồm huệ căn, huệ lực, huệ lực như ý túc, trạch pháp giác phần;

Chánh tinh tấn bao gồm tinh tấn lực, tinh tấn như ý túc, tinh tấn giác phần, tứ chánh cần;

Chánh niệm bao gồm niệm căn, niệm lực, niệm giác phần, khinh an giác phần, tứ niệm xứ;

Chánh định bao gồm định căn, định lực, định lực như ý túc, tín căn, tín lực, định giác phần, hỉ giác phần, khinh an giác phần, xả giác phần.

E. Những cách tìm hiểu thêm về Tứ Đế:

1. Tại sao chỉ nói có bốn Thánh đế, mà chẳng nói có 3 Thánh đế hay 5 thánh đế?

Đáp: Nói bốn Thánh đế, vì có hai cặp Nhân Quả:

- Nhân Quả thế gian: Khổ đế là Quả ở thế gian; Tập đế là Nhân ở thế gian;
- Nhân Quả xuất thế: Diệt
đế là Quả xuất thế

Đạo đế là Nhân xuất thế.

2. Nói bốn Thánh đế, vì có bốn việc cần làm:

- Khổ đế cần phảibiết rõ;
- Tập đế cần phải
đoạn trừ;
- Diệt đế
cần phải chứng đắc;
- Đạo đế
cần phải tu tập.

3. Theo nghiã chữ mà hiểu thêm về Bốn Thánh đế:

- Thánh là do bực Thánh chỉ dạy, và thi hành theo đúng hoàn toàn thì trở nên bực Thánh;
-
Đế như nghiã (= nghiã đúng như thế), tức là Chơn lý tuyệt đối;

- Khổ là phải chịu hậu quả khổ đau;
- Tập là nguyên nhân, nguồn gốc gây ra Khổ;
- Diệt là tận diệt cho hết, chẳng còn gốc rễ;
-
Đạo là con đường cho thấy đệ nhứt nghiã.

4. Theo tướng khởi lên mà hiểu thêm về Tứ Đế:

- Khổ tướng của sự đau đớn, âu lo, hữu vi
- Tập tướng của sự kết tụ, dính mắc;
- Diệt tướng của sự xuất ly, vô vi;
-
Đạo tướng của sự đưa tới nơi, nương tựa.

5. Theo thứ lớp thuyết giảng, mà hiểu thêm về Tứ đế:

- Khổ đế được nói đến trước, vì cụ thể, dễ thấy; kế nói đến Tập đế vạch rõ do đâu mà bị khổ; rồi giảng đến Diệt đế là sự an lạc sau khi diệt hết khổ; sau cùng chỉ cho cách phải làm sao cho hết khổ, tức là Đạo đế.

-Cũng như cách chẩn bịnh của lương y giỏi: trước giảng Khổ đế đoán bịnh trạng, đang bị bịnh như thế nào; kế nói đến là Tập đế căn bịnh, do đâu mà mắc bịnh; rồi tới Diệt đế phục hồi sức khoẻ, khi trừ dứt xong căn bịnh; sau cùng, Đạo đế thuốc thang để trị lành căn bịnh.

6. Do nói tóm lược mà hiểu thêm về Tứ đế:

- Sanh là Khổ: Sanh ra là Khổ đế;khiến cho phải sanh ra là Tập đế;chấm dứt sự tái sanh là Diệt đế; con đường chấm dứt tái sanh là Đạo đế.

- Phiền não là Khổ: nơi có phiền não là Khổ đế; gây ra phiền não là Tập đế; đoạn trừ các phiền não là Diệt đế; phương tiện đoạn trừ phiền não là Đạo đế.

- Dẹp bỏ các tà kiến: Khổ đế đóng chặt cửa thân kiến; Tập đế bế cửa đoạn kiến; Diệt đế khép cửa thường kiến; Đạo đế khoá cửa tà kiến.

7. Dùng thí dụ để hiểu thêm về Tứ đế:

- Khổ đế như cây có thuốc độc;
Tập đế như hột giống của cây
độc đó;
Diệt đế như
đốt cháy cây độc đó;
Đạo đế như lửa dùng
để đốt cây độc đó.

- Khổ đế như bờ bên nầy còn đau khổ;
Tập đế như lũ lụt gây
đau khổ;
Diệt đế như bờ bên kia, hết
đau khổ;
Đạo đế như chiếc thuyền
đưa sang bên kia.

- Khổ đế như gánh nặng trên vai;
Tập đế
như đang vác gánh nặng;
Diệt đế như
đặt gánh nặng xuống;
Đạo đế như phương tiện
để trút gánh nặng.

8. Do sự phân biệt bốn loại Đế (= Chơn lý) mà hiểuthêm về Tứ thánh đế:

- Ngữ đế là lời nói chơn thật, đúng với Chơn lý
- Các các đế là các kiến v
ăn, các sự hiểu biết đúng theo Chơn lý;
- Đệ nhứt nghiã đế là Chơn lý tuyệt
đối, cái nghiã đúng với sự thật vào bực nhứt;
- Thánh đế là Chơn lý tu hành của bực Thánh.

9. Do sự đồng nhứt về nghiã của Tứ Thánh Đế, mà hiểu thêm về Tứ Đế, vì mỗi Thánh đế đều có

- Nghiã đế:chứa đựng nghiã đúng Chơn lý;
- Nghiã như:là như thế, chẳng thể
đổi khác;
- Nghiã pháp:
đều chứa pháp tu để thực hành
- Nghiã không: bản thể rỗng rang, trống vắng

10. Do sự phân biệt thành Thế đế và Xuất thế đế, mà hiểu rõ thêm về Tứ đế: (Thế = thế gian).

- Thuộc về Thế đế, còn hữu lậu, hữu vi, hữu biên, ràng buộc, che lấp, có Khổ đế, Tập đế.
-
Thuộc về Xuất thế đế, vô lậu, vô vi, cởi mở, giải thoát, có Diệt đế, Đạo đế.

11. Do sự liệt kê các yếu tố và do sự xếp loại thành một loại cho đến mười loại, Luân văn liệt kê và xếp loại chẳng được rõ ràng, rất khó cho ta hiểu thêm được chút gì về Tứ đế, nên xin miễn ghi vào Dàn bài nầy cho khỏi lầm lộn.

087. Tìm hiểu nghiã các chữ khó trong Phẩm 11, Chi 2 về Thánh đế phương tiện.

Thánh đế: Thánh = bực Thánh, bực đã chứng được cõi vô sanh, nghiã là chẳng còn phải tái sanh lại trong vòng lẩn quẩn của Luân hồi. Bốn quả vị ở hàng Thanh văn: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm vì còn phải tái sanh nên được sắp vào bực Hiền; còn quả vị thứ tư là A-la-hán đã tận diệt các phiền não, chứng đắc vô sanh, nên được sắp vào hàng Thánh.

Đế = Chơn lý tuyệt đối, chẳng thay đổi theo không gian và thời gian. Bốn Thánh đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế Đạo đế còn được gọi là Tứ Đế hay Tứ Diệu Đế, được dịch là Bốn Chơn lý Nhiệm mầu.

Tứ Đế được Đức Phật Thích-ca thuyết giảng lần đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo ở Bồ-đề đạo tràng, Ngài đi đến vườn Lộc Uyển giảng cho năm anh em ông Kiều trần như nghe, năm người nầy vốn là bạn đạo cũ của Đức Phật. Khi nghe xong, ông Kiều trần như chứng được quả Thánh.

Ưu bi: Ưu = lo lắng; Bi = thương cảm, thương xót. Ưu bi là một nỗi khổ vì quá lo lắng và thương cảm.

Khổ khổ = một nỗi Khổ chồng chất thêm lên trên một nỗi Khổ khác đang gánh chịu.

Năm thọ ấm = năm thủ uẩn = Thọ = cảm nhận, thọ lãnh, nhận chịu; Ấm = Uẩn = sự tập hợp chung lại của nhiều thứ cùng loại hay khác loại; khi nói ấm hay uẩn là ý muốn nói đến sự tu hội có tánh cách che mờ, vì có nhiều thứ nên chẳng thấy rõ được mỗi thứ. Năm ấm hay Năm uẩn chỉ vào thân tâm con người; sắc ấm phần vật chất chỉ vào thân, còn bốn ấm kia, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm thức ấm là phần tinh thần thuộc về tâm. Khi nói thân tâm năm ấm, là muốn nói nơi thân tâm nầy chỉ có năm ấm đó mà thôi, chẳng còn có yếu tố nào khác để có thể chứng tỏ được rằng có một chúng sanh, có mộtthọ mạng, để bác bỏ hai tà kiến về thân kiến ngã kiến.

Lại nữa, khi nói năm thọ ấm (tức là năm ấm đang cảm thọ) có hàm ý nghiã rằng, các nỗi khổ sở dĩ có khởi lên thì đều do thân tâm năm ấm nầy phải hứng chịu. Nói cách khác, thân tâm năm thọ ấm nầy chính là nạn nhơn gánh lấy các nỗi khổ của cuộc đời; giả dụ chẳng còn năm thọ ấm đó nữa, thì Khổ phải tiêu diệt hẳn.

Còn khi nói năm thủ uẩn (tức là năm uẩn đang được bám níu vào) có hàm nghiã rằng, chúng sanh sở dĩ chịu nạn Khổ của cuộc sống trong Luân hồi, là vì chúng sanh quá bám niú vào năm uẩn đó. Sự bám níu lúc còn sống muốn thân tâm sung sướng mà chẳng được thì khổ; đến lúc sắp chết, càng bám níu vào thân tâm năm uẩn, vì thế mà phải tái sanh lại.

Xứ khổ:Xứ = nơi chốn; Xứ khổ là nơi xảy ra sự khổ, tức là nơi thân tâm nầy.

Tự tánh khổ: Tự tánh = bản tánh riêng biệt của một ai; Tư tánh khổ muốn nói đến từng cảnh khổ riêng biệt khác nhau, như nhức răng là khổ đặc biệt ở răng trên thân; buồn lo là cõi lòng đang bị khổ; cái khổ nhức trước có tự tánh khác với cái khổ sau về lo buồn.

Hoại khổ: Hoại = hư hoại, tiêu mất đi; Hoại khổ là nỗi khổ gây nên bởi sự tiêu hoại; thí dụ như thấy cuộc vui tan dần, muốn tiếp tục vui nữa chẳng được thì là hoại khổ.

Hành khổ: Hành = hành nghiệp, những hành động đã qua do thân, miệng, và ý tạo nên, qua thời gian bị biến đổi theo lẽ vô thường, nên gây ra cảnh Khổ.

Dục ái: Dục = ham muốn; Ái = thương, thích. Dục ái lại có nghiã sự tham đắm vào các thú vui ở cõi dục giới.

Hữu ái: Hữu = hiện hữu, cuộc sống; Hữu ái là sự tham muốn được luôn sống mãi, vì vướng phải tà kiến: thường kiến. Tà kiến nầy cho rằng linh hồn bất diệt, đã sanh làm người, chết đi linh hồn cũng sẽ thành lại người như trước.

Bất hữu ái = Phi hữu ái: Bất = chẳng có; Phi = chẳng phải. Bất hữu ái hay Phi hữu ái là sự tham muốn chẳng phải tái sanh, vì vướng phải tà kiến: đoạn kiến. Tà kiến nầy cho rằng chết đi là hết cả, chẳng có đời sau.

Chứng đắc: Chứng = thấy rõ bằng tai, mắt, có kinh nghiệm rõ rệt; Đắc = được. Thí dụ như tu tập đạo Tu-đà-huờn thành công viên mãn thì chứng đắc đuợc quả vị Tu-đà-huờn.

Bát Chánh đạo phần: Bát Chánh Đạo là con đường tu tập đưa con người đến cảnh giới Niết-bàn, chứng đắc được vô sanh. Chữ Phần đây có nghiã là các phần, các thành phần, các yếu tố, tức là từ Chánh kiến cho đến Chánh định. Nói cách khác, Bát chánh đạo phần là con đường tu tập gồm có tám ngành, tám yếu tố, tám thành phần, ...

Tứ niệm xứ: Tứ = bốn; Niệm = suy tưởng; Xứ = nơi chốn, lãnh vực. Tứ niệm xứ là bản Kinh quan trọng của Đức Phật dạy cách quán tưởng về bốn lãnh vực: (1) thân thì bất tịnh; (2) thọ thì khổ; (3) tâm thì vô thường; (4) pháp (= sự vật) thì vô ngã.

Nê-hoàn: một danh từ khác để chỉ Niết-bàn

Tà nghiệp, Tà mạng, Tà định: Tà = xiêng xéo, chẳng chơn chánh, chẳng đứng đắn; Tà nghiệp là hành động xấu ác; Tà mạng đường lối mưu sanh chẳng chơn chánh; Tà định là quán tưởng về đề tài mê tín, dị đoan, dữ ác.

Huệ căn, Huệ lực: Huệ = trí huệ; Căn = nguồn cội; Lực = sức mạnh. Huệ căn là căn cơ của Trí huệ, nơi phát lên Trí huệ. Huệ lực là sức mạnh của Trí huệ, sức chiếu sáng rực rỡ của Trí huệ.

Ba mươi bảy pháp Bồ-đề = 37 phẩm Trợ đạo:Đây là các môn học thuộc giáo lý nhà Phật đưa hành giả đến nơi giác ngộ và giải thoát. Gồm có: (1) Tứ niệm xứ, (2) Tứ chánh cần, (3) Tứ như ý túc, (4) Ngũ căn, (5) Ngũ lực, (6) Thất giác chi, (8) Bát Chánh đạo:4+4+4+5+5+7+8 = 37. Danh từ Hán Việt gọi là Tam thập thất Đạo phẩm.

Nghiã như: Như = tiếng Hán Việt là Như thị, có nghiã là Như thế, tức là đúng theo Sự thật, như thế là như thế.

Hữu vi: Hữu = có; Vi = làm, tạo tác ra. Hữu vi là sự vật do sự tạo tác mà có, nên chịu sự biến đổi theo các điều kiện về thời gian, không gian.Hữu vi trái nghiã với Vô vi, tức là các sự vật chẳng do tạo tác mới có, đã có sẵn tự bao giờ chẳng biết, thí dụ như Chơn Lý, Niết-bàn, v.v. Pháp (= sự vật) vô vi chẳng bị biến đổi bởi các nhơn duyên, điều kiện hoàn cảnh, như thế là cứ như thế mãi.

Hữu biên: Hữu = có; biên = ranh giới. Sư vật hữu biên là sự vật có giới hạn. Hữu biên trái nghiã với vô biên, tức là pháp(= sự vật) chẳng có giới hạn, thí dụ:không gian, thời gian.

Tướng chuyên chở: Nguyên văn là thừa tướng, thừa có nghiã là chiếc xe để chuyên chở. Ý ở đây, trang 270, có nghiã là có tướng của một phương tiện chuyên chở, đưa hành giả tới nơi giác ngộ và giải thoát.

Chẩn bịnh: Chẩn = xem mạch đoán bịnh.Chẩn bịnh là nói rõ bịnh trạng, đang bị đau ốm về chứng gì.

Lương y = vị thầy thuốc giỏi, xem đúng bịnh, và trị bịnh mau lành.

Bế = đóng kín chặt lại.

Ngữ đế: Ngữ = ngôn ngữ, tiếng nói; Đế = Chơn lý. Ngữ đế là lời nói đúng Chơn lý, hoặc Chơn lý được trình bày dưới hình thức ngôn ngữ thật rõ ràng.

Các các đế: Các = mỗi thứ; Đế = Chơn lý. Ở đây chữ các các đế được Luận văn giải thích, ở trang 271, là các sự hiểu biết, các kiến thức đều phù hợp với Chơn lý.

Đệ nhứt nghiã đế: Đệ nhứt nghiã là nghiã cao tột nhứt, chẳng còn gì đúng hơn nữa. Đệ nhứt nghiã đế là Chơn lý tuyệt đối; trong khi Chơn lý ở thế tục, đời sống thông thường thì chỉ là Tục đế, chơn lý tương đối mà thôi; tại vùng nầy, điều nầy là đúng, nhưng tới vùng khác, điều ấy có thể sai.

Khát ái: Khát = khao khát, thèm thuồng quá. Khát ái chỉ sự đam mê quá mức.

Kết sử: Xem lại trang 514, Ph. 10.

Đế nghiã:Đế = Chơn lý; Nghiã = ý nghiã. Đế nghiã là có ý nghiã như một Chơn lý.

Như nghiã:Xem lại bên trên, trang 552.

Pháp nghiã: Pháp = pháp tu, pháp tắc. Pháp nghiã là có ý nghiã như một pháp tắc phải tuân theo.

Không nghiã: Không = rỗng rang. Không nghiã là có ý nghiã như sự rỗng rang, chẳng chứa đựng gì, chẳng có bản thể, chẳng có thực chất, trống vắng.

Thế đế: Thế = đời; đời sống thế tục. Thế đế cũng như Tục đế, là các chơn lý tương đối ở đời sống thông thường.

Xuất thế đế: Xuất = ra khỏi; Thế = đời. Xuất thế đế là các Chơn lý vượt khỏi đời sống thế tục, đưa hành giả thoát khỏi vòng sanh tử, tử sanh của Luân hồi, chứng đắc Niết-bàn an lạc.

Thân tánh = bản tánh của thân thể. Luận văn viết, nơi trang 273, bốn nơi của thân tánh, mà chẳng nêu rõ bốn nơi nào? Trong khi đó, Luận văn có viết: sáu điều khát ái về thân; câu nầy ta có thể suy ra mà hiểu đó là các sự khát ái ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Năm nẻo tái sanh: Năm nẻo đó là: điạ ngục, ngạ qủi, súc sanh, người và A-tu-la (= bực Thần)

Sáu điều khát ái: Xin xem chữ Thân tánh ở trên.

Tám ngọn gió thế gian = tức là tám điều làm cho tâm phải xao động, như bị gió thổi vậy. Gồm có: lợi, suy, huỷ, dự, xưng, cơ, khổ, lạc tức là: có lợi, bị hư hao, lời nói xấu, lời khen, lời tâng bốc, lời chê, khổ và sướng.

Tà biên: Tà = xiêng xéo, chẳng chơn chánh; Biên = ngoài bià, ngoài ven. Luận văn viết, trang 273, tám điều tà biên, nhưng chẳng nêu rõ tám điều ấy. Thường trong Phật học có nói đến nhị biên tức là hai bờ ranh giới đối chọi nhau, mà chẳng bên nào đúng cả; thí dụ như thường kiến đoạn kiến; hoặc chấp có với chấp không.

Chín cảnh giới cư trú của chúng sanh: Danh từ Hán Việt gọi là Cửu điạ, gồm có một cõi dục giới, bốn cõi Thiền và bốn cõi Định.

Mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên và dưới, cộng chung lại là mười phương.

088. Suy gẫm về Phương tiện Bốn Thánh đế:

1)Bốn Chơn lý Nhiệm mầu. Trong bản Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nêu rõ Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, theo đó thân phận mọi chúng sanh phải chịu cảnh trầm luân triền miên trong vòng Luân hồi và Ngài vạch rõ con đường giải thoát khỏi cảnh Khổ đó. Bốn Chơn lý đó được các bực Đại sư gọi là bốn Thánh đế, nghiã là bốn Chơn lý của bực Thánh đã giảng dạy và người nghe, nếu thi hành theo đúng, sẽ vươn lên được bực Thánh, tức là thoát khỏi cảnh Khổ triền miên, sống trong niềm an lạc của Niết-bàn. Trước Ngài, và sau Ngài, chưa từng có ai đã nêu rõ Chơn lý của cuộc đời như thế, cho nên mới gọi là Bốn Chơn lý Nhiệm mầu.

Cơ duyên may mắn cho chúng sanh là được biết đến và học tập về Bốn Chơn lý đó. Lời Ngài giảng, căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, trên sự chứng đắc rõ ràng, chớ chẳng phải là những tràng lý luận suông, dựa trên sự ức đoán. Từ ngày được thuyết giảng đến nay, đã có bao nhiêu là bực Người, Trời dựa theo đó mà tu tập để chứng đắc cõi vô sanh, dẹp tan mọi phiền muộn, thong dong, tự tại trong cảnh an nhiên của Niết-bàn. Giờ đây, ta phải cố gắng học tập bốn Chơn lý đó, lấy đấy làm điều tâm niệm, làm con đường giải thoát, chớ chẳng phải là lúc cứ bàn bàn luận luận dông dài, cho vui câu chuyện.

Đã gọi đó là Phương tiện, thì nên nhớ rằng, phương tiện sẵn đó, chỉ cần bắt tay vào việc. Nếu còn chần chờ, ngày qua ngày, chẳng mó đến phương tiện mà dùng, thì rõ ràng là đang phụ ơn người chỉ dạy.

2)Năm thọ ấm hay Năm thủ uẩn?

Chơn lý đầu tiên là Khổ đế, kể ra các thứ Khổ mà mọi chúng sanh phải gánh chịu. Giáo lý Bắc tông gọi đó là Bát khổ: sanh khổ, bịnh khổ, già khổ, chết khổ, oán ghét gần nhau là khổ, thương yêu mà xa nhau là khổ, cầu mà chẳng được là khổ và cái Khổ thứ tám là năm ấm hưng thạnh (= ngũ ấm xí thịnh). Điều khổ thứ tám nầy chẳng thấy có trong Kinh Chuyển Pháp Luân, vì kinh nầy sau khi kể bảy điều khổ trước, viết rằng: "Nói tóm lại, năm thủ uẩn là khổ".

Việc kể lại các nỗi khổ trong Kinh, chỉ có tánh cách liệt kê, mà chẳng có tánh cách giới hạnở bảy điều, vì còn nhiều hình thức Khổ nữa, chẳng kể hết. Vì thế, Kinh mới ghi: nói tóm lại, cho biết đấy chỉ là bản liệt kê tóm lược mà thôi. Vả lại, ba chữ nói tóm lại rất quan trọng, vì đã nhấn mạnh rằng: "... năm thủ uấn là khổ"...

tức là nơi phải gánh chịu các sự khổ đau đó, chính là thân tâm năm uẩn.

Điều làm ta thắc mắc là trong Kinh Chuyển Pháp Luân chẳng nói năm uẩn suông, mà nói rõ năm thủ uẩn; trong khi Luận văn thì ghi: năm ấm cảm tbọ là khổ. Ta phải hiểu chỗ khác biệt ở hai nơi đó như thế nào cho đúng?

Năm thủ uẩn khác với năm uẩn, hay năm ấmở chỗ chữ thủ, có nghiã là bám chặt lấy và níu giữ lấy chẳng chịu buông ra cho lơi lỏng, chẳng chịu cởi mở sự ràng buộc một chút nào. Như thế, thân tâm năm uẩn nầy, vì ta cố bám níu vào mãi, vì ta quá chấp thủ, nên ta phải gánh lấy các nỗi Khổ. Giản dị là thế! Ai biểu cứ mang vào, cứ chấp lấy, cứ thủ mãi, cho nên thoát đi đâu được mà chẳng Khổ!

Luận văn dùng chữ thọ đi kèm với chữ ấm, thành ra năm thọ ấm,cũng chẳng có cách xa nhiều với ý nghiã năm thủ uẩn. Tại sao? Thọ, dùng theo nghiã một động từ, chỉ sự thọ nhận, cảm nhận, nhận lấy và giữ lấy. Như thế, thọ ấm với thủ uẩn chẳng khác nghiã nhau nhiều; chữ thủ uẩn nghiã mạnh hơn thọ ấm ở chỗ sự nắm giữ được cố tình làm, bám dai dẳng, trong khi chữ thọ ấm diễn tả sự nắm giữ chỉ có tánh cách thụ động, nghiã là vì phải Khổ, vẫn thọ lấy mà chịu Khổ vậy. Chỗ giống nhau giữa hai danh từ chính là việc xem thân tâm nầy quá trọng, chẳng hiểu rằng, ý nghĩ bám vào thân tâm là nguyên nhân sâu xa, dính chặt vào cuộc sống, đưa con người cứ trôi mãi, triền miêntrong cảnh sanh tử của vòng Luân hồi.

Sở dĩ có sự phân biệt hơi tế nhị như trên về các danh từ thủ uẩn trong Kinh Chuyển Pháp Luân và thọ ấm trong Luận văn, là để nêu rõ lên rằng:

- Chúng sanh phải chịu Khổ vì cứ bám níu mãi.

3)Nên học tập Bốn Thánh đế như thế nào?

Kinh Chuyển Pháp Luân nhấn mạnh và được Luận văn nhắc lại rất rõ ràng, là người tìm hiểu về Giáo lý nhà Phật khi đọc đến Kinh nầy, nhứt là về bốn Thánh đế, cần phải làm theo thật đúng bốn điều:

1. Về Khổ đế, cần phải hiểu rõ;
2. Về Tập đế, cần phải tận diệt;
3. Về Diệt đế, cần phải chứng đắc;
4. Về
Đạo đế, cần phải tu tập.

Hiểu rõ là sao? Hiểu tận tường, chẳng còn chút nghi nan, chẳng còn chút ngâp ngừng, rằng cuộc đời nầy sướng thì ít, khổ thì nhiều, lại kéo dài triền miên.

Tận diệt là sao? Tận diệt nguồn gốc gây nên đau khổ; nguồn gốc đó là sự tham ái,bám níuvào các thú vui nhỏ để phải chịu các khổ đau lớn. Diệt cách nào? Diệt cho tận gốc, chẳng còn chút dư tàn nào, cũng như dập tắt ngọn lửa chẳng còn chút tàn lửa nào bốc khói lên ngun ngún nữa.

Chứng đắc là sao? Tự mình nhận thấy nơi mình chẳng còn chút nào gọi là phiền não; thể nghiệm được sự an lạc vô biên của người đã thoát được gánh nặng. Chứng đắc điều gì? Chứng đắc cõi vô sanh của Niết-bàn an lạc, bằng cách chính mình nhận thấy mình đã hoàn toàn tự tại, thong dong, thoát mọi ưu tư ràng buộc của cuộc đời.

Tu tập là sao? Là sửa đổi lại thái độ, tư cách, hành động sao cho đúng với tám yếu tố chơn chánh, từ chánh kiếncho đếnchánh định. Con đường Bát Chánh còn dài, nhưng tập được gần xong một việc, thì thấy các việc khác nhờ đó cũng đã sát tới mục tiêu. Tu tập liên tục với sự tinh tấn, bền chí, cứ bước chơn lên đường, nhứt định sẽ có lúc, hoặc trong đời nầy, hoặc về các đời sau, chắc chắn kết quả sẽ đến.

Đọc mà hiểu sơ sài, diệt trừ mà còn sót chút ít, bám níu, chưa chứng đắc đã vội tự cho là chứng đắc, tu tập qua loa, vui thì tập, buồn thì thôi, đó là thái độ lơ là của người học lôi thôi về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu nói trong Luận văn.

Thế nên, xin ghi vào lòng bốn điều tâm niệm nầy:

1)Hiểu rõ thật kỹ các nỗi Khổnơi Khổ đế;
2) Trừ bỏ thật sạch
sự bám níu nơi Tập đế;
3) Thể nghiệm thật rõ ràng
niềm an lạc khi vắng bóng cácphiền não, nơi Diệt đế;
4) Tu tập thật kiên trì
con
đường Bát chánh nơi Đạo đế.

4)Ba hình ảnh về Tứ Diệu đế đáng ghi nhớ:

41. Thí dụ Cây có chất độc.

Khổ đế được ví với một thân cây chứa đầy các chất độc hại.
Tập đế
được xem như hột giống của cây độc đó.
Diệt đế là thiêu
đốt ra tro hột giống đó.
Đạo đế là lửa
để đem thiêu đốt hột giống.

42. Thí dụ Dòng nước lụt.

Khổ đế như còn ở bờ bên nầy lo bị ngập;
Tập đế
xem như dòng nước lụt cuồn cuộn;
Diệt đế
như bờ bên kia có đê chắn giữ;
Đạo đế là chiếc thuyền đưa sang bờ bên kia

43. Thí dụ Gánh nặng trên vai.

Khổ đế như gánh nặng đè trên vai;
Tập đế
như đang vác gánh nặng trên vai;
Diệt đế
như đặt được gánh nặng xuống;
Đạo đế là phương tiện
để trút gánh nặng xuống khỏi vai... (và thở phào!)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]