Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

III. Tóm kết

20/04/201113:17(Xem: 11844)
III. Tóm kết

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003

Ý CHỈ BẤT LẬP VĂN TỰ

III. TÓM KẾT

Thiền tông nhắm thẳng tâm người, khiến người sống ngay thực tại sáng ngời luôn hiện hữu, không cho dừng trụ trên bất cứ hình htức chữ nghĩa nào. Đi qua và đi qua tất cả mọi ngôn ngữ lập bày, Thiền có một sức sống chân thật ngay chính mình. Bao nhiêu khuôn khổ khái niệm sẵn sàng bỏ lại đằng sau không nuối tiếc. Chính thế, thiền có những lời nói trái tai, ngược đời, những thủ thuật khai thị cho người thật táo bạo, vượt ngoài sức hiểu biết của tâm thức phân biệt thông thường. Do đó người mới đến với thiền cảm thấy dội ngược, đôi khi nghi ngờ vì thấy trái với cái khuôn mình được truyền dạy, học hiểu bấy lâu. Từ đó khiến có người trở lại chê bai, chỉ trích thiền. Song xét kỹ lại, không hiểu nổi rồi chê bai, chỉ trích thì đâu là chân lý? Trong khi đó, với Thiền sư thì nói một chữ “thiền” đã là dư rồi, vậy người sẽ bám vào đâu để chỉ trích? Nói cho cùng thì vẫn luẩn quẩn trong vòng văn tự, chữ nghĩa thôi. Trong nhà thiền thường nhắc “không vào hang cọp sao bắt được cọp con”, không để lọt hở có chỗ cho người dòm lén. Hòa thượng Đức Sơn bảo: “Này các ông! Khoảng này không có một pháp cho các ông giải hội, tự mình cũng chẳng hội thiền, ta cũng chẳng phải thiện tri thức, mọi việc đều không hiểu, chỉ biết đi ỉa, đi đái, ăn cơm, mặc áo, còn có việc gì ?” Như vậy, trong đây còn có chỗ nào để cất chứa chữ nghĩa, kiến thức hiểu biết? Lo bám vào lời Tổ, moi móc trong ngữ lục để hiểu, có dính dáng gì?
Nói thẳng, học thiền là học ý nghĩa sống, không phải học theo chữ nghĩa chết. Kìa, người người cứ lo tham cứu con mèo của Nam Tuyền, cây bách, chữ “không” của Triệu Châu, cái bánh của Vân Môn. Nhưng Nam Tuyền không có trong con mèo, cũng không có trong chiếc giày đội đầu của Triệu Châu, không ở trong cây bách trước sân, cũng không có trong chữ “không”, Vân Môn không có trong cái bánh. Mọi người muốn thấy Nam Tuyền, Triệu Châu, Vân Môn chăng? Chính ngay chỗ chẳng hiểu này, hãy xoay lại trong ấy, chớ tìm đâu khác.
Tóm lại, với ý chỉ “bất lập văn tự”, thiền đòi hỏi người học một sức chứng nghiệm chân thật, không lệ thuộc trên chữ nghĩa. Dù nghiên cứu, học hiểu hay giỏi đến đâu mà thiếu chứng nghiệm thì vẫn đứng ngoài cửa thiền. Do đó, người muốn thấu triệt bản thân thiền, quyết phảithực hành thiền, không thể chỉ y cứ trên hình thức phân tích lý luận mà có thể đến được. Nghĩa là, phải thực sự là một hành giả thiền chớ không thể là học giả. Đây là điều trọng yếu không thể bỏ qua đối với Phật đạo nói chung, thiền nói riêng.
Ý nghĩa này đi đôi với “giáo ngoại biệt truyền” ngầm đánh thức sức sống chân thật chính ở trong tự tâm của mỗi người. Cần phải từ trong đó mà sống dậy, mới cảm nghiệm được chỗ truyền trao của chư Phật, chư Tổ, đừng giam mình trong ngục tù của ngôn ngữ văn tự mà đánh mất đi cái sanh mạng tuyệt đối hằng có nơi mình. Có sống được với sanh mạng tuyệt đối này, từ đó chúng ta ứng dụng ra ngôn ngữ văn tự thì dùng nó mới đúng ý nghĩa, không lầm lẫn. Chính chỗ này thiền đòi hỏi hành giả phải minh tâm kiến tánh, tức sáng được tâm, tỏ được tánh. Và đây, để tóm tắt lại ý nghĩa trên bằng câu chuyện thiền giả ngồi thiền tại Tàng Kinh Lâu.
Tại Tàng Kinh Lâu, có một thiền giả ở trong đó nhưng chẳng xem kinh, đọc sách chi cả, trái lại mỗi ngày vị ấy chỉ ngồi thiền thôi. Vị Tạng chủ trông coi Tàng Kinh Lâu này bèn hỏi:
- Đại đức vì sao mỗi ngày chỉ ngồi thiền mà không xem kinh?
Thiền giả thản nhiên đáp:
- Vì tôi chẳng biết chữ?
Tạng chủ bảo:
- Vì sao chẳng thưa hỏi người?
Thiền giả hỏi:
- Phải thưa hỏi ai?
Tạng chủ nói tự nhiên:
- ông có thể thưa hỏi với tôi đi.
Thiền giả liền đứng dậy làm lễ rồi khoanh tay hỏi:
- Xin hỏi cái này là cái gì?
Tạng chủ bị một câu hỏi này chỉ biết ngậm miệng, mờ mịt không biết trả lời thế nào.
Ôi Tạng chủ trông coi cả một tạng kinh thì phải biết ông đã đầy một bụng chữ nghĩa không ít, nhưng bị một câu hỏi này, đành ngậm miệng không lời đáp được, vậy lúc đó bao nhiêu chữ nghĩa đang cất ở đâu? Hành giả cần nghiệm kỹ, chớ vội bỏ qua chỗ này!

CHÚ THÍCH:
(1) Dẫn kinh Lăng Già, Phật bảo Bồ tát Đại Huệ:
- Đại Huệ! Chẳng phải tất cả cõi nước có ngôn thuyết. Ngôn thuyết là tạo tác vậy. Hoặc có cõi Phật nhìn xem mà hiển bày pháp, hoặc có cõi Phật làm ra hình tướng, hoặc có cõi nước nhướng mày, hoặc có cõi nước chớp mắt, hoặc cười hoặc ngáp hoặc tằng hắng, hoặc có cõi nước suy nghĩ, hoặc giao động. Đại Huệ! Như thế giới Chiêm Thị và Hương Tích, cõi nước Phổ Hiền, Như lai chỉ dùng nhìn xem khiến các Bồ tát được vô sanh pháp nhẫn và các tam muội thù thắng. Thế nên, chẳng phải ngôn thuyết có tánh, có tất cả tánh. Đại Huệ! Thấy ở thế giới này ruồi lằn, trùng kiến, các chúng sanh ấy không có ngôn thuyết mà mỗi loài đều làm việc xong xuôi. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn trang 200)
(2) Hòa thượng Đả Địa nhận được ý chỉ nơi Mã Tổ, Sư thường ẩn danh. Mỗi khi có người tham học đến hỏi đạo, Sư chỉ lấy gậy đập xuống đất chỉ đó nên gọi là Hòa thượng Đả Địa. Một hôm bị vị tăng giấu cây gậy đi, sau đó hỏi Sư, Sư chỉ há miệng.
Có vị tăng hỏi môn nhân của Sư:
- Chỉ như Hòa thượng mỗi ngày có người hỏi liền đập đất, ý chỉ thế nào?
Môn nhân liền lấy một mảnh củi trong bếp ném vào trong nồi. (Ngũ Đăng Hội Nguyên)
(3) Thản Nhiên đến hỏi Quốc sư Huệ An:
- Thế nào ý Tổ sư từ Tây sang?
Quốc sư đáp:
- Sao chẳng hỏi ý của chính mình?
Thản Nhiên hỏi:
- Thế nào là ý của chính mình?
Quốc sư đáp:
- Nên xem tác dụng thầm kín.
Thản Nhiên hỏi:
- Thế nào là tác dụng thầm kín?
Sư liền nhắm mắt, mở mắt chỉ đó.
(Ngũ Đăng Hội Nguyên)
(4) Nơi Sư ở.
(5) Sáng tỏ được giáo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]