Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI: Chấp nhận và xuôi thuận

14/04/201113:11(Xem: 4707)
Chương VI: Chấp nhận và xuôi thuận

SỨC MẠNH CỦA TĨNH LẶNG
Nguyên tác: STILLNESS SPEAKS
Tác giả: Eckhart Tolle
Dịch giả: Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh

Chương VI

CHẤP NHẬN VÀ XUÔI THUẬN

Lúc nào bạn đã sẵn sàng, hãy nhìn vào nội tâm mình xem thử, trong giây phút này, bạn có đang vô thức tạo thêm những bất đồng, xáo trộn giữa bên trong và bên ngoài bạn, giữa những tình huống trong đời sống của mình, bạn đang ở đâu, đang tiếp xúc với ai, bạn đang làm gì, những cảm xúc hoặc ý nghĩ gì mình đang có? Bạn có cảm thấy đớn đau khi cứ khăng khăng khước từ, hay chống đối những gì đang hiện diện trong phút giây này?

Khi bạn nhận thức được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng mình có tự do để buông bỏ sự phản kháng một cách vô vọng(1), trạng thái thường xuyên có sự xung đột, đấu tranh ở nội tâm, với những gì đang hiện diện trong phút giây này.

§

Thông thường mỗi ngày, nếu bạn cần thốt lên thành lời về thực trạng nội tâm của mình, bạn có muốn thốt lên: “Trời ơi, tôi không hề muốn đối diện với một tình trạng tồi tệ như thế này”? Bạn cảm thấy thế nào khi không chấp nhận tình trạng của bạn trong lúc đó – đang bị kẹt xe, đang trong giờ làm việc ở cơ quan, đang ngồi đợi một chuyến bay ở phi trường, hay bận giao tiếp với ai đó?

Dĩ nhiên có những nơi đáng cho bạn phải rời xa – và có khi, đó là điều thích hợp nhất bạn cần làm lúc đó. Nhưng nhiều lúc, rời xa nơi bạn đang có mặt là một điều bạn không thể làm được. Trong những trường hợp này, thái độ “Tôi không muốn giáp mặt với một hoàn cảnh như thế này!” là một điều không những vô bổ, mà còn có tính chất băng họai. Vì thái độ đó làm cho bạn và những người chung quanh bạn khổ sở.

Người đời có câu: “Đi đâu thì ở đó!”. Nói một cách khác: Bạn đang hiện diện ở nơi này. Luôn luôn như thế. Có gì khó khăn đâu khi bạn phải chấp nhận điều này?

§

Bạn có cần phải phê phán mỗi cảm nhận từ giác quan hay mỗi kinh nghiệm của mình? Bạn có cần phải có một quan hệ có tính chất phản kháng, thíchhoặc không thíchvới đời sống, nơi mà bạn luôn liên tục có sự bất đồng với hoàn cảnh và với những người khác? Hay đó chỉ là một thói quen lâu đời, khó bỏ ở trong bạn? Bạn sống an nhiên tự tại, không phải bằng cách bạn phải làm một cái gì đó, nhưng bằng cách bạn cho phép những gì đang hiện hữu trong phút giây này được như nó đang là, mà không có sự chống đối.

Thói quen chống đối hay phản kháng ở trong bạn chỉ làm cho tự ngãcủa bạn mạnh hơn(2). Thái độ chấp nhận sẽ làm cho tự ngã của bạn suy yếu đi. Bản ngã, sự đồng hóa một cách sai lầm của bạn với hình tướng(3), không thể sống sót khi bạn có thái độ chấp nhận mọi việc.

§

“Tôi bận lắm!”. Vâng, nhưng những việc bạn đang làm ấy có chất lượng không? Lái xe đến nơi làm việc, nói chuyện với người thân, sử dụng máy vi tính, giặt giũ, mua sắm,… và hàng trăm thứ khác mà bạn cần làm trong ngày. Bạn có thực sự có mặt trong khi làm những công việc đó? Bạn làm những việc ấy trong trạng thái chấp nhậnhay chống đối? Chất lượng, sự có mặt để thưởng thức công việc, và thái độ chấp nhậnkhi làm những công việc, đó mới chính là điều quyết định sự thành công hay thất bại của bạn trong đời sống, chứ không phải bao nhiêu nỗ lực mà bạn đã đổ vào những công việc đó. Nỗ lực ám chỉ sự căng thẳng và có cái gì như quá sức để đạt đến một mục tiêu, một kết quả nào đó ở tương lai. Bạn thử nhìn sâu để nhận ra có một sự chống đối, dù nhỏ nhặt đến mức nào, ở trong mình về những gì bạn đang cần phải làm? Đó chính là chống đối đời sống, do đó bạn không thể nào thực sự có được sự thành công.

Khi bạn nhận ra sự chống đối này ở bên trong, bạn có muốn buông bỏ thái độ chống đối đó và hết lòng với những gì bạn đang làm?

§

“Làm hết lòng mỗi việc!”(4), như lời một vị thiền sư, chính là tinh yếu của Thiền tập. Làm hết lòng mỗi việc có nghĩa là đặt hết tâm ý vào những gì bạn đang làm. Đây chính là thái độ làm việc một cách nhu thuận, không chống đối – một thái độ làm việc đầy năng lực.

§

Thái độ chấp nhận những gì đang xảy ra giúp bạn đi sâu vào một trạng thái sâu lắng, nơi mà cảm nhận nội tại và cảm nhận về tự thân của bạn không còn phụ thuộc vào thái độ phê phán về “Tốt” hay “Xấu” của trí năng.

Khi bạn chấp nhận một cách hân hoan đối với “những gì đang hiện hữu” trong đời sống, khi bạn chấp nhận giây phút này nguyên vẹn như nó đang là, bạn có thể cảm nhận được một cảm giác thật khoáng đạt, thanh thoát và an tịnh ở nội tâm.

Trên bề mặt, bạn có thể cảm thấy vui khi trời nắng ráo, và ít vui khi trời mưa gió; bạn có thể cảm thấy mừng vui khi trúng số độc đắc, và khổ sầu khi mất hết tài sản. Nhưng dù thế nào, những niềm vui hay nỗi buồn như thế không thể xáo trộn tâm hồn bạn được lâu. Vì những thứ ấy chỉ như những đợt sóng gợn trên bề mặt sự Hiện Hữu của bạn. Vì chiều không gian sâu lắng ở trong bạn không bao giờ bị khuấy động, dù cho có những giông bão đang xảy ra ở bên ngoài.

Chấp nhận một cách hân hoan “những gì đang hiện hữu” làm hé mở một chiều không gian sâu lắng ở trong bạn, không phụ thuộc vào những điều kiện ở bên ngoài hay những thay đổi lên xuống thường xuyên của những ý tưởng và cảm xúc bên trong.

§

Chấp nhận vô điều kiệntrở thành dễ dàng hơn khi bạn nhận thức sự chóng tàn và phôi pha của mỗi kinh nghiệm, khi bạn hiểu rằng thế giới này không thể mang đến cho bạn một cái gì trường cửu. Từ đó, bạn tiếp tục gặp gỡ người khác, tiếp xúc với những kinh nghiệm và sinh hoạt, nhưng không còn bị bó buộc bởi lòng ham muốn và sợ hãi của một cái Tôi riêng rẽ(5). Hay nói một cách khác, bạn không còn muốn đòi hỏi hoàn cảnh, người khác, nơi chốn hay biến cố gì để giúp bạn thỏa mãn hay vui sướng. Tính phôi pha và bất toàn của mọi chuyện được phép bộc lộ, phơi bày một cách hiển nhiên.

Điều tuyệt vời nhất là khi bạn không còn áp đặt một yêu cầu khó thể thỏa mãn nữa thì mỗi hoàn cảnh, mỗi con người, mỗi nơi chốn hay biến cố đều trở thành một cái gì không những rất thích thú mà còn rất hài hòa và yên lắng.

§

Khi bạn hoàn toàn chấp nhận giây phút này, khi bạn không còn tranh cãi với những gì đang có mặt, khuynh hướng suy tư sẽ giảm dần và thay vào đó bằng một sự trầm tĩnh rất sáng suốt. Bạn hoàn toàn có mặt, nhưng trí năng ở trong bạn không còn diễn dịch, phê phán hay dán nhãn hiệu lên giây phút này. Trạng thái không-chống-đối nội tại này sẽ mở ra cho bạn tiếp xúc với một tâm thức chưa bị điều kiện hóa; thứ tâm thức lớn lao hơn tất cả những gì trí năng của con người có thể hình dung được. Sự thông thái mênh mông này từ đó có thể biểu hiện qua chính bạn và giúp bạn cả bên trong lẫn bên ngoài. Cho nên, khi bạn buông bỏ sự chống đối nội tại, bạn thường nhận ra rằng những hoàn cảnh mà mình đang gặp phải sẽ được thay đổi theo một chiều hướng tích cực.

§

Tôi có đang nói rằng “Bạn hãy thưởng thức và vui sướng với phút giây này”? Không. Tôi chỉ nói: Hãy cho phép giây phút này được “như nó đang là”!

§

Chấp nhận hoàn toànlà chấp nhận những gì đang hiện hữu trong giây phút này, mà không phải là chấp nhận những thêu dệt, những bi kịch,… qua đó bạn diễn dịch giây phút này rồi cố gắng, bó buộc mình phải quy hàng phút giây hiện tại.

Ví dụ, bạn đang bị khuyết tật và không thể đi lại bình thường như trước đây. Hoàn cảnh của bạn hiện giờ đangnhư thế.

Nhưng trí năng bạn đang cố vẽ vời thành một bi kịch rằng: “Cuộc đời tôi sao khốn nạn thế. Tôi phải trở thành một phế nhân! Cuộc đời đối xử với tôi quá bất công và bạc bẽo. Tại sao tôi lại luôn gặp phải những tai ương, bất hạnh như thế này?”.

Bạn có thể chấp nhận giây phút này y như nó đang làvà không để mình lầm lẫn với bi kịch đau thương(6)mà trí năng luôn muốn tạo dựng nên?

§

Sự chấp nhận hoàn toàn chỉ xảy ra khi nào bạn không còn thiết đến câu hỏi “Tại sao điều bất hạnh này lại luôn xảy đến cho tôi?”.

§

Ngay cả trong những tình huống thật bi đát, không dễ gì chấp nhận được, cũng luôn ẩn giấu một mục đích tốt đẹp, sâu xa cho bạn, vì bên trong mỗi tai họa đều chứa sẵn mầm mống những ân sủng của vũ trụ.

Từ xưa đến nay, có nhiều người đã từng đương đầu với những mất mát lớn lao, bịnh tật, lưu đày, hoặc đợi chờ cái chết đến, nhờ chấp nhậnđược những-điều-không-thể-chấp-nhận-được, nên họ đã tìm ra được “sự yên lắng vượt lên trên những hiểu biết thông thường ở trên đời”.

Chấp nhận những-gì-khó-thể-chấp-nhận-được chính là nơi phát sinh những ân sủng lớn lao nhất trên đời này.

§

Có những hoàn cảnh mà chúng ta không thể tìm được đáp án. Vì đời sống lúc đó không còn phù hợp với bạn nữa. Hoặc khi có một người đang có khó khăn tìm đến bạn để được giúp đỡ, nhưng bạn phải bó tay vì không biết phải nói hay làm một điều gì.

Chỉ khi nào bạn chấp nhận toàn diện rằng tôi thực không biết phải làm gì, bạn sẽ thôi vật lộn để cố tìm ra một đáp án từ đầu óc suy tư rất giới hạn của mình, thì đó là khi một chiều không gian thông thái rộng lớn hơn có thể hoạt động qua bạn. Và ngay cả những ý tưởng của bạn lúc bấy giờ cũng trở nên hữu ích hơn, vì sự thông thái sâu rộng đó có thể thẩm thấu qua suy tư và làm cho những suy tư ấy trở nên hứng khởi hơn.

Đôi khi chấp nhận hoàn toàncó nghĩa là thôi không còn cố gắng muốn biết một điều gì nữa, và trở nên thoải máitrong tình trạng rằng bạn không biết hết mọi chuyện.

§

Bạn có biết người nào đó mà mục tiêu duy nhất trên đời hình như là để tự gây khổ cho bản thân và cho những người chung quanh, sống như chỉ để gieo rắc khổ đau? Hãy tha thứ cho người ấy, vì họ cũng là một phần của quá trình tỉnh thức của tâm thức nhân loại. Họ đóng vai trò đại biểu cho sự gia tăng cường độ của sự bệnh họan, điên rồ của tâm thức tự ngã, biểu hiện của một trạng thái không chấp nhận hoàn toàn. Đây không phải là một cái gì dính líu cho riêng bạn đâu. Đây cũng không phải là bản chất chân thực của họ.

§

Chấp nhận vô điều kiện, ta có thể nói rằng đó chính là một sự chuyển hướng ở bên trong bạn, từ trạng thái chống đốisang trạng thái chấp nhận, từ thái độ “Không bao giờ!” thành “Ừ, cũng được”.

Khi bạn chấp nhận hoàn toàn mọi việc, cảm nhận về chính mình chuyển hướng từ trạng thái tự đồng hóa mình với một phản kháng hay phê phán của lý trí, sang một trạng thái khoáng đạt, có nhiều không gian chung quanh sự phản kháng hay sự phê phán. Đó là sự chuyển hướng từ trạng thái tự đồng hóa mình với hình tướng – ý tưởng hay cảm xúc của mình – sang trạng thái an nhiên tự tại và nhận thức rằng mình chính là tâm thức khoáng đạt, mình chính là Tâm khi không còn bị vướng mắc bởi một hình tướng nào.

§

Những gì bạn đã chấp nhận hoàn toàn sẽ đem bạn đi vào trạng thái tĩnh lặng, ngay cả với những gì trước đây bạn đã không thể chấp nhận.

§

Hãy để cho đời sống được xảy ra. Hãy để cho đời sống được tự nhiên như nó đang là.

(1) Sự phản kháng một cách vô vọng: Giả sử như bạn đang bất đồng với người thân trong gia đình, thay vì phản kháng với tình trạng này hay với tính tình hoặc cách cư xử của người ấy thì bạn hãy chấp nhận rằng: trong giây phút này người ấy đang như thế, tánh tình và cách cư xử của người ấy đang như thế, quan hệ của bạn với người đó đang như thế,… từ đó bạn sẽ có không gian để nhìn sâu, chiêm nghiệm xem tất cả những gì đã xảy ra, nguyên do chính là gì,… từ đó bạn mới biết mình cần làm gì, về phía mình, để thay đổi tình trạng. Tránh rơi vào thái độ thụ động, mong đợi rằng người kia phải thế này, thế kia thì mình mới hành động. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, im lặng nhưng không hề phản kháng là điều nên làm để giúp cho tình trạng căng thẳng được lắng yên lại và sau đó, vấn đề của bạn sẽ có nhiều cơ may được hóa giải.

(2) Thói quen chống đối hay phản kháng ở trong bạn chỉ làm cho tự ngã của bạn mạnh hơn:Khi bạn chống đối hay phản kháng một điều gì thì trong vô thức bạn ngụ ý rằng “Tôi đúng, người kia sai” hoặc “người ấy rất xấu, tôi tốt”. Làm như thế thì vô tình làm cho tự ngã, cảm nhận về “cái Tôi” rất sai lầm ở trong bản thân ta càng mạnh hơn.

(3) Bản ngã, sự đồng hóa một cách sai lầm với hình tướng:Khi đã mắc phải cái nhìn sai lầm về bản ngã thì đồng thời bạn không thể tránh được chuyện đồng hóa sai lầm với những biểu hiện của hình tướng như giới tính của bạn (nam hay nữ), chủng tộc, màu da, quốc tịch, địa vị trong xã hội, nghề nghiệp, tài sản,… ngay cả đến tính tình, cách suy tư, quan điểm; thói quen trong cách ăn uống, trong chuyện tình dục,… đều là những biểu hiện của hình tướng. Những hình tướng đó không thể tồn tại khi bạn có thái độ chấp nhận mọi việc.

(4) Làm hết lòng mỗi việc:Khi đang ăn, bạn tập cho mình chỉ để ý đến chuyện ăn mà không bận tâm suy nghĩ, tính toán đến những chuyện gì khác trong khi ăn. Khi nghỉ ngơi, bạn thực tập để có sự nghỉ ngơi hoàn toàn mà không suy nghĩ vẩn vơ gì khác.

(5) Cái Tôi riêng rẽ:Tức là tự ngã sai lầm ở trong chúng ta. Bạn không còn bị bó buộc và sợ hãi vì bạn nhận thức được rằng cảm nhận về cái Tôi riêng rẽấy là một cái gì giả dối, sai lầm.

(6) Bi kịch đau thương:Khi vô thức, bạn để cho bản ngã của mình thêu dệt, vẽ vời những gì đang xảy ra thì mỗi chuyện không may xảy ra đều dễ trở thành một bi kịch. Ví dụ bạn đã ly hôn, đừng để cho trí năng – tức bản ngã – của mình tạo nên cách suy nghĩ rằng mình là “một người bị ruồng bỏ”. Ai hỏi thì bạn chỉ cần trả lời “Vâng, chúng tôi đã ly hôn với nhau được mấy năm rồi” hoặc “Tôi và nhà tôi đã không còn chung sống với nhau”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]