Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Tổ Tích Của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư

12/04/201107:13(Xem: 9323)
1. Tổ Tích Của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư

THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008

Chương năm:
Di Tích Của Lưỡng Tổ Đại Sư

VI. Di Tích Của Lưỡng Tổ Đại Sư

VI.1 Tổ Tích Của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư

VI.1.1 Nơi Xuất Sanh

Diệu Giác Sơn Đản Sanh Tự ở Kyotofu Kyotoshi Fukenku Kogahoncho.
Nơi đây, Thiền Sư Đạo Nguyên được sanh ra, dấu tích còn lại là một căn phòng của gia đình Cữu Ngã – Koga. Thời Đại Chánh – Taisho, vì sự ảnh hưởng to lớn của Thiền Sư Đạo Nguyên, Thiền Sư Nhật Trí Mặc Tiên (Hioki Mokusen) đời thứ 66, Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự phát nguyện tái thiết thành một ngôi chùa tưởng niệm nơi Cao Tổ sinh ra. Tại Bổn Đường thờ tượng của Thiền Sư Đạo Nguyên, do Ngài tự khắc di chuyển từ chùa Diệu Giác, huyện Fukui về an trí nơi đây. (Trước khi đến Việt Tiền, Thiền Sư Đạo Nguyên đã ở đây cả một năm, theo sự truyền lại của chùa Chơn Ngôn Tông).

VI.1.2 Trải Qua Thời Kỳ Ấu Niên

Sơn Trang Mộc Phan – Kohatasansoo, nằm ở Kyotofu Uji Higashiujicho Jikohata là di tích biệt trang của Đằng Nguyên Cơ Phòng. Bây giờ trở thành Tài Đoàn Pháp Nhơn thuộc sơn trang Tùng Điện – Shoodensansoo, hiệu của Cơ Phòng là Tùng Điện, vì Y Tử, con gái Cơ Phòng là mẹ của Thiền Sư Đạo Nguyên. Có thuyết cho rằng Thiền Sư Đạo Nguyên sinh ra trên mãnh đất nầy.

VI.1.3 Phát Tâm Tại Thần Hộ Tự - Jingooji

Thần Hộ Tự - Jingooji, tại Kyotofu Kyotoshi Migikyoku Umenshata Jakaocho là ngôi chùa thuộc phái Cổ Nghĩa Chơn Ngôn Tông, biệt cách Bổn Sơn, do Hòa Khí Thanh Sàng Cung khai sáng. Hồng Pháp Đại Sư Không Hải, Truyền Giáo Đại Sư Tối Trừng, Vân Giác Thượng Nhơn là những vị đã Trụ Trì nơi đây. Mẹ của Ngài Đạo Nguyên Thiền Sư mất lúc Ngài lên 8. Tang lễ mẹ Ngài có lẽ được cử hành những Phật sự cúng dường tại chùa nầy. Tương truyền rằng Ngài đến tự viện nầy, thấy khói hương bay lên, cảm nhận được cuộc đời vô thường nên quyết chí xuất gia.

VI.1.4 Những Chùa Đã Tu Hành Tại Nhật Bản

VI.1.4.1 Thiên Quang Phòng – Senkoboo, của Cốc Bát Nhã – Hannyatani, tại Huyện Tư Hạ, phố Đại Tân, Phản Bổn Dinh.

Bát Nhã Cốc thuộc Tông Thiên Thai, Tỷ Duệ Sơn, Hoành Xuyên – Yogawa.
Mùa Xuân năm 13 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên gặp Thúc Phụ Lương Hiển, một vị Cao Tăng thuộc Tông Thiên Thai xin phép xuất gia. Ngài Lương Hiển gửi Thiền Sư Đạo Nguyên đến Thiên Quang Phòng Bát Nhã Cốc nầy ở đến ngày 9 tháng 4 năm 14 tuổi mới được Tăng Chánh Công Viên, Tọa Chủ đời thứ 70 Tông Thiên Thai thế phát trở thành Tăng sĩ Tông Thiên Thai.

Về sau Ngài dựng bia cho Thừa Dương Đại Sư Đắc Độ Linh Tích và xây Tháp cho Thừa Dương Đại Sư tại Giải Thoát Cốc ở Hoành Xuyên

VI.1.4.2 Tại chùa Tam Tỉnh – Miidera, thuộc Huyện Tư Hạ, phố Đại Tân, Biệt Sở, Viên Thành Tự Dinh.

Chùa nầy là Tổng Bổn Sơn Thiên Thai Tự Mông, gọi là Tây Quốc Quán Âm Linh Trường Đệ Thập Tứ Phiên Lễ Sở cũng gọi là Viên Thành Tự - Onjooji, do Đại Hữu Tả Đa Vương khai sáng. Vì muốn giải thoát khổ đau, Thiền Sư Đạo Nguyên xuất gia cạo tóc tại Tỷ Duệ Sơn năm lên 15 tuổi, khi thăm Ngài Công Dận Tăng Chánh – Koin, tại chùa Tam Tỉnh, được Ngài Công Dận Tăng Chánh khuyến khích sang Trung Hoa du học.

VI.1.4.3 Kiến Nhơn Tự - Kenninji, tại Kyotofu Kyotoshi Higashiyamaku Komatsucho.

Đại Bổn Sơn của phái Kiến Nhơn Tự thuộc Tông Lâm Tế, do Tướng Quân Nguyên Thắng, Kamakura Bakkufu đời thứ hai, dựng chùa nầy cúng cho Thiền Sư Dinh Tây. Đây là chùa Thiền đầu tiên tại Nhật Bản, một trong 5 núi tại Kyoto. Thiền Sư Đạo Nguyên rời Tông Thiên Thai đến chùa nầy tu học 4 năm, do Hòa Thượng Minh Toàn – Myoozen, Cao Đệ của Thiền Sư Dinh Tây hướng dẫn học theo Tông Lâm Tế.
Vào mùa Thu lúc 28 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên ở Trung Hoa được 4 năm trở về. Đầu tiên cởi bỏ hành trình của chuyến lữ hành ở chùa nầy và sống tại đây hai ba năm.

VI.1.4.4 Địa Điểm Đi Vào Nước Tống, Bãi Biển Bác Đa – Hakata, Thuộc Huyện Fukuoka Fukuokashi

Năm 24 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên theo hầu Hòa Thượng Minh Toàn, cùng với một số bạn đồng hành hương Trung Hoa, bãi biễn nầy là địa điểm thuyền xuất phát, song có thuyết cho rằng Hakatawan, thuộc bãi Tham Giang.

VI.1.5 Tu Hành Tại Những Chùa Ở Trung Quốc

VI.1.5.1 Danh Sơn Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự - Taihaku Meizan Tendoo Keitoku Zenji

Đây là Thiên Đồng Tự, tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa, địa khu Ninh Ba, huyện Cần Tiểu Bạch Trấn. Chùa do Nghĩa Hưng thành lập vào đời Tây Phổ, thời Vĩnh Hưng , một trong năm sơn môn của Thiền Tông. Sau khi lên bờ, Thiền Sư Đạo Nguyên đến Tự Viện nầy trước tiên. Năm 26 tuổi, Ngài là học trò của Thiền Sư Như Tịnh đời thứ 31, đã được đại ngộ “Thân Tâm Thoát Lạc” có trở lại chùa nầy thăm. Sau nầy, Thiền Sư Đạo Nguyên kiến tạo chùa Vĩnh Bình mô phỏng theo chùa Cảnh Đức nầy. Thật tế, Thiền Sư Đạo Nguyên chọn chùa Cảnh Đức nơi gốc gác căn bản chánh truyền Phật Pháp. Thiền Sư Như Tịnh là linh hồn ở chốn nầy. Trong vườn chùa, có dựng bia đề là: “Đạo Nguyên Thiền Sư Đắc Pháp Linh Tích Bi”.

VI.1.5.2 A Dục Vương Sơn Lưu Phong Quảng Lợi Tự - Aikuoozan Ryuhoo Koriji

Chùa A Dục Sơn Lưu Phong Quảng là một ngôi chùa xưa, được xem là một trong năm sơn môn của Thiền Tông, thuộc Ngũ Lang Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa, địa khu Ninh Ba, được xây dựng vào năm Nghĩa Hy nguyên niên , do sắc lệnh của An Đế thuộc Đông Phổ. Mùa Thu năm lên 24 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên đến thăm chùa nầy thấy bức họa biến tướng của Lục Tổ Huệ Năng, Tổ thứ 33. Mùa Hạ năm 26 tuổi, Ngài tham vấn Thiền Sư Thành Quế tham vấn tại đây.

VI.1.5.3 Kính Sơn Hưng Thánh Vạn Thọ Tự - Kinzan Kooshoo Manjuuji
Kính Sơn Hưng Thánh Vạn Thọ Tự thuộc tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, thuộc Hàng Châu, huyện Lâm An.
Đầu năm Thiên Bảo, nhà Đường Thiền Sư Đạo Khâm khai sáng ngôi chùa lớn nầy, được xem là một trong 5 núi của Thiền Tông. Thiền Sư Đạo Nguyên có đến chùa nầy vào mùa Xuân năm 26 tuổi để tham vấn Thiền Sư Chiết Ông Như Đạm .

VI.1.5.4 Thiên Thai Sơn Bình Điền Vạn Niên Tự - Tendaizan Heiden Manenji
Thiên Thai Sơn Bình Điền Vạn Niên Tự thuộc tỉnh Chiết Giang Trung Quốc, thuộc Đài Châu, huyện Thiên Thai.
Thiền Sư Trí Chung khai sơn chùa Vạn Niên vào năm thứ 7 Thái Kiến đời Trần tạo Đạo Tràng trung tâm của Tông Thiên Thai Trung Hoa, một tự viện trong núi Thiên Thai. Năm 26 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên đến chùa nầy, được Thiền Sư Nguyên Minh – Kenshi, mến mộ cho xem tự thơ (sách truyền thừa).

VI.1.5.5 Tiểu Thúy Nham - Shoosuigan

Tiểu Thúy Nham thuộc huyện Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa. Năm 26 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên được Thiền Sư Bàn Sơn Tư Trác giáo huấn tại đây.

VI.1.5.6 Đại Mai Sơn Hộ Thánh Tự - Daibaisan Goshooji
Chùa nầy ở tại huyện Cẩn, địa khu Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang Trung Hoa, do Thiền Sư Đại Mai Pháp Thường đời Đường xây dựng vào năm Khai Thành nguyên niên . Năm 26 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên nghỉ tại chùa nầy một đêm, nằm mộng thấy Thiền Sư Đại Mai Pháp Thường cho một cành hoa mai.

VI.1.5.7 Phổ Đà Sơn – Fudazan
Phổ Đà Sơn nằm tại huyện Định Hải, Phổ Đà, địa khu Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang Trung Hoa, là một hòn đảo trong nhiều đảo của phía Đông Trung Hoa gọi là Chu Sơn. Có ngôi chùa tên là Bổ Đà La Già Sơn Tự còn gọi là Chùa Phổ Tế do Thiền Sư Huệ Ngạc, – Egaku, một vị Tăng người Nhật xây vào đời nhà Đường năm Đại Trung thứ 12 xây dựng, để thờ Bồ Tát Quan Âm. Năm 27 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên đến thăm chùa nầy.

VI.1.6 Địa Điểm Ngày Trở Về
Địa điểm ngày trở về của Thiền Sư Đạo Nguyên là sông Mạch Hậu Hà (Higokawa), Khào (Jiri) , huyện Kumamoto, quận Hạ Ích Thành, phố Phú Hợp, đảo Sam.

Năm 28 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên đến bờ sông Khào để trở về nước. Tương truyền rằng lúc về, thuyền gặp mưa nhiều, gió lớn nên bị lạc hướng. Thiền Sư Đạo Nguyên vẫn ngồi ngay ngắn tọa thiền, tự nhiên Bồ Tát Quan Âm hiện ra đứng trên hoa sen, gió mưa hết hẳn. Để cảm niệm ân đức Bồ Tát, Thiền Sư Đạo Nguyên khắc tượng Bồ Tát Quan Âm trên ván thuyền làm lễ khai quang điểm nhãn cúng dường. Do vậy, đảo Sam nầy được đặt tên là bãi Khai Nhãn ở trên một chiếc thuyền. Vì lý do đó, có một tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm đứng trên lá là Bổn Tôn thờ tại chùa Quan Âm ở Nam Minh Sơn do Tông Chơn Ngôn lập. Trong chùa còn có chiếc thuyền bằng gỗ có khắc tượng Quan Âm trên ván thuyền. Trong khuôn viên chùa Quan Âm còn có tấm bia ghi là “Đạo Nguyên Thiền Sư Quy Triều Thượng Lục Linh Địa”.

Có một thuyết khác cho rằng địa điểm mà lên bờ khi trở về của Ngài là bãi Thầy Tu, tại Hakatawan, phủ Đại Tể, huyện Kagoshima, Gia Tân Xá – Nagasahi, tuy nhiên chưa xác định rõ được. Từ xưa đến nay, có thuyết cho rằng về lại sông Khào – Jiri, được nhiều người biết hơn hết. Còn có nhiều truyền thuyết khác còn lưu lại tại địa phương Kyushu – Cửu Châu, về Thiền Sư Đạo Nguyên, ngày nay vẫn còn một ít. Có một thôn nhỏ tên là Itoshimagun, Nhị Trượng Đinh, thuộc huyện Fukuoka, bên cạnh thôn ấy, còn di tích nơi Thiền Sư Đạo Nguyên sanh ra thuộc gia đình Cửu Ngã – Koga, nơi cư ngụ và di tích về mồ mã nữa. Ở đây, còn có một gia đình đổi tên là Cửu Ngã Long Đảm – Koga Rindo, giữ một cái thước nước mà ngày xưa Thiền Sư Đạo Nguyên sử dụng. Cũng lập một Địa Tạng Đường liên hệ với Thiền Sư Đạo Nguyên, ở làng Thủy Quyển, quận Viễn Hạ, tương truyền có cái mõ gỗ do Thiền Sư Đạo Nguyên tự làm vẫn còn tại chùa Minh Quang, phố Fukuoka. Đa phần tương truyền dân gian tại phố Fukuoka cho rằng Thiền Sư Đạo Nguyên quảy bút từ chùa Thiên Đồng Sơn Cảnh Đức Tự về đây, hiện nay vẫn còn thơ tích tại nhà An Điền Gia Cửu Thị, ở quận Gia Tuệ, phố Khủng Tuệ. Ngoài ra, còn có chỗ thờ Thiền Sư Đạo Nguyên tại huyện Nagasaki thuộc Gia Tan Tá. Cũng có những địa danh lưu lại cho đến ngày nay như Đạo Nguyên Thủy Cơ, Đạo Nguyên Hạ Cơ.

VI.1.7 Sau Khi Về Nước Ở Tạm Các Chùa

VI.1.7.1 Kiến Nhơn Tự - Kenninji

Kiến Nhơn Tự nằm tại Kyotofu, Kyotoshi, Higashiyamaku Komatsucho, như trước đã giới thiệu, Thiền Sư Đạo Nguyên tạm trú dừng chân và tu tập tại đây từ năm 28 tuổi đến năm 31 tuổi, song mục đích chính là tìm nơi để kiến thiết Đạo Tràng tu Thiền. Ngài cũng đi thăm viếng tất cả 10 nơi thích hợp, một trong những nơi đó là Long Vân Tự ở Kyotofu, quận Chuế Hỉ, Vũ Trị Sơn Điều Đinh, do Thiền Sư Đạo Nguyên khai sơn. Lúc ấy, Ưu Bà Di Minh Trí, bà của Ngài thường đến tham thiền.

VI.1.7.2 An Dưỡng Viện – Anyooin
An Dưỡng Viện nằm tại Kyotofu, Kyotoshi, khu Phục Kiên, Tây Điều Ốc Dinh nơi mà Thiến Sư Đạo Nguyên an cư lúc 31 tuổi, bây giờ trở thành một ngôi chùa tên là Thanh Lương Sơn Hân Tịnh Tự - Gonjooji. Ở đây có dựng một tấm bia khắc những lời thơ của Thiền Sư Đạo Nguyên, gọi là “Thâm Thảo Nhàn Cư Dạ Vũ Thinh”, nghĩa là trong am thanh nghe tiếng mưa đêm.

VI.1.7.3 Hưng Thánh Tự - Kooshooji
Hưng Thánh Tự hiện ở Kyotofu, phố Vũ Trị, Vũ Trị Sơn Điền, là ngôi chùa đầu tiên có Đạo Tràng, được xây dựng từ thời Edo – Giang Hộ, thời Khánh An được Sơn Thành Quốc Định Thành Chủ Vĩnh Tỉnh Thượng Chánh kiến tạo, sau đó Thiền Sư Vạn An Anh Chủng trùng tu.
Mùa Xuân năm 34 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên xây dựng một Đạo Tràng ngồi thiền đúng cách đầu tiên ở Nhật, tại Sơn Thành Thâm Thảo thuộc Kyotofu, Kyotoshi, Phục Kiến Khu, Thâm Thảo Bảo Ngọc Tự Sơn Dinh. Chùa Thâm Thảo Sơn Bảo Tháp Tự của Tông Nhật Liên đổi thành Hưng Thánh Tự. Thật ra, Chùa Hưng Thánh ở Thâm Thảo đã bị hư hại phế bỏ, mới xây dựng lại. Bây giờ là chùa Hưng Thánh ở Vũ Trị, không thể sai được.
Cũng có một ngôi chùa tên Hưng Thánh tại thôn Hủ Mộc, huyện Tư Hạ, quận Cao Đảo do Thiền Sư Đạo Nguyên Thiền Sư khai sáng, sau đó Ngài được Thiên Hoàng Sai Nga ban cho một tượng Thích Ca Như Lai an trí tại đây (bây giờ trở thành tài sản văn hóa quốc gia).
Di cốt của Thiền Sư Đạo Nguyên hiện đang phụng thờ tại tháp khai sơn chùa Hưng Thánh, Vũ Trị. Tại Khai Sơn Đường, có tôn tượng Thiền Sư Đạo Nguyên bằng gỗ thờ ở đó. Chùa Bảo Khánh là một trong bốn chùa chính của Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, ở huyện Fukui. Chùa Đại Từ ở huyện Kumamoto. Chùa Đại Thừa ở huyện Ishikawa và Chùa Hưng Thánh ở Kyotofu. Thiền Sư Đạo Nguyên có tâm với chùa Hưng Thánh đã sống ở đây 10 năm để hoằng dương giáo lý Phật Đà.

VI.1.7.4 Di Tích Nơi Thuyết Pháp
Những nơi Ngài thuyết pháp đó là: Ba Đa Dã Nghĩa Trọng, Chùa Lục Ba La Mật, thuộc Kyotofu, Kyotoshi, Sơn Khu Lộc Lô Dinh và những nơi khác. Tháng 12, năm 42 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên thuyết giảng Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Thứ Sử Vân Châu tại Ba Đa Dã Nghĩa Trọng. Ngoài ra, lúc ở tại chùa Hưng Thánh, Ngài cũng đã thuyết giảng rất nhiều cho cư sĩ Phật Tử tại gia. Ngài cũng giảng tại Chùa Lục Ba La Mật, ngôi chùa danh tiếng của Tân Nghĩa Chơn Ngôn Tông thuộc phái Trí Sơn và Tây Quốc Quan Âm Linh Trường Đệ Thập Thất Phiên Lễ Sở, nơi Ngài Không Giả Thượng Nhơn khai sáng.

VI.1.7.5 Các Chùa Tại Việt Tiền

VI.1.7.5.1 Kiết Phong Tự - Hippooji, tại huyện Fukui, Yoshidagun, Thượng Chí Tử Thôn, Tự Kiết Phong.
Cuối tháng 7 năm 44 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên đang hành đạo tại Ba Đa Dã Nghĩa Trọng nhận lời mời của ở Việt Tiền, Ngài quang lâm đến đó, trước tiên ở tạm tại chùa Kiết Phong. Lúc bấy giờ Chùa vừa được phục hưng vào thời Minh Trị. Tương truyền rằng tại đây còn sót lại di tích phiến đá Tọa Thiền của Thiền Sư Đạo Nguyên.

VI.1.7.5.2 Thiền Sư Phong Tự - Zenjibuji
Thiền Phong Tự ở tại huyện Fukui Onoshi, Nishidaigetsucho. Giữa năm 43 đến 44 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên vừa tới lui Chùa Kiết Phong vừa ở tại Chùa Thiền Sư Phong, vì chùa nầy của các đệ tử. Chùa được trùng tu vào thời kỳ Minh Trị.

VI.1.7.6 Các Đạo Tràng Căn Bản
VI.1.7.6.1 Vĩnh Bình Tự - Eiheiji

Chùa Vĩnh Bình ở tại huyện Fukui, Yoshidagun, Ehijicho, Chí Tỉ. Lúc ở Ba Đa Dã Nghĩa Trọng, Thiền Sư Đạo Nguyên nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của Tín Đồ vùng nầy cho nên vào tháng 7, năm 45 tuổi Ngài khai sơn Đại Phật Tự về sau đổi thành Chùa Vĩnh Bình vào tháng 6 năm Ngài 47 tuổi. Thiền Sư Đạo Nguyên ở chùa nầy rất lâu khoảng 10 năm, để chăm sóc nuôi dưỡng một số đệ tử, dạy dỗ tín đồ và viết lách, cũng như chỉnh đốn lại quy củ của Già Lam. Phải nói đây là Thánh địa thiêng liêng để lại nhiều di tích lịch sử thời gian 750 năm của một Đại Bổn Sơn cho đến ngày nay.

VI.1.7.6.2 Ba Trước Tự - Namitsukidera
Chùa tọa lạc tại huyện Fukui, Fukuishi, Thành Nguyện Tự Đinh do đệ tử Thiền Sư Đạo Nguyên đó là: Hoài Tráng Thiền Sư (Đệ Nhị Tổ chùa Vĩnh Bình) và Nghĩa Giới Thiền Sư (Đệ Tam Tổ chùa Vĩnh Bình và khai sơn chùa Đại Thừa) khai sáng thuộc Tông Đạt Ma. Vĩnh Bình Tự là quê hương, là nơi Thiền Sư Nghĩa Giới sinh ra, mà dấu tích cho đến bây giờ vẫn còn. Thỉnh thoảng Thiền Sư Đạo Nguyên lui tới Kyoto trú tại chùa Vĩnh Bình, chắc chắn không sai là lúc ấy Chùa đã xây dựng xong.
Còn có Chùa Vĩnh Bình Sơn Chơn Giác Tự tọa lạc Tân Đako, Thượng Trung Đinh, huyện Fukui, quận Viễn Phu thuộc Tịnh Độ Chơn Tông là ngôi chùa mà Thiền Sư Đạo Nguyên nghỉ ngơi. Sơn hiệu Vĩnh Bình Sơn là do Thiền Sưu Đạo Nguyên đặt. Có thuyết cho rằng khi Thiền Sư Đạo Nguyên từ miền Bắc đi xuống đến đây, ở lại một đêm tại nhà của Binh Điền – Hiyota, Tam Phương Dinh Nam Ốc, huyện Fukui, quận Tam Phương.

VI.1.7.7 Thuyết Pháp Các Nơi Thời Kamakura
Bạch Y Xá – Byakuesha ở Danh Việt – Nagooe thuộc huyện Kangawa, Kamakurashi, Omachi.
Tháng 8, năm 48 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên được Bắc Điều Thời Lại mời đến đây và ở lại gần nửa năm để thuyết pháp cho các Đàn Tín Đồ. Tháng 3 năm 49 tuổi, Ngài mới trở về chùa Vĩnh Bình, tuy nhiên, không còn những tư liệu để xác nhận những dấu tích ấy, bởi vì chẳng còn sót lại gì cả.

VI.1.7.8 Dấu Tích Nơi Chia Tay Với Nghĩa Giới Thiền Sư
Lữ Túc (quán trọ) ở Hiếp Bổn – Wakimoto, tại phố Nam Điền, quận Nam Điền, huyện Fukui. Đêm ngày 5 tháng 8 năm 54 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên bị bệnh, phải đưa về Kyoto để điều trị, nên rời chùa Vĩnh Bình. Trên đường đi, Ngài ở lại đây một đêm, sáng ngày 6 là phiên trực của mình, Thiền Sư Nghĩa Giới nghe được lời dạy sau cùng của Thầy. Tại đây có dựng một tấm bia ghi rằng: “Ngự Cựu Tích Do Lai”, nghĩa là dấu xưa còn đến nơi đây.

VI.1.7.9 Việt Tiền Là Nơi Sau Cùng
Cầu gỗ Nha Hiệp – Kinome, huyện Fukui, quận Nam Điều, Kim Áp Dinh. Sáng ngày 6 tháng 8 năm 54 tuổi, Thiền Sư Đạo Nguyên được nhiều người hầu theo theo về Kinh Đô – Kyoto cuối cùng đến Việt Tiền, ở độ cao 628 mét, ranh giới giữa Việt Tiền và Nhược Hiệp. Ngày nay, gần đến trạm xe lửa Kim Áp, có bia ghi rằng: “Tào Động Tông Khai Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư Mộc – Nha Kỳ Ngự Linh Tích Tham Bái Dịch. Từ đây cách 2 lý”.

VI.1.7.10 Dấu Tích Nơi Nhập Diệt
Tư gia của đệ tử tại gia tên Giác Niệm – Kakunen thuộc Kyotofu, Kyotoshi, khu Hạ Kinh, Cao Tuẩn Thông Dầu, Tiểu Lộ Đông Nhập, Vĩnh Bình Tự Dinh 24.
Thiền Sư Đạo Nguyên ở tại tư gia tín đồ Giác Niệm trong vòng 20 ngày để chữa bệnh. Đến ngày 28 tháng 8 năm Kiến Trường thứ 5 Ngài viên tịch lúc 54 tuổi, vì bệnh mụt nhọt. Tại đây bây giờ có một tấm bia ghi rằng: “Đạo Nguyên Thiền Sư Thị Tịch Thánh Địa”.

VI.1.7.11 Tháp Trà Tỳ - Dabitoo
Nơi Trà Tỳ thuộc Kyotofu, Kyotoshi, Higashiyamaku, Maruyama Kooen, Thứu Vĩ Dinh trà tỳ di cốt Thiền Sư Đạo Nguyên, tại Tây Hành Cốc – Saigyooan, công viên Maruyama, nằm phía sau Ba Tiêu Đường. Hài cốt an trí trong Tháp Ngũ Luân, dựng tấm bia ghi rằng: “Tào Động Tông Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư Trà Tỳ Ngự Di Tích Chi Tháp”. Nơi đây lúc nào cũng đầy ắp hương hoa.

VI.1.8 Các Nơi Liên Hệ Về Linh Cốt Của Thiền Sư Đạo Nguyên
o Hưng Thánh Tự có an trí linh cốt của Ngài, thuộc Kyotofu, Vũ Trì Thị, Vũ Trị Sơn Điền.
o Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự có an trí linh cốt của Ngài, thuộc huyện Fukui, Kiết Điền quận, Vĩnh Bình Tự Dinh, Chí Tỷ.
o Vĩnh Quang Tự (có truyền thuyết cho rằng có an trí cốt tại Ngũ Lão Phong thuộc Khai Sơn Đường) thuộc huyện Ishigawa, Vũ Trách Thị, Tửu Tỉnh Dinh.
o Đại Thừa Tự có an trí linh cốt của Ngài tại huyện Ishikawa, Kim Trạch Thị, Trường Phản Dinh.
o Chánh Pháp Tự có an trí linh cốt của Ngài tại huyện Iwanate, Thủy Trạch Thị, Hắc Thạch Dinh.
o Pháp Quy Tự có an trí linh cốt của Ngài tại huyện Aomori, Tam Hộ quận, Danh Xuyên Dinh.
o Khả Miên Trai – Kasuisai, có an trí linh cốt của Ngài tại Sizuokaken, Bố Tỉnh Thị, Cửu Năng.

III.2 Thất Đường Già Lam

III.2.1 Sự Thay Đổi Kiến Trúc Của Tự Viện

Già Lam, nguyên ngữ bằng tiếng Sanscrit cổ, Ấn Độ là Shangarama, còn gọi là Tinh Xá, Chùa, Tự Viện. Kiến trúc Tự Viện Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp từ bán đảo Triều Tiên, gián tiếp từ Trung Hoa. Từ thời Bình An (Heian), mỹ thuật kiến trúc Nhật Bản mô phỏng theo hai dạng mỹ thuật kiến trúc Triều Tiên có từ thời Phi Điểu, và mỹ thuật Trung Hoa từ thời nhà Đường. Đến thời Kamakura, lối kiến trúc đó bị loại bỏ đi thay bằng lối kiến trúc thời Tống (Trung Hoa) hòa với lối kiến trúc thời Thất Đinh. Đến thời Đào Sơn mỹ thuật kiến trúc trở nên đẹp vô cùng, tạo nên phong cách mỹ thuật đặc biệt của thời đại nầy. Còn thời đại Giang Hộ (Edo), lại theo phong cách đơn giản, hiện đại và độc lập, theo lối phong cách Âu Châu.

Kiến trúc Chùa, đặc biệt vào thời Kamakura thể hiện trọn vẹn phong cách Thiền ảnh hưởng mô thức Trung Hoa thời Đường, còn gọi là phong cách Thiền Tông, có nhiều điểm giống Lâm Tế Tông, Hoàng Bích Tông, Tào Động Tông, hẳn nhiên cũng không thiếu nhiều điểm khác biệt đặc thù.

III.2.2 Già Lam Của Tào Động Tông Là Nơi Chính Để Tu Hành

Thiền Sư Đạo Nguyên phối hợp những phiên bản Tự Viện Trung Quốc và Ấn Độ, suy nghĩ kiến tạo đạo tràng trang nghiêm của Tông Tào Động. Chùa Vĩnh Bình kiến tạo mô phỏng theo Chùa Thiên Đồng Sơn Cảnh Đức ở tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa (bây giờ gọi là Thiên Đồng Tự). Tông Tào Động vẫn sử dụng từ “Thất Đường Già Lam“ có lẽ từ thời Giang Hộ (Edo), không có căn cứ nào chỉ cho nguyên thỉ của chữ nầy. Song cũng có thuyết cho rằng Tông Tào Động gọi là Thất Đường Già Lam cho những ngôi Chùa đầy đủ 7 gian như: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, Khố Viện, Tăng Đường, Dục Thất và Đông Ty. Ngoài ra, Chùa còn có tháp 3 tầng, tháp 5 tầng hay Đa Bảo Tháp, Xá Lợi Tháp v.v... những tháp nầy không gồm chung trong Thất Đường Già Lam. Chùa Thiền hay đặc biệt là Chùa của Tào Động Tông không có Tháp, nếu có, tháp được xây sau hoặc là xây với lý do nào đó, còn Chùa thuộc Tông Pháp Tướng và Tông Chơn Ngôn có xây tháp.

Hình thức Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động theo thứ tự từ bên ngoài đi vào là: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, bên mặt là Khố Viện, trước có Dục Thất (phòng tắm rửa), bên trái là Tăng Đường, trước có Đông Ty (nhà vệ sinh). Tất cả đều có hành lang bao bọc xung quanh trở thành một hình vuông vức. Ngoài Thất Đường còn có những tòa nhà liên quan được xây dựng thêm. Càng về sau, ở những ngôi chùa nhỏ Thất Đường đơn giản chỉ còn Bổn Đường (Chánh Điện), Khố Lý (nhà kho), Khai Sơn Đường (Chỗ Thờ Tổ), Vị Bia Đường (nơi thờ vong). Cũng có nhiều hình thức biến dạng khác như thêm lầu chuông hay cổng tam quan, song chỉ là những trường hợp riêng biệt mà thôi. Nói chung các chùa đều giống nhau như thế, bởi trước nhất phải hợp với khả năng cho nên phải đơn giản, sẽ giải thích rõ về Thất Đường Già Lam dưới đây.

III.2.3 Sơ Lược Về Thất Đường Già Lam

Sơn Môn vừa chỉ cho cổng chính vào Chùa, vừa chỉ cho thế giới thanh tịnh, không có phiền não khổ đau. Cổng chùa thường có ba cửa, cửa lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ ở hai bên, còn gọi là Cổng Tam Quan, cũng gọi là Tam Môn. Ngoài ra, còn có những tên khác là: Quán Mộc Môn, Dược Y Môn, Anh Môn, Nhị Trọng Môn v.v... Tông Tào Động thường dùng Anh Môn và Nhị Trọng Môn. Ở phần hai bên trước cổng, thường an trí các vị Nhơn Vương. Trên Anh Môn (lầu) thường đặt tượng Phật, Bồ Tát hay các vị La Hán. Trên cao, treo một Phạn Chung (Đại Hồng Chung). Nếu chùa lớn, ngoài Sơn Môn còn có Tổng Môn (chỉ có một cửa ra vào), Tam Tùy Quan, Đống Môn, Dược Y Môn và Sắc Sứ Môn còn gọi là Hương Đường Môn.

Điện Phật còn gọi là Đại Hùng Phong Điện, Đại Hùng Điện, Đại Điện v.v... tọa lạc ngay chính giữa, trong đó có Tu Di Đàn thờ Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni ngay trung tâm, hai bên trái phải của Phật, mỗi bên an trí một tượng Bồ Tát. Đa phần, thờ Đức Phật Thích Ca ở giữa (vị khai Tổ của Phật Giáo). Tôn Giả Ca Diếp trưởng tử Phật, Sơ Tổ Thiền Tông. Tôn Giả A Nan đệ tử thị giả của Đức Phật Thích Ca, vị Tổ Sư thứ hai, thị giả hầu Phật được nghe nhiều lời giảng nhất. Ngoài ra, còn thờ Tam Tôn Phật: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (biểu hiện Đức Phật trong hiện tại), Đức A Di Đà Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong quá khứ). Đức Di Lặc Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong tương lai). Tam Tôn Phật cũng còn được hiểu là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù (biểu trưng cho trí tuệ Phật) và Bồ Tát Phổ Hiền (biểu trưng hạnh nguyện Phật). Phía đông của Phật Điện (từ ngoài nhìn vào phía bên mặt) thờ Đàn Thổ Địa hay thờ Bồ Tát Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý. Phía Tây (phía trái từ ngoài nhìn vào) là Tổ Sư Đàn, thờ Sơ Tổ Đạt Ma. Thông thường bàn thờ làm bằng gạch hay đá, có chỗ để bày dâng lễ cúng. Đặc biệt, phần nghi lễ được tổ chức tại Phật Điện.

Pháp Đường là nơi vị Trụ Trì thuyết Pháp cho Tăng sĩ đang tu tập. Khi thuyết Pháp vị Trụ Trì được cung kính như đại diện chư Phật, chư vị Tổ Sư có trách nhiệm truyền trao giáo Pháp cho thính chúng, cho nên trong Pháp Đường không thiết tượng Phật nào cả. Tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, có đặt tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát biểu trưng tâm từ bi bao la của Phật, một lý do khác, như đã trình bày ở trước, ở Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, Tổ Đường chính là Pháp Đường, nơi đó là Đại Tổ Đường được xem là một Đạo Tràng thuyết pháp của Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn. Giữa Tổ Đường là Pháp Đường cũng còn có ý nghĩa là tôn trọng giữ gìn lời giáo huấn của Tổ. Tại Đại Tổ Đường nầy, đàn trên cao ở chính giữa, thờ tượng Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn, hai bên trái phải thờ Thiền Sư Đạo Nguyên, Cao Tổ và thờ Thiền Sư Nga Sơn Chiêu Thạc, vị Tổ thứ hai của Tổng Trì Tự. Ngoài ra, các tượng của chư vị Tổ Sư cũng được thờ tại đây. Tại Pháp Đường thường có những thời Kinh sáng, trưa, tối và hầu như tất cả nghi lễ quan trọng đều cử hành tại đây.

Khố Viện hay Khố Lý thờ tượng Vi Đà Thiên và tượng Đại Hắc Thiên còn gọi là Đài Hương Tích, vừa là nơi chứa thực phẩm cho chư Tăng thường trụ và khách Tăng, vừa là nơi thâu nhận thực phẩm cúng dường, cũng là chỗ xay thóc.

Dục Thất, nhà tắm, có thờ tượng Tôn Giả Bạt Đà Bà La. Trong Chùa, Tăng Đường, Đông Ty và Dục Thất là ba nơi cần phải giữ thật trang nghiêm yên tĩnh, tuyệt đối cấm không được cười đùa, nói chuyện riêng tư, không được tạo ra âm thanh ồn ào. Ngay cả, tắm rửa kỳ cọ thân thể cho thanh tịnh cũng quan trọng như những việc tu hành khác.

Tăng Đường có nơi gọi là Vân Đường, cũng còn gọi là Tuyển Phật Trường, mà những chữ nầy được treo ngay ở chính giữa. Thông thường người ta còn gọi nơi nầy là Tọa Thiền Đường nhưng Tông Tào Động không gọi là Tọa Thiền Đường vì gọi như thế nghĩa là phân biệt chỗ hành thiền khác với nơi ăn uống. Tăng Đường là nơi mà chư Thánh Tăng và chư Bồ Tát thường lui tới, vốn gọi là Thánh Tăng Đường. Trong Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động cũng có những nơi quan trọng biểu trưng hiện hữu của Thần Thánh, cũng có thể gọi là nhiệm mầu thiêng liêng, mà tuyệt đối không ai, cả người trong Chùa lẫn người ở ngoài tự ý vào được.

Đồng thời, Tăng Đường chia làm hai phần, bên ngoài là nơi dùng cơm, uống nước của chư Tăng, bên trong còn gọi là Nội Đường hay Đường Nội thờ chư vị Thánh Tăng như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quan Thế Âm, cũng có Chùa thờ Tôn Giả Kiều Trần Như, trên cái Trang ngay chính giữa. Bên dưới thiết kế những chỗ ngồi thiền, gọi là Trường Liên Sàng, là những cái đơn cao chừng một mét, rộng chừng một chiếc chiếu (Tatami), để ngồi Thiền mặt hướng vào tường hoặc cửa sổ.

Còn có những cái Đơn khác gọi là Hàm Quỹ, mặt bằng độ chừng 30 cm làm bằng gỗ, bên trong Hàm Quỹ (cái rương) đựng y áo và bình bát, phía dưới trải ra làm chỗ nghỉ, còn gọi là Tịnh Duyên, bởi vì chỗ nầy, vật nầy cũng dùng để làm nơi ăn uống. Tịnh Duyên có ý là ăn uống trong sạch thanh tịnh. Ngay cả ở bên ngoài cũng có kê những chiếc Đơn như thế.

Bên ngoài còn có những giá treo chuông gọi là Tăng Đường Chuông, Ngoại Đường Chuông và có cả Pháp Cổ (trống) cũng như những pháp cụ khác để báo hiệu khi cần thiết. Những việc như đọc sách, viết lách, cạo tóc, khâu vá v.v.., đều thực hiện trong liêu chúng. Mô hình liêu chúng là giữa liêu đặt tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, hoặc tượng Hư Không Tạng Bồ Tát, chỉ có Hàm Quỹ (cái rương) và Tịnh Duyên (chỗ ăn) và liêu chúng gần Tăng Đường.
Đông Ty là Tiện Sở (cầu xí) cũng còn gọi là Tây Tịnh, nhưng chữ nầy bây giờ không còn dùng đến nữa, ở nơi nầy thường để tượng Điểu Sô Sa Ma Minh Vương.

III.2.4 Trường Hợp Những Tự Viện Thông Thường

Tóm lại, các vấn đề xây dựng như thế nào, ai xây, xây ở đâu, khi nào của các chùa thuộc Tông Tào Động lệ thuộc vào vấn đề xã hội địa phương và nguyện vọng của mọi người nữa. Thật ra, mỗi chùa có mỗi điều kiện, mỗi tính cách và mỗi mục đích khác nhau, không thể phán đoán chung chung được, tuy nhiên, có thể phân loại ra như sau:

Thứ nhất, Tu Hành Tự là tự viện như một đạo tràng dùng để tu tập và tọa thiền. Những tự viện nầy vốn có liên hệ với Tông Tào Động từ xưa, như Lưỡng Đại Bổn Sơn, mà dù cho chùa ấy có gì đặc biệt đi chăng nữa, thì vấn đề căn bản vẫn là chỗ để tu hành theo Tông Tào Động

Thứ hai, Bồ Đề Tự là tự viện để lễ bái và phụng thờ Ngài Hoằng Pháp Đại Sư, Ngài Quan Thế Âm, Thất Phước Thần, Linh Trường, thường thấy nơi các chùa thuộc Tông Pháp Tướng, Tông Hoa Nghiêm, Tông Thiên Thai, Tông Chơn Ngôn v.v... về sau dù đã đổi sang Tông Tào Động nhưng vẫn còn giữ tôn phong cũ.

Thứ ba, Kỳ Thọ Tự là chùa thờ Đức Quan Âm, Ngài Dược Sư, Ngài Địa Tạng, Ngài Bất Động, các vị Tổ Sư, Thần Lúa, Thiên Cẩu v.v... vì nhu cầu của mọi người đến tự viện lễ bái cầu nguyện.

Thứ tư, Quán Quan Tự là chùa lịch sử danh lam thắng cảnh, gần gũi mọi người và cảnh trí đẹp, được nhiều người tới lui vãn cảnh.

Tuy nhiên, trừ Lưỡng Đại Bổn Sơn và những tự viện lớn, còn các chùa thuộc Tông Tào Động về hình thức căn bản là những Già Lam theo mô hình: Sơn Môn, Bổn Đường, Khai Sơn Đường, Vị Bi Đường, Khố Lý, Chung Lầu, Tọa Thiền Đường v.v... mà chúng ta lần luợt tiếp xúc với những phần nầy.

Sơn Môn thờ tượng Nhân Vương, trên lầu cao thờ tượng Phật, Bồ Tát, nhưng cũng có nơi không có, bởi vì những chùa nhỏ nhiều khi không có Sơn Môn (cửa ra vào) nữa, đôi khi chỉ khắc tên chùa trên phiến đá thay cho cổng tam quan.

Bổn Đường cũng còn gọi là Phật Điện hay Pháp Đường, bên trong thờ Bổn Tôn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc thờ Tam Tôn, song chính giữa vẫn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng, tùy theo sự thành lập của tự viện, có những đặc thù riêng, không phải hoàn toàn giống nhau, có chùa thờ Đức A Di Đà Như Lai, Đại Nhật Như Lai, Dược Sư Như Lai v.v... có chùa thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Bất Động Minh Vương, Biện Tài Thiên và cũng còn nhiều tượng khác nữa. Tựu trung vẫn là hình tượng chư Phật và chư Bồ Tát mà ở đây có thể rõ thêm rằng đó là đặc trưng Phật tánh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rộng lớn bao la như thế.

Trên bốn bức tường chung quanh Bổn Tôn trong Chánh Điện thường có 18 vị A La Hán. Hai bên tả hữu của Bổn Tôn thường thờ tượng Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý Bồ Tát và tượng Đạt Ma Đại Sư. Sau Chánh Điện ngăn ra hai bên phải trái thờ linh vị của Tín Đồ Phật Tử.

Tại Bổn Đường (Chánh Điện) sáng, trưa, tối đều có tụng Kinh, nơi đây thường cử hành những nghi lễ cầu an, cầu siêu, thuyết pháp, lễ hằng thuận v.v...

Khai Sơn Đường tiếp giáp sau Bổn Đường, ở giữa thờ Ngài Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư hay Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư. Ngoài hai vị Tổ Sư, còn thờ tượng bằng gỗ của vị Hòa Thượng khai sơn chùa ấy nữa. Hai bên phải trái thờ tượng của các vị Trụ Trì, linh vị của những người sáng lập chùa, nơi đây cũng thờ linh vị Tín Đồ nữa, miễn sao ở giữa có nơi làm lễ là được. Phía trước còn bàn kinh, có gối để lạy, có chuông mõ hai bên.

Vị Bi Đường là nơi linh vị Tín Đồ. Thông thường có thể thờ ở phía sau Chánh Điện hay Khai Sơn Đường, nhưng tùy địa phương Vị Bi Đường được xây riêng một nơi biệt lập bên ngoài Bổn Đường hay Khai Sơn Đường. Ở giữa, thờ tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Mỗi gia đình có mỗi bàn thờ nhỏ và tự quản lý, cúng dường và tự mỗi gia đình đến chùa chăm sóc lấy.

Khố Lý được xây dựng ở bên phải Chánh Điện và mặt hướng về Chánh Điện. Nơi đây gồm có hành lang, phòng tiếp lễ vật, phòng khách, phòng ở của vị Trụ Trì, phòng ở của gia đình Trụ Trì, phòng sinh hoạt, phòng chuẩn bị, phòng ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh v.v... Tùy theo chùa, Khố Lý lớn hay nhỏ, có chùa Khố Lý còn lớn hơn Chánh Điện nữa.

Tọa Thiền Đường được xây dựng phía bên trái hướng về Chánh Điện, đối diện tương xứng với khố lý. Cũng tùy điều kiện đất đai, đôi khi được thiết lập ngay tầng dưới của Khai Sơn Đường, những chùa không có Tọa Thiền Đường, có thể dùng Chánh Điện hay Khai Sơn Đường thay thế.

Lầu Chuông được thiết kế ở một góc vườn. Mỗi sáng tối thỉnh chuông nhứt định vào một thời điểm nào đó. Chùa nào không có lầu chuông, thường treo chuông bên ngoài cửa hay bên trong Chánh Điện.

Ngoài ra, trong vườn còn xây những nơi như: Đại Sư Đường, Trấn Thủ Đường, Đạo Hà Đường (nơi thờ Thần Lúa), Thần Xã, Sáng Khố v.v...

III.2.5 Công Việc Của Các Vị Tăng

Già Lam không phải chỉ thờ Phật, mà với người sống, nơi đây là những Đạo Tràng tu hành để thành Thánh, thành Phật. Già Lam của các chùa tu Thiền, như đề cập ở trên, được tổ chức theo thể thức sinh hoạt cộng đồng với mục đích tu hành. Riêng Thiền Tông, đặc biệt Tào Động Tông, có sự phối trí khác biệt. Chư Tăng ở chùa tu hành, tất cả nhất định phải phân công công việc để làm, không ai không làm việc, những công việc từ thời Lưỡng Tổ Đại Sư cho đến bây giờ vẫn thế. Được gọi là người tu, việc đầu tiên ở chùa, phải có khả năng làm việc hiệu quả. Không những chỉ riêng người tu ở chùa Tu Hành Tự, mà cho tất cả những tự viện lấy chùa Tu Hành Tự làm căn bản. Chư Tăng trong chùa phải làm việc được giải thích như sau:

Trụ Chức nghĩa là viết tắc của Chức Trụ Trì, người có trách nhiệm lớn lao đối với chùa. Với tư cách là “Tôn Giáo Pháp Nhơn” đại biểu cho chùa đó. Nếu chùa lớn, cũng còn xưng là Sơn Chủ thay cho Trụ Trì, đôi khi thay đổi gọi là Đường Đầu Hòa Thượng, mà thông thường gọi là Phương Trượng, Đường Đầu hoặc Hòa Thượng. Có nơi gọi vị Trụ Trì là Ojutsusan và Hòa Thượng là Ossan.

Quản Thủ là Chức Vụ của hai đại Bổn Sơn, cũng còn gọi là Quản Thủ Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Quản Thủ Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Ở hai Đại Bổn Sơn còn có vị Phó Quản Thủ, vị thứ hai sau Quản Thủ nữa.

Tây Đường là nơi ở của những vị Cao Đức do vị Trụ Trì cung thỉnh đến để chỉ đạo các Phật sự, bình thường vị Tăng nầy đứng sau vị Trụ Chức.

Giám Viện nghĩa là người thay thế vị Trụ Trì, làm Tổng Quản quán sát tất cả những công việc và mọi vấn đề hành chánh của chùa. Trước đây, vị nầy đứng đầu trong bảng Lục Hòa, mà có nơi gọi là Giám Tự. Ngoài ra còn có Phó Giám Viện thay thế việc điều hành mỗi khi vị Giám Viện vắng mặt .

Hậu Đường là chỗ hành trì của vị Tăng trực tiếp chỉ đạo.

Đơn Đầu là ngôi vị thứ hai của vị Tăng ở Hậu Đường đang hành trì và trực tiếp chỉ đạo.

Phó Tự là vị Tăng lo việc chi tiêu của chùa, lo trọn một trong 6 phép hòa kính.

Tri Khố là vị Tăng lo quản lý thức ăn, tiền bạc và giúp đỡ cho vị phó Trụ Trì.

Duy Na là người giúp đỡ cho vị Hậu Đường và Đơn Đầu, chỉ đạo và hướng dẫn chư Tăng tu hành, quản lý Tăng Đường, tụng khai Kinh và hồi hướng mỗi thời tụng Kinh, giữ vững kỷ cương một trong 6 phép hòa kính, tuy nhiên, có chùa xem đây là việc của vị Giám Tự.

Duyệt Chúng là vị giúp đỡ cho Duy Na, phần vụ thủ mõ.

Đường Hành cũng là nhiệm vụ của Duy Na và Duyệt Chúng, phải gõ khánh, tụng khai Kinh và hồi hướng trong mỗi thời công phu tụng Kinh.

Điển Tọa là vị Tăng lo việc ăn uống vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.

Phó Điển còn gọi là Phạn Đầu, vị Tăng hổ trợ giúp việc cho Điển Tọa.

Trực Tế là vị Tăng chuyên lo việc chấp tác, trùng tu sửa chữa Già Lam, chữa đường sá, cũng là người vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.

Tri Khách là vị Tăng lo việc tiếp đón khách.

Thị Chơn là vị Tăng chăm sóc chỗ thờ Tổ Khai Sơn.

Cúng Chơn là vị Tăng giúp đỡ Thị Chơn, cũng gọi là Truyền Cúng.
Tri Điện là vị Tăng quản lý Phật Điện và Pháp Đường. Người phụ tá gọi là Diện Hạnh.

Thượng Sự là vị Tăng lo việc thư ký, bảo quản văn thơ giấy tờ.

Tri Dục cũng còn gọi là Dục Chủ, vị Tăng quản lý nhà tắm.

Thị Cục Trưởng là vị Tăng thân cận, chăm lo và giúp đỡ vị Trụ Trì. Ở hai Đại Bổn Sơn những vị nầy hổ trợ vị Quản Thủ.

Thị Giả là vị Tăng thân cận hầu hạ vị Trụ Trì và Chư Tôn Đức đến thăm chùa. Có 5 loại Thị Giả chánh thức như:

Thiêu Hương Thị Giả, là người có trách nhiệm lo việc hương đăng và dâng hương cho vị Trụ Trì, mỗi khi có lễ.

Thư Trạng Thị Giả là vị lo vấn đề thư từ cho vị Trụ Trì.
Thỉnh Khách Thị Giả là vị Tăng lo ứng đối tiếp đãi khách của vị Trụ Trì.

Y Bát Thị Giả là vị Tăng lo Pháp Y cho vị Trụ Trì.

Thang Dược Thị Giả là vị Tăng lo thức ăn và thuốc men cho vị Trụ Trì.

Thông thường chỉ hai hay ba vị kiêm nhiệm luôn.

Thị Thánh nghĩa là Thị Giả của chư Thánh Tăng thờ tại Tăng Đường (như Ngài Văn Thù Bồ Tát), lo việc cúng dường nước hoặc trà nóng lên Bồ Tát.
Giảng Sư nghĩa là vị Thầy thường giảng nghĩa và thuyết pháp cho Chư Tăng và Tín Đồ.

Tạng Chủ tức là vị quản lý tạng Kinh và điện thờ có nhiều bảo vật.

Tịnh Đầu là vị Tăng quản lý Đông Ty (nhà xí).

Tấu Giả là vị Tăng có trách nhiệm thông tin cho khách hoặc những liêu xá, khi có những việc cần thiết.

Thủ Tọa là địa vị cao nhất của chư Tăng, còn gọi là Thượng Tọa.

Thư Ký nguyên là chức vụ Thị Giả Thư Trạng, phụ trách những công việc phụ giúp vị Thủ Tọa liêu, thường ngồi ở vị trí thứ hai sau Thượng Tọa.

Biện Sự là vị Tăng còn trẻ luôn ở bên vị Thư Ký, Thủ Tọa, nơi liêu Thủ Tọa.

Hành Giả là vị Tăng còn đang tu học, gần gũi thân cận, làm các công việc.
Ngoài ra, ở Điện Đường, Điện Ty, Đường Ty, Phật Điện, Pháp Đường khi có lễ, vị thỉnh chuông gọi là Chung Ty, vị lo công việc trong Tăng Đường gọi là Trực Đường, vị lo việc dọn dẹp gọi là Thanh Tảo Đương Phiên v.v... nhiều lắm không thể ghi chi tiết ra đây hết. Vả lại, còn có khá nhiều công việc như xuất bản, bố giáo, và nhiều việc không cần có chức vụ ở Lưỡng Bổn Sơn nữa, song tùy theo tính chất quy mô hay đơn giản của chùa, tùy theo địa phương, tùy theo xã hội mà công việc có thể tùy nghi sửa đổi thêm hay bớt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]