Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Sự Hiểu Biết Về Giới Danh

12/04/201107:13(Xem: 8439)
7. Sự Hiểu Biết Về Giới Danh

THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008

Chương bốn:
Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ

V. Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ

V.7 Sự Hiểu Biết Về Giới Danh

V.7.1 Giới Danh, Pháp Danh và Pháp Hiệu

Giới Danh nghĩa là tên của người Tín Đồ Phật Giáo, quy y Đức Thích Tôn, tôn kính chư vị Tổ Sư, học và thực hành đúng những lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày. Sinh hoạt đứng đắn gọi là Giới. Ngoài tên của cha mẹ đặt là tục danh, còn có tên của Phật Giáo mà Giới Sư (vị Thầy cho thọ giới) đặt cho. Thông thường, tên được đặt sau khi người mất trong lúc đám ma là Giới Danh, vốn là tên khi còn sống để xác định rằng người ấy là một vị Tăng sĩ. Tên cha mẹ đặt cho, đối với người Tăng Sĩ cũng được giữ nguyên thành Giới Danh. Như trường hợp của tôi (tác giả) có Đạo hiệu là Thiên Lại (Tenrai = tiếng trời), Húy là Long Chơn (Ryushin). Chữ Húy nầy do Thọ Nghiệp Sư ban cho còn Đạo Hiệu là do Bổn Sư cho. Khi tôi (tác giả) viên tịch, trên tấm bia và bài vị, nếu thiết lập, chỉ ghi như sau: “Thiên Lại Long Chơn Đại Hòa Thượng”. Vả lại, tên của vị Tăng Sĩ chính là Giới Danh, cho nên không có sự thay đổi tên khi sanh tiền và lúc sau khi viên tịch.

Trường hợp của Đàn Tín Đồ cũng giống như vậy. Đàn Tín Đồ nếu tham gia vào lễ thọ giới trở thành người xuất gia sẽ được Giới Sư ban cho Giới Danh, không dùng tục danh nữa. Đến khi chết Giới Danh ấy được khắc ghi lên bia đá và bài vị. Trên bia đá, ta thấy Giới Danh được khắc chữ đỏ vì người lập bia có ý muốn cho người đời sau biết người ấy thọ nhận Giới Danh lúc còn sanh tiền, còn gọi là nghịch tu. Giới Danh tên gọi của Phật Giáo, giống như Thọ Tẩy Danh, tên Thánh của Thiên Chúa Giáo. Nếu không có Giới Danh không thành tựu, cho nên khi còn sống nên thọ giới để có Giới Danh (ghi chú của dịch giả: Đây để chỉ cho trường hợp của Nhật Bản. Còn các nước khác theo Phật Giáo không phải như vậy).

Pháp Danh, Pháp Hiệu đại khái có thể nói là giống Giới Danh. Ai có tên nầy chứng tỏ rằng đã quy y Phật Pháp. Tông Tào Động chỉ gọi Giới Danh, không gọi Pháp Danh hay Pháp Hiệu. Tông Thiên Thai, Tông Chơn Ngôn, Tông Tịnh Độ, Tông Thiền v.v... chỉ gọi là Giới Danh. Tông Tịnh Độ Chơn gọi Pháp Danh và Tông Nhật Liên gọi Pháp Hiệu. Tông Tào Động phân chia cách sử dụng Giới Danh và Pháp Danh được hiểu như sau:

Trường hợp người thọ giới khi còn sanh tiền gọi Giới Danh. Còn Tín Đồ không thọ giới không được gọi, nhưng khi chết trước lúc hỏa táng có thể cải đổi tên để thọ giới, có thể gọi là Pháp Danh
Giới Danh, Pháp Danh và Pháp Hiệu chỉ là tên gọi của những Tín Đồ Phật Giáo, mà đúng ra chẳng phải tên của đời nầy, cũng chẳng phải tên của đời kia, mà là phô diễn ý nghĩa tất cả đều bình đẳng, là đệ tử của Phật đang hiện hữu trong thế giới khổ đau phiền não. Nêu danh ấy chẳng qua làm sao để có một cái tên đầy đủ ý nghĩa tự giác khi đang sống trong thế giới nầy.

V.7.2 Chuẩn Mực Của Giới Danh

Giới Danh nói lên tính chất bình đẳng của đệ tử Phật, không phân biệt cao thấp, trên dưới khi được gọi bằng tên ấy. Dù cho có vô vàn khác biệt của chúng sanh sống trong đời nầy song trong thế giới chư Phật không có sự khác biệt nào cả. Do vậy trong đời sống, Giới Danh ấy đều bình đẳng như nhau. Nếu nói một cách khẳng định, Giới Danh đồng nhau.

Thật tế, trên nguyên tắc người có tín ngưỡng, người không có tín ngưỡng, người có nhơn cách, người không có nhơn cách, ai ai cũng đều cống hiến cho sự nghiệp của gia đình, xã hội, giáo đoàn, Chùa, Viện, Phật Giáo v.v... nhưng nếu chọn cho mình có một Giới Danh đẹp đẽ thì thích nghi hơn. Với ý nghĩa đó, Giới Danh căn cứ vào cá tánh của từng người nên có sai biệt. Nhưng khi đã chết mới được đặt tên trong lúc lễ tang, những người ấy đều cùng một Giới Danh, mà Giới Danh nầy nói lên sự hy vọng của người mất lúc sanh tiền, hoặc nguyện vọng, suy nghĩ, ý muốn của tang gia, những người liên hệ dành cho người quá cố. Do vậy, Tín Đồ Phật Giáo không phải là một đoàn thể chung chung, mà tùy duyên theo cá tính của từng cá nhân. Giới Danh được nhận sau khi chết xuất phát từ tâm đồng cảm với những người thân, trong tang quyến. Về phương diện lịch sử, có nhiều phê phán về Giới Danh như một sự tham vọng, nhưng Giới Danh được ghi vào sổ bộ trong chùa (Bồ Đề Tự) và sổ lưu niệm gia đình, trên mộ bia v.v.... mãi mãi lưu truyền cho hậu thế.

Cũng có người di chúc không muốn có Giới Danh, những Thầy Chủ Lễ phải tôn trọng di ngôn của người quá cố, chấp nhận di chúc và sử dụng tục danh trong lễ tống táng. Thật ra, không thể nói là tham vọng đối với vấn đề nầy, bởi vì về sau những người thân trong tang quyến gặp người khác hỏi về Giới Danh của người mất, không biết trả lời sao, nên mới có tha thiết yên cầu như thế.

Khi còn sanh tiền, có người tự đặt Giới Danh cho mình, không giống trường hợp người không cần Giới Danh. Những việc như thế cũng là một cách hành xử, nói lên quan điểm về nhơn sanh và kiến thức của mình, song mặt khác cho thấy rằng chẳng qua chỉ làm tăng thượng mạn mà thôi.

Hơn nữa, có người suy nghĩ rằng Giới Danh chẳng phải là việc ăn uống gì cho nên muốn đổi tên. Trên nguyên tắc điều nầy không được, song trường hợp ngoại lệ vẫn chấp nhận. Thật sự, nếu Giới Danh tạo tổn thương cho người mất, chỉ thêm khổ tâm, thế thì có lợi ích gì mà phải đặt Giới Danh, điều nầy chư Tăng phải hoàn toàn có trách nhiệm. Nhưng dẫu việc ấy xảy ra, phẩm cách và kiến thức của vị Tăng đâu phải vì thế mà trở thành thấp đi, cho nên Chư Tăng vẫn an nhiên đặt Giới Danh như thường.

Có vấn đề lớn là đặt dùm Giới Danh hoặc có những vị Tăng yêu cầu số tiền quá lớn khi đặt Giới Danh. Thật tế, không phải không có phiến diện về quan niệm xã hội, không phải không có những Tăng Sĩ không xem tư cách của mình là trọng, không phải không có những Tu Sĩ mang tiếng như vậy, không phải không có những Tăng Sĩ lợi dụng buồn khổ của người, hám lợi như ngạ quỷ, súc sanh làm những hành động chẳng bình thường chút nào cả. Vị Tăng nầy sửa đổi Giới Danh mà vị Tăng khác đã cho, tạo sự không hay đối với vị Tăng ấy, làm cho tang gia bối rối thêm, để rồi chấp nhận điều kiện có thể để cho tang lễ được an ổn.

Thành ra việc mong mỏi đặt cho Giới Danh ấy thành ra làm tiền, ngã giá chê bai mắc rẽ, quả là tâm hư dối, không thật lòng. Thật tế, trong cuộc sống cũng có nhiều người thích nổi danh, yêu cầu đặt cho Giới Danh với số tiền tốn kém trong khi làm đám, rõ ràng vấn đề nầy xem như cá biệt, mà nội dung có khác, không nên phê phán làm gì. Tuy nhiên, không phải không có những vị Thầy đi đám tang để lấy tịnh tài cúng dường Tam Bảo, điều hành Phật sự, duy trì giáo đoàn v.v...Vả lại, dù cho đòi hỏi của tang gia một số tiền nào đó để cúng dường Giáo Đoàn hoặc đóng góp vào những lãnh vực khác, cũng tùy theo hoàn cảnh từng chùa, đại loại là theo khả năng, hoàn cảnh, phương tiện chứ hoàn toàn không có ép buộc, tất cả không giống nhau.

Nói chung, tiền cúng dường cho việc đặt Giới Danh nhiều ít không lệ thuộc vào quyết định chủng loại, chuẩn mực của Giới Danh .

V.7.3 Sự Cấu Tạo Của Giới Danh Và Chủng Loại

Giới Danh gồm có:
Viện Hiệu, Viện Điện (tên chùa Viện),
Đạo Hiệu Giới Danh,
Tánh phái – chức danh (Vị Hiệu) nên gọi là chức vụ.
Hầu hết dùng Đạo Hiệu Giới Danh, Tánh phái. Còn Viện Hiệu(Viện Điện), Đạo hiệu Giới Danh, Tánh phái cho vào đó hai chữ như nguyên tắc, ví dụ:
Vịnh Tùng Viện Hạc Phùng Tiên Thọ Cư Sĩ
(Viện hiệu) (Đạo hiệu) (Giới danh) (Vị hiệu)
Hoặc
Phước Tụ Viện Từ Hải Diệu Hàng Đại Tỉ
(Viện hiệu) (Đạo hiệu) (Giới danh) (Vị hiệu)
Viện Điện Hiệu, Viện Hiệu cùng gọi chung là Viện Hiệu. Khi Thiên Hoàng nhường ngôi lui về sống ở cung điện khác và băng hà, gọi là Thuần Hòa Viện. Chữ Viện bắt đầu dùng lúc ấy. Hơn nữa chữ Viện Điện kể từ khi Túc Lợi Tôn Thị trở đi mới thêm vào chữ Điện cho nhà họ Võ để phân biệt với Thiên Hoàng. Hơn nữa, Viện Hiệu hay Viện Điện Hiệu là cách đặt tên theo niềm tin Phật Giáo, giống như kiến tạo một ngôi chùa, biểu hiện cho một sự tồn tại trong đời, nên được duy trì.
Viện Điện Đại Cư Sĩ là Giới danh cao nhất, mà ngày xưa gọi là Đại Danh Phiên Chủ hay Phu Nhơn, Đại Thần, Tri Sự v.v... Ngày nay theo tiêu chuẩn nầy, tùy theo sự cống hiến và niềm tin của Tín Đồ đối với Phật Giáo, Giáo Đoàn, Bồ Đề Tự thế giới, quốc gia, địa vực xã hội v.v... mà được biệt lệ. Thật ra, có rất ít những người được như thế, nếu không nói là rất hiếm. Viện Điện Hiệu Cư Sĩ (Đại Tỉ) là cách đặt Giới Danh nói lên công đức, địa vị mà Viện Điện Hiệu ấy đã, tùy theo xã hội, đoàn thể, Giáo Đoàn, của ngôi chùa ấy v.v...
• Đạo Hiệu và Giới Danh
Đạo Hiệu biểu hiện đức độ của vị ấy. Giới Danh là tên của người khi thọ giới. Giới Danh của Tông Tào Động có một sự chọn lựa chữ thật là chín chắn, như: Vịnh Tùng Viện, Hạc Phùng Tiên Thọ Cư Sĩ như ta đã thấy, trường hợp như thế rất phổ thông. Bốn chữ Đạo Hiệu và Giới Danh đặc biệt có liên hệ với Kinh Điển, Tổ Duyên, do tham cứu thơ văn bằng chữ Hán mà có những chữ như thế để tương xứng khi không cần dùng tục danh nữa.
• Đại Cư Sĩ (Đại Tỉ) hay Cư Sĩ (Đại Tỉ)
Đại Cư Sĩ (Đại Tỉ) dành riêng cho Viện Điện Hiệu. Còn Cư Sĩ (Đại Tỉ) dành cho Viện Hiệu và Vị hiệu. Cư Sĩ, Đại Tỉ là những tín đồ tại gia, nhiệt tâm tham thiền. Tín Đồ cũng có thể tự xưng là Cư Sĩ hay Đại Tỉ.
• Tín Sĩ, Tín Nữ
Đây là cách gọi chung chung cho các Đàn Tín Đồ theo Vị Hiệu, cao nhất là Viện Điện Hiệu và Viện Hiệu. Thông thường, họ là những người không có chức phận, những tín đồ bình thường nghe và thọ nhận lời dạy, gần gũi Chư Tăng, gọi là Tín Sĩ, Tín Nữ.
• Đồng Tử, Đồng Nữ
Đa số tuổi lên 4, lên 5 hoặc giả chết từ 7 tuổi trở xuống, chưa tới 15 tuổi, gọi những đứa trẻ ấy theo Vị Hiệu là Đồng Tử, Đồng Nữ.
• Hài Nhi (Hài Nữ)
Anh nhi từ lúc mới sanh cho đến 2, 3 tuổi, những trẻ “ấu nhi” được đặt theo Vị hiệu là Hài Nhi hay Hài Nữ.
• Thủy Tử
Những thai nhi chết khi sanh ra được đặt theo Vị Hiệu. Nói chung, Hài nhi, Anh nhi, Thủy Tử thường chỉ đặt Giới Danh và Vị Hiệu.
• Thiền Định Môn (Thiền Định Ni)
Ni cũng có Vị hiệu, đặc biệt lúc sanh tiền chuyên tâm thiền định, thuần tín Tam Bảo, thân cận thiện hữu. Thiền Định Môn và Ni được gọi không phải chỉ cho người xuất gia làm Tăng lữ (Ni Tăng).
Vả lại, theo Pháp Danh của Tịnh Độ Chơn Tông, phải bắt buộc, nếu nói không quá đáng, chữ đầu dùng chữ Thích. Ngắn cho vào chữ Dự, để so sánh với Giới Danh dài hơn. Còn Tông Nhật Liên cho vào đó chữ Diệu. Tùy theo Tông Phái, có sự phân biệt Giới Danh khác nhau như thế.

III.2 Thất Đường Già Lam

III.2.1 Sự Thay Đổi Kiến Trúc Của Tự Viện

Già Lam, nguyên ngữ bằng tiếng Sanscrit cổ, Ấn Độ là Shangarama, còn gọi là Tinh Xá, Chùa, Tự Viện. Kiến trúc Tự Viện Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp từ bán đảo Triều Tiên, gián tiếp từ Trung Hoa. Từ thời Bình An (Heian), mỹ thuật kiến trúc Nhật Bản mô phỏng theo hai dạng mỹ thuật kiến trúc Triều Tiên có từ thời Phi Điểu, và mỹ thuật Trung Hoa từ thời nhà Đường. Đến thời Kamakura, lối kiến trúc đó bị loại bỏ đi thay bằng lối kiến trúc thời Tống (Trung Hoa) hòa với lối kiến trúc thời Thất Đinh. Đến thời Đào Sơn mỹ thuật kiến trúc trở nên đẹp vô cùng, tạo nên phong cách mỹ thuật đặc biệt của thời đại nầy. Còn thời đại Giang Hộ (Edo), lại theo phong cách đơn giản, hiện đại và độc lập, theo lối phong cách Âu Châu.

Kiến trúc Chùa, đặc biệt vào thời Kamakura thể hiện trọn vẹn phong cách Thiền ảnh hưởng mô thức Trung Hoa thời Đường, còn gọi là phong cách Thiền Tông, có nhiều điểm giống Lâm Tế Tông, Hoàng Bích Tông, Tào Động Tông, hẳn nhiên cũng không thiếu nhiều điểm khác biệt đặc thù.

III.2.2 Già Lam Của Tào Động Tông Là Nơi Chính Để Tu Hành

Thiền Sư Đạo Nguyên phối hợp những phiên bản Tự Viện Trung Quốc và Ấn Độ, suy nghĩ kiến tạo đạo tràng trang nghiêm của Tông Tào Động. Chùa Vĩnh Bình kiến tạo mô phỏng theo Chùa Thiên Đồng Sơn Cảnh Đức ở tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa (bây giờ gọi là Thiên Đồng Tự). Tông Tào Động vẫn sử dụng từ “Thất Đường Già Lam“ có lẽ từ thời Giang Hộ (Edo), không có căn cứ nào chỉ cho nguyên thỉ của chữ nầy. Song cũng có thuyết cho rằng Tông Tào Động gọi là Thất Đường Già Lam cho những ngôi Chùa đầy đủ 7 gian như: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, Khố Viện, Tăng Đường, Dục Thất và Đông Ty. Ngoài ra, Chùa còn có tháp 3 tầng, tháp 5 tầng hay Đa Bảo Tháp, Xá Lợi Tháp v.v... những tháp nầy không gồm chung trong Thất Đường Già Lam. Chùa Thiền hay đặc biệt là Chùa của Tào Động Tông không có Tháp, nếu có, tháp được xây sau hoặc là xây với lý do nào đó, còn Chùa thuộc Tông Pháp Tướng và Tông Chơn Ngôn có xây tháp.

Hình thức Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động theo thứ tự từ bên ngoài đi vào là: Sơn Môn, Phật Điện, Pháp Đường, bên mặt là Khố Viện, trước có Dục Thất (phòng tắm rửa), bên trái là Tăng Đường, trước có Đông Ty (nhà vệ sinh). Tất cả đều có hành lang bao bọc xung quanh trở thành một hình vuông vức. Ngoài Thất Đường còn có những tòa nhà liên quan được xây dựng thêm. Càng về sau, ở những ngôi chùa nhỏ Thất Đường đơn giản chỉ còn Bổn Đường (Chánh Điện), Khố Lý (nhà kho), Khai Sơn Đường (Chỗ Thờ Tổ), Vị Bia Đường (nơi thờ vong). Cũng có nhiều hình thức biến dạng khác như thêm lầu chuông hay cổng tam quan, song chỉ là những trường hợp riêng biệt mà thôi. Nói chung các chùa đều giống nhau như thế, bởi trước nhất phải hợp với khả năng cho nên phải đơn giản, sẽ giải thích rõ về Thất Đường Già Lam dưới đây.

III.2.3 Sơ Lược Về Thất Đường Già Lam

Sơn Môn vừa chỉ cho cổng chính vào Chùa, vừa chỉ cho thế giới thanh tịnh, không có phiền não khổ đau. Cổng chùa thường có ba cửa, cửa lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ ở hai bên, còn gọi là Cổng Tam Quan, cũng gọi là Tam Môn. Ngoài ra, còn có những tên khác là: Quán Mộc Môn, Dược Y Môn, Anh Môn, Nhị Trọng Môn v.v... Tông Tào Động thường dùng Anh Môn và Nhị Trọng Môn. Ở phần hai bên trước cổng, thường an trí các vị Nhơn Vương. Trên Anh Môn (lầu) thường đặt tượng Phật, Bồ Tát hay các vị La Hán. Trên cao, treo một Phạn Chung (Đại Hồng Chung). Nếu chùa lớn, ngoài Sơn Môn còn có Tổng Môn (chỉ có một cửa ra vào), Tam Tùy Quan, Đống Môn, Dược Y Môn và Sắc Sứ Môn còn gọi là Hương Đường Môn.

Điện Phật còn gọi là Đại Hùng Phong Điện, Đại Hùng Điện, Đại Điện v.v... tọa lạc ngay chính giữa, trong đó có Tu Di Đàn thờ Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni ngay trung tâm, hai bên trái phải của Phật, mỗi bên an trí một tượng Bồ Tát. Đa phần, thờ Đức Phật Thích Ca ở giữa (vị khai Tổ của Phật Giáo). Tôn Giả Ca Diếp trưởng tử Phật, Sơ Tổ Thiền Tông. Tôn Giả A Nan đệ tử thị giả của Đức Phật Thích Ca, vị Tổ Sư thứ hai, thị giả hầu Phật được nghe nhiều lời giảng nhất. Ngoài ra, còn thờ Tam Tôn Phật: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (biểu hiện Đức Phật trong hiện tại), Đức A Di Đà Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong quá khứ). Đức Di Lặc Như Lai (biểu hiện Đức Phật trong tương lai). Tam Tôn Phật cũng còn được hiểu là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù (biểu trưng cho trí tuệ Phật) và Bồ Tát Phổ Hiền (biểu trưng hạnh nguyện Phật). Phía đông của Phật Điện (từ ngoài nhìn vào phía bên mặt) thờ Đàn Thổ Địa hay thờ Bồ Tát Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý. Phía Tây (phía trái từ ngoài nhìn vào) là Tổ Sư Đàn, thờ Sơ Tổ Đạt Ma. Thông thường bàn thờ làm bằng gạch hay đá, có chỗ để bày dâng lễ cúng. Đặc biệt, phần nghi lễ được tổ chức tại Phật Điện.

Pháp Đường là nơi vị Trụ Trì thuyết Pháp cho Tăng sĩ đang tu tập. Khi thuyết Pháp vị Trụ Trì được cung kính như đại diện chư Phật, chư vị Tổ Sư có trách nhiệm truyền trao giáo Pháp cho thính chúng, cho nên trong Pháp Đường không thiết tượng Phật nào cả. Tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, có đặt tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát biểu trưng tâm từ bi bao la của Phật, một lý do khác, như đã trình bày ở trước, ở Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, Tổ Đường chính là Pháp Đường, nơi đó là Đại Tổ Đường được xem là một Đạo Tràng thuyết pháp của Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn. Giữa Tổ Đường là Pháp Đường cũng còn có ý nghĩa là tôn trọng giữ gìn lời giáo huấn của Tổ. Tại Đại Tổ Đường nầy, đàn trên cao ở chính giữa, thờ tượng Tổ khai sơn Thiền Sư Oánh Sơn, hai bên trái phải thờ Thiền Sư Đạo Nguyên, Cao Tổ và thờ Thiền Sư Nga Sơn Chiêu Thạc, vị Tổ thứ hai của Tổng Trì Tự. Ngoài ra, các tượng của chư vị Tổ Sư cũng được thờ tại đây. Tại Pháp Đường thường có những thời Kinh sáng, trưa, tối và hầu như tất cả nghi lễ quan trọng đều cử hành tại đây.

Khố Viện hay Khố Lý thờ tượng Vi Đà Thiên và tượng Đại Hắc Thiên còn gọi là Đài Hương Tích, vừa là nơi chứa thực phẩm cho chư Tăng thường trụ và khách Tăng, vừa là nơi thâu nhận thực phẩm cúng dường, cũng là chỗ xay thóc.

Dục Thất, nhà tắm, có thờ tượng Tôn Giả Bạt Đà Bà La. Trong Chùa, Tăng Đường, Đông Ty và Dục Thất là ba nơi cần phải giữ thật trang nghiêm yên tĩnh, tuyệt đối cấm không được cười đùa, nói chuyện riêng tư, không được tạo ra âm thanh ồn ào. Ngay cả, tắm rửa kỳ cọ thân thể cho thanh tịnh cũng quan trọng như những việc tu hành khác.

Tăng Đường có nơi gọi là Vân Đường, cũng còn gọi là Tuyển Phật Trường, mà những chữ nầy được treo ngay ở chính giữa. Thông thường người ta còn gọi nơi nầy là Tọa Thiền Đường nhưng Tông Tào Động không gọi là Tọa Thiền Đường vì gọi như thế nghĩa là phân biệt chỗ hành thiền khác với nơi ăn uống. Tăng Đường là nơi mà chư Thánh Tăng và chư Bồ Tát thường lui tới, vốn gọi là Thánh Tăng Đường. Trong Thất Đường Già Lam của Tông Tào Động cũng có những nơi quan trọng biểu trưng hiện hữu của Thần Thánh, cũng có thể gọi là nhiệm mầu thiêng liêng, mà tuyệt đối không ai, cả người trong Chùa lẫn người ở ngoài tự ý vào được.

Đồng thời, Tăng Đường chia làm hai phần, bên ngoài là nơi dùng cơm, uống nước của chư Tăng, bên trong còn gọi là Nội Đường hay Đường Nội thờ chư vị Thánh Tăng như Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quan Thế Âm, cũng có Chùa thờ Tôn Giả Kiều Trần Như, trên cái Trang ngay chính giữa. Bên dưới thiết kế những chỗ ngồi thiền, gọi là Trường Liên Sàng, là những cái đơn cao chừng một mét, rộng chừng một chiếc chiếu (Tatami), để ngồi Thiền mặt hướng vào tường hoặc cửa sổ.

Còn có những cái Đơn khác gọi là Hàm Quỹ, mặt bằng độ chừng 30 cm làm bằng gỗ, bên trong Hàm Quỹ (cái rương) đựng y áo và bình bát, phía dưới trải ra làm chỗ nghỉ, còn gọi là Tịnh Duyên, bởi vì chỗ nầy, vật nầy cũng dùng để làm nơi ăn uống. Tịnh Duyên có ý là ăn uống trong sạch thanh tịnh. Ngay cả ở bên ngoài cũng có kê những chiếc Đơn như thế.

Bên ngoài còn có những giá treo chuông gọi là Tăng Đường Chuông, Ngoại Đường Chuông và có cả Pháp Cổ (trống) cũng như những pháp cụ khác để báo hiệu khi cần thiết. Những việc như đọc sách, viết lách, cạo tóc, khâu vá v.v.., đều thực hiện trong liêu chúng. Mô hình liêu chúng là giữa liêu đặt tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, hoặc tượng Hư Không Tạng Bồ Tát, chỉ có Hàm Quỹ (cái rương) và Tịnh Duyên (chỗ ăn) và liêu chúng gần Tăng Đường.
Đông Ty là Tiện Sở (cầu xí) cũng còn gọi là Tây Tịnh, nhưng chữ nầy bây giờ không còn dùng đến nữa, ở nơi nầy thường để tượng Điểu Sô Sa Ma Minh Vương.

III.2.4 Trường Hợp Những Tự Viện Thông Thường

Tóm lại, các vấn đề xây dựng như thế nào, ai xây, xây ở đâu, khi nào của các chùa thuộc Tông Tào Động lệ thuộc vào vấn đề xã hội địa phương và nguyện vọng của mọi người nữa. Thật ra, mỗi chùa có mỗi điều kiện, mỗi tính cách và mỗi mục đích khác nhau, không thể phán đoán chung chung được, tuy nhiên, có thể phân loại ra như sau:

Thứ nhất, Tu Hành Tự là tự viện như một đạo tràng dùng để tu tập và tọa thiền. Những tự viện nầy vốn có liên hệ với Tông Tào Động từ xưa, như Lưỡng Đại Bổn Sơn, mà dù cho chùa ấy có gì đặc biệt đi chăng nữa, thì vấn đề căn bản vẫn là chỗ để tu hành theo Tông Tào Động

Thứ hai, Bồ Đề Tự là tự viện để lễ bái và phụng thờ Ngài Hoằng Pháp Đại Sư, Ngài Quan Thế Âm, Thất Phước Thần, Linh Trường, thường thấy nơi các chùa thuộc Tông Pháp Tướng, Tông Hoa Nghiêm, Tông Thiên Thai, Tông Chơn Ngôn v.v... về sau dù đã đổi sang Tông Tào Động nhưng vẫn còn giữ tôn phong cũ.

Thứ ba, Kỳ Thọ Tự là chùa thờ Đức Quan Âm, Ngài Dược Sư, Ngài Địa Tạng, Ngài Bất Động, các vị Tổ Sư, Thần Lúa, Thiên Cẩu v.v... vì nhu cầu của mọi người đến tự viện lễ bái cầu nguyện.

Thứ tư, Quán Quan Tự là chùa lịch sử danh lam thắng cảnh, gần gũi mọi người và cảnh trí đẹp, được nhiều người tới lui vãn cảnh.

Tuy nhiên, trừ Lưỡng Đại Bổn Sơn và những tự viện lớn, còn các chùa thuộc Tông Tào Động về hình thức căn bản là những Già Lam theo mô hình: Sơn Môn, Bổn Đường, Khai Sơn Đường, Vị Bi Đường, Khố Lý, Chung Lầu, Tọa Thiền Đường v.v... mà chúng ta lần luợt tiếp xúc với những phần nầy.

Sơn Môn thờ tượng Nhân Vương, trên lầu cao thờ tượng Phật, Bồ Tát, nhưng cũng có nơi không có, bởi vì những chùa nhỏ nhiều khi không có Sơn Môn (cửa ra vào) nữa, đôi khi chỉ khắc tên chùa trên phiến đá thay cho cổng tam quan.

Bổn Đường cũng còn gọi là Phật Điện hay Pháp Đường, bên trong thờ Bổn Tôn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc thờ Tam Tôn, song chính giữa vẫn là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng, tùy theo sự thành lập của tự viện, có những đặc thù riêng, không phải hoàn toàn giống nhau, có chùa thờ Đức A Di Đà Như Lai, Đại Nhật Như Lai, Dược Sư Như Lai v.v... có chùa thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Bất Động Minh Vương, Biện Tài Thiên và cũng còn nhiều tượng khác nữa. Tựu trung vẫn là hình tượng chư Phật và chư Bồ Tát mà ở đây có thể rõ thêm rằng đó là đặc trưng Phật tánh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rộng lớn bao la như thế.

Trên bốn bức tường chung quanh Bổn Tôn trong Chánh Điện thường có 18 vị A La Hán. Hai bên tả hữu của Bổn Tôn thường thờ tượng Chiêu Bảo Thất Lang Đại Quyền Tu Lý Bồ Tát và tượng Đạt Ma Đại Sư. Sau Chánh Điện ngăn ra hai bên phải trái thờ linh vị của Tín Đồ Phật Tử.

Tại Bổn Đường (Chánh Điện) sáng, trưa, tối đều có tụng Kinh, nơi đây thường cử hành những nghi lễ cầu an, cầu siêu, thuyết pháp, lễ hằng thuận v.v...

Khai Sơn Đường tiếp giáp sau Bổn Đường, ở giữa thờ Ngài Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư hay Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư. Ngoài hai vị Tổ Sư, còn thờ tượng bằng gỗ của vị Hòa Thượng khai sơn chùa ấy nữa. Hai bên phải trái thờ tượng của các vị Trụ Trì, linh vị của những người sáng lập chùa, nơi đây cũng thờ linh vị Tín Đồ nữa, miễn sao ở giữa có nơi làm lễ là được. Phía trước còn bàn kinh, có gối để lạy, có chuông mõ hai bên.

Vị Bi Đường là nơi linh vị Tín Đồ. Thông thường có thể thờ ở phía sau Chánh Điện hay Khai Sơn Đường, nhưng tùy địa phương Vị Bi Đường được xây riêng một nơi biệt lập bên ngoài Bổn Đường hay Khai Sơn Đường. Ở giữa, thờ tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Mỗi gia đình có mỗi bàn thờ nhỏ và tự quản lý, cúng dường và tự mỗi gia đình đến chùa chăm sóc lấy.

Khố Lý được xây dựng ở bên phải Chánh Điện và mặt hướng về Chánh Điện. Nơi đây gồm có hành lang, phòng tiếp lễ vật, phòng khách, phòng ở của vị Trụ Trì, phòng ở của gia đình Trụ Trì, phòng sinh hoạt, phòng chuẩn bị, phòng ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh v.v... Tùy theo chùa, Khố Lý lớn hay nhỏ, có chùa Khố Lý còn lớn hơn Chánh Điện nữa.

Tọa Thiền Đường được xây dựng phía bên trái hướng về Chánh Điện, đối diện tương xứng với khố lý. Cũng tùy điều kiện đất đai, đôi khi được thiết lập ngay tầng dưới của Khai Sơn Đường, những chùa không có Tọa Thiền Đường, có thể dùng Chánh Điện hay Khai Sơn Đường thay thế.

Lầu Chuông được thiết kế ở một góc vườn. Mỗi sáng tối thỉnh chuông nhứt định vào một thời điểm nào đó. Chùa nào không có lầu chuông, thường treo chuông bên ngoài cửa hay bên trong Chánh Điện.

Ngoài ra, trong vườn còn xây những nơi như: Đại Sư Đường, Trấn Thủ Đường, Đạo Hà Đường (nơi thờ Thần Lúa), Thần Xã, Sáng Khố v.v...

III.2.5 Công Việc Của Các Vị Tăng

Già Lam không phải chỉ thờ Phật, mà với người sống, nơi đây là những Đạo Tràng tu hành để thành Thánh, thành Phật. Già Lam của các chùa tu Thiền, như đề cập ở trên, được tổ chức theo thể thức sinh hoạt cộng đồng với mục đích tu hành. Riêng Thiền Tông, đặc biệt Tào Động Tông, có sự phối trí khác biệt. Chư Tăng ở chùa tu hành, tất cả nhất định phải phân công công việc để làm, không ai không làm việc, những công việc từ thời Lưỡng Tổ Đại Sư cho đến bây giờ vẫn thế. Được gọi là người tu, việc đầu tiên ở chùa, phải có khả năng làm việc hiệu quả. Không những chỉ riêng người tu ở chùa Tu Hành Tự, mà cho tất cả những tự viện lấy chùa Tu Hành Tự làm căn bản. Chư Tăng trong chùa phải làm việc được giải thích như sau:

Trụ Chức nghĩa là viết tắc của Chức Trụ Trì, người có trách nhiệm lớn lao đối với chùa. Với tư cách là “Tôn Giáo Pháp Nhơn” đại biểu cho chùa đó. Nếu chùa lớn, cũng còn xưng là Sơn Chủ thay cho Trụ Trì, đôi khi thay đổi gọi là Đường Đầu Hòa Thượng, mà thông thường gọi là Phương Trượng, Đường Đầu hoặc Hòa Thượng. Có nơi gọi vị Trụ Trì là Ojutsusan và Hòa Thượng là Ossan.

Quản Thủ là Chức Vụ của hai đại Bổn Sơn, cũng còn gọi là Quản Thủ Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Quản Thủ Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Ở hai Đại Bổn Sơn còn có vị Phó Quản Thủ, vị thứ hai sau Quản Thủ nữa.

Tây Đường là nơi ở của những vị Cao Đức do vị Trụ Trì cung thỉnh đến để chỉ đạo các Phật sự, bình thường vị Tăng nầy đứng sau vị Trụ Chức.

Giám Viện nghĩa là người thay thế vị Trụ Trì, làm Tổng Quản quán sát tất cả những công việc và mọi vấn đề hành chánh của chùa. Trước đây, vị nầy đứng đầu trong bảng Lục Hòa, mà có nơi gọi là Giám Tự. Ngoài ra còn có Phó Giám Viện thay thế việc điều hành mỗi khi vị Giám Viện vắng mặt .

Hậu Đường là chỗ hành trì của vị Tăng trực tiếp chỉ đạo.

Đơn Đầu là ngôi vị thứ hai của vị Tăng ở Hậu Đường đang hành trì và trực tiếp chỉ đạo.

Phó Tự là vị Tăng lo việc chi tiêu của chùa, lo trọn một trong 6 phép hòa kính.

Tri Khố là vị Tăng lo quản lý thức ăn, tiền bạc và giúp đỡ cho vị phó Trụ Trì.

Duy Na là người giúp đỡ cho vị Hậu Đường và Đơn Đầu, chỉ đạo và hướng dẫn chư Tăng tu hành, quản lý Tăng Đường, tụng khai Kinh và hồi hướng mỗi thời tụng Kinh, giữ vững kỷ cương một trong 6 phép hòa kính, tuy nhiên, có chùa xem đây là việc của vị Giám Tự.

Duyệt Chúng là vị giúp đỡ cho Duy Na, phần vụ thủ mõ.

Đường Hành cũng là nhiệm vụ của Duy Na và Duyệt Chúng, phải gõ khánh, tụng khai Kinh và hồi hướng trong mỗi thời công phu tụng Kinh.

Điển Tọa là vị Tăng lo việc ăn uống vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.

Phó Điển còn gọi là Phạn Đầu, vị Tăng hổ trợ giúp việc cho Điển Tọa.

Trực Tế là vị Tăng chuyên lo việc chấp tác, trùng tu sửa chữa Già Lam, chữa đường sá, cũng là người vâng giữ một trong 6 phép lục hòa.

Tri Khách là vị Tăng lo việc tiếp đón khách.

Thị Chơn là vị Tăng chăm sóc chỗ thờ Tổ Khai Sơn.

Cúng Chơn là vị Tăng giúp đỡ Thị Chơn, cũng gọi là Truyền Cúng.
Tri Điện là vị Tăng quản lý Phật Điện và Pháp Đường. Người phụ tá gọi là Diện Hạnh.

Thượng Sự là vị Tăng lo việc thư ký, bảo quản văn thơ giấy tờ.

Tri Dục cũng còn gọi là Dục Chủ, vị Tăng quản lý nhà tắm.

Thị Cục Trưởng là vị Tăng thân cận, chăm lo và giúp đỡ vị Trụ Trì. Ở hai Đại Bổn Sơn những vị nầy hổ trợ vị Quản Thủ.

Thị Giả là vị Tăng thân cận hầu hạ vị Trụ Trì và Chư Tôn Đức đến thăm chùa. Có 5 loại Thị Giả chánh thức như:

Thiêu Hương Thị Giả, là người có trách nhiệm lo việc hương đăng và dâng hương cho vị Trụ Trì, mỗi khi có lễ.

Thư Trạng Thị Giả là vị lo vấn đề thư từ cho vị Trụ Trì.
Thỉnh Khách Thị Giả là vị Tăng lo ứng đối tiếp đãi khách của vị Trụ Trì.

Y Bát Thị Giả là vị Tăng lo Pháp Y cho vị Trụ Trì.

Thang Dược Thị Giả là vị Tăng lo thức ăn và thuốc men cho vị Trụ Trì.

Thông thường chỉ hai hay ba vị kiêm nhiệm luôn.

Thị Thánh nghĩa là Thị Giả của chư Thánh Tăng thờ tại Tăng Đường (như Ngài Văn Thù Bồ Tát), lo việc cúng dường nước hoặc trà nóng lên Bồ Tát.
Giảng Sư nghĩa là vị Thầy thường giảng nghĩa và thuyết pháp cho Chư Tăng và Tín Đồ.

Tạng Chủ tức là vị quản lý tạng Kinh và điện thờ có nhiều bảo vật.

Tịnh Đầu là vị Tăng quản lý Đông Ty (nhà xí).

Tấu Giả là vị Tăng có trách nhiệm thông tin cho khách hoặc những liêu xá, khi có những việc cần thiết.

Thủ Tọa là địa vị cao nhất của chư Tăng, còn gọi là Thượng Tọa.

Thư Ký nguyên là chức vụ Thị Giả Thư Trạng, phụ trách những công việc phụ giúp vị Thủ Tọa liêu, thường ngồi ở vị trí thứ hai sau Thượng Tọa.

Biện Sự là vị Tăng còn trẻ luôn ở bên vị Thư Ký, Thủ Tọa, nơi liêu Thủ Tọa.

Hành Giả là vị Tăng còn đang tu học, gần gũi thân cận, làm các công việc.
Ngoài ra, ở Điện Đường, Điện Ty, Đường Ty, Phật Điện, Pháp Đường khi có lễ, vị thỉnh chuông gọi là Chung Ty, vị lo công việc trong Tăng Đường gọi là Trực Đường, vị lo việc dọn dẹp gọi là Thanh Tảo Đương Phiên v.v... nhiều lắm không thể ghi chi tiết ra đây hết. Vả lại, còn có khá nhiều công việc như xuất bản, bố giáo, và nhiều việc không cần có chức vụ ở Lưỡng Bổn Sơn nữa, song tùy theo tính chất quy mô hay đơn giản của chùa, tùy theo địa phương, tùy theo xã hội mà công việc có thể tùy nghi sửa đổi thêm hay bớt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]