- Chương một: Tôn Giáo của Chúng Ta Tào Động Tông
- Chương hai: Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ
- Chương ba: Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
- Chương bốn: Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ
- Chương năm: Di Tích Của Lưỡng Tổ Đại Sư
- Chương sáu: Tư Liệu Tham Khảo
- Chương bảy: Tiểu Sử Tác Giả Đông Long Chơn
- Chương cuối: Lời Cuối Sách
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008
Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
IV. Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
IV.1 Yếu Điểm Của Tọa Thiền
Yếu điểm của việc Tọa Thiền căn cứ theo “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký”.
IV.1.1 Tào Động Tông Là Tông Tọa Thiền
Tào Động Tông là Tông Tọa Thiền cho nên Tăng lữ, Đàn Tín Đồ và những ai mang tâm nguyện vào cửa Tào Động phải cung kính Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, đấng Giáo Chủ và Lịch Đại Tổ Sư, và tin rằng từ Phật cho đến chư vị Tổ Sư có một sự truyền thừa liên tục, thuần nhất với Phật tâm (chơn tâm) và truyền thống, tiêu biểu là Cao Tổ Thiền Sư Đạo Nguyên và Thái Tổ Thiền Sư Oánh Sơn, cho nên phải vững tin và tuân thủ những lời giáo huấn và sống với Tông Chỉ, như Chỉ Quán Đả Tọa (chỉ chuyên tâm ngồi thiền), Tức Tâm Thị Phật (cung cách ngồi thiền và tâm sống động như Đức Phật đang sống). Trong “Tào Động Tông Tông Chế” phần “Tào Động Tông Tông Hiến” ghi thật rõ ràng: “Bổn Tông luôn tôn trọng Chánh pháp, do Phật Tổ truyền nhau; Pháp chỉ quán đả tọa, tức tâm thị Phật đương nhiên là sự truyền thừa và là Tông Chỉ”.
Bởi tọa thiền là Tông Chỉ của Tông Tào Động, cho nên căn bản sinh hoạt của Tông là hành thiền, thực tập tự giác như Phật, sống và sinh hoạt thực tiển như Đức Phật. Mỗi ngày ít nhất phải ngồi thiền 3 thời.
IV.1.2 Thiền Và Lịch Sử
Thiền, tiếng Sanskrit là Dhyana, tiếng Pàli là Jana, có từ thời Ấn Độ cổ đại, người Trung Hoa dịch là Thiền Na, gọi tắt là Thiền, nghĩa là tập trung tư tưởng vào một chỗ, tư duy thâm sâu và yên tĩnh quán tưởng. Tiếng Sanskrit còn gọi là Samadhi, dịch âm là Tam Muội, còn dịch là Định, chỉ cho trạng thái tâm an tĩnh, tâm đang an định. Trước đây chữ Định giống như chữ Thiền, về sau hợp chung lại gọi là Thiền Định.
Theo nghĩa đơn thuần chữ Hán, Thiền nghĩa là các vị Thần trên trời hay các vị Thần ở cửa sông hay Thần đất đai, khi cử hành tế lễ gọi là “Phong Thiền. Khi Thiên Tử truyền ban địa vị cho ai, gọi là “Thiền Nhượng”. Chữ “Thị Thiên” nghĩa là chỉ ra đơn lẽ, công bình. Theo Phật Giáo Thiền là tập trung tâm, suy nghĩ thâm sâu, an tịnh quán tưởng, ngoài ra không còn nghĩa khác, song ngày nay khi dùng chữ Thiền, cảm nhận như đã mất đi ý nghĩa nguyên thỉ rồi.
Tại Ấn, Thiền có trước thời Phật, là pháp môn tu của ông Uất Đầu Lam Phất (Udraka Ramaputra). Khi Đức Thích Tôn từ bỏ Pháp Minh Tưởng, pháp tu thời Ấn Độ cổ đại, vì nhận thấy có nhiều khuyết điểm ngay từ ban đầu của pháp môn ấy và khám phá ra một pháp môn mới chính là Thiền Phật Giáo.
Tổ Đạt Ma Đại Sư mang pháp môn Tọa Thiền truyền thống từ thời Phật truyền sang Trung Hoa trở thành Thiền của Ngài Đạt Ma Đại Sư, phát huy mạnh mẽ, đặc sắc. Về sau phát triển về phương Nam, được Lục Tổ Huệ Năng xiển dương đặc tính siêu việt của Thiền phù hợp với căn cơ trình độ mọi nguời và hình thành một phái riêng biệt gọi là Thiền Tông.
Trong lịch sử Trung Hoa, Thiền Tông phát triển càng ngày càng rộng lớn, tùy theo đời sống tu tập của từng vị Tổ quảng bá và lưu lại ảnh hình, về sau Thiền truyền sang Triều Tiên và các nước thuộc bán đảo Đông Dương (gồm Việt Nam và các nước khác). Thiền Tông Trung Hoa gọi là “Ngũ Gia Thất Tông”, bắt đầu hệ thống từ Thiền Sư Huệ Năng, đến Thiền Sư Mã Tổ Đạo Nhất tại Giang Tây, Thiền Sư Thạch Đầu Hy Thiên ở Hồ Nam, tượng của Tổ Sư nầy được thờ tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Môn sinh của Thiền Sư Mã Tổ là Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư , đệ tử của Linh Hựu là Ngưỡng Sơn Huệ Hạc Thiền Sư thuộc Quy Ngưỡng Tông. Rồi Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền lập ra Lâm Tế Tông. Từ hệ mạch Thiền Sư Thạch Đầu, Thiền Sư Động Sơn Lương Giới cùng với Đệ Tử, Thiền Sư Tào Sơn Bổn Tịch lập ra Tào Động Tông. Thiền Sư Vân Môn Văn Yển thành Vân Môn Tông. Thiền Sư Pháp Nhãn Văn Ích hình thành Pháp Nhãn Tông, tất cả gọi là 5 nhà của Thiền Tông.
Về sau, Tông Lâm Tế chia hai: Thiền Sư Hoàng Long Huệ Nam và Thiền Sư Dương Kỳ Phương Hội trở thành Hoàng Long Phái và Dương Kỳ Phái, tất cả hợp lại thành Ngũ Gia Thất Tông.
Như trên đã trình bày, Thiền Sư Đạo Nguyên ở Nhật thuộc phái Hoàng Long, Thiền Lâm Tế của Thiền Sư Vinh Tây , đệ tử học đạo với Hòa Thượng Minh Toàn. Khi sang Trung Hoa chủ yếu tu học theo Thiền Lâm Tế. Nhưng về sau học theo Thiền Sư Như Tịnh , thuần túy chánh thống của pháp hệ Thiền Sư Động Sơn Lương Giới, cho nên từ đó Thiền Tào Động truyền sang Nhật Bản.
IV.1.3 Truyền Thống Của Tào Động Tông
Thiền Sư Đạo Nguyên chính là Thỉ Tổ của Tông Tào Động truyền thống ở Nhật Bản. Căn cứ theo biểu đồ của lịch sử Đại Tổ Sư , thứ tự như sau:
Bảy vị Phật trong quá khứ. Phật trong hiện tại là Thích Ca Mâu Ni Phật và các vị Tổ truyền thừa:
1. Ma Ha Ca Diếp
2. A Nan Đà
3. Thương Na Hòa Tu
4. Ưu Ba Cúc Đa
5. Đề Đa Ca
6. Di Già Ca
7. Ba Tu Mật
8. Phật Đà Nan Đề
9. Phục Đà Mật Đa
10. Bà Phiếu Thấp Phược (Hiếp Tôn Giả)
11. Phú Na Dạ Xà
12. A Na Bồ Đề (Mã Minh)
13. Ca Tì Ma La
14. Na Già Phạt Lặc Thụ Na (Long Thọ)
15. Ca Na Đề Bà
16. La Hầu La Đa
17. Tăng Già Nan Đề
18. Già Da Xá Đa
19. Cưu Ma La Đa
20. Xà Dạ Đa
21. Bà Tu Bàn Đầu
22. Ma Noa La
23. Hạc Lặc Na
24. Sư Tử Bồ Đề
25. Bà Xá Tư Đa
26. Bất Như Mật Đa
27. Bát Nhã Đa La
28. Bồ Đề Đạt Ma, Sơ Tổ Trung Quốc (cho đến đây là những vị Tổ Sư người Ấn Độ)
29. Thái Tổ Huệ Khả
30. Giám Trí Tăng Xán
31. Đại Y Đạo Tín
32. Đại Mãn Hoằng Nhẫn
33. Đại Giám Huệ Năng
34. Thanh Nguyên Hành Tư
35. Thạch Đầu Hy Giá
36. Dược Sơn Duy Nghiêm
37. Vân Nham Đàm Thịnh
38. Động Sơn Lương Giới
39. Vân Cư Đạo Ưng
40. Đồng An Đạo Phủ
41. Đồng An Quán Chí
42. Lương Sơn Duyên Quán
43. Đại Dương Cảnh Huyền
44. Đầu Tử Nghĩa Thanh
45. Phù Dung Đạo Giai
46. Đan Hà Tử Thuần
47. Trường Lô Thanh Liễu
48. Thiên Đồng Tông Giác
49. Tuyết Đậu Trí Giám
50. Thiên Đồng Như Tịnh (cho đến đây là những Thiền Sư Trung Quốc)
51. Vĩnh Bình Đạo Nguyên
52. Cô Vân Hoài Tráng
53. Triệt Thông Nghĩa Giới
54. Oánh Sơn Thiệu Cẩn.
Tại đây chia hai:
Minh Phong Tố Triết (từ đây xuống dưới lượt bớt)
Nga Sơn Thiều Thạc (từ đây xuống dưới lượt bớt).
IV.1.4 Thiền Có Nghĩa Là Tọa Thiền
Khi Thiền Sư Đạo Nguyên từ Trung Hoa về lại Nhật, tiếng nói đầu tiên, được ghi trong sách “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi”, là tuyên bố: “Tọa Thiền là việc tốt đẹp“. Ngài cũng giảng về pháp môn tọa Thiền thích hợp từng cá nhân để “thân tâm tự nhiên thoát lạc và bổn lai diện mục hiện tiền”. Ngài còn dạy “Chỉ quán tham thiền biện đạo” là những đề tài khi Tọa Thiền chú tâm để thân tâm rốt ráo an định, thống nhất, điều hòa, nhất là dung hòa với trong thực tế chính mình. Cho nên tham thiền mới có thể tiến tu theo con đường Phật Đạo được.
Vả lại, Thiền Sư Đạo Nguyên nói rằng: “Tham thiền cũng chính là tọa thiền” vì Ngài chú trọng pháp môn hành trì Thiền Tọa hơn là nói về Thiền. Ngồi thể hiện bằng động tác như ngồi là rõ biết một cách đích xác về chính mình . Hơn nữa Thiền Sư Đạo Nguyên quan tâm ngồi của tọa Thiền, tham Thiền tức là Tọa Thiền còn Tham Thiền của Tông Lâm Tế, nhận lãnh công án từ Sư Gia, tham cứu một cách công phu và nhập thất độc tham.
IV.1.5 Chỉ Quán Đả Tọa Và Tức Tâm Thị Phật
Trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, phần “Tam Muội Vương Tam Muội” tham thiền được giải thích rằng: “Thân ngồi kiết già phu tọa, tâm cũng phải kiết già phu tọa, để cuối cùng thân tâm thoát lạc kiết già phu tọa”. Ngồi bằng thân thể, ngồi bằng tâm nghĩa là toàn thân và linh thức đều ngồi. “Ngày đêm chỉ quán phu tọa, lúc vào cũng Tam Muội Vương Tam Muội” nghĩa là ngày đêm lúc nào cũng Tọa Thiền, mà Tọa Thiền là chỉ quán đả tọa như thế thôi.
Phật dạy: “Ngồi thiền để thân tâm giải thoát và an lạc. Khi chỉ quán đả tọa thì không cần đốt hương, lễ bái, niệm Phật, tu sám, xem Kinh v.v...
Đôi khi, Thiền Sư Đạo Nguyên dùng ngôn ngữ của Thiền Sư Như Tịnh, bổn sư Ngài dẫn chứng khi thuyết giảng về Tọa Thiền như là tham thiền để thân tâm được giải thoát và an lạc, mà Chỉ Quán Đả Tọa có khả năng làm cho thân tâm giải thoát an lạc trước nhất, khi đó những pháp môn tu hành khác như thiêu hương, lễ bái, niệm Phật, tu sám, xem kinh v.v... không còn cần thiết nữa. Một khi thành tựu Thiền Chỉ Quán Đả Tọa, sẽ biết một cách rõ ràng “Tức Tâm Thị Phật” “tâm nầy là tâm Phật”.
Thế nhưng dù “Tức Tâm Thị Phật” nhưng không được gọi là Phật, cũng chẳng phải là linh hồn trường cửu bất diệt ngoài nhục thân nầy, bởi vì tâm còn bị phiền não nhiễm ô và tâm không ngoài tinh thần và vật chất của xác thịt nầy. Trong “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, phần “Tức Tâm Thị Phật” Thiền Sư Đạo Nguyên lý giải về sự hiểu lầm “Tức Tâm Thị Phật” như sau:
Trước tiên “tâm chẳng nhiễm ô là tâm Phật” nghĩa là tâm không bị phiền não nhiễm ô khuấy động chính là tâm Phật. Tiếp đến “tâm nầy chánh truyền, nhứt tâm nhứt thiết pháp; nhứt thiết pháp nhứt tâm”. Tâm nầy tồn tại ở tất cả mọi nơi và trong tất cả mọi nơi đều có tâm nầy có thể gọi Pháp, sự vật, sự tồn tại. Nhứt tâm và nhứt thiết pháp. Nhứt thiết pháp và nhứt tâm nghĩa là tất cả là một, nếu gọi bình thường là tinh thần, tâm, linh hồn, tâm linh, v.v... và các tác dụng tinh thần, tâm lý v.v.. ., không phải Tùng (từ) Tâm Thị Phật, mà là Tức Tâm Thị Phật, Ta và Đại Vũ Trụ, tâm và vật là một (nhất như), thân tâm nhứt thể như thế, đó là Tức Tâm Thị Phật.
Kế đến “Tức Tâm Thị Phật“ là phát tâm tu hành chứng đắc quả vị Bồ Đề giác ngộ, viên mãn con đường Niết Bàn của chư Phật”. Đạo lý Tức Tâm Thị Phật như thế, là sự thật tuyệt đối. Nói cách khác, không có tính cách nhất định về quan niệm, tất nhiên phát tâm rồi tu hành, khai, thị, ngộ, nhập rất cụ thể và thực tiển, biểu hiện hoàn toàn rất cụ thể trên thân tâm. Nếu chẳng phát tâm, chẳng tu hành, không khai ngộ, chắc chắn rằng sẽ không thể nghiệm “Tức Tâm Thị Phật”, không thể gọi là chư Phật được.
Như thế, “Đức Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật, chính Ngài trở thành Tức Tâm Thị Phật. Chư Phật trong quá khứ, trong hiện tại và trong vị lai phải thành Phật như Đức Thích Ca Mâu Ni vậy, mới gọi là Tức Tâm Thị Phật”. Nói Chư Phật là bao gồm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều vị Phật khác, gọi chung là Thích Tôn, mà Thích Tôn là “Tức Tâm Thị Phật“, vượt qua khỏi giới hạn của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai, vượt qua ý niệm không gian, không còn lãnh vực Đông, Tây, Nam, Bắc. Tất cả chư Phật khi thành Phật trở thành Đức Thích Tôn, vị Phật “Tức Tâm Thị Phật”.
Như trước đã trình bày, phải thực hành Chỉ Quán Đả Tọa mới lãnh hội Thích Tôn, mới có thể nói rằng nối thẳng trực ngộ.
IV.1.6 Tọa Thiền Dụng Tâm Ký
Những điểm quan trọng của tác phẩm “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi”, do Thiền Sư Đạo Nguyên biên soạn như Tọa Thiền phải dụng tâm và tường thật tỉ mĩ v.v... đều ghi lại đầy đủ và trân trọng trong tác phẩm “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký” của Thiền Sư Oánh Sơn, có thể nói rằng một tác phẩm giải thích, hướng dẫn phương pháp Tọa Thiền thông dụng, thực tế và hiếm thấy. Bởi mọi nguời biết tác phẩm “Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi” hơn “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký”, cho nên “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký” được giới thiệu và giải thích những điểm quan trọng việc Tọa Thiền, chánh truyền từ Phật đến Tổ đến hôm nay.
IV.1.7 Tọa Thiền Nghĩa Là Gì?
Tựa đề “Tọa Thiền Dụng Tâm Ký” giải thích từ văn chữ Hán như sau: “Tọa Thiền khai sáng tâm địa, làm cho con người trở nên chánh trực và an trụ vào tự thân, còn gọi là bổn lai diện mục, bổn địa phong quang và làm cho thân tâm được giải thoát an lạc”. Tọa Thiền làm cho tâm được sáng sủa và an trụ. Tâm sáng suốt rõ biết và tự chiếu linh nhiên, chỉ cho chơn tâm thanh tịnh sáng tỏ, vượt khỏi thị phi, thiện ác. Như người đi tìm quê hương khác, qua lại đó đây không cần thiết nữa, bây giờ chúng ta hãy về nhà ngồi yên và lưu trú lại lâu dài.
IV.1.8 Cách Dụng Tâm Thứ Nhất
Phát tâm chân thành, quyết tâm đoạn trừ vô minh (những sự mê vọng của mình), xem việc Tọa Thiền là quan trọng và cần thiết, bỏ hết mọi ngoại duyên, tinh tấn tọa Thiền, không còn gì khác hơn dụng tâm, quyết định và không còn do dự.
IV.1.8.1 Điều Tâm
Điều lưu ý là khi Tọa Thiền đầu tiên điều tâm, tiếp đến điều thân và cuối cùng điều hơi thở.
Trước tiên là Điều Tâm, nghĩa là bắt đầu điều chỉnh tâm mình khi Tọa Thiền. Quan trọng và cần thiết là buông xả không vướng mắc vào những vấn đề như: kỹ thuật, học nghệ, y học, ca múa, kỹ nhạc, tranh luận, luận nghị, danh dự, lợi hại v.v... ngay cả chẳng dính mắc vào văn chương, học thuật v.v...
IV.1.8.2 Điều Thân
Tiếp theo Điều Thân, không được dùng y phục áo quần sặc sỡ hay bẩn thiểu, phải mặc áo quần sạch sẽ. Ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ phải đầy đủ, nhưng không được ăn quá no, phải ăn vừa bụng (khoảng 8 phần 10) để dễ tiêu hóa, không ăn những món ăn không thích hợp với cơ thể, không ăn thức ăn ngon, không ăn thức cay nồng, mè, khoai v.v...
IV.1.8.3 Điều Tức (Điều Hòa Hơi Thở)
Cuối cùng điều hơi thở.
Tọa Thiền không được ngồi dựa lưng vào tường, hoặc ngồi trên ghế dựa, nơi gió nhiều, chỗ cao v.v... Điều hòa hơi thở cần thiết làm cho thân thể không nóng quá mà cũng không lạnh quá, không khí chung quanh không khô quá, không tốt cho thân thể, cảm thấy khó chịu, bực dọc, hôn trầm, rơi vào chỗ hoang tưởng, khiến thần kinh quá nhạy. Nếu khó thể điều hòa hơi thở, phải làm cho trung hòa lại. Để điều hòa hơi thở trở lại, thỉnh thoảng mở miệng ra, hơi thở dài cứ thở dài, hơi thở ngắn cứ thở ngắn, từ từ hơi thở sẽ quân bình.
Khi bịnh khó điều hơi thở được, có thể có cảm giác hôn trầm, không yên tỉnh, động đậy, khó chịu, có thể nhìn ra bên ngoài, hoặc nhìn vào bên trong thân thể của mình, hay ngắm Phật, Bồ Tát, hay thả hồn tư duy về sự tốt đẹp; hay tư duy ý nghĩa câu Kinh v.v... đại loại như thế, song không thể gọi là điều hòa hơi thở được.
Chỗ an tâm – Khi hơi thở không thể điều hòa được, hãy mang tâm mình lên để nơi hai chân thử xem. Khi tâm lắng xuống, mang lên để nơi giữa hai chân mày, như khi tâm tán loạn, tư duy mũi có thẳng với đan điền (lỗ rốn) không? Bình thường Tọa Thiền, phải để tâm mình phía bên trái. Tọa Thiền lâu không điều hòa hơi thở được, đừng lo lắng. Ngữ lục chư Tổ Sư dạy vì nhìn quá nhiều hay đọc sách quá nhiều tâm không an, thân tâm mệt mõi, nguyên nhân phát sinh ra bệnh.
IV.1.8.4 Ngoại Cảnh Chung Quanh Khi Ngồi Thiền
Lúc ngồi thiền, không nên ngồi những khi có nạn lửa cháy, nước lụt, gió bão, trộm cướp v.v...không nên ở những nơi gần biển, tửu quán, phòng dâm, đàn bà góa chồng, nơi đàn bà tụ họp, phường hát múa, những người quyền lực như Vua tôi, Đại Thần; những người tham danh lợi; những kẻ ham hý luận v.v... Không nên ngồi chỗ quá sáng, quá tối, quá lạnh, quá nóng v.v... Không nên gần gũi kẻ lãng du, kỹ nữ v.v... phải ở trong Tăng Đường, nơi có những Thiện Tri Thức, nơi thâm sơn u cốc, nơi trong sạch, thích hợp, thanh tịnh, không có gió, lửa, mưa, sương, vào mùa Đông phải ấm, mùa Hè phải mát.
Đạo tràng ngồi thiền phải lau chùi sạch sẽ, thường dâng cúng hoa hương lên Phật, Bồ Tát hay La Hán, khởi tâm từ bi, tưởng nhớ công đức của tất cả chúng sanh. Khi Tọa Thiền đã thành thục rồi, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không chi phối người ngồi Thiền, khi đó việc nơi chốn trở nên không cần thiết chọn lựa nữa.
IV.1.8.5 Nội Dung Của Việc Tọa Thiền
Thật sự, Tọa Thiền để khai mở tâm địa, an trụ vào bổn phận (chính mình) và đi vào cửa chánh của Phật Đạo, mà những điều đó liên hệ với tư tưởng của Phật Giáo.
Tọa Thiền và Giáo – Hạnh – Chứng:
Giáo là lý luận Phật Giáo. Hạnh là những điều thực tiển. Chứng là kết quả của Giáo và Hạnh. Tông Phái nào cũng phải nói về Giáo, Hạnh và Chứng nầy. Giáo là dạy phải bỏ những điều ác và tu những việc lành. Hạnh có nghĩa là phải nổ lực thực hiện. Còn Chứng là giác ngộ. Từ Giáo đến Hạnh rồi từ Hạnh đến Chứng luôn tiến hành như thế.
Thật là sai nếu suy nghĩ một cách nông cạn về Tọa Thiền chánh truyền. Thật ra, Giáo là những lời dạy chơn chánh của Phật Tổ. Hành là thực hành những điều thâm diệu của Phật Tổ và Chứng là chứng được “Tam Muội Vương Tam Muội”, “bản hữu đại giác”. Từ đây Giáo, Hạnh và Chứng được thành lập. Bên trong tư duy như thế, bên ngoài tinh tấn hành Thiền gọi là Tọa Thiền.
Tọa Thiền và Giới, Định, Huệ:
Giới là sinh hoạt có giới hạn. Định là tâm yên tỉnh và Huệ là thâm nhập và tư duy sâu xa về Giới và Định. Thực hành Giới sẽ được Định và thực hành Định sẽ có Huệ. Thế nhưng, việc chánh truyền của Tọa Thiền là nơi chốn ngồi thiền và thực hành Giới, Định và Huệ.
Giới còn có nghĩa là tâm địa vô tướng. Định có nghĩa là có tướng định khi nhập vào Đại Định. Huệ có nghĩa là tướng huệ - Đại Huệ. Theo ý nghĩa nầy, Tọa Thiền phải tu Giới, Định và Huệ vậy.
Như thế, ngoài Giáo, Hạnh và Chứng ra còn có Giới, Định và Huệ nữa. Đây chính là những điểm căn bản của tư tưởng Phật Giáo.
IV.1.9 Phương Pháp Ngồi Thiền Có Tính Cách Cụ Thể
Khi ngồi Thiền, theo nguyên tắc phải đắp y (Cà Sa), ngồi trên bồ đoàn (đường kính 38,19 cm, chu vi 119,97 cm) và 2 chân phải ngồi tréo với nhau và xương sống phải thẳng xuống chỗ ngồi.
Phương pháp ngồi gồm có Kiết-già phu tọa và Bán-già phu tọa. Bây giờ sẽ nói về Kiết-già phu tọa.
Đầu tiên lấy chân phải để lên bên trái, lấy chân trái để lên trên chân phải. Còn y phục thì nên mặc cho rộng một chút.
Tay phải để lên chân trái và tay trái để lên trên chân phải. Hai ngón tay cái của hai bàn tay đâu lại với nhau. Hai tay đặt ngang nơi vị trí của rốn mình.
Ngồi ngay thẳng, không được nghiêng bên trái, không được nghiêng bên phải, không được ngã phía trước và cũng không được ngã về phía sau. Tai, vai, mũi, lỗ rốn phải tương đối thẳng tắp.
Lưỡi đưa lên hàm trên, miệng ngậm lại, lấy hơi thở từ lỗ mũi. Môi và răng khít nhau. Mắt không được mở hoàn toàn, cũng không được nhắm hoàn toàn.
Hãy điều chỉnh dáng ngồi như thế, miệng có thể mở một đôi lần để cho không khí ra. Đoạn phía nửa thân hình bên trên dao động 7 hay 8 lần từ trái qua phải, từ ít đến nhiều. Rồi từ từ động tác ấy dừng lại và ngay ở điểm trung tâm là được.
Phương pháp chánh của Hành Thiền (Tọa Thiền) là “phi tư lượng”, nghĩa là phải lìa xa tất cả những phân biệt suy nghĩ, mà Theo Chỉ Quán Đả Tọa, tham thiền là một pháp môn đại an lạc, tu hành bất nhiễm ô vậy.
Nếu khi muốn xả Thiền, trước tiên phải đưa hai tay lên cao, rồi lại để lên đầu gối và dao động nửa thân trên bảy hay tám lần từ nhẹ đến mạnh, từ trái sang phải, mở miệng, thở ra và mở chân ra. Hai tay chống xuống mặt đất, từ từ đứng dậy, rồi bắt đầu đi chầm chậm.
IV.1.10 Khi Buồn Ngủ Thì Phải Làm Sao?
Tọa Thiền mà cảm thấy buồn ngủ, nên dao động thân thể, mở mắt ra và dán tâm vào giữa hai lông mày, lau mắt và xoa bóp thân thể, đi kinh hành một hơi thở nửa bước, rửa mặt làm cho đầu lạnh, đọc lời tựa của Bồ Tát Giới Kinh, tự thệ với mình v.v... cũng có nhiều phương pháp khác nữa có thể tự mình suy nghĩ lấy.
IV.1.11 Khi Tán Loạn Thì Phái Làm Sao?
Lúc tâm tán loạn, không kèm chế được, hãy dùng tâm ấy đặt thẳng nơi sống mũi và đan điền. Hoặc thở hơi ra và thử đếm số lần. Nếu không trị được, hãy dùng công phu để nghiên tầm công án. Thực hành như thế vẫn không được, dừng hít thở, dụi hai mắt và luyện tập công phu khác để xem sao?
IV.1.12 Cảnh Địa Của Việc Tọa Thiền
Thiền Sư Thạch Sương Khánh Chư , hành giả tu Thiền ở Trung Hoa, đời Đường chỉ rõ phải hướng về cảnh địa “Thất Khứ”. Thất Khứ được giải thích như sau:
Hưu Khứ: nghĩa là hãy dừng những suy nghĩ phân biệt có tính cách bình thường lại.
Hiết Khứ: phải buông hết, từ từ làm cho thân thể an lạc.
Lãnh Tưu Tưu Địa Khứ: tức là buông xả mọi việc, đừng giữ lại nữa, như nước ao lạnh xua tan nhiệt khí phiền não, không còn bị phiền não thiêu đốt nữa.
Nhứt Niệm Vạn Niên Khứ: thu về một hơi thở. Khi Tọa Thiền triệt để vượt ra khỏi thời gian.
Hàn Than Khô Mộc Khứ: không còn bị những sự vật cảnh tượng ảnh hưởng. Tâm sáng suốt khi ngồi thiền.
Cổ Miếu Hương Lô Khứ: nghĩa là đạt được cảnh giới Định (cổ miếu) và Huệ (hương lô).
Nhứt Điều Bạch Luyện Khứ: Trắng và đẹp như thớ gân và mềm như lụa trắng. Dù ở bất cứ nơi đâu, ánh sáng của việc Tọa Thiền vẫn làm cho tâm thuần khiết an lạc và thanh tịnh.