Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6: Nhà Lãnh Đạo Tinh Thần Miền Nam Ấn

01/03/201103:31(Xem: 7412)
Chương 6: Nhà Lãnh Đạo Tinh Thần Miền Nam Ấn

ĐÔNG PHƯƠNG HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 6: NHÀ LÃNH ĐẠO TINH THẦN MIỀN NAM ẤN

Chúng tôi chưa ra đến đường lớn để trở về Madrasthì đã nghe có tiếng chân người đuổi theo từ phía sau. Tôi quay lại thì thấy người yogimặc áo vàng đã ngồi sau lưng tôi trong tịnh thất lúc nãy.

Ông ta vừa nhìn tôi vừa nhăn răng cười. Ông ta có một cái cười đặc biệt, hai quai hàm xếch ngược lên tận mang tai và cặp mắt nhỏ híp lại thành hai vết nhăn, hình như lúc nào cũng có vẻ đùa cợt. Tôi bèn hỏi:


– Ông muốn nói chuyện với tôi chăng?


Ông ta đáp một cách mau mắn với cách nói tiếng Anh rất giỏi:


– Thưa ông, đúng là như vậy. Xin ông có thể cho tôi biết ông làm gì ở xứ này được chăng?


Sự tò mò của ông ta dường như hơi quá đáng đối với một người chỉ vừa mới gặp lần đầu, làm cho tôi cảm thấy do dự. Tôi bèn đáp một cách vu vơ:


– Tôi đi du lịch, chỉ có vậy thôi.


– Nhưng hình như ông có vẻ chú ý đến những tu sĩ ở xứ này, phải vậy chăng?


– Phải, nhưng chỉ là xem chơi để tiêu khiển vậy thôi.


– Tôi cũng là một người
yogi, thưa ông.

Tôi nghĩ thầm, sao lại có một người
yogitự khoe khoang một cách lạ kỳ như vậy. Tôi bèn hỏi:

– Thế ông thực hành được bao lâu rồi?


– Đã được ba năm. Trước kia tôi cũng có nhập ngũ trong quân đội Hoàng gia suốt bảy năm.


– Thật vậy sao?


– Thưa ông, đúng vậy. Tôi gia nhập quân đội Ấn Độ trong chiến tranh Trung Đông. Sau chiến tranh, nhờ thông minh và có năng lực nên tôi được thuyên chuyển sang Phòng Kế toán quân đội.


Tôi không thể nhịn cười về màn tự giới thiệu khá đặc biệt của ông ta. Nhưng ông ta không lưu tâm gì đến thái độ của tôi, thản nhiên nói tiếp:


– Về sau tôi xin từ chức vì một sự rối rắm trong gia đình khiến tôi phải trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần rất lớn. Sau đó tôi bước vào con đường tu hành và trở nên một
yogi.

Tôi đưa cho ông ta một tấm danh thiếp và xin ông ta cho biết quí danh. Ông ta đáp:


– Tôi tên là
Subramanya, thuộc dòng Bà-la-môn.

– Ông
Subramanya, ông hãy giải thích về lời nói thì thầm của ông bên cạnh tôi lúc nãy ở trong am thất của vị tu sĩ tịnh khẩu.

– Vâng, chính tôi cũng đợi dịp để giải thích cho ông. Ông hãy đến chất vấn thầy tôi, vì ngài là một bậc hiền minh nhất của xứ Ấn Độ hiện nay. Sự minh triết của ngài còn cao xa hơn của tất cả những người
yogicủa xứ Ấn Độ.

– Thật vậy sao? Ông đã từng đi hết khắp xứ Ấn Độ này chưa? Ông đã gặp được hết tất cả những nhà đạo sĩ trứ danh hay chưa mà ông dám nói như thế?


– Tất nhiên là tôi đã gặp nhiều vị đạo sĩ chân tu, và tôi biết rõ xứ Ấn Độ từ mũi
Comorinđến tận dãy Hy Mã Lạp Sơn.

– Rồi sao nữa?


– Bởi vì chính thầy tôi đã sai tôi đến để gặp ông. Bởi vì chính quyền năng của ngài đã làm cho ông bị thu hút đến xứ Ấn Độ này.


Lời tuyên bố này có vẻ như vượt quá sự thật đến mức trở thành lố lăng, làm cho tôi như phải dội ngược, không thể chịu nổi! Tôi thường không thích những lời nói phóng đại khoác lác của những kẻ quá trớn, và người tu sĩ áo vàng này quả thật là đã nói ra những lời quá trớn. Giọng nói, cử chỉ, hình dáng và cốt cách của ông ta biểu lộ điều ấy một cách rõ ràng. Tôi đáp một cách lạnh lùng:


– Tôi không hiểu ông muốn nói gì.


Ông ta không để ý đến thái độ lạnh nhạt của tôi, càng trở nên hùng biện và nói nhiều hơn nữa:


– Tôi được gặp ngài chỉ mới cách đây tám tháng. Nhưng tôi chỉ được sống gần bên ngài trong năm tháng thôi. Sau đó ngài dạy tôi hãy tiếp tục cuộc đời khất sĩ lang thang đây đó. Tôi dám chắc là ông sẽ không bao giờ gặp được một người nào cao cả như ngài. Quyền năng của ngài cao siêu đến nỗi ngài có thể trả lời những tư tưởng thầm kín của ông trước khi ông thốt ra lời. Ông chỉ cần ở bên cạnh ngài một thời gian ngắn cũng đủ thấy trình độ tâm linh của ngài cao cả đến dường nào.


– Anh có chắc rằng ngài sẽ vui lòng tiếp đón tôi không?


– Chắn chắn như vậy, thưa ông. Chính do sự chỉ dẫn của ngài mà tôi đến đây gặp ông.


– Thầy ông hiện giờ đang ở đâu?


– Ở
Arunchala, trên một ngọn đồi thiêng.

– Nơi đó thuộc vùng nào vậy?


– Trong địa phận tỉnh
Arcot, ở tận miền Nam. Tôi sẽ dẫn đường cho ông đi đến tận nơi. Thầy tôi sẽ giải quyết mọi sự băn khoăn thắc mắc của ông, vì ngài đã đạt tới một trình độ tâm linh siêu đẳng.

Tôi nhìn nhận một cách do dự:


– Điều ấy thật là lý thú, nhưng tôi rất tiếc là hiện giờ tôi không thể đi được. Hành trang của tôi đã sẵn sàng và tôi sẽ lên miền Đông Bắc nay mai, vì tôi có hai việc quan trọng cần phải thu xếp.


– Nhưng việc này còn quan trọng hơn!


– Rất tiếc rằng chúng ta gặp nhau quá trễ. Tôi đã chuẩn bị mọi việc sẵn sàng và không thể thay đổi được nữa. Tôi có thể trở lại miền Nam sau này, nhưng còn bây giờ thì không thể đi được.


Người
yogilộ vẻ thất vọng rõ rệt:

– Ông đã để lỡ mất một cơ hội tốt rồi, thưa ông, và...


Tôi nhận thấy nói nhiều vô ích, nên tôi dứt khoát cắt đứt câu chuyện:


– Tôi phải đi ngay bây giờ. Dầu sao cũng cám ơn anh.


Anh ta vẫn nói, dai như đỉa:


– Tôi không chấp nhận lời từ chối của ông. Chiều mai, tôi sẽ đến nhà ông và hy vọng rằng chừng đó ông sẽ đổi ý kiến.


Đến đây, anh ta bèn quay lưng đi thẳng. Tôi nhìn theo cái bóng người cao lớn mạnh khỏe, khoác áo vàng đi băng qua đường lộ và dần dần mất dạng.


Khi về đến nhà, tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng tôi đã quyết định một cách quá vội vàng? Nếu vị tôn sư này chỉ đúng độ nửa phần những lời ca tụng của anh ta thì cũng đáng cho tôi chịu một phen khó nhọc đi xuống miền Nam. Nhưng tôi đã chán ngán những người đồ đệ quá mê tín. Họ luôn luôn ca tụng thầy họ một cách quá đáng, nhưng đến khi gặp gỡ tận mặt thì đó chỉ là những người đạo hạnh tầm thường, không có gì đặc biệt. Hơn nữa những đêm không ngủ và những ngày nóng bức như thiêu đã làm cho thần kinh tôi bải hoải, thân thể rã rời. Bởi vậy, tôi càng lo ngại nhiều hơn rằng chuyến đi này có thể là một cuộc “săn vịt” như những lần trước.


Tuy nhiên, những lý luận đó vẫn không đánh tan được một sự linh cảm từ bên trong nội tâm. Một cái bản năng lạ lùng nhắc nhở cho tôi biết rằng hình như có một cái gì chân thật ẩn giấu sau sự khẩn khoản mời mọc của người khất sĩ. Điều này càng làm cho tôi lưỡng lự và bối rối.


Sau giấc ngủ trưa vừa thức dậy, đến giờ dùng trà bỗng có khách đến. Đó là một bạn đồng nghiệp trong giới cầm bút, nhà văn
Mani. Tôi được biết anh ta do bức thư giới thiệu của một người quen trước khi tôi đến Madras. Nhờ có bức thư giới thiệu này mà anh ta biết địa chỉ và đến thăm tôi. Nhà văn Manilà một thành viên trong Hội đồng Đại học viện của tỉnh Madras, tác giả của nhiều áng văn và tiểu thuyết nói về đời sống ở thôn quê. Anh ta là nhà văn Ấn Độ đầu tiên trong tỉnh Madrasđã viết sách bằng Anh ngữ và được các giải thưởng về những công trình phục vụ nghệ thuật. Anh ta viết với một thể văn tao nhã, đã từng được sự khen tặng của thi hào Tagoreở Ấn Độ và Lord Haldaneở Anh quốc. Văn chương của anh ta thường miêu tả những cảnh tượng êm ái nhưng buồn tẻ của những làng mạc hoang vu lạnh lẽo.

Khi anh ta bước vào phòng, tôi để ý nhìn dung mạo gầy gò mảnh khảnh với vẻ mặt trầm lặng, đôi mắt tinh anh và cặp kính trắng của anh ta. Đó là đôi mắt của một nhà tư tưởng, một triết gia và một thi sĩ. Đôi mắt ấy cũng phản chiếu nỗi ưu sầu của những nông dân đau khổ ở chốn đồng quê nghèo khó.


Trong chốc lát, chúng tôi đã nhận thấy có sự thông cảm và đồng quan niệm trên nhiều lãnh vực. Sau khi chúng tôi tỏ bày tâm sự về nhiều vấn đề, bàn về tình hình chính trị và ca tụng những nhà văn được mến chuộng, tôi cảm thấy cần tiết lộ cho anh ta biết rõ mục đích của tôi khi viếng xứ Ấn Độ.


Tôi thành thật nói cho anh ta biết ý định của tôi và hỏi anh ta về các nhà đạo sĩ chân tu ở xứ này; và nói trước cho anh ta biết rằng tôi không cần gặp những nhà tu khổ hạnh hay những người làm trò quỉ thuật. Anh ta lắc đầu nói:


– Ngày nay, Ấn Độ không còn là nơi sản xuất ra những người hiền giả chân tu như thế nữa. Với trào lưu vật chất đang lên, sự suy tàn của nền văn minh cổ và sự xâm nhập bởi nền văn hóa duy vật chất của Tây phương, những bậc hiền triết, thánh sư mà anh tìm kiếm ngày nay đã biến mất, không còn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng có một vài người trong số đó còn đang ẩn dật ở những nơi rừng sâu núi thẳm, và trừ phi anh dành trọn đời để đi tìm các ngài, tôi e rằng anh rất khó tìm ra được. Ngày nay, ngay cả những người Ấn như chúng tôi muốn tìm thầy học đạo còn phải đi phiêu lưu tìm kiếm khắp nơi, huống chi một người Âu như anh thì điều đó lại càng khó hơn.


– Như vậy, theo ý anh, chắc là không có hy vọng?


– Tôi không dám nói chắc, đó còn là vấn đề may rủi.


Tôi hỏi thêm:


– Anh có nghe nói về một bậc danh sư hiện đang sống trên một ngọn đồi trong tỉnh
Arcot?

Anh ta lắc đầu tỏ vẻ không biết. Chúng tôi quay trở về các vấn đề văn chương.
Manicao hứng thổ lộ tâm sự của anh ta và ca tụng một cách nồng nhiệt những lý tưởng cao siêu của nền văn hoá cổ Ấn Độ mà ngày nay không còn nữa. Anh ta đề cập đến những lý tưởng như một đời sống đơn giản, phụng sự nhân quần xã hội, cùng phát triển tâm linh. Anh ta muốn tảo trừ cái trào lưu vật chất sa đọa đang lên và hăm dọa tràn ngập khắp xã hội Ấn. Nhưng điều quan trọng nhất đối với anh ta là làm thế nào để giải thoát những vùng làng mạc thôn quê của Ấn Độ đã sắp sửa trở nên những trung tâm tuyển mộ nhân công vào những khu xóm tồi tàn chật hẹp của những thành phố kỹ nghệ Âu Châu. Anh ta cho rằng điều đó sẽ là hậu quả chắc chắn của trào lưu hiện tại.

Mani
cho biết rằng anh ta sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có tài sản ở vùng đồng quê. Anh ta nuôi trong trí những kế hoạch cải tiến tình trạng sinh hoạt của người dân quê, và không thể quan niệm được một hạnh phúc nào ở thế gian nếu đời sống của người nông dân hãy còn lầm than khổ sở.

Tôi lẳng lặng nghe để tìm hiểu quan niệm của anh ta. Sau cùng, anh ta đứng dậy ra về và tôi nhìn theo bóng anh ta hút mất dạng ở cuối con đường.


Sáng hôm sau, tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta trở lại viếng tôi một cách bất ngờ. Anh ta hối hả đậu xe ngay trước cửa nhà, vì sợ rằng tôi có thể đi vắng từ sớm. Anh ta vừa thở vừa nói:


– Tôi vừa nhận được một bức điện tín hồi đêm hôm cho biết rằng vị đỡ đầu cao cả của tôi sẽ ghé qua tỉnh
Chingleputvà sẽ ở lại đó một ngày.

Sau khi đã lấy lại được hơi thở và đã bớt mệt, anh ta nói tiếp:


– Đức Tăng Thống
Shankaraở tỉnh Kumbokonamlà vị lãnh đạo tinh thần của miền nam Ấn Độ. Hàng triệu người tôn sùng ngài như một vị thánh sống. Ngài đã chú ý đến tôi rất nhiều và khuyến khích sự nghiệp văn chương của tôi. Lẽ tự nhiên ngài là người mà tôi trông cậy để dìu dắt tôi về phương diện tâm linh. Người Ấn chúng tôi xem ngài như bậc hiền triết đã đạt tới một trình độ tâm linh cao cả nhất.

Nhưng ngài không phải là một người yogi. Ngài là vị chủ tể của Ấn Độ giáo miền Nam, một bậc chân tu mô phạm và một nhà đạo đức uyên thâm. Vì ngài biết rõ những trào lưu đạo đức tâm linh của thời đại này, và do bởi đạo căn của ngài, nên ngài có thể nhận biết được những nhà đạo sĩ
yogichân chính.

Ngài đi châu du khắp nơi từ làng này sang làng khác và từ tỉnh này sang tỉnh khác, bởi đó ngài biết nhiều về vấn đề này. Bất cứ nơi nào ngài đi đến, những vị tu sĩ và tăng lữ trong xứ đều tìm đến chào mừng Ngài. Ngài có thể cho anh nhiều ý kiến hữu ích. Anh có muốn gặp ngài không?


– Cám ơn anh nhiều. Tôi rất muốn gặp Ngài.
Chingleputcách đây bao xa?

– Chỉ có ba mươi lăm dặm thôi. Nhưng mà này...


– Gì thế?


– Tôi thật sự không thể nói chắc việc đức Tăng Thống có chịu tiếp kiến anh hay không. Lẽ tất nhiên là tôi sẽ hết sức cố gắng để xin ngài cho anh được vào yết kiến. Nhưng...


Tôi tiếp lời anh ta không ngần ngại:


– Tôi biết, có lẽ vì tôi là một người Âu chăng? Tôi hiểu điều đó.


Anh ta hỏi lại một cách hơi băn khăn, e ngại:


– Vậy anh có sẵn lòng đón nhận một sự từ chối chăng?


– Tất nhiên là như vậy rồi. Thôi, chúng ta đi.


Sau một bữa ăn lót dạ, chúng tôi ra xe đi đến tỉnh
Chingleput. Tôi hỏi thăm ông bạn đồng nghiệp của tôi về Đại đức Shankara, nhân vật mà tôi hy vọng được gặp trong ngày hôm đó. Tôi được biết rằng, về phương diện cá nhân, Đại đức là người sống rất đơn giản, nhưng trong những khi đi tuần du khắp nơi trong xứ, trọng trách của ngài buộc ngài phải dùng những nghi lễ oai vệ, lộng lẫy như các bậc vua chúa. Trong những khi ngài di chuyển thì trước sau đều có xe cộ, ngựa voi, tiền hô hậu ủng, cờ quạt, võng lọng tưng bừng. Dân chúng tấp nập ở nơi nào ngài đi đến. Họ đến để cầu xin sự giúp đỡ của ngài về tất cả mọi phương diện, không những về phương diện tâm linh, tinh thần, mà cả về mặt vật chất và thậm chí cả sự giúp đỡ về tiền bạc.

Không ngày nào là không có những người giàu sang, quyền thế đến dâng cho Ngài những số tiền khổng lồ, nhưng vì ngài đã phát nguyện giữ đức thanh bần, nên những số tiền đó đều được đem dùng vào công việc từ thiện. Ngài nâng đỡ những kẻ khốn khó, trợ giúp tiền cho các trường học, tu bổ các đền thơ, kiến thiết và sửa sang hệ thống kinh rạch, dẫn thủy nhập điền để chống lại hạn hán ở những nơi sông ngòi rất hiếm.


Nhưng đó chỉ là những công việc phụ thuộc: sứ mạng chính yếu của ngài là coi sóc hàng triệu tín đồ và giáo hóa họ về mặt đạo đức, tâm linh. Bất cứ nơi nào ngài đi đến, ngài đều cố gắng dạy dỗ cho dân chúng biết quay về cái thuần phong mỹ tục và đạo đức cổ truyền của Ấn giáo và gây cho họ một nguồn cảm hứng sâu xa về tinh thần.


Thường thì ngài thuyết pháp trong đền chùa của địa phương, và sau đó ngài tiếp khách riêng từng người trong số những khách thập phương đến viếng. Đại đức là vị kế nghiệp đời thứ sáu mươi sáu của dòng tu sĩ
Shankara, mà người sáng lập đầu tiên là Đức Giáo chủ Shankara Charya, một nhà đại hiền triết dòng Bà-la-môn, đã sống ở Ấn Độ cách đây hai ngàn năm.

Vào thời kỳ đó, Ấn giáo đang hồi suy vong, mọi sinh hoạt tâm linh dường như sắp sửa điêu tàn. Năm mười tám tuổi, đức
Shankara Charyachu du khắp nơi trong xứ, thảo luận về đạo lý với các nhà bác học và các bậc giáo sĩ. Ngài cũng giảng đạo khắp nơi và thâu phục một số tín đồ càng ngày càng đông. Trí thông minh tuyệt vời của ngài làm cho các nhà bác học trong xứ phải ngạc nhiên. Không bao lâu ngài được người đương thời kính nể và suy tôn như một bậc tiên tri. Ngài có những ý kiến rộng rãi và lên án nhiều sự dị đoan, mê tín, núp bóng dưới hình thức tôn giáo. Ngài khuyên răn người đời hãy trau giồi những đức tánh, và trong những lần thuyết pháp ngài chỉ rõ sự vô ích của một tôn giáo chỉ căn cứ trên sự lễ bái, cúng tế, mà không có sự công phu tu luyện. Ngài phá luôn các luật lệ phân biệt giai cấp bằng cách chính ngài hành lễ đám táng của thân mẫu ngài. Điều này làm cho ngài bị trục xuất ra khỏi Bà-la-môn giáo, vì theo tôn giáo này chỉ có những giáo sĩ được chỉ định mới có quyền hành lễ trong các nghi thức: quan, hôn, tang, tế mà thôi. Với quan điểm xóa bỏ giai cấp đó, ngài đã tỏ ra xứng đáng là một người đi theo đúng con đường của đức Phật Thích-ca, vì chính Đức Phật là người đầu tiên đả phá bỏ chế độ phân biệt giai cấp ở Ấn Độ.

Trái với các giáo sĩ
Bà-la-môn, ngài dạy rằng mọi người không phân biệt giai cấp hay màu da, đều có thể tham dự vào đời sống tinh thần và học hỏi đạo lý. Ngài không lập nên một tôn giáo mới nào, mà chỉ dạy rằng bất cứ tôn giáo nào cũng đưa con người đến một đời sống tâm linh tốt đẹp hơn, miễn là nó được thực hành một cách đứng đắn. Để chứng minh cho lập luận đó, ngài lập nên một hệ thống triết học hoàn bị và để lại cho đời một di sản quý báu về tinh thần, vẫn còn được gìn giữ và noi theo trong những đạo viện ở khắp nơi trong xứ. Chính những học giả uyên bác của Ấn Độ cũng rất sùng mộ công trình về triết học và tâm linh của ngài.

Đức Giáo chủ
Shankara Charyađi châu du khắp xứ Ấn Độ với chiếc áo màu nâu sòng và cây gậy hành hương của nhà tu sĩ. Với một chính sách khôn khéo, ngài thành lập bốn đạo viện lớn ở bốn phương trời, một ở Badrinathtại miền Bắc Ấn, một ở Puritại miền Đông Ấn. Đại bản doanh của Ngài gồm có một ngôi đền và một tu viện được đặt ở miền Nam, nơi đó Ngài bắt đầu đi thuyết pháp.

Cho đến ngày nay, miền Nam Ấn Độ vẫn được xem là nơi thánh địa của Ấn giáo. Những đạo viện đó là những trung tâm tinh thần truyền bá giáo lý của đức Giáo chủ
Shankara Charya. Ngài trở thành vị Tăng Thống đầu tiên trong dòng tu do ngài sáng lập. Mỗi vị Tăng Thống về sau đều lấy tên là Shankara, và khi vị ấy qua đời thì một đệ tử xứng đáng nhất sẽ lên kế nghiệp.

Vì người đệ tử này thường được chỉ định sẵn từ trước , khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, nên anh ta được giao phó cho các vị danh sư dạy dỗ và chuẩn bị để có đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ cao cả của một vị Tăng Thống. Sự học tập của không phải chỉ về mặt trí dục và đức dục mà thôi, nó còn gồm cả những giai đoạn cao đẳng của pháp môn
Yogavà sự thực hành môn thiền định. Chương trình giáo dục này được tiếp theo bằng một thời kỳ hoạt động nhập thế, hoàn toàn hiến dâng cuộc đời để phụng sự nhân loại.

Thật là một điều kỳ lạ khi dòng tu này được tiếp tục truyền thừa trải qua nhiều thế kỷ, mà từ trước đến nay, không hề có một vị Tăng Thống nào làm trái với lý tưởng vị tha, giúp đời một cách tuyệt đối trong sạch, cao thượng nhất.


Mani
còn kể cho tôi nghe nhiều giai thoại về những quyền năng của Đại đức Shankarađời thứ 66 này. Trong những câu chuyện đó, có việc chữa bệnh cho một người bị bệnh tật đã lâu năm: Đại Đức Shankarachỉ đơn giản dùng tay xoa đầu bệnh nhân, trong khoảng không đầy ba giờ sau đó, bệnh nhân đã ngồi dậy được, và sau đó ít lâu nữa thì hoàn toàn hết bệnh. Người ta cũng nói rằng ngài đọc được cả những tư tưởng thầm kín của người khác.

lll

Chúng tôi đi vào thành phố
Chingleputtheo một con đường hai bên trồng dừa rợp bóng và cắt ngang qua một hệ thống chằng chịt những con đường nhỏ hẹp, giữa những ngôi nhà quét vôi trắng, nóc đỏ.

Trung tâm thành phố náo nhiệt và đông người. Chúng tôi bước vào một ngôi nhà đang có một nhóm thư ký bận rộn mở và xếp những bức thư chất thành đống được chuyển đến cho Đại đức sau khi ngài xuất hành từ thị trấn
Kumbakonamvà đi tuần du khắp nơi.

Tôi chờ đợi ngoài một hành lang cho đến khi
Maninhắn một người thư ký ra nói rằng Đại đức không thể tiếp khách người Âu. Hơn nữa, đã có hai trăm người xin được gặp ngài, trong số đó có nhiều người đã đến ngủ lại từ đêm trước để đảm bảo sẽ được ngài tiếp kiến. Người thư ký không ngừng xin lỗi. Tôi chấp nhận việc ấy một cách bình tĩnh nhưng Maninhất định không chịu thua. Anh ta cho biết sẽ dựa vào tình quen biết cố cựu với Đại đức để xin cho tôi được vào yết kiến.

Trong đám đông có rất nhiều người khác. Tuy thế, anh ta dùng sự khéo léo ngoại giao để lọt vào trước. Và một lúc sau, anh ta trở ra với một nụ cười đắc thắng: “
Đại đức sẽ đặc cách ban một ngoại lệ cho anh và sẽ tiếp anh trong một giờ nữa.

Trong khi chờ đợi, tôi đi bách bộ dọc theo những con đường nhỏ rất ngoạn mục đưa đến một ngôi đền lớn. Tôi gặp vài người giúp việc đang dắt một đoàn voi xám và lạc đà đi uống nước. Có người chỉ cho tôi xem con voi tuyệt đẹp của Đại đức
Shankara, vẫn thường đưa ngài đi tuần du khắp nơi. Ngài dùng nghi vệ tương xứng với bậc vua chúa. Cái ngai trên lưng voi thếp vàng sáng loáng, lót nệm gấm cũng thêu chỉ vàng rất lộng lẫy. Tôi nhìn theo con voi tiến bước một cách chậm chạp và oai vệ, dường như nó cũng ý thức được địa vị cao quý của chủ nó.

Tôi nhớ lại rằng theo phong tục Ấn Độ, khi đến viếng thăm một nhân vật đạo đức chân tu, người ta thường mang theo hoa quả bánh trái làm lễ vật ra mắt. Tôi định đi mua quà biếu, nhưng ở quanh vùng chỉ tìm thấy có hai món là hoa và cam, tôi bèn mua luôn cả hai thứ đem về.


Vì có quá đông người chen chúc nhau ngoài cửa ngõ, làm tôi bối rối quên cả một phong tục khác là cởi giày trước khi vào nhà.
Manimau mắn nhắc tôi. Tôi bèn cởi giày bỏ ngoài đường, hy vọng rằng đôi giày sẽ còn nguyên ở chỗ cũ khi tôi ra về.

Chúng tôi đi qua dãy hành lang và bước vào một gian phòng lớn. Ở cuối phòng, trong một góc thiếu ánh sáng, tôi nhận thấy có một người đứng khuất trong bóng tối. Tôi bước đến gần, đặt mâm lễ vật một bên và cúi rạp mình làm lễ. Tôi nhận thấy cái nghi lễ giản dị này có một tính cách lịch sự mà tôi rất thích, ngoài ý nghĩa cần thiết cơ bản của nó là để bày tỏ lòng tôn kính.


Tôi biết rằng Đại đức
Shankarakhông phải là một vị Giáo hoàng, vì Ấn Độ không có một chức sắc tương tự như thế, nhưng ngài là một vị Giáo chủ và lãnh đạo tinh thần của một số tín đồ rất đông đảo. Toàn thể dân chúng Ấn Độ miền Nam đều kính cẩn nghiêng mình dưới sự bảo hộ của ngài.

Tôi im lặng nhìn đức Tăng Thống. Ngài có tác người hơi thấp, khoác một bộ áo màu vàng sậm của vị tăng lữ xuất gia và chống gậy tu sĩ. Tôi được biết rằng ngài mới trên bốn mươi tuổi, nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy tóc ngài đã điểm bạc.


Ngài có một tác phong cao quí, vẻ mặt khiêm tốn, dịu dàng, đôi mắt lớn đen huyền trông rất đẹp và có vẻ an tịnh khác thường. Mũi ngắn, thẳng và đều đặn, một bộ râu đen hơi ngắn phủ ở trên cằm, đôi môi khép chặt và nghiêm chỉnh. Gương mặt ngài hao hao giống như của một vị thánh Gia Tô thời Trung Cổ.


Người Tây phương có thể cho rằng cặp mắt đen của ngài có vẻ quá mơ mộng, nhưng tôi cảm thấy, bằng một cách khó giải thích, rằng ở sau đôi mắt đó còn có một cái gì khác hơn là những giấc mơ.


Tôi mở lời để bắt đầu câu chuyện:


– Đại đức đã quá hạ cố khi tiếp tôi. Thật rất hân hạnh...


Đại đức
Shankaraquay sang bạn tôi và nói ít lời bằng tiếng bản xứ, nhưng tôi có thể đoán được ý nghĩa. Bạn tôi thông dịch lại:

– Đại đức hiểu được tiếng Anh, nhưng ngài không nói được, và muốn tôi dịch lại những câu trả lời của ngài.


Tôi nói qua về những kinh nghiệm đầu tiên của tôi ở xứ này. Ngài muốn biết những cảm tưởng của một người ngoại quốc về đất nước và con người Ấn Độ. Câu chuyện kéo dài và tôi ngạc nhiên khi biết rằng Đức Tăng Thống thường xuyên đọc các báo chí của Anh quốc và tỏ ra rất am tường thời sự. Tôi chợt nhớ ra rằng Đại đức
Shankaracũng nổi tiếng là một nhà tiên tri. Tôi bèn hỏi ý kiến ngài về tương lai của thế giới:

– Xin Đại đức cho biết, trong tương lai gần đây thời cuộc thế giới có được khả quan hơn bây giờ hay không?


– Tôi không thấy có sự thay đổi nào trong một ngày gần đây. Đó là một vấn đề thời gian. Làm sao có sự thay đổi tình hình khi mà các nước lớn đều đua nhau võ trang bằng các loại võ khí giết người ngày càng tối tân hơn?


– Nhưng người ta cũng đang bàn cãi rất nhiều về vấn đề kiểm soát và cắt giảm vũ khí. Đại Đức nghĩ sao về vấn đề này?


– Cho dù các anh có tháo gỡ hết những chiến hạm và phá bỏ được những cỗ đại bác thành sắt vụn, điều đó cũng không ngăn cản được chiến tranh. Người ta sẽ quay sang đánh nhau bằng gậy gộc nếu không còn súng đạn.


– Vậy theo ngài thì phải thế nào?


– Điều cần phải thay đổi chính là phần tinh thần bên trong mỗi con người. Chỉ có sự hòa hợp tinh thần giữa mọi con người và mọi giai cấp xã hội với nhau mới có thể tạo ra được sự tin tưởng lẫn nhau và tái lập hòa bình, tạo nền tảng cho sự thịnh vượng chung.


– Theo khuynh hướng hiện nay thì điều đó chắc hẳn còn lâu lắm. Như vậy phải chăng hiện nay chúng ta có rất ít hy vọng?


Đức Tăng Thống chống một tay lên gậy và nói:


– Không, điều đó còn tùy thuộc vào đức tin của con người. Khi có đức tin, người ta có thể xoay chuyển được toàn bộ vấn đề theo hướng tốt đẹp hơn nhiều.


Tôi bạo gan phản đối:


– Đức tin ư? Nhưng đức tin là một yếu tố rất trừu tượng, trong khi những sức mạnh vật chất hiện nay hầu như đang chế ngự tất cả. Khi những nước lớn luôn dùng sức mạnh để áp chế các nước nhỏ, liệu họ có thể chống lại bằng đức tin hay chăng?


Đại đức giải thích với một giọng dịu dàng:


– Không phải là vấn đề nước lớn và nước nhỏ, mà tất cả mọi con người khi sinh ra đều sẵn có trong lòng một tình thương, đối với nhân loại cũng như đối với muôn loài. Chính nhờ có tình thương căn bản này mà chắc chắn rồi có lúc họ sẽ sinh khởi được đức tin vào đời sống tinh thần và những sức mạnh tâm linh, thay vì mãi mê chạy theo vật chất.


Tôi không cưỡng lại được một sự mỉa mai cay đắng dâng lên trong lòng tôi khi nghe những lời đầy tự tin và quả quyết này, đến nỗi tôi phải thốt lên:


– Cứ xét theo cách mà nhân loại đang đối xử với nhau hiện nay thì một tình thương sẵn có nơi tất cả mọi con người như ngài nói hẳn phải là rất khó nhận ra. Thú thật, tôi không thể không hoài nghi về tính xác thực của điều đó!


Đức Tăng Thống nhìn tôi một cách lạ lùng. Ngay tức khắc, tôi liền thấy hối tiếc về những nhận xét hấp tấp của mình. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp lời một cách điềm đạm:


– Chỉ cần kiên nhẫn và mở rộng lòng hơn một chút, anh sẽ có được một cái nhìn khác hơn. Ngay cả khi con người đang giành giật đấu đá nhau một cách tàn bạo nhất thì hạt giống tình thương trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn không hề mất đi. Những sự tranh chấp náo loạn giữa các quốc gia, sự đồi trụy tinh thần của đa số, và sự lầm than đau khổ của hàng triệu người đều không phải là những việc vô cớ xảy ra hoặc do một đấng tối cao nào sắp đặt. Con người phải chịu trách nhiệm về chính việc làm của mình. Điều này đúng một cách chắc chắn cũng như phương Tây các ông tin tưởng vào các định luật vật lý vậy. Vì thế, chính trong sự đau khổ cùng cực mà con người sẽ sớm nhận ra những lỗi lầm của mình. Bằng cách đối diện với khổ đau, con người sẽ nhận ra được rằng chỉ có một con đường duy nhất để thoát khổ là quay về với sự hoàn thiện đời sống đạo đức và tinh thần. Điều này đã được đức Phật chỉ dạy từ cách đây gần hai mươi lăm thế kỷ.


– Như vậy, Đại đức tin rằng sẽ có một trào lưu tư tưởng mới sớm xuất hiện trong tương lai gần đây chăng?


Ngài chỉnh lại câu nói của tôi:


– Không chắc lắm trong tương lai gần đây, nhưng chắc chắn điều đó sẽ xảy ra khi các điều kiện nhân duyên đã có đủ. Lẽ tất nhiên phải là như vậy. Tôi thừa nhận là việc xoa dịu những khổ đau của nhân loại hiện nay đã trở nên vô cùng cấp bách, nhưng bức màn vô minh ám muội của người đời nay lại quá dày đặc, đến nỗi họ tự mình đắm chìm vào khổ đau chẳng khác nào con thiêu thân lao vào ánh đèn. Vì thế, điều cần thiết là phải có những bậc thầy sáng suốt, những vị hướng dẫn tâm linh xuất hiện. Điều này có thể xảy ra vào khoảng nửa sau của thế kỷ này hoặc muộn lắm cũng là đầu thế kỷ tới.


Tôi hỏi tiếp:


– Phải chăng Đại đức cho rằng con người hiện nay đang càng ngày càng trở nên sa đọa hơn trước?


Ngài đáp một cách khoan dung.


– Không, tôi không nghĩ như thế. Như đã nói, tình thương là hạt giống sẵn có trong mọi con người, cuối cùng rồi cũng sẽ làm cho họ thức tỉnh và quay về với sự hoàn thiện chính mình.


Nghĩ đến những tay bịp bợm, lừa đảo một cách khoa học và quy mô của thời đại này, tôi buột miệng nói ra một cách chua chát:


– Nhưng ở những thành phố Tây phương của chúng tôi đầy dẫy những kẻ bất lương, hành động chẳng khác nào như có quỷ vương ngự trong lòng họ. Tôi rất ngờ rằng hạt giống tình thương mà ngài nói đó có tồn tại được chăng nơi những con người ấy.


– Chúng ta không nên nhìn vấn đề một cách phiến diện và chê trách những người như thế, mà hãy phân tích và tìm hiểu về những hoàn cảnh xã hội đã tạo ra họ. Khi đó, chúng ta mới có thể phán đoán vấn đề một cách khách quan và chính xác hơn. Ông không thấy rằng chính hoàn cảnh xã hội luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đẩy người ta vào con đường tội lỗi hay sao? Dầu ở Đông phương hay Tây phương cũng vậy, môi trường xã hội cần phải tạo ra được những điều kiện tối thiểu cho sự tu tập hoàn thiện của con người. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân và đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh xã hội. Hoàn cảnh xã hội cũng là do con người tạo ra. Đó là lý do tôi nhắc đến vai trò của những bậc thầy tâm linh, những nhà lãnh đạo tinh thần mang tầm vóc của thế giới. Chính họ sẽ là những người tiên phong trong việc thay đổi môi trường tâm linh trong toàn xã hội để tạo điều kiện cho sự giải phóng của mỗi cá nhân ra khỏi sự mê mờ, tham lam và sân hận. Sự đam mê vật chất phải được thay thế bằng những hoài bão tinh thần cao cả và lý tưởng tâm linh. Không có phương thuốc mầu nhiệm nào để chữa trị căn bệnh của nhân loại hiện nay ngoài việc quay về với đời sống tâm linh. Những sự khó khăn và đau khổ của các quốc gia trên thế giới hiện nay là những cơn hấp hối sẽ thúc giục đưa đến sự thay đổi nói trên, bởi vì những lời thuyết giảng chân lý sẽ chẳng bao giờ được tiếp nhận khi người ta chưa biết gì về đau khổ.


– Phải chăng Đại đức muốn cho mọi người đều áp dụng những lý tưởng tâm linh, những nguyên lý đạo đức và hoàn thiện tinh thần vào công việc xử thế hằng ngày của họ?


– Đúng vậy, và đó là con đường duy nhất để giảm nhẹ khổ đau cho mỗi người cũng như cho toàn nhân loại. Điều đó cũng không phải khó làm, chỉ cần người ta nhận hiểu được và có được sự tin tưởng vào chính mình cũng như người khác. Và điều đó nhất thiết phải được thực hiện, bởi vì đó là phương tiện duy nhất để đem lại những kết quả lâu bền, mà cứu cánh là sẽ làm thỏa mãn tất cả mọi người. Rõ ràng hiện nay chúng ta còn thiếu những bậc thầy tâm linh có đủ trí tuệ và năng lực để truyền bá ánh sáng chân lý trên khắp thế giới. Nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới rồi sẽ có những bậc thầy như thế xuất hiện. Nếu cả thế giới đều nhận thức được và làm theo lời dạy của những bậc thầy tâm linh sáng suốt này thì chắc chắn nhân loại sẽ sớm được sống trong hòa bình và thịnh vượng.


Câu chuyện kéo dài, tôi nhận thấy Đại đức
Shankarakhông đưa ra những sự chê bai chỉ trích phương Tây hoặc đề cao phương Đông như nhiều bậc thầy Ấn Độ khác. Ngài nhìn nhận rằng mỗi nền văn hóa đều có những ưu điểm và khuyết điểm. Ngài quan niệm rằng một thế hệ khôn ngoan cần phải biết hòa hợp những ưu điểm của cả hai nền văn minh Đông Tây để hình thành một cơ cấu xã hội mới quân bình, tốt đẹp và cao thượng hơn, dựa trên những tiêu chí đạo đức và tinh thần hơn là những giá trị vật chất.

Tôi chuyển sang một vấn đề khác và xin phép hỏi Ngài một vài câu có tính cách cá nhân. Ngài bằng lòng ngay không chút do dự.


– Đại đức giữ chức vụ này đã được bao lâu?


– Từ năm 1907. Hồi đó, tôi chỉ mới mười hai tuổi. Bốn năm sau khi tôi được chỉ định, tôi lui về sống ở một làng nhỏ trên bờ sông
Cauveryđể học tập và tham thiền, quán tưởng trong ba năm. Sau đó, tôi mới bắt đầu làm những việc công ích.

– Hình như Đại đức ít khi sống thường xuyên tại Tổng hành dinh ở
Kumbakonam?

– Lý do là vào năm 1918 tôi được Quốc vương xứ
Népalmời đến làm thượng khách của ngài trong một thời gian. Tôi đã nhận lời và từ đó tôi đi dần lên miền Bắc để đến Népal. Nhưng trong những năm đó, tôi không đi xa hơn được vài trăm dặm đường, vì truyền thống của chức vụ này buộc tôi phải dừng lại ở mỗi làng mạc và thành phố trên lộ trình, hoặc ở những thị trấn gần đó nếu có lời mời. Tôi phải thuyết pháp ở tại đền chùa của mỗi địa phương và giảng dụ cho dân chúng quanh vùng.

Khi ấy, tôi mới đề cập đến vấn đề tôi đang đi tìm đạo và đức Tăng Thống hỏi tôi về những người đạo sĩ mà tôi đã gặp. Tôi không dấu giếm gì cả. Tôi nói rằng tôi muốn gặp một người đạo pháp cao thâm để có thể cho tôi thấy một vài bằng chứng về đời sống tâm linh. Nhiều tu sĩ mà tôi đã gặp khi được yêu cầu chứng minh cụ thể những điều đã nói thì không làm gì được khác hơn là tuôn ra hàng loạt những lý thuyết lưu loát như nước chảy. Hay là tôi đã đòi hỏi một điều quá đáng chăng?


Đức Tăng Thống vuốt chòm râu ngắn của ngài và nói:


– Nếu anh muốn nhập môn khoa
yogathì đòi hỏi như vậy không có gì là quá đáng. Tấm lòng chân thành sẽ giúp anh đạt được kết quả mong muốn, vì tôi cảm thấy anh có một ý chí rất mạnh. Nhưng nếu anh chỉ muốn tìm hiểu để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ, thì chắc chắn anh sẽ không bao giờ gặp được những điều anh muốn gặp. Ánh sáng của đức tin khi bắt đầu chớm nở nơi anh và sẽ dìu dắt anh thẳng đến mục đích.

– Tôi phải làm gì bây giờ để có được đức tin?


Đức Tăng Thống nhoẻn miệng cười và đáp:


– Hãy tiếp tục công việc tìm kiếm của anh. Hãy nhớ đến những đạo sĩ
yogichân chính mà anh đã gặp. Hãy chọn lựa và đặt niềm tin nơi người nào mà anh thấy thích hợp nhất, rồi người đó chắc chắn sẽ dìu dắt anh bước vào cửa đạo.

– Nhưng, bạch Đại Đức, nếu tôi không thấy thích hợp với một người nào cả thì tôi biết phải làm sao.


– Nếu như thế, anh hãy tự mình tu tập cho đến khi nhận thức được ý nghĩa chân thật của đời sống. Anh hãy thực tập pháp tham thiền một cách đều đặn, quán tưởng những điều thanh cao và nuôi dưỡng lòng từ bi. Chính sự tu tập sẽ giúp anh có được một trí tuệ sáng suốt hơn và tạo điều kiện cho anh có nhiều khả năng gặp gỡ được một bậc minh sư. Nên biết rằng, ngay cả khi được sống kề bên một bậc thầy vĩ đại thì những người ngu muội vẫn không có khả năng nhận biết đươc điều đó. Thời gian tốt nhất dành cho việc tham thiền là buổi sáng sớm khi mặt trời còn chưa lố dạng. Tuy nhiên, nếu anh thực tập thường xuyên thì có thể dành thêm một thời khóa vào buổi tối ngay trước khi đi ngủ. Vào những giờ đó, cảnh vật thiên nhiên đều đắm chìm trong yên lặng, giúp cho sự tham thiền được dễ dàng hơn.


Những lời dạy chân thành và sáng suốt của ngài làm cho tôi cảm động. Tôi bỗng dưng ước ao có được sự an tịnh hoàn toàn như trên gương mặt ngài. Có lẽ ngài không bao giờ biết đến những sự thắc mắc, băn khoăn giống như những thứ đang giày vò tâm trí tôi. Tuân theo một sự thúc giục bên trong còn mạnh hơn cả ý chí, tôi buột miệng hỏi ngài:


– Nếu tôi không tìm được một bậc minh sư thích hợp, ngài có thể thâu nhận tôi làm đệ tử được chăng?


Đức
Shankaralắc đầu một cách nhẹ nhàng:

– Tôi đứng đầu một cơ quan tinh thần và chịu trách nhiệm chung đối với quá nhiều người, thời giờ không còn là của riêng tôi mà là của chung cho mọi người. Từ nhiều năm nay tôi chỉ ngủ có ba tiếng đồng hồ mỗi đêm. Làm sao có thể thâu nhận đệ tử trong những điều kiện đó? Anh hãy tìm một vị đạo sư có thể dành nhiều thì giờ cho việc dẫn dắt anh. Tôi biết rằng những vị chân sư là rất hiếm có, và một người Âu ít khi có đủ may mắn để gặp được. Nhưng nếu anh thật sự cố công tìm, ắt có ngày anh sẽ gặp.


– Đại đức có thể chỉ dẫn hoặc giới thiệu cho tôi một vài tên tuổi được chăng?


– Cũng được, nếu anh muốn. Tôi biết có hai vị chân sư mà tôi nghĩ là có thể làm cho anh được như ý nguyện. Một vị hiện đang sống ẩn dật tại
Bénarès, nhưng ít người có may mắn được ông ta tiếp kiến, đừng nói chi đến một người Âu như anh lại càng khó hơn. Tôi có thể giới thiệu anh, nhưng tôi e rằng ông ta sẽ từ chối.

– Còn vị thứ hai?


– Vị này ở tận dưới miền Nam, đi sâu vào nội địa. Tôi chỉ gặp ông ta có một lần, nhưng tôi biết ngay đó là một bậc chân sư. Ông ta sống tại
Arunachala, trên ngọn đồi thiêng, trong địa phận tỉnh Arcot. Người ta thường gọi ngài là đức Maharichi. Anh muốn biết thêm gì nữa không?

Những lời nói đó như đem đến cho tôi một tia sáng. Tôi chợt nhớ lại người khất sĩ áo vàng đã khẩn khoản mời tôi đến viếng thầy ông ta. Tôi không nghe lầm, chính ông ta cũng đã nói đến ngọn đồi thiêng!


– Cám ơn Đại đức. Hiện có một người đã hứa sẽ dẫn đường cho tôi đến đạo viện của đức
Maharichi.

– Thế sao? Vậy anh có đi chăng?


– Tôi vẫn còn đang do dự. Tôi đã sắp đặt tất cả mọi việc để đi lên miền Bắc.


– Nếu vậy, tôi có một lời yêu cầu anh. Hãy hứa với tôi là sẽ không rời khỏi Ấn Độ trước khi gặp đức
Maharichi.

Cặp mắt Ngài biểu lộ sự chân thành rõ rệt, làm cho tôi phải hứa ngay không do dự. Một nụ cười đầy hảo ý hiện trên gương mặt Ngài:


– Như vậy anh đừng băn khoăn gì nữa. Điều mà anh đi tìm, nay đã gặp rồi đó.


Lúc ấy, tôi nghe phía ngoài có tiếng ồn ào của đám đông người đã chờ đợi quá lâu. Tôi bèn kiếu từ:


– Tôi e rằng đã quá lạm dụng thời giờ của Đại đức. Xin kính chào Ngài.


Nhưng đức Tăng Thống rất vui vẻ. Ngài tiễn tôi đến tận hành lang và quay lại nói nhỏ điều gì bên tai người bạn tôi. Tôi chợt nghe thoảng có tên tôi trong đó. Ra đến cửa, tôi còn quay lại chào Ngài một lần cuối. Đức Tăng Thống dặn với tôi một câu:


– Anh hãy luôn nhớ đến tôi, và tôi cũng sẽ không quên anh.


Với những lời chứa chan tình cảm đó, tôi từ giã ngài mà lòng đầy lưu luyến với một người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho đạo pháp, một người không màng đến danh vọng quyền thế và đã từ bỏ mọi lạc thú trần gian để phụng sự nhân loại. Những gì người ta dâng cúng cho ngài, ngài đều mang ra bố thí tất cả. Hình ảnh một bậc hiền giả như thế chắc chắn sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.


Tôi còn lưu lại dạo chơi suốt ngày hôm đó trong thành phố
Chingleput, vì vẻ cổ kính đã làm cho tôi ưa thích, và còn chiêm ngưỡng đức Tăng Thống một lần cuối cùng trước khi trở về nơi ở.

Tôi gặp lại ngài trong ngôi đền lớn, lúc ngài đang thuyết pháp trước một cử tọa đông đảo gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Giọng nói của ngài vang rền giữa một sự im lặng hoàn toàn, mặc dầu tôi không hiểu được ý nghĩa ngôn ngữ, nhưng tôi thấy rằng tất cả mọi người đều hết lòng chăm chú lắng nghe, từ các nhà bác học
Bà-la-mônđến những người nông phu thất học. Tôi được biết rằng trong những buổi thuyết pháp dành cho công chúng, ngài luôn trình bày những chân lý sâu xa bằng những lời nói rất giản dị, và chính điều này đã khiến cho ngài trở nên gần gũi và thân thiết với hầu như tất cả mọi tín đồ.

Mặc dầu tôi vô cùng kính phục tâm hồn cao quí của ngài, nhưng tôi lại đâm ra thèm muốn cái đức tin đơn giản của những người ngồi nghe ngài thuyết pháp. Họ không hề biết đến những nỗi giày vò thắc mắc của sự hoài nghi! Họ tin và đặt niềm tin, chỉ có thế thôi! Họ không hề biết đến sự thất vọng não nề cay đắng của một người khi nhìn thấy thế gian như một bãi chiến trường mà không tìm đâu ra những tâm hồn chân thật, cao quý. Dưới sự phân tích khô khan của lý trí, Thượng đế chỉ là một điều không tưởng hư vô, và đời người chỉ là một màn kịch ngẫu nhiên thoáng qua trong vũ trụ mênh mông, không tìm thấy mục đích!


Chúng tôi từ giã
Chingleputdưới một vòm trời xanh biếc. Một cơn gió mát đưa những ngọn lá dừa dọc hai bên đường lộ, nghe xào xạc trên đỉnh đầu chúng tôi. Người bạn tôi phá tan cái im lặng đó trước nhất. Anh ta có vẻ rất hài lòng và nói:

– Anh có thể tự hào là tốt số! Đây là lần đầu tiên mà đức Tăng Thống tiếp kiến một văn sĩ người Âu.


– Thật vậy sao?


– Không những thế, từ nay ân huệ của ngài sẽ theo anh mãi mãi.


Khi tôi về đến nhà, đã gần nửa đêm. Lúc ấy, sao mọc đầy trời, một cảnh tượng mà tôi chưa hề thấy ở trời Âu.


Khi tôi vừa bước lên hàng ba trước cửa nhà thì một người từ trong bóng tối hiện ra. Tôi nhìn người ấy và ngạc nhiên hỏi:


Subramanya, anh làm gì ở đây?

Người khất sĩ áo vàng lại nhăn mặt cười – một cái cười đặc biệt mà từ nay tôi đã thấy quen mắt.


– Phải chăng tôi đã hứa sẽ đến nhà ông vào chiều nay?


Trong câu hỏi của anh ta có đượm một vẻ trách móc vì tôi đã không lưu tâm đến điều đó. Tôi liền dịu giọng:


– Thầy anh là đức
Maharichiđức Maharichi, phải không?

– Sao ông biết, ai nói với ông như vậy?


– Điều đó anh không cần biết. Nhưng tôi đã đổi ý. Chúng ta sẽ lên đường vào sáng mai.


– A! Đó là một tin rất vui cho tôi.


– Nhưng tôi chỉ có thể đến viếng thăm đạo viện trong vài ngày thôi, không thể ở lâu...


Đêm đó, người khất sĩ nghỉ tại nhà tôi để chờ hôm sau cùng lên đường. Cũng trong đêm ấy, một chuyện lạ đã xảy ra.


Sau khi đã ngủ mê được một lúc, tôi thình lình tỉnh giấc; đồng hồ dạ quang chỉ đúng ba giờ kém mười lăm phút sáng. Chung quanh trời tối đen như mực. Tôi chợt cảm thấy thần kinh căng thẳng đến tột độ, dường như có một luồng điện trong bầu không khí quanh tôi. Chính trong lúc đó, cặp mắt hé mở, tôi nhìn thấy có một vệt sáng ở dưới chân giường. Tôi giật mình ngồi nhổm dậy để xem cho rõ. Trước hết tôi nhìn thấy cặp mắt của Đức Tăng Thống
Shankara, rồi dần dần gương mặt và toàn thân ngài hiện ra, đó không phải là một ảo ảnh, vì tôi đã hoàn toàn thức giấc. Tôi nhìn thấy ngài, không phải như một cái bóng ẩn hiện chập chờn, mà là một người thật như bằng xương bằng thịt!

Gương mặt ngài hiện ra trong một vòng hào quang huyền bí như mờ như tỏ. Chính cái hào quang đó tạo ra nơi tôi cảm giác về một vật sáng ở dưới chân giường lúc nãy.


Thật là kỳ lạ! Không thể như vậy được! Vì tôi vừa từ giã đức Tăng Thống ở tỉnh
Chingleputhồi sớm mai này! Tôi thử nhắm mắt lại. Hình ảnh đức Shri Shankaravẫn còn đó, rõ ràng như khi nãy! Ngài hiện ra như một người bạn lành và che chở. Tôi lại mở mắt ra thì thấy gương mặt ngài hình như cử động, đôi môi mỉm cười và mấp máy như nói với tôi rằng: “Anh hãy khiêm tốn, rồi anh sẽ gặp!

Những lời này tuy không vang lên thành âm thanh nhưng lại hiện rõ trong đầu tôi không khác nào như khi tôi ngồi đối diện và được nghe ngài nói chuyện, nhưng tôi chắc chắn đó không phải là một ảo ảnh, mà quả thật là người đang ở đó và nói chuyện với tôi.


Kế đó, hình ảnh lại biến mất đi một cách bí mật cũng như khi nó hiện ra. Nhưng sự kiện ấy để lại cho tôi một niềm an vui hạnh phúc mà không gì có thể làm mất đi được. Tôi tự hỏi, hình ảnh đó hiện ra với ý nghĩa gì? Nhưng tôi không tự tìm thấy câu trả lời. Nhưng điều đó dường như không gây thắc mắc cho tôi, mà tôi chỉ cảm nhận nhiều nhất là niềm vui mà việc ấy mang lại.


Tôi thức luôn từ lúc đó tới sáng và hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ với đức Tăng Thống
Shri Shankaraở tỉnh Kumbakonam. Đạo hạnh và trí tuệ của ngài như vẫn còn soi sáng trong tâm thức đầy mê mờ của tôi, và thắp lên trong đó một tia sáng của niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng trên con đường tầm đạo.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]