Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3.4. Ðời sống tình cảm của nhà chùa

26/02/201117:40(Xem: 8593)
3.4. Ðời sống tình cảm của nhà chùa

Hoa Ngọc Lan

Thích Chơn Thiện

Chương 3

- Tám điều giác ngộ của một bậc thượng nhân.
- Lời di huấn của Thế Tôn.
- "Con đường" và việc "thực hiện con đường"
- Vài nét tình cảm nhà chùa.


Chương 3 (tiếp theo)

Đời sống tình cảm của nhà chùa

Nhà giáo Bình đặt vấn đề, "Đời sống xuất gia của quý Thầy cách ly với đời sống phàm thế, tui không biết tại sao quý Thầy có thể sống mà không nuôi dưỡng một giấc mơ trần thế nào? - chẳng hạn như danh vọng, lợi dưỡng, tình cảm?"

- Một số các cư sĩ khác cũng có thắc mắc như thế. Tôi nghĩ, sống là sống với hiện tại, mà không phải là ước mơ. Ước mơ thì đánh mất đi nhiều nguồn năng lượng của sự sống.

Qua sự dạy dỗ của Hòa thượng, chúng tôi đã trãi qua một thời gian dài tu tập, nay đã tự ổn định rằng thực hiện "con đường" là sống, và sống là hạnh phúc. Sự sống đang ở trước mắt, trong từng giây phút đang là.

Tôi không dấu chuyện nhà chùa có trải qua nhiều hồi tâm lý dao động trước những tưởng nghĩ về quá khứ và về tương lai. Nhưng dần dần, nhờ công phu thiền chỉ và thiền quán, chúng tôi quyết tâm ngưng lại các tư duy mơ mộng đó. Kinh nghiệm tu tập cho thấy sự nắm giữ các tưởng về danh, về lợi và về tình là khổ đau. Chúng tôi phải chọn lựa sự đi ra khỏi chúng. Vì kinh nghiệm đó mà có khi chúng tôi định nghĩa "sống là ra đi" hay "sống là đi ra".

Giờ thì chúng tôi vẫn mơ ước, nhưng là mơ ước thực hiện "con đường", nuôi dưỡng giác tỉnh để chế ngự dục vọng. Gốc của rối loạn là dục vọng, mà không phải là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, hay nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân, ý. Thế đấy!

- "Nhưng đấy là nói chung chung. Cư sĩ này mong nghe nói về các sự kiện cụ thể, chẳng hạn là mối liên hệ với người khác phái?"

- "Có một số tu sĩ đã hoàn tục vì nhu cầu lập gia đình, sống đời sống gia đình. Hẳn là các vị ấy có thể thực hiện giải thoát trong đời sống gia đình. Chúng tôi thì ở lại với "con đường", với nếp sống phạm hạnh. Kinh nghiệm vượt qua các đòi hỏi về đời sống gia đình của chúng tôi thì đơn giản. Hằng ngày, chúng tôi dành ít thời gian nhìn kỹ ruột già để thấy cái bất tịnh của toàn thân. Rồi nghĩ rằng, có bao giờ mình mang lèm kèm theo mình một gói đồ bất tịnh, dù được bọc gấm, hay đặt gói đồ đó trên giường ngủ? Thế mà hằng ngày mình phải chịu đựng cái "gói đồ" của chính mình! Một gói đồ mà còn chịu đựng hết nổi, huống nữa là hai! Chỉ nghĩ như thế là chúng tôi đủ giác tỉnh để đi qua.

Hẳn là vấn đề tương giao tình cảm nam nữ không đơn giản có thế.

Trước lúc xuất gia, năm 18 tuổi, tôi cũng có thấy thứ tình yêu thơ mộng ở trong lòng. Không biết sao bỗng dưng tôi cảm thấy hổ thẹn và mắc cỡ về nó trước ý muốn xuất gia.

Vào chùa, tôi được giáo dục đối trị dục ái kỷ. Từ ấy, tôi rất nghiêm khắc với tự thân trong việc tiếp xúc với phái nữ, nên tôi không phải vất vả trong việc làm chủ nó. Thời gian cứ thế đi qua nhẹ nhàng trong việc nhiếp tâm tu học.

Ở đại học, chúng tôi thường học chung và tiếp xúc với nhiều nữ sinh viên. Vẫn thấy người ta đẹp mà lòng vẫn cứ tu. Vấn đề là ở trong thâm sâu lòng mình, chứ không phải ở nhan sắc của phái nữ. Kinh nghiệm cho thấy nếu mình có quyết tâm giải thoát thì mình sẽ có quyết tâm đốt cháy ái nghiệp (đốt cháy mà không phải khóa chặt lại). Khi có quyết tâm đốt cháy điều đó, thì các nhan sắc chỉ còn tác dụng làm đẹp cuộc đời.

Một dạo, một nữ sinh viên rất lịch sự đã ngỏ ý cô thương nhà chùa và không muốn thấy nhà chùa kéo dài đời sống một mình. Nhà chùa hơi ngạc nhiên trước tình cảm đó, nhưng không lúng túng, đã nói lời xin lỗi vì đã chọn con đường tu. Thế là biến cố chấm dứt.

Một dạo khác, một nữ sinh viên nước ngoài, học cùng lớp, đã ngỏ, "Tôi yêu thầy, thầy nghĩ sao?". Tôi đã dễ dàng nói lời cám ơn và xác định một tu sĩ Phật Giáo chỉ sống một mình. Cô ta ngạc nhiên không tin điều tôi nói, và bảo, "Làm sao có thể sống vậy được?". Tôi cắt nghĩa chẳng làm sao cả; nhà chùa có niềm vui tu tập và thiền định. Thế rồi thôi.

Cả hai lần giáp mặt tình cảm ấy, nhà chùa đã nhận ra nét dịu dàng và thu hút của phái nữ; nhưng đồng thời cũng nhận ra khả năng chế ngự của tâm giác tỉnh.

Một người bạn bảo tôi, "Thầy hãy coi chừng 'tiếng sét'! Thầy chưa gặp 'tiếng sét', nên thầy chưa thấy cái nguy hiểm bất chợt của nó". Sau đó, để cảnh giác, nhà chùa tiếp tục công phu thiền chỉ và thiền quán. Càng nhìn lâu và nhìn kỹ cái bất tịnh của tự thân và của người đời, qua ruột già tiêu biểu, càng có khả năng đối trị cái mà người bạn gọi là "tiếng sét". Nhà chùa lúc ở một mình, thường nhìn kỹ vào lòng mình và khởi niệm đốt cháy dục ái. Nói rõ là nổi lửa ly tham để đốt cháy nó. Khởi tưởng như thế.

Khi mà nhìn kỹ được cái chân tướng khổ đau của cuộc đời thì dục vọng tự tiêu, tiêu đi dần. Khi mà lòng tin đặt vào 'con đường' mạnh mẽ, thì dục vọng cũng chìm lặn. Tôi tin rằng, nếu công phu thiền quán sâu, thấy rõ tướng giả hợp thực sự, thì dục ái sẽ tiêu mất hẳn. Cả hữu ái, vô hữu ái cũng thế. Đây chỉ mới là niềm tin, mà chưa thực sự là kinh nghiệm đã đi qua rồi của tự thân. Ở đây tôi muốn nói của tự thân.

Đấy là chuyện của nhà chùa. Còn cuộc phấn đấu giáp mặt của cư sĩ thì sao? Thầy quay qua hỏi cư sĩ Bình.

- Ấy! nhà chùa đi ngõ ấy mà yên. Cứ vậy mà đi tới, đi tới cùng. Cư sĩ nghiệp chướng này đã đọc nhiều kinh sách, tiểu thuyết, đã sống thực và đã trầm tư lắm lắm. Gần như chuyện hư, thật đã phân biện rõ ràng. Chuyện giải thoát cũng đã hình dung ra. Vậy mà cư sĩ đã đi vào vì dục vọng thì nhiều, mà vì thể nghiệm thì ít, nên ngậm ngùi lắm! Khổ lắm! Biết là không có chi mà đến hai thứ tóc trên đầu rồi vẫn như là có chi! Chuyện đó ma quái lắm! Nó vẫn hiện ra như một cái gì xa xôi, thăm thẳm cứ chụp bắt lấy cư sĩ, không thoát được. Rồi cứ xúc động, cứ lao đầu vào; rồi cứ ngậm ngùi!

Sau nhiều năm tháng ngậm ngùi với nó, bỗng một tia sáng lóe lên trong lòng, lóe sáng lên giữa cơn ngậm ngùi. Càng lúc càng sáng ra. Đó là niềm tin của người giáp mặt. Sau khi nhìn lui, nhìn tới, tính đi, tính lại, cư sĩ cân nhắc kỹ thấy rằng cứ cái đà sống này thì chắc là phải luân lưu đến mươi lăm kiếp nữa mới yên.

- Cư sĩ không nghĩ rằng với trí tuệ của cư sĩ thì có thể bất chợt đốt cháy nó trong một cuộc giáp mặt ác liệt nào đó không xa lắm không?

- Tôi đã tính cả rồi. Thế đó!

- Đi đường nào rồi cũng "na ná" nhau hết cả; người ta sẽ nhận ra điều đó vào một lúc nào đó trên cuộc hành trình.

Xin cư sĩ hãy dùng một tách trà cúc xanh với nhà chùa cái đã! Một tách trà ngậm ngùi! và khó nói! Rồi cũng gặp nhau chỉ một chuyện Vô ngã, chuyện chấm dứt ngã niệm, phải thế không nhỉ?

- Làm gì có hai chuyện? Như uống trà này, ngậm mà nghe thôi. Đi vào sự sống, cuộc sống cũng gặp nhiều chuyện 'cứng lưỡi' , 'cứng họng'! ...

Tiếp tục tuần trà, cư sĩ tiếp, "Nhà chùa có nghĩ rằng rồi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam sẽ lập Tăng đoàn Tân Tăng không? "

- Cư sĩ nghĩ sao, Việt Nam có giống Nhật Bản không?.

- Có chuyện giống, mà cũng có chuyện khác. Tôi muốn nghe ý kiến của nhà chùa hơn.

- Tôi nghĩ rằng hoàn cảnh phát triển của Phật Giáo Việt Nam thì khác. Căn cơ của người Phật tử Việt Nam thì khác. Nếu xét về nhu cầu của tổ chức và của xứ sở thì thật sự cần có đoàn thể Tăng già phạm hạnh hơn. Bởi các cư sĩ nhiệt tình và có khả năng có thể gánh vác các Phật sự của Tân Tăng.

Nếu căn cứ vào kinh tạng truyền thống, thì vấn đề thiết lập giới luật là của Thế Tôn, mà không phải của Tăng già. Tăng già chỉ có thể thay đổi các giới khinh, mà không thể thay đổi các giới trọng.

- Nhưng nếu chủ trương phạm hạnh thì sẽ có ít người thực hiện được, Giáo hội cũng khó xây dựng đúng nghĩa?

- Hẳn là thế. Nhưng "con đường" là thế, phải là thế.

Tôi cũng chỉ nghĩ vậy thôi. Đó là vấn đề của lịch sử. Hãy chờ xem!

- Sức mạnh của nhà chùa là những gì nhỉ? Nhà chùa phải có sức mạnh để chống chọi lại với dục vọng, tà thuật, tà kiến, v.v... chứ?

- Sức mạnh của nhà chùa là Giới, là Định, là Tuệ, là Nhẫn nhục, là Tinh cần. Với một tu sĩ có giới, có định, có tuệ thì các dục vọng không thể chiến thắng được. Với một tu sĩ có sức tinh cần và nhẫn nhục, thì sẽ thành tựu "con đường" sớm hay muộn; và sẽ hoằng đạo đem lại nhiều lợi lạc cho đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]