Chương III
Thiền Quán
Quán chiếu tâm chiếu soi cảnh vật
Để thấu hiểu tính bất khả phân chia giữa tâm và cảnh, ta phải tiếp tục quán chiếu tâm khi nó chiếu soi cảnh vật (với một tri giác thuần túy). Ngồi trong tư thế tĩnh tọa như ở phần trước, tập trung tâm ý hướng mắt về một vật như: bình hoa, bức tranh hay bất cứ hình sắc nào đặt phía trước mặt. Hãy nhìn một cách kỹ lưỡng, sau đó giảm dần cường độ, rồi lại gia tăng.
Tương tựa như thế, ta có thể chú tâm vào một tiếng động, một âm thanh đối tượng của nhĩ thức, quán chiếu xem tánh của một âm thanh êm dịu và khó chịu là một hay khác? Quán chiếu âm thanh giọng nói của chính mình và của người khác, v.v... Cứ thế, quán chiếu đối tượng của 5 căn, tức 5 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Khi tâm tiếp xúc chiếu soi cảnh vật, tâm và cảnh là một hay hai thực thể biệt lập? Cảnh vật đi từ bên ngoài vào tâm hay tâm (năng chiếu) phóng ra đến cảnh vật và nghĩ rằng: "Ta sẽ chiếu soi chúng"? Thật ra tâm và cảnh không thể tách rời (giống như mặt gương và hình ảnh trong gương).
Hãy quán sát tánh biết (nhận thức) khi nó tiếp xúc với 5 trần. Nhìn kỹ xem có sự khác biệt nào giữa tánh biết (tâm) và 5 trần (cảnh) không? Khi nhìn một vật, vật ấy phải hoàn toàn hiện hữu bên ngoài?
Khi ta nhắm mắt, vật kia có mất không? Khi ta lấy hai tay che mắt, cảnh vật bên ngoài trở thành u tối chăng?
Nếu trả lời là không, tức đương nhiên công nhận tâm và vật là một, không khác. Nếu bảo tâm và vật là hai và vật thực sự có (hiện hữu) bên ngoài, vậy cái tâm hay biết (vật đó) ở đâu? Nó nằm ở trong hay ở ngoài vật? Hãy cẩn thận, quán chiếu kỹ lưỡng.
Tiếp theo, ta quán chiếu về thân và tâm xem là một hay khác. Thân do tứ đại giả hợp, vô thường sinh diệt, còn tâm thì tự tánh bất sinh bất diệt, vô thỉ vô chung, làm sao có thể là một được? Nếu bảo là khác thì phải nhận định và tách rời được đâu là thân, đâu là tâm. Nhưng tâm không phải một vật mà ta có thể xác định được vị trí của nó. Nó không hẳn nằm ở phía trên hay phía dưới thân thể, mà nó nằm ở khắp châu thân. Nếu không như vậy, làm sao có thể biết được rằng ta đau nhức ở đâu?
Thân và tâm liên hệ nhau như năng và sở (như tách trà và trà được chứa). Nếu bảo rằng thân ở ngoài, tâm ở trong như hai vật cách biệt, vậy khi xảy đến một cảm giác thì cái nào hay biết? Nếu bảo thân hay biết thì xác chết kia (không còn tâm) cũng phải hay biết chứ! Nếu bảo tâm hay biết tức thân và tâm không thể là hai vật hoàn toàn khác biệt.
Mặt khác, tâm là vật vô hình tướng, không thể giết hại hay đánh đập, vậy khi thân bị kim chích, sao tâm cũng biết đau? Phải chăng nếu chích vào thân, ta cũng chích luôn tâm? Hãy quán chiếu kỹ lưỡng trước khi kết luận.
Cần biết rằng thân và tâm không phải là một cũng không phải khác. Trên phương diện tương đối thì chúng tựa như đồ chứa và vật bị chứa, nhưng tuyệt đối thì chúng không phải là hai thực thể hiện hữu riêng biệt.
Tương tựa như thế, ta cần hiểu rõ sự liên quan giữa cảm giác và tâm chẳng khác gì sóng và nước. Tiếp tục quán chiếu như vậy cho đến khi nào thấu hiểu hoàn toàn về bổn tánh của thực tại. Đây là điểm thứ ba của Thiền Quán.