Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Các thời thiền định

08/01/201111:23(Xem: 9827)
8. Các thời thiền định

CON ĐƯỜNG KIM CƯƠNG THỪA VỀ SỰ TỊNH HÓA

LAMA THUBTEN YESHE.
Bản dịch Việt : Kiến Không
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 1999
none
none
PHẦN 2
NHỮNG GIÁO HUẤN VỀ ẨN TU

8
CÁC THỜI THIỀN ĐỊNH

Lịch trình hàng ngày

Nói chung, tốt nhất là nên bắt đầu kỳ nhập thất với đa số các thời thiền định ngắn kéo dài một tiếng đồng hồ. Kinh nghiệm đúc kết như vậy vì nếu thực hiện thời thiền định ngắn, bạn sẽ làm tốt. Nếu trong các thời thiền định mà bạn giữ được tỉnh táo và bạn tập trung tâm được mãnh liệt thì hiển nhiên tốt hơn những thời thiền định trong đó bạn bị mệt mỏi và buồn ngủ. Chúng ta đã ngủ say trong không biết bao nhiêu kiếp, bây giờ chính là lúc để thức dậy !

Người ta nói rằng thời gian của những thời thiền định có hình dạng giống như hạt lúa, hẹp ở đầu và cuối, nhưng rộng ở đoạn giữa. Khi kỳ nhập thất đang diễn ra và sự thiền định của bạn có được ở mức độ mạnh thì lúc đó bạn tăng dần khoảng thời gian của mỗi thời thiền định lâu hơn. Đến gần cuối kỳ nhập thất, khi bạn sắp trở về thế giới cũ thường ngày thì bạn rút ngắn thời gian mỗi thời thiền định lại. Nếu bạn không rút ngắn, nếu bạn vẫn duy trì thời thiền định lâu, với mức tập trung mạnh thì có sự nguy hiểm là bạn có thể bị khó chịu hay phát bệnh vì chuyện thế gian thường ngày khi bạn rời nơi ẩn cư về nhà. Rung động sẽ quá khác biệt với những gì bạn đã kinh nghiệm qua nơi ở ẩn cư.

Các thời thiền định ngắn sẽ cho bạn nhiều năng lực. Bạn không cần chấm dứt ngay thiền định khi thời khóa đã hết giờ. Nhưng bạn nên ngưng đi. Vì, nếu bạn chỉ dứt sự tập trung khi nào bạn thấy mệt thì bạn không còn hào hứng với thời thiền định kế tiếp. Lúc đó bạn có thể phát ớn khi thấy cái nệm ngồi. Và như vậy thì không tốt. Hoặc như tôi đã nói trước, đôi khi bạn thấy hỷ lạc và tràn đầy sinh lực đến nỗi bạn chỉ muốn duy trì thiền định cả ngày. Nhưng nếu làm thế, chắc chắn hôm sau bạn có cảm giác ngược lại, bạn không muốn thiền tí nào cả. Việc bạn tăng dần thời gian cho mỗi thời thiền sẽ giúp cho bạn vẫn giữ được sự tỉnh táo khi chấm dứt thời thiền và giữ được sự mong muốn cho thời thiền kết tiếp. Bạn hãy biết cách xử sự với “tâm trẻ con” của bạn một cách khôn ngoan.

Một Lama Tây Tạng đã khuyên nên có mười tám thời thiền mỗi ngày ! Chúng ta có lẽ nên sắp xếp bắt đầu với tám thời thôi. Hãy dậy sớm sao cho khi bạn dứt thời thiền đầu trước khi rạng đông. Uống trà, cà-phê giải lao rồi thực hiện thời thiền thứ hai trước khi ăn sáng. Từ bữa ăn sáng đến bữa ăn trưa, bạn thu xếp hai thời thiền nữa, hai thời thứ ba và thứ tư cách nhau mười lăm phút nghỉ giải lao. Sau khi ăn trưa bạn có thể nghỉ ngơi, làm việc, nghiên cứu giáo pháp lam-rim hay kinh luận về Heruka Varasattva hay các công việc riêng. Rồi bạn thực hiện hai thời thiền cách nhau mười lăm phút, hai thời này trước trà chiều. Sau khi uống trà chiều bạn thực hiện thời thiền thứ bảy, rồi ăn cơm chiều và sau đó thực hiện thời thiền cuối trong ngày. Thời điểm tốt nhất để tổ chức tọa đàm của nhóm là sau cơm trưa đến trước thời thiền thứ năm. Không thể tổ chức tọa đàm sau thời thứ tám hay bỏ thời thứ tám và thế vào giờ tọa đàm. Vì lúc đó là thời điểm không tốt vì sẽ phát sanh những ý tưởng tản mạn. Dĩ nhiên những gì đã nói ở đây chỉ là những hướng dẫn đại thể, chung chung. Khi các thời thiền định kéo dài lâu hơn thì số lần thiền định trong ngày sẽ ít đi.

Vào giữa kỳ nhập thất bạn có thể chỉ có bốn thời mỗi ngày, lần đầu trước rạng đông, lần hai giữa ăn sáng và ăn trưa, lần ba giữa ăn trưa và ăn chiều và lần chót sau ăn chiều. Tuy nhiên bạn đừng vào thiền ngay lúc rạng đông, ngay ban trưa, lúc hoàng hôn và nửa đêm. Vào các thời điểm đó, các sự thay đổi rung động của môi trường bên ngoài sẽ ảnh hưởng hệ thần kinh của bạn, làm bạn dễ bị phân tán tâm. Bạn phải tránh thiền vào những thời điểm đó.

Các tăng Tây Tạng thường dậy lúc hai hay ba giờ sáng khi đang ẩn cư, nhưng ở các nước có thời tiết nóng rất khó thức sớm và bạn cũng không quen lề lối dậy thật sớm. Nếu bạn cố dậy thật sớm, bạn sẽ dễ bị mệt mỏi và điều đó sẽ làm hỏng việc thiền định. Bạn nên giữ gìn sức khỏe tốt và nên ngủ trên giường chứ không phải ở cái nệm ngồi thiền ! Bất kể là công việc gì bạn cũng nên làm tốt công việc đó.

Để kết luận, cách tốt nhất là bạn từng tự hối thúc một cách bất hợp lý. Bạn không thể bắt chước Milarepa – và cũng đừng cố làm như vậy. Hãy thoải mái, thư thả ! Hãy làm sao cho kỳ ẩn tu được thoải mái và đáng giá.

Ngay trước khi thiền

Rửa ráy : Trước khi thiền bạn phải đánh răng và lau sạch thân thể. Nếu bạn không thể rửa toàn thân thì ít nhất bạn phải rửa mặt, cổ, tay, nách và bàn chân. Điều này giúp tâm bạn khỏi lề mề và buồn ngủ trong thời thiền. Khi được lau rửa sạch, bạn sẽ tỉnh táo, cảm thấy thuận lợi và có khả năng tập trung thiền định với trí huệ hoàn toàn tỉnh táo.

Vào thiền đúng giờ : Bạn phải vào phòng thiền trước năm phút tối thiểu so với giờ bắt đầu, nhất là khi bạn phải sắp xếp bàn thờ. Đừng có vội vội vàng vàng vào phòng thiền, thở hổn hển và mồ hôi toát ra vì làm không kịp, giờ thiền sắp bắt đầu. Hãy đi vào từ tốn, nhẹ nhàng, sụp lạy ba lạy và dịu dàng ngồi xuống. Tâm bạn tập trung lại và tĩnh lặng. Bạn hãy nghĩ thầm : “Trên tấm nệm ngồi này, tôi sẽ tự tịnh hóa một cách trọn vẹn để nhận được trạng thái giác ngộ của Vajrasattva vì lợi lạc của chúng sanh hữu tình.” Rồi thì, với sự tỉnh táo đó, hãy tịnh hóa hệ thần kinh của bạn với vật cúng dường bên trong đã chú nguyện. Nhúng đầu ngón tay đeo nhẫn của bàn tay trái vào vật cúng bên trong cái tách kalapa của bạn, chạm tách vào đầu lưỡi và cảm thấy nguồn năng lực được ban đang chảy xuyên suốt hệ thần kinh, tẩy sạch hệ thần kinh khỏi các điều bất thiện và bạn đang được trí huệ hỷ lạc tràn ngập trong người.

Đừng làm phiền người khác : Đừng nói chuyện với những người sắp tọa thiền ở trong phòng, hay quấy rầy họ dưới hình thức khác. Nên giữ cho phòng thiền được im lặng trong suốt thời gian nhập thất. Nếu bạn phải làm một việc gì đó trong phòng như lau chùi phòng thiền, sắp xếp bàn thờ, thì hãy làm trong yên lặng đừng làm phiền người khác.

Sắp xếp bàn thờ : Như tôi đã nói trước, hãy thay đổi để dâng cúng lễ vật mới mỗi khi bắt đầu thời thiền. Tôi đề nghị nếu trong một nhóm ẩn tu bạn dâng cúng năm đèn cầy hay đèn bơ cho mỗi thời thiền. Hãy cúng dường với ý nghĩ chân thật, trong sạch, bạn nghĩ rằng : “Con dâng cúng lễ vật này, cầu xin trí huệ siêu việt hỷ lạc vĩnh cửu của ngài Heruka Vajrasattva nảy nở trong con sao cho con có khả năng dẫn dắt tất cả chúng sanh hữu tình để cùng khám phá được sự chứng ngộ này ở trong tâm của họ.”

Bắt đầu thời thiền

Trước thời thiền tôi đã lưu ý là cần giữ yên lặng. Và ngay khi thời thiền bắt đầu, phải tuyệt đối không nói chuyện. Bạn bắt đầu bằng việc quy y và phát Bồ đề tâm với những câu kinh trong sadhana nhưng như tôi đã nhấn mạnh trước đây, quy y và phát Bồ đề tâm là những trạng thái của tâm siêu việt khỏi lời nói ; phải chắc chắn có được trạng thái tâm bạn nhập làm một với việc quy y và phát Bồ đề tâm. Khi câu kinh dứt, bạn đừng thực hiện ngay cách thiền giữ hơi thở, nên giữ một lát ở trong sự thiền định về quy y và Bồ đề tâm. Nếu bạn kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách làm này với tâm của bạn ở ngay khi bắt đầu thời thiền thì năng lực của sự kết hợp đó sẽ hiện diện trong suốt thời thiền, lan tỏa khắp toàn bộ việc tu tập của bạn và như vậy sẽ làm cho việc tu tập có nhiều lợi lạc hơn.

Nói chung về các thời thiền

Tôi đã nhấn mạnh về sự quan trọng của phép thiền tập trung nhất tâm. Phép thiền này rất quan trọng suốt thời gian tụng chú. Sự nhấn mạnh không phải quá đáng đâu. Đã từ lâu rồi, tâm ta bị ngập tràn bởi những sự mê tín, những vọng niệm và chúng ta tạo nghiệp theo sự chi phối của chúng. Nên điều quan trọng nhất là, ít ra trong thời gian nhập thất, chúng ta không cho phép các mê lầm đó, các vọng niệm đó nổi lên dù chỉ một giây phút, nếu không chúng ta sẽ không đạt được sự chứng ngộ mà chúng ta tìm kiếm. Do đó, hãy thận trọng để bảo đảm rằng, trong suốt kỳ nhập thất, những vọng niệm ảo tưởng đó không nổi lên trong tâm bạn. Điều này không chỉ quan trọng trong thời thiền mà còn có tính sống còn trong khi tụng chú.

Bạn cũng tránh những sự quấy nhiễu khác đối với các thời thiền như là nói chuyện, ăn uống, đứng lên ngồi xuống, đi vào phòng vệ sinh hay những gì khác nữa. Bạn phải nên đi vào phòng vệ sinh trước khi vào thời thiền.

Ngài Phadampa Sanggye một vị yogi nổi tiếng xưa kia đã nói rằng bạn phải hết sức chú ý đến năm điều nếu bạn muốn đạt được kỳ nhập thất hoàn hảo. Và nếu bạn không chú ý đến năm điều này thì kỳ nhập thất của bạn sẽ gần như vô ích.

Điều đầu tiên là lực của thân. Trong suốt thời thiền bạn phải duy trì liên tục sự quán tưởng về vị bổn tôn (deity). Nếu bạn mất sự quán tưởng đó, nếu bạn để cho các phóng chiếu luân hồi sanh tử của những khởi niệm lầm lạc của bạn nổi lên như : “Tôi như thế này ; tôi đói và khát.” Thì như vậy bạn đã mất đi lực của thân. Điều thứ hai là lực của khẩu. Nếu bạn nói trong khi thời thiền diễn ra, bạn trực tiếp đã làm gián đoạn lực của khẩu. Kế tiếp là lực của tâm. Bạn để mất nó ngay khi sự tập trung nhất tâm bị phá vỡ. Điều thứ tư là lực của tín hiệu. Trong suốt kỳ nhập thất có những tín hiệu xuất hiện trong tâm bạn. Nếu bạn tiếp xúc với những người không ở trong kỳ nhập thất, lực tín hiệu sẽ bị mất. Cuối cùng là lực của năng lực : sẽ có những hậu quả xấu nếu để người ngoài chỗ ẩn tu thấy được tranh tượng hóa thần bổn tôn của bạn hay thấy được cách chú nguyện vào những đồ ăn của bạn. Do đó bạn đừng để họ thấy những sự việc đó.

Chúng ta cũng đề cập tới sự ẩn tu về thân, khẩu, ý. Ẩn tu thân có nghĩa là bạn cắt đứt mối liên kết với những phóng chiếu ảo tưởng về thân bạn. Và, trong suốt kỳ nhập thất bạn cũng không để cho mất đi lực của thân bạn. Ví dụ : khi bạn thiền định về một người nữ đại định bạn không được để xuất tinh.

Ẩn tu khẩu có nghĩa là bạn tránh bất kỳ những trò chuyện như thường lệ vì nó sẽ đưa tới sự kích động xáo trộn trong tâm bạn. Bạn phải duy trì lực của khẩu mà bạn sẽ được giải thích khi chúng ta thảo luận về việc trì chú. Bạn cũng không được phép khạc nhổ.

Ẩn tu tâm ý có nghĩa là bạn cắt đứt mọi sự mê tín – đó là nghiệp của tâm mê lầm. Bạn giữ lực của tâm bằng cách đừng để cho những khởi niệm mê tín, mê lầm, nổi lên trong tâm.

Sadhana

Quyển sách này có kèm theo sadhana Heruka Vajrasattva (Xem phụ lục 1) mà tôi đã biên tập cho việc ẩn tu. Bạn có thể đọc bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Tạng. Nếu bạn đọc bằng tiếng Tây Tạng phải đảm bảo việc phiên dịch phải chuẩn xác để bạn có thể hiểu được nghĩa rõ ràng. Bạn có thể đọc bằng tiếng Anh, nhưng bằng cách nào đó, tiếng Tây Tạng có một cảm giác tốt, và một loại năng lực ban phước kết hợp trong đó.(13)

Trì chú

Thần chú Heruka Vajrasattva mãnh liệt vượt bậc. Chỉ đọc một lần cũng đã làm lay động các điều bất thiện của bạn đến tận gốc. Tuy nhiên để có hiệu quả, bạn phải đọc câu chú cho rất rõ ràng : bạn đọc một lần với việc phát âm hoàn hảo thì có hiệu lực hơn trăm lần đọc lí nhí không rõ ràng. Tôi muốn nói âm hoàn hảo có nghĩa mỗi âm phải được phát âm từng âm tiết phân biệt hẳn, một cách trong sáng dứt khoát, rõ ràng, êm tai với một nhịp điệu và cao độ đồng đều nhau. Không được đọc luyến, phát âm sai, không đều với một số cụm âm nhanh rồi một số cụm âm chậm lại, cũng không được cao ở âm này rồi lại thấp ở âm kia. Phải chú ý điều này nữa. Khi bạn trì chú, bạn đọc như thì thầm, đủ để tự bạn nghe được rõ âm phát ra của mình nhưng người ngồi bên cạnh không nghe được. Phải làm sao việc trì chú của bạn không quấy phiền người lân cận.

Nếu bạn trì chú một cách thích hợp – trong sự tập trung nhất tâm và quán tưởng rõ ràng thì nó thật sự trở nên siêu việt và chuyển hóa thân bạn thành ra thân thiêng liêng có phúc lạc lan ra khắp thân, nó cũng chuyển hóa lời nói của bạn thành ra lời nói thiêng liêng phúc lạc. Nếu, ngược lại, tâm bạn bị chiếm cứ bởi năng lực bất thiện thì sẽ không đạt năng lực nhiều trong kỳ nhập thất và mọi sự cũng y như khi ngoài đời. Do đó bạn phải biết, ngoài việc trì chú không rõ ràng, thì các yếu tố nào ngăn cản không cho thần chú không trở nên siêu việt.

Bạn đừng nên đọc chú quá lớn tiếng, hay đọc quá nhỏ, quá nhanh, hay quá chậm. Bạn phải ở trong trạng thái tỉnh táo, và phải đảm bảo rằng tổng số những câu chú bạn tính đã được đọc đúng cách, và còn có một số hình phạt bạn phải chịu khi có một số lỗi lầm làm gián đoạn thời thiền. Do đó nếu bạn rời khỏi phòng thiền, hay dù chỉ đứng lên khỏi nệm ngồi hay nói chuyện khác giữa thời, thì bạn không thể tính câu chú nào (bạn đã trì tụng) của thời thiền đó. Lý tưởng nhất là một khi thời thiền bắt đầu bạn không thể di chuyển chân của bạn tí nào cả. Nếu bạn chợt ngủ gục, đánh rơi xâu chuỗi, mất tập trung, bực mình, hay biết mình tụng sai câu chú, thì bạn không thể tính bất kỳ câu chú nào bạn đã tụng trong cái vòng (chu kỳ) xâu chuỗi đó. Bạn phải quay trở lại hạt chuỗi đầu tiên và tụng lại. Mất tập trung là một trong những lỗi tồi tệ nhất. Bất chợt bạn nhận ra rằng tâm bạn đã đi lang thang về nhà, vào siêu thị, gặp bạn bè… Bạn phải không được cho phép loại sự việc này xảy ra.

Nếu bạn bị ngắt hơi thì bị phạt bảy chú : bạn phải quay trở lại bảy hạt chuỗi và bắt đầu đọc tiếp từ đó. Tương tự, cũng sẽ bị phạt năm chú nếu bạn ho, hắt hơi, khạc cổ cho thông cổ, khịt mũi, nấc cục, ợ… trong khi tụng chú. Mật chú ban phước cho lời và hơi thở cho bạn và bạn không nên lãng phí năng lực quý báu này. Điều này có nghĩa rằng bạn không nên lãng phí hơi sức của bạn như thổi tắt đèn cầy đèn bơ, thổi lửa, huýt gió… trong thời gian ẩn tu.

Có hai cách quyết định thời gian ẩn tu : bằng thời gian hay bằng số câu chú. Thời gian ẩn tu theo Vajrasattva thường là ba tháng hay số thời gian để bạn trì một trăm nghìn câu chú. Trên thực tế bạn phải cộng thêm mười phần trăm số câu chú bạn đã tự hứa tụng trong kỳ nhập thất để bù cho những câu bạn tụng sai. Do đó một thời ẩn tu thường thì bạn tụng một trăm mười ngàn câu chú.(14) Như vậy thường cần thời gian ba tháng.

Một vấn đề thường xảy ra khi bạn tự cam kết tụng một số lượng nhất định các câu chú là bạn vì bị ám ảnh bởi con số và chính số lượng này đã làm bạn không an tâm khi ẩn tu. Tốt hơn thà cam kết đọc ít mà trì một cách nghiêm túc còn hơn trì tụng nhiều nhưng cẩu thả, đọc cho đủ số. Và bạn tính vào tổng số chú chỉ những câu chú trọn xâu chuỗi và những câu chú được đọc trong thời thiền chứ không tính đến những câu chú đọc ở ngoài thời thiền.

Tôi nhớ một lần ở trong một nhóm ẩn tu có đến một trăm tăng trong trại tỵ nạn của chúng tôi ở Tây Bengal. Chúng tôi cam kết sẽ trì đọc một số lượng câu chú nhất định và đến khi nào từng mỗi tăng hoàn tất đủ số lượng câu chú đó thì khóa nhập thất mới xong. Có một vị tăng đã gặp khó khăn rất nhiều trong khi phát âm câu chú nên khi chúng tôi hoàn tất đủ số lượng, ông vẫn còn số lượng lớn các câu chưa đọc. Ông bối rối quá, ông không muốn ai thấy mình nên ông ngồi đọc chú mà lấy áo tràng che mặt lại. Chúng tôi đã phải ở lại đó thêm năm ngày để chờ ông đọc xong. Tôi cho rằng ông không nên phản ứng như vậy. Đích thị việc tính số lượng câu chú không phải là trọng tâm. Bạn có thể thực hiện một loại thiền khác cũng được. Điều quan trọng là bạn tận dụng hoàn cảnh ẩn tu để làm những gì thích hợp với các mong cầu của bạn.(15)

Hoàn tất thời thiền

Ở cuối thời sadhana, ngay trước khi hồi hướng, Heruka Vajrasattva tan vào trong bạn và bạn trở nên là một với ngài. Vào lúc này, bạn nên thực hiện một sự thiền định ngắn – có tính cách lướt qua – về con đường thứ bậc (lam-rim) như là các giáo pháp của Lama Tsong Khapa : Ba nguyên tắc của con đường, Ý nghĩa súc tích của các giai đoạn của con đường, hay là Nền tảng của mọi Tuyệt diệu, các bạn tìm thấy những bài giảng này trong sách của Geshe Wangyel có tên là Cánh cửa giải thoát. Ở trong nhóm ẩn tu người trưởng nhóm đọc lên bài thiền định và từng mỗi người thiền định về nó. Sau đó bạn hồi hướng công đức. Sự hồi hướng ở mỗi thời thiền sau cùng ở mỗi ngày phải mãnh liệt một cách đặc biệt. Rồi thì hãy ngồi lại trên tấm đệm ngồi khoảng ít phút thêm nữa, hãy nhất tâm, nghĩ đến sự hợp nhất của bạn với thân, khẩu, ý thiêng liêng của Heruka Vajrasattva và đừng để một ý niệm vọng tưởng nhị nguyên nào nổi lên trong tâm.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]