Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Người Dịch Tâm Hà Lê Công Đa

02/01/201115:50(Xem: 7028)
Lời Người Dịch Tâm Hà Lê Công Đa

SẮC TƯỚNG VÀ THẬT TƯỚNG

Vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo
Prof. Guy Newland, Ph.D.
Tâm Hà Lê Công Đa chuyển ngữ

LỜI NGƯỜI DỊCH
Tâm Hà Lê Công Đa

Là một Phật tử bình thường có thể chúng ta không cần phải bận tâm đến việc thế giới này là có thực hay hư vọng, cũng không cần phải biết đến Chân đế hay tục đế, hoặc bản tánh chân thực của con người và vạn pháp là cái gì... Đây là những vấn đề thuộc về triết học, nghĩa là những vấn đề dễ làm cho ta nhức đầu, chưa kể một khi đi sâu vào lãnh vực này, nhận chân được tánh Không là thực tướng của muôn vật, người Phật tử sẽ không khỏi hoang mang tự đặt cho mình một câu hỏi: Nếu con người chỉ là một giả lập của những sắc uẩn và tưởng uẩn thì những khổ đau của con người cũng chỉ là những huyễn giả, tại sao chư Phật và chư Bồ Tát lại phải thị hiện ra giữa cõi đời này, mà mục đích là để giúp đỡ cứu độ cho muôn loài chúng sanh -vốn dĩ không có thật?

Nhưng thưa bạn, Đạo Phật là đạo của GIÁC NGỘ, trừ phi bạn chọn cho mình trở thành một người Phật tử bình thường để có thể dễ dàng quay lưng lại với những vấn nạn nói trên và an vui -cũng như đau khổ- với những dục lạc của cõi thế gian này thì không nói làm gì; tuy nhiên nếu như bạn là một người thiết tha tìm cầu giải thoát và đang là một hành giả cô đơn, nỗ lực tinh tấn trên hành trình vươn đến giác ngộ, trong niềm tin tưởng vững chắc rằng mình có khả năng để vươn đến, thì bất cứ bạn là ai, nếu muốn chạy thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của luân hồi sinh tử, cũng đều phải vượt qua cửa ải của thực chứng tánh Không.

Không có một con đường nào khác. Chư Phật, chư Bồ Tát, chư đại thánh Tăng, tổ sư đều cũng phải đi qua con đường này. Từ đây, trên vách núi cheo leo của Tánh Không, hành giả tha hồ nhảy múa mà không còn phải sợ hãi phải rơi xuống vực thẳm của chủ nghĩa hư vô, đoạn kiến. Và cũng từ đây, trên đỉnh núi cao của tỉnh thức và trí tuệ, không còn mây mờ của vô minh che phủ, hành giả có thể phóng tầm mắt nhìn rõ thực tướng của muôn loài, để sẽ không còn như người mê ngủ hoang mang giưã hai bờ Chân đế và Tục đế, để rồi suốt đời cứ phải loay hoay bỏ vọng tìm chân, làm nhọc lòng đến Tuệ Trung Thượng Sĩ , một thiền gia xuất sắc đời Trần phải lên tiếng cảnh cáo:

Người đời bỏ vọng để cầu chân
Chân vọng tâm kia cũng pháp trần
Hãy vượt cao lên bờ bến ấy
Tham cùng đồng tử đối tiền nhân

Nếu Phật đạo có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn thì con đường đi vào thực chứng tánh Không cũng có rất nhiều cánh cửa, kể cả cánh cửa trực nghiệm bằng ý thức loại suy, thiền quán phân tích. Tốt hơn hết là ta nên bắt đầu bằng Nhị Đế. Khi đối đầu với vấn nạn triết lý sắc tướng và thực tướng của vạn pháp, tức Nhị Đế, những trường phái triết học lớn của Phật giáo, được biết đến như Tứ đại thuyết phái: Đại Tỳ Bà Sa, Kinh Lượng Bộ, Duy Thức, và Trung Quán- đã đưa ra những lý giải khác nhau.

Trong những lý giải này, có những điểm người ta đã đồng ý với nhau, nhưng cũng có những điểm đã gây nên những tranh cãi kịch liệt. Hoàng Mạo phái của Phật Giáo Tây Tạng, một môn phái sở trường về thiền quán phân tích do Đại sư Tông Kha Ba sáng lập mà vị tổ sư thừa kế đương đại là Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn, đã duyệt qua tất cả những kiến giải của tất cả những trường phái này và đưa ra những lý giải, phân tích rất xuất sắc và có hệ thống.

Những kiến giải này đã được Tiến sĩ Guy Newland, đương kim Khoa trưởng Phân khoa Triết học và Tôn giáo Đại học Công lập Central Michigan, bang Michigan, tóm tắt lại trong tác phẩm “SẮC TƯỚNG VÀ THẬT TƯỚNG,Vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo” do nhà xuất bản Snow Lion phát hành gần đây và hiện được dùng như là một tài liệu giảng dạy và tham khảo chính trong các Đại học Phật giáo, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng. Là một nhà sư phạm, GS Newland đã trình bày một cách rõ ràng, khúc chiết về những vấn đề cốt tuỷ của triết học Phật giáo như Nhị Đế, Vô Ngã, Tánh Không thông qua quan điểm của bốn trường phái triết học chính của Phật giáo: Phân Biệt Thuyết (Đại Tỳ Bà Sa), Kinh Lượng Bộ, Duy Thức và Trung Quán, hy vọng sẽ giúp cho người đọc lãnh hội những vấn đề này không mấy khó khăn.

Nhận thấy trong khu rừng tài liệu Phật học tiếng Việt, các tài liệu nghiên cứu về lãnh vực triết học Phật giáo còn rất hạn chế, người dịch -dù khả năng còn hạn hẹp- cũng đã phát tâm chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt, hy vọng đóng góp một phần nhỏ vào kho tài liệu tham khảo cho những người có nhu cầu nghiên cứu.

Tuy rằng qua tác phẩm này, Tứ đại thuyết phái đã được nhìn dưới lăng kính của Hoàng Mạo phái, nhưng trừ phi bạn là người có trí tuệ siêu việt, đối với những Phật tử trung bình như chúng ta, cái nhìn của Hoàng Mạo phái có thể được coi như là một khởi điểm tốt để bắt đầu, bởi vì như GS. Newland nhận định: “Cách tiếp cận của Hoàng Mạo phái là cố gắng tránh bớt đi những mâu thuẫn, mập mờ khó hiểu càng nhiều càng tốt, cũng như nói về tánh Không bằng một ngôn ngữ thông tục, ngôn ngữ mà chúng ta trao đổi trong cuộc sống đời thường. Do phẩm tánh hoàn toàn bất nhị của nó, trực nghiệm về tánh không là một kinh nghiệm nhận thức khác biệt tận căn bản với tất cả những gì mà chúng ta đã từng biết qua.

Tuy nhiên để có thể xây dựng nên một hệ thống thuyết lý mạch lạc phù hợp với kinh nghiệm đời thường, cũng như nhằm mục đích nhấn mạnh đến tính khả đắc của thực chứng rốt ráo (ngay cả bằng ý thức loại suy), những nhà Hoàng Mạo phái đã thuyết giảng về tánh Không như là cái gì khả tri, có thể nhận biết được, một cái gì đó có thể đạt đến và hiểu thấu được.”

Trong khi dịch thuật tác phẩm này, nếu gặp phải những điểm nào không được rõ ràng cần làm sáng tỏ, chúng tôi đã được may mắn trực tiếp trao đổi với GS. Newland, và như vậy hy vọng nội dung bản dịch của tác phẩm này được truyền đạt một cách trung thực đến độc giả. Chúng tôi vì thế nhân đây xin được bày tỏ sự biết ơn của mình đối với sự chấp thuận và khuyến khích của GS. Newland, cũng là một cao đồ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười bốn, trong việc hình thành bản dịch Việt ngữ này.

Đối với một số thuật ngữ Phật giáo trong tác phẩm này, chúng tôi vừa sử dụng từ Hán Việt -để qúy vị đã từng quen với thuật ngữ Phật giáo dễ lãnh hội- nhưng đồng thời cũng đã diễn giải ý niệm này ra một cách dễ hiểu hơn và không quên kèm theo các danh từ Tạng ngữ, Phạn ngữ và Anh ngữ tương đương để tiện cho việc tra cứu. Tuy nhiên dù có cố gắng đến mức nào đi nữa, chắc chắn là bản dịch này cũng sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết, hy vọng được chư Tôn đức, chư thiện hữu trí thức đóng góp ý kiến để sửa chữa vì phúc lợi chung.

Một điểm cuối cùng cũng xin được nêu ra ở đây là, như qúy vị biết, tác phẩm này thuộc bản quyền của nhà xuất bản Snow Lion, bởi vậy nếu như bản dịch này được dùng để làm tài liệu giảng dạy, nghiên cứu, hoặc bất cứ vị Phật tử nào phát tâm muốn ấn tống miễn phí thì không có vấn đề; tuy nhiên nếu bất cứ qúy vị hay nhà xuất bản nào có nhã ý muốn xuất bản bản dịch này đưa vào thị trường sách vở, xin vui lòng thương thảo với nhà xuất bản nói trên.

Trân trọng.

Tâm Hà Lê Công Đa.
lecongda@aol.com



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567