Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Một Thoáng Trần Duyên, Một Giây Sinh Tử

25/12/201006:39(Xem: 7635)
Chương 5: Một Thoáng Trần Duyên, Một Giây Sinh Tử

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN HAI:
HÒA THƯỢNG ÐÔN HẬU (1905-1992)
VÀ PHONG TRÀO PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO


Chương 5: Một Thoáng Trần Duyên, Một Giây Sinh Tử

Cụ Diệp Văn Kỷ từ ngày Hòa Thượng Tâm Tịnh ghé thăm, nghe những lời tiên đoán của Hòa Thượng về đứa con trai Diệp Trương Thuần mà lòng không yên. Cụ không biết phải xử trí như thế nào, muốn con của mình sau này làm quan, rạng danh tổ tiên hay là xuất gia cầu đạo giải thoát, giúp chấn chỉnh Phật Giáo đương trên đà suy thoái? Dầu ở vị trí nào, theo cụ nghĩ, cũng phải cho con ăn học đàng hoàng, vì vậy từ ngày ấy cụ chăm sóc việc học hành của cậu con trai Diệp Trương Thuần nhiều hơn. Cụ mời gia sư về nhà dạy học, luyện cho xong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Ðến năm 12 tuổi, năm Ðinh Tỵ, 1917 cụ cho con lên trường huyện học chữ quốc ngữ.

Trường học cách nhà ba bốn cây số. Sáng học chữ quốc ngữ, tối tiếp tục học chữ Nho, ròng rã bốn năm cho đến năm Tân Dậu, 1921, Diệp Trương Thuần thi đậu bằng Tiểu Học, một thành công khá lớn thời bấy giờ. Cụ còn nhớ sau khi đậu bằng Tiểu Học, cả làng ăn mừng. Trong bữa tiệc tổ chức tại đình làng, các ông tiên chỉ, á chỉ cho cậu Thuần được ngồi chung chiếu dự tiệc. Các cô các cậu trong làng thì thầm, chỉ chỏ.

Sau khi đậu bằng Tiểu Học, cụ không cho con học tiếp vì muốn học tiếp, phải vào Huế mà cụ lại không muốn cho con xa nhà. Vì vậy Diệp Trương Thuần lại tiếp tục học chữ Nho và học nghề làm thầy thuốc Bắc, nối nghiệp cụ.

Lời tiên đoán năm xưa của Hòa Thượng Tâm Tịnh mãi lởn vởn trong đầu óc của cụ Kỷ khiến cụ thường xuyên suy nghĩ. Một hôm sau buổi cơm chiều, cụ Kỷ mời dì Chắt và con trai trưởng Diệp Văn Hưng uống nước trà để cụ tâm sự:

– Thằng Thuần năm nay đã 16 tuổi. Ta có nên bàn tính chuyện tương lai của nó không?

– Chuyện tương lai là chuyện gì thưa thầy? Anh Hưng hỏi.

– Con đương còn nhỏ, mới 16 tuổi đầu? Dì Chắc góp ý.

– Nhỏ gì nữa, thằng Tâm lối xóm mới 15 tuổi đã lấy vợ rồi thì sao?

– Phải rồi. Dì Chắc đồng ý.

– Nhưng nó chưa có công ăn việc làm mà nói chuyện lập gia đình có vội lắm không? anh Hưng thắc mắc.

– Thì cứ lo chuyện chọn vợ, gả chồng trước, rồi lo đến tương lai sau. Hơn nữa nhà mình cũng không đến nỗi, thêm cái chén đôi đũa thì có nhằm gì.

– Nhà mình cũng cần thêm người làm ruộng. Dì Chắc đưa ý kiến.

– Dì muốn chọn dâu hay chọn người giúp việc? Cụ Kỷ cười hỏi dì Chắc.

– Thì có gì đâu mà anh phải quá bận tâm?

– Chắc chi Thuần nó chịu?

– Thì anh để tôi hỏi dò xem thế nào?

– Nhưng lấy ai? Dì và anh Hưng có thấy mối nào chưa?

– Con thấy cô Hạnh con bà Yến ở thôn kế cạnh vừa xinh, vừa ngoan, nhiều người ngắm nghé lắm, nếu không mau tay mất đi uổng lắm! Anh Hùng gợi ý.

– Dì Chắc nghĩ thế nào? Hùng mày nói kỳ quá! Chọn vợ chứ đâu phải đi mua trâu mua bò mà nói như vậy!

– Con nghĩ cũng phải gấp, nếu không mất đi thì uổng lắm.

Hơn nữa lỡ em Thuần thích người khác thì làm sao?

– Em Thuần không có vậy đâu. Nó muốn đi tu đó!

– Tu gì, tu hú hả? Dì Chắc nói đùa để đánh phủ lấp.

– Dì Chắc ăn nói kỳ khôi quá! Cụ Kỷ trách.

Những lời bàn tán giữa thân sinh, dì Chắc và anh Hùng, tình cờ lọt vào tai của cậu thanh niên 16 tuổi. Cậu nghe câu chuyện mà lòng phân vân, nhưng không dám bày tỏ ý kiến. Cậu đã có lần gặp cô Hạnh, một cô gái xinh đẹp nết na mà nhiều chàng trai trong làng nhòm ngó. Tuy cậu cũng thích, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia thất vì đương còn nhỏ mà chưa có nghề nghiệp gì. Cậu không muốn mình là một nông dân bình thường, ít nhất cũng phải làm nghề thuốc như cha mà làm nghề thuốc đòi hỏi nhiều thời gian học tập. Lòng cậu vừa phân vân, vừa xao động. Một ít bỡ ngỡ, một ít trông chờ, một ít âu lo!

Một hôm cụ Kỷ gọi con là Diệp Trương Thuần đến ngồi gần, rồi nói cho cậu biết ý định của cụ, muốn cưới cô Hạnh cho cậu. Ðể làm vui lòng thân phụ, cậu không chống đối, nhưng lòng vẫn phân vân.

Thời gian lặng lẽ trôi qua cho đến một ngày cụ ông ngồi uống nước trà trên bộ trường kỷ giữa nhà, thấy cậu đi ngang qua, bảo cậu đến gần rồi cho biết ý định của cụ về việc gia thất tương lai của cậu:

– Con năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

– Dạ con 16 tuổi.

– Lớn vậy hả? Ðã yêu cô nào chưa?

– Thầy nói giỡn, con đâu dám!

– Thôi đi, đừng dấu thầy nữa. Cụ Kỷ đùa chọc.

– Thật vậy thưa Thầy. Con đang còn nhỏ lại không có công ăn việc làm. Con còn đi học mà!

– Thôi được. À con có biết cô Hạnh bên thôn kế cạnh không?

– Cô Hạnh nào, phải cô Hạnh con bà Yến không Thầy?

– Chính cô đó. Con thấy cô ấy như thế nào?

– Con không để ý nên không biết!

– Anh Hưng và dì Chắc nói cô ấy nết na, xinh xắn. Con nghĩ thế nào?

– Con không biết!

– Thôi đi. Thầy muốn hỏi cô ấy làm vợ cho con. Con nghĩ sao?

– Thầy để thong thả cho con suy nghĩ rồi có ý kiến thưa thầy.

– Thôi được, nhưng không được để lâu nghe không?

– Dạ.

Cô Hạnh năm nay 15 tuổi, da dẻ hồng hào, mặt mày xinh xắn, được nhiều chàng trai trong làng, trong xóm chú ý chọc ghẹo, nhưng cô tỏ ra rất đoan trang, thùy mị, đứng đắn. Một hôm tình cờ cậu Thuần gặp cô đi trên cầu, đi về phía cậu, bị một chàng trai chận đường chọc ghẹo. Cô lách người bỏ chạy. Thấy vẻ thẹn thùng của cô làm cho cô đỏ mặt, thêm xinh. Người này bây giờ thầy mình muốn chọn cho mình. Nghĩ đến chuyện đó, cậu vừa lo vừa thích. Một thoáng trần duyên: ấm áp, hấp dẫn, lôi cuốn lòng người. Nhưng nói đến chuyện đó cậu vừa lo, vừa ngại. Lo ngại không biết làm thế nào để nuôi sống gia đình. Lo ngại bước vào một đoạn đời quá phiêu lưu, quá bất ngờ. Cậu không đủ sức quyết định.

Ngày tháng trôi qua...

–“Thuần ơi”! thầy gọi.

Nghe tiếng chị Tý gọi, cậu Thuần từ trong nhà chạy ra, thấy thầy đang ngồi trên bộ ghế trường kỷ, vừa hút thuốc, vừa uống nước trà, cậu thưa:

– Thầy gọi con?

– Ừ. Chuyện thầy nói với con về việc cô Hạnh cách đây hơn một tháng con đã nghĩ kỹ chưa, ý kiến con như thế nào?

– Con còn nhỏ tuổi, lại chưa có nghề nghiệp.

– Nhỏ tuổi? Chưa có nghề nghiệp? Thằng Tâm bên lối xóm nhỏ hơn con mà đã có vợ sắp sửa có con rồi đó.

Cậu không dám cãi lại. Giáo dục gia đình không cho phép cậu làm vậy.

Thấy con không nói gì, cụ quyết định, gọi dì Chắc lên dặn dò:

– Dì lo may cho cháu cái áo lương đen, mua cho nó cái nón gò găng, sắm cho nó đôi giày hạ để bữa nào tôi dẫn nó qua thăm bà Yến, bà mẹ vợ và xem mặt cô dâu tương lai như thế nào.

Ðể làm vui lòng cha, cậu Thuần lặng thinh không nói điều gì.

Một tháng sau vào ngày giờ Cụ Kỷ đã xem cho là giờ hoàng đạo, cụ dẫn con đến thôn kế cận, thăm bà Yến và cô Hạnh, bà sui và con dâu tương lai.

Cậu Diệp Trương Thuần xúng xính trong chiếc áo lương đen, đầu đội nón gò găng với giải nón bằng lụa sát cằm, chân đi đôi guốc vông trắng (đôi giày hạ bằng da bóng loáng bỏ trong xách), theo sau phụ thân đội khăn đóng, mặc áo dài đen, chống dù đi trước. Hai cha con, đi trên bờ ruộng giờ đây khô ráo, băng qua cánh đồng đến thôn kế cạnh. Cụ ông đi trước, thỉnh thoảng đáp lời chào hỏi của những dân làng quen thuộc đi ngang. Riêng cậu Thuần có vẻ ngượng nghịu trước lời chào hỏi mà cậu cho có vẻ chế nhạo, với chàng trai trẻ tuổi sang nhà mẹ vợ tương lai. Có lẽ vì tự ti mặc cảm mà cậu nghĩ như vậy, chứ dân làng họ không thắc mắc bận lòng mà chỉ vô tư thành thật chúc tụng.

Con đường làng trước đây rất ngắn giờ đây đối với cậu sao mà dài quá, đi mãi không hết. Ðến đầu đường, cậu vội lấy đôi giày hạ bằng da bóng loáng trong xách tay, thay đôi guốc. Cậu cảm thấy hơi bối rồi, nhìn quanh, đi thử vài bước cho chững chạc, bỏ đôi guốc vào xách, theo cha đến trước cổng nhà bà Yến, thấy trong nhà nhiều bóng người qua lại.

Ngôi nhà bà Yến ba gian hai chái, lợp ngói trông có vẻ bề thế. Tim cậu đánh thình thịch. Không biết cậu sợ chuyện gì hay sắp gặp mặt người vợ tương lai? Trong phút chốc ấy cậu lại nhớ hình ảnh của Hòa Thượng Tâm Tịnh, cứ thỉnh thoảng lởn vởn trong đầu óc cậu, không biết tại sao bây giờ, trong giờ phút này lại hiện ra. Cậu muốn gạt hình ảnh đó sang một bên, nhưng không được. Nụ cười hiền hòa, bao dung của Hòa Thượng ám ảnh cậu.

– Ði mau con. Ông Kỷ quay đầu lại nhìn cậu, thúc dục.

Bà Yến đứng sẵn trước cửa, ân cần niềm nở đón chào cụ Kỷ:

– Chào Cụ. Tôi đợi cụ từ sáng đến giờ. Còn cháu Thuần nữa, cháu mau đi vào.

Bà Yến thật tử tế, rất vồn vã, ân cần:

– Cụ có mạnh khỏe không? Ði đường có mệt không?

– Cám ơn bà, nhờ Trời Phật tôi vẫn được bình thường. Hôm nay trời mát, hơn nữa không xa lắm nên không thấy mệt. Còn bà như thế nào? Ðộ rày làm ăn có suông sẻ không?

Cụ Kỷ ngồi trên chiếc sập gụ gỗ bóng loáng, có kê cái án và cái gối xếp. Cụ tì tay vào gối xếp trông có vẻ thoải mái. Bà Yến ngồi trên bộ phản đối diện, trước mặt có khay đựng cau trầu. Cậu Thuần ngồi trên chiếc ghế đã để sẵn, cạnh chiếc sập gụ.

Bà Yến bưng khay trầu qua mời cụ Kỷ, rồi quay mặt về phía dưới nhà gọi:

– Hạnh ơi! Pha nước mang lên đây con.

Cô Hạnh từ dưới nhà bưng khay nước với ba chén nước để trên dĩa. Cô mặc chiếc áo dài màu tím nhạt, quần trắng, đi đôi guốc cườm. Cô nhỏ nhẹ cúi đầu chào cụ Kỷ, nhưng như có vẻ không để ý đến sự hiện diện của cậu Thuần, vì không thấy cô nhìn hay chào hỏi gì cả. Cô nhẹ nhàng đặt khay nước trên chiếc án, bưng chén nước để trên dĩa đặt trước mặt cụ Kỷ, mời cụ dùng nước, mang nước mời me, rồi dắt thêm cái kỷ để tách nước bên cạnh ghế cậu Thuần ngồi, không nói một lời, rón rén đi vào phòng trong. Cậu Thuần ngẩng mặt nhìn cô Hạnh trong giây lát rồi cúi mặt xuống, cũng không có lời cám ơn. Không khí thật nặng nề giữa hai người trai gái này. Không biết họ nghĩ gì. Chắc tim họ đập mạnh lắm vì thấy mặt mày người nào người nấy không thoa son mà đều đỏ cả và từ đó cậu Thuần không nghe rõ lời trao đổi giữa cụ Kỷ và bà Yến. Tại họ nói nhỏ quá hay tại tâm hồn cậu quá bấn loạn? Cậu chỉ thỉnh thoảng nghe họ cười. Tiếng cười của họ sao khó nghe quá, làm cậu thêm đỏ mặt và chắc chắn sắc mặt của cô Hạnh cũng như thế.

Sau một thời gian dài gần một thế kỷ, cụ Kỷ chào bà Yến ra về, kéo cậu đi theo, vừa cười vừa nói với bà Yến, chọc quê cậu:

– Chắc cháu nó muốn ngồi đây mãi. Hay để cho cháu ở lại.

Bà Yến cười, tiễn cụ Kỷ và cậu ra cửa.

Trên đường về, cụ Kỷ hỏi:

– Con thấy cô Hạnh như thế nào? Có được không?

– Con có thấy gì đâu?

– Không thấy sao mà con ngây người như mất hồn, mất vía vậy?

Cụ Kỷ vừa đi, vừa tủm tỉm cười, tỏ vẻ rất hài lòng...

Vừa bước chân vào nhà, chưa kịp cởi giày, móc nón lên tường thì có người chạy vào nhà hoảng hốt báo tin chị Bảy, cháu kêu cụ Kỷ bằng cậu, vừa mất ở bệnh viện, mới đưa về nhà. Chị Bảy vào bệnh viện sinh đứa con trai thứ ba cách đây mấy ngày, mẹ tròn con vuông, tại sao lại lên nỗi này. Chị rất thân với gia đình. Chị rất thương cậu Thuần. Khi còn nhỏ có cái bánh cái kẹo gì cũng dành cho cậu Thuần. Giờ đây chị qua đời, một cái tin sét đánh động trời.

Cụ Kỷ vơ vội cây dù và giục cậu Thuần đi sang nhà anh Bảy. Trong nhà anh Bảy, một cảnh tượng diễn ra trông thật bi thảm. Xác chị Bảy đặt nằm ngay trên bộ phản kê ở giữa nhà. Trên xác chị đắp một cái mền dạ màu xám đã rách. Trên mặt chị đắp một tờ giấy trắng đã ngả màu. Trên bụng chị để một cây dao phòng ngừa mèo có nhảy qua không khiến cho xác người có thể ngồi dậy theo truyền thuyết dân gian. Ba đứa con nhỏ bao quanh xác mẹ khóc bù lu bù loa, vừa khóc vừa réo nghe thật quá thảm thiết. Anh Bảy tay bồng đứa bé trai vừa sinh được mấy ngày, da thịt còn đỏ hỏn. Trên trán thằng bé có quẹt một quẹt lọ nghẹ để trừ tà yêu. Mặt anh Bảy bơ phờ. Miệng anh méo xệch, nói không ra hơi, khóc tức tưởi không thành tiếng. Cô và dượng, cha mẹ của chị Bảy, mặt mày ủ rũ, rơm rớm nước mắt. Khắp nhà phủ một màu tang tóc, cảnh người tóc bạc tiễn người tóc xanh thật thê thảm.

Họ hàng chung quanh nhốn nháo, người lo chỗ kê hòm, người lo tìm cách thiết trí bàn thờ Phật. Mọi người đều lăng xăng âm thầm làm việc nhưng mắt người nào người nấy đều ướt. Suốt thời gian ba bốn ngày cả nhà phủ một màu tang tóc, thê lương.

Hôm nay ngày mở cửa mả chị Bảy. Anh Bảy lủi thủi một mình ra mộ bày đồ cúng rồi thắp ba cây hương cắm trước mộ chị. Anh ngồi trệt xuống dưới đất, chấp tay vái. Miệng thì thầm cầu nguyện. Không biết anh cầu nguyện gì. Cầu cho chị lên thiên giới, về Tịnh Ðộ hay cầu khẩn chị bảo hộ cho đứa con dại mới ra đời? Chỉ thấy anh xuýt xoát, lẩm bẩm, nước mắt tuôn trào. Có lẽ anh nhớ lại những ngày chị còn sống, vợ chồng thương yêu nhau, gia đình đầm ấm. Giờ đây thì một người một ngả. Sinh ly, tử biệt và cảnh gà trống nuôi con!

Nhưng rồi ngày tháng lặng lẽ trôi qua. Mới đó mà đã một năm kể từ ngày chị Bảy qua đời. Hôm nay là ngày lễ tiểu tường chị Bảy. Trên bàn thờ hình chị Bảy chụp lúc sinh thời, thuở còn con gái, xinh đẹp, mộng mơ. Không biết bây giờ chị như thế nào? Chị có tiếc nuối cuộc đời đã qua? Chị có thấy chồng chị, con chị nheo nhóc trên thế gian này? Tiếng các thầy tụng kinh, hồi hướng công đức càng thêm áo não:

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Ðộ trung

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu.

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh

Bất thối Bồ Tát vi bạn lữ.

Anh Bảy nghe tiếng tụng kinh, lòng dạ bồi hồi. Nửa muốn chị được sống cuộc đời thanh thoát, gần Phật, gần thần thánh; nửa muốn chị trở về nhân thế chắp lại duyên xưa. Chị Bảy bây giờ có còn đoái hoài đến anh, đến các con? Hay chị bây giờ lấy Phật làm cha mẹ, lấy Bồ Tát làm bạn bè? Chị không còn nhớ tưởng đến anh nữa? Sao quá phũ phàng! Trong khi anh muốn bay qua bên kia thế giới hay xuống tuyền đài để mong gặp lại chị!

Bao nhiêu ý nghĩ ngổn ngang. Cậu Diệp Trương Thuần chưa có kinh nghiệm đời nên không bị những ý nghĩ ngang trái ấy dày vò, dằn vặt. Cậu nhìn ảnh của chị Bảy, nhìn hình dạng của anh Bảy, nhìn những đứa con nheo nhóc để thấy cuộc đời thật đầy bi lụy, hạnh phúc thật quá mong manh. Và chỉ chừng ấy, cậu đã thấy choáng váng mặt mày.

Ðể giữ trạng thái bình tĩnh, ổn định tâm thần, cậu vội vã về nhà lục lại chồng sách cũ, tìm những quyển chuyện mà gần đây cậu mua của bà bán sách cổ để đọc. Mỗi lần đọc sách cổ làm cho cậu thấy tâm thần định tĩnh. Bà bán sách này làm cậu chú ý vì giọng rao và lời rao sách độc đáo của bà. Cậu còn nhớ rõ vào một buổi trưa mùa hè, tiết trời oi ả, cậu và một người anh họ đang ngồi đánh cờ dưới mái hiên nhà, thì nghe tiếng rao trong vút của một bà người Bắc:

– Ai mua “chuyển” không? “Chuyển” đây ai mua không?

– Anh Ðức. Anh có biết “chuyển” là cái gì’ không? Cậu Thuần hỏi người anh họ.

– Cậu kém quá! “Chuyển” là chuyện theo giọng Bắc. Và Chuyện tức là truyện theo cách phát âm của người Bắc.

– Thì ra thế! Vậy mà tôi cứ thắc mắc hoài, nhưng không dám hỏi bà rao hàng, sợ bà cho mình dốt!

“Chuyển” của bà này bán gồm đủ loại: truyện cổ tích, truyện Tàu, tuồng hát bội, hát cải lương như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Mạnh Lệ Quân, Phong Thần, Tây Du Ký, Phật Bà Quan Âm... Bà bỏ những tập sách trong hai cái bầu giống như hai cái thúng, có nắp đậy, gánh đi bán khắp nơi.

Cậu Thuần rất thích truyện Tây Du Ký, nhất là sự tích Phật Bà Quan Âm.

– Anh Ðức, trong những sách như Tam Quốc, Thủy Hử, Mạnh Lệ Quân, Phong Thần, Tây Du Ký, Phật Bà Quan Âm, anh thích sách nào hơn cả?

– Tôi thích Thủy Hử. Những anh hùng Lương Sơn Bạt làm tôi say mê. Tôi cũng thích Tam Quốc, những nhân vật tài ba của Ngụy, Thục, Ngô.

– Ba nhân vật chính trong Tam Quốc: Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, anh thích người nào nhất?

– Tôi thích Tào Tháo.

– Anh thích một kẻ phóng đãng, dối chú, dối cha, gian hùng, đa nghi, độc ác như vậy sao?

– Nếu Tào Tháo là người phóng đãng, xảo trá thì làm sao hàng phục được tướng tá tài ba, trung thành liều mình giúp Tào Tháo xây dựng cơ đồ? Tào Hùng, Hứa Chữ, Hạ Hầu Ðôn nhiều phen liều chết cứu Tào Tháo. Ngay cả tướng Mạnh Ðiền cũng đã xả thân bảo vệ Tào Tháo khi ông đang say mê với người đẹp! Tào Tháo thật sự là người nổi bật trong ba nhân vật chính của Tam Quốc Chí. Ông là một chinh trị gia lỗi lạc, một nhà lãnh đạo giỏi, một nhà quân sự có tài, đầy khả năng và đảm lược để có thể đương đầu với Ðổng Trác. Ông là người biết trọng dụng nhân tài được thể hiện trong việc đối xử với Bàng Thống. Không những có tài dụng võ mà còn giỏi văn. Ông là tác giả bộ binh pháp Mạnh Ðức Tân Thư, là nhà thơ nổi tiếng: bài Ðoản Ca Hành xuất khẩu khi du ngoạn trên Trường Giang, mở màn trận Xích Bích, bài Khổ Hàn Hành được xem như một áng văn chương tuyệt tác thời vua Hiến Ðế (196-220).

– Nhưng tôi không mấy thích Tào Tháo vì hành động của ông ta thật quá bá đạo.

– Tùy thời, tùy thế đôi khi sử dụng vương đạo, đôi lúc cần đến bá đạo. Tuân Tử, một Nho gia thời Chiến Quốc qua hành động của người xưa, liệt kê ba phương thức trị loạn an dân gọi là Vương Ðạo, Bá Ðạo và Vong Quốc Chi Ðạo trong Chương Vương Bá: Vương Ðạo lấy lễ nghĩa làm căn bản. Bá Ðạo lấy tín làm nền tảng. Vong Quốc Chi Ðạo lấy lợi và quyền uy làm gốc.

“Vương Ðạo là vận động cả nước, đem cả nước hô hào làm việc lễ nghĩa. Không làm gì hại đến lễ nghĩa. Giết một người vô tội mà được thiên hạ cũng không làm. Giữ nước là giữ vững lòng mình không bị chao đảo vì quyền uy, lợi lộc. Những người cùng mình làm việc lễ nghĩa đều là nghĩa sĩ. Những luật pháp đem lại lễ nghĩa cho quốc gia đều là pháp nghĩa. Kẻ dưới lấy nghĩa mà trông cậy người trên, đó là nền tảng của an định. Nền tảng an định thì nước nhà an định. Nước nhà an định thì thiên hạ an định. Mọi hành động đều dựa vào lễ nghĩa. Ðó là vương đạo, đó là phương thức trị nước của nhà vua.

“Bá Ðạo lấy tín làm nền tảng. Tuy chưa đạt được chỗ cùng cực của lễ nghĩa, của đạo đức, nhưng không đi sai tình lý. Xử phạt công mình để cho thiên hạ tin tưởng. Kẻ dưới biết rõ qui luật để noi theo. Khi chính lệnh đã bày ra thì mặc dầu thấy không có lợi cho mình cũng không lừa dối dân. Khi đã kết ước với nước nào, dù không lợi cho mình lắm cũng không bội ước, không lừa dối người. Nhờ vậy luật pháp vững mạnh, địch quốc kính nể, cả nước một lòng, toàn dân tin tưởng. Tuy ở nơi hẻo lánh cũng có thể huy động được thiên hạ. Làm điều gì cũng có phương lược, xét việc gì cũng cặn kẽ súc tích, biết phòng ngừa sự nguy biến, trên dưới tin nhau, vì vậy thiên hạ không ai dám xem thường. Tất cả đều dựa vào chữ tín. Lấy tín làm căn bản, đó là Bá Ðạo, đó là phương thức trị nước của hàng Bá.

“Con đường làm mất nước, vong quốc chi đạo, là hô hào cả nước làm lợi, không cần phát triển lễ nghĩa, không cần giữ chữ tín, miễn có lợi là làm, chỉ biết cầu lợi. Trong thì không sợ dối dân, miễn sao có lợi. Ngoài thì không sợ dối nước thân với mình, chỉ cốt có lợi. Trong không lo sửa sang thổ địa tài hoa của mình mà muốn thổ địa tài hoa của người, khiến cho kẻ dưới lấy lòng giả dối đối với người trên. Dưới trên chia rẽ, địch quốc khinh mình, nước thân nghi ngờ mình. Chỉ biết dùng quyền mưu không trọng lễ nghĩa, coi thường chữ tín, khiến cho nước nhà nguy biến đến ngày mất nước. Ðó là Vong Quốc Chi Ðạo. Ðó là phương thức trị nước chỉ biết quyền mưu, không trọng lễ nghĩa, không giữ chữ tín”.

Ta phải đi theo con đường nào? Anh Ðức hỏi? Rồi anh nhận định: Vương đạo, Bá đạo hay Vong quốc chi đạo? Trên thực tế khó thi hành Vương đạo. Kẻ hoạt đầu mới sử dụng Vong quốc chi đạo. Còn phần đông đều áp dụng Bá đạo. Tào Tháo theo Bá Ðạo thì có gì đáng phàn nàn, trách cứ?

– Tôi vẫn cho phương thức Vương đạo là trên tất cả?

– Anh chỉ là người mơ mộng hão huyền!

Anh Ðức bước sang chuyện khác, hỏi người em họ:

– Tại sao cậu thích Tây Du Ký? Chuyện Tề Thiên Ðại Thánh đầy hoang đường, giả tưởng mà cậu cũng thích à?

– Anh không biết đó thôi. Tây Du Ký về mặt hình thức là nhịp cầu văn học Trung Hoa từ khuynh hướng tiểu thuyết anh hùng như Tam Quốc, Thủy Hử sang khuynh hướng tiểu thuyết sinh hoạt như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, đến tiểu thuyết biểu tượng tâm linh như Tây Du Ký. Về mặt nội dung là năng lực quyền biến diệu dụng của Phật, Bồ Tát trong cuộc du hành từ Trung Quốc nhà Ðường sang Thiên Trúc thỉnh Tam Tạng Kinh Ðiển Phật Giáo.

“Hầu vương hay Tề Thiên Ðại Thánh, giống như các bậc đế vương Trung Hoa hay nói chung cho toàn thế giới, đều muốn trường sinh bất tử. Nhưng làm thế nào được. Con người sinh ra trên đời, phải già, phải chết, trừ Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nghe vậy Hầu vương tìm đến một vị Tiên Ông xin học đạo, được Tiên Ông thâu nhận, đặt tên là Tôn Ngộ Không. Sau khi luyện được 72 phép thần thông biến hóa, Tôn Ngộ Không trở về động Thủy Liêm, tung hoành khắp nơi, so tài với Hỗn Thế Ma Vương, xuống biển tìm Long Vương đòi thiết bản nặng hàng chục nghìn cân mà Ngộ Không có thể biến nó nhỏ, to tùy ý. Ngộ Không còn xuống địa ngục xóa tên mình trong sổ tử để Diêm Vương không tìm được. Mặc dầu vậy Ngộ Không vẫn lo sợ, nên lên Thiên Giới ăn trộm đào, uống rượu tiên để có thể sống mãi không già, không chết nhưng bị Thái Thượng Ðạo Tổ và Phật Bà Quan Âm bắt giam vào lò bát quái. Sau 49 ngày, một đạo sĩ mở nắp lò ra xem Ngộ Không đã chết chưa, vô ý để lò rơi xuống trung giới. Ðức Thích Ca phải dùng bàn tay lật lò xuống đất, hóa thành năm ngọn núi – năm ngón tay của Phật – gọi là Ngũ Hành Sơn. Ðức Thích Ca lại lấy giấy họa phù sai A Nan đến dán nơi chóp núi. Tôn Ngộ Không bị giam trong Ngũ Hành Sơn”.

Anh có biết không”, Trương Thuần nói tiếp: Ðoạn văn trên cho ta thấy cái tài nhồi nặn hai nền văn hóa Ấn Hoa. Cách bắt ấn của Phật Thích Ca dùng bàn tay năm ngón đã biến thành năm ngọn núi lớn và giấy họa phù của Lão Giáo đã trở thành phương tiện hành hoạt của Phật qua A Nan, người đệ tử hầu cận Phật.

Nếu Tôn Ngộ Không mãi mãi bị giam trong Ngũ Hành Sơn thì quá uổng phí. Làm cách nào có thể giải thoát tên khuấy trời chọc nước này? Cải đổi tình tình nghịch ngợm của anh ta hay biến anh ta thành kẻ hộ đạo?

Phật, Bồ Tát, La Hán họp bàn việc làm cách nào mang Tam Tạng Kinh Ðiển từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc. Ai có thể đảm đang công việc này? Bồ Tát Quán Thế Âm tình nguyện tìm người phụ trách thỉnh kinh. Ngài từ giã Phật, từ giã chúng hội cùng đệ tử là Huệ Ngạn, nguyên là Mộc Tra Thái Tử con của Lý Thiên Vương, xuống núi Linh Sơn sang Ðông Ðộ tìm người.

Bồ Tát Quán Thế Âm và đệ tử trên đường đi Ðông Ðộ, gặp một con quỉ nguyên là Quyện Liêm Ðại Tướng trước kia khi còn ở trên tiên giới, vô ý làm vỡ đèn lưu ly tại đại hội vườn đào, phải xuống hạ giới. Bồ Tát Quán Thế Âm khuyên qui y Tam Bảo, cầu nguyện sám hối, đặt Pháp danh là Sa Ngộ Tịnh, khuyên ở lại tinh tấn hành trì sám hối đợi ngày tháp tùng đoàn đi sang Tây Trúc thỉnh kinh.

Ði đến một khu vực khác, Bồ Tát Quán Thế Âm gặp một con yêu tinh, nguyên trước kia là Thiên Bồng Nguyên Soái ở sông Ngân, say rượu đi lạc vào Nguyệt Cung, chọc ghẹo Hằng Nga, bị Thượng Ðế đày xuống hạ giới làm heo rừng. Ðược Bồ Tát cứu độ, đặt tên là Trư Ngộ Năng, khuyên ăn chay niệm Phật và ở đó chờ đợi ngày tháp tùng đoàn đi Thiên Trúc thỉnh kinh.

Kế tiếp Bồ Tát Quán Thế Âm gặp một con rồng trắng đang bị treo lơ lửng giữa lưng trời, chờ ngày hành quyết. Con rồng trắng này kiếp trước là thái tử con Long Vương Ngao Thuận ở biển Tây, vì quá ham chơi, đốt quả châu trước đền, bị Thượng Ðế trừng phạt. Bồ Tát Quán Thế Âm vội bay lên thiên cung xin xóa tội cho rồng, khuyên rồng kiên nhẫn ở lại chờ ngày biến thành ngựa kim chở thánh tăng qua Thiên Trúc thỉnh kinh.

Bồ Tát Quán Thế Âm cuối cùng đi đến Ngũ Hành Sơn thấy hào quang chói rọi, biết đây là nơi Tôn Ngộ Không bị nhốt trong núi. Bồ Tát cho Tôn Ngộ Không biết ngài đang kiếm người giúp thánh tăng sang Tây Vực Thiên Trúc thỉnh kinh. Tôn Ngộ Không mừng rỡ, xin tình nguyện phò tá thánh tăng dù gian nguy mấy cũng không nài. Nhận thấy Tôn Ngộ Không thực lòng hối cải. Bồ Tát chấp thuận lời thỉnh cầu của Tôn Ngộ Không.

Bồ Tất Quán Thế Âm và đệ tử Huệ Ngạn đi đến Trường An, kinh đô của nhà Ðường dưới thời vua Ðường Thái Tôn. Vua bị bệnh nặng, triều đình kiếm người chữa trị, đưa đại sư Huyền Trang vào kinh, yết kiến vua rồi ở lại kinh đô tụng kinh cầu nguyện cho vua sớm tai qua nạn khỏi. Bồ Tát Quán Thế Âm đem tích trượng và áo cà sa cho vua, khuyên vua nên ban những bảo khí này cho ngài Huyền Trang và khuyên ngài Huyền Trang nên đi Thiên Trúc thỉnh Tam Tạng Kinh Ðiển.

Cuộc du hành từ Trung Quốc sang Ấn Ðộ bằng đường bộ thật thiên nan vạn nan. Nhờ thần lực của Bồ Tát Quán Thế Âm và lòng hộ trì của đoàn tùy tùng, đặc biệt nhờ tài năng thiên biến vạn hóa của Tôn Ngộ Không mà ngài Huyền Trang đã hoàn thành công tác, trở về kinh đô Tràng An, được vua Ðường Thái Tông tiếp rước nồng hậu, được Phật tổ thọ ký cho Huyền Trang thành Chiên Ðàn Công Ðức Phật, Tôn Ngộ Không thành Ðấu Chiến Thắng Phật, Trư Ngộ Năng (Bát Giới) thành Tịnh Ðàng Sứ Giả, Sa Ngộ Tịnh (Sa Tăng) thành Kim Hân La Hán, Bạch Mã thành Bát Bộ Thiên Long.

– Anh Ðức có biết không, Trương Thuần nói tiếp: Cái đặc điểm của Tây Du Ký không những cung cấp cho chúng ta dữ kiện lịch sử mà còn cho chúng ta thấy bất kỳ một công việc gì, dù nhỏ hay lớn cần sự hợp tác của nhiều người. Pháp sư Huyền Trang nếu không có sự giúp đỡ của đoàn tùy tùng, của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, Linh Kiết Bồ Tát, Quốc Sư Bồ Tát, Thái Bạch Kim Tinh, của thần Lục Ðỉnh, Lục Giáp, Yết Ðế, Công Tào, Quảng Mục, Thiên Vương... thì không làm sao hoàn thành công tác giao phó. Ngoài ra dầu có phạm tội gì, nếu một lòng hối cải thì tội có thể tiêu vong. Ðừng nên có tâm chấp nhất...

Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát không những giúp đỡ, cứu độ mà còn khuyên giải, chỉ bày, hướng dẫn pháp sư Huyền Trang và đoàn tùy tùng. Tây Du Ký thuật lại chuyện pháp sư Huyền Trang sang Thiên Trúc thỉnh kinh, đó là đứng về phương diện nhân gian, còn đứng về mặt huyền bí linh thiêng là vai trò của Bồ Tát Quán Thế Âm.

20Pháp sư Huyền Trang là biểu tượng cho sự thanh cao, lương thiện, đạo đức, mực thước, nhân nghĩa; là biểu tượng của sự chịu đựng, ẩn nhẫn; của từ bi, trí tuệ, đại hùng, đại lực. Tôn Ngộ Không tượng trưng cho sự can đảm, mạnh dạn, ngỗ nghịch, bướng bỉnh. Trư Bát Giới là biểu tượng của sự đam mê dễ bị thế tình lôi cuốn. Sa Tăng tượng trưng cho lười biếng, do dự, rụt rè. Ngựa Bạch Kim là biểu tượng của phương tiện. Không có phương tiện Bạch Kim thì khó có thể vượt hành trình dài muôn vạn dăm, khó có thể chuyên chở kinh sách nặng nề từ Tây Vực về Ðông Ðộ.

Tất cả tính tình của con người đều được biểu lộ qua những nhân vật ghi trong Tây Du Kyù và oai lực của đức Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn được phô bày qua những đoạn đường gian nan, hiểm trở của hành trình thỉnh kinh, của cuộc đời.

– Cậu có vẻ thông thạo chuyện Phật, anh Ðức nhận định.

– Bồ Tát Quán Thế Âm, đối với tôi không những là vị thần mà còn là bùa hộ mạng. Tôi nhớ năm tôi lên 9 tuổi, năm 1914, năm Giáp Dần. Năm ấy mẹ tôi qua đời, một sự mất mát khó tả và là năm tôi bị bệnh đậu mùa vào giai đoạn nghiêm trọng. Bệnh đã thấm vào trong. Tôi nằm mê man suốt hai ba ngày, theo lời thầy tôi và anh em cho biết. Tôi không ăn, không uống, ngay cả sữa cũng không thể uống được. Thầy tôi như anh biết, là một vị thầy thuốc giỏi mà hình như cũng chịu bó tay. Cả nhà tính đến chuyện lo lui. Suốt ngày đêm cả nhà tụng kinh, niệm danh hiệu Quán Thé Âm, cầu ngài từ bi cứu độ.

Ðến đêm thứ ba, chị tôi cho biết, vì tôi đâu có rõ ngày giờ, tôi nằm mộng thấy một người đàn bà, dung mạo uy nghi, đẹp đẽ, hiền hậu, đến cạnh giường tôi, cho tôi uống thuốc. Tôi sực tỉnh, thấy người khỏe khoắn rồi bắt đầu từ đó, tôi dần dần bình phục. Tôi kể chuyện này cho thầy tôi và cả nhà nghe. Thầy tôi nói đó là Phật Bà Quan Âm đến cứu độ cho con. Bồ Tát Quán Thế Âm là bùa hộ mạng của tôi. Từ đó trở đi, khi nào gặp khó khăn gì, buồn khổ gì tôi cũng niệm danh hiệu của ngài cầu xin cứu độ.

Tôi gọi bà bán sách mua quyển truyện Cao Vương Quan Âm, đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là sau ngày Chị Bảy qua đời. Tôi tự suy nghĩ té ra đàn bà tu mà cũng thành Phật. Còn đàn ông thì như thế nào. Hình ảnh của Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên Di Ðà lại hiện ra, như ánh hào quang, lôi cuốn tôi về phía ngài để được ngài soi sáng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]