Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Tam Luận Tôn

24/12/201018:19(Xem: 8630)
6. Tam Luận Tôn

TAM LUẬN TÔN

I. DUYÊN KHỞI LẬP TÔN

Tôn này căn cứ vào các bộ Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận mà thành lập, cho nên gọi là Tam luận tôn.

Tam luận :

1.- Bộ luận Trung quán 4 cuốn, do ngài Long Thọ Bồ-tát làm ra, chánh thức là phá chấp của Tiểu thừa, một phần kiêm phá về ngoại đạo, để chỉ rõ nghĩa Đại thừa.

2.- Bộ Bách luận 2 cuốn, do ngài Đề-bà Bồ-tát làm ra, chánh thức là phá chấp ngoại đạo, một phần kiêm phá về Tiểu thừa, cùng là cốt chỉ rõ Đại thừa.

3.- Bộ luận Thập nhị tôn 1 cuốn, cũng do ngài Long Thọ Bồ-tát làm ra, gồm phá cả Tiểu thừa và ngoại đạo, để tỏ bày nghĩa sâu xa mầu nhiệm của Đại thừa.

Ấy là Tam luận, nếu thêm bộ Trí độ luận vào, tức gọi là Tứ luận. Bộ Trí độ luận cả thảy 100 quyển, cũng là ngài Long Thọ Bồ-tát làm ra để giải thích lý nghĩa trong kinh đại phẩm Bát-nhã. Đời Dao Tần ngài Cưu-ma-la-thập dịch ra bộ luận này, hoằng dương rất thạnh; đời Đường ngài Gia Tường đại sư (tức Cát Từng) làm ‘Tam luận sớ’, chuyên dùng tôn này dạy bảo học trò, xương thạnh trong một thời.

II.- PHÁ TÀ CHẤP BÀY CHÁNH LÝ

Mục đích của tôn này là phá điều tà chấp rõ bày chánh lý làm cương yếu. Phá tà chấp có 4:

1.- Phá ngoại đạo : Ngoại đạo là những học phái ngoài phạm vi Phật pháp họ không rõ lý ngã không và pháp không, một mặt chấp trước tà kiến như là nhơn tà quả, không nhơn có quả, có nhơn không quả v.v... cho nên cần phải phá trừ.

2.- Bài bác Tỳ-đàm : Tiểu thừa Tỳ-đàm tôn (tức Cu-xá tôn) - tôn ấy nói về lý ngã không pháp hữu, vì tuy biết ngã chấp nơi thân người là không, mà không biết các pháp cũng không, cho nên phải phá trừ.

3.- Bài bác tôn Thành thật : Tôn này nói về lý không, tuy rằng biết ngã pháp đều không, nhưng chưa trừ được cái tính chấp về thiên không (còn thiên chấp cái không ấy là thật có) chứ không biết không ấy cũng không, rõ không chỗ đặng, cho nên phải phá trừ.

4.- Quở trách chỗ chấp trước của người tu về Đại thừa : Về Đại thừa Phật giáo, vốn là để phá trừ chỗ mê chấp về ngã, pháp của kẻ phàm phu và Tiểu thừa, khiến cho họ xa lìa những thành kiến chấp có, chấp không, chấp đoạn, chấp thường đặng rõ bày chơn lý trung đạo, chỉ vì người học đạo thường thường ôm chặt cái sở đắc của mình, nghe nói có thời sa vào có, nghe nói không thời trệ vào không, nghe nói trung đạo thời chấp trước về trung đạo, cho nên phải phá trừ.

Trong bộ Tam luận huyền nghĩa nói rằng : “Nói tóm lại, sự phá là hiển chánh, phàm có 4 loại :

1.- Phá mà không thâu ;

2.- Thâu mà không phá ;

3.- Cũng phá mà cũng thâu ;

4.- Không thâu cũng không phá.

Nói không hiệp đạo thời phá mà không thâu ; chỗ nói hiệp chơn lý thời thâu mà không phá ; còn như người học đạo mà đầy lòng mê chấp, thời cũng phá mà cũng thâu, tức là phá trừ chỗ mê chấp, thâu lại giáo nghĩa mà họ đã hiểu lầm. Đến như chơn lý thì xa lìa nói phô, bặt dứt tâm niệm lự, thiệt không thể nói rằng phá, không thể nói rằng thâu; tiêu trừ ba loại nói trên, qui về một chơn thật tướng, hễ người soi thấu bốn câu ấy thời chỗ phá lập rõ ràng”.

Như vậy, tà chấp phá thời chánh lý tụu bày, ngoài sự phá tà không có chánh lý nào riêng nữa vậy. Chánh có ba loại :

1.- Đối với thiên chấp mà nói là chánh, gọi là thiên chánh ;

2.- Đối với sự trừ hết thiên chấp mà nói là chánh, gọi là tận thiên chánh ;

3.- Thiên chấp đã bỏ, chánh lý cũng không còn, không phải thiên mà cũng phải chánh, không thể gọi là gì, gượng nói là chánh, vì bặt dứt sự đối đãi, gọi là tuyệt đãi chánh.

III.- BỐN TẦNG LỚP CỦA HAI ĐẾ

Tôn này đã dùng sự phá tà rõ chánh làm chủ đích nhưng cái chánh gọi là rõ bày chánh lý, có thể chánh và dụng chánh; Dụng chánh là giáo lý về tục đế và chơn đế; xuất thế gian là chơn đế, cũng gọi là đệ nhất nghĩa đế; còn pháp thế gian là tục đế, cũng gọi là thế đế. Tôn khác cũng lập ra hai đế, nhưng đều lấy hai đế làm lý sở chứng hoặc cảnh sở quán, ấy là chính nơi lý mà lập ra hai đế; tôn này thời chủ trọng chính nơi giáo pháp mà lập ra hai đế, nghĩa là nói Phật vì muốn phá chấp không, cho nên đứng về tục đề mà nói là có; muốn phá cái chấp có, cho nên đứng về chơn đế mà nói là không. Nhưng người học đạo đối với ngôn giáo của Phật, lại sanh ra kiến chấp mê lầm, nên cũng phải phá trừ; vì vậy, cho nên tôn này mới mở hai đế lập thành bốn tầng, không thường gọi là tứ trùng nhị đế, để triệt để phá trừ chỗ mê chấp.

1.- Muôn tượng sai biệt trong thế gian, hiện có rõ ràng, nhưng đều do nhơn duyên hòa hiệp mà thành, không có tự tánh, đương thể tức không, cho nên tục đế là có, chơn đế là không; nhưng cái không và cái có ấy là chính nơi một vật mà đứng về hai phương diện để quan sát, cho nên tục đế cho là có, là cái có tức nơi không, chơn đế cho là không, là cái không tức nơi có. Tôn khác có người chấp không và có làm hai đế, nghĩa là nói ngoài cái không thiệt có cái có, ngoài cái có thiệt có cái không, tôn này dùng lý này mà đối phá, nói cái có tức không là tục đế, là muốn chỉ rõ cái có không thiệt có - chỉ là giả dối - để phá chỗ chấp có của chúng sinh; nói cái không tức là có là chơn đế ý là muốn chỉ rõ cái không không phải không - không, phải không hẳn như hư không để phá chỗ chấp không của Tiểu thừa ngoại đạo; ấy là từng thứ nhất về hai đế.

2.- Có tôn khác lại chấp giả có, giả không là hai đế, nay phải đối phá: gọi rằng giả có và giả không lập riêng, còn thuộc về tục đế; chính cái có không thật có, đồng thời tức cái không không phải không, có, không, xưa nay chẳng phải hai, cho nên lấy sự có, không về tầng thứ nhất cho là tục đế, mà dùng cái đạo lý chẳng phải có, chẳng phải không là chơn đế; ấy là tầng thứ hai về hai đế.

3.- Có, không là hai; không phải có, không phải không, mới là không hai; phân biệt hai cùng không hai mà quán tưởng, còn là tục đế. Không hai mà cũng không phải là không hai, mới là chơn đế; ấy là từng thứ ba về hai đế.

4.- Ba tầng về hai đế trước đều là lời dạy bảo, để phá trừ chỗ chấp trước. Sở dĩ nói ra ba pháp môn ấy, là khiến người ngộ đến cái chơn lý không ba, phải dứt bỏ lời nói phô, tâm niệm lự, quy về chỗ vô sở đắc, mới hiệp với chơn lý. Cho nên ba tầng trước điều là tục đế; không phải là không có, cũng không phải là không không, mới là chơn đế; ấy là từng thứ tư về hai đế. Lý thuyết hai đế này mục đích là rõ bày chơn lý vô sở đắc của trung đạo, thật tướng của vũ trụ.

IV.- TRUNG ĐẠO BÁT BẤT

Tôn khác gọi rằng sự phá trừ điều mê lầm, riêng có lý trung đạo ; Tôn tam luận này thời khác hẳn, chủ trương; phá hết mê tình tức là trung đạo, cho nên mới có cái lý thuyết bát bất trung đạo, là : bất sanh, bất diệt, bất đoạn, bất thường, bất nhất, bất dị, bất khứ, bất lai. Không ngộ được tám moon ấy tức là không rõ chơn đế và tục đế, cho nên dùng năm câu và ba lý trung đạo mà phân biệt.

Câu thứ nhất : Thiệt có sanh diệt ; ấy là nhận sanh diệt làm thiệt, gọi là đơn tục (đứng riêng về mặt thế tục).

Câu thứ hai : Không sanh không diệt; ấy là chấp không sanh không diệt làm thiệt, gọi là đơn chơn, đều là chếch lệch, chưa hiệp về trung đạo.

Câu thừ ba : Giả sanh giả diệt, là sanh diệt tức nơi bất sanh bất diệt, cho nên gọi là giả; ấy là trung đạo về thế tục.

Câu thứ tư : Cái giả của bất sanh và bất diệt. Vì sự sanh diệt đã giả, thời sự bất sanh bất diệt cũng là giả; ấy là trung đạo về chơn đế.

Câu thứ năm : Không phải sanh diệt mà cũng không phải là không sanh diệt; ấy là dung hiệp cả tục đế và chơn đế mà nói lý trung đạo ; vì rằng thật tướng của pháp giới không sanh diệt cũng không phải là không sanh diệt, bặt dứt lời nói phô và tâm niệm lự.

Trên đây từ câu thứ ba đến câu thứ năm, ba lý trung đạo, thường gọi là tam trung; ấy là chính nói chỗ sanh diệt mà lập; từ đoạn thường sắp xuống cũng như lý ấy mà suy xét thời rõ.

V.- HAI TẠNG VÀ BA PHÁP LUÂN.

Tôn này nói rằng kinh điển Tiển thừa và Đại thừa, đồng tỏ bày một đạo lý lấy Ềvô đắc chánh quanỂ làm tôn. Phật nói ra các pháp môn, đều là đối trị những phiền não của chúng sinh, tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc, thuốc không cao thấp, lành bịnh là hay, cho nên các kinh giáo trong một đời của Phật, mỗi mỗi đều đủ đẳng, thắng, liệt ba bậc, gọi là môn đẳng, thắng, liệt nương nhau mà thành. Nhưng căn khí của chúng sinh không đồng nhau, thời pháp môn cũng nhơn đó mà sai biệt, cho nên lại dùng hai tạng và ba pháp môn mà phân biệt, gọi là môn nhiếp hóa ứng bịnh hco thuốc.

Hai tạng, hai tạng là Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng. Thanh văn tạng là giáo Tiểu thừa, cũng gọi là bán tự giáo; Bồ-tát tạng là giáo Đại thừa, cũng gọi là mãn tự giáo. Thanh văn và Bồ-tát là theo bậc người mà đặt tên; Đại thừa và Tiểu thừa là theo giáo pháp mà lập tên; còn bán tự và mãn tự là theo nghĩa mà lập tên. Bậc Tiểu thừa có Thanh văn và Duyên giác, nhưng đây chỉ gọi là Thanh văn tạng, là vì bậc Thanh văn nghe theo giáo lý của Phật, mà bậc Duyên giác thời không. Duyên giác cũng có bậc gọi là độc giác, ra đời không gặp Phật chỉ tự mình quán theo lý nhơn duyên mà chứng đạo. Còn như Đại thừa thời có Phật và Bồ-tát, nhưng đây chỉ nói Bồ-tát, là vì bậc Bồ-tát y theo giáo lý của Phật.

Ba pháp luân - Ba pháp luân tức là ba lần chuyển bánh xe Pháp :

1.- Căn bổn pháp luận tức là giáo lý nhất thừa. Khi Phật mới thành đạo ở trên hội Hoa nghiêm toàn vì các bậc Bồ-tát, khai thị pháp môn một nhơn một quả (tu nhơn Phật thành quả Phật, chứ không thành Thanh văn và Duyên giác); ấy tức là giáo nghĩa về căn bổn.

2.- Chi mạt pháp luân là giáo lý về tam thừa. Vì các chúng sinh phước đức mỏng manh, căn tánh chậm lụt, không thể nghe được lý một nhơn một quả, cho nên ở trong một Phật thừa nói ra có ba; ấy gọi là giáo lý về chi mạt.

3.- Nhiếp mạt qui bổn pháp luân, tức là thâu nhiếp ba thừa về nhất thừa. Phật trong 45 năm, nói ra giáo lý tam thừa, rèn đúc tâm tánh cho chúng sinh, đến hội Pháp hoa mới hội qui ba thừa về một Phật đạo; ấy gọi là giáo lý nhiếp mạt qui bổn (thâu nhiếp nhánh nhóc về nơi cội gốc).

VI. BA THỜI GIÁO LÝ

Tòn này lại có chia giáo lý của Phật ra làm ba thời kỳ, ấy là ngài Trí Quang luận sư ở Ấn Độ lập ra.

Trong bộ “Hoa nghiêm thám huyền ký” của ngài Hiền Thủ nói rằng : Ngài Trí Quang luận sư y theo kinh Bát-nhã, Luận trung quán v.v... lập ra ba thời giáo, nghĩa là nói đức Phật đầu tiên ở nơi vườn Lộc giả, vì các bậc căn trí hẹp hòi, nói các Tiểu thừa, tâm cảnh đều có. Đến thời kỳ thứ hai, Phật vì các bậc căn trí bậc trung, nói pháp tướng Đại thừa, chỉ rõ đạo lý duy thức cảnh không (thế giới hiện tượng không thật có), tâm có (tâm thức thật có - thế giới tinh thần) ; vì căn cơ người còn kém chưa thể dẫn vào chỗ bình đẳng chơn không, nên mới nói ra giáo lý ấy. Đến thời kỳ thứ ba, Phật vì các bậc thượng căn thượng trí, nói ra giáo lý vô tướng Đại thừa, biện bạch tâm cảnh đều không, một mực bình đẳng là chơn liễu nghĩa. Nói tóm lại, như trên đã nói, tâm cảnh đều có là thời kỳ thứ nhất; cảnh không tâm có là thời kỳ thứ hai; tâm với cảnh đều không là thời kỳ thứ ba. Lại ba thời kỳ ấy có thể chia ra làm ba nghĩa đặng giải bày :

1.- Những căn cơ nhiếp hóa trong ba thời kỳ ấy, thời kỳ đầu tiên chỉ nhiếp hóa được bậc Tiểu thừa; vì tôn Pháp tướng nói có một phần nhị thừa, không tu tớI quả Phật vậy; đến thời kỳ thứ ba chỉ thâu nhiếp các bậc Bồ-tát, thông cả tiệm giáo và đốn giáo, chủ trương các bậc nhị thừa đều tu tới quả Phật, không đường nẻo khác vậy.

2.- Giáo pháp của Phật nói trong ba thời kỳ, ban đầu chỉ dạy Tiểu thừa; thời kỳ thứ hai thông cả tam thừa, thời kỳ thứ ba chủ nói nhất thừa.

3.- Những giáo lý đã nói rõ trong ba thời kỳ, ban đầu thời phá cái chấp về tự tánh, thần ngã của ngoại đạo, cho nên nói pháp duyên sanh, xác định là thật có; thời kỳ thứ hai, lần hồi phá trừ chỗ chấp của nhị thừa về lý duyên sanh thật có, mà nói lý duyên sanh ấy chỉ là giả dối như tuồng có mà thôi, vì họ sợ về chỗ chơn không, cho nên phải để giả hữu lại (như tuồng có) mà dìu dắt họ. Đến thời kỳ thứ ba mới thật là chỗ rốt ráo của Đại thừa, nói duyên sanh ấy tức là tánh không, một mực bình đẳng, viên dung cả hai đế không ngại.

VII.- THÀNH PHẬT

Tôn này nói rõ nghĩa thành Phật, có chia làm chơn, tục hai môn :

1.- Trong môn chơn đế nói rõ chúng sinh và Phật như nhau, nhiễm, tịnh đều bình đẳng; hết thảy chúng sinh xưa nay là Phật, sáu đạo luân hồi văn tự tịch diệt, không mê không ngộ, đâu luận đến thành Phật cùng không thành Phật, cho nên nói “mê ngộ vốn không, vắng lặng tịch diệt”.

2.- Trong môn tục đế thời nói các pháp do nhơn duyên mà sanh khởi ra, vì đạo lý ấy, nên căn cơ người có lanh lợi có chậm lụt, thời sự tu hành thành Phật cũng có chậm có mau; căn cơ rất lanh lợi, thời trong một niệm thành tựu chánh quán bát bất, tức thành quả Phật; như chậm thời phải trải qua ba đại kiếp, tu hành lục độ vạn hạnh, mới được thành Phật - nhưng một niệm không ngại ba kỳ (ba đại kiếp), ba kỳ không ngại một niệm, một niệm tức ba kỳ, ba kỳ tức một niệm, niệm và kiếp dung thông, cũng như trong một giấc chime bao, rõ ràng thấy việc trăm năm, việc trăm năm ví bằng giấc ngủ. Mà nếu luận về sự tu hành trong ba đại kiếp thời phải trải qua 51 vị, sau mới thành Phật. Cho nên tôn này từ bậc Bồ-tát tới quả Phật, tổng cộng lập thành 52 vị, 52 vị là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thạp hồi hướng, thập địa, đẳng giác và diệu giác (xen bản đồ kê ở Pháp tướng tôn).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]