Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Khả Năng Thương Yêu

08/12/201001:50(Xem: 5680)
IV. Khả Năng Thương Yêu
ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Nguyễn Duy Nhiên tuyển dịch
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội


IV.KHẢ NĂNG THƯƠNG YÊU

Ai cũng có khả năng thương yêu

Khi mới bắt đầu tập thiền quán tâm từ, metta, có một kinh nghiệm đã giúp tôi thấy rõ được tâm thức mình, cũng như cách tôi liên hệ với những người chung quanh. Lúc ấy, tôi được hướng dẫn thực tập ban rải tình thương của mình đến một người dưng, mặc dù lúc đó tôi cũng không hiểu rõ “người dưng” là như thế nào.

Thầy tôi, ngài Anagarika Munindra, chỉ nói rằng tôi hãy chọn một người nào gần đây, người mà tôi không thương cũng không ghét.

Lúc ấy tôi đang sống ở Ấn Độ, và trong tu viện nhỏ nơi tôi trú ngụ có một ông lão làm vườn. Tôi gặp ông ta mỗi ngày, nhưng thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ gì về ông. Ông chỉ là một người mà tôi nhìn thấy mỗi khi đi ngang qua. Và tôi giật mình khi ý thức được rằng, có biết bao nhiêu người như vậy chung quanh tôi, những người mà tôi hoàn toàn không thương cũng không ghét. Khám phá đó tự nó cũng là một sự giác ngộ đối với tôi.

Và rồi trong nhiều tuần liên tiếp, đều đặn mỗi ngày, trong lúc ngồi thiền tôi bắt đầu quán tưởng về ông lão làm vườn, và niệm thầm những câu như: “Mong cho ông được an vui, mong cho ông được khoẻ mạnh, mong cho ông không bị khổ đau.”

Sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy một sự ấm áp và thân thiện đối với ông lão, và mỗi khi tôi đi ngang ông con tim tôi mở rộng ra.

Và đó cũng là một kinh nghiệm rất quan trọng trên con đường thực tập của tôi. Tôi khám phá được rằng, cảm tình của tôi đối với một người nào đều tùy thuộc vào ở chính nơi tôi, mà thật ra, tình cảm ấy hoàn toàn không hề dính dáng gì đến người kia, đến thái độ của họ, hay vào hoàn cảnh. Ông lão làm vườn trước sau vẫn vậy không thay đổi. Ông không hề đổi cách ông làm việc hay thái độ đối với tôi. Nhưng vì tôi có một cái nhìn mới, và một sự thực tập, con tim tôi bắt đầu mở rộng ra với một sự cảm thông chân thành và quý mến.

Và điều này cũng giúp tôi học được một bài học quan trọng về năng lượng có mặt của tâm từ. Vì tình thương này không hề tùy thuộc vào bất cứ một cá tính nào của người kia, nên nó sẽ không dễ biến đổi thành thù ghét, hờn giận hay là bực dọc, như các loại tình thương có điều kiện khác. Tình thương vô điều kiện này được phát xuất từ một con tim rộng lượng.

Chúng ta ai cũng có thể cảm nhận được thứ tình thương này, nhưng có thể ta sợ hoặc nghĩ rằng nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng của mình. Nhưng tâm từ không phải là những năng lực dành riêng cho các bậc như là Đạt-lai Lạt-ma, Mother Teresa, hoặc một hạng người xa xôi nào đó. Chúng ta ai cũng có thể thực tập và phát triển, và đều có khả năng thương yêu theo cách ấy.

Làm sao ta có thể mở rộng con tim mình ra trước những khổ đau? Tuệ giác nào có thể làm phát khởi một tâm từ trong ta?

Có một sự thật rất đơn giản và sâu sắc là hạnh phúc chân thật không hề phát xuất từ sự thu góp hoặc tích chứa cho nhiều những cảm giác vui thú. Bạn hãy thử nhìn lại cuộc đời mình đi, với những cảm giác dễ chịu, những sự kiện vui thích mà mình đã kinh nghiệm, chúng có mang lại cho ta một hạnh phúc nào vĩnh viễn chăng? Chúng ta biết chắc là không, bởi vì tự chúng cũng không thể nào có mặt lâu dài được.

Xã hội và văn hoá chúng ta lúc nào cũng vun bồi cho một niềm tin rằng hạnh phúc được phát xuất từ những cảm giác vui thích. Có lần tôi xem một trang quảng cáo thuốc lá có hình của một đôi nam nữ rất đẹp đứng trong một khung cảnh như thiên đàng, với điếu thuốc trên tay, bên dưới là dòng chữ: “Không có gì ngăn trở được thú vui của tôi.” Và đó không chỉ là lời quảng cáo cho thuốc lá mà thôi, thật ra nó có mặt khắp nơi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Có được cái này và bạn sẽ có hạnh phúc, nhận được cái kia thì bạn sẽ có một niềm vui...

Một điều rất nguy hiểm là niềm tin này – hạnh phúc chân thật có thể phát xuất từ những cảm giác vui thích – sẽ khiến ta trở nên khép kín với những gì mang lại cho ta sự khó chịu. Nhưng nếu ta đóng chặt con tim trước khổ đau thì ta cũng tự lấp kín nguồn suối thương yêu của chính mình.

Tuệ giác thiền tập sẽ giúp ta thấy rằng, hạnh phúc hoàn toàn không tùy thuộc vào những cảm giác dễ chịu của ta. Nhưng nếu vậy thì hạnh phúc chân thật bắt nguồn từ đâu? Và đó cũng là câu hỏi chính của thiền tập.

Thiền tập là một nghệ thuật sống, một nghệ thuật tương quan với những gì có mặt trong ta và chung quanh ta. Mỗi khi ta có những cảm xúc như buồn hay vui, giận hờn hay thương yêu, sợ hãi hay can đảm... bao giờ cũng có rất nhiều cách khác nhau để ta quan hệ với chúng. Ta có bị vướng mắc không? Ta có nhận chúng là mình không? Tâm ta có rộng lớn đủ để chấp nhận chúng không, hay đang bị chúng sai xử?

Tâm ta cũng giống như một bầu trời rộng lớn, một không gian bao la. Mọi vật có thể khởi lên trong đó, nhưng không gian ấy vẫn không hề bị ảnh hưởng. Với công phu thiền tập tâm ta có thể được giống như bầu trời ấy, không hề bị lôi cuốn hay dính mắc vào một hiện tượng nào hết. Với một tâm như vậy, chắc chắn ta sẽ an trú trong hạnh phúc, vì nó không hề bị thay đổi hay chi phối bởi những điều kiện. Không có một hạnh phúc nào cao tột hơn là niềm an lạc. Và sẽ có lúc ta cảm nhận được sự thật ấy.

Điều quan trọng ta cần nhớ là hãy xem tâm từ như là một sự thực tập. Có lúc ta cảm thấy thương yêu, và sẽ có lúc không. Cũng có những lúc niềm đau nỗi khổ to lớn quá, ta cần phải bước lui lại một chút, khép kín lại một chút, để mình không bị tràn ngập. Những lúc ấy, ta cần tạo cho mình một khoảng không gian để có thể lấy lại được sự quân bình và an ổn. Và với một năng lượng mới, ta lại có thể mở rộng con tim mình ra. Mỗi lần thực tập tâm từ là mỗi lần năng lượng thương yêu trong ta được lớn mạnh thêm.

Trong thiền tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày, vấn đề quan trọng không phải là ta có một kinh nghiệm đặc biệt nào, mà là ta thực tập tiếp nhận chúng như thế nào! Nếu ta biết đối xử với chúng cho khôn khéo, cho dù bất cứ điều đó là gì, tâm ta sẽ mở rộng ra trước mọi kinh nghiệm của cuộc sống. Và tuệ giác ấy sẽ nuôi dưỡng, làm lớn mạnh tâm từ trong ta.

Đức Đạt-lai Lạt-ma nói: “Chúng ta chỉ là những người khách ghé thăm hành tinh này. Chúng ta ở đây nhiều lắm thì cũng chín mươi, hoặc trăm năm là cùng. Trong thời gian ấy, ta hãy gắng làm gì cho hữu ích, mang lại những gì là tốt lành cho cuộc đời bằng cuộc sống của mình. Hãy tập cho mình có một sự an lạc, và chia sẻ niềm an lạc ấy đến với người chung quanh. Và nếu ta đóng góp được hạnh phúc cho kẻ khác, ta sẽ thấy được mục đích của cuộc đời này, ý nghĩa của cuộc sống này.”

Điều đó rất đơn giản. Chúng ta chỉ ở đây trong một thời gian thật ngắn ngủi. Chúng ta có thể làm điều gì tốt lành với cuộc sống của mình không? Ta có thể tạo cho mình một niềm an lạc và san sẻ hạnh phúc ấy với người khác được chăng? Và khi ta đóng góp thêm cho hạnh phúc của kẻ khác ta sẽ thấy được mục đích và ý nghĩa của cuộc đời này. Công việc của ta là vậy. Và đó cũng là một thử thách của ta.

Joseph Goldstein

Bố thí là sự tu tập

Nhiều năm trước đây tôi có hướng dẫn những khóa tu học với chủ đề bố thí như một phương pháp tu tập. Những người đến tham dự là một nhóm tình nguyện viên của một trung tâm thiền tập trong vùng. Chúng tôi khám phá ra một điều khá ngạc nhiên là chỉ có một vài người trong nhóm nghĩ rằng, sự phục vụ của mình cũng là một phương pháp tu tập. Còn đa số thì cho rằng, họ bỏ công sức và thì giờ làm việc là vì không có đủ tiền, cho nên họ tình nguyện giúp việc trong các trung tâm để có thể tham dự các khoá tu học miễn phí. Trong tâm những người ấy chỉ chú trọng đến những gì được tiếp nhận hơn là những gì mang ra ban cho.

Cũng có một số người nói rằng, họ tình nguyện vì việc này thích hợp với “triết lý sống” của họ, phụng sự là một việc cao thượng “đáng làm”, thế thôi! Họ không cảm thấy có gì đặc biệt trong công việc ấy cả. Và họ cũng không thấy được có một tương quan nào giữa sự tình nguyện của mình với một phương pháp tu tập. Họ nghĩ rằng bố thí hay cúng dường chỉ có nghĩa là ta kính dâng tặng một số tiền cho vị thầy hướng dẫn sau mỗi khóa tu.

Theo tôi thì các tình nguyện viên này đã vô tình không ý thức được những hạnh phúc lớn trong sự bố thí công sức và thời giờ của họ. Chúng ta ai cũng biết rằng, mình cần bỏ công sức vào những việc gì mình tin và trân quý, nhưng ít ai trong chúng ta lại có thể hiểu được sâu sắc về lợi ích của nó.

Và tôi cũng ngờ rằng, trong chúng ta có mấy ai hiểu được lý do vì sao sự bố thí lại được xem là rất quan trọng trong đạo Phật. Chúng ta ai cũng biết ban cho là một điều tốt lành, và ta sẵn sàng giúp đỡ người khác mỗi khi có ai cần đến. Nhưng chúng ta có nhìn sâu sắc và thấy được rằng bố thí cũng là một con đường tu tập giải thoát chăng?

Có một vị thầy rất nổi tiếng có dạy rằng: “Trong cuộc sống đầy những thúc đẩy chạy theo vật chất này, gốc rễ là lòng tham ái, bố thí là con đường đưa ta đến Niết-bàn.”

Khi giảng dạy cho những người mới bước vào con đường tu tập, đức Phật thường bắt đầu bằng cách dạy họ bố thí. Và có nhiều người tin rằng, sở dĩ đức Phật đặt nó vào địa vị đầu tiên trong các ba-la-mậtlà vì bố thí là nền tảng căn bản nhất, các ba-la-mậtkhác đều phát triển từ sự bố thí.

Nhưng cũng có khi vì nó được nhắc đến đầu tiên mà ta có thể cho rằng nó không quan trọng, chỉ là bước đầu cho người sơ cơ mới vào đạo. Ta có thể bỏ qua để thực tập những cái khác “cao” hơn! “Biết rồi, biết rồi, bây giờ thực tập tiếp sang cái khác đi!” Nhưng thật ra bố thí hay cúng dường không chỉ là một phần của con đường tu học, mà nó chính là nền tảng căn bản của sự tu tập. Và chính từ nền tảng đó mà tất cả những cái khác được xây dựng lên.

Có một vị sư trưởng trong truyền thống của Ngài Ajahn Chahnói rằng, sở dĩ đức Phật dạy bố thí đầu tiên là vì nếu một người không thể thực tập bố thí thì ta không thể dạy đạo cho người ấy.

Nếu ta không thấy được tầm quan trọng của sự bố thí, và không có một kinh nghiệm gì về nó, thì những hình thức tu tập khác – như là trì giới, thiền quán, hoặc tâm từ – sẽ không thể nào cất cánh nổi. Ta cần phải có một sự mềm mỏng của con tim, một sự nhẹ nhàng êm ái, một thái độ vị tha, trước khi có thể bắt đầu bước đi trên con đường tu tập! Và sự nhẹ nhàng êm ái ấy chỉ có thể được phát triển bằng kinh nghiệm trực tiếp của sự bố thí.

Tôi nghĩ không hề quá đáng khi cho rằng hiểu và ý thức rõ năng lượng của bố thí là một điều kiện tiên quyết trên con đường giải thoát.

Vậy ta thực hành bố thí trên đường tu tập như thế nào? Câu trả lời là: Bằng cách tiếp xúc lại với hạt giống rộng lượng trong ta, và học trực tiếp từ chính kinh nghiệm thực tập bố thí.

Tôi biết điều này không đơn giản như mình nghĩ, nhưng sự thực tập bố thí có công năng chuyển hóa được ngã chấp. Với sự thực tập này, chúng ta sẽ chuyển hoá được những vướng mắc trong ta – chỉ biết có mình, của mình và cho chính mình – và ta thay thế chúng bằng sự quan tâm đến những an lành của người khác.

Trên con đường tu tập, bố thí là một phương pháp thực tập rất nhiệm mầu. Ta hãy kinh nghiệm trực tiếp từ hai hành động của mình: ban cho và nắm giữ, cái nào mang lại cho ta khổ đau và cái nào mang lại cho ta nhiều hạnh phúc hơn?

Đức Phật có dạy:

“Này các thầy, trong cuộc sống này, một người biết ban cho sẽ có ba hạnh phúc. Ba hạnh phúc ấy là gì? Trước khi bố thí tâm người ấy cảm thấy hạnh phúc. Trong khi bố thí, tâm người ấy cảm thấy an lạc. Và sau khi bố thí tâm ngươi ấy cảm thấy rất hân hoan.”


(Anguttara, 6.37)


Ta hãy thử thực tập và hãy tự mình kinh nghiệm điều đó!

Gloria Taraniya Ambrosia

Lá chắn tình thương

Tôi nghĩ câu chuyện Phật giáo đầu tiên mà tôi được nghe khi mới bắt đầu tu tập, vào ba mươi năm trước, là câu chuyện này. Có một bọn cướp kéo ngang qua miền quê ở Nhật, gieo tang tóc và kinh hãi cho bất cứ nơi nào chúng đến. Khi chúng sắp sửa kéo đến một làng nọ, tất cả các tu sĩ trong ngôi chùa của làng đều rủ nhau di tản hết, chỉ có vị trú trì là ở lại. Khi bọn cướp bước vào chùa, chúng thấy vị sư trưởng ngồi yên trong tư thế toạ thiền giữa chánh điện, vững chãi và tĩnh lặng.

Tên tướng cướp lộ vẻ tức giận, hắn bước đến gần vị sư, tuốt gươm ra và hét lớn: “Tên kia, ngươi có biết ta là ai không? Ta là người có thể đâm lưỡi gươm này xuyên qua người của ngươi mà không hề rúng động hay chớp mắt!”

Vị sư mở mắt nhìn tên tướng cướp và nói: “Và thưa ngài, tôi là người có thể để lưỡi gươm của ngài đâm xuyên qua mà không hề rúng động hay chớp mắt!”

Phải mất nhiều năm tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện thiền ấy. Ngày xưa, tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được là mình có thể đứng trước một sự việc như vậy mà lại không chớp mắt. Khi còn trẻ, nếu như có ai đi thử tánh giật mình của tôi thì chắc chắn tôi sẽ thất bại hoàn toàn. Và một lý do khác nữa khiến tôi không thích câu chuyện ấy vì nó có vẻ coi thường sự sống quá! Ngày xưa tôi nghĩ câu chuyện ấy muốn nói rằng, đối với vị thiền sư thì việc sống hay chết cũng không có gì khác biệt. Nhưng đối với tôi thì chúng là một trời một vực khác nhau. Tôi thì rất muốn sống!

Thật sự tôi không biết phải chăng câu chuyện ấy có ý muốn nói rằng, vì có được một tuệ giác lớn, thấy được chân lý, nên đối với vị thiền sư vấn đề sanh tử không có gì khác biệt nhau! Nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề quan trọng. Điểm quan trọng, mà bây giờ theo tôi hiểu, là vị thiền sư ấy thật sự biết rõ rằng, trong giây phút đó ông không thể làm gì khác hơn được hết. Câu chuyện không hề nói gì về việc vị thiền sư ấy cảm thấy thế nào về cái chết; chỉ nói rằng ông vẫn giữ được sự quân bình của mình trước cái chết không tránh được trước mắt.

Đứng trước một khó khăn chắc chắn sẽ xảy ra, ta có hai sự chọn lựa. Ta có thể chống cự bằng thân hoặc trong tâm, và rồi chỉ tạo nên nhiều rối loạn và bất an cho chính mình. Hoặc ta có thể đơn giản nhận biết rằng sự thật đang xảy ra là như vậy! Mà bạn biết không, thường thì đó là điều xảy ra khi những việc trọng đại, ví dụ như một cái chết, đang sắp sửa đến gần. Tâm ta sẽ buông bỏ hết những hy vọng về một thực tại khác hơn. Và khi ta buông bỏ được những kỳ vọng ấy, tâm ta cũng sẽ trở nên buông thư và an tĩnh hơn. Nó không còn mệt mỏi đi tìm kiếm một lối thoát nào, vì thật ra không còn cách nào khác hơn nữa. Thế nên, mặc dù đó là sự chấm dứt, nhưng không có gì là khổ não.

Điều quan trọng đối với tôi là làm sao để thấy được sự khác biệt giữa khổ (suffering) và đau (pain). Khổ là phần xáo động, căng thẳng xảy ra trong tâm, nó chỉ là phần phụ trội, cộng thêm vào cho cái đau của thân hoặc tâm. Nếu ta tránh được sự căng thẳng ấy là ta cũng tránh được cái khổ. Và vị thiền sư trong chuyện đã có thể buông bỏ được sự căng thẳng ấy.

Bạn biết không, ngay cả những ai chưa có nhiều năm tháng tu tập cũng vẫn có khả năng buông bỏ được cái phần bất an ấy, khi họ bắt buộc phải đối diện với những gì không thể tránh né được. Mà đó không phải là lý thuyết suông đâu! Tôi đã từng chứng kiến điều này nơi những người bạn của tôi, khi họ đang hấp hối với chứng bệnh ung thư.

Một thái độ vô úy, không sợ hãi, chỉ đơn giản là một thái độ biết chấp nhận bất cứ việc gì đang xảy ra. Nhưng đó không phải là một thái độ “dửng dưng”, “bất cần đời” của tuổi trẻ mới lớn, có tính cách thách thức. “Bất cứ việc gì” ở đây có nghĩa là cho dù đó là bất cứ sự thật nào. Cái này xảy ra vì cái kia xảy ra, cái này có mặt vì cái kia có mặt. Luật nghiệp quả có thật. Đây là những gì đang có mặt và xảy ra trong giây phút này. Thực tại là như vậy và không thể khác hơn. Nó là như thế đó, và một thái độ biết chấp nhận luôn có khả năng xoa dịu mọi bất an.

Sự vô úy như thế còn phát xuất từ một tấm lòng từ ái và tốt đẹp, cho dù ta phải đối diện với bất cứ sự đe doạ nào. Lẽ dĩ nhiên là ta cảm thấy sợ hãi, nhưng thay vì chống cự lại, ta ôm lấy và chấp nhận nỗi sợ ấy – tâm từ là một liều thuốc có công năng trực tiếp giải trừ hết mọi sợ hãi.

Điều này đã được diễn tả qua một hình ảnh rất đẹp về đức Phật trong đêm thành đạo. Đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề, một dáng ngồi thanh thản và tĩnh lặng, và bao bọc quanh ngài như có một tấm màn chắn bảo vệ. Bên ngoài, chung quanh là các ma vương, chúng là những phiền não, khổ sở đàn áp tâm ta. Có những ma vương cầm giáo nhọn hướng về đức Phật, có những ma vương hiện hình thành những thiếu nữ xinh đẹp đầy khêu gợi, chúng muốn ngăn chặn sự tập trung của Phật, muốn khơi dậy sự sợ hãi trong tâm ngài trước sự tấn công tới tấp từ mọi phía.

Nhưng đức Phật vẫn ngồi yên bất động, với một bàn tay chạm xuống mặt đất, như muốn nói rằng: “Ta có toàn quyền có mặt ở nơi này.” Tấm màn chắn che chở chung quanh, bảo vệ Phật khỏi mọi sợ hãi và khổ đau đó chính là lòng từ. Chính năng lượng tâm từ của ngài đã toả chiếu và làm tan biến mọi khổ não và lo âu.

Thái độ bao dung và tâm từ của ta cũng là tấm chắn bảo vệ và che chở chính mình. Trong hình ảnh ấy, khi những ngọn giáo và mũi tên bay chạm vào tấm màn chắn bao quanh Phật, chúng biến thành những đoá hoa thơm lả tả rơi xuống mặt đất chung quanh ngài. Tôi nghĩ rằng những đoá hoa đó tượng trưng cho sự chuyển hóa, khổ đau biến thành hạnh phúc. Và nếu ta biết nuôi dưỡng tâm từ, với một tấm lòng rộng mở, cũng như đức Phật, ta sẽ có khả năng làm tan biến mọi sự mê mờ, khổ đau và tất cả những sợ hãi trên cuộc đời này.

Bây giờ ta hãy trở lại với câu chuyện của vị thiền sư kia. Giả sử trong tu viện của ông có những vấn đề khó khăn, bất hòa, những đệ tử của ông tỏ thái độ bất kính, bỏ ông đi tìm một vị thầy khác. Hoặc là ông bị mắc chứng bệnh đau khớp xương, không thể ngồi thiền trên toạ cụ như xưa... Nếu như tôi là người viết chuyện, tôi sẽ kể rằng vị thiền sư ấy không hài lòng với những gì xảy ra, có lẽ ông thất vọng về phương pháp dạy đệ tử của mình, ông muốn cho cơ thể mình bớt đau... Nhưng ông vẫn không hề rúng động hay chớp mắt!

Sylvia Boorstein

TAi cũng biết thương yêu

Tâm Bồ-đề,Bodhicitta, trong đạo Phật cũng còn có nghĩa là một tâm hoàn toàn rộng mở. “Citta” có nghĩa là tâm, và “bodhi” có nghĩa là giác ngộ.

Con đường phát triển tâm Bồ-đề là một hành trình cá nhân của mỗi chúng ta. Con đường ấy cũng chính là cuộc đời mà ta đang có, một hành trình trên con đường giác ngộ. Nhưng giác ngộ không phải là những gì ta đạt được sau khi nghe những lời hướng dẫn và thực hành đúng. Thật ra, trong vấn đề giác ngộ ta không thể nào “thực hành đúng”!

Trên hành trình ấy, ta đi về một hướng mà mình không biết rõ, và nơi đó ta cũng không thể xác định chắc chắn. Chúng ta chỉ biết tập cho mình có một cái nhìn mới, biết cảm nhận thực tại một cách cởi mở và uyển chuyển hơn. Phát triển tâm bồ-đềlà một phương cách giúp ta thực hiện được điều ấy. Và chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tiếp xúc trực tiếp với những gì đang có mặt, bằng cách nhận diện những cảm xúc của mình.

Tâm Bồ-đềthường có mặt những khi ta cảm thấy an tĩnh và hạnh phúc, khi ta biết thương yêu, dù bất cứ dưới một hình thái nào. Trong mỗi giây phút an lạc là tâm bồ-đề có mặt. Và nếu ta biết nhận diện và trân quý những giây phút ấy, cho dù nó có ngắn ngủi hoặc mỏng manh đến đâu, tâm thương yêu cũng sẽ từ từ nới rộng ra theo thời gian. Khả năng thương yêu của ta có một năng lượng rất lớn, nếu biết nuôi dưỡng và tưới tẩm, nó sẽ lớn rộng ra đến vô cùng tận.

Và tâm bồ-đềkhông chỉ hiện hữu khi ta cảm thấy an tĩnh mà thôi, thật ra nó cũng có mặt trong những lúc ta cảm thấy tức giận, ghen ghét, ganh tỵ hoặc trong những lúc bất mãn sâu xa. Ngay giữa những cảm xúc tiêu cực và đau đớn nhất, ta cũng vẫn có thể tiếp xúc được với tâm bồ-đềcủa mình, nếu ta biết tiếp nhận chúng với một con tim rộng mở và ý thức rằng đó là một khổ đau chung. Chúng ta đều cùng chia sẻ với nhau một nỗi khó khăn ấy, khổ đau này không phải là của riêng ai.

Ngay giữa một hoàn cảnh khốn khó nhất, ta vẫn có thể nghĩ đến những người đang cùng một cảnh ngộ như mình, và cầu mong cho tất cả được an vui, được thoát ra khỏi khổ đau. Và mỗi khi ta tiếp xúc với cảm xúc ấy, những bức tường chia cách giữa ta và người chung quanh sẽ tự động tan biến mất.

Trên đảo Cape Breton, nơi tôi ở tại Nova Scotia, vào mùa đông những mặt hồ đều bị đông cứng. Nó cứng chắc đến nỗi người ta có thể lái xe hơi hay xe tải chạy lên trên đó. Nhà phát minh ra điện thoại là ông Alexander Graham Bellkhi xưa cũng đã cất cánh phi cơ của ông trên mặt hồ ấy. Nó đông cứng đến như vậy. Và tôi liên tưởng đến những thói quen, tập quán của chúng ta, dường như chúng cũng đông đặc giống như mặt nước đá ấy. Nhưng khi mùa xuân đến, những tảng băng đá đó sẽ tan chảy. Tính chất của nước muôn đời vẫn vậy, chưa bao giờ bị hư hao hoặc mất đi, cho dù là đang ở giữa một mùa đông dài vô tận. Nó chỉ thay đổi hình tướng mà thôi. Và khi tảng băng tan ra, tính chất mầu nhiệm nuôi dưỡng sự sống của nước lại có mặt.

Bản chất bao dung và rộng mở của một tâm bồ-đềcũng tương tự như thế. Nó bao giờ cũng có mặt nơi này, cho dù lúc ấy ta có cảm tưởng như tình thương của mình hoàn toàn bị khô cằn hoặc chai đá, dường như mình có thể đáp được cả một chiếc phi cơ lên trên ấy!

Những khi tôi cảm thấy tâm hồn mình như đang ở giữa một mùa đông dài tăm tối, và dường như không gì có thể làm cho nó tan chảy được, tôi chợt nhớ lại hình ảnh này và biết rằng, cho dù tảng băng có đông cứng đến đâu, dòng nước thương yêu vẫn không hề bị khô cạn hay mất đi. Nó lúc nào cũng hiện hữu. Và trong những giây phút ấy, tôi ý thức được tâm bồ-đềcủa mình vẫn đang có mặt, dầu là trong một dạng đông cứng và bất động.

Tôi biết rằng, mình có thể làm tan chảy trạng thái đông đặc ấy bằng hơi ấm của tâm từ. Và phương cách hay nhất là ta hãy tưởng nhớ đến một người nào mình thương mến, thân thiết hoặc biết ơn. Có nghĩa là ta khơi dậy năng lượng ấm áp đang sẵn có trong ta. Nếu như ta không nghĩ ra được một người nào thì ta có thể nghĩ đến một hoàn cảnh nào đó, hoặc một loại hoa lá nào mà ta ưa thích chẳng hạn. Đạo sư Trungpa Rinpochethường nói: “Tất cả mọi người, ai cũng có ưa thích một cái gì đó. Cho dù đó có thể chỉ là một ổ bánh mì.” Ý ông muốn nói, ta hãy tiếp xúc với niềm vui sẵn có trong ta và nuôi dưỡng nó.

Hãy nghĩ đến một người hay một hoàn cảnh nào có thể tự động khơi dậy tâm từ trong ta. Tâm từ là ý muốn đem niềm vui đến cho người khác và giúp họ vơi bớt khổ đau. Đó không phải là lòng thương hại hoặc một thứ tình cảm máy móc, nhưng được phát xuất từ cảm nhận rằng tất cả chúng ta đều cùng chung một hoàn cảnh như nhau.

Tâm từ là một mối quan hệ bình đẳng. Vì vậy, những khi nào cảm thấy như mình bị đông cứng, bạn hãy tiếp xúc với tình thương ấy đang sẵn có trong ta – cảm xúc đối với người nghèo khó, đớn đau vì bệnh tật, với những người thân, hoặc với bất cứ ai ở nơi nào – hãy để cho điều đó làm tan chảy những tảng băng đông cứng và mở rộng con tim mình ra.

Tình thương cũng giống như những yếu điểm trên một bức tường thành kiên cố của cái ngã. Và chúng ta nên tấn công vào những chỗ hở ấy. Nếu ta chỉ tiếp xúc được với tâm từ trong một giây ngắn ngủi thôi, điều đó cũng sẽ khiến cho khổ đau của ta được mềm ra, và khả năng hạnh phúc sẽ được tăng trưởng thêm một chút. Và ngay trong giây phút ấy ta tiếp xúc được với tâm bồ-đề.

Khi tôi còn nhỏ, tôi có xem những truyện tranh về một nhân vật tên là Popeye. Bình thường thì ông ta rất yếu ớt, và có nhiều khi bị người khác hiếp đáp, đe doạ. Những lúc ấy ông ta lấy hộp rau spinachra và nuốt trọn hết. Ông chỉ cần mở nắp hộp ra và đổ hết vào miệng rồi, đùng một cái, ông trở thành một người đầy tự tin và sức mạnh vô địch để đối phó với bất cứ đối thủ nào.

Khi chúng ta dùng những cảm xúc thương yêu để tiếp xúc với tâm bồ-đềthì việc ấy cũng xảy ra với chính ta! Tâm bồ đề cũng giống như rau spinachcủa tâm linh vậy. Nhưng xin các bạn đừng nói lại với ai là tôi đã ví dụ như vậy nhé!

Pema
Chưdrưn

Như cánh chim trong cơn gió mạnh

Trong buổi lễ quy y Tam bảo, những người chính thức trở thành Phật tử đều nhận được một pháp danh. Mỗi pháp danh thường có ý nói đến hạnh nguyện tu tập của người ấy. Tôi có một ghi nhận này, là mỗi khi một phật tử (người Tây phương) nhận được pháp danh nào có nghĩa như là “buông dứt” hay “từ bỏ” (renunciation), họ đều tỏ vẻ không thích. Nhưng tôi nghĩ thật ra thì tùy chúng ta hiểu chữ ấy như thế nào mà thôi.

Tôi thì được học rằng buông bỏ ở đây có nghĩa là buông bỏ sự vướng mắc của mình. Cái mà ta muốn từ bỏ ở đây là một thái độ khép kín và tránh né cuộc sống. Bạn có thể nói rằng, sự từ bỏ cũng đồng nghĩa với sự cởi mở và tiếp xúc với giây phút hiện tại.

Và có lẽ cũng đúng khi ta nghĩ rằng, nền tảng của sự từ bỏ ấy chính là một cái ta chân thật, đó là bản tính tốt lành và vui tươi của ta. Theo truyền thống đạo Phật cũng như trong nhiều truyền thống tâm linh khác, bản chất của mỗi chúng ta là vui khoẻ và tốt lành. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có đầy đủ khả năng thương yêu và với một tuệ giác. Sự từ bỏ ấy nói rằng, chúng ta đã có sẵn hết những gì mình cần và những gì đang có là rất tốt lành. Chỉ cần chúng ta biết tiếp xúc lại với cái giây phút hiện tại này mà thôi.

Mới đây khi tôi ngồi trong một văn phòng bác sĩ, trên tường có treo bức tranh người phụ nữ da đỏ nắm tay một bé gái, cả hai cùng đi trên đường, bên dưới là dòng chữ: “Bốn mùa đến rồi đi, xuân qua rồi hè đến, hè hết rồi thu sang, thu đi thì đông tới. Con người sanh ra và lớn lên, truởng thành, rồi già và chết. Tất cả đều có những vòng xoay của nó. Ngày sang đêm, đêm tiếp nối ngày. Đẹp thay khi ta cũng là một phần của tất cả những cái ấy.”

Sự từ bỏ có nghĩa là ta ý thức được rằng, cái ý muốn được sống trong một thế giới được chở che, nhỏ nhoi, và giới hạn của ta là không thật. Một khi ta cảm nhận được sự rộng lớn của cuộc sống này và thấy được khả năng kinh nghiệm sự sống của mình là bao la đến đâu, thì chắc chắn ta sẽ hiểu được sự buông bỏ.

Trong lúc ngồi thiền, ta trở về với hơi thở của mình. Trong mỗi hơi thở ra, ta sẽ có một cảm nhận cởi mở và tiếp xúc với giây phút hiện tại. Rồi khi tâm ta bị lôi kéo theo những mơ tưởng xa xôi nào đó, ta thầm nói: “Đó chỉ là suy nghĩ.” Chúng ta nói thầm một cách rất từ tốn và chính xác. Mỗi lần ta có thể từ bỏ được sự suy nghĩ ấy, mỗi lần ta buông bỏ ở cuối mỗi hơi thở ra, thì đó cũng chính là một sự từ bỏ cơ bản: buông thả cái thái độ nắm giữ và ôm chặt của mình.

Như một dòng sông đang chảy mạnh xuống núi, và đột nhiên gặp phải những tảng đá lớn và nhiều cây cao. Dòng nước không thể nào chảy tiếp được nữa, mặc dù nó đang chảy rất mạnh và có nhiều năng lượng. Dòng nước bị dừng hẳn lại. Và trong cuộc đời, đôi khi chúng ta cũng bị ngăn chặn giống như thế. Khi ta tập buông thả ở cuối một hơi thở ra, tập buông bỏ những suy nghĩ của mình, thì cũng giống như ta đang dời những tảng đá lớn ấy sang một bên, giúp cho dòng nước được trôi chảy tiếp, để cho năng lượng sự sống của ta được diễn tiến và tiếp tục đi tới. Chúng ta không vì sợ hãi những gì mình không biết mà đắp thêm những tảng đá, xây lên những đập nước để trốn tránh sự sống.

Vì vậy mà sự từ bỏ cũng có nghĩa là nhìn thấy rõ được mình tự bảo vệ như thế nào, ta đóng kín ra sao, và tránh né những gì, và rồi thực tập làm sao để cởi mở. Điều đó có nghĩa là ta sẵn sàng tiếp nhận bất cứ những gì đang đặt trước mặt mình, bất cứ chuyện gì đến gõ cửa ta, bất cứ chuyện gì xảy ra trên điện thoại...

Muốn làm được việc ấy ta phải có khả năng bước đến ngay sát bờ mé của chính mình, và chỉ khi ấy ta mới thật sự biết được thế nào là buông bỏ. Có một câu chuyện về một nhóm người cùng leo lên một ngọn núi cao. Ngọn núi có một dốc thẳng đứng và rất cheo leo. Khi leo lên được một khoảng, có vài người quay lại nhìn xuống và cảm thấy choáng váng, họ đông cứng vì sợ hãi. Những người này đã bước đến ngay bờ mé của mình và họ không thể tiến xa hơn được nữa. Nỗi sợ hãi của họ quá lớn, khiến họ không còn dám cử động. Những người khác thì tiếp tục leo cao hơn, họ vẫn nói năng cười đùa với nhau. Nhưng khi vách núi trở nên dốc hơn, nguy hiểm hơn, lại có thêm một số người nữa trở nên đông cứng vì sợ hãi. Từ chân núi lên đến ngọn, có những điểm khác nhau mà người ta gặp được cái bờ mé của chính mình, họ bỏ cuộc và không thể nào tiến xa hơn được nữa.

Nhưng bài học của câu chuyện ấy là, vấn đề ở đây không phải là nơi nào mà ta gặp bờ mé, giới hạn của mình, mà điểm quan trọng chính là ta bắt gặp nó.

Cuộc sống là một hành trình mà ta sẽ tiếp tục bước đến sát bờ mé của mình, hết lần này đến lần khác. Và ngay nơi đó chính là điểm thử thách của ta! Nếu bạn là một người muốn thật sự sống, bạn sẽ tự hỏi, “Tại sao ta phải sợ hãi đến thế? Ta muốn trốn tránh những gì đây, ta không muốn nhìn thấy những gì đây? Tại sao ta không thể tiến xa hơn được nữa?”

Những người leo lên đến đỉnh núi không phải là những kẻ anh hùng. Có thể họ không biết sợ chiều cao, nhưng rồi chắc chắn họ cũng sẽ gặp bờ mé của họ ở một nơi nào khác. Những người bỏ cuộc nửa chừng không phải là kẻ thất bại. Họ chỉ là những người đã gặp bài học của mình sớm hơn những kẻ khác mà thôi. Dầu sớm hay muộn gì thì rồi tất cả chúng ta đều cũng sẽ gặp bờ mé, giới hạn của chính mình.

Nhưng chúng ta phải tập buông bỏ như thế nào? Làm sao ta có thể vượt thắng được cái năng lượng ngăn trở khiến ta trở nên bất động, không dám tiến thêm một bước nữa về một nơi mà mình không biết rõ? Làm sao ta có thể đẩy được cánh cửa đá to lớn ấy để lại tiếp tục bước qua, để sự sống trở thành một tiến trình chuyển hoá, giúp ta trở nên vô uý và linh động, như một con chim lượn bay giữa những cơn gió lớn trên bầu trời cao?

Những con thú và cây cỏ nơi vùng tôi ở tại Cape Bretonrất là táo bạo, gan lì, mà cũng thích đùa giỡn và vui tính. Thời tiết càng khắc nghiệt đến đâu thì những con chim ở đây lại càng ưa thích bấy nhiêu. Chúng rất thích thú khi mùa đông đến, khi bầu trời có những cơn gió hung bạo và thiên nhiên phủ toàn tuyết và đá. Những con chim này thường thách thức những cơn gió mạnh. Chúng đậu lên những cây cao rồi bám chặt lấy cành bằng chân và ngay cả bằng mỏ. Khi những cơn gió ào đến thật mạnh, chúng buông thả ra và bị thổi tung, cất bổng lên cao. Chúng giương cánh ra và bay lượn lên cơn gió. Sau một lúc, chúng lại trở về đáp xuống trên cây và bắt lại từ đầu. Đó là một trò chơi.

Có lần, tôi thấy chúng trong một trận gió mạnh hung dữ như một cơn bão, chúng níu lấy chân nhau và cùng rơi xuống, rồi chúng thả nhau ra tung bay khắp nơi. Xem như một trò xiếc vậy! Chúng chắc chắn phải có một sự đam mê trước những thử thách và đối với cuộc sống. Như bạn thấy, đó là một thái độ rất đẹp và đầy cảm hứng. Và chúng ta cũng giống y như vậy.

Mỗi khi ta thấy mình đã đến sát bờ mé, giới hạn của ta, thay vì nghĩ rằng: “Mình đã lầm rồi,” ta chỉ cần công nhận giây phút hiện tại này và bài học của nó. Thay vì tự bảo rằng: “không,” ta hãy nhẹ nhàng từ tốn cảm nhận con tim mình, nó có một năng lượng cởi mở, tha thứ và thương yêu đối với chính ta.

Con đường của giác ngộ là con đường mà ta phải tiếp tục đối diện với những thử thách lớn, và rồi ta thực tập làm sao để làm mềm dịu và cởi mở ra. Nói một cách khác, khi đối diện với những gì là cứng rắn và ngăn trở, ta thực tập sự buông bỏ bằng cách cảm nhận nó bằng cả con tim của mình. Ta có một tâm từ đối với hoàn cảnh nan giải của mình, và cho cả cái tình trạng chung của nhân loại. Ta làm cho nó mềm dịu đi, để ta có thể thật sự ngồi yên đó với những cảm giác khó khăn của mình, và để cho chúng lại càng làm cho ta được mềm dịu hơn.

Con đường của sự từ bỏ là con đường biết chấp nhận, biết nói “vâng” đối với cuộc sống. Trước hết, ta ý thức rằng ta đã tiến đến ngay sát bờ mé của mình, tất cả những gì trong ta đều đang chống lại, đang nói không, và chính ngay ở điểm đó ta thực tập mềm dịu. Lúc đó là một cơ hội để ta thực tập tâm từ đối với chính mình, điều đó sẽ mang lại cho ta một thái độ vui tươi và cởi mở – biết vui đùa như một con chim trước những cơn gió mạnh.

Pema Chodron

Tràng chuỗi lo âu

Cầm lên một tràng chuỗi niệm Phật, và lập tức bạn sẽ cảm thấy ngay cái cảm giác rất dễ chịu trong tay mình. Mà điều ấy cũng có mặt với tất cả mọi xâu chuỗi cầu nguyện trong những truyền thống tôn giáo khác.

Trước hết, đó là một cảm giác làm an dịu tâm hồn, mà dường như nó chỉ tăng lên khi những hạt chuỗi trở nên trơn láng và đậm màu hơn theo với thời gian sử dụng. Và tiếp theo là biểu tượng của nó – một sự liên kết, nối liền với một truyền thống rất xa xưa. Lần qua những hạt chuỗi trên tay là bạn đang tiếp xúc với một phương pháp thực tập cổ truyền. Những ngón tay bạn đang nâng niu những hạt chuỗi ấy trong giây phút này, và mai sau lại sẽ có những ngón tay khác tiếp nối công việc ấy, khi bạn đã đi rồi.

Tràng chuỗi cũng được xem như là một phần của chiếc y. Nó được mang quanh cổ hoặc ở nơi tay. Sau hình tượng đầu tròn áo vuông của người xuất gia thì xâu chuỗi là một biểu tượng rõ rệt nhất của người Phật tử, đặc biệt là các cư sĩ.

Lúc ban đầu, thật ra xâu chuỗi được sáng tạo ra là để cho người cư sĩ sử dụng. Ngày nay ta thấy người tu sĩ cũng thường mang theo, nhưng thật ra nếu đi ngược lại nguồn gốc ta sẽ khám phá rằng, những tràng chuỗi là một phương cách giúp ta mang sự thực tập trong tu viện ra áp dụng vào một cuộc sống đầy giới hạn và thách thức ở ngoài đời.

Trong Phật giáo, những tràng chuỗi đầu tiên mục đích không phải để cho các tu sĩ sử dụng. Trong kinh có một câu chuyện rất phổ biến về nguồn gốc của nó.

“Có lần vua Vaidunya sai sứ giả đến thưa lên với Phật:


‘Lạy đức Thế Tôn, nước chúng con là một nước vùng biên thùy, nhiều năm giặc giã, ngũ cốc đắt đỏ, tật dịch tràn lan, nhân dân đói khổ, chúng con thường không nằm yên được. Chúng con được biết Pháp tạng của Như Lai rất rộng rãi, sâu xa, đáng tiếc chúng con vì có những việc lo buồn như thế nên không tu hành được. Chúng con kính mong đức Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho chúng con pháp yếu gì để chúng con ngày đêm có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não.’


Đức Phật bảo sứ giả về thưa với nhà vua rằng: ‘Nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng, nên xâu một chuỗi tràng một trăm tám hạt bằng hạt cây tra (mộc hoạn tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật-đà, Đạt-ma, Tăng-già, mỗi lần là lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác.

(Kinh Mộc Hoạn Tử, Thích Tâm Châu dịch)

Và Phật dạy, nếu nhà vua cứ thực tập như vậy thì sẽ chấm dứt được hết mọi phiền não.

Đó là câu chuyện xưa nhất nói về nguồn gốc của tràng chuỗi, và rõ ràng là sự thực tập ấy có ý định dành cho những ai chưa buông bỏ được những lo âu, phiền muộn của một đời sống thế tục, chứ không phải dành cho các vị đang sống trong Tăng đoàn của Phật.

Và sau này tràng chuỗi cũng được cả giới tu sĩ sử dụng. Điều này có lẽ nói lên được năng lượng nhiệm mầu của chúng, có công năng làm an dịu những lo âu của tất cả mọi người, dù là tu sĩ hay cư sĩ.

Trong một buổi phỏng vấn, ngay chính đức Đạt-lai Lạt-macũng công nhận rằng Ngài rất gắn bó với xâu chuỗi của Ngài!

Sau gần ba mươi năm sử dụng và làm những tràng chuỗi cho nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau, tôi đi đến một kết luận đơn giản là: Tất cả những tràng chuỗi đều là những chuỗi lo âu – từ tràng hạt mân côi của đức Giáo Hoàng, cho đến những xâu chuỗi đeo cổ tay bình thường của người Phật tử, hay không phải Phật tử... cũng đều như thế. Trong mọi truyền thống tôn giáo, người ta sẽ nói với bạn rằng, những tràng chuỗi của họ là dùng để cầu nguyện – để tiếp nhận một quyền năng cao lớn hơn, tập trung tâm ý, để tu tập tâm linh.

Lẽ dĩ nhiên đó là một sự thật ta không hề chối cãi, nhưng đó không phải là mục đích chánh của xâu chuỗi. Tràng chuỗi là cho những lo âu của ta. Chúng đáp ứng cho một nhu cầu rất cơ bản của con người, mà thật ra còn có mặt trước cả ý thức về tôn giáo nữa, đó là những mối lo âu. Xâu chuỗi của Phật giáo công nhận điều ấy. Nó là một phương tiện giúp ta đối diện với những nỗi lo lắng của mình, nó phối hợp giữa đức tin vào một cái gì huyền bí với những hành động lặp lại giúp ta có được một sự an tĩnh cho thân và tâm. Sự khác biệt giữa xâu chuỗi của Phật giáo và những tràng chuỗi của Tây phương chỉ đơn giản là các ý nghĩa và biểu tượng về những tràng hạt của nó mà thôi.

Một xâu chuỗi Phật giáo thường gồm có 108 hạt, mỗi hạt tượng trưng cho một vô minh, một phiền não mang lại khổ đau cho đời người. Người ta thường hỏi tôi về con số 108 này, mặc dù sự tính toán hơi rắc rối một chút, nhưng với cái nhìn của Phật giáo thì điều đó hoàn toàn rất có ý nghĩa. Có sáu loại phiền não sanh lên khi ta tiếp xúc với các giác quan của mình, như là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Và những phiền não này được tiếp nối nhau qua ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai, và như vậy là ta có con số 18. Nhân nó lên với hai trạng thái tâm thức, thiện và bất thiện, và rồi ta lại nhân thêm với ba loại cảm thọ phát sinh khi ta có sự tiếp xúc là lạc, khổvà trung tính (không khổ không vui) – 6 x 3 x 2 x 3 – ta sẽ có con số 108.

Thật ra còn có nhiều cách khác nhau để tính ra con số ấy, nhưng đa số đều gần giống như nhau.

Đối với người Phật tử thì vô minh, cái thấy không sáng tỏ, chính là nguyên nhân gốc của phiền não. Những lo âu về tiền bạc hay sức khoẻ, nếu ta nhìn cho kỹ, thì thật ra chúng rất là vô ích. Trên cuộc đời này sẽ không bao giờ ta có đủ tiền bạc, và sức khoẻ thì chắc chắn cuối cùng rồi cũng sẽ suy giảm, cho dù ta có làm gì đi chăng nữa! Thông điệp không lời của tràng chuỗi Phật giáo là: “Đừng lo âu về những sự việc, hãy lo về vấn đề tại sao ta lúc nào cũng lo âu, và giải quyết ngay tận gốc rễ của nó.” Xâu chuỗi tự chính nó cũng là một giáo pháp.

Cho dù ta có sử dụng tràng chuỗi cho bất cứ một việc tụng niệm nào đi chăng nữa, nó bao giờ cũng tàng chứa những bài pháp rất trọn vẹn. Trước hết, trong truyền thống đạo Phật, tràng chuỗi được giữ gìn và tôn kính như là một quyển kinh hay y áo của một tu sĩ. Điều này cũng rất dễ hiểu, vì ta sử dụng những tràng hạt để niệm danh hiệu Phật hoặc các câu chú, thường được xem như là tinh yếu của các bài kinh. Và kế đến, khác với xâu chuỗi mân côi của Thiên chúa giáo, tràng chuỗi trong đạo Phật còn cốt ý để ta mang vào người khi không sử dụng. Vì vậy tràng chuỗi cũng còn được xem như là một nhắc nhở, chúng ta đang được phủ che bằng chiếc áo chân lý của một con đường giải thoát. Và rồi trong mỗi tràng chuỗi đều có một “hạt đạo sư” (guru bead). Đó là một hạt to, có ba lỗ, ở cuối tràng chuỗi. “Hạt đạo sư” này cũng tương đương với chiếc thánh giá trên xâu chuỗi mân côi. Nó tượng trưng cho vị đạo sư – và giáo pháp – mà chúng ta cứ tiếp tục quay trở về sau mỗi vòng chuỗi.

Trong truyền thống Phật giáo Bắc tông, cuối những buổi lễ người ta thường đọc Bốn lời nguyệncủa một người tu. Trong đó, lời nguyện thứ hai là Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Đó là một sự mâu thuẫn tuyệt vời, một công việc mà ta không thể nào hoàn tất được. Nhưng tràng chuỗi đã làm sáng tỏ thêm, nó giúp ta thấy và hiểu rõ được điểm này, vì tràng chuỗi cũng là một vòng tròn bất tận. Khi ta lần một vòng chuỗi, nó đều bắt đầu và chấm dứt với hạt đạo sư.

Theo đúng luật thì ta không bao giờ lần ngang qua hạt đạo sư này. Thay vì vậy, nếu ta muốn lần thêm một vòng chuỗi nữa, thì ta phải dừng lại nơi hạt đạo sư ấy, và xoay chuỗi đếm ngược trở lại, và cứ như vậy mà ta tiếp tục. Với sự thực tập ấy, ta cũng sẽ khám phá ra rằng phiền não thật sự là vô tận. Chúng ta đang có mặt trong một cảnh giới đầy phiền não, muốn vượt qua chúng ta chỉ có một cách duy nhất là thoát ra khỏi. Và khi thực hiện được điều ấy rồi, ta sẽ nhập vào được chung với cảnh giới của chư Phật.

Một vấn đề khá đặc biệt trong phương pháp lần chuỗi là những hạt chuỗi ấy không bao giờ đưa ta đến nơi đó. Khi vừa sắp đến cảnh giới của Phật thì chúng ta dừng lại và quay ngược trở về. Hành động ấy tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Mặc dù đức Phật đã chứng đạt được cảnh giới của Niết-bàn, chấm dứt hết tất cả phiền não, nhưng Ngài vẫn sống một đời giác ngộ như một con người bình thường, sống an lạc và thong dong giữa mọi chúng sinh khác trong thế giới. Đức Phật là một bậc Như Lai, Tathagata, có nghĩa là “Người đã đến như thế,” chứ không phải là “người đã đi như thế”.

Người Phật tử không bao giờ chối bỏ, trốn tránh hay muốn thoát ra khỏi cuộc đời này. Chúng ta được dạy làm sao để mình thật sự có mặt và sống an lạc chung với tất cả. Theo thuật ngữ của nhà Phật thì sự an lạc đó cũng được gọi là Tathagata, Như Lai.

Như Lai là một bậc đã giác ngộ như vậy đó, như thế đó, chứ không phải như một sự mong cầu riêng tư nào. Ta không bao giờ trốn chạy đến một nơi nào khác. Những phiền não, lo âu của lúc ban đầu tự chính nó cũng là sự giác ngộ ở lúc cuối. Phiền não tức bồ-đề. Vì không hiểu được điều này mà ta cứ miệt mài theo đuổi một ngôi vị nào đó, một sự chứng đắc nào đó, để rồi khi gần đến nơi, ta bị bắt phải quay trở lại về với nơi mình đã đến. Và cũng như thế, chúng ta tiếp nhận Phật pháp qua từng hạt chuỗi lần qua tay.

Đó là những bài học mà tràng chuỗi đã dạy cho tôi. Ngày nay, sau bao nhiêu năm tháng thực tập, tiếp nhận giáo pháp qua lòng bàn tay, thỉnh thoảng tôi cũng nhận thấy được giáo pháp ấy trong người khác. Có một bà cụ người Tây Tạng là mẹ của một người bạn tôi, bà xa quê hương và đang ở gần nơi tôi sống. Đi đâu bà cũng cười thật tươi và có nhiều hạnh phúc. Bà bị một cái bướu rất lớn nơi cổ, nó sưng thật to và lộ hẳn trên chiếc cổ áo Tây Tạng truyền thống của bà. Lúc nào bà cũng lần một xâu chuỗi trên tay, và bao giờ bà cũng mỉm cười. Bà không nói được tiếng Anh, nhưng mỗi khi tôi nhìn tay bà lần đến phía cuối xâu chuỗi, bà vui vẻ xoay ngược lại và lần tiếp theo chiều kia, tôi có cảm nhận rằng bà đang an trú trong cảnh giới của mình, và dường như bà đang nói rất to cho tất cả đều nghe: Phật-đà. Đạt-ma. Tăng-già. Buddha. Dharma. Sangha. Tất cả Pháp tạng đều có mặt nơi đó. Lúc nào bà cũng mang theo cạnh bên. Và những khi không lần chuỗi, bà đeo nó trên tay áo.

Clark Strand

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567