Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ 10

01/12/201016:42(Xem: 9550)
Quyển Thứ 10

 

 

THÀNH THẬT LUẬN
Ngài HA-LÊ BẠT-MA tạo
Đời Diêu Tần Ngài TAM TẠNG CỰU MA LA THẬP dịch sang Hán Văn
Dịch giả: Tỳ-kheo THÍCH TRÍ-NGHIÊM

QUYỂN THỨ 10

PHẨM TAM-NGHIỆP THỨ 119

Trong ba nghiệp, nghiệp nào nặng hơn: thân nghiệp? khẩu nghiệp, hay ý-nghiệp ư?

Hỏi: Có người nói hai nghiệp thân khẩu nặng, chứ chẳng ý-nghiệp vậy. Tại vì sao? Vì nghiệp thân khẩu định thật vậy, như tội ngũ nghịch đều bởi thân khẩu gây nên. Lại thân khẩu năng thành xong việc, như người sinh lòng muốn giết chúng-sinh nầy, cần đem thân khẩu năng thành việc ấy, chẳng những ý-nghiệp gây được tội sát sinh; cũng chẳng phải chỉ phát tâm xây chùa tháp mà được phước đức tốt lành vậy. Lại nếu không có thân khẩu, chỉ ý nghiệp thời không quả-báo, như người phát tâm rằng ta phải bố-thí, mà thật chẳng thí cho, thời không thí phước. Lại chẳng những tùy nghiệp mà việc được thành xong, như người phát nghiệp mở hội Đại-thí, mà thật chẳng thí, thời không hội phước; vậy thời nghiệp báo lộn xộn. Lại trong Luật Tỳ-ni, ý không phạm tội. Nếu ý nghiệp là trọng đại tại sao chẳng phạm? Nếu phát tâm bèn được phước ấy, thời phước dễ được, tại sao hành giả bỏ nghiệp dễ nầy mà tu thí thảy là những hạnh nghiệp khó tu ư? Lại nếu như vậy ấy, thời phước vô tận, như người chỉ phát tâm suông trọn không đâu thì chỗ sở dụng làm sao cho hết được ư? Vì tài vật có hạn nên phước mới có thể hết. Lại chẳng những phát tâm mà có thể làm tổn hại hay lợi ích cho kẻ khác, như chúng-sinh đói khát cần phải cơm nước, chứ đâu phải tâm nghiệp năng trừ được. Lại việc suy lợi người đời rất lắm, vì tâm nhẹ nhỏm khó chế-phục được nên không điều ác nào chẳng khởi, nên đã chịu việc suy hại nặng nề, nếu phát thiện tâm muốn gây phước nghiệp, thời đã được đại-lợi, vậy là quá dễ lắm. Lại nếu ý-nghiệp là lớn muốn phát tâm sát sinh thời đọa địa ngục. Như vậy tuy lâu tu nhóm giới thảy đâu có ích chi! Lại tu trì giới thảy các công-đức lành không có an ổn. Tại vì sao? Vì chỉ một khi phát tâm liền bị tội vậy. Lại trong kinh nói: “Nghiệp thân khẩu thô nên dứt trước”. Vì dứt phiền não thô nên tâm được Định. Lại nếu phát dâm tâm là dâm rồi, lẽ phải phạm giới; nếu phát mà chẳng gọi là dâm, thời lìa dâm tâm nầy lại có pháp gì gọi là dâm ư? Lại có bao nhiêu sinh khởi tác nghiệp đều do thân khẩu, chẳng phải do ý nghiệp, như gạt kẻ khác tất do khẩu nghiệp mới bị tội vọng ngữ. Lại như trước đã nói đủ bốn món nhân-duyên mới bị tội sát-sinh là: có chúng-sinh, có tâm tưởng chúng-sinh, có tâm muốn sát, dứt mạng sống nó. Do bốn việc thành tội, nên phải biết chẳng do ý nghiệp là trọng. Lại như Phật nói: Như tiểu nhi tập lòng Từ từ nhỏ, hay khởi ác nghiệp, nghĩ ác nghiệp ư? Nên biết chỉ là thân khẩu nghiệp ác, chứ chẳng phải ý-nghiệp?

Đáp: Ngươi nói nghiệp thân khẩu, chẳng phải nghiệp ý ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Trong kinh Phật nói: “Tâm làm gốc các pháp”. Tâm cao tột, tâm dẫn đường, tâm nghĩ thiện ác. Tức nói tức làm. Cho nên biết ý nghiệp là trọng. Lại ý có sai biệt nên nghiệp thân khẩu mới có sai biệt, như thượng, trung hạ thảy; lìa tâm không có nghiệp, quyết phải chịu báo”. Lại nói bảy thứ tịnh phước; ba thứ chỉ dùng ý-nghiệp. Bảy tịnh phước nầy, với phước của là hơn. Lại lòng Từ là ý-nghiệp, nên kinh nói từ tâm được quả báo lớn. Như kinh nói: “Xưa, Ta lên bảy tuổi, nhờ tu tập lòng từ nên ở trong bảy đại-kiếp, chẳng trở lại thế-gian nầy”. Nên biết ý-nghiệp là trọng. Vì trọng nên mới có thể che khắp tất cả thế-gian. Lại ý-nghiệp là trọng, như quả-báo ý-nghiệp nên sống lâu được tám muôn đại-kiếp. Lại thế-lực ý-nghiệp thắng hơn nghiệp thân khẩu, như kẻ tu lành khi mạng sắp chết sinh lòng tà-kiến, thời đọa địa ngục; người làm chẳng lành khi sắp chết khởi tâm chính-kiến, thời sinh lên trời. Nên phải biết ý-nghiệp là trọng đại. Lại trong kinh nói: “Với trong các tội, tà kiến rất nặng”. Lại nói: “Nếu người được thế-gian thượng chính-kiến, tuy qua lại trong sinh tử cho đến trăm ngàn năm trọn chẳng đọa ác đạo”. Lại sức ý nghiệp thù thắng hơn nghiệp thân khẩu, như trong kinh Hòa-lợi nói: “Ngoại-đạo Thần-tiên một khi nổi giận lên, liền diệt nước Na-La-Vu-Đà” Như Đàn-đặc thảy các chỗ hiểm nạn đều do Tiên-nhân nổi giận gây nên. Lại ý-nghiệp có thể mau được quả-báo, như trong kinh nói: “Nếu người nầy nay chết lập tức vào địa ngục, lập tức sanh lên trời, như chiếc gươm thoán-mâu lìa khỏi tay”. Lại ý nghiệp nầy chứa nhóm nhơ bẩn cho đến đọa vào a-tì địa ngục; chứa nhóm pháp lành sạch cho đến được Nê-Hoàn. Lại tâm có quả-báo nên thân khẩu mới có quả-báo, vì nghiệp bất-cố không có quả báo vậy. Lại chẳng lìa ý-nghiệp mà có báo-nghiệp thân khẩu, như ý nương nơi thân khẩu làm lành hay chẳng lành, gọi là thân khẩu nghiệp. Lìa thân khẩu nghiệp, thời ý-nghiệp có quả báo; mà lìa ý-nghiệp thân khẩu không quả-báo. Cho nên biết ý-nghiệp là trọng đại, chứ chẳng phải nghiệp thân khẩu.

Ngươi tuy nói thân khẩu nghiệp định-thật, như tội ngũ-nghịch đều do thân khẩu gây nên, nên gọi nặng ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Vì nghĩ nặng, sự nặng nên nghiệp mới nặng, chẳng phải thân khẩu nặng nên nặng. Lại vì tâm quyết định nên nghiệp mới định-thật; như chỉ dùng tâm-lực vào ngôi chính-pháp, cũng vì tâm-lực năng đủ nghịch-tội. Nếu kẻ vô tâm dù giết phải cha mẹ cũng không bị nghịch-tội. Nên biết thân khẩu vô-lực. Ngươi nói thân khẩu năng xong việc ấy. Cũng chẳng phải lẽ. Vì việc rồi gọi là xong: Như cướp mạng sống kẻ khác rồi đã mới bị tội sát sinh, chẳng phải khi khởi nghiệp thân khẩu; khi rồi việc còn phải cần dùng đến tâm-lực nữa, cho nên chẳng phải thân khẩu vậy. Ngươi nói chỉ phát tâm suông không quả-báo ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Như trong kinh nói: “Phát tâm mạnh nên lập tức sinh lên trời, lập tức vào địa ngục”. Làm sao nói ý-nghiệp không quả-báo ư? Ngươi nói chẳng những nhờ nguyện năng thành sự ấy, ấy cũng chăng phải lẽ. Vì có người thâm phát thiện tâm được phước thắng hơn đại-thí-hội. Ngươi nói ý không phạm tội, ấy cũng chẳng phải. Nếu phát ác tâm bị tội tức thì. Như Phật nói có ba thứ tội: Thân-khẩu-ý. Nên biết chỉ phát ác tâm chẳng được không tội. chỉ chẳng kiết-giới vì khó hành –trì vậy; thô-tội trì-giới ngăn được, tế-tội thiền-định thảy mới trừ được. Ngươi nói tội phước dễ ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Bởi người tâm-lực yếu nên bỏ việc dễ, làm làm việc khó, như Từ-tâm thảy được phước rất nhiều, chẳng phải bố-thí được như vậy. Chỉ vì chúng-sinh trí-lực yếu ớt tu ý-nghiệp Từ-bi thảy không nổi, nên mới tu bố-thí thảy, đem các thứ hương hoa và dụng-cụ cúng-dường, vì tịnh tâm khó được vậy. Ngươi nói phước vô tận ấy. Cũng lấy đây mà đáp. Người nầy nếu có trí lực thời năng được pháp lành vô tận. Ngưoi nói ý-nghiệp không làm tổn ích. Việc nầy chẳng phải lẽ. Vì nghiệp thân khẩu đều do ý-nghiệp dẫn đường nên chẳng gọi là thắng. Vì tùy theo sức tự khởi được mới gọi là thắng. Lại các điều lợi ích đều do tu Từ vậy; nên được mưa thuận gió hòa trăm giống lúa được mùa màng, như thời đại kiếp-sơ, gạo nếp tự sinh; đến khi con người thượng-thọ chỉ còn mười tuổi điều phước ấy đều mất hết, làm sao nói từ-tâm không lợi ích ư.

Lại kẻ tu lòng Từ năng trừ hết gốc nghiệp chẳng lành; Vì nghiệp chẳng lhành nên có các điều suy-não, làm sao nói tu lòng Từ không có đại-lợi ích? Nếu tất cả chúng-sinh tu Từ-tâm đều sinh chỗ lành; tất cả thọ dụng tự nhiên mà có, chẳng cần gia công. Cho nên biết từ-phước là sâu dày hơn hết. Lại, hoặc khi vì lòng Từ bố-thí lợi ích chúng-sinh, hoặc chỉ do lòng Từ mà lợi ích. Lại kẻ tu lòng Từ, nếu chúng-sinh xúc phạm đến thân, phần hoặc vào trong bóng thân đều được an lành vui vẻ. Nên phải biết từ-phước đối với thí-phước thảy đều thù thắng hơn hết. Ngươi nói suy lợi rất lắm. Trước đã đáp việc ấy rồi nghĩa là ý-lực tổn hại hoặc lợi ích chúng-sinh, nên biết ý-nghiệp là trọng đại. Ngươi nói lâu nhóm giới thảy không ích gì ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì ý-tịnh nên trì-giới mới tịnh. Nếu ý bất-tịnh giới cũng bất-tịnh, như trong kinh thất-chưởng-dâm nói. Lại giới thanh-tịnh được quả-báo lớn, như trong kinh nói kẻ trì giới sở nguyện tùy ý, là vì giới tịnh vậy. Lại nếu thanh tịnh trì-giới, thời tâm được yên ổn, chứ chẳng phải pháp nào khác vậy. Ngươi nói nghiệp thân khẩu thô nên dứt trước. Việc nầy chẳng phải lẽ. Vì lành nhỏ-nhiệm mới được quả-báo lớn, như ý nghĩ trong thiền-định. Ngươi nói, nếu phát dâm-tâm bèn ưng phá giới. Việc nầy chẳng phải lẽ. Nếu người ý-nghiệp chẳng tịnh thời giới cũng chẳng tịnh. Lại lẽ được tội phước khác, mà phép kiết-giới khác. Ngươi nói khởi ra tác nghiệp do thân khẩu ấy. Đều là tổng đáp rồi. Nghĩa là nghiệp thân khẩu pháp khác, ý nghiệp pháp khác. Nghiệp thân khẩu cần do tác thành, như đo bốn nhân duyên thành tội sát-sinh, vì chẳng lìa tâm nghiệp vậy. Lại thế-gian chúng-sinh cho nghiệp thân khẩu là ác, mà ý-nghiệp chẳng như vậy. Lại ý-nghiệp chẳng gia hại với người, cũng chăng khá có được. Lại trước đã nói tướng tội phước vì bởi tướng nầy nên chỉ gây ý-nghiệp là quan-trọng. Chứ chẳng phải thân khẩu vậy.


PHẨM MINH NGHIỆP-NHÂN THỨ 120

Luận-giả nói: Đã lược nói các nghiệp. Nghiệp là nhân-duyên thọ thân, thân là bản-tính khổ nên phải diệt trừ. Muốn diệt thân nầy phải dứt nghiệp-nhân, vì nhân diệt nên quả cũng diệt theo, như nhân hình có bóng, hình diệt thời bóng diệt. Vậy nên, nếu muốn diệt khổ phải siêng năng tinh-tấn dứt nghiệp nhân nầy.

Hỏi: Do nghiệp thọ thân việc nầy cần hiểu rõ. Tại vì sao? Hoặc có người nói: thân do bà-la-già-đề sinh; có người nói: Do Tư-Tại-Thiên sinh; hoặc nói do đại-nhân sinh; hoặc nói do tự-nhiên sinh. Vậy nên phải nói lý do tại sao biết do nghiệp mà sinh?

Đáp: Việc nầy đã dùng nhìêu thứ nhân-duyên phá rồi. Phải biết do nghiệp thọ thân. Lại muôn vật có nhiều thứ tạp loại, nên biết nhân cũng sai khác, như thấy lúa bắp thảy khác, biết giống chẳng đồng. Thời Tự-Tại thảy vì không sai khác, nên phải biết chẳng phải nhân. Nghiệp vì có vô-lượng sai khác, nên mới thọ nhiều thứ thân khác nhau. Lại các kẻ thiện-nhân đều tin bởi nghiệp nên thọ thân. Tại vì sao? Vì những người nầy thường tu các pháp lành, thí, giới, nhẫn thảy; lìa sát-sinh thảy các pháp chẳng lành. Nên biết do nghiệp thọ thân. Lại nếu bởi nghiệp thọ thân thời là có thể trở lại được chân-trí, dứt tà-trí. Vì tà-trí dứt, nên tham sân thảy các phiền não đều dứt; vì các phiền não dứt, nên nghiệp nặng khởi thân sau cũng dứt. Ấy gọi là có thể trở lại. Trong nhân Tự-tại thảy thời chẳng trở lại được, vi Tự-Tại thảy chẳng dứt được vậy. Nên biết do nghiệp thọ htân. Lại hiện thấy quả cùng nhân giống nhau, như do bắp sinh bắp, do lúa sinh lúa. Như vậy do nghiệp chẳng lành được báo chẳng ưa; do nghiệp lành được quả-báo ưa. Trong nhân Tự-tại thảy không có lỗi giống nhau nầy. Vậy nên nghiệp là gốc của thân, chứ chẳng phải Tự-Tại-Thiên thảy. Lại nay hiện thấy muôn vật đều do nghiệp sinh, vì ác nghiệp nhân nên bị chịu đánh, bắt, trói,nhốt, roi, gậy chết thảy các khổ; thiện nghiệp nhân được hưởng ngợi khen, lợi dưỡng thảy vui sướng. Kẻ tùy-ý nói lời ái ngữ, thời được hưởng quả-báo tùy-ý, nên biết do nghiệp thọ thân, chẳng phải Tự-Tại thảy. Lại người đời tự biết muôn vật do nghiệp nhân sinh nên khởi làm các sự nghiệp cấy lúa mạ, và cũng tu thí-giới-nhẫn thảy các nghiệp phước đức, không ai ngồi yên mà trông ông Trời Tự-Tại ban sở-dục cho mình. Nên biết do nghiệp được quả-báo.

Lại như những người tuy nói do Tự-Tại mà họ cũng phải nương nhờ các sự nghiệp nghĩa là tự khổ thân và thọ trai pháp thảy. Nên biết lấy nghiệp làm nhân. Lại nếu việc chẳng hiện có, phải theo kẻ khác mà thọ nghĩa là chỗ sở hành của Thánh nhân; tất cả Thánh Hiền nhờ giới thảy các pháp lành. Nên biết vì do nghiệp nhân mới có thế-gian pháp vậy. Nếu lìa giới thảy cũng không có Thánh-nhân; nếu không Thánh giáo thời hành nghiệp trái lỗi vậy. Nên biết do nghiệp thọ thân. Lại tu giới thảy các nghiệp lành, nên năng thành các việc thần thông biến hóa. Nên biết lấy nghiệp làm nhân. Lại địa ngục thảy trong các ác thú, sân não thảy nhiều, nên biết do sân não thảy mà có các ác thú, như thấy quả trên cây biết cây là nhân. Nên biết nghiệp là gốc của thân. Lại trong ác đạo do sức mạnh của si thảy, nên phải biết phiền não là nhân ác đạo, vì tất cả bất thiện đều do si vậy. Lại sinh các ác đạo thời nhiều, mà sinh về chỗ lành thời ít: mắt thấy kẻ giết thảy ác hành nhiều, kẻ thiện hành ít. Nênbiết việc giết thảy là nhân ác đạo. Lại việc giết thảy bị người lành quở bỏ chẳng làm, vì người lành biết giết thảy chắc chắn có quả-báo, nên mới quở bỏ chẳng làm. Nếu biết không quả-báo tại sao mà bỏ? Lại tâm của các người lành nếu khởi ác tức tốc siêng năng dứt, vì sợ ác báo vậy. Nên phải biết giết thảy chắc chắn có ác báo. Nếu chẳng phải vậy, lẽ ra tùy ý tung hoành đều là vui sướng thời: Chúng-sinh ăn được giết ăn; của người ta cứ cướp; vợ người ta cứ dâm, cũng đều vui sướng cả. Vì sợ khổ báo đời sau nên mới xa lìa các việc ấy. Nên biết do nghiệp có thân. Lại tu tập chính trí nên dứt hết nghiệp hữu lậu thời chẳng thọ thân. Nên biết nghiệp là cội gốc. Lại A-La-Hán tuy có các nghiệp hữu-lậu, vì tu chính trí nên nghiệp chẳng nhóm. Nên biết nghiệp là nhân thọ thân; vì nhân của thân diệt nên thân cũng diệt theo. Lại vì nhờ biết tứ-đế nên nhờ tứ-đế mà phiền não hẳn chẳng sinh khởi lại nữa. Vì chẳng khởi nên không có thân. Kẻ trí giả suy nghĩ như vậy, nên muốn biết tứ-đế. Nên biết nghiệp là nhân của thân. Lại nếu nhân-duyên chẳng đủ thời chẳng thọ thân, như đất khô giống hư thời tất cả mộng chẳng mọc được. Như vậy đất thức xứ mà không có nước ái thủy thấm nhuần hột giống nghiệp, vì bị chân trí làm hư thân sau là mộng thời chẳng sinh nảy; Kẻ Trí-giả vì biết việc nầy nên muốn làm thô đất thức-xứ, hư hột giống nghiệp, nên mới siêng năng gia công tinh-tấn. Vậy nên biết nghiệp là nhân duyên thọ thân. - Hết nghiệp luận.


NHÓM TẬP-ĐẾ PHẨM TƯỚNG PHIỀN-NÁO TRONG LUẬN PHIỀN NÃO THỨ 121

Luận-giả nói; Đã nói các nghiệp, các phiền não, nay sẽ nói làm dơ tâm gọi là phiền não.

Hỏi: Sao gọi là dơ?

Đáp: Nếu tâm năng khiến sinh tử nối nhau luôn, đấy gọi là dơ. Sự sai khác của tâm dơ là: tham, sân, si thảy, tâm dơ nầy gọi là phiền não: cũng gọi pháp tội, cũng gọi pháp lui, cũng gọi là pháp ẩn chìm, cũng gọi là pháp nóng và cũng gọi là pháp ăn-năn. Có các tên như thế. Tâm dơ bẩn nầy tu nhóm gọi là sử, chẳng những tâm dơ khi sinh gọi là sử. Phiền não là: tham, sân, si, nghi, kiêu-mạn và năm món kiến. Do mười món sai khác nầy nên mới có chín mươi tám món sử. Tham là mừng vui ba cõi, cũng mừng vui vô-hữu, đấy gọi là tham. Như trong kinh nói: “Dục-ái, hữu-ái, vô-hữu-ái”. Vô hữu gọi là Đoạn-Diệt. Chúng-sinh bị khổ ép ngặt, nên muốn diệt ấm-thân cho “Vô” là vui.

Hỏi: Mừng vui là tướng thọ, chức chẳng phải tướng tham. Như trong kinh nói nghĩa nay mừng, sau mừng. Là nói đời nay thọ vui, sau cũng thọ vui. Lại nói nghĩa này buồn sau buồn. Là nói đời này chịu khổ, đời sau cũng chịu khổ. Lại như trong lời Trời hỏi rằng có con thời mừng. Phật đáp: Có con thời lo. Như thế các việc?

Đáp: Tham là một phần của mừng. Như trong kinh nói: “Thọ làm nhân-duyên cho ưa vui, trong thọ tam sai khiến trong đoạn-thực có mừng có tham, mừng hết nên tham cũng hết”. Nên biết tham là một phần của mừng. Vậy là không lỗi. Tại sao biết được? Như trong kinh nói: “Tập Đế: Nghĩa là khao-khát vậy”. Khát là thế nào: Nghĩa là muốn được thân sau là khát. Hành tướng ra sao? Nghĩa là nương dựa lòng tham muốn được đủ thứ.

Hỏi: Nếu nói muốn được thân sau là tướng khao-khát ấy. Tại sao nói nương dựa lòng tham muốn được đủ thứ?

Đáp: Lại còn có tướng khao-khát. Như nói: Muốn được dủ thứ là nói tướng chung; muốn được thân sau là nói tướng riêng. Người ly-dục cũng có muốn được các thứ khi khát muốn được nước thảy, đấy chẳng phải nhiếp vào tập-đế. Nếu nương dựa lòng tham muốn được thân sau, khao khát nầy mói gọi là nhiếp vào tập-đế.

Hỏi: Nếu như khao-khát cũng là mừng, tham cũng là mừng tại sao nói nương dựa lòng tham?

Đáp: Mới sinh gọi khát, tăng-trưởng gọi là tham, nên nói nương dựa. Như trong kinh nói: “Ưa buộc thế gian”. Vậy nên mừng tức là tham. Lại trong kinh nói: “Diệt trừ tham buồn các pháp bất thiện”. Trong ấy tham tức là mừng, buồn tức là giận. Như nói giận là buồn thời biết cũng nói mừng là tham. Vậy như trong mười tám ý hành, chẳng nói phiền não, mà chi nói các món thọ. Nên biết phần mừng là tham. Lại kẻ phàm phu lìa tham không thể thọ vui; lìa giận không thể thọ khổ, lìa si không thể thọ chẳng khổ chẳng vui. Tai sao biết được? Trong thọ thứ ba nói: “Người phàm phu với trong thọ này, chẳng biết tập nhân, chẳng biết diệt trừ, chẳng biết ý-vị chẳng biết tội lỗi, chẳng biết xuất ly; nên với trong thọ chẳng khổ chẳng vui bị vô-minh-sử sai khiến”. Người phàm phu ấy thường chẳng biết năm pháp nầy, nên thường đối với trong thọ chẳng khổ chẳng vui bị vô-minh sử sai khiến. Vô-minh sử tức là tính “chẳng biết” của thọ hành vậy. Như phàm phu tâm hành khổ vui cũng tức là tham giận. Lại như bắt đầu đến nơi tâm gọi là thọ; thêm lớn rõ ràng gọi là phiền não. Lại tâm mềm xuống gọi là thọ; cũng tức tâm ấy tăng lên gọi là phiền não.


PHẨM THAM TƯỚNG THỨ 122

Luận giả nói: Tham này trong chín món gút thông buộc cả ba cõi gọi là ái. Với trong bảy gút phân làm hai thứ: tham-dục và hữu-dục. Tại vì sao? Vì có người đối với hai cõi trên sinh tưởng giải thoát. Vậy nên Phật mới nói chõ ấy gọi là “Có”. “Có” gọi là sinh, nếu không tham thời chẳng sinh. Vậy nên riêng nói hữu-tham, chẳng những dục-tham là phiền não, diệt hết dục tham gọi là giải thoát. Nên Phật mới nói: Thiền trong vô sắc cũng có hữu tham. Phật chỉ rõ trong ấy có trói buộc nhỏ nhiệm. Vậy nên nói tham này, ở trong mười đường chẳng lành và trong bốn trói buộc gọi là tham-dục. tham-dục mà gọi là dục, vì muốn được vật của kẻ khác. Ở trong năm món che và trong hạ-phần-kiết gọi là dục-dục. Dục-dục mà gọi là dục, vì ở trong ngũ-dục; trong ba bất-thiện-căn gọi là tham bất-thiện-căn; tham bất-thiện-căn là năng sinh trưởng các pháp bất thiện. Tham nầy, nếu tham phi-pháp gọi là ác tham, như trộm cướp vật của kẻ khác, cho đến lấy vật của Tháp, chùa, Tăng-chúng; hoặc chúng-sinh chưa chết mà muốn ăn thịt; hoặc muốn dâm mẹ, chị, em gái, vợ của bực Thầy, người xuất-gia và vợ của mình mà mà dâm chỗ phi-đạo, đều gọi là ác tham. Như vật của mình mà chẳng muốn nới cho, thời gọi là xan, xan tức là tham. Nếu thật không công đức, mà muốn khiến người ta bảo có, gọi là ác dục. Nếu thật có công đức, nếu muốn người ta biế gọi là phát-dục. Nếu muốn được nhiều thí nhiều vật, gọi là đa-dục. nếu muốn được thí ít, vật ít, mà tìm lấy thứ tốt không nhàm gọi là bất tri túc. Nếu lắm chấp dòng dõi, gia thuộc, danh sắc, của giàu, trẻ trai, trường thọ thảy, gọi là kiêu-dật. Nếu tham bốn vật cúng-dường, gọi là tứ ái. Lại tham này có hai thứ: một dục tham, hai cụ-tham. Lại có hai thứ: một ngã-tham, hai ngã-sở-tham. Một duyên-nội, hai duyên-ngoại. Tham hai cõi trên một bề duyên bên trong. Lại có năm thứ: một tham sắc, hai tham hình; ba tham xúc; bốn tham uy-nghi ngôn-ngữ; năm tham tất cả. Lại tham sắc, thanh, hương, vị, xúc gọi là tham ngũ-dục. Lại với sáu món xúc sinh ái gọi là tham lục-trần. Lại tham ở trong ba món thọ: trong lạc thọ có tham muốn được, có tham giữ gìn; trong khổ thọ có tham chẳng muốn được, có tham muốn mất; trong bất-khổ bất lạc thọ có tham ngu si. Lại tham này có chín phần, như trong kinh đại nhân nói: “Bởi ái nên tìm theo sự sở dục”.

Như người bị việc nầy làm khổ thời tìm việc khác, như nói kẻ vui chẳng cầu, kẻ khổ nhiều cầu. Tham nầy tăng trưởng gọi là cầu. Khi cầu, nếu được gọi là đắc. Ưa nhân được thời trù tính là nên lấy hay chẳng nên lấy . Nếu tâm quyết định gọi là nhân trù tính nên ưa muốn: nhân ưa muốn nên tham đắm, tham đắm gọi là tham-ái. Nhân-duyên tham đắm nên lấy; lấy gọi là thọ, nhân thọ sinh bủn-xỉn; nhân bủn-xỉn nên giữ gìn nhân giữ gìn nên mới sắm đủ thứ roi, gậy, dao, xà-mâu thảy. Đấy gọi là chín phần. Lại có chín phần nữa, là tham tùy thời nên mới có thượng-trung-hạ: hạ hạ, hạ trung, hạ thượng; trung hạ, trung trung, trung thượng, thượng hạ, thượng trung, thượng thượng. Lại thế-gian chia tham nầy làm mười thứ: một như khi thấy sắc đẹp đầu tiên móng tâm nói ngầm “được” hai kế đó sinh muốn; ba phát-ngụyện; bốn nghĩ nhớ; năm theo bắt chước động-tác; sáu quên xấu hổ; bảy thường ám ảnh trước mắt; tám buông lung; chín điên cuồng; mười ngất chết. Đấy gọi là tướng tham.


PHẨM THAM NHÂN THỨ 123

Hỏi: Làm sao sinh tham ấy?

Đáp Như với trong cảnh duyên nữ sắc thảy sinh nghĩ nhớ bậy: hoặc sắc, hoặc hình, hoặc xúc, hoặc điệu bộ nói năng là sinh tham dục. Lại nếu chẳng giữ gìn các cửa mắt tai thời sinh tham dục. Lại như với việc ăn uống chẳng biết tiết-lượng là sinh tham dục. Lại gần gũi nữ sắc thời sinh tham dục. Lại hưởng các thú vui thời sinh tham-dục. Lại vì ngu si nên sinh tham dục như với trong bất-tịnh tưởng là tịnh. Lại bởi ác-tri-thức nên sinh tham dục, như đem khăn nhơ nhớp mà gói áo sạch-sẽ. Lại vì cộng sự với người đa-dục, nên sinh tham-dục. Lại đối với thân thọ thảy bốn pháp sinh nghĩ nhớ lộn ngược là bị tham-dục lôi kéo, như bình tròn không đai, như hoa không xỏ xâu. Lại như biếng-nhác chẳng siêng tu hành thời tham-dục dễ sinh được. Lại đi chỗ phi-hành-xứ, thời bị tham xâm lấn nghĩa là chỗ dâm-nữ, quán rượu, hàng thịt thảy, như ví-dụ chim bồ-cắt. Lại quán bất-tịnh thảy chưa có thể phá hoại được cảnh duyên thời tham dục đắc thế. Lại từ lâu xa đến giờ, thường quen tham-dục, nên thành tham-sử, vậy thời dễ sinh. Lại với cảnh duyên nữ sắc thảy ưa thủ-tướng, thủ-liễu. Thủ-tướng: nghĩa là lấy các tướng tay, chân, mặt, mắt, lời nói, giỡn cười, xem nhắm và kêu khóc thảy. Thủ liễu: nghĩa là phân biệt trai gái hình trạng sai khác. Như vậy, lấy, lấy rồi nghĩ nhớ phân biệt thời sinh tham-dục. Lại tâm nghĩ lường yếu ớt nên cứ chạy theo cảnh duyên không thể ngăn chận được, thời sinh tham dục. Lại nếu sinh tham dục nhẫn chịu chẳng bỏ, thời ngày càng lớn lần thêm: từ hạ sinh trung; từ trung sinh thượng. Lại với trong tham dục chỉ thấy say đắm mùi lợi lạc mà chẳng biết tội lỗi, thời sinh tham dục. Lại vì thời tiết nên sinh tham dục, như mùa xuân thảy. Lại vì nơi chỗ nên sinh tham-dục, như có địa-phương từ xưa nay nhiều thói dâm-dục. Lại tùy theo thân lực, nên sinh tham dục, như tuổi trẻ, không bệnh hoạn và đồi nuôi sống đầy đủ. Lại vì lực năng nên sinh tham-dục, như uống thuốc thảy. Lại được tịnh diệu tùy ý ngũ-dục thời sinh tham dục: nghĩa là thấy sắc đẹp hoa ao, vườn rừng, sum mậu xanh tươi, nước suối chảy mát-mẽ, mây hữu tình bay lơ lửng, ánh điện sáng lung linh, gió quạt mùi thơm bay đến; hoặc nghe tiếng kêu áo-não hòa nhau của các giống chim muông, và nữ-nhân trang điểm mềm dịu nhu-mì âm-thanh thảnh-thót, bộ điệu nói năng thảy. Lại vì nghiệp nhân-duyên nên sinh tham-dục, như kẻ thanh tịnh thí thời hay ưa mừng tịnh diệu ngũ-dục, mà kẻ tội nhân thời ưa bất tịnh. Lại vì từng loại nên sinh tham dục, như người dục người. Lại thân đắm giả-danh thời sinh tham dục; người nầy đối bên trong sinh tướng sĩ-phu bên ngoài sinh tướng nữ-lưu và áo mặc, kẻ oan, người thân các tướng. Lại vì tâm chưa được không Định nên trong thấy chúng-sinh, ngoài thấy sắc thảy thời sinh tham dục. Lại nếu tham-sử chưa diệt hết, ái duyên hiện tiền với trong ấy sinh nghĩ nhớ bậy bạ. Những nhân-duyên như thế thảy là sinh tham dục.

PHẨM THAM QUÁ THỨ 124

Hỏi: Tham dục có những lỗi gì nên muốn dứt ư?

Đáp: Tham dục thật khổ, Phàm phu điên-đảo quấy sinh tưởng vui. Kẻ-trí thấy khổ, thấy khổ thời phải dứt. Lại thọ dục không nhàm, như uống nước mặn, càng uống càng khát; vì càng khát thì làm sao được vui? Lại vì thọ dục nên các ác nhóm đống và có dao gậy thảy đều bởi tham dục vậy. Lại trong kinh nói: “Tham tội nhẹ mà khỏ bỏ”. Vì đối với giận dữ nên gọi là tội nhẹ, kỳ thật là nặng. Lại tham làm nhân-duyên cho thân sau, như nói ái làm nhân-duyên cho thủ, cho đến nhóm một đống đại khổ. Lại nói khổ làm nhân cho ái. Lại nói Tỳ-kheo cần phải suy nghĩ kỹ càng: Có bao nhiêu các điều khổ do đâu mà có? Phải biết đều lấy thân làm nhân-duyên, thân nhân nơi ái. Lại nói trong đoạn-thực có mừng có tham, vậy nên thức sinh trong ấy. Phải biết ái làm nhân-duyên thọ thân. Lại tham này thường đi trong bất tịnh, như nữ-nhân thảy. Thân tâm nữ-nhân là bất-tịnh, như cục phân bọc chất màu hay làm ô uế, như rắn độc hay cắn hại. Lại tham dục này thường đi trong si, như trong kinh nói: “Ví như chó gặm xương khô dính máu: vì nước mồm thấm vào, nên tưởng cho là ngon. kẻ tham cũng như vậy, với trong dục không ý vị, vì sức tà trái ngược nên cho là hưởng vị”. Lại như khúc thịt thảy bảy thứ ví dụ. Hoặc có người bảo với trong việc trong quá-khứ vị-lai mà sinh tham dục nên vui ít khổ nhiều. Tại vì sao? Vì như hưởng giàu sang thì ít, mà lúc tán hoại thì nhiều. Lại kẻ ái dục là bởi vui nên chịu đủ các thứ khổ: nghĩa là khi tìm cầu khổ, khi giữ gìn khổ, khi thọ dụng cũng khổ luôn; như cấy lúa, buôn bán, chinh chiến, sĩ tiến thảy. Khi tìm cầu là khổ. Khi giữ gìn lo sợ mất mát nên khổ, hiện còn không nhàm nên khổ. Lại đoàn tụ vui yêu ít, chia lìa khổ lắm nhiều. Cho nên biết tham dục có nhiều tội lỗi. Lại như Phật nói ái dục có năm thứ tội lỗi: một ý vị ít mà lỗi nhiều; hai các gút hừng thịnh; ba đến chết không nhàm; bốn bị Thánh mắng bỏ, năm không ác nào chẳng gây.

Lại tham dục nầy thường khiến chúng-sinh thuận theo giòng sinh tử, mà xa lìa Nê-Hoàn. Có các tội lỗi như thế nhiều vô-lượng. Nên phải biết tham-dục là nhiều tội lỗi. Lại sinh các phiền não đều bởi tham-dục, như tham thân nên khởi các phiền não về thân. Lại chẳng nhổ gốc ái-sử thời thường hằng bị khổ, như chẳng chặt cây độc-thọ thời thường hại người. Lại tham năng khiến chúng-sinh mang gánh gánh nặng. Lại trong kinh nói: “Tham ái là giây, như hai trâu đen trắng tự chẳng buộc nhau, chỉ bởi giây buộc. Như vậy mắt chẳng buộc sắc, sắc chẳng buộc mắt, tham-dục ở trong ấy buộc”. Nếu cảnh duyên là buộc, thời không ai được giải thoát. Lại trong kinh nói: “Chúng-sinh bị vô-minh che khuất và gút-ái trói buộc, qua lại trong sinh tử không có ngằn mé”. Lại trong kinh nói: “Tham dứt nên sắc dứt, cho đến Thức cũng dứt”. Tham nầy nhờ quán vô thường thảy mới dứt được. Dứt được tham-dục nầy thời tâm được giải thoát. Sắc tham dứt thời không sắc; Không sắc thời khổ dứt, cho đến Thức cũng như thế. Cho nên biết tham-dục là trói buộc bền chắc hơn hết. Lại tham-dục nó ác như kẻ giặc mà chúng-sinh chẳng thấy biết, lại tham-dục thường dạo đi bên trong cửa, mềm-mại đẹp đẽ nên gọi là thâm-ác. Lại tâm chúng-sinh ưa khởi tham-dục, cho đến loại muỗi, kiến cũng đều ở trong uống ăn, dâm-dục mà khởi. Lại tham-dục nầy nhiều thứ nhân-duyên năng buộc lòng người, nghĩa là cha mẹ, anh em, chị em vợ con và của cải thảy. Lại chúng-sinh vì tham-dục ăn uống, dâm-dục che tâm nên mới năng thọ sinh; nếu tham muốn thiền-định thời sinh cõi trên. Lại tham-dục nầy năng làm hòa-hiệp: tất cả sở-lạc của thế-gian đều khác nhau, mà tham-dục làm hòa-hợp lại, in như cát được nước trộn vào là dính nhau lại. Lại trong sinh tử lấy tham-ái làm khí-vị, như nói “Trong sắc đắm vị”. Nghĩa là bởi sắc sinh: hoặc mừng hoặc vui. Nếu không tham thời chẳng có khí-vị, chẳng khí-vị thời có thể mau dứt sinh-tử. Lại tham-dục nầy trái nhau với giải thoát. Tại vì sao? Vì chúng-sinh vì bởi tham đắm dục-lạc, thiền-định lạc nên chẳng vui muốn giải thoát. Lại tùy dứt được một phần tham, tức được biến thành một phần vui, như nói: “Tùy chỗ lìa dục lần lượt vui sâu sắc”. Lại nói: “Nếu muốn được các vui, phải bỏ tất cả dục”. Bỏ tất cả dục nên được rốt ráo thường vui. Nếu muốn được đại-lạc, phải bỏ rời thiểu-lạc. bỏ rời thiểu lạc nên năng được vô-lượng lạc. Lại nói “Kẻ trí không riêng có lời vui gì khác, bằng lìa lòng tham-ái”. Tùy lòng lìa tham-ái thời diệt được các khổ não. Lại tham-dục nầy làm hư thiện-pháp. Tại vì sao? Vì kẻ nặng tham đắm thời chẳng đoái hoài giới-luật, dòng-dõi, giáo-pháp, uy-nghi, danh-dự, chẳng lĩnh thụ lời giáo-hóa, chẳng thấy sự suy hoạn, chẳng coi tội phước ra gì, như cuống như say chẳng biết tốt xấu; cũng như kẻ mù chẳng thấy phước lợi. Như nói “Tham-dục chẳng thấy lợi; tham-dục chẳng biết phân-biệt phải trái, in như đui mù vô-trí, vì chẳng diệt trừ tham-dục vậy”.

Lại nói “tham dục là biển cả, không bờ cũng không đáy, sóng mòi xoáy vận sâu, ác-trùng, quỉ La-sát; các hiểm nạn như thế, không ai quá khỏi được; chỉ nương thuyền tịnh giới nhờ sức gió chính kiến; Phật là vị đại thuyền sư, năng chỉ dẫn đường chính, như nói mà tu hành, kẻ ấy mới qua được”. Lại trong các phiền não không có tưởng nhớ phân biệt khí vị nào bằng tham dục. Lại tham-dục này là khó dứt, như trong kinh nói: Hai món muốn khó dứt: một muốn được; hai muốn sống lâu”.

Hỏi: Tham-dục có những lỗi như thế, làm sao biết được tướng của kẻ tham dục?

Đáp: Người nhiều tham-dục là ưa vui nữ sắc và hoa hương, chuỗi anh lạc, ca nhạc, múa hát; thường đến nhà dâm nữ nhóm họp, ăn uống; ưa tụ họp đông đảo và các đồ dụng cụ múa giỡn; ưa đem lời ái ngữ, tâm thường vui mừng, sắc diện tươi hòa, lẹ ý hỏi han, ngậm cười nói năng, khó giận dễ vui, tâm nhiều lân mẫn, thân thể lanh lẹ, tính tình tháo vát, tự chấp chặt bản ngã. Những tướng như thế gọi là tướng nhiều tham-dục. Tướng nầy cùng với tính trói buộc đều thuận nhau, vậy nên khó dứt. Lại tất cả tham-dục rốt ráo đều khổ. Tại vì sao? Vì những việc tham ái được kia chắc chắn phải ly tán tất có buồn khổ, như nói “Người Trời đều vui sắc, tham sắc, ưa sắc, đắm sắc; khi sắc nầy hoại thời tâm ăn năn buồn rầu. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế cả”. Lại trong các kinh Phật nói nhiều ví dụ để quở tham dục nầy nghĩa là: nặng hại huệ mạng, nên nói là độc; ở tâm thời xốn nên gọi là gai; năng dứt căn lành nên gọi là dao; năng đốt thân tâm nên gọi là lửa; năng sinh các khổ nên gọi là oán; từ trong tâm sinh ra nên gọi là giặc bên trong; vì khỏ nhổ nên gọi là rễ sâu; năng nhớp danh dự gọi là đất bùn; ngăn trở đường lành gọi là vật chướng ngại; đâm vào bên trong đau nhức nên gọi là tên đâm tim; sinh nảy các ác nên gọi là rễ chẳng lành; chẩy rót vào biển sinh tử nên gọi là sông; trộm cướp của lành nên gọi là tặc. Tham-dục có những tội lỗi như thế nhiều vị-lai. Vậy nên cần phải dứt.


PHẨM ĐOẠN THAM THỨ 125

Hỏi: Tham-dục có những lỗi như vậy sẽ làm sao dứt?

Đáp Lấy bất-tịnh quán thảy mà ngăn, vô thường quán thảy mà dứt.

Hỏi: Có người giác tỉnh vô thường nên càng tăng tham dục, việc ấy làm sao?

Đáp: Nếu người năng biết tất cả vô thường thời không tham-dục, Như trong kinh nói: “Khéo tu tưởng vô thường nên có thể phá hoại được tất cả tham dục. tham sắc, tham vô sắc, tất cả hí-trạo, kiêu-mạn và vô-minh”. Lại nếu người năng thấy thế-gian e đều khổ, khổ bởi nhân-duyên tham, thời tham nầy dứt. Lại nếu người thường nghĩ: ta chắc phải chịu khổ sinh-lão-bệnh-tử, thời tham nầy dứt. Lại như được tịnh-lạc thời bỏ lạc bất-tịnh, như được sơ-thiền thời bỏ dục-ái. Lại thấy lỗi của tham-dục là năng dứt được. Lỗi như trước đã nói. Lại vì đa văn thảy trí-huệ tăng trưởng nên năng dứt tham-dục vì tính trí-huệ phá phiền não vậy. Lại nhờ nhân-duyên lành đầy đủ, thời tham-dục dứt, nghĩa là tịnh trì-giới thảy, và mười một nón Định-cụ, trong Đạo Đế sau sẽ nói. Lại sắc-trí thảy, pháp-trí thảy ác phương tiện. Đức Phật là Vị Đại-y, các bạn đồmg học là những kẻ sai khiến chính-pháp là thuốc, tự như nói mà làm cho đúng, thời bệnh tham-dục dứt:như có người biết bệnh và ba việc ấy đầy đủ là bệnh lành tức thì.

Hỏi: Như trong kinh nói dùng bất-tịnh quán để trừ tham dục. Tại sao nói bất-tịnh thảy và vô thường thảy?

Đáp: Tất cả Phật-pháp đều vì phá các phiền não. Nhưng đều có thắng-lực riêng: trước tiên dùng bất-tịnh quán để ngăn tham-dục, sau mới lấy vô thường mà dứt. Lại bất-tịnh để trừ thô-tham-dục, đấy được nhiều người biết chứ tham-sử vi-tế nên phải nhờ vô thường mới dứt được. Lại chỉ trong một kinh đó nói như thế, chứ trong các kinh khác cũng nói các pháp khác cũng năng dứt. Nhân-duyên như thế thời tham-dục dứt.


PHẨM SÂN NHUẾ THỨ 126

Luận-giả nói tướng giận dữ là: Như giận người nầy muốn khiến nó diệt mất, nhờ khiến kẻ khác trói đánh giết hại, nhất quyết từ bỏ hẳn chẳng muốn thấy. Giận này gọi là ba-la-đề-già Dịch là giận hạng nặng. Có thứ giận chỉ muốn đánh đập người khác gọi là vi-hân-bà: Dịch là giận hạng trung. Có thứ giận chẳng muốn bỏ rời như bởi ghét, yêu vợ con mà sinh, gọi là câu-lự-đà; Dịch là giận hạng nhẹ. Có thứ giận thường ngấm dơ tâm, gọi là ma-xoa: Dịch là chẳng trả thù. Có thứ giận ở mãi nơi tâm chẳng bỏ, cần muốn trả thù, gọi là: ưu-bà-na-ha; Dịch là trả thù. Có thứ giận gấp chấp một việc nhiều lời khuyên nhủ quyết chẳng muốn bỏ, như sư tử muốn qua sông, nhắm lấy tướng bên kia bờ, cho đến chết chẳng lui, gọi là ba-la-đà-xá: Dịch là chấp-chặt. Có thứ giận thấy người ta đắc lợi, tâm sinh ganh ghét, gọi là y-sa. Có thứ giận thường ưa giành kiện, tâm khẩu cương cường, gọi là tam-lam-ba: dịch là giận giành. Có thứ giận, hoặc sư-trưởng dạy dỗ mà nghịch chống lại, gọi là đầu-hòa-già: Dịch là trái chống. Có thứ giận như được việc chút ít chẳng vừa lòng thời tâm sinh bối rối tác hại, gọi là a-sằn-đề: Dịch là chẳng nhịn. Có thứ giận nói lời chẳng mềm mại thường hay nhăn-nhó chẳng hay hòa sắc mặt, nói năng cướp ý trước, gọi là a-bà-cật-lược: Dịch là chẳng vui lòng. Có thứ giận đối với kẻ đồng-trụ thường hay mắng chửi, gọi là a-tảo-la-triêm: Dịch là chẳng thuận hòa. Có thứ giận dùng thân-khẩu-ý xúc não kẻ đồng-học, gọi là thắng kỳ: Dịch là xúc hại. Có thứ giận thường hay bẳn hẳn và chê bai sự vật, gọi là đăng-đơn-na-tha: dịch là khó tính. Hai thứ giận này, hoặc nhân chúng-sinh hoặc chẳng nhân chúng-sinh: Nhân chúng-sinh gọi là trọng tội. Lại có thượng, trung, hạ chia riêng chín phẩm. Lại nhân chín món phiền não chia riêng làm chín. Vô sự nổi giận ngang ấy là thứ mười.

Hỏi: Giận nầy làm sao sinh được?

Đáp: Từ việc chẳng vừa ý khổ-não mà sinh. Lại vì chẳng năng chính biết tính khổ-thọ nên sinh giận dữ. Hoặc từ quở mắng roi đánh thảy mà sinh. Hoặc đồng sự với người ác mà sinh giận dữ, như hàng thịt, thợ săn thảy. Hoặc vì nhờ trí-lực yếu ớt nên sinh giận dữ như cành nhánh cây bị gió làm lay. Hoặc nhóm giận dữ cho đến nỗi thành tính thời sinh giận dữ.. Hoặc từ trong dòng hàng thịt, thợ săn và loài rắn độc mà lai sinh làm người thời sinh giận dữ. Hoặc ưa nhớ lỗi của kẻ khác nên sinh giận dữ, như trong chín thứ não đã nói. Hoặc tùy thời tiết nên sinh giận dữ, như đến khi người chỉ còn mười tuổi thảy. Hoặc bởi loài giống nên sinh giận dữ, như loài rắn độc thảy. Hoặc bởi địa phương nên sinh giận dữ, như nước khương cù thảy. Lại như trước đã nói nhân duyên sinh tham, cùng với tham trái nhau thời sinh giận dữ. Lại chấp ngã-tâm kiêu-mạn hừng thịnh và say sưa tài vật, các nhân-duyên như thế thảy, thời sinh giận dữ.

Hỏi: Giận nầy có những tội lỗi gì?

Đáp: Trong kinh nói giận là tội nặng nhất. Vì đối với tham dục nên gọi là dễ nguôi. Mà thật là khó gỡ, chỉ chẳng bằng tham lâu theo bám nơi tâm. Lại giận làm hại hai mặt: trước đốt hại nơi mình, sau mới đốt hại nơi người. Lại giận quyết định là địa ngục, vì do giận khởi nghiệp đa phần đọa địa ngục vậy. Lại giận năng phá hoại phước lành, nghĩ là thí-giới nhẫn ba pháp nầy đều do lòng Từ thảy mà sinh; giận cùng với lòng Từ trái nhau nên gọi là năng phá hoại, lại do giận khởi nghiệp đều bị tiếng xấu. Lại do giận khởi nghiệp về sau tâm phải ăn năn. Lại kẻ hay giận hờn, không có lòng lân mẫn, nên mang danh là kẻ hung bạo, vì chúng-sinh đã thường khổ mà lại gia-hại vì giận, như ghẻ như lửa. Lại trong kinh tự nói lỗi của giận là kẻ nhiều giận hình sắc xấu xí, khi nằm ngủ, khi thức dậy chẳng yên vì tâm thường sợ hãi; bị người khác chẳng tin thảy.

Hỏi: Người nhiều giận dữ có những tướng ra sao?

Đáp: Tâm khẩu cương cường thường chẳng vui vẻ, mặt mày nhăn nhó, điệu sắc chẳng hòa, khó mà gần gũi dễ nổi xung khó giải khuây, thường hay giận hờn ngầm, ưa những cãi cọ; hay sửa sang binh khí, kết bè đảng với bạn ác; lại ganh ghét người lành; là con người thô kệch chẳng suy nghĩ kỹ, ít khi biết hổ trẽn. Có những điều như thế gọi là tướng giận dữ. Các tướng nầy đều vì ganh ghét kẻ khác mà sinh, vậy nên cần phải dứt.

Hỏi: Phải làm thế nào mà dứt?

Đáp; Phải thường tu Từ-Bi Hỷ-Xả thời giận dữ dứt. Lại phải thấy tội lỗi của giận dữ thời mới dứt được. Lại được chân trí thời giận dữ dứt. Lại phải nhờ sức nhẫn nhục là giận dữ mới dứt được.

Hỏi: Sao gọi là sức nhẫn?

Đáp: Nếu có thể nhẫn các khổ quở mắng do kẻ khác là người nầy được phước báo, pháp lành, cũng chẳng nên bởi chẳng nhẫn mà sinh hung ác. Đấy gọi là sức nhẫn nhục. Lại kẻ tu nhẫn gọi là Sa-Môn, vì nhẫn nhục là cửa đầu tiên vào Đạo vậy. Pháp Sa-Môn là: xung chẳng trả xung; mắng chẳng trả mắng; đánh chẳng đánh lại. Lại như Tỳ-kheo năng nhẫn thời đúng với pháp xuất gia. Lại kẻ giận dữ chẳng phải phép xuất gia. Phép xuất gia là nhẫn nhục mới phải. Lại nếu Tỳ-kheo hình mặc khác tục mà tâm còn giận dữ, thời đồng với thó phi sở nghi. Lại như kẻ tu nhẫn nhục thế là đã đủ công đức Từ-bi. Lại kẻ tu nhẫn nhục năng thành tự lợi. Tại vì sao? Vì những kẻ giận dữ muốn não hại người, mà chính là tự hại: đem hết thân khẩu để gia ác cho người, mà tự mình đã bị ác quá hơn trăm ngàn. Nên biết giận là tự tổn hại nặng nhất. Vậy nên kẻ trí muốn khiến mình, người đều được khỏi đại-khổ và đại tội, cần phải tu nhẫn nhục.

Hỏi: Làm sao năng nhẫn nổi những khổ quở trách mắng chửi?

Đáp: Nếu người khéo tu vô thường rõ thấu các pháp niệm niệm sinh diệt; kẻ mắng, kẻ bị mắng đều diệt từng niệm, trong ấy có chỗ nào đáng sinh giận dữ? Lại khéo tu không tâm mới có thể nhẫn-nhục được. Nên nghĩ như vầy: Các pháp “thật không” ai là kẻ mắng? ai là kẻ bị mắng? Lại sự việc nếu thật, thời nên nhẫn-nhục: vì ta thật có lỗi, tiền nhân kia thật lời. Thế sao giận được? Nếu sự chẳng thật, thời kẻ kia tự phải bị quả báo vọng ngữ, ta dính gì mà giận? Lại nếu nghe mắng ác, phải nghĩ như vầy: tất cả thế gian đều theo nghiệp chịu báo, ta xưa chắc đã gây nghiệp nhân mắng này, nay nên đền trả. Làm sao giận được? Lại nếu nghe mắng ác , tự phải xét lỗi mình: Do nghiệp thọ thân thân là đồ đựng khổ, nên phải chịu mắng. Lại kẻ tu nhẫn-nhục nên suy nghĩ như vầy: “Muôn vật đều do nhiều nhân duyên sinh; khổ mắng ác nầy, là do nhĩ thức, ý thức và tiếng tăm thảy mà sinh. Ta với trong ấy tự có hai phần, kẻ kia duy có tiếng tăm, vậy thời tội ta nhiều hơn. Tại sao mà giận? Và vì ta với tiếng tăm nầy chấp lấy tướng phân biệt, nên sinh phiền não tức là ta lỗi”. Lại kẻ nhẫn nhục chẳng nên bắt lỗi kẻ khác. Tại vì sao? Vì tội tham sân si nầy chẳng phải lỗi của chúng-sinh mà do tâm chúng-sinh bệnh phát sinh ra vậy, nên chẳng được tự tại, như thầy chữa quỷ, chữa kẻ mắc quỷ, chỉ nên giận quỷ mà chẳng nên giận bệnh-nhân. Lại người nầy vì siêng tu tinh tấn ham nhóm pháp lành nên chẳng chấp lời kẻ khác. Lại nghĩ nhớ các Đức Phật, các Hiền-Thánh hãy chẳng khỏi bị mắng: như xảo-ma Bà-la-môn thảy mắng Phật nhiều điều; như Xá-Lợi-Phất thảy bị Bà-la-môn gia hạicác thứ hủy-nhục, huống chi chúng ta là hạng người bạc phước ư? Lại nghĩ như thế này: Thế gian nhiều ác mà chẳng cướp được mạng ta đã là rất may huống chi đánh mắng? Lại nghĩ thế nầy: các thứ mắng ác nầy với ta không khổ dễ nên nhẫn chịu. Như Phật dạy Tỳ-kheo dẫu cho cưa sắt xẻ mình, cũng nên nhẫn chịu, huống chi mắng chửi thời chứng nghiệm rõ ràng, càng thêm nhàm lìa, bỏi ác tu thiện. Lại người này phải biết chẳng nhẫn-nhục sau chịu khổ báo, mới nghĩ như vầy: thà chịu khinh mắng, khỏi đọa địa ngục. Lại người này nặng ôm lòng hổ-trẽn. Ta là kẻ đại nhân đệ tử Đức Thế Tôn, là kẻ tu Đạo làm sao mà khởi thân khẩu là nghiệp chẳng đáng khởi ư? Lại được nghe Bồ-tát tu nhẫn nhục và Đế-Thích thảy mà được quả nhẫn-lực. Vậy nên phải tu nhẫn.


PHẨM VÔ MINH THỨ 127

Luận giả nói chạy theo giả-danh gọi là vô-minh. Như nói phàm phu theo tiếng tăm Ngã. Trong ấy thật không có Ngã và ngã-sở, chỉ các pháp hòa hiệp giả gọi là Người; phàm phu chẳng phân biệt được nên sinh ngã-tâm. Ngã-tâm sinh tức là vô-minh.

Hỏi: Trong kinh Phật nói chẳng biết đời quá-khứ thảy gọi là vô-minh. Tại sao chỉ nói ngã-tâm ấy?

Đáp: Với trong quá-khứ nầy thảy vì nhiều người sai lầm, nên mới nói trong ấy chẳng biết gọi là vô-minh. Lại trong kinh giải thích nghĩa Minh là có chỗ hiểu biết mới gọi là minh. Biết những pháp gì? Là sắc ấm vô thường, như thật nói biết vô thường. Thọ, tưởng, hành thức các ấm vô thường, như thật biết vô thường. Cùng với Minh trái nhau gọi là vô-minh. Vậy thời bất minh “như thật” nên gọi vô-minh.

Hỏi: Nếu bất-minh như thật gọi vô-minh ấy. Gỗ đá thảy các pháp lẽ phải gọi vô-minh? Vì bất minh như-thật vậy.

Đáp: Chẳng phải vậy. Gỗ đá vô-tâm chẳng phân-biệt được đời quá-khứ thảy, vì vô-minh phân-biệt được nên chẳng đồng gỗ đá.

Hỏi: Vô-minh gọi là vô pháp, như người mắt chẳng thấy sắc không có pháp chẳng thấy. Vậy nên chỉ Minh không có, nên gọi là vô-minh, chứ không có pháp riêng vậy?

Đáp: Chẳng phải vậy. Nếu không có vô-minh thời đối trong năm ấm vọng chấp có người, và trong ngói đá sinh tưởng là vàng bạc ấy, là gọi thứ gì? Vậy nên phải biết tính tà phân-biệt gọi là vô-minh, chứ chẳng phải vì mình không có mà gọi là vô-minh vậy. Lại từ vô-minh nhân-duyên mới có các hành thảy nối nhau mà sinh; nếu là vô pháp thời làm sao sinh được!

Hỏi: Nếu chẳng phải minh gọi là vô-minh ấy. Nay chỉ trừ minh, tất cả các pháp đều là vô-minh. Vậy nên chẳng vì một pháp gọi là vô-minh?

Đáp: Vô-minh nầy là nói trong tự tướng, chứ chẳng nói các pháp. Như nói bất thiện tức là nói thể bất thiện, chức chẳng nói vô ký. Vô-minh cũng vậy. Tuy mang hình người, mà không có đức hạnh người, nên mới gọi chẳng phải người. Như vậy minh nầy tuy có phân-biệt mà chẳng năng thật biết nên mới gọi vô-minh. Gỗ đá chẳng phải vậy.

Hỏi: Nếu nói vô-sắc, vô đối, vô-lậu, vô-vị đều là các lối nói, tại sao vô-minh chẳng phải như thế?

Đáp: Hoặc có lý nầy, nhưng trong bất thiện thảy thời chẳng như vậy.

Hỏi: Có người nói chỉ bởi minh không có nên gọi vô-minh, như trong nhà không ánh sáng nên gọi là tối?

Đáp: Thế-gian có hai lối nói: Hoặc sáng không có nên nói là không sáng; hoặc sáng bậy cũng nói là không sáng. Sáng không có nên nói là không sáng ấy: Như thế gian nói mù chẳng thấy sắc, điếc chẳng nghe tiếng. Sáng bậy cũng nói là không sáng ấy: Như đêm thấy cây trụi sinh tưởng người; thấy người tưởng là cây trụi Lại người chẳng năng thật biết được như vậy nên gọi là chẳng biết. Lại tà-tâm gọi là phiền não; các hành nghiệp nhân-duyên nầy vì A-La-Hán đã dứt nên không có vô-minh làm nhân-duyên cho các hành. Nếu chẳng phải minh gọi vô-minh ấy. Nay A-La-Hán không minh trong Phật pháp, lẽ phải gọi vô-minh? Nếu có vô-minh thời chẳng phải A-La-Hán. Nên phải biết riêng có thể tính vô-minh tức là tà tâm vậy. Tà-tâm nầy là vô-minh phân ra tất cả phiền não. Tại vì sao? Vì tất cả phiền não đều là tà-hành vậy. Lại tất cả phiền não che khuất tâm người, đều là đui mù. Như nói tham-dục chẳng thấy pháp tham-dục chẳng thấy phước. Kẻ nang thọ tham nầy đều gọi là đui mù. Sân si cũng như vậy. Lại từ tất cả phiền não sinh các hành-nghiệp, nên trong kinh nói từ vô-minh sinh hành. Nên biết tất cả phiền não đều là vô-minh. Lại kẻ chẳng thấy “không” thường có vô-minh, vì bẩn vô-minh là nhân-duyên các hành. Lại vì tà-minh nên nói vô-minh. Kẻ thưa thấy “không” thường là tà-minh. Nên biết vô-minh phân ra tất cả phiền não.

Hỏi: Làm sao sinh vô-minh?

Đáp: Nếu nghe, nghĩ tà-nhân thời sinh vô-minh, như cho có đà-la-phiêu, có hữu-phần-giả, có tinh-thần, các pháp niệm niệm chẳng diệt, không có thân đời sau, tiếng tăm và Thần là thường, cỏ cây thảy có tâm; rồi muốn thành lập những tà-chấp như thế, thời sinh vô-minh. Hoặc do tà-nhân nên sinh vô-minh là: gần-gũi bạn tà-ác, chăm nghe tà pháp, rồi nghĩ tà và làm tà. Vì bốn tà-nhân ấy nên sinh vô-minh. Lại nhân-duyên sinh các phiền não khác, đều là nhân sinh vô-minh. Lại do nhân vô-minh nên sinh vô-minh, như từ bắp sinh bắp, từ lúa sinh lúa. Như thế từ chấp của chúng-sinh, thời sinh vô-minh. Lại trong kinh nói: “Từ tà niệm nhân-duyên mà sinh vô-minh”. Tà niệm tức là biệt danh của vô-minh, nghĩa là thấy có người, trước tâm sinh người, sau nghĩ rõ ràng, nên gọi là vô-minh; hai trước sau nầy giúp nhau sinh nhau, như từ cây sinh trái, từ trái lại sinh cây.

Hỏi: Vô-minh có những lỗi gì?

Đáp: Tất cả suy-não đều bởi vô-minh. Tại vì sao? Vì từ vô-minh sinh tham thảy các phiền não; từ phiền não khởi nghiệp bất thiện; từ nghiệp mới thọ thân. Nhân-duyên thọ thân, mới bị các thức suy-não. Như trong kinh nói: “Vô-minh che khuất gút-ái trói buộc, chịu các hữu-thân”. Lại trong kinh Sư tử hẩu nói:”Các lấy, đều do vô-minh làm gốc”. Lại nói kệ”

Có bao chỗ tội ác

Đời nay hoặc đời sau,

Đều vô-minh làm gốc,

Nên từ tham dụ khởi

Tất cả lỗi phiền não

Đều bởi vô-minh có,

Vì từ vô-minh sinh

Tất cả phiền não vậy.

Lại phàm phu vì vô-minh nên chịu thân ngũ-ấm nầy là: Bất-tịnh, vô thường, khổ, không, vô ngã; kẻ Trí có đâu chịu các khổ này! Lại vì nhờ chính-tư-duy nên năng xả ngũ-ấm, như trong kinh nói: “Nếu biết ngã tâm là tà điên-đảo, thời chẳng còn điên-đảo, thời chẳng còn sinh”. Nên biết bởi vô-minh nhân-duyên nên bị trói buộc. Minh nhân-duyên nên được giải thoát. Lại thế gian chúng-sinh vì vô-minh nên tham cầu chút khí vị mà chẳng thấy nhiều tội lỗi, như phù du tự gieo mình vào lửa, như cá nuốt mồi câu. Chúng-sinh cũng vậy, hiện tham chút khí-vị mà chẳng đoái nhiều tội lỗi ngày mai. Lại kinh điển ngoại đạo đã sinh tà kiến nói không có tội phước thảy, đều là vô-minh. Lại các kiến khởi nghiệp phần nhiều đọa địa ngục; tà-kiến đều bởi vô-minh mà sinh. Lại Đức Phật là đấng Thế-Tôn, là bậc Nhất-Thiết-Trí là vị Đại-sư ba cõi, là kẻ Chân-Tịnh tu hành và các Thánh Đệ-Tử thảy. Mà các bọn ngoại đạo chẳng phân-biệt được, như viên ngọc châu bảo bị đứa mù bỏ-xa. Đấy đều là lỗi vô-minh vậy. Lại tất cả chúng-sinh có bao việc suy-não bại hoại thảy, đều bởi vô-minh; có tất cả lợi ích thành tựu tăng trưởng đều nhờ minh-mẫn. Nếu tăng trưởng vô-minh rốt ráo quyết đạo a-tì địa ngục. Như kiếp sơ con người chẳng biết khí vị là hư vọng, mới sinh tham-đắm, nên mất sắc-lực thọ mạng các thọ mạng các việc tốt thảy. Nên phải biết đều bởi vô-minh mà bỏ mất các điều lợi. Lại vô-minh nầy duy chân trí mới dứt được, chứ tham thảy bất lực. Lại trong tâm tham không có tham, mà vô-minh có mặt trong tất cả tâm; và những người chẳng tu huệ là vô-minh thường ở trong tâm. Lại trong các phiền não vô-minh rất mạnh, như trong kinh nói vô-minh tội nặng cũng khó giải trừ.

Lại vô-minh là cội rễ của mười hai Nhân-duyên, nếu không có vô-minh thời các nghiệp chẳng nhóm chẳng thành. Tại vì sao biết được. Các vị A-La-Hán không có tướng chúng-sinh, vì không vô-minh nên các nghiệp chẳng năng nhóm thành. Nghiệp chẳng nhóm nên Thức thảy các chi phần chẳng sinh lại được. Nên mới biết vô-minh là gốc của các khổ. Lại hiện thấy tham đắm thân bất-tịnh nầy cũng đối với trong vô thường sinh tưởng là thường, in như nắm tay không để đối trẻ nít; cũng như huyễn sư năng hiện trò huyễn để gạt người khiến họ thấy đất là vàng. Lại người tục nói: đứa ngu hiện có thể gia thêm tội mà cũng có thể dùng lời nói gạt. Thế-gian cũng vậy, mắt thấy bất tịnh mà để cho nó bị gạt. Lại các tâm pháp niệm niệm diệt hết, vì lấy tướng nên mới sinh. Sắc diệt hết rồi, vì si nên lấy tướng: với trong Thanh thẩy cũng lại như vậy. Vậy nên khó mà giải trừ. Đấy là lỗi vô-minh.

Hỏi: Người nhiều vô-minh có những tướng gì?

Đáp: Người nầy với chỗ đáng sợ chẳng sợ, chỗ đáng vui chẳng vui; ganh ghét người lành, ưa vui kẻ ác; ngược lấy ý người, thường ưa chống trái, chấp cứng việc bậy, thiếu lòng hổ trẽn, chẳng kể hiềm nghi; chẳng hay vui người, mình cũng khó vui, chẳng hay gần ai, ai cũng khó gần; ngu hãi không hiểu, ưa mặc áp nhớp, ưa vào chỗ tối, và chỗ bất tịnh; tự cao tự đại, hay khinh dễ người chẳng cần đạo lý, tự khoe công đức; lỗi chẳng biết lỗi, lợi chẳng biết lợi; chẳng ưa sạch sẽ, cũng chẳng uy nghi; vụng về nói năng, thường hay hờn giận hờn; lấy trộm pháp người, mà sâu tham đắm; học tụng khó đắc, đắc rồi dễ mất; dẫu có sở đắc, chẳng giải nghĩa nổi; dẫu có giải nghĩa, thời giải bậy bạ. Những tướng như thế đều bởi vô-minh. Nên biết vô-minh có vô lượng tội lỗi, vậy nên phải dứt.

Hỏi: Làm sao dứt được?

Đáp: Khéo tu chân trí thời nó dứt mất.

Hỏi: Biết ấm giới thảy cũng gọi là chân trí. Tại sao trong kinh nói thuốc vô-minh là, hoặc nhân-duyên, hoặc quán nhân-duyên?

Đáp: Các bọn ngoại đạo đối với nhân trong sự vật hiểu lầm; vì hiểu lầm trong nhân, nên nói Trời Tự-Tại thảy tạo ra thế-gian. Vì lầm nhân trong sự vật, nên mới nói có đà-la-phiêu có hữu phần thảy. Quán pháp nhân-duyên, thời hay sai lầm nầy dứt.

Hỏi: Nhân duyên gọi là thuốc trị vô-minh. Tại sao nói hai thứ?

Đáp: Vì muốn thu nhiếp hết các trí. Nếu quán ấm, giới, nhập thảy cũng phá được vô-minh. Nhưng nặng nhất là vô-minh nên gọi tà-kiến. Tà-kiến nhờ nhân-duyên mới dứt, nên nói hai thứ. Tham san cũng như thế. Lại thế-gian đối với danh-tự trong bình thảy sai lầm: như nghe tên cái bình thời sinh nghi: Tức sắc thảy là bình hay là rời sắc thảy lại riêng có bình? Như vậy nghi tức ngũ ấm là người hay rời ngũ ấm lại riêng có người? Nếu tâm quyết định thời đọa hai bên nghĩ là Đoạn và Thường. Thân tức là Thần, hay thân khác Thần khác cũng như vậy. Nếu người biết bình do các duyên sinh, nhân sắc, hương, vị, xúc mà thành. Như vậy sắc thảy các ấm là người; có thể hiểu như thế thời năng bỏ lìa “bởi danh-tự sinh ngu si” Danh tự nầy năng che khuất thật nghĩa các pháp, như trong kinh Thiên-Văn nói: “Danh thắng tất cả pháp, không có gì hơn được”. Do một pháp danh tự nầy tất cả các pháp đều tùy theo. Lại nói: “Thấy thế-gian Tập thời dứt được chấp không thấy thế-gian Diệt thời dứt được chấp có”. Lại nói: “Vì các hành nối nhau luôn nên mới nối ngũ-ấm sinh tử”. Đấy đều là tội lỗi vô-minh, quán Nhân-duyên thời dứt. Lại trong kinh nói “Nếu người thấy Nhân-duyên là người ấy tức đã thấy pháp”. Nếu thấy Pháp tức là thấy Phật. Như vậy nếu người năng dứt do-danh sinh-si, là người này mới thật thấy Phật, chẳng theo ai học. Vậy nên phải nhờ chính-trí thời hết vô-minh. Vì chính nhờ biết pháp nhân-duyên nên mới năng được chính-trí. Lại được nói tám muôn bốn ngàn trong pháp-tạng có bao nhiêu trí-huệ đều để diệt trừ vô-minh vì vô-minh làm cội rễ tất cả phiền não và giúp cho tất cả phiền não. Nhân-duyên như vậy thời dứt được vô-minh.


PHẨM KIÊU-MẠN THỨ 128

Hỏi: Đã nói ba phiền não là cội rễ sinh tử. Lại còn có gì nữa không?

Đáp: Có. Gọi là khinh-mạn.

Hỏi: Khinh-mạn là thế nào?

Đáp: Do tà-tâm tự cao gọi là mạn. Mạn nầy có nhiều thứ: như mình ở bực thấp mà tự cao thì gọi là mạn. Ở bực ngang mà chấp bực ngang cũng gọi là mạn, vì trong ấy chấp tướng tà tâm ta hơn vậy. Ở ngang hàng mà tự cho cao hơn gọi là đại-mạn. Ở bực hơn mà tự-cao gọi là mạn mạn. Đối với trong ngũ-ấm chấp lấy ngã-tướng, gọi là ngã-mạng. Ngã-mạn có hai thứ: thị-hiện tướng và bất thị-hiện tướng. Thị hiện tướng là ngã-mạn của phàm phu: nghĩa là chấp sắc là ngã; hay chấp hữu-sắc là ngã; chấp sắc trong ngã; chấp ngã trong sắc. Cho đến Thức cũng như vậy. Vì hiện ra hai mươi phần nầy nên gọi là thị-hiện tướng. Bất thị-hiện-tướng là; Kẻ học-nhân ngã-mạn, như trưởng-lão Sai-Ma-Già nói: “Chẳng nói sắc là ngã, chẳng nói thọ, tưởng, hành, thức là ngã; chỉ trong ngũ-ấm có: ngã-mạn, ngã-dục, ngã-sử”. Chưa dứt hết gọi là ngã-mạn. Nếu chưa được các quả công-đức Tu-Đà-Hoàn thảy, mà tự cho là đã được, gọi là Tăng-thượng-mạn.

Hỏi: Tăng-thượng-mạn có những lỗi gì?

Đáp: Về sau sẽ lo buồn. Như trong kinh nói: “Nếu Tỳ-kheo nói ta dứt nghi được Đạo, liền phải hiện tiền thuyết nhân-duyên thẳm sâu và pháp xuất thế-gian. Nếu Tỳ-kheo này thật chẳng được Đạo, khi nghe pháp ấy thời sinh hối não”. Vậy nên phải siêng dứt tăng-thượng-mạn này. Lại người tăng-thượng-mạn, các Đức Phật Thế-Tôn có tâm Đại Từ-Bi hãy còn bỏ xa chẳng vì nói pháp. Vậy nên phải dứt. Lại người tăng-thượng-mạn, vì trụ ở trong pháp tà kiến, nên không có thật công-đức, in như kẻ buôn ngọc đi sâu vào trong biển-cả, mà tham thứ ngọc giả ngụy châu. Người nầy cũng vậy, vào trong biển cả Phật pháp, được chút vui Thiền, bảo là chân Đạo mà sinh tham đắm. Lại người tăng-thượng-mạn, khi về tuổi già sắp chết chẳng kham thọ Đạo. Nên phải siêng cầu chân thật trí-huệ. Lại người tăng-thượng-mạn tự mất lợi ích mà tăng thêm ngu si, vì thật chưa được mà tưởng cho là được vậy. Vì vậy mà chẳng nên tự dối gạt lấy mình, phải xa tránh bỏ lìa. Nếu người đại-thắng mà cho là chẳng bằng chút, gọi là bất như mạn. Người này tự cao và tự hạ mình xuống. Nếu người không đức mà tự-cao gọi là tà-mạn. Lại lấy ác pháp tự cao cũng gọi tà-mạn. Nếu đối với người lành và bực đáng trọng, mà chẳng chịu lễ-kính gọi là ngạo mạn. Những tướng như thế gọi là kiêu-mạn.

Hỏi: Làm sao sinh mạn?

Đáp: Vì chẳng biết thật tướng các ấm và sinh kiêu mạn. Như trong kinh nói: “Nếu người dùng vô thường sắc và tự nghĩ: Là thượng, là trung, là hạ?” Chính vì người ấy chẳng biết như thật tướng vậy – Cho nên Thức cũng như thế. Nếu biết ấm tướng thời không kiêu mạn, như trâu ỷ đôi sừng nên sinh bạo mạn, nếu trừ đôi sừng thời chẳng còn gì mà bạo. Thân là bất tịnh, chín lỗ chảy nhớp, có đâu kẻ Trí ỷ đó mà tự cao! Nhờ những nhân-duyên niệm thân như vậy, thời không kiêu mạn. Lại kẻ Trí biết tất cả chúng-sinh hoặc nghèo hoặc giàu, hoặc sang hoặc hèn, đều lấy xương thịt gân mạch, năm tạng, phấn uế họp lại mà thành thân; đều có sinh-lão-bịnh-tử buồn rầu khổ não; cũng có tham sân thảy các phiền não, tội phước thẩy các nghiệp, và địa ngục thảy các phần ác-đạo. Làm sao mà khởi kiêu mạn. Lại thấy nội ngoại tâm do nhân nguyên sinh, đều niệm niệm diệt, thời không kiêu mạn. Tại vì sao? Vì chạy theo tướng nên sinh kiêu mạn, nếu không có tướng khởi mạn chỗ nào? Lại kẻ trí huệ, như thật có giới các công-đức, thời chẳng sinh mạn. Tại vì sao? Vì giới thảy các công đức đều vì để làm tiêu hết các phiền não nầy vậy. Nếu không công đức, có đâu kẻ-trí, với trong việc không có, mà khởi kiêu mạn. Lại quán tướng vô thường thảy thời diệt kiêu mạn. Có đâu kẻ trí, lấy vật vô thường khổ, bất tịnh mà sinh kiêu-mạn?

Hỏi: Kiêu-mạn có những lỗi gì?

Đáp: Từ kiêu-mạn có thân, từ thân sinh tất cả khổ. Như trong kinh Phật nói: “Nếu đệ-tử Ta kẻ nào chẳng năng như-thật biết tướng kiêu mạn, thời Ta thọ-ký cho sẽ sinh về chỗ nào đó, vì còn thừa kiêu mạn chẳng dứt vậy”. Lại tất cả phiền não đều tùy theo mà lấy tướng ngã là tướng lớn nhất trong các tướng. Nên biết là từ mạn có thân. Lại kiêu-mạn tức là si-phần. Tại vì sao? Vì mắt thấy sắc bảo là ta năng thấy. Lại kiêu-mạn nầy sinh chẳng cần đạo-lý. Tại vì sao? Vì tất cả thế-gian đều vô thường, khổ, vô-ngã làm sao bởi đó mà sinh kiêu-mạn. Vậy nên đối với tham sân si rất không có đạo-lý. Lại từ mạn khởi nghiệp vừa nhặm vừa nặng, vì tham đắm sâu sắc, mà từ tham khởi nghiệp chẳng được như vậy. Lại vì sức mạnh kiêu-mạn nên tham thảy mới hừng thịnh: tức tham nầy được dòng dõi thảy thời kiêu-mạn thêm lớn hừng thịnh. Lại nhân-duyên ngã-mạn bị sinh vào nhà thấp hèn cũng sinh trong loài sư-tử hổ-lang. Do nhân-duyên nầy mà đọa địa ngục. Kêu mạn có những tội lỗi như thế nhiều vô lượng..

Hỏi: Tướng thế nào gọi là nhiều kiêu-mạn?

Đáp: Người ấy chỗ chấp bền chắc khó mà nói chuyện với họ: Không lòng cung-kính, ưa hoành-hành tự-đại, tự-đại khó dạy, ít khi sợ hãi, có được chút ít tự cho là nhiều, ưa khinh dễ người. Những lỗi nầy rất khó trừ. Cho nên kẻ có Trí rất chẳng nên phạm kiêu-mạn

PHẨM NGHI THỨ 129

Luận giả nói nghi là đối với trong thật pháp tâm chẳng quyết định bảo: Có giải thoát hay không giải thoát ư? Có lành chẳng lành hay không ư? Có Tam-bảo hay không ư? Đấy gọi là nghi.

Hỏi: Như thấy cây trụi sinh nghi là cây hay người? Thấy cục đất sinh nghi là cục đất hay chim cáp? Thấy tổ ong sinh nghi là tổ ong hay quả diêm phù? Thấy rắn sinh nghi là rắn hay khúc dây? Thấy dã mà sinh nghi là ánh sáng hay nước? Những nghi như vậy nhân nhãn thức mà sinh. Nghe tiếng sinh nghi là tiếng chim công hay người nhái? Ngửi nghe mùi sinh nghi là thơm hoa ưu-bát hay thơm hòa hợp? Nếm vị sinh nghi là vị thịt hay vị giống như thịt? Chạm xúc sinh nghi là lụa dây hay lụa chín? Ý thức thời nhiều thứ sinh nghi: như nghi pháp này có đà-la-phiêu hay chỉ cầu-na? Có thần hay không có thần. Những nghi như thế, phải là nghi chăng?

Đáp: Nếu cây trụi, người thảy sinh nghi thời chẳng phải phiền não, vi đấy không thể làm nhân-duyên cho thân sau; lại vì người lậu tận cũng khởi nghi ấy vậy.

Hỏi: Nghi ấy làm sao sinh?

Đáp: Như thấy nghe biết hai món pháp, nên sinh nghi. Tại vì sao? Vì trước thấy hai vật đứng: một cây hai người; sau mới xa thấy người với vật ngang nhau thời sinh nghi là cây hay là người? Đất thảy cũng như thế. Hai món nghe: như nghe nói có tội phước đời sau, cũng nghe nói không có, vậy nên sinh nghi. Hai món biết: như trời mưa lớn nên mương rãnh nhẩy nước; hoặc khi đắp đập, nước mương cũng nhẩy tràn; như trời muốn mưa kiến tha trứng di-cư, hoặc người đào giếng cũng mang trứng tránh đi. Như chim công kêu người có thể nhái được. thật sự khá thấy như cái bình; chẳng thật sự cũng khá thấy như vòng lửa quây tròn; thật sự chẳng khá thấy như rễ cây dưới đất và nước; chẳng phải sự thật cũng chẳng khá thấy như cái đầu thứ hai, cái tay thứ ba. Như thế thảy hai món pháp thấy, nghe, biết nên mới sinh nghi. Lại chẳng xét kỹ khi thấy nên sinh nghi, như thấy xa thảy tám nhân-duyên. Lại hai tin nên sinh nghi: Như có người nói có đời sau; lại có người nói không có. Tin cả hai người nên mới sinh nghi. Lại đối với trong việc ấy khả nghi, cho đến chẳng thấy tướng khác, vậy nên sinh nghi. Nếu thấy tướng khác thời không nghi.

Hỏi: Thấy tướng khác là thế nào?

Đáp: Thấy nghe biết quyết định thời không có nghi. Với trong Phật-pháp tùy khi đem thân chứng pháp thật-tướng mới rốt ráo không nghi. Như Bồ-tát khi ngồi chốn Đạo-tràng thuyết-pháp tinh-tấn, Bà-la-môn chứng được thâm pháp hiện-tiền các duyên thấy biết tiêu hết và xé rách lưới nghi tức thì. Lại nếu được trí-huệ có đạo-lý thời nghi nầy dứt, như kẻ trí nghe nói Hành làm nhân-duyên cho Thức, liền quyết định biết rõ vô-thỉ sinh tử như thế thảy.

Hỏi: Nghi có lỗi gì?

Đáp: Nếu kẻ đa nghi, tất cả sự nghiệp thế-gian và xuất thế-gian đều chẳng thành tựu được. Tại vì sao? Vì người nghi không thể khởi phát sự nghiệp gì cả, nếu phát khởi cũng yếu ớt, nên chẳng thành tựu. Lại trong kinh nói: “Nghi là gốc nảy mụt nơi tâm, giống như ruộng hoang nhiều gốc nảy mụt nên dị-thỏa kỳ-hoa cũng không sinh được, huống là các giống lúa nếp” Tâm cũng như vậy, vì rễ nghi phá hoại, nên đối với trong việc tà còn chẳng quyết định được, huống năng quyết định việc chính. Lại Đức Phật gọi nghi là nhóm tối. Nhóm tối có ba thứ: Nhóm tối quá-khứ, nhóm tối vị-lai, nhóm tối hiện-tại. Nhóm tối nầy sinh chỗ các ngã kiến. Lại người nầy dù được định tâm cũng là tà-định. Nếu lìa Phật-pháp thời không thể nói là kẻ chính-định được. Lại nhiều chúng-sinh hoài-nghi chí-tử, như nói A-Tra-già-la thảy là ngũ-thông tiên-nhân mà phải ôm nghi đến chết. Lại kẻ nghi nầy, nếu tu phước-đức thí thảy, hoặc không quả-báo, hoặc ít được báo. Tại vì sao? Vì các phước nghiệp nầy đều từ nơi tâm khởi. Mà tâm người nầy thường bị nghi làm đục vẩn, nên không phước lành. Lại trong kinh nói: “Lòng nghi tu bố-thí là chịu quả-báo sinh ở chốn biên-địa”. Tại vì sao? Vì kẻ đa nghi nầy bất năng nhất tâm, tùy khi tay đưa cho, chẳng hay sinh các tâm cung-kính, nên được lĩnh chút quả-báo sinh ở chốn biên địa, như tiểu quốc-vương Ba-da-tuy thảy.

Hỏi: Không có nghi nầy đâu. Tại vì sao? Vì nghi là tâm-số-pháp, mà các tâm-số-pháp là niệm niệm sinh diệt. Nếu “thị” thì chẳng phải phi; nếu “phi” cũng chẳng phải thị. Vì trong nhất tâm chẳng được có thị lẫn phi. Vậy nên biết không có?

Đáp: Tôi chẳng nói trong niệm niệm có nghi. Tâm chẳng quyết định nối luôn nhau gọi là nghi. Bấy giờ tâm chẳng quyết định rõ ràng là cây trụi hay là người; tâm này nối nhau luôn vì chẳng tin nên tâm vẩn đục. Cũng bởi tà kiến nên chẳng tin. Khi nghi hoặc có hoặc không. Chẳng tin này có hai thứ: Một từ nghi tâm sinh; hai từ tà kiến sinh là nặng. Tin cũng có hai thứ: một từ chính kiến sinh; hai từ nghe sinh. Từ chính kiến mà sinh thời tin bền chắc; từ nghe mà sinh thời sinh chẳng được như vậy.

Thành Thật luận hết quyển 10.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]