Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 08

24/11/201016:15(Xem: 9513)
Chương 08


57 - Im hơi lặng tiếng có phải là tu hành nhẫn nhục ? [^]

Nhẫn nhục là độ thứ ba trong "sáu độ". Độ nghĩa là vượt qua biển khổ phiền não, mà độ nhẫn nhục rõ ràng cũng có nghĩa là im hơi lặng tiếng. Ví dụ kinh "Di giáo" nói "Người thực hành đạo đức nhẫn nhục mới là bậc đại nhân có sức mạnh. Nếu không thể tiếp nhận cái "độc" bị nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí tuệ". "Du già sự địa luận" quyển 57 cũng nói "Như thế nào gọi là nhẫn nhục ?". Đó là :

1 - Không tức giận
2 - Không oán trách
3 - Không chứa chấp điều ác
"Đại Trí Độ Luận" quyển 6 cũng nói "Chúng sinh làm điều ác tâm không tức giận, chúng sinh cung kính cúng dường, tâm không hoan hỉ. Đó là "trung nhẫn" vì chúng sinh. Quyển 15 trong sách trên cũng nói : "Nhẫn đối với chúng sinh cung kính cúng dường mình, đối với những kẻ gây tức giận, gây phiền não, gây tham muốn đối với mình, đó gọi là "sinh nhẫn". Chịu nhẫn nhục tôn kính cúng dường, cách gây tức giận, gây phiền não, gây tham muốn đó là "pháp nhẫn". "Ưu-bà-tắc giới kinh" quyển 7 cũng chỉ rõ : "Nhẫn có hai loại : một là nhẫn xuất thế gian là chịu được đói khát, lạnh nóng, khổ vui. Thứ hai là nhẫn thế gian, là nhẫn tín, giới, thí, nghe, trí tuệ, chính kiến không lầm, nhẫn Phật, Pháp, Tăng, nhẫn được chửi mắng, đánh đập, ác khẩu, việc ác, tham, sân, si, nhẫn được đều khó nhẫn, thí những điều khó thí".

Từ nội dung kinh luận đã dẫn trên đây có thể thấy hàm nghĩa của hai chữ nhẫn nhục rất rộng, cự tuyệt mọi niềm vui, chịu được và tiếp nhận các nỗi khổ. Bị nhục mạ một cách vô lý là điều mà con người bình thường không thể chịu nỗi. Từ chối không để gái đẹp ngã vào lòng mình là điều mà con người bình thường không thể làm được. Tin và tiếp thu các loại pháp môn trong Phật Pháp càng không phải là điều mà con người bình thường có thể làm được. Nói chung, nếu những việc có liên quan đến danh dự thiết thân, đến những người thân thuộc, nam nữ thì khó mà chịu đựng. Phật Pháp không chỉ nhẫn vì cá nhân mà cả vì chúng sinh nữa. Khi đã đạt tới trình độ không tranh cãi nữa thì tám ngọn gió thổi không đổ được nữa. Đó là tám hiện tượng lợi ích, sa sút, hủy diệt, khen, ca ngợi, nói xấu, khổ, lạc không có cảnh giới nào mà không nhẫn nhục được. Vì vậy những Bồ Tát đã giải thoát được gọi là đã chứng được "vô sinh pháp nhẫn". Đối với mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý của lục tình thì không chấp trước, đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của lục trần bên ngoài thì không chịu ảnh hưởng, đó gọi là pháp nhẫn. Nếu bị bức hại mà không giận, được cúng dường mà không mừng, đã không có cái ngã năng thọ, lại không khiến cái ngã tiếp thu cái khác. Đạt tới như vậy thì gọi là sinh nhẫn, đó không những là cảnh giới của Bồ Tát mà cũng là mục đích của việc tu hành Phật Pháp.

Chịu nhẫn nhục là có thể yên mình, yên người, hòa đồng với chúng sinh, cho nên nhẫn nhục là tiêu chuẩn tốt nhất để xây dựng hòa bình an vui giữa con người với nhau.

Căn cứ vào tiêu chuẩn như vậy thì hình như nhẫn nhục chính là im hơi lặng tiếng. Tất cả những việc oan uổng, lăng nhục, phỉ báng, đả kích, đều phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta cần phải chú ý là nếu sự nhẫn nhục không xuất phát từ trí tuệ thì rất có khả năng gây nên tai họa lớn hơn, do đó thông qua sự soi chiếu của trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Ví dụ nói : sự tập kích bất ngờ của gió, mưa, nước, lửa là điều không thể chống nỗi, nhưng vẫn có thể tìm cách phòng tránh để giảm bớt thiệt hại. Nghiệp báo là phải tiếp nhận một cách thẳng thắn, nhưng vẫn có thể qua cố gắng thay đổi mức độ và phương thức của nghiệp báo.

Cho nên, đối với sự vật mà hai bên đều không có hại lại có ích thì phải tiếp thu. Nếu có ích cho người khác, không có ích cho mình thì phải suy nghĩ để tiếp thu. Nếu đối với hai bên đều có hại mà không có ích thì phải tìm cách tránh hoặc thay đổi nói. Ví dụ biết rõ ràng đối phương là voi say, chó dại, người điên, trông thấy người cắn, gặp người là giết, thì đương nhiên phải tìm cách ngăn chặn, vì đối phương đã bất hạnh nhất thiết đừng để cho họ gây nhiều bất hạnh hơn nữa. Nhưng cũng không được có tâm báo thù "lấy máu trả máu", nên dựa vào nguyên tắc từ bi, bản thân mình luôn luôn phải tự kiểm và biết hổ thẹn, sám hối. Đối với những người mất lý tính thì phải thông qua phương thức và phương pháp như kiềm chế, giáo hóa, làm cho họ có thể trở lại bình thường. Điều đó có công đức lớn đối với bản thân họ và toàn thể xã hội, cho đến tất cả chúng sinh.

58- Học thiền suốt đời nếu không "ngộ" thì làm sao? [^]

"Ngộ" mà Thiền tông nói là vứt bỏ vạn duyên, tâm không chấp trước, đã không có gì đáng cầu lại không có gì đáng xã. Niệm một niệm là có thể vứt bỏ vạn duyên, cái niệm đó là trong lúc "ngộ". Đốn chứng, đốn ngộ là không có lần lượt, không có thang bậc, nên không cần thiết phải quan tâm đến vấn đề lúc lâm chung "ngộ" hay không "ngộ".

Khi tu trì thiền, tuyệt đối không được lấy tâm cầu ngộ, lấy tâm chờ ngộ. Cầu ngộ không được "ngộ", chờ "ngộ" tức là mê bởi vì cầu mong và chờ đợi đều là vọng niệm, chấp trước, phan duyên. Cho nên người tu thiền chân chính biết rằng có cái "ngộ" làm mục tiêu tu hành của mình. Cảnh giới chứng ngộ là một loại quan niệm trước khi tu hành. Trong quá trình tu hành cần phải vứt bỏ quan niệm đó mới có thể có kết quả. Vì vậy người tu thiền coi trọng quá trình, không coi trọng mục đích. Trong quá trình tu hành tuân theo sự chỉ đạo của minh sư, dùng phương pháp chính xác, tinh tiến, không trễ nãi, dũng mãnh tiến lên. Phải xoắn chặt lại từng niệm một, không được nhìn tới nhìn lại, phải niệm nghiêm túc, không dứt đoạn thì công sức mới đạt kết quả. Đã đạt kết quả rồi thì mới biết "ngộ", sống chết và Niết bàn không có liên quan đến việc tu hành.

Nhưng những người bắt đầu học Phật tuy đã biết rằng sống chết là biển khổ. Niết bàn là bờ bên kia, nhưng lại không biết rằng giữa sống chết và Niết bàn không có một giới hạn tuyệt đối. Vì vậy, sợ sống chết mà cầu Niết bàn, cho rằng trước khi chưa "ngộ" thì bị phiền não trói buộc, bị sống chết làm cho khổ sở, chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ dày vò. Có biết đâu rằng khai "ngộ" thì có thể chấm dứt sự sống chết, được tự tại. Có biết đâu rằng đó là nói cho người còn mê chứ không phải nói cho người đã "ngộ", lấy đó để dìu dắt người mê tu hành không phải mục đích, cảnh giới "ngộ" cũng là chấp trước, lìa bỏ mọi chấp trước mới có thể rời bỏ phiền não sống chết. Nếu nhận thức được như vậy thì sẽ không còn có tâm cầu "ngộ" và chờ "ngộ".

Nếu suốt đời tu hành mà không đạt được kết quả, điều đó cũng có nghĩa là từ đầu đến cuối không có cách nào thể nghiệm được công đức xả chấp và ly chấp. Thường xuyên với tâm trạng sợ sống chết : cầu Bồ đề, cố gắng tu hành thì lúc gần chết chẳng cần phải lo lắng sau khi chết sẽ bị rơi vào ba cõi ác. Bởi vì, hướng cái tâm mình đến Niết bàn bao giờ cũng tốt hơn là hướng cái tâm mình xuống địa ngục. Phật Pháp coi trọng sức mạnh của lời nguyền và nghiệp lực, dựa theo lời nguyện để tiến thẳng về tương lai. Nhưng khi tu hành do chướng ngại của nghiệp lực nên cuộc đời này tuy không được giải thoát nhưng cũng không rời bỏ Tam Bảo. Cuộc đời này nếu không thành công thì cuộc đời sau lại cứ tiếp tục và dưới sự dẫn dắt của sức mạnh lời nguyện, cố gắng tu trì tam học là giới, định, huệ. Đó là phước nghiệp trì giới rồi cùng với định nghiệp và tuệ nghiệp có thể khiến cho mình được sinh lên cõi trời, vãng sinh Tịnh độ, chứng được Bồ đề, hay ít nhất cũng có thể chuyển làm thân người, tiếp tục tu hành học Phật.

Vì vậy, người tu thiền, thứ nhất lo lắng sau khi chết mình sẽ đi đâu, thứ hai nếu công sức mình ít ỏi, không có lòng tự tin, không biết sức mạnh lời nguyện của bản thân mạnh hay yếu, sự cố gắng nỗ lực tu hành của mình nhiều hay ít như thế nào, nên áy náy lo lắng lời nguyền của mình không mạnh mẽ, công sức tu hành không đầy đủ, nên khi lâm chung sẽ chịu ảnh hưởng của nghiệp ác. Do vậy mà rời bỏ Tam Bảo đọa vào ba cõi ác không ra khỏi sống chết, không có cách quay đầu trở lại. Như vậy thì tốt nhất là theo sức mạnh lời nguyền của Phật A Di Đà để cầu mong sinh lên cõi Tịnh độ Tây phương. Mặt khác, tăng cường công đức tu thiền để vãng sinh cõi Tịnh độ. Đó là phương pháp đáng tin cậy nhất.

Ở Trung Quốc, từ sau đời nhà Tống, hai pháp môn Thiền và Tịnh độ đều được song song tiến hành, phương pháp tu thiền và việc cầu sinh sang cõi Tịnh độ đều được xem trọng. Nếu tu thiền đạt được kết quả thì bản thân không cần phải lo lắng "ngộ" hay không "ngộ". Nếu không được như vậy thì có thể lấy pháp tu Tịnh độ làm nơi nương tựa tạm thời.

59 - Đời này không hiểu đạo thì lại phải "đội lông và đeo sừng", có thật như vậy không ? [^]

Đó là một vấn đề tựa như đúng mà cũng không đúng. Hiểu đạo là hiểu đạo nào ? Tại sao lại phải "đội lông và đeo sừng ?". Ở dưới thì có cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh. Bởi vì trên dưới khác nhau, không thể nói một cách đồng đều hai chữ hiểu đạo. Tất nhiên thông thường mà nói, hiểu đạo là muốn chi ra khỏi sống chết, ra khỏi ba cõi, điều đó lại phải thành đạo để tu hành.

Nếu là đạo dễ tu hành thì bất cứ người nào chỉ cần phát nguyện cầu sinh ở cõi Tịnh độ Cực Lạc Tây phương A Di Đà là có thể ra khỏi ba cõi. Đạo khó tu hành, khó thực hiện là đạo Bồ Tát, khó làm mà có thể làm, khó bỏ mà có thể bỏ, khó chịu đựng mà có thể chịu đựng và phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp lớn mới có thể ra khỏi ba cõi, đó là con đường thông thường mà Bồ Tát nói chung trở thành Phật. Chỉ cần có lòng tin vững vàng, tâm nguyện chính xác, mục tiêu cuối cùng không thay đổi thì không cần thiết phải lo lắng sợ hãi, đọa xuống cõi dưới lại càng không cần thiết phải sợ hiện tượng sống chết "đội lông và đeo sừng".

Trong quá trình tu hành, Chư Phật và Bồ Tát thường thích ứng với nhu cầu của chúng sinh mà hiện thành những chân tướng và hình tượng khác nhau. Vì vậy, trong Kinh "Bản Sinh Đàm" có ghi chép Đức Phật Thích Ca khi còn làm Bồ Tát đã từng làm nhiều loại động vật, đã độ nhiều chúng sinh trong nhiều loại động vật. Thiền sư Phổ Nguyện Nam Truyền trong lịch sử thiền tông Trung Quốc cũng nói rằng sau khi chết sẽ đến thôn làng dưới núi để làm con trâu đực. Do vậy, làm một người tu hành chân chính thì chỉ biết nỗ lực tu hành, còn như việc có rời khỏi ba cõi hay không thì nên có thái độ chỉ quan tâm đến cày ruộng, không lưu ý đến thu hoạch.

Người lo sợ "đội lông và đeo sừng" không dám tu hành, những kẻ rêu rao đời này mà không hiểu đạo thì phải "đội lông và đeo sừng" không phải là những Phật tử chân chính, càng không cảm nhận được lòng mong muốn quan tâm của Đại thừa Phật giáo. Quan niệm này làm trở ngại nhiều người xuất gia tu hành, khiến cho nhiều người xuất gia cảm thấy buồn rầu và thất vọng, khiến cho họ trở nên ưu tư, tư lợi nóng vội muốn hiểu đạo, không thể có nguyện vọng làm lợi cho chúng sinh, làm lành mạnh xã hội. Vì vậy, Phật giáo bị người ta cho là tiêu cực, trốn tránh, bi quan. Lúc đầu quan niệm "đời này không hiểu đạo bị "đội lông và đeo sừng" vốn không phải xuất phát từ Phật giáo mà là từ âm mưu phá hoại Tam Bảo. Bởi vì ngay khi Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng không yêu cầu tất cả các tăng chúng xuất gia đều phải lập tức thành đạt, do đó theo con đường bình thường do Đức Phật vạch ra thì không luyến tiếc sống chết và cũng không sợ sống chết. Bọn trái giáo manh tâm phá hoại Phật giáo, bản thân không xuất gia mà xuất gia tu đạo cũng không chứng được đạo lại còn nhận của cúng dàng thì tất nhiên phải làm trâu ngựa để trả nợ.

Cuộc sống của tăng ni xuất gia so với người thường thì thanh đạm hơn, khổ hơn. Họ quan tâm tới tín đồ, chăm lo phục vụ chùa chiền, chỉ hưởng thụ những điều cần thiết, sao lại buộc họ kiếp sau biến thành trâu ngựa để trả nợ ? Ngoài lập trường thù địch tăng ni ra, quan niệm trên đầy thực tế không có căn cứ lý luận vững vàng nào cả. Cho nên có thể nói rằng điều đó là ác độc, như câu nói được lưu truyền là "trước cửa địa ngục đầy rẫy các vị tu hành". Lúc còn tại thế, Đức Phật Thíchh Ca đã đề ra việc Tỳ kheo khất thực, gọi là "hóa duyên", lấy hình tượng khất thực để tiếp xúc với các tín đồ tại gia và cầu nguyện cho họ. Bản thân hình tượng xuất gia có thể để giáo hóa. Chẳng lẽ lại nào bằng công đức đó giống như phương thức dùng sức lao động của mình để mưu cầu điều cần thiết cho mình hay sao ?

Xét về mặt lập trường tôn giáo thì người xuất gia ở chùa không được tiếp xúc với thế tục. Ngày ngày họ không ngừng tiến hành các khóa tụng cầu nguyện cho hạnh phúc của xã hội, nhân loại chúng sinh thế giới, công đức của họ là vô thường. Vì vậy, trong cuốn "Kinh công đức xuất gia" có nói : "Một ngày xuất gia có vô lượng công đức", huống hồ con người đã phát lời nguyện to lớn suốt đời xuất gia ! Do đó xuất gia tu hành là công việc nhiều đời, nhiều kiếp, không phải vì cấp tốc như kiểu khát nước mới đào giếng, không cần thiết phải làm ngay gấp rút trong một đời người.

Nếu đời này không chấm dứt được sống chết thì còn có hai con đường có thể đi :

1) Dùng sức mạnh lời thề nguyện của Di Đà để cầu xin vãng sinh ở Tây phương.

2) Dùng lời nguyện của chính mình để tu hành trong nhiều kiếp. Chỉ cần lòng tin được kiên cố, lời thề nguyện không lơi lỏng thì có thể đảm bảo tiến bước trên con đường tu hành.

Nhưng do lúc ban đầu mới phát tâm, có khi lòng tin không đầy đủ phát nguyện không mạnh mẽ, tu hành không có yếu lĩnh nên cần phải phát nguyện tu hành, hướng tới việc xuất gia. Xuất gia thì những vướng mắc ít hơn so với tại gia, những trở ngại lại càng ít. Song điều đó không bảo đảm được rằng trong cuộc sống tương lai sẽ vĩnh viễn không bị đọa vào ba cõi ác. Nhưng so với người tu tại gia thì khả năng đọa vào ba cõi thì ít hơn.

60 - Có nhiều vị tăng trước cửa địa ngục nói như vậy có đúng không ? [^]

Tư tưởng địa ngục đã có ở Ấn Độ trước khi Thế Tôn Thích Ca ra đời. Còn ở Trung Quốc, trước khi Phật giáo truyền vào cũng đã có quan điểm "Sau khi chết, con người xuống suối vàng". Đạo Cơ Đốc ở phương Tây cũng đề cập đến lúc tận thế, những người không tin đạo Cơ Đốc, đặc biệt là những người không được đạo Cơ Đốc yêu thương phải đọa xuống địa ngục. Như vậy, tư tưởng địa ngục là tín ngưỡng chung của tôn giáo loài người. Nhưng việc miêu tả và quan niệm đối với địa ngục do khu vực, thời đại và bối cảnh văn hóa khác nhau, nên khác nhau. Đó là vì lòng tin của các dân tộc, các tôn giáo không giống nhau, cảnh tượng đối với địa ngục khác nhau. Đối với tôn giáo này, thì người này được công nhận có thể lên thiên đường nhưng đối với tôn giáo khác thì anh ta phải đọa xuống địa ngục.

Địa ngục mà kinh Phật Ấn Độ nói gồm có 8 địa ngục nóng, 8 địa ngục lạnh; mỗi nơi lại có 16 tầng địa ngục. Tám địa ngục lạnh, tám địa ngục nóng là những địa ngục căn bản, mười sáu tầng địa ngục là những địa ngục gần cạnh. Lại có những địa ngục cô độc ở giữa những ngọn núi, dưới cây, trên không. Ngoài ra còn có tên mười tám địa ngục nữa.

Phật giáo mô tả địa ngục trong kinh "Tạp A Hàm" quyển 48 là địa ngục lửa đỏ. Việc mô tả địa ngục một cách tỉ mỉ được thấy trong kinh "Trường A Hàm", quyển 19, trong "Lập thế A tì đàm luận", trong "Tạp A tỳ đàm tâm luận", "Đại tỳ bà sa luận", "Câu xá luận" v.v...

Dân gian Trung Quốc tin rằng sau khi chết phải qua sự xử án của thập điện Diêm Vương, mỗi điện đều có những địa ngục và hình phạt khác nhau. Đó là do kinh Phật ở Ấn Độ lưu truyền nhưng không có căn cứ mà căn cứ vào kinh thập vương được lưu truyền trong dân gian Trung Quốc. Nghe nói đó là do Tạng Xuyên ở chùa Đại Thánh từ ở thành đô truyền ra. Đạo giáo cũng nói đến 10 điện và 138 địa ngục.

Nguồn gốc của những loại tín ngưỡng đó là không ngoài những điều mà người ta cảm thấy khi nằm mộng khi bói toán, giáng linh, khi những người chết sống lại nói ra. Cái tên Diêm Vương bắt nguồn từ "Lê Câu Vệ Đà" của Ấn Độ thời kỳ đầu. Còn quan niệm về 10 điện (thập điện) là do tín ngưỡng của người Trung Quốc sau này có liên quan đến trật tự tư pháp của thời đại quân chủ, đến chức trách của các Ty trưởng, các cấp tòa án. Có tòa án Diêm Vương 10 điện thì cũng như có viên trí huyện, tri phủ, thượng thư, thậm chí ông vua tham gia xét hỏi. Còn cảnh tượng địa ngục thì cũng tùy hoàn cảnh từng người mà hình dung khác nhau. Theo người Trung Quốc xa xưa thì trong địa ngục không có người da đen Châu Phi và người da trắng Âu Mỹ. Do thời điểm, phong tục nên quan điểm về địa ngục cũng khác nhau. Đức Phật nói : "Vạn pháp duy thức, tam giới duy tâm". Trong nội tâm của chúng sinh thì địa ngục là có thực, nhưng không phải là tất cả đều giống nhau, không thể phủ nhận sự tồn tại của địa ngục. Nhưng không thể được câu nệ, chấp trước với truyền thuyết của các loại địa ngục.

Trong kinh Phật có dẫn chứng các loại thí dụ về việc đọa xuống địa ngục. Kinh Phật chỉ rõ "phạm 5 tội sau đây thì bị đọa xuống địa ngục : giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm chảy máu thân thể của Đức Phật, phá hòa hợp của chúng tăng". Tỉ dụ như người em họ của Phật là Đề-bà-đạt-đa cùng đồng bọn bị đọa xuống địa ngục dần dần khiến người ta có quan niệm rằng hễ có lỗi lầm dù nặng hay nhẹ đều bị sa đọa địa ngục. Còn về lỗi lầm phạm giới, phá giới của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni thì chỉ có một số lỗi lầm hết sức quan trọng không thể ăn năn hối lỗi mới xuống địa ngục. Không thể ăn năn hối lỗi tức là phạm vào giới xúc phạm đến thân thể mà bị đuổi ra khỏi tăng đoàn và bị nhà nước xử tử hình. Ăn năn hối lỗi tức là sám hối đối với nhiều người, với một số người, đối với một người mà sám hối là tinh thần trách nhiệm, lương tâm của bản thân mình. Trong luận của tăng ni cũng nói, phạm tội thì phải sám hối, sám hối thì an lạc. Lại nói : "Có giới mà có thể phá giới là Bồ Tát, không có giới mà phạm giới là Ngoại đạo". Tất cả đều không khẳng định quan niệm hễ phá giới là phải xuống địa ngục.

Tội lỗi lại phân thành giới tội và tính tội. Tính tội là bản thân tạo nên hành vi tội ác, là có tội dù là thọ giới hay không thọ giới. Hễ phạm tội là phải chịu tội. Giới tội là sau khi thọ giới thì tăng cường giữ giới, lập công đức. Nếu phạm giới thì phải chịu giới tội ngoài tính tội ra. Giới tội là chỉ việc giữ giới có công đức, hễ phạm giới là chịu tội báo. Giữ giới là đối với tất cả chúng sinh nên công đức là vô lượng. Phạm giới là đối với một số ít chúng sinh, cho nên tội phá giới tuy lớn nhưng không lớn hơn công đức giữ giới.

Thọ giới có công năng ràng buộc, hối lỗi có công năng rửa sạch cái tâm của mình. Tội thì có tội nặng, tội nhẹ. Người phạm vào giới tội và tính tội quá nặng thì đọa xuống địa ngục. Tuy chỉ có nội bộ Kinh "Mục Liên vấn kinh" mới xuất bản sau này có nhấn mạnh mọi việc đều có thể sa vào địa ngục, đó là điều trong kinh A Hàm trước đây và trong luật chưa bao giờ thấy, nếu không thì dễ làm cho người ta hiểu lầm. Không tin Phật, không học Phật còn không bị đọa xuống địa ngục thế mà tin Phật, học Phật lại dễ dàng xuống địa ngục thì ai dám tin Phật, học Phật, tu hành nữa.

Câu nói : "Có nhiều vị tăng trước cửa địa ngục" không phải câu của Phật giáo cũng không phải của Đạo giáo mà tự nơi miệng của bọn ông đồng, bà cốt, linh môi của một số trai giáo sau ra đời nhà Minh truyền ra. Những môn đồ trai giáo đều là người tại gia. Bọn họ cắt xén một vài danh từ và quan niệm của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo hình thành nên tín ngưỡng dân gian như tôn giáo Tân Hưng và Kết Xã bí mật. Do họ thuộc về tổ chức tôn giáo tại gia, do sự bài bác các tôn giáo khác và để tiếp nhận những quyền lợi của các tín đồ, nên họ không thể không có thái độ thù hằn đối địch với các chư tăng và đạo sĩ xuất gia. Họ tung ra khẩu hiệu "Người theo đạo rơi vào nhà lửa", cổ vũ khuyến khích người phàm tục tu hành thì dễ dàng đắc đạo lên trời, bịa đặt ra những khó khăn, những điều mờ ám thối nát của người xuất gia tu hành, tung ra quan niệm nhiều chư tăng phải đọa địa ngục. Bọn họ rỉ tai, truyền miệng "trước cửa địa ngục có nhiều vị tăng" để bôi nhọ hình tượng người tu hành và cũng để dọa dẫm người ưu tú xuất gia tu hành. Câu nói đó không phải từ kinh Phật mà ra nên không cần phải lưu tâm làm gì, chẳng qua đó chỉ là chuyện bịa đặt của những tín đồ trai giáo nhằm làm ô nhục hai tôn giáo Phật giáo và Đạo giáo.

Đời Dân Quốc năm thứ 9, ở huyện Nhĩ Nguyên Tây Biên Côn Minh, Vân Nam, có mấy người theo trai giáo đã xuất bản cuốn "Đổng Minh bảo ký" trong đó họ đã cực lực chỉ trích các chư tăng không tuân thủ các quy định, bịa đặt ra chuyện Hòa thượng rơi xuống địa ngục chịu hình phạt. Câu chuyện này cũng có trong cuốn "Thiện Đạo điếu trầm" của Tống Quan Vũ ở viện nghiên cứu trung ương. Họ Tống tuy chưa thừa nhận mình là tín đồ của Nhất quán đạo nhưng trong cuốn sách đó, hễ nơi nào đụng đến Phật giáo, đến hòa thượng là có thái độ công kích, chửi bới rất cay nghiệt, phủ định giá trị đạo đức của người xuất gia tu hành.

Nên biết rằng, hễ có người là có tệ nạn, trong chư tăng, khó mà không có những người phá giới, phạm giới. Đức Phật Thích Ca đề ra giới luật là để đề phong phạm giớí luật, xử phạt, xử lý.

Các nhà Nho giáo đã nói "Con người không phải là thánh hiền, ai lại không có khuyết điểm, không có lỗi lầm". Người phàm phu xuất gia trong giai đoạn tu học trước khi thành bậc thánh hiền, do không thanh tịnh nên phải giữ giới, thọ giới, đó là khởi điểm của việc tu hành, ngã xuống thì bò dậy, phạm giới thì sám hối. Đó là việc thường tình. Các tín đồ trai giáo không chịu sự ràng buộc của giới xuất gia lại còn phỉ báng người xuất gia giữ giới không nghiêm, thổi phòng tội ác phạm giới của người xuất gia, dã tâm của họ thật là rõ ràng.

61 "Học Phật càng lâu, rời Phật càng xa" ? [^]

Thường nghe người ta nói : "Tin Phật ba ngày thì Phật ở trước mắt. Tin Phật ba năm thì Phật ở Tây phương". Câu ấy hình như thể hiện một sự thực là "Học Phật càng lâu thì rời Phật càng xa". Thật ra đó là một sự hiểu lầm đối với Phật giáo, cho rằng bỏ dao giết người xuống là lập tức thành Phật, nghĩa là đã hoàn thành Phật quả cứu cánh, viên mãn. Điều đó cũng có nghĩa là chỉ cần hồi âm chuyển ý thì lập tức là hoa nở thấy Phật hoặc là lập tức thành Phật. Nhưng khi đã tin Phật và sau khi bắt đầu học Phật là lập tức thành Phật. Nhưng khi đã tin Phật và sau khi bắt đầu học Phật mới biết rằng thành Phật không phải là dễ dàng như vậy.

Trên thực tế, con đường học Phật có hai loại :

1) Con đường khó thực hiện, từ khi bắt đầu phát tâm Bồ đề tu hạnh đạt đến con đường Bồ Tát tự lợi, lợi tha, khó chịu đựng mà chịu đựng được, thì phải trải qua 3 A tăng kỳ kiếp lớn mới có thể hoàn thành được Phật đạo.

2) Con đường dễ thực hiện, chỉ cần niệm danh hiệu Phật A Di Đà dựa vào sức mạnh lời nguyện của Phật, trước hết cầu vãng sinh ở Tịnh độ Tây phương rồi qua một thời gian dài khi chứng được Bồ Tát thì lấy sức mạnh lời nguyền của bản thân quay trở lại làm người phàm phu thế tục, độ cho những chúng sinh có duyên, tích lũy trí tuệ và phúc đức đến khi công đức và việc làm viên mãn mới có thể thành Phật. Vì vậy, học Phật càng lâu, biết Phật pháp sâu thì mới hiểu được con đường từ phàm phu đến lúc thành Phật là khá xa.

Vì vậy, cái gọi là bỏ dao giết người xuống lập tức thành Phật có nghĩa là sự bắt đầu công đức dần dần thành Phật, cũng có nghĩa là hoàn thành bước đầu bản thân có thể thành Phật. Nhận thức được rằng chúng sinh và Phật vốn cùng một thể, không phải là hai, chỉ vì mê mà là chúng sinh. "Ngộ" tức thành Phật. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta thừa nhận bản thân có khả năng thành Phật thì đồng thời cũng đã hoàn thành được phúc đức và trí tuệ của Phật.

Cũng có một tình huống là lúc bắt đầu học Phật dũng mãnh tinh tiến, cảm thấy rằng có thể đạt tới Phật quả, bản thân người học Phật quả thật là có thể phá tung được những chướng ngại trùng trùng, tựa hồ như mọi phiền não có thể nhanh chóng được tiêu trừ, trí tuệ nhanh chóng được tăng thêm. Nhưng càng về sau, vẫn cảm thấy phiền não chưa được tiêu trừ, mà chướng ngại lại càng kéo đến, nào là chướng nghiệp, ma chướng, bệnh chướng v.v... Như vậy có thể có hai kết quả :

Hiểu rằng học Phật thành Phật không phải là việc một sớm, một chiều, không phải là công việc một đời người, mà là một việc nhiều đời nhiều kiếp, phải tu hành không ngừng. Do đó không được nóng vội thành Phật mà phải bước từng bước vững chắc, tiến bộ dần, thậm chí nên có thái độ không đếm xỉa đến thu hoạch mà tự cày bừa, tự nỗ lực tu học.

Thứ hai là mất lòng tin đối với Phật pháp cho rằng khi khai ngộ thành Phật chỉ là một loại quan niệm hoặc lý tưởng, giải thoát khỏi khổ não chuyển phàm thành Thánh là một việc không thể được. Do vậy, bỏ việc tu hành hoặc chuyển sang tin tôn giáo khác, hy vọng đạt tới một phương thức nương tựa mới.

Tổng hợp tình hình trên đây, có thể rút ra một kết luận : Vấn đề "Học Phật càng lâu, rời Phật càng xa" là xuất phát từ quan niệm "trừ bỏ được phiền não thì chứng được Bồ đề". Nếu thể hội việc không cầu, không đắc mới chứng được đạo Phật vô thường, ứng dụng Phật vào sinh hoạt hàng ngày, thực hiện giữa người và người chỉ có thể cởi bỏ được tâm trạng hoặc tâm tư đầy rẫy mâu thuẫn. Nếu không nóng vội muốn trừ bỏ phiền não mà chứng Bồ đề thì phiền não tự nhiên sẽ giảm bớt. Như vậy thì chẳng những không cảm thấy học Phật càng lâu mà rời Phật càng xa mà lại làm cho mình phát hiện thấy Phật ở trước mắt mình. Chỉ cần tâm mình tương ứng với trí tuệ và từ bi của Phật thì tâm mình là toàn thể cái dụng lớn của Phật.

Do vậy, mà tác giả cuốn "Tôn Kính Lục" là thiền sư Vĩnh Minh Diền Thọ đã chủ trương "Cứ mỗi niệm là tương ứng với niệm Phật, tất cả mọi niệm tương ứng với tất cả mọi niệm Phật". Nếu đem từ bi và trí tuệ của Phật ứng dụng vào sinh hoạt hàng ngày mà không nóng vội chấm dứt sống chết chứng Niết bàn thì chẳng lẽ lại nảy sinh sự hiểu lầm "Học Phật càng lâu, rời Phật càng xa"?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]