Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IV: Pháp môn tịnh độ

08/11/201015:26(Xem: 9174)
Chương IV: Pháp môn tịnh độ


Chương IV: PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

1. Tây Phương Có Phật Hiệu A-Di-Đà
Chúng ta chỉ biết mình do cha mẹ sanh ra. Song trước khi được cha mẹ sanh ra, mặt mũi mình ra sao? Sau khi chết đi, mình sẽ về đâu?
Nay do nghe Phật Pháp, biết có Đức Phật hiệu A-Di-Đà là vị đã phát 48 lời nguyện, rằng ai niệm danh hiệu của Ngài thì sẽ được tiếp dẫn về Tây Phương. Nếu Phật có nguyện vậy, thì mình cũng phải phát nguyện: nguyện vãng sanh Cực-Lạc.

Mình phải tin chắc rằng thật có Thế-Giới Cực-Lạc, có Đức Phật Đại Từ Đại Bi A-Di-Đà; rồi phải luôn luôn niệm Phật để đến lúc lâm chung mình mới có chánh niệm. Khi hấp hối mà có khả năng niệm Phật, thì Đức A-Di-Đà ắt sẽ đến tiếp dẫn. Song le, nếu bạn vẫn còn ý nghĩ lưu luyến bất kỳ thứ gì, dù nhỏ như đầu kim, ngọn cỏ ở cõi Ta-Bà này, bạn sẽ lại rớt vào vòng luân hồi!
Cái nghiệp của Phật, Bồ-tát chính là lòng lo lắng cho chúng sanh của các Ngài.
Khi cõi Ta-Bà còn chúng sanh, thì còn Phật, Bồ-tát. Khi chẳng còn chúng sanh, thì Phật, Bồ-tát cũng không còn.
Mau mau tu để về Tây Phương, không thì ở đây khổ lắm! Ở đây bạn thấy nóng nảy, chứ ở Tây Phương thì thanh tịnh, mát mẻ.
Trần gian đầy dẫy đấu tranh - mình phải tìm một nơi an lạc như Tây Phương của Đức Phật A-Di-Đà.
Mình đã hồ đồ, mê muội lúc đầu thai. Giờ đây, mình cần phải sáng suốt tìm đường đi lúc chết - con đường ấy chính là Niệm Phật A-Di-Đà.
Tứ Sanh (bốn loại chúng sanh được sinh ra từ trứng, từ thai bào, từ nhiệt độ ẩm thấp, và từ sự biến hóa) đều ở trong vòng luân hồi, không gián đoạn sanh tử. Nguyên do là bởi ý niệm tham lam, phiền não, vọng tưởng... khởi lên khi Sáu Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với Sáu Trần (hình, sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp). Do đó Sáu Căn tác hại lắm.
Ngày nay, bạn mà có thời gian để tu hành là quý báu, khó được lắm đấy. Để xem bạn có tìm đặng con đường thoát sanh tử hay chăng. Nếu bạn quá chú trọng, chăm lo cái thân xác này thì bạn chẳng phải tu hành niệm Phật đâu. Quá chăm sóc cái thân xác này, thì không có cách gì giải thoát nổi!
Kinh A-Di-Đà nói tới Phật ở sáu phương - Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới - đều hiển xuất tướng lưỡi rộng dài (tức là thuyết Pháp), khiến Pháp-âm trùm khắp ba ngàn cõi Đại Thiên Thế-Giới - chủ yếu đều quy nạp về Tây Phương.
Tây Phương ở đâu? Ở trong tâm mình - khi tâm vô sự, không phiền não, thì đó tức là Tây Phương.
Tuy rằng thân ta hiện sinh ở cõi Ta-Bà, song nếu mình niệm Phật mà niệm tới lúc tâm tịnh, thì cõi Phật sẽ tịnh. Nghĩa là khi tâm thanh tịnh, không phiền não, không vọng tưởng; thì đó là Tịnh-Độ - cõi Tịnh-Độ ở ngay giữa Ta-Bà - mà tâm tức là Tây Phương.
Tây Phương Cực-Lạc ở tâm ta. Mình cần phải niệm Phật cho tới chỗ tâm thanh tịnh; niệm một cách đầy chú ý, tập trung. Khi niệm Phật, bạn cần phải phát nguyện vãng sanh Tây Phương, rời bỏ trần gian khổ lụy. Chớ nên quá yêu quý, nâng niu cái thân xác thịt này.
Mỗi thế giới cũng như mỗi hạt cát, trong đó có hằng hà sa số chúng sanh mà ai ai cũng có thể sinh về Tây Phương được cả.
Hễ mình niệm Phật thì hoa sen (ở Tây Phương ) sẽ nở ra. Do đó nói: "Tâm khai (niệm Phật) thì hoa nở."
Niệm Phật thì mới khiến ta thật sự thanh tịnh. Niệm Phật là con đường dẫn tới Tây Phương. Hễ niệm Phật thì mình sẽ tới đặng Tây Phương mà chẳng cần phải mua vé tàu, ngồi phi cơ; bởi thuyền Pháp thì không có sắc tướng.
2. Niệm Phật

Niệm Phật, tụng kinh, xem Kinh và nói chuyện là bốn việc mà bạn chắc chắn làm hằng ngày. Tốt nhất là ít nói chuyện. Thời gian tụng Kinh và xem kinh sách không nên nhiều hơn thời gian niệm Phật là tốt nhất. Niệm Phật vẫn là chủ chốt.
Xem kinh sách không cần phải quá nhiều. Phàm gặp việc gì, cứ một câu "A-Di-Đà Phật" là được. Để tránh chuyện thị phi, cứ một câu "A-Di-Đà Phật".
Bạn hãy yên lặng, lắng lòng mà niệm Phật; niệm tới lúc ngủ thiếp luôn càng tốt. Khi tâm tới chỗ chuyên nhất - chỉ một niệm - thì bạn có thể siêu xuất Tam Giới, thẳng tới Tây Phương. Khi tu hành, bạn cần phải tập: mắt nhìn mà giả lờ như không thấy, tai nghe mà giả đò như không biết; chỉ thành thật niệm Phật.
Không cần phải xem nhiều sách vở, chỉ cần niệm Phật cho nhiều. Khi trí huệ khai mở, tất cả Kinh Tạng tự nhiên sẽ ở tại tâm bạn.
Đi, đứng, nằm, ngồi, đều nên ở trong phạm vi niệm Phật.
Khi định tâm lại niệm, bạn sẽ giác ngộ rằng chúng ta từ sáng tới tối, tâm luôn nhắm mắt ra bên ngoài mà không bao giờ quán xét xem tâm mình có hướng về Phật A-Di-Đà chăng. Đừng để cho tâm bạn bị cột vào đám tín đồ, đệ tử, hoặc cảnh giới bên ngoài. Nếu bạn cột vào chúng thì sẽ bị chúng xoay chuyển, lôi đi mất; đáng sợ lắm!
Hiện tại các bạn không đủ chánh niệm, mười phần không được một; do đó thật là nguy hiểm. Khi bạn niệm Phật nhiều thì đó là Thiền sống.
Có kẻ nói là bế quan, song họ đầy dẫy vọng tưởng, đầu não không chút thanh tịnh. Khi bạn ngồi tịnh tọa lâu, thấy mệt thì nên đứng dậy đi rảo.

Khi bạn niệm Phật mà rời được cảnh giới thì đó tức là Thiền. Bạn phải duy trì chánh niệm, bởi vì trong tâm bạn luôn còn rất nhiều chủng tử xấu xa.
Khi niệm Phật mà không có chánh niệm thì lòng bạn luôn nghĩ này nghĩ nọ. Miệng niệm mà tâm hướng ngoại. Nếu bạn thật sự muốn, thì bạn mới làm cho tâm bạn chuyên nhất đặng. Nếu bạn không có lòng muốn tu, thì làm sao niệm Phật (cho thành công)?
Niệm Phật mà rời xa được ngoại cảnh, cùng Phật tương ưng, thì mới biết tâm này và Phật giống nhau.
Việc quan trọng nhất khi niệm Phật là phải nghe tiếng niệm cho rõ ràng.
Niệm Phật tức là vào Trung-Đạo? không có tốt, không có xấu.
Tuy niệm Phật cũng là một chuyện huyễn hóa, song nó thuộc về chánh niệm. Do đó, mình dùng huyễn (niệm Phật) để diệt huyễn (vọng tưởng).
Hỏi: Niệm làm sao mới chuyên nhất?
Đáp: Đây cũng là chấp trước. Chỉ cần bạn đừng để ý gì tới vọng tưởng là được (thì tâm sẽ chuyên nhất). Bởi vì mình tự nhủ lòng rằng: "Đừng khởi vọng tưởng"; song vọng tưởng vẫn cứ tự dấy khởi. Do đó, hễ để ý tới vọng tưởng thì mình lại sanh thêm một vọng niệm; càng để ý tới nó thì nó càng tăng!
Khi vọng niệm nổi lên, bạn đừng sợ. Hãy mặc kệ, đừng chú ý tới nó là xong. Cứ một lòng niệm "A-Di-Đà Phật". Vọng niệm vốn không có thực thể, từ từ nó sẽ tan biến mất.
Hễ nhớ tới niệm Phật thì niệm ngay; không nên chấp trước rằng tôi phải làm thế này thế kia. Niệm Phật là tuy niệm mà không (chấp trước vào) niệm.
Niệm Phật mà còn thấy rằng mình đang niệm hay không niệm, thì đều là chấp trước.
Niệm Phật thì phải tùy duyên. Phàm làm chuyện gì, ở đâu, lúc nào cũng nên tùy hoàn cảnh mà niệm Phật. Không phải nói rằng: "Tôi cần niệm bao nhiêu, bao nhiêu hồng danh", hoặc "Tôi đang niệm Phật, không thể làm việc được", hoặc "Tôi đang bận rộn, chưa đi niệm Phật được... "
Mỗi tâm niệm, mỗi ý nghĩ, bạn chớ xa rời cảnh giới Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi - nhất cử nhất động, làm gì bạn cũng cứ niệm Phật. Khóc cũng niệm Phật; cất chân một bước cũng niệm Phật. Sức mạnh của việc niệm Phật vĩ đại vô song, có thể khiến bạn đắc Niệm Phật Tam-Muội - một thứ Định không phải tầm thường.

Khi sinh ra, mình đã mang theo trong người đầy dẫy nghiệp chướng. Do đó, chớ tạo thêm nghiệp mới để chết rồi lại mang đi; chẳng lợi ích chút nào cả!
Hỏi: Niệm đức Phật hay Bồ-tát nào thì tốt nhất?
Đáp: Tất cả mọi đức Phật và Bồ-tát đều tốt như nhau. Không phải niệm vị này thì tốt hơn niệm vị kia: đó đều là do bạn phân biệt, so sánh mà ra. Chư Phật, Bồ-tát cũng không nhất định cần bạn niệm tên các Ngài nữa.
Niệm Phật tới chỗ tâm định, thì tức là Thiền. Nên nói:

"Vừa Thiền, vừa Tịnh-Độ,

Mười người tu, mười người thành.

Có Thiền, không có Tịnh-Độ,

Mười người tu, chín kẻ lạc đường!"

Vừa tịnh tọa vừa niệm Phật, thì tương đối không đi lầm đường hoặc xảy ra nguy hại.
Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm chung việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi!
Nếu bạn biết dọn lòng trong sạch niệm Phật, thì khi lâm chung sẽ có hoa sen, Phật, Bồ-tát và cảnh giới thù thắng hiện ra. Do đó, lúc còn sống bạn cần phải tu để trừ cho sạch hết những ham muốn trần tục.
Khai-thị lúc Phật-thất:

Mục-đích đả Phật-thất là để độ chúng sanh vãng sinh Thế-giới Cực-Lạc.
Cõi Ta-Bà thì có sinh có diệt; cõi Tây Phương thì bất sinh bất diệt. Mình đi xuất ngoại thì cần tiền mua vé máy bay, chớ tới Tây Phương thì chỉ cần niệm Phật đến độ chuyên nhất, không còn sắc tướng (chấp trước). Đó chính là "bất sinh bất diệt" vậy. Phải niệm Phật thì mới có chỗ để mình ký thác thân mạng này.

Niệm Phật thì phải niệm niệm không xa rời Phật. Niệm cho rõ ràng, nghe cho phân minh, mỗi chữ mỗi chữ đều phải rõ. Tâm nhớ tưởng, tai lắng nghe, miệng thầm niệm - cứ thế mà nhiếp tâm chuyên chú nơi Phật hiệu. Hãy buông bỏ mọi chuyện bên ngoài; cứ nương theo tiếng niệm thì tâm sẽ tập trung, chuyên nhất. Bất kể là "người niệm" hay "tiếng niệm", bất kể là "tôi niệm" hay "bạn niệm"; đại-chúng ai cũng nương theo tiếng niệm Phật thì tâm sẽ chuyên nhất. Tây Phương Cực-Lạc lại cũng dựa theo tiếng niệm Phật này.

Khi đả Phật-thất, bạn chớ để cho ý niệm trần tục lôi kéo tâm mình. Nếu không chuyên tâm, thật uổng cơ hội quý báu này.

Do vậy, hãy một lòng một dạ niệm Phật, chuyên chú vào tiếng niệm.
3. Niệm Phật Có Thể Thấy Phật Không?

Hỏi: Phải chăng niệm Phật thì có thể thấy Phật?
Đáp: Không thể có!
Hỏi: Nếu vậy trong chương Đại-Thế-Chí Niệm Phật Viên-Thông có câu:

"Nếu ai nhớ Phật, niệm Phật,

thì bây giờ hoặc mai sau nhất định thấy Phật;

Chẳng cần phương tiện gì cả, tự mình lòng dạ mở khai."

là ý gì?

Đáp: Đúng! Lòng dạ mở khai tức là thấy Phật, thấy đặng vị Phật của tự-tánh.
Chư Phật và Bồ-tát đều có nguyện lực mà ta có thể dựa vào đó để tu hành. Vì thế, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, bạn chớ rời tiếng niệm Phật. Khi niệm Phật thì mình mới tương ưng với Phật; đây là cảnh giới không có hình hài, sắc tướng gì cả.
Đừng nên chấp trước, tự hỏi tại sao Đức A-Di-Đà không hiện hình ra tiếp dẫn!
4. Thầy Quảng-Hóa Tới Tham Phỏng

Coi thầy công phu hành trì trình độ tới đâu, (tôi nói để thầy nghe) chớ khi lâm chung thầy cần không vương vấn, quái ngại bất kỳ việc gì thì mới vãng sanh được.
Nếu thầy còn tham vọng muốn độ chúng sanh, thì tham muốn ấy cũng là một thứ chấp trước, một thứ quái ngại!
Hòa-Thượng hỏi: Tây Phương ở đâu?
Thầy Quảng-Hóa đáp: Nói theo phương vị, thì nó ở phương Tây; nói theo thực tướng, thì nó ở tại lòng mình.
Hòa-Thượng nói: Hễ có Phật có Bồ-tát, thì có Tịnh-Độ. Thầy phải giảng dạy sao cho người nghe có chỗ nương tựa để tu hành.
Đức Phật dạy rằng nếu người nào trong một ngày, hai ngày..., cho tới bảy ngày mà có thể niệm Phật đến chỗ "nhất tâm bất loạn", thì Phật (A-Di-Đà) sẽ đến tiếp dẫn. Song, nếu không ăn không ngủ thì chẳng cần tới bảy ngày, chỉ bốn hay năm ngày là đủ rồi!
Thầy Quảng-Hóa nói: Có lần tôi chứng kiến Đức Quán-Âm hiện ra với tướng mạo trang nghiêm đẹp đẽ; cả chuỗi anh lạc của Ngài cũng tuyệt đẹp.
Hòa-Thượng cười, nói rằng: Thật sao? Ở đâu mà có Bồ-tát như thế?
Khi thầy độ chúng sanh, thầy cần phát nguyện rồi theo đó mà thực hành, như Đức Quán-Âm, Phổ-Hiền vậy. Song, đến khi lâm chung, thầy phải buông bỏ hết mọi thứ. Nếu nguyện của thầy chưa làm xong, thì thầy sanh trở lại đây để tiếp tục độ sinh; công đức này càng thù thắng, vĩ đại. Nguyện là thứ thầy ghi tạc ở trong lòng.
Phật và Bồ-tát tuy đã thị hiện nhập Niết-Bàn, song thật sự các Ngài vẫn còn quanh quẩn, không rời những kẻ đang tu hành như chúng ta; có điều các Ngài không hiện ra thôi.
Chỉ cần Kinh, Luật, Luận tồn tại, chư Phật, Bồ-tát có thể dạy mình.

Đừng cho rằng không có ai truyền thọ, rồi không còn (Phật Pháp) gì nữa.
Khi lâm chung, đừng nên để tâm muốn thấy hình tướng chư Phật, Bồ-tát.
Cầu mà không thấy là việc tốt.

Nếu cầu mà thấy, thì những hình tướng đó không đáng tin cậy đâu.

Phải không mong cầu gì; chỉ tịnh tâm niệm Phật. Phật, Bồ-tát từ trong chân tâm thanh tịnh hiện ra thì mới thiệt đúng.
Phải buông bỏ (sự chấp trước vào) tấm thân thối tha này. Tâm là tâm. Mặc kệ cái thân này biến thành tròn hay méo, đừng để ý lo lắng, chiều chuộng nó. Chẳng cần nói xa xôi, hễ có chứng đắc, thâu hoạch được cái gì thì vẫn còn chưa đúng. (Ý Hòa-Thượng muốn chỉ sự chấp trước của Thầy Quảng-Hóa, rằng Thầy còn chấp vào sự kiện mình đã chứng kiến Đức Quán-Âm hiện thân).
Trong cái này (Hòa-Thượng chỉ vào tâm Ngài), chẳng có vật gì cả. Các vị đó (Hòa-Thượng chỉ nhóm cư-sĩ tại gia đang ngồi nghe giảng) thì vẫn còn đủ thứ.
Hiện tại, các bạn đêm ngủ nằm mộng mà sáng ngày ra cũng là ở trong mộng.

Các bạn hệt như đang đóng phim vậy; cuốn phim này dài lắm - cả đời bạn, song chẳng khác gì giấc mộng ban đêm!

(Hòa-Thượng khuyến khích Thầy Quảng-Hóa niệm Phật bằng thực-tướng - hình tướng chân thật thì không hình hài, không sanh diệt; tức là chân tâm? chứ đừng niệm Phật bằng sự-tướng - còn chấp trước vào hình hài, sắc tướng, công việc trần gian thế sự ).
Ngày hôm nay tôi nói bấy nhiêu thôi. Kẻ xuất gia thì sẽ lãnh hội được phần nào, chứ người đời thì không có ai hiểu.
Xưa kia cổ nhân chỉ nói một câu là đủ, hôm nay tôi nói quá nhiều! Chờ khi về rồi, các bạn từ từ lãnh hội thì sẽ giác ngộ, thấu suốt hết.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567