Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

24/06/201319:13(Xem: 9168)
Phần 1

AN TIÊM

KIM CÁC TỰ

YUKIO MISHIMA

Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minhdịch

Kinkakuji

198kimcattu-8

--- o0o ---

1

Ngay từ khi tôi còn thơ ấu, Ba vẫn thường kể câu chuyện về Kim Các Tự cho tôi nghe.

Tôi ra đời trên một mũi biển hiu quạnh nhô ra ra biển Nhật Bản ở phía đông bắc Maizuru. Tuy nhiên, nguyên quán của Ba không ở đây mà ở Shiraku, miền ngoại ô phía đông thành phố Maizuru. Ba được thúc đẩy gia nhập giáo hội và trở nên tu sĩ trụ trì một ngôi chùa tên một mỏm đất xa xôi. Ba lập gia đình ở nơi này và sinh ra một đứa con trai, ấy chính là tôi vậy.

Trong khắp miền lân cận ngôi chùa, trên mỏm đất Nariu, không hề có một trường trung học nào thích hợp cho tôi. Kết cục, tôi phải rời cha mẹ đến ngụ ở nhà chú tôi tại sinh quán của Ba ngày trước; trong thời gian sống ở nơi này, tôi theo trường trung học Đông Maizuru, cuốc bộ đi học cũng như lúc về nhà.

Bầu trời nơi quê cũ của Ba rất trong sáng. Nhưng mỗi năm vào tháng mười một và mười hai ngay trong những ngày trên trời dường như không có lấy một cụm mây, mỗi ngày chúng tôi vẫn bị bốn năm trận mưa rào đột ngột đổ ụp xuống đầu. Tôi nghĩ là chính vì miền đất này mà tôi đã có cái tâm tính thực là hay thay đổi.

Vào những chiều tháng Năm, sau khi đi học về, tôi thường ngồi trong phòng học trên tầng gác thứ nhì trong căn nhà chú tôi và mơ màng ngắm nhìn những vì ngọn đồi trước mặt. Ánh chiều tà lấp lánh trên các cành lá non bao phủ sườn đồi trông như giữa những cánh đồng người ta đã dựng lên một bức bình phong bằng hoàng kim óng ánh. Mỗi khi trông thấy cái này, tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh Kim Các Tự.

Mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy Kim Các Tự thật sự trong các tấm ảnh và các sách giáo khoa, song hình ảnh chế ngự tâm hồn tôi vẫn là hình ảnh Kim Các Tự theo lời Ba miêu tả. Ba chưa bao giờ kể cho tôi nghe là Kim Các Tự thật sự óng ánh hoàng kim hoặc có một vẻ gì na ná như thế; tuy vậy, theo Ba, trên khắp trái đất này chẳng có gì đẹp đẽ cho bằng Kim Các Tự hết. Vả lại, chính mặt chữ và chính âm ận của từ ngữ đã gán cho Kim Các Tự một vài tính chất hoang đường nào đó in sâu trong tâm khảm tôi.

Khi nhìn ánh mặt trời, tôi cảm thấy chắc chắn đó là một ánh hoàng kim do ngôi chùa vô hình rọi đến. Hiệp lộ Yoshizaka, ranh giới giữa huyện Fukui và phủ Kyoto thực sự nằm ở hướng đối nghịch, tôi vẫn quen nhìn thấy Kim Các Tự hiện hình vụt lên bầu trời buổi sớm giữa những ánh triêu dương trong khi mặt trời lên sau những rặng đồi chập chùng ở phía đông.

Như thế là Kim Các Tự hiển hiện ở khắp mọi nơi. Chừng nào mà tôi chưa được thực sự để mắt ngắm nhìn, Kim Các Tự vẫn còn giống như bể cả. Vì mặc dù vịnh Maizuru chỉ cách làng Shiraku nơi tôi cư ngụ có ba dặm rưỡi về phía Tây, những ngọn đồi vẫn chặn lấp không cho người ta nhìn thấy nước bể; tuy vậy trong không khí luôn luôn phảng phất một thứ dự cảm về bể cả; một đôi khi gặp thời tiết xấu, từng đàn chim hải âu bay xà xuống những cánh đồng kế cận để tìm chỗ ẩn náu.

Tôi vốn yếu đuối và tôi vẫn luôn luôn bị những thằng bạn khác đánh bại trong những cuộc chạy đua hay là đánh thiết bổng. Ngoài ra, ngay từ khi lọt lòng tôi đã mắc tật nói lắp và cái tật này lại càng làm cho tôi có khuynh hướng khép kín không ưa giao tế hơn. Và ai nấy đều biết tôi là con một thầy tu ở chùa. Một vài thằng bé tai ác vẫn thường chế nhạo tôi bằng cách bắt chước một tu sĩ nói lắp trong khi ông ta đang khó nhọc mà lắp bắp từng câu kinh. Trong một quyển sách của chúng tôi có một câu truyện trong đó xuất hiện một nhà trinh thám nói lắp và mấy thằng kia thường đặc biệt cao giọng đọc những đoạn đó cho tôi nghe.

Chẳng cần phải nói là tật nói lắp của tôi đã dựng một chướng ngại vật giữa tôi và ngoại giới. Tôi vẫn thường vấp váp khi phát ra âm thanh đầu tiên. Cái âm thanh đầu tiên này giống như một cái chìa khóa của cánh cửa ngăn cách thế giới nội tâm của tôi và thế giới và thế giới ngoại tại, và tôi chưa bao giờ được thấy cái chìa khóa này xoay vặn trơn tru trong ổ khóa. Phần lớn người đời nhờ tài nói năng trôi chẩy có thể giữ cho cánh cửa giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài luôn mở rộng để cho không khí tự do qua lại giữa hai thế giới này, nhưng với tôi thì điều đó hoàn toàn không thể có được. Trên chìa khóa đã có một lớp rỉ sắt dầy đặc mất rồi.

Khi một kẻ nói lắp vật lộn một cách tuyệt vọng để thốt ra được âm thanh đầu tiên, hắn ta thực giống như một con chim bé nhỏ đang cố gắng gỡ mình ra khỏi một vũng bùn dầy đặc. Cuối cùng khi nó xoay xỏa để tự giải thoát thì đã quá muộn mất rồi. Tất nhiên là có những lúc mà thực tế của thế giới bên ngoài dường như đã chờ đợi tôi, khoanh tay nơi nó đứng trong khi tôi đang cố gắng vật lộn để tự giải thoát. Nhưng cái thực tại đang đợi chờ tôi không phải là một thực tại tốt tươi. Khi mà cuối cùng sau biết bao cố gắng mới tới được thế giới bên ngoài tôi chỉ còn thấy một thực tại vừa mới tức thời thay đổi màu sắc và vượt ra ngoài tiêu điểm - một thực tại đã mất hết các màu sắc mới mẻ mà tôi coi là thích hợp với chính mình, và đến lúc đó đã bốc ra một mùi hôi hôi ung ủng.

Như ai nấy có thể tưởng tượng dễ dàng, một thiếu niên như tôi sẽ đi tới chỗ ôm ấp hai hình thức tương phản về ước vọng quyền lực ý chí. Trong sử học, tôi thích thú những đoạn kể lại truyện cá bạo quân. Tôi tự thấy mình như là một bạo chúa lầm lì nói lắp: những kẻ thị tòng của tôi sẽ dán mắt theo dõi từng sắc diện của tôi và sẽ sống cả ngày lẫn đêm trong hãi hùng run rẩy kinh sợ tôi. Không cần phải biện minh cho sự tàn ngược của tôi bằng những lời nói rõ ràng trơn tru. Chỉ riêng sự lầm lì ít nói của tôi cũng thừa đủ để biện minh tất cả mọi cung cách tàn ngược. Một mặt tôi thường thích thú tưởng tượng xem mình sẽ lần lượt trừng trị từng người một, gieo rắc hình phạt lên đầu các giáo sư và các bạn học vẫn hằng đày đọa tôi mỗi ngày làm sao, một mặt tôi lại tưởng tượng ra mình là một đại nghệ sĩ được trời phú cho một thị lực quang minh tột độ - một vị vương giả chân thực của thế giới nội tại. Dáng vẻ bên ngoài của tôi không ra gì, nhưng chính vì thế mà thế giới nội tại của tôi lại phong phú hơn của bất kỳ một ai khác. Với một thiếu niên phải chịu một cố tật không sao sửa chữa được như tôi, kết cục đi đến chỗ nghĩ rằng mình như là một con người được bí mật lựa chọn, há chẳng phải là một điều tự nhiên hay sao? Tôi cảm thấy như là ở một nơi nào đó trên cõi đời này có một sứ mệnh đang chờ đợi chờ tôi mà cho đến nay tôi vẫn chưa hề hay biết gì cả.

Tâm trí tôi vẫn còn ghi nhớ mãi một biến cố suốt từ lúc đó đến nay. Trường trung học Đông Maizuru có những bãi đất rộng rãi chung quanh có những ngọn đồi thực là ngoạn mục và những tòa nhà sáng sủa tân kỳ.

Vào một ngày trong tháng năm, một cựu học sinh đã tốt nghiệp ở trường chúng tôi ngày trước bây giờ là sinh viên trong Hải Quân Cơ Khí Học Hiệu tại Maizuru được nghỉ lễ một ngày và trở về thăm lại trường cũ.

Anh ta có nước da xạm nắng thật là quyến rũ và cái mũi thực là to lớn mạnh mẽ nhô ra từ dưới cái mũ lưỡi trai mà anh ta kéo sụp xuống tận mắt; từ đầu tới chân anh ta thật là một trang anh hùng hoàn toàn. Bấy giờ anh ta đứng lại kể cho các đàn em nghe cuộc sống khắc khổ trong hiện tại của anh ta với tất cả những quy luật nhà binh khe khắt. Tuy nhiên, mặc dù dụng tâm miêu tả một cuộc đời đầy những gian khổ, anh ta vẫn nói với một giọng như thể là anh ta đang kể cho chúng tôi nghe những truyện về một cuộc đời xa hoa cực độ. Mỗi cử chỉ của anh ta đều đầy vẻ ngạo mạn kiêu căng, nhưng dù còn ít tuổi, anh ta cũng thấy cần phải làm dáng khiêm nhượng. Khung ngực anh ta trong bộ đồng phục có viền hoa ưỡn ra như là khung ngực của một hình người nơi mũi tàu khi con tầu đang rẽ sóng lướt gió trên mặt biển. Anh ta lúc đó đang ngồi trên một bậc đá thoai thoải chạy xuống sân chơi nhà trường. Chung quanh anh ta một nhóm học sinh xúm xít hăm hở lắng nghe từng lời anh ta nói, và trong những thửa vườn trên dốc đồi, những bông hoa tháng Năm đang nở rộ - nào hoa mã lan, hoa thượng uyển đâu, nào hoa dã trượng nhân, hoa sồ bạch cúc; và trên đầu họ rủ buông những nụ hoa mộc lan trắng đang nở tưng bừng.

Cả người nói lẫn những người nghe đều bất động như những pho tượng kỷ niệm. Tôi không ngồi riêng một mình trên sân đất cách xa họ một vài thước. Tôi vẫn có cái cung cách như thế. Đó là cung cách của tôi đối với những bông hoa tháng Năm và đối với với bộ đồng phục đầy kiêu hãnh cùng những chuỗi cười trong trẻo vang vang của họ.

Lúc này anh chàng hùng trẻ tuổi lại quan tâm đến tôi hơn là đến những kẻ sùng bái anh ta. Chỉ có riêng tôi là không có vẻ cúi mình trước cái oai phong của anh chàng và điều đó làm cho anh chàng thấy lòng tự ái bị xúc phạm. Anh ta hỏi những thằng khác xem tên tôi là gì.

“Hầy, Mizoguchi!” Anh ta gọi to; đó là lần thứ nhất anh ta để mắt nhìn tới tôi. Tôi trừng trừng nhìn lại anh ta, không nói lấy một lời. Trong cái nụ cười mà lúc này anh ta hướng về phía tôi, tôi có thể khám phá một cái gì giống như sự hợm hĩnh phỉnh phờ của một người có quyền lực.

“Tại sao chú mày không trả lời ta câu nào vậy? Câm đấy ư?”

“Tơ… tô… tôi nói lắp,” một trong những thằng ngưỡng mộ anh ta thay tôi mà trả lời và tất cả bọn đều phá ra cười ha hả. Cái tiếng cười chế nhạo này làm tôi lóa mắt làm sao! Đối với tôi, có một cái gì rực rỡ - rực rỡ như ánh sáng phản chiếu từ các chòm lá cây - trong cái tiếng cười vang vang ác độc của lũ bạn học vốn là cái đặc điểm của những thiếu niên cùng lớp tuổi chúng nó.

“Sao, chú mày nói lắp ư? Tại sao không vào Hải Quân Cơ Khí Học Hiệu? Họ sẽ dùng roi quất cho chú mày hết hẳn nói lắp chỉ trong một ngày thôi!”

Tôi không biết mình xoay xỏa ra sao nhưng tức thời vọt miệng trả lời được một câu rõ ràng. Những lời nói trôi chẩy tuôn ra chẳng hề do ý chí của tôi lấy một mảy may.

“Tôi sẽ chẳng vào trường ấy. Tôi sắp trở thành tu sĩ”.

Tất cả mọi người đều im lặng. Anh chàng anh hùng trẻ tuổi cúi đầu, nhặt một cọng cỏ và đưa lên miệng.

“Vậy thì,” anh ta nói, “một năm nào đó, đến lúc nằm xuống mồ, tôi sẽ cho anh một việc gì đó để mà làm.”

Cuộc chiến Thái Bình Dương đã thực sự bùng nổ. Vào lúc này chắc chắn là tôi đã trải qua kinh nghiệm của một sự tự giác nào đó - ý thức rằng tôi sẽ giơ cả hai tay đứng đợi chờ trong một thế giới đen tối. Rằng một ngày nào đó những bông hoa tháng Năm, những bộ đồng phục, những thằng bạn học xấu tính nết của tôi, tất cả sẽ tìm đến những bàn tay giang ra của tôi. Chợt có ý thức là chính tôi đương nắm chặt thế giới, đang ép nó xuống tận dưới đáy… Nhưng một ý thức như vậy thì quá nặng nề để có thể trở nên một nguồn kiêu hãnh cho một thiếu niên như tôi.

Niềm kiêu hãnh phải là một cái gì nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn, sáng sủa hơn, rực rỡ hơn. Tôi muốn một cái gì đó có thể thấy được. Tôi muốn niềm kiêu hãnh của mình phải là một cái gì mà tất cả mọi người đều có thể trông thấy được. Chẳng hạn như thanh đoản kiếm mà hắn đeo lủng lẳng ngang lưng đúng là một vật như thế.

Cái loại kiếm này mà tất cả học sinh trung học đều trầm trồ ca ngợi ngắm nghía thực là một đồ trang sức đẹp đẽ. Người ta bảo các sinh viên trong Hải Quân Học Viện vẫn thường lén lút dùng các thanh kiếm của mình để vót nhọn bút chì. Tôi nghĩ thực là thanh lịch biết bao khi dùng một biểu tượng trang nghiêm như thế vào những việc tầm thường đại loại như vậy.

Chàng thanh niên lúc đó đã cởi bỏ bộ đồng phục Cơ Khí Học Hiệu ra và đem treo lên cái hàng rào sắt sơn mà trắng. Cái quần dài và áo sơ mi trắng treo ngay đó gần sát tất cả những bông hoa - phải, đúng là chúng tỏa ra mùi mồ hôi lấm tấm trên làn da của anh chàng thanh niên ấy. Một con ong lầm lẫn hạ cánh đậu trên cái áo chen hoa trắng tinh chói rạng. Cái mũ lưỡi trai có viền thêu vàng óng nằm trên một phần bờ rào; thực là nghiêm chỉnh y như là trên đầu người đội, kéo sụp xuống tận mắt. Chủ nhân của nó được một thằng đàn em mời ra thử sức và đã đi đến đài đấu vật ở phía sau để tỉ thí một keo.

Nhìn vào những đồ vật mà anh ta đã để ra một chỗ, tôi có ấn tượng là đang nhìn một thứ mộ phần danh dự. Những bông hoa xum xuê của tháng Năm càng làm tăng cảm giác này. Cái mũ phản ánh sắc đen huyền của vành lưỡi trai, và thanh kiếm cùng cái thắt lưng da treo ngay bên cạnh, tất cả đều đã tách rời khỏi thân mình anh ta ra một vẻ đặc biệt trữ tình. Chính tự chúng cũng hoàn toàn như là ký ức của tôi về chàng sinh viên ấy - thật vậy, đối với tôi chúng trông giống như những di vật của một trang thanh niên anh hùng sau khi đã lên đường ra trận.

Tôi để ý canh chừng chắc chắn là không có ai quanh quẩn gần đó. Tôi nghe tháy tiếng hoan hô từ phía bãi đấu vật vọng lại. Tôi móc từ trong túi quần ra một con dao díp mà tôi vẫn dùng để gọt bút chì; rồi tôi leo lên hàng rào và khắc lên bao kiếm đẹp đẽ màu đen nhiều vết dao nham nhở…

Nghe tôi kể truyện như thế thiên hạ có thể vội vàng phán đoán là tôi phải có cơ chất cả một thanh niên thi sĩ. Nhưng cho đến ngày hôm nay, chẳng những tôi chưa hề viết một bài thơ nào mà còn chưa viết ngay cả một đoạn nhật ký trên cuốn sổ tay nữa. Tôi không hề cảm thấy một thôi thúc đặc biệt nào muốn vượt qua người khác bằng cách vun bồi năng lực nào mới để nhờ đó có thể bù đắp lại những điểm mà tôi thua kém hẳn thiên hạ. Nói cách khác, tôi quá ngạo mạn để có thể rở thành một nghệ sĩ. Ước mơ muốn trở thành một bạo quân hay một đại nghệ sĩ của tôi không bao giờ vượt quá giai đoạn của một mộng mơ, và tôi chẳng hề thấy có một mảy may ước muốn thực hiện một cái gì bằng cách thực sự mó tay vào công việc.

Vì rằng việc không được người khác hiểu mình đã trở nên nguồn gốc kiêu hãnh duy nhất và thực sự của tôi, nên tôi không bao giờ cảm thấy một xung động muốn biểu hiện các sự vật và làm cho người khác hiểu được một điều gì mà tôi biết rõ. Tôi nghĩ những điều mà kẻ khác có thể nhìn thấy thì không phải những điều được số mệnh dành riêng cho tôi. Sự cô độc của tôi ngày càng béo phì ra giống hệt một con lợn.

Đột nhiên tôi hồi tưởng tới một bi kịch xẩy ra trong làng tôi. Mặc dù không ai tưởng tượng là tôi thực sự có một chút liên hệ nào với biến cố này, đến bây giờ tôi vẫn còn không làm sao gạt được cảm giác rõ rệt là mình có tham gia vào biến cố đó.

Qua biến cố này đột nhiên tôi thấy mình đối diện với tất cả mọi sự. Với cuộc đời, với thú vui xác thịt, với lường gạt phản trắc, với thù hận và tình yêu - phải, với tất cả những sự có thể có trên đời. Và ký ức của tôi vẫn ưa phủ nhận cái yếu tố sùng cao trong tấ cả những sự vật này.

Có một thiếu nữ xinh đẹp sống trong căn nhà cách nhà chú tôi hai căn. Tên nàng là Uiko. Mắt nàng to và trong sáng. Có lẽ gia đình nàng giầu có nên nàng có thái độ kiêu kỳ. Mặc dù thiên hạ có thói quen đề cao cô nàng, người ta không thể tưởng tượng cô nàng nghĩ gì khi chỉ có một mình. Có lẽ Uiko hãy còn là một trinh nữ, nhưng những mụ đàn bà ghen tị vẫn thường nhỏ to tán gẫu với nhau về nàng và bảo rằng này có cái tướng vẻ của một thạch nữ chẳng sinh đẻ gì được.

Ngay sau khi tốt nghiệp trường Nữ Trung Học, Uiko trở nên một nữ khán hộ tình nguyện tại Y Viện Hải Quân Maizuru. Y viện gần nhà nên nàng có thể đi làm bằng xe đạp. Nàng phải có mặt ở sở vào sáng sớm tinh sương, nên phải ra đi từ lúc trời còn mờ sáng, khoảng chừng hai giờ trước khi tôi đi học.

Một tối, tôi nằm đắm mình trong những tư tưởng mịt mù, nghĩ đến thân hình Uiko. Đêm đó tôi ngủ không yên và khi trời còn tối, tôi lén ra khỏi giường xỏ chân vào đôi giầy tập thể dục va mò ra ngoài bóng tối của một bình minh mùa hạ.

Đêm đó chẳng phải là đêm đầu tiên mà tôi tự họa ra cho mình hình ảnh của thân hình Uiko. Có một cái gì thỉnh thoảng len lỏi qua tâm trí tôi dần dần kết hợp vào hình ảnh đó. Thân mình Uiko dường như là một sự kết tụ những ý nghĩ của tôi, chìm đắm trong một bóng tối mịt mù, vừa trắng trẻo mà vừa mềm mại, cuối cùng kết tụ lại thành hình thịt da ngọt ngào hương thơm. Tôi thường hay nghĩ tới sự nồng ấm mà những ngón tay tôi sẽ cảm thấy khi sờ vào làn da thịt này. Tôi cũng nghĩ tới cảm giác mềm mại dẻo dai dưới đầu ngón tay và làn hương thơm có lẽ giống như hương thơm của phấn hoa vậy.

Tôi chạy thẳng theo con đường còn tối mịt mù. Những cục đá không làm cho tôi chệch choạng bước chân và màn tối mở rộng trên con đường trước mặt.

Tôi tới một nơi mà con đường mở rộng sau khi chờ đợi. Tôi đã chạy hết hơi tới đây, nhưng bây giờ dã nghỉ ngơi dưới bóng cây cử; chính tôi cũng không biết mình định làm gì nữa. Tuy nhiên, tôi đã biết sống cách biệt thế giới bên ngoài quá nhiều và do đó đã ôm ấp ảo tưởng rằng một khi nhẩy vọt ra thế giới bên ngoài, việc gì cũng trở nên dễ dàng, việc gì cũng có thể làm được.

Mấy con muỗi xúm nhau lại đốt hai chân tôi. Tôi nghe thấy tiếng gà gáy ở nơi này nơi nọ. Tôi nhìn lên con đường. Tôi thấy ở phía xa một cái gì trăng trắng và mịt mờ. Tôi nghĩ đó là màu sắc bình minh, nhưng thực ra đó là Uiko.

Nàng đang đạp xe. Đèn xe bật sáng. Chiếc xe đạp lặng lẽ lướt trên mặt đường. Tôi rời gốc cây cử lao đầu chạy ra đứng ngay trước mũi xe. Chiếc xe nghiêng ngả mãi mới cấp tốc dừng lại được.

Và rồi tôi cảm thấy mình hóa đá. Ý chí của tôi, dục vọng của tôi - tất cả đều biến thành đá hết. Thế giới bên ngoài đã mất hết tương quan với thế giới bên trong của tôi, và một lần nữa, lại bao vây lấy tôi và khoác lấy tấm áo hiện hữu tích cực. Cái “Tôi” đã lén lút lẻn khỏi nhà ông chú, đã xỏ chân vào đôi giầy tập thể dục màu trắng và đã chạy theo con đường còn tối mịt mờ cho đến lúc tới cây cử này - cái “Tôi” này chỉ thúc đẩy con người bên trong của mình xả hết tốc lực mà chạy đến đây. Trong những mái nhà trường nét mịt mờ của thôn làng mới nhô khỏi bóng tối của bình minh, trong những lùm cây tối đen, trong những mỏm núi đen xì của rặng Thanh Diệp Sơn, phải, và ngay cả trong Uiko lúc này đang đứng trước mặt tôi, hoàn toàn không có một ý vị nào hết. Có một cái gì đó đã ban cho tất cả những cái này một thực tại to lớn, vô nghĩa, đen ngòm đã được đem cho tôi, đè nén lên tôi với một sức nặng từ xưa đến giờ tôi chưa từng thấy.

Như thông lệ, tôi nghĩ chỉ có lời nói là có thể cứu thoát tôi khỏi tình trạng này. Đó là một ngộ nhận đặc biệt của tôi. Khi cần phải hành động, tôi luôn luôn chuyên chú đến ngôn từ, và vì ngôn từ chui ra khỏi miệng tôi một cách khó khăn như thế nên tôi chỉ chuyên tâm nghĩ đến chúng và quên hết mọi hành động. Tôi thấy đường như hành động vốn là những việc chói lòa, rực rỡ, luôn luôn phải có những ngôn từ cũng chói lòa, cũng rực rỡ như thế đi kèm.

Tôi chẳng nhìn đến cái gì hết cả. Như tôi nhớ lại, ban đầu Uiko hoảng sợ; nhưng khi thấy rõ là tôi, nàng chỉ chăm chú nhìn vào miệng tôi mà thôi. Tôi phỏng đoán là nàng đang nhìn vào cái lỗ hổng đen sì hư hỏng này, cái lỗ hổng bé nhỏ méo mó này vấy đất bẩn như là cái tổ của một con vật nhỏ bé ngoài ruộng đồng, và bây giờ đang vặn vẹo một cách vô nghĩa trong ánh sáng ban mai - nàng chỉ nhìn đến cái miệng của tôi mà thôi. Và nàng đã đắc ý thấy rằng nàng không hề có một mảy may sức lực nào sắp sửa phát ra từ cái miệng này để móc nối tôi với thế giới bên ngoài, nàng cảm thấy yên lòng.

“Trời đất ơi!” Nàng nói. “Thực là một điều kỳ cục quá chừng. Mà anh chỉ là một thằng nói lắp”.

Trong giọng nói Uiko có cái vẻ tươi mát của một làn gió nhẹ sớm mai. Nàng bấm chuông xe đạp kêu vang và một lần nữa lại đặt chân lên bàn đạp. Nàng vòng xe quanh tôi, làm như là muốn tránh một tảng đá trên đường đi vậy. Mặc dù chẳng có một ma nào quanh đó, Uiko vẫn nhấn đi nhấn lại cái chuông xe một cách chế giễu và trong khi nàng đạp xe ra xa, tôi còn nghe thấy tiếng chuông xe vọng lại từ những cánh đồng phía xa.

Tối hôm đó, và Uiko về mách nhà, mẹ nàng đã sang nhà chú tôi. Chú tôi lúc thường vốn ôn hòa là thế, vậy mà hôm đó cũng mắng tôi như tất nước vuốt mặt không kịp. Tôi nguyền rủa Uiko và rồi cầu mong sao nàng lăn ra mà chết; và một vài tháng sau lời nguyền rủa của tôi biến thành sự thật. Từ đó đến giờ tôi vững tin vào sức mạnh của những lời nguyền rủa.

Khi ngủ cũng như khi thức lúc nào tôi cũng cầu mong Uiko chết đi. Tôi ước ao con người đã chứng kiến sự sỉ nhục của tôi phải tiêu tan đi mất. Chỉ khi không còn một nhân chứng nào nữa niềm sĩ nhục của tôi mới có thể tuyệt diệt trên mặt đất này. Những người khác đều là chứng nhân. Nếu không còn một người nào nữa tồn tại thì trên đời này không có sự xấu hổ nào nữa. Điều mà tôi đã nhìn thấy trên nét mặt Uiko, sau cặp mắt nàng long lanh như mặt nước trong ánh sáng mịt mờ của buổi bình minh, thuộc về thế giới của những kẻ khác - nghĩa là thế giới của những kẻ khác, những kẻ không bao giờ để chúng ta yên thân, những kẻ đứng sẵn sàng làm kẻ tiếp tay, kẻ làm chứng cho những tội ác của chúng ta. Cần phải tiêu diệt hết tất cả những người khác. Nếu muốn tôi có thể thực sự đối diện với mặt trời, thì chính cái thế giới này phải được hủy diệt…

Hai tháng sau khi về nhà mách lỗi của tôi, Uiko từ bỏ việc làm ở Bệnh Viện Hải Quân và nằm lì ở nhà. Trong xóm người ta thì thào bàn tán đủ mọi thứ truyện. Rồi tới cuối thu xẩy ra biến cố.

Chúng tôi chẳng bao giờ có thể nghĩ là một tên đào ngũ khỏi Hải Quân đã đến ẩn náu ở trong thôn làng. Một hôm vào khoảng giữa trưa, một nhân viên hiến binh tới trụ sở hội đồng xã. Tuy nhiên việc một nhân viên hiến binh tới làng không phải là một điều hiếm thấy, vì thế cũng chẳng làm chúng tôi quan tâm gì nhiều.

Đó là một ngày trong sáng gần cuối tháng mười. Tôi đã đi học như thường lệ, đã làm xong các bài buổi tối ở nhà và sửa soạn leo lên giường đi ngủ. Khi sắp sửa tắt đèn, tôi đưa mắt nhìn qua cửa sổ và nghe thấy tiếng người chạy rầm rập dọc theo đường xá trong thôn; họ thở hổn ha hổn hển như một bầy chó. Tôi đi xuống cầu thang. Chú thím tôi đã thức dậy và chúng tôi cùng bước ra ngoài. Một trong những thằng bạn học cùng trường với tôi đang đứng trước cổng lớn vào nhà. Nó trợn tròn đôi mắt vì kinh ngạc.

“Hiến binh vừa mới bắt Uiko.” Nó réo lên cho chúng tôi nghe. “Họ đã dẫn cô nàng đến đằng kia kìa. Chúng ta hãy tới đó xem đi!”

Tôi vội vã xỏ chân vào đôi dép và bắt đầu chạy. Đó là một đêm trăng sáng nên thơ, và đó đây những cánh đồng vừa gặt, những cọng giạ in bóng lồ lộ trên mặt đất.

Sau một khóm cây, tôi có thể thấy những bóng người đen xì đang chuyển động. Uiko mặc một cái áo đen đang ngồi bệt ngay trên đất. Khuôn mặt nàng trắng bệch. Đứng xung quanh nàng là bốn năm người hiến binh cùng song thân của nàng. Một người hiến binh đang cầm một cái gì trông giống như một hộp đồ ăn và đang giận dữ quát tháo. Thân phụ nàng quay đầu hết bên này tới bên nọ, lúc thì xin lỗi người hiến binh, lúc thì trách móc con gái mình. Thân mẫu nàng ngồi sụp trên mặt đất và đang khóc thút thít.

Chúng tôi đứng chăm chú theo dõi quang cảnh đó từ cuối một thửa ruộng lúa. Số người đứng xem mỗi lúc một gia tăng, và trong đêm họ lặng lẽ đứng sát vào nhau vai người này chạm vai người khác. Trên đầu chúng tôi mặt trăng treo lơ lửng nhỏ bé như là đang teo lại.

Thằng bạn học thì thầm vào tai tôi mà giải thích. Dường như là Uiko đã lấy trộm hộp đồ ăn đem ra khỏi nhà và đang đi sang làng bên thì bị nhân viên cảnh bị, đã nằm phục kích từ trước, tóm được. Hiển nhiên là nàng định đem hộp đồ ăn cho người đào ngũ. Uiko đã giao du thân mật với người đào ngũ này trong khi nàng làm việc ở Bệnh Viện Hải Quân. Kết cục nàng có thai và bị sa thải. Người hiến binh lúc này đang cật vấn nàng về chỗ ẩn náu của kẻ đào ngũ, nhưng Uiko chi ngồi trơ ra đó không hề nhúc nhích mảy may và nhất định giữ im lặng một cách ngoan cố.

Về phần tôi, tôi chỉ có thể chăm chăm nhìn vào khuôn mặt Uiko, không chớp mắt. Trông nàng giống như một người đàn bà điên vừa bị bắt. Khuôn mặt nàng hoàn toàn bất động dưới ánh trăng.

Cho đến lúc đó, chưa bao giờ tôi thấy một khuôn mặt lại tràn đầy dáng vẻ cự tuyệt đến như thế. Tôi nghĩ khuôn mặt tôi là một khuôn mặt đã bị thế giới cự tuyệt, nhưng khuôn mặt Uiko thì đang cự tuyệt thế giới. Ánh trăng chan hòa trên trán nàng, trên mắt nàng, trên má nàng, trên sóng mũi nàng; nhưng trên khuôn mặt bất động của nàng chỉ có ánh trăng tràn ngập. Nếu như nàng chỉ đưa mắt hay chỉ nhếch miệng lấy một chút xíu mà thôi, cái thế giới mà nàng đang nỗ lực cự tuyệt đó sẽ coi là một dấu hiệu để ào ào tràn ngập vào trong con người nàng.

Tôi nín thở giương mắt nhìn. Nhìn vào cái khuôn mặt mà lịch sử đã bị đứt đoạn vào đúng điểm này và sẽ không chịu nói lấy một điều nào hoặc tới quá khứ hoặc tới tương lai. Một đôi khi chúng ta nhìn thấy một khuôn mặt như thế trên một khúc cây vừa mới bị đốn xuống. Mặt dù khúc cây bị chặt ngang ngoài mặt hãy còn màu sắc tươi mát, nhưng ở điểm này tất cả mọi sự tăng trưởng đã ngưng hẳn lại; nó bị bất chợt phơi bày ra một thế giới vốn không phải là một thế giới của nó - và ở trên mặt khúc cây bị chặt ngang này. Chúng ta thấy một khuôn mặt lạ lùng do những mắt gỗ đẹp đẽ vẽ nên. Một khuôn mặt chường ra thế giới này chỉ để mà cự tuyệt…

Tôi không sao ngăn được cái ý nghĩ là chẳng còn bao giờ, hoặc trong đời Uiko hoặc trong đời chính tôi, người đứng xem, lại có một lúc nào nữa được thấy khuôn mặt nàng xinh đẹp cho bằng lúc này. Nhưng cái đó không kéo dài như là tôi mong đợi. Vì đột nhiên khuôn mặt đẹp đẽ của nàng bị biến dạng.

Uiko vụt đứng dậy. Tôi có cảm tưởng là trong lúc đó tôi thấy nàng mỉm miệng cười. Tôi có cảm tưởng là tôi thấy hàm răng trắng bong của nàng lóng lánh dưới ánh trăng. Tôi không thể nói gì hơn về sự biến dạng này, vì khi Uiko đứng lên khuôn mặt nàng chìm dưới bóng cây chứ không ở ngoài ánh trăng sáng nữa.

Thực ra đáng tiếc cho tôi không nhìn thấy được sự thay đổi trên khuôn mặt Uiko vào lúc mà nàng quyết định phản bội. Giả như tôi đã thực sự nhìn thấy tất cả mọi chi tiết sự đổi thay trên khuôn mặt nàng thì rất có thể trong con người tôi đã nẩy nở một tinh thần khoan dung tha thứ cho tất cả mọi thứ xấu xa trên đời.

Uiko chỉ tay về phía hốc núi Kahara ở làng bên.

“A! vậy ra nó ở trong Kim Cương Viện!” Người hiến binh kêu to.

Lúc đó tôi thấy trong lòng mình nẩy sinh một niềm thích thú rộn rã thực là trẻ con. Toán hiến binh quyết định chia ra làm nhiều tốp riêng rẽ và bao vây kín cả Kim Cương Viện. Người ta kêu gọi dân làng đến trợ lực. Vì một hứng thú đầy ác ý, tôi gia nhập toán thứ nhất cùng với năm sáu thiếu niên khác. Uiko đi trước toán chúng tôi làm người hướng đạo. Tôi phải ngạc nhiên khi thấy những bước chân vững vàng tin tưởng của nàng trong khi nàng cất bước đằng trước chúng tôi trên con đường sáng trăng, có hiến binh kèm theo hai bên.

Kim Cương Viện vốn vẫn lừng danh. Viện được xây trong một hốc núi cách xa thôn làng Yasuoka chừng mười lăm phút đi bộ và được người ta biết đến vì cây cử do Thân vương Takaoka trồng và ngọn tháp ba tầng trang nhã mà người ta vẫn cho là công trình tạo tác của Hidari Jingoro. Vào mùa hè chúng tôi thường đến đó tắm ở thác nước đàng sau dẫy đồi.

Bức tường ngôi chánh điện dựng ngay sát bên cạnh dòng sông. Cỏ hoang mọc đầy trên những tảng đất long lở, bông cỏ trắng phau lấp lánh trong đêm. Gần cổng vào chính điện cây sơn trà đang tưng bừng nở hoa. Toán chúng tôi lặng lẽ cất bước dọc theo bờ sông.

Ngự đường của Kim Cương Viện nằm ngay trên đầu chúng tôi. Khi bước qua cái hoàn mộc kiều, người ta thấy ngôi tháp ba tầng nằm bên tay phải: rừng cây với la thu đỏ rực trải dài bên tay trái, và ở sâu tít trong các lùm cây là một trăm lẽ năm bậc thềm đá rong rêu phủ đầy nằm cao ngất ngưỡng. Các bậc thềm đều bằng đá vôi và thực là trơn trượt.

Trước khi đi ngang qua cái hoàn mộc kiều, những người hiến binh quay nhìn lại phía sau đưa tay ra hiệu cho toán chúng tôi dừng bước. Người ta bảo rằng ngày xưa vẫn có một cái cổng Nhân Vương Môn do hai nhà điêu khắc lừng danh Unkei và Tankei dựng lên ở nơi này. Phía ngoài là những ngọn đồi trên thung lũng Kujuku thuộc về vùng đất Kim Cương Viện.

Chúng tôi nín thở.

Những người hiến binh thúc giục Uiko tiếp tục tiến bước. Nàng một mình băng qua cây hoàn mộc kiều, và một lúc sau chúng tôi đi theo nàng. Phần dưới các bậc thềm đá vẫn đắm chìm trong bóng tối những phần trên lại chan hòa ánh trăng. Chúng tôi ẩn mình đó đây phía dưới các bậc thềm. Lá cây bắt đầu nhuốm màu hung hung đỏ vào mùa thu, nhưng dưới ánh trăng trông lại như ngã sang màu đen.

Căn chính điện của Kim Cương Viện ở phía trên các bậc thềm đá. Một độ điện chạy xiên từ đó tới một không ngự đường có lẽ như để trình diễn các điệu vũ thần nhạc. Căn không ngự đường này đã được xây dựng theo kiểu mẫu vũ đài Thanh Thủy, vươn ra ngoài không trung và có những cây cột gỗ bắc dọc bắc ngang nâng đỡ cho tựa vào vách núi. Cả căn ngự đường, độ điện lẫn tổ hợp kèo cột bằng gỗ đều phơi mình cho mưa gió dập vùi, đều bóng lộn trong sạch trắng tinh như một bộ xương. Khi mà lá cây nhuốm sắc thu đỏ rực, màu đỏ của lá cây pha trộn thực là đẹp mắt vơi màu trắng của tòa kiến trúc trắng toát như bộ xương này; nhưng về đêm cái khung gỗ nhuốm trắng loang lỗ ánh trăng trông lại có vẻ huyền bí và ma quái.

Đường như kẻ đào ngũ đang ẩn núp trong căn ngự đường bên trên vũ đài. Những người hiến binh muốn dùng Uiko làm mồi nhử để bắt hắn.

Là những nhân chứng của sự bắt bớ sắp xảy ra trước mặt, chúng tôi núp mình và nín thở. Mặc dù khí đêm lạnh đến cuối tháng mười đang bao phủ thân mình, tôi vẫn thấy hai má nóng bừng.

Uiko một mình leo lên một trăm lẻ năm bậc thềm đá vôi. Kiêu hãnh như một mụ đàn bà điên khùng. Nét mặt nàng nhìn nghiêng trắng trẻo đẹp đẽ nổi bật lên giữa tấm áo đen và mái tóc huyền.

Giữa những vì sao, giữa những áng mây êm, giữa những núi đồi viền lấy bầu trời với nhiều hình bóng tráng lệ của các chòm cây tùng bách nhọt hoắt, giữa những đốm trăng lọt qua lá cành, giữa những tòa kiến trúc sừng sững long lanh trắng toát - giữa tất cả những cái đó, vẻ đẹp tươi sáng trong sự phản trắc do Uiko làm tôi say mê. Người con gái này một mình bước lên những bậc thềm đá trắng tinh, kiêu hãnh ưỡn ngực ra đằng trước. Sự phản trắc của nàng cũng giống như sự phản trắc của các vì sao và những chòm tùng bách nhọn hoắt. Nói cách khác, nàng đương ở trong cùng một thế giới với chúng tôi, những nhân chứng, và nàng đương chấp nhận cái thiên nhiên đang vây quanh tất cả chúng tôi. Nàng đương bước lên những bậc thêm ấy, như là đại biểu của chúng tôi. Và tôi không sao ngăn được mình nghẹn thở mà nghĩ rằng: “Do sự phản trắc của nàng, cuối cùng nàng cũng chấp nhận tôi. Bây giờ nàng là của tôi!”

Tới một điểm nào đó, cái mà chúng ta gọi là biến cố sẽ biến mất khỏi ký ức. Cái con người Uiko đang leo lên một trăm lẻ năm bậc thềm rong rêu phủ đầy ấy đến bây giờ hãy còn hiển hiện trước mắt tôi. Đối với tôi dường như nàng cứ vĩnh viễn cất bước leo lên không bao giờ ngừng.

Nhưng từ điểm này trở đi, nàng trở nên một con người hoàn toàn khác biệt. có lẽ là cái con người Uiko đang leo lên những bậc thềm ấy một lần nữa lại phản bội tôi, phản bội chúng tôi. Từ điểm này trở đi nàng không còn cự tuyệt thế giới trong cái toàn thể của nó nữa. Mà nàng cũng không hoàn toàn chấp nhận nó. Nàng tự cúi mình theo mệnh lệnh riêng lòng đam mê ái dục; nàng tự hạ mình xuống hàng ngũ một người đàn bà đã trao thân cho riêng một người đàn ông mà thôi.

Vì lẽ đó mà tôi chỉ còn nhớ được những gì xẩy ra tiếp theo như là quang cảnh trong một bức thạch ấn xưa cũ nào đó. Uiko bước dọc theo độ điện và cất tiếng gọi vào căn ngự đường tối om. Bóng một người đàn ông hiện ra. Uiko nói điều gì đó với người này. Người đàn ông chĩa khẩu súng lục về phía các thềm đá và nổ súng. Từ một bụi cây gần đó những người hiến binh chĩa súng tay mà bắn trả lại. Người đàn ông đang sửa soạn nổ súng một lần nữa thì Uiko quay mình về phía độ điện và bắt đầu co giò chạy. Người ấy bắn hết phát nọ đến phát kia vào lưng nàng. Uiko ngã lăn ra. Người ấy chĩa họng súng lục vào thái dương mình và nổ súng lần nữa.

Trước tiên các hiến binh, rồi sau tất cả những người khác, chen nhau chạy lên các bậc thềm và đổ xô về phía hai xác chết. Tôi vẫn im lặng ẩn mình dưới bóng các lá thu đỏ ối. Những khung cột gỗ bắc dọc bắc ngang của ngôi chùa chồng chất lên nhau ở phía trên đầu tôi. Tiếng giầy của mọi người, trong khi họ cất bước dọc theo những tấm ván độ điện trên đầu tôi, nhẹ nhàng từ trên vang xuống. Ánh vài ba ngọn đèn bấm chạy dọc ngang chiếu rọi từ lan can độ điện tới những cành cây lá hung hung đỏ.

Tôi chỉ nghĩ là tất cả những việc này đã xẩy ra trong một quá khứ xa xôi. Những người kém nhạy cảm chỉ bị nhiễu loạn khi nào trong thấy máu đổ thực sự. Tuy nhiên, lúc máu đã đổ ra rồi thì tấn bi kịch cũng đã chấm dứt. Tôi ngủ thiếp đi. Khi thức dậy, tôi thấy ai nấy đều đã bỏ đi nơi khác cả rồi. Hiển nhiên họ đã quên tịt mất tôi. Không gian đầy tiếng chim ríu rít và ánh mặt trời buổi sáng chiếu rọi qua cành lá đỏ hung trên những cây xung quanh. Tòa kiến trúc như bộ xương trắng trên đầu tôi dường như sống lại khi được mặt trời rọi sáng từ phía dưới. Lặng lẽ và kiêu hãnh, căn không ngự đường hắt bóng vào thung lũng lá cành nhuốm đỏ.

Tôi đứng dậy, run rẩy, tự chà sát thân mình để kích thích sự tuần hoàn. Trong thân xác tôi chỉ còn sự giá lạnh. Tất cả chỉ còn là sự giá lạnh mà thôi.

Trong những ngày nghỉ mùa xuân năm kế Ba tới chơi nhà chú tôi. Trên bộ đồng phục dân sự thời chiến, cha tôi choàng chiếc áo cà sa. Ông nói là ông sẽ đưa tôi đi Kyoto trong vài ba ngày. Bệnh phổi của Ba đã trầm trọng hơn nhiều và tôi buồn lòng khi thấy Ba suy sút đến thế. Chẳng phải chỉ riêng tôi mà chú thím tôi, tất cả đều cố gắng can Ba đừng đi Kyoto nữa, nhưng ông không chịu nghe theo. Sau này khi nghĩ tới việc đó tôi mới biết là Ba muốn tự mình dẫn tôi tới ra mắt viện chủ Kim Các Tự trong khi Ba còn sống trên thế gian này.

Tới thăm Kim Các Tự đối với tôi dĩ nhiên đã là một mơ ước từ bao nhiêu lâu, nhưng nghĩ tới việc thực hiện một cuộc hành trình với Ba dù Ba đã cố gắng hết sức vẫn khiến bất cứ ai nhìn ông phải thấy ngay là Ba đang ốm rất nặng - tôi không thấy gì làm thích thú. Khi mà thời gian đối mặt với Kim Các Tự tới gần, cái Kim Các Tự mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt, lòng tôi mỗi lúc lại thêm trù trừ. Dù thế nào đi nữa, điều cốt yếu là Kim Các Tự phải thật đẹp đẽ. Do đó, tôi đem đánh cá tất cả không phải lên cái đẹp khách quan của chính ngôi chùa cho bằng cái khả năng tưởng tượng ra vẻ đẹp của nó nơi riêng tôi.

Tôi hoàn toàn thông hiểu về những điều liên hệ tới Kim Các Tự, ít nhất là trong phạm vi hiểu biết của một thiếu niên vào tuổi tôi. Qua một cuốn sách nghệ thuật, tôi đã học lời giải thích sơ lược sau đây về lịch sử Kim Các Tự.

“Ashikaga Yoshimitsu (1358-1408) được gia đình Saionji nhượng lại Bắc sơn điện và biến nó thành một biệt thự rộng lớn. Những tòa kiến trúc chủ yếu là Xá Lợi điện, Hộ Ma đường, Sám Pháp đường và Pháp Thủy viện xây dựng theo kiến trúc Phật giáo cùng Thần điện. Công Khanh gian Hội Sở, Thiên Kính các, Truyền điện và Khán Tuyết đính theo lối kiến trúc có quan hệ với các trú xá. Xá lợi điện là kiến trúc được xây dựng cẩn thận nhất và về sau được gọi là Kim Các Tự. Thực khó mà xác định nó đã mang cái tên này lần đầu tiên vào lúc nào, nhưng có vẻ sau cuộc biến loạn Ojin (1467-77). Trong thời đại Bummei (1469-87) tên này được phổ biến và trở nên thông dụng.

“Kim Các Tự là một kiến trúc ba tầng hình tháp nhìn xuống một uyển trì (Kính Triều trì). Có lẽ đã được hoàn tất vào khoảng năm thứ năm đời Oei (1389). Hai từng dưới được xây theo kiểu tẩm điện với lối kiến trúc cổ truyền và có những cánh cửa chớp có thể xếp lại, nhưng tầng thứ ba là một căn phòng sáu thước vuông xây theo kiểu Thiền đường thuần túy của nhà Phật ở giữa có sạn đường hộ, hai bên phải và trái có hoa đầu song. Mái lợp bằng vỏ cây trắc bách diệp dựng theo kiểu bảo bình, bên trái có một con chim phượng hoàng bằng đồng thau đứng cao chót vót. Điếu điện với cái mái nhấp nhô vươn ra ngoài đối diện cái ao làm cho các kiến trúc chung quanh bớt phần đơn điệu. Mái Kim Các Tự làm bằng gỗ mịn thoai thoải dốc xuống. Đường nét kiến trúc vừa nhẹ nhàng vừa đẹp đẽ. Đó là một kiệt tác phẩm của lối kiến trúc đình viên, điều hòa hai lối trú xá và Phật đường. Như thế ngôi thần điện này đã biểu lộ thị hiếu của Ashikaga Yoshimitsu, con người từng hết lòng thâu nhập văn hóa Hoàng triều và diễn tả trung thực khí vị của đương thời.

“Sau khi Yoshimitsu qua đời, theo di mệnh của ông, Bắc Sơn điện được biến thành một Thiền sát và được gọi là Lộc Uyển tự. Sau đó, những kiến trúc này được chuyển đi nơi khác hoặc bị bỏ mặc cho hoang phế. May mắn là còn lại Kim Các Tự…”

Như một vầng trăng lơ lửng trong bầu trời ban đêm, Kim Các Tự đã được xây dựng để tượng trưng cho những thời đại đen tối. Như thế cái Kim Các Tự trong mộng tưởng của tôi tất phải có bóng tối làm bối cảnh. Trong cái bóng tối âm u này, những cây cột đẹp đẽ, mảnh mai của tòa nhà đứng lặng lẽ và vững vàng tỏa từ bên trong ra một ánh sáng lắt leo. Dù cho thiên hạ có nói gì về Kim Các Tự chăng nữa, nó vẫn phải tiếp tục đứng đó lặng lẽ phơi bầy công trình kiến tạo mĩ lệ, tiêm tế của mình trước mặt thế giới và chịu cho bóng tối vây kín khắp chung quanh.

Tôi cũng thường nghĩ đến con phượng hoàng bằng đồng thau nhự trị trên mái Kim Các Tự và đã đứng đó mãi mãi phơi mình trong mưa nắng gió sương với năm tháng. Con chim vàng óng thần bí này chẳng bao giờ cất tiếng gaysáng, chẳng bao giờ vỗ cánh - thực vậy, hiển nhiên tự nó đã quên phứt mình là một con chim. Tuy nhiên, nếu bảo rằng trông nó không có vẻ như đang bay thì thật là không đúng sự thực. Những còn chim khác bay trong không gian, nhưng con phượng hoàng vàng óng này vĩnh viễn bay qua thời gian trên đôi cánh chói rạng. Thời gian đập vào đôi cánh ấy và bềnh bồng trôi lại đằng sau. Để tung cánh bay, con phượng hoàng đứng yên bất động, với ánh nhìn giận dữ trong cặp mắt, giương đôi cánh giữa trời, ve vẩy lông đuôi và kiêu hùng giăng đôi chân oai nghi vàng óng.

Trong những khi nghĩ ngợi mông lung như thế tôi thấy Kim Các Tự giống như một con tầu đẹp đẽ nào đó đang vượt qua mặt biển thời gian. Cuốn sách mĩ thuật nói đến “những tòa nhà lộng gió thiếu tường”, và cả điều này nữa cũng đem hình dạng một con tầu vào trong trí tưởng tượng của tôi. Cái ao nơi tòa nhà ba tầng hình chiếc tầu này soi bóng có thể được coi là tượng trưng cho bể cả. Kim Các Tự đã băng mình qua một đêm vô tận. Một chuyến vượt biển mà người ta đoán trước được kết quả. Ban ngày, con tầu kỳ dị này hạ neo với một dáng vẻ thơ ngây và chịu phơi mình cho người ta ngắm nhìn; nhưng khi đêm đến, bóng tối bao quanh làm cho nó có một thế mới và nó bồng bềnh trôi xa với cái mái như một cánh buồm lớn căng phồng.

Thực không phải nói quá lời khi bảo rằng vấn đề tối sơ mà tôi thực sự phải đối phó trên đời là giữa hai con người này. Chẳng bao lâu nữa, khi đến tuổi, tôi sẽ bị gọi vào lính. Tuy nhiên, tôi vẫn không tin chắc là ngay khi đã ở trong binh đội, tôi lại có thể sống trung thành với nhiệm vụ của mình như chàng hạ sĩ quan ngồi trước mặt tôi đây. Dù sao đi chăng nữa, trong hiện tại hiển nhiên tôi đang chễm chệ ngồi giữa hai thế giới. Mặc dù hãy còn ít tuổi như thế này, tôi vẫn ý thức, dưới vầng trán xấu xí bướng bỉnh của mình, rằng chiến tranh đang làm môi giới đem lại gần nhau thế giới của sự chết mà cha tôi coi sóc thế giới của sự sống mà những thanh niên chiếm giữ. Chính tôi cũng có thể trở nên một người móc nối giữa hai thế giới này. Nếu tôi bị giết trong cuộc chiến, thực rõ rệt là trước con đường rẽ ngang đang nằm trước mặt, dù tôi có chọn con đường nào đi nữa thì kết cục cũng vẫn là một chẳng có mảy may khác biệt nào hết.

Tôi cố gắng chăm sóc Ba mỗi khi ông ho. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy dòng sông bên ngoài khung cửa sổ toa tầu. Dòng sông xanh đậm hầu như sẫm mầu giống hệt mầu sulfat đồng dùng trong những thí nghiệm hóa học. Mỗi lần con tầu chui khỏi một đường hầm, thung lủng Hozu lại hiện ra trước mặt có lúc ở khá xa đường tầu có lúc lại bất chợt ở sát ngay bên. Dòng nước xanh đậm uốn khúc như một cái dòng dọc bốn bên có những tảng đá nhẵn nhụi bao quanh.

Ba có đem một vài nắm cơm gạo trắng trong hộp đựng bữa ăn và ông thấy xấu hổ khi mở hộp ra trước mắt mọi người trong toa tầu.

“Không phải là gạo chợ đen đâu,” ông nói cho tất cả mọi người đều nghe biết. “Đó là đồ cúng dường của các đạo hữu. Mình có thể vui sướng và biết ơn mà ăn thứ cơm gạo này.”

Ba nói để cho tất cả mọi người trên toa tầu ai ai cũng có thể nghe thấy, nhưng khi bắt đầu ăn thực sự thì ông chỉ ăn được có một nắm nhỏ xíu.

Tôi không nghĩ là đoàn tầu cổ lổ đầy mồ hóng này thực sự chạy tới đô thị. Tôi nghĩ nó đang chạy đến nhà ga của tử thần. Một khi tư tưởng này đã lẫn vào đầu óc tôi, mỗi lần con tầu chui qua một đường hầm, tôi lại thấy có cái mùi của một lò đốt xác người.

Dù sao cuối cùng khi đứng trước tổng môn của Lộc Uyển tự, tôi vẫn thấy tim nện thình thịch trong lồng ngực. Bây giờ tôi sắp sửa được thấy một trong những cái đẹp vào hạng nhất trên đời.

Mặt trời đã bắt đầu lặn xuống và sương mù đã phủ kín núi đồi. Có nhiều du khách khác bước chân qua cổng vào khoảng cùng một lúc với cha con chúng tôi. Gác chuông đứng bên trái cổng vào, xung quanh có cả một rừng mai còn đầy những cánh hoa tàn.

Một cây lịch lớn mọc trước huyền quang của chính điện. Ba đứng trước cửa và nói với người đưa đường xin phép đi vào. Viện trưởng viết mấy chữ cho biết ông ta đang bận tiếp một lai khách và yêu cầu chúng tôi vui lòng chờ đơi chừng hai ba mươi phút nữa.

“Mình hãy dùng thời gian này đi một vòng mà ngắm Kim Các Tự,” Ba nói.

Hiển nhiên, Ba muốn cho tôi thấy rằng ông được nể nang đôi chút ở nơi này nên ông thử cố đi qua tham quan môn, cái cổng dành cho du khách mà không trả tiền mua vé vào cửa.

Nhưng từ thời gian mười mấy năm trước lúc ba thường hay tới thăm nơi này, cả người bán vé và vừa lẫn người thu vé vào cửa tự dạo đó đều đã đổi hết cả rồi.

“Lần sau mình tới đây,” Ba nói với một giọng lạnh lùng, “chắc là họ lại thay đổi nữa mất”.

Nhưng tôi cảm thấy là Ba không còn thực sự tin tưởng vào cái “lần sau” ấy nữa.

Tôi vội vã cất bước gần như chạy lên đàng trước Ba. Tôi cố ý hành động như một thằng bé con vui mừng hớn hở. (Chỉ trong những trường hợp cố làm ra vẻ như thế tôi mới có được dáng vẻ của một thiếu niên.) Rồi Kim Các Tự mà tôi vẫn hằng mơ tưởng bấy lâu phơi bày trọn vẹn hình dáng trước mặt tôi làm cho tôi thất vọng hết chỗ nói.

Tôi đứng bên bờ ao Kính Hồ, và bên kia bờ nước, Kim Các Tự phơi bày chính diện của mình dưới ánh chiều tà. Thấu Thanh bị che khuất một nửa xa về một chút về phía bên trái. Kim Các Tự rọi bóng hình tuyệt đẹp trên mặt ao, nơi những cây hoa súng và lá những cây thủy thảo đang nổi bồng bềnh. Bóng hình này còn đẹp hơn chính Kim Các Tự nữa. Ánh mặt trời đang ngả về Tây phản chiếu trên mặt ao rập rờn phía dưới các mái hiên của cả ba tầng lầu. So sánh với ánh sáng bao quanh, ánh sáng phản chiếu dưới các mái hiên thực quá rực rỡ, chói chan; Kim Các Tự cho tôi cảm tưởng là nó đang kiêu hãnh ưỡn mình ra đằng sau.

“Thế nào,” ba hỏi “thực là đẹp phải không?” Tầng thứ nhất gọi là Pháp Thủy viện, tầng thứ nhì là Triều Âm động và tầng thứ ba là Cứu Cánh đính. Ba đặt bàn tay gầy guộc ốm yếu trên vai tôi.

Tôi thay đổi vị trí một vài lần và nghiêng đầu ngắm nhìn theo nhiều góc cạnh khác nhau; tuy nhiên, Kim Các Tự chẳng hề gây nên một cảm xúc nào trong lòng tôi hết. Nó chỉ là một tòa kiến trúc ba tầng cổ kính, tối tăm và nhỏ bé. Con phượng hoàng trên nóc mái giống như một con quạ khoang hạ cánh xuống đó để nghĩ ngơi. Chẳng những tòa nhà đã không làm tôi xúc động mạnh mẽ vì vẻ đẹp mà còn làm tôi có ý niệm là nó thật lạc điệu và bất điều hòa nữa. Tôi ngạc nhiên tự hỏi có thể nào cái đẹp lại là một sự vật không đẹp đẽ như thế này sao?

Nếu là một thiếu niên khiêm nhượng và chuyên cần có lẽ tôi đã thấy tiếc là mình không có đủ khả năng thẩm thức nghệ thuật trước khi tỏ ra chán nản một cách vội vã như thế. Nhưng đau xót vì thất vọng ở cái mà mình kỳ vọng quá nhiều đã làm cho tôi mất hết mọi ý thức phản tỉnh.

Tôi chợt nghĩ có thể Kim Các Tự đã hóa trang để che giấu vẻ đẹp chân thực của mình. Để tự vệ chống lại con người, có thể nào cái đẹp đã lừa gạt con mắt người nhìn mình hay không? Tôi phải đến gần Kim Các Tự hơn nữa; tôi phải loại bỏ những trở ngại đối với tầm mắt mình; tôi phải xem xét lại toàn bộ từng li từng tí với đôi mắt của mình nhìn tới tận hạch tâm của cái đẹp. Vì rằng tôi chỉ tin vào cái đẹp mà người ta có thể nhìn thấy bằng mắt, thái độ của tôi trong lúc đó thực là đương nhiên.

Với vẻ tôn kính, bây giờ Ba dắt tôi đi lên hành lang trống tung của Pháp Thủy viện. Trước hết tôi nhìn tới mô hình Kim Các Tự, thực hiện một cách khéo léo, nằm trong một lồng kính. Tôi thích mô hình này lắm. Nó gần với Kim Các Tự trong mộng tôi hơn. Quan sát hình ảnh nhỏ bé hoàn hảo của Kim Các Tự trong chính ngôi thần điện này tôi nhớ đến hàng loạt những sự chiếu ứng vô hạn khi một tiểu vũ trụ được đặt trong một đại vũ trụ và rồi một tiểu vũ trụ nhỏ hơn nữa đặt trong một tiểu vũ trụ nhỏ bé kia. Đó là lần đầu tiên tôi có thể mơ mộng. Mơ đến Kim Các Tự nhỏ bé nhưng hoàn hảo còn nhỏ hơn cả mô hình này nữa; và đến Kim Các Tự rộng lớn hơn tòa nhà thực sự không biết bao nhiêu lần mà kể cho xiết - thực vậy, rộng lớn đến độ hầu như bao trùm cả thế giới.

Tuy nhiên, tôi không đứng ì mãi một chỗ trước mô hình. Kế đó Ba dẫn tôi tới bức tượng gỗ của Yoshimitsu vốn lừng danh là Bảo Vật Quốc Gai. Bức tượng được gọi là Lộc Uyển Viện Điện Đạo Nghĩa, gọi theo cái tên của Yoshimitsu lúc ông cắt tóc đi tu.

Bức tượng này nữa, tôi cũng chẳng thấy nó đẹp chỗ nào cả, chỉ là một hình ảnh kỳ cục nhuốm đầy mồ hóng. Sau đó, chúng tôi lên Triều Âm động tầng thứ nhì ngắm nhìn những bức họa trên trần mà người ta bảo là tác phẩm của Kano Masanobu, vẽ những thiên thần đang tấu nhạc. Trên tầng thứ ba Cứu Cánh đính, tôi thấy những dấu vết đáng buồn của lá cây bằng vàng ban đầu phủ kín khắp bên trong tầng này. Nhìn tất cả những thứ này tôi chẳng thấy đẹp ở chỗ nào cả.

Tôi dựa mình vào hàng lan can mảnh mai và lơ đãng nhìn xuống cái ao đang lấp lánh ánh mặt trời chiều. Mặt nước trông như một tấm gương, như một tấm gương cổ bằng đồng nhẵn thín; và Kim Các Tự rọi thẳng bóng mình trên mặt gương này. Bầu trời buổi chiều phản ánh trên làn nước, ở tít dưới những cây hoa súng và những cây thủy thảo. Bầu trời này khác hẳn bầu trời trên đầu chúng tôi. Trong trẻo và sáng sủa, từ phía dưới và từ bên trong, nó nuốt trọn thế giới trần tục của chúng tôi, và Kim Các Tự đắm chìm trong đó như là một cái neo tầu thực lớn bằng vàng ròng đã biến sắc thành đen tuyền vì rỉ sắt.

Hòa thượng Tayama Dosen, viện chủ Kim Các Tự, vốn là bạn của Ba từ khi hai người cùng học trong một thiền đường nào đó. Cả hai đều đã sinh hoạt ba năm tại thiền đường này và sống chung với nhau trong thời gian đó. Cả hai thanh niên đều tham dự chuyên môn đạo trường tại Tướng Quốc Tự (cũng được kiến tạo dưới thời tướng quân Yoshimitsu) và sau khi qua một vài thủ tục cổ xưa của Thiền phái, cả hai đều gia nhập hàng ngũ tăng sĩ. ngoài tất cả những cái đó, mãi về sau, tôi còn được sư phụ Dosen cho biết, trong một ngày mà ông vui vẻ trò chuyện với tôi, rằng ông và ba chẳng những đã cùng nhau chia xẻ những tháng ngày huấn luyện khắc khổ, trong một vài buổi tối, sau khi đã đến giờ đi ngủ, hai người còn cùng nhau leo tường ra ngoài và tìm mua vui thú nơi những cô gái bán phấn buôn hương nữa.

Ba và tôi đã đi một vòng bái kiến Kim Các Tự rồi trở lại huyền quan của ngôi chánh điện. Người ta dẫn dắt chúng tôi đi xuống một hành lang rộng dài và chỉ lối đi vào phòng viện chủ, nằm trong Đại Thư Viện, nhìn xuống hoa viên có cây lục chu tùng lừng tiếng.

Tôi ngồi đó thẳng người cứng nhắc trong bộ đồng phục học sinh, nhưng ba lúc đó lại có vẻ dễ chịu bất ngờ. Mặc dù Ba và Viện chủ đã cùng xuất thân từ một Thiền đường, song về ngoại diện, thực khó lòng mà hai người lại có thể khác biệt nhau hơn. Ba thì quéo quắt vì bệnh tật, trông nghèo nàn, làn da có vẻ khô khan, trắng bệch. Hòa thượng Dosen, trái lại, trông giống như một cái bánh ngọt hồng đào. Trên chiếc kỷ của ông chồng chất những gói hàng chưa mở, tạp chí, sách vở, thư từ từ nhiều nơi trong nước gởi tới và có vẻ như biểu hiện sự trù phú của ngôi thần điện. Ông đưa những ngón tay tròn trặn múp míp nhặt cái kéo và khéo mở tung một trong cái gói đồ.

“Đó là cái bánh ngọt từ Đông Kinh gửi đến,” ông giải thích. “Trong lúc này ít khi anh thấy được một cái bánh như thế. Người ta cho tôi hay họ không còn phân phát loại bánh này cho các cửa hiệu nữa mà đem nạp hết cho quân đội hay công sở.”

Chúng tôi uống thứ trà Nhật Bản thực ngon và ăn một cái bánh ngọt Tây Phương mà từ trước đến giờ tôi chưa hề được nếm mùi bao giờ. Tôi càng thấy căng thẳng bao nhiêu thì những mẫu bánh vụn càng rơi trên cái quần nỉ đen bóng của tôi nhiều bấy nhiêu.

Ba và Viện chủ đang tỏ bầy sự bất bình phẫn nộ về việc giới quân đội và quan liêu chỉ kính trọng những Thần Xã và coi rẽ những ngôi chùa Phật giáo - thực ra không những chỉ coi nhẹ mà còn thực sự áp chế nữa; rồi hai người thảo luận về phương cách quản trị hay nhất cho các ngôi chùa trong tương lai.

Viện chủ là một người mập mạp. Dĩ nhiên, khuôn mặt ông có những nếp nhăn, song mỗi nếp nhăn có vẽ như đã được lau đi hết sạch. Khuôn mặt ông tròn trặn, nhưng ông ta có cái mũi dài khiến người ta có cảm tưởng là nhựa cây chảy ra kết đặc lại ở đó. Tuy nét mặt ông có dáng vẻ khá dễ dãi, song hình dáng cái đầu cạo nhẵn - dường như là nơi tập trung tất cả tinh lực của ông - lại có dáng vẻ dữ dằn của một con vật.

Câu truyện của hai người tu sĩ xoay về những ngày họ cùng sống với nhau trong tăng đường. Tôi đang ngắm nhìn cây lục chu tùng trong hoa viên. Người ta uốn thấp các cành lá của một cây thông lớn và cuốn lại với nhau thành hình một con thuyền với những cành lá ở đằng mũi được nâng cao lên hơn ở các phần còn lại. Hiển nhiên là có một đoàn thể đã đến vãng cảnh ngay trước giờ đóng cửa vườn và tôi nghe thấy tiếng người ồn ào từ phía Kim Các Tự ở bên kia bờ đường vọng lại. Tiếng chân và tiếng nói của họ tan chìm trong làn không khí buổi chiều mùa xuân: tiếng động họ gây ra êm nhẹ và tròn trặn, chẳng hề có dấu vết gì đặc sắc nhọn. Rồi thì bước chân họ lùi xa như làn sóng thủy triều, tôi thấy thật đúng là tiếng chân của chúng sinh băng qua trái đất này. Tôi ngước mắt nhìn con phượng hoàng trên nóc Kim Các Tự; nó đang thu hút tất cả ánh sáng tàn lụi của chiều hôm.

“Anh ạ… cái thằng bé này.” Nghe thấy Ba nói, tôi quay lại nhìn. Trong căn phòng hầu như tối om, Ba đang sắp sửa đem phó thác cả tương lai tôi cho sư phụ Dosen.

“Tôi nghĩ chẳng còn sống được bao lâu nữa,” Ba nói, “tôi muốn xin anh đến lúc ấy trông nom cho thằng bé này.”

Mặc dù là một tu sĩ và quen an ủi người khác trong những dịp tương tự, thượng tọa Dosen không có một lời an ủi êm dịu nào trong dịp này, nhưng chỉ trả lời “Được lắm, tôi sẽ trông nom nó.”

Điều làm tôi thực sự ngạc nhiên là sau đó hai người vui vẻ quay sang kể cho nhau nghe những giai thoại về cái chết của những tu sĩ nổi tiếng. Một vị đã nói lúc sắp qua đời “Ôi ta không muốn chết.” Một vị khác kết thúc cuộc đời mình bằng chính những lời của Goethe: “Cho thêm ánh sáng.” Lại còn một tu sĩ lừng danh nữa vẫn còn tự mình xem xét lại tiền quĩ của chùa cho đến lúc nhắm mắt lìa đời.

Người ta mời chúng tôi ăn cơm tối, mà người theo đạo Phật gọi là “dược thạch” và sắp đặt để chúng tôi ngủ lại đêm đó ở trong chùa. Sau bữa cơm, tôi Ba đi ngắm Kim Các Tự một lần nữa. Vì mặt trăng lưng trời đã ló dạng.

Ba bị kích động quá nhiều vì cuộc tái ngộ với vị viện chủ sau bao nhiêu năm xa cách nên hết sức mệt mỏi, nhưng khi nghe tôi nói đến Kim Các Tự ông liền ra ngay, dựa mình trên vai tôi mà thở hổn hển.

Mặt trăng mọc lên sau riềm núi Fudo. Ánh trăng chiếu rọi phía sau Kim Các Tự. Ngôi chùa hình như đã xếp hình ảnh tối om phức tạp của mình lai và lặng lẽ chìm xuống; chỉ còn những khung cửa hoa đầu song trên Cứu Cánh đính là để cho bóng trăng êm ả len vào. Tầng Cứu Cánh đính không có tường riêng, và vì thế nóc vẻ là ánh trăng mờ nhạt đã chọn nơi này làm chỗ cư ngụ.

Từ phía đảo Ashiwara có tiếng chim đêm vọng lại trong khi chúng bay về phía xa. Tôi thấy rõ sức nặng những bàn tay quắt quéo của Ba tỳ trên vai mình. Khi liếc nhìn lên vai, tôi thấy dưới ánh trăng một bộ xương bàn tay trắng hếu. 

Sau khi tôi trở về Yasuoka, Kim Các Tự đã làm tôi thất vọng biết bao nhiêu khi nhìn thấy lần đầu, đến lúc này lại gợi lại vẻ đẹp của nó trong lòng tôi càng ngày càng sâu đậm hơn cho đến lúc trở thành một Kim Các Tự còn đẹp đẽ hơn là trước khi tôi được nhìn tận mắt nữa. Tôi không nói được vẻ đẹp đó nằm ở chỗ nào. Dường như những gì được nuôi dưỡng trong các cơn mộng tưởng của tôi một sớm đã trở thành thực sự và bây giờ lại có thể được dùng làm động lực thôi thúc các cơn mộng tưởng khác nữa.

Bây giờ tôi không còn đeo đuổi cái huyễn ảnh của Kim Các Tự trong phong cảnh và trong các sự vật nữa. Dần dà Kim Các Tự càng ngày càng hiện diện trong tôi một cách sâu xa và vững chắc hơn trước. Mỗi một cây cột, một khung cảnh hoa đầu song, cái mái nhà, con chim phượng hoàng ở trên nóc đều bềnh bồng rõ rệt trước mắt tôi như là tôi có thểâ giơ tay sờ mó chúng được. Phần nhỏ bé nhất của ngôi chùa cũng hòa hợp hoàn toàn với toàn bộ kiến trúc phức tạp của nó. Giống hệt như là nghe một vài nốt nhạc và thấy toàn thể khúc nhạc tuôn trào qua tâm trí: bất kỳ bộ phận nào của Kim Các Tự mà tôi nhặt ra cũng làm cho toàn bộ kiến trúc vang âm trong con người của tôi cả.

“Khi Ba bảo con rằng trên mặt đất này không có gì đẹp bằng Kim Các Tự thì quả thật là đúng.” Đó là lời lẽ trong lá thư đầu tiên tôi viết cho Ba. Sau khi đưa tôi trở lại nhà chú, Ba tức thời trở về chùa của ông trên mỏm đất xa xôi. Và như để trả lời lá thư của tôi, một bức điện tín do má gửi đến báo tin là Ba bị một trận thổ huyết kinh khủng và ông đã lìa đời. 

Hết phần 1

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Linh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]