- Tựa
- Chương 1: Học đạo cần phải sanh lòng tin quyết định
- Chương 2: Học đạo cần phải tin được sanh tử là việc lớn
- Chương 3: Chẳng phạm phép tắc Phật Tổ
- Chương 4: Lòng hổ thẹn
- Chương 5: Chọn Thầy Lựa Bạn
- Chương 6: Tin Nhận Đúng Như Thật
- Chương 7: Học Ngôn Hạnh Người Xưa
- Chương 8: Dụng Tâm Trong Lúc Bệnh
- Chương 9: Phân Biện Tà Chánh
- Chương 10: Học Giải Là Bệnh
- Chương 11: Tu Tập Tọa Thiền
- Chương 12: Kiến Tánh Minh Tâm
- Chương 13: Công Phu Thoại Đầu Làm Chủ Yếu
- Chương 14: Tham Thẳng Tắt Một Đường
- Chương 15: Phương Tiện Tổ Sư Từ Bi Chỉ Dạy
- Chương 16: Con Đường Hướng Thượng
- Chương 17: Lãnh Hội Chỗ Tâm Yếu
- Chương 18: Kiến Địa Cạn Sâu
- Chương 19: Ngộ Bất Tất Hiềm Tri Giải
- Chương 20: Biện Câu Khách Chủ
- Chương 21: Công Phu Thực Tiễn
- Chương 22: Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ
Kho báu nhà Thiền
Chương 13: Công phu thoại đầu làm chủ yếu
Nguồn: Thiền sư Văn Thủ, Dịch giả: Ðịnh Huệ
Hòa thượng Triệu Châu nói:
Huynh đệ chớ đứng lâu, có việc thì thương lượng, bằng không có việc thì hãy hướng về tự kỷ tham cứu mới tốt!
Thiền sư Viên Thông Ðức nói:
Con mắt đạo chưa sáng thì có sự ứng dụng gì? Vô sự cần nhất phải tham cứu!
Thiền sư viên Ngộ nói:
Chỉ cần khiến cho tâm niệm lóng lặng, chỗ lăng xăng loạn động chính là chỗ tốt nhất để hạ thủ công phu.
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Công phu thuần thục thì khua mở cái chốt cửa. Cái gọi là công phu có nghĩa là đem cái tâm suy nghĩ trần lao thế gian quay về đặt trên câu: "Que chùi phân"(1) khiến tình thức chẳng còn sanh khởi, tương tự như pho tượng bằng gỗ, bằng đất. Lúc cảm thấy tối tăm không hiểu, không có cái lỗ mũi để nắm, ấy là tin tức tốt.
Cổ Ðức nói:
Trên Bát nhã không có công phu luống uổng.
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Huynh đệ hạ thủ công phu chẳng cần cử nhân duyên chỉ cần đến chỗ gần gũi mà khán, như Lục Tổ nói với Thượng tọa Huệ Minh: "Ông chỉ cần thiện ác đều chớ nghĩ đến, đương lúc ấy, tất cả chẳng suy nghĩ, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?". Chỉ cần khán như thế.
Ngài Ðại Huệ nói:
Công phu chẳng nên gấp, gấp thì tháo động cũng không nên hưỡn, hưỡn thì hôn trầm.
Thiền sư viên Ngộ nói:
Ông ta tham hoạt cú (2) chẳng tham tử cú, vì dưới hoạt cú tiến được thì muôn kiếp chẳng quên, còn dưới tử cú tiến được thì tự cứu chẳng xong. Nếu muốn cùng Phật Tổ làm thầy thì cần phải biết sử dụng hoạt cú.
Hòa thượng Cao Phong Diệu nói:
Nếu nói là chân thật tham thiền thì cần phải có đủ ba điều quan yếu:
1. Phải có lòng tin lớn lao rõ biết việc này chắc chắn như dựa vào núi Tu Di.
2. Phải có phẫn chí mạnh mẽ như gặp kẻ thù giết cha mình, muốn hạ nó ngay một dao đứt làm hai đoạn.
3. Phải khởi đại nghi tình như ở chỗ tối phải tìm nột vật quý, chính ngay lúc muốn lộ ra mà chưa lộ.
Trong suốt ngày đêm nếu đầy đủ ba điều thiết yếu này thì bảo đảm có ngày thành công, chẳng sợ con ba ba quậy ở trong chum. Nếu thiếu đi một điều thì cũng như cái đảnh gãy đi một chân ắt thành vô dụng.
Ngài Cao Phong nói: "Nghi lấy tin làm thể, ngộ lấy nghi làm dụng. Tin được mười phần thì nghi được mười phần. Nghi được mười phần thì ngộ được mười phần".
Thảo Ðường đứng hầu ngài Hối Ðường. Ngài Hối Ðường nêu ra câu thoại đầu: Gió, phướn(3) hỏi Thảo Ðường.
Thảo Ðường thưa:
- Con hoàn toàn không có chỗ vào.
Hối Ðừơng bảo:
- Ông thấy ở thế gian mèo rình bắt chuột chăng? Hai mắt ngó lom lom không chớp, bốn chân bám chặt xuống đất không động đậy, sáu căn chăm chú, đầu đuôi thẳng băng, sau đó chụp lấy không hụt một con chuột nào. Cũng thế, người tu thiền nếu tâm không phan duyên theo việc khác, ý bặt vọng tưởng, sáu căn vắng lặng, ngồi yên tham cứu thì hoàn toàn thành công.
Thiền sư Ðại Huệ nói:
Tâm sanh tử chưa phá vỡ thì toàn thể là một khối nghi tình. Chỉ cần ở trong cái ổ nghi tình cử lên một câu thoại đầu: "Có vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu: Con chó có Phật tánh hay không? Triệu Châu đáp: Không". Ði đứng ngồi nằm chẳng được gián đoạn, lúc vọng niệm khởi cũng chẳng được đem tâm đè nén mà chỉ cần cử câu thoại đầu này. Nếu lúc tịnh tọa vừa biết có hôn trầm thì lập tức phải chấn chỉnh tinh thần cử câu thoại đầu này chẳng khác nào bà mù thổi lửa chợt lông mày đồng thời bị cháy sạch.
Ngài Ðại Huệ nói:
Lúc gần đây trong chốn tòng lâm pháp tà đua nhau nổi dậy làm mù mắt chúng sanh không kể xiết. Nếu không dùng công án của Cổ Ðức đề khởi cử giác thì cũng như kẻ đui mù quăng tuốt gậy trong tay, một bước cũng không đi được.
Hòa thượng Quy Sơn nói:
Xét cùng tột pháp lý, lấy ngộ làm cực tắc.
Hòa thượng Trung Phong Bổn nói:
Chỉ hướng lên trên câu thoại đầu đang tham, một khi nắm chặt rồi thì cần phải sống đồng sống, chết đồng chết. Thứ nhất là chẳng được cầu phương tiện khác. Thứ hai là chẳng được đổ lỗi cho cảnh duyên. Thứ ba là chẳng được mống khởi một niệm mê tình.
Tham thiền là phải đối địch với sanh tử, chẳng phải nói liễu ngộ bèn xong. Tham thiền phải tỏ đại đạo, sáng nghe chiều chết cũng thỏa lòng. Tham thiền là đẩy cánh cửa lọt vào cối cửa, tối kỵ là hướng ra ngoài tìm cầu. Tham thiền cần phải khởi nghi tình, đại nghi ắt đại ngộ. Tham thiền nạp tử anh linh cử khởi liền biết nơi chốn. Tham thiền là ngộ bản lai diện mục, văn tự ngữ lục khó mà ghi chép nổi. Tham thiền chỉ thẳng tâm người, quý nhất là cần phải tự đảm đương. Tham thiền như đối địch với muôn người, phải chiến đấu đến táng thân mất mạng. Tham thiền như mèo rình bắt chuột không cho chớp mắt. Tham thiền là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải hàng quan tướng có thể làm nổi.
Hòa thượng Trung Phong bài xích người học đạo chỉ chuộng thông suốt trên ngữ ngôn mà không cầu thật ngộ. Ngài thường nói:
Ngày nay, người tham thiền không linh nghiệm, thứ nhất là không có cái chí khí chân thật như người xưa; thứ hai là không lấy sanh tử vô thường làm việc lớn, thứ ba là buông bỏ công phu mình tu tập, trọng vọng, súc tích từ trước tới nay không nổi, lại không đủ sự lâu dài không lui sụt của thân tâm. Rốt cuộc thì bệnh ở chỗ nào? Kỳ thật là vì chẳng biết cội gốc sanh tử.
Hòa thượng Cao Phong nói:
Các huynh đệ mười năm, hai mươi năm cho đến suốt cả cuộc đời mình dứt bặt việc thế tục, quên hết các duyên, chỉ dốc chí cốt để biết rõ việc này mà không thấu thoát được là do bệnh ở chỗ nào? Bổn phận của người xuất gia thử nêu ra xem! Phải chăng từ đời trước không có linh cốt? Phải chăng không gặp Minh sư? Phải chăng một nóng mười lạnh? Phải chăng căn cơ yếu kém, chí khí nhỏ hẹp? Phải chăng là chìm đắm trong trần lao? Phải chăng là trầm không trệ tịch? Phải chăng là tạp độc nhập tâm? Phải chăng là thời tiết chưa đến? Phải chăng là chẳng nghi ngôn cú? Phải chăng là chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng? Nếu luận về bệnh nặng thì hoàn toàn chẳng phải là các bệnh đã kể trên. Ðã chẳng phải như đã nói thì rốt cuộc ở chỗ nào? (Tiếng quát).
Dưới đây đòn tay ba cành, trước cái đơn bảy thước (4).
Thiền sư Phật Giám Cần nói:
Thường thấy các huynh đệ học đạo, có người chẳng cầu liễu ngộ, chỉ chăm vào ngôn thuyết mà muốn thể hội được nhân duyên của cổ nhân, há chẳng phải là cái lầm lớn sao? Cổ nhân chỉ đối bệnh ra toa, tùy cơ cho thuốc nên mới có nhiều đường lối vào cửa như sắn bìm, như ngón tay chỉ mặt trăng, như viên ngói gõ cửa. Ý là nhờ viên ngói gõ để cửa mở, nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, nếu như được cửa mở, thấy trăng rồi, viên ngói, ngón tay dùng làm chi nữa!
Ngài Phật Giám nói:
Tham phải thật tham, ngộ phải thật ngộ. Hãy tham cứu cùng tột đến suốt đáy của giáo lý đi! Chẳng phải ngày này hạ được một chuyển ngữ, ngày mai qua được một tắc nhân duyên. Nhân duyên xưa nay số nhiều như cát trong sông đâu có thôi hết! Rốt cuộc chẳng tỏ ngộ tâm địa thì làm sao liễu thoát sanh tử? Như Tổ Ðạt Ma lúc mới sang đây (Trung Hoa), chưa có nhiều tắc nhân duyên như thế mà tại sao vẫn có người ngộ đạo?...
Lại nói: Xin khuyên các huynh đệ chỉ cần tỏ ngộ tâm địa, chớ lo chẳng hội nhân duyên. Nhân duyên xưa nay đó, chẳng nói là nhất thời chẳng khán, mà chỉ cần khán thấu qua một tắc rồi thì ngàn tắc, muôn tắc đều đồng. Nếu nói hội được một tắc này mà chưa hội được tắc kia thì quyết chắc là chưa đúng vậy.
Ngài Ðại Huệ nói:
Ngàn nghi, muôn nghi chỉ là một nghi. Cái nghi trên câu thoại đầu vỡ thì ngàn nghi, muôn nghi đồng thời vở hết.
Thiền sư Viên Ngộ nói:
Thật không khác chi người chết hết thở, sau đó tỉnh lại mới biết rỗng rang đồng thái hư.
Thiền sư Thoại Lộc Bổn Tiên thượng đường dạy:
Ðại phàm, tham học vị tất học vấn thoại (5) là tham học, vị tất học đại ngữ (6) là tham học, vị tất học biệt ngữ (7) là tham học, vị tất học hiểu kinh điển là tham học, vị tất học hiểu được ngữ ngôn kỳ đạc của Tổ sư là tham học. Nếu tham học như thế thì dẫu cho ông thông đạt được hết đi nữa, nhưng ở trong Phật pháp ông vẫn là người không thấy đến nơi đến chốn, nên gọi là bọn càn huệ. Há chẳng nghe Cổ đức nói: "Thông minh chẳng địch sanh tử, càn huệ đâu khỏi luân hồi" sao?
Các ông nếu muốn tham học thì phải nên chân thật tham học, lúc đi thì đi tham, lúc đứng thì đứng tham, lúc ngồi thì ngồi tham, lúc nằm thì nằm tham, lúc nói thì cũng nói tham, lúc nín thì cũng nín tham, lúc làm tất cả công việc cũng tham. Ðã lúc nào cũng tham được như trên, thử nói xem: Ai tham? Tham cái gì? Ðến đây cần phải có chỗ minh bạch mới được. Nếu chẳng như thế thì bị gọi là bọn hấp tấp vội vàng, ắt không có được cái yếu chỉ tham cứu hoàn tất vậy.
Thiền sư Khai Thiện Khiêm nói:
Thời giờ dễ qua, hãy gấp hạ thủ công phu. Không có công phu gì khác hơn là chỉ cần buông bỏ. Chỉ cần đem những gì sở hữu trên tâm thức nhất thời buông bỏ, đấy là công phu thẳng tắt chân chánh. Nếu có công phu nào khác đều là ngu si, điên cuồng chạy ở bên ngoài vậy.
Tấm bảng treo trước cửa am nài Tổ Tâm, am chủ Hoàng Long, có đề:
Thông báo cùng các người học Thiền, nếu muốn thấu tột đạo này, cần nhất phải tự khán, không ai thay thế cho được. Có lúc hoặc khán được nhân duyên, tự có chút ít hoan hỷ, bèn nhập thất thổ lộ, đợi lời phẩm bình phải trái, cạn sâu; còn như chưa phát minh thì thôi.
Ðạo tự hiện ra trước mắt, khổ sở tìm cầu càng thêm mê muội. Ðây là đạo ly ngôn phải ở nơi chính mình tự nhận, chẳng do người khác mà ngộ, phát minh như thế mới gọi là liễu đạt được căn bản sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay. Nếu thấy được đạo ly ngôn này tức là thấy tất cả thanh sắc, ngữ ngôn thị phi là đạo, chứ không có pháp nào khác. Nếu chẳng thấy đạo ly ngôn, bèn đem sự hiểu biết các nhân duyên sai biệt trước mắt cho là sở đắc thì chỉ e nhận lầm nhân duyên bóng sáng trước mắt của môn đình mà rốt cuộc chỉ là tự dối mình, uổng phí tâm lực.
Phải nên ngày đêm khắc kỷ tinh thành, đi đứng quán sát xem xét kỹ càng, không có dụng tâm gì khác thì lâu ngày tự nhiên có đường vào, đây chẳng phải một mai một chiều mà học thành sự nghiệp. Nếu chẳng tham thấu như thế thì chẳng bằng xem kinh theo đúng thời khóa tu hành cho qua kiếp sống tàn này, cũng còn hơn nói bậy nói bạ sanh tội phỉ báng chánh pháp. Nếu muốn lúc về già dám bảo đảm thành người vô sự, không còn mối hệ lụy nào thì không ngoài việc hiện nay phải nhập thất hai kỳ giữa tháng và cuối tháng để xin thưa hỏi.
CHÚ THÍCH
(1) Có vị Tăng hỏi thiền sư Vân Môn: Phật là gì?
Ngài đáp: Que chùi phân (càn thi quyết)
(2) Thiền sư Ðộng Sơn Thủ Sơ nói:
"Trong lời có lời gọi là tử cú
Trong lời không lời gọi là hoạt cú".
(3) Nhân gió lay lá phướn trước chùa. Có hai ông Tăng tranh luận. Một ông nói phướn động. Ông kia nói gió động. Cãi qua cãi lại không ra lẽ. Lục Tổ đứng gần đó nói: "Không phải phướn động, không phải gió động mà tâm các ông động đấy!". Hai ông Tăng giật mình kinh.
(4) Thiền sàng: Ý ngài bảo hãy ngồi trên thiền sàng nỗ lực tham cứu rồi sẽ tỏ ngộ việc ấy.
(5) Vấn thoại: là câu hỏi thiền sinh đặt ra lúc Hòa thượng thượng đường.
(6) Gián thoại: là lời giản trạch bình luận cổ tắc công án.
(7) Ðại ngữ: có hai loại:
a/ thiền sư đặt vấn đề bảo chúng hạ ngữ, chúng không khế hội, thiền sư thay chúng mà hạ ngữ.
b/ Nêu lên cổ tắc mà cổ nhân không có ngữ, bèn thay cổ nhân mà hạ ngữ.
(8) Biệt ngữ: Cổ tắc có sẵn chuyển ngữ của cổ nhân rồi mà mình hạ một chuyển ngữ khác nữa, gọi là biệt ngữ.