Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3. Tuổi trẻ mộng mơ

21/06/201317:46(Xem: 9064)
Chương 3. Tuổi trẻ mộng mơ

Hòa Thượng và giai nhân

Chương 3. Tuổi trẻ mộng mơ

Hòa Thượng Thích Như Điển

Nguồn: Hòa Thượng Thích Như Điển

Thời gian mới đó mà đã mười mùa đông qua, xuân lại, hạ đến, thu sang. Nơi núi đồi cô tịch nầy chú tiểu Ngộ Đạo ngày nào mới nằm trong nôi trước cửa chùa, mà bây giờ đã trở thành một chú tiểu sa di với vẻ mặt khôi ngô tuấn tú và kiêm luôn cái mã đẹp trai nữa. Nên trông vào ai cũng trầm trồ, chỉ có Sư Cụ Hoà Thượng Từ Tâm lúc nào cũng canh cánh bên lòng là không biết chú nầy có thể đi trọn con đường tu niệm để giải thoát sanh tử luân hồi không. Nếu mà lỡ vướng vào vòng tục luỵ, thì có lẽ chẳng qua do duyên nghiệp mà thôi. Nhưng nếu vậy, thì Ma Vương vẫn còn ngự trị ở thế giới nầy quá nhiều? “Phải chiến thắng chúng để tự cứu lấy mình là phương châm mà Hoà Thượng vẫn thường hay dạy cho chú hằng ngày khi có dịp học luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi và Qui Sơn Cảnh Sách. Thấy chú vẫn dạ dạ vâng vâng, nhưng chẳng biết nghiệp lực của chú như thế nào đây. Sư Cụ thở dài ra chiều đăm chiêu lắm, và lần bước đi về hướng phương trượng đường của mình, để mặc chú ngồi nơi trai đường, đưa mắt hướng về một hướng xa xăm nào đó. Chẳng biết chú nghĩ gì, nhưng có vẻ đăm chiêu lắm, đoạn chú nhảy vọt khỏi ghế vào hậu liêu cởi áo nhật bình, chân trần, đầu không nón, lần dò ra con suối gần chùa. Tuy Sư Cụ không la rầy quở trách gì vì trong giờ Ngọ không lo chỉ tịnh mà còn lang thang ra bờ suối để làm gì. Nhưng Sư Cụ muốn quan sát hành vi của chú, chú cởi trần tắm gội hồn nhiên trong lứa tuổi ấu thơ của chú, tuy không có cha mẹ chăm sóc kỹ càng nhưng hai vị Tịnh Hạnh Nhân ở chùa và nhất là Sư Cụ thương chú còn hơn cháu ruột của mình; nên có bao nhiêu tâm huyết đều dồn hết cho chú trong mọi phương diện của mình. Vì vậy chú rất hãnh diện với bạn bè. Giờ đây chương trình tu học của chú nghiêm khắc hơn. Mỗi sáng dậy sớm để hô chung, thay vì nằm nghe chuông thay lời mẹ ru như khi chú mới vào chùa nữa và bây giờ chú phải học thuộc lòng và tự gióng chuông lấy. Sau đó chấp tác, quét dọn vườn chùa hoặc tưới cây. Tiếp theo là dùng sáng và xuống núi vào làng để đi học chữ Hán với một ông Thầy đồ. Sau khi ở trường về, chú dùng cơm trong yên lặng tĩnh thức và chỉ giấc trưa như hôm nay sau giờ cơm là tương đối rãnh rang, nên chú mới xuống suối. Chứ bình thường chú nghỉ trưa và để sửa soạn chuẩn bị cho bài vở buổi chiều học chữ Hán, các kinh điển căn bản và các quyển Luật với Sư Cụ. Công phu chiều đã có các vị Tịnh Hạnh Nhân lo rồi. Sau khi dùng tối, chú lại thỉnh chuông nữa và sau đó ôn bài, đi ngủ.
Công việc chỉ chừng ấy thôi nhưng ngày nào cũng như ngày ấy chẳng có gì thay đổi, nên hôm nay chú muốn cách mạng một chút là đi tắm dưới suối nơi mà hai nho sinh Ngọc Minh và Vạn Tâm đã có lần vãng cảnh ngồi nơi đây. Chú bây giờ biết bơi rồi và còn có thể lặn sâu xuống suối nữa. Ở dưới đó những chú cá thật tinh nghịch đang tung tăng với đàn, chú vớ được một con tương đối lớn, đoạn chú lấy một dây nhợ buộc vào bụng cá và đầu bên kia buộc vào một hòn sỏi tương đối lớn, sau đó thả cá xuống dòng suối và chú bật cười lớn lên khi thấy cá kia không tự làm chủ được nữa. Sư phụ Từ Tâm đứng bên bờ suối ẩn mình trong thân cây để cho chú đừng thấy và quan sát những hành vi của chú, Sư Cụ nhắm mắt lại và niệm Nam mô A Di Đà Phật. Thật tội lỗi, thật là tội lỗi cho một tiểu Sa Di như thế! Giới đầu vẫn là giới cấm không được sát sanh. Mô Phật có lẽ hành động thuộc về tánh chứ không phải tướng. Vì là tánh không ai bày mà cũng biết. Nếu là tướng phải có người bày mới làm được. Sư Cụ nghĩ về cuộc đời về nghiệp sát về chủng tử vô minh của con người, đoạn than dài, tuy hơi lớn nhưng chú Ngộ Đạo không nghe được vì tiếng suối chảy lớn hơn làm át tiếng Sư Cụ. Thật là đường tu chẳng dễ, đứa bé ấy từ nhỏ đến giờ đâu có ai bày việc nầy đâu, mà bé vẫn có thể làm được chuyện ta chưa bao giờ dạy ấy. Tiếp đó, chú tìm đến một hang ếch và cũng làm những động tác như vậy, khiến ếch không nhúc nhích nổi. Còn chú thì chú cười thật khoái với lứa tuổi hồn nhiên, với những “chiến công“ nho nhỏ vừa thành tựu. Chú rất vui và lên bờ mặc quần áo khô, thế rồi chú nghe đâu đó có hai chú dế đang gầm gừ gáy to, tiếng như có ý sắp song kích với nhau, chú áp sát tai mình xuống để nghe động tĩnh như thế nào, sau khi đoán đúng mục đích, chú chỉ có cách ly gián một trong hai con vào bẫy và tìm cách ngắt râu con dế mèn ấy. Sư Cụ đứng xa xa nhìn mà cảm thấy đau lòng; nhưng Ngài vẫn không nói gì. Ngài chỉ cố quan sát để thấy được những tội lỗi do căn tánh từ bao đời huân tập, hẳn rồi Ngài sẽ dạy sau. Vì Ngài không thiếu gì phương pháp để dạy luyện tâm và luyện thân.
Chú càng leo cao lên mé núi càng thấy nhiều hang rắn, và thế là chú bắt đầu xoăn tay áo lên để ra tay nghĩa hiệp. Lần nầy vì con rắn lớn và mạnh nên chú đã tìm dây nhợ dài hơn và hòn sỏi lớn hơn để cho rắn khỏi vẫy vùng. Sau khi cột chặt rắn và thả ra, rắn vẫn cứ tìm cách bò và vùng vẫy ra khỏi nơi bị trói buộc ấy. Đó là lối tự vệ duy nhất trong lúc nầy, chứ chẳng còn cách nào hơn nữa. Càng vẫy vùng lại càng dính vào dây nhợ và cuối cùng con rắn ấy nằm bất động một hồi lâu để thở và tìm cách khác để uốn mình.
Đêm đó, chú về ngủ tại liêu tây của chùa và Sư Cụ vẫn ở phương trượng đường. Đêm nay Ngài không ngủ, mắt Ngài chẳng nhắm lại được vì những việc làm của tiểu Ngộ Đạo ngày hôm nay dưới suối gần chùa. Nên Sư Cụ trồi dậy hé nhẹ cánh cửa và tìm hai hòn đá khá to và sợi dây thừng, đoạn nhẹ bước đi về hướng liêu phía tây nhẹ tay đẩy cửa bước vào. Thấy chú tiểu vẫn ngủ say như cuộc đời của chú đang hiện thực, Sư Cụ cố càng nhẹ tay càng tốt, lòn tay xuống phía dưới mình chú để cột sợi dây vào và hai đầu dây là hai hòn đá lớn. Sư Cụ bước ra khỏi cửa sau khi đã biết chắc rằng những hòn đá ấy đã bám chặt vào lưng của chú. Khi trở mình cảm thấy có cái gì đó hơi lạ nằm trên lưng, nên chú hốt hoảng trồi dậy, nhưng trễ lắm rồi, vì hai hòn đá to tướng và một sơi dây thừng đã cột lên mình chú. Chú tự biết đây là hình phạt không lời của Sư Cụ đã dạy cho chú vào tối hôm ấy. Chú cố gắng lục lọi mối dây để cởi trói nhưng vô ích. Do vậy chú mang cả hai hòn đá trên lưng và bước ra sau Tổ Đường để sám hối. Vừa mếu máo vừa nước mắt lưng tròng chú thỏ thẻ:
- Con có muốn như thế đâu,
- Nhưng ai làm cho con cá con ếch con dế phải chịu sự trói thân?
- Con đã hiểu rồi và bây giờ con ra suối để tìm cách mở chúng ra, để trả chúng về vị trí cũ.
- Có trễ lắm không? Nhưng trước khi đi hãy đọc bài kinh sám hối đã.
- Mô Phật con xin vâng:
Đệ Tử kính lạy
Đức Phật Thích Ca
Phật A Di Đà
Mười Phương Chư Phật
Vô lượng Phật Pháp
Cùng Thánh Hiền Tăng
Đệ Tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp chướng nặng nề
Tham giận kiêu căng
Si mê lầm lạc
Ngày nay nhờ Phật
Biết sự lỗi lầm
Thành tâm sám hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành
Ngữa trông ơn Phật
Từ bi gia hộ
Thân không tật bệnh
Tâm không phiền não
Hằng ngày an vui tu tập
Pháp Phật nhiệm mầu
Để mau ra khỏi luân hồi
Minh tâm kiến tánh
Trí huệ sáng suốt
Thần thông tự tại
Đặng cứu độ các bậc tôn trưởng
Cha mẹ anh em.
Thân bằng quyến thuộc
Cùng tất cả chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo
- Giỏi lắm! Bây giờ thì con biết con đã làm gì rồi phải không.
- Mô Phật.
Chú vừa cởi trói cho con cá, chú vừa đọc
Chúng sanh không số lượng,
Thề nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận,
Thề nguyện đều dứt sạch
Tiếc thay, sau khi mở dây buộc đá cho cá, thì cá đã chết tự bao giờ, chú hối hận lắm, bậc tiếng nất và khóc to như chưa bao giờ được khóc như thế. Những lúc như vậy, Sư Cụ Hoà Thượng cũng có mặt. Ngài đứng trên đồi cao nhìn xuống suối, xem những hành động hối lỗi của chú bé 10 tuổi, với một nét mặt rất từ bi. Đoạn chú đi tìm con ếch, đặng cởi trói cho nó. Sau khi mở dây ra, ếch vẫn còn bơi được. Chú hoàng hồn và miệng mĩm một nụ cười như có Bồ Tát Quan Âm từ đâu đó đã đến cứu mạng cho con ếch và đồng thời cũng giống như cứu cho chính chú, vì mình đã tự tạo lỗi lầm ấy qua sự tinh nghịch của tuổi thơ. Nhờ đây chú đang học được một bài học lỗi lầm, thật đích đáng là nhân nào quả nấy. Chú lầm bầm trong miệng rằng: Cũng chính vì thế mà ta bị sư ông buộc hai hòn đá rất nặng, phải mang trên lưng đây. Không biết ta có phải mang đi trong hết suốt kiếp luân hồi, hay ta chỉ mang nó trong một đoạn đường sanh tử mà thôi.
Đoạn chú rảo bước lên đồi với những bước đi thật gượng gạo. Vì lẽ trên lưng chú bây giờ hai hòn đá dường như nặng hơn lúc đi xuống dưới suối kia. Tuy chú chưa biết so sánh với tuổi hồn nhiên mới lớn ấy; nhưng chắc chắn một điều là đi lên khó hơn là đi xuống. Vì vậy ai ai cũng phải cầu đi lên, chứ ai nguyện đi xuống đâu. Có lẽ chỉ trừ những vị Bồ Tát muốn cứu độ, thì chắc chắn một điều đối với các Ngài ở đây cũng vậy thôi. Vì trong các Ngài chẳng có người độ và cũng chẳng có người được độ. Còn ta, ta vẫn là chú bé của chùa nầy, chẳng có ý nghĩa gì so với một đại nguyện to lớn, với các Bồ Tát cả. Thôi ta hãy ráng lên chứ kẻo con dế mèn không còn cơ hội để sống nữa. Khi chú đến bên miệng hang của dế thì thấy hình ảnh thật tang thương một con đã dãy ra chết cứng và con khác thì đang kêu gào. Có lẽ nó thuộc một gia đình chăng là chồng hay vợ? Sao ta nỡ đoạn lìa cuộc sống yêu thương của nó như thế và không biết bây giờ con của nó dưới hang sẽ ra sao. Ừ mà số phận ta cũng thế, có mẹ cha mà cũng bạc phước như những con dế này, may mà ta có sư ông bên cạnh, nếu không thì …..
Dòng suy tư của chú bị đứt quãng và chú cứ thế cắm đầu đi lên chỗ con rắn, bị chú bắt cột vào bụng khi nãy. Bây giờ chỉ còn một đống máu và một mớ rắn con. Chú chẳng biết làm sao vì tay chú gián tiếp đã vấy máu của chúng sanh. Chú mang mấy con rắn con về chùa để cầu siêu và lấy mấy hòn đá bên sườn đồi dựng bia tưởng niệm chúng và thầm đọc bài chú vãng sanh.
“Nam mô A Di Đa Bà Dạ, Đa Tha Già Đa Dạ, Đa Địa Dạ Tha, A Di Rị Đô Bà Tỳ, A Di Rị Đa Tất Đam Bà Tỳ, A Di Rị Đa Tỳ Ca Lan Đế, A Di Rị Đa Tỳ Ca Lan Đa, Già Di Nị Già Già Na, Chỉ Đa Ca Lệ Ta Bà Ha.”
Chú đọc say sưa không dừng nghỉ, nhiều lần như thế, chẳng biết những con rắn ấy có siêu không thì chưa biết, nhưng tâm chú thấy nhẹ hẳn đi phần nào, giống như trên mình chú đã trút nặng được ngàn cân, mặc dầu hai cục đá vẫn còn trĩu nặng trên vai của chú.
Lững thững vào đến trước cửa chánh điện. Ngay lúc ấy Sư Cụ Từ Tâm cũng đã bước theo sau và nhẹ nhàng đặt tay lên vai chú
- Con thấy những hành động sai trái thiếu suy nghĩ của con chăng?
- Bạch sư ông! Con đã hối hận lắm rồi
- Bây giờ con sẽ tính sao đây?
- Mỗi đêm con sẽ sám hối để tội lỗi được tiêu trừ.
- Con có biết rằng khi vật dơ thì cần gì để rửa không?
- Mô Phật, bạch sư ông lấy nước để rửa
- Còn khi tâm dơ?
- Dạ …..Dạ ……Dạ……
- Chắc không lấy nước rửa được phải không?
- Mô Phật, đúng thế.
- Người tu hành vốn biết do sanh tử phiền não triền phược trong nhiều đời nhiều kiếp, do nghiệp lực mà thành thân nầy. Nay có thân nầy mà không biết tu thân, còn mang thêm nghiệp sát nữa, thì quả là uổng công cha mẹ sanh thành, và uổng cơm của tín thí đàn na, con hiểu chưa?
- Mô Phật con xin vâng.
Sư Cụ Từ Tâm sau khi giảng cho chú tiểu Ngộ Đạo bài học căn bản về giới sát xong, thì lúc ấy chú cũng đã quỵ xuống trên sàn chùa lúc nào không hay biết. Sư Cụ nhẹ nhàng lấy hai cục đá sau lưng đi và để vào một chỗ kín làm dấu ấn ghi lại ngày nầy năm xưa chú đã một lần hối cải như thế.
Một hôm Sư Cụ đang ngồi suy niệm về thế giới nầy, về sự cấu thành cũng như giả hợp của nó qua lời dạy của Phật trong luận A Tỳ Đàm về sự thành lập nên thế giới nầy. Đầu tiên là do gió chuyển động rồi lay chuyển nước. Nước bị thổi lâu ngày biến thành đất và lửa sẽ xuất hiện. Cứ như thế mà một thế giới được thành lập, rồi hai thế giới, ba thế giới. Cho đến tam thiên đại thiên thế giới, rồi đến thế giới thành tựu có nhiều mặt trời, sức nóng ức chế thế gian, nên chẳng có sinh vật nào sống nổi. Chỉ khi nào, thế giới ấy còn một mặt trời, chúng sanh nơi đó mới có thể tồn tại. Thế giới thịnh hành trong một thời gian dài. Vì con người còn có tu bát quan trai giới, còn tu theo thập thiện nghiệp đạo. Cứ như thế con người hưởng phước do chư thiên và thiện thần hổ trợ. Nhưng rồi con người vẫn không chừa những tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu v.v…, nên tứ thiên vương cũng như vua Thích Đề Hoàn, không hổ trợ nữa. Ngược lại các ác quỷ xuất hiện trên thế gian nầy lại nhiều. Rồi một hôm, nơi chúng ta đang ở sẽ lần lượt xảy ra các việc tiểu tam tai, rồi đại tam tai. Cuối cùng là hoại diệt tan rã. Cứ như thế và như thế lập đi lập lại nhiều lần. Biết bao giờ mới thoát hết kiếp tử sinh.
Khi con người bị tật bệnh hoành hành, có nhiều người bị chết, súc vật cũng chết, không có thuốc gì chữa khỏi. Sau đó đói khát triền miên, xảy ra trên nhiều châu lục. Rồi chiến tranh khiến giết chết, giành giật với nhau để tranh sự sống về cho mình. Đây gọi là thời kỳ đầu của tiểu tam tai. Kế tiếp là đại tam tai sẽ đến gồm nước sẽ dâng cao lên, cả hàng trăm ngàn thước, cuốn trôi hết tất cả nhà cửa của cải con người và súc vật. Rồi gió sẽ thổi mạnh để làm cho thế giới nầy huỷ hoại. Giai đoạn sau cùng là lửa trong lòng đất sẽ phun ra đốt cháy hết mọi loài. Trong ấy may mắn thay còn sót lại độ chừng 10 ngàn người và trong ấy có một người biết tu học làm phước bố thí. Tu thập thiện lần lượt kêu gọi mọi người cùng tu tập với nhau. Lúc ấy các thiện thần cảm động nên đã giúp đỡ họ và thế giới nầy và những thế giới khác an ổn hơn. Người người có thể vào rừng hái rau, hái củi đem về dùng trong nhà, gạo lúa từ từ sẽ mọc, mọi sinh vật sẽ sinh sôi nảy nở như xưa.
Càng suy nghĩ Sư Cụ càng hiểu rõ sự biến dịch của cuộc đời và tạo hoá. Do vậy mà chính bản thân Ngài cũng muốn rằng sau khi lâm chung quyết niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc chứ không ở lại cõi Ta Bà. Có nghĩa là chịu đựng, kham nhẫn nhiều hơn nữa, như nơi nầy. Vì nỗi khổ của chúng sanh đâu có giới hạn. Lúc nhỏ mới sinh ra, từ lòng mẹ dù vô tình hay cố ý đã gây ra quá nhiều tội lỗi rồi. Mô Phật! Đúng là pháp Phật nhiệm mầu!
Đoạn Ngài ngồi yên niệm Phật. Mắt Ngài khép kín lại như không còn muốn nhìn thấy mọi sự vật trong đời nầy nữa. Nhưng quá khứ lại hiện về trong tâm tưởng của Ngài. Sự dèm pha dầu đúng hay sai gì rồi cũng đến tai vua, khiến cho sự kiện ấy phải đem ra giải quyết trước các quan văn, võ của triều đình. Câu chuyện ấy dài dòng lắm; nhưng tóm gọn đại ý được diễn tiến như sau:
“Trong làng nọ có một gia đình giàu cự phách và giàu nứt vách đổ tường. Phú ông là một người tốt tướng lẫn tốt bụng. Cưới được cô vợ đầu cũng rất tâm đầu ý hợp; nhưng chẳng may bà này vắn số và ra đi sớm, để lại cho ông một cậu con trai mới vừa chập chững biết đi. Cảnh gà trống nuôi con ấy cũng khó xử. Nên nhiều người trong gia tộc bàn với phú ông là sau khi đại tang trong ba năm xong, thì nên tục huyền để bà vợ kế đảm đang gia nghiệp. Nếu không thì chẳng có ai lo cho ông khi trái gió trở trời. Nghe riết rồi cũng nhàm tai, bởi vì ông nghĩ rằng: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” Đó là vấn đề mà bao nhiêu đời nay đã xảy ra trên quả địa cầu nầy rồi; nên ông muốn dành riêng cái tình thương ấy và cái gia nghiệp nầy cho con trai đầu lòng mà thôi. Nhưng khổ nỗi ruộng đất cò bay thẳng cánh, đám tá điền chẳng ai coi. Rồi nào gia sản, trâu bò, lúa thóc và kẻ ăn người ở v.v…, cuối cùng thì ông đã lấy vợ kế. Vì nhiều lời bàn ra tán vào hữu lý và chính ông cũng thấy được điều ấy nữa.
Một cô gái trung niên, vóc dáng mặn mà chưa lập gia đình đã được cưới hỏi đàng hoàng để về làm vợ kế phú ông. Thời gian trải qua không bao lâu, cô vợ bé nở nhụy khai hoa và tặng cho ông cũng như gia đình vốn hẩm hiu thiếu tiếng khóc trẻ thơ lâu nay, một bé trai bụ bẫm, ai nhìn thấy cũng phải mừng thầm.
Cả hai bé càng ngày càng lớn và càng đảm đang gia nghiệp của cha mình. Chúng chơi chung với nhau rất thân thiện và không hề có ý nghĩ là “con trước, con sau” mà chúng chỉ nghĩ đơn thuần chúng là hai đứa trẻ được sinh ra trong nhà nầy, nhưng một đứa được kêu người đàn bà kia là dì, một đứa kêu là mẹ, còn cha thì chúng gọi chung không phân biệt gì cả. Tuổi thơ chúng rất hồn nhiên chẳng hiểu gì, nhưng cảm thấy có cái gì đó không ổn nơi người lớn, khi có chén bát khua động giữa cha và dì, không hài lòng nhau về một vấn đề gì đó.
Dĩ nhiên là mối tình riêng của ông đã dành cho người vợ trước rất mặn nồng, dù cho bà nầy đã mất cách đây hơn mấy năm rồi và tình thương ấy cũng đã dành đặc biệt cho cậu con đầu qua những biểu hiện cử chỉ thường ngày. Khi người vợ lẽ thấy vậy thì chẳng bằng lòng và có tiếng bấc, tiếng chì trách ông, nhưng ông chỉ làm thinh vì không muốn có sự đụng chạm không cần thiết ấy. Nhưng tức nước thì vỡ bờ, đó là gần như luật định vô hình lâu nay của nhân thế, nên một hôm bà nhỏ mới đề nghị rằng nên gửi cậu cả đi học xa, còn công việc nhà có bà và cậu con lo liệu cũng không có gì trở ngại. Mới đầu ông hơi lo và cậu thứ cũng không muốn anh mình đi xa nên cứ cản mẹ mình.
Cuối cùng rồi phú ông cũng phải cho cậu đi học xa, vì lịnh bà tuy thời Nho giáo không thịnh hành, nó không mạnh mấy, nhưng trong bóng tối và trong gia đình người đàn bà, nhất là đàn bà đẹp mà người đó lại là người vợ mình nữa thì người chồng dễ xiêu lòng lắm. Đó là chuyện tự nhiên thôi. Chẳng ai trách cứ làm gì. Hơi đâu mà còn lo chuyện hàng xóm láng giềng
Giang sơn bây giờ vào một tay bà. Thế là bà thao túng và buộc ông chồng phải làm giấy di chúc tất cả tài sản cho người con của bà. Phú ông vẫn làm thinh chẳng nói gì và trong khi đó đã âm thầm làm di chúc cho con trai cả của mình và đứa con thứ chỉ được một phần nhỏ thôi. Bà nói gì ông cũng chịu đựng, không phân bua, không trách móc và cũng không thổ lộ chuyện chia tài sản bên trên. Nhưng một hôm ông đi vắng, bà lục lạo tìm được di chúc nầy và bà tìm cách sửa tên con trưởng thành con thứ. Vì cùng họ thì tên chỉ sửa một nét là xong. Âm mưu ấy bà đã thành công và bà mừng thầm là mọi việc sẽ xảy ra như bà sắp đặt
Sau khi phú ông qua đời bà chắc mẫm là con của mình sẽ thừa hưởng cái tài sản kếch sù đó, nhưng khi đem gia phả và tờ di chúc ra trình cho gia tộc hai bên họ hàng xem thì một chuyện không may xảy đến. Đó là do con gián vô tình nào đó gặm nhấm nét bút sửa cái tên con trưởng thành con thứ, bây giờ tên ấy vẫn là Lê Văn Nam chứ không phải là Lê Văn Dũng nữa. Vì cái nét thêm vào bên trên đã mất đi rồi. Thế là bà té xỉu
Chuyện đã lở rồi cũng phải đem đến cửa quan phân xử để ra lẽ công bằng. Nhưng bây giờ thì nhân chứng không còn. Vả lại ai hơi đâu mà đi tìm cho được con dán để chống án lại với bà ta. Hoặc giả cả hai người con, họ cũng chẳng màng gì cái gia tài nầy. Tuy bà nói để gia tài ấy cho con bà, nhưng thật ra đó là một cách nói để cho bà dễ chuyên quyền về sau thôi.
Lúc ấy Sư Cụ làm quan văn và chứng kiến cuộc xử ấy. Sư Cụ cảm thấy có nhiều điều đáng hổ phận làm người. Nghĩa là lòng tham của con người không có giới hạn. Hết rắp tâm đày con trưởng đi xa, lại lập tâm thâu tóm tài sản bằng cách sửa lại gia phả. Còn con dán ấy có phải thiên sứ không? Biết đâu trong cái vô hình vẫn còn linh hồn của người xưa đâu đó về giúp cho việc chính và cảnh cáo người có tâm tà vậy. Vì vậy cho nên người xưa thường nói “trời cao có mắt” là vậy. Như tình thương là cái gì khó nói được bằng lời, nhưng nó đã đan kết tình huynh đệ với nhau, mặc dù họ có chung và riêng của hai dòng máu. Có lẽ kiếp trước họ là những người có nguyện lực nên mới sanh vào trong nhà nầy để cảnh tỉnh người mẹ và người dì tham lam ích kỷ ấy. Sư Cụ quý là quý cái tinh thần ấy. Cả hai đã chẳng màng lợi danh phú quý. Một người thì mai danh ẩn tích, một người xuất gia đầu Phật. Còn bà mẹ tuy nhận được cái gia tài đồ sộ ấy nhưng cũng chẳng biết để làm gì. Cuối cùng rồi của đất trời cũng phải trả lại cho thiên nhiên vũ trụ mà thôi.
Đang suy nghĩ về cuộc đời miên man như thế thì bỗng đâu đằng sau có tiếng cất cao
- Nam mô A Di Đà Phật, chúng con kính chào Sư Cụ
- Các cậu hôm nay không đến trường sao?
- Chúng con đã được nghỉ hè và có thời giờ lên đây để viếng lại Hưng Phước Tự và bạn con đây Ngọc Minh muốn bạch Ngài một việc
- Thôi chúng ta hãy vào Tổ Đường dễ nói chuyện hơn
Chàng thư sinh thật điển trai, trông nét mặt thật khôi ngô tuấn tú ấy sau khi đảnh lễ Tổ và Sư Cụ một lạy, lại quỳ xuống để bộc bạch thưa:
- Kính lạy Ngài con là nho sinh Ngọc Minh từ chỗ vô tình đến cửa Phật hôm nọ, mà bây giờ chẳng biết nhân duyên gì khiến con cứ muốn xuất gia đầu Phật để giúp mình và cứu đời ra khỏi chốn tử sanh. Ngoài ra con cũng tìm đọc sách Phật trong thời gian gần đây rất nhiều, nên đã hiểu rõ luật vô thường của nhân thế. Kính mong Ngài mở rộng lòng từ mà tế độ cho tiểu sinh nầy xuất gia đầu Phật
- Mô Phật cửa thiền là cửa từ bi. Nhưng muốn trở thành người xuất gia phải cần thử thách một thời gian ít nhất từ ba tháng đến sáu tháng, để tự hỏi lại lòng mình thử có thật sự vì lý tưởng mà đi tu, hay vì một chuyện nhất thời nào đó mà đường công danh không lo cho trọn vẹn, trốn cha mẹ để vào chùa tu niệm là một việc không nên. Xưa nay đã có lắm người làm, nhưng cuối cùng rồi chẳng đâu vào đâu cả. Ta mong rằng con hãy hiểu rõ điều nầy.
Ngọc Minh mừng quá dập đầu lạy tạ ba lạy rồi thưa:
- Theo con nghĩ! Nếu con được Sư Cụ từ bi tế độ cho xuất gia đầu Phật thì còn gì cao quý hơn nữa. Con sẽ thực hiện những điều mà Sư Cụ chỉ dạy.
Vạn Tâm thui thủi ra về, vì bạn hiền bây giờ đã “lánh chốn hồng trần rồi” nên từ đây trở đi, nơi chốn trường thi hay ở chốn quan trường đâu còn ai để mà tâm sự nữa. Trong khi Vạn Tâm buồn thì Ngọc Minh vui, vì Minh đã thực hiện được nguyện ước của mình.
Chú tiểu Ngộ Đạo bây giờ có thêm người bạn đồng liêu mới hơn chú cả 10 tuổi thì cũng rất vui. Vì lâu nay chẳng có ai cùng trang lứa để cùng chơi; hoặc có những người lớn hơn ít tuổi để chỉ vẽ chuyện trò, cũng chỉ vì không có người cùng chơi, nên Ngộ Đạo đã chơi những trò chơi tuổi thơ trong vô thức và đã bị Sư Cụ phạt cho một hình phạt nên thân. Đeo đá tuy không nặng lắm! Nhưng đeo nghiệp vào người mới là điều quan trọng. Đang mừng vui vì có bạn mới, thì được nghe tiếng ngâm thơ thật già dặn và vừa có hồn văng vẳng xa xa từ trên phương trượng đường vang dội đến
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao,
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa,
Thiện căn vốn tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Lời quê góp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh,
.......
Chữ Canh ở cuối câu sao mà nói thấm thía cho tình huống nầy của Ngọc Minh lắm thế. Xong đâu đấy họ một trẻ, một thanh niên chụm đầu lại với nhau hỏi chuyện:
- Chú Ngộ Đạo ơi! Chú ở đây lâu chưa?
- Huynh biết đó, từ khi lọt khỏi lòng mẹ là Ngộ Đạo nầy đã được ở chùa rồi.
- Trong chùa lâu nay, chú học cái gì vậy?
- Thì hai thời công phu sáng và công phu chiều. Tất cả bằng chữ Hán hết, nhưng đọc âm tiếng Việt, mà huynh chắc là đọc nhanh hơn đệ, vì huynh là một nho sinh học chữ Hán từ thuở nhỏ mà, ở đây Sư Cụ dậy sớm lắm, mình phải lo pha trà cho Sư Cụ. Sau đó dộng đại hồng chung, rồi ngồi thiền, rồi công phu. Mới đầu không quen buồn ngủ lắm, nhưng bây giờ thì đệ quen rồi. Buổi trưa cúng ngọ, buổi chiều đi công phu chiều và niệm Phật, gióng chuông u minh. Tối đi tịnh độ thì đã có các vị Tịnh Hạnh Nhân rồi. Ngoài ra, còn học nhiều lắm.
- Học cái gì vậy? Ngộ Tánh hỏi Ngộ Đạo như vậy.
- Sư Cụ đặt cho huynh cái pháp danh hay quá xá. Tánh đã ngộ mà còn là Ngọc Minh nữa thì chắc rằng không mấy chốc, tánh ấy sẽ sáng ngời như ngọc ấy
- Ai biết đâu, chắc Sư Cụ nhìn người mà đặt tên chăng?
- Có lẽ vậy, nhưng công chuyện của huynh ngoài học thuộc lòng hai thời công phu ra, sau đó mới được xuất gia, rồi học bốn quyển Luật. Gồm Tỳ Ni tức những câu chú ngắn, để ứng dụng trong những oai nghi như đi đứng nằm ngồi trong chùa hằng ngày. Rồi Qui Sơn Cảnh Sách, đây là những bài cảnh tĩnh của Tổ Qui Sơn hay lắm. Ngoài ra, còn học 24 oai nghi ở chùa cũng như 10 giới của tăng sĩ mới vào chùa nữa. Huynh đừng lo ở đây không có gì để học. Thế còn huynh học cái gì ở trường vậy?
- Ôi thôi đủ thứ! Mới đầu học “Tam Thiên Tự” tức là ba ngàn chữ Hán. Ví dụ như thiên là trời, địa là đất; cử là cất, tồn là còn, tử là con, tôn là cháu, lục là sáu, tam là ba; gia là nhà; quốc là nước; tiền là trước; hậu là sau; ngưu là trâu; mã là ngựa: v.v…còn dài lắm đến 3000 chữ kia, tất cả phải học thuộc lòng. Lớn lên học “Tứ Thư Ngũ Kinh” của Khổng Tử và các học trò của ông, rồi mới chuẩn bị bài vở mới đi thi.
- Thế huynh thi có đậu không?
- Dĩ nhiên là đậu.
- Nhưng sao không ra làm quan cho nó oai mà đi tu chi vậy?
- Anh có lý do của anh chứ, vì cảm mùi Thiền, cũng như em vậy. Tại sao em phải tu?
- Dĩ nhiên là do nhân duyên thôi.
Hai người dường như tâm đắc lắm, cứ khi nào có thời giờ rãnh là họ hàn huyên tâm sự với nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Sư Cụ Từ Tâm có một cái nhìn thật cảm thông. Vì từ nhỏ đến giờ, chú tiểu Ngộ Đạo đâu có ai làm bạn để nói chuyện. Chỉ biết vâng lời những người trên mà thôi, còn bây giờ thì đã có người tâm đắc nên Sư Cụ cũng mừng, mặc dầu tuổi của họ chênh lệch với nhau nhiều lắm. Cũng có lúc chú Ngộ Đạo hỏi những chữ Hán khó nơi chú Ngộ Tánh, nhưng đa phần là chú Ngộ Tánh phải hỏi chú Ngộ Đạo. Vì lẽ những chuyện trong chùa đối với chú vẫn còn mới mẻ quá. Một hôm Ngộ Tánh hỏi Ngộ Đạo rằng:
- Thế đệ ở chùa lâu vậy, có khi nào được khen và bị phạt không?
- Khen cũng có, nhưng thỉnh thoảng thôi, còn bị phạt hơi nhiều đó.
- Tại sao vậy?
- Thì tại làm sai. Nhẹ thì quỳ hương, còn nặng như hình phạt vừa rồi phải mang đá đó.
- Nhưng tại sao phải mang?
- Vì tạo nghiệp sát sanh.
- Vậy là gì?
- Đó là mấy con cá và mấy con ếch, dế cũng như rắn.
- Sao đệ gan vậy. Những con ấy đâu có làm hại gì mình, mà đệ làm thế?
- Thì là chơi cho vui mà.
- Sư Cụ phạt như thế nào?
- Bắt mang hai hòn đá sau lưng, như những con vật kia bị đệ buộc vào lưng vậy.
- Có nặng lắm không?
- Dĩ nhiên là nặng. Nhưng đó cũng là bài học cho em suốt cả một cuộc đời.
- Đó cũng là một lẽ, nhưng theo huynh nghĩ chắc Sư Cụ Hoà Thượng muốn cho em trở thành người lỗi lạc về sau nầy đó.
- Lỗi lạc?
- Đúng vậy
- Tại sao lại lỗi lạc?
- Em không biết sao. Một chữ Thạch là một hòn đá, hai chữ Thạch chẳng có nghĩa gì, nhưng ba chữ Thạch viết chung với nhau sẽ thành chữ Lỗi, ý nói là nhiều đá hay là nặng nhọc mà ba cục mới vậy, còn đệ đây mới mang có hai cục, chắc còn phải mang thêm một cục nữa quá. Lúc ấy thì sẽ nổi tiếng lắm. Còn chữ lạc có nghĩa là rơi xuống. Ví dụ như hoa lạc, lạc vận v.v..., mà lạc có nghĩa là đánh mất đi. Nếu đánh mất đá thì được, đánh mất bản tâm của mình thì nguy quá.
- À đúng rồi, có lẽ vì đi lạc vào suối nên đệ mới bắt được cá.
- Đó là chủ ý chứ lạc gì?
- Dĩ nhiên là đệ chủ ý, nhưng bị đi xuống nên gọi là lạc, chắc lạc đường cũng chữ ấy phải không huynh?
- Chữ Hán nhiều nghĩa lắm; để huynh sẽ giải thích cho đệ sau.
Một hôm Sư Cụ kêu hai chú vào để dạy cho học và nói qua một số công chuyện hằng ngày trong chùa, các chú phải làm và tiện thể bảo chú Ngộ Đạo mang vào một thau nước, Sư Cụ rửa mặt và nhúng tay vào đó rửa xong. Đoạn bảo Ngộ Đạo rằng:
- Nước nầy còn dùng được không?
- Bạch Ngài không ạ!
- Vì sao thế?
- Vì đã bẩn rồi
- Ừ, tâm con người cũng thế. Nếu không biết cách giữ gìn cũng sẽ giống như một chậu nước dơ nầy mà thôi. Nếu không biết tự chủ không biết sửa mình, thì dẫu cho ở gần Phật gần Tổ cũng chẳng có ích lợi gì. Thế nên con hãy đem thau nước đó đổ đi.
- Mô Phật, Vâng!
- Nước đổ rồi có còn hốt lại được chăng?
- Mô Phật không
- Đúng thế! Sự lỗi lầm của thế nhân cũng giống như là những giọt nước dơ đã bị đổ, lỡ tạo tội rồi thì khó mà bào chữa. Vì tội đã tạo rồi. Tuy nhiên, nếu mình biết đã gây ra tội thì sám hối. Sau khi sám hối tội sẽ nhẹ đi và tin vào chư Phật, chư vị Bồ Tát các Ngài ấy sẽ giúp cho ta sớm hiểu rõ được nhân quả nghiệp báo v.v..., từ đó ta sẽ tinh tấn hơn.
- Mô Phật, chúng con đã rõ.
- Ta bây giờ đã lớn tuổi, muốn nhập thất một thời gian để tịnh tâm. Trước khi ta nhập thất, ta sẽ cho hai con thọ Sa Di giới. Ngộ Tánh tuy mới vào chùa, nhưng tuổi lớn rồi, nên được cạo tóc và thọ chung một lần với Ngộ Đạo. Ngày xưa khi Phật còn tại thế những ai trên 20 tuổi đi xuất gia được thọ Tỳ Kheo liền chứ không cần phải thọ Sa Di, chỉ những vị dưới 20 tuổi mới thọ. Nhưng ngày nay thì căn tánh của chúng sanh chậm lụt lắm, do vậy mà dầu cho lớn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa sau khi xuất gia rồi phải thọ Sa Di, rồi mới được thọ giới Tỳ Kheo. Đó là Luật. Ta sẽ mời chư Tôn Thiền Đức quanh vùng đến để làm lễ cho hai con và mọi việc chùa bên trong đã có hai vị Tịnh Hạnh Nhân lo rồi, còn bên ngoài thì Ngộ Tánh lo tiếp xúc với các Phật tử. Ngộ Đạo tuy ở chùa lâu nhưng còn nhỏ hãy lo đi học thêm và nên tiếp sức với huynh Ngộ Tánh của con.
- Mô Phật! Chúng con xin vâng!
Cả hai chú Tiểu cùng nhìn nhau, vì biết rằng ngày ấy sẽ đến. Nhưng sao Sư Cụ nhập Thất sớm thế. Có phải vì một lý do gì ẩn chứa bên trong chăng? Hay Sư Cụ muốn cho cả hai sống cuộc sống tự chủ như bài học vừa rồi Sư Cụ đã dạy. Hay là có một chuyện gì đây mà Sư Cụ muốn cho chúng ta, phải tự định đoạt bởi chính mình. Hoặc giả Sư Cụ thử thách chúng mình chăng? Nếu thử, thì thiếu gì cách để thử, để trở thành người lỗi lạc. Làm sao mà cục đá thứ ba sớm đeo vào lưng hai chú như thế? Mà chắc rằng cha mẹ bao giờ cũng thương con, chứ có bao giờ ghét bỏ đâu. Bởi thế ngày xưa người ta thường bảo, “thương thì cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Có lẽ chúng mình đang nằm trong trường hợp nầy chăng.
Cả hai chú đảnh lễ Sư Cụ và lui về liêu phòng của mình, để lo những công việc riêng của mỗi chú. Cánh cửa Phương Trượng Đường từ từ khép lại và bên ngoài thấy có dán một chữ “Bế” có nghĩa là Sư Cụ chẳng tiếp xúc với ai cả, cho đến ngày ra thất.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]